Cuối tháng 10/2018, trường Đại học tư thục nổi tiếng tại Sài Gòn là Hoa Sen được Tập đoàn Nguyễn Hoàng mua. Tập đoàn này mệnh danh là một tập đoàn kinh doanh giáo dục, sở hữu nhiều trường đại học và cao đẳng, đồng thời có cả một khu nghỉ mát.
Đại học tư thục Hoa Sen tại Sài Gòn vừa được tập đoàn Nguyễn Hoàng mua. Courtesy photo
Việc đổi chủ của Đại học Hoa Sen chỉ là một trong những vụ mua bán trường đại học và cao đẳng diễn ra trong vài năm gần đây.
Nhận định về hiện tượng này với đài RFA, Giáo sư Hoàng Dũng từ Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng ông thấy đây là một diễn biến tất yếu. Theo ông việc tư nhân hóa nền kinh tế Việt Nam tất yếu sẽ dẫn đến việc tư nhân hóa ngành giáo dục, và giáo dục là lĩnh vực cuối cùng mà nhà nước của Đảng Cộng sản Việt Nam để cho tư nhân tham gia kiểm soát, bởi vì với đà phát triển, những nguồn lực nhà nước giành cho giáo dục bị cạn kiệt.
Đồng ý với ý kiến của Giáo sư Hoàng Dũng, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, từng làm Giám đốc Trung tâm khảo thí Thành phố Hồ Chí Minh, thêm rằng hệ thống giáo dục do nhà nước quản lý gặp phải những yếu kém như là sử dụng nguồn lực không có hiệu quả, cũng như quản lý tài sản không tốt. Bà nhấn mạnh tài sản trong ngành giáo dục phải kể đến trí tuệ và kỹ năng của đội ngũ giáo viên.
Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại đặt vấn đề ở một góc cạnh khác khi quan sát hiện tượng mua bán sôi nổi các trường đại học hiện nay. Ông thấy rằng các nhà đầu tư với tiềm lực tài chính cao đã cứu được nhiều trường cao đảng và đại học chuẩn bị vỡ nợ. Nhưng đồng thời ông đặt câu hỏi là tại sao những nhà đầu tư ấy không lập các trường mới mà lại chỉ đi mua các trường cũ, tức là việc thành lập trường khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Lương Hải Khôi, việc mua bán các trường Đại học hiện nay có mặt tích cực, ít nhất trong ngắn hạn, là cứu được một số trường có nguy cơ phá sản. Còn về dài hạn thì ông cho rằng phải chờ xem.
Theo phân tích của ông Khôi, trong luật giáo dục đại học Việt Nam các trường đại học tư thục vừa có qui chế như một công ty, để có thể dễ dàng mua bán sát nhập, nhưng đồng thời hưởng được một ưu đãi của tính chất giáo dục của nó, là được miễn thuế.
Bàn về tính chất của các đại học tư thục tại Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng hiện nay chỉ có các trường đại học vì lợi nhuận, tức là sau khi thu học phí, giảng dạy, phải có lời và số tiền lời này được chia cho các cổ đông sở hữu ngôi trường.
Theo bà Vũ Thị Phương Anh, mô hình giáo dục đại học phi lợi nhuận, trong đó tiền lời được dùng để tái đầu tư cho trường, và không có cổ đông làm chủ trường, mô hình này thực sự không tồn tại ở Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Lương Hải Khôi, người tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Nhật Bản, nêu ra mô hình Nhật Bản làm ví dụ cho trường Đại học phi lợi nhuận. Ông cho biết các trường này ở Nhật một mặt được sự tài trợ của chính phủ, mặt khác đón nhận nhiều đóng góp thiện nguyện của dân chúng, và ở Nhật không thấy có chuyện mua bán các trường đại học một cách rầm rộ như Việt Nam.
Giáo sư Hoàng Dũng nói rằng ông không phủ nhận một thị trường cho ngành giáo dục, trong đó các trường đáp ứng nhu cầu trước mắt của thị trường, nhưng mặt khác chính nhà nước phải chịu trách nhiệm về những ngành học mà quốc gia cần về dài hạn. Và ông cũng báo động rằng chuyện mua bán sát nhập các trường đại học hiện nay là có lợi vì có nguồn lực đổ vào ngành giáo dục, nhưng có vẻ như nhà nước Việt Nam chưa có chính sách gì rõ rệt cho việc phát triển đại học tư thục. Ông ví von rằng đi buôn là chuyện tốt, nhưng trong một xã hội mà mọi người đều đi buôn thì nó sẽ trở thành không bình thường.
Trả lời câu hỏi tại sao mô hình đại học tư thục phi lợi nhuận lại không phát triển ở Việt Nam, ông Nguyễn Lương Hải Khôi lấy ví dụ Nhật Bản, nói rằng khi người dân hiến tặng thì tài sản hiến tặng đó phải là của chung chứ không thể trở thành tài sản của một cá nhân nào đó, là các cổ đông của các trường đại học.
Một lý do khác ông Khôi cho rằng đã cản trở sự hiến tặng để thành lập đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam là sự thiếu vắng sự tự do học thuật. Điều này cũng được Giáo sưu Hoàng Dũng đồng ý.
Tuy nhiên Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng hy vọng về khả năng có những đại học phi lợi nhuận tại Việt Nam trong tương lai, vì bà cho rằng thế hệ các nhà đầu tư mới hiện nay vào ngành giáo dục, là những người thông minh, khi họ đầy đủ rồi họ sẽ sẵn lòng thiện nguyện cho sự nghiệp giáo dục hơn.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 13/11/2018