Cả người dùng mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang đề cập đến hai gói thầu mà theo những qui định hiện hành bị buộc phải bố cáo.
Tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 - 2016 tại Nghĩa Trang Hà Giang - Còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030… Ảnh minh họa.
Bên dưới là phần ghi chép nguyên văn tấm ảnh chụp bản in mục bố cáo của báo Đấu Thầu (1) thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, mà thiên hạ đang chuyển cho nhau xem (2).
372. Bên mời thầu :
Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Hà Tĩnh
Tên gói thầu :
Mua sắm Lễ thắp hương thờ cúng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2019).
Số thông báo: 20190717504-00. Thời điểm đăng tải: 22/07/2019 14:19).
Hình thức LCNT :
Đấu thầu rộng rãi trong nước.
Giá gói thầu :
4.757.200.000
Giá trúng thầu :
4.757.821.400
Nhà thầu trúng thầu:
Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng
Quyết định phê duyệt :
Số 6077/QĐ-SLao động, thương binh và xã hội ngày 22/7/2019
***************
373. Bên mời thầu :
Sở Lao động và Thương binh xã hội tỉnh Ninh Bình
Tên gói thầu :
Mua bánh kẹo tặng người có công và thân nhân liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019).
Số thông báo: 20190714093-00. Thời điểm đăng tải: 22/07/2019 16:38).
Hình thức LCNT :
Đấu thầu rộng rãi trong nước.
Giá gói thầu :
8.728.305.000
Giá trúng thầu :
8.725.400.400
Nhà thầu trúng thầu :
Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng
Quyết định phê duyệt :
Số 307/QĐ-Lao động, thương binh và xã hội ngày 9/7/2019
************
Nhìn một cách tổng quát thì nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, ít nhất có hai địa phương chi 13,5 tỉ đồng cho… lễ thắp hương (Hà Tĩnh) và mang bánh kẹo tặng những người có công cũng như thân nhân liệt sĩ (Ninh Bình).
Nếu chịu khó tìm thêm thông tin liên quan đến hai gói thầu vừa kể tại website do Cục Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư điều hành, nhằm cung cấp dữ liệu về các gói thầu sử dụng công quỹ (3), có thể thấy 13,5 tỉ đó đều trích từ nguồn dành cho "chi thường xuyên".
Qua báo Giao Thông, đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Tĩnh giải thích, "lễ thắp hương" chỉ là cách nói, khoản 4,7 tỉ đã chi cho kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay là để mua quà tặng cho gia đình 23.600 liệt sĩ trong tỉnh.
Tương tự, đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội Ninh Bình bảo rằng, năm nay không phải lần đầu, tỉnh này đã tổ chức đấu thầu để tìm nhà cung cấp quà, tặng 29.000 đối tượng thuộc diện chính sách trong tỉnh từ nhiều năm (4).
Cứ như cách các viên chức hữu trách ở Hà Tĩnh, Ninh Bình trả lời công chúng thì 13,5 tỉ mà hai tỉnh này đã chi cho "lễ thắp hương" và "mua bánh kẹo" là hoàn toàn minh bạch, cần thiết nhằm "đền ơn, đáp nghĩa".
***
Hạ tuần tháng 7 hàng năm là thời điểm Việt Nam rộn ràng những hoạt động tưởng nhớ liệt sĩ và "đền ơn, đáp nghĩa" đối những cá nhân, gia đình "có công với cách mạng", thương binh. Liệu hương hoa, bánh kẹo đã đủ ?
Việt Nam hoàn toàn thống nhất đã 44 năm nhưng vẫn còn vô số gia đình "có công với cách mạng" từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng Campuchia, chống Trung Quốc xâm lược,… đang chờ được nhận hài cốt của những thân nhân đã hy sinh.
Tháng 11 năm 2017, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, từng lưu ý : Còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030… Đó là những người lính đền nợ nước khi chặn đánh quân Trung Quốc xâm lược khu vực biên giới phía Bắc và phản công giành lại lãnh thổ hồi thập niên 1980.
Tướng Cò khẩn khoản xin Quốc hội cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần để đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương (5). Hóa ra, bất kể "ta" liên tục đề cao "đền ơn, đáp nghĩa" nhưng hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, hài cốt liệt sĩ vẫn nằm vạ vật ở rừng sâu, núi thẳm ! "Đền ơn, đáp nghĩa" vẫn chỉ nhắm đến biết ơn anh hùng, liệt sĩ là phải giữ cho đảng ta trường tồn !
Cũng vì vậy, từ khi vấn đề được tướng Sùng Thìn Cò nêu ra, đến nay sắp tròn ba năm vẫn không thấy đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta đả động gì đến việc đáp ứng đề nghị này !
Cứ thử dùng website do Cục Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư điều hành để tìm xem trong hai tháng vừa qua, từ 1/6/2019 đến 31/7/2019 có bao nhiêu dự án liên quan đến "liệt sĩ" nhằm "đền ơn, đáp nghĩa" được đem ra gọi thầu thì sẽ tìm được khoảng 30 kết quả.
Tuy con số đó không phản ảnh chính xác số lượng các gói thầu liên quan đến "liệt sĩ" (không khớp với các dữ liệu tìm thấy trên site "bố cáo" của báo Đấu Thầu, một số gói chỉ có thể thấy trên báo Đấu Thầu, không xuất hiện trên website do Cục Đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư điều hành và ngược lại), đồng thời thiếu nhiều dữ liệu mà pháp luật đặt định (ví dụ giá trị gói thầu) nhưng vẫn có nhiều điểm đáng ngẫm nghĩ.
Chẳng hạn, tuy vẫn còn không thể đếm xuể số gia đình "có công với cách mạng" đang mỏi mòn chờ nhận hài cốt thân nhân vì "thiếu kinh phí" nhưng hai tháng vừa qua, riêng Phòng Lao động, thương binh và xã hội quận Hoàng Mai – Hà Nội đã phát hai thông báo, gọi thầu hai gói cung cấp dịch vụ "đưa đoàn công tác của quận đi thăm di tích lịch sử cách mạng và viếng nghĩa trang liệt sĩ" - một tại "một số tỉnh phía Nam" và một tại "miền Trung" ! Thời gian "công tác" của mỗi đoàn ở mỗi miền là… nửa tháng !
Chẳng lẽ chỉ cần đốt các thẻ nhang, bày những vòng hoa, đọc những diễn văn tràng giang, đại hải bày tỏ sự biết ơn là đủ "đền ơn, đáp nghĩa" ? Liệt sĩ, thương binh, những người đóng góp mồ hôi, máu xương, tuổi trẻ, sức khỏe, sinh mạng thân nhân chỉ cần như thế ? Giữa "chi thường xuyên" cho các gói thầu cung cấp những phần quà vài trăm ngàn để "đền ơn, đáp nghĩa", dựng và tu bổ các đài tưởng niệm, lập các "đoàn công tác" thăm nơi nà/y, viếng nơi kia, với mang hài cốt các liệt sĩ về nhà, điều nào thiết thực hơn ?
Hình như đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta quan niệm "đền ơn, đáp nghĩa" chỉ là như đã thấy, đã biết ! "Đền ơn, đáp nghĩa" hoàn toàn không phải là tạo dựng một xã hội thật sự "công bằng, dân chủ, văn minh" để hậu sinh thật sự "ấm no, hạnh phúc", thành ra càng ngày càng nhiều cá nhân cũng như gia đình có công với cách mạng cũng trở thành… dân oan.
Khi càng ngày càng nhiều cá nhân cũng như gia đình có công với cách mạng vừa công khai bày tỏ sự ân hận, vừa nguyền rủa chính thể mà họ đã từng góp mọi thứ có thể kể cả sinh mạng thân nhân để dựng lên, "đền ơn, đáp nghĩa" có khác gì buôn ơn, bán nghĩa ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/08/2019
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2231023237008704&set=a.572770479500663&type=3&theater
Tòa án huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vừa tuyên bố, các ông : Nguyễn Quỳnh Phong, Hà Văn Nam, Lê Văn Khiên, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng, Trần Quang Hải đã cùng phạm tội "gây rối trật tự công cộng".
Nguyễn Văn Thế, Bộ trưởng Giao thông và vận tải - Ảnh minh họa .
Một người (ông Phong) bị phạt 36 tháng tù, hai người (ông Nam, ông Khiên) bị phạt 30 tháng tù, ba người (ông Quân, ông Hà, ông Hùng) bị phạt 24 tháng tù, nhẹ nhất (ông Hải) cũng bị phạt 18 tháng tù.
Theo Tòa, bảy bị cáo vừa kể đã cùng tranh đấu, đòi Trạm thu phí Phả Lại không thu phí đối với dân chúng địa phương. Ông Nam – người đã tham gia chống nhiều trạm BOT bị dân chúng xếp vào loại "bẩn" đã gợi ý mọi người cùng lái xe đến trạm nhưng không trả tiền phí mà tranh luận đúng sai…
Cả bảy tài xế đã làm như thế vào ngày 31 tháng 12 năm 2018. Giao thông trên quốc lộ 18 đoạn qua Trạm thu phí BOT Phả Lại bị tắc, bộ phận điều hành phải tạm ngưng thu phí và thiệt hại 23 triệu đồng (1)…
***
Phiên xử bảy tài xế bị cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" mới được tổ chức hôm 30 tháng 7, không phải tại trụ sở Tòa án huyện Quế Võ mà ở trụ sở xã Đào Viên thuộc huyện này.
Người sử dụng mạng xã hội đã chuyển cho nhau xem những video clip ghi lại quang cảnh phía trước trụ sở xã Đào Viên : Cổng sắt đóng kín, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, công an địa phương, an ninh, dân phòng, tay lăm lăm dùi cui xếp thành hai hàng dọc con đường chạy ngang trụ sở xã Đào Viên…
Tiếng là "xét xử công khai" song các video clip đang được chuyển đi trên Internet cho thấy, những người quan tâm đến việc xét xử bảy tài xế, cùng bị chặn lại, không cho vào bên trong dự khán nên chỉ có thể đứng ngoài chất vấn : Tại sao tống giam – cáo buộc Hà Văn Nam phạm tội và giờ đem ra xử (?) song từ cảnh sát, công an, tới an ninh nhất mực làm thinh (2).
Hệ thống tư pháp Việt Nam vẫn thường bảo rằng, một trong những mục tiêu mà các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn luôn nhắm tới khi tiến hành điều tra – truy tố - xét xử là "răn đe và giáo dục quần chúng". Tuy nhiên các video clip liên quan tới phiên xử sơ thẩm bảy tài xế, trong đó có Hà Văn Nam thì lại chỉ ra, hoạt động tố tụng không những không thể răn đe, giáo dục được ai mà chỉ làm người ta nổi giận !
Cũng cần nói thêm là không chỉ có nhiều người ở Việt Nam bất bình. Sau khi Hà Văn Nam bị bắt, Amnesty International (Ân xá Quốc tế - AI) - một tổ chức hoạt động vì dân chủ, nhân quyền trên phạm vi toàn cầu – đã xác định ông Nam là tù nhân lương tâm, bị bắt chỉ vì tích cực phản kháng và vận động mọi người tham gia phản kháng các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng "bẩn" một cách ôn hòa…
***
Bởi ông Nam và sáu tài xế khác bị hệ thống tư pháp Việt Nam tống giam, rồi phạt tù vì "gây rối trật tự công cộng" tại Trạm thu phí Phả Lại nên cần nhìn qua xem vì sao cả bảy cùng nhau… phạm tội tại trạm thu phí này ?
Quốc lộ 18 dài 317 cây số, khởi đầu từ Hà Nội, đi qua Bắc Ninh, Hải Dương và kết thúc tại cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh. Tháng 4 năm 2014, Bộ Giao thông và vận tải quyết định "nâng cấp" 57 cây số trên quốc lộ 18, đoạn từ Bắc Ninh đến Uông Bí.
