Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/11/2018

Một quân đội chỉ biết "tủi thân"

Cánh Cò

Một quân đội chỉ biết "tủi thân" thì chắc chắn đó là một quân đội yếu kém và nhu nhược.

Tất cả mọi quân đội trên thế giới, điều quan trọng nhất mà người lính học được đầu tiên từ quân trường, nơi bắt đầu cuộc đời quân nhân chuyên nghiệp, là phải thuộc nằm lòng tính chất hào hùng mà một đội quân tinh nhuệ phải có. Đạo binh ấy có mạnh mẽ hay không nằm trong ý chí của từng người lính. Bất kể họ có được trang bị vũ khí hiện đại đến đâu nhưng khi ra trận yếu tố hèn nhát vẫn là nguyên nhân đầu tiên của sự bại trận, có khi quân thù chưa đánh đã thua.

tuong1

Đội ngũ tướng lãnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay là Câu lạc bộ những người chỉ biết "tủi thân" ?

Quân đội Nhân dân Việt Nam từng được xem là anh hùng và thiện chiến sau thời gian dài đánh Mỹ. Nhưng đó là dĩ vãng, là kỷ niệm đẹp đẽ dành cho những người từng tham gia cuộc chiến khốc liệt tấn công và giải phóng miền Nam. Cuộc chiến ấy đã lùi vào quá khứ từ khi Gạc Ma mất vào tay giặc cùng với nhiều cây số đất đai dọc biên giới phía Bắc.

Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng vắng bóng hơn trên chính trường thế giới. Các nước trong khu vực không còn lấy mô hình của một đạo binh từng lừng lẫy để học tập vì chính phủ của họ biết rằng hào quang đã tắt lịm trên từng chiến binh Việt Nam và thay vào đó là những đạo quân đi làm kinh tế thay vì được huấn luyện để quen thuộc với bom đạn và các thao tác chiến tranh.

Chiều ngày 6/11, khi Quốc hội thảo luận về Luật Công an nhân dân, bàn về số lượng tướng phân bổ trong đơn vị này, nhiều tướng tá trong quân đội cảm thấy bị bỏ rơi. Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội cựu chiến binh đã lên tiếng : "Đề nghị Đảng, nhà nước, Quốc hội xem xét cho hợp lý. Lực lượng vũ trang là một thể chế thống nhất của nhà nước, không thể công an thế này, quân đội thế kia. Làm thế này bên quân đội buồn, tủi thân lắm".

Hai chữ "tủi thân" được Thượng tướng Nguyễn Văn Được dùng trong ngữ cảnh này phản ánh một thực tế cần suy nghĩ. Tủi thân là một cảm giác bị hắt hủi, bỏ mặc một cách bất công. Tủi thân bao hàm tính chất tự ti mặc cảm, thường chỉ xảy ra ở trẻ con hay những phụ nữ hiền lành, cam chịu. Tủi thân không thể chấp nhận là một biểu cảm của đàn ông vì tính cách này thường bị xem là ủy mị và yếu đuối.

Một quân đội có được phép tủi thân hay không khi thuộc tính của nó là chảy nước mắt, ngậm đắng nuốt cay vì bị hắt hủi, thờ ơ và sự bất công nằm ngay trong sự việc xảy ra ?

Nếu một quân đội như thế thì thật vô phúc cho quốc gia nào chứa chấp nó. Việt Nam không có truyền thống tủi thân trong quân đội từ bao đời nay kể từ khi lập quốc. Dù thô sơ và yếu kém nhưng những đạo quân của dân tộc chưa bao giờ có khái niệm tủi thân, một khái niệm rất gần với nhu nhược và hèn nhát.

Xưa là vậy còn nay tại sao Quân đội lại thấy tủi thân trước một lực lượng vũ trang khác là Công an? Mặc dù một ông Thượng tướng phát biểu trong nghị trường một cách vô tư nhưng phía sau câu nói ấy phải có một động lực nào thúc đẩy bởi ông ta không thể nói những lời vô căn cứ. "Tủi thân" chỉ là sự lập lại của hai chữ "tâm tư" của ông Phùng Quang Thanh phát biểu trước đây, nhưng tâm tư nghe ra nhẹ nhàng và vô tội vạ hơn, trong khi "tủi thân" mở ra một hình ảnh thực sự của một đạo quân nhu nhược đang có mặt trên đất nước này.

Nếu không nhu nhược thì không lý gì biển đảo ngày một mất dần, ngư dân không còn dám hành nghể trên vùng đất của mình vì Trung Quốc ngày đêm canh giữ sẵn sàng bắt bớ thậm chí hành hung, trong khi quân đội mất cả tăm hơi giống như đang trốn chạy sự thật trên Biển Đông. Một tiếng còi hụ từ tàu tuần duyên cũng không được nghe thấy.

Trên bờ thì hết vùng đất này tới khu công nghiệp khác, quân đội trực tiếp đầu tư và điều hành những dự án không hề liên quan gì tới súng đạn. Vừa làm giàu vừa đòi hỏi chính phủ phải ưu tiên dành cho mình những vùng đất tốt. Quân đội không còn quan tâm tới những vi phạm chủ quyền, tuy âm thầm nhưng rất lộ liễu của Trung Quốc, để ít nhất cũng lên tiếng trước Quốc hội têu cầu tìm phương thức đối phó. Quân đội bị trói tay tứ bề và chính sách "quân đội được phép làm kinh tế" có vẻ như một cách ban bố cho tập thể này bớt "tủi thân" so với công an, thanh gươm và lá chắn, còn Đảng còn mình của chế độ.

Trong khi quân đội tiếp tục tủi thân vì những chuyện trẻ con nơi nghị trường thì ngoài kia các chiến sĩ đang bảo vệ Trường Sa một cách âm thầm không biết có tủi thân không khi sự cô đơn và nhỏ bé của họ không được trong bờ chú ý.

Một vài chuyến thăm hỏi, một vài bài báo khen lấy có, một vài câu chuyện về sự hy sinh của những người lính đảo có lẽ chỉ là cách xoa bóp cho một căn bệnh đã trở thành di căn : mị dân.

Người lính đảo sống trong thiếu thốn mọi bề xứng đáng được những đại biểu quân đội trong Quốc hội yêu cầu được đối xử công bằng chứ không phải sự công bằng biểu hiện từ những chiêc lon gắn vội trên ve áo. Tướng nhiều làm gì khi binh sĩ không còn là binh sĩ và khi có chuyện đao binh liệu những viên tướng chỉ biết "tủi thân" ấy sẽ làm được gì cho cơ đồ dân tộc ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 08/11/2018 (canhco's blog)

Quay lại trang chủ
Read 691 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)