Mệnh đề dùng làm tựa bài viết này phi lý, kỳ quái nhưng thú thật là kẻ viết bài này không thể tìm ra mệnh đề nào khác có thể khái quát rõ ràng và chính xác hơn quyết tâm chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam !
Phiên tòa xử 92 bị cáo phạm các tội đánh bạc và lạm dụng chức quyền
***
Tòa án tỉnh Phú Thọ đang xử 92 bị cáo phạm các tội : "Đánh bạc", Tổ chức đánh bạc", "Mua bán hóa đơn trái phép", "Sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ đã công bố Cáo trạng, theo đó, Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Công ty Đầu tư – Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), khẳng định đã "biếu" ông Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân) 1.750.000 Mỹ kim, 27 tỉ đồng, một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 Mỹ kim, một áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan.
Dương còn khẳng định đã "biếu" ông Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao 22 tỉ đồng và "nhiều món quà giá trị khác".
Nội dung Kết luận Điều tra của Công an Phú Thọ, Cáo trạng của Viện Kiểm sát Phú Thọ xác định, không có sự hỗ trợ, tiếp sức của ông Vĩnh và ông Hóa, Dương và các đồng phạm không thể tổ chức – điều hành mạng lưới đánh bạc trên Internet, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, thu 9.583 tỉ tiền lời.
Tuy nhiên cả Công an Phú Thọ lẫn Viện Kiểm sát Phú Thọ cùng gạt bỏ lời khai của Dương, miễn cho Dương trách nhiệm hình sự đối với hành vi "đưa hối lộ" vì ông Vĩnh chỉ thừa nhận đã nhận của Dương một áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan, mua của Dương đồng hồ Rolex và đã trả 1,1 tỉ đồng. Còn ông Hóa phủ nhận đã nhận "quà" của Dương.
Công an Phú Thọ và Viện Kiểm sát Phú Thọ giải thích, bởi ông Vĩnh, ông Hóa phủ nhận lời khai của Dương và dù việc Dương tổ chức – điều hành mạng lưới đánh bạc rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào ông Vĩnh, ông Hóa nhưng vì không đủ chứng cứ, cho nên "khi nào có thể làm rõ sẽ xử lý sau".
"Khi nào có thể làm rõ sẽ xử lý sau" đồng nghĩa với, thế là đã xong, không làm gì nữa. Ai chẳng biết tìm kiếm, củng cố chứng cứ liên quan đến đưa – nhận hối lộ khó ngang với bắc thang lên hỏi ông Trời, đặc biệt là trong những trường hợp mà toàn bộ sự nghiệp của người đưa hối lộ phụ thuộc hoàn toàn vào người nhận hối lộ như quan hệ Dương – Vĩnh – Hóa.
Đó cũng là lý do ai cũng thấy rõ ràng các viên chức Việt Nam nhận hối lộ nhưng gần như chẳng có viên chức nào bị khởi tố - truy tố - xét xử - lãnh hình phạt vì "nhận hối lộ" (từ 300 triệu trở lên đã đủ để phạt tử hình). Họa hoằn mới có một vài viên chức cấp thấp bị cáo buộc "tham ô". Nếu có hầu tòa, đa số chỉ bị cáo buộc : "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Cố ý làm trái qui định gây hậu quả nghiêm trọng", Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
***
Số phận ông Vĩnh, ông Hóa chắc chắn sẽ khác nếu năm 2009, khi bỏ phiếu phê chuẩn Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC), Quốc hội Việt Nam đừng đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, đừng khăng khăng từ chối áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAC, dứt khoát không chịu thực thi "hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính" vì… chưa phù hợp (2) !
Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ chắc chắn không cần phải phân bua với công chúng "khi nào có thể làm rõ" chuyện ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ "sẽ xử lý sau", nếu năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua "Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" - hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chấp nhận đề nghị của một số đại biểu Quốc hội, viên chức Bộ Tư pháp, đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường.