Việc "nâng cấp" được thực hiện theo hình thức BOT. Công ty BOT Phả Lại được chỉ định làm "nhà đầu tư". Năm ngoái, Bộ Giao thông và vận tải loan báo việc "nâng cấp" đoạn quốc lộ 18 vừa kể đã hoàn tất. Công ty BOT Phả Lại đã chi 2.905 tỉ đồng và có quyền thu phí trong 16 năm 3 tháng 2 ngày, tính từ 24/12/2018. Mức phí được chia thành năm nhóm, tùy loại mà các phương tiện giao thông phải trả từ 35.000 đồng/lượt đến 180.000 đồng/lượt (3).
Cũng kể từ đó, dân chúng các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh phản đối dữ dội. Chỉ hai ngày sau khi Công ty BOT Phả Lại tổ chức thu phí đoạn Bắc Ninh – Uông Bí trên quốc lộ 18, báo chí Việt Nam đã thu thập các ý kiến phản đối chuyển cho Bộ Giao thông và vận tải (4) :
- Tại sao chỉ trải lại nhựa trên mặt 57 cây số quốc lộ 18, phần mặt đường thật sự được mở rộng – có thể xem là mới - chỉ dài chừng vài cây số mà ngốn hết 2.905 tỉ đồng nên được thu phí với mức rất cao trong hơn 16 năm ?
- Tại sao chủ các loại phương tiện giao thông đã phải đóng tiền cho Quỹ Bảo trì đường bộ nhưng Bộ Giao thông và vận tải không dùng quỹ này để "nâng cấp" mà lại giao cho Công ty BOT Phả Lại đầu tư rồi bắt thiên hạ trả thêm phí ?
- Tại sao cắt chuyện "nâng cấp" 87 km quốc lộ 18 thành hai dự án riêng biệt : Hết Dự án BOT Bắc Ninh – Uông Bí (dài 57 km) là Dự án BOT Uông Bí – Hạ Long (dài 30 km) và cùng giao cho "con" của Công ty Phát triển Đại Dương để thu hai lần phí ?
Tuy đó là thắc mắc không chỉ của dân chúng các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh mà còn là thắc mắc chung của những người sử dụng quốc lộ 18 và những người quan tâm đến yếu tố BOT càng ngày càng… bẩn nhưng Bộ Giao thông và vận tải không thèm trả lời. Do vậy, một tuần sau, Hà Văn Nam và sáu tài xế vừa bị kết án đem những câu hỏi như vừa kể đến Trạm thu phí Phả Lại hỏi "nhà đầu tư" rồi bị tống vào tù vì dám… hỏi !
Nếu Bộ Giao thông và vận tải tôn trọng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thực hiện yêu cầu "công khai, minh bạch" như hiến pháp, luật pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã minh định và thực thi cam kết "kiến tạo" như chính phủ vẫn lặp đi, lặp lại trong vài năm gần đây thì có vụ án "gây rối trật tự công cộng" hay không ?
"Rối" khởi phát từ đâu và những cá nhân nào cần bị truy cứu trách nhiệm khi các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT thường xuyên làm trật tự công cộng (bao gồm trật tự giao thông) "rối" ?
***
Hà Văn Nam và sáu tài xế vừa bị phạt tù đã bị tống giam từ đầu năm nay nhưng cho đến hạ tuần tháng trước, công trình BOT Bắc Ninh – Uông Bí vẫn "rối" và ảnh hưởng đến trật tự công cộng.
Do cử tri liên tục phàn nàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Ban Dân nguyện của Quốc hội làm trung gian, hỏi Bộ Giao thông và vận tải xem tại sao, đến nay, công trình BOT Bắc Ninh – Uông Bí "vẫn chưa có hệ thống chiếu sáng, hệ thống tiêu thoát nước không đấu nối với hệ thống thoát nước của các khu dân cư dẫn tới tình trạng nước thải được xả tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường".
Thực trạng đó rõ ràng là "gây rối" thật, "gây rối" kéo dài, "gây rối" sau khi dự án được Bộ Giao thông và vận tải công nhận là đã hoàn tất để nhà đầu tư tiến hành thu phí, thật sự nguy hại cho "trật tự công cộng", tại sao hệ thống tư pháp không điều tra và tống giam ai dù có rất nhiều người đáng bị giam tính từ Bộ Giao thông và vận tải trở xuống ?
Đặc biệt là khi Bộ Giao thông và vận tải trả lời bằng văn bản, nhấn mạnh, từ hệ thống chiếu sáng đến hệ thống tiêu thoát nước đang gây ứ đọng, ô nhiễm trên diện rộng không thuộc… phạm vi trách nhiệm của nhà đầu tư mà là những… khiếm khuyết không thể tránh khỏi (5).
Nếu có tai nạn do khiếm khuyết của hệ thống chiếu sáng, hệ thống tiêu thoát nước, ai đó cảm thấy bất bình, đứng dậy "hỏi" về thực hư, về trách nhiệm như Hà Văn Nam và sáu tài xế vừa bị phạt tù, chẳng lẽ chính họ và chỉ họ bị coi là xâm phạm trật tự công cộng, cần cách ly khỏi xã hội ?
***
Hà Văn Nam rồi những Phong, Khiên, Quân, Hà, Hùng, Hải chỉ là phần cộng thêm vào danh sách những cá nhân dám hỏi, dám hành động để chỉ ra các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT ở Việt Nam bẩn như thế nào.
Chẳng hạn trước đó hai tuần là Vũ Ngọc Hoàng bị phạt 18 tháng tù vì tông gãy thanh chắn của Trạm thu phí An Sương – Thành phố Hồ Chí Minh, vốn đã được xác định phải đập bỏ vì hết hạn được phép thu phí (6). Trước nữa chừng một tháng là Nguyễn Quang Tuy bị phạt 24 tháng tù vì chống trả tiền cho Trạm thu phí Bến Thủy - tỉnh Nghệ An (7)…
Tháng trước, vào thời điểm Tòa án huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xử và phạt tù Nguyễn Quang Tuy do "chống người thi hành công vụ", tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã xúm vào chất vấn ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông và vận tải rằng tại sao Bộ Giao thông và vận tải và Bộ Kế hoạch và đầu tư ngăn cản Kiểm toán nhà nước kiểm tra các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT ? Cuối cùng nhờ Kiểm toán nhà nước cương quyết thực hiện công việc của mình, kiểm toán 61 dự án, mới phát giác, các nhà đầu tư đã khai khống về giá trị các gói đầu tư số tiền khoảng… 3.000 tỉ đồng và cũng vì vậy, Bộ Giao thông và vận tải đành cắt đi… 222 năm mà bộ này từng nhân danh nhà nước, cho phép các nhà đầu tư thu phí (8).
Giữa những cá nhân như Hà Văn Nam và ông Nguyễn Văn Thể - người mà quá trình phục vụ cách mạng gắn bó chặt chẽ với sự ra đời, phát triển của các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT ở Việt Nam – ai đáng vào tù hơn ?
Nếu run sợ trước những bản án dành cho các cá nhân dám thắc mắc, dám hành động để đánh động BOT bẩn như thế nào, nguy hại ra sao, có dấu hiệu càng ngày càng giáng xuống nhiều người thì cứ ngoan ngoãn trả phí, tiếp tục ngậm đắng nuốt cay nhìn những người như ông Thể tổ chức hoán vị với những người như Hà Văn Nam. Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/07/2019
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/100013038226152/videos/699819627129305/
(3) https://nhadautu.vn/bot-pha-lai-chuan-bi-chinh-thuc-thu-phi-hoan-von-d16720.html
(7) https://www.sbtn.tv/tai-xe-chong-bot-ban-nguyen-quang-tuy-bi-ket-an-2-nam-tu-giam/
(8) https://plo.vn/thoi-su/bo-truong-nguyen-van-the-khong-mua-lai-tram-bot-838285.html
Quyết định đưa vụ án hình sự xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) vào nhóm đại án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng – Chống tham nhũng sẽ giám sát (1) đặt ra một câu hỏi lớn : Đảng ta sẽ "thịt" hay tha đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ?
Ông Nguyễn Thiện Nhân (phải) trong một lần đến thăm ông Nguyễn Tấn Dũng (Hình : Sài Gòn Giải Phóng)
***
SAGRI là một trong những doanh nghiệp của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Giống như các doanh nghiệp cùng loại (hoặc thuộc Thành ủy, hoặc thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh), SAGRI được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh giao cho đủ thứ công sản (công thổ, công thự, công quỹ) kèm đủ loại ưu đãi để kinh doanh.
Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán SAGRI. Theo đó, SAGRI đã vi phạm hàng loạt qui định về quản lý công sản khi đem 24 khu đất có tổng diện tích 1.900 héc ta ra làm vốn để thành lập các doanh nghiệp mới. Tuy nắm trong tay 45 khu nhà và đất, tổng diện tích lên tới 6.300 héc ta và chỉ đem nhà, đất làm vốn, góp với các doanh nghiệp khác hoặc cho thuê nhưng lợi nhuận của SAGRI liên tục giảm so với mức biểu kiến mà SAGRI phải đạt. Năm 2017, lợi nhuận của SAGRI chỉ đạt 30% mức biểu kiến (2).
Cũng năm ngoái, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết luận thanh tra, theo đó, năm 2016, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI và bà Nguyễn Thị Thúy, Kế toán trưởng của SAGRI, phối hợp với hai công ty du lịch làm giả 10 hợp đồng đưa cán bộ, nhân viên đi "tham quan – học tập kinh nghiệm" ở nước ngoài để chi khống hơn 13 tỉ đồng (3). Giống như Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tại SAGRI đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong sử dụng công sản, điều hành. Hiệu quả của hoạt động đầu tư thấp, thua lỗ triền miên, nhiều liên doanh phải ngưng hoạt động, vốn nhà nước giao cho SAGRI bị tổn thất.
Đó cũng là lý do cả Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cùng đề nghị các viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, xử lý lãnh đạo SAGRI.
Giữa lúc nhiều người tin rằng, ông Lê Tấn Hùng, Tổng Giám đốc SAGRI, em ruột ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chỉ riêng chuyện tổ chức chi khống – chiếm đoạt hơn 13 tỉ đồng - đã đủ để ông Hùng có thể bị phạt chung thân thậm chí tử hình do "tham ô tài sản"... thì tháng 3 năm ngoái, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh chỉ quyết định "khiển trách" ông Hùng và bà Thúy.
Quyết định "khiển trách" vừa kể bị công chúng chỉ trích kịch liệt nhưng tới tháng 10 năm ngoái, bảy tháng sau khi "khiển trách", UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới quyết định nâng hình thức kỷ luật ông Hùng và bà Thúy từ "khiển trách" lên… "cảnh cáo" (4). Thêm bảy tháng nữa (tháng 5 năm 2019), Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh xác định, ông Hùng có : Mười sai phạm phải… "phê bình, rút kinh nghiệm". Bốn sai phạm phải… "khiển trách". Bốn sai phạm phải… "cảnh cáo" và "tổng hợp" các hình thức kỷ luật thì nên… "hạ bậc lương" (5) !
Mất thêm một tháng nâng lên, đặt xuống, tháng 6 năm nay, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mới quyết định "đình chỉ công tác" Tổng Giám đốc SAGRI của ông Lê Tấn Hùng (6) và tuần kế đó mới thông báo quyết định "cách chức" (7). Cần lưu ý là kể từ khi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xem xét kỷ luật ông Hùng theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn "nhất trí" với các hình thức kỷ luật ông Hùng mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng. Cũng vì vậy, đầu năm 2019, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ "cảnh cáo" đồng chí Lê Tấn Hùng rồi… thôi (8) !
