Bài 4 :
Sự hình thành các vùng biên giới miền Nam
Sông Cửu Long cho đến ngày nay là vẫn nguồn sinh sống chính của cộng đồng dân tộc miền Nam
Nếu sự khám phá Tây Nguyên giữa thế kỷ 19 đối với người Pháp là một tình cờ đầy phiêu lưu thì sự có mặt của người Việt tại miền Nam cuối thế kỷ 17 cũng là một tình cờ lịch sử.
Tình cờ lịch sử là vì không do một tham vọng đất đai nào hay bị thúc đẩy bởi một động cơ dân số nào lúc khởi đầu, người Việt có mặt đông đảo trên đồng bằng sông Cửu Long một cách hòa bình. Chỉ về sau, trong suốt thế kỷ 18, để được bảo vệ và giúp đỡ các vị vương tôn Khmer mới nhường thêm những phần đất khác trên đồng bằng sông Cửu Long cho người Hoa di cư và triều Nguyễn. Từ giữa thế kỷ 19, người Pháp chiếm hữu các tỉnh miền Nam và áp đặt chế độ thuộc địa, khu vực biên giới Việt Nam - Kampuchea mới được phân chia một cách rõ ràng và đã không thay đổi cho đến ngày nay.
Sự có mặt của người Việt tại Gia Định
Từ đầu thế kỷ 17, nội bộ Chân Lạp thường xuyên có loạn, các dòng vương tôn chia làm hai phe tranh chấp lẫn nhau, một phe được Xiêm La đỡ đầu, phe khác tìm hậu thuẫn nơi các chúa Nguyễn. Vùng đất phía Tây Chân Lạp (từ Angkor đến Biển Hồ) đã thuộc Xiêm La từ đầu thế kỷ 16, vùng đất còn lại phía Đông (từ Oudong đến Lovea Em) đặt dưới sự bảo hộ của Ayutthaya (kinh đô Xiêm La). Sự bảo hộ của người Thái tại Đông Chân Lạp có lẽ đã rất hà khắc nên gây nhiều bất mãn trong giới vương tôn Khmer. Năm 1620, vua Đông Chân Lạp là Jayajettha II (Chetta II) đến Phúc An (Thuận Hóa) cầu hôn quận chúa Ngọc Vạn, ái nữ thứ ba của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Mục đích của việc kết nghĩa sui gia này là để tìm đồng minh : Jayajettha II đang bị Ayutthaya đe dọa còn chúa Sãi thì cần nguồn tiếp liệu (gạo, trâu, ngựa và voi) mang về Thuận Hóa củng cố lực lượng chống lại chúa Trịnh phía Bắc.
Cũng nên biết Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên có bốn người con gái : quận chúa Ngọc Liên gả cho trấn thủ Trấn Biên (Phú Yên) Nguyễn Phước Vinh năm 1629 ; quận chúa Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp Jayajettha II (1619-1627) năm 1620 (hoàng hậu Ang Cuv) ; quận chúa Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Thành Po Romé (1627-1651) năm 1629 (hoàng hậu Po Bia Út) và quận chúa Ngọc Đỉnh gả cho nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều năm 1623. Đoàn tùy tùng của quận chúa Ngọc Vạn gồm một ngàn người (500 thiếu nữ và 500 thanh niên), trú đóng tại kinh đô Lovea Em để phục dịch và bảo vệ quận chúa. Sự có mặt của người Việt trên đất Chùa Tháp như vậy chỉ thực sự bắt đầu từ 1620.
Vừa kết nghĩa sui gia xong, Jayajettha II liền dời kinh đô lên Oudong phía Tây Bắc với mục đích làm bản doanh chiếm lại những vùng đất đã mất vào tay quân Xiêm La trong vùng Biển Hồ (Tonlé Sap). Sự trở mặt của vương triều Đông Chân Lạp khiến Ayutthaya nổi giận, năm 1622, quân Xiêm La tiến vào Oudong nhưng bị Jayajettha II, chỉ huy quân đánh bộ, và hoàng hậu Ang Cuv, chỉ huy thủy binh, đẩy lùi. Sau chiến công này, năm 1623, chúa Sãi yêu cầu vua Khmer nhường Prei Nokor và Kampong Trabei (Gia Định và Bến Nghé) trong vòng năm năm để lập trạm thu mua gạo, voi, trâu và ngựa mang về Thuận Hóa. Nhận thấy sự có mặt của người Việt tại đây là một bảo đảm về mặt an ninh ở phía Đông Nam, Jayajettha II liền ưng thuận. Năm 1627, Jayajettha II từ trần, con là Sri Dhammaraja I lên ngôi, Ang Cuv trở thành hoàng thái hậu ; chúa Sãi cử thêm hai quan văn võ cùng 500 binh lính sang bảo vệ.
