Covid-19 đã cầm chân hàng trăm triệu đứa trẻ trên toàn thế giới, khiến chúng không thể tới trường và nếu thử so cách giải quyết vấn đề này của thiên hạ với Việt Nam, có lẽ sẽ dễ cảm nhận hơn về Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam (xác định "cách mạng công nghệ 4.0" là yêu cầu tất yếu khách quan, nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng") (1).
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến hôm 10/4/2020. Hình minh họa. Photo Chinhphu.
***
Mỹ không có bộ nào như… Bộ Chính trị để ban hành nghị quyết về "cách mạng công nghệ 4.0" ! Giống như các bạn đồng lứa ở Việt Nam, trẻ con Mỹ đang trong độ tuổi cần đến trường cũng bị buộc ở nhà để tránh lây nghiễm và ngăn ngừa Covid-19 phát tán rộng hơn. Trẻ con Mỹ chỉ khác với trẻ con Việt Nam ở chỗ có thể tiếp tục học hành tại nhà. Còn chính phủ Mỹ và phụ huynh học sinh thì không mất quá nhiều thời gian, công sức để tranh luận qua lại về việc bao giờ trẻ con nên quay lại trường như ở Việt Nam.
Có nhiều chuyện để kể về việc trẻ con Mỹ học ở nhà khi Covid-19 bùng phát nhưng những câu chuyện đó không có nguồn cho chính phủ Việt Nam và phụ huynh học sinh của Việt Nam kiểm chứng, thành ra kẻ viết bài này đành dùng một nguồn, mô tả chuyện học tại nhà của trẻ con Mỹ đang sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ cho bất kỳ ai cũng có thể tìm hiểu thêm và đối chiếu : Bài tường thuật về việc điều chỉnh hoạt động học tại nhà của những đứa trẻ là học sinh Học khu vùng Đông Châu Âu của DODEA (2).
***
DODEA có tên đầy đủ là Department of Defense Education Activity (Cơ quan đặc trách giáo dục phổ thông của Bộ Quốc phòng Mỹ). Sở dĩ Bộ Quốc phòng Mỹ phải thành lập DODEA vì Mỹ có nhiều căn cứ quân sự bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Khi được điều động đến căn cứ nào đó bên ngoài lãnh thổ Mỹ, nếu căn cứ ấy không tọa lạc ở những khu vực có chiến sự, quân nhân Mỹ và các nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ có thể đưa cả gia đình đến đó. DODEA chính là nơi chịu trách nhiệm vận hành các trường học từ nhà trẻ đến cấp ba để thỏa mãn nhu cầu học hành của lũ trẻ con Mỹ do cha mẹ phải di chuyển mà không có cơ hội học hành ngay tại Mỹ.
Vì các căn cứ của Mỹ nằm rải rác tại nhiều nơi trên toàn thế giới, DODEA có nhiều học khu (School District) phục vụ nhiều khu vực khác nhau. Mỗi học khu có nhiều trường thuộc đủ mọi cấp. Học khu ở miền Đông Châu Âu (Europe East School District) của DODEA có 32 trường phục vụ cộng đồng quân sự Mỹ ở Kaiserslautern (thuộc bang Rheinland-Pfalz) và một số cộng đồng quân sự Mỹ khác đang hiện diện tại Đức. Giống như nhiều học khu khác thuộc DODEA, do Covid-19, Europe East School District đã đóng cửa cả 32 trường từ giữa tháng 3 và vì không biết đến bao giờ đại dịch chấm dứt nên không xác định lúc nào sẽ mở cửa trở lại.
Hai đứa trẻ một học lớp 5, một học lớp chín, thuộc hai trường của Europe East School District - mà cha mẹ chúng không muốn kẻ viết bài này nêu danh tính để bảo vệ sự riêng tư - cùng cho biết : Ngay sau khi trường của chúng phải đóng cửa, cả hai chuyển sang học qua Internet gần như lập tức. Do học sinh của các trường thuộc DODEA đã được dạy để sử dụng máy tính, khai thác các lợi ích của Internet từ lớp một và đứa trẻ nào cũng có account, password để thực hiện nhiều yêu cầu khác nhau của giáo viên trên Google Classroom nên không đứa trẻ nào cảm thấy bỡ ngỡ khi phải học qua Internet. Học tại nhà chỉ cần máy tính. Nếu nhà thiếu máy tính, cha mẹ có thể mượn laptop của trường.
Tuy không phải đến trường nhưng từ khi chuyển sang học qua Internet, lũ trẻ là học sinh các trường của Europe East School District vẫn phải trình diện giáo viên trước máy tính đúng vào giờ mà chúng thường phải có mặt tại lớp. Học tại nhà nên lũ trẻ được hướng dẫn để sử dụng thêm Google Meet, mở webcam, microphone nghe giáo viên giảng, thảo luận với giáo viên và bạn bè y như lúc ngồi tại lớp. Ngoài những nền tảng hỗ trợ học tại nhà có kết nối với trường và giáo viên do Google cung cấp, các trường của Europe East School District còn hướng dẫn lũ trẻ tham khảo thêm về những bài cần học, cần rèn luyện qua những trang web khác.
Bên cạnh những trang web cung cấp các bài giảng, bài tập giúp trau dồi kiến thức, kỹ năng về khoa học tự nhiên hoàn toàn miễn phí như Khan Academy (khanacademy.org), còn có những trang web như Clever mà DODEA (Clever DODEA) đã thanh toán chi phí để giáo viên và học sinh tiểu học có thể cùng nhau khai thác tiện ích khi học nhiều thứ khác (văn, khoa học…). Với những môn học có yêu cầu chuyên biệt hơn, chẳng hạn ngoại ngữ, trẻ có thể dùng VHL (vhlcentral.com)…
Trẻ con ở Mỹ hẳn sẽ ú ớ khi nghe đề cập đến "cách mạng công nghệ 4.0" vì không có ý niệm gì về cuộc… cách mạng ấy. Dù không thể "nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc ‘cách mạng công nghệ 4.0’ để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, xem đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội" nhưng lũ trẻ này có thể mô tả tường tận và thao tác hết sức thành thạo trong việc sử dụng máy tính, Internet để chuyện học hành không bị gián đoạn.
***
Lũ trẻ là học sinh các trường của Europe East School District đang trong Spring Break – đợt nghỉ giữa học phần ba và học phần 4. Theo tường thuật của tờ Stars and Stripes – một tờ báo phục vụ đối tượng độc giả là quân nhân Mỹ - cuối học phần ba, Europe East School District đã tổ chức thăm dò ý kiến của phụ huynh học sinh và quyết định điều chỉnh phương thức học tại nhà qua Internet. Europe East School District xin lỗi vì đã không dự đoán được Internet tại gia không bằng Internet ở trường, thành ra khi các đứa trẻ trong một gia đình cùng mở máy tính, cùng vào Internet để học, wifi quá tải, gây nhiều phiền hà cho cả phụ huynh lẫn học sinh.
Bởi đó cũng là mắc mức chung, bộ phận điều hành 66 trường học các cấp thuộc DODEA ở Châu Âu vừa thông báo, từ 13 tháng này – khi Spring Break chấm dứt, trẻ học Tiểu học sẽ "lên" lớp từ 8 giờ sáng đến 11 giờ sáng. Trẻ học cấp ba sẽ "lên" lớp từ 10 giờ sáng đến 12 giờ 30 trưa. Trẻ học cấp hai sẽ "lên" lớp từ 12 giờ 30 đến 3 giờ chiều mỗi ngày trong tuần. Sở dĩ giờ giấc thay đổi vì cần tránh nghẽn mạng tại gia, còn giờ học dài ngắn khác nhau vì phụ thuộc vào khả năng nhận thức và kỹ năng tự học của từng độ tuổi. Trẻ học cấp ba đã đủ lớn để giờ "lên" lớp ngắn hơn, nhường thời gian cho đàn em sử dụng Internet dài hơn nhưng vẫn có thể bảo đảm chất lượng học hành.
15.000 học sinh các cấp thuộc các trường của DODEA ở Châu Âu sẽ kết thúc niên khóa này vào ngày 9 tháng 6, sớm hơn thời gian biểu đã được công bố hồi đầu niên khóa này chừng một tuần (12 tháng 6). Khoảng 3.500 gia đình quân nhân và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ ở khắp Châu Âu không cần phải bận tâm đến chuyện con họ có cần đến trường giữa mùa dịch hay không và làm sao để lũ trẻ của họ không bị gián đoạn trong học hành. Giống như con của họ, những phụ huynh này cũng hoang mang khi chẳng biết gì về "cách mạng công nghệ 4.0". Họ chỉ theo dõi xem DODEA vận hành chuyện học tại nhà qua Internet như thế nào rồi góp ý xem cần điều chỉnh ra sao !
***
Thiết kế các website, cung cấp các sản phẩm giáo dục từ miễn phí đến thu phí hoặc của cá nhân hoặc của các cơ sở giáo dục để trẻ con có thể khai thác máy tính, khai thác Internet sao cho chuyện học hành có thể đạt kết quả tốt nhất đã… xưa như… Diễm ở nhiều nơi trên trái đất. Những nơi đó không có… bộ nào ra… nghị quyết về "cách mạng công nghệ 4.0" cho "toàn đảng, toàn quân, toàn dân"… xem là mục tiêu để cùng… phấn đấu nhằm "thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số".
Chưa rõ chủ trương tiến hành… "cách mạng công nghệ 4.0" đã và sẽ còn tiêu hết bao nhiêu tiền nhưng ít nhất, khi Covid-19 bùng phát, cuộc… cách mạng này đã đạt được một số… thành quả nhất định : Đó là đẩy mạnh công tác… tuyên truyền về nỗ lực phòng, chống dịch của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta và phát hiện, xử phạt nhiều… "đối tượng" dám đưa ra những thông tin, nhận định làm suy yếu hay méo mó nỗ lực này. Thành tựu chưa ngừng ở đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành trung ương "đảng ta", Phó ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương "đảng ta", Bộ trưởng Thông tin và truyền thông vừa tuyên bố ứng dụng công nghệ 4.0 để khám bệnh từ xa qua webcam (3)…
Ông Hùng - ngôi sao sáng nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông của "ta" – đang cố gắng chứng minh tuyên bố của ông : Việt Nam có thể làm được những thứ mà thế giới chưa từng làm (4) là… hoàn toàn khả thi ! Khi "cách mạng công nghệ 4.0" có thể giúp thực hiện thành công khám bệnh từ xa, nhân viên y tế không cần đo thân nhiệt, không cần biết nhịp tim, huyết áp của bệnh nhân thế nào, bác sĩ không cần trực tiếp nghe phổi, không cần phải dùng mắt, tay để hỗ trợ chẩn đoán… thì rõ ràng thế giới phải… thua. Trên mạng xã hội, đã có một số người bày tỏ băn khoăn : Làm sao bác sĩ phụ sản khám… phụ khoa trước… webcam (5) ?
Những băn khoăn, nghi ngại kiểu đó cho thấy công tác "giáo dục, tuyên truyền" sẽ còn nhiều khó khăn, gian khổ để giúp toàn dân "giác ngộ cách mạng" ! Tuy nhiên với sự "tài tình, sáng suốt" của "đảng ta", với những người đang cùng "đảng ta" dẫn dắt chúng ta như ông Hùng, chắc chắn vào một ngày nào đó mà "ta" chưa thể xác định, giống như chưa thể xác định bao giờ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ hoàn tất, "cách mạng công nghệ 4.0" sẽ… thành công rực rỡ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/04/2020
Chú thích :
(5) https://www.facebook.com/lien.le.7399786/posts/2900362620078200
Suốt tuần vừa qua, song song với những thông tin, hình ảnh làm nhiều người ấm lòng vì được biết, được thấy người Việt hối hả sẻ chia, nâng đỡ nhau bằng đủ mọi kiểu để những người yếu thế có thể cầm cự, gượng dậy vượt qua đủ loại khó khăn, thiếu thốn do Covid-19 tạo ra. Cũng tuần vừa qua, cả mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức tranh luận với nhau về cách cho, cách nhận cũng như cách đánh giá các thông tin, hình ảnh này.
Người Việt hối hả sẻ chia, nâng đỡ nhau bằng đủ mọi kiểu để những người yếu thế có thể cầm cự, gượng dậy vượt qua đủ loại khó khăn, thiếu thốn do Covid-19 tạo ra - Ảnh phát lương thực miễn phí - Hình minh họa.
Đầu tuần, tranh luận hướng vào chuyện hệ thống truyền thông giới thiệu hàng loạt "tấm gương" tuy cơ cực nhưng vẫn tích cực đóng góp cho chính phủ phòng, chống Covid-19. Qua facebook, Nguyễn Khoa Phước nhắn với Trưởng Ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam rằng : Gom tiền của cả những cụ già neo đơn là việc làm tệ hại vì ngược đời và bất nhân. Đã vậy bọn điếm bút còn làm rùm beng. Điều đó chỉ gây hiệu ứng ngược và làm bộ mặt vốn dĩ không mấy sáng sủa của đảng ta xấu thêm (1).
Nguyễn Lân Thắng thì vạch trần thù đoạn dùng "chim mồi" làm "gương". Tuy hệ thống truyền thông chính thức cố tình nhấn mạnh, những "tấm gương" đều nghèo mà vẫn tận lực đóng góp cho chính phủ nhưngcùng với nhiều facebooker khác, Thắng dùng chính những tấm ảnh mà hệ thống truyền thông bày ra, để chứng minh "chim mồi"giả nghèo, đeo rất nhiều vàng (2). Tương tự, Mạc Việt Hồng khuyến cáo : Việt Nam nên thôi lải nhải kiểu này vì chướng lắm, chối lắm. Muốn làm gương thì các viên chức hiến nhà, hiến xe, góp vàng, góp USD, đừng "bòn khố rách sắm dù, sơn kiệu, hút máu dân làm rượu, làm trà" nữa". Nhận tiền bán gà của một cụ già hơn 80 mà không thấy dơ à (3) ?
***
Sau khi ngưng tuyên truyền về các "tấm gương", đến giữa tuần vừa qua, hệ thống truyền thông chính thức bắt đầu xới lên và thi nhau phê phán "những kẻ vô liêm sỉ" tranh cướp vật phẩm hỗ trợ người nghèo. Có không ít phóng viên của nhiều cơ quan truyền thông chính thức túc trực tại những điểm phân phát vật phẩm hỗ trợ người nghèo, quay phim chụp ảnh những người ăn mặc tươm tất, đi xe tay ga, ngụ tại chung cư đến các điểm mà người Việt tổ chức phân phát vật phẩm cứu trợ cho những đồng bào đang hết sức khó khăn, thiếu thốn khi kinh tế, xã hội tê liệt bởi Covid-19 để nhận quà rồi bày ra trên Internet .
Theo phản ánh của nhiều người tham gia cứu trợ người nghèo trên mạng xã hội, việc lạm dụng lòng tốt là chuyện có thật nhưng chuyện hệ thống truyền thông chính thức xúm vào khai thác, chỉ trích nặng lời tất cả những người có vẻ không nghèo thì lại hoàn toàn bất thường. Nguyen Dan gọi việc xúm vào đào bới, miệt thị như thế là suy nghĩ nghèo hèn, là "rác rưởi của nhận thức hèn hạ" và thắc mắc : Ai cho anh quyền phán xét hành động của họ rồi công khai sỉ nhục họ. Làm sao anh biết họ giàu khi chỉ dựa vào bề ngoài của họ ? Nếu họ đang khó khăn cần được giúp đỡ thì sao, cho dù họ không khó khăn vẫn đến lấy quà thì sao ? Dan nhấn mạnh : Việc họ làm không phạm pháp.
Dân kể : Khi quán cơm Nụ Cười đầu tiên được mở, khá nhiều người lo ngại sẽ có những người không khó khăn, tranh phần của người nghèo. Tuy nhiên sau đó một thời gian ngắn, mọi người nhận ra suy nghĩ đó là sai lầm. Đúng là có những người ăn mặc tươm tất đã vào nhưng sau đó họ đóng góp rất nhiều và những quán cơm Nụ Cười tồn tại được là nhờ những người đó. Họ đến vì muốn kiểm tra xem thức ăn, cách phục vụ có đúng như đã giới thiệu hay không. Giả dụ, nếu có những người "giàu" đến ăn thì đó cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng. Đó là cách để nhân ái lan tỏa khắp nơi. Đó mới là đích của thiện nguyện.
Bà Chau Thi Phan – một trong những người sáng lập và đang điều hành chuỗi quán cơm Nụ Cười – góp thêm : Dân miền Nam tính cách lè phè, ít chú trọng bề ngoài, chưa kể miền Nam nắng nhiều, nóng nên mọi người ăn mặc giản tiện, trái ngược hoàn toàn với dân miền Bắc quần là, áo lượt, miền Bắc lại hay mưa, lạnh nên đàn ông rất ưa mặc áo vest bất kể giàu nghèo. Không quen nhìn, đôi khi thấy mắc cười. Nói chuyện này để thấy việc phê bình những người mặc vest, đi xe xịn lấy đồ từ thiện là giàu mà tham đôi khi không chính xác. Biết đâu phía sau áo vest, xe xịn là cuộc sống đầy cay cực, thiếu trước hụt sau (4)…
Nguyễn Hưng cũng không đồng tình khi hệ thống truyền thông chính thức miệt thị những người dường như không nghèo mà nhận vật phẩm cứu trợ. Facebooker này kể chuyện một người bạn là họa sĩ, cứ thấy ông ta mặc đẹp đến nhà là sau đó sẽ nghe hỏi mượn tiền. Hưng góp ý : Không nên xét đoán vẻ ngoài và cũng đừng lo nếu có chuyện "thu gom" vì điều đó cũng chẳng làm cho những người lạm dụng "giàu" thêm. Đồng thời lưu ý : La làng sẽ khiến nhiều người không còn dám đi nhận quà cứu trợ thay những người già cả mà neo đơn, bệnh tật nên không đến tận nơi. Động não sẽ nghĩ ra được cách làm đúng để hạn chế lạm dụng. Hạn chế lạm dụng không phải là xỉa xói, nhục mạ(5).
Cũng với suy nghĩ tương tự, Pham Doan Trang tâm tình : Đời mình có những lúc sống không hơn ăn mày bao nhiêu, kể cả khi đang làm báo, nên mình rất hiểu chuyện này. Phải đi nhận quà từ thiện là nỗi đau lớn lắm chứ chẳng đắc chí, sung sướng gì đâu. Không đói quá, chẳng ai làm thế ! Mùa dịch, ai cũng mang khẩu trang che kín mặt, khó bị nhận diện, nỗi sợ bị phát hiện giảm đi. Tuy nhiên những khó khăn về kinh tế đã lộ rõ. Từ đây, suy ra, có khả năng cao là số người cần qùa từ thiện sẽ tăng vọt, cao hơn nhiều so với bình thường, sẽ có cả những người vốn dĩ đã khó khăn lắm rồi nhưng chưa dám đi xin nhập cuộc (6).
Để giúp mọi người bình tâm, không bị hệ thống truyền thông chính thức kích động và trở thành khắc nghiệt, thậm chí vì nghi ngại bị lạm dụng mà chùn tay trong việc giúp đỡ đồng loại, Văn Thành Xả kể rằng đã vào Google, thử dùng cụm từ "cổng khu công nghiệp giờ tan ca" để xem phương tiện đi lại của công nhân. Xả đã thử phóng lớn một tấm ảnh mới vừa được chụp trước Công ty Pouchen và đếm được ít nhất có 16 người dùng… xe tay ga - tiêu chí mà các cơ quan truyền thông chính thức xác định là… giàu. Xả khuyên Báo chí nên xin lỗi khi miệt thị những người đi xe tay ga xin gạo vì họ cũng thuộc thành phần dễ tổn thương chứ không như nhiều nhà báo nghĩ (7) !
Những suy nghĩ như vừa kể cuối cùng cũng có tác đông nhất định đến báo giới, Ngày Nay vừa có một bài về "Người nghèo ở phố" (8), bày tỏ sự không đồng tình trước hiện tượng báo giới gọi những người mà "bộ dạng có điều kiện" đến nhận vật phẩm cứu trợ là "những kẻ giàu sang vô liêm sỉ". Ngày Nay nêu thắc mắc với các đồng nghiệp : Thay vì chất vấn, tại sao họ lại đến nhận những món quà cứu trợ chẳng đáng là bao, tại sao không đặt vấn đề theo hướng ngược lại : Dù những món quà ấy chẳng đáng là bao, vì sao họ lại phải mặt dày" như vậy ? Có bao nhiêu gia đình sống ở các thành phố không đạt chuẩn hộ nghèo nhưng có biến cố dù nhỏ cũng phải đi vay ?..
Tờ báo này cho rằng : Khẩu hiệu của nhiều điểm tặng nhu yếu phẩm trong mùa dịch này : "Nếu bạn khó khăn, xin cứ lấy dùng. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác" rất sáng tạo và nhân văn. Trong những gói quà có gì ? Vài gói mì, vài quả trứng, vài thanh xúc xích ăn liền. Sang hơn thì là ký gạo, chai nước mắm,… Quy ra tiền thì nhỏ nhưng thực sự thiết thực và vì thiết thực nên thật ấm áp. Do vậy, nếu ai đó trông "bộ dạng có điều kiện" lại ghé nhận quà phát chẩn, hãy tin là họ thực sự khó khăn. Ngay cả nếu họ không khó đến mức cần gói mì hay ký gạo, rất có thể họ cần sự sẻ chia một chút hơi ấm giữa những con người.
***
Cho dù tại Việt Nam, lệnh ở nhà và giữ khoảng cách khi ra ngoài để ngăn ngừa Covid-19 lây lan trên diện rộng vẫn còn hiệu lực cho đến 15 tháng 4 nhưng đường sá ở nhiều thành phố đã bắt đầu đông trở lại, Hoàng Tư Giang nhận định đó là điều tất nhiên khi dạ dày bắt đầu sôi. Tình trạng vừa kể là thực tế sinh động của nền kinh tế vỉa hè, rất nhiều người dựa vào đường phố để kiếm ăn. Họ chạy ăn từng bữa, không có tích lũy, không thể vay mượn. Phải ra đường vì bị thôi thúc bởi dạ dày lép kẹp, vì tiếng khóc đòi ăn của con,… Giang lưu ý, kinh tế vỉa hè là một phần của khu vực kinh tế phi chính thức tương đương 30% GDP của Việt Nam.
Giang lưu ý : Kinh tế vỉa hè tạo ra việc làm cho khoảng 20 triệu lao động ở Việt Nam và là lớn nhất so với các khu vực khác. Những người phải bám vào vỉa hè là những người dễ tổn thương nhất, dễ bị đói nhất. Đã có nhiều sáng kiến giúp họ : Những người bán rong, chạy xe ôm, thợ hồ,… Tuy nhiên chắc chắn những tấm lưới hỗ trợ đó còn để lọt rất nhiều người. Khi nhiều người không thể ở nhà vì dạ dày lép kẹp, họ sẽ tiếp tục đổ ra đường, kể cả khi phải đồi diện với nguy cơ bị bắt – bị phạt. Trong phòng, chống Covid-19, không thể làm ngơ thực tế ấy. Làm sao để cân bằng những yếu tố đó vì nếu không, chẳng nhiệm vụ nào thành công (9).
Còn Nguyễn Hưng đưa ra một cảnh báo khác : Theo sau thiên tai, địch hoạ luôn là đói khát, thậm chí là khủng hoảng nhân đạo. Không chính quyền nào có thể một mình gánh vác tất cả mà phải trông cậy vào các tôn giáo, tổ chức dân sự, cá nhân. Các chính quyền độc tài nắm giữ mọi thứ trong tay cũng vậy. Lúc xã hội lâm nguy cũng vẫn cần trợ giúp chỉ khác là kèm theo nỗi sợ những lúc như vậy sẽ khiến các tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự lớn mạnh nên chẳng bao giờ để yên cho các tổ chức này làm những việc có thể làm mà sẽ bày ra đủ thứ trò để bôi nhọ, cản trở, loại trừ hay thâu tóm. Cần nhớ điều đó để cẩn thận hơn vì chung quanh đầy cạm bẫy (10) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/04/2020
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=133999058177201&set=a.112237800353327&type=3&theater
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10158188982368808&set=a.371777483807&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2722694474506412&set=a.107806509328568&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157512815369833&set=a.10151888993554833&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/nguhuart2012/posts/2908624439205285
(6) https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10158491780633322
(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3021418911299195&set=a.373431679431278&type=3&theater
(8) https://ngaynay.vn/doi-thoai/nguoi-ngheo-o-pho-169892.html
(9) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10159611050838098&set=a.10151320958953098&type=3&theater
(10) https://www.facebook.com/nguhuart2012/posts/2901842246550171
Tuy Mỹ có hàng triệu quân nhân thuộc nhiều lực lượng khác nhau (Hiện dịch - Active Duty, Dự bị - Reserve, Địa phương quân - Natiional Guard) nhưng trong sinh hoạt xã hội, chẳng mấy khi dân Mỹ nhìn thấy lính Mỹ, trừ khi họ sống gần các căn cứ quân sự.
Hải quân Mỹ tại căn cứ Norfolk, Virginia. Hình minh
Để bảo vệ hình ảnh của quân nhân trong mắt thường dân, quân đội Mỹ đặt định rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt khi mang quân phục, bất kể ở trong hay ngoài các căn cứ quân sự tại bất kỳ đâu. Chẳng hạn không được dùng bất kỳ vật dụng nào mà màu sắc khác với màu quân phục hoặc màu đen, kể cả dù, túi xách. Không được vừa đi vừa hút thuốc, vừa ăn uống, vừa dùng điện thoại, trò chuyện lớn tiếng, cười đùa ngả ngớn…
Do khoác quân phục đồng nghĩa với việc phải "nhìn trước, ngó sau" để bảo vệ thể diện của quân đội, thành ra khi có thể, quân nhân Mỹ luôn chọn thường phục. Ở Mỹ, khi dân Mỹ thấy lính Mỹ đầy đường đó chính là lúc dân Mỹ đối diện với thảm họa…
***
Ông Max Rose, Dân biểu của Hạ viện tiểu bang New York, vừa thông báo với cử tri của ông, rằng ông sẽ tạm ngưng làm việc kể từ thứ tư tuần này (1 tháng 4) để trình diện quân đội. Ngoài việc là Dân biểu tiểu bang, Rose còn là một Đại úy của Địa phương quân New York và đã nhận được lệnh trình diện để cùng đơn vị của ông tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 của Địa phương quân New York, tại thành phố New York. Lệnh điều động Đại úy Max Rose không xác định thời hạn phục vụ sẽ là bao lâu.
Trong thư gửi cử tri, Rose loan báo, tuy Đại úy Max Rose phải thi hành lệnh điều động của quân đội nhưng nhân viên của Văn phòng Dân biểu Max Rose vẫn tiếp tục tiếp nhận các ý kiến, yêu cầu của cử tri để phục vụ họ.
Rose nói thêm, suốt tháng vừa qua, ông đã chứng kiến sự dũng cảm và hi sinh phi thường của cả nhân viên y tế lẫn các lực lượng dân sự chuyên ứng phó với tình huống khẩn cấp để chống chọi Covid-19 ở New York. Giờ đến lượt ông thực thi nghĩa vụ của mình, góp thêm sức cho tuyến đầu. Tính đến lúc này, riêng New York đã có khoảng 2.000 người thiệt mạng vì Covid-19 nhưng Rose tin, người Mỹ nói chung và người New York nói riêng sẽ vượt qua thảm họa.
Rose không phải là đại biểu dân cử duy nhất vừa hoạt động như một chính khách, vừa tình nguyện phục vụ quân đội. Theo Military Times, Quốc hội liên bang Mỹ hiện có 15 chính khách đang phục vụ hoặc trong lực lượng Địa phương quân của các tiểu bang hoặc đang thuộc quân số của lực lượng Dự bị. Thỉnh thoảng vẫn có chính khách nào đó nhận được lệnh trình diện để quay lại quân đội, thi hành những nhiệm vụ mà quân đội cần đến họ (1).
***
Tính cho đến chiều thứ tư (1 tháng 4) đã có 17.250 Địa phương quân của 10/50 tiểu bang (California, Connecticut, Florida, Illinois, Louisiana, Maryland, Michigan, New Jersey, New York, Washington) và hai lãnh thổ ủy trị (Guam, Puerto Rico) được chuyển thành lực lượng Hiện dịch, đặt dưới sự chỉ huy của cả Thống đốc tiểu bang lẫn Bộ Quốc phòng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chưa kể 22 tiểu bang và hai lãnh thổ ủy trị khác đang chuẩn bị chuyển đổi Địa phương quân của họ sang trạng thái tương tự (2).
Chuyển đổi Địa phương quân thành lực lượng Hiện dịch (các thành viên Địa phương quân được hưởng các quyền lợi và phải thực hiện những nghĩa vụ y như quân nhân Hiện dịch) vốn chỉ áp dụng khi các đơn vị Địa phương quân được điều động tham chiến tại những chiến trường hoặc tham gia tập trận bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Giờ, cả Lục quân lẫn Không quân cùng tiếp nhận những đơn vị Địa phương quân tương ứng để cùng ứng phó với tình trạng khẩn cấp bên trong lãnh thổ Mỹ.
Người Mỹ đã và sẽ thấy càng ngày càng nhiều quân nhân Mỹ làm đủ thứ việc bên cạnh những nhân viên dân sự đang ở tuyến đầu : Dựng và vận hành các bệnh viện dã chiến, các trung tâm duy trì mạng lưới thông tin. Tham gia xét nghiệm nhanh - xác định những người đã bị lây nhiễm. Sử dụng cả phi cơ, lẫn quân xa vận chuyển, vận hành, sửa chữa từ những thiết bị cồng kềnh, nặng nề ((như máy phát điện, thiết bị chiếu sáng chuyên dụng,…) nhằm gia tăng năng lực phòng chống Covid-19 đến những vật phẩm thiết yếu và phân phát chúng, kể cả phân phát thực phẩm tại những khu vực bị cô lập do nguy cơ lây nhiễm cao (3)…
Trên lãnh thổ Mỹ, lính Mỹ đầy… đường là dấu hiệu cho thấy thảm họa đã trở thành hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên lính Mỹ đầy… đường cũng là một trong những biểu hiện của hy vọng : Có thêm sự tiếp sức của một nguồn vừa dồi dào nhân lực, vừa thạo việc và quan trọng hơn cả, nguồn đó cung cấp những cá nhân tận lực như đã từng và luôn luôn sẵn sàng trả giá cao nhất để bảo vệ xứ sở và đồng bào của họ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/04/2020
Chú thích
Covid-19 tạo ra một trận chiến mà quân đội Mỹ chưa bao giờ trải qua : Phải tham chiến cả ở ngoài lẫn trên lãnh thổ Mỹ ! Trong cuộc chiến ấy, nhiều quân nhân Mỹ bị buộc "án binh bất động" với hy vọng, nhờ vậy sẽ giành được chiến thắng.
Huấn luyện tác nghiệp trên tàu bệnh viện USNS.
Thứ tư tuần trước (25 tháng 3), ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ra lệnh cho toàn bộ quân nhân, nhân viên dân sự đang thường trú tại các căn cứ quân sự bên ngoài nước Mỹ, cũng như thân nhân của họ ngưng dịch chuyển thêm 60 ngày nữa để vừa bảo toàn lực lượng, vừa bảo đảm yếu tố sẵn sàng chiến đấu trên phạm vi toàn cầu (1) – nhiệm vụ mà vì thế họ đến và đang cư trú ở nhiều căn cứ quân sự nằm rải rác trên toàn thế giới. Đó là chuyện bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
***
Quân đội Mỹ (cả Hải, Lục, Không quân, Tuần duyên) có ba lực lượng : Hiện dịch (Active duty – phục vụ quân đội toàn thời gian), Dự bị (Reserve) và Địa phương quân (National guard). Hoạt động của quân đội Mỹ ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ thường thuộc phạm vi trách nhiệm của các đơn vị của lực lượng hiện dịch. Thỉnh thoảng quân nhân thuộc hai lực lượng dự bị và địa phương quân mới được điều động để tham gia các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ Mỹ (tham chiến tại các chiến trường hoặc tham gia các cuộc tập trận).
Khi trong nước xảy ra thiên tai, thảm họa,… cần trợ giúp về nhân lực, Thống đốc các tiểu bang có thể điều động Địa phương quân. Rất hiếm khi Mỹ dùng lực lượng dự bị và hiện dịch vào các hoạt động trên lãnh thổ Mỹ, bởi trách nhiệm chính của những lực lượng này là phải luôn luôn sẵn sàng chống trả những kẻ thù từ bên ngoài cũng như những đối thủ xâm hại các quyền lợi của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Điều động cùng lúc cả Địa phương quân, Dự bị, Hiện dịch "ra trận" ngay trên lãnh thổ Mỹ hình như chưa từng có !
Lần này, Covid-19 đã tạo ra tình huống chưa từng có ấy. Gần như tất cả các tiểu bang đã điều động Địa phương quân vào cuộc. Vì nhu cầu về nhân lực, phương tiện càng lúc càng lớn nên Dự bị, Hiện dịch cũng đã được lệnh ra trận - mặt trận ở ngay trong lòng nước Mỹ. Giữa tuần trước, Công binh của Lục quân bắt đầu điều động các đơn vị Công binh thuộc lực lượng Hiện dịch đến nhiều tiểu bang, thành phố để dựng các bệnh viện dã chiến – loại việc mà họ thường chỉ thực hiện ở những nơi bên ngoài xứ sở của mình.
Thành phố New York giờ đã là mặt trận mà Công binh chiến đấu (Combat engineer - chuyên dọn dẹp, mở đường cho các đơn vị tác chiến tiến lên phía trước hay xây dựng các công trình thiên về phòng thủ) thuộc lực lượng Hiện dịch tham chiến. Trách nhiệm của họ là biến Trung tâm Triển lãm Javits, diện tích 840 ngàn square feet thành nơi tiếp nhận chừng 3.000 bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Trung tướng Todd Semonite, Tư lệnh Công binh của lục quân Mỹ cũng đã điều động một số đơn vị biến các sân vận động ở Seattle (bang Washington), Sacramento (California) thành những bệnh viện dã chiến. Ông cho biết, lực lượng này sẽ dựng hoặc chuyển đổi để tạo ra chừng 114 bệnh viện dã chiến như vậy trên toàn lãnh thổ Mỹ. Tin rằng chừng đó chưa đủ, ông nói thêm, công binh đã sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi công năng của bất kỳ trung tâm hội nghị, ký túc xá nào thành bệnh viện dã chiến (2).
Không chỉ có Lục quân và chẳng riêng Công binh, Hải quân, Không quân, Tuần duyên của cả ba lực lượng Hiện dịch, Dự bị, Địa phương quân đã ra trận. Hai Quân y hạm của Hải quân đã chia nhau đến thành phố New York, bang New York (USNS Comfort) và Los Angeles, bang California (USNS Mercy). Trong khi Công binh hối hả thiết lập các bệnh viện dã chiến, Không quân vận chuyển Tiểu đoàn Quân y 531 thuộc Sư đoàn Dù 101 từ căn cứ Campbell ở bang Kentucky đến thành phố New York.
Đơn vị chuyên vận hành quân y viện tiền phương ở nhiều chiến trường này, nay vận hành bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Triển lãm Javits cùng với các chiến cụ là những thiết bị y khoa chuyên dụng mà chính phủ đã trang bị cho họ (3).
***
Trừ những người được huấn luyện và phải thường xuyên rèn luyện để trở thành chiến binh thực thụ (Infantryman), tùy thuộc vào khả năng và sở thích, ngoài kỹ năng chiến đấu căn bản, những quân nhân Mỹ khác được huấn luyện và rèn luyện theo từng loại việc chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu vốn hết sức đa dạng của quân đội (Military occupational specialty – thường được gọi tắt là MOS). Những loại việc ấy thường có nhiều điểm tương đồng với một số công việc dân sự (4).
Chẳng hạn trong Lục quân, cùng là công binh nhưng có những người được đào tạo để chỉ chuyên lắp đặt hệ thống điện bên trong công trình (MOS 12R - Interior Electrician), hay chuyên lắp đặt hệ thống dẫn nguồn điện bên ngoài (MOS 12Q - Power Line Distribution Specialist), hoặc có những người được đào tạo để chỉ chuyên lắp đặt hệ thống thoát nước thải (MOS 12K - Plumber), có những người được đào tạo để trở thành lính cứu hỏa chuyên nghiệp (MOS 12M – Firefighter), thợ lặn chuyên nghiệp (MOS 12D – Diver),…
Tương tự, cùng phục vụ quân y nhưng ngoài những người được đào tạo để trở thành cứu thương trên chiến trường (MOS 68W – Combat Medic Specialist), còn có những người được đào tạo để làm y tá tổng quát (MOS 68C - Practical Nursing Specialist), trợ tá phòng mổ (MOS 68D - Operating Room Specialist), trợ tá phòng thí nghiệm (MOS 68K - Medical Laboratory Specialist), trợ tá nha sĩ (MOS 68E - Dental Specialist), trợ tá phòng ngừa dịch bệnh (MOS 68S - Preventive Medicine Specialist),…
Trong bối cảnh như hiện nay, khi nhiều người Mỹ lo thắt tim vì Mỹ thiếu cả nhân lực lẫn nhiều loại thiết bị để đối phó với COVID – 19, quân đội Mỹ bao gồm cả hải, lục, không quân, tuần duyên trở thành một nguồn bổ sung từ nhân lực đến thiết bị. Ngoài các lực lượng Hiện dịch, Dự bị, Địa phương quân, còn một lực lượng khác là những quân nhân tuy đã rời quân ngũ nhưng đã từng được huấn luyện và rèn luyện trong quân đội ít nhất tám năm (thời hạn tối thiểu khi tình nguyện phục vụ quân đội).
Cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng điều động các quân nhân thuộc lực lượng dự bị trình diện. Hi vọng về nguồn nhân lực trong cuộc chiến với COVID – 19 được gửi cả vào những người đã rời khỏi quân ngũ, kể cả những cựu quân nhân đã phục vụ quân đội đủ 20 năm và được nghỉ hưu (5).
Tin mới nhất, riêng Lục quân đã gửi email cho 800.000 cựu quân nhân thuộc nhiều lực lượng khác nhau mà kiến thức, kinh nghiệm họ tích lũy khi phục vụ quân đội trong một số MOS giờ trở thành hi vọng bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Chỉ trong năm ngày có 17.000 người cho biết họ sẵn sàng khoác lại áo lính (6).
***
Hy vọng về nguồn nhân lực từ quân đội Mỹ chắc chắn không chỉ đặt ở những quân nhân và cựu quân nhân thuộc những MOS liên quan tới quân y. Người ta tin rằng, những quân nhân và cựu quân nhân thuộc nhiều nhóm ngành khác như Quân cụ (thiết bị chiếu sáng, máy phát điện,…), Quân nhu (phân phát thực phẩm, quần áo,…), Quân vận (điều vận, vận chuyển,…), Quân cảnh,… cũng sẽ được điều động khi cần để lấp đầy nhũng chỗ trống do Covid-19 tạo ra.
Cho dù Mỹ đang trong một cuộc chiến kỳ lạ và nhìn việc điều động quân đội có thể thấy rõ hơn sự kỳ lạ đó nhưng không ai mong Mỹ sẽ đến tình cảnh phải điều động thêm nhiều quân nhân, kêu gọi các cựu quân nhân của nhiều nhóm ngành khác tiếp ứng thêm ! Cuộc chiến đã và đang diễn ra tại Mỹ không có bom rơi, không có đạn nổ nhưng tổn thất nhân mạng, tổn thương kinh tế, xáo trộn xã hội thì tuy đã hết sức trầm trọng song vẫn hết sức khó lường.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/04/2020
Chú thích
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_United_States_Army_careers
Tháng trước, nhiều người mỉa mai ông Nguyễn Phú Trọng, khi tại dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng cộng sản Việt Nam, ông tuyên bố, tổ chức chính trị do ông là Tổng bí thư là :
Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tuỵ, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên (1).
Trước khi nổi như cồn về chuyện "nhậu thiếu, hát chịu" tạo ra khoản nợ hơn 50 tỉ, Yên Định đã nổi tiếng vì là huyện đầu tiên của cả tỉnh Thanh Hóa lẫn khu vực Bắc Trung Bộ đạt tiêu chuẩn "huyện nông thôn mới"
Tháng này, cho dù chính phủ liên tục khuyến cáo mọi người hạn chế ra đường, không tụ tập đông người, cho dù virus gây dịch viêm phổi Corona tiếp tục lan rộng với các diễn biến càng lúc càng đáng ngại nhưng các tổ chức đảng cấp cơ sở trên toàn Việt Nam vẫn được chỉ đạo phải tiến hành đại hội cấp cơ sở theo "đúng yêu cầu, tiến độ" mà Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra. Tường thuật về các đại hội đảng cơ sở vừa… chỉ ra, đúng là không thế lực nào có thể… sánh được với "đảng ta" !
***
Các đại hội đảng cơ sở cho thấy, ở nhà vì người khác, tránh lây nhiễm cho nhau và lây nhiễm cho cộng đồng là khuyến cáo dành cho dân, còn đảng viên là ngoại lệ. Tường thuật của VOV (Đài Phát thanh Quốc gia) về đại hội của Chi bộ 3, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội khắc họa rất rõ điều đó. Trên đường đi dự… đại hội, nhiều đảng viên của chi bộ này đã tạt vào những hàng quán có sự tụ tập… hơi đông người để nhắc quần chúng giữ khoảng cách với nhau và giáo dục họ tốt nhất là nên… về nhà (2) !
Cứ như tường thuật của VOV và ý kiến của các đảng viên chi bộ vừa kể, Covid-19 sẽ tránh… người của đảng để đại hội thành công tốt đẹp, chi bộ sẽ tiếp tục dẫn dắt nhân dân trong địa bàn của mình hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Chưa rõ tuyên bố của Bí thư chi bộ này (Mỗi chi bộ sẽ là một chiến tuyến đi đầu, gương mẫu, quyết tâm chiến đấu để góp phần thắng lợi trong nạn dịch) - được VOV chọn làm tựa bài tường thuật có khiến ai vỡ não khi ráng lý giải, tại sao chiến tuyến có thể… đi, thậm chí… đi đầu… hay không ?
***
"Công nghệ 4.0" – yếu tố thời thượng, năm ngoái còn thường xuyên nằm trên môi, miệng của các viên chức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương – đột nhiên biến mất từ đầu năm nay, sau khi Covid-19 xâm nhập Việt Nam. Đã có một số người tưởng "công nghệ 4.0" bị đào thải. Tuy nhiên tưởng như thế là tưởng… bậy ! Có thể "công nghệ 4.0" không đẻ ra được bất kỳ ứng dụng nào trong phòng, chống dịch viêm phổi corona nhưng "công nghệ 4.0" đang… phục vụ đại hội đảng !
Theo VOV thì Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai vừa "ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ đại hội đảng bộ" của sở này. Tuy ứng dụng ấy chỉ là quét mã QR để các đại biểu tham dự đại hội tải xuống thiết bị thông minh những tài liệu cần thiết nhưng Sở Thông tin và truyền thông vẫn trở thành nơi đầu tiên ở Lào Cai tiên phong ứng dụng "công nghệ 4.0" trong đại hội cơ sở nên không cần giấy tờ ! Chưa hết, theo VOV, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai còn là nơi đi tiên phong khi đại hội đảng cơ sở dùng chai thủy tinh, không dùng chai nhựa (3) !
Cho dù mã QR (Quick Response) đã trở thành một loại tiện ích quen thuộc với chừng… nửa tỉ người trong công việc, sinh hoạt cá nhân, nhiều năm nay, nhiều quốc gia đã dùng mã QR cả trong thanh toán chi phí sử dụng… nhà vệ sinh công cộng nhưng đừng… cười ! Từ định hướng phát triển "công nghệ 4.0" đến hướng dẫn một số đại biểu, đại diện lực lượng tiên phong lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam sử dụng mã QR, rõ ràng là "đảng ta" đã… tiến một bước rất dài về ứng dụng công nghệ !
Trừ trường hợp dùng mã QR để vào… nhà vệ sinh công cộng (sau đó vẫn cần… giấy), các loại vé điện tử có mã QR được người sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) chìa ra khi vào xem phim, lên xe buýt, tàu điện, phi cơ,… tuy cũng… không dùng giấy nhưng về bản chất vẫn khác rất xa mã QR được các đại biểu tham dự đại hội đảng bộ của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai dùng. Loại mã QR ấy tạo ra một loại "vé" cho phép người dùng "được" tất cả những thứ mà đa số quần chúng không biết đến bao giờ mới… được !
***
Cũng tuần này, VOV trịnh trọng loan báo, dẫu Bộ Chính trị chỉ yêu cầu thực hiện thí điểm nhưng Tỉnh ủy Quảng Ninh sẽ để 100% đại biểu tham dự các đại hội đảng cấp cơ sở (từ phường, xã trở xuống) và cấp trên cơ sở (quận, huyện) trực tiếp bầu Bí thư đểnâng cao tinh thần dân chủ và lựa chọn được những cán bộ thực sự có năng lực, tâm huyết, tín nhiệm cao. Một đại biểu dự Đại hội bầu Ban chấp hành đảng bộ xã Tân Bình, huyện Đầm Hà ở Quảng Ninh bảo với VOV, đó là bằng chứng thể hiện sự dân chủ rất cao ở cơ sở (4).
Nếu trực tiếp bầu Bí thư là bằng chứng thể hiện sự dân chủ rất cao thì tại sao Bộ Chính trị chỉ chủ trương thực hiện thí điểm trực tiếp bầu bí thư cấp phường, xã và chỉ tại những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao ? Tại sao vừa cổ súy dân chủ, vừa thề "chống chạy chức, chạy quyền" nhưng vẫn duy trì "quy hoạch nhân sự", giành giữ quyền lựa chọn, sắp đặt nhân sự chủ chốt từ cấp quận, huyện trở lên ? Nếu vẫn là như thế thì tổ chức đại hội đảng các cấp từ cơ sở đến trung ương làm gì cho tốn kém ?
***
Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam vừa yêu cầu Tỉnh ủy Thanh Hóa xác minh và báo cáo vụ Huyện ủy, UBND huyện Yên Định nợ 52 tỉ đồng (5). Theo báo chí Việt Nam, khoản nợ này phát sinh trong giai đoạn từ 2011 – đến 2015, thời điểm ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Tờ Thanh Niên cho biết, đa số chủ nợ của Huyện ủy và UBND huyện Yên Định là những viên chức làm việc trong Huyện ủy và UBND huyện Yên Định.
Họ được Huyện ủy và UBND huyện chỉ đạo bỏ tiền riêng cho huyện vay và đi vay cho huyện để cùng ăn nhậu, mua quà tặng nhau khi có các đại hội, lễ kỷ niệm,… và đãi khách ăn nghỉ. Các chỉ đạo vay mượn còn để sửa xe, đổ xăng khi đưa lãnh đạo và các cán bộ hữu trách trong huyện đi công tác. Theo các "nạn nhân", sở dĩ nợ nần tăng lên đến hơn 50 tỉ là vì nỗ lực để Yên Định được công nhận là… "huyện nông thôn mới", phải đón rất nhiều đoàn đến khảo sát, kiểm tra, sau này là học tập kinh nghiệm, chia vui (6)...
Cần lưu ý rằng, trước khi nổi như cồn về chuyện "nhậu thiếu, hát chịu" tạo ra khoản nợ hơn 50 tỉ. Yên Định đã nổi tiếng vì là huyện đầu tiên của cả tỉnh Thanh Hóa lẫn khu vực Bắc Trung Bộ đạt tiêu chuẩn "huyện nông thôn mới" do "cả đảng bộ lẫn nhân dân huyện Yên Định cùng quyết tâm đưa nhanh nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống" (7). Huyện ủy Yên Định liên tục được công nhận là tổ chức đảng dẫn đầu nỗ lực "xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh".
Hồi tháng sáu năm 2018, cả lãnh đạo Tỉnh ủy lẫn chính quyền tỉnh Thanh Hóa cùng đổ đến Yên Định tham dựLễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập chi bộ đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Yên Định. Thêm một lần nữa, Yên Định được tán tụng là "lá cờ đầu trong phong trào thi đua của toàn tỉnh Thanh Hóa" nhờ "công tác xây dựng đảng chuyển biến tích cực trên cả ba mặt : Chính trị, tư tưởng và tổ chức". Ông Trịnh Văn Chiến – Bí thư Thanh Hóa khẳng định, Yên Định sẽ trở thành huyện kiểu mẫu của Thanh Hóa (8).
Nếu so sánh các sự kiện vừa kể với những tình tiết liên quan đến scandal vì ắt sẽ thấy, việc công nhận huyện nông thôn mới đầu tiên ở khu vực Bắc Trung bộ, khuyến khích trở thành huyện kiểu mẫu, khen ngợi tổ chức đảng ở Yên Định "trong sạch, vững mạnh", diễn ra song song với chuyện… các chủ nợ đòi nợ, đề nghị cả tỉnh lẫn chính phủ hỗ trợ giải quyết và nộp đơn kiện Huyện ủy, UBND huyện Yên Định tại cả Tòa án huyện Yên Định, lẫn Tòa án tỉnh Thanh Hóa !
Giống như nhiều địa phương khác trên toàn Việt Nam, Yên Định cũng đang tổ chức các đại hội đảng cấp cơ sở. Chắc chắn đại hội đảng cấp cơ sở nào cũng thành công tốt đẹp. Đại hội đảng bộ huyện Yên Định và Đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ thành công tốt đẹp như thế để Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm tới thành công… rực rỡ, bất kể dịch viêm phổi Vũ Hán diễn tiến thế nào và tác động tới kinh tế - xã hội ra sao. Đừng bình phẩm theo thói thường. Không thể đem lẽ thường ra… so với "đảng ta" được !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/03/2020
Chú thích
(1) http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dang-ta-that-la-vi-dai-nhan-dan-ta-that-la-anh-hung-547835.html
(2) https://vov.vn/chinh-tri/dang/chong-dich-covid19-moi-chi-bo-la-mot-chien-tuyen-di-dau-1025494.vov
(6) https://thanhnien.vn/thoi-su/co-quan-huyen-uy-ubnd-huyen-mac-no-50-ti-dong-1196093.html
(7) https://kinhtenongthon.vn/yen-dinh-huyen-nong-thon-moi-dau-tien-cua-thanh-hoa-post16424.html
Cuối cùng cũng có một cơ quan truyền thông chính thức chỉ trích VTV (Đài Truyền hình Quốc gia tại Việt Nam) vì cổ xúy những hành vi xúc phạm thuần phong mỹ tục.
VTV phát đi phát lại quảng cáo cho một loại nước tăng lực và một game show
Suốt tuần vừa qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội đã chỉ trích kịch liệt việc VTV phát đi phát lại quảng cáo cho một loại nước tăng lực và một game show.
Quảng cáo loại nước tăng lực bị chỉ trích, giới thiệu một cặp vợ chồng người thiểu số với cô vợ liên tục thắc mắc : Mình đi đâu đấy ? Bất kể anh chồng đi đâu (lên núi, lên mái nhà hay… lên giường), cô cũng khuyến khích chồng uống loại nước tăng lực được quảng cáo cho… khỏe (1) !
Sau khi nhiều người sử dụng mạng xã hội bày tỏ sự bất bình về quảng cáo loại nước tăng lực vừa kể, tờ Tuổi Trẻ đã phỏng vấn và giới thiệu ý kiến của ba người. Ông Nguyễn Quang Minh (Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội), nhận định, quảng cáo nước tăng lực đã đề cập là "đáng khinh", đồng thời là bằng chứng cho thấy VTV "thiếu tôn trọng khán giả" khi liên tục phát tán những hình ảnh, nội dung "phản văn hóa" như thế. Bà Hoàng Thu Thùy (nghiên cứu văn hóa của các sắc tộc thiểu số), nhấn mạnh, quảng cáo đó "miệt thị các sắc tộc thiểu số". Còn ông Vũ Quang Minh (viên chức ngoại giao) thì cho rằng VTV nên ngưng phát quảng cáo để giữ thể diện của Đài Truyền hình Quốc gia (2)...
Cần lưu ý, trong tuần vừa qua, VTV không chỉ khuấy động dư luận bằng quảng cáo nước tăng lực đã kể. Game show "Kèo này ai thắng" phát vào tối 12 tháng 3, tiếp tục làm công chúng sôi sùng sục khi chứng kiến một nữ người mẫu dùng miệng ngậm một củ cải trắng, sau đó dùng tay giữ củ cải này cho một nghệ sĩ xiếc phóng dao vào củ cải trắng. Xem tiết mục ấy, ai cũng thấy đạo diễn cố tình khai thác các góc quay để người xem phải liên tưởng đến những tình huống vốn chỉ xảy ra trên giường ! Tuy đã xin lỗi khán giả vì tiết mục dễ gây ngộ nhận nhưng một trong hai MC của game show vẫn mạnh miệng đề nghị khán giả ủng hộ cho các nghệ sĩ… tỏa sáng (3) !
Một nữ người mẫu dùng miệng ngậm một củ cải trắng, sau đó dùng tay giữ củ cải này cho một nghệ sĩ xiếc phóng dao vào củ cải trắng. Ảnh minh họa
***
Dẫu nhiều người băn khoăn trước hàng loạt dấu hiệu phản văn hóa mà nhiều người dựa vào đó để cho rằng VTV càng ngày càng đốn mạtn song đó chưa phải là điểm chính yếu. Điểm chính yếu nằm ở chỗ, nhiều năm nay, không chỉ VTV mà rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức thi nhau khai thác rất tận tình những yếu tố dung tục, rẻ tiền.
Chẳng riêng hệ thống truyền thông chính thức, các tổ chức chính trị đảm nhận vai trò tập họp, hướng dẫn thanh niên tại Việt Nam như : Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... cũng thế. Chẳng riêng công chúng thể hiên sự âu lo, bất bình của họ trên mạng xã hội, một số cơ quan truyền thông chính thức cũng phải… nhả tăm để lên tiếng, khi "đoàn, hội" sử dụng vô số "trò chơi tập thể" : Các thiếu nữ cặp bình sữa vào nách cho các chàng trai bú ! Các chàng trai kẹp dưa leo vào hạ bộ cho các thiếu nữ ăn ! Hoặc đặt một trái bong bóng lên hạ bộ cho các thiếu nữ ngồi lên, cố gắng nhún nhảy sao cho bóng bể... để "tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ" (4) !
Các chàng trai kẹp dưa leo vào hạ bộ cho các thiếu nữ ăn ! - Ảnh minh họa
Năm 2018, sau khi xem video clip ghi lại cảnh học sinh trường Trung học Thực hành sư phạm thuộc Đại học Cần Thơ chơi "chuyền thẻ" : Nam sinh và nữ sinh nằm đè lên nhau, mặt úp vào nhau, cố giữ cho tấm thẻ đặt giữa miệng của cả hai không rớt khi cùng lăn trên đất để chuyền tấm thẻ ấy cho cặp khác... nhiều phụ huynh đã yêu cầu Ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo, Ban chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chấm dứt việc sử dụng các "trò chơi tập thể này" nhằm khắc phục tình trạng "nhạt đảng, khô đoàn" (5) !
Trong khi các viên chức hữu trách ở Cần Thơ khẳng định, "chuyền thẻ" là một trong những "trò chơi tập thể" được Ban chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho phép (6) thì Ban chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vừa phủ nhận, vừa lên án vì "không đúng thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa, truyền thống của người Việt" và chỉ đạo tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản ở Cần Thơ phải rà soát lại. Cũng phải đến lúc đó – lúc phụ huynh nổi giận vì trường học trở thành nơi đầu độc, tha hóa con cháu của họ - Bộ Giáo dục và đào tạo mới ra lệnh chấn chỉnh (7).
***
Vì sao hệ thống truyền thông chính thức có thể thoải mái khai thác, phát tán những thông tin dung tục, cổ súy sự sùng bái các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thời trang, ca ngợi chơi ngông… ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào liên quan đến đời tư của những nhân vật thuộc dạng này, tự do đào xới các vụ cướp, hiếp, giết... song công chúng hỗ trợ nhau hiểu biết tường tận, chính xác về cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc (1979 – 1989), về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông, về nội dung các tuyên ngôn liên quan tới nhân quyền, dân quyền của Liên Hiệp Quốc thì bị xem là "tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động" (8) ?
Vì sao có thể dễ dàng khai triển các hoạt động đầu độc nhận thức, tha hóa nhân cách thiếu niên, thanh niên kiểu như "trò chơi tập thể", biến công chúng trở thành mê muội kiểu như vận động "tu tập hồi hướng nhằm hóa giải dịch do virus corona gây ra" nhưng không được phép thực hiện những cuộc vận động nâng cao nhận thức về môi trường, hay tổ chức tưởng niệm những người Việt đã đền nợ nước ở biên giới phía Bắc, ở Hoàng Sa, Trường Sa, thậm chí ngoài cấm đoán, có những thời điểm, những hoạt động này còn bị đàn áp thẳng tay bởi các cáo buộc kiểu như "lợi dụng bảo vệ môi trường để gây rối" (9), "xuyên tạc, kích động nhằm chống phá" (10) ?
Nếu quan sát kỹ những nghịch lý như vừa phác họa và đối chiếu những nghịch lý này với thực trạng xã hội, liệu đã đủ để tự vấn : "Mình" đi đâu đây ? Việc tạo ra – gìn giữ và phát triển những nghịch lý này là vô tình hay cố ý và cứ như thế "mình" còn cơ hội vượt lên, hay cả kinh tế - xã hội lẫn đạo đức – nhân cách của nhiều thế hệ cùng lao xuống đáy ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/03/2020
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=rLnQorFaH4c&ab_channel=WorldofDrinks
(4) http://vannghethainguyen.vn/2018/05/28/nhung-tro-choi-tho-tuc/
(5) https://www.datviet.com/sinh-hoat-tap-the-cua-doan-vien-doan-tncs-dung-tuc-la-chinh/
(9) https://vtv.vn/trong-nuoc/canh-giac-voi-am-muu-loi-dung-moi-truong-de-gay-roi-2019110318331383.htm
(10) http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Thuc-long-tuong-niem-hay-muon-co-gay-roi-kich-dong-585894/
Trong vài năm gần đây, các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam rất thích trưng dẫn các sự kiện liên quan đến bang giao quốc tế (ví dụ gần nhất là những tuyên bố, nhận định về sự kiện Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc…) để chứng minh, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, "vị thế" Việt Nam trong cộng đồng quốc tế càng ngày càng cao…
Một phụ nữ Châu Á đeo khẩu trang in cờ Đài Loan để chống loại virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc : Covid-19
Thế thì tại sao càng ngày càng nhiều người Việt cảm thấy bất an, thậm chí bất bình về thực tại, âu lo cho tương lai, cho cả khả năng tự lực, tự cường của quốc gia lẫn cơ hội mưu tìm ấm no, hạnh phúc cho chính mình và thân nhân của mình ? Liệu có thể đồng thanh thốt lên : Tự hào quá Việt Nam ơi ! - chỉ vì "vị thế" quốc gia càng ngày càng cao và yên tâm với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của "đảng ta" ?
Tuy gần như bất đồng về tất cả các khía cạnh liên quan đến quốc gia, dân tộc song có lẽ sẽ có một điểm mà những cá nhân "kính bác, yêu đảng, trọn đời phấn đấu cho việc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam", nhất trí với những cá nhân bị xếp vào loại "thù địch, phản động" là cách hành xử khi đối diện với thảm họa, với những tình huống khẩn cấp chính là thước đo tâm lực, trí lực của bộ máy quản trị, điều hành.
Vào lúc này - lúc Covid-19 đã trở thành thảm họa, tạo ra tình huống khẩn cấp có quy mô toàn cầu, đặt cách hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bên cạnh những hệ thống tương ứng của thiên hạ với Covid-19, chính là cơ hội để cảm nhận thế nào là "tài tình, sáng suốt". Có vài lý do khiến kẻ viết bài này chọn Đài Loan (người Việt vẫn gọi tắt là "Đài") : Đây là lãnh thổ chưa được cộng đồng quốc tế trao tặng tư cách quốc gia và cũng phải trân mình hứng chịu đủ kiểu tác động từ Trung Quốc…
***
Tính đến cuối ngày 12/3, tại Việt Nam có 39 người nhiễm Covid-19, còn tại Đài Loan có 48 người bị nhiễm loại virus này. Việt Nam chưa có ai thiệt mạng vì Covid-19 còn Đài Loan từng có một người mất mạng hôm 16/2. Giống như Việt Nam, sau khi Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, Đài Loan bị xếp vào khu vực có nguy cơ cao vì lượng người Đài Loan qua lại Trung Quốc và ngược lại rất đông.
Sau Thái Lan, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan là nơi thứ tư tìm thấy người nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc. Hai ngày sau (23/1), tới lượt Việt Nam công bố việc phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Khác với Việt Nam (không đóng các cửa khẩu ở biên giới Việt-Trung vì còn phải tham khảo ý kiến của Trung Quốc), sau khi Trung Quốc chính thức xác nhận sự xuất hiện của một loại virus mới gây ra dịch viêm phổi cấp tính, Đài Loan lập tức khuyến cáo dân chúng không đến Vũ Hán và hạn chế đến Trung Quốc.
Ngày 24/1, chính quyền Đài Loan ra lệnh cấm xuất cảng khẩu trang để bảo đảm như cầu phòng ngừa dịch bệnh cho đến 23/2. Ngày 7/2, Đài Loan tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc và kiểm soát visa để buộc tất cả những ai mang các quốc tịch khác nhưng từng nhập cảnh hoặc cư trú tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó phải cách ly. Ngày 13/2, chính quyền Đài Loan tuyên bố gia hạn lệnh cấm xuất cảng khẩu trang cho đến cuối tháng 4 (1)...
Tất cả những biện pháp đó làm Trung Quốc nổi giận, chính quyền và đặc biệt là bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, bị hệ thống truyền thông Trung Quốc chỉ trích kịch liệt, kể cả xác định họ là những kẻ… "bệnh hoạn về nhận thức" (2)…
Bất chấp chỉ trích từ Trung Quốc và bất kể chính quyền các quốc gia hết sức dị ứng với việc kiểm soát, hạn chế nhập cảnh đối với công dân của họ, vì nguy hại cho giao thương, Đài Loan công bố lệnh cấm nhân viên y tế đến Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, "không hoan nghênh" nếu nhân viên y tế đi du lịch ở Nhật, Nam Hàn… Lý do : Ngoài việc khống chế lây lan còn phải ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu về y tế, giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế là chuyện không dễ dàng (3) !
Đó là đối ngoại, trong đối nội, từ 1/2, chính quyền Đài Loan tuyên bố trưng dụng toàn bộ khẩu trang, giành quyền phân phối khẩu trang trên toàn lãnh thổ cho Trung tâm Phòng - chống dịch bệnh (Center for Desease Control-CDC).
CDC Đài Loan lập tức loan báo cách thức phân phối khẩu trang, tiêu chuẩn mua khẩu trang đối với từng cá nhân, từng nhân viên y tế, từng cơ sở y tế trong mỗi tuần. Một số công ty rượu bia, đường mía được yêu cầu chuyển qua sản xuất cồn sát khuẩn, sản phẩm này cũng được quản lý và phân phối như khẩu trang (4).
Đồng thời CDC Đài Loan yêu cầu chính quyền đầu tư thêm máy móc, gia tăng sản lượng khẩu trang và các trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế trong nước. Trong vòng mười ngày sau khi cấm xuất cảng khẩu trang, từ trung tuần tháng 2, sản lượng khẩu trang ở Đài Loan tăng 3,5 triệu cái mỗi ngày và lượng khẩu trang, trang bị bảo hộ cho nhân viên y tế tăng gấp đôi. Giá bán khẩu trang trên thị trường giảm 1/3 (5).
Vào thời điểm ấy tại Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền bắt đầu hội họp, xem xét kỷ luật những giáo viên tiết lộ chuyện trẻ con phải dùng giấy thay khẩu trang. Nhân viên y tế bắt đầu tự may khẩu trang để dùng vì thiếu khẩu trang hợp cách và đến bây giờ, rất nhiều nhân viên y tế phàn nàn vì phải tự tìm kiếm khẩu trang hợp cách bởi khẩu trang được cấp phát đã bằng vải lại quá mỏng, không an toàn cho chính họ. Không viên chức hữu trách nào nhận ra, nếu nhân viên y tế lâm nạn thì dịch sẽ trở thành đại họa !
Ở Đài Loan, trước viễn cảnh dịch bệnh lan rộng, CDC Đài Loan liên tục đưa ra hàng loạt đề nghị và các đề nghị ấy được toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Đài Loan đáp ứng ngay lập tức : Giám sát nghiêm ngặt việc ra vào bệnh viện. Mỗi bệnh nhân phải vào bệnh viện vì bất kỳ bệnh gì chỉ cho phép hai người ra vào thăm hỏi để hạn chế tối đa nguy cơ Covid-19 lây lan rộng hơn (6). Không xuất cảng nhiệt kế, có xuất cảnh cũng chỉ được mang tối đa hai nhiệt kế/người (7)…
Tuy không được công nhận như một "quốc gia độc lập, có chủ quyền" nhưng từ hạ tuần tháng 1, Đài Loan đã khẳng định, bất kỳ người dân và du khách nào đến Đài Loan không chủ động và trung thực khi khai báo về "lịch sử du lịch và lịch sử tiếp xúc có liên quan đến Covid-19", hay khi đi khám bệnh, không chủ động thông báo về các triệu chứng đáng ngờ sẽ bị phạt từ 10.000 TWD (khoảng 330 USD) đến 150.000 TWD (khoảng 5.000 USD) theo Luật Phòng - chống các bệnh truyền nhiễm của Đài Loan (8).
Từ khi Covid-19 bùng phát thành dịch đến nay, ở Đài Loan không có tình trạng du khách Trung Quốc đã được yêu cầu tự cách ly nhưng tự tiện rời khỏi nơi cư trú, cũng không có tình trạng cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền loay hoay không biết ứng xử thế nào để "vừa bảo đảm ngoại giao, vừa bảo đảm yêu cầu cách ly, phòng chống dịch hiệu quả" như đã xảy ra tại Đà Nẵng hồi hạ tuần tháng trước khi có 20 du khách Nam Hàn từ ổ dịch Daegu đổ đến (9)…
***
Khi Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc, các chuyên gia y tế trên thế giới từng dự đoán và cảnh báo, Đài Loan sẽ sớm trở thành nơi đứng thứ hai về tổng số người nhiễm và tử vong vì virus này, đó là lý do ngay sau đó, một số quốc gia cấm cửa cả dân Trung Quốc lẫn dân Đài Loan. Tuy nhiên trên thực tế, từ 24/2 đến nay, số ca nhiễm/số ca tử vong gần như không thay đổi (48/1) và không có bất kỳ viên chức hữu trách nào tuyên bố "đã chiến thắng ở bước đầu trong chiến dịch phòng - chống Covid-19" như Việt Nam.
Có thể vì Đài Loan không có viên chức lãnh đạo nào tha thiết với "công nghiệp 4.0", không bơm rồi lôi ông tướng nào ra khỏi một công ty chỉ chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông của quân đội, đặt ông ta vào vị trí Bộ trưởng Thông tin của truyền thông để thực hiện "công nghiệp 4.0", thành ra…
…trong khi Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Việt Nam đang đôn đốc "toàn ngành thông tin và truyền thông bám sát định hướng chỉ đạo của đảng, nhà nước về phòng, chống dịch bệnh", yêu cầu toàn ngành và các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam cùng phải xem "công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm thực hiện sâu rộng, có hiệu quả nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do dịch bệnh gây ra". Mặt khác phải "kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch" (10)…
… thì tại Đài Loan, các cơ quan quản trị về Thông tin và truyền thông đã cùng các doanh nghiệp công nghệ của Đài Loan đã lắp đặt thêm hàng loạt máy đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại ở các ga tàu điện nhằm phát giác những hành khách mà thân nhiệt trên 37 độ C, chặn họ lại để kiểm tra thêm ngay lập tức và từ chối cho lên tàu nếu thân nhiệt trên 38 độ C (11).
Không được hướng dẫn bằng những chỉ thị như Chỉ thị 05/CT-BTTTT của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành trung ương, Phó ban Tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, cho nên các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin của chính quyền Đài Loan đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan, tự ý thực hiện chương trình thử nghiệm cho toàn dân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hay chứng nhận công dân điện tử để đặt mua khẩu trang qua Internet từ ngày 12 tháng này.
Chương trình thử nghiệm vừa kể được giải thích là nhằm "cải thiện việc phân phối khẩu trang vốn chưa thực sự đồng đều và tạo điều kiện thuận lợi cho những người không có thời gian xếp hàng mua khẩu trang như nhân viên văn phòng, học sinh…" khiến chuyện thực thi các qui định nghiêm ngặt về quản lý, phân phối khẩu trang để ngăn ngừa Covid-19 dễ dàng hơn, hiệu quả hơn (12).
***
Sau khi Việt Nam phát giác người thứ 17 nhiễm Covid-19 và số người nhiễm loại virus này tăng dần, ngày 9/3 Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam thông báo, Phiên họp lần thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam sẽ không diễn ra vào ngày 10/3 như dự kiến vì có vấn đề về công tác chuẩn bị(13). Nếu phiên họp ấy không bị hoãn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam sẽ thảo luận về một nghị quyết, một nghị định, tám dự luật liên quan tới nhiều lĩnh vực, hoàn toàn không dính dáng gì đến Covid-19.
Cũng thời điểm này, Quốc hội Đài Loan đã thảo luận xong và công bốkế hoạch hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tất cả những người nghi ngờ bị nhiễm và được yêu cầu phải cách ly, không thể làm việc hay phải xin nghỉ làm việc vì bị kiểm dịch hoặc phải chăm sóc người bị kiểm dịch, bị cách ly đều có quyền yêu cầu hỗ trợ và được chính quyền trợ giúp 1.000 TWD (khoảng 33 USD)/ngày. Do thời gian cách ly là 14 ngày, một người bị cách ly có thể được trợ giúp 14.000 TWD (khoảng 462 Mỹ kim). Qui định trợ giúp sẽ được áp dụng từ 15 tháng 1 và thời gian đương sự có quyền yêu cầu trợ giúp lên đến hai năm tính từ ngày bị kiểm dịch hay chấm dứt cách ly (14)…
***
Xét về "vị thế" theo quan điểm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam, rõ ràng Đài Loan chẳng là gì so với Việt Nam, có thể vì vậy, dân chúng Đài Loan không như nhiều người Việt Nam - rất đồng cảm với quan điểm của đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta về "vị thế" của "ta" và rất dễ tự hào về những bàn thắng trong một trận cầu, về việc Việt Nam dùng phi cơ đưa vài chục người từ Vũ Hán về nước...
Cho dù bị Trung Quốc cản trở, phải lên tiếng tố cáo với cộng đồng quốc tế, rằng Trung Quốc cố tình giữ những người Đài Loan ở Vũ Hán như "con tin" để kiềm chế cách hành xử của Đài Loan nhưng không có người Đài Loan nào cảm thấy… "ngạo nghễ" khi Đài Loan mang được những người bị kẹt ở Vũ Hán về nhà.
Xét về tổng thế, việc phòng chống dịch của Đài Loan hơn xa chẳng riêng Việt Nam nhưng chưa có người Đài Loan nào làm thơ ca ngợi… Tổng thống và nếu có, chắc chắn Văn phòng Tổng thống cũng chẳng soạn công văn khen ngợi, cám ơn như… Văn phòng Thủ tướng của "ta". Covid-19 là một cơ hội ngắm "Đài", nhìn "ta", ngẫm về "vị thế" và có lẽ nên ngẫm xa hơn, có phải dân ta phải như thế nào thì đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta mới như thế chăng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/03/2020
Chú thích
(1) https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3875745
(2) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172051
(4) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=171667
(5) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=170290
(6) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458,459,461,462&post=172351
(7) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172770
(8) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=169838
(9) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(11) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173059
(12) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173153
(13) http://quochoi.vn/UBTVQH/tintuc/Pages/tin-hoat-dong.aspx?ItemID=1130
(14) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=173152
Nếu đặt hàng loạt sự kiện liên quan đến thảm họa và đối sách bên cạnh nhau có thể nhìn thấy nhiều vấn đề ở tương lai gần và thấy "ấm no, hạnh phúc" đang ở rất xa…
Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. [nguồn : VnExpress 3/11/2016]
***
- Ngày 3 tháng 3, trong phiên họp chính phủ theo định kỳ, ông Mai Tiến Dũng thay mặt chính phủ nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của tháng 2, theo đó, tuy có nhiều dấu hiệu cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của kinh tế vĩ mô nhưng vẫn còn nhiều "điểm sáng".
Chẳng hạn so với cùng kỳ năm ngoái thì : Giá cả ổn định. Cả nông nghiệp lẫn công nghiệp đều tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng tăng. Kiểm soát được nhập siêu. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập và số vốn đăng ký tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại tăng.
Tuy nhiên ngay trong phiên họp vừa kể, cũng chính ông Dũng không chỉ tự che bớt… độ sáng của các "điểm sáng" mà còn gây hoang mang về yếu tố… "sáng". Ví dụ, nếu du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống bị COVID-19 tác động mạnh thì tại sao doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng lại tăng ? Nếu cảnông nghiệp lẫn công nghiệp đều tăng trưởng thì có cần cam kết sẽ sớm ban hành một chỉ thị để đặt định các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với COVID-19 (1) ?
- Vài ngày sau, hôm 7 tháng 3, cũng dựa trên các số liệu vĩ mô do Tổng cục Thống kê của chính phủ công bố, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) nhận định : Kinh tế tháng 2 ‘ngấm đòn’ COVID-19 (3). Theo phân tích của TBKTSG, nếu lưu ý đến yếu tố tháng 2 năm nay không có nhiều ngày nghỉ Tết như tháng 2 năm ngoái thì sản xuất công nghiệp không những không tăng mà còn giảm trong hai lĩnh vực chính là chế tạo, chế biến.
Cũng theo TBKTSG, khó khăn đối với sản xuất công nghiệp chỉ mới bắt đầu và sẽ càng ngày càng tăng trong những tháng tới vì nguồn dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất của nhiều doanh nghiệp đang giảm. Nếu giao thương với Trung Quốc không sớm tái lập thì sản xuất công nghiệp trong các tháng tới có thể sẽ sớm sụt giảm.
So với cùng kỳ năm ngoái, tuy tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng có tăng 8,3% nhưng đó là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Nếu loại trừ tác động của lạm phát (tăng gần 6%) thì mức tăng thật của doanh số bán lẻ chỉ còn khoảng 2% hoặc 3%. Thậm chí so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu riêng từ bán lẻ và đặc biệt là doanh thu từ ăn uống, lưu trú giảm khoảng bảy lần !
Đừng so với cùng kỳ năm ngoái mà so với tháng trước đó thì số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập không những không tiếp tục ở mức cao mà giảm chừng 21%. Cho dù số doanh nghiệp mới thành lập không quan trọng bằng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và xin giải thể nhưng vì chính phủ không đề cập nên có thể nhiều người không biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này tăng 61,8% và 121%...
- Hóa ra cùng dùng một nguồn nhưng có tới hai cách lựa chọn, giải thích – nhận định về các số liệu thống kê. Cách lựa chọn và giải thích – nhận định của chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội khác xa thực tế cuộc sống mà từ doanh nhân đến công dân đối diện, mục kích hàng ngày nên niềm tin vốn đã mỏng manh càng thêm dễ vỡ. Kêu gọi, thậm chí buộc công dân tin vào khả năng quản trị, điều hành của đảng, nhà nước có khác gì buộc đồng bào mặc áo cà sa khi đi với… ma !
***
Ba ngày sau khi giới thiệu những "điểm sáng" về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm nay, ngày 6 tháng 3, Thủ tướng Việt Nam ban hành một chỉ thị như đã hứa để đặt định "những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ ‘kép’ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội" (Chỉ thị 11).
Theo Chỉ thị 11, chính phủ sẽ tung ra gói tín dụng 250.000 tỉ, gói tài khóa 30.000 tỉ và hàng loạt biện pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do COVID-19 (3). Ví dụ hệ thống ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn - giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ,... với những khách hàng gặp khó khăn vì COVID-19. Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng sẽ dùng để thực hiện các giải pháp vừa kể.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí. Đề xuất các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... Những giải pháp mà chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chi tiết hóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với COVID-19 được ước tính sẽ tiêu hết khoảng 30.000 tỉ đồng.
Trong Chỉ thị 11, những cơ quan khác như Bộ Giao thông – Vận tải được chỉ đạo là phải hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt... Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu - đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới...
Nhìn một cách tổng quát, những chỉ đạo vừa kể chẳng khác gì các… thân hữu, dẫu tẻ nhạt, vô vị nhưng người Việt thường xuyên phải… chạm mặt. Cứ dùng google để tra sẽ thấy cả triệu kết quả tương tự vì các giải pháp như vậy đã được chỉ đạo từ năm này qua năm khác, kể cả những năm không có… dịch ! Nếu chính phủ tiếp tục được kiến tạo theo phương thức này, Chỉ thị 11 có thể đổi số, đổi ngày ban hành để đặt định các giải pháp… cấp bách đối phó với COVID… 20, COVID…. 21, COVID… 22,… trong tương lai cả gần lẫn xa !
***
Ngoài COVID-19, kinh tế - xã hội Việt Nam còn đối diện với những rủi ro khó lường từ hạn hán. Nước cho ăn uống, tắm giặt, trồng trọt, chăn nuôi đã và sẽ còn thiếu hụt trầm trọng cả ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, miền Trung,… Đến giờ, tại ĐBSCL, hạn hán, nước mặn từ biển xâm nhập vào sông rạch, ruộng vườn đã vượt các kỷ lục của mùa khô 2015 – 2016 (vốn được xem là chưa từng có).
Đã có 5/13 tỉnh thành phố ở ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình trạng khẩn cấp (4). Tuy hạn hán và nước mặn xâm nhập ĐBSCL đã xuất hiện từ tháng 12 năm ngoái nhưng cuối tuần vừa qua, Thủ tướng mới thay mặt chính phủ loan báo, sẽ cấp cho mỗi tỉnh trong số năm tỉnh vừa công bố tình trạng khẩn cấp khoản tiền là 70 tỉ đồng/tỉnh (5).
Nhiều người đã đem khoản tiền 70 tỉ đồng mà chính phủ cấp cho mỗi tỉnh trong năm tỉnh đang chật vật xoay sở trước hạn hán, nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL, với khoản tiền 269 tỉ đồng mà chính quyền thành phố Hải Phòng dự tính sẽ dùng để mua quốc kỳ, ấm chén tặng các cư dân của thành phố này. Cần nhớ điều mà các viên chức thành phố Hải Phòng từng lưu ý : 269 tỉ ấy là tiền do Hải Phòng… làm ra (6) !
Vậy 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL có làm ra tiền không ? Có ! Cứ xem lại các số liệu của thập niên 1990, 2000 thì có thể thấy ĐBSCL từng làm ra rất nhiều tiền và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam của ĐBSCL chính là tiền đề để nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng làm ra… tiền. Còn chuyện ĐBSCL lụn bại vì biến đổi khí hậu, vì nước bị chặn ở thượng nguồn sông Mekong, thậm chí đối diện với nguy cơ mà nhiều chuyên gia ví von là "tan rã" thuộc… phạm trù điều hành, quản trị quốc gia.
Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã bỏ phiếu, nhất trí chi 269 tỉ mua quốc kỳ và ấm chén. Đó là tiền của Hải Phòng và là "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân thành phố Hải Phòng, đảng, nhà nước, quốc hội và chính phủ tôn trọng "ý chí, nguyện vọng" đó. Không cần phải bận tâm tới ĐBSCL vì đã có nghị quyết… "phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu".
Trước nay, sở dĩ ĐBSCL chưa bao giờ được đầu tư thỏa đáng là do công quỹ thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong để chi thường xuyên, chính phủ "chưa thể cân đối, phân bổ ngân sách" và khả năng đầu tư thỏa đáng cho "vùng kinh tế trọng điểm" như ĐBSCL có lẽ sẽ còn rất lâu bởi ĐBSCL vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ còn phải dốc hết nội lực quốc gia cho những ý tưởng khác…
Cách nay mười ngày, khi nông dân ở ĐBSCL đã phải bỏ hoang hàng trăm ngàn héc ta ruộng vườn, khi không lúa, không trái cây, không tôm cá, thiếu cơm ăn, áo mặc đã hiển hiện, chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhiệm vụ xây dựng "Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu" để "phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu" nhằm "mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới" (7).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/03/2020
Chú thích :
(2) https://www.thesaigontimes.vn/300763/kinh-te-thang-2-ngam-don-covid-19.html
(4) https://moitruong.net.vn/chinh-phu-ho-tro-70-ty-dong-cho-5-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man/
(5) https://moitruong.net.vn/chinh-phu-ho-tro-70-ty-dong-cho-5-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man/
(7) https://ndh.vn/thoi-su/xay-dung-de-an-phat-trien-doanh-nghiep-nha-nuoc-quy-mo-lon-1263963.html
Tuy tuần này tại Việt Nam có nhiều tin mới và… tốt liên quan đến việc phòng, chống Covid-19 nhưng vì nhiều lý do, niềm tin vào khả năng ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp mới của công chúng Việt Nam tiếp tục lung lay…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Photo QDND
***
Một trong những tin mới thuộc loại… tốt nhưng khiến công chúng chưng hửng là sự kiện ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, ban hành một chỉ thị kêu gọi "toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam đoàn kết, chung tay, thể hiện trách nhiệm, năng lực và sứ mệnh dùng công nghệ để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh" (1).
Nguyễn Tấn Thành lý giải, chỉ thị vừa kể chứng minh rõ ràng là "anh Hùng ‘nổ’ hơn anh Quảng". Cho dù chưa thể dự đoán, các doanh nghiệp công nghệ sẽ dùng lối nào để… "vào cuộc" như yêu cầu của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nhưng theo Nguyễn Tấn Thành : Dịch này là… cơ hội trăm năm có một, lẽ nào các doanh nghiệp công nghệ lại chịu ngồi im, không vẽ ra dự án để lấy tiền (2) !
Một tin mới khác cũng thuộc loại… tốt nhưng cũng làm công chúng hoang mang là tuyên bố của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh của Bộ Y tế), rằng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ "chính thức vận hành, kết nối, hỗ trợ các đội phản ứng nhanh với tinh thần ‘đem chất xám xuống các tuyến huyện’ phân tuyến điều trị hợp lý, tránh tình trạng lây lan khi vận chuyển bệnh nhân" (3).
Kiểu ví von để đẩy mọi thứ thăng thiên như‘đem chất xám xuống các tuyến huyện’ khiến nhiều người như Phung Chi Kien buột miệng than dài : Ở xứ có Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, mọi thứ đều có thể thành trò cười (4)…
***
Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát, những tin mới như đã kể tuy… tốt, vẫn không… tốt bằng tin Việt Nam đã nghiên cứu thành công bộ thử nghiệm (test kit) Covid - 19 và sẽ sản xuất hàng loạt (5).
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ đang đau đầu vì thiếu test kit để thử nghiệm, xác định nhanh, chính xác xem cá nhân nào đó có nhiễm Covid-19 hay không thì rõ ràng đây là tin… tốt nhất… thế giới !
Đó cũng là lý do Dương Quốc Chính cho rằng, đã đến lúc Việt Nam có thể… ngạo nghễ ! Facebooker này đã dùng những thông tin do chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cung cấp để chứng minh : Thông thường, thiên hạ phải mất bốn năm để nghiên cứu về một loại test kit, Việt Nam chỉ mất… một tháng ! Các loại test kit để thử nghiệm Covid-19 khác (kể cả những loại do WHO cung cấp hoặc Mỹ sản xuất) phải chờ sáu tiếng mới có kết quả nhưng test kit do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất chỉ phải chờ hai tiếng. Mức độ chính xác của những loại test kit khác chỉ đạt từ 50% đến 70%, còn của Việt Nam là 100% ! Chưa kể vì có thể sản xuất đến 10.000 bộ/ngày nên Việt Nam có thể xuất cảng và chắc sắp giàu to...
Dương Quốc Chính dự đoán vì test kit dùng vào việc thử nghiệm Covid-19 luôn cho kết quả… 100% âm tính nên sẽ rất thuận lợi trong việc… dập dịch. Việt Nam sẽ nhanh chóng giải tán các khu cách ly vì các trường hợp… nghi nhiễm đều… âm tính !
Nhiều thân hữu của Dương Quốc Chính như Nguyen Dung… khen : Kết quả của test kit để thử nghiệm Covid-19 của Việt Nam còn mỹ mãn hơn cả… kết quả bầu cử ở Việt Nam, vốn chỉ hơn 90% và vì vậy chắc chắn sẽ… dập được dịch do… mạnh quá ! Sơn Lê cũng… hoan hỉ bày tỏ sự tự hào về đảng, chính phủ : Ơn đảng, ơn chính phủ ! Thế là Việt Nam chúng ta có thể giải cứu cả thế giới rồi (6) !
Bởi số người nhiễm Covid-19 và số người chết vì Covid-19 trên thế giới mỗi ngày một cao nhưng tại Việt Nam, những con số này vẫn là 0 (Việt Nam cho biết chỉ có 16 người nhiễm Covid-19 và cả 16 đều đã xuất viện) nên rất nhiều facebooker như Kim Van Chinh buộc phải… cho rằng : Covid-19 đến Việt Nam là lặn mất tăm. Nếu có bệnh hay chết cũng sẽ âm tính như chuyện vừa xảy ra với du khách Nhật (7).
Trường hợp du khách Nhật mà Kim Van Chinh đề cập đúng là hết sức lạ lùng. Du khách này đi từ Campuchia về Nhật bằng phi cơ của Vietnam Airlines. Khi quá cảnh ở Tân Sơn Nhất, Việt Nam đã kiểm tra và thấy ổn nhưng lúc ông ta đến Nagoya, Nhật thử nghiệm lại thì xác định ông ta đã nhiễm Covid-19. Sau khi nhận thông báo từ Nhật, Việt Nam mới cách ly phi hành đoàn và những người đã đồng hành với du khách đó (8).
Trong vài tuần gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam liên tục phủ nhận tin đồn Covid-19 là nguyên nhân làm một số người tử vong. Chẳng hạn ngày 5 tháng 3, chính quyền Cần Thơ khẳng định, người đàn ông bị ngất khi phi cơ chở ông từ Nam Hàn về Việt Nam vừa đáp xuống phi trường Trà Nóc hôm 4 tháng 3 tuy đã chết nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19 (9).
Rất nhiều người như Trung Tran đã đối chiếu sự kiện vừa nêu với những sự kiện khác để thắc mắc : Mới đây có một trường hợp tử vong ở Huế và chính quyền khẳng định, muốn biết có nhiễm Covid-19 hay không thì phải chờ ba ngày. Giờ, với trường hợp tử vong ở Cần Thơ, vừa được đưa vào bệnh viện buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau loan báo đã chết và xác định luôn là âm tính. Sao kỳ vậy (10) ?..
***
Những tin mới và… tốt không chỉ có chừng đó. Một tin mới khác là Việt Nam vừa tổ chức cho toàn bộ quân đội Diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Theo chính quyền đây là cuộc diễn tập quân sự đầu tiên và lớn nhất nhắm vào phòng, chống dịch bệnh (11).
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Việt Nam đang kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Y tế, nhận định, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò nòng cốt của quân đội, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Theo sau tin mới này là một tin mới khác : Dù cả hệ thống chính trị Việt Nam đã "vào cuộc" một cách "đồng bộ" và như lời ông Đam thì rõ ràng Việt Nam hơn xa Nam Hàn vì đã "chiến thắng chiến dịch mở màn" nhưng Nam Hàn lại không biết thân, biết phận, vẫn cử một Đội phản ứng nhanh đến Việt Nam để hỗ trợ cho các công dân Nam Hàn đang bị cách ly tại nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, căn cứ quân sự ở Việt Nam.
Bởi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết : Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp và giải quyết các yêu cầu của Hàn Quốc (12) - nên những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam mới có những thắc mắc kiểu như Hong Nhung : Ủa, theo lý, để phòng - chống dịch, phải cách ly luôn đội này chứ. Đã vậy thì làm sao có thể đi qua, đi lại, đi tới, đi lui từ Nam tới Bắc để mà hỗ trợ này nọ (13) ?
Tin vừa kể dường như là một tin mới chưa… tốt và cũng vừa có thêm một vài tin mới không… tốt lắm, chẳng hạn toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộnhưng không hiểu tại sao bốn công dân Trung Quốc tuy không có hộ chiếu vẫn vào được Việt Nam để lánh dịch và có thể di chuyển tới tận Huế (14) ? Tuy đáng lo nhưng thôi thì đừng lo bởi những tin mới chưa… tốt sẽ sớm được chuyển hóa thành tin… tốt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/03/2020
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3791454527533200&set=a.3750723071606346&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10158500049324095&set=a.10151371781404095&type=3&theater
(4) http://mnews.chinhphu.vn/Story.aspx ?did=388988
(5) http://dangcongsan.vn/khoa-giao/cong-bo-bo-kit-phat-hien-sars-cov-2-do-viet-nam-san-xuat-549719.html
(6) https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/1660091920810431
(7) https://www.facebook.com/kim.vanchinh/posts/2295908573845611
(10) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2411373908964301&id=100002751456427
(13) https://www.facebook.com/bocapiudui/posts/10158759960629381
******************
Doanh nghiệp Việt Nam cần ‘rút ra bài học’ từ dịch Covid-19
VOA tiếng Việt, 06/03/2020
Không bỏ tất cả trứng vào một rổ để trở nên quá phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc là bài học quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải rút ra nếu họ có thể trụ lại được sau khi dịch Covid-19 đi qua, một nhà kinh tế từ trong nước nói với VOA.
Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc
Trong khi đó, một khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài đến 6 tháng thì ‘74% số doanh nghiệp trong nước sẽ phá sản’.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra hoành hoành ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay và hiện đang lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam lâm vào nguy ngập trên khắp các lĩnh vực từ buôn bán, sản xuất, xuất nhập khẩu cho đến du lịch.
‘Sắp cạn nguyên vật liệu’
Trao đổi với VOA, ông Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, cho biết hiện các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn nguyên vật liệu để duy trì sản xuất ‘cho đến hết tháng 3’.
Phần lớn phụ tùng, phụ kiện phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam nhập từ Trung Quốc, ông Doanh cho biết. Chỉ riêng ngành dệt may, Trung Quốc chiếm đến ‘50-60% lượng nguyên vật liệu nhập vào Việt Nam’.
Sở dĩ có tình trạng phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn các nhà cung cấp Trung Quốc là vì ‘họ hết sức linh hoạt, sẵn sang đáp ứng hết các nhu cầu thay đổi của ngành dệt may Việt Nam mà không tăng giá cũng như không đòi hỏi thêm điều kiện gì’.
"Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm nguồn nguyên phụ liệu từ các nước khác như Ấn Độ, Đài Loan, Bangladesh, Hàn Quốc," ông Doanh nói và thừa nhận rằng việc này ‘sẽ làm tăng chi phí lên nhiều cho các doanh nghiệp’.
"Nếu không có giải pháp kịp thời thì một số doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng cửa vào cuối tháng 3 khi mà nguồn nguyên vật liệu dự trữ đã cạn kiệt," ông nói.
"Các doanh nghiệp Việt Nam có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhà cung cấp Trung Quốc là điều dễ hiểu," ông nói thêm. "Nhưng do chỉ phụ thuộc vào một đối tác nên họ phải trả giá".
Do đó các doanh nghiệp ‘phải rút kinh nghiệm’ là ‘không bỏ trứng vào một rổ’ để khi có sự cố xảy ra thì sẽ không bị tác động quá mạnh, ông Doanh đề xuất.
Ông nói nếu dịch bệnh ở Trung Quốc có dấu hiệu thuyên giảm và các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại thì ‘sẽ là điều thuận lợi’ cho các doanh nghiệp Việt Nam vào lúc này. "Thiệt hại chỉ thật sự xuất hiện sau tháng Ba nếu nguồn cung ứng không được phục hồi. Các doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng sản xuất".
Về việc hạn chế nhập cảnh người dân đến từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Doanh nói : "Điều không may là 3 nền kinh tế có hợp tác chặt chẽ và có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
"Cho nên không thể có biện pháp cấm nhập cảnh đối với công dân các nước này vì họ đã đầu tư vào Việt Nam. Họ cần gửi công nhân, chuyên gia hay nhà quản lý đến làm việc ở Việt Nam," ông giải thích.
Ông Doanh chỉ ra việc sau Tết Nguyên đán có 10.000 công nhân Trung Quốc đã trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết đã được ‘Chính phủ Việt Nam có các biện pháp kiểm tra y tế và có biện pháp cách ly’.
"Biện pháp như vậy là hợp lý," ông nói.
‘Không lơi lỏng cảnh giác’
Khi được hỏi dịch Covid-19 sẽ có tác động như thế nào đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, ông Doanh nói ‘sẽ không đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng từ 6,9 đến 7%’.
"Tăng trưởng có thể giảm 0,9 hoặc 1,5% tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và của các doanh nghiệp".
Trước câu hỏi có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt vốn gây hại cho nền kinh tế hay không, ông Doanh trả lời : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất rõ trong cuộc họp của Chính phủ là Chính phủ thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp và sẵn sàng chấp nhận những hy sinh về kinh tế để đảm bảo an toàn cho người dân".
Cho nên, theo ông thì tình hình lúc này vẫn chưa đủ khả quan để Việt Nam nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để cứu nền kinh tế. "Bài học là Hàn Quốc đã để dịch bệnh lây lan và giờ đây phải trả cái giá rất lớn," ông chỉ ra. "Tôi mong Việt Nam không đi theo vết xe đổ của Hàn Quốc".
Ông đề xuất là lúc này Việt Nam ‘vẫn phải tiếp tục theo dõi sát tình hình’ và cần có sự điều chỉnh nếu tình hình tiến triển tốt nhưng ‘tránh có những biện pháp đề phòng không đầy đủ để bảo vệ người dân’.
Theo khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân được báo mạng VnExpress dẫn lại thì ngoài 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, gần 30% doanh nghiệp mất từ 20 đến 50% doanh thu trong khi 60% doanh nghiệp mất hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng nhất, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
"Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường," báo cáo khảo sát được VnExpress dẫn lại cho biết.
Nếu các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc cho lao động nghỉ việc thì sẽ ‘gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành kinh tế’, theo khảo sát, vì hàng trăm nghìn người sẽ mất việc làm.
Quốc kỳ, ấm chén, 2 loại nhân dân, 2 kiểu ‘ý chí, nguyện vọng’
Trân Văn, VOA, 04/03/2020
Quyết định của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của thành phố Hải Phòng (1) : Chi 269 tỉ để tặng mỗi gia đình ở thành phố này một lá quốc kỳ và một bộ ấm chén nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2020) – góp thêm bằng chứng, chứng minh tính chất phản động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam…
Hải Phòng dự chi ngân sách 269 tỷ đồng để mua quà tặng dân nhân kỷ niệm ngày giải phóng thành phố là thông tin khiến dư luận băn khoăn nhiều ngày qua.
***
Ông Hoàng Đức Hiệp Long - thường gọi là Hoàng Long, cư dân Hải Phòng đồng thời là chủ một doanh nghiệp ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) vừa gửi cho cả Bí thư (người đứng đầu hệ thống chính trị), Chủ tịch (người đứng đầu hệ thống công quyền) của Hải Phòng lẫn Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng Việt Nam – một tờ đơn xin không nhận món quà đã đề cập (2).
Trong đơn, ông Long cho biết, trên thị trường, giá một lá quốc kỳ khoảng 20.000 đồng, giá một bộ ấm chén loại tốt của Bát Tràng khoảng 150.000 đồng. Tính ra giá trị phần quà mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Hải Phòng tặng một gia đình cư dân chỉ chừng 170.000 đồng. Đó là lý do ông Long thắc mắc : Vì sao giá trị phần quà vốn chỉ gồm hai loại hiện vật như đã kể lại được ước tính đến… 500.000 đồng ?
Tuy nhiên đó chỉ là thắc mắc, không phải nguyên nhân chính khiến ông Long viết đơn xin không nhận quà. Ông Long xin không nhận quà vì 269 tỉ dự trù chi cho sắm quà để tặng các gia đình cư dân Hải Phòng tương đương 1% tổng thu nội địa hoặc 1/300 tổng thu ngân sách quốc gia. Khoản tiền này là mồ hôi, nước mắt của dân chúng, của các doanh nghiệp đủ cỡ từ lớn đến siêu nhỏ.
Theo ông Long, trong bối cảnh cả dân chúng lẫn doanh nghiệp đang điêu đứng vì COVID – 19, khoản tiền 269 tỉ đó có thể giúp việc phòng - ngừa dịch bệnh hữu hiệu hơn, ví dụ xây dựng thêm được một số khu cách ly nếu dịch bệnh nạn bùng phát. Khoản tiền 269 tỉ đó cũng có thể được dùng để xây những công trình phúc lợi cho trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, người lang thang thiếu chỗ trú thân…
Khoản tiền 269 tỉ đó cũng có thể giúp hoàn tất nhiều dự án đang "treo" hàng chục năm vì thiếu tiền, khiến nhiều gia đình phải sống tạm bợ… Ông Long nói thêm, ngay tại Hải Phòng, khoản tiền 269 tỉ này đủ để tu bổ nhiều con đường mà hàng chục năm qua dù hư hỏng vẫn không được sửa chữa như đường Đông Khê giáp Parson dẫn vào An Đà, khiến hàng ngàn người khốn khổ khi phải qua lại mỗi ngày.
Ông Long nhấn mạnh, có lẽ chẳng gia đình nào thiếu quốc kỳ và ấm chén trong khi 269 tỉ đồng nếu được dùng đúng cách sẽ có tác dụng kích cầu, giúp quốc gia thu thêm đươc hàng ngàn tỷ và tạo ra hàng vạn việc làm. Bởi chỉ có thể đại diện cho gia đình của mình, ông Long đề nghị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Hải Phòng trả lại cho ngân sách khoản 500.000 đồng mà họ dự tính mua quà tặng gia đình ông để công quỹ có tiền giúp đỡ những người yếu thế (tàn tật, già yếu, nghèo túng...) hoặc dùng khoản tiền ấy để làm những việc khác thiết thực và có ý nghĩa hơn. Ông cũng khuyến cáo các viên chức hữu trách đừng quên công trình "nhạc nước" ngốn hết 200 tỉ rồi trở thành sắt vụn...
***
Đến nay, tuy chỉ có ông Long phản ứng như vưa kể (gửi đơn xin không nhận quà) nhưng những suy nghĩ của ông Long không phải là cá biệt. Rất nhiều người suy nghĩ giống hệt như thế và đã bày tỏ quan điểm của họ cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức trước sự kiện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của thành phố Hải Phòng quyết dịnh dùng 269 tỉ mua quà tặng các cư dân.
Nói cách khác, nhận thức và mong muốn của đám đông khác rất xa các thành viên Hội đồng nhân dân (Hội đồng nhân dân) khóa 15 (nhiệm kỳ 2016 – 2021) của Hải Phòng. Tại sao lại có sự khác biệt rất lớn như thế giữa nhận thức và mong muốn của cư dân thành phố Hải Phòng với những cá nhân "đại diện cho ý chí, nguyện vọng" của họ ? Tại sao những chuyện kiểu này luôn xảy ra ở các kỳ họp "bất thường" của những cơ quan dân cử ?...
Năm 2017, cũng từ một kỳ họp bất thường, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chi 6,7 tỉ đồng để mua ấm chén tặng các đại biểu và gia đình cư dân trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh này. Tuy Văn phòng Hội đồng nhân dân của tỉnh thay mặt nhân dân Vĩnh Phúc trông coi tiến trình chọn thầu – mua sắm – tặng quà nhưng cuối cùng tiến trình này vẫn có vô số khuất tất, phải tổ chức thanh tra (3) và đến giờ rất ít người biết kết quả thế nào !..
Năm 2018, tại phiên họp bất thường hồi tháng 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị tuyên bố lấy tên Fidel đặt cho công viên giữa thành phố Đông Hà (4). Kế hoạch xây dựng công viên mang tên Fidel với tượng bán thân của Fidel Castro (diện tích 16 héc ta, chi phí 115 tỉ) vốn đã được triển khai từ năm 2015. Do kế hoạch này bị chỉ trích kịch liệt, thậm chí bị phê phán vì trái với di nguyện của Fidel (không muốn được tưởng niệm dưới bất kỳ hình thức nào) nên được giao cho Hội đồng nhân dân biến thành "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân Quảng Trị !..
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng, vừa lên tiếng phản bác những người chỉ trích việc dùng 269 tỉ đồng mua quà tặng các gia đình cư trú ở thành phố này. Ông Nam xác nhận tuy tặng quà là sáng kiến của Thành ủy rồi trở thành đề nghị của chính quyền nhưng sau khi được Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành thì đã trở thành "ý chí, nguyện vọng của nhân dân". Đó cũng là căn cứ để ông Nam mạnh dạn kết luận "không đồng tình chỉ là số ít còn đa số nhân dân vui mừng, phấn khởi" (5).
***
Tuyên bố "đa số nhân dân vui mừng, phấn khởi" vốn đã là điệp khúc được lặp đi, lặp lại suốt từ năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam và từ năm 1975 đến nay trên toàn Việt Nam. Ở các xứ khác, bao nhiêu phần trăm nhân dân "vui mừng, phấn khởi" về "đường lối, chủ trương, chính sách" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sẽ được thể hiện qua kết quả các kỳ bầu cử, còn ở Việt Nam thì cử thế nào, bầu ra sao mà phải soạn – ban hành – thực thi Luật An ninh mạng với nội dung như đã biết ?
Tại sao "vui mừng, phấn khởi" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thường ngược chiều với "ý chí, nguyện vọng" của đám đông mà họ đại diện ? Tại sao mâu thuẫn giữa đám đông với những đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của họ càng ngày càng trầm trọng ? Khi nào thì lá phiếu của mỗi công dân đủ sức mạnh để những người như ông Lê Khắc Nam buộc phải "nhìn trước, ngó sau", mỗi lần mở miệng phải uốn lưỡi nhiều lần để không bị công chúng "bạt tai" bằng những lá phiếu ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/03/2020
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/docaocuonglieu/posts/2888904704509864
(4) https://news.zing.vn/quang-tri-co-cong-vien-hon-100-ty-mang-ten-lanh-tu-cuba-post876442.html
********************
Cờ, tượng đài và ấm chén !
Song Chi, RFA, 04/03/2020
Thông tin về việc Hải Phòng dự chi 269 tỷ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng và rằng "Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, quyết định chi 269 tỉ mua quà tặng toàn dân là tiếp nối truyền thống trước đó, và từ tâm tư nguyện vọng của người dân, chứ không phải từ một cá nhân ai" (1) đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận.
Mỗi hộ gia đình được tặng 1 bộ ấm chén và 1 cái cờ mà đám quan chức Hải Phòng tính là 300.000 VNĐ
Điều đó cũng dễ hiểu thôi, trước hết là cái sự không cần thiết của việc tặng ấm chén và cờ trong lúc còn bao nhiêu việc khác có thể làm thiết thực hơn, nhất là lại đang mùa dịch COVID-19, số tiền ấy thà để ưu tiên phòng chống dịch còn tốt hơn bao nhiêu. Thứ hai, vừa nghe qua là ai cũng thấy ngay cái mùi tiền, mùi tham nhũng của vụ ấm chén này. Mỗi hộ gia đình được tặng 1 bộ ấm chén và 1 cái cờ mà đám quan chức Hải Phòng tính là 300.000 VNĐ, thực chất "món quà" ấy chỉ đáng chưa tới một phần ba số tiền đó, còn lại, lại là vào túi các quan thôi. Cuối cùng là những câu chữ "xuất phát từ người dân và vì người dân" từ mồm của các quan, những câu chữ luôn luôn được đem ra sử dụng cho mọi quyết sách, chủ trương từ lớn đến nhỏ của nhà nước này từ bao nhiêu năm nay, chỉ khiến dân nổi khùng.
Trước đó, tỉnh Nghệ An, một trong những tỉnh thuộc hàng nghèo đói của cả nước đã quyết định khởi công xây dựng tượng đài Lenin tại vườn hoa đầu đường Lenin (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) nhân dịp chính quyền tỉnh Ulyanovsk (tỉnh kết nghĩa với Nghệ An) tặng một bức tượng đồng Lenin cho tỉnh. Theo báo Thanh Niên, kinh phí xây tượng đài và đài phun nước là hơn 8 tỷ đồng.
Dư luận phẫn nộ không chỉ vì sự lãng phí, cái thói tham nhũng quen "vẽ" chuyện để "ăn" của quan chức VC từ trên xuống dưới, từ trung ương đến các tỉnh thành địa phương khắp nước, mặc cho dân đói khổ, mặc cho bao nhiêu việc công khác quan trong, cần kíp hơn ; mà còn vì cái sự lạc thời, đi ngược dòng thời đại của việc xây tượng Lenin, một nhân vật mà cho đến bây giờ thì thế giới đều đã biết là một trong những lãnh tụ độc tài khét tiếng của một trong những chế độ cộng sản sắt máu nhất đã bị sụp đổ ở Liên Xô vào năm 1991.
Tại nhiều quốc gia từng là đồng minh, bè bạn của Liên Xô, người ta đã phá bỏ các bức tượng của Lenin, Karl Marx… còn chủ nghĩa Mác Lenin của các ông này thì đã bị vứt vào sọt rác từ lâu, ngay tại nước "mẹ" Liên Xô ! Thế nhưng các ông quan Nghệ An nói riêng và quan chức Việt Cộng nói chung vẫn mặc kệ, cứ lội ngược dòng, cứ tiếp tục thờ phụng Lenin !
Đây chỉ là 2 trong vô số ví dụ về thói tham nhũng đến mức vô liêm sỉ của quan chức Việt Cộng từ xưa đến nay. Đi kèm với thói tham nhũng ấy là tính chất mỵ dân, luôn luôn rêu rao mọi việc đảng làm là vì dân. Dân đói rã họng, cơm không có mà ăn, nhưng xây tượng đài, xây nhà hát giao hưởng nguy nga, hoành tráng là vì dân. Không chỉ thế, người ta còn thấy ở những việc làm này một thái độ trốn tránh hiện thực. Hết chống giặc bằng cờ, chống đói bằng tượng đài, nay lại chống dịch bằng ấm chén ! Dân cứ ăn bánh "vẽ" mà tồn tại qua ngày, nhưng tiền thì là tiền thật, tiền thu từ những đồng tiền thuế của dân !
Trong những đồng tiền đó có mồ hôi nước mắt của hàng triệu nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hàng triệu công nhân còm cõi xác ve bên những cỗ máy lạnh lùng, hàng chục triệu người dân lao động nghèo, viên chức, thầy giáo, bác sĩ…Trong những đồng tiền đó có nỗi tủi nhục của những người dân bỏ nước ra đi làm thuê, làm dâu, làm gái khắp bốn phương trời để dành dụm gửi từng đồng ngoại tệ về nhà, có cả máu và cái chết của những người phải bỏ xác nơi xứ người, trước đây là "thuyền nhân", bây giờ là "thùng nhân" (trốn trong xe tải, xe thùng, thậm chí trong những chiếc hộp hành lý trên xe hơi (roof box) như mới đây báo chí nước ngoài và cả báo VN cũng đưa tin vụ 3 người Việt trốn trong hộp hành lý của một chiếc xe bị phát hiện, người lái xe là dân Ireland, bị kết án 3 năm tù…
Việt Nam còn nghèo, còn quá nhiều việc cần phải làm, người Việt còn quá nhiều khổ đau. Trừ một thiểu số thong dong, còn lại đa số người dân đồng tiền kiếm được mặn hơn máu. Nên có xài tiền dân cũng phải biết chùn tay một chút, mà nếu có muốn đút túi thì đừng nhân danh "vì dân", nghe không ngửi nổi !
Song Chi
Nguồn : RFA, 04/03/2020 (songchi's blog)
(1) "Hải Phòng từ chối trả lời thêm về vụ chi 269 tỉ mua ấm chén quà tặng", Thanh Niên
***********************
Đất nước tôi… Ôi thôi trái khoáy !