Đúng 20 ngày sau khi UBND Thành phố Hồ Chí Minh "nói lại cho rõ", rằng ông Hùng có nhiều sai phạm "rất nghiêm trọng", cho nên quyết định "cách chức" Tổng Giám đốc SAGRI của ông Hùng, hôm 9 tháng 7, Bộ Công an công bố quyết định khởi tố ông Hùng vì "vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" và thực hiện lệnh tạm giam ông Hùng trong bốn tháng, đồng thời áp giải ông Hùng ra Hà Nội để điều tra chứ không đưa ông vào các trại tạm giam của bộ này tại Thành phố Hồ Chí Minh (9).
***
Cứ nhìn vào tiến trình xem xét – xử lý kỷ luật ông Hùng, ai cũng có thể thấy, cả Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lẫn UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng biến chủ trương "tự chỉnh đốn", nỗ lực phòng - chống tham nhũng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) thành một vở hài kịch mà xem đến đâu thiên hạ… rủa đến đó chứ không ai cười.
Ai cũng biết, nếu Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không nhất trí, chắc chắn sẽ không có chuyện UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ "khiển trách", rồi từ từ nâng lên thành "cảnh cáo", thậm chí "tổng hợp" đủ thứ hình thức kỷ luật dành cho 18 sai phạm của ông Hùng mới ra được đề nghị "hạ bậc lương".
Vì lẽ gì mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh phải mất gần hai năm mới nhận ra những sai phạm ở SAGRI nói chung, của ông Lê Tấn Hùng nói riêng, vốn đã được Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh mô tả rất cặn kẽ là… "rất nghiêm trọng" để "đình chỉ công tác", "cách chức" và "nhất trí" chuyển hồ sơ cho công an xem xét ?
Đến nay, UBKT của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 đã phát hành 37 thông cáo báo chí sau 37 đợt xem xét – kỷ luật đảng viên các cấp. Đợt nào cũng có các tổ chức đảng và những đảng viên cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật vì là "người đứng đầu" mà "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát".
Nếu tiến trình "tự chỉnh đốn" và phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" như ông Nguyễn Phú Trọng vừa tái khẳng định hôm 26 tháng 7, tại phiên họp thứ 16 của Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng, đảng ta có xem xét – kỷ luật ông Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Thành Phong không ?
Lẽ nào khi cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng hành xử như… đùa trong xử lý các sai phạm ở SAGRI nói chung, của ông Lê Tấn Hùng nói riêng mà một Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh như ông Nguyễn Thiện Nhân, một Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh như ông Nguyễn Thành Phong vẫn… vô sự ?
Tiến trình xử lý các sai phạm của ông Hùng nói riêng cũng như nhiều đồng chí khác nói chung, từng tạo cảm giác, nỗ lực "tự chỉnh đốn", "phòng – chống tham nhũng" của đảng ta không phải vì thực thi đạo lý hay thượng tôn luật pháp. Đó chỉ là kế hoạch triệt hạ các băng nhóm trong đảng. Bào đệ của ông Lê Thanh Hải – một "Tiểu vương" tại Thành phố Hồ Chí Minh – bị tống giam chỉ vì tương quan giữa thế và lực đã khác trước, thành ra phải dụng… chiêu và phải có… quá trình !
Nếu thật sự tôn trọng đạo lý, luật pháp làm gì ở Thành phố Hồ Chí Minh có những cá nhân hành xử táo tợn như ông Lê Tấn Hùng, làm gì có những ung nhọt như SAGRI, làm gì có những thảm nạn kéo dài suốt hai thập kỷ nhưng vẫn chưa thấy hướng giải quyết bảo đảm hợp tình, thuận lý như Thủ Thiêm ?
Nếu thật sự tôn trọng đạo lý, luật pháp, thật tâm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm gì có chuyện gạt đạo lý, luật pháp qua một bên để "xử lý từng bước" ? Sai phạm của SAGRI, của ông Hùng dù đã rõ ràng nhưng tương quan giữa thế và lực buộc phải khởi đầu tiến trình xử lý bằng… "khiển trách".
Sẽ rất khó hiểu nếu tính chất, mức độ sai phạm của SAGRI nghiêm trọng đến mức cần được Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng giám sát nhưng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Nguyễn Thành Phong tiếp tục được đảng tín nhiệm, không bị đảng truy cứu trách nhiệm như một số đồng chí từng bị đảng "chặt đầu, lột da" trong vài năm gần đây vì là "người đứng đầu" mà "thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát", khiến việc xử lý SAGRI trở thành một mớ bùng nhùng suốt hai năm, tác hại nghiêm trọng đến "niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân" vào nỗ lực "tự chỉnh đốn", cũng như quyết tâm "phòng – chống tham nhũng" của đảng.
***
Chuyện "thịt" hay tha các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong sẽ giúp hiểu ra nhiều điều. Trong đó, điều quan trọng nhất là các đồng chí lãnh đạo đảng hiện nay có thật sự nghiêm minh, có đề cao đạo lý và luật pháp, hay lại tiếp tục dụng… chiêu để loại trừ những đối thủ trong nội bộ đảng và thu phục nhân tâm vốn đã chạm đáy bất bình, chán ngán.
Nếu các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong vô sự dù đã từng nhất trí chỉ "khiển trách", rồi "cảnh cáo",... vừa đấm, vừa xoa, vừa công, vừa thủ, nhằm hạn chế sức đề kháng, tiến từng bước trong việc đưa bào đệ của đồng chí Lê Thanh Hải đến chỗ trở thành bị can chính của một đại án, giờ đã trở thành đặc biệt nghiêm trọng – rõ ràng các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong đã cùng đảng dụng… chiêu.
Một đảng vận hành theo kiểu như thế rõ ràng không phải là tổ chức chính trị có thể cầm nắm tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc. Đó chỉ là một nhóm thảo khấu !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/07/2019
Chú thích :
(2) https://www.tienphong.vn/dia-oc/kiem-toan-phanh-phui-24-khu-dat-cua-tong-cong-ty-sagri-1329114.tpo
(3) https://tuoitre.vn/sai-pham-tai-sagri-ky-luat-canh-cao-ong-le-tan-hung-20181103085740605.htm
(4) https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-le-tan-hung-bi-canh-cao-ve-mat-dang-1042654.html
(5) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-xuat-ha-bac-luong-tong-giam-doc-sagri-le-tan-hung-1422520.tpo
(6) https://vnexpress.net/thoi-su/ong-le-tan-hung-bi-dinh-chi-chuc-tong-giam-doc-sagri-3937669.html
(7) https://vtc.vn/ubnd-tphcm-cach-chuc-tong-giam-doc-sagri-le-tan-hung-d481907.html
(8) https://tuoitre.vn/cach-chuc-ong-le-tan-hung-vi-vi-pham-rat-nghiem-trong-20190620084635818.htm
(9) https://thanhnien.vn/thoi-su/vi-sao-ong-le-tan-hung-bi-bat-giam-1100687.html
Cuối tuần rồi - ngày 26 tháng 7 – bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tố cáo : "Từ tháng 5 đến nay, Việt Nam vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính" và theo bà : "Trung Quốc đang liên lạc với Việt Nam để thể hiện quan điểm của mình" (1).
Hình ảnh tuần duyên Trung Quốc và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)
Trong tương quan Việt – Trung về chủ quyền tại biển Đông, có lẽ thông tin vừa kể là đáng chú ý nhất trong chuỗi thông tin liên quan đến sự kiện Trung Quốc điều động các tàu có vũ trang, hộ tống tàu Haiyang Dizhi 8 vào thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Tố cáo của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng, người Việt nên đòi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam "tuyên truyền, giáo dục" cặn kẽ hơn…
***
Cho đến giờ này, sự kiện Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để thăm dò dầu khí đã được xác định là xảy ra từ đầu tháng 7.
Cũng vì vậy, câu hỏi đầu tiên người Việt nên đòi đảng tổ chức "tuyên truyền, giáo dục" để biết tại sao sau đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội - vẫn cùng chín Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đang nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Quốc hội (như Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội), chính phủ (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Thứ trưởng Ngoại giao), chưa kể hàng loạt viên chức cao cấp khác của Đảng cộng sản Việt Nam (Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Ban Đối ngoại Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang), của chính phủ Việt Nam (Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, Thứ trưởng Công Thương), của các đoàn thể (Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư),… sang thăm Trung Quốc ?
Tại sao không hủy chuyến thăm như một cách phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông ? Tại sao vẫn duy trì phái đoàn với thành phần hùng hậu như vậy để bày tỏ thành tâm, thiện ý với Trung Quốc (2) ?
***
Câu hỏi thứ hai người Việt nên đề nghị đảng tổ chức "tuyên truyền, giáo dục" để biết tại sao trong khi các loại tàu Trung Quốc đang ngang dọc thăm dò dầu khí trong EEZ của Việt Nam mà các cơ quan ngôn luận của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam như báo Nhân Dân, của chính phủ như báo điện tử chính phủ vẫn khẳng định với "đồng chí, đồng bào" rằng, "quan hệ Việt – Trung là tài sản quý báu cần gìn giữ, kế thừa và phát triển" (?), vẫn nhấn mạnh "quan hệ hai nước sẽ phát triển theo chiều sâu, ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới", tiếp tục bày tỏ mơ ước "mở rộng, nâng cao chất lượng hợp tác trên các lĩnh vực, duy trì xu thế phát triển tích cực của quan hệ hai nước" (?). Thậm chí qua Thông tấn xã Việt Nam, ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc còn khoe đã thiết lập khoảng "60 cơ chế giao lưu, hợp tác" và chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn do bà Ngân dẫn đầu "sẽ giúp củng cố sự tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới" (3) !
***
Câu hỏi thứ ba người Việt nên đề nghị đảng tổ chức "tuyên truyền, giáo dục" để biết tại sao ngày 19 tháng 7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công khai lên án Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông, đồng thời loan báo đã tiếp xúc với Trung Quốc nhiều lần qua các kênh khác nhau, đã trao công hàm phản đối (4) nhưng Trung Quốc không thèm bận tâm mà ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, vẫn tiếp tục dẫn một phái đoàn nữa, lần này thay mặt Đảng cộng sản Việt Nam sang Trung Quốc tham dự "Hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa hai đảng cộng sản" ?
Cứ như báo chí Việt Nam tường thuật thì ông Thưởng có "đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển theo luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đà phát triển quan hệ hai nước". Tuy nhiên với thực tế quan hệ Việt – Trung như đã biết, ai tin Trung Quốc sẽ nghe "đề nghị" của ông Thưởng khi mục tiêu chính trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Thưởng - mối quan tâm hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam - vẫn chỉ là ước muốn "thúc đẩy quan hệ hai đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định trong thời gian tới" và tìm kiếm "phương hướng triển khai hợp tác, giao lưu giữa bộ phận tuyên giáo, tuyên truyền hai đảng" (5) ?
***
Từ ba câu hỏi chính như đã đề cập, có lẽ người Việt nên đề nghị đảng tổ chức "tuyên truyền, giáo dục" để tìm lời đáp cho câu hỏi thứ tư : Với đảng, chủ quyền quốc gia tại biển Đông quan trọng hơn hay tìm kiếm hậu thuẫn từ Trung Quốc để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng tại Việt Nam quan trọng hơn ?
