Tuần trước, báo điện tử VnExpress dịch và giới thiệu một bài viết trên Reuters về tầng lớp "thìa đất" ở Nam Hàn (1).
Theo Reuters, "thìa đất" là cách dân Nam Hàn dùng để chỉ những cá nhân mà cha mẹ nghèo hèn khác với "thìa vàng" sinh ra trong những gia đình giàu có, sang trọng.
Một thiếu phụ Đại Hàn thuộc tầng lớp "thìa vàng" giàu có hồi đầu thế kỷ 20 - Ảnh minh họa
Ngoài việc mô tả tầng lớp "thìa đất" gian khổ thế nào trong mưu sinh, chật vật ra sao khi kiếm tìm hạnh phúc, bài viết vừa kể còn đề cập đến sự bất bình sâu sắc của giới "thìa đất" đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại ở Nam Hàn. Càng ngày, họ càng thất vọng với ông Moon Jae-in, người mà họ tin là sẽ đem lại sự công bằng trong xã hội nên đã bỏ phiếu chọn ông làm Tổng thống Nam Hàn. Tuy nhiên hai năm đã qua, chênh lệch về thu nhập giữa những người giàu nhất với những người nghèo nhất không những không được thu hẹp mà còn tăng 0,6 lần (từ 4,9 lần thành 5,5 lần).
Đó cũng là lý do sau khi những bê bối liên quan đến ông Cho Kuk (Bộ trưởng Tư pháp Nam Hàn) được phơi bày, gần đây, thanh niên Nam Hàn lũ lượt đổ ra đường, biểu tình phản đối chính phủ. Ông Cho vốn thuộc tầng lớp "thìa vàng" nhưng trước nay vẫn vận động cho việc xây dựng một xã hội công bằng hơn tại Nam Hàn nên được ông Moon chọn làm Bộ trưởng Tư pháp. Đầu tháng 10, báo giới cáo giác Cho đưa con gài vào trường y một cách bất minh. Vợ có nhiều biểu hiện đáng ngờ trong việc góp vốn vào một quỹ đầu tư, quỹ này rót tiền vào một công ty nhận được nhiều hợp đồng từ chính phủ.
Giữa tháng 10, ngoài việc phủ nhận các cáo buộc, ra lệnh cho các công tố viên tiến hành điều tra mình và gia đình của mình một cách công minh, nghiêm ngặt, cam kết không can thiệp, Cho Kuk tuyên bố từ chức vì không muốn làm mất uy tín, khiến dân chúng nghi ngại, bất lợi đối với Tổng thống và chính phủ (2). Song kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Moon của cử tri trẻ (từ 19 tuổi đến 29 tuổi) đã tụt từ 90% xuống còn 44%. Một số cử tri trẻ giải thích với Reuters rằng họ cảm thấy bị ông Moon – người từng hứa hẹn về việc sẽ xây dựng một xã hội công bằng, thượng tôn công lý – lừa gạt !
Thanh niên Hàn Quốc thuộc tầng lớp "thìa đất" lắng nghe bài phát biểu của một ứng cử viên tổng thống ngày 2/5/2017 tại Seoul. Ảnh Ed Jones. AFP
Nếu cử tri trẻ nói riêng và những người nghèo khổ nói chung tiếp tục nhận định như Kim Jong-min, thủ lĩnh nhóm Youth Taeil, chuyên hỗ trợ thanh niên thuộc tầng lớp "thìa đất" : Tổng thống Moon và đảng cầm quyền – những người tự nhận là tiên phong trong cải cách song cuối cùng, họ vẫn chỉ là những chính trị gia già cỗi, không biết lắng nghe nỗi thống khổ của tầng lớp thu nhập thấp – sự nghiệp chính trị của ông Moon sẽ kết thúc vào cuối nhiệm kỳ này và đảng Dân chủ ở Nam Hàn sẽ không còn cơ hội giữ vững vai trò đảng cầm quyền ở Nam Hàn.
***
So tình cảnh tầng lớp "thìa đất" ở Nam Hàn với tình trạng của tầng lớp tương tự tại Việt Nam, ai cũng có thể thấy, tình cảnh "thìa đất" của Việt Nam thê thảm và tuyệt vọng hơn nhiều. Thế nhưng đó chưa phải là khác biệt có tính… căn cốt. Trong hai năm (2017 – 2019), chênh lệch giàu nghèo ở Nam Hàn chỉ tăng từ 4,9 lần thành 5,5 lần, tầng lớp "thìa đất" ở Nam Hàn đã cảm thấy họ bị phản bội, trong khi tại Việt Nam, theo một thống kê được công bố hồi năm ngoái, chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất là… mười lần (3).
Một khác biệt khác cũng có tính… căn cốt là tầng lớp "thìa đất" của Nam Hàn có quyền bày tỏ sự bất bình của họ và dù muốn hay không cả chính phủ lẫn đảng cầm quyền vừa phải lắng nghe, vừa phải liên tục tự điều chỉnh. Thiếu tôn trọng công chúng, cho dù đó chỉ là "ý chí, nguyện vọng" của tầng lớp "thìa đất", sẽ đồng nghĩa với việc bị công chúng dùng lá phiếu, đẩy những cá nhân hữu trách và đảng cầm quyền vào lề. Không phải tự nhiên Cho Kuk tuyên bố từ chức và dù chưa thể xác định Cho có phạm pháp hay không, Tổng thống Nam Hàn vẫn xin lỗi toàn dân.
***
Cũng tuần trước, tờ Tuổi Trẻ tường thuật, khi trò chuyện với báo giới bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về chủ đề "Văn hóa công sở - Thực trạng và giải pháp" do báo điện tử Đảng cộng sản tổ chức hôm 27 tháng 11, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng của Bộ Nội vụ - cơ quan đảm trách về tổ chức bộ máy công quyền, sắp đặt (bổ nhiệm, điều động…) công chức của chính phủ Việt Nam - trần tình : Sở dĩ nhiều viên chức trong hệ thống công quyền phạm lỗi hay không đủ năng lực đảm nhiệm công việc nhưng kiên quyết không chịu từ chức vì gia đình, dòng họ nhìn việc từ chức quá nặng nề (4).
Cho dù đội ngũ công chức Việt Nam hết sức bệ rạc, tệ hại, dẫu Thủ tướng Việt Nam đã ban hành "Kế hoạch tổ chức phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở trong giai đoạn từ 2019 đến 2025", trong "kế hoạch" ấy, "từ chức" được xem như một "dấu son" của "văn hóa công sở" nhưng ông Cường thú thật là không biết… thực thi thế nào ! Nói cách khác, bất kể từ chức được xem như một giải pháp nhằm chấn chỉnh đội ngũ viên chức, công chức nhưng ông Cường không tin vào tính khả thi, ông đòi "phải có thời gian" để "xã hội thay đổi nhận thức" !
Việt Nam hơn Nam Hàn ở chỗ sách nhiễu, tống giam, phạt tù tầng lớp "thìa đất" dám phản kháng bất toàn, sai trái… của chế độ - Hình : bà Huỳnh Thị Tố Nga (bác sĩ) bị kết án 9 năm tù và và anh trai Huỳnh Minh Tâm 5 năm tù trong một phiên tòa thuộc tỉnh Đồng Nai ngày 28/11/2019 về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc xuyên tạc thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước". (Zing)
So với Nam Hàn, rõ ràng Việt Nam… "được" hơn. Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không ngừng thề sẽ "sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật" nhưng việc xử lý viên chức, công chức phạm lỗi, kém cỏi nằm ngoài phạm vi của hệ thống tài phán tư pháp, chính phủ khuyến khích… tự xử mà đề cao… từ chức, nâng từ chức thành… văn hóa. Tự xử lại phụ thuộc vào… gia đình, dòng họ có thấy… nặng nề hay không ? Bởi gia đình, dòng họ chưa nhận thức "từ chức" là "văn hóa công sở" thành ra công chúng vẫn phải nuôi các viên chức phạm lỗi, yếu kém !
Việt Nam vẫn… "được" hơn Nam Hàn và nhiều quốc gia khác vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền "của dân, do dân, vì dân" không chấp nhận chỉ trích. Sách nhiễu, tống giam, phạt tù những cá nhân dám phản kháng bất toàn, sai trái, dám đòi bỏ "quy hoạch nhân sự", phải để dân chúng dùng lá phiếu "cử xứng, bầu đúng" với ý chí, nguyện vọng của họ,… để răn đe tầng lớp "thìa đất" đã tạo ra cái… "được" ấy ! Đáng ngạc nhiên là chỉ một số rất ít "được, được nữa, được mãi" nhưng vẫn còn rất nhiều "thìa đất"chấp nhận !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/12/2019
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/the-gioi/tang-lop-thia-dat-tuyet-vong-trong-xa-hoi-han-quoc-4018216.html
(2) https://vnexpress.net/the-gioi/bo-truong-tu-phap-han-quoc-tu-chuc-3996582.html
(3) https://tuoitre.vn/chenh-lech-giau-ngheo-ngay-cang-lon-20190725095825395.htm
(4) https://tuoitre.vn/nhieu-nguoi-kien-quyet-khong-tu-chuc-vi-ap-luc-gia-dinh-20191127173600524.htm
‘Chữ quốc ngữ - công cụ xâm lược’ và thời thế đã khác
Trân Văn, VOA, 02/12/2019
Chuyện 12 "nhà nghiên cứu" văn hóa – lịch sử soạn thư ngỏ gửi chính quyền thành phố Đà Nẵng, đề nghị không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở thành phố này vẫn còn rất… nóng vì càng ngày càng nhiều ý kiến, diễn biến mới !
Tem mang hình giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Không chỉ có người sử dụng mạng xã hội chỉ ra những sai sót trầm trọng cả về kiến thức lẫn sự ngô nghê trong nhận định của 12 "nhà nghiên cứu" (Alexandre de Rhodes không dính dáng tới thực dân Pháp, tuy không sáng tạo chữ quốc ngữ - đó là sản phẩm và nỗ lực của nhiều nhà truyền giáo – nhưng không thể phủ nhận công lao của ông. Các giáo sĩ Công giáo chỉ nỗ lực truyền giáo, không dọn đường cho thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam (1). Tài liệu lưu trữ tại nhiều văn khố trên thế giới đã chỉ ra, nếu không có chữ quốc ngữ, Pháp sẽ sử dụng tiếng Hoa để cai trị Việt Nam qua những viên chức Trung Quốc (2)...), giờ, giới nghiên cứu cũng đã lên tiếng trên hệ thống truyền thông chính thức.