Nhân Hòa, RFA, 04/03/2020
Dù giàu hay nghèo, xưa nay các địa phương vẫn thi nhau "xài tiền chùa", bởi đằng sau các dự án "ngon ăn" ấy không loại trừ các khoản "lại quả" hậu hĩnh. Hải Phòng vừa duyệt 269 tỷ mua ấm chén làm quà, Nghệ An xây tượng đài Lê-nin 8 tỷ. Trong khi nông dân Nam Bộ đang "cạp đất" sống qua ngày. Ôi… những tính toán "đỉnh cao trí tuệ" !
Hải Phòng chi 269 tỷ mua ấm chén tặng gần 600.000 hộ dân, có cần thiết ?
Ngày 3/3/2020, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sẽ trao đổi lại với Hải Phòng về đề xuất chi 269 tỷ VND để mua ấm chén tặng nhau nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng thành phố. Tại buổi họp báo thường kỳ, nhiều câu hỏi được đặt ra về quan điểm của Chính phủ khi Hải Phòng vừa thông qua đề xuất chi 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ (quốc kỳ) để tặng cho người dân.
"Sáng kiến" của lãnh đạo Hải Phòng đang trở thành câu chuyện đàm tiếu. Theo khảo sát thị trường thì bộ ấm chén đẹp của Bát Tràng, chất liệu sứ cao cấp, hoa văn kẻ chỉ vàng có giá 150.000 VND/bộ và 1 lá cờ đỏ sao vàng có giá 19.000 VNĐ/cờ. Tổng cộng 150k + 19k = 169.000 VND. 169.000 đồng mà chính quyền Hải Phòng quy tròn thế nào thành… 500.000 đồng/bộ. Từ 169.000 lên 500.000 đồng, số tiền lẽ ra chỉ là 100 tỷ, vậy con số hơn 160 tỷ nữa sẽ đi đâu ? Về đâu ? Đến nước này, xin "cúi đầu" trước các quan chức Hải Phòng về "tài" tính cộng.
Chả thế mà Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết vấn đề này được dư luận rất quan tâm. "Có ý kiến thì rất là đồng tình, nhưng có có ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, phải tính toán sao chi tiêu hiệu quả", ông Dũng nói. Theo luật, thẩm quyền chi khoản tiền này thuộc UBND Hải Phòng. Tuy nhiên, ông Dũng nói nên rà soát khoản chi này. "Cũng nên rà soát lại những khoản chi, từ tiền thuế, tiền của dân. Chi đúng luật nhưng phải tiết kiệm, hiệu quả", Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ cho hay.
Qua các trang mạng xã hội, một số người dân phàn nàn, việc tặng cờ và ấm chén là không phù hợp. Trong thời điểm này, Hải Phòng có thể dùng số tiền ấy để mua khẩu trang, nước sát khuẩn... phát miễn phí chống dịch Covid-19. Hoặc dùng để trang bị thêm cơ sở vật chất cho các trường học hoặc các công trình phúc lợi khác dành cho dân. Các trang mạng tiếp tục dậy sóng, được chính báo chí "lề phải" trích dẫn. Có comment cho rằng, tặng cho mỗi gia đình 500.000 VND mới thiết thực và có ý nghĩa.
Thật không may cho lãnh đạo Hải Phòng, việc duyệt chi 269 tỷ lại rơi đúng vào thời điểm Nghệ An, một tỉnh nghèo ở miền Bắc, cũng đang rầm rộ quyết tâm xây khu tượng đài Lê Nin ở giữa thành phố Vinh. Cái tréo dò và nghịch lý của các quyết định "xài tiền chùa" càng lộ rõ khi chúng đứng cạnh các con số. Thu chi năm 2018 của tỉnh : Chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ. Như vậy mỗi ngày, Nghệ An "ngửa tay" nhận 30 tỉ đồng của các tỉnh, thành phố khác để duy trì hệ thống công quyền của mình.
Trong bối cảnh như vậy mà vẫn "xài" hơn 8 tỉ xây công viên, dựng tượng đài Lê Nin, bất kể thiên hạ, đặc biệt là dân chúng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia thuộc khối cộng sản ở Đông Âu, đang thi nhau dẹp bỏ tượng Lê Nin, một nhân vật mà theo các tài liệu đã được bạch hóa là phạm nhiều tội ác chống nhân loại, thì rõ ràng là một sự trái khoáy !
Cái phi lý còn nằm ở sự "xăng xái" bày tỏ "tình cảm thủy chung" với lý tưởng cộng sản đã bị ngay xứ sở sinh ra nó vứt vào sọt rác lịch sử. Trân trọng hữu nghị với Nga, với tỉnh Ulyanovsk (quê hương Lê Nin) mà lại không đoái hoài đến trách nhiệm với 17 triệu đồng bào ở Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ còn ngắc ngoải do tác động của biến đổi khí hậu, của thượng nguồn sông Mekong bị chặn lại để khai thác thủy điện mãi ở bên đất Tàu ?
Tương tự, cách đây hơn 3 năm, kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1/2017), Vĩnh Phúc cũng tặng mỗi hộ gia đình có hộ khẩu tại tỉnh một bộ ấm chén. Hội đồng nhân dân tỉnh đứng ra chủ trì tổ chức đấu thầu mua sắm. Hai Công ty TNHH Bảo Quang và Công ty TNHH Sản xuất & Dịch vụ thương mại Bảo Long, Bát Tràng trúng gần như hầu hết 9 gói thầu. Tổng các gói thầu mua ấm chén trị giá 65 tỉ VND.
Sau lễ kỷ niệm, tỉnh Vĩnh Phúc bị phê phán lãng phí và có nhiều tiêu cực trong quá trình đấu thầu mua sắm. Tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 19/4/2017, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm ấy, Vĩnh Phúc đã bị phê bình. Sau đó trên đã có chỉ đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư thanh tra lại toàn bộ sự vụ, nhưng rồi mọi việc lại bị "chìm xuồng". Từ Vĩnh Phúc đến Hải Phòng, bài ca "Có chén thì mới có ấm" (hiểu là kiếm được ăn mới cho quà) đang được ngân nga.
Và như một bệnh dịch khó chữa, dù giàu hay nghèo, các địa phương vẫn thi nhau "xài tiền chùa", bởi đằng sau các dự án "ngon ăn" ấy, tính sơ sơ như vụ ấm chén Hải Phòng, sẽ là những khoản "lại quả" hậu hĩnh. Đó cũng là lời giải thích cho việc tại sao ở Việt Nam xưa nay, kỷ niệm năm thành lập, ngày giải phóng luôn được gắn liền với việc xây dựng công trình, tượng đài, nhạc nước... Cách đây 5 năm, nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng, Hải Phòng cũng từng mạnh tay chi cho dự án nhạc nước 200 tỷ. Công trình này sau đó buộc phải tháo bỏ vì bị dân phản đối.
Tại sao lại có thể làm ngơ trước những khó khăn vì thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong, mà cả địa phương lẫn trung ương vẫn "nhất trí cao" trong việc chi hết chục tỉ này đến chục tỉ khác cho các công trình kỷ niệm ? Thậm chí gật đầu với cả những dự án vô bổ, kể cả những dự án dựng tượng đài trị giá cả trăm tỉ, ngàn tỉ mà lại không đầu tư thỏa đáng cho Đồng bằng sông Cửu Long, dù các vấn nạn ở khu vực này không còn là nguy cơ mà đã trở thành nhãn tiền suốt từ giữa thập niên 2010 đến nay ?
Trong khi nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, không thể trồng cấy, không kế sinh nhai, nông dân các huyện Ba Tri, Giồng Trôm… ở Bến Tre đang thi nhau bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng mà họ đành phải bỏ hoang để có tiền trang trải những chi phí cho việc sống còn của họ. Giá bán lớp đất trên bề mặt các thửa ruộng ấy rất rẻ – chỉ từ 100.000 đồng/khối đến 150.000 đồng/khối. Đã vậy không dễ bán nếu ruộng nằm ở những vị trí không tiện cho vận chuyển.
Bao giờ câu chuyện giúp Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu" bước ra khỏi vòng… nghị quyết, để có thể đi vào cuộc sống người dân ? Bao giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thật sự "tri ân", thật sự biết đau xót cho mồ hôi, nước mắt của đồng bào mình nói chung ? Với thể chế hiện nay, những câu hỏi này chưa thấy có câu trả lời…
Nhân Hòa
Nguồn : RFA, 04/03/2020
Trích dẫn :
https://baotiengdan.com/2020/03/04/co-chen-moi-co-am/
https://news.zing.vn/chinh-phu-noi-gi-viec-hai-phong-duyet-chi-269-ty-mua-am-chen-post1054657.html
https://baotiengdan.com/2020/03/02/nong-dan-cap-dat-de-chinh-quyen-tri-an-lenin/
*****************
Hải Phòng 'tặng quà toàn dân' : nhiều bất hợp lý ! (RFA, 02/03/2020)
Thành phố Hải Phòng vừa quyết định chi 269 tỉ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng.
Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vào ngày 28/2/2020, quyết định chi đến 269 tỉ đồng để mua tặng mỗi hộ dân 1 bộ ấm chén và 1 lá cờ nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng. Courtesy thanhphohaiphong.gov.vn
Lãnh đạo Hải Phòng đưa ra quyết định tặng quà như vừa nêu tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vào ngày 28/2/2020.
Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, Lê Khắc Nam khi trả lời báo chí trong nước cho biết việc tặng quà như vậy là ý nghĩa vì nhà nào cũng cần dùng ấm chén. Theo ông, việc tặng quà cho tất cả người dân thành phố đã được đưa ra bàn công khai ở Hội đồng Nhân dân. Ông còn cho rằng, những ý kiến khác, chỉ là của số ít người dân.
Trả lời RFA hôm 2/3/2020, Anh Lương Văn Trinh, một cư dân Hải Phòng cho biết ý kiến của Anh về quyết định tặng quà của thành phố cho dân như vừa nêu :
"Ấm chén thì nói chung nhà nào cũng có, nhà nào cũng có một hai ba bộ rồi… giờ tặng nữa cũng chẳng có ý nghĩa gì. Theo tôi, nên dùng đồng tiền đó chi cho những việc khác như xây trường học hay giúp các gia đình nghèo chẳng hạn, nhiều hộ dân còn nghèo lắm… Còn tặng cờ thì có phải ngày nào mình cũng treo đâu, cờ tổ quốc thì những ngày trọng đại mình mới treo chứ bình thường mình treo ở đâu ?"
Ngoài ra, dư luận trên mạng xã hội cũng có ý kiến cho rằng, khi cả nước đang chống chọi với dịch Covid-19, lãnh đạo thành phố Hải Phòng nên dùng số tiền này mua khẩu trang, nước sát khuẩn... phát miễn phí cho người dân.
Trung tá quân đội về hưu Vũ Minh Trí, nhận định với RFA hôm 2/3/2020, về việc chính quyền thành phố Hải Phòng tặng cờ và ấm chén cho dân :
"Đó là việc không hợp lý, lãng phí và không cần thiết. Thật ra thì tiền cần làm gì thì có lẽ người dân và chính quyền sẽ biết rõ hơn rất là nhiều, còn tôi nghĩ ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều các loại quỹ mà người dân chúng tôi vẫn phải đóng góp như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học… họ thu trực tiếp hay vận động tùy tâm… thì tôi nghĩa tiền 269 tỷ mua quà đem chi cho các quỹ đấy thì hợp lý hơn".
Theo kết quả điều tra về hộ nghèo và hộ cận nghèo, của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, trên địa bàn thành phố năm 2019 theo chuẩn nghèo quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo là 0,72% tương ứng 4.348 hộ nghèo ; Tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,14% tương ứng 12.971 hộ cận nghèo.
Với ý kiến thay vì tặng quà, nên tặng tiền cho dân, ông Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hải Phòng, Lê Khắc Nam cho rằng : ‘tặng quà để kỷ niệm ngày Hải Phòng giải phóng mà trao bằng tiền thì còn gì là ý nghĩa ? Nói là 269 tỉ đồng nhưng mỗi suất chỉ có chưa đầy 500.000 đồng’… ông còn cho rằng việc chi 269 tỉ đồng là phù hợp với điều kiện của Hải Phòng và không hề lãng phí (!?).
Trả lời RFA từ Hà Nội hôm 2/3/2020, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS đã tự giải thể, nói :
"Tôi nghĩ hoàn toàn không hợp lý chút nào xét về mặt xả hội và kinh tế, vì nếu họ thật sự muốn lo cho dân thì số tiền đó phải dùng để phát triển hạ tầng cơ sở, xây trường học, cải thiện bệnh viện, chăm sóc công viện.v.v… Thay cho việc tặng quà cho dân là lá cờ và bộ ấm chén. Chắc chắn bộ ấm chén đó sẽ quảng bá cho chính quyền Hải Phòng, xét về mức độ xã hội, hay cho nhân dân thì cái đấy là hoàn toàn phi lý. Nhưng xét về khía cạnh của đảng ủy thành phố Hải Phòng, thì rất hợp lý".
Bởi vì theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chế độ độc tài rất quan tâm đến biểu tượng. Chẳng hạn tặng cờ xong bắt người dân lễ hội nào cũng phải treo cờ, làm cho cả địa phương đỏ rực cờ lên. Đấy là biểu tượng rất mạnh của chế độ. Ông nói tiếp :
"Cũng như bộ ấm chén ghi là công của đảng ủy hay UBND TP Hải Phòng, thì người dân lúc nào sử dụng cũng thấy đó là công lao của đảng và chính quyền Hải Phòng… Làm khác sâu vào tâm trí người dân việc biết ơn chính quyền, mà khỏa lấp một chuyện rất hiển nhiên là tiền mua đồ tặng đó họ lấy từ tiền thuế của nhân dân, để phục việc cho mục đích rất tự ti của chính quyền".
Theo ông Nguyễn Quang A, đấy là thủ thuật không lạ gì với tất cả chế độ độc tài. Nó làm cho người dân vô hình trung đồng nhất với chế độ mà có thể mình không đồng ý với nó về nhiều mặt. Nói cách khác, nó chủ ý củng cố niềm tin của người dân vào chế độ ấy.
Hình ảnh ngư dân và đội tàu cá Việt Nam. (Ảnh minh họa) Reuters
Đây không phải là lần đầu tiên việc tặng quà duy ý chí xảy ra ở Việt Nam, vào năm 2019, Báo Người Lao Động đã phát động và thực hiện Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Qua đó tặng cờ cho các địa phương có nhiều ngư dân đi đánh bắt xa bờ và trở thành nạn nhân của những vụ đâm tàu, bắt bớ, đánh đập bởi tàu của các nước khác.
Trả lời RFA hôm 2/3/2020, Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề Cá Việt Nam, nói :
"Cái này do thành phố Hải Phòng thôi, còn đối với chúng tôi thì tặng cho ngư dân cờ thì chúng tôi hoan nghênh, vì đó là công việc thiết thực và ý nghĩa. Còn thành phố Hải Phòng thì họ tặng chung cho nhân dân, theo chúng tôi nếu Hải Phòng tặng riêng cờ cho ngư dân thì thiết thực hơn".
Ngoài việc tàu Trung Quốc thường xâm phạm vùng biển Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Malaysia cũng cho biết từ năm 2006 đến 2019, nước này đã bắt giữ 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7.000 ngư dân bị cho là đánh bắt cá trái phép trong vùng nước của Malaysia. Indonesia vào năm 2019, cũng đánh chìm 38 tàu cá Việt Nam với cáo buộc các tàu này đã xâm phạm vùng nước của Indonesia.
Tuy nhiên,một số ngư dân bị Indonesia bắt giữ từng cho Đài Á Châu Tự Do biết, họ đã đi đánh bắt ở tọa độ được Biên phòng Việt Nam xác nhận là trong vùng biển Việt Nam.
Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc trao cờ cho ngư dân bám biển là cần thiết, nhưng trong tình hình hiện nay, cái họ cần hơn là những con tàu, là tài sản và tính mạng của họ phải được bảo vệ.