Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Tư liệu

13/05/2018

2. Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc

Nguyễn Văn Huy

Bài 2 :

Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc

 

mienbac1

Lũy tre làng miền Bắc đã trở thành một nét bản sắc của văn hóa Việt Nam

 

Trái với suy tưởng của nhiều người, lãnh thổ miền Bắc Việt Nam từ thời lập quốc cho đến khi bị Pháp thuộc đã không lớn rộng như nhìn thấy trên bản đồ hiện có. Cái nôi của nền văn minh Việt Nam trong suốt thời gian đó chỉ tập trung quanh châu thổ sông Hồng, các đồng bằng dọc bờ biển Bắc Trung Phần và trên các thung lũng sâu hẹp từ Lạng Sơn đến Cao Bằng. Miền Bắc chỉ thực sự lớn rộng vào cuối thế kỷ 19 khi Pháp làm áp lực buộc nhà Thanh tiến hành việc ấn định lằn ranh chia đôi lãnh thổ, với sự sát nhập khu vực thượng du Tây-Bắc vào miền Bắc Việt Nam. Làn ranh này cho tới nay đã không thay đổi.

Thời lập quốc và Bắc thuộc

Theo những truyền thuyết lịch sử được chép lại từ thế kỷ 14, địa bàn phát xuất nền văn minh Văn Lang, thời đại Hùng Vương, tập trung quanh lưu vực sông Hồng, từ chân núi Ba Vì đến chân núi Tam Đảo. Cao điểm của nền văn minh này, còn gọi là văn minh sông Hồng, là nếp sống hợp quần có tổ chức. Dân cư Văn Lang - người Lạc Việt - đã biết sản xuất vật dụng bằng đồng (văn hóa Đông Sơn), săn bắt thú rừng, hái lượm hoa quả, làm rẫy và biết trồng lúa nước.

Người Lạc Việt, ngày nay được nhìn nhận như là tổ tiên của dân tộc Việt Nam, thật ra không phải là những dân cư đầu tiên sinh sống trên châu thổ sông Hồng, trước đó đã có người Mélanésien. Mélanésien là những sắc dân vóc nhỏ, da đen, tóc xoắn, xuất hiện sau thời kỳ tiền sử và sơ sử, di cư từ phía Nam Thái Bình Dương lên bán đảo Đông Nam Á, kể cả châu thổ sông Hồng, sống xen kẽ và đồng hóa các nhóm người nguyên thủy địa phương để rồi sau cùng chỉ còn yếu tố Mélanésien. Sang thời kỳ hậu đồ đá, người Mélanésien, do kém phát triển hơn các nhóm di dân khác đến từ Mông Cổ và Nam Á lập nghiệp trên cùng địa bàn, yếu tố Mélanésien mất dần, cuối cùng chỉ còn yếu tố Nam Á và Mông Cổ. Những khám phá khảo cổ gần đây trên châu thổ sông Hồng xác nhận sự chuyển hóa này : các bộ lạc thuộc văn hóa Phùng Nguyên và Hoa Lộc (cách đây trên 4.000 năm) đã biết chăn nuôi, trồng lúa và sản xuất đồ gốm có hoa văn ; các bộ lạc thuộc văn hóa Đồng Dậu và Gò Mun (cách đây khoảng 3.000 năm) bắt đầu biết chế tác vật dụng bằng đồng và tụ cư trong những công xã thị tộc mẫu hệ. Tiếp theo là các bộ lạc thuộc văn hóa Đông Sơn, xuất hiện cách đây trên 2.000 năm, nắm vững kỹ thuật chế tác vật dụng bằng đồng thau ở trình độ cao, biết tổ chức xã hội có tôn ti trật tự và có một khu vực định cư tương đối rõ ràng. Văn hóa Đông Sơn gắn liền với sự xuất hiện của nước Văn Lang và người Lạc Việt

Văn Lang thật ra không phải là danh xưng của một nước mà là tên của một bộ lạc. Văn Lang đọc theo tiếng Việt Cổ là "pớk lang", nơi sinh trú của một nhóm Lạc Việt. Theo một nghiên cứu của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc thì từ "Lạc" trong thư tịch của Trung Quốc viết về nước ta là một phiên âm từ "rạc" mà theo tiếng cổ Việt và tiếng Mường có nghĩa là "nước". Vì tiếng Hoa không có âm "r" cho nên họ đã viết thành "lạc", Lạc Việt chỉ có nghĩa là nơi sinh trú của bộ tộc Việt (Yuan). Hùng Vương cũng không phải là tên một vị vua. Theo Trần Quốc Vượng, "Lang kun" trong tiếng Việt cổ là "người đứng đầu một địa phương", theo truyền thuyết đây là thủ lĩnh của một liên minh gồm 15 bộ tộc Lạc. Về sau dựa theo cách phiên âm và diễn giải của người Hán : "pớk lang" đọc thành "Văn Lang" để chỉ tên nước, "lang kun" đọc thành "Lang Hùng", sau bỏ chữ "lang" và thêm chữ "vương" để tôn vinh người thủ lĩnh. Lạc Việt là tên một nhóm thuộc hệ Bách Việt mang nặng yếu tố Indonésien. Người Indonésien to con, da ngâm đen, tóc dợn sóng, di cư từ sông Indus Ấn Độ, chứ không phải từ quần đảo Indonesia, vào lục địa Đông Nam Á và miền Tây Nam Trung Quốc lập nghiệp, hợp chủng với các sắc dân thuộc hệ Nam Á và Mông Cổ để rồi phân hóa thành nhiều nhóm Việt tộc khác nhau. Một nhóm đi dọc thung lũng các con sông nhỏ đến châu thổ sông Hồng định cư và hợp chủng với các nhóm Mélanésien địa phương để trở thành người Lạc Việt, thị tộc Hồng Bàng, lấy chim vạc hồng làm biểu tượng sùng bái (totem). Như vậy nền văn minh sông Hồng có thể đã có trên 4.000 năm nhưng nước Văn Lang và người Lạc Việt chỉ xuất hiện khoảng 2.500 năm trở lại đây mà thôi.