Sự hiện diện của binh sĩ Việt Nam ngay tại hoàng cung làm Dhammaraja mạnh dạng thêm, nhà vua chuẩn bị lực lượng tấn công quân Xiêm đồn trú tại Angkor ; thời gian nhượng Prei Nokor và Kampong Trabei do đó được kéo dài vô hạn định. Nhưng Dhammaraja bị chú là Paramaraja giết năm 1632, nội bộ Đông Chân Lạp trở nên loạn lạc, vai trò của hoàng thái hậu Ang Cuv càng thêm quan trọng. Sau khi ủng hộ Ramadhipati I lên ngôi năm 1642, bà Ang Cuv được nâng lên hàng thái mẫu và có quyền hành ngang hàng nhà vua. Quan hệ giữa hai triều đình ngày càng thắt chặt. Năm 1665 có khoảng một ngàn người Việt gồm những gia đình binh sĩ đồn trú cùng những tội phạm biệt xứ được đưa vào Prei Nokor và Kampong Trabei khai phá đất hoang. Khu vực này trở nên trù phú, thương nhân Việt đến dựng trạm thu mua và người Khmer ở các vùng lân cận cũng đến dựng nhà buôn bán. Tình trạng này không thay đổi cho tới 1679, nhưng người Việt vẫn không dám ra xa khỏi khu vực vì sợ thú dữ.
Cũng nên biết Prei Nokor và Kampong Trabei trước 1620 chỉ là hai làng Khmer nhỏ nằm trên sông Sài Gòn giữa vùng sình lầy, đầy rắn rít, muỗi mòng và thú dữ ; mỗi làng có độ mươi nóc nhà sàn dựng lên ở những gò đất cao. Người Khmer sống bằng nghề canh tác lúa nước, săn bắt thú rừng và đánh cá, họ sống độc lập với các vương triều Khmer nằm sâu trong nội địa và không phải đóng thuế cho ai cả. Lằn ranh phân chia xứ Đàng Trong với Chân Lạp trong giai đoạn này cũng chưa có, vì vùng đất tận cùng phía Nam của xứ Đàng Trong cho tới năm 1611 dừng lại ở đèo Cả (Phú Yên), vùng đất từ Khánh Hòa và Bình Thuận vẫn còn thuộc Chiêm Thành. Mỗi khi đến Chân Lạp, người Việt phải dùng thuyền đi từ Phú Yên dọc bờ biển vào cửa Cần Giờ, theo sông Sài Gòn đến Thủ Dầu Một, rồi từ Thủ Dầu Một dùng xe bò di chuyển đến Oudong, cách đó khoảng 300 km. Đồng Nai vẫn còn xa lạ đối với người Việt.
Người Minh Hương tại Đông Phố
Năm 1679, khoảng 3.000 binh sĩ trung thành với nhà Minh đi trên 50 chiến thuyền đến cửa Tu Dung (Đà Nẵng) xin tị nạn ; chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần liền sai người dẫn đoàn tàu, chia làm hai toán, vào miền Nam lập nghiệp vì e ngại sự hiện diện của đoàn quân này cạnh hoàng triều. Toán đầu dưới sự chỉ huy của Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình, theo sự hướng dẫn của Nguyễn Dương Lâm, tiến vào cù lao Phố, Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (Gia Định). Toán thứ hai do Dương Ngạn Địch cùng phó tướng Hoàng Tiến chỉ huy, theo sự hướng dẫn của Nguyễn Đình Phái, đi vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho và Cao Lãnh.