Cũng là Phó Giáo sư Tiến sĩ như nhiều cá nhân trong nhóm 12 người phản đối việc lấy tên Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở Đà Nẵng nhưng ông Hoàng Dũng, Giảng viên Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng : Không thể tùy tiện lên án cổ nhân như 12 đồng nghiệp ! Tuy phân tích của ông Dũng rất ngắn gọn, chừng mực nhưng vẫn đủ để độc giả nhận ra, các lý do mà những… phó giáo sư tiến sĩ khác viện dẫn khi phản đối là do… ít đọc và… cạn nghĩ ! Tiếng là "nhà nghiên cứu" nhưng họ không biết đã có những tài liệu bằng tiếng… Việt, từng chỉ ra sai sót trong chuyển ngữ, dẫn tới ngộ nhận về thiện ý và vai trò của các giáo sĩ truyền giáo tại Việt Nam (3).
Chẳng riêng ông Hoàng Dũng, nhiều trí thức khác cũng quan tâm đến văn hóa và lịch sử đã soạn – gửi kiến nghị phản bác quan điểm của 12 "nhà nghiên cứu", đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng dùng Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho hai con đường ở thành phố này như một cách ghi công hai nhân vật để phát triển Việt ngữ - nâng cao dân trí (4). Đáng chú ý, đến giờ này, một trong 12 "nhà nghiên cứu" xem chữ quốc ngữ như "công cụ xâm lược" – Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế - cáo giác, ông bị Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Cung "mượn" tên, đưa vào thư ngỏ, bất kể ông đã từ chối, không muốn tham gia "kiến nghị" (5) !
Cuối tuần vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị Đại học Khoa học thuộc Đại học Huế, than với báo giới rằng bà bị… "khủng bố" bằng điện thoại khi tham gia "kiến nghị" không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở Đà Nẵng vì họ "không có công, chỉ có tội". Theo bà Huyền, nhiều người trong nhóm "kiến nghị" cũng bị như vậy. Cuộc trao đổi giữa bà với phóng viên tờ Tuổi Trẻ cho thấy bà Huyền thực sự hoảng loạn vì bị "dư luận chửi bới dữ dội". Lúc thì bà phân biện, bà "kiến nghị" với tư cách một công dân. Khi thì bà bảo bà góp tên trong "kiến nghị" bằng tư cách một… "nhà khoa học" (6) !
Đối chiếu điều bà Huyền than : Chưa bao giờ thấy việc nghiên cứu khoa học lại mệt mỏi và nguy hiểm đến thế - với những tâm sự khác của bà trong cuộc trao đổi vừa dẫn, rất dễ cảm thấy… mệt mỏi và ái ngại cho "nghiên cứu khoa học" ở Việt Nam. Khoa học xã hội – nhân văn Việt Nam rõ ràng đang gặp nguy hiểm khi có những cá nhân "nghiên cứu khoa học", tham gia "kiến nghị" mà không rõ nội dung "kiến nghị", lúc được "đề nghị" tham gia "kiến nghị" là sẵn sàng "góp" tên "nếu nội dung bản kiến nghị đó phản ánh đúng lịch sử, khách quan, có dẫn chứng đúng đắn, khoa học và không vì mục đích tôn giáo hay chính trị, trên tinh thần xây dựng" và khi bị chỉ trích kịch liệt thì "sẵn sàng thay đổi quan điểm" !
Tại sao chỉ một nhóm nhỏ những cá nhân "nghiên cứu khoa học" với kiến văn hạn hẹp, nhận định ngô nghê, thiển cận, bấp chấp đúng sai, trước sau, bất cẩn trong hành xử tư cách một người làm công việc "nghiên cứu", thậm chí dám sử dụng cả những phương thức hết sức bá đạo trong việc tập hợp lực lượng, không ngần ngại bóp méo từ văn hóa, lịch sử đến chính trị để gây áp lực nhằm "đăng ký quan điểm, lập trường", nhân tiện giương danh như thế, lại có thể tác động đến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của một thành phố như Đà Nẵng, khiến các hệ thống này thối chí, chùn chân trong việc vinh danh những nhân vật như Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes ?
***
Tham gia thảo luận về scandal "chữ quốc ngữ - công cụ xâm lược" trên mạng xã hội, Tâm Chánh xem "kiến nghị" mà các "nhà nghiên cứu" gửi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đà Nẵng là "kiểu nhận thức phản động, sặc mùi Maoist (những người theo chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao Trạch Đông)". Chánh nêu thắc mắc : Liệu nền khoa học Việt Nam có khả năng giải quyết dứt dạc về công lao của các giáo sĩ trong việc hình thành chữ viết hiện đại cho người Việt để hậu sinh không xem nền khoa học của cha ông được vận hành bằng đấu tố chính trị, để các lý luận kiểu Maoist không có cơ hội ngóc đầu trỗi dậy làm mất thời gian và làm phiền dân tộc (7) ?
Thật ra, tại Việt Nam, những "nghiên cứu khoa học", những "đánh giá, nhận định", những "kiến nghị" kiểu "chữ quốc ngữ - công cụ xâm lược" mà Tâm Chánh gọi là "trò ngáo phò chính thống" đã cũng như đang chi phối mọi mặt của xã hội. Chẳng phải hồi thượng tuần tháng này, một số thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học, Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh như Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn… từng khuấy động dư luận khi vừa khẳng định về sự độc hại của văn học, nghệ thuật ở miền Nam Việt Nam giai đoạn trước tháng 4 năm 1975, vừa cảnh báo phải "tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được" đó sao (8) ?
Theo Tâm Chánh, những cá nhân như Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn, Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân... đã từng là một kiểu "nhân cách chính thống của hệ thống đào tạo con người mới". Ở một xã hội mà mỗi góc sống đều được tưởng tượng như mặt trận thì "những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ,…" làm sao có được hạnh phúc nếu không đấu đá ? Facebooker này khuyến cáo : Thời thế đã khác và người ta gọi đó là đổi mới. Hệ thống tuyên giáo của đảng nên vì… "an ninh tổ quốc", xem những phát biểu kích động hận thù dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc như thế là đủ để giúp những cá nhân đó khởi động… "chặng đường mọt gông" (9).
***
Rõ ràng phản ứng của công chúng trên mạng xã hội, thậm chí của hệ thống truyền thông chính thức đối với những Mai Quốc Liên, Trần Long Ẩn, Thích Nhật Từ, Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân… cho thấy, rõ ràng thời thế đã khác ! Lúc này, "đăng ký lập trường, quan điểm", lớn giọng "phò đảng, hộ đảng" không những không sinh lợi mà còn có thể tạo ra đại họa cho chính mình. Tuy nhiên, hi vọng hệ thống tuyên giáo của đảng nói riêng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung, tỉnh ra và vì… "an ninh tổ quốc" mà xử lý thẳng tay, răn đe, ngăn chặn những phần tử vô liêm sỉ, tiếp tục nịnh đảng theo kiểu gây thêm nguy hại cho đảng dường như là quá lạc quan.
Đâu phải tự nhiên mà mới đây, ông Nguyễn Đắc Xuân nghiêm giọng nhắc nhở công chúng, dù sao, nhóm của ông - những "nhà nghiên cứu" đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Đà Nẵng không dùng tên hai vị Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đặt cho bất kỳ con đường nào ở thành phố này - cũng đã… "thành công" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/12/2019
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/pr.phong/posts/2524977687623144
(2) https://www.facebook.com/nhantuan.truong/posts/2795323760499408
(7) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2272135089559412
(9) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2276433022462952
********************
Công lao đã được khẳng định
Hoàng Dũng, Tuổi Trẻ, 30/11/2019
LTS TTO : Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đã thể hiện quan điểm riêng của mình quanh bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng : Không thể tùy tiện lên án người xưa như thế !
Bản kiến nghị mà 11 người gửi có nêu ba lý do : Alexandre De Rhodes không phải là người chế tác chữ quốc ngữ ; Alexandre De Rhodes công kích Nho, Lão, Phật và Alexandre De Rhodes "âm mưu dẫn quân viễn chinh Pháp tới xâm lược nước ta". Tôi sẽ lần lượt bàn về cả ba lý do đó.
Với lý do thứ nhất, ngày nay giới nghiên cứu dễ dàng đồng ý với nhau rằng chữ quốc ngữ không phải là sản phẩm của Alexandre De Rhodes và Từ điển Việt Bồ La của ông đã thừa hưởng công lao của những giáo sĩ đi trước. Nhưng không có nhà nghiên cứu hiểu biết nào lại sổ toẹt công lao của Alexandre De Rhodes đối với chữ quốc ngữ. Từ điển Việt Bồ La đã ghi một cái mốc quan trọng trong lịch sử chữ quốc ngữ, nhất là trong điều kiện hai cuốn từ điển Việt Bồ của Gaspar De Amaral và Bồ Việt của Antonio Barbosa đã thất truyền. Đó là sự thực mà chỉ những ai cố tình nhắm mắt trước lịch sử mới có thể phủ nhận.
Còn về lý do thứ hai mà các vị trên viện dẫn, tôi đồng ý rằng quả nhiên Alexandre De Rhodes có chê bai nặng lời các tôn giáo khác. Nhưng đó là hạn chế khó tránh không phải chỉ riêng Alexandre De Rhodes. Cần nhớ ông sống cách đây 400 năm và đừng đứng trên quan điểm của thế kỷ 21 để gò người xưa vào khuôn khổ tư tưởng ngày nay. Có lẽ nào chúng ta không cần biết ơn một người do họ có hạn chế về tư tưởng ?
Dịch sai, hiểu sai !
Về lý do thứ ba, các tác giả bản kiến nghị dẫn một đoạn viết của Alexandre De Rhodes trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 với lời dịch của giáo sư Hoàng Tuệ : "Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ", từ đó khẳng định : "Alexandre De Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông" là sai.
Với câu trích đề cập trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu từng dịch : "Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các giáo hội này" (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). Ông Nguyễn Ðình Ðầu nói thêm : "Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn "chinh phục toàn phương Ðông" là để cho "nước Cha trị đến", chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. "Chinh phục" hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị.
Còn theo Hồng Nhuệ (trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994, ở trang 263, 289) thì đoạn trích phải được dịch : "Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về quy phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn". Và Hồng Nhuệ chú thích từ chiến sĩ ở đây : "Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng".
Do đó, tôi cho rằng 11 người ký tên không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.
