Khẩu trang lột trần thân phận thảm thương
Trân Văn, VOA, 04/03/2020
Khẩu trang vốn là vật được dùng để che chắn mũi, miệng, ngăn ngừa những yếu tố ngoại lai xâm nhập gây nguy hại cho cơ thể. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID–19 gây ra, bùng phát đe dọa cộng đồng, một số scandal liên quan đến khẩu trang lại lột trần thân phận con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…
Từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID–19 gây ra, bùng phát đe dọa cộng đồng, một số scandal liên quan đến khẩu trang lại lột trần thân phận con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…
***
Ông N.H.T – giáo viên tiếng Anh của trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân tọa lạc tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - vừa phải "cúi đầu nhận tội" vì "vi phạm chủ trương, chính sách về khẩu trang" : "Bán khẩu trang không đúng giá qui định" ! Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì ngày 2 tháng 2, ông T. đưa con từ Đầm Dơi đến thành phố Cà Mau học. Trên đường về, ông được một người bán hàng rong mời mua khẩu trang. Bởi khẩu trang là mặt hàng càng ngày càng khan hiếm, ông T bỏ ra 260.000 mua hai hộp khẩu trang...
Đến trường, khi nghe học trò than rằng không thể tìm được khẩu trang, ông T. quyết định chia lại một ít khẩu trang đã mua cho những đứa trẻ cần chúng với giá 3.000 đồng/cái. Con gái ông T cũng chia lại cho hai người hai cái khẩu trang mà cha cô đã mua với giá 4.000 đồng/cái.
Thế rồi chính quyền huyện Đầm Dơi ra lệnh cho Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp với Quản lý thị trườn… điều tra việc ông T… "bán khẩu trang không đúng giá qui định". Sau khi Quản lý thị trường huyện lập biên bản, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi đã ra lệnh cho trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân thành lập Hội đồng Kỷ luật để kiểm điểm ông T !
Đem 130.000 (giá một hộp khẩu trang mà ông T đã mua) chia cho 50 (số lượng khẩu trang/hộp) thì giá mỗi khẩu trang là 2.600 đồng. Chia lại cho học sinh với giá 3.000 đồng/cái, ông T. lời… 400 đồng/cái. Tuy Việt Nam chưa thu hồi giấy bạc mệnh giá 200 đồng nhưng đó là của hiếm vì không ai dùng. Nếu lấy đúng giá vốn (2.600 đồng/cái), ông T. sẽ không có tiền thối và có lẽ chẳng đứa học trò nào được ông chia lại khẩu trang, mặn mà với hai tờ giấy bạc loại 200 đồng mà ông ráng tìm để đưa lại cho chúng.
Tương tự, tại Việt Nam, cho dù giấy bạc mệnh giá 500 đồng vẫn còn giá trị sử dụng nhưng lạm phát cũng khiến loại giấy bạc này thành của hiếm. Đó cũng là lý do khi chia lại hai khẩu trang cho người khác, con gái ông T tính với giá 4.000 đồng/cái. Theo… điều tra của "các cơ quan chức năng liên ngành" (Phòng Giáo dục và đào tạo và Quản lý thị trường) tại huyện Đầm Dơi thì cha con ông T đã "thu lợi bất chính" số tiền là… 8.000 đồng từ hành vi… "bán khẩu trang không đúng giá qui định".
Cần phải lưu ý, khoảng cách từ Đầm Dơi đến Cà Mau khoảng 60 cây số, cả đi lẫn về khoảng 120 cây số. Giá xăng tại Cà Mau là 19.220 đồng/lít. Tính cho tới khi bị điều tra, lập biên bản vì "bán khẩu trang không đúng giá qui định", khoản lợi… "bất chính" mà cha con ông T. đã… "hưởng" vẫn còn thiếu 1.610 đồng mới đủ để mua… nửa (1/2) lít xăng !
***
Tháng trước, từng có một scandal khác cũng liên quan đến quan hệ giữa giáo viên, học sinh và… khẩu trang. Ngày 6 tháng 2, bà L.T.P – Thủ thư trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh tọa lạc tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đưa lên facebook những tấm ảnh chụp học sinh trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang ! Những tấm ảnh không chỉ gây xúc động vì phơi bày sự thiếu thốn của trẻ con miền núi mà còn làm thiên hạ ái ngại về nỗ lực, khả năng phòng ngừa COVID – 19 tại Việt Nam.
Sau đó ông Nguyễn Quế Trường, Hiệu trưởng trường Phá Đánh, tiết lộ thêm, rất ít học sinh của trường Phà Đánh có khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang vải để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Trường Phá Đánh từng cử người đi tìm mua khẩu trang cho học sinh nhưng các cửa hàng ở xã và trung tâm huyện không có, thành ra đa số học sinh đành phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang...
Câu chuyện vừa kể khiến Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An nổi giận. Lãnh đạo sở này đã… nhắc nhở Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn. Cũng vì vậy, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn đã triệu tập một hội đồng để xem xét – lựa chọn hình thức kỷ luật bà L.T.P và ông Trường. Cả hai bị phê bình trên phạm vi toàn huyện vì dù "có sao, nói vậy" nhưng "làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương và ngành, trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn cũng như ngành giáo dục đặc biệt quan tâm và chỉ đạo" (1).
Bị công chúng chỉ trích, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An – nơi từng "nhắc nhở" Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn phải có biện pháp đối với cô L.T.P và ông Trường – vội vàng phân bua rằng, việc Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn gửi thông báo kỷ luật cả hai đến các trường trong toàn huyện là sai. Tổ chức kiểm điểm để "phê bình" khác với phát hành thông báo kỷ luật nên Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn phải thu hồi thông báo vừa kể (2).
Tương tự, sau khi công chúng thi nhau nêu thắc mắc, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau nhấn mạnh : Đã yêu cầu Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi nhắc nhở thầy T. rút kinh nghiệm để tránh bị hiểu lẩm là giáo viên đầu cơ khẩu trang, kiếm lợi trong thời gian có dịch, chứ không kiểm điểm hay kỷ luật. Song Chủ tịch huyện Đầm Dơi không đồng tình, ông Chủ tịch huyện – người chỉ đạo… điều tra và xem xét kỷ luật ông T - vẫn khăng khăng : Việc nhỏ nhưng không ai cho phép bán khẩu trang (3) !
Giống như lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn, lãnh đạo trường Phà Đánh, đứng giữa các làn đạn, lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi, lãnh đạo trường Nguyễn Huân chọn đi… hai hàng, không thừa nhận việc tổ chức kiểm điểm, xem xét kỷ luật ông T. là sai. Tuy nhiên vì ông T. "thành thật và cam kết không tái phạm" nên chỉ yêu cầu ông "rút kinh nghiệm". Việc kiểm điểm ông T. được cho là cần thiết vì cần xử lý để làm gương do chính phủ đã cấm bán khẩu trang quá giá quy định đã là thầy giáo phải chấp hành nghiêm những quy định pháp luật (4).
***
Ông N.H.T – người có 20 năm làm giáo viên – cũng như cô L.T.P và ông Nguyễn Quế Trường ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, không dám kêu oan ! Ông chỉ tâm sự là ông không ngủ được vì buồn. Sau khi báo chí loan tin, có người chửi, có người thương. Ai thương thì cảm ơn và ông không oán trách ai cả vì mình sai – không biết qui định, không biết giá qui định đối với khẩu trang, chia lại cho học sinh theo đề nghị của chúng - thì mình chịu thôi !
Khẩu trang khan hiếm, cả phụ huynh lẫn trường học không thể tìm được khẩu trang đúng quy cách, lũ trẻ phải tự phòng vệ bằng cách dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang là sự thật nhưng tường trình thì… "phản cảm". Dẫu cũng xác định khẩu trang là hàng hóa đặc biệt cần kiểm soát về giá nhưng Nam Hàn cấp phát miễn phí khẩu trang cho trẻ con và những người thu nhập thấp (5) còn Việt Nam thì không. Thậm chí chia lại cho những người có nhu cầu như ông N.H.T chia lại cho học trò của ông cũng có thể chuốc vạ !
Ngay cả những viên chức hữu trách ở vị trí thừa hành như lãnh đạo các Phòng Giáo dục ở huyện Kỳ Sơn, trường Phà Đánh, huyện Đàm Dơi, trường Nguyễn Huân cũng không biết đường đâu mà lần giữa đúng và sai. Phẩm giá của những đứa trẻ, của những người giữ vai trò chuyển – trao tri thức ở Kỳ Sơn (Nghệ An), ở Đầm Dơi (Cà Mau)... rõ ràng là rẻ nhưng so với nhận thức – cách hành xử của cấp trên, phẩm giá của những viên chức thừa hành cũng chẳng cao hơn là bao !
Nếu "phản cảm" chỉ đơn thuần là gây khó chịu, làm tổn thương cảm xúc của người khác, xét ở khía cạnh… "phản cảm", chuyện những đứa trẻ phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang, hay xin thầy chia lại khẩu trang, hoặc chuyện những giáo viên phải cúi đầu nhận tội, chuyện những viên chức trong ngành giáo dục bị phê bình vì để những người chuyển – trao tri thức chia sẻ những chuyện "mắt thấy, tai nghe"... có lẽ mức độ "phản cảm" thua xa những tuyên bố kiểu như : Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay (6)… Ai, nơi nào sẽ tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/03/2020
Chú thích
(5) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&id=Po&Seq_Code=44688
*******************
Vụ thầy giáo bán khẩu trang cho học sinh ở Cà Mau : Cay đắng và chua chát
Học sinh đeo khẩu trang lớp học trong mùa dịch Covi-19 - Ảnh minh họa
Tôi không tin thầy Nguyễn Văn Thanh mua khẩu trang để bán kiếm lời, "bóc lột" học sinh. Vì "vốn" thầy bỏ ra có 260 nghìn đồng và nếu bán hết thì thu "lời" cũng chỉ được 40 nghìn bạc (1,7 USD). Tuy nhiên, thầy mới bán được 20 cái "lời" chưa đến 10 nghìn đồng thì đã bị cả hệ thống chính trị ngành giáo dục huyện Đầm Dơi vào cuộc.
Theo dõi vụ này thấy có mùi của đấu tố và nâng quan điểm.
Ai cũng biết đến đợt đấu tố địa chủ kinh hoàng thời cải cách ruộng đất. Sau đó, việc đấu tố vẫn tiếp tục diễn ra trong các cơ quan đơn vị tổ dân phố mỗi khi có ai đó được cho là mắc khuyết điểm. Những vụ đấu tố này dưới danh nghĩa tập thể góp ý cho cá nhân để tiến bộ. Trong mỗi buổi góp ý, "đối tượng" đều bị qui chụp, nâng quan điểm. Tôi cũng từng tham gia nhiều cuộc họp như vậy và cũng từng là nạn nhân của nó.
Một chiến sĩ đến bạn chơi ngày chủ nhật, ăn cơm ở đơn vị bạn bị nâng quan điểm là ăn vào xương máu của đồng đội. Một chiến sĩ đánh vỡ cái bát mượn của dân bị nâng quan điểm "ảnh hưởng đến hòa bình thế giới". Một học viên cưới vợ trong thời gian đi học nhưng vợ lại mang thai trước khi cưới cũng làm ảnh hưởng đến sức mạnh quân đội, "chưa cống hiến đã đòi hưởng thụ", v.v…
Thầy Nguyễn Văn Thanh có lẽ không gặp may khi bán khẩu trang vào giữa mùa dịch. Cuộc họp kiểm điểm thầy kết luận "Ông T. có vi phạm như trên là do nhận thức chưa đầy đủ việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng chống dịch corona".
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân điều tra có lẽ không kém ngành an ninh. Họ biết tường tận thầy Thanh mua về 2 hộp khẩu trang mỗi hộp 50 cái giá 130 nghìn đồng/hộp và đã kịp bán 20 cái. Họ còn phát hiện trong đó có 1 cái bán giá 4 nghìn đồng (do không có tiền lẻ trả lại). Bắt thầy Thanh khai ra được tỉ mỉ như thế, kể cũng giỏi.
Cuộc họp cũng kết luận : "Ông T. đã thành thật nhận vi phạm của mình và cam kết không tái phạm". Không nhận sao được khi đứng trước cả một hệ thống chính trị của nhà trường với đầy đủ thành phần : Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Giáo viên kiêm nhiệm Văn thư ?
Chuyện xem ra rất khôi hài.
Được biết lãnh đạo huyện Đầm Dơi cũng đã chỉ đạo phòng Giáo dục và đào tạo huyện kiểm điểm, xử lý vụ việc trên.
Nếu có hỏi, chưa chắc thầy Thanh đã dám nói thật mục đích mua khẩu trang của mình vì trong cuộc họp, thầy Thanh đã thành khẩn nhận khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Tuy nhiên rất khó có thể kết luận thầy mua khẩu trang về với mục đích bán kiếm lời bởi mấy lý do sau :
Thứ nhất là 40 nghìn tiền lãi (chưa tới 2 USD) không đủ hấp dẫn để thầy phải mua hàng tận Cà Mau, cách nơi ở 50 km. Cho dù là kết hợp chở con đi nữa, thì thầy mua về chỉ là để phục vụ các em học sinh mà thôi.
Thứ hai là về giá bán : Mỗi chiếc khẩu trang mua giá 2.600 đồng. Nếu thầy bán giá 2.600 đồng thì có ai có tiền lẻ để trả đúng 2.600 đồng không ? Rõ ràng điều này là không thể vì trong lưu thông người ta không dùng đến tiền mệnh giá dưới 1.000 đồng nữa.
Nếu thầy có bán giá 2.600 đồng thì chắc rằng người ta sẽ đưa cho thầy cả 3.000 đồng vì cả thầy lẫn người mua lấy đâu ra tiền lẻ mà trả lại. Vì vậy, thầy có lấy 3.000 đồng theo nguyên tắc làm tròn số "4 bỏ, 5 thêm" cũng là phải.
Trên thị trường hiện nay khó có thể mua khẩu trang với giá 3.000 đ/chiếc, cho dù là loại rẻ nhất. Đầu mùa dịch, nhà tôi đã phải mua với giá 5.000 đ/1 khẩu trang y tế. Sau đó còn phải mua đắt hơn hoặc không có mà mua.
Còn câu hỏi này tôi xin gửi đến ngành giáo dục huyện Đầm Dơi : Vậy khẩu trang thầy Thanh mua phải bán giá bao nhiêu thì đúng qui định ? Tôi dám chắc, không một nhà quản lý nào trả lời được vì khẩu trang không phải là mặt hàng nhà nước quản lý giá như xăng, điện mà giá do người bán qui định. Không có một biểu giá nào qui định cho mỗi loại khẩu trang trong mùa dịch này.
Còn nếu mua giá nào, bán giá đó thì đất nước này đã không có ngành thương nghiệp.
*
Một vụ việc con con, lại không có cơ sở để xử lý mà ầm ỹ ra cả nước, tôi thấy thật là cay đắng cho tình người, tình đồng nghiệp của ngành giáo dục huyện Đầm Dơi. Họ quá tàn nhẫn với đồng nghiệp. Có lẽ cũng do bệnh thành tích mà ra. Phải chăng họ muốn chứng tỏ rằng, mùa dịch này chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt ; rằng chúng tôi đã kịp thời chặn đứng một vụ gian thương lợi dụng dịch covid-19 để bóc lột học sinh, còn "đối tượng" đã thành khẩn nhận khuyết điểm và cam kết không tái phạm.
Cay đắng và chua chát làm sao.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 04/03/2020
*******************
Cái giá của 400 đồng bạc
Cánh Cò, RFA, 03/03/2020
Trong thế giới do cộng sản lãnh đạo hầu như không có việc gì lại không thể xảy ra. Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của những người đầu óc không được lành lặn thì những câu chuyện đi ngược lại lương tâm nhân loại lại càng nhiều hơn những nước cộng sản anh em khác. Quá nhiều chuyện vừa khôi hài vừa đáng căm phẫn đã xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra chừng như thách thức sức chịu đựng của người dân.
Thầy Thanh đã bán 20 cái với giá 3.000 đồng một cái. So với giá vốn mỗi khẩu trang là 2.600 đồng một cái, thầy Thanh lời được 400 đồng một cái, tổng cộng là 8.000 đồng (0,35 cents USD).
Câu chuyện mới nhất tại Đầm Dơi, Cà Mau khiến người nghe không thể giữ im lặng. Nếu đứng trước mặt những nhân vật trong câu chuyện này người dân chắc không thể nào kiềm chế để chỉ tay vào mặt những kẻ lộng quyền và ngu dốt cho họ biết thế nào là con người và thế nào là thú vật.
Bởi tất cả bọn họ là con người nhưng cách hành xử không khác gì thú vật.
Đầu tháng 2/2020, giáo viên Nguyễn Văn Thanh dạy tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đưa con lên Thành phố Cà Mau để nhập học. Trên đường về lại Đầm Dơi, thầy Thanh có ghé dọc đường mua hai hộp khẩu trang giá 130 nghìn đồng/hộp/50 cái. Khi về đến nhà một số học sinh ngỏ ý muốn thầy Thanh chia lại số khẩu trang này và thầy Thanh đã bán 20 cái với giá 3.000 đồng một cái. So với giá vốn mỗi khẩu trang là 2.600 đồng một cái, thầy Thanh lời được 400 đồng một cái tổng cộng là 8.000 đồng.
Tuy nhiên theo sự bày tỏ của thầy Thanh thì thầy không hề tính tới việc kiếm lời. Số tiển 400 đồng đáng lẽ phải thối lại thì lại không có tiến lẻ để thối và vì thấy số tiến 400 đồng quá nhỏ bé nên thầy giữ lại. Tuy nhiên số tiền đáng được gọi là nhỏ lẻ ấy lại làm cho thầy Nguyễn Văn Thanh thất điên bát đảo trong mấy ngày qua.
Trước tiên thầy bị quản lý thị trường áp tải về văn phòng ở đó hạnh họe rằng thầy không phải là pháp nhân có quyền mua bán khẩu trang y tế vì hiện đang xảy ra dịch Covid-19. Việc buôn bán khảu trang là sai nguyên tắc và thầy Thanh có biểu hiện đầu cơ, gian dối kinh doanh trái phép.
Tiếp theo đó là màn đấu tố thầy Thanh tại cơ quan làm việc. Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau dưới dự chủ trì của hiệu trưởng đã họp thống nhất kiểm điểm thầy Thanh đã bán khẩu trang y tế không đúng giá quy định. Kết quả, các thành viên dự họp nhận định thầy Thanh có vi phạm như trên, lý do nhận thức chưa đầy đủ về việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của cơ quan chức năng trong thời gian phòng, chống dịch cúm corona.
Ông Võ Lợi – Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi cho biết việc kiểm điểm thầy Thanh là đúng quy định.
Một bản quyết định kiểm điểm được gừi cho báo chí hy vọng các tờ báo lề phải sẽ tiếp tay đấu tố "nhà giáo đầu cơ" Nguyễn Văn Thanh nhưng hầu như không báo nào tiếp sức cho hành vi mất nhân tính này, ngược lại bản tin mang đến cộng đồng người đọc một luồng không khí nóng bức giữa cơn đại dịch.
Câu chuyện thầy giáo Thanh làm nhiều người nhớ lại thời gian sau giải phóng, lúc quản lý thị trường làm bá chủ khắp mọi miền đất nước. Đi bất cứ nơi đâu cũng thấy những kẻ mang chiếc băng vải màu đỏ trên tay kẻ bốn chữ Quản lý thị trường. Những khuôn mặt đầu trộm đuôi cướp từ hẻm hóc tăm tối trồi ra đường phố, vênh váo bắt giữ tất cả những ai mang trên mình bất cứ loại lương thực thực phẩm nào. Từ những ký thịt heo ở chợ đến từng ký gạo trắng từ miển Tây mang về Sài Gòn. Những hạt cà phê giấu trong người bị Quản lý thị trường xé tung vung vãi trên đường mặc cho người dân kêu la thảm khốc. Có người đã tự tử vì mất trắng số vốn nhỏ nhoi nuôi sống gia đình. Có người điên khùng lê lết tại những bến xe miệng lẩm bẩm nhắc tới món hàng bị Quản lý thị trường tịch thu. Những cơn ác mộng có tên Quản lý thị trường có lẽ nói không thể hết.
Hôm nay chúng lại xuất hiện trờ lại với khuôn mặt mới, có vẻ có "giáo dục" hơn, có "văn hóa" hơn vì những chiếc khẩu trang của thầy giáo Thanh không bị tịch thu, tuy nhiên bản chất vẫn y như cũ tức là cách đây hơn 40 năm : Thầy Thanh không bị tịch thu món hàng "quốc cấm" là những chiêc khẩu trang nhưng công ăn việc làm của thầy bị tịch thu. Hai chữ "tịch thu" không bao giờ được quên bởi những người vẫn mang chiếc băng vải màu đỏ kẻ 4 chữ Quản lý thị trường.
Nhưng Quản lý thị trường trong câu chuyện thầy giáo Thanh không phải là nhân vật chính. Nhân vật chủ yếu được nhắc nhở là tập thể giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân những người đưa tay bỏ phiếu "có tội" cho thầy giáo Thanh.
Họ là những người được học hành tử tế và nghề nghiệp của họ là hướng dẫn cho học sinh điều hay lẽ phải trước khi bước vào đời. Họ có thể bị áp lực từ Hiệu trưởng mới cam tâm cắt đứt nồi cơm của đồng nghiệp một cách lạnh lùng. Những giáo viên ấy hôm nay có lẽ đã nhận đủ gạch đá từ dư luận. Gia đình, con cái và thân nhân của họ có lẽ đã thấm thía thế nào là sự nhẫn tâm bắt đầu từ lá phiếu khiến một người đang an lành trờ nên cùng quẫn. Trong thâm tâm mỗi người trong bữa họp kiểm điểm thầy Thanh đều biết rằng thầy Thanh không đi buôn kiếm lời và số tiến 8.000 đồng nhỏ nhoi ấy không thể nuôi sống cho thầy dù chỉ một ngày ngắn ngủi.
Vậy mà cái đám đông có tên gọi là giáo viên ấy lạnh lùng cho rằng thầy Thanh đã vi phạm, tuy không xác định vi phạm điều gì một cách cụ thể nhưng cái đám đông hùa mị ấy đồng thanh luận tội một đồng nghiệp đáng thương chỉ để khoe rằng ta cũng có quyết định rất quan trọng cho một con người, cũng có nghĩa rằng ta cũng có quyền lực như ai.
Quyết định ấy không những chỉ giết chết con đường kiếm sống của thầy Thanh nó còn gián tiếp giết chết cái trường mang tên Nguyễn Huân tại Đầm Dơi cũng như những ngôi trường khác trên mảnh đất đầy phèn của xứ sở Cà Mau.
400 đồng bạc Việt Nam chỉ trong một đêm trở thành nổi tiếng với hệ thống tiển tệ thế giới. Tuy tại Việt Nam nó không mua được bất cứ món hàng gì nhưng nó lại mua được sinh mệnh của một nhà giáo, bất kể ông ấy có đi buôn khẩu trang hay không.
Rất nhiều người tiếc cho ông nhà giáo đã không dám lên tiếng phản bác những lời buộc tội đối với ông. Thế nhưng những người này quên rằng tuy bề mặt chỉ có quản lý thị trường và giáo viên trường Nguyễn Huân có công trong việc bôi bẩn thầy giáo Thanh nhưng bên dưới câu chuyện ấy là cả một giai đoạn lịch sử kéo dài từ khi cộng sản chiếm chính quyền cho tới nhà lao. Cướp chính quyền để có sức mạnh đàn áp, cướp nhà lao để có chỗ giam cầm người lên tiếng
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 03/03/2020 (canhco's blog)
Chửi Hàn và Hàn chửi
Trân Văn, VOA, 28/02/2020
Sự kiện 20 công dân Nam Hàn bị cách ly khi bay từ Daegu đến Đà Nẵng hôm 24/2 (1) đã khơi dậy một cuộc tranh luận dữ dội giữa nhiều người Nam Hàn và người Việt trên Twitter. Trong khi nhiều người sử dụng mạng xã hội phía Nam Hàn chỉ trích việc hệ thống công quyền Việt Nam đối xử thiếu tử tế đối với đồng bào của họ, địa điểm cách ly thiếu vệ sinh,… thì những người sử dụng mạng xã hội phía Việt Nam phê phán thái độ ngang ngược, thiếu hiểu biết của 20 công dân Nam Hàn (kháng cự yêu cầu cách ly để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý trong chuyện ăn, ở) và tường thuật sai sự thật về cách đối xử của hệ thống công quyền Việt Nam…
Sự kiện 20 công dân Nam Hàn bị cách ly khi bay từ Daegu đến Đà Nẵng hôm 24/2 ã khơi dậy một cuộc tranh luận dữ dội giữa người Hàn và người Việt - Ảnh minh họa .
Ngoài việc công kích những người sử dụng mạng xã hội ở Nam Hàn đã chỉ trích Việt Nam khi cách ly 20 người Nam Hàn từ Daegu đến Đà Nẵng bằng nhiều hashtag trên Twitter (*)và khoe với nhau như một thành tích bảo vệ quốc gia, dân tộc (2), không ít người sử dụng mạng xã hội Việt Nam còn tham gia liệt kê các thói hư, tật xấu, thậm chí phê phán cả khả năng… quan hệ tình dục của người Nam Hàn trên một số diễn đàn điện tử (3)… Trong cuộc tranh luận qua lại vừa kể, nổi lên nhận định của một người Nam Hàn tên là Seung Li nêu ra với một người Việt tên là Trinh Trinh...
Có thể tạm tóm tắt nhận định của Seung Li như thế này : Xét ở khía cạnh lịch sử thì Việt Nam là một quốc gia thảm bại, nghèo khổ nhất thế giới. Câu chuyện 39 người Việt thảm tử khi tìm đường vào Anh làm thuê hồi cuối năm ngoái chính là ví dụ. Phải nhớ, hơn 5.000 công ty Nam Hàn đóng góp đến 30% GDP của Việt Nam. Việt Nam không chỉ làm nô lệ cho Nam Hàn mà còn làm nô lệ cho những quốc gia giàu mạnh khác. Việt Nam không thể có độc lập, tương lai nếu người Việt không chịu tỉnh ra và sửa chữa sai lầm của mình. Người Việt không hiểu thế nào là dân chủ và không biết làm thế nào để đạt được điều này thành ra tốt nhất là phải chấp nhận thực tế và đừng u mê nữa (4)…
Nhiều người Việt đã chia sẻ ảnh chụp cuộc đối thoại vừa kể. Nhận định của Li cả về Việt Nam lẫn người Việt lại dẫn tới một cuộc tranh luận nữa giữa người Việt với nhau !
***
Từ nhận định của Li, Huynh Ngoc Chenh tự vấn rồi tự trả lời : Dân Hàn chửi mình có nhục không ? Có ! Nhưng thấy đúng không ? Quá đúng ! Vậy làm sao cho hết nhục ? Cho lực lượng bò đỏ ra chửi bới lại chúng nó tục tĩu và nặng nề hơn ! Sai ! Vậy phải làm gì ? Làm cho mình giàu mạnh văn minh hơn chúng nó bằng cách canh tân và dân chủ hóa đất nước ! Ngày xưa, Âu Mỹ không chỉ chửi bới, khinh miệt mà còn vỗ thẳng vào mặt dân Nhật bằng mấy quả đại bác bắn từ tàu chiến đậu bên ngoài vịnh Tokyo. Dân Nhật thấy nhục nhưng không chửi lại, chỉ âm thầm làm cách mạng lật đổ bọn cầm quyền Mạc Phủ ngu dốt và bảo thủ, học theo chính Âu Mỹ, canh tân hóa đất nước... Ngày nay Nhật văn minh, giàu mạnh ngang bằng Âu Mỹ, không còn ai dám khinh thường dân Nhật nữa (5).
Cũng với cách nhìn vấn đề như vậy, Trần Thái Hòa bày tỏ sự không đồng tình với những cá nhân mang "logo cờ đỏ" nhảy vào nhiều diễn đàn chửi dân Hàn thậm tệ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả bằng "tiếng Hàn Google Translate". Theo Hòa, tuy người Hàn phát biểu hơi thô nhưng không sai, đúng là đa phần người Việt sang Hàn đi làm thuê như đầy tớ cho dân Hàn, đúng là 30% GDP của Việt Nam là từ Nam Hàn Quốc mà ra… Nếu thật sự có tự trọng dân tộc thì đừng nên làm đầy tớ cho ngoại bang, khi có đại dịch cứ đóng cửa biên giới mà không cần phải xin phép ai, lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa,… Nếu thật sự có tự trọng dân tộc thì hãy tìm cách đưa đất nước phát triển, trở thành "top" không 5 thì 10 trên thế giới. Đừng thể hiện tự ái dân tộc bằng những lời dung tục, cứ như vậy chẳng khác gì vừa nghèo, vừa vô học.
Hòa nhắc : Ai vừa phát biểu là phải lấy tinh thần Park Hang-seo làm chủ đạo để phát triển mọi lĩnh vực ở Việt Nam, nay lại quay ra chửi người Hàn thậm tệ ? Sau đại dịch này, nếu dân Hàn không còn sang Việt Nam du lịch, họ rút Samsung về Hàn hoặc dời sang Ấn Độ thì có chửi cứ tự nghe chứ ai thèm nghe. Ai chửi bới dung tục, hành xử vô văn hóa đến mức bị xếp vào một trong những xứ thô bỉ nhất thế giới ? Ai đứng đầu đội quân hết sức hùng hậu chỉ làm hai việc : Mạt sát tất cả những ai nói ngược với "đại giáo chủ" và chuyển hóa những thứ hôi thối của "đại giáo chủ" thành thơm phức ? Theo Hòa, đại dịch Corona có một điểm hay. Đó là phơi bày nhiều chuyện xưa nay dân chúng không thấy hoặc chỉ thấy lờ mờ, giờ đã rõ như ban ngày (6).
Quốc Ấn Mai khuyên người Việt khoan tức giận khi cá nhân nào đó bảo mình là hạ đẳng. Ấn tin rằng, người Hàn sẽ không dám/không thể nói như vậy với một công dân Mỹ. Đó là tâm thế ! Ở khía cạnh tâm thế, việc những bạn trẻ hôn chiếc ghế mà sao Hàn từng đặt mông có phải là hạ đẳng không ? Thượng đẳng hay hạ đẳng là vấn đề của loài người mà cá nhân, quốc gia, chủng tộc nào đó đang mặc định đầy thiên kiến. Còn bình đẳng là tâm thế khác công bằng và khó khăn hơn nhiều. Điều cơ bản là cá nhân/quốc gia/chủng tộc muốn bình đẳng thì phải có ý thức xây dựng thực lực và có thực lực, chứ không phải tự sướng với nhau quang vinh, muôn năm, về ánh dương chiếu rọi, thời đại rực rỡ, thế nước đang lên,… Cách hành xử như đã thấy của một công dân Nam Hàn phải chăng vì người Việt/nước Việt đã cho họ "điều kiện" phát triển tâm thế "bề trên" như vậy ?
Quốc Ấn Mai đề nghị, hãy nhìn thực trạng quốc gia trước, trong và sau dịch corona để điểm lại xem người Việt/nước Việt có thực lực gì để ngẩng cao đầu ?.. Đó không thể là những trận thắng bóng đá cấp độ ao làng. Càng không phải là thứ GDP cao vút nhờ FDI, bán tài nguyên hay tăng thuế phí và huỷ hoại môi trường… Chí ít cũng phải thấy mình có sự bình đẳng trong ngoại giao, ví dụ như biển Đông. Bình đẳng thực sự chưa bao giờ là "chúng tôi cực lực phản đối" mãi thành nhàm. Kể cả chuyện tham nhũng... ổn định đều đặn tàn phá quốc gia nữa. Quốc Ấn Mai thắc mắc : Chẳng lẽ để câu "hèn với giặc, ác với dân" lưu truyền hoài trong dân gian, để những kẻ kiếm lợi từ đầu tư vào Việt Nam coi thường mãi và những biển cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt xuất hiện nhiều nơi ở nước ngoài… Cứ thế thì coi sao đặng (7) ?
***
Những suy nghĩ, nhận định của Huynh Ngoc Chenh, Trần Thái Hòa, Quốc Ấn Mai có đáng ngẫm không ? Thiên Nhiên – thân hữu của Huynh Ngoc Chenh, tán thành : Đúng là chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức, phải nghĩ đến cái chung. Muốn vậy luật pháp, giáo dục phải thay đổi, quan điểm quản trị đất nước cũng phải thay đổi nhưng vấn đề là… đến bao giờ ?... Piero Ha Noi – thân hữu của Trần Thái Hòa, khen Hòa, rất đúng nhưng… rất tiếc, những người tự xấu hổ và suy nghĩ theo hướng tích cực thì không bao giờ sử dụng mạng xã hội để chửi bới ai hoặc phát ngôn theo kiểu dư luận viên, còn lại thì có đọc cũng không hiểu, có hiểu cũng không thấy nhục ! Lgalpha Dinh – ban của Quốc Ấn Mai, đồng ý với đề nghị khoan tức giận vì chúng ta đang trong cơn say cồn, say bóng đá, ngạo nghễ... Lgalpha Dinh khẩn cầu : Tỉnh dậy đi Việt Nam !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/02/2020
(*) #ApologizeToVietNam, #KoreansStopLying, #Vietnamdidwell,...
Chú thích :
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(3) https://www.otofun.net/threads/hau-truyen-vu-khach-han-quoc.1665169/
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3095608880469431&set=p.3095608880469431&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/10207244591190751
(6) https://www.facebook.com/dulichvietnam360/posts/10157511719688025
(7) https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10215271195685693
*******************
Covid-19, khiêm tốn hay hèn ?
Trân Văn, VOA, 27/02/2020
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Việt Nam vừa dùng toàn bộ "sự khiêm tốn của người Việt" để tuyên bố : Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ Covid-19 (1) ! Tuy nhiên càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, trong quản trị - điều hành công việc phòng ngừa Covid-19 lây lan ở Việt Nam, "khiêm tốn" dường như là… hèn !
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Photo QDND.
***
Ngày 23/2, sau khi xác nhận có 556 người nhiễm Covid-19 và 5 người đã thiệt mạng, ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn, tuyên bố đặt Nam Hàn vào tình trạng "Báo động Đỏ" về y tế, đồng thời sẽ áp dụng tất cả các biện pháp nhiêm ngặt mà chính phủ Hàn Quốc thấy cần thiết để ngăn chặn Covid-19 lây lan rộng hơn (2).
Một ngày sau - 24/2, Trung tâm Chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh Đài Loan tuyên bố xếp Nam Hàn vào mức 3 trong "Khuyến cáo du lịch". Yêu cầu dân chúng Đài Loan không đến Nam Hàn và từ 27/2 sẽ buộc tất cả những người từ Nam Hàn đến Đài Loan tự cách ly với cộng đồng nơi họ cư trú và sẽ bị kiểm dịch trong vòng 14 ngày (3).
Ông Trần Thời Trung, Bộ trưởng Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh Đài Loan, tuyên bố : Đài Loan xếp Thái Lan, Ý, Iran vào mức 1 và Nhật, Singapore,… vào mức 2 trong "Khuyến cáo du lịch". Những người đến Đài Loan từ các quốc gia mức 1 và 2 phải "tự quản lý sức khỏe".
Đài Loan định nghĩa "tự quản lý sức khỏe" là giữ tay sạch, đo thân nhiệt hai lần/ngày, ghi chép chi tiết về thân nhiệt, hoạt động cá nhân, hạn chế lui tới nơi công cộng, ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Nếu viêm đường hô hấp, sốt, cảm thấy khó chịu thì phải đi khám bệnh, thông báo cặn kẽ cho bác sĩ về lịch trình du lịch, lịch trình cư trú,…
***
Cũng trong ngày 24/2, một phi cơ chở 80 hành khách từ Daegu – Nam Hàn đến Đà Nẵng. Daegu là một trong hai ổ dịch bị chính phủ Nam Hàn xếp vào diện "kiểm soát đặc biệt". Mức độ lây lan của Covid-19 ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã khiến chính phủ Nam Hàn phải đặt quốc gia này vào tình trạng "Báo động Đỏ" về y tế.
58/80 hành khách của chuyến bay vừa kể là người Việt. Họ sang Nam Hàn làm thuê hoặc du học. Về đến Đà Nẵng, 58 người Việt này được chuyển ngay đến khu cách ly do quân đội kiểm soát, trong 22/80 hành khách còn lại có 20 công dân Nam Hàn và hai công dân Thái Lan được chuyển đến Bệnh viện Phổi ở Đà Nẵng.
58 người Việt và phi hành đoàn (được cách ly tại một bệnh viện của Bộ Công an) không có vấn đề về cách ly nhưng 20 công dân Nam Hàn thì khác. Họ không muốn bị cách ly, không muốn vào Bệnh viện Phổi và lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng không dám cưỡng ép nên phải nhờ các viên chức ngoại giao của Nam Hàn tại Việt Nam thuyết phục.
Bất kể Bệnh viện Phổi của Đà Nẵng đã dành cho 20 người Nam Hàn một khu vực riêng nhưng một số đòi quay về Nam Hàn, một số muốn được cách ly tại khách sạn, một số dứt khoát không chấp nhận cách ly vì chỉ đến Đà Nẵng chơi trong hai ngày… Chuyện cách ly 20 người Nam Hàn cứ thế nhùng nhằng từ trưa 24/2...
Có lẽ vì không muốn làm phật lòng nhóm khách Nam Hàn, Sở Y tế Đà Nẵng liên lạc với một khách sạn ở quận Sơn Trà, thuyết phục khách sạn tiếp nhận nhóm này. Tuy Sở Y tế Đà Nẵng cam kết thanh toán chi phí lưu trú cho 20 người Nam Hàn trong hai tuần cách ly nhưng một số lại không ưng vì không được chăm sóc y tế và phải trả tiền ăn uống...
Nhân viên của cả Đại sứ quán Nam Hàn và Tổng Lãnh sự Nam Hàn cùng tham gia thuyết phục cho đến năm giờ chiều, khi 20 người Nam Hàn từ Daegu đến đồng ý với đề nghị cách ly tại khách sạn mà Sở Y tế Đà Nẵng đề nghị thì khách sạn ở quận Sơn Trà đổi ý. Chính quyền Đà Nẵng đành phải mời họ "ăn nhẹ" trong khi đi tìm khách sạn khác !
Đến sáu giờ chiều, chính quyền Đà Nẵng quyết định đưa 20 người Nam Hàn đến một khách sạn 4 sao ở quận Hải Châu và lần này cho biết Đà Nẵng sẽ thanh toán cả tiền ăn ! Tuy nhiên 20 người Nam Hàn từ Daegu tới vẫn phải lưu lại Bệnh viện Phổi cho đến 10 giờ đêm vì giới hữu trách cần chuẩn bị thêm cho việc cách ly tại khách sạn (4)…
***
Tuy đang quản trị - điều hành một quốc gia độc lập và có chủ quyền nhưng cách hành xử trong tình huống khẩn cấp (đối phó với những mầm bệnh tiềm ẩn đến từ bên ngoài, có thể lây lan, đe dọa dân tộc, quốc gia) hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam đã hành xử… nhũn nhặn mà cả thiên hạ lẫn dân chúng Việt Nam cùng… chưa từng thấy !
Xưa nay, dường như chưa có quốc gia nào sau khi phải dựng hàng rào phòng ngừa dịch bệnh lại… "mềm mỏng" như Việt Nam, vừa tìm đủ mọi cách thuyết phục những ngoại nhân đến xứ mình từ vùng có dịch chịu cách ly, vừa đôn đáo tới lui khắp nơi để tìm chỗ cách ly sao cho ngoại nhân hài lòng, chưa kể còn cam kết sẽ dùng công quỹ để bao ăn, ở !
Tại hội nghị trực tuyến, thảo luận về việc "Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19" hôm 25/2 - dịp mà ông Đam sử dụng toàn bộ "sự khiêm tốn của người Việt" để tuyên bố : Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ Covid 19 – đại diện Sở Y tế Đà Nẵng than rằng, họ chịu áp lực rất lớn vì "phải vừa bảo đảm ngoại giao, vừa bảo đảm yêu cầu cách ly, phòng chống dịch hiệu quả" (5).
Rõ ràng không thể so Việt Nam với Đài Loan – vùng đất chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đài Loan tuy nhỏ, vị thế trong cộng đồng quốc tế rõ ràng kém hơn nhưng hành xử rạch ròi, quyết liệt hơn Việt Nam. Khi đến Đài Loan giữa mùa dịch bệnh, chắc chắn những công dân Trung Quốc bị chính quyền sở tại buộc phải cách ly sẽ không thể và cũng không dám tự tiện rời khỏi nơi bị chỉ định cư trú, thản nhiên tới lui bất kỳ đâu họ muốn, khiến cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lúng túng không biết phải làm gì như tại Việt Nam (6) ? !. Sau ngày 27 tháng này, khi đến Đài Loan, chắc chắn không công dân Nam Hàn nào dám hay có thể "làm mình, làm mẩy" đòi phải như thế này, thế kia mới đáp ứng yêu cầu cách ly của chính quyền sở tại giống như 20 đồng bào của họ vừa thể hiện tại Việt Nam.
Đài Loan tuy nhỏ, vị thế rõ ràng kém hơn Việt Nam nhưng khi Covid-19 bùng phát thành dịch tại Trung Quốc đã không hề ngần ngại khi tuyên bố cấm xuất cảng khẩu trang để bảo đảm nhu cầu phòng dịch của dân chúng Đài Loan. Bất chấp chuyện bị Trung Quốc chỉ trích là "bệnh hoạn về nhận thức" (7), lãnh đạo Đài Loan tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang đến cuối tháng tư (8). Đài Loan cũng là nơi không hề ngần ngại khi vừa cấm nhân viên y tế đến Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, vừa nhấn mạnh là "không hoan nghênh" nếu họ đi du lịch ở Nhật, Nam Hàn,… vì ngoài việc khống chế lây lan còn phải ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu về y tế và giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế là chuyện không dễ dàng (9) !
***
Cổ nhân từng khuyên : "Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc". Người Việt nên dùng "tất cả sự khiêm tốn" mà ông Vũ Đức Đam mới dùng, tự hỏi chính mình và tự hỏi lẫn nhau "gia" của Việt Nam như thế nào, "giang" của Việt Nam ra sao mà càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy thiên hạ không thèm màng đến cả đặc điểm của "tục" lẫn "khúc" khi "nhập" hoặc "đáo" Việt Nam ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/02/2020
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-da-kiem-soat-duoc-dich/20200225092847338.htm
(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172158
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(5) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(7) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
*******************
Covid-19, nên nhìn Iran mà ngẫm…
Trân Văn, VOA, 26/02/2020
Bao nhiêu người, đặc biệt là các công dân Iran tin rằng, cho đến 10 giờ (CET) sáng 24/2, tổng số người nhiễm Covid-19 ở Iran là 43 (tăng thêm 15 người so với ngày 23/2) và tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 là 8 (tăng thêm 5 người so với ngày 23/2) – dựa trên số liệu chính quyền Iran cung cấp cho WHO ?
Xét nghiệm corona virus trong một bệnh viện ở Iran.
Tuy dữ liệu chính thức về số người bị nhiễm Covid-19 ở Iran thua xa Nam Hàn (763), Nhật (144), Ý (124) nhưng không phải tự nhiên mà các chuyên gia y tế và cộng đồng thế giới dành cho Iran sự quan tâm đặc biệt, xem Iran như một ổ dịch mà mức độ nguy hiểm không thua Trung Quốc.
***
Hôm 24/2, New York Times (NYT) đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, giải thích tại sao Iran trở thành nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế (1) : Tuy bị cấm vận, Iran – nơi có nhiều thánh tích Hồi giáo - vẫn mở rộng cửa tiếp nhận tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đổ đến. Những người hành hương đã lây nhiễm và mang Covid-19 vào Iraq, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oman, Lebanon, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Canada,…
Từ Iran, Covid-19 đã lây nhiễm sang nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, nơi mà các chuyên gia y tế cho là hội đủ những điều kiện cần thiết để dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra mở mang tầm vóc đại dịch : Lượng người qua lại lớn (bao gồm cả khách hành hương lẫn những người từ quốc gia này sang quốc gia khác làm thuê), các biện pháp kiểm soát – cách ly để phòng ngừa kém, dịch vụ y tế thiếu và yếu, khả năng minh bạch thông tin thấp và không chính xác !
***
Hôm 24/2, Ahmad Amiri Farahani – một đại biểu cho Qom trong Quốc hội Iran, khẳng định với các đồng viện tại Diễn đàn Quốc hội Iran rằng : Cách nay hai tuần, giới hữu trách tại Qom (một tỉnh nổi tiếng vì có nhiều thánh tích Hồi Giáo, trước nay vẫn thu hút rất đông khách hành hương đến Iran) đã phát giác sự hiện diện của Covid-19 và ở Qom, ít nhất đã có 50 người vì Covid-19. Vào thời điểm này, mỗi ngày không dưới mười người thiệt mạng vì viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên chính quyền Iran phủ nhận thông tin ấy. Ahmad Amiri Farahani – dân biểu đối lập với đảng cầm quyền tại Iran – bị cáo buộc là tung tin đồn nhảm, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cố tình khiến công chúng hoang mang nhằm gây xáo trộn sự ổn định chính trị tại Iran. Ahmad Harirchi – cố vấn Bộ trưởng Y tế Iran tuyên bố sẽ từ chức nếu dữ liệu của Ahmad Amiri Farahani chính xác nhưng không đả động gì đến việc thực hiện yêu cầu của Ahmad Amiri Farahani (tổ chức kiểm dịch ở Qom).
Tiến sĩ Mohamad Reza Ghadir – người vừa là lãnh đạo một đại học y khoa ở Qom, vừa là viên chức chịu trách nhiệm về phòng chống dịch bệnh ở Qom, xác nhận với đài truyền hình quốc gia rằng Bộ Y tế Iran cấm giới hữu trách tại Qom tiết lộ bất kỳ số liệu nào liên quan đến Covid-19. Tuy không tiết lộ bất kỳ số liệu nào nhưng Tiến sĩ Ghadir nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh ở Qom rất nghiêm trọng ! Cũng trong ngày 24/2, các phương tiện truyền thông chính thức loan báo, Tiến sĩ Ghadir đã bị cách ly.
***
Ngày 23/2, The Jerusalem Post – một nhật báo ở khu vực Trung Đông – kể rằng, dân chúng Iran vừa sợ hãi, vừa giận dữ vì chính phủ Iran dối trá và hệ thống truyền thông chính thức tại Iran lờ đi, không loan báo những thông tin về Covid-19 tại Iran. Không chỉ Qom, Covid-19 đang lây lan rộng rãi. Đảng cầm quyền tại Iran ém nhẹm thông tin về Covid-19 để kiếm tiền từ du lịch hay để cuộc bầu cử diễn ra vào thứ sáu tuần trước (21/2) thành công tốt đẹp hoặc cả hai ?
Không ai biết lý do thực nhưng hôm thứ bảy (22/2), dân chúng thành phố Talesh nằm bên bờ biển Caspi đã nội loạn sau khi thành phố này bị cô lập nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan. Chính quyền Iran vừa tỏ ra hết sức giận dữ đối với cuộc nổi loạn mà họ cáo buộc là do quần chúng nhẹ dạ, cả tin để cho các thế lực thù địch, phản động kích động, vừa tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học tại Tehran, Alborz, Qazvin, Markzai, Qom, Hamedan, Isfahan, Gilan và Mazandaran mà không giải thích lý do.
Cuối tuần vừa qua tại Iran có một chuỗi những sự kiện theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược) : Bộ trưởng Khoa học của Iran khuyên dân chúng nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh nếu có các triệu chứng giống như cảm lạnh. Một viên chức hữu trách ở Alborz - một trong những tỉnh quyết định đóng cửa tất cả các trường học - thì khuyên dân chúng không nên mang khẩu trang. Alborz không có ai bị nhiễm Covid-19. Đừng tin tin đồn cũng đừng phát tán tin đồn mà nên chờ những thông tin chính thức từ Bộ Y tế.
Trên mạng xã hội đã có những thông tin mô tả về tình trạng hết sức đáng sợ của nhiều bệnh viện ở Iran. Theo đó, không chỉ những người đã nhiễm Covid-19 sợ hãi mà các nhân viên y tế cũng sợ hãi vì thiếu các phương tiện để bảo vệ chính họ không bị lây nhiễm. Dọa dẫm và trừng trị làm gương không chặn được những thông tin như sinh viên y khoa ở Isfahan từ chối tham gia hỗ trợ chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vì không được cung câp khẩu trang, găng tay và những trang bị bảo hộ thiết yếu (2)...
***
Sau khi Covid-19 xuất hiện và bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền Iran - vốn đã và đang chật vật xoay sở để giữ vững sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cầm quyền - trở thành một trong những chính quyền đầu tiên tuyên bố sát cánh với Trung Quốc, hỗ trợ Trung Quốc phòng chống Covid-19. Iran đã gom và gửi tặng Trung Quốc nhiều triệu khẩu trang. Ngày 1/2, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ của Iran tiếp tục tặng thêm cho Trung Quốc một triệu khẩu trang nữa và…
Ngày 2/2, Fealu Mardasi - cố vấn Hiệp hội các nhà sản xuất vật tư y tế của Iran – cảnh báo, Trung Quốc không chỉ thu gom mà còn ứng tiền trước để mua hết những khẩu trang mà Iran sẽ sản xuất. Đến thời điểm đó, tuy không thể xác định được năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp tại Iran như thế nào nhưng Mardasi cho rằng, nếu chính quyền Iran không cấm xuất cảng khẩu trang, Iran sẽ không đủ khẩu trang cho dân chúng Iran phòng ngừa Covid-19 trong trường hợp Covid-19 bùng phát (3).
Trước áp lực của dư luận, ngày 4/2, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý thị trường của Iran "nhất trí" cấm xuất cảng khẩu trang (4). Mohammad Reza Kalami – phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý thị trường Iran – cho biết, cơ quan này sẽ cùng với Tổ chức Xúc tiến thương mại Iran nghiên cứu để có các biện pháp thích hợp… Chưa rõ xuất cảng khẩu trang sang Trung Quốc mang lại nguồn lợi trị giá bao nhiêu nhưng dân chúng Iran đang bấn loạn vì tìm không ra khẩu trang, giá khẩu trang vượt tầm với của nhiều người.
***
Tường thuật về sự lây lan của Covid-19 tại Iran, nhiều cơ quan truyền thông của cả phương Tây lẫn khu vực Trung Đông nhấn mạnh, trong vài ngày vừa qua, Iran hỗn loạn không chỉ vì Covid-19 mà còn vì thiếu thông tin đáng tin cậy. Dân chúng Iran không tin chính quyền Iran trung thực. Cộng đồng quốc tế cũng không tin. Lúc này, cả dân chúng Iran lẫn cộng đồng quốc tế cùng đề cập đến scandal xảy ra vào tháng trước : Chính quyền Iran dối trá để che đậy việc bắn một phi cơ dân dụng của Ukraine.
Cùng với Covid-19, biểu tình đòi minh bạch thông tin bùng phát khắp nơi ở Iran, sau những cuộc biểu tình ở Tehran, ở Talesh, ở Rasht,… đòi giải thích chính thức tại sao lại đóng cửa các trường học, lại cách ly các khu dân cư là những cuộc biểu tình bên ngoài các bệnh viện… Sự phẫn nộ càng lúc càng tăng khi chính quyền Iran trả lời bằng dùi cui, bằng lựu đạn cay,… Sử dụng bạo lực để đập tan các hoạt động phản kháng sẽ kéo dài được bao lâu và làm sao có thể gọi đó là nỗ lực giữ vững ổn định chính trị ?
Cho dù các lân bang đang lần lượt tuyên bố hạn chế qua lại với Iran, thậm chí đóng cửa biên giới nhưng chính quyền Iran vẫn chưa cấm các chuyến bay mang khách hành hương đến và đi. Chính quyền Iran chỉ tuyên bố đóng cửa các trường học, cô lập nhiều khu vực chứ không nhìn nhận Covid-19 đã lây lan khắp nơi, kể cả khi đã có những dấu hiệu hết sức rõ ràng cho thấy họ chẳng còn giấu được ai.
***
Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tỉnh ra, thôi mơ trở thành quốc gia đầu tiên dập được Covid-19 (5) để tập trung nhiều hơn vào nỗ lực phòng ngừa, nâng cao hiệu quả của hoạt động cô lập, không để tái diễn tình trạng những người thuộc diện cần cách ly muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm như đã từng xảy ra với nhiều du khách Trung Quốc (6) ? Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ngưng "tán hươu tán vượn" để khuyến khích du lịch cả trong nội địa lẫn bên ngoài Việt Nam, gạt bỏ ý tưởng áp dụng các biện pháp "thân thiện" để thu hút du khách thập phương nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay (7), thậm chí cả hệ thống dắt díu nhau hối hả chạy theo những đòi hỏi hết sức vô lối của một số du khách Hàn Quốc (8) ?
Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mạnh dạn hơn để ban hành lệnh cấm xuất cảng hết tấn khẩu trang này đến tấn khẩu trang khác qua cả các cửa khẩu trên đất liền (9) lẫn đường hàng không (10) sang Trung Quốc, không sợ bị Trung Quốc chỉ trích như đã từng chỉ trích Đài Loan ? Trí tuệ và lương tâm của các viên chức hữu trách tại Việt Nam đang để ở đâu khi nguồn khẩu trang tiếp tục chảy sang bên kia biên giới Việt – Trung, bất chấp dân chúng loay hoay tìm kiếm khẩu trang hợp cách để tự bảo vệ mình, bất chấp đội ngũ nhân viên y tế phải tự may khẩu trang (11) ? Giá phải trả cho dịch bệnh sẽ rất cao nếu không đủ vật dụng thiết yếu giúp nhân viên y tế - đội ngũ đảm trách vai trò ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh tại một cộng đồng, một quốc gia - bị lây nhiễm !
Thông qua chương trình phát thanh bằng tiếng Iran của… BBC, Tiến sĩ Babak Gharaye Moghadam – chuyên gia y tế của Iran – vừa kêu gọi dân chúng Iran nên tránh xa các bệnh viện để tránh nhiễm Covid-19. Sở dĩ Tiến sĩ Moghadam phải chọn BBC vì dân chúng Iran không còn tin cậy chính quyền và hệ thống truyền thông Iran. NYT kể rằng, dân chúng Iran phớt lờ tất cả các khuyến cáo chính thức, tiếp tục đổ đến bệnh viện yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Trước áp lực của công chúng, cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Imam Khomeini ở Tehran phải dựng một khu xét nghiệm dã chiến trong khuôn viên... Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có học được gì từ chuyện trái khoáy này và có còn tiếp tục nhìn việc chia sẻ thông tin, hình ảnh kiểu như lũ trẻ phải dùng giấy thay khẩu trang là… "phản cảm" (12) không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.nytimes.com/2020/02/24/world/middleeast/coronavirus-iran.html
(4) https://financialtribune.com/node/102025
(5) https://tuoitre.vn/viet-nam-nuoc-dau-tien-dap-duoc-dich-covid-19/20200221082706271.htm
(7) https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dam-bao-an-toan-nhung-cung-can-than-thien/20200220174210322.htm
(8) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(9) https://vtc.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/xuat-tiep-6-xe-khau-trang-y-te-sang-trung-quoc-ar528905.html
Cô Phim bị kỷ luật ông Tướng ạ !
Khánh An, VNTB, 22/02/202
Cô Lô Thị Phim (SN 1986), là cán bộ thiết bị-thư viện tại trường, bị kỷ luật vì ngày 6/2 đã chụp và đăng ảnh học sinh lớp 6B của trường đeo khẩu trang giấy lên Facebook. Theo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn, điều này gây ra "hình ảnh phản cảm", "làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành".
Bức ảnh của cô Phim không chỉ mang tính phóng sự cao, phản ảnh một sự thật trần trụi tại vùng cao Kỳ Sơn. Học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh đeo khẩu trang bằng giấy - Ảnh: L.P (Tuổi Trẻ)
Cô Phim bị "kỷ luật" gợi nhớ đến UBND quận Thanh Xuân ra quyết định "kiểm điểm" lãnh đạo UBND phường Hạ Đình vì "ra văn bản gây hoang mang sau vụ cháy Công ty Rạng Đông".
Văn bản của phường là 1.000 thông báo tới người dân để cảnh báo về tình trạng bầu không khí trên địa bàn bị nhiễm bẩn do khói bụi từ vụ cháy, gây ảnh hưởng lớn đến người dân.
Thực tế chứng minh, văn bản UBND phường Hạ Đình là kịp thời và đưa sức khoẻ cộng đồng là trên hết.
Trở lại câu chuyện cô Phim và tấm ảnh cô chụp.
Tấm ảnh đó có phản ánh đúng sự thật không ?
Tấm ảnh đó có được dàn dựng không ?
Khẩu trang tại vùng cao Kỳ Sơn có đáp ứng cho học sinh để "chống dịch như chống giặc" theo tinh thần chỉ đạo của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ?
Khi trả lời được câu hỏi trên, sẽ trả lời được câu hỏi tiếp theo, việc làm của Phòng giáo dục Kỳ Sơn có thật sự đáng xấu hổ hay không. Bởi bức ảnh của cô Phim không chỉ mang tính phóng sự cao, phản ảnh một sự thật trần trụi tại vùng cao Kỳ Sơn. Mà còn cho thấy, một lương tâm con người ở chính cô.
Kỷ luật vì tiết lộ sự thật trần trụi không khác gì là đồng minh của phi minh bạch. Và chính điều gian dối này sẽ làm què quặt nhân cách con người, xô đổ trung thực hiếm hoi trong xã hội hiện tại.
Phòng giáo dục Kỳ Sơn đã bao giờ tự hỏi chân thật là gì chưa ? Và đã bao giờ thẳng lưng thừa nhận sự yếu kém trong công tác phòng dịch ? Và cũng đã bao giờ nhận ra quyết định kỷ luật là một động tác làm tha hóa con người chỉ bởi sự thật bị phát lộ ?
Trong khi một bài thơ "nịnh" được chăm bẵm bởi chính quyền Trung ương, ôm ấp bởi chính quyền cơ sở. Thì sự thật, điều làm nên lâu dài trong công tác chống dịch bệnh lại bi kỷ luật.
Nếu người viết là người đứng đầu chính phủ, UBND Nghệ An, thì cô Lô Thị Phim xứng đáng được vinh danh, khen tặng. Lý do duy nhất, trong đám hỗn lốn của giả dối, cô cho thấy một sự thật.
Khánh An
Nguồn : VNTB, 22/02/2020
********************
Khen có… lũy thừa, còn nói thật thì không
Trân Văn, VOA, 22/02/2020
Sau khi bị Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An… nhắc nhở, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn đã triệu tập một hội đồng để xem xét – lựa chọn hình thức kỷ luật ông Nguyễn Quế Trường (Hiệu trưởng) và bà L.T.P (Giáo viên), cùng làm việc tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh. Đây là trường bán trú dành riêng cho con em người thiểu số…
Giáo viên Trường Tiểu học Tam Hợp (huyện Tương Dương, Nghệ An) làm khẩu trang bằng vải cho học sinh - Ảnh minh họa
Cách nay khoảng hai tuần, vào ngày 6 tháng 2, bà L.T.P đưa lên trang Facebook của bà những tấm ảnh chụp lũ trẻ đang học lớp 6B của trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang ! Tấm ảnh không chỉ gây xúc động vì phơi bày sự nghèo khó, thiếu thốn của "một bộ phận không nhỏ" người Việt mà còn làm thiên hạ ái ngại cả về nỗ lực lẫn khả năng phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra tại Việt Nam.
Một số tờ báo thuộc hệ thống truyền thông chính thức đã cử phóng viên đến huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để tìm hiểu thực hư. Ở vị trí Hiệu trưởng, ông Nguyễn Quế Trường, xác nhận, chỉ có một số đứa trẻ là học sinh trường Tiểu học và Trung học Phà Đánh có khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang vải để phòng ngừa lây nhiễm, đa số phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang. Trường đã cử người đi tìm mua khẩu trang cho học sinh ở các cửa hàng trong xã và trung tâm huyện nhưng không có để mua...
Tuy bà L.T.P không ngụy tạo sự kiện và ông Trường thừa nhận sự kiện đó có thật nhưng phản ánh sự thật bị xem là… "phản cảm". Sự thật này không phù hợp "trong thời điểm cả nước đang ra sức dành mọi nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp". Cũng vì vậy, Hội đồng Kỷ luật đã quyết định "phê bình, nhắc nhở" cả hai vì việc phơi bày thực tế "làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện cũng như của ngành và trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn và ngành đặc biệt quan tâm và chỉ đạo" (1).
***
Cũng trong tương quan giữa giáo dục và dịch viêm đường hô hấp cấp, ngày 18 tháng 2, tờ Thanh Niên giới thiệu một bài thơ của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên trường Trung học cơ sở Hùng Vương, tọa lạc ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Bài thơ có tựa là "Đất nước ở trong tim" và tờ Thanh Niên giải thích họ chọn - giới thiệu "Đất nước ở trong tim" vì đó là một "bài thơ chống dịch Covid-19" đang làm "dậy sóng cộng đồng mạng" ! Nguyên văn "bài thơ chống dịch Covid-19" như thế này :
Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em. Nhưng làm được những điều phi thường lắm. Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm. Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào. Em thấy không ? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao. Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng. Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận. Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy. Với người láng giềng đang lúc lâm nguy. Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế. Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể. Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn. Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan. Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại. Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi. Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường. Với chuyến du thuyền đang "khóc" giữa đại dương. Mình mở cửa đón họ vào bến cảng. Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn. Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.
Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa. "Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại". Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi. Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên. Từ mái trường này em sẽ lớn lên. Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước. Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước. Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim. Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm. Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả. Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa. Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam !
"Đất nước ở trong tim" được Thanh Niên giới thiệu hôm trước thì hôm sau, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt loan tin, Văn phòng Chính phủ vừa phát hành một công văn cho biết, Thủ tướng đã đọc bài thơ cô Thanh làm đểca ngợi đất nước trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Theo công văn vừa kể, vì bài thơ đã phản ánh đúng thực trạng phòng chống dịch Covid-19 của đất nước, thể hiện được niềm tin và tinh thần yêu nước nồng nàn, có ý nghĩa vận động toàn xã hội (trong học tập, sinh hoạt), cùng đoàn kết chung sức, chung lòng thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo, triển khai nên Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời cám ơn cô Chu Ngọc Thanh.
Nếu theo dõi mạng xã hội, ai cũng có thể thấy, trên thực tế, "Đất nước ở trong tim" chỉ thật sự làm "dậy sóng cộng đồng mạng" sau khi Văn phòng Chính phủ thay mặt Thủ tướng chuyển lời khen và lời cám ơn đến cô Thanh. Dư luận dấy lên thành bão vì nhiều lẽ : Xét ở góc độ thi ca, chất lượng của bài thơ có đáng để khen và cám ơn hay không ? Chẳng lẽ quốc gia, dân tộc không còn vấn đề nào đáng phải bận tâm, do rất rảnh nên Thủ tướng và chính phủ chỉ ngồi chờ, có người khen là lập tức tổ chức… khen lại, thậm chí tận dụng việc… khen lại để tự khen, tự nâng cả đảng, nhà nước, chính phủ, lẫn Thủ tướng lên thêm một lần nữa bất chấp thực tế ra sao ?...
Nhìn một cách tổng quát, "Đất nước ở trong tim" đã kích hoạt qui trình "khen" từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Sau khi cô Thanh nhấn nút "khen" đảng, chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền rùng rùng chuyển động, báo giới phát tán "Đất nước ở trong tim", chính phủ "khen" lại cô Thanh, UBND tỉnh Gia Lai góp lời "khen" thêm và thông qua đó "khen" kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo, triển khai thêm một lần nữa !
***
Đáng tiếc là những lời khen không phủ lấp được những thực tế chẳng hạn như chuyện lũ trẻ con trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang, hay những thắc mắc chẳng hạn như tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không hành xử như Ấn Độ,… cấm xuất cảng trang bị phòng dịch, khẩu trang, hoặc bước những bước xa hơn, quyết liệt hơn như Đài Loan : Vừa cấm xuất cảng, vừa nhập thêm thiết bị để gia tăng sản lượng, vừa xác định khẩu trang, cồn sát khuẩn là hàng hóa đặc biệt, chính phủ sẽ dùng các biện pháp đặc biệt để kiểm soát hoạt động phân phối, hỗ trợ toàn dân bảo vệ mình, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh trên toàn quốc (2) ?
Xem phản ánh việc trẻ con không có khẩu trang, phải dùng giấy che mũi, miệng là… "phản cảm", vậy bất chấp tình trạng khẩu trang y tế càng ngày càng khan hiếm - ngay cả các bệnh viện cũng phải tổ chức may khẩu trang bằng vải cho nhân viên y tế tạm dùng (3), vẫn mở toang cửa để đưa khẩu trang sang Trung Quốc – chỉ trong tháng giêng, đã có 36 tấn khẩu trang được đưa qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất (4), cũng trong tháng giêng, chỉ tính các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có bốn triệu khẩu trang được xuất cảng sang Trung Quốc, gần đây nhất, dẫu dân chúng trong nước hết sức chật vật, thậm chí tuyệt vọng vì không thể tìm mua được khẩu trang để bảo vệ họ, riêng ngày 19 tháng 2 có tới sáu xe vận tải vận chuyển khẩu trang y tế qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) sang Trung Quốc (5)… thì cảm giác của đảng, nhà nước, chính phủ, thủ tướng ra sao ?
Không phải tự nhiên mà công chúng nổi giận với lời lẽ, ý tứ của "Đất nước ở trong tim" và việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam thi nhau "khen" bài thơ này. Cho dù tờ Thanh Niên đã "tự ý đục bỏ" bài giới thiệu "Đất nước ở trong tim" (6). Các tờ báo khác (7), kể cả trang thông tin điện tử của chính phủ cũng đã lẳng lặng "đục bỏ" tin, bài giới thiệu việc Văn phòng Chính phủ thay mặt Thủ tướng phát hành công văn khen cô Thanh và bài thơ (8) nhưng chẳng lẽ cứ phải chấp nhận – nhìn ngắm mãi diện mạo "dân chủ xã hội chủ nghĩa" theo kiểu nói thật thì bị vạ còn ngoa ngôn thì được khen theo kiểu tính bằng lũy thừa ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/02/2020
Chú thích
(2) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=171667
(5) https://vtc.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/xuat-tiep-6-xe-khau-trang-y-te-sang-trung-quoc-ar528905.html
(6) https://thanhnien.vn/tin-tuc/bai-tho-dat-nuoc-o-trong-tim.html
Nếu các văn kiện đang được soạn thảo (Dự thảo Báo cáo Chính trị, Dự thảo Báo cáo mười năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội, Dự thảo Báo cáo xây dựng đảng và thi hành Điều lệ đảng) để trình Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam (dự trù sẽ được tổ chức vào năm tới) có vai trò như… văn bia thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - người khẳng định như vừa nêu (1) - đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 3/2/2010. Photo VTV.
Nếu việc soạn thảo các văn kiện cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam (Đại hội 13) quan trọng như soạn - lập… "văn bia", tại sao ông Trọng và Bộ Chính trị lại nhất trí chọn ông Hoàng Trung Hải – người vừa bị Bộ Chính trị "cảnh cáo" vì "có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện ‘Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên’ (Dự án TISCO II)" (2) làm Phó Ban đặc trách Tiểu ban Văn kiện cho Đại hội 13 (3) ?
Đời sau chắc chắn sẽ hoang mang không biết nên xếp ông Trọng và đảng của ông vào loại nào khi nghiên cứu về các… văn bia! Loại nào mới chọn "cảnh cáo", cách chức Bí thư Thành ủy Hà Nội làm hình thức xử lý một người như ông Hải (thiếu trách nhiệm, không xem xét cẩn thận các khuyến cáo, chỉ đạo thiếu rõ ràng, chặt chẽ cả trong thực hiện hợp đồng lẫn thanh toán cho nhà thầu khiến chi phí cho "Dự án TISCO 2" tăng từ 3.800 tỉ lên… 8.100 tỉ rồi "đắp chiếu"), rồi giao chỉ đạo việc soạn – lập… văn bia ?
***
Ví von - văn kiện soạn cho Đại hội 13 giống như… văn bia, được ông Trọng nêu lên đúng vào thời điểm Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Dựa vào Kết luận Điều tra của Bộ Công an, báo chí Việt Nam cho biết, ông Thăng bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm một lần nữa vì đã chỉ đạo thuộc cấp giao Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol ở tỉnh Phú Thọ cho một liên doanh không đủ năng lực, kinh nghiệm, thực hiện. Tuy dự án này đã ngốn 1.467 tỉ của công quỹ nhưng công trình xây dựng Nhà máy sản xuất Ethanol ở tỉnh Phú Thọ vẫn vừa "đắp chiếu", vừa trả lãi (4).
Đây là lần thứ ba ông Thăng bị truy tố. Hai lần trước, ông đã bị hệ thống Tòa án xác định có hai lần phạm tội "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong vụ "cố ý làm trái" khi quyết định đầu tư vào Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng bị buộc bồi thường 30 tỉ, bị phạt 13 năm tù (5). Còn trong vụ "cố ý làm trái" khi chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ông Thăng bị buộc bồi thường 600 tỉ, bị phạt 18 năm tù (6).
Tổng hợp hình phạt từ hai bản án "cố ý làm trái" mà các Tòa án từng tuyên trước đó, ông Thăng bị phạt 31 năm tù. Tuy nhiên cho dù hình phạt tối đa đối với tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" mà ông Thăng mới bị đề nghị truy tố là 20 năm tù và ông Thăng bị Tòa án phạt ở mức cao nhất theo Điều 224 của luật hình sự, ông cũng sẽ chỉ ở tù 30 năm vì luật hình sự Việt Nam xác định, hình phạt tù có thời hạn không được vượt quá mức 30 năm.
***
Ông Trọng là người khởi xướng công cuộc "chỉnh đốn đảng", ông cũng là người liên tục lặp đi, lặp lại về việc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như một cách "nêu gương". Thậm chí cuối năm vừa qua, khi tham dự hội nghị trực tuyến giữa chính phủ với lãnh đạo các địa phương để thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2020, ông còn chỉ đạo, một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của năm nay là : Đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài". Ông Trọng cũng là người bảo vệ nhiệt thành việc "quy hoạch nhân sự" cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, chủ động lựa chọn – sắp đặt các cá nhân vào vị trí lãnh đạo tất cả các ngành, ở tất cả các cấp.
Cách nay năm năm (2015), trước thềm Đại hội đảng 12 (2016 – 2020), dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 11 phát hành một thông cáo, khẳng định, kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành trung ương những người có một trong các khuyết điểm như : Xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải. Mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. Để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị. Bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm. Có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc. Lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính (8)...
Cuối năm ngoái, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, loan báo : Từ đầu nhiệm kỳ của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 đến hết năm 2019, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Ban chấp hành trung ương đảng quản lý, trong đó có hai Ủy viên Bộ Chính trị, 19 Ủy viên hoặc cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (9).
Chẳng lẽ Tổng bí thư – người đứng đầu - không phải chịu trách nhiệm về "sai phạm nghiêm trọng" của hàng trăm cá nhân được "qui hoạch làm nhân sự chủ chốt" vốn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban chấp hành trung ương đảng ? Các sai phạm khiến ông Đinh La Thăng liên tục bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ông Hoàng Trung Hải bị đảng "cảnh cáo" đều xảy ra trước khi cả hai được lựa chọn – sắp đặt làm Ủy viên Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12, lẽ nào ông Trọng – người đứng đầu – cũng vô can ?
Nếu ông Trọng hoàn toàn vô can trước vô số sai phạm về lựa chọn – sắp đặt nhân sự do chính ông tổ chức giám sát, chỉ đạo, khiến công quỹ mất hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác, nếu ông vừa thề, kiên quyết không để lọt những cán bộ kém phẩm chất, yếu năng lực và uy tín thấp vào cấp ủy các cấp, vừa kiên quyết phớt lờ trách nhiệm từ họa nhân sự và vẫn kiên quyết giành giữ quyền định đoạt cả về nhân sự lãnh đạo đảng lẫn nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thì nên hiểu thế nào về "nêu gương", về đòi hỏi người đứng đầu theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu đúng vai, thuộc bài ?
Thật ra, các văn kiện được soạn cho Đại hội đảng 13 vẫn có thể là… văn bia. Trước giờ, ngoài ghi công để tưởng nhớ, bia còn được dùng để hài tội cho hậu thế luận bàn!
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/02/2020
Chú thích :
(6) https://vnexpress.net/phap-luat/ong-dinh-la-thang-phai-boi-thuong-600-ty-dong-3729411.html
(9) http://danviet.vn/tin-tuc/da-co-2-uy-vien-bo-chinh-tri-22-sy-quan-cap-tuong-bi-ky-luat-1050297.html
Thanh tra của chính phủ vừa giới thiệu thêm về diện mạo của một nghị định mà cơ quan này đang ráo riết soạn thảo nhằm gia tăng khả năng "kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị". Theo Thanh tra của chính phủ, sau khi thu thập góp ý, họ sẽ chỉnh lý để trình Thủ tướng ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Phòng – chống tham nhũng mới (1).
Khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, tỉnh Yên Bái - Ảnh : NAM TRẦN
Đến giờ, Luật Phòng – chống tham nhũng mới đã hết… mới. Tuy được Quốc hội bỏ phiếu thông qua từ tháng 11 năm 2018 nhưng nay vẫn còn để đó vì thiếu nghị định… hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên xét cho đến cùng, phòng – chống tham những mà các đạo luật mới, nghị định mới vẫn bảo vệ những viên chức giàu có "nứt đố, đổ vách" thì soạn thảo - quảng bá các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập chẳng khác gì… tấu hài ?
***
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ gợi ý và giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" theo tinh thần Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất minh : Những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản đều bị xem là phạm tội "làm giàu bất chính", sẽ bị điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự (2).
Tuy nhiên Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015 vào năm 2017. Đó cũng là lý do những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, kể cả những viên chức là lãnh đạo các cơ quan đảm trách vai trò tiên phong trong công cuộc phòng – chống tham nhũng như ông Ngô Văn Khánh (Phó Tổng Thanh tra của chính phủ) vẫn vô sự nếu… "kê khai trung thực" !
Năm 2014, sau khi tờ khai tài sản của ông Khánh bị "kẻ xấu" tiết lộ (sở hữu hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh, 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện, chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB) (3), các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ truy tìm… "kẻ xấu". Vì giàu có bất minh không phải là chuyện cần xem xét, ông Khánh tiếp tục lãnh đạo lực lượng chống tham nhũng cho đến lúc nghỉ hưu (2018).
Sau khi sửa Luật Hình sự, Việt Nam tiếp tục sửa Luật Phòng – chống tham nhũng. Bộ phận soạn thảo Luật Phòng – chống tham nhũng mới, tiếp tục đưa ra một số giải pháp để giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, hoặc giao cho Tòa án quyết định, hoặc tịch thu sung công, hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị,…) nhưng không có giải pháp nào được chấp nhận.
Tháng 9 năm 2018, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam - một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, than rằng, bộ phận soạn thảo luật mới đã đề ra sáu giải pháp để xử lý những tài sản, thu nhập mà các viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc. Tuy bốn đã bị gạt bỏ chỉ còn hai nhưng cả hai vẫn "không đáp ứng yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" (4) !
Ngày 20 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (5). Trong ba năm được Quốc hội nâng lên đặt xuống rồi xin ý kiến Bộ Chính trị, cả sáu giải pháp mà nhóm soạn thảo đề nghị để xử lý những viên chức giàu có bất minh lần lượt được vứt hết vào sọt rác !
***
Tham nhũng không phải là vấn nạn mới và không chỉ là vấn nạn của riêng Việt Nam. Cũng vì vậy, ngăn ngừa – tiêu diệt tham nhũng là một trong những nỗ lực có tính chất toàn cầu nên mới có UNCAC. Nhìn một cách tổng quát, UNCAC giống như đại lộ để thiên hạ hợp lực ngăn ngừa – diệt trừ tham nhũng nhưng "đảng ta" không ưng chuyện đồng hành với thiên hạ trên đại lộ này. "Đảng ta" thích dùng lối riêng và dẫn dắt công cuộc phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam đi theo lối riêng vốn rất… nhỏ ấy !
Cuối năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một ước đoán, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỉ (6). Do vậy, sau khi Việt Nam từ chối hình sự hóa "làm giàu bất chính", người ta hy vọng khi sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, Việt Nam sẽ đặt định giải pháp để xử lý những viên chức giàu có bất minh nhưng cuối cùng, Quốc hội rồi Bộ Chính trị dứt khoát lắc đầu.
Đã cam kết không đặt ra "vùng cấm", không chấp nhận "ngoại lệ" trong phòng - chống tham nhũng thì tại sao lại từ chối công bố tờ khai tài sản của những viên chức nằm trong diện phải kê khai tài sản giống như trước nay thiên hạ vẫn làm ? Ngay cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước vốn vẫn được ca ngợi như tướng tiên phong phòng – chống tham nhũng cũng liên tục biện bác việc công bố các tờ khai tài sản này là "khó" vì "nhạy cảm" (6) thì làm sao "đảng ta" có thể… "tự chỉnh đốn" ?
Đã không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào cả về hình sự lẫn dân sự để xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, khăng khăng đòi xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải "không gây xáo trộn, không tác động tới ai" thì sửa luật, soạn nghị định làm gì cho tốn tiền, mất thời gian ?
***
Năm 2016, Bản Kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng bị tiết lộ, dư luận rúng động khi biết ông là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý...
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông giàu mà chỉ khăng khăng đòi truy tìm "kẻ xấu" đã hãm hại ông. Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng cũng vậy, không ai bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ "bị lọt ra ngoài" (7). Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng tư duy – hành xử hệt như thế, thành ra đến giờ, ông Thơ vẫn là Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
Nếu không ưa đại lộ, chủ động đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT trong tuyển dụng - bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát, hợp tác đa quốc gia để cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu (8),... chỉ quyết tâm theo… lối nhỏ, khuyến khích "công bộc" giúp vui cho công chúng bằng những giải thích kiểu như, khối tài sản khổng lồ mà họ thủ đắc là nhờ "thừa kế", nhờ "làm vườn đến thối móng tay", nhờ "chạy xe ôm", nhờ "bện chổi đót",… thì nên thôi soạn – giới thiệu các dự luật, nghị định nhằm biểu diễn quyết tâm phòng – chống tham nhũng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.nguoiduatin.vn/sap-toi-cong-chuc-nao-phai-ke-khai-tai-san-thu-nhap-hang-nam-a465387.html
(2) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Thành ngữ "có kiêng, có lành" của cổ nhân không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt là trong cách hành xử của "ta" đối với Trung Quốc…
Thêm một ngày 17 tháng 2 nữa trôi qua trong lặng lẽ. Đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" tiếp tục làm ngơ, không đả động gì đến sự kiện Trung Quốc tấn công Việt Nam cách nay 41 năm (17/2/1979 – 17/2/2020)
***
Thêm một ngày 17 tháng 2 nữa trôi qua trong lặng lẽ. Đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" tiếp tục làm ngơ, không đả động gì đến sự kiện Trung Quốc tấn công Việt Nam cách nay 41 năm (17/2/1979 – 17/2/2020), tước đoạt mạng sống của hàng trăm ngàn người Việt trong cuộc chiến kéo dài suốt mười năm (1979 – 1989).
Giống như nhiều năm, người Việt tự tổ chức tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc ấy bằng cách đến thăm những nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương, đặt hoa và viết – chia sẻ thông tin, ý kiến trên mạng xã hội. Giống như nhiều năm, chỉ có những cơ quan truyền thông được "ta" xếp loại hai, loại ba tham gia "ôn cố tri tân". Những cơ quan truyền thông loại một – "tiếng nói chính thức" của đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" – như Nhân Dân, tiếp tục xem ngày 17 tháng 2 không phải là chuyện của mình, kể cả những cơ quan truyền thông vẫn được xem là "xung kích" như Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân Dân,…
Ở "ta" Trung Quốc vẫn là chủ đề cấm kị mà đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" kiêng như quần thần, con cháu kiêng… húy của thiên tử, tổ tiên !
Vì tự thấy phải kiêng mà "ta" lờ đi sự hy sinh của những anh hùng vệ quốc, tự ý đục bỏ khỏi sách giáo khoa, các bộ sử, không dạy, không cho hát, không cho diễn… tất cả những gì có thể ảnh hưởng không hay đến nhận thức về Trung Quốc. Từ thập niên 1990, sau khi Trung Quốc phàn nàn vì hệ thống truyền thông của "ta" chưa "thuần", "ta" cấm các cơ quan truyền thông đưa tin, dẫn những phát biểu chỉ trích về hàng gian, hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc, thành ra chỉ ở xứ ta mới có chuyện, phàm đã là Trung Quốc thì dứt khoát phải là "16 chữ vàng", phải là "tinh thần bốn tốt", không phải "vàng", không "tốt", không thể lờ đi thì phải dùng từ… "lạ" !
***
Thời thế đổi thay, "16 chữ vàng" và "tinh thần bốn tốt" không còn hợp cảnh nhưng "ta" vẫn kiên định với chủ trương "kiêng" cho… lành !
Cũng tại vậy nên khi thiên hạ thi nhau đóng cửa biên giới tiếp giáp Trung Quốc, hạn chế nhập cảnh đối với những cá nhân đến từ Trung Quốc để ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra, lan sang xứ của họ, "ta" – tuy ở sát nách nhưng vẫn làm thinh. Trung Quốc muốn tự đóng, tự chặn thì cứ đóng, cứ chặn (1) chứ "ta" không chủ động làm chuyện tuy nhiều người thấy là cần nhưng chắc chắn sẽ bị Trung Quốc xem là thiếu… thành ý đó.
Dân "ta" vốn… non nớt về nhận thức nên nhìn không ra, chính nhờ vậy mà "ta" không bị Trung Quốc chửi như đã chửi tất cả những quốc gia đóng cửa biên giới, hạn chế hay cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh để phòng ngừa Covid – 19 lây lan là…tàn bạo như đóng cửa biên giới đối với người Do Thái chạy trốn phát xít Đức vào thập niên 1930 (2).
Dân "ta" không thấy, ngay cả Mỹ cũng bị Trung Quốc cáo buộc là "gieo rắc sợ hãi" nên Trung Quốc liên tục khai… trí cho Mỹ rằng, "cấm hay hạn chế công dân Trung Quốc nhập cảnh không phải là sự giúp đỡ bền vững trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát". Thậm chí khi Covid-19 đã xuất hiện ở tất cả các lục địa trên toàn cầu, kể cả Châu Phi, Úc chỉ thực hiện cách ly trong vòng hai tuần bất kỳ ai từ Trung Quốc đến Úc mà cũng bị Trung Quốc chửi vỗ vào mặt (3).
Tất nhiên đã không thấy sự "tài tình, sáng suốt" của "ta" khi không đóng cửa biên giới, không hạn chế nhập cảnh, dân "ta" làm sao hiểu được tại sao "ta" không cấm thu gom, xuất cảng khẩu trang sang Trung Quốc (4), cho dù ngay cả các bệnh viện lớn và đội ngũ nhân viên y tế của ta đang thiếu khẩu trang hợp cách để tự phòng dịch, tự bảo vệ khi chiến đấu với dịch nếu dịch bùng phát, thành ra phải tính đến chuyện tự tổ chức may khẩu trang (5) và chuẩn bị khẩu trang bằng vải kháng khuẩn (6).
Nhìn Đài Loan đi ! Lệnh cấm xuất cảng khẩu trang và gần đây còn dám vuốt râu hùm thêm một lần nữa - gia hạn hiệu lực thực thi lệnh này cho đến cuối tháng 4 năm nay (7) bị Trung Quốc chửi ra sao ? Làm sao có thể để lãnh đạo đảng "ta", quốc hội "ta", nhà nước "ta", chính phủ "ta" bị Trung Quốc – người bạn lớn xã hội chủ nghĩa, luôn luôn hứa hẹn gíup "ta" xây dựng chủ nghĩa xã hội - vạch mặt, chỉ tên chửi là "nhận thức bệnh hoạn" (8) như bà Thái Anh Văn được ?
***
Chẳng phải cổ nhân từng bảo "có kiêng, có lành" đó sao ? Rõ ràng "ta" cần "ổn định chính trị", cho nên phải "kiêng" Trung Quốc. Dẫu "kiêng" Trung Quốc có thể khiến "nội thương" mãi mãi không lành nhưng đó là "chuyện nội bộ", "ta" có thể "đóng cửa" để "giáo dục đồng chí, đồng bào" theo cách của "ta".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/02/2020
Chú thích :
(6) https://tuoitre.vn/tp-hcm-chuan-bi-nguon-khau-trang-vai-20200212101807843.htm
(7) https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3875745
(8) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
Đã tròn một tháng kể từ khi công an Việt Nam tổ chức đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Hệ thống bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã khởi tố, tạm giam 26 người được xác định là bị can trong vụ án "giết người, tàng trữ - sử dụng trái phép vũ khí và chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành vào lúc rạng sáng 9 tháng 1.
Ông Lê Đình Kình và cháu nội. Photo Đong Tam TV.
Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và các qui định pháp luật hiện hành, còn một vụ án khác chưa được khởi tố để điều tra – xác định xem có ai phạm tội hay không khi ông Lê Đình Kình, 84 tuổi thiệt mạng và phạm những tội gì.
***
Điều 19 của Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) Việt Nam minh định : Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (1).
Để bảo đảm yếu tố đã được Hiến định này, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt định hàng loạt qui định không chỉ trong Luật Tố tụng hình sự (bộ luật qui định về cách thức thực thi những biện pháp liên quan đến việc xử lý công dân bằng biện pháp hình sự) mà theo đó, tước đoạt sinh mạng một công dân phải được nhiều ngành (công an, kiểm sát, tòa án), nhiều cấp (kể cả Chủ tịch Nhà nước) xem xét một cách cẩn trọng, thậm chí xét đi, xét lại nhiều lần trong một vài thập niên.
Bởi "mọi người có quyền sống, tính mạng con người được pháp luật bảo hộ" và các cơ quan bảo vệ - thi hành pháp luật có thể xâm hại quyền này nên năm 2013, chính phủ Việt Nam ban hành một Nghị định – Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ (Nghị định 208/2013). Bởi quyền sống và các quyền căn bản khác của con người là tối thượng kể cả khi người đó chống người thi hành công vụ, Nghị định 208/2013 nhấn mạnh một số nguyên tắc :
- Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cụ thể : Lấy phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Thận trọng, linh hoạt trong ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra (Điều 4).
- Người thi hành công vụ bị cấm : Vi phạm trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Tham nhũng, hách dịch, ứng xử không đúng mực trong khi thi hành công vụ. Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Vi phạm các quy định về nổ súng hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người khác và hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong khi thi hành công vụ… (Khoản 1, Điều 5).
- Người có quyền ra lệnh thực thi công vụ thì bị cấm : Giao nhiệm vụ trái thẩm quyền. Đưa ra yêu cầu trái quy định của pháp luật. Không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh vi phạm của người thi hành công vụ(Khoản 2, Điều 5).
Theo Khoản 5, Điều 14, những người thi hành công vụchỉ sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng trong trường hợp cấp bách, hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí tấn công người thi hành công vụ. Nổ súng trong khi thi hành công vụ phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định pháp luật khác có liên quan.
***
Năm 2017, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợđược thay thế bằng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ(3). Việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ theo Nghị định 208/2013 phải tuân thủ qui định của luật này. Theo đó, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường (Khoản 5, Điều 4).
Khoản 2, Điều 22 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợnhấn mạnh : Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.
Song Khoản 2, Điều 22 cấm dùng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp họ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công, chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác.
***
Không phải tự nhiên mà Bộ Công an loan báo cụ Kình chết nhưng tay vẫn còn nắm chặt một trái lựu đạn. Trái lựu đạn này đã được tổ chức trưng bày cùng các "tang vật" khác và rõ ràng nó đã bị rút chốt, cần bẩy có thể bật ra bất kỳ lúc nào… (4) Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và một số qui định pháp luật như đã dẫn, rõ ràng không thể nào bỏ qua, không khởi tố vụ án để điều tra về việc "tiêu diệt" cụ Kình để xác định hành vi này có đúng với các qui định pháp luật hay không ?
Có nhiều câu hỏi mà không khởi tố vụ án, không thể có câu trả lời chính xác, làm diện mạo của công lý méo mó và công chúng bất phục, phẫn nộ. Một người tàn tật đã 84 tuổi có thểtấn công, chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ hoặc người khác đến mức cần "tiêu diệt" ngay tại chỗ hay không ? Không khởi tố vụ án làm sao có thể xác định câu trả lời về các dấu vết trên thi thể cụ Kình (khớp gối bị trật, các vết đạn ở tim và đầu). Ai đánh trật khớp gối, ai hoặc những ai bắn vào tim và đầu cụ Kình ?
Khớp gối của cụ Kình bị đánh trật trước rồi những cá nhân thi hành công vụ mới bắn vào tim, vào đầu hay ngược lại ? Không khởi tố vụ án, không điều tra, không thể xác định cả về mức độ tôn trọng luật pháp của những người có liên quan trong khi thi hành công vụ (trong mọi trường hợp, người sử dụng vũ khí quân dụng phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra - Điểm d, Khoản 2, Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ) lẫn nhân tính của họ.