Chẳng riêng người Việt, đảng cũng hiểu rất rõ dã tâm của Trung Quốc. Những bài viết trên Nhân Dân, trên báo điện tử của chính phủ, những nhận định của Đại sứ Đoàn Minh Khôi về sự "quý báu" của quan hệ Việt – Trung mà Thông tấn xã Việt Nam phát tán khi bà Ngân dẫn một phái đoàn hùng hậu, đại diện cho cả đảng, lẫn quốc hội, chính phủ, các đoàn thể chính trị tại Việt Nam, sang thăm Trung quốc sau khi đảng cộng sản Trung Quốc vừa tổ chức xong đại hội thứ 19, hoàn toàn không dành cho Trung Quốc, tất cả những lời được gắn cánh để nâng quan hệ Việt – Trung bay cao là dành cho "đồng đội, đồng chí, đồng bào". Ngay cả "đề nghị" của ông Thưởng – được hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam loan báo rộng rãi – cũng vậy. Mục tiêu của tất cả những lời lẽ tốt đẹp hay được tụng ca là "thẳng thắn" đều nhắm vào người Việt, giữ cho họ không quá sốt ruột rồi vọng động, không có lợi cho nỗ lực duy trì sự "ổn định chính trị" tại Việt Nam của đảng.
Đó cũng là lý do tuy đảng không tụng "16 chữ vàng" và "tinh thần bốn tốt" nữa song "tuyên truyền, giáo dục" về quan hệ Việt – Trung vẫn thế, bất kể Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền tại biển Đông, chưa bao giờ chấm dứt những hành động nhằm khẳng định, vùng biển vốn thuộc về người Việt là… của Trung Quốc !
***
Câu hỏi thứ năm người Việt nên đề nghị đảng tổ chức "tuyên truyền, giáo dục" để biết : Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục bày tỏ thành tâm, thiện ý qua việc cử bà Ngân dẫn đầu một phái đoàn hơn 20 viên chức cao cấp sang thăm Trung Quốc, rồi cử ông Thưởng dẫn thêm một phái đoàn khác bày tỏ quyết tâm "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa" theo gương Trung Quốc, bất chấp Trung Quốc đang xâm phạm EEZ của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn không thèm… chứng, vẫn khơi khơi "tố cáo" : "Việt Nam vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc tại bãi Tư Chính" thì trong mắt đảng, quan hệ Việt – Trung có còn "quý báu" hay không ? Trung Quốc xâm hại chủ quyền quốc gia tới mức nào thì quan hệ Việt – Trung mới hết "quý báu" ?
Tại sao nửa tháng sau khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam biển Đông, lúc dư luận đã sôi sùng sục vì người Việt chỉ có thể tìm biết về diễn biến trên hệ thống truyền thông quốc tế, mạng xã hội thì hệ thống truyền thông chính thức mới lên tiếng, Bộ Ngoại giao mới phản đối ? Sự phản đối mạnh mẽ của Bộ Ngoại giao, của hệ thống truyền thông chính thức, kể cả mượn miệng người ngoài để nói về "nhịn nhục và phẩm giá dân tộc" (6) nhằm "đối ngoại" hay "đối nội" ? "Tố cáo" của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy, giống như trước nay, "đối ngoại" là hoàn toàn vô ích, làm sao hữu ích khi Trung Quốc hiểu tường tận đảng muốn gì ! Còn "đối nội", đa số dân chúng đều tự cho là không cần phải bày tỏ thái độ của họ nữa ! Xả "áp suất", giảm áp lực dư luận theo phương thức đó lợi hay hại ? Sẽ dùng được bao nhiêu lần ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/07/2019
Chú thích :
(1) https://www.voatiengviet.com/a/tq-vn-vi-phạm-quyền-chủ-quyền-bãi-tư-chính-từ-tháng-năm/5018482.html
(2) http://baochinhphu.vn/Doi-ngoai/Chu-tich-Quoc-hoi-tham-chinh-thuc-Trung-Quoc/370155.vgp
Tuần này có hai chuyện được người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ bàn luận rôm rả : Hiện trạng liên quan tới chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và ngành giáo dục tỉnh Long An tiếp thị áo lót cho nữ sinh trong tỉnh.
Sở Giáo dục và đào tạo Long An có công văn giới thiệu sản phẩm áo lót giúp doanh nghiệp - Hình minh họa.
Có vài lý do để xem thiên hạ luận gì về chuyện ngành giáo dục tiếp thị áo lót trước khi bàn tới Biển Đông…
***
Không chỉ người sử dụng mạng xã hội mà nhiều cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước chưng hửng rồi sôi sùng sục khi xem qua một công văn do Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cần Đước, tỉnh Long An, phát hành.
Trong công văn ấy, Phòng Giáo dục và đào tạo Cần Đước bảo rằng, vì Sở Giáo dục và đào tạo Long An có "kế hoạch phối hợp – hỗ trợ Công ty Dệt may Nguyên Dung" bán "áo lót kháng khuẩn" nên Phòng Giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường giới thiệu sản phẩm này cho phụ huynh và nữ sinh…
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận định đây là chuyện lạ lùng vì trường học vốn là nơi dạy chữ, dạy làm người, lẽ ra phải trong lành, tại sao lại biến thành chốn kinh doanh, buôn bán xô bồ (1) ?
Nhiều độc giả của tờ báo vừa kể như Lê Hoàng Hiện, Nguyễn Tú, Trần Đăng Ân trả lời : Vì… hoa hồng, vì tiền. Nhiều độc giả khác như Thanh Quảng thì than : Chỉ vì "miếng ăn" mà các viên chức hữu trách trong ngành giáo dục vấy bẩn môi trường giáo dục.
Phản ứng của công chúng trên mạng xã hội gay gắt hơn nhiều. Chẳng hạn ở diễn đàn có tên Nhật ký yêu nước. Nhiều thành viên của diễn đàn này đùa, có lẽ sắp tới, ngành giáo dục sẽ giúp tiếp thị quần lót, băng vệ sinh, bao cao su cho… học sinh cấp hai (2) !
Không dè kiểu nói đùa dường như quá trớn ấy lại gần… đúng ! Một thành viên tên là Trần Tuyển tiết lộ, ngôi trường nơi ông làm việc đã từng tổ chức tiếp thị băng vệ sinh cho nữ giáo viên sau cuộc họp giáo viên toàn trường !
Nguyen Tran một thành viên khác của diễn đàn Nhật ký yêu nước bảo rằng, đó không phải là suy nghĩ nông cạn. Tiếp thị áo lót cho nữ sinh cấp hai trong toàn tỉnh là hám tiền, để tiền che lấp nhân cách.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống giáo dục tại Việt Nam bị sử dụng để tiếp thị - khuyến khích tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và cũng chẳng phải chỉ học sinh mới bị thúc ép mua nón, mua giày, mua đồng phục, mua sữa… và mua cả… tăm, giáo viên cũng là nạn nhân – bị buộc mua đồng phục của nhà cung cấp được chỉ định. Thậm chí Ban Giám hiệu cũng không thoát khi bị cơ quan giáo dục cấp trên "khuyên" hãy ký hợp đồng với một doanh nghiệp chuyên chế biến thực phẩm – cung cấp các suất ăn như mới xảy ra tại Hải Dương... Đó là lý do Đức Lân bảo rằng, Bộ Giáo dục và đào tạo nên bổ sung thêm nhiệm vụ cho hệ thống trường học, ngoài "dạy tốt, học tốt", còn phải "buôn bán tốt" !
Giữa trận bão dư luận, một số thành viên của diễn đàn Nhật ký yêu nước như Tĩnh Tâm, Trinh Tien,… nhắc nhở : Giáo viên không có lỗi, đừng rủa giáo viên. Giáo viên không được hưởng gì. Lỗi là ở thượng cấp ép họ.
Nguyễn Thanh Yên hoang mang, vì lẽ gì mà chỉ cần hứa hẹn cho tiền là lãnh đạo ngành giáo cho phép đủ nơi vào trường học bán bất kỳ thứ gì. Vì sao tình trạng này xuất hiện đã lâu và càng ngày càng trầm trọng, giờ tiếp thị cả áo lót ?
***
Tuy ông Nguyễn Thanh Tiệp - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Long An đã khẳng định với báo giới rằng, cơ quan của ông đã thu hồi công văn yêu cầu các Phòng Giáo dục và đào tạo, khiến các Phòng Giáo dục và đào tạo như Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Cần Đước yêu cầu Ban Giám hiệu các trường cấp hai trong toàn tỉnh giới thiệu áo lót cho nữ sinh, đồng thời thừa nhận đây là "thiếu sót do chủ quan trong ban hành văn bản", ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và hứa sẽ "rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý"… nhưng dư luận vẫn chưa lắng xuống.
Sau khi facebooker Loc Pham bày tỏ sự ngán ngẩm về "thầy bà ngày nay". La Trinh Tường – một thân hữu của ông Loc – nói thêm : Phật chạy, Chúa cũng chịu thua ! Hết thuốc chửa rồi ! Tương tự, Lưu Trường Thủy lắc đầu : Hết sức nhảm nhí. Đúng là một gánh chèo ở cái xã hội đầy nhớp nhúa (3)...
Do đâu ngành giáo dục liên tục phạm đủ loại "thiếu sót do chủ quan" khi vận hành như Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Long An vừa thú nhận và càng ngày càng đổ đốn ? Do thể chế ! Một thể từ thập kỷ này sang thập kỷ khác chỉ "rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý" chứ không thay đổi phương thức quản trị - điều hành, cung cách tuyển chọn - sử dụng nhân sự đảm nhận vai trò quản lý thì xã hội không nhớp nhúa mới là… lạ. Sự kiện hệ thống giáo dục được sử dụng để tiếp thị, phối hợp – hỗ trợ tiêu thụ áo lót trong nữ sinh cấp hai không đơn thuần là vết nhơ của ngành giáo dục.
Khi một ngành như ngành giáo dục đã cũng như đang vận hành theo kiểu như thế thì tiếp thị áo lót cho nữ sinh giống như hỗ trợ để lột trần bản chất thể chế hiện hành. Cứ đối chiếu cho kỹ và ngẫm nghĩ thêm sẽ thấy, với thể chế như hiện nay thì Biển Đông ra sao !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/07/2019
Chú thích :
(1) https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/so-giao-duc-long-an-ban-ao-lot-mot-chuyen-khoi-hai-post200648.gd
(2) https://www.facebook.com/nhatkyyeunuoc1/posts/3003885882971472
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2302429783182460&set=a.227252624033530&type=3&theater
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dài 51 cây số, nối đoạn cao tốc Bến Lức – Trung Lương đến Mỹ Thuận) lại có thể phải ngưng thi công thêm một lần nữa.
Ông Phúc trong cuộc họp chính phủ hồi tháng Tư, 2019.
Công trình xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi công vào giữa năm 2009, dự trù sẽ hoàn tất vào giữa năm 2013. Lúc đầu, Công ty Phát triển đường cao tốc BIDV được chọn làm nhà đầu tư nhưng chưa đâu vào đâu thì BIDV tuyên bố bỏ cuộc. Dự án bị bỏ dở cho tới năm 2015 thì Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận được chỉ định làm nhà đầu tư và dự trù sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Về nguyên tắc, chỉ những doanh nghiệp hội đủ cả năng lực tài chính lẫn năng lực thi công, giàu kinh nghiệm trong quản trị - điều hành mới được chọn làm nhà đầu tư của những dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lại không có tiền nên năm 2016 thì ngưng.
Tổng vốn đầu tư Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ 14.678 tỉ đồng giảm xuống còn 9.668 tỉ đồng nhưng thời hạn hoàn thành được kéo ra đến đầu năm 2020.
Giữa năm 2017, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tái khởi động. Từ thời điểm này, thỉnh thoảng công chúng lại nghe hình thức đầu tư dự án là PPP (hợp tác công tư).
PPP là cách gọi chung về quan hệ hợp tác giữa chính quyền và tư nhân trong việc phát triển hạ tầng giao thông. PPP có nhiều hình thức khác nhau : Hình thức gần như ai cũng biết là BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao, tư nhân tự thiết kế, thi công rồi khai thác, sau khi thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi thì giao công trình cho chính quyền).
Các hình thức còn lại là BT (xây dựng – chuyển giao, tư nhân thiết kế, thi công, khi hoàn thành thì giao công trình cho chính quyền). BLT (xây dựng – cho thuê – chuyển giao, tư nhân bỏ vốn xây dựng rồi cho chính quyền thuê công trình, khi chính quyền trả đủ vốn lẫn lãi thì giao hẳn công trình cho chính quyền), BTO (xây dựng – chuyển giao – vận hành, tư nhân và nhà nước cùng thiết kế, cùng xây dựng, sau đó chuyển giao cho chính quyền quản lý nhưng tư nhân được phép khai thác trong một thời gian nhất định)...
Khi Dự án xây dựng cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tái khởi động, hệ thống công quyền Việt Nam bảo rằng, dự án được thực hiện theo hình thức BOT. Tên của doanh nghiệp được chỉ định làm nhà đầu tư cũng thể hiện điều đó. Tuy nhiên chẳng hiểu chính quyền xem xét, lựa chọn nhà đầu tư thế nào mà Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận lại không tự lo được vốn, việc thực hiện dự án lúc "on", lúc "off" ?
Chuyện thỉnh thoảng thiên hạ nghe bảo rằng, Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương là dự án PPP hình như có liên quan đến chuyện nhà đầu tư dù vẫn là Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (theo tên, phải lo toàn bộ vốn cho đúng kiểu) nhưng vì đột nhiên chuyển cách gọi thành rất chung chung là PPP nên mới có việc chính quyền tỉnh Tiền Giang mạnh dạn lấy 228 tỉ từ công khố tạm ứng cho… nhà đầu tư. Bộ Giao thông và vận tải mạnh miệng kiến nghị chính phủ đề nghị Quốc hội "phân bổ 500 tỉ từ ngân sách để hỗ trợ Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương" (1)…
***
Ai cũng biết cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhưng dù rất nhiều người muốn biết song chắc chắn là rất ít người được cho biết tại sao Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vẫn giữ được vai trò nhà đầu tư chính khi dự án đình trệ ?
Cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã chờ nhà đầu tư Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương ban cho cơ hội phát triển kinh tế - xã hội đã gần năm năm. Lúc Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận được giao trách nhiệm tái khởi động dự án, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn như chỉ mành treo chuông do nhà đầu tư chọn nhầm đối tác !
Khi mời gọi Công ty Yên Khánh tham gia liên danh, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận không dè cổ đông quan trọng nhất trong việc bơm tiền giúp hoàn tất công trình lại "tanh banh, té bẹ" vì sân trước của Công ty Yên Khánh là Công ty Thái Sơn đột nhiên bị… cày xới tung tóe !
Sự kiện Thượng tá Đinh Ngọc Hệ, hỗn danh Út Trọc - sản phẩm của quân đội nhân dân anh hùng, lẫy lừng một thời gian dài từ Bắc vào Nam - đột nhiên rớt từ đỉnh xuống đáy đã khiến toàn bộ hệ thống phía sau Út Trọc mất sân, làm nhiều dự án BOT, dự án BT được giới thiệu đều vì "quốc kế, dân sinh" cùng chao đảo như cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương (2).
Năm ngoái, Công ty Thái Sơn rồi Công ty Yên Khánh trở thành bia cho hệ thống bảo vệ pháp luật ngắm bắn, việc thi công cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương thêm một lần chựng lại. Đó không phải là yếu tố duy nhất khiến hệ thống ngân hàng cảm thấy bất an. Những ngân hàng hứa cho nhà đầu tư vay tiền còn lạnh gáy vì mức lãi mà nhà đầu tư phải trả cho các khoản xin vay là 10,8%/năm, trong khi phương án tài chính xác định khả năng khả năng của nhà đầu tư chỉ có thể đáp ứng ở ở mức 7,8%/năm. Hệ thống ngân hàng hiện đang đòi, vốn tự có của nhà đầu tư phải chiếm 30% giá trị suất đầu tư, chính quyền phải dùng ngân sách hỗ trợ tối thiểu 20,5% tổng mức đầu tư (2.575 tỉ).
Vào thời điểm này, chỉ có 6/25 gói thầu trên công trường xây dựng cao tốc Mỹ Thuận – Trung Lương đang được thực hiện. Nhiều nhà thầu đã ngưng làm việc vì không được nhà đầu tư trả tiền. Một số nhà thầu không còn tiền trả lương cho công nhân. Đại diện Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận vừa kêu gọi các nhà thầu ngồi xuống, cùng xác định "điểm dừng kỹ thuật" để "sẵn sàng tổ chức triển khai lại khi điều kiện thuận lợi".
***
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa giúp Việt Nam duy trì an ninh lương thực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm nhờ gạo và các loại nông sản, thủy sản xuất cảng – trở thành nổi tiếng vì chỉ bị buộc đóng góp chứ không được nhận lại gì. Do thiếu đầu tư thỏa đáng cả về hạ tầng lẫn giáo dục, y tế cộng với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long tụt dần xuống đáy, cư dân khu vực này lũ lượt bỏ xứ tha phương cầu thực.
Trước những chỉ trích kịch liệt về cách đối xử thiển cận, bạc bẽo đối với đồng bằng sông Cửu Long, năm 2017, chính quyền Việt Nam công bố nghị quyết về "phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long". Tháng 6 vừa qua, chính quyền Việt Nam tổ chức đáng giá hai năm thực hiện nghị quyết này. Kết quả vẫn chỉ là chưa có gì đáng kể. đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tiến dần đến chỗ suy kiệt cả về nhân lực lẫn các nguồn lợi tự nhiên.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, tiếp tục thề thốt : Ít nhất hai năm/lần, chính phủ sẽ mở diễn đàn có quy mô lớn để thảo luận, đề ra các giải pháp cụ thể nhằm phát triển đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải chỉ đưa ra một số chủ trương, không kiểm tra, không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện sẽ giống như người ta nói "nước đổ lá môn", chảy tuồn tuột hết. Thêm một lần nữa, ông Phúc thề hàng năm sẽ xem những gì đã nói, đã làm đến đâu và phải làm gì thêm để phát triển đồng bằng sông Cửu Long, giúp khu vực này ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" (3).
Thực tế thì sao ? Hãy nhìn vào Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Tại sao vẫn tìm mọi cách (lấy 228 tỉ từ công khố tạm ứng cho nhà đầu tư, xin Quốc hội trích 500 tỉ từ ngân sách hỗ trợ nhà đầu tư) giúp Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận duy trì tư cách nhà đầu tư, thậm chí với xu hướng như đã thấy, không loại trừ khả năng chính phủ còn trích thêm 2.575 tỉ từ ngân sách để hệ thống ngân hàng yên tâm cho nhà đầu tư vay thêm tiền ?
Khi phần lớn tiền rót vào Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là tiền từ công quỹ và tiền vay ngân hàng chứ không phải nội lực của nhà đầu tư, khi cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là huyết mạch, tạo ra, mở thêm cơ hội cho đồng bằng sông Cửu Long phát triển, tại sao chính quyền không đầu tư trực tiếp vào dự án này mà vẫn để cả khu vực quan trọng như đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang toan tính xác định "điểm dừng kỹ thuật" ?
Tuyên bố của ông Phúc : Không để những gì đã hứa hẹn, cam kết với cư dân đồng bằng sông Cửu Long như "nước đổ lá môn" – chỉ mới cách nay hai tháng. Chẳng lẽ Thủ tướng cũng õng ẹo, cũng đẩy đưa, cũng toan tính lừa tình, trộm cắp niềm tin, nên nói không là… có, chắc chắn là có và Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận chính là bằng chứng sinh động nhất ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/07/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/cao-toc-vua-song-lai-nay-co-nguy-co-chet-vi-het-tien-20190725081634631.htm
Trong ngày 24/07/2019, tờ Lao Động giới thiệu hai bài viết về hai dự án nhiệt điện cùng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo đó, PVN đề nghị chi thêm cho Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (tọa lạc tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) 11.600 tỉ và xin xem xét giải cứu do nhà thầu (Tập đoàn Power Machines của Nga) ngưng thi công vì bị Mỹ cấm vận (1). Còn Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (tọa lạc tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) thì cần được cấp thêm hàng chục ngàn tỉ, nếu không, 32.000 tỉ đã chi để thực hiện dự án này coi như… vứt đi (2).
Cách quản lý và sử dụng công quỹ ở Việt Nam khiến nhiều người cho rằng, trong mắt các viên chức hữu trách thuộc cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền, tiền chẳng khác gì giấy lộn. Ảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 của PVN trị giá 1,6 tỉ USD đã thi công được hơn 82% khối lượng đang gặp khó khi hàng loạt sếp dầu khí bị bắt.
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 lẽ ra đã phải hoàn tất cách nay bốn năm (2015) nhưng tới cuối năm ngoái, lúc nhà thầu phải ngưng thi công vị bị Mỹ cấm vận mới chỉ đạt được 77,5% khối lượng. Không thấy PVN cho biết, đó có phải là lý do khiến tổng vốn đầu tư tăng thêm 11.600 tỉ (từ 29.500 tỉ đồng thành 41.200 tỉ) hay không ? Chỉ biết rằng, giữa nhà thầu chính và các nhà thầu phụ đang có nhiều vướng mắc : Nhà thầu chính không thể thanh toán cho các nhà thầu phụ bằng Mỹ kim. Khối lượng xây dựng và lắp đặt rất thấp do thiếu thiết kế, thiết bị không đồng bộ... PVN đề nghị Thủ tướng lập một Tổ Công tác đặc biệt để… hướng dẫn giải quyết !
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cũng gần giống như vậy. Lẽ ra công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 phải hoàn tất vào năm 2016 nhưng đến nay – quá hạn ba năm - mới chỉ đạt được 84% khối lượng. Do chỉ định nhà thầu (Tổng Công ty Xây lắp dầu khí - PVC) không đủ năng lực, lại còn chi sai nguyên tắc để nhà thầu chiếm dụng 1.080 tỉ, tổng vốn đầu tư cho dự án đã tăng thêm 11.000 tỉ (từ 31.000 tỉ thành 42.000 tỉ) (3). Giống như Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, PVN đang nợ các nhà thầu tham gia Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hàng ngàn tỉ. Nói cách khác, nếu hai dự án này phá sản, không chỉ công quỹ tổn thất khoảng 60.000 tỉ, quốc gia gánh thêm nợ nần mà còn làm nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho dự án phá sản.
***
Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạo ra tình huống "bỏ thì thương, vương thì tội".
"Bỏ" có nghĩa là chấp nhận vứt đi hơn 60.000 tỉ đã rót vào hai dự án, ngược lại – làm cho xong - cũng sẽ phải chi thêm hơn 20.000 tỉ nữa.
Các viên chức hữu trách trong chính phủ và lãnh đạo PVN vừa đồng loạt dọa rằng, không cấp thêm tiền thì hơn 60.000 tỉ sẽ thành gạch vụn và sắt vụn, thậm chí không cấp thêm tiền thì vài năm nữa Việt Nam sẽ thiếu… điện ! Chưa kể ông Trần Sĩ Thanh, Chủ tịch PVN, chỉ trích gay gắt "thể chế, cơ chế, luật pháp" đang bó tay PVN trong việc thực hiện các dự án xây dựng những nhà máy nhiệt điện mà tập đoàn này là chủ đầu tư. Ông cho rằng phải xem những người dám ký phiếu thanh toán là… anh hùng (4).
Tại sao chỉ ký phiếu thanh toán mà… đáng mặt anh hùng ? Đáng mặt anh hùng vì PVN tê liệt, tan tác sau khi lãnh đạo PVN nhiều thời kỳ dắt nhau vào tù vì đủ thứ sai phạm trong đủ loại dự án và Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từng là một trong những lý do khiến những Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch PVN), Phùng Đình Thực (cựu Tổng Giám đóc PVN), Nguyễn Quốc khánh (cựu Phó Tổng Giám đốc PVN), Ninh Văn Quỳnh (Kế toán trưởng PVN), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch, Tổng Giám đốc PVC), Vũ Đức Thuận (Tổng Giám đốc PVC),… bị cách ly hoặc vô thời hạn hoặc có thời hạn với xã hội.
Thưở ấy, trước những thiệt hại tính bằng hàng chục ngàn tỉ đồng, những cá nhân như ông Trần Sĩ Thanh cũng bảo là tại… "thể chế, cơ chế, luật pháp" !
Có lẽ nên bàn chuyện "thiếu điện" và thực hiện các dự án phát triển nguồn điện vào một dịp khác. Lần này, trong phạm vi bài này chỉ xin phép ngắm nghía thêm về "thể chế, cơ chế, luật pháp" – thứ mà khi mở ra như đã mở cho PVN và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã từng làm mất hàng trăm ngàn tỉ và lúc khép lại như ông Trần Sĩ Thanh vừa chỉ trích, hứa hẹn sẽ tiếp tục mất cả trăm ngàn tỉ nữa.
Muốn thể hiện một tỉ, ngoài số 1 người ta còn phải viết thêm chín số 0 – đâu có ít. Vậy mà thất thoát bạc tỉ đã trở thành bình thường đối với quản lý – sử dụng công quỹ tại Việt Nam. Người ta ước đoán, mỗi tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng Việt Nam nặng khoảng 1 gram. Vì một tỉ có 2.000 tờ giấy bạc loại này nên một tỉ gồm toàn giấy bạc loại 500.000 sẽ nặng chừng hai ký. Trọng lượng một trăm ngàn tỉ đối với giấy bạc loại 500.000 vào khoảng 200 tấn - không nhẹ.
Cách quản lý – sử dụng công quỹ ở Việt Nam khiến nhiều người cho rằng, trong mắt các viên chức hữu trách thuộc cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền, tiền chẳng khác gì giấy lộn. Song dẫu là giấy lộn chẳng lẽ cũng không cần tiết kiệm ? Tiền hay giấy lộn đều từ mồ hôi, nước mắt, đời sống hiện tại của 95 triệu công dân Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tương lai của các thế hệ hậu sinh. Khi vận hành loại "thể chế, cơ chế, luật pháp" biến mồ hôi, nước mắt, đời sống hiện tại của dân lành và tương lai con cháu thành giấy lộn, chẳng lẽ ngay cả chuyện chừa giấy lộn cho đồng bào lau mồ hôi, chùi nước mắt đảng ta cũng thấy không đáng để bận tâm ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/07/2019
Chú thích :
(3) https://vtv.vn/trong-nuoc/nhiet-dien-thai-binh-2-co-nhieu-sai-pham-va-doi-von-20190723190755392.htm
Trang web của báo điện tử có tên Doanh nhân và Xã hội đã bất khả dụng (1). Người ta chú ý đến trang web này sau khi Tòa soạn đăng bài : "Con ông Chung khởi nghiệp" (2). Không rõ bài viết này có phải là nguyên nhân khiến Doanh nhân và Xã hội trở thành bất khả dụng hay không nhưng hai ngày sau khi Con ông Chung "khởi nghiệp" được nhiều người dùng mạng xã hội dẫn lại. Doanh nhân và Xã hội đột nhiên… trắng xóa !
Hình : Trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ
Tuy Doanh nhân và Xã hội chẳng còn gì để xem nhưng "Con ông Chung khởi nghiệp" vẫn còn đây đó trên Internet (3). "Con ông Chung" – nhân vật chính trong bài là Nguyễn Đức Hạnh, 20 tuổi, Giám đốc Công ty Arktic, quý tử của ông Nguyễn Đức Chung (cựu Thiếu tướng công an. Hiện là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Đại biểu cho Hà Nội tại Quốc hội, Chủ tịch thành phố kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội).
"Con ông Chung khởi nghiệp" lập lại nhiều chi tiết mà cả người sử dụng mạng xã hội đã kháo với nhau từ lâu và báo giới cũng đã từng đặt vấn đề : Công ty Arktic có trụ sở nằm tại 12 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội là một trong những sản nghiệp của gia đình ông Chung (bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa - vợ ông Chung và Nguyễn Đức Hạnh – con trai ông Chung là chủ Siêu thị Minh Hoa, có cùng địa chỉ với Công ty Arktic). Dưới thời ông Chung, chính quyền thành phố Hà Nội quyết định chỉ mua RedOxy-3C (một hóa phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước) từ Công ty Arktic dù doanh nghiệp này là… chim non, vừa… ra ràng (4).
"Con ông Chung khởi nghiệp" xới lại những thắc mắc kiểu như : Tại sao khi khai báo nhập cảng, Công ty Arktic khai giá mua chỉ có 90 tỉ đồng/420 tấn RedOxy-3C nhưng chính quyền thành phố Hà Nội vui vẻ trả 158 tỉ đồng. Đã có người thử tính thuế và các chi phí khác để chứng minh, những thương vụ mua – nhập – độc quyền cung cấp RedOxy-3C cho chính quyền thành phố Hà Nội đã giúp Công ty Arktic lãi ròng hàng chục… tỉ đồng.
Cho dù chỉ khơi lại chuyện cũ nhưng "Con ông Chung khởi nghiệp" làm bật ra thêm một nghi vấn mới trong việc sử dụng công quyền để bảo vệ lợi ích băng nhóm theo kiểu mafia : Sự kiện Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơn một triệu khối nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch chính là "độc chiêu" nhằm loại trừ đối thủ, bảo vệ thị trường cho Công ty Arktic độc quyền cung cấp hóa phẩm xử lý nước ao hồ, sông rạch ô nhiễm…
***
Tô Lịch là tên một trong những chi lưu của sông Hồng, nối sông Hồng và sông Nhuệ. Do quản trị tồi, sông Tô Lịch đã bị lấp một đoạn nên chỉ còn thông với sông Nhuệ. Những đoạn còn lại, có chỗ trở thành mương, thành cống ngầm, đoạn còn giữ dáng dấp của sông thì ô nhiễm nặng nề từ nguồn nước đến không khí vì đủ thứ chất thải lưu cữu hàng thế kỷ.
Gần đây, chính quyền thành phố Hà Nội bắt đầu cải tạo đoạn sông Tô Lịch may mắn còn hiện hữu, vừa nhằm chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết một đại họa về môi trường, gia tăng khả năng thoát nước cho nội đô, giảm ngập lụt. Tuy nhiên vấn nạn nan giải nhất vẫn còn nguyên : Nước sông vẫn đặc quánh, đen thui, mùi hôi vẫn còn nồng nặc, sông Tô Lịch vẫn là nơi thiên hạ ngán ngại khi phải qua lại…
Cách nay khoảng ba tháng, báo chí Việt Nam đồng loạt đề cập đến sự kiện, thông qua Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật, Công ty Cải thiện Môi trường Nhật - Việt (JVE) tình nguyện làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor. Sau đó, JVE bắt đầu lắp đặt hệ thống sục khí nano và sử dụng các vật liệu tự nhiên được gọi là bioreactor tại một đoạn sông Tô Lịch gẩn ngã tư Hoàng Quốc Việt - Bưởi trong hai tháng nhằm chứng minh, có thể làm sạch sông Tô Lịch chỉ bằng việc kích thích sự phát triển của vi sinh vật có sẵn trong môi trường, thúc đẩy các chất gây ô nhiễm tự phân hủy, phát triển lượng vi sinh vật hữu ích giúp sông tự làm sạch...
Tiến trình thử nghiệm của JVE kéo dài chừng hai tháng… Thế rồi tuần trước, khi nước đã trong, mùi hôi đã giảm đáng kể chỉ còn chờ nghiệm thu thì Công ty Thoát nước Hà Nội đột nhiên xả hơ một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Lượng nước quá lớn và dòng chảy quá mạnh đã khiến toàn bộ vi sinh vật - có thể giúp JVE thành công trong việc thuyết phục cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng Việt Nam giã biệt RedOxy-3C hay những loại hóa phẩm tương tự, chuyển qua ứng dụng công nghệ của Nhật, vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường - trôi sạch !
***
Công ty Thoát nước Hà Nội đã biện giải rằng, quyết định xả hơn một triệu khối nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch nhằm "bảo đảm an toàn thoát lũ cho hồ Tây trong mùa mưa". Đại diện Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật tỏ ra rất sòng phẳng khi xác nhận Công ty Thoát nước Hà Nội có báo trước cho JVE nhưng chỉ mười đến 15 phút sau khi gửi tin nhắn, Công ty Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả nên JVE không thể nào ứng phó để bảo vệ hoạt động thử nghiệm của mình (5).
Song nhiều người am tường hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không xem vụ xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, xóa sạch hoạt động thử nghiệm của JVE là trục trặc đáng tiếc. Qua facebook, Tiến sĩ Lương Ngọc Huỳnh, than : "Các bạn Nhật khổ rồi !". Trong "Các bạn Nhật khổ rồi !", ông Huỳnh kể rằng, ở Hà Nội có một hội mà giới chuyên môn thường gọi là "Hội Quỷ Môn Quan". Hội này có hơn chục giáo sư, tiến sĩ tạm gọi là hội đồng khoa học và hoàn toàn không có thiện chí với những công nghệ mới nếu họ không được tham gia bàn và cãi. Kế đó là các hệ thống quản lý ngành vô cùng lắt léo và bên trong có vấn đề.
Tiến sĩ Huỳnh nói thêm, ông chính là một nạn nhân : Đầu thập niên 2010, nhiều nhóm, nhiều doanh nghiệp đồng loạt giới thiệu hàng loạt công nghệ làm sạch nước nhân dịp Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tiến sĩ Huỳnh và nhóm của ông cũng giới thiệu công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel… Sau nhiều cuộc họp, nhiều buổi báo cáo, tổ chức thử nghiệm cho "Hội Quỷ Môn Quan" xem xét, bởi công nghệ mà nhóm của ông Huỳnh giới thiệu đưa ra chi phí ở mức thấp nhất (8.000 đồng/khối nước), chất lượng nước lại đạt mức từ B2 trở lên (có thể dùng để tắm giặt), họ được cho phép thử nghiệm tại một đoạn sông Kim Ngưu. Sau ba ngày, chẳng biết vì sao, nước bẩn từ khắp nơi đột nhiên đổ vào khu vực thử nghiệm…
Đích thân ông Nguyễn Văn Lạng (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, người trực tiếp theo dõi hoạt động thử nghiệm) điều tra nguyên nhân và lý do cũng y hệt như lý do mới xóa sạch hoạt động thử nghiệm của JVE : Tự nhiên Công ty Thoát nước Hà Nội thấy… cần mở các… cửa cống ! Tất nhiên, sáu tháng vật lộn với "Hội Quỷ Môn Quan", bốn tỉ cho cho thử nghiệm, giới thiệu công nghệ mới, làm sạch nước của ông Huỳnh và bạn bè trôi sạch.
Ông Huỳnh bảo ông nhớ mãi lời một thân hữu : Huỳnh ạ ! Em muốn yêu nước thì em phải… làm đơn ! Sống ở Hà Nội rất lâu ông Huỳnh mới nhận ra, thủ đô Việt Nam "có hoàng thành kiên cố, phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, họ không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận !". Đó cũng là lý do ông tâm tình : Tôi rất thương các bạn Nhật (6) !
**
Chuyện Chủ tịch thành phố Hà Nội chỉ đạo hệ thống công quyền tại Hà Nội dùng RedOxy-3C để xử lý nước ô nhiễm, chỉ mua hóa phẩm này từ Công ty Arktic đã rõ. Báo giới chỉ chưa thể làm rõ tại sao chính quyền thành phố Hà Nội lại chọn Công ty Watch Water và Công ty Nordic Water làm đối tác xử lý nước hồ, lọc nước và ngay sau đó, Công ty Watch Water dành cho Công ty Arktic độc quyền phân phối hóa phẩm RedOxy-3C ?
Tương tự, tại sao tổ chuyên gia được tuyển lựa để "theo dõi các hoạt động và kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ Giáp Bát, Hố Mẻ, Ba Mẫu bằng chế phẩm RedOxy-3C" chưa báo cáo kết quả, chính quyền thành phố Hà Nội đã hối hả thúc ép mua vài trăm tấn heo đó, tổ này có nhiệm vụ thẩm định kế hoạch, phương án thử nghiệm, kiểm tra giám sát RedOxy-3C ?
Cứ như những gì đã xảy ra, Tô Lịch còn lâu mới trong xanh, thơ mộng vì có những trở ngại tuy đã rõ nhưng chưa được làm cho rõ hơn để truy cứu trách nhiệm vì dấn tới là đụng vào "hồng phúc dân tộc" và đụng vào những băng nhóm dùng quyền lực để kiếm tiền và dùng tiền kiếm được để khuynh loát toàn bộ hệ thống từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/07/2019
Chú thích :
(1) https://doanhnhanvaxahoi.vn/
(2) https://doanhnhanvaxahoi.vn/dien-dan/con-ong-chung-khoi-nghiep-1254.html
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=617880222032686&set=a.107680346386012&type=3&theater
(6) https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/1264418757067624
**********************
Con ông Chung "khởi nghiệp"
Trương Châu Hữu Danh, Doanh nghiệp và Xã hội, 19/07/2019
Sau khi hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây ồ ạt đổ vào sông Tô Lịch làm mất toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi đã kích hoạt ; cuốn trôi công sức của chuyên gia Nhật Bản trong gần 2 tháng qua, dư luận băn khoăn với câu hỏi : Xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật (miễn phí) và ngân sách chi gần 160 tỷ mua hóa chất xử lý ở công ty "con ông Chung", cái nào hiệu quả hơn ?
Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản vừa có công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành về việc lùi thời gian thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch thêm 2 tháng, tới ngày 17/9.
Theo công văn này, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản đang được triển khai và kết quả bước đầu rất khả quan dưới cả góc độ kỹ thuật và thực tế cảm nhận của người dân. Tuy nhiên, khi mọi việc đang diễn biến rất tốt thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào đầu nguồn sông Tô Lịch – nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án !
Lượng nước xả ra rất lớn, gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy cuồn cuộn vào khu xử lý từ MỘT cửa xả đầu nguồn duy nhất ! Khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá. Các chuyên gia Nhật phải làm lại từ đầu và cần thời gian trên một tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi. Đến lúc đó, việc lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan.
Ông Võ Tiến Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội, cho biết trong tháng 6 qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đưa chế phẩm Redoxy-3C vào thí điểm một đoạn trên sông Tô Lịch. Cùng thời điểm này, Hà Nội cũng cho thí điểm chế phẩm này ở Hồ Tây. Việc thí điểm chỉ trong vòng một tháng. Sau khi đưa chế phẩm này vào thử nghiệm, bước đầu khu vực thử nghiệm đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có kết quả thử nghiệm khách quan, thành phố đã giao một đơn vị quan trắc độc lập cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội theo dõi các chỉ số, sự thay đổi của nguồn nước và sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố xem xét các bước tiếp theo. Đến nay, chưa rõ kết quả thế nào nhưng việc thí điểm trên sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C thì đã dừng.
Điều đáng quan tâm là, việc xử lý ô nhiễm do các chuyên gia Nhật thực hiện là miễn phí. Báo chí và người dân ghi nhận các chuyên gia Nhật không chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp lội xuống bùn để thực hiện công việc. Việc làm của các chuyên gia Nhật Bản khác hoàn toàn với cách mà chàng sinh viên 20 tuổi con trai Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã làm là mở công ty và bán hóa chất độc quyền cho thành phố xử lý ô nhiễm với số tiền rất khủng.
Theo hồ sơ, ông Nguyễn Đức Hạnh, 20 tuổi, con trai ông Nguyễn Đức Chung, đứng ra mở Công ty trách nhiệm hữu hạn Arktic tại số 12 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa. Trụ sở công ty này được đặt cùng với siêu thị Minh Hoa của gia đình ông Nguyễn Đức Chung. Siêu thị Minh Hoa do vợ ông Chung là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa và con trai ông Chung là Nguyễn Đức Hạnh đứng tên.
Nguyễn Đức Hạnh, con trai ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội. Ảnh trên mạng
Sau khi con trai mở công ty, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo xuất ngân sách mua độc quyền hóa chất RedOxy-3C tại Công ty Arktic. Để giúp Arktic bán được hàng với số lượng lớn dù công ty này chưa từng có kinh nghiệm xử lý ô nhiễm, nhiều sở, ngành ở Hà Nội đã họp bàn liên tục và quyết định chỉ mua duy nhất tại công ty của gia đình ông Chung (con trai ông Chung vẫn đang sống cùng ông) và không mua ở bất cứ nơi đâu.
Theo hồ sơ do Tổng cục Hải quan đang quản lý, chỉ riêng hóa chất RedOxy-3C, công ty con ông Chung đã nhập về khoảng 420 tấn, giá khai báo hải quan khoảng 90 tỷ đồng. Số hóa chất này bán độc quyền cho Hà Nội, theo chào giá của công ty Arktic là khoảng 158 tỷ đồng! Con số chênh lệch giá gần 70 tỷ đồng, sau khi trừ thuế má và chi phí khác, Arktic phải bỏ túi sơ sơ hàng chục tỷ đồng.
Cho đến nay, việc tiêu tốn ngân sách để mua sản phẩm từ công ty con trai ông Chung đã quá lớn, nhưng kết quả xử lý ô nhiễm rõ ràng không khả quan và thành phố vẫn đang nhờ các chuyên gia Nhật Bản xử lý ô nhiễm.
Xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật hay "công nghệ con ông Chung" chưa biết cái nào tốt hơn, nhưng Công ty Arktic do cậu sinh viên 20 tuổi sáng lập đã thu lãi cực lớn từ chỉ đạo mua độc quyền của ông Nguyễn Đức Chung là có thật.
Sau khi dư luận lên tiếng, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cấp dưới thành lập đoàn thanh tra để thanh tra… công ty con mình lập ra. Việc thanh tra có thể cho ra kết quả rất đẹp, rằng không có tiêu cực gian dối, rằng hóa chất này rất tốt và nên sử dụng. Nhưng với cách thức vận hành của Arktic cũng như sự sốt sắng chỉ đạo mua độc quyền của ông Chung, rõ ràng cha con ông không hề trong sáng! Với những gì đang diễn ra, cấp dưới của ông Nguyễn Đức Chung sẽ khó mà "thanh tra" khi chính ông chỉ đạo mua hóa chất từ công ty gia đình ông sở hữu.
Theo Giáo sư Mai Đình Yên – chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam – không có lý gì mà Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hà Nội lại không biết việc các chuyên gia Nhật đang thí điểm dự án trên sông Tô Lịch trước khi xả nước.
"Vì sao lại xảy ra tình trạng như thế ? Nguồn cơn phía sau là gì ? Ai chịu trách nhiệm cho việc này khi mà toàn bộ thành quả gần 2 tháng của các chuyên gia Nhật Bản đã thành công cốc chỉ sau một đợt xả nước" – Giáo sư Yên nêu, đồng thời cho rằng các bên liên quan cần có cái nhìn tổng thể, hãy nhìn đa chiều để đánh giá khách quan vấn đề, nếu không sẽ dễ gây hiểu lầm.
Đảng, Chính phủ khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, làm giàu chính đáng để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và Tổ quốc. Nhưng với cách khởi nghiệp mà cha con ông Chung đang thực hiện tại Arktic, lợi ích cho bản thân và gia đình đã quá rõ, còn lợi ích cho Tổ quốc, thì phải xem lại.
Việc ông Chung cần làm lúc này, là chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra trung ương để vụ việc được khách quan hơn !
Trương Châu Hữu Danh
Dư luận đang sôi sùng sục sau khi Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh công bố ý tưởng thiết lập 34 "cổng thu phí" trước những lối vào khu vực trung tâm thành phố này để thu từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt đối với các loại xe bốn bánh, đồng thời nâng phí đậu xe với những loại xe này lên ít nhất là năm lần so với hiện nay để chống ùn tắc… trong nội ô.
Dân tự tổ chức đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc. BOT cũng là một phương tiện để bóp cổ vặt lông ? Hình minh họa.
Tờ Lao Động "khen" Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là "kiên trì" với ý tưởng thu phí như một giải pháp chống ùn tắc.
Năm 2017, Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh từng giới thiệu kế hoạch thu phí chống ùn tắc nhưng kế hoạch này chết yểu. Chẳng riêng dân chúng mà ngay cả những người đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân (Mặt trận tổ quốc) ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ trích kịch liệt. Ý tưởng thu phí chống ùn tắc bị xem là âm mưu phạm pháp vì vi phạm Luật Phí và Lệ phí (1)…
Bây giờ, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh đã được hưởng "cơ chế đặc thù" (có quyền tự quyết trong một số lĩnh vực liên quan đến phát triển), kế hoạch này đội mồ đứng dậy sáng lòa !
***
Trên mạng xã hội, Đào Tuấn gọi kế hoạch thu phí chống ùn tắc là "lá cờ của chị Hồng Phúc". "Cơ chế đặc thù" cho phép Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chỗ dựa vững chắc để khẳng định : Tuy không có qui định nào cho phép thu phí chống ùn tắc nhưng trung ương đã cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng "cơ chế đặc thù" thành ra chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng điều này để thu phí chống ùn tắc.
Tuấn kể thêm những vận dụng "cơ chế đặc thù", biến thành "cơ hội" như : Tăng phí đậu xe, tăng phí đối với nước thải công nghiệp,… và dự đoán sẽ còn nhiều thứ thuế, phí nữa ra đời nhờ "cơ chế đặc thù" và nhận định : Nói như kiểu chị "Hồng Phúc của dân tộc" thì "cờ đã đến tay", đã có "cờ", cứ thế mà phất. Nếu "đặc thù" trở thành "cờ" như thế, chẳng biết cờ sẽ đỏ màu gì nữa (2) ? !.
Ngô Nguyệt Hữu xem kế hoạch thu phí chống ùn tắc cũng giống như chuyện ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – kêu gọi… chống tham nhũng. Chống ùn tắc bằng cách dựng 34 trạm thu phí là một giải pháp buồn cười vì chắc chắn, ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn do chặn đường thu phí. Hữu nhắc ông Trần Ngọc Lâm – tân Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh - nên tìm cách hoàn thành sớm những hạng mục cải tạo đường (như đường Cao Lỗ), cải tạo cầu (như cầu chữ Y), các giải pháp chống ngập,… gỉam ùn tắc chứ không nên "xách thòng lọng đi lang thang".
Facebooker đồng thời cũng là nhà báo này lưu ý, Công ty Tiên Phong (ITD) đã tiềm phục từ năm 2012 để thực hiện cho bằng được kế hoạch tổ chức thu phí tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục gạt ý tưởng "xàm xí đú" ấy đi, ngay cả Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân cũng lắc, tại sao bây giờ Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong lại đồng ý ? Gật đầu là vì ai, vì ITD hay vì dân (3) ?