Thề chống tham nhũng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam điềm nhiên gạt bỏ đề nghị : Xem là phạm tội "làm giàu bất chính" tất cả những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản (3).
Năm 2015 - khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm.
Thậm chí tháng 4 vừa qua, sau một thời gian dài lặp đi, lặp lại chống tham nhũng là lĩnh vực "không có vùng cấm" nhưng khi cho ý kiến về Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng hiện hành, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam chính thức yêu cầu gạt chuyện xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối sang một bên.
Các đề nghị giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính) cũng đã được yêu cầu gom lại cho gọn để bỏ vào… thùng rác thêm một lần nữa (4).
Suốt từ 2015 đến nay, Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn không xong vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Tháng 9 vừa rồi, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, nhấn mạnh sự thất vọng của Ban Soạn thảo dự luật : Sau khi đề nghị buộc những viên chức giàu có bất minh nộp thuế theo tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị tài sản không thể giải trình về nguồn gốc, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự - như một giải pháp nhưng bị phản đối, Ban này mới đưa ra đề nghị khác – giao cho hệ thống tòa án xử lý tài sản mà những viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc – song đề nghị ấy cũng bị "can gián" !
Bà Nga lưu ý, suốt ba năm ròng rã, Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng đã đưa ra sáu phương án để xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh, đến nay, bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai và cả hai đều không phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn "yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (5).
***
Cho dù không "bắt tận tay, day tận trán" ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ của ông Dương nhưng nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đừng sử dụng các "động tác kỹ thuật" khi phê chuẩn UNCAC, đừng từ chối đặt định các hình thức chế tài nghiêm khắc với những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, đừng từ chối thực thi những hành động vốn có tính phổ quát trên toàn cầu, chấp nhận công bố rộng rãi tờ khai tài sản, tình trạng tài chính của các viên chức cao cấp để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát - chắc chắn ông Vĩnh, ông Hóa sẽ đền tội.
Công an Phú Thọ và Viện Kiểm sát Phú Thọ đã dễ dàng bác bỏ lời khai của ông Vĩnh : Thu nhập hợp pháp chỉ có 20 triệu đồng/tháng, cho nên bảo rằng đã trả ông Dương 1,1 tỉ đồng để "mua" đồng hồ Rolex là không chấp nhận được - thì chắc chắn chẳng khó khăn gì nếu "làm giàu bất chính" đã được hình sự hóa : Dựa vào những bất động sản với giá trị khổng lồ mà ông Vĩnh, ông Hóa đang làm chủ để truy cứu cả hai tội "làm giàu bất chính". Tòa án vừa có thể phạt tù, vừa có thể sung công các khối tài sản này.
Chống tham nhũng như thế may ra mới hiệu quả nhưng chống tham nhũng như thế thì còn bao nhiêu viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có thể tại vị ? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục vận hành sự nghiệp chống tham nhũng như trước nay thì càng… quyết liệt, các viên chức ở Việt Nam càng giàu.
Dân chúng Việt Nam chỉ có thể cảm thấy các công bộc rất giàu chứ không thể biết đích xác họ giàu thế nào vì các tờ khai tài sản đã được xác định là "nhạy cảm", không thể công bố. Tại sao các công bộc giàu ? Một số đã lý giải đó là nhờ : Bện chổi, nuôi heo, trúng số, chạy xe ôm, hưởng thừa kế, làm thối móng tay,… tuy nhiên chẳng ai chấp nhận bởi chênh lệch giữa những nguồn lợi vừa kể có thể đem lại, với giá trị thực của khối tài sản mà thiên hạ nhìn thấy vẫn quá lớn.
Chỉ có một cách lý giải : Họ ăn rau muống và… thải ra tiền ! Vâng, chỉ như thế thì họ mới giàu có đến thế và cũng chỉ như thế, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, xem tham nhũng là nội xâm, là quốc nạn, mới không làm gì những viên chức giàu có bất thường !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/11/2018
Chú thích
(3) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm