Chiều 15 tháng 8, ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Giao thông vận tải Việt Nam hứa với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam rằng sẽ sớm thông báo kết quả giải quyết vụ Trạm Thu phí Cai Lậy (1).
Trạm thu phí Cai Lậy trên truyền thông nhà nước.
Trước đó nửa ngày, vào rạng sáng 15 tháng 8, Công ty BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – doanh nghiệp thiết lập và điều hành Trạm Thu phí Cai Lậy đã rút toàn bộ bảo vệ, nhân viên thu ngân khỏi trạm này. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tiền Giang tuyên bố, chưa biết bao giờ Trạm Thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại (2).
Tuy giới tài xế và dân chúng tạm thắng nhưng cuộc chiến giành lẽ công bằng, chống áp đặt trong giao thông, rộng hơn là trong những sinh hoạt khác của xã hội Việt Nam có vẻ sẽ còn rất dài…
***
Với lý do giảm kẹt xe trên quốc lộ 1 tại đoạn chạy ngang Cai Lậy, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam đã cho phép Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang mở một con đường chạy vòng bên ngoài Cai Lậy. Những con đường chạy vòng bên ngoài các khu thị tứ được gọi nôm na là "đường tránh".
Đường tránh Cai Lậy bắt đầu được khai thác từ 1 tháng 8. Đáng lưu ý là dù chỉ đầu tư – khai thác đường tránh Cai Lậy nhưng Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang lại được phép đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, thành ra xe cộ có dùng đường tránh Cai Lậy hay không vẫn phải trả phí.
Điều khiến cả giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe lẫn dân chúng thêm phẫn nộ là mức phí rất cao. Phí trả cho việc sử dụng cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, dài 40 cây số đối với xe từ bảy chỗ trở xuống chỉ có 40.000 đồng/lượt. Còn phí mà Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang thu đối với xe cùng loại lên tới 35.000 đồng/lượt, trong khi chiều dài của đường tránh Cai Lậy chỉ 12 cây số.
Biết là có kêu cũng chẳng thấu "Trời", giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe bắt đầu dùng tiền lẻ - "tuyệt chiêu" từng hạ gục Công ty Cienco 4, doanh nghiệp bỏ tiền ra nâng cấp, mở rộng đoạn quốc lộ 1 gần cầu Bến Thủy, nối hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Do được phép đặt trạm thu phí ở các đầu cầu Bến Thủy sau khi chính quyền Việt Nam dùng công quỹ, tách cầu ra làm đôi cho hai hướng lưu thông khác nhau, nên Cienco 4 đột nhiên được phép buộc tất cả các loại xe bốn bánh qua cầu Bến Thủy phải nộp phí, bất kể tài xế có sử dụng đoạn quốc lộ 1 mà Cienco 4 đã đầu tư hay không. Cả dân chúng Nghệ An, Hà Tĩnh lẫn tài xế khiếu nại nhiều lần, thậm chí tổ chức biểu tình nhưng không ăn thua. Đến tháng 4 năm nay thì xảy ra hiện tượng, nhiều tài xế bám theo nhau cho xe bò qua cầu Bến Thủy, khi tới Trạm thu phí, họ trao cho nhân viên thâu ngân một bọc tiền lẻ có mệnh giá nhỏ nhất - 500 đồng, vốn không còn ai dùng nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa thu hồi nên về lý thuyết vẫn còn giá trị sử dụng. Bởi nhân viên thâu ngân phải kiểm đếm rất lâu, xong xe này lại gặp xe khác nên giao thông xuyên Việt bị nghẽn. Công an không thể tạm giữ xe trả phí bằng tiền lẻ vì "cản trở giao thông", cũng chẳng thể bắt ai "gây rối trật tự công cộng"... Cuối cùng, chính phủ Việt Nam phải ra lệnh dẹp bỏ Trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Sau khi phải nhận tiền lẻ của một số tài xế, sợ sẽ rơi vào tình cảnh như Công ty Cienco 4, ngày 5 tháng 8, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chủ động phát cảnh báo, sẽ yêu cầu công an xử lý những tài xế dùng tiền lẻ để trả phí. Cảnh báo đó lập tức đem lại hiệu quả ngoài dự kiến : Số tài xế trả tiền lẻ tăng vọt. Giới tài xế còn tiến thêm một bước là vò tiền lẻ lại, cho vào chai đựng nước, thành thử việc đếm tiền lẻ vốn đã khó lại còn nan giải hơn. Thậm chí, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang còn tố cáo, có nhiều trường hợp khi dùng tiền lẻ trả phí, tài xế cố tình đưa thiếu 500 đồng, sau đó lấy lại tiền lẻ rồi đưa tờ 500.000 đồng, đòi thối...
Quốc lộ 1 đoạn chạy qua Cai Lậy bắt đầu kẹt xe. Giao thông hỗn loạn, đình trệ, tình hình nghiêm trọng tới mức, thỉnh thoảng, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang phải ngưng thu phí để các loại xe qua lại thoải mái.
Khác với vụ giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe đối đầu với Cienco 4 hồi tháng tư vừa qua ở Trạm Thu phí cầu Bến Thủy, lần này, vụ tài xế đối đầu với Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang sôi nổi hơn nhiều.
Trang facebook "Bạn hữu đường xa" (3) – nơi giao lưu của những người cầm lái các loại xe liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh liên quan đến việc giới tài xế chuẩn bị ra sao, hỗ trợ nhau thế nào trong chuyện "ra trận" – cho xe hành tiến qua Trạm Thu phí Cai Lậy với tốc độ của rùa. Các video clip, ảnh chụp cho thấy tiền lẻ được gom về thành từng thau, trộn vào nhau, được thấm nước để có muốn đếm cũng khó hơn. Không chỉ chủ động thực hiện chiến thuật "trì hoãn" bằng tiền lẻ, giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe còn thực hiện chiến thuật này bằng chuyện mang heo quay đến cúng ở Trạm Thu phí Cai Lậy như thiên hạ thường "cúng cô hồn"…
Một điểm khác biệt nữa giữa hai vụ đối đầu vừa kể là trong vụ sau, sự ủng hộ của dân chúng mạnh mẽ hơn vụ trước. Trên facebook, người sử dụng Internet liên tục kêu gọi nhau ủng hộ giới tài xế, chống chuyện hút máu dân lành. Không ít facebooker tuyên bố như Võ Đắc Danh, sẽ lái xe hơi xuống Cai Lậy để tiếp sức cho giới tài xế theo kiểu chạy qua, chạy lại Trạm Thu phí Cai Lậy. Mỗi lần trả 34.500 đồng bằng giấy bạc loại 200 đồng và 500 đồng. Khi nhân viên thu ngân đếm xong, xác định còn thiếu 500 đồng, sẽ đưa thêm 500.000 đồng, đề nghị thối lại 499.500 đồng (4).
Trên thực tế, Trạm Thu phí Cai Lậy liên tục ngừng thu phí và đến tối 14 tháng 8 tạm ngưng toàn bộ hoạt động là vì vừa phải đếm tiền lẻ của giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe, vừa phải đếm tiền lẻ của chủ nhiều loại xe khác.