Tiếp theo Văn Lang là nước Âu Lạc. Có lẽ đến đời Hùng Vương thứ 18, thị tộc Hồng Bàng tuyệt tự nên một thủ lãnh thị tộc Tây Âu ở phía Bắc Văn Lang (Cao Bằng), tên Thục Phán, được đưa lên ngôi, hiệu An Dương Vương, để chống quân Tần xâm lược. Âu Lạc là sự tiếp nối của thời đại Hùng Vương qua liên minh Tây Âu và Lạc Việt vì cả hai cùng thuộc khối Bách Việt, sống gần gụi và xen kẽ với nhau trong lưu vực sông Hồng và sông Tây Giang (Quảng Tây). Trong thời kỳ này, ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn và ngôn ngữ cổ thời Hùng (tiếng Việt-Mường) tỏa rộng từ phía Nam sông Tây Giang đến đồng bằng duyên hải Thanh Hóa. Lãnh thổ Âu Lạc nới rộng tới đâu không tài liệu nào nói rõ, nhưng trong cuộc chiến chống quân Tần (218-208 trước công nguyên) nó bị thu hẹp lại, chỉ còn tập trung trên châu thổ sông Hồng, để rồi mất hẳn vào tay nhà Triệu (179 trước công nguyên). Âu Lạc bị sát nhập vào lãnh thổ Nam Việt và chia thành hai quận : Giao Chỉ (châu thổ sông Hồng) và Cửu Chân (Thanh Hóa), với những định mức hành chánh khá rõ ràng. Trong gần 70 năm dưới quyền quản trị của nhà Triệu, lãnh thổ Nam Việt bao gồm các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, châu thổ sông Hồng và bờ biển Thanh Hoá, nhưng chưa bao giờ vượt lên các miền thượng du Tây Bắc.

Vào cuối thế kỷ thứ II trước công nguyên, nhà Hán thống nhất lục địa và mở rộng lãnh thổ về phía Tây Nam. Nam Việt và nước Điền (Vân Nam) bị chiếm đóng và trở thành một châu của nhà Hán : Giao Châu. Trên nguyên tắc, Giao Châu được nới rộng đến Vân Nam và các vùng rừng núi Quảng Tây về phía Bắc, nhưng trong thực tế nhà Hán chỉ cai trị trên những vùng đất thấp. Đất Giao Châu được chia thành ba quận : Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam (Nghệ Tĩnh). Lãnh thổ quận Giao Chỉ được nới rộng tới các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay, nhưng nhà Hán chỉ cai trị trực tiếp khu vực châu thổ sông Hồng và vùng bờ biển Quảng Yên mà thôi.

Dưới thời Bắc thuộc, di dân Hán tộc vào Giao Chỉ lập nghiệp rất đông. Sự tích "một mẹ trăm con" có lẽ đã bắt đầu từ giai đoạn này chứ không phải vào giai đoạn trước. Một số dân cư Âu Lạc có tinh thần độc lập cao, không chấp nhận sự thống trị của người Hán, rút lên miền núi trở về cuộc sống cổ truyền : duy trì chế độ mẫu hệ, làm rẫy, săn bắn và hái lượm, để rồi trở thành những nhóm người Mường và Tày. Do sống cách biệt lâu ngày với đồng bằng, đời sống người miền núi trở nên lạc hậu và thua kém người đồng bằng. Trong khi đó trên châu thổ sông Hồng, cuộc sống hòa trộn giữa các nhóm Lạc Việt đồng bằng còn lại và người Hán di cư tạo thành một cộng đồng chủng tộc mới, cộng đồng người Kinh, theo chế độ phụ hệ. "Kinh" không phải là tên của một chủng tộc riêng biệt, thường được hiểu là người Việt, mà là tên gọi chung những người sinh sống ở vùng đồng bằng và chốn thị thành để phân biệt với người miền núi hay vùng cao (người Thượng). Với thời gian, yếu tố Indonésien và Mông Cổ trong cộng đồng người Kinh biến thể dần và trở thành yếu tố Việt Mường.

Kết quả chọn lựa hai khu vực định cư thay đổi hẳn quan hệ giữa người đồng bằng và người miền núi. Nhờ sinh sống trên một địa bàn thích hợp với nghề trồng lúa nước và biết áp dụng phương thức tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Nho giáo mà đặc điểm là củng cố không gian sinh tồn thuần chủng quanh khu vực trung tâm, hố cách biệt giữa hai khu vực địa dư ngày càng sâu rộng : dân số người Kinh đồng bằng gia tăng nhanh và phát triển hơn cộng đồng miền núi.