Khởi tố để điều tra về việc "tiêu diệt" cụ Kình cũng là dịp trưng cầu giám định, xác định mức độ hợp lý của câu chuyện mà Bộ Công an kể : Một người có thể nắm chặt trái lựu đạn đã bị rút chốt, giữ cho nó không vuột khỏi tay nên không phát nổ khi nhận cùng lúc nhiều lực tác động rất mạnh đến nhiều phần khác nhau trên cơ thể (chân, tim, đầu) ? Nếu không những ai phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm sát, về ngụy tạo chứng cứ, câu chuyện, tìm đủ mọi cách bao che cho việc vi phạm các qui định pháp luật hiện hành ?
***
Nếu dùng Google với các từ khóa "police + administrative leave + shooting" có thể tìm thấy hàng chục ngàn trang web giải thích tại sao các quốc gia văn minh, thượng tôn luật pháp, đặt tất cả cảnh sát đã dùng súng bắn ai đó vào tình trạng "administrative leave" (tạm ngưng công tác) (5), kể cả khi có đầy đủ nhân chứng, bằng chứng cho thấy việc nổ súng là cần thiết và chính đáng. "Tạm ngưng công tác" đối với một cảnh sát do đã nổ súng bắn người là điều có tính đương nhiên để tổ chức điều tra, xác định đúng - sai.
"Tạm ngưng công tác"dành thời gian cho cảnh sát đã nổ súng bắn người viết báo cáo, trả lời thẩm vấn. Các Điều tra viên được ủy nhiệm điều tra dễ dàng hơn trong thu thập lời khai, bằng chứng của tất cả những cá nhân có liên quan, đánh giá và kết luận xem việc bắn người có vi phạm pháp luật hay không (?). "Tạm ngưng công tác" những cảnh sát đã nổ súng bắn người còn nhằm chứng minh với công chúng, quyền được sống vốn đã được Hiến pháp minh định là bất khả xâm phạm luôn được thượng tôn (6).
Ngoài ra, "tạm ngưng công tác" còn là cách giúp những cảnh sát đã nổ súng bắn người có khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết để hồi phục tâm lý, vì dù cần thiết và chính đáng, tước đoạt sinh mạng của một con người vẫn có thể gây ra chấn thương tâm lý.
"Tạm ngưng công tác" để tiến hành điều tra những cảnh sát đã bắn người, kể cả khi có đầy đủ bằng chứng, nhân chứng cho thấy nổ súng là cần thiết và chính đáng chính là hình thức nhắc nhở toàn bộ cảnh sát phải thận trọng, cân nhắc khi bắn ai đó.
Trong vài năm gần đây, trên mạng xã hội Việt ngữ, một số người thường sử dụng chuyện cảnh sát Âu – Mỹ nặng tay trong ngăn chặn tội phạm để biện minh cho cách hành xử của công an Việt Nam. So sánh này là một lối ngụy biện thô thiển vì cả công an Việt Nam lẫn hệ thống công quyền Việt Nam đều từ chối thực thi nghĩa vụ giải trình như cảnh sát Âu – Mỹ và tổ chức điều tra, minh bạch kết quả thẩm xét những tố giác, phàn nàn về lực lượng thi hành công vụ như hệ thống công quyền ở Âu – Mỹ.
***
Khởi tố để điều tra việc "tiêu diệt" cụ Kình không đơn thuần là đáp ứng mong muốn của nhiều người thuộc nhiều giới (7) mà sẽ là bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" hay không ? Liệu dân chủ xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cótạo ra một xã hội thật sự văn minh, tất cả các công dân đều bình đẳng, hay Hiến pháp và pháp luật chỉ là công cụ để lừa gạt thiên hạ trong đối ngoại và thống trị công dân trong đối nội ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/02/2020
Chú thích :
(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Administrative_leave
(6) https://www.quora.com/Why-do-police-officers-go-on-administrative-leave-after-shooting-someone
Tuần trước, Airbus cam kết sẽ trả 3,9 tỉ Mỹ kim tiền phạt cho Anh, Pháp và Mỹ để đóng hồ sơ vụ đưa hối lộ nhằm được chọn làm nhà thầu cung cấp phi cơ của Airbus cho 20 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn từ 2008 đến 2015 (1). Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cùng ngậm tăm trước thông tin trong 20 quốc gia ấy có Việt Nam. Airbus nhờ "môi giới" để bán cho Việt Nam ba vận tải cơ quân sự loại C-295 trong giai đoạn từ 2009 đến 2014.
Ngày 26/07/2018, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện, chiến đấu cơ loại Su-22U, mang số hiệu 8551 của Không quân nhân dân Việt Nam đột nhiên rớt xuống khu vực thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Hình minh họa
Tuy liên tục khẳng định công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam không có… vùng cấm, không có… ngoại lệ nhưng rõ ràng, nếu không có áp lực từ dư luận trong nước, hoặc từ các chính phủ bên ngoài Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam sẽ ngậm tăm, bất kể tham nhũng trong mua sắm trang, thiết bị quân sự đe dọa nghiêm trọng khả năng bảo vệ an ninh quốc gia, năng lực quốc phòng.
Những thông tin kiểu như vừa kể không hiếm. Năm 2017, dựa trên các nguồn khả tín từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Shephard Media – một cơ quan chuyên thu thập các thông tin liên quan đến tình báo và quốc phòng của Anh, từng loan báo, sở dĩ các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và Việt Nam thất bại vì các viên chức hữu trách trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam đòi "lại quả" 25% tổng giá trị hợp đồng. Bởi luật pháp Mỹ cấm "lại quả" nên các đối tác phía Mỹ phải từ chối đáp ứng (2).
***
Cho đến giờ, đối tác chính của Việt Nam trong các thương vụ mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn là Nga. Cách nay vài năm, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) của Thụy Điển, công bố một thống kê, theo đó, Việt Nam là một trong mười quốc gia chi nhiều tiền nhất để mua sắm vũ khí, phương tiên quốc phòng. SIPRI ước tính, riêng giai đoạn từ 2012-2016, Việt Nam đã chi khoảng năm tỉ Mỹ kim để mua vũ khí, phương tiện quốc phòng (3).
Việt Nam có thông lệ trong "lại quả" khi mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng hay không ? Nếu có và tỉ lệ "lại quả" thường là 25% như Shephard Media từng tiết lộ, 25% của năm tỉ Mỹ kim đã chi từ 2012 đến 2016 vào túi những ai ? Bao giờ thì Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ phối hợp với các chính phủ có liên quan để tổ chức điều tra ? Bao giờ thì hệ thống truyền thông chính thức được bật đèn xanh để… "đấu tranh" ?
***
Ngày 26 tháng 7 năm 2018, khi đang thực hiện một phi vụ huấn luyện, chiến đấu cơ loại Su-22U, mang số hiệu 8551 của Không quân nhân dân Việt Nam đột nhiên rớt xuống khu vực thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Vào thời điểm đó, một số nguồn thạo tin ngay tại Việt Nam, cho biết, chiến đấu cơ lâm nạn nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine "nâng cấp", chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các phi vụ trên đất liền, "nâng cấp" nhằm thực hiện các phi vụ trên biển (4). Theo tờ Sputnik của Nga, các công ty ở Ukraine tham gia "nâng cấp" lô Su-22U cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện công việc "nâng cấp" (5). Tuy nhiên cả Quân chủng Phòng không Không quân lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng làm thinh. Từ đó đến nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hành xử theo kiểu "tam không" (không thấy, không nghe, không nói).
Ở đâu thì tiền chi cho mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng cũng là tiền thuế. Do đó, thiên hạ luôn luôn tổ chức đấu thầu công khai, luôn luôn bạch hóa kết quả, giải thích tại sao lại chọn nhà thầu này mà bỏ nhà thầu kia. Việt Nam thì khác. Mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ cả an ninh lẫn quốc phòng luôn được xem là "bí mật quốc gia", bất kể những thương vụ loại này chẳng giấu được ai ở bên ngoài Việt Nam. Tác dụng duy nhất của tấm áo khoác "bí mật quốc gia" là không phải giải trình và không bị điều tra.
Không phải tự nhiên mà tại một kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị Quốc hội kiểm soát việc mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh như chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm… Theo ông Bình, dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là "nhạy cảm" nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích, thậm chí Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an. Ông Lê Việt Trường, lúc ấy đang giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam, cũng nghĩ như vậy. Ông Trường đề nghị phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (5)…
Ông Bình, ông Trường không phải loại… xoàng. Trước khi đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông Trường có tám năm làm việc liên tục tại Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam với tư cách Ủy viên thường trực rồi Phó Chủ nhiệm của ủy ban này. Những đề nghị như vừa kể của họ chắc chắn không phải cho… vui. Đó là những khuyến cáo nghiêm túc nhưng mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn là… "bí mật quốc gia".
Khoảng nửa năm sau, tháng 6 năm 2014, Hải quan Phần Lan tìm thấy một container bên trong chất đầy thiết bị phóng hỏa tiễn được vận chuyển từ Việt Nam tới Hồng Kông, sau đó được đưa từ Hồng Kông đến Phần Lan… Theo thẩm định của Bộ Quốc phòng Phần Lan thì những thiết bị đó là đầu dẫn của Vympel R 73E – một loại hỏa tiễn tầm ngắn thường được gắn trên các chiến đấu cơ Su-27, Su-30 của Nga... Việt Nam ngậm tăm suốt một tháng. Chỉ đến khi sự kiện vừa kể trở thành tin chính trên hệ thống truyền thông quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới xác nhận, container bị Phần Lan tạm giữ là của Việt Nam, các đầu dẫn hỏa tiễn được Việt Nam gửi sang Ukraine để "bảo dưỡng" (7)...
Tuy Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc gửi "bảo dưỡng" là "bình thường", "đúng luật pháp, thông lệ quốc tế" nhưng Phần Lan không chấp nhận. Phần Lan cho biết sẽ điều tra thêm ít nhất sáu tháng và có thể sẽ tịch thu các đầu dẫn hỏa tiễn do vi phạm luật pháp của Phần Lan về xuất cảng "vật liệu quốc phòng". Về nguyên tắc, vận chuyển các "vật liệu quốc phòng" qua lãnh thổ Phần Lan phải được Bộ Quốc phòng Phần Lan cho phép. Container chứa các đầu dẫn hỏa tiễn có xuất xứ từ Việt Nam đã không thông báo và không xin phép Bộ Quốc phòng Phần Lan.
Ai cũng biết đầu dẫn hỏa tiễn là loại hàng hóa không… bình thường. Tại sao lại gửi hàng hóa không… bình thường theo kiểu "bình thường", không khai báo cho "đúng luật pháp, thông lệ quốc tế" để gặp đủ thứ rắc rối ? Việt Nam đã và đang mua nhiều thứ phương tiện – thiết bị quốc phòng của Nga, quan hệ giữa hai bên rất khắng khít, tại sao không gửi các đầu dẫn hỏa tiễn do Nga sản xuất cho Nga "bảo dưỡng" mà lại gửi cho Ukraine ? Phía sau những lựa chọn và cách làm khác thường ấy là những gì ? Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà ngay cả chính quyền Việt Nam cũng xếp chuyện này vào loại công chúng Việt Nam không có quyền biết vì đó là… "bí mật quốc gia" !
***
Đến giờ "bí mật quốc gia" vẫn phủ kín các thương vụ mua sắm vũ khí, phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng cho dù có rất nhiều dấu hiệu cho thấy những thương vụ này hết sức đáng ngờ vì tạo điều kiện cho nhiều cá nhân nhân danh "an ninh, quốc phòng" biển thủ công quỹ, phung phí nội lực quốc gia và gây nguy hại cho hoạt động duy trì trật tự, trị an, cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, năng lực quốc phòng. Chẳng riêng Bộ Quốc phòng mà Bộ Công an cũng đang khai thác "bí mật quốc gia" để mua sắm thiếu minh bạch.
Tháng 10 năm ngoái, Bộ Công an công bố dự tính thay Pháp lệnh Cảnh sát cơ động bằng Luật Cảnh sát cơ động để phù hợp với tình hình mới (8). Vào thời điểm đó, Bộ Công an chỉ mới trình được "Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong Dự luật Cảnh sát cơ động". Tháng sau (11 năm 2019), Bộ Công an cho biết thêm, sẽ đưa vào Dự luật Cảnh sát cơ động đề nghị thành lập một Trung đoàn Không quân (truy đuổi tội phạm) và Trung đoàn Kỵ binh (thực hiện nghi lễ) và giao cho lực lượng Cảnh sát cơ động điều hành (9).
Đáng ngạc nhiên là Bộ Công an chỉ mới soạn - trình được "Dự thảo Báo cáo" về tác động đối với chính sách nếu Luật Cảnh sát cơ động được soạn thảo và thông qua theo hướng Bộ Công an mong muốn, "Báo cáo chính thức" – giải trình về lý do bỏ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, thay bằng Luật Cảnh sát cơ động chưa có vì đang trong giai đoạn thu thập góp ý trước khi soạn – công bố Dự luật Cảnh sát cơ động thì hạ tuần tháng 1, Bộ Công an mời Thủ tướng Việt Nam đến thăm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, thăm 105 con ngựa mà Bộ Công an vừa mua của Mông Cổ (10).
Nói cách khác, chưa biết đến bao giờ Quốc hội mới được thấy diện mạo của Dự luật Cảnh sát cơ động, dẫu chính phủ chưa có bất kỳ ý kiến chính thức nào về đề nghị thành lập Trung đoàn Không quân, Trung đoàn Kỵ binh thuộc Cảnh sát cơ động thì Bộ Công an đã sắm xong… ngựa cho Trung đoàn Kỵ binh cho Cảnh sát cơ động ! Thời gian từ lúc Bộ Công an loan báo ý tưởng thành lập Trung đoàn Kỵ binh cho Cảnh sát cơ động cho đến khi quyết định chọn mua ngựa của Mông Cổ, thương lượng, trả tiền, mang 105 con ngựa về Việt Nam để mời Thủ tướng Việt Nam tới thăm chỉ diễn ra trong vòng hai tháng ! Không có ai, kể cả Thủ tướng dám thắc mắc khi Bộ Công an thản nhiên đặt cả chính phủ lẫn Quốc hội trước chuyện đã rồi !
Chính phủ, sau đó là Quốc hội có ưng thuận việc thành lập một Trung đoàn Kỵ binh và giao cho lực lượng Cảnh sát cơ động điều hành hay không đã trở thành loại vấn đề hậu xét, Bộ Công an không bận tâm. Ai sẽ điều tra và trả lời tại sao lãnh đạo Bộ Công an hành xử ngang ngược như vậy ? Vì sao lại sắm ngựa Mông Cổ ? Tổng chi phí là bao nhiêu ? Có hợp lý hay không ?.. Chắc là không có ai vì trong trường hợp này, những con ngựa thấp bé dành cho các nghi lễ ấy thuộc phạm trù "bí mật quốc gia" do liên quan tới "an ninh, quốc phòng" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.bbc.com/vietnamese/world-51335491
(5) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html
(9) https://vnexpress.net/phap-luat/canh-sat-co-dong-se-co-trung-doan-khong-quan-ky-binh-4005896.html
(10) https://baosuckhoecongdong.vn/canh-sat-co-dong-ky-binh-cuoi-ngua-dieu-hanh-150236.html
Sự kiện vừa kể được nhiều người phản ánh trên mạng xã hội trong suốt ngày 28/1 (đột nhiên nhận được hàng loạt tin nhắn cho biết tiền trong tài khoản của họ ở VCB đã được thanh toán cho những giao dịch mà họ không hề hay biết).