Tại những nơi này, hai đoàn quân Minh triều cũ vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông và tập trung khai thác những vùng đất mới. Trong lúc chạy loạn, những binh sĩ này không mang theo gia đình cùng tài sản, một số đã lập gia đình với phụ nữ Việt tại Gia Định. Sau khi ổn định cư trú, Trần Thượng Xuyên kêu gọi những gia đình Minh Hương khác cập bến tại Đông Nam Á đến hội cư và cho phép một số binh sĩ lén về Hoa lục mang gia đình vào lập nghiệp. Từ năm 1682 trở đi, vùng đất sình lầy tại Gia Định và cửa Đại trở nên phồn thịnh, thương thuyền các quốc gia phương Tây, Mã Lai và Nhật Bản vào buôn bán rất đông. Sự phát triển này độc lập với Phú Xuân vì quan hệ giữa quân Minh triều cũ và chúa Nguyễn trong giai đoạn này rất là giới hạn.
Một binh đoàn của Dương Ngạn Địch, dưới sự chỉ huy của Trần An Bình, tiếp tục đi theo các nhánh sông Cửu Long vào sâu trong nội địa, chiếm một số làng người Khmer với ý định thành lập một lãnh địa riêng. Không thuyết phục được chủ tướng, năm 1688 Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch và chiếm Mỹ Tho, lập công sự phòng thủ trên sông Tiền Giang chống lại mọi người. Trần Thượng Xuyên, nhận thấy không thể giải quyết một mình các vấn đề chính trị và quân sự, cho người về Phú Xuân cầu cứu. Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn liền sai Mai Văn Long mang quân vào dẹp loạn và giết được Hoàng Tiến, toàn bộ binh sĩ Minh triều sau đó qui hàng và được đặt dưới quyền của Trần Thượng Xuyên.
Trong thời gian này, tại Chân Lạp, các dòng vương tôn tranh quyền lẫn nhau, tất cả đều cậy Ayutthaya hay Phú Xuân để tiêu diệt đối thủ. Sau một cuộc can thiệp quân sự năm 1690 trên đất Chùa Tháp giữa quân Việt và quân Thái, một giải pháp đã được tìm ra, lãnh thổ Đông Chân Lạp được làm hai phần, nửa phía Tây đặt dưới sự bảo hộ của Ayutthaya và nửa phía Đông dưới sự bảo hộ của Phú Xuân. Nguyễn Hữu Hào mang quân Việt về trấn thủ Bà Rịa, Trần Thượng Xuyên mang các cựu binh sĩ nhà Minh về đồn trú tại Gia Định và Mỹ Tho, gọi chung là Đông Phố. Các vùng đất này trên thực tế đã thuộc về chúa Nguyễn vì Oudong mất quyền kiểm soát từ 1658. Từ sau 1682, người Minh Hương và di dân nhà Thanh tranh chấp lẫn nhau về đất đai cũng như về quyền lợi : người Minh Hương cho rằng đã có công khai phá và làm phát triển Đông Phố, do đó phải được sở hữu những vùng đất tốt ; di dân nhà Thanh, cũng là thân nhân của người Minh Hương từ Hoa lục đến, lập luận rằng tất cả người Hoa đều là di dân và đều có công khai phá đất hoang, hơn nữa lại có dân số đông hơn, do đó đất đai phải được phân chia đồng đều.
Tranh chấp giữa các nhóm di dân gốc Hoa ngày càng gay gắt, năm 1698 Minh vương Nguyễn Phúc Chu phải cử Nguyễn Hữu Kính vào làm kinh lược, đất Đông Phố được chia thành dinh và huyện : Mổi Xuy thành Trấn Biên dinh (Biên Hòa) do một quan Việt cai trị, Bến Nghé thành Phiên Trấn dinh (Gia Định) do đô đốc Trần Thượng Xuyên cai quản ; Đồng Nai thành huyện Phước Long trực thuộc Trấn Biên, Đề Ngạn thành huyện Tân Bình trực thuộc Phiên Trấn, hai huyện này đặt dưới sự cai trị trực tiếp của người Việt. Cộng đồng người Hoa cũng phân trú làm hai nơi : xã Minh Hương thuộc Phiên Trấn dành cho người Hoa cũ (người Minh Hương) ; xã Thanh Hà trực thuộc Trấn Biên dành cho người Hoa mới tới (di dân nhà Thanh). Các chức vụ hành chánh được thành lập và do người Hoa và Việt quản lý. Dân số Đông Phố cuối thế kỷ 17 được giám mục Labbé ước định khoảng 200.000 người với 40.000 nóc gia, trong đó có trên 3.000 người Việt, số còn lại là di dân gốc Hoa và Khmer.