Sự giao lưu giữa hai cộng đồng có lẽ đã không diễn ra trong những điều kiện bình thường, người miền núi bị đặt ra ngoài vòng đai chủng tộc và phải thần phục người đồng bằng tại khu vực trung tâm để nhận sự che chở, nên trong giai đoạn đầu của thời kỳ Bắc thuộc những người miền núi, theo chế độ mẫu hệ, đã liên tục nổi lên chống lại khu vực trung tâm : hai chị em bà Trưng, anh em bà Triệu là những lãnh tụ Mường, Mai Thúc Loan là một lãnh tụ nam giới Chăm, gốc Nam Đảo. Chỉ sang giai đoạn sau, khi cộng đồng người Kinh bị người Hán lục địa sang cai trị và hiếp đáp quá đáng mới hợp lực cùng người Mường và người Chăm chống lại ách cai trị của phương Bắc, giành lại chủ quyền.

Huyện Tượng Lâm, vùng đất tận cùng phía Nam của quận Nhật Nam (tỉnh Quảng Bình ngày nay), là khu trái độn thuộc ô vuông thứ tư - "khu vực cưỡng chấp" theo quan niệm về không gian sinh tồn xưa - nơi thường xuyên xảy ra những vụ tranh chấp chủ quyền với người địa phương. Về mặt chiến lược, Tượng Lâm là vùng đất thấp có thể trở thành "khu vực an bình", thuận lợi cho sự mở rộng không gian sinh tồn của người đồng bằng do đó các chính quyền trung ương luôn tìm cách bảo vệ trong khi các vùng rừng núi phía Bắc và Tây-Bắc, thuộc "khu vực vô cương", hoàn toàn bị bỏ rơi. Thêm vào đó, khái niệm về lằn ranh phân chia lãnh thổ còn rất mơ hồ, ranh giới huyện Tượng Lâm ở phía Nam rộng hẹp tùy thuộc sự thần phục của các sắc dân địa phương và được phỏng đoán ở Đèo Ngang (trụ đồng Mã Viện có thể đã được dựng lên ở khu vực này). Cuối cùng huyện Tượng Lâm bị mất vào tay người Chăm năm 192 sau công nguyên và trở thành nước Lâm Ấp.

Lâm Ấp là một biến cố chính trị, một sự ly khai khỏi ảnh hưởng nhà Hán ở phía Nam Trung Quốc. Nó là tiền đề cho những cuộc đấu tranh giành độc lập của người Kinh sau này. Lâm Ấp, theo nhà Đông Hán, là một ấp nhỏ ở phía Nam sát vừng rừng núi. Danh xưng mới này là một biến nghĩa của Tượng Lâm, nhà Đông Hán muốn nói Lâm Ấp chỉ là một phần đất nhỏ không quan trọng để thiên triều phải can thiệp trực tiếp, và nếu có mất thì cũng không lấy gì làm quan trọng vì nằm trong "khu vực cưỡng chấp", nơi sinh trú của những tộc "Man". Sách Thủy Kinh Chú giải thích rõ Lâm Ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ "Tượng" (phía Nam) để trở thành Lâm Ấp. Có người cho rằng Lâm Ấp là sự phiên âm theo tên tộc của người địa phương Krom hay Prum thuộc ảnh hưởng Ấn Độ mà thành. Ngôn ngữ Trung Hoa trong thời kỳ này có nhiều hạn chế, nhất là trong việc phiên âm hay chiết tự các tên ngoại quốc. Lin-yi có thể là cách viết phiên âm từ chữ "Hindi", tức người Ấn ; người Hoa dựa vào đó phát âm thành Lin-yi, người Việt cải âm thành Lâm Ấp, rồi từ đó diễn giải theo nghĩa mình nghĩ (Lâm là rừng, Ấp là thôn nhỏ v.v...). Đến thế kỷ thứ 8 Lâm Ấp được gọi là Hoàn Vương Quốc và sang thế kỷ thứ 9 có tên là Chiêm Thành (Champa), tên gọi này chính xác nhất và tồn tại đến cuối thế kỷ thứ 17.

Thời kỳ tự chủ

Khi Ngô Quyền giành được độc lập năm 938, lằn ranh hành chánh có tính ước lệ giữa Giao Châu và Trung Quốc trước kia trở thành lằn ranh chính trị thực tế phân chia hai lãnh thổ và không mấy thay đổi trong suốt thời kỳ độc lập, nghĩa là từ vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh lên Cao Bằng và châu thổ sông Hồng, trong khi lằn ranh phân chia Giao Châu với Lâm Ấp ở phía Nam rất là bất ổn vì tranh chấp thường xuyên.

Trong thời tự chủ, miền Bắc có nhiều tên khác nhau (Đại Cồ Việt, Đại Việt, An Nam Quốc, Đại Ngu, Việt Nam, Đại Nam) nhưng ít ai dùng đến. Người Kinh thời đó thường xưng mình là "thần dân" của triều đại đương quyền để xác nhận "quốc tịch" của mình đối với các triều đại khác (bên Trung Quốc). Năm 1081, vua Lý Nhân Tôn có sai Lê Văn Thịnh sang "nước Tống" thảo luận về việc ấn định lằn ranh phân chia hai nước, nhưng thiện chí này không ngăn cản quân Tống tiến đánh nhà Lý.

