Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2018

Thí điểm tập sự thứ trưởng ở độ tuổi 40 : Tín hiệu đáng mừng ?

Hòa Ái

Bộ Nội Vụ, vào cuối tháng 10 trình lên Bộ Chính trị đề án liên quan thực hiện thí điểm tập sự thứ trưởng ở độ tuổi 40. Những người quan tâm đến chính trường Việt Nam nhận xét như thế nào về đề án vừa nêu ?

thidiem1

Hai Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Thị Hà và Nguyễn Duy Thăng bị kỷ luật vì liên quan đến vụ bổ nhiệm cựu quan chức Trịnh Xuân Thanh. Courtesy : moha.gov.vn. RFA edited

Trẻ hóa lãnh đạo cấp bộ

Truyền thông quốc nội, hồi hạ tuần tháng 10, dẫn lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án thí điểm thực hiện chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo quản lý và trình lên Bộ Chính trị đề án này.

Theo đề án vừa nêu, những chức danh quản lý, lãnh đạo cấp phó bao gồm thứ trưởng ; phó tổng cục trưởng ; phó cục trưởng ; phó vụ trưởng, phó giám đốc sở và tương đương sẽ được thí điểm tập sự lãnh đạo.

Điều đáng chú ý trong đề án là tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện tập sự áp dụng với cán bộ ở độ tuổi 40 ; nam dưới 45 tuổi và nữ duới 40 tuổi bên cạnh có 3 năm liên tiếp làm tốt trách nhiệm được giao, được cấp thẩm quyền đề nghị và phê duyệt, cấp ủy thông qua và cơ quan có nhu cầu bổ sung chức danh lãnh đạo, quản lý.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội nói với RFA bà cho rằng đây là một sự thay đổi tích cực trong việc bồi dưỡng cán bộ trẻ tại Việt Nam :

"Như chúng ta thấy từ trước đến nay, các lãnh đạo của Việt Nam thường khá cao tuổi. Những người có hàm thứ trưởng, bộ trưởng ở độ tuổi 40 thì khá là đặc biệt. Và, có một quan điểm chung là không tin tưởng vào những người trẻ. Từ trước đến nay trong xã hội Việt Nam là như vậy rồi. Không chỉ ở Việt Nam, mà tại Châu Á, người ta vẫn coi những người trẻ là không có kinh nghiệm, không có năng lực. Chính vì thế, Việt Nam chủ trương lựa chọn và bồi dưỡng cho cán bộ trẻ như vậy thì đấy là dấu hiệu đáng mừng".

Mừng hay lo ?

Trong khi đó, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít ý kiến trên các trang fanpage của truyền thông trong nước bày tỏ sự quan ngại rằng việc quy định tuổi đối với cán bộ lãnh đạo là không hợp lý và việc chọn lựa người lãnh đạo phải dựa vào tiêu chí có tài, có đức thì mới hữu dụng cho quốc gia. Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị, là người có cơ hội làm việc và tiếp xúc với rất nhiều người trẻ tại Việt Nam chia sẻ với RFA rằng ông nhận thấy thế hệ trẻ Việt Nam trong vòng một, hai thập niên qua thì đa số là những người thiếu kiến thức sống cũng như kinh nghiệm làm việc và còn là những người vọng tưởng ; chỉ muốn không làm gì mà giàu có nhanh chóng. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận xét trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều hơn những người trẻ du học đàng hoàng ở nước ngoài trở về nước sinh sống và làm việc với nhiều hoài bão lớn.

thidiem2

Đợt thi tuyển công chức trực tuyến do Bộ Nội Vụ tổ chức trước đây - File photo

Nhận định về chủ trương của Việt Nam sẽ thí điểm thực hành cán bộ lãnh đạo cấp phó lên đến chức danh thứ trưởng ở độ tuổi 40 trong thời gian tới, ông Duy Lê nói với RFA :

"Nhiều người trẻ đi học ở nước ngoài về thật sự có năng lực tốt. Trẻ hóa cũng tốt mà. Nhưng vấn đề là những người này mong chờ gì một khi họ vào trong biên chế nhà nước ? Mong chờ dùng năng lực của họ để cống hiến, để làm cho đất nước tốt hơn hay đó là cơ hội để kiếm chác ? Đâu đâu cũng có người tốt. Đâu đâu cũng có người muốn cống hiến. Nhưng vào trong guồng máy rồi thì liệu rằng họ có giữ được lập trường, quan điểm, suy nghĩ ban đầu của họ không hay một thời gian sau rồi họ cũng giống như những người trong hệ thống đó ?"

