Tuần trước, người Đức tổ chức kỷ niệm trọng thể 30 năm ngày dân chúng Đông Đức đập bỏ Bức tường chia đôi Berlin – phân chia nước Đức (9/11/1989 – 9/11/2019).
30 năm, bức tường Berlin.
Nhiều quốc gia ở khu vực Đông Âu, Trung Á sắp tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày xóa bỏ chính quyền cộng sản trên xứ sở của mình hoặc tách ra khỏi Liên Xô, tuyên bố độc lập.
Nhiều cơ quan truyền thông đã tóm tắt bối cảnh dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu và các diễn biến đáng nhớ, kể cả vai trò của những cá nhân đã tạo ra bước ngoặt này trong lịch sử nhân loại.
Miklos Németh, khi ấy vừa là lãnh đạo đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary, vừa là Thủ tướng chính quyền cộng sản ở Hungary là một trong số những nhân vật như thế. Cuộc trò chuyện của AFP với Németh (1) đã được RFI dịch sang tiếng Việt (2) nhân dịp người Đức kỷ niệm 30 năm ngày nước Đức thống nhất có nhiều điểm đáng chú ý :
Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary cảm thấy bế tắc toàn diện về tương lai của cả xứ sở lẫn dân tộc. Họ muốn thay đổi. Tuy là một "quốc gia độc lập, có chủ quyền" nhưng giống như các quốc gia khác ở Đông Âu và Trung Á, Hungary bị Liên Xô – "người bạn lớn xã hội chủ nghĩa" – khống chế. Giống như Ba Lan, Tiệp Khắc,… năm 1956, Hungary từng bị Hồng quân Liên Xô dìm trong bể máu khi muốn thoát ra khỏi sự khống chế này.
Cho dù là đảng viên cộng sản nhưng Németh và những đồng chí của ông xem lý tưởng cộng sản, những đặc quyền, đặc lợi mà chính thể cộng sản ở Hungary mang đến cho họ là thứ yếu so với quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Do "Bức màn sắt" (Iron curtain – hàng rào mà Liên Xô dựng lên ở biên giới Hungary/Áo nhằm ngăn dân chúng các quốc gia Đông Âu vượt biên, trốn tránh nghĩa vụ… "xây dựng chủ nghĩa xã hội") xuống cấp trầm trọng, Németh đã thăm dò ý kiến của Mikhail Gorbachev để dỡ bỏ "bức màn sắt".
Gorbachev khi ấy là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, kiêm Chủ tịch Nhà nước Liên Xô, dẫu là điển hình cho nhóm mà nói theo kiểu của ông Nguyễn Phú Trọng là… "người miền Bắc có lý luận" nhưng Gorbachev không tự đắc về "tiềm lực, vị thế và uy tín" của Liên Xô, không ráng duy trì "quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" của đảng Cộng sản Liên Xô ở cả Liên Xô lẫn Đông Âu vì làm như thế là gây thêm tội ác, Gorbachev hứa với Németh sẽ làm ngơ, sẽ kềm để Liên Xô không thể tái diễn vụ thảm sát như 1956…
Gorbachev chỉ yêu cầu Németh giữ kín nội dung cuộc trao đổi của họ. Để Németh yên tâm, tháng 4 năm 1989, Gorbachev rút 20.000 trong số 100.000 quân nhân Liên Xô trấn đóng tại Hungary về nước. Tháng 4 năm 1989, lực lượng biên phòng Hungary bắt đầu dỡ bỏ "bức màn sắt". Liên Xô không phản ứng nhưng giới lãnh đạo các đảng cộng sản Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Romania chỉ trích dữ dội và đòi Liên Xô phải can thiệp để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, bảo vệ khối xã hội chủ nghĩa,…