Œ vùng cực Nam, do sinh cư trên một vùng đất hẹp và cằn cỗi, năng suất nông nghiệp không đủ cung cấp cho một dân số không ngừng tăng lên, các vua chúa Chăm thường hay cất quân lên miền Bắc đánh phá, cướp lương thực và bắt người về làm nô lệ xây dựng đền đài. Lằn ranh phân chia lãnh thổ miền Bắc với Lâm Ấp lúc đầu được xác định ở Đèo Ngang, sau lùi dần xuống phía Nam theo đà suy kiệt của người Chăm. Năm 1069 vua Chiêm là Chế Củ (Rudravarman III) nhường cho vua Lý Thánh Tôn ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình và Bắc Quảng Trị) ; năm 1306 Chế Mân (Simhavarman III) tặng vua Trần Anh Tôn châu Ô và Châu Lí làm quà cưới công chúa Huyền Trân ; năm 1471 vua Lê Thánh Tôn chiếm thành Đồ Bàn (Vijaya) và một vùng đất dài tới mũi Chân Mây (Quảng Nam). Càng về sau lãnh thổ Chiêm Thành teo hẹp hay lớn rộng tùy theo những chiến tích quân sự, thường là bất lợi cho Chiêm Thành.

Địa giới cuối cùng của miền Bắc ở phía Nam chỉ chính thức được ấn định sau năm 1630, khi Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên cho người ra Thăng Long trả lại sắc dụ (phong chúa Sãi là Thái Phó Quốc Công) của triều Lê, công khai bất phục uy quyền của họ Trịnh, rồi xua quân chiếm đóng phần đất phía Nam Bố Chính. Làn ranh nội biên giữa miền Bắc và miền Nam, thường được dân chúng gọi là Bắc Hà - Nam Hà, được xác định ở Linh Giang (hay sông Gianh) và lằn ranh ngoại biên giữa xứ Đàng Trong với Champa vào giữa thế kỷ 17 được xác định ở chân núi Thạch Bi, đèo Cả (Phú Yên). Tại Thanh Hóa, thuộc lãnh thổ Bắc Hà, lằn ranh khai thác ruộng đất của người Kinh chỉ tập trung từ đồng bằng duyên hải đến phía Bắc Bố Chính và khu vực trung lưu các sông Cả và sông Chu ; khu vực thượng lưu hai con sông này còn rất xa lạ.

Trở về vùng biên giới phía Bắc, lằn ranh chính trị phân chia hai triều đại Việt - Trung rất là bất định, các nhóm Tày, Thái, Nùng, Mán và Mèo trốn chạy các cuộc loạn lạc bên Trung Quốc vào Lạng Sơn và Cao Bằng lập nghiệp ngày càng đông và tùy sự thần phục của các nhóm này mà uy quyền của hai trung tâm quyền lực nới rộng đến đó. Khu vực thượng du Lạng Sơn và Cao Bằng trở thành vùng trái độn. Trong thực tế các sắc dân sinh sống trong khu vực này thần phục cả hai triều đình, nhờ đó đã hưởng một phần nào đó qui chế tự trị.

Sự kiểm soát chính trị của triều đình Việt Nam trên các vùng trái độn rất là lỏng lẻo, phần lớn các chức vị hành chánh đều do các thủ lãnh địa phương đảm nhiệm. Chính sách thường được áp dụng có tên là "kềm cương phụ đạo" hay "cơ my phụ đạo", nghĩa là kiểm soát (kềm cương) hay ràng buộc (cơ my), nâng đỡ và hướng dẫn các vị lãnh chúa địa phương (phụ đạo) để thay mặt triều đình thu thuế và làm tai mắt tại vùng biên giới phòng hờ ngoại xâm hay quân phản loạn. Chính sách này còn có một tên không mấy đẹp đẽ là "dĩ man trị man" (dùng người địa phương cai trị người địa phương), nhưng có lợi cho cả đôi bên : uy tín của các lãnh chúa địa phương được tăng cường và an ninh của "khu vực trung tâm" (kinh đô) nhờ đó được củng cố. Chỉ khi nào thực sự bị đe dọa, triều đình Việt Nam mới cất quân vào can thiệp như trong các năm 931 và 1078 đánh Tống, dẹp Nùng (1038/1048), chống Mông Cổ (1285/1288), v.v..., và rút quân về ngay khi an ninh được vãn hồi.

Các khu vực trái độn thường có một vị trí chiến lược lý tưởng để các phe thù nghịch vận động các sắc dân địa phương quấy phá đối phương. Trong quá khứ, người Việt và người Hoa thường gián tiếp hay trực tiếp giúp người thiểu số hay quân phản loạn chống lại triều đình đối phương dọc vùng biên giới. Năm 1592, nhà Minh buộc nhà Lê giao đất Hưng Hóa (Cao Bằng và Lạng Sơn) cho con cháu họ Mạc cai quản nhưng đến năm 1667 thì bị lấy lại ; nhà Lê và nhà Thanh chấp nhận phân ranh lãnh thổ bằng những trụ đá nhưng thỏa thuận này không được tôn trọng, sáu huyện ở Hưng Hóa lọt vào tay nhà Thanh. Nhiều cuộc đụng độ võ trang giữa quân Thanh và chúa Trịnh đã xảy ra tại Lạng Sơn và Cao Bằng trong suốt thời gian từ 1724 đến 1753 mà thắng lợi nghiêng về phía Việt Nam, nhiều đồn bót quân sự đã được dựng lên để kiểm soát sự qua lại của dân chúng trong vùng. Ngược lại, cũng trong thời gian này, Việt Nam mất quyền kiểm soát trên một khu vực rộng lớn phía Tây Bắc, từ Tuyên Quang đến Vân Nam, các lãnh chúa người Thái và Tày hùa theo các phong trào "phản Thanh phục Minh" và sau đó là nhóm "Thái Bình Thiên Quốc" chống lại cả hai triều đình.