Kể từ sau 1698, di dân Việt từ các tỉnh miền Trung được khuyến khích vào khai thác các vùng đất mới (từ 1693 một hành lang được mở trực tiếp từ Bình Thuận xuống Bà Rịa) và tham gia trực tiếp các sinh hoạt tại Đông Phố. Năm 1710, cũng theo giám mục Labbé, số người Việt được ước lượng khoảng 20.000 người, phần lớn tụ cư tại Tiền Giang và Đông Nai (được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú sát nhập năm 1733). Mặc dù vậy khu vực định canh của mỗi địa phương giống như các đốm da beo : người Việt và người Hoa di cư chỉ tụ cư ở những vùng đất thấp, cạnh những trục giao thông ; sau khi đã ổn định đời sống những người này mới nới rộng khu vực canh tác sang các vùng lân cận. Lằn ranh hành chánh phân chia giữa các địa phương chính vì vậy thường không rõ ràng, nó tùy thuộc nơi canh tác cuối cùng của mỗi địa phương và thay đổi dần theo thời gian khi một đình làng mới được thành lập.
Từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, cộng đồng người Hoa di cư giữ một vai trò quyết định trên bán đảo Đông Dương. Các phe tranh chấp, Ayutthaya, Phú Xuân hay Oudong, đều trông cậy vào sức mạnh kinh tế và quân sự của cộng đồng này để thực hiện những mục tiêu mong muốn. Sự thần phục triều Nguyễn của cộng đồng người Hoa di cư, đặc biệt là sự thần phục của dòng họ Mạc, là một may mắn lớn cho triều Nguyễn. Nhờ sự ủng hộ tích cực của con cháu những người Hoa di cư này mà lãnh thổ nước ta được nới rộng trên toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long và trong vịnh Thái Lan. Cũng nhờ sự ủng hộ này mà Nguyễn Ánh gây dựng lại cơ đồ, đánh bại Tây Sơn và thống nhất sơn hà, đồng thời loại Xiêm La ra khỏi bán đảo Đông Dương. Con cháu những người Hoa di cư sau này đã trở thành những công dân Việt Nam trọn vẹn và đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển miền Nam Việt Nam.
Người Hoa tại Hà Tiên
Tưởng cũng nên nhắc lại là tại Hoa lục, sau khi nhà Thanh thống lãnh toàn bộ lục địa Trung Hoa năm 1644 và chiếm đảo Đài Loan năm 1683, hàng ngàn binh lính nhà Minh đồn trú dọc các tỉnh duyên hải Đông Nam đã đi trên 200 chiến thuyền xuống Đông Nam Á tị nạn, trong đó khoảng 50 thuyền đến xứ Đàng Trong và được đưa vào miền Nam (1679) lập nghiệp, số còn lại phân tán trên các nước khác, đông nhất là tại Xiêm La. Phần lớn các cựu binh sĩ nhà Minh này hội nhập hẳn vào các xã hội phương, chỉ một số nhỏ hành nghề buôn bán hoặc cướp biển.
Năm 1681 một toán di dân theo Mạc Cửu đổ bộ lên đảo Koh Tral (Phú Quốc), rồi vào đất liền dùng đường bộ đi từ Kampot, qua Banteay Meas, đến Oudong tiếp kiến vua Jayajettha III, lúc đó đang trải qua một giai đoạn khó khăn. E ngại sự hiện diện của nhóm người Hoa này bên cạnh triều đình, Jayajettha III liền giao cho Mạc Cửu cai quản trị vùng đất rộng lớn trong vịnh Thái Lan. Tại đây, vì không phải là những nông dân chuyên nghiệp, Mạc Cửu liền thành lập bảy sòng bạc dọc bờ biển, từ Peam (Hà Tiên), Long Kỳ (Preah Bat) đến Cần Bột (Kampot), Hương Út (Kampong Som), Sài Mạt (Banteay Meas), Linh Quỳnh (Prei Angkunh) và Koh Tral, để thu hút số tiền bạc và hàng hóa của các tay cướp biển Trung Hoa đang tung hoành trong vịnh Thái Lan. Chẳng bao lâu vùng đất này trở nên trù phú, đảo Koh Tral đổi thành Phú Quốc và làng Peam, bản doanh của Mạc Cửu, mang tên Căn Khẩu Quốc. Đất lành chim đậu, di dân người Hoa từ khắp nơi xin vào định cư rất đông và làm phát triển thêm vùng đất mới, Mạc Cửu trở thành một thế lực đáng kể trong vùng.
