Ngày 9/11, Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long - Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thông tin, đang củng cố hồ sơ để xử lý các hành vi liên quan đến việc giằng co giữa Cảnh sát giao thông và người dân đã được cộng đồng mạng quan tâm trong mấy ngày vừa qua. Với người đăng tải clip, ông Long nói : 'Clip đăng lên theo kiểu thông tin 1 phía, khiến dư luận trái chiều. Chúng tôi sẽ mời người này lên làm việc để có cơ sở xử lý'…
'Cú ngã thần thánh' của công an để tạo cớ đánh và bắt người - Clip
Có nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó : dựa vào đâu mà xử lý.
Làm sao có thể xử lý khi việc quay camera đối với lực lượng công an đang tiến hành công vụ không bị luật cấm, thậm chí, nó còn được khuyến khích vì thể hiện tốt việc giám sát nhân viên nhà nước của công dân Việt Nam.
Thứ hai, nhờ chức năng quay video của điện thoại, với video clip 'cú ngã thần thánh' của viên Cảnh sát giao thông mà dư luận được dịp thấy được sự mâu thuẫn trong cách diễn giải vấn đề của nội bộ công an Thành phố Quy Nhơn. Cụ thể, trong khi người bị ngã là Thiếu úy Cảnh sát giao thông Đinh Công Hoàng Linh nhấn mạnh, anh bị húc cùi chỏ vào ngực rồi ngã ra đường khi xử lý hiện trường vụ tai nạn giao thông chứ không phải tự ngã. Thì Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long, Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn khẳng định, hành động của nam thanh niên giăng co (do bị húc cùi chỏ) với cảnh sát, không đủ mạnh để làm chiến sĩ Cảnh sát giao thông té ngã.
Khó có thể hiểu hết sự 'thiếu thống nhất' về mặt thông tin này, nhưng dư luận hiểu rằng, công an Thành phố Quy Nhơn chỉ muốn hướng đến xử lý người vi phạm giao thông thêm một tội danh khác : chống lại người thi hành công vụ.
Việc Thượng tá Huỳnh Dư Phi Long lên tiếng về việc clip đăng lên theo kiểu thông tin 1 phía, nhưng bản thân ông xem xét và kết luận vụ việc (theo hướng bênh vực thuộc cấp của mình) cũng chỉ qua video clip 'thông tin 1 phía' nêu trên. Và nếu ông muốn một sự bầu chữa ổn hơn, có lẽ buộc ông phải có clip dài hơi hơn để minh chứng điều đó. Nhưng có vẻ như Trưởng Công an Thành phố Quy Nhơn sẽ không làm được điều đó, vì đơn giản, ông chẳng có video clip nào cả. Trong khi đó, ông lại cho dư luận thấy rằng, có một sự bênh vực và tìm cách gây áp lực người quay video clip, răn đe công luận rằng : đừng bao giờ quay video clip công an khi đang làm việc ?
Thay vì xử lý sai phạm của nhân viên, vị Trường công an Thành phố Quy Nhơn đã tiếp tục khiến 'cú ngã thần thánh' thêm phần ly kỳ và trở thành trò cười trong các cuộc thảo luận gần đây, và khiến người dân cảm thấy ác cảm hơn với lực lượng Cảnh sát giao thông. Nói rõ hơn, phía ngành công an đã có những ứng xử rất kỳ lạ, bởi thay vì khắc phục, và thừa nhận lỗi và tuyên dương người phản ảnh để cải thiện 'thể diện cho ngành, tạo hình ảnh tốt đẹp về người công an nhân dân', thì họ tìm mọi cách để 'lái dư luận' theo hướng công an luôn đúng. Nhưng điều tệ hại là, chính vì 'độc quyền chân lý đúng' đó nên, cụm từ Công an nhân dân trở thành một cụm từ không hề tốt đẹp trong mắt người dân hiện nay.
Quá trình hành xử của Cảnh sát giao thông Thành phố Quy Nhơn, với những người có liên quan cũng cho thấy, một sự lạm quyền lực, và điều này tạo ra một sự lờ mờ về dự luật sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự lạm quyền này. Và đó là lý do tại sao, phía công an cần luật an ninh mạng để bảo vệ chế độ, nó có thể biến nhiệm vụ bình thường trở thành 'đặc biệt', đến mức không được phép quay phim chụp hình phát tán lên mạng internet, nếu không sẽ ở tù. Như cách mà một bộ phận không nhỏ công an viên đã đẩy người dân thường vào vòng lao lý vào cái thời internet và mạng xã hội không hiện hữu, cái thời mà 'công chức, viên chức' hay 'công an' luôn luộn đúng, và người dân luôn luôn sai. Và đó là sự thật, và suy nghĩ trong dân, nó không phải là sự bịa đặt hay suy diễn của người viết đối với lực lượng vũ trang này.
Khi Bộ Công an ban hành Thông tư 27/2017/TT-BCA - quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm ban hành, nhiều người dân kỳ vọng điều này sẽ trợ giúp cho công an viên trở nên thân thiện và văn minh với người dân, nhưng điều này có vẻ là một khó khăn lớn trong ngành 'quyền lực của chế độ', và nó phán quyết Thông tư 27 trở thành một thông tư bất lực trong thực tiễn chế độ.
Nếu là Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Giám đốc công an tỉnh Bình định, thì cái làm nên niềm tin cho người dân và cũng như tạo hình ảnh đẹp cho phía Công an nhân dân, chính là khiển trách những 'đồng chí công an viên diễn giỏi' đến mức không cần thiết, bởi những 'cú ngã thần thánh' và sự bảo vệ 'cú ngã thần thánh' trở thành một trò đùa của chế độ.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/11/2018