Khu vực bờ biển bờ biển phía Bắc Việt Nam tiếp giáp tỉnh Quảng Đông trong hai thế kỷ 18 và 19 cũng gặp nhiều biến động, hải tặc người Hoa tung hoành cướp bóc thuyền bè qua lại. Làn ranh phân chia lãnh hải và đất liền tại đây chưa được xác định rõ ràng. Năm 1764 dân cư huyện Vạn Ninh (Hải Ninh) phải di tản về phía Nam lánh nạn, ngư dân người Hoa liền vào thay thế và dựng làng dọc bờ biển từ Yên Quảng (Quảng Ninh) đến Thanh Hóa. Sự hiện diện bất hợp pháp của ngư phủ người Hoa càng làm tình hình an ninh tại đây thêm phần bất ổn, năm 1829 tổng đốc tỉnh Quảng Yên phải huy động 45 tàu chiến để đuổi hơn ba trăm tàu đánh cá Trung Hoa ra khỏi khu vực bờ biển. Nguyễn Công Trứ, năm 1839, cũng ra tay đuổi ngư phủ Trung Hoa về nước nhưng tất cả xin làm "thần dân" triều Nguyễn, như người Minh Hương trước đó đã làm, và được vua Minh Mạng chấp nhận.

Năm 1786, khi Nguyễn Huệ ra Bắc khuất phục triều Lê, toàn khu vực Đông Bắc lọt vào tay nhà Thanh và chỉ thu hồi lại năm 1789 khi quân Thanh bị đánh bại bỏ chạy về nước. Nhưng Nguyễn Huệ không có ý định ở lại đất Bắc nên trong suốt thời gian tranh giành ảnh hưởng với Nguyễn Phúc Ánh ở trong Nam, khu vực thượng du trở nên vô chủ, các toán cướp người Hoa và quân Thanh lại vào chiếm cứ, lằn ranh miền Bắc trở nên bất định. Trong những lần cử người sang Yên Kinh triều cống, Nguyễn Huệ có yêu cầu nhà Thanh trả lại sáu huyện thuộc tỉnh Hưng Hóa bị sát nhập vào tỉnh Vân Nam sau khi nhà Mạc bị diệt, nhưng không được thỏa mãn. Tham vọng của Nguyễn Huệ không dừng lại ở đó, ông còn muốn đòi lại vùng đất Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Đông) vì cho rằng trước kia thuộc lãnh thổ nước Nam. Từ sau 1789, Nguyễn Huệ mộ quân cướp biển người Hoa trong vịnh Bắc Bộ làm thuộc hạ và ngấm ngầm cho xâm nhập vào các làng ven biển Quảng Đông đánh phá, đồng thời ủng hộ các phong trào phản Thanh trong nội địa Quảng Tây. Nguyễn Huệ qua đời năm 1792, những người kế tục ông không đủ bản lĩnh tiếp nối, tham vọng đó nhường cho Gia Long.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, xưng hiệu Gia Long, và đặt tên nước là Nam Việt. Khi chọn quốc hiệu này, Gia Long cũng có ý muốn thu hồi lại vùng đất Lưỡng Quảng trước kia thuộc Nam Việt thời Triệu. Nhưng khi cử người sang Yên Kinh cầu phong năm 1803, nhà Thanh phủ nhận quốc hiệu này và giữ nguyên tên cũ là An Nam. Gia Long cho đảo ngược tên nước lại thành Việt Nam, nhưng ít khi dùng tới. Năm 1806, sau khi thu phục được những nhóm người Tày và Thái sinh sống trên vùng thượng du theo mình, Gia Long cử người sang Yên Kinh đòi lại sáu huyện thuộc tỉnh Hưng Hóa và hai châu Chiêu Tấn và Lại ở vùng Tây Bắc, yêu cầu này không được thỏa mãn. Thời gian sau đó, vì bận đối phó với đủ loại giặc giã trong và ngoài nước, cả hai triều đình bỏ rơi các cuộc tranh chấp ; khu vực biên giới trở nên vô chủ. Năm 1839, Minh Mạng đổi tên nước thành Đại Nam. Đại Nam về mặt chính trị có thể được xem là một đế quốc, vì ảnh hưởng của triều Nguyễn đã vượt lên Trường Sơn, tỏa rộng đến tả ngạn sông Mékong và xuống tận Biển Hồ. Nhưng khi Minh Mạng cử người sang Yên Kinh triều cống, nhà Thanh bác bỏ quốc hiệu mới và vẫn giữ nguyên tên cũ là An Nam. Đối với người Hoa, An Nam chỉ là phần đất phía Nam cần phải bình định. Khi làm chủ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, người Pháp cũng dựa theo nhà Thanh gọi lãnh thổ chung của người Việt là An Nam, nhưng về sau thì theo cách gọi thời Trịnh Nguyễn : Bắc Hà (Tonkin) và Nam Hà (Cochinchine), danh xưng "Annam" chỉ xuất hiện vào giữa thế kỷ 19 để chỉ miền Trung (Trung Kỳ).