Cũng nhìn kế hoạch thu phí chống ùn tắc như Ngô Nguyệt Hữu, Võ Đức Phúc cho rằng, cứ gọi thẳng kế hoạch này là "bóp cổ" sẽ khiến người nghe cảm thấy dễ chịu hơn là phân biện theo kiểu "giảm ùn tắc, chống kẹt xe". Phúc thắc mắc, giới lãnh đạo Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có "ăn uống" gì với ITD không mà đời nào cũng chăm chăm nhắm vào việc thực hiện kế hoạch bóp cổ dân thu phí ?
Theo Phúc, mạng trạm thu phí sẽ vây nội ô như một hệ thống đồn bót, dồn dân tới chỗ phải đưa cổ để bị bóp. Ai dám cam kết thu phí chống ùn tắc sẽ khiến nội ô không kẹt xe. Xe hơi giảm nhưng còn xe hai bánh gắn máy đổ vào nội ô thì sao ? Tiền thu được từ các trạm thu phí chống ùn tắc sẽ dành vào việc gì ? Để xây những công trình "rửng mỡ" như nhà hát ở Thủ Thiêm hay để bù vào khoản 26.000 tỉ mà Thanh tra của chính phủ vừa buộc Thành phố Hồ Chí Minh nộp lại ?.. Phúc khuyên, muốn khai thác "cơ chế đặc thù" cũng phải lường tới cảm xúc và nỗi khổ của dân chúng. Bóp cổ kiếm tiền thì chỉ nên bóp một lần, ví dụ thêm thuế, thêm phí khi đăng ký xe. Ngày nào cũng bóp thì ngay cả "lon" và "lu" cũng sống không nổi, nói gì tới dân (4).
Giống như nhiều facebooker khác, Hoàng Nguyên Vũ than rằng, Thành phố Hồ Chí Minh càng ngày càng… lạ ! Hết "đội lu" chống ngập giờ lập cả bầy "đội thu" chống tắc đường. Tiếng là chống ùn tắc nhưng Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chỉ xoáy vào một chuyện, rằng sẽ chỉ mất chừng hai năm là thu hồi đủ 250 tỉ đầu tư vào thiết lập 34 trạm thu phí ! "Thông minh" đến thế này thì dân tộc này "hồng phúc" quá ! Cứ "thôn làm" mà "đội thu" thế này, có mà mở nát cả lon cũng không hết ùn ứ đâu, các ông bà "đội lu", "đội thu" ạ (5) !
***
Bất bình, thậm chí phẫn nộ nhưng khó có cửa chặn kế hoạch thu phí chống ùn tắc, rõ ràng "cơ chế đặc thù" giống như một tấm bùa hộ mạng cho kế hoạch này và nhiều kế hoạch tương tự. Dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có "cơ hội" hưởng thêm "hồng phúc". Đó là loại "cơ hội" không muốn cũng bị buộc phải đón nhận. Nhân kế hoạch thu phí chống ùn tắc, Phuong Ngo, một facebooker khác, mới phác lại diện mạo của "cơ hội" ấy qua câu chuyện liên quan tới Trạm thu phí An Sương (6).
Tuy đã hết thời hạn được phép thu phí nhưng các phương tiện qua lại vẫn phải trả tiền cho Trạm thu phí An Sương vì có thêm bốn cây cầu trên đoạn An Sương - An Lạc. Bởi chi phí xây dựng bốn cây cầu này nằm trong gói 26.000 tỉ giải quyết ùn tắc, rồi Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tự tiện chuyển thành dự án BOT để duy trì Trạm thu phí An Sương nên dân chúng đòi phải dẹp bỏ.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vừa trả lời yêu cầu dẹp bỏ ấy bằng bản án 18 tháng tù dành cho Văn Ngọc Hoàng. Hoàng – 35 tuổi là một tài xế lái xe chở container. Tối 5 tháng 3, khi lái xe ngang Trạm thu phí An Sương, giống như nhiều người dân khác, tin rằng trạm thu phí này chặn đường đòi mãi lộ bất hợp pháp, Hoàng không chịu trả tiền và vì bị cản đường, Hoàng cho xe tông gãy thanh chắn... Hồi đầu tuần này, Tòa án xác định Hoàng phạm tội "cố ý gây hư hỏng tài sản" (7)…
Thôi thì ráng chấp nhận tình trạng mà Bich Nguyen X gọi là bị "vặt lông". Bich bảo rằng, có rất nhiều cách để hạn chế xe bốn bánh vào nội ô, ví dụ như dựng hệ thống biển cấm – cấm hẳn. Ví dụ như chỉ cho xe có biển số chẵn được vào nội ô những ngày chẵn hoặc ngược lại sẽ hạn chế khoảng 50% lưu lượng,… tại sao không chọn mà dứt khoát phải chi 250 tỉ, thiết lập 34 trạm thu phí ? Đó chẳng phải là "vặt lông" để làm cho túi đầy hơn sao (8) ?
***
Bóp cổ thì sao ? Vặt lông thì sao ? Muốn phản kháng cứ nhìn vào án tù đã dành cho nhiều người chống lạm thu. "Hồng phúc dân tộc" đã ban, ráng mà tận hưởng "cơ hội" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/07/2019
Chú thích
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/thien-la-dia-vong-744702.ldo ?
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2423992247623343&set=a.101602139862377&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/ngonguyethuu/posts/2884969388243601
(4) https://www.facebook.com/NgocBaoChau9999/posts/768324760285938
(5) https://www.facebook.com/permalink.php ?story_fbid=10205875088912668&id=1721755473
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=439962143525085&set=a.124904255030877&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/bich.nguyenx/posts/2412905832102113
Cách thức xử lý hai vụ gian lận thi cử, một ở Sơn La, một ở Hà Giang, vừa cho thấy tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hết sức nghiêm minh, vừa chứng tỏ nỗ lực… tự chỉnh đốn của đảng ta quả là phi phàm và… "nhân văn" đã vượt qua mọi giới hạn để dẫn dắt chúng ta đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt !
Quan chức Bộ Giáo dục và đào tạo họp báo về gian lận thi tốt nghiệp ở Hà Giang hồi tháng Bảy, 2018.
***
Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La vừa công bố cáo trạng liên quan tới vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông xảy ra hồi năm ngoái ở tỉnh này.
Theo đó, cơ quan thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hành quyền công tố tại Sơn La, hoàn toàn nhất trí với công an tỉnh – cơ quan bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Sơn La - trong việc xác định tám bị can : Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La), Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (Phó Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La), Đặng Hữu Thủy (Hiệu phó trường Trung học phổ thông Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (sĩ quan Bảo vệ chính trị nội bộ - Công an Sơn La), , Đỗ Khắc Hưng (sĩ quan Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an Sơn La) – chỉ phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (1).
Cho dù có đủ bằng chứng xác định, các bị can câu kết chặt chẽ trong tất cả các khâu liên quan đến gian lận điểm thi của hơn 40 thí sinh, thậm chí có bốn bị can vừa thú nhận đã lấy cả tỉ đồng để sửa bài – nâng điểm cho thí sinh, vừa tự giác nộp lại cho cơ quan bảo vệ pháp luật những khoản tiền "do phạm tội mà có" nhưng cả Công an Sơn La lẫn Viện Kiểm sát Sơn La đều không cho rằng đó là "nhận hối lộ". Cơ quan bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Sơn La và cơ quan giám sát hoạt động điều tra – thực thi pháp luật xã hội chủ nghĩa, thay mặt Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hành quyền công tố nhất trí với nhau rằng, lời khai – vật chứng (số tiền "do phạm tội mà có" đã được các bị can tự nguyện nộp lại) chỉ cho thấy có dấu hiệu của nhiều tội liên quan đến tham nhũng : "Môi giới hối lộ", "đưa hối lộ", "nhận hối lộ"… nhưng… không đủ "căn cứ truy tố" (2).
Sau khi Công an Sơn La khởi tố vụ án dính líu đến gian lận thi cử ở Sơn La hồi năm ngoái, 44 thí sinh từng được sửa bài thi nâng từ 2,22/30 điểm đến 26,55/30 điểm, có một số trường hợp, bài thi được sửa đến hai lần mới đạt yêu cầu theo… đơn đặt hàng (3), có một thí sinh chẳng hiểu vì sao rớt khỏi danh sách sửa bài – nâng điểm trong Kết luận Điều tra của Công an Sơn La và Cáo trạng của Viện Kiểm sát Sơn La. Số thí sinh dính líu đến scandal sửa bài – nâng điểm chỉ còn… 43 ! Có nghĩa là chỉ còn 43 gia đình thắc thỏm nhưng giờ, cha mẹ của 43 thí sinh này đã có thể thở phào vì không có bị can nào trở thành bị cáo vì "nhận hối lộ". Đã không có bị cáo "nhận hối lộ" thì tất nhiên không có bị can "đưa hối lộ", không cần kỷ luật cán bộ, đảng viên nào có con em, cháu chắt được sửa bài, nâng điểm !
Nhìn một cách tổng quát, các cơ quan bảo vệ - thực thi pháp luật tại Sơn La đã hành xử rất nhất quán với tiêu chí chung của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ở Hà Giang, tỉnh mà năm ngoái, có hơn 100 thí sinh được sửa bài – nâng điểm cũng thế. Cả Công an Hà Giang lẫn Viện Kiểm sát Hà Giang nhất trí không có bị can, bị cáo nào vụ lợi. Việc tổ chức sửa bài thi – nâng điểm thuần túy là… nhân đạo (4) ! Giống như Sơn La, lúc đầu, Hà Giang xác định có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm nhưng khi Công an Hà Giang kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát hoàn tất cáo trạng thì chỉ còn 107 thí sinh có liên quan tới scandal này (5). Xét về khía cạnh… nhân đạo, Hà Giang không hề thua kém Sơn La.
Nếu Sơn La tha cho tám bị can – nay chính thức là bị cáo - tội "nhận hối lộ" thì Hà Giang cũng tỏ ra không hề thua kém trong đối xử với đồng đội, đồng chí. Cả Công an Hà Giang lẫn Viện Kiểm sát Hà Giang đã khai thác tối đa các "tình tiết giảm nhẹ" hình phạt cho năm bị cáo qua Kết luận Điều tra và qua Cáo trạng. Khi Công an Hà Giang, Viện Kiểm sát Hà Giang đã… nhân đạo như thế thì tất nhiên, các bị can – nay cũng đã chính thức trở thành bị cáo – phải hết sức kiên định trong việc nhất loạt khẳng định, chuyện câu kết để sửa bài, nâng điểm chỉ thuần túy là… giúp đỡ vô vụ lợi.
***
Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng đồng loạt bày tỏ ước muốn ứng xử… nhân văn, không công bố danh tính những thí sinh liên quan tới các scandal về gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái.
Giờ thì đã rõ, sự trăn trở ấy không đơn thuần là bảo đảm yếu tố… nhân văn đối với những đứa trẻ chập chững vào đời mà chủ yếu nhằm giúp cha mẹ chúng an vị, tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Cho đến giờ này, chỉ có một phụ huynh của 188 thí sinh ở Sơn La, Hà Giang, dính líu đến các scandal về gian lận thi cử bị xử lý là ông Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang). Nếu ông Khuông đừng là bị can, rồi là bị cáo, dính líu trực tiếp tới hoạt động sửa bài – nâng điểm ở Hà Giang, có lẽ sẽ chẳng có ai đả động đến việc truy cứu trách nhiệm của ông vì con của ông được sửa bài – nâng điểm. Ông sẽ tiếp tục cùng với 117 phụ huynh khác "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", cùng đảng thực hiện… tự chỉnh đốn, thề không chừa chỗ nào là vùng cấm cho tham nhũng, tiêu cực để xây dựng tại Việt Nam một "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"...
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/07/2019
Chú thích
(3) https://tuoitre.vn/gian-lan-diem-thi-o-son-la-muon-diem-nao-duoc-diem-do-20190526145732349.htm