Ngày 4/11/2018, nghệ sĩ Kim Chi tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam, là người thứ 14 tuyên bố chuyện này trong vòng 10 ngày sau khi ông Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng cộng sản đề nghị kỷ luật.
Có nhiều đảng viên cộng sản đang bỏ đảng cộng sản do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. 2018.
Cách đây gần đúng 5 năm, một đảng viên cộng sản lão thành là ông Lê Hiếu Đằng cũng tuyên bố bỏ đảng. Cùng thời gian đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, từng làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam bỏ đảng. Đầu năm 2014 một viên chức ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ là ông Đặng Xương Hùng bỏ đảng.
So sánh hai đợt bỏ đảng cách nhau khá xa như thế ông Mạc Văn Trang, một nhà giáo về hưu, thuộc nhóm 14 người tuyên bố bỏ đảng sau sự kiện Chu Hảo, cho rằng cũng có những nét khác nhau :
"Trước kia mặc dù có sự tác động của việc ông Lê Hiếu Đằng ra khỏi đảng, nhưng người ta ra khỏi đảng chủ yếu là vì những lý do cá nhân. Chuyện ra khỏi đảng hôm nay bị tác động của sự việc Giáo sư Chu Hảo, một trí thức được nhiều người quí mến bị kỷ luật đảng. Nó như một giọt nước tràn ly".
Song song với việc tuyên bố ra khỏi đảng một cách chính thức, còn có những đảng viên gọi là thoái đảng, tức là họ không sinh hoạt đảng nữa, không đóng đảng phí. Một trong những người đã từng như vậy là nghệ sĩ Kim Chi. Vào năm 2015, bà nói với đài RFA rằng bà đã bỏ sinh hoạt đảng từ lâu nhưng vẫn chưa tuyên bố bỏ đảng vì những lý do riêng.
Bà là một người bạn thân với ông Lê Hiếu Đằng.
Bà kể lại câu chuyện của bà sau khi chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản vào ngày 4/11/2018 :
"Tôi rất thân với anh Lê Hiếu Đằng. Lúc ngồi nói chuyện với ảnh tôi có nói chắc là đã đến lúc anh em mình ra khỏi đảng. Anh Đằng nói rằng chuyện này phải tính toán kỹ. Ít lâu sau thì anh Đằng mất. Tôi không thể lỗi hẹn với người đã mất. Tôi nói chuyện với anh Chu Hảo, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, tôi đã viết tuyên bố, nhưng mọi người khuyên là ở lại có thể làm được điều gì đó. Tôi cũng nghĩ thế, vì trong đảng cũng có những người tốt, không phải ai là đảng viên đều khốn nạn cả".
Bà quyết định bỏ đảng một cách lặng lẽ từ năm 2013. Nhưng cũng như Giáo sư Mạc Văn Trang, bà thấy rằng sự kiện Chu Hảo là giọt nước tràn ly. Bà nói tiếp là không thể khi nhắm mắt mà vẫn còn mang danh hiệu đảng viên cộng sản.
Tâm lý cho rằng ở lại trong đảng dù đã chán nản, để mong có thể làm được điều gì có ích là một thực tế mà Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nói với chúng tôi nhân sự kiện Chu Hảo, vì rằng nếu muốn làm một điều gì đó mà không có liên hệ với Đảng cộng sản thì khó có thể làm được.
Một nhà quan sát từ bên ngoài là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên tại Pháp đấu tranh cho một Việt Nam đa đảng, nói rằng ông không thấy sự khác nhau giữa hai thời điểm nhiều người bỏ đảng, hiện nay và năm 2013.
"Tôi thấy nó không khác nhau, và cũng không tạo nên một phong trào bỏ đảng mạnh mẽ. Nhưng điều cần thấy là một phong trào lớn hơn là từ bỏ sinh hoạt đảng. Chúng tôi có biết nhiều đảng viên, kể cả những đảng viên cao cấp, cho rằng hàng năm có cả chục ngàn người bỏ sinh hoạt đảng. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam đang từ chối chủ nghĩa cộng sản và vai trò của đảng cộng sản".
Sau khi có những tuyên bố bỏ đảng liên tục xuất hiện sau sự kiện Chu Hảo, truyền thông nhà nước cho đăng tải thông báo những tội danh mà ông Chu Hảo phạm phải, như là in sách không phù hợp chủ trương đường lối của đảng, tự chuyển biến… Báo Thanh niên cũng cho đăng hai ý kiến được gọi là của hai đảng viên trẻ, nói rằng rất tiếc ông Chu Hảo đã có nhiều đóng góp nhưng lại vi phạm, và việc kỷ luật ông thể hiện tính nghiêm khắc của đảng.
Đáp lại những ý kiến này bà Kim Chi cho rằng thế hệ của bà đã tham gia Đảng cộng sản là vì lý tưởng, còn đối với những người vào đảng hôm nay có động cơ quyền lợi là chủ yếu.
Khi được hỏi rằng sự kiện Chu Hảo có tác động tới Đảng cộng sản hay không, Giáo sư Mạc Văn Trang cho rằng nó cũng có tác động, ví dụ như một đảng viên cao cấp là ông Nguyễn Đình Bin, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, viết bài cho rằng sự kiện Chu Hảo là một sai lầm của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng ông Mạc Văn Trang nói tiếp rằng những người đứng đầu đảng là các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, đã đồng ý với nhau rằng đảng đang đi đúng hướng.
Ông Nguyễn Gia Kiểng thì nói ở vị trí của họ, họ phải chứng tỏ như thế, chứ thực ra trong thâm tâm họ cũng không còn tin ở chủ nghĩa cộng sản nữa. Ông dẫn ra lời đương kim Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng đến thế kỷ sau cũng chưa chắc xây dựng được chủ nghĩa xã hội.
Một điều mà những cựu đảng viên Mạc Văn Trang, Kim Chi, và nhà quan sát ngoài đảng Nguyễn Gia Kiểng đồng ý là Việt Nam sẽ phải theo qui luật tự nhiên của xã hội loài người là thực thi dân chủ. Đảng cộng sản cũng phải tuân theo qui luật đó, nếu sớm thì sẽ bớt mất mát hơn là muộn.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 06/11/2018