Cũng nên biết danh xưng "Cochinchine" là cách đọc trại từ chữ Cocincina của Bồ Đào Nha, có nghĩa là vùng đất tiếp giáp giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, mà các giáo sĩ người Pháp đặt tên cho miền Nam. Cochin (Kochin hay Kochi) là tên một thành phố ở phía tây-nam Ấn Độ do người Bồ Đào Nha được tiểu vương Malabar cho phép xây dựng thương điếm đầu tiên năm 1544. Từ sau ngày đó danh xưng Cochin được ám chỉ là Ấn Độ (thực ra vào lúc đó ranh giới của Ấn Độ cũng chưa rõ ràng), để cạnh tranh với người Hòa Lan lúc đó đã làm chủ cả vùng biển Đông Nam Á. Khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha được thương thuyền chở tới hai huyện Nam Chân và Hương Thủy (thuộc địa phận tỉnh Nam Định ngày nay) truyền đạo năm 1533, họ đặt tên vùng đất mới này là Cocinchina (Cinacochin hay Campacina). Từ nửa cuối thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 19, địa bàn Cocincina bao trùm một vùng đất lớn : các đồng bằng duyên hải miền Trung đến lãnh thổ Đồng Nai. Danh xưng này được giới thương thuyền và giáo sĩ Châu Âu sử dụng cho tới hết nửa đầu thế kỷ 19, sau khi Pháp chiếm miền Nam làm thuộc địa, danh xưng Cochinchine đổi thành Indochine.

Năm 1868, vùng thượng du miền Bắc trở nên bất trị, nhà Nguyễn mất quyền kiểm soát ở khu vực này. Đám tàn quân Thái Bình Thiên Quốc (giặc Hồ) bị nhà Thanh đánh bại chạy vào Việt Nam lánh nạn, chiếm đóng một địa bàn rộng lớn từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến Thái Nguyên, Tuyên Quang làm sào huyệt và chia thành các nhóm Cờ Đen, Cờ Vàng và Cờ Trắng đánh phá lẫn nhau. Khi thủ lãnh nhóm Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc xin thần phục triều đình, "quốc tịch" của Lưu Vĩnh Phúc liền được công nhận, từ "giặc cướp" quân Cờ Đen trở thành "thần dân" của triều Nguyễn và được giao quyền quản trị một địa bàn rộng lớn từ Hà Giang đến Lào Cai để ngăn chặn các cuộc cướp phá của các nhóm Cờ Trắng và Cờ Vàng, đồng thời kiểm soát sự lưu thông vùng thượng du sông Hồng. Khi Pháp tiến đánh thành Hà Nội năm 1873, chính Lưu Vĩnh Phúc đã đứng ra bảo vệ và giết thuyền trưởng Francis Garnier, quân Pháp phải rút lui. Năm 1882, chỉ huy trưởng Henri Rivière cũng bị quân Cờ Đen sát hại khi dẫn quân ra Bắc tái chiếm thành Hà Nội. Cuối cùng triều đình Huế bị Pháp đánh bại, buộc ký các hiệp ước bất công năm 1883 và 1884, theo đó Pháp thay mặt triều đình ký các hiệp ước về ngoại giao, trong đó có quyền ký kết các hiệp ước về biên giới. Lãnh thổ Việt Nam bị chia thành ba kỳ với ba qui chế khác biệt : lãnh thổ Bắc Kỳ, từ Đèo Ngang trở ra, đặt dưới quyền bảo hộ trực tiếp ; lãnh thổ Trung Kỳ, từ Khánh Hòa ra tới Đèo Ngang, hưởng qui chế bảo hộ ; và lãnh thổ Nam Kỳ, từ Bình Thuận trở vào, là thuộc địa.

Thời Pháp thuộc

Khu vực biên giới miền Bắc trở nên phức tạp sau hiệp ước 1884. Một số sĩ phu triều Nguyễn hợp với các toán quân Trung Hoa chiếm đóng một vùng đất rộng từ Bắc Ninh, Sơn Tây, Yên Thế, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang đến Cao Bằng, Lạng Sơn, nói chung là toàn vùng thượng du và trung du, lập căn cứ kháng chiến chống lại quân Pháp. Mặc dù được Lý Hồng Chương, chỉ huy trưởng quân khu Quảng Tây của nhà Thanh, ký thỏa thuận rút hết quân về nước và giao các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Kay ngày 17/05/1884, Pháp vẫn không làm chủ được vùng đất này. Nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa quân Thanh và quân Pháp đã xảy ra dọc vùng biên giới từ tháng 8/1883 đến tháng 3/1885, cuối cùng quân Pháp phải rút lui khỏi Lạng Sơn kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Ferry tại mẫu quốc. Đầu năm 1885 Pháp tiến công đảo Đài Loan, tiêu diệt hạm đội Quảng Đông, nhà Thanh mới chịu ký hòa ước Thiên Tân tháng 6/1885, thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Bắc Kỳ, rút quân ra khỏi các tỉnh vùng Đông-Bắc và thành lập các ủy ban phân định lằn ranh chia đôi lãnh thổ.

Phái đoàn thương lượng lằn ranh chia đôi lãnh thổ gồm có người Pháp và người Hoa, chính quyền thuộc địa Pháp không cho triều đình Huế có mặt trong các cuộc thương lượng này vì muốn chấm dứt sự lệ thuộc của triều Nguyễn với nhà Thanh. Các cuộc thương lượng được chia ra làm ba giai đoạn và công tác xác nhận chủ quyền đất đai kéo dài trong mười năm, từ 1886 đến 1895. Giai đoạn đầu (từ tháng 1 đến tháng 4/1886), họp tại Đồng Đăng, ấn định khu vực biên giới Quảng Tây ; giai đoạn hai (từ tháng 6 đến tháng 11/1886), họp tại Lào Cai, ấn định khu vực phân chia lãnh thổ tại Vân Nam ; và giai đoạn ba (từ tháng 11/1886 đến tháng 4/1887), họp tại Móng Cái, ấn định lằn ranh tỉnh Quảng Đông và vùng duyên hải. Qua các cuộc thương lượng, có ba khu vực mà Pháp nhượng cho Trung Hoa để đổi lại những nhượng bộ khác về kinh tế (xuất cảng hàng hóa và thành lập hai tòa lãnh sự Pháp tại Vân Nam và Quảng Tây), đó là Hoành Mô (70 km2) vùng đất nằm giữa thượng nguồn sông Tiên Yên và sông Long Hồ ở Quảng Đông, xã Đèo Lương (300 km2) ở Quảng Tây và xã Tụ Long (750 km2) ở Vân Nam.

