Thời gian vùn vụt trôi qua. Chẳng mấy chốc sẽ kỷ niệm tròn một năm sự kiện Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’ Nguyễn Xuân Phúc vào tháng Mười Hai năm 2017.
Tứ trụ bây giờ chỉ còn tam trụ.
Từ ‘tổng - chủ’ đến ‘tổng - chủ - thủ’
Trước cả khi người còn sống Nguyễn Phú Trọng được chính thức sở hữu cái ghế của người vừa chết Trần Đại Quang tại kỳ họp quốc hội ‘hơn 99% gật’ vào tháng Mười năm 2018, trong dư luận xã hội đã nổi lên nỗi băn khoăn không phải không có lý do sâu xa về cách gọi nhân vật ‘nhất thể hóa hai chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước’ hoặc được thanh minh là giải pháp ‘tình huống’ như thế nào cho ngắn gọn và vẫn thể hiện đầy đủ quyền lực chính trị : tổng - chủ, tổng - tịch, chủ - tổng, chủ - bí, bí - tịch, tổng - bí - tịch… vân vân và vân vân cho thể chế ‘hai trong một’.
Còn sau khi sự kiện ‘tình huống’ trên chính thức ập tới với một tốc độ nhanh chưa từng thấy, dân gian thậm chí còn bắt đầu nghĩ đến một cách gọi khác cho thể chế ‘ba trong một’ : chẳng hạn như tổng - chủ - thủ…
Giả thiết trên, dù có thể chỉ là một trí tưởng tượng đi trước thời đại, nhưng lại có logic của nó.
Logic ấy thậm chí đã được chuẩn bị từ năm 2013, theo tiết lộ gần đây của một số quan chức về kịch bản ‘hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’, chỉ có điều đã chưa được ‘gút’ trong dĩ vãng bởi ‘tập trung quá nhiều quyền lực vào một người thì không kiểm soát được’ - lời tán thán đầy tâm tư của chính Tổng bí thư Trọng vào thời gian đó - một trong hoàn cảnh thật đáng cám cảnh : ông ta bị lép vế gần như toàn diện trước một Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuynh loát đến 3/4 Ban chấp hành trung ương mà đã trở thành một ‘Chúa Trịnh’ thời hiện đại và thậm chí còn leo lên vị trí số một trong một cuộc thăm dò ‘uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’ tại Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015 - theo nhiều nguồn tin không chính thức nhưng từ đó đến nay chưa hề bị nguồn tin chính thức nào của đảng phản bác.
‘Tổng - chủ’ đã được chuẩn bị như thế nào ?
Trước đại hội 12, một vài quan chức ‘thân Nguyễn Phú Trọng’ đã bắt đầu khúc dạo đầu cho bản nhạc ‘nhất thể hóa’, trong bối cảnh Nguyễn Tấn Dũng còn đang dương dương tự đắc mà không thể tưởng tượng ra việc ông ta sắp phải ‘về làm người tử tế’.
Sau khi đại hội 12 đã ‘thành công tốt đẹp’ với Nguyễn Phú Trọng cùng phương án ‘bất cứ ai, trừ Dũng’ trở nên hoàn hảo đến kinh ngạc, vào tháng 9/2016, ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đã có bài trả lời phỏng vấn khá dài cho trang VietTimes với nhan đề "Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu". Một cách gián tiếp, bài báo này đã đặt nền móng đầu tiên về lý luận cho chiến dịch nhất thể hóa được ‘đánh’ từ cấp địa phương lên ấp trung ương và chuẩn bị cho thể chế ‘hai trong một’ về ‘tổng - chủ’.
Nhị Lê lại là một trong những nhân vật phát ngôn chính yếu của Tổng bí thư Trọng. Vào thời gian gần đại hội 12, ông Nhị Lê cũng đã từng trả lời phỏng vấn về vấn đề nhất thể hóa. Xét về ‘dây’, Nhị Lê hiển nhiên là người của Nguyễn Phú Trọng từ khi ông Trọng còn là tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Từ năm 2016 đến trước tháng Chín năm 2018 (thời điểm Trần Đại Quang chết), hoạt động nhất thể hóa đã diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh tại khá nhiều tỉnh thành. Các cơ quan đảng không những không ‘tinh gọn’ mà còn phình hơn. Quyền lực của các cơ quan đảng không những không bị co hẹp mà còn mạnh hơn. Một khác biệt rất cơ bản là nếu trước đây đảng chỉ ‘lãnh đạo đường lối’ thì, hàng loạt nhân sự của đảng sẽ được cho kiêm chức bên chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, lấy đó làm cơ sở để "người của đảng" kiêm việc điều hành chính quyền, và từ đó sẽ xuất hiện một cơ chế ‘chính ủy trong chính quyền’. Nếu trước đó nhiều quan chức cao cấp của đảng luôn phổ biến một kiểu lý luận ‘đảng không làm thay cho chính quyền’ để đối phó với hàng núi đơn khiếu nại tố cáo của người dân đối với vô số nạn tiêu cực tham nhũng trong đảng, thì đến khi đó lý luận này lại biến tướng sang ‘đảng không làm thay mà làm luôn’.