Thế lực mới này khiến Ayutthaya lo sợ. Vua Xiêm, Trình Quốc Anh, một người Hoa gốc Triều Châu, cất quân tiến vào Căn Khẩu Quốc phá hủy các làng mạc và sòng bài, Mạc Cửu rút về giữ bản doanh tại Peam. Chịu không nổi áp lực ngày càng đè nặng của Xiêm La, năm 1708 Mạc Cửu cho người vào Diên Khánh cầu cứu và năm 1714 xin thần phục Minh vương Nguyễn Phúc Trăn. Tư cách thần dân của Mạc Cửu liền được công nhận và được phong chức tổng binh, toàn quyền cai quản Căn Khẩu Quốc. Năm 1717 quân Xiêm lại tiến vào Căn Khẩu Quốc, Mạc Cửu chạy vào Gia Định cầu cứu. Giọt nước đã làm tràn ly, năm 1724 Minh vương cất đại binh tiến vào Căn Khẩu Quốc, đánh bại quân Xiêm và thu hồi lại một số xã bị chiếm đóng, Mạc Cửu chỉ đợi dịp này để xin sát nhập toàn bộ lãnh thổ dưới quyền vào xứ Đàng Trong. Căn Khẩu Quốc được chúa Nguyễn đổi thành Long Hồ dinh và năm 1732 thành trấn Hà Tiên, dòng họ Mạc được phong chức đô đốc cai trị Căn Khẩu Quốc. Con cháu Mạc Cửu sau này, đặc biệt là Mạc Thiên Tứ, ra sức bảo vệ và nới rộng miền đất này vào sâu nội địa đồng bằng sông Cửu Long để tỏ lòng thành với một đất nước đã không bạc đãi tổ tiên họ trong lúc khó khăn.
Năm 1739, Mạc Thiên Tứ cho người khai khẩn đất hoang và sát nhập vào trấn Hà Tiên bốn huyện mới : Long Xuyên, Kiên Giang (Kramoun Sar), Trấn Giang (Cà Mau) và Trấn Di (Bạc Liêu). Năm 1755, Mặc Thiên Tứ đỡ đầu Ang Snguon (Nặc Nguyên), một vương tôn Khmer chống chúa Nguyễn bị thua và xin hàng. Để tạ ơn, Ang Sngoun tặng riêng Mạc Thiên Tứ đất Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên), một hình thức hợp thức hóa bốn huyện do Mạc Thiên Tứ thành lập từ 1739, vì trong thực tế Chân Lạp đã mất quyền quản trị.
Tình hình Chân Lạp lại rối loạn sau cái chết của Ang Snguon (1758), các dòng vương tôn tranh quyền sát hại lẫn nhau. Một vị vương, Ang Ton (Nặc Tôn), nhờ Mạc Thiên Tứ xin chúa Nguyễn đưa lên ngôi và tặng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc) để tạ ơn. Riêng Mạc Thiên Tứ được Ang Ton tặng thêm năm vùng đất dọc bờ biển trước kia bị quân Xiêm chiếm đóng : Vũng Thơm (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Choan Kanhchom), Sài Mạt (Bantaey Meas) và Linh Quỳnh (Prei Angkunh), tất cả các vùng đất mới này được sát nhập vào trấn Hà Tiên do Mạc Thiên Tứ cai trị. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chia các vùng đất miền Tây ra thành ba đạo : Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang). Trấn Hà Tiên được sát nhập vào phủ Tầm Bào (Vĩnh Long) trực thuộc Châu Đốc đạo.