Gorbachev vẫn im lặng. Không còn "bức màn sắt", dân chúng Đông Đức ùn ùn đổ đến Hungary, họ hi vọng có thể vào Áo và có thể băng qua Áo vào Tây Đức. Tháng 8 năm 1989, số người Đông Đức tạm cư trên lãnh thổ Hungary lên tới khoảng 70.000, Hungary không thể cưu mang họ nên Németh quyết định gặp Helmut Kohn – lúc đó là Thủ tướng Tây Đức. Németh kể rằng, sau khi nghe ông ta kể về tình cảnh người Đức trên lãnh thổ Hungary, nước mắt chảy dài trên mặt Kohn…
Kohn muốn làm gì đó nhưng vẫn sợ sẽ xảy ra xung đột giữa khối tư bản và khối cộng sản, ông ta gọi cho Gorbachev, rồi thảo luận với Mỹ, đề nghị hỗ trợ,… Thế rồi mọi thứ diễn ra như một giấc mơ, nằm ngoài sự mường tượng của tất cả các chính khách ở cả hai phía, ba tháng sau, chính dân chúng Đông Đức đứng dậy, tràn tới dỡ bỏ Bức tường Berlin. Đó là cách đơn giản nhất để bước đến tự do, dân chủ, khỏi phải đi đường vòng, sang Hungary, rồi Áo…
***
Thiên hạ đã thảo luận, phân tích rất nhiều về vai trò, công lao của Gorbachev – không chỉ là người đứng đầu mà còn là một điển hình của nhóm… "người miền Bắc có lý luận" nhưng mạnh dạn khước từ đặc quyền, đặc lợi cho chính mình, cho con cháu mình, các cá nhân đồng đảng với mình, vì sau tất cả những gì đã chứng kiến, đã trải qua, Gorbachev tin rằng, chính trị là lĩnh vực của tất cả các giới chứ không phải là "đặc khu" dành riêng cho những cá nhân, nhân danh giai cấp vô sản.
Tương tự, thiên hạ nghiêng mình trước Miklos Németh. Lúc đó Németh mới 40 tuổi và là một nhân vật sáng giá của đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary. Tuy cũng là một điển hình của nhóm… "người miền Bắc có lý luận" và đang giữ vai trò Thủ tướng nhưng Németh mạnh dạn thuyết phục Gorbachev giữ Liên Xô – "người bạn lớn xã hội chủ nghĩa" – đứng bên ngoài tiến trình chọn lựa đường đi của dân chúng Hungary. Thậm chí, khi mật đàm với Gorbachev, Németh còn lưu ý rằng, ngoài việc dỡ bỏ "bức màn sắt", ông sẽ tổ chức một cuộc bầu cử thật sự dân chủ và "sau 40 năm duy trì độc quyền chính trị, đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hungary sẽ bị dân chúng loại bỏ, Hungary sẽ có một chính quyền mà Liên Xô hoàn toàn không thích" nhưng Gorbachev và Liên Xô nên tôn trọng kết quả ấy.
Với Németh, tôn trọng "ý chí, nguyện vọng" của dân chúng Hungary, để họ tự do thể hiện "ý chí, nguyện vọng" của họ là tối thượng. Cũng vì vậy, Németh không sợ… "tự diễn biến, tự chuyển hóa", không cắt ngân sách dành cho giáo dục, y tế, thực hiện chính sách an sinh xã hội để mua đủ thứ trang bị, thiết bị vốn chỉ dùng cho quốc phòng (đại liên, hỏa tiễn xách tay, thiết giáp, trực thăng,…), nhằm gia tăng khả năng trấn áp của công an, rồi liên tục tổ chức diễn tập rầm rộ để răn đe.
Trên thực tế, Németh chỉ đảm nhận vai trò Thủ tướng Hungary gần hai năm (11/1988 – 5/1990), sau đó, Németh đại diện cho đảng cộng sản Hungary tái tranh cử vài lần nhưng dân chúng Hungary không chọn ông. Rời chính trường, Németh được mời làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD). Németh cũng từng được Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm làm người phụ trách cuộc điều tra về việc sử dụng trái phép quỹ của UNDP dành cho Bắc Hàn (3)...