Vào thời gian đó, đã xuất hiện giả thiết đáng chú ý cho rằng một khi đà nhất thể hóa trở nên thuận lợi hơn nữa, chức danh tổng bí thư có thể được ‘cho’ kiêm chủ tịch nước như cách Tập Cận Bình ở Trung Quốc đang làm dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên ít người cho rằng có thể xảy ra kịch bản như thế một cách dễ dàng, cũng như chỉ rất ít người hình dung về một cái chết bất ngờ và gây nghi vấn của Trần Đại Quang.
Nhưng cho tới nay, điều kỳ lạ là giả thiết có phần khá hoang tưởng về ‘tổng bí thư kiêm chủ tịch nước’ đã trở nên hiện thực theo cách chỉ có thể ‘mơ giữa ban ngày’. Thể chế ‘hai trong một’ đã được hoàn tất với trọn vẹn ý đồ sâu xa và được chuẩn bị lâu dài của nó.
Nhưng ‘tổng - chủ’ có phải là sự hài lòng cho đỉnh cao quyền lực ? Hay sau đỉnh cao ấy sẽ còn một đỉnh cao khác ?
Biểu hiện đầu tiên của ‘tổng - chủ - thủ’
Tháng Mười Hai năm 2018, người đứng đầu bên đảng - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã làm được một việc mà các đời tổng bí thư trước đó hiếm khi làm được, còn các đời chủ tịch nước như Trương Tấn Sang khóa 11 đã không làm được và Trần Đại Quang khóa 12 cho đến khi chết cũng chẳng hề làm được : ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’.
Ngay sau khi báo chí Việt Nam phát tin về ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lần đầu tiên dự họp chính phủ tháng 12/2017", đài BBC đã nêu ra một số bình luận đầy ẩn ý chính trị và không kém hài hước :
"Sự kiện này không tránh khỏi tạo nên bình luận về quyền lực dường như ngày càng tăng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam".
"Theo nguyên tắc tổ chức và điều hành quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới, các nước theo chế độ tổng thống chế (Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia) thì tổng thống cũng là ‘người đứng đầu chính phủ’".
"Nhưng ở các nước có cả hai chức danh thủ tướng và tổng thống thì nguyên thủ quốc gia không chủ trì họp chính phủ vì đó là việc của thủ tướng".
"Việc nguyên thủ quốc gia chủ trì cuộc họp của chính phủ không phải là chuyện bình thường ở quốc gia vẫn có chức danh thủ tướng".
"Thường thì tổng thống chỉ chủ trì họp chính phủ khi có sự kiện gì đặc biệt hoặc muốn giám sát công việc của nội các".
"Riêng tại một số quốc gia còn lại theo mô hình có một đảng cộng sản lãnh đạo, báo chí quốc tế chú ý đến một xu hướng như ở Trung Quốc là ông Tập Cận Bình trở thành ‘chủ tịch của đủ mọi thứ’’.
"Theo New York Times, ông Tập ngoài ba chức to nhất là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn nắm hơn 10 chức vụ, gồm cả chủ tịch nhóm công tác về an toàn mạng internet, ban điều hành về Đài Loan…".
"Trang The Economist thì trích lời nhà nghiên cứu Úc, Geremie Barmé, nói một cách hình ảnh rằng ông Tập không còn là CEO của China Inc. mà là COE, ‘chairman of everything’ (chủ tịch của tất cả mọi thứ)".
Nhưng ông Trọng không quan tâm đến việc BBC nói gì về ông ta.
Nếu hệ thống lại và so sánh những phát ngôn công khai trên mặt báo chí của Nguyễn Phú Trọng từ đầu năm 2016, bắt đầu bằng ‘tôi bất ngờ…’ sau khi ông Trọng đột biến giành chiến thắng vang dội trước đối thủ chính trị Nguyễn Tấn Dũng, cho đến ‘từ thuở bé đến giờ mới được dự họp chính phủ’ - một lối nói vui không cần giấu diếm khi ông Trọng ‘được mời dự’ và như thể chủ trì luôn phiên họp kéo dài hai ngày của chính phủ vào tháng 12/2017, mới thấy thái độ tự tin của Tổng bí thư Trọng đã dâng cao đến thế nào ngay vào thời điểm đó.
Trên khuôn ảnh được báo chí nhà nước đăng tải về phiên họp trên, người ta trông thấy ông Nguyễn Phú Trọng ngồi chính giữa hàng ghế chủ tọa đoàn. Bên phải của ông Trọng là Trần Đại Quang - chủ tịch nước, còn bên trái ông Trọng là Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng, và ‘cánh tay trái’ của Thủ tướng Phúc là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Thành phần chủ tọa phiên họp trên có vẻ không còn đơn thuần là một cuộc họp nội bộ chính phủ, mà giống như một buổi họp của ‘Bộ Chính trị thu gọn’…
Thời gian vùn vụt lao qua. Chẳng mấy chốc Bộ Chính trị đã thu gọn còn hơn cả thế : tuy vẫn giữ nguyên số ghế, nhưng chỉ còn 3 thay vì 4 người trong ‘tứ trụ’.
Một trong những thay đổi đáng nói nhất là khác hẳn với lối ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’ không mấy chính danh một năm trước, giờ đây ông Trọng đã có đầy đủ tư cách ‘nguyên thủ quốc gia’ để không những dự họp đều đặn và chỉ đạo các cuộc họp thường kỳ của chính phủ, mà còn có thể triệp tập họp đột xuất chính phủ để ‘nghe báo cáo’ về những nội dung mà trước đây chỉ Thủ tướng Phúc và vài phó thủ tướng mới được biết và được bàn…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/11/2018