Thỏa thuận đầu tiên về vùng biên giới Đông Bắc Việt Nam được sứ giả Pháp Constans ký với nhà Thanh ngày 26/06/1887 tại Bắc Kinh, gọi là "công ước Constans 1887", theo đó lằn ranh phân chia Việt Nam với Quảng Đông dài khoảng 60 km, với Quảng Tây 300 km và với Vân Nam gần 600 km. Phải ghi nhận công lao của người Pháp vì thương lượng với nhà Thanh từng tất đất và thiết lập địa đồ khu vực rừng núi hiểm trở trên miền thượng du Bắc Việt không phải dễ. Quân đội Pháp đã mất khá nhiều sĩ quan và binh lính trong các cuộc hành quân thám hiểm và đo đạc địa hình trên vùng rừng núi phía Bắc. Thành quả của các cuộc thương lượng về biên giới này tuy còn nhiều thiếu sót nhưng rất khích lệ. Lần đầu tiên Việt Nam có một biên giới rõ ràng, nhìn thấy trên bản đồ với tên địa danh, đường sá, sông ngòi chi tiết, và được đánh dấu bằng những cột mốc trên đất liền từ Lào Cai tới mũi Trà Cổ. Nhiều trục lộ giao thông lớn từ đồng bằng lên vùng biên giới Đông-Bắc và các đồn kiểm soát sự qua lại tại khu vực biên giới được thành lập.

Trong suốt thời gian thương lượng, Pháp một mặt tiến hành các cuộc hành quân tiểu trừ quân Thanh và Cờ Đen còn chiếm giữ nhiều khu vực trọng yếu trong vùng Phong Thổ (thuộc tỉnh Lai Châu ngày nay), một mặt cử nhiều đoàn thám hiểm đo đạc địa hình và nghiên cứu thủy thổ, phong tục tập quán của các sắc dân cư ngụ dọc vùng biên giới ở khu vực phía Tây Lào Cai. Năm 1891, một thủ lãnh người Thái tên Đèo Văn Trì, trước kia theo Tôn Thất Thuyết chống lại quân Pháp sau qui phục phái đoàn Auguste Pavie tại Lào, trở thành hướng dẫn viên đắc lực giúp Pháp vẽ lại địa hình khu vực biên giới Tây-Bắc, đặc biệt là vùng đất từ phía Tây Lào Cai đến tả ngạn sông Mékong miền Bắc Lào. Auguste Pavie đã đi khắp các mương Thái trong vùng Điện Biên, chinh phục cảm tình thủ lãnh các sắc tộc Thái, Tày, Nùng, Mường, Mán, Mèo, Dao và đặt tất cả dưới quyền bảo hộ của Pháp. Năm 1893, Pháp đánh bật đám tàn quân Thái Bình Thiên Quốc ra khỏi Luang Prabang, đưa Oun Kham lên ngôi và đặt Lào dưới sự bảo hộ của Pháp. Trong thời gian này quân Thanh bị Nhật đánh bại tại Mãn Châu, sứ giả Pháp tại Bắc Kinh Gérard liền đề nghị mở lại các cuộc thương lượng về vùng biên giới phía Bắc Việt Nam và được chấp thuận.

Thỏa thuận thứ hai về vùng biên giới Bắc Việt Nam, gọi là "công ước Gérard 1895", được ký ngày 3/01/1895 tại Long Po (một làng nhỏ bên Trung Quốc cạnh biên giới tỉnh Vân Nam và nằm giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu ngày nay), theo đó chiều dài vùng biên giới giữa Vân Nam và Việt Nam được nới rộng thêm khoảng 200 km, tổng cộng gần 800 km. Nhiều vùng đất rộng lớn, đặc biệt là 12 mương Thái trước kia thuộc Vân Nam theo công ước Constans 1887, được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam và Lào, hai tỉnh mới, Lai Châu và Sơn La, được thành lập. Làn ranh phân chia các khu vực hành chánh trong nội bộ lãnh thổ Bắc Kỳ dựa theo sự phân bổ tự nhiên của dân chúng, một số được giữ nguyên, một số khác được ấn định lại và những lằn ranh đó cho tới nay gần như không thay đổi.

Chính quyền bảo hộ Pháp sau đó cử nhiều phái đoàn thám hiểm đo đạc địa hình các tỉnh phía Tây Bắc để xác định lằn ranh phân chia nơi sinh trú giữa các sắc dân Thái, Lào và người Kinh, đặc biệt là tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhiều thỏa thuận nội bộ giữa Bắc Kỳ và Lào được ký kết : ranh giới các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình với Bắc Lào được xác định ; ranh giới tỉnh Ninh Bình được dùng làm điểm phân ranh giữa Bắc Lào, Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Vùng đất Hứa Phàn sau nhiều tranh cãi, dựa theo quan hệ lịch sử, cuối cùng được sát nhập vào địa phận Thanh Hóa.