Tóm lại, tất nhiên các vị giáo sĩ chế tác ra chữ quốc ngữ chỉ để truyền giáo, nhưng lẽ nào người Việt được hưởng ích lợi của chữ quốc ngữ lại tỏ ra vô ơn sao ?
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng
(Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh)
Người Việt lại sôi sùng sục khi 404 đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14, tham dự Kỳ họp thứ tám, vừa bỏ phiếu thông qua "Dự luật sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài". Theo luật mới, ngoại kiều sẽ được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển nếu thời gian cư trú dưới 30 ngày (1).
Biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi giữa năm 2018.
Luật mới giao thẩm quyền miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển cho chính phủ kèm điều kiện : "Phải có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam".
Với những điều kiện như vừa kể, ai cũng có thể nhận ra đó là một cách thực thi một phần "tinh thần" của "Dự luật về Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" mà người Việt quen gọi là "luật đặc khu" – dự luật từng kéo cả nước ra đường phản đối hồi giữa năm ngoái, thành ra Quốc hội Khóa 14 phải gạt ra khỏi chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ năm.
Sở dĩ người Việt dị ứng với "luật đặc khu" và mới đây, phẫn nộ vì "Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài" là vì trong "khu kinh tế ven biển" có bóng dáng… đặc khu và "miễn thị thực" cho ngoại kiều có thể mở thêm một con đường khác cho người Trung Quốc tràn vào Việt Nam…
Tuy nhiên vấn đề không chỉ có thế !
***
Năm ngoái, khi giới thiệu chủ trương thành lập cùng lúc ba "đặc khu" (Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang), hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam giải thích là để "thử nghiệm thể chế", gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, phát triển kinh tế.
Năm nay, tuy vẫn chưa thể khai sinh "đặc khu" nhưng hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tìm mọi cách để giúp các "khu kinh tế ven biển" mang tính chất như đã từng mô tả về "đặc khu", cho dù thực tế đã và đang chỉ ra, các "khu kinh tế ven biển" không hữu hiệu.
Việt Nam hiện đã có 18 "khu kinh tế ven biển", chiếm 730.553 héc ta mặt đất và mặt biển (2). Tuy nhiên miền Trung - khu vực đầu tiên có "khu kinh tế ven biển" (Khu Kinh tế Chu Lai - Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt "khu kinh tế ven biển" nữa như : Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn không thể thoát ra khỏi đói nghèo ! Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố, các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp…
Chỉ tính từ đầu thập niên 2000 đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các "khu kinh tế ven biển" ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng. Tuy hệ thống công quyền Việt Nam chưa công bố, từ 2010 đến nay đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 "khu kinh tế ven biển" ấy, song có thể đoan chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế ven biển nào cũng than thiếu tiền, chưa được đầu tư đúng mức thành ra hiệu quả chưa như mong đợi.
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không xem xét, chấn chỉnh 18 "khu kinh tế ven biển" hiện hữu để chúng tạo ra những hiệu ứng thật sự tích cực cho kinh tế - xã hội Việt Nam mà chỉ bận tâm suy tính và tìm đủ mọi cách để hỗ trợ cho vài "khu kinh tế ven biển" mang các đặc điểm "có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền", kể cả sửa luật về chuyện xuất nhập cảnh của ngoại kiều để "miễn thị thực" nếu cư trú dưới 30 ngày ?
Thực trạng đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bị thâu tóm từ trước có liên quan gì đến chuyện Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khuyến cáo các đại biểu còn ngần ngại với "luật đặc khu" rằng : "Bộ Chính trị đã kết luận rồi, phải bàn để ra luật" (3) ? Thất bại trong việc ban hành "luật đặc khu" để… thử nghiệm ba "đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt", khiến nhiều ngàn tỉ đồng mà các "nhà đầu tư" đổ vào đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bị đóng băng, hoạt động của "sân bay quốc tế" Vân Đồn (phi trường đầu tiên do tư nhân đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến tới 7.400 tỉ) trở thành èo uột,… tác động như thế nào tới nỗ lực dùng luật khác, "miễn thị thực" cho ngoại kiều ?
***
Cho dù người Việt vẫn nhắc nhau phải luôn luôn đề phòng dã tâm và thủ đoạn của Trung Quốc nhưng Trung Quốc là chuyện bên ngoài, vấn nạn bên trong đáng ngại hơn.
Có những dấu hiệu cho thấy, chủ trương, chính sách từ thượng tầng không nhằm làm cho "quốc thái, dân an", việc đề ra chủ trượng, soạn chính sách chỉ để bảo vệ, đem lại lợi ích cho một số cá nhân, một số nhóm. Họa không nằm ở ngoài mà ẩn ngay bên trong, thành ra bất kể nhiều đại biểu can ngăn, không ưng chuyện "miễn thị thực" cho ngoại kiều đến các "khu kinh tế ven biển" (5), song miễn thị thực giờ đã là luật !
Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chuyển động theo tác động của những kẻ cầm dây đứng trong hậu trường thì phải giải quyết nội phản song song với phòng ngừa ngoại xâm. Những cá nhân hữu trách sẵn sàng đem công quyền ra bán sỉ và lẻ, líu lo, khoa chân, múa tay theo ý muốn của những kẻ giựt dây để được chia chác các nguồn lợi, chắc chắn không bận tâm về tiền đồ quốc gia, tương lai dân tộc. Đã táo tợn đến mức bất chấp nhân tâm, dân ý, nếu ngoại nhân chịu trả giá cao, sá gì mà không bán nước ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/11/2019
Chú thích
(2) http://enternews.vn/18-khu-kinh-te-cua-viet-nam-da-duoc-quy-hoach-17481.html
(3) http://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu-20180416130046666.htm
(4) https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/sau-1-nam-dot-dat-dac-khu-tien-ty-chon-vui-542642.html
Tuần này, khá nhiều người Việt sử dụng mạng xã hội kêu gọi tẩy chay Go Viet, sau khi công chúng phát giác, ứng dụng gọi xe của doanh nghiệp này không cho phép hiển thị hai từ Hoàng Sa và Trường Sa (1).
Biểu tình chống Trung Quốc tại Philippines trước khi Tòa Quốc Tế ra phán quyết vụ đường lưỡi bò, tháng Bảy 2016.
Trước đó, cả khách hàng lẫn những tài xế hoạt động cho Go Viet cùng sửng sốt khi ứng dụng gọi xe của Go Viet tự động mã hóa tên các con đường Hoàng Sa, Trường Sa thành một chuỗi ký tự ***** (2).
Sở dĩ người Việt phẫn nộ vì Hoàng Sa, Trường Sa bị chặn, bị mã hóa vì thiên hạ thường chặn, mã hóa các từ thô thiển vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc bị xem là phạm pháp, chọn Hoàng Sa và Trường Sa để "lọc" theo kiểu như thế rõ ràng không thể chấp nhận!
Trần Văn Tuấn – một người chuyên viết các phần mềm ứng dụng và viết dự án – czáo buộc đó là cố ý "lọc và ẩn". Đó là lý do giống như nhiều người khác, Tuấn gọi Go Viet là… "gâu – veit", đồng thời cho rằng "gâu – veit" nên "cuốn gói và cút".
Đại diện Go Viet cũng đã lên tiếng. Công ty này phủ nhận việc dùng bản đồ của Trung Quốc. Họ khẳng định ứng dụng gọi xe của Go Viet dùng Google Maps và Google Cloud để định vị và lưu trữ dữ liệu. Tuy Go Viet luôn chú tâm thể hiện sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam nhưng khi cập nhật, nâng cấp ứng dụng này theo định kỳ vào hai ngày 20 và 21 tháng này, do Google Maps đánh dấu nhiều hòn đảo, dòng sông, ngọn núi là ‘landscape.natural’ nên mới xảy ra lỗi hiển thị các địa danh tự nhiên.
Tuy Go Viet khẳng định đã sửa "lỗi" nhưng không chỉ trên mạng xã hội mà cả trên các diễn đàn của nhiều tờ báo như Thanh Niên, đa số độc giả không cho đó là ngẫu nhiên và họ khẳng định đã gỡ bỏ, không dùng ứng dụng gọi xe của Go Viet nữa (4).
Có phải người Việt quá "nhạy cảm" đối với chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền quốc gia tại biển Đông và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở vùng biển này ? Tại sao người Việt lại trở nên "nhạy cảm" như thế ?
***
Cũng trong tuần này, An Ninh Thế Giới – một trong những phụ bản thuộc tờ Công An Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam đăng bài : "Không thể mãi chạy theo đường lưỡi bò" (5).
"Không thể mãi chạy theo đường lưỡi bò" hệ thống lại ba scandal tương tự như scandal ứng dụng gọi xe của Go Viet (mã hóa, không hiển thị Hoàng Sa và Trường Sa), xảy ra dồn dập trong vòng một tháng : Đầu tiên là scandal "Everest - Người tuyết bé nhỏ". Kế đó là bản đồ trong hệ thống định vị của một chiếc xe hiệu Volkswagen, loại Touareg CR745J ở Hội chợ Triển lãm Ô tô 2019. Tiếp nữa là giáo trình của Khoa Trung – Nhật thuộc Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội...
Cả ba scandal mà "Không thể mãi chạy theo đường lưỡi bò" liệt kê đều nằm ở dạng : Bản đồ thể hiện trên phim, sách và trong ứng dụng đều thể hiện theo yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông, bị người Việt miệt thị là "đường lưỡi bò" !
Ông Vương Trọng Tín - tác giả "Không thể mãi chạy theo đường lưỡi bò" – cho rằng, sỡ dĩ "đường lưỡi bò" có thể đi xuyên qua các "cửa", kể cả những "cửa" được dựng lên để "kiểm duyệt" như… Hội đồng Duyệt phim Quốc gia là vì các cá nhân có liên quan thiếu cảnh giác và hời hợt về "nhận thức chính trị" trong khi Trung Quốc hết sức thâm hiểm, tìm đủ cách để quảng bá cho yêu sách phi pháp của họ. Cũng vì vậy, cả hệ thống phải liên tục "chạy theo" để xử lý khi chuyện trở thành "đã rồi".
Ông Tín cho rằng, đã đến lúc phải "tự vệ một cách chủ động" và phải đủ tinh tế để không rơi vào "những cài cắm giống như những cái bẫy hết sức tinh vi". Nhận định này tuy đúng nhưng nhìn một cách tổng quát, bài viết của ông chưa… thấu đáo.
Cần phải phân tích sâu, tại sao các viên chức hữu trách ở đủ mọi cấp, mọi ngành và nhiều lĩnh vực lại thiếu "cảnh giác" và hời hợt về "nhận thức chính trị". Ví dụ việc bất chấp tham vọng của Trung Quốc, vẫn đề cao "tinh thần bốn tốt" và "16 chữ vàng" trong một thời gian dài, vẫn tìm mọi cách duy trì "tình hữu nghị" với "người bạn lớn xã hội chủ nghĩa", kể cả gửi các cán bộ trụ cột của đảng, của hệ thống công quyền sang Trung Quốc để nhận… "bồi dưỡng", có phải là nguyên nhân không?
Nếu các scandal vừa kể không khiến công chúng bừng bừng phẫn nộ. lên án hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì "ta" có "chạy theo" để xử lý không ? Những người như ông Tín và các đồng chí của ông có bao giờ tự hỏi, tại sao càng ngày dân chúng càng "nhạy cảm" với những yếu tố có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ không ? Sự "nhạy cảm" đó có liên quan gì đến những chuyện, kiểu như, không viên chức hữu trách nào dám trực tiếp lên án Trung Quốc xâm phạm biển Đông không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/11/2019
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/groups/miennamgroup/permalink/2195442397430665/
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3540773635963249&set=a.169443139762999&type=3&theater
(5) http://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/Khong-the-cu-mai-chay-theo-Duong-luoi-bo-570704/
Tự thân "thủ tướng" đã đủ nghĩa khi muốn đề cập đến người đứng đầu chính phủ song dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam sợ công chúng… nhầm lẫn, rằng "thủ tướng" có thể chỉ là người đứng đầu một nhóm "trời ơi, đất hỡi" nào đó, thành ra mới đem "thủ tướng" gắn vào chính phủ, tạo thành "thủ tướng chính phủ". "Thủ tướng chính phủ" tuy ngô nghê, ngớ ngẩn nhưng thực tế cho thấy hoàn toàn không thừa…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra điểm đầu cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận - Ảnh minh họa
***
Chưa thấy ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lên tiếng về sự kiện Công ty Thu phí tự động đường bộ (VETC) – thành viên của Tasco, công ty là chủ đầu tư nhiều dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT tại Việt Nam - xin rút khỏi "Dự án thu phí tự động không dừng". Cho đến giờ này, mới chỉ có Bộ Giao thông và vận tải lên tiếng. Theo đó, VETC không được rút lui và phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký với Bộ Giao thông và vận tải (1).
"Dự án thu phí tự động không dừng" được Bộ Giao thông và vận tải giao cho VETC thực hiện cách nay năm năm. Mục tiêu là lắp đặt hệ thống thu phí tự động (ETC) tại các trạm thu phí cho những dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT trên toàn quốc. ETC từng được giới thiệu như giải pháp tối ưu để kiểm soát doanh thu của giới đầu tư, buộc giới này thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính, đồng thời giảm tối đa tình trạng xe cộ ùn ứ trước các trạm thu phí, loại bỏ việc tạo ra - khai thác tình huống này để phản kháng…
Tuy mục tiêu hết sức… cao đẹp nhưng từ 2014 đến nay, việc thực hiện "Dự án thu phí tự động không dừng" giống như dùng… dây thun. Kế hoạch ban đầu : Đến tháng 5 năm ngoái phải thực hiện thu phí tự động tại 27 trạm thu phí BOT… vỡ vụn. Do thu phí cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT càng ngày càng nóng vì đủ thứ vấn nạn, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ban hành một "tối hậu thư", khẳng định, đến 1/1/2020, trạm thu phí nào không dùng ETC sẽ phải ngưng hoạt động (2).
Để minh họa cho quyết tâm của Thủ tướng nói riêng và chính phủ Việt Nam nói chung, Tổng cục Đường bộ từng loan báo quyết định, buộc bốn trạm thu phí BOT đặt trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, tạm ngưng hoạt động cho đến khi hoàn tất các thủ tục cần thiết để tham gia "Dự án thu phí tự động không dừng". Giới đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT phản đối dữ dội, cuối cùng, Bộ Giao thông và vận tải phải ra lệnh cho Tổng cục Đường bộ rút lại quyết định vừa kể (3) !
Việc thực hiện "Dự án thu phí tự động không dừng" không chỉ gặp trở ngại từ phía đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT mà còn có nguy cơ bị VETC – doanh nghiệp được Bộ Giao thông và vận tải chọn làm nhà đầu tư cho chính dự án này – bóp chết. Từ nay đến 1/1/2020 chỉ còn sáu tuần nhưng VETC quyết định bỏ cuộc. Chỉ trong vòng một tháng (từ trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 11), VETC xin bỏ cuộc hai lần để giao dự án cho nhà đầu tư khác hoặc giao lại dự án cho… chính phủ.
"Nguyện vọng" của VETC làm cả chính phủ lẫn Thủ tướng mắc… kẹt. Sẽ rất khó có khả năng các trạm thu phí BOT trên toàn quốc ngưng hoạt động vào ngày 1/1/2020 chỉ vì chưa lắp đặt ETC. Còn nếu để các trạm này tiếp tục sử dụng nhân viên thu phí sau ngày 1/1/2020 thì khác gì Thủ tướng và chính phủ… chứng minh, chỉ đạo là thứ vui miệng thì tuyên bố, vui tay thì ký – ban hành và không có hiệu lực thì… thôi. Chính phủ giống như một… tổ tự quản, Thủ tướng – người đứng đầu chính phủ không quản được thì… lờ !
***
Tại sao VETC tha thiết xin… nhả "Dự án thu phí tự động không dừng" ? Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, năm năm vừa qua, VETC đã bỏ ra 2.030 tỉ và tính đến cuối tháng 9 vừa qua, do doanh thu quá thấp, chỉ đạt 10% so với mức dự kiến, VETC đã nhận về khoản… lỗ lũy kế khoảng 300 tỉ. Đó là lý do cổ đông của VETC không tán thành việc theo đuổi dự án vì cứ như thế VETC sẽ phá sản, nên VETC khăng khăng xin bỏ cuộc.
Tại sao Bộ Giao thông và vận tải – cơ quan thay mặt chính phủ giám sát, đôn đốc việc thực hiện "Dự án thu phí tự động không dừng" – không thể ép giới đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT phải tích cực tham gia "Dự án thu phí tự động không dừng", để họ chây ì trong việc lắp đặt ETC ?
Câu trả lời là vì "Dự án thu phí tự động không dừng" có quá nhiều điểm bất hợp lý mà Bộ Giao thông và vận tải ú ớ, không thể giải thích : Tại sao giới chủ các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đã tự mua sắm, lắp đặt ETC, VETC chỉ "thu giùm" mà hưởng phí… kết nối từ 0,6% đến 3% tổng doanh thu ? Còn nếu giới chủ các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT để VETC "bao" mua sắm, lắp đặt ETC thì VETC có quyền hưởng từ 5% đến 7% tổng doanh thu, vì sao cho VETC "ăn dày" như thế ?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn cũng đã thử khảo sát xem vì sao chủ các phương tiện giao thông không mặn mòi với việc tham gia "Dự án thu phí tự động không dừng". Chủ một doanh nghiệp vận tải giải thích, doanh nghiệp của ông có 30 xe vận tải, mỗi ngày khoản tiền phải trả cho phí đường bộ có thể lên tới hàng chục triệu đồng. Cho dù mục tiêu của dự án… cao đẹp nhưng ủng hộ thì tốn kém và chuốc thêm đủ thứ phiền hà : Phải mua thiết bị (khoảng 2,5 triệu/bộ), phải ứng tiền nạp trước, nếu chuyển khoản cho tiện thì phải trả thêm phí (4)...
Những tình tiết như vừa kể làm bật ra một thắc mắc nơi nhiều người : Nếu Thủ tướng và chính phủ Việt Nam xem "Dự án thu phí tự động không dừng" là quan trọng, tại sao lại chọn VETC mà từ khả năng quản trị - điều hành dự án, đến công nghệ - kế hoạch thực thi kỳ quái như thế ? Chưa kể theo báo chí Việt Nam, VETC còn thiếu cả năng lực tài chính : Dự án buộc nhà đầu tư phải có vốn riêng ít nhất là 277 tỉ nhưng sau bốn năm thực hiện, đến cuối năm ngoái, VETC chỉ gom được… 129 tỉ nhưng vẫn trở thành… nhà đầu tư (5) !
Hóa ra, giống như nhiều nhà đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT, VETC cũng… "mượn đầu heo nấu cháo" và cũng giống như vô số công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Giao thông và vận tải không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư thực hiện "Dự án thu phí tự động không dừng" mà… chỉ định VETC làm… nhà đầu tư !
Cần lưu ý, có thể vì "tình cảm" giữa VETC, Tasco với một số viên chức hữu trách cả ở Bộ Giao thông và vận tải lẫn chính phủ rất… sâu đậm nên khi xin… nhả "Dự án thu phí tự động không dừng", VETC có thỏ thẻ thế này : Nếu Bộ Giao thông và vận tải không đồng ý cho VETC bỏ ngang thì VETC đề nghị chính phủ… chia sẻ rủi ro, bù đắp phần thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng mà VETC đã ký với Bộ Giao thông và vận tải !
Đề nghị vừa đề cập tuy… khiếm nhã nhưng hoàn toàn có thể sẽ được chấp nhận như chính phủ đã từng nhất trí cao với đề nghị dùng công quỹ cứu nhiều nhà đầu tư vào các công trình giao thông theo hình thức BOT để các ngân hàng đã dốc túi cho những nhà đầu tư này vay không phá sản, không để xảy ra chết… chùm ! Điều tra - làm rõ – xử lý những sai phạm mà Thanh tra, Kiểm toán từng công bố về BOT không quan trọng bằng không để ai… chết ! "Thủy chung" và "nhân đạo" đến thế là… cùng !
***
Giống như những câu chuyện về các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, câu chuyện về "Dự án thu phí tự động không dừng" góp thêm ví dụ minh họa, về bản chất, chính phủ ta giống như một… tổ tự quản và Thủ tướng ta giống như người đứng đầu một… tổ tự quản. Đã là… tổ tự quản thì tất nhiên sẽ có những hạn chế mà dù muốn hay không, nhân dân ta cần phải chấp nhận. Đừng so sánh với chính phủ của các quốc gia khác vì dựa vào đó để đòi hỏi một tổ tự quản phải thế này, thế kia là… thái quá !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/11/2019
Chú thích
(5) https://www.thesaigontimes.vn/273236/thu-phi-khong-dung-nhieu-lan-vo-muc-tieu.html
Tháng trước, khi thảo luận về Dự luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong tư thế một đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, khuyên các đồng viện : "Đừng sợ dân giàu !". Cứ như lời ông Phúc thì đã đến lúc phải mở rộng và gia tăng bảo hộ các dự án đầu tư tư nhân (1).
Ảnh bà Đỗ Thị Kim Liên, tức Shark Liên, được Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bản công nhận quyền cung cấp nước cho Thành phố Hà Nội
Liệu thay đổi thể chế chỉ theo hướng : Vừa nhường, vừa tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư vào một số lĩnh vực trước nay nhà nước vẫn độc quyền - mà ông Phúc và các đồng chí của ông gọi là "xã hội hóa" - có thể làm "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ?...
***
Báo giới Việt Nam vừa phát giác, bà Đỗ Thị Kim Liên đã thôi làm Tổng Giám đốc (CEO) của Công ty Nước sông Đuống và chỉ nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này. Ngoài ra đã có ba người Thái Lan tham gia Hội đồng quản trị, một người Thái Lan khác tham gia Ban Kiểm soát của Công ty Nước sông Đuống (2).
Công ty Nước sông Đuống là chủ đầu tư Nhà máy Nước sông Đuống – một trong những nguồn cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội. Công trình xây dựng Nhà máy Nước sông Đuống được khởi công vào năm 2016, công suất khoảng 300.000 khối nước/ngày, trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng.
Công chúng bắt đầu để ý đến Công ty Nước sông Đuống sau khi có tin, chính quyền thành phố Hà Nội mua nước sạch của Nhà mày Nước sông Đuống với giá cao gấp đôi so với giá mua nước sạch từ các nguồn cung cấp nước sạch khác. Do giá bán lẻ nước sạch thấp hơn nhiều so với giá mà chính quyền thành phố Hà Nội đã thỏa thuận với Công ty Nước sông Đuống, người ta ước đoán, mỗi ngày, chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải bỏ ra ba… tỉ đồng để… bù đắp chênh lệch giữa giá mua và giá bán (3).
Chỉ có một cách để giảm khoản tiền phải bù lỗ là nâng giá bán lẻ nước sạch song kiểu nào (nâng hay không nâng giá bán lẻ nước sạch) thì dân chúng Hà Nội cũng lãnh đủ.
Khi mua nước sạch của Nhà máy Nước sông Đuống với giá cao nhưng không nâng giá bán lẻ nước sạch, chắc chắn chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu lẽ ra phải dành cho việc nâng cao phúc lợi công cộng trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế, giao thông, an sinh xã hội,...) để có tiền bù lỗ.
Còn nâng giá bán lẻ nước sạch để giảm khoản phải bù lỗ mỗi ngày, dân chúng thành phố Hà Nội sẽ vừa phải trả tiền nước với giá cao mà vẫn mất cơ hội thụ hưởng nhiều hơn các phúc lợi công cộng vì nâng kiểu nào thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng vẫn phải bù lỗ, vừa do giá đã thỏa thuận với Công ty Nước sông Đuống quá cao, vừa do cam kết với công ty này hết sức… lạ thường (80% vốn đầu tư vào Nhà máy nước sông Đuống là tiền vay ngân hàng và chính quyền cam kết trả toàn bộ tiền lãi từ lúc dự án… khởi công).
Gần đây, sau những chỉ trích kịch liệt từ phía công chúng, Bộ Tài chính đã yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội phải xem lại chi phí phát sinh từ số lãi phải trả cho những khoản Công ty Nước sông Đuống đã vay để "loại trừ các khoản vốn hóa giá trị tài sản, tránh tính trạng trùng chi phí" (4).
Tuy nhiên ngay cả như thế cũng không ổn và đã có khá nhiều ý kiến phân tích tại sao. Chẳng hạn trên báo điện tử Người Đô Thị, Quỳnh Anh đã tóm tắt về đặc điểm của lĩnh vực sản xuất – phân phối nước sạch : Vốn lớn và phải mất một thời gian dài mới có thể thu hồi đủ vốn. Tuy nhiên trong sản xuất – phân phối nước sạch, tăng sản lượng sẽ giúp giảm giá thành nên đi trước sẽ có lợi thế và tạo ra độc quyền một cách tự nhiên. Đó cũng là lý do chính quyền phải tham gia điều tiết.
Ở Hà Nội, sản xuất nước sạch dành cho tư nhân (Công ty nước Sông Đà, Công ty Nước sông Đuống,…) còn phân phối nước sạch do nhà nước kiểm soát. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất nước sạch là phía độc quyền bán, còn những doanh nghiệp nhà nước đảm nhận vai trò phân phối nước là phía độc quyền mua. Lẽ ra nên để hai phía đàm phán với nhau để vừa bảo đảm được chất lượng nước, vừa bảo đảm được giá bán lẻ hợp lý thì chính quyền thành phố Hà Nội lại giành quyền lựa chọn Công ty Nước sông Đuống, giành luôn cả việc thương lượng để mua nước sạch của công ty này với giá cao hơn các nguồn khác.
Tại sao không công khai, mời gọi các nhà đầu tư cùng trình dự án đầu tư nhằm chọn nhà đầu tư có phương án tối ưu và bao tiêu sản phẩm với mức giá vừa bảo đảm lợi nhuận cho nhà đầu tư, vừa bảo đảm giá bán lẻ nước sạch hợp lý, có lợi cho cả người tiêu dùng lẫn sự phát triển chung của thành phố Hà Nội ?
Theo Quỳnh Anh, vì thiếu công đoạn này nên Công ty Nước sông Đuống gộp cả lãi vay vào suất đầu tư, khiến chi phí tăng lên, lợi nhuận giảm xuống và dựa vào đó để đòi chính quyền thành phố Hà Nội phải mua nước sạch với giá cao hơn, nhằm giúp Công ty Nước sông Đuống có mức "lợi nhuận hợp lý".
Quỳnh Anh nhấn mạnh, nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia chào mức "lợi nhuận kỳ vọng", chắc chắn chính quyền thành phố Hà Nội sẽ tìm ra - chọn được nhà đầu tư có tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính thấp hơn và quan trọng hơn là sẽ chọn được nhà đầu tư có công nghệ hợp lý, đặt nhà máy nước ở vị trí tối ưu.
Vì không có giai đoạn này nên mới có chuyện chủ đầu tư Nhà máy Nước sông Đuống đưa lãi vào suất đầu tư, đẩy chi phí lên, kéo lợi nhuận xuống và đòi giá bán cao hơn để đạt "lợi nhuận hợp lý". Nếu có nhiều nhà đầu tư cùng tham gia, thi nhau chào mức "lợi nhuận kỳ vọng", chắc chắn sẽ chọn được nhà đầu tư có tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính thấp hơn và quan trọng hơn là sẽ chọn được nhà đầu tư có công nghệ hợp lý, chọn vị trí đặt nhà máy nước tối ưu, chứ không đặt nhà máy nước ở hạ nguồn bất kể thượng nguồn có nhiều khu công nghiệp ! Công ty Nước sông Đuống không quan tâm đến sự bất lợi khi đặt nhà máy nước ở hạ nguồn vì bất kể thế nào, lợi nhuận cũng vẫn như… kỳ vọng !
Quỳnh Anh xem việc chính quyền thành phố Hà Nội lấy công quỹ bù lỗ cho Công ty Nước sông Đuống là một thứ… ngoại lệ không theo bất kỳ nguyên lý kinh tế nào (5). Còn ông Nguyễn Xuân Thành, một chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright thì gọi đó là sự chuyển hướng độc quyền từ nhà nước sang tư nhân !
Bất kể thế nào, bất lợi ra sao thì chuyện cũng đã rồi. Ít nhất, Công ty Nước sông Đuống đã chuyển nhượng 34% cổ phần cho một tập đoàn của Thái Lan. Thay đổi nội dung mà chính quyền thành phố Hà Nội đã cam kết với Công ty Nước sông Đuống cách nay vài năm có thể dẫn đến những vụ kiện quốc tế, thiệt hại cho công khố càng thêm khó lường !
***
Thêm một dịp nữa để người Việt phải cảnh giác với "xã hội hóa", với nỗ lực giúp… "dân giàu" theo quan niệm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Công ty Nước sông Đuống là ví dụ mới nhất, không phải ví dụ duy nhất và cuối cùng. Cách nay vài tháng, cũng với lý do hỗ trợ… "dân giàu", các viên chức hữu trách ở Quảng Ngãi đã rút 70 tỉ (tương đương ba triệu Mỹ kim) để làm đường vào Khu nghỉ dưỡng Nghĩa Thuận của Công ty Hà - Mỹ Á (6).
Trước nữa, cũng với quan niệm tương tự, cũng nhân danh "xã hội hóa", nhiều ngàn héc ta đã được giao cho chủ đầu tư các "khu du lịch tâm linh" (7), nhiều ngàn tỉ đã được rút từ công khố để rót vào các công trình hạ tầng, mở đường vào những khu "du lịch tâm linh", chẳng hạn Khu Du lịch Tâm linh Tam Chúc - Ba Sao do Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường làm chủ đầu tư (8). Hỗ trợ làm giàu theo kiểu như thế chắc chắn chỉ tạo ra một nhóm nhỏ cực kỳ giàu có và theo sau là nhiều triệu dân tiến thẳng từ nghèo đến mạt.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/*11/2019
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/thu-tuong-dung-so-dan-giau-cac-dong-chi-a-587068.html
(3) http://vneconomy.vn/mua-nuoc-nha-may-song-duong-gap-doi-song-da-ai-chiu-thiet-20191102135623306.htm
(5) https://nguoidothi.net.vn/co-loi-ich-nhom-trong-san-xuat-va-phan-phoi-nuoc-sach-21513.html
(7) https://plo.vn/thoi-su/ba-tinh-phai-bao-cao-vu-cap-dat-xay-chua-khung-853828.html
Tuần trước, người Đức tổ chức kỷ niệm trọng thể 30 năm ngày dân chúng Đông Đức đập bỏ Bức tường chia đôi Berlin – phân chia nước Đức (9/11/1989 – 9/11/2019).
30 năm, bức tường Berlin.
Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Âu, Trung Á sắp tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày xóa bỏ chính quyền cộng sản trên xứ sở của mình hoặc tách ra khỏi Liên Xô, tuyên bố độc lập.
Nhiều cơ quan truyền thông đã tóm tắt bối cảnh dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và các diễn biến đáng nhớ, kể cả vai trò của những cá nhân đã tạo ra bước ngoặt này trong lịch sử nhân loại.
Miklos Németh, khi ấy vừa là lãnh đạo đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary, vừa là Thủ tướng chính quyền cộng sản ở Hungary là một trong số những nhân vật như thế. Cuộc trò chuyện của AFP với Németh (1) đã được RFI dịch sang tiếng Việt (2) nhân dịp người Đức kỷ niệm 30 năm ngày nước Đức thống nhất có nhiều điểm đáng chú ý :
Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary cảm thấy bế tắc toàn diện về tương lai của cả xứ sở lẫn dân tộc. Họ muốn thay đổi. Tuy là một "quốc gia độc lập, có chủ quyền" nhưng giống như các quốc gia khác ở Đông Âu và Trung Á, Hungary bị Liên Xô – "người bạn lớn xã hội chủ nghĩa" – khống chế. Giống như Ba Lan, Tiệp Khắc,… năm 1956, Hungary từng bị Hồng quân Liên Xô dìm trong bể máu khi muốn thoát ra khỏi sự khống chế này.
Cho dù là đảng viên cộng sản nhưng Németh và những đồng chí của ông xem lý tưởng cộng sản, những đặc quyền, đặc lợi mà chính thể cộng sản ở Hungary mang đến cho họ là thứ yếu so với quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Do "Bức màn sắt" (Iron curtain – hàng rào mà Liên Xô dựng lên ở biên giới Hungary/Áo nhằm ngăn dân chúng các quốc gia Đông Âu vượt biên, trốn tránh nghĩa vụ… "xây dựng chủ nghĩa xã hội") xuống cấp trầm trọng, Németh đã thăm dò ý kiến của Mikhail Gorbachev để dỡ bỏ "bức màn sắt".
Gorbachev khi ấy là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, kiêm Chủ tịch Nhà nước Liên Xô, dẫu là điển hình cho nhóm mà nói theo kiểu của ông Nguyễn Phú Trọng là… "người miền Bắc có lý luận" nhưng Gorbachev không tự đắc về "tiềm lực, vị thế và uy tín" của Liên Xô, không ráng duy trì "quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" của đảng Cộng sản Liên Xô ở cả Liên Xô lẫn Đông Âu vì làm như thế là gây thêm tội ác, Gorbachev hứa với Németh sẽ làm ngơ, sẽ kềm để Liên Xô không thể tái diễn vụ thảm sát như 1956…
Gorbachev chỉ yêu cầu Németh giữ kín nội dung cuộc trao đổi của họ. Để Németh yên tâm, tháng 4 năm 1989, Gorbachev rút 20.000 trong số 100.000 quân nhân Liên Xô trấn đóng tại Hungary về nước. Tháng 4 năm 1989, lực lượng biên phòng Hungary bắt đầu dỡ bỏ "bức màn sắt". Liên Xô không phản ứng nhưng giới lãnh đạo các đảng cộng sản Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania chỉ trích dữ dội và đòi Liên Xô phải can thiệp để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ khối xã hội chủ nghĩa,…
Gorbachev vẫn im lặng. Không còn "bức màn sắt", dân chúng Đông Đức ùn ùn đổ đến Hungary, họ hi vọng có thể vào Áo và có thể băng qua Áo vào Tây Đức. Tháng 8 năm 1989, số người Đông Đức tạm cư trên lãnh thổ Hungary lên tới khoảng 70.000, Hungary không thể cưu mang họ nên Németh quyết định gặp Helmut Kohn – lúc đó là Thủ tướng Tây Đức. Németh kể rằng, sau khi nghe ông ta kể về tình cảnh người Đức trên lãnh thổ Hungary, nước mắt chảy dài trên mặt Kohn…
Kohn muốn làm gì đó nhưng vẫn sợ sẽ xảy ra xung đột giữa khối tư bản và khối cộng sản, ông ta gọi cho Gorbachev, rồi thảo luận với Mỹ, đề nghị hỗ trợ,… Thế rồi mọi thứ diễn ra như một giấc mơ, nằm ngoài sự mường tượng của tất cả các chính khách ở cả hai phía, ba tháng sau, chính dân chúng Đông Đức đứng dậy, tràn tới dỡ bỏ Bức tường Berlin. Đó là cách đơn giản nhất để bước đến tự do, dân chủ, khỏi phải đi đường vòng, sang Hungary, rồi Áo…
***
Thiên hạ đã thảo luận, phân tích rất nhiều về vai trò, công lao của Gorbachev – không chỉ là người đứng đầu mà còn là một điển hình của nhóm… "người miền Bắc có lý luận" nhưng mạnh dạn khước từ đặc quyền, đặc lợi cho chính mình, cho con cháu mình, các cá nhân đồng đảng với mình, vì sau tất cả những gì đã chứng kiến, đã trải qua, Gorbachev tin rằng, chính trị là lĩnh vực của tất cả các giới chứ không phải là "đặc khu" dành riêng cho những cá nhân, nhân danh giai cấp vô sản.
Tương tự, thiên hạ nghiêng mình trước Miklos Németh. Lúc đó Németh mới 40 tuổi và là một nhân vật sáng giá của đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary. Tuy cũng là một điển hình của nhóm… "người miền Bắc có lý luận" và đang giữ vai trò Thủ tướng nhưng Németh mạnh dạn thuyết phục Gorbachev giữ Liên Xô – "người bạn lớn xã hội chủ nghĩa" – đứng bên ngoài tiến trình chọn lựa đường đi của dân chúng Hungary. Thậm chí, khi mật đàm với Gorbachev, Németh còn lưu ý rằng, ngoài việc dỡ bỏ "bức màn sắt", ông sẽ tổ chức một cuộc bầu cử thật sự dân chủ và "sau 40 năm duy trì độc quyền chính trị, đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary sẽ bị dân chúng loại bỏ, Hungary sẽ có một chính quyền mà Liên Xô hoàn toàn không thích" nhưng Gorbachev và Liên Xô nên tôn trọng kết quả ấy.
Với Németh, tôn trọng "ý chí, nguyện vọng" của dân chúng Hungary, để họ tự do thể hiện "ý chí, nguyện vọng" của họ là tối thượng. Cũng vì vậy, Németh không sợ… "tự diễn biến, tự chuyển hóa", không cắt ngân sách dành cho giáo dục, y tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội để mua đủ thứ trang bị, thiết bị vốn chỉ dùng cho quốc phòng (đại liên, hỏa tiễn xách tay, thiết giáp, trực thăng,…), nhằm gia tăng khả năng trấn áp của công an, rồi liên tục tổ chức diễn tập rầm rộ để răn đe.
Trên thực tế, Németh chỉ đảm nhận vai trò Thủ tướng Hungary gần hai năm (11/1988 – 5/1990), sau đó, Németh đại diện cho đảng cộng sản Hungary tái tranh cử vài lần nhưng dân chúng Hungary không chọn ông. Rời chính trường, Németh được mời làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD). Németh cũng từng được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm làm người phụ trách cuộc điều tra về việc sử dụng trái phép quỹ của UNDP dành cho Bắc Hàn (3)...
Vào dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất nước Đức, Németh khẳng định, nếu phải làm lại, ông cũng sẽ làm y như thế, ông hãnh diện khi định mệnh khiến ông có mặt vào thời điểm ấy !
***
Nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Âu sắp kỷ niệm 30 năm ngày chính thể cộng sản cáo chung. Tuy nhiên số phận của những cá nhân thuộc nhóm… "người miền Bắc có lý luận" ở những quốc gia ấy vào thời điểm đó rất khác nhau. Chẳng hạn Nicolae Ceausescu. Ceausescu và vợ bị kết án tử hình ngày 25/12/1989 và án tử hình được thi hành ngay lập tức. Họ là hai người Romania cuối cùng bị tử hình. Hai tuần sau khi chính quyền thật sự thuộc về nhân dân, ngày 7/1/1989, Romania tuyên bố bãi bỏ án tử hình.
Khác với Németh, Ceausescu – Tổng Bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nhà nước Romania – xem yêu cầu tự do bầu chọn người đại diện cho mình là "luận điệu thù địch, phản động". Ngày 17/12/1989, khi dân chúng Timoasara biểu tình, phản đối việc trục xuất một nhân vân chính trị, Ceausescu đã ra lệnh cho quân đội, công an bắn vào đám đông rồi lên chuyên cơ sang thăm Iran. Ba ngày sau, khi trở về Romania, Ceausescu ra lệnh tập hợp dân chúng ở Bucharest (thủ đô Romania) để giáo dục họ…
Giống như trước đó, Ceausescu lên án "các thù địch, phản động ở bên ngoài can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Romania" và tuyên bố sẽ đập tan những âm mưu ấy, đồng thời lưu ý dân chúng Romania phải tự hào về "xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển đa chiều" của Romania và phải bảo vệ thành quả ấy… Tuy nhiên Ceausescu chỉ nói được tám phút thì dân chúng bắt đầu phản đối, người ta hô vang "Timisoara" !.. Cuối cùng, Ceausescu phải ngưng nửa chừng.
Thêm một lần nữa, Ceausescu ra lệnh cho công an, quân đội bắn vào các đám đông càng ngày càng gia tăng về số lượng ở Bucharest… Hôm sau, 22/12/1989 biểu tình bùng phát trên toàn Romania… Trước sự giận dữ của đám đông, Bộ trưởng Quốc phòng Romania tự sát, công an Romania bỏ nhiệm sở, dân chúng tràn vào trụ sở Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Romania. Ceausescu và vợ bỏ lại mọi thứ, chạy lên sân thượng rồi leo lên trực thăng đào tẩu nhưng không thoát (4)...
Sau khi các chính thể cộng sản sụp đổ, tại một số quốc gia như Hungary, đảng cộng sản vẫn được xem như một tổ chức chính trị có quyền hoạt động hợp pháp, các viên chức của đảng, nhà nước, chính phủ, sĩ quan quân đội, công an,… vẫn được đối xử bình đẳng, được hưởng các phúc lợi như mọi công dân khác nhưng tại một số quốc gia khác như Romania thì không, đảng cộng sản bị cấm hoạt động, nhiều viên chức, đặc biệt là các thành viên quân đội, công an bị săn lùng, bị trừng trị…
Lý do dẫn đến sự khác biệt trong cách đối xử như vừa kể rất đơn giản : Những chính thể cộng sản như Hungary tôn trọng sự lựa chọn của đồng bào, còn những chính thể cộng sản như Romania vẫn đinh ninh "bạo lực của chuyên chính vô sản" luôn luôn hữu dụng nên vẫn thản nhiên đánh đập, tống giam, xả súng vào đám đông, giết cả trẻ con, phụ nữ, người già. Hàng ngàn người bị giết trong các cuộc phản kháng ở Timisoara, Bucharest,… đã khóa cứng cánh cửa mà lẽ ra những viên chức của đảng, nhà nước, chính phủ, sĩ quan quân đội, công an,… ở Romania có thể bước qua để đồng hành với dân tộc của họ khi lịch sử sang trang.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/11/2019
Chú thích :
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/ Miklós_Németh
Hạnh phúc vốn trừu tượng, khó định chuẩn vì phụ thuộc vào quan niệm, cảm nhận của từng cá nhân nhưng tại Việt Nam, diện mạo của "hạnh phúc" vừa rõ ràng, vừa đa dạng.
Nguyễn Xô Việt tại hiện trường. (Hình : Trích xuất từ Zing.vn)
Hạnh phúc vốn trừu tượng, khó định chuẩn vì phụ thuộc vào quan niệm, cảm nhận của từng cá nhân nhưng tại Việt Nam, diện mạo của "hạnh phúc" vừa rõ ràng, vừa đa dạng.
***
Nhiều triệu người Việt lại vừa được thưởng lãm diện mạo "hạnh phúc" qua một video clip mà độ dài chỉ vài phút. Video clip ghi lại khung cảnh của một nơi, vừa bán hàng, vừa phục vụ chuyện ăn uống của khách thập phương, khởi đầu ở cảnh một đứa trẻ chừng năm, bảy tuổi, lấy một thứ gì đó từ chỗ bày hàng, toan bước ra nhưng cuối cùng không dám băng qua quầy tính tiền và bỏ món hàng mà nó đã chọn để chạy đến với một gã đàn ông đang ngồi vắt vẻo trên tượng con bò được đặt ở cửa ra vào…
Gã đàn ông có vẻ không hài lòng vì điều đó. Gã nói gì đó và đứa trẻ quay trở lại nơi bày hàng, lấy lại món hàng mà nó đã bỏ xuống. Tuy vẫn còn ngập ngừng nhưng dưới sự hối thúc, khuyến khích từ xa của gã đàn ông, đứa trẻ rụt rè bước qua quầy tính tiền... Vì đứa trẻ lấy hàng mà không trả tiền, hai nhân viên thu ngân (một nam, một nữ) bảo nó dừng lại,... Điều đó khiến gã đàn ông bực mình, y bước xuống khỏi con bò, giựt lấy món hàng khỏi tay đứa trẻ, quay lại chỗ con bò, xé món hàng, gọi đứa trẻ đến bên y, ra hiệu cho đứa trẻ xem y liệng những thứ trong món hàng vào mặt nữ nhân viên thu ngân. Liệng xong, gã đàn ông vừa chửi, vừa bước tới tát vào mặt nam nhân viên đứng ở quầy tính tiền…
Gã đàn ông khắc họa diện mạo của một thứ được xem là "hạnh phúc" tại Việt Nam. Thứ "hạnh phúc" đó tạo nơi những người như gã sự tự tin vào vị thế của mình và đang trao truyền sự tự tin ấy cho đứa trẻ, đẩy nó vượt lên, băng qua tất cả những chuẩn mực cả về đạo đức lẫn luật pháp : Lấy hàng mà không cần thanh toán như mọi người. Nữ nhân viên thu ngân bị liệng đồ vào mặt, nam nhân viên bị tát là vì dám cản trở việc gã huấn luyện đứa trẻ trở nên tự tin như… gã (1) !
***
Thái độ ngông cuồng, lối hành xử càn rỡ của gã đàn ông làm thiên hạ phẫn nộ. Thiên hạ đã xác định được gã là Nguyễn Xô Việt, Thượng úy, làm việc tại Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đứa trẻ trong video clip được gã hối thúc, khuyến khích lấy hàng, không trả tiền là con trai gã ! Rất nhiều người chê trách gã không biết dạy con, làm gương xấu cho đứa trẻ. Tuy nhìn vấn đề như thế là nhân bản nhưng lại hoàn toàn sai về bản chất !
Nếu xem lại video clip một cách cẩn thận, chắc chắn sẽ nhận ra Nguyễn Xô Việt chủ động dạy con gã vượt qua các chuẩn mực. Y khuyến khích con lấy hàng, không trả tiền. Việc y giựt lấy món hàng trong tay đứa con trai - tuy được cha hối thúc nhưng vẫn ngâp ngừng vì tự cảm thấy, cầm hàng hóa băng qua quầy tính tiền mà không thanh toán là sai – rồi liệng món hàng vào mặt nhân viên thu ngân, tát một nhân viên khác là cách y chứng minh cho con y thấy, nó phải nhận ra vị thế hơn hẳn mọi người của cha nó và chính nó.
"Con cán bộ làm cán bộ là ‘hạnh phúc’ của dân tộc" hoàn toàn không ngô nghê và do lỡ lời. Đó là khái quát về diện mạo của một thứ "hạnh phúc" tại Việt Nam, một loại "hạnh phúc" có thể được trao truyền qua nhiều thế hệ giống như một loại di sản có thể thừa kế.
***
Song song với thứ "hạnh phúc" dành riêng cho những kẻ như Nguyễn Xô Việt, tại Việt Nam còn một loại "hạnh phúc" khác dành cho đám đông, những người như cô nhân viên thu ngân bị Nguyễn Xô Việt ném xúc xích vào mặt, như anh nhân viên bị y tát. Loại "hạnh phúc" đó khiến họ phải cúi đầu chịu nhục, không dám có bất kỳ lời nói hay hành động nào để bảo vệ danh dự, phẩm giá của mình.
Loại "hạnh phúc" đó có tính chất đương nhiên nên cả chủ Trạm Dừng nghỉ Hải Đăng lẫn hai nhân viên bị làm nhục vội vàng xác nhận đã… hòa giải, Nguyễn Xô Việt chỉ "hiểu nhầm" vì "nhân viên bán hàng có lời lẽ không hay". Bởi diện mạo "hạnh phúc" ở Việt Nam đa dạng như thế, có sự phân định rõ ràng như thế về thứ bậc, thành ra bất kể video clip hết sức rõ ràng, Công an tỉnh Thái Nguyên vẫn cần một… tháng để… xem xét Nguyễn Xô Việt vi phạm "Quy tắc ứng xử của cán bộ chiến sĩ công an nhân dân" thế nào !
Bên dưới quốc hiệu Việt Nam là ba yếu tố định tính cho Công hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Độc lập, Tự do, Hạnh phúc ! Chắc chắn 39 người Việt thảm tử khi vượt biên vào Anh đã từng rất nhiều lần viết ba yếu tố định tính ấy để tự xác nhận họ "hạnh phúc". Thế thì tại sao họ và hàng triệu người khác vẫn đem tính mạng, tài sản để tìm – đổi một loại "hạnh phúc" khác bởi không thể "tự do" đến Anh như nhiều đồng loại là công dân các quốc gia "độc lập" khác ?
Những dòng tin nhắn ngắn ngủi của Phạm Thị Trà My – một trong 39 nạn nhân – trước khi từ biệt cuộc đời đã làm nhân loại rúng động ! Cô xin lỗi cha mẹ khi không thể đi được đến đích, không thể tìm thấy "hạnh phúc" cho cả cá nhân lẫn gia đình của cô ! Cho dù đó là những bằng chứng bi thảm về sự tồn tại của một thứ "hạnh phúc" khiến thiên hạ sửng sốt, ngậm ngùi nhưng rất ít người Việt băn khoăn. Cha mẹ Trà My và thân nhân 38 người còn lại vừa nắn nót xác nhận họ "hạnh phúc" khi xin được nhận xác chồng, xác con !
Tại sao Nguyễn Xô Việt và nhiều kẻ như y hết sức tự tin và không ngại chứng tỏ chúng có đủ tư cách thụ hưởng thứ "hạnh phúc" dành riêng cho giai tầng "ăn trên, ngồi trốc" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/11/2019
Chú thích :
(1) https://news.zing.vn/nguoi-tat-nhan-vien-khi-bi-nhac-tra-tien-la-thuong-uy-cong-an-post1012015.html
"Bảo hộ công dân" không mới, thỉnh thoảng, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn dùng ! Gần đây, sau khi Anh Quốc phát hiện thảm nạn Essex và có tin một số hoặc toàn bộ 39 nạn nhân thảm tử trên đường xâm nhập Anh Quốc là người Việt, "bảo hộ công dân" được hệ thống công quyền Việt Nam đề cập nhiều hơn.
Một phần trang đầu của website Tôi và Sứ Quán.
Tuần trước, trong một bài viết về thảm nạn Essex, kẻ viết bài này từng đề nghị, muốn biết "bảo hộ công dân" là thật hay do… hoàn cảnh, hãy vào trang "Tôi và Sứ quán" trên facebook, xem những công dân Việt Nam cư trú, học hành, làm việc trên xứ người đang rên siết ra sao khi vẫn bị các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hành hạ, dùng đủ mọi cách để ép phải ói ra tiền nếu muốn đổi hộ chiếu, hay có một số loại giấy tờ như khai sinh, hôn thú,…
Hôm nay, nhóm điều hành "Tôi và sứ quán" loan báo với 32.000 thành viên : Rên siết của họ đã có người nghe ! Chỉ có điều người nghe không phải là Thủ tướng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người nghe cũng không phải là bất kỳ viên chức hữu trách nào thuộc lĩnh vực ngoại giao ở Việt Nam.
Ông Hoàng Hùng – một trong những Quản trị viên của "Tôi và sứ quán" vừa giới thiệu với 32.000 thành viên website "Tôi và Sứ quán" (1). Theo đó, những người thực hiện website này là "một nhóm người Việt Nam đang sống và làm việc ở Silicon Valley" (California – Mỹ). Từ nhiều năm nay, họ là nạn nhân tệ nạn nhũng nhiễu của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Franciso. "Đồng bệnh tương lân", họ gia nhập nhóm "Tôi và sứ quán" trên facebook và phát giác nhũng nhiễu công dân tha hương là vấn nạn "diễn ra nhiều năm nay, ở khắp mọi nơi, chứ không riêng gì ở Mỹ".