Đối với người Việt Nam, cuộc Nam tiến đợt II đến năm 1758 coi như hoàn tất và năm 1768 toàn bộ lãnh thổ miền Nam được chia thành ba tỉnh : Đồng Nai (bao gồm các vùng đất miền Đông), Sài Gòn (bao gồm các vùng đất từ sông Sài Gòn đến cửa Cần Giờ) và Long Hồ (bao gồm các vùng đất miền Tây). Ranh giới của mỗi địa phận và mỗi địa danh trong giai đoạn này không rõ ràng, phần lớn giới hạn ở bìa đất canh tác cuối cùng, thường không xa bao nhiêu khu vực trung tâm. Quan niệm về không gian sinh tồn của người Kinh được triệt để tôn trọng, người Việt và người Hoa không vào những vùng đất đã có người Khmer cư ngụ, mà chỉ thành lập làng xã ở vùng kế cận theo kiểu da beo. Công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long của người Việt vào sâu trong nội địa đồng bằng sông Cửu Long bị gián đoạn dưới thời Tây Sơn và chỉ tiếp tục dưới thời nhà Nguyễn từ 1802 đến 1859.
Năm 1803, vua Gia Long củng cố Châu Đốc và cho đào hai con kinh : từ Châu Đốc đến cửa biển Hà Tiên (kinh Vĩnh Tế) và từ Châu Đốc đến sông Hậu Giang (kinh Vĩnh An), hai con kinh này được coi là lằn ranh phân chia miền Nam với Chân Lạp tại cửa khẩu Châu Đốc. Lằn ranh này cắt đứt quan hệ giữa Oudong với các nhóm Khmer sinh trú giữa lưu vực hai sông Tiền và sông Hậu (Vĩnh Lợi). Dưới thời Minh Mạng, vùng đất này được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt năm 1835, mang tên Ba Xuyên, gồm ba huyện : Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Dinh ; dân cư tại đây đa số là người Khmer, về sau có thêm các nhóm Triều Châu xen kẽ.
Về phía Tây, từ 1840 nhiều đồn canh được dựng lên từ Trảng Bàng đến dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) để ngăn chặn sự xâm nhập của những nhóm Khmer bị vương triều Oudong đánh đuổi hay người Stieng xuống đồng bằng trao đổi hàng hóa. Di dân Việt được khuyến khích lên Thủ Dầu Một khai thác đất hoang, nhưng đến 1859 thì ngừng lại vì quân Pháp bắt đầu thám hiểu lưu vực sông Đồng Nai và Mekong ở phía Tây tìm đường vào miền Nam Trung Quốc. Trên đường thám hiểm, quân Pháp lần lượt bình định và chiếm hữu những vùng đất mới nằm sâu trong nội địa Đông Dương.
Người Pháp tại Nam Kỳ
Hòa ước ngày 17/02/1859 là một đòn chí tử giáng vào quyết tâm mở rộng miền Nam của người Việt và Hoa, thành Gia Định lọt vào tay quân Pháp và Tây Ban Nha. Hòa ước vừa ký xong, nhiều đoàn thám hiểu được cử vào thám thính các vùng rừng núi phía Tây để thiết lập lằn ranh phân chia ba tỉnh miền Đông với Cambodge. Bản đồ sáu tỉnh miền Nam liền được Ariès, chỉ huy trưởng quân đội Pháp tại Sài Gòn, vẽ xong ngày 16/09/1860. Hai năm sau, quân Pháp lần lượt chiếm các thành Mỹ Tho, Biên Hòa và Vĩnh Long và buộc triều đình Huế nhượng ba tỉnh miền Đông (hòa ước Nhâm Tuất năm 1862) : Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
Hòa ước 1862 đã làm nhiều sĩ phu Việt nam bất mãn, một số đã rút vào vùng rừng núi Bà Đen và vùng sình lầy Đồng Tháp kháng chiến. Sự kiện vua Norodom nhờ quân Pháp giữ vững ngai vàng và nhận sự bảo hộ (11/08/1863) đã khiến một số hoàng thân Khmer tức giận và rút vào rừng sâu kháng chiến. Trương Công Định, A Soa và Po Kombo đã tổ chức nhiều cuộc phục kích và gây thiệt hại cho các đoàn thám hiểm trong vùng rừng núi Tây Ninh và sình lầy Đồng Tháp ; sự kiện này khiến Pháp quyết tâm chiếm trọn những phần đất miền Nam còn lại. Năm 1867, trong vòng năm ngày, quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên) và buộc nhà Nguyễn ký hiệp ước Giáp Tuất (1874), nhượng hẳn sáu tỉnh miền Nam để làm thuộc địa và Pháp thay mặt triều đình Huế ký kết các văn kiện ngoại giao (kể cả việc phân định biên giới với các lân bang).