Vào dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất nước Đức, Németh khẳng định, nếu phải làm lại, ông cũng sẽ làm y như thế, ông hãnh diện khi định mệnh khiến ông có mặt vào thời điểm ấy !
***
Nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Âu sắp kỷ niệm 30 năm ngày chính thể cộng sản cáo chung. Tuy nhiên số phận của những cá nhân thuộc nhóm… "người miền Bắc có lý luận" ở những quốc gia ấy vào thời điểm đó rất khác nhau. Chẳng hạn Nicolae Ceausescu. Ceausescu và vợ bị kết án tử hình ngày 25/12/1989 và án tử hình được thi hành ngay lập tức. Họ là hai người Romania cuối cùng bị tử hình. Hai tuần sau khi chính quyền thật sự thuộc về nhân dân, ngày 7/1/1989, Romania tuyên bố bãi bỏ án tử hình.
Khác với Németh, Ceausescu – Tổng Bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nhà nước Romania – xem yêu cầu tự do bầu chọn người đại diện cho mình là "luận điệu thù địch, phản động". Ngày 17/12/1989, khi dân chúng Timoasara biểu tình, phản đối việc trục xuất một nhân vân chính trị, Ceausescu đã ra lệnh cho quân đội, công an bắn vào đám đông rồi lên chuyên cơ sang thăm Iran. Ba ngày sau, khi trở về Romania, Ceausescu ra lệnh tập hợp dân chúng ở Bucharest (thủ đô Romania) để giáo dục họ…
Giống như trước đó, Ceausescu lên án "các thù địch, phản động ở bên ngoài can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Romania" và tuyên bố sẽ đập tan những âm mưu ấy, đồng thời lưu ý dân chúng Romania phải tự hào về "xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển đa chiều" của Romania và phải bảo vệ thành quả ấy… Tuy nhiên Ceausescu chỉ nói được tám phút thì dân chúng bắt đầu phản đối, người ta hô vang "Timisoara" !.. Cuối cùng, Ceausescu phải ngưng nửa chừng.
Thêm một lần nữa, Ceausescu ra lệnh cho công an, quân đội bắn vào các đám đông càng ngày càng gia tăng về số lượng ở Bucharest… Hôm sau, 22/12/1989 biểu tình bùng phát trên toàn Romania… Trước sự giận dữ của đám đông, Bộ trưởng Quốc phòng Romania tự sát, công an Romania bỏ nhiệm sở, dân chúng tràn vào trụ sở Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Romania. Ceausescu và vợ bỏ lại mọi thứ, chạy lên sân thượng rồi leo lên trực thăng đào tẩu nhưng không thoát (4)...
Sau khi các chính thể cộng sản sụp đổ, tại một số quốc gia như Hungary, đảng cộng sản vẫn được xem như một tổ chức chính trị có quyền hoạt động hợp pháp, các viên chức của đảng, nhà nước, chính phủ, sĩ quan quân đội, công an,… vẫn được đối xử bình đẳng, được hưởng các phúc lợi như mọi công dân khác nhưng tại một số quốc gia khác như Romania thì không, đảng cộng sản bị cấm hoạt động, nhiều viên chức, đặc biệt là các thành viên quân đội, công an bị săn lùng, bị trừng trị…
Lý do dẫn đến sự khác biệt trong cách đối xử như vừa kể rất đơn giản : Những chính thể cộng sản như Hungary tôn trọng sự lựa chọn của đồng bào, còn những chính thể cộng sản như Romania vẫn đinh ninh "bạo lực của chuyên chính vô sản" luôn luôn hữu dụng nên vẫn thản nhiên đánh đập, tống giam, xả súng vào đám đông, giết cả trẻ con, phụ nữ, người già. Hàng ngàn người bị giết trong các cuộc phản kháng ở Timisoara, Bucharest,… đã khóa cứng cánh cửa mà lẽ ra những viên chức của đảng, nhà nước, chính phủ, sĩ quan quân đội, công an,… ở Romania có thể bước qua để đồng hành với dân tộc của họ khi lịch sử sang trang.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/11/2019
Chú thích :
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/ Miklós_Németh