Cơ hội tốt ?

Đồng quan điểm với Chuyên gia độc lập Duy Lê, một số người quan tâm thông tin về đề án thí điểm tập sự cán bộ quản lý cấp cao trẻ tuổi khẳng định đây là cơ hội tốt cho những người trẻ xem như là một động lực để phấn đấu, nhất là những ai có tâm nguyện đóng góp phụng sự cho đất nước và cho sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến quan ngại về cơ chế hành chính hiện nay sẽ là "lực cản" đối với những cán bộ trẻ có nhiệt huyết cống hiến. Cô Nguyễn Trang Nhung, người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhấn mạnh với RFA :

"Có thể sự e ngại đến từ chẳng hạn như cơ chế quy hoạch người vào những vị trí như thế này. Liệu có đủ chặt chẽ để cho những người có tư tưởng cấp tiến hoặc cởi mở hơn so với mức mà nhà nước mong muốn vào trong guồng máy cán bộ hay không ? Theo khuôn khổ của họ, tức là một mặt họ vẫn muốn cải cách hệ thống hành chính bộ máy nhà nước, bằng cách khuyến khích người trẻ vào ; nhưng một mặt khác họ vẫn có cơ chế để đưa những người có những tư tưởng thích hợp với hệ thống để vào trong bộ máy nhà nước".

Truyền thông quốc nội, trong năm 2018, đăng tải thông tin công tác tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ tại các tỉnh, thành ở Việt Nam vẫn xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Đơn cử như trường hợp hàng chục ứng viên trúng tuyển công chức tại thành phố Hải Phòng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh không được Bộ Giáo Dục-Đào Tạo cấp phép, hay cán bộ ở Đăk Lăktiết lộ đề thi cho những người quen biết trước khi cuộc thi tuyển công chức diễn ra. Mới đây nhất vào ngày 06/11, Thanh tra Bộ Nội Vụ công bố kết luận hơn 100 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo tại tỉnh Lâm Đồng.

Trước đây vào đầu năm 2018, lên tiếng với RFA liên quan bộ máy cán bộ hành chính của Việt Nam, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam khẳng định với RFA rằng :

"Bộ máy hành chính của Đảng và hành chính của Nhà nước thì nhân viên bám vào biên chế với đồng lương không cao nhưng ai cũng muốn bám lấy biên chế vì bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa".

Đài RFA nêu vấn đề với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội về các ý kiến quan ngại cơ chế hành chính sẽ cản trở chủ trương trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng đưa ra nhận định rằng đề án thí điểm tập sự cán bộ cấp cao kết hợp với những hoạt động chống tham nhũng của Chính phủ có thể "giúp cho việc tuyển dụng những người trẻ tuổi có năng lực vào bộ máy không gặp các vấn đề tiêu cực, tức là đảm bảo được tuyển dụng những người thật sự có tài chứ không phải những người bất tài mà do chạy chọt, hối lộ hay vì bộ máy không trong sạch mà người ta đạt được vị trí của mình".

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng đón nhận thông tin Việt Nam sẽ thực hiện thí điểm tập sự cán bộ lãnh đạo, quản lý đến cấp thứ trưởng ở độ tuổi 40 như thế nào, một số bạn trẻ Đài RFA tiếp xúc bày tỏ họ hân hoan với thông tin này ; bởi vì đối với họ đó là một sự công nhận năng lực cũng như khát vọng cống hiến cho nước nhà của họ có thể bắt kịp với thế giới trong thời đại hiện nay vì một Việt Nam phú cường, văn minh và dân chủ.

Hòa Ái

Nguồn : RFA, 13/11/2018

Quay lại trang chủ
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)