Việc làm đầu tiên của chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ là vẽ bản đồ phân chia khu vực hành chánh tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cử nhiều phái đoàn đi khắp nơi tìm hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán, thời gian lưu trú của mỗi nhóm dân cư, để thiết lập bản đồ phân chia khu vực biên giới giữa Nam Kỳ, Trung Kỳ và Cambodge. Qua các cuộc hành quân tảo thanh các ổ chống cự của sĩ phu Việt Nam và kháng chiến quân Khmer trong vùng rừng núi phía Tây, từ 1862 đến 1867, người Pháp khai sinh thêm hai tỉnh mới : Tây Ninh và Đồng Tháp (1867). Từ đó nhiều đoàn thám hiểm được cử đi dọc các sông Mékong và các phụ lưu ở tả ngạn (Prek Chhlong, Prek Tê), sông Vàm Cỏ, sông Bé và sông Đồng Nai, và thành lập nhiều đồn bót để mở rộng tầm kiểm soát.
Chính trong lúc này Pháp mới nhận thấy tầm quan trọng của Cambodge trong sự ổn định của khu vực. Về mặt chiến lược, Cambodge là khu vực trái độn giữa hai thế lực Xiêm La và Đại Việt, do đó Pháp đã làm mọi cách loại bỏ ảnh hưởng của Xiêm La trên đất Chùa Tháp để tái lập lại vương triều Angkor, do Mouhot tình cờ khám phá năm 1851 tại Siemreap, với một tên mới được Pháp hóa : Cambodge (Kambuja, tức quê hương con cháu Kambu, thủ lãnh người Khmer trên cao nguyên Korat thế kỷ 5). Ngày 15/07/1867, Xiêm La ký với Pháp một hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Pháp tại Cambodge, bù lại Pháp không được chiếm hữu bất cứ một vùng đất nào tại Cambodge.
Sau nhiều "trục trặc ngoại giao" với Xiêm La, từ tháng 6 đến tháng 12/1867 Pháp chính thức sát nhập toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long vào lãnh thổ Nam Kỳ, trừ khu vực Mỏ Vẹt. Một vùng biên giới dài từ phía Bắc Tây Ninh đến bờ biển Hà Tiên với Cambodge được ấn định. Trong nội địa, Pháp lần lượt sát nhập từ 1869 đến 1872 các tỉnh Đồng Nai Thượng, Trảng Bàng, Sông Bé, Tây Ninh, Vàm Cỏ Đông và Tây, Đồng Tháp Mười, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau vào lãnh thổ Nam Kỳ. Ranh giới phân chia Nam Kỳ và Trung Kỳ được ấn định từ Bà Rịa, Đồng Nai Thượng, Sông Bé và Tây Ninh. Di dân người Việt từ các tỉnh miền Nam Trung Kỳ trong thời kỳ này được khuyến khích vào Nam lập nghiệp rất đông, nhất là tại An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh. Người Hoa gốc Triều Châu cũng nhân cơ hội vào định cư cạnh những làng Khmer và Việt.
Sau nhiều thương lượng gay go với vua Norodom, thực ra là giữa người Pháp tại miền Nam và người Pháp cố vấn vua Norodom, một công ước chung về biên giới giữa Nam Kỳ và Cambodge được ký ngày 15/07/1873, theo đó làn ranh phân chia hai nước được xác định bởi những cột mốc cụ thể và những dấu chấm trên bản đồ một cách rõ ràng. Mặc dù vậy khu vực ranh giới tại Tây Ninh vẫn còn rắc rối cho tới 1896 mới chấm dứt. Lãnh địa Hà Tiên có từ thời Mạc Thiên Tứ (thế kỷ 18) bị thu hẹp lại, các thành phố Kampot, Kompong Som được giao lại cho Cambodge, theo sự cố vấn của các chuyên gia Pháp tại Phnom Penh, để có đường ra biển ngày 12/03/1914 ; bù lại đảo Phú Quốc được sát nhập vào Nam Kỳ.