Càng ngày, số người ủng hộ giới kiếm sống bằng việc cầm lái các loại xe đối đầu với Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang càng đông. Ông Nguyễn Hữu Danh, chủ quán cà phê Gốm và Lá ở phường 6 thành phố Tân An, tỉnh Long An, long trọng thông báo, ông đã gom được 22 triệu đồng loại giấy bạc 200 đồng và 500 đồng để "phục vụ" giới tài xế tham chiến (5).
Một kỹ sư xây dựng tên là Huy Đoàn nhờ tờ Người Lao Động chuyển cho Tổng cục Đường bộ của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam mười câu hỏi mà đọc xong, người ta không cần câu trả lời người ta vẫn hiểu : Tại sao đến tháng 4 năm 2014 Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang mới thành lập trong khi công trình đường tránh Cai Lậy đã khởi công trước đó hai tháng ? Công ty này có sẵn vốn không hay đi vay ngân hàng 100% và nếu đúng như thế thì tại sao lại chọn làm nhà đầu tư ? Tại sao Cai Lậy chưa bao giờ là điểm nóng về giao thông (kẹt xe), chưa kể có sẵn hai huyện lộ để giải tỏa lượng xe bị kẹt mà vẫn cho làm đường tránh để thu phí ? Tại sao 26,5 cây số mặt đường và 14 cây cầu trên quốc lộ 1 vẫn còn tốt mà Tổng cục Đường bộ lại chấp nhận cho nhà đầu tư gia cố, sửa chữa để nhà đầu tư lấy đó làm lý do đặt trạm thu phí ngay trên Quốc lộ 1, buộc tất cả xe cộ qua lại phải trả phí dù có dùng đường tránh Cai Lậy hay không ? Tại sao Bộ Giao thông vận tải đã duyệt dự án nối dài cao tốc Trung Lương – Sài Gòn mà vẫn cho phép làm thêm dự án đường tránh Cai Lậy ? Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào đâu để phê duyệt mức phí và thời gian Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang được phép thu phí ?.. (6)
Không khí sôi động ấy đã lôi kéo truyền thông nhập cuộc. Tờ Lao Động gọi việc Trạm Thu phí Cai Lậy "thất thủ" (phải tạm ngưng thu phí để quốc lộ 1 không bị nghẽn) là "thất thủ trước lòng dân" (7). Tờ Người Lao Động loan báo, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang khai rằng đã chi 1.000 tỉ đồng để làm 12 cây số và 7 cây cầu cho đường tránh Cai Lậy nhưng vào lúc này, trên đường tránh Cai Lậy chỉ có 5 cây cầu (8). Báo điện tử Nhà Quản lý cho biết, Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ là "bình phong", chủ đầu tư thật sự của dự án đường tránh Cai Lậy là Công ty Đầu tư Xây dựng Bắc Ái, có trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty Đầu tư Thương mại Xây dựng giao thông 1 (TRICO), có trụ sở tại Hà Nội (9). Nếu ở Vĩnh Phúc, Bắc Ái nổi tiếng vì khai thác khoáng sản không cần giấy phép mà chẳng ai làm gì được (10) thì trên toàn Việt Nam TRICO lừng lẫy do được chọn làm chủ đầu tư hàng chục công trình giao thông theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao).
***
Trong mười năm vừa qua, các trạm thu phí cầu đường thi nhau mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam khiến dân chúng điêu đứng : Phí vận tải tăng làm vật giá tăng vọt. Do chỉ trích và các hoạt động phản kháng của dân chúng đối với các trạm thu phí càng ngày càng dữ dội, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu cơ quan Kiểm toán Việt Nam xem lại một số dự án cầu đường do các doanh nghiệp thực hiện theo hình thức BOT để thu phí.
Tháng 2 năm nay, Kiểm toán Việt Nam cho biết, chỉ kiểm tra 27 dự án cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT đã phát giác, dự án nào cũng được phép thu phí dài hơn mức cần thiết. Tổng thời gian mà theo Kiểm toán Việt Nam tính toán và đề nghị cắt bỏ, không cho các chủ đầu tư thu phí cộng lại chừng… 100 năm. Đáng nói là theo Kiểm toán Việt Nam, những dự án cầu đường mà họ đã kiểm toán đều là chỉ định nhà thầu chứ không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Bởi vậy, các yếu tố để quyết định thời gian mà chủ đầu tư được phép thu phí như : Tỉ lệ vốn của chủ đầu tư, tỉ lệ vốn đi vay, lãi suất đối với vốn đi vay, chi phí quản lý, lợi nhuận,… đều mập mờ và không hợp lý. Sự mập mờ và không hợp lý còn thể hiện ở chỗ nhiều trạm thu phí cầu đường được đặt bên ngoài dự án, thành ra không sử dụng cầu đường, các loại phương tiện vẫn bị buộc phải trả phí. Đa số dự án cầu đường mà cơ quan Kiểm toán Việt Nam đã kiểm tra đều buộc các loại phương tiện trả chung một mức phí, bất kể những phương tiện đó di chuyển trên công trình cầu đường dài hay ngắn.
Chưa kể Kiểm toán Việt Nam còn phát giác có sự nhập nhằng về bản chất của các dự án đầu tư cầu đường để thu phí. Nhiều dự án trong số những dự án mà họ đã kiểm tra chỉ là "cải tạo, nâng cấp" chứ không phải "làm mới" theo đúng tinh thần BOT. Cũng vì vậy, dân chúng bị tước mất cơ hội lựa chọn, sử dụng hệ thống giao thông miễn phí (11).
Theo kết quả kiểm tra đã kể thì không chỉ chính quyền các tỉnh phải chịu trách nhiệm do chỉ định thầu, mặc kệ chủ đầu tư muốn dựng trạm thu phí ở đâu cũng được mà Bộ Giao thông - Vận tải cũng đáng ngờ do nhắm mắt phê duyệt các dự án đầu tư cầu đường, đánh đồng "cải tạo, nâng cấp" với "làm mới", không đặt định cách thức kiểm soát lưu lượng phương tiện qua các công trình cầu đường, doanh thu thực của các dự án đầu tư. Bộ Tài chính bị xem là chưa làm tròn trách nhiệm do không quy định về lợi nhuận của chủ đầu tư đối với trường hợp chỉ định thầu, không hướng dẫn về mức phí sao cho phù hợp với đặc điểm dự án, đặc điểm khu vực có dự án đầu tư. Bộ Kế hoạch - Đầu tư quá chậm chạp, không có bất kỳ đề nghị nào về việc ban hành các qui định về đầu tư theo hình thức BOT...
Nhiều người từng nêu thắc mắc, thực trạng mà Kiểm toán Việt Nam mô tả, dứt khoát do một trong hai nguyên nhân, hoặc các viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương nhắm mắt và ngậm miệng ăn tiền của nhà đầu tư. Hoặc là quá kém. Do nguyên nhân nào thì cũng phải xử lý tới nơi, tới chốn nhưng tại sao lại không có ai bị gì cả ?
Riêng với Trạm Thu phí Cai Lậy, tin mới nhất cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải, chính quyền tỉnh Tiền Giang và Công ty Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang vừa quyết định, vẫn giữ Trạm Thu phí Cai Lậy, chỉ miễn phí cho một số phương tiện, giảm phí cho các loại phương tiện khác (12). Không có cơ quan hay cá nhân nào thèm trả lời những thắc mắc mà truyền thông và dân chúng nêu ra quanh dự án đường tránh Cai Lậy.