Việc quản trị vùng thượng du Bắc Việt sau 1895 trên nguyên tắc do chính quyền bảo hộ đảm nhiệm, nhưng trong thực tế do các lãnh chúa địa phương điều hành dưới sự giám sát của quân đội Pháp. Trong giai đoạn này, các sắc tộc Thái, Tày, Nùng và Mèo hưởng một qui chế tự trị rộng rãi và sống cách biệt hẳn với người Kinh đồng bằng. Đặc biệt là cộng đồng người Thái, nhất là dòng họ Đèo rất được người Pháp tôn trọng, đã giữ một vai trò quan trọng trong các quyết định hành chánh và các cuộc tranh chấp địa phương. Chẳng hạn như một số mương Thái trong địa phận Hứa Phàn, dựa trên quan hệ huyết thống với các mương Thái khác trên đất Lào, phản đối việc sát nhập vào tỉnh Thanh Hóa năm 1895 và xin được nhập vào vương quốc Lào ; lời yêu cầu này đã được Pháp chấp thuận năm 1903. Chính phủ hoàng gia Lào cũng nhân dịp yêu cầu sát nhập các mương Thái tại Điện Biên vào Lào nhưng không được triều Nguyễn chấp nhận. Để tránh mọi tranh chấp khác có thể xảy ra, ranh giới hai tỉnh Lai Châu (Bắc Kỳ) và Muong U (Lào) được chính quyền bảo hộ ấn định lại một cách rõ ràng với tên đỉnh núi, dòng sông và đèo ải cụ thể.

Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất, Việt Minh chỉ kêu gọi được sự hợp tác của người Tày tại miền Bắc vì lập căn cứ trên lãnh thổ của họ (chiến khu Việt-Bắc), các nhóm khác vẫn đứng ngoài cuộc chiến và người Pháp biết lợi dụng yếu tố này. Trong mục đích chia để trị, năm 1949 Pháp cho thành lập các "Liên bang Thái Mèo" gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La và Lào Cai, "Liên bang Mường Thổ Tày" tại Cao Bắc Lạng và "Liên bang Nùng" từ Lạng Sơn đến Vịnh Hạ Long, để bao vây các căn cứ của phong trào Việt Minh. Những liên bang tự trị này sau đó được sát nhập vào Xứ Thượng Miền Bắc năm 1951, trực thuộc Hoàng Triều Cương Thổ (trong đó có Xứ Thượng Miền Nam) do Bảo Bại đứng đầu và Pháp điều khiển. Các nhóm biệt kích Thái, Nùng và Mèo do Pháp huấn luyện đã phá vỡ nhiều chiến khu Việt Minh trên vùng Việt-Bắc. Sau 1954 Xứ Thượng Miền Bắc được giao trả lại cho chính quyền miền Bắc, Hồ Chí Minh đã khôn ngoan chấp nhận một số qui chế tự trị cho các sắc tộc miền thượng du để tìm hợp tác và chỉ siết lại khi guồng máy cai trị đã vững. Sự kiện này cho thấy các sắc tộc miền núi ít gắn bó với người Kinh ở đồng bằng và sẵn sàng quay mặt lại khi tình thế cho phép.

Mất nước là mối nhục lớn cho mọi dân tộc, nhất là một dân tộc có một nền văn hóa lâu đời như Việt Nam. Mặc cảm đó cho đến nay vẫn còn im đậm trong ký ức của mọi người, nhưng trong cái rủi phải tìm điều may. Qua hai công ước 1887 và 1895, miền Bắc Việt Nam có một lãnh thổ rộng lớn và một vùng biên giới rõ ràng ; tuy bị lấy đi phần đất Hứa Phàn, vùng biên giới đó cho tới nay không thay đổi. Người Pháp tuy có chiếm Đông Dương làm thuộc khai thác tài nguyên nhân vật lực, nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận họ đã góp phần đáng kể phát triển vùng đất này và mở rộng lãnh thổ với những lằn ranh cố định phân chia các quốc gia. Tại Việt Nam người Pháp đã cố gắng mở rộng lãnh thổ lên vùng rừng núi phía Bắc bằng chính xương máu của họ mà trong suốt hơn hai ngàn năm qua người Việt chưa bao giờ thực hiện được. Cũng nên ghi nhận công lao của Pháp trong việc ấn định lằn ranh phân chia Việt Nam với Trung Quốc vì, trong quá khứ và ngay trong hiện tại, người Việt chưa bao giờ có tư thế bình đẳng khi thương lượng với Trung Quốc về vùng biên giới. Có hiểu được sự yếu kém của mình chúng ta mới quí vùng ranh giới hiện có, tổ tiên chúng ta đã đổ rất nhiều xương máu bảo vệ lãnh thổ nhưng chưa bao giờ thuyết phục Trung Quốc tôn trọng lằn ranh phân chia hai nước. Người Pháp đã thay chúng ta làm được việc đó và, hơn thế nữa, còn nới rộng lãnh thổ Việt Nam lên đến nơi sinh trú của con cháu bà Âu Cơ.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ và bình thường hóa quan hệ giữa người Việt Nam với nhau. Nếu quan niệm xưa về không gian sinh tồn đã chia rẽ người Việt Nam với nhau thì ngày nay, với chủ thuyết đa nguyên, các cộng đồng dân tộc phải được tôn trọng như nhau trong một đất nước Việt Nam được định nghĩa như là đất nước của các cộng đồng. Nhìn lại anh em tìm lại bạn bè chính vì vậy phải là trọng tâm của mọi dự án Việt Nam.

Nguyễn Văn Huy

(09/1999)

Đọc thêm :

Lời mở đầu

Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch

Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc

Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung

Bài 4 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Nam

Bài 5 : Sự hình thành hải phận và không phận

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Huy
Read 1367 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)