Về lãnh hải, thông tư ngày 31/01/1939, do toàn quyền Brévié ban hành, lấy kinh tuyến 140° và vĩ tuyến 10°5 tại Hà Tiên làm định mức phân chia : phía Tây-Bắc thuộc Cambodge, phía Đông-Nam thuộc Nam Kỳ.
Từ sau 1939, khu vực biên giới giữa Nam Kỳ (thuộc Việt Nam sau 1954) và Cambodge trên lý thuyết đã được ổn định nhưng trong thực tế vẫn chưa ổn thỏa. Những tranh chấp về ranh giới, chính trị hay quân sự, từ 1954 đến nay thể hiện phần nào sự bất ổn đó. Người Khmer không ngừng tố cáo người Việt chiếm đất của họ và đã làm mọi cách để làm xấu đi quan hệ giữa hai nước. Chính sách bài Việt Nam của các lãnh tụ chính trị Khmer gần đây trong các cuộc tranh cữ cần được ghi nhận với tất cả sự nghiêm trọng của nó.
Tại sao phần lớn người Khmer có tâm lý bài Việt ?
Có nhiều lý do để giải thích.
Trước hết là sự khác biệt về văn hóa. Người Khmer không ghét người Thái (Xiêm La) mà chỉ thù người Việt. Người Thái, vì cùng văn hóa Ấn Độ, chỉ có thể là "đồng minh", mặc dù đã là tác giả của biết bao tai họa khiến người Khmer không cất đầu lên nổi : tiêu diệt nền văn minh Angkor, chiếm hữu toàn bộ lãnh thổ phía Tây, vơ vét tài nguyên nguyên, bắt người về làm nô lệ, bao che những thành phần diệt chủng... Nếu không có sự hiện diện của người Việt có lẽ quốc gia này đã nhiều lần bị Xiêm La xóa tên.
Thứ hai là vấn đề tâm lý. Người Khmer luôn có mặc cảm bị người Việt hiếp đáp. Tâm lý này là kết quả của một thời gian dài bị đô hộ bởi người Xiêm La và người Pháp, hai thế lực này rất sợ người Việt sẽ dần dần chiếm hữu Kampuchea, cựu vương quốc Champa là một bằng cớ. Mặc dù là ân nhân của người Khmer trong suốt quá trình giữ nước, vai trò của người Việt tại Kampuchea thường bị hiểu lầm.
Thứ ba là lý do lịch sử. Người Khmer có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long trước người Việt. Lý do này ngày nay không còn đứng vững. Người Khmer sinh sống trên đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 17 không đông vì điều kiện sinh sống khó khăn, phần lớn là những người chạy trốn sự hà khắc của các vương quyền Khmer. Sau khi tiêu diệt Phù Nam, các vương triều Khmer bỏ rơi đồng bằng sông Cửu Long (Óc Eo, Tri Tôn) mà chỉ tập trung phát triển khu vực chung quanh Biển Hồ. Người Việt tuy có đến sau thật nhưng đã cùng người Hoa di cư làm phát triển vùng đất này và đang chia sẻ với người Khmer địa phương những phúc lợi chung.
Thứ tư là lý do kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay trở thành trù phú trong khi khu vực Biển Hồ vẫn chìm trong nghèo khổ. Thêm vào đó, cộng đồng người Việt tại Kampuchea, do cần cù và chịu khó hơn, có mức sống tương đối cao hơn người Khmer lục địa. Sự kiện này có lẽ đã giới lãnh đạo Khmer lục địa không bằng lòng, nếu đồng bằng sông Cửu Long cằn cỗi như các vùng đất phía Tây và người Khmer có mức sống ngang bằng người Khmer, vấn đề tranh chấp đất đai và tâm lý bài Việt có lẽ đã không đặt ra.
Nguyễn Văn Huy
(09/1999)
Đọc thêm :
Bài 1 : Quan niệm của người Việt xưa về không gian sinh tồn, lãnh thổ và quốc tịch
Bài 2 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Bắc
Bài 3 : Sự hình thành các vùng biên giới miền Trung