Cho đến giờ, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) chỉ xác nhận sự kiện nhiều khách hàng mất trộm tiền trong tài khoản và vì vậy sẽ khóa những thẻ bị kẻ gian thao túng, đồng thời sẽ hoàn tiền cho các nạn nhân trong thời gian sớm nhất.
Đến cuối ngày 28/1, VCB mới lên tiếng như đã kể. VCB chỉ loan báo về việc phát hiện "một số giao dịch giả mạo" chứ không cho biết đã ngăn chặn được hay chưa ? Không ai biết đã có hoặc sẽ còn bao nhiêu người là nạn nhân (1) ?...
***
Tháng trước, một nhóm viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đến John F. Kennedy School (chuyên đào tạo về quản trị và chính sách công) thuộc Đại học Harvard tham dự Chương trình Lãnh đạo quản lý cao cấp (VELP) 2019. VELP là một kiểu bồi dưỡng kiến thức về quản trị vĩ mô trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Chủ đề của VELP 2019 – VELP lần thứ bảy - là "Đổi mới sáng tạo, Mở cửa và An ninh số" (2).
Một trong những người được Ban Tổ chức VELP 2019 mời nói chuyện với các viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam là ông Dương Ngọc Thái – chuyên gia nghiên cứu về an ninh, an toàn Internet của Google (3). Hồi đầu tháng này, ông Thái đã kể về buổi nói chuyện ấy trên trang blog của ông (4) với nhiều cảnh báo rất đáng lưu ý. Chẳng hạn, chỉ cần một hacker và hai tuần là có thể đánh sập… hệ thống ngân hàng Việt Nam !
Ông Thái cho biết, đầu năm 2017, một ngân hàng ở Việt Nam nhờ ông kiểm tra an ninh cho ứng dụng (app) Mobile Banking. Đó là lần đầu tiên ông được nhờ đánh giá một sản phẩm của Việt Nam. Sau hai tuần ông tìm được nhiều lỗ hổng nhưng nghiêm trọng hơn hết là ông có thể trộm tiền từ bất kỳ tài khoản nào. Dân trong nghề gọi một app Mobile Banking như vậy là… game over - không còn gì để mà hack nữa.
Chuyện chưa ngừng ở đó, sau đó ông Thái phát hiện ra một số ngân hàng thuộc hàng top của Việt Nam cũng có lỗ hổng tương tự vì sử dụng chung giải pháp Mobile Banking. Ông gợi ý : Thử nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó tự động chuyển tiền và khóa tài khoản của hàng triệu khách hàng của bốn, năm ngân hàng lớn nhất Việt Nam ? Chỉ trong ít phút, niềm tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng vốn đã dễ bị lung lay sẽ sụp đổ. Tôi không thể tưởng tượng được hậu quả đối với kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào.
Ông Thái nói thêm, những phát hiện của ông hoàn toàn không phải vì ông có tài năng nào đó đặc biệt mà bất kỳ bạn sinh viên… chán học nào cũng có thể tìm được những lỗ hổng này. Chỉ cần mất một thời gian huấn luyện. Ông bảo các viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam : Ngay cả quý vị, nếu muốn học, tôi nghĩ chỉ cần huấn luyện hai, ba năm.
Theo lời ông Thái, khi làm việc với các bên liên quan để sửa lỗi, ông nhận ra rằng, vấn đề không phải họ không quan tâm đến bảo mật, mà là họ không biết nên làm sao và không có người để làm. Dù rất muốn làm cho đúng, cho tốt, rất cầu thị và sẵn sàng đầu tư nhưng họ thường làm những việc không cần và không làm những việc cần.
Từ đó đến cuộc nói chuyện tại VELP 2019 đã ba năm nhưng ông Thái tâm tình rằng ông không thấy có nhiều hy vọng là tình hình đã tốt hơn. Những dữ kiện mà ông thu thập trong quá trình cho cuộc nói chuyện với các viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tại VELP 2019 cho thấy mọi chuyện dường như vẫn thế và đáng ngại hơn thế...
Đó là việc các chuyên gia về an ninh, an toàn Internet liên tục cảnh báo về những đợt tấn công có chủ đích vào mạng máy tính của hệ thống công quyền Việt Nam. Một trong những mục tiêu chính là hệ thống mạng máy tính của Bộ Tài nguyên và môi trường. Ông Thái đặt câu hỏi : Tại sao lại là Bộ Tài nguyên và môi trường ? Và ông trả lời luôn : Vì đó là nơi nắm giữ nhiều thông tin quan trọng (bản đồ, báo cáo, hành trình, lịch trình,… của hoạt động thăm dò dầu khí, khai thác hải sản cũng như các hoạt động tuần tra bảo vệ của Việt Nam trên Biển Đông). Khó có thể biết chắc chắn ai đứng phía sau những tấn công này nhưng rõ ràng họ rất muốn biết Việt Nam đang và sẽ làm gì ở Biển Đông.
Tuy nhiên cũng đã có vài nhóm chuyên gia như ThreatConnect, CrowdStrike công khai nhận diện Trung Quốc là thủ phạm. Trong các "Báo cáo về các mối đe dọa toàn cầu" của 2014 và 2015, CrowdStrike nhận định, Việt Nam đã trở thành mục tiêu số một của các nhóm hacker thuộc chính phủ và quân đội Trung Quốc. Từ khi tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng vì giàn khoan HD-981 nhóm hacker Yêu tinh Gấu Trúc (Goblin Panda) đã liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lợi ích của Việt Nam và có cơ sở để tin rằng Goblin Panda đã xâm nhập vào hệ thống máy tính của chính phủ Việt Nam rồi sử dụng các tài liệu đã đánh cắp được làm mồi nhử cho các cuộc tấn công sau đó…
***
Sự kiện nhiều khách hàng của VCB mất trộm tiền trong tài khoản là ví dụ, minh họa cho cảnh báo của ông Thái hồi tháng trước, trước các viên chức cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tại VELP 2019. Sự kiện này chứng tỏ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thiếu cả viễn kiến lẫn khả năng bảo vệ an ninh Internet, an toàn các hệ thống mạng máy tính ở Việt Nam.
Cách nay khoảng hai năm, đã từng có những phân tích rất cặn kẽ, thấu đáo về sự càn rỡ và những nguy hại cho kinh tế - xã hội, triển vọng phát triển của Việt Nam, nếu quan niệm "an ninh mạng" như nội dung Dự luật An ninh mạng, chẳng hạn loạt bài của ông Hoàng Xuân Phú - Viện Toán học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (5). Hoặc vạch trần dã tâm biến xã hội Việt Nam trở thành một ốc đảo lạc hậu, man rợ kiểu Bắc Hàn, biến công dân Việt Nam trở thành những con vật hai chân như bài của ông Dương Ngọc Thái (6),… song hình như đa số người Việt ngại đọc, ngại nghĩ nên hết sức thờ ơ.
Giờ, tuy đã có… Luật An ninh mạng như thiên hạ, chưa kể ngoài Cục An ninh mạng của Bộ Công an còn có Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng nhưng ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn không phải là nâng cao năng lực bảo vệ an ninh trên Internet, mạng máy tính, thiết lập – duy trì sự an toàn cho cả quốc gia lẫn các công dân !
Khi cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn chỉ dốc toàn lực vào việc theo dõi những thông tin, ý kiến, hình ảnh có hại cho sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng trên Internet, để rồi không tống giam, sách nhiễu thì cũng xúm vào chửi đổng hay hè nhau gửi các báo cáo giả cho những nơi điều hành mạng xã hội (như Facebook, You Tube,…) đóng tài khoản cá nhân của "kẻ xấu"... thì chẳng phải vận mệnh quốc gia ngả nghiêng, kinh tế chao đảo mà cá nhân nào cũng có thể trở thành nạn nhân như các nạn nhân có tài khoản ở VCB vừa bị trộm tiền. Đó là hệ quả tất yếu do lệch lạc đáng sợ trong nhận thức, hành xử về "an ninh mạng" theo kiểu "khôn nhà, dại chợ" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/01/2020
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/nhieu-chu-the-vietcombank-bat-ngo-khi-co-giao-dich-la-20200128230522602.htm
(2) http://www.tapchicongsan.org.vn/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/815633/view_content
(3) https://nguoidothi.net.vn/duong-ngoc-thai-tu-xom-de-quan-4-den-silicon-valley-17207.html
(4) https://vnhacker.blogspot.com/2020/01/mot-chuyen-i-harvard.html
(5) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings
(6) https://vnhacker.blogspot.com/2018/10/nhat-ky-co-mo-40-ve-du-thao-03102018.html
Diễn biến dịch viêm phổi do nCoV (virus Corona) càng lúc càng phức tạp và đáng ngại. Không chỉ dân chúng mà một số cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam như Người Lao Động (1), Lao Động (2),… cũng bắt đầu đề cập đến việc tạm đóng cửa biên giới đối với công dân Trung Quốc.
Nếu viêm phổi do virus Corona bùng phát thành dịch, Việt Nam có đủ nhân viên y tế, cơ sở y tế cũng như các thiết bị y tế để ngăn chặn lây lan và điều trị cho bệnh nhân ?
Khi càng ngày càng nhiều người ở nhiều nơi khác nhau tại Trung Quốc (khoảng 30 tỉnh, thành phố) bị viêm phổi do virus Corona, khi càng ngày càng nhiều quốc gia (khoảng 12) phát giác xứ họ cũng có người chẳng may bị viêm phổi vì virus Corona vì từng đến Trung Quốc hoặc qua lại với những người đến từ Trung Quốc, khi thời gian ủ bệnh có thể tới 14 ngày và trong khoảng thời gian ấy, có thể không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên người bị lây nhiễm virus Corona để cách ly, phòng ngừa lây lan,… khả năng chứng viêm phổi bởi virus Corona ở Việt Nam bùng phát thành dịch là nguy cơ hiển hiện trước mắt, đe dọa sức khỏe, tính mạng nhiều triệu người Việt.
Nếu viêm phổi do virus Corona bùng phát thành dịch, Việt Nam có đủ nhân viên y tế, cơ sở y tế cũng như các thiết bị y tế để ngăn chặn lây lan và điều trị cho bệnh nhân ? Chi phí sẽ là bao nhiêu ? Trong trường hợp các quốc gia thực hiện những biện pháp giám sát nghiêm ngặt, thậm chí đóng cửa biên giới với Việt Nam, hạn chế xuất cảnh đến Việt Nam, hạn chế nhập cảnh và nhập cảng hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam thì thiệt hại sẽ là bao nhiêu ? Nguồn lợi từ việc mở rộng cửa đón tiếp cả công dân lẫn hàng hóa, dịch vụ từ Trung Quốc có tương xứng với tổng chi phí để đối phó khi viêm phổi do virus Corona trở thành dịch và những thiệt hại vì Việt Nam cũng là một ổ dịch như Trung Quốc ?
Cho đến giờ, ngoài hội họp, cam kết "liên tục cập nhật, chia sẻ thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng" (3), chưa có viên chức hữu trách nào giải thích tại sao không đóng cửa biên giới với Trung Quốc và xác định ai sẽ chịu trách nhiệm nếu Việt Nam trở thành ổ dịch !
***
Không phải tự nhiên mà Bắc Hàn (quốc gia vốn hết sức chật vật do bị cấm vận nên du khách Trung Quốc là một trong những nguồn lợi chính của nền kinh tế đang hết sức èo uột), quyết định đóng cửa biên giới, ngưng tiếp đón du khách Trung Quốc từ 22/1 (4). Tuy cũng tiếp giáp Trung Quốc, cũng phụ thuộc Trung Quốc về nhiều mặt, cũng hi vọng vào nguồn lợi từ du khách Trung Quốc nhưng Việt Nam chọn hướng ngược lại. Chỉ trong mười ngày từ 15 tháng Giêng đến 25 tháng Giêng, vẫn có tới 400.000 công dân Trung Quốc ra vào Việt Nam bằng đường hàng không (5), trong đó có 218 du khách đến từ Vũ Hán – thành phố đang bị Trung Quốc cô lập vì là tâm của ổ dịch (6).
Đáng nói là khi một số cơ sở thương mại – dịch vụ như khách sạn Danang Riverside công bố quyết định ngưng tiếp nhận du khách Trung Quốc từ 24/1 (7), các viên chức hữu trách tại Đà Nẵng đã điều động cả Cảnh sát cơ động đến gây sức ép, buộc phải tháo gỡ thông báo, thay đổi quyết định.
Qua Facebook, Thanh Pham – chủ Danang Riverside Hotel – nêu thắc mắc : Việc loan báo đồng thời từ chối tiếp nhận du khách Trung Quốc để bảo vệ nhân viên và những khách hàng khác có gì là sai ? Nếu tiếp nhận du khách Trung Quốc và chẳng may có nhân viên hay khách hàng nào đó nhiễm virus Corona, ai sẽ chịu trách nhiệm cả về tình trạng sức khỏe, tính mạng của những người bị lây nhiễm, lẫn thiệt hại lớn hơn về hiệu quả kinh doanh vì khách sạn Danang Riverside bị cô lập do là điểm có dịch ? Tại sao tự nguyện gánh chịu thiệt hại vì hủy hợp đồng tiếp nhận một đoàn du khách Trung Quốc để phòng ngừa những hậu quả nghiêm trọng hơn lại bị xem là không thể chấp nhận (8) ?
Không có ai trả lời Thanh Pham. Thay vì nêu quan điểm của mình, các viên chức hữu trách viện dẫn WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) "chưa khuyến nghị hạn chế đi lại hay giao thương" và "Nhật chưa buộc du khách Trung Quốc điền tờ khai sức khỏe khi họ tới Nhật"... Biên giới trên đất liền của Nhật có tiếp giáp với Trung Quốc ? Liệu đội ngũ nhân viên y tế, hệ thống cơ sở y tế, khả năng phòng ngừa - ứng phó dịch bệnh của Việt Nam tương xứng với Nhật ? WHO và Nhật có thể thay hệ thống công quyền Việt Nam gánh chịu toàn bộ trách nhiệm và thiệt hại khi viêm phổi do virus Corona bùng phát thành dịch tại Việt Nam ? Đầu và tâm của những viên chức hữu trách ở Việt Nam là của WHO hay của Nhật ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/01/2020
Chú thích :
(5) https://tuoitre.vn/chua-co-nguoi-viet-nao-mac-viem-phoi-cap-20200126174040801.htm
(7) https://www.facebook.com/Danangriverside.vn/posts/1085234245147477
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=806269543175800&set=a.303774423425317&type=3&theater