Đó cũng là lý do facebooker Binh Nguyên gọi cuộc gặp gỡ ba bên vừa kể là "hội nghị ma cà rồng", kéo dài thời gian hút máu từ 7 năm thành 13 năm (13). Trên trang facebook Cộng đồng Long An, nhiều facebooker khẳng định, chẳng có ai xin giảm phí, mọi người muốn dẹp Trạm Thu phí Cai Lậy, nhà đầu tư phải đưa trạm thu phí này vào đúng chỗ của nó là đường tránh Cai Lậy, nếu không, mọi người phải chuẩn bị tiền lẻ để tiếp tục cuộc chiến (14).
Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn. Những hành động phản kháng ôn hòa, hợp pháp có thể không chỉ ở Cai Lậy mà còn diễn ra tại nhiều nơi khác. Có thể không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác khi càng ngày càng nhiều người hiểu ra, họ chẳng còn lựa chọn nào khác.
Cuối tuần vừa qua, những từ dùng để thóa mạ như "khốn nạn", "súc vật", đột nhiên tăng vọt trên các trang web, diễn đàn điện tử, facebook Việt ngữ. Sở dĩ chỉ chọn "khốn nạn" và "súc vật" để minh họa cho diễn biến này không phải vì chúng được dùng nhiều nhất mà chỉ vì dễ trích dẫn nhất. Những từ có tính chất thóa mạ khác, tuy mức độ có phần nhỉnh hơn nhưng vì quá… bình dân, không thể trưng dẫn do vẫn được xem là… không hợp cách đối với truyền thông.
Danh sách golfer và sự cố bão lụt.
Lý do thóa mạ bùng lên như bão là vì người ta được xem "Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường". Ảnh chụp danh sách cho thấy có ít nhất 40 viên chức đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu là lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường, viên chức chủ chốt của các đơn vị trực thuộc bộ này như : Khối Văn phòng, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Đất đai, Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Tổng cục Biển – Hải đảo, Viện Chiến lược, hẹn hò "giao lưu" ở sân Golf Legend Hill (Phù Linh, Sóc Sơn), cách trung tâm Hà Nội khoảng 35 cây số.
Có vài điểm đáng chú ý là khi được bạch hóa, hai trang giấy liên quan đến chuyện "giao lưu golf" cho thấy, chi phí lên tới 293 triệu. Bộ Tài nguyên – Môi trường, cơ quan vừa là tham mưu cho Thủ tướng Việt Nam về những vấn đề có liên quan tới tài nguyên, môi trường, vừa thay mặt chính phủ Việt Nam quản lý hai lĩnh vực này trên toàn Việt Nam, tỏ ra rất "vô tư", chẳng đắn đo chút nào trong việc ngửa tay nhận 130 triệu "tài trợ" của hai "nơi". Chưa hết, theo Ban Tổ chức, nếu không còn "nơi" nào "tài trợ" thì "các đơn vị" phải đóng góp. Bởi "các đơn vị" hoạt động bằng ngân sách, tiền đóng góp cho giới lãnh đạo "giao lưu" với nhau tất nhiên sẽ là… công quỹ !
Danh sách golfer được lan truyền trên internet.
"Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường" được đưa lên Internet đúng vào lúc dân chúng các tỉnh khu vực Tây Bắc lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất, trắng tay vì lụt, lũ, sạt lở, số liệu người chết, mất tích, thiệt hại tài sản được cập nhật liên tục, càng ngày càng lớn…
Đó là lý do Phan Minh Hùng nhận định, những viên chức trong danh sách là : "Lũ khốn nạn tự nhận làm đầy tớ của dân". Tjen Văn Văn thì than : "Khốn nạn khi mà dân phải còng lưng đóng thuế cao sưu nặng nuôi đám báo cô này". Văn Thịnh Hà nhấn mạnh, sự "khốn nạn" đó làm ông "uất hận lũ tham ngu nhâng nhâng lấy tiền dân ăn chơi phè phỡn". Dung Le góp thêm : "Đó là bọn bất nhân, vô sỉ", rồi tự hỏi : "Không biết chúng có phải do con người sinh ra hay không ?". Quyen Luu gọi 40 người trong "danh sách golfer" là "quái thai". Có facebooker như Luu Quoc Thai dùng photoshop, sửa bia trong tấm ảnh chụp một ngôi mộ thành "bia căm thù" những viên chức mà facebooker này gọi là "súc vật"…
Tuy là ngày nghỉ nhưng chiều thứ bảy 5 tháng 8, ông Tăng Thế Cường, Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên – Môi trường, đồng thời cũng là golfer đứng đầu "Khối văn phòng Bộ Tài nguyên – Môi trường" trong "danh sách Golfer tham dự giao lưu golf" vội vàng loan báo với báo giới rằng, cuộc giao lưu đã bị hủy. Rằng, nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, vừa "phát động cán bộ trong ngành quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do mưa lũ" và thu được 160 triệu đồng. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã quyết định "tạm ứng một tỉ đồng để cứu trợ đồng bào bị mưa lũ ở hai tỉnh Sơn La và Yên Bái".
Rõ ràng công chúng đã buộc "Golfer" Trần Hồng Hà buông gậy golf, bỏ "giao lưu" vội vàng dẫn một đoàn đến Yên Bái...
***
Dẫu các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đồng loạt đưa tin Bộ Tài nguyên – Môi trường đã hủy cuộc giao lưu bằng golf, đã vội vàng đến Yên Bái, Sơn La ủy lạo nạn dân song các động tác này không che được bản chất "giải độc dư luận". Lê Ngọc – một độc giả của tờ Người Lao Động để lại bên dưới tin vừa kể lời than : "Hoãn đánh goft để lo cho nhân dân vùng lũ ! Nghe thật nhân văn nhưng cảm thấy chua xót làm sao !". Tương tự, độc giả Phùng Mạnh của tờ Tuổi Trẻ đặt vấn đề, một tỉ đồng mà Bộ Tài nguyên – Môi trường tạm ứng để cứu trợ "có phải là ngân sách Nhà nước không ( ?), nếu đúng thì tại sao Bô Tài nguyên – Môi trường có thể tự quyết được". Theo Phùng Mạnh thì "có gì đó không ổn, nếu gọi là quỹ môi trường thì quỹ đó ở đâu ra ?".
Trên facebook, các facebooker thẳng thắn hơn. Đặng Thúy Loan gọi chuyện hủy giao lưu golf, đi cứu trợ là "làm màu". Theo cô, khi "cái mặt như đống xỉ thải Nhiệt điện Vĩnh Tân thì làm sao nhìn thấy những điều tốt đẹp được". Thế Trần nhận định, hành động của Bộ Tài nguyên – Môi trường (hủy giao lưu golf, cứu trợ nạn dân) là "đánh bóng để che cái xấu", khác xa với "gỗ tốt không cần nước sơn".
Có một điểm mà cả facebooker lẫn độc giả nhiều tờ báo ở Việt Nam cùng nêu ra nhưng cả Bộ Tài nguyên – Môi trường lẫn các cơ quan hữu trách về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam chưa bao giờ thấy cần minh bạch hóa là tiền ở đâu để các viên chức Việt Nam từ trung ương đến địa phương thi nhau chơi golf ?
Theo Việt Nam Golf Magazine, tại Việt Nam, nếu chơi golf 6 lần/tháng, mỗi người sẽ phải chi tối thiếu 5.000 Mỹ kim/năm cho quần áo, giày, banh, một số dịch vụ phải dùng khi chơi. Chưa kể chi phí cho việc học chơi golf (khoảng 500.000 đồng/giờ nếu học với huấn luyện viên người Việt, 45 Mỹ kim đến 65 Mỹ kim/giờ nếu học với huấn luyện viên ngoại quốc), chi phí mua bộ gậy đánh golf...
Dân chơi golf dùng "handicap" của một cá nhân để xác định khả năng của người đó trong chuyện đánh golf. "Handicap" của một người chơi golf là chỉ số được tính toán từ kết quả cao nhất của 10/20 trận golf gần nhất mà người đó đã chơi. "Handicap" được chia thành bốn nhóm : Xuất sắc (có "handicap" dưới 0). Khá (có "handicap" dưới 10), Trung bình (có "handicap" từ 10 đến 28). Xoàng (có "handicap" trên 28).
"Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường" cho thấy, chỉ có 16/40 viên chức thuộc loại "xoàng", 24 viên chức còn lại thuộc loại "trung bình". Chắc chắn họ đã chơi golf từ rất lâu. Thu nhập chính thức của các viên chức không cao. Thế tiền ở đâu để họ đeo đuổi môn thể thao mà ai cũng biết là chỉ dành cho giới nhà giàu này ?
Đó cũng là lý do độc giả Phan Tung Giang của tờ Tuổi Trẻ bình phẩm về tấm ảnh chụp các viên chức Bộ Tài nguyên – Môi trường đang bỏ tiền vào thùng quyên góp cứu trợ nạn dân : "Các bác mà lấy tiền đóng cho sân golf bỏ vào thùng quyên góp thì chắc phải cần thùng to gấp ba".
Nhiều năm nay, giới lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam liên tục kêu gọi dân chúng tham gia phòng – chống tham nhũng. Xét về nhiều mặt thì "Danh sách Golfer tham gia giao lưu golf nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên – Môi trường" chính là một hình thức "tự thú trước bình minh". Theo bạn thì giới lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam có tiếp nhận – xử lý vụ tự thú tập thể này không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 09/08/2017
Nếu hoạt động của hệ thống công quyền tại Việt Nam phải theo “lộ trình”, những quyết định bất kể tốt, xấu liên quan đến “sinh mạng chính trị” của cá nhân trong hệ thống phải “đúng quy trình” thì sự kiện công an Việt Nam tống giam ông Trầm Bê sẽ biến quan lộ của ông Nguyễn Văn Bình - nhân vật vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Trưởng Ban Kinh tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, vừa kiêm nhiệm vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo khu vực Tây Bắc của Đảng cộng sản Việt Nam – từ đại lộ trở thành tiểu lộ, thậm chí là… tử lộ.
***
Trầm Bê vẫn được xem như một ông trùm trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Một vài tờ báo Việt Nam từng ca ngợi nhân vật này như người chưa bao giờ nếm mùi thất bại.
Wikepedia (Bách khoa Toàn thư trên Internet để ngỏ cho mọi người tham gia cung cấp, cập nhật – điều chỉnh thông tin) có một mục từ về Trầm Bê.
Theo đó thì ông Trầm Bê là một người Việt gốc Hoa, tham gia thương trường vào đầu thập niên 1990 qua một công ty khai thác, chế biến lâm sản. Từ lĩnh vực lâm sản, ông Bê lấn sang lĩnh vực xây dựng, bất động sản, trở thành một trong ba thành viên sáng lập Bệnh viên Triều An ở quận Bình Tân, Sài Gòn – bệnh viên đa khoa đầu tiên do tư nhân đầu tư, quản trị tại Việt Nam.
Ông Trầm Bê cũng là chủ công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ chiếu xạ để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hội đủ điều kiện xuất cảng nông sản. Ông Bê duy trì tư thế độc quyền về chiếu xạ nông sản suốt từ 2002 đến 2009. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp xuất cảng nông sản tại Việt Nam bị đẩy vào thế phải chọn dịch vụ do ông Bê cung cấp dù giá gấp bốn lần giá của Thái Lan. Cũng kể từ đó, công chúng mới bắt đầu để ý đến ông Trầm Bê.
Tuy nhiên đến năm 2004, Trầm Bê mới trở thành nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên” khi đột nhiên trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank), vì nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của ngân hàng này. Thời điểm ông Trầm Bê đặt chân vào Ngân hàng Phương Nam, tuy chỉ là một ngân hàng thương mại qui mô nhỏ nhưng triển vọng phát triển của Southern Bank rất lớn. Lợi nhuận mỗi năm hàng trăm tỉ.
Ông Trầm Bê đã tiến rất nhanh từ vị trí một thành viên trong Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam, trở thành người định đoạt toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Dưới sự điều hành của ông Trầm Bê, Southern Bank thành lập thêm hai công ty, một kinh doanh vàng bạc, đá quý, một kinh doanh chứng khoán, cả hai cùng mang tên Phương Nam.
Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước loan báo, Ngân hàng Phương Nam đang ngắc ngoải. Tỉ lệ nợ xấu (nợ có khả năng mất trắng vì không thể thu hồi cả vốn lẫn lãi) lên tới 45,6%. Sang năm 2013, tỉ lệ nợ xấu của Southern Bank tiếp tục tăng lên thành 55,31%. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định Ngân hàng Phương Nam là một trong số chín ngân hàng cần “tái cơ cấu”.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng : 2000 – 2003, 2005 – 2008, 2012 – 2015.
Hai đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng đầu tiên bao gồm : Đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau. Đợt tái cơ cấu lần thứ ba từ 2012 đến nay cũng tương tự.
Sau khi Ngân hàng Phương Nam bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện phải “tái cơ cấu”, người ta sửng sốt khi thấy ông Trầm Bê được các cổ đông nắm giữ đa số cổ phiếu của Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank. Chưa kể tại Đại hội Cổ đông năm 2012 của Sacombank, còn 3/10 cá nhân khác được bầu vào Hội đồng Quản trị Sacombank lúc đó đang là lãnh đạo của Southern Bank.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Sacombank thuộc nhóm ba ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất, hiệu quả hoạt động thuộc loại tốt nhất tại Việt Nam.
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép Southern Bank sáp nhập với Sacombank, lúc đó, ông Trầm Bê đã có đủ số cổ phần để lèo lái Sacombank theo ý mình.
Vụ sáp nhập Southern Bank với Sacombank rúng động dư luận vì “cá bé” vốn đang ngắc ngoải lại có thể nuốt chửng “cá lớn”. Tổng số nợ xấu của Southern Bank vào thời điểm Southern Bank được sáp nhập vào khoảng 23.483 tỉ đồng. Nuốt xong Sacombank, Southern Bank tự xóa tên. Đời chỉ còn Sacombank.
Bị nuốt, phải ôm trọn khối nợ xấu của Southern Bank, Sacombank đột nhiên tụt xuống dốc. Ngay trong quý đầu tiên sau khi sáp nhập (quý 4 năm 2015), lần đầu tiên Sacombank lỗ 583 tỉ đồng. Giá cổ phiếu của Sacombank trên thị trường chứng khoán lập tức giảm 50%. Kế đó là lần đầu tiên Sacombank không công bố Báo cáo Tài chính - Kiểm toán (năm 2015), không tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên...
Sau “cá bé nuốt chửng cá lớn”, chuyện “vô tiền khoáng hậu” lại xảy ra thêm một lần nữa. Ông Trầm Bê và những người có liên quan ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định đoạt toàn bộ số cổ phần của Sacombank mà ông Bê và “những người có liên quan đang nắm giữ”. Theo một số tờ báo, thông qua việc nhận ủy quyền “vô thời hạn, cam kết không hủy ngang”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nắm giữ khoảng 51% cổ phần của Sacombank, bao gồm cả cổ phần của ông Trầm Bê và những người có liên quan lẫn các “nhà đầu tư” đã thế chấp cổ phiếu của Sacombank cho chính Sacombank để vay tiền !
Cần lưu ý là ngày 1 tháng 8 vừa qua, khi tống giam ông Trầm Bê, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng và Kinh tế của Bộ công an Việt Nam cho biết, ông Trầm Bê phải chịu trách nhiệm hình sự về việc lấy tiền của Sacombank cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – Việt NamCB) vay 1.800 tỉ. Hành vi này có dấu hiệu “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trước đó chỉ ba tuần, khi công bố Kết luận Điều tra vụ án “vi phạm quy định về cho vay” và “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan tới bốn ngân hàng : Việt NamCB, Sacombank, Ngân hàng Tiên Phong (Thành phố Bank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Bộ công an Việt Nam loan báo, chuyện ông Trầm Bê cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám định là không gây thiệt hại cho Sacombank nên “không xử lý hình sự” ông Trầm Bê và 14 cá nhân khác làm việc tại Sacombank.
Sau ba tuần và sau sự kiện Trịnh Xuân Thanh “đầu thú”, gió đột ngột xoay 180 độ và có dấu hiệu trở thành bão.
***
Tháng 3 năm 2014, Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời một số chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các ông chủ ngân hàng có thể sẽ làm hệ thống ngân hàng Việt Nam sụp đổ theo kiểu dây chuyền. Trong số này, một chuyên gia yêu cầu ẩn danh nhận định, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều mối họa khôn lường. Ngoài nợ xấu phát sinh từ những khoản vay của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có khá nhiều tập đoàn tư nhân, công ty tư nhân đang biến hệ thống ngân hàng thành “con tin” vì liên tục tạo ra các dự án để vay tiền bù đắp cho sự thiếu hụt vốn. Những tập đoàn tư nhân, công ty tư nhân này thường thuộc quyền sở hữu của các ông chủ ngân hàng. Không ít ông chủ lấy tay trái cho tay phải vay.
Cũng theo chuyên gia vừa kể, sau khi tìm hiểu về những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, một số công ty kiểm toán quốc tế bảo với ông ta rằng, dòng tiền của những tập đoàn đó đều tắc. Đa số tồn tại nhờ nguồn tiền vay từ các ngân hàng. Các số liệu về những khoản vay rất mù mờ, thiếu minh bạch. Thành ra ít ai biết các ông chủ ngân hàng thương mại đang rút tiền dân chúng tiết kiệm để gửi cho họ, rót cho những công ty do họ lập ra thế nào.
Từ 2012 đến nay, tại Việt Nam xảy ra hàng chục “đại án” liên quan đến các ngân hàng. Gọi là “đại án” vì tài sản thất thoát được tính theo đơn vị ngàn tỉ. Những đại án ấy đều liên quan đến các chủ trương, quyết định vốn hết sức “đáng ngờ” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và người được xác định phải chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Không chỉ các chuyên gia, báo giới, dân chúng Việt Nam mà ngay cả thiên hạ cũng tỏ ra thiếu kính trọng ông Bình. Năm 2012, Global Finance đưa ông Bình vào danh sách 20 thống đốc ngân hàng quốc gia kém nhất thế giới. Những đồn đoán, thậm chí cáo buộc ông Bình đứng phía sau các vụ đổ vỡ do nâng đỡ những “đại gia” như Trầm Bê rộ lên như nấm sau mưa. Một số cáo buộc nhấn mạnh, ông Bình không điều hành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như là một Thống đốc mà như một thủ hạ thực hiện mệnh lệnh của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam. Dù các cáo buộc này không thiếu dữ liệu nhưng rất khó kiểm chứng vì thiếu tài liệu đối chiếu.
Tháng 4 năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng nghỉ hưu, ông Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bước vào Bộ Chính trị - cơ quan quyền lực nhất Việt Nam cùng với ông Đinh La Thăng, một nhân vật cũng bị cáo buộc là thủ hạ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Sau scandal Trịnh Xuân Thanh, ông Thăng đã bị loại ra khỏi Bộ Chính trị.
Scandal Trịnh Xuân Thanh khởi đầu từ một chuyện rất nhỏ : Ông Thanh dùng xe hơi tuy thuộc sở hữu tư nhân nhưng lại mang biển số dành cho công xa. Từ đó hệ thống tư pháp Việt Nam mới “phát giác” ông Thanh phải chịu trách nhiệm trong vụ Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) “thất thóat” 3.200 tỉ dù trước đó đã xử và phạt tù các thuộc cấp của ông Thanh vì “thất thoát” này. Chuyện bỏ qua sai phạm của ông Thanh, lựa chọn – cất nhắc một nhân vật như thế được xác định là “sai lầm nghiêm trọng” nên phải điều tra các sai phạm trong Bộ Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng, nhân vật giữ vai trò Bộ trưởng Công Thương suốt hai nhiệm kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, bị Đảng cộng sản Việt Nam cảnh cáo. Dù đã về hưu, ông Hoàng vẫn bị tước hàm Bộ trưởng mà ông đã từng mang.
Rồi vì PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PViệt Nam), hệ thống tư pháp Việt Nam điều tra thêm về các sai phạm của PViệt Nam, điều đương nhiên là phải truy cứu trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, người từng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của PViệt Nam. Ông Thăng cũng bị Đảng cộng sản Việt Nam cảnh cáo, phải rời khỏi Bộ Chính trị, thôi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
***
Ông Trầm Bê bị bắt vì lấy tiền của Sacombank cho ông Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ sai qui định. Tuy nhiên rất khó tin cuộc điều tra chỉ xoay quanh 1.800 tỉ đó. Từ lâu thiên hạ đã thắc mắc về nguồn tiền, về chủ trương “tái cơ cấu”, về những quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong chuyện sáp nhập một số ngân hàng mà báo giới Việt Nam thường gọi nôm na là “thâu tóm”, đi theo sau đó là những khoản “thất thoát” khổng lồ. Theo “lộ trình” Trịnh Xuân Thanh thì truy cứu trách nhiệm cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình là hoàn toàn “đúng qui trình” đã áp dụng với ông Đinh La Thăng.
Trước đây, chính phủ Việt Nam liên tục trấn an cả Quốc hội lẫn dân chúng Việt Nam rằng đã kiểm soát được nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng cho vay đã giảm đáng kể.
Các báo cáo chính thức về nợ xấu, tổng hợp từ báo cáo của những tổ chức tín dụng tại Việt Nam, xác định, đến hết năm 2015, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã xử lý được 493.000 tỉ đồng nợ xấu. Tới hết năm 2016, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Đến tháng 4 vừa qua, một năm sau khi ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới thú thật là tỉ lệ nợ xấu có thể gấp ba lần báo cáo chính thức. Nếu xét cả nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đang xử lý và những khoản nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu thì tỉ lệ nợ xấu xấp xỉ 8,86% tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay.
Sang tháng 6, lúc đề nghị Quốc hội Việt Nam thông qua “Nghị quyết về xử lý nợ xấu” (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi), chính phủ Việt Nam mới tiết lộ, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và 90% là tiền của dân !
Số nợ xấu khổng lồ ấy sinh ra và lớn lên trong giai đoạn ông Nguyễn Văn Bình làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
***
Nhiều người bảo rằng, giống như Trung Quốc, Việt Nam đang “đả hổ, diệt ruồi”. Những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng,… giờ tới Trầm Bê và có thể sẽ là Nguyễn Văn Bình,… được dẫn ra như bằng chứng.
Thế nhưng cũng có người cho rằng, đó chỉ là một cuộc chiến đường phố, một vụ loạn đả giữa các băng du đãng để giành quyền bảo kê. Nếu thật sự có công đạo và luôn vì công đạo thì chắc chắn những cá nhân như vừa kể không thể tác oai, tác quái đến mức như vậy trong một thời gian dài như vậy, kinh tế - xã hội Việt Nam cũng sẽ không phải chịu những tổn thất nghiêm trọng đến vậy. Nếu thật sự có công đạo và luôn vì công đạo thì tại sao chỉ tước hàm Bộ trưởng của một ông Bộ trưởng đã về hưu, chỉ đưa một cá nhân góp phần làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ ra khỏi Bộ Chính trị, song vẫn lưu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thôi làm đại biểu cho dân chúng Sài Gòn để chuyển qua làm đại biểu cho dân chúng tỉnh Thanh Hóa tại Quốc hội, kèm tuyên bố nửa úp, nửa mở có thể sẽ xem xét xử lý tiếp ? Đó không phải là công đạo mà là thủ đoạn của du đãng. Lẽ nào lại hoan hô, ủng hộ một băng du đãng giữ vai trò “chủ trì công đạo” chỉ vì đã thắng trong cuộc loạn đả ?
Bạn nghĩ sao ?
Trân Văn
Nguồn : Thiển Hạ Luận, VOA, 04/08/2017
Người Việt đang tận mắt mục kích chuyện “dối Trời, lừa dân, đủ muôn ngàn kế…” mà Nguyễn Trãi từng khái quát trong Bình Ngô Đại cáo cách nay 589 năm, đang diễn ra hàng ngày trên xứ sở của mình.
Một cảnh sát cúi lạy dân làng Đồng Tâm khi được thả ra ngày 22 tháng Tư.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, công nhiên dối lừa trở thành một kiểu... tấu hài đỏ khiến thiên hạ ngao ngán nhưng không thể làm gì khác nên đành cười trừ !
***
Cuối cùng thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Cuộc thanh tra được thực hiện nhằm đáp ứng đòi hỏi của công chúng : Xác định trách nhiệm của những cá nhân đã đẩy dân chúng xã Đồng Tâm đến chỗ nổi loạn hồi trung tuần tháng 4 vừa qua (bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương, rào làng tử thủ suốt một tuần bởi hệ thống công quyền không những làm ngơ trước các khiếu nại về sự bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất mà còn dùng vũ lực để trấn áp họ).
Theo những gì cụ Lê Đình Kính - người được xem như thủ lĩnh của dân chúng xã Đồng Tâm - từng kể trong một video clip được đưa lên You Tube thì dân chúng xã Đồng Tâm chịu rất nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường.
Thập niên 1960, chính quyền Việt Nam thu hồi 300 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để xây dựng trường bắn Miếu Môn. Đến thập niên 1980, chính quyền Việt Nam quyết định thu hồi thêm 54 héc ta đất nữa để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Sau đó, phi trường quân sự Miếu Môn chỉ xuất hiện trên giấy.
Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó cho đến năm 2007 thì giao lại cho chính quyền địa phương 6,78 héc ta trong số 54 héc ta đã trưng dụng, chỉ giữ lại 47,3 héc ta.
Bởi thửa đất 6,78 héc ta mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho một số cá nhân vốn chỉ bị trưng dụng vài trăm mét vuông nhưng được nhận lại tới… vài chục ngàn mét vuông và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và “thu hồi” 6,78 héc ta thêm một lần nữa với lý do đó là “đất quốc phòng”. Lần này, 6,78 héc ta “đất quốc phòng” được giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện “công trình quốc phòng”.
Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc như : Tại sao lại xác định 6,78 héc ta đã hoàn trả là “đất quốc phòng” ? Nếu 6,78 héc ta đất này là “đất quốc phòng”, tại sao Bộ Quốc phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “thu hồi” ?... thì chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế”. Hồi trung tuần tháng 10 năm 2016, khoảng 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội phải thối lui, bỏ dở kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất.
Đến trung tuần tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và bốn người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bắt cả năm. Thay vì tiếp tục khiếu nại xin cứu xét, dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn.
Không thể dùng “bạo lực cách mạng” bởi vụ nổi loạn ở Đồng Tâm được “cả nước trông vào”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết : Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.
***
Hai tháng sau khi vụ nổi loạn ở Đồng Tâm kết thúc, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4.
Quyết định khởi tố hai vụ án khiến dân chúng Việt Nam chưng hửng ! Một số viên chức hữu trách bắt đầu giải thích , Chủ tịch thành phố Hà Nội (đại diện cho hành pháp), không có quyền giải trừ trách nhiệm hình sự cho những cá nhân vi phạm pháp luật vốn thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp.
Về lý, điều đó không sai nhưng với bối cảnh và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, không ai tin rằng ông Chung tự tiện tìm tới thương lượng và đưa ra ba cam kết như đã kể với dân chúng xã Đồng Tâm. Thương lượng và cam kết dứt khoát phải là chủ trương của giới lãnh đạo Đảng mà giới này thì có đủ thẩm quyền quyết định mọi thứ, kể cả có cần tuân theo pháp luật hay không ! Nhiều người, trong đó có cả những viên chức cao cấp đã nghỉ hưu nhận định, quyết định khởi tố hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4 là ngu xuẩn.
Cho đến nay, công an thành phố Hà Nội chưa xác định hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4 có bao nhiêu bị can. Chỉ có thể đoan chắc, nếu công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng tuyên bố “sẽ điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” số dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý sẽ lên tới hàng trăm chứ không chỉ là năm như hồi trung tuần tháng 4 !
Song song với quyết định khởi tố hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố sẽ đưa 14 viên chức địa phương (bốn viên chức huyện Mỹ Đức và 10 viên chức xã Đồng Tâm) ra xử vào giữa tháng này vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa việc lấn chiếm đất cho một số cá nhân, gia đình tại xã Đồng Tâm).
Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Tuy đây chỉ là “dự thảo” nhưng qua việc công bố rộng rãi dự thảo này, 99% dự thảo sẽ trở thành kết luận chính thức.
Theo dự thảo thì diện tích thực tế của phi trường quân sự Miếu Môn là 236,9 héc ta. Trong 236,9 héc ta được xem là “đất quốc phòng” có 64,11 héc ta thuộc xã Đồng Tâm. Nếu so với quyết định đã được phê duyệt năm 1980 thì hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm. Chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi được xem là... thiếu sót.
Cũng theo dự thảo thì sở dĩ có “một số gia đình ăn ở trên đất quốc phòng từ năm 1980 đến nay” là vì các đơn vị quân đội “buông lỏng quản lý đất quốc phòng”. Việc một số người dân ở xã Đồng Tâm tự ý tổ chức đo đạc, phân lô, xây dựng trên phần đất mà Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) muốn thực hiện “dự án quốc phòng” được xác định là hành vi chiếm “đất quốc phòng”, coi thường luật pháp.
Nói cách khác, theo dự thảo, kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.
Giờ thì đã có thể xác định, chuỗi hành động liên quan tới việc giải quyết hậu quả vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là một kịch bản với nhiều lớp.
Lớp đầu làm tê liệt ý chí phản kháng của dân chúng xã Đồng Tâm. Quyết định khởi tố hai “vụ án” đang chờ để biến bất kỳ ai muốn chống đối dự thảo kết luận thanh tra sẽ công bố sau đó trở thành bị can ngay lập tức.
Lớp thứ hai, loan báo việc truy tố 14 viên chức địa phương nhằm minh họa cho sự “công tâm”. Việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn đúng như Chủ tịch thành phố Hà Nội từng cam kết là sẽ đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật” !
Lớp thứ ba, công bố Dự thảo Kết luận thanh tra để hạ màn : Khẳng định cưỡng chế - thu hồi đất ở Đồng Tâm là đúng vì đó là “đất quốc phòng”. Dân chúng xã Đồng Tâm đã “tố láo, cáo điêu”, đòi thứ không phải của mình. Cũng do vậy, nổi loạn trở thành không thể chấp nhận vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu chính quyền có xử lý thì đó là cần phải giữ sự nghiêm minh, còn chính quyền bỏ qua, miễn trừ trách nhiệm hình sự thì đó là “khoan hồng, nhân đạo” với những công dân “thiếu hiểu biết về pháp luật”, bị “kẻ xấu lợi dụng, kích động”. Với những yếu tố như vậy, cam kết điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình của Chủ tịch thành phố Hà Nội đương nhiên là không cần thực hiện nữa.
***
Phát biểu sau khi Thanh tra thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Chủ tịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh, phải “thượng tôn pháp luật”.
Tuy nhiên chính Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức lại cho thấy luật pháp hiện hành tại Việt Nam cũng chỉ có giá trị như... ba cam kết của chính ông Chung hồi trung tuần tháng 4 với dân chúng xã Đồng Tâm.
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao không làm rõ và truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã thu hồi lố, giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 30 héc ta đất ở xã Đồng Tâm ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại nghiễm nhiên chấp nhận 30 héc ta nằm ngoài quyết định thu hồi được ban hành ầu thập niên 1980 là “đất quốc phòng” ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại chấp nhận chuyện Bộ Quốc phòng bỏ hoang 236,9 héc ta, không truy cứu trách nhiệm việc lập dự án để chiếm dụng 236,9 héc ta đó suốt 36 năm ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao không kiểm tra, đối chiếu và công bố ai là người phải chịu trách nhiệm trong việc đề ra chủ trương và thực hiện “phát canh, thu tô” trên “đất quốc phòng”, số tiền đó đã dùng vào việc gì ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại chấp nhận việc giao “đất quốc phòng” cho Viettel. Dẫu thuộc quân đội nhưng xét về bản chất, Viettel vẫn là một doanh nghiệp, pháp luật hiện hành có bất kỳ qui định nào cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân dành riêng cho quốc phòng làm phương tiện kiếm tiền ?
Ông Chung có thấy những điểm phi lý đó không ? Chắc là có. Thậm chí vì thấy rất rõ nên chính ông chủ động chặn đầu thiên hạ : “Trên thế giới tất cả đất thuộc về an ninh quốc phòng”. Ông Chung còn khẳng định bằng câu hỏi : “Tại sao nước Mỹ để trống cả một bang cho quốc phòng ?”. Cũng theo lời của ông Chung, không ai có quyền thắc mắc quân đội dùng “đất quốc phòng” vào chuyện gì. Tất cả các thắc mắc loại đó đều bị ông Chung xếp vào loại “cùn” !
Dường như để hỗ trợ ông Chung, ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lập tức đến thăm Viettel và tuyên bố, phải phấn đấu để có nhiều Viettel nữa bởi “điều đó chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn”. Vài ngày sau, ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, khẳng định thêm rằng : “Muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ”.
Cách nay hai tuần, trước sự chỉ trích kịch liệt về chuyện quân đội cương quyết giữ 157 héc ta “đất quốc phòng” ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, ông Lê Chiêm, một Thứ trưởng khác của Bộ Quốc phòng, từng khẳng định : “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa để tập trung toàn lực xây dựng quân đội vững mạnh”. Tuyên bố của ông Chiêm khiến cả triệu người đang phẫn nộ vung tay hoan hô.
Giờ, sau khi các chỉ trích đã xẹp xuống, tới lượt ông Lịch, ông Vịnh bước ra sân khấu “nói lại cho rõ”.
***
Nếu bạn tưởng ông Chung là nhân vật chính quyết định mọi vấn đề liên quan tới sự kiện Đồng Tâm rồi khen hay chê ông ta thì dường như bạn thuộc loại “cùn”. Nếu bạn tưởng các ông tướng quân đội sẽ từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi để dành toàn bộ công sức, thời gian cho chuyện “bảo quốc, an dân”, có lẽ bạn còn… “cùn” hơn.
Cần nhớ thế này, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh mới “bén”, tất cả chúng ta đều “cùn”. Tôi cũng “cùn” nhưng tôi không buồn. Trừ các đồng chí đang tham gia lãnh đạo “Đảng ta” một cách “tài tình, sáng suốt”, đố… cha “thằng” nào trong số 7 tỉ “thằng” đang sống trên thế giới này tìm ra một thế giới khác trên trái đất này mà “toàn bộ đất đai đều thuộc an ninh, quốc phòng”. Tương tự, đố cha “thằng” nào trong số hơn 300 triệu “thằng” đang là công dân Mỹ, kể cả tổng thống Mỹ tìm ra bang nào ở Mỹ mà “toàn bang bỏ trống để dành cho quốc phòng”.
Thành thật xin lỗi bạn. Ăn nói như vừa kể rõ ràng là quá bỗ bã, không “nhã” nhưng đôi khi phải nói năng một cách… “bình dân” thì mới có thể diễn tả gần đúng cảm xúc sau khi phải xem... tấu hài đỏ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 11/07/2017
Đảng khẳng định tham nhũng là quốc nạn, tuyên bố sẽ dốc toàn lực của toàn bộ hệ thống chính trị để bài trừ tham nhũng nhưng cũng chính Đảng lặng lẽ bảo vệ tham nhũng.
Nhà của nguyên tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu.
Bảo vệ tham nhũng là một trong những “chủ trương lớn” dẫu không công bố nhưng chẳng khó để nhận diện…
***
Tháng 10 năm 2003, Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC).
Để nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng, UNCAC đặt định các qui ước và chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát. UNCAC còn có tham vọng tạo lập sự hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi 3/4 thành viên Liên Hiệp Quốc phê chuẩn UNCAC, tháng 7 năm 2009 Việt Nam mới làm điều này. Tuy nhiên Việt Nam giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAC mà Việt Nam cho là… chưa phù hợp. Trong đó có : Đề nghị hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Thực hiện thủ tục dẫn độ…
Nhìn một cách tổng quát, dù phê chuẩn UNCAC, Việt Nam vẫn đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT.
***
Sở dĩ Liên Hiệp Quốc khuyến khích và UNCAC “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính” là vì cộng đồng quốc tế không chấp nhận hiện tượng cá nhân đột nhiên giàu tới mức “nứt đố, đổ vách” sau khi đương sự trở thành viên chức.
Tại Việt Nam, hồi tháng 11 năm 2013 đã từng xảy ra một cuộc tranh luận “nảy lửa”về cách xử lý những viên chức giàu bất chính.
Trong hội thảo bàn về việc sửa Luật Hình sự Việt Nam theo tinh thần UNCAC do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức vào hai ngày 28 và 29 tháng 11 năm 2013, nhóm nghiên cứu việc “hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính” đề nghị, nếu viên chức không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc tài sản, viên chức đó có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.
Nhóm này nhận định, pháp luật Việt Nam chưa xem giàu bất thường là tội phạm. Sau khi nghiên cứu cách thức xử lý của một số quốc gia và đánh giá thực trạng ở Việt Nam, họ đề nghị một trong ba cách điều chỉnh.
Cách thứ nhất, đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam theo hướng : “Bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên của họ thì có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu họ không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ”. Hình phạt có thể tăng nặng theo giá trị tài sản tăng thêm, hoặc phát giác được nguồn gốc phần tài sản tăng thêm có liên quan đến hành vi phạm tội khác…
Cách thứ hai là đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam và xác định tội “làm giàu bất chính” qua việc vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. Việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Cách thứ ba là nếu chưa đưa tội “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự Việt Nam thì xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu chọn cách này thì khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng phải đưa thêm vào luật này một số quy định. Chẳng hạn, nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của tòa án.
Những đề nghị vừa kể đã bị… phản đối gay gắt với lý do luật đã định rằng “chứng minh tội phạm” là nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, rằng phải tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, rằng khi nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác thì phải xem xét Việt Nam đã có đủ điều kiện cần thiết để áp dụng hay chưa.
Nhóm nghiên cứu giải thích, đề nghị của họ chỉ nhắm vào các viên chức, chứ không nhắm vào thường dân. Bởi có chức vụ, quyền hạn nên viên chức có nghĩa vụ tự giải trình về nguồn gốc khối tài sản tăng thêm. Thay vì phải chứng minh đương sự đã thủ đắc khối tài sản tăng thêm một cách bất hợp pháp mà vì nhiều lý do trở thành chuyện gần như bất khả thi, nếu Đảng chấp nhận “làm giàu bất chính” là tội phạm hình sự, hệ thống tư pháp chỉ cần chứng minh khối tài sản tăng thêm nằm ngoài thu nhập hợp pháp là đã có thể kết án đương sự và sung công phần tài sản tăng thêm một cách bất minh...
Bất kể UNCAC, bất kể khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế như UNDP, Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI),… đến nay, Đảng vẫn cương quyết bảo lưu (không thực hiện) Điều 20 của UNCAC - Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính và tất nhiên còn khuya Luật Hình sự của Việt Nam mới có tội “làm giàu bất chính”.
***
Hệ thống truyền thông Việt Nam đang vào… mùa triển lãm thông tin, hình ảnh liên quan đến tư gia, tài sản của các viên chức.
Dù sôi động, mùa triển lãm này vẫn thiếu yếu tố… mới. Nội dung triển lãm vẫn chỉ loanh quanh ở các viên chức cấp tỉnh và những viên chức đã nghỉ hưu.
Theo kết quả cuộc khảo sát chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016 do TI công bố hồi đầu năm thì Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, đứng hạng 113/176 và vì vậy vẫn thuộc nhóm các quốc gia mà tham nhũng là vấn nạn nghiêm trọng.
Còn theo báo cáo về họat động chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ - cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng tại Việt Nam - trong sáu tháng đầu năm nay, chỉ có một cá nhân bị xác định là đã “thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng.
Cũng trong sáu tháng đầu năm nay, hệ thống thanh tra trải rộng từ trung ương đến các địa phương đã kiểm tra 1.800 cơ quan và chỉ phát giác 22 cơ quan vi phạm các qui định về phòng chống tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có 46 vụ, liên quan đến 66 viên chức.
Báo cáo không đề cập đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức trong sáu tháng đầu năm 2017 mà chỉ công bố một số số liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức hồi năm ngoái. Theo đó đã có hơn một triệu viên chức kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỉ lệ 99,8%. Công việc xác minh tài sản, thu nhập chỉ thực hiện với 77 cá nhân bị báo chí, dân chúng tố cáo nhưng không phát giác trường hợp nào “thiếu trung thực”.
Tại sao tham nhũng tràn lan mà báo cáo thường kỳ, thường niên nào cũng na ná như báo cáo vừa kể ?
Tại sao chống tham nhũng là chủ trương lớn mà xa hoa vẫn trở thành đặc điểm phổ biến của các viên chức tại Việt Nam ?
Tại sao các viên chức Việt Nam thi nhau phô bày sự giàu có của họ thông qua cả tư gia lẫn kính, bút viết, đồng hồ, điện thoại di động, giày dép, quần áo, xe hơi,… ?
Nếu không hiểu tường tận hệ thống mà mình phục vụ, không tin rằng mình vô sự, có viên chức nào dám phô bày sự giàu có hoặc ngang nhiên kê khai số tài sản đã thâu tóm được như bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công Thương, người đang cùng mẹ, con, anh, em nắm giữ hàng ngàn tỉ đồng là vốn của Điện Quang, Rạng Đông – những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa hồi giữa thập niên 2009) như vậy không ?
Chuyện bị soi vì đeo đồng hồ Patek Philippe, xài điện thoại Vertu - trị giá mỗi món chừng một tỉ, khi vung tay ra lệnh đập phá vỉa hè ở trung tâm thành phố Sài Gòn như ông Đoàn Ngọc Hải là ngoại lệ. Đương sự chỉ là Phó Chủ tịch quận 1 ở Sài Gòn.Cứ thử soi riêng kính, bút viết, đồng hồ, điện thoại di động, giày dép, quần áo, xe hơi của lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo chính phủ thôi sẽ thấy những cá nhân như ông Hải chỉ là… muỗi.
Thiên hạ cũng đã hỏi tại sao hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp bó tay trước những kiểu biện bạch cho việc thủ đắc khối tài sản cả trăm tỉ của ông Trần Văn Truyền (cựu Tổng Thanh tra Chính phủ), ông Nguyễn Sỹ Kỷ (cựu Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk), ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái) là nhờ “làm vườn đến thối cả móng tay”, “chạy xe ôm hồi còn trai trẻ”, “để dành từ bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá,…” ?
Nếu Đảng không chủ trương bảo lưu (không thực hiện) nhiều điểm cốt lõi của UNCAC, nếu Đảng chấp nhận hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, đưa “làm giàu bất chính” vào Luật Hình sự thì hiện trạng tham nhũng ở Việt Nam có