Bởi "có chút nghề trong nghề", họ quyết định làm trang web "Tôi và Sứ quán" như "một cách để góp lửa với các anh chị em diễn đàn Tôi và Sứ quán trên facebook". Họ bỏ thời gian "viết chương trình để tự động tải về các bài viết" trên diễn đàn tại facebook, rồi "thống kê theo địa điểm sứ quán, phân loại nhũng nhiễu, tạo thành một báo cáo minh bạch để chứng minh đó là lỗi hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, ở khắp mọi nơi, chứ không phải riêng lẻ như Bộ Ngoại giao giải thích".
Từ lâu, diễn đàn "Tôi và Sứ quán" trên facebook vốn là nơi công dân Việt Nam tư vấn cho nhau về các qui định luật pháp, cách thức đối phó với nhũng nhiễu. Những người thực hiện trang web "Tôi và Sứ quán" hỗ trợ đã tổng hợp, phân loại để đồng bào tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn qua mục "Hướng dẫn làm giấy tờ".
Hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thao thao bất tuyệt về "bảo hộ công dân". Các thành viên của diễn đàn "Tôi và Sứ quán" lẫn những người thực hiện website "Tôi và Sứ quán" thì đã cũng như đang hỗ trợ lẫn nhau để thoát khỏi cảnh bị hệ thống "bảo hộ công dân" của Cộng hòa Xã họi chủ nghĩa Việt Nam ở bên ngoài Việt Nam "chặt đầu, lột da".
Những người thực hiện trang web "Tôi và Sứ quán" khẳng định "đấu tranh với sứ quán là chuyện lâu dài và cam kết sẽ duy trì trang web này cho đến khi nào không còn nạn nhũng nhiễu lạm thu". Báo cáo Minh bạch Sứ quán sẽ được công bố 2 kỳ/năm và sẽ còn dành nhiều thời gian, sức lực cho công việc này.
Ngoài giới thiệu mục tiêu, "Báo cáo minh bạch", "Hướng dẫn làm giấy tờ", những người thực hiện trang web "Tôi và Sứ quán" còn tạo ra các mục : "Đánh giá Sứ quán", "Triển lãm biên lai", "Biểu tình chống lạm thu" và một thư mục về những gì mà hệ thống truyền thông quốc tế từng đề cập về tình trạng hệ thống sứ quán thuộc hệ thống công quyền Việt Nam lợi dụng chức trách "bảo hộ công dân" để "chặt đầu, lột da" công dân cư trú, học hành, làm việc bên ngoài Việt Nam.
***
Có quốc gia nào "bảo hộ công dân" tới mức công dân phải lập những diễn đàn, những trang web như "Tôi và Sứ quán" ? Có quốc gia nào mà hàng chục ngàn công dân sống bên ngoài lãnh thổ phải kêu gọi nhau "chung tay, góp sức cho bộ mặt đại diện của tổ quốc nước ngoài luôn luôn được trong sáng" (2) ?
Bao giờ thì những viên chức hữu trách như Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước thôi tự đắc vì đất nước chưa bao giờ "được" như thế này về "tiềm lực, vị thế và uy tín" (3) ? Bao giờ thì những cá nhân đại diện cho "nguyện vọng và ý chí của nhân dân như Chủ tịch Quốc hội thôi hối thúc đồng bào phải tự vấn "đã làm được gì cho đất nước" (4) để tự vấn chính mình và các đồng chí của mình ? Bao giờ "bảo hộ công dân" trở thành thực chất chứ không nằm ở đầu môi, chót lưỡi" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/11/2019
Chú thích :
(1) https://www.toivasuquan.org/
(2) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/permalink/2504225476293981/
Ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu của tỉnh Thái Bình tại Quốc hội vừa bác bỏ những cáo buộc ông toan siết cổ những người nghèo đang bám vào lề đường để mưu sinh...
Bán buôn của người nghèo ngày giáp Tết.
Tuần trước, khi tường thuật cuộc thảo luận của các đại biểu Quốc hội về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, một số cơ quan truyền thông cho biết, ông Thân bảo rằng, ở Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh nhưng chỉ có 1,7 triệu đóng thuế môn bài, 3,3 triẹu hộ còn lại không đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào cho công quỹ. Ông đã hỏi thăm một phụ nữ bán nước và thuốc lá ở vỉa hè thì cô bảo những người như cô phải đóng nhiều khoản, tổng cộng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Ông Thân ước tính, nếu mỗi hộ kinh doanh đóng 1 triệu đồng/tháng, một năm đóng 12 triệu thì với 3,3 triệu hộ kinh doanh, công khố sẽ có thêm 39.600 tỷ đồng/năm (1)...
Do một số cơ quan truyền thông chỉ tóm lược ngắn gọn như thế, kèm những nghi vấn như "Có thể thu ngân sách 39.600 tỉ đồng từ các hộ bán hàng nước, thuốc lá vỉa hè ?", ông Thân – một người vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - bị công chúng chửi như tát nước vào mặt.
Qua tờ Tuổi Trẻ, ông Thân vừa đề nghị công chúng xem lại biên bản cuộc thảo luận hôm 31 tháng 10 tại Quốc hội để biết chính xác phát biểu của ông.
Ông Thân nhắc lại, ông đã nhấn mạnh, mỗi tháng, những người nghèo đang bám vào lề đường để mưu sinh vẫn phải đóng nhiều khoản nhưng những khoản đó không được chuyển vào công khố là một điều vô lý. Thay vì đóng góp để được pháp luật bảo hộ thì người nghèo mưu sinh ở vỉa hè nộp tiền chỉ để được… "bảo kê" (2).
***
Khi nhờ báo giới giúp phân trần với công chúng, ông Thân nói thêm, tình trạng người nghèo bám vào lề đường để mưu sinh phải nộp tiền "bảo kê" chính là bằng chứng về cái mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn gọi là… tham nhũng vặt !
Con số mà ông Thân ước đoán những người nghèo bám vào vỉa hè mưu sinh ở Việt Nam phải chi hàng năm để nuôi tham nhũng vặt có thể không thật sự chính xác nhưng rất đáng ngẫm nghĩ : 39.600 tỉ/năm ! Tại sao gần 40.000 mỗi năm mà lại xem là… vặt và không cần vội trong phòng – chống ?
Thật ra, sử dụng công quyền như công cụ để thu tiền "bảo kê" những người nghèo bám vào vỉa hè để mưu sinh không phải chuyện mới. Vấn nạn này đã xuất hiện cách nay vài thập niên và càng ngày mức độ tồi tệ càng trầm trọng hơn. Vỉa hè không chỉ là chỗ siết cổ người nghèo để thu lượm những đồng bạc lẻ, đẫm mồ hôi, nước mắt của họ.
Vỉa hè đã trở thành mỏ cho nhiều cá nhân, băng nhóm khai thác. Tháng 3 năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội, khuấy động dư luận khi tuyên chiến với việc phân chia - chiếm dụng vỉa hè. Ông Chung khẳng định, 87% quán bia hơi chiếm dụng vỉa hè ở Hà Nội để kinh doanh có công an "chống lưng". Lúc đó, tại một hội nghị về trật tự giao thông, trật tự đô thị, ông Chung hỏi trưởng công an các phường, chủ tịch, bí thư các quận rằng họ có dám cam kết với ông là các điểm giữ xe, chiếm dụng vỉa hè "không có người nhà của các đồng chí không ?" (3)… Tuy nhiên cuộc chiến mà ông Chung khởi xướng xẹp xuống rất nhanh, vỉa hè Hà Nội vẫn thế !
Tương tự, ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 "tả xung, hữu đột" trong việc "lập lại trật tự" trên vỉa hè quận này. Lúc đó, dẫu ông Hải tuyên bố, không giành lại được vỉa hè, ông sẽ "cởi áo về vườn" nhưng chẳng mấy người tin ông sẽ thành công. Ở Việt Nam và đặc biệt là tại những đô thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,… vỉa hè không phải là vỉa hè, đó là lãnh địa của nhiều băng, nhóm mà hoạt động phục vụ lợi ích cho các viên chức đủ cấp. Cuối cùng, ông Hải cũng đã phải "cởi áo về vườn" (4) !
***
Chuyện siết cổ người nghèo bám vào vỉa hè để mưu sinh, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, chia nhau khoản tiền cỡ 40.000 tỉ đồng, chuyện biến vỉa hè thành mỏ, chia nhau khai thác,… đã kéo dài vài thập niên và trong mắt nhiều người là một thực trạng dù muốn hay không cũng phải chấp nhận.
Thực trạng ấy chỉ ra một điều, trong chỉ đạo – giám sát việc quản trị - điều hành quốc gia, "đảng ta" hoàn toàn bất lực từ những vấn đề dường như… vặt và… nhỏ.
Ngẫm cho đến cùng, sở dĩ bất kỳ khía cạnh nào, lĩnh vực nào, kể cả… vặt và… nhỏ như… vỉa hè, cũng có thể được các cá nhân tham gia vận hành hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khai thác để trục lợi. Không có những khoản lợi ấy, những cá nhân này không còn lý do để trung thành với lý tưởng cộng sản.
Lý tưởng vốn trừu tượng nhưng lý tưởng cộng sản lại là thứ có thể cân, đong, đo, đếm, ước định giá trị ! Chẳng có thời nào, nơi nào mà chức vụ luôn luôn tỉ lệ thuận với và chỉ với mức độ trung thành, càng trung thành thì tài sản cá nhân càng lớn như ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đâu phải tự nhiên mà các đảng viên trung kiên bất chấp luật pháp, hành xử càn rỡ, sau đó thi nhau khoe sang, khoe giàu từ cây bút, kính đeo mắt, đồng hồ đeo tay, quần áo… đến xe hơi, biệt thự... bất kể dân lành lầm than, ta thán. Bởi hiểu đảng một cách tường tận, họ mới dám ngông cuồng, ngạo mạn như vậy.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/11/2019
Chú thích
(2) https://tuoitre.vn/toi-khong-de-xuat-tan-thu-cua-nguoi-ban-nuoc-via-he-20191105162605094.htm
(3) https://tuoitre.vn/180-quan-bia-thi-100-quan-co-cong-an-dung-sau-1274543.htm
(4) https://news.zing.vn/ong-doan-ngoc-hai-khong-phoi-hop-giai-quyet-don-xin-thoi-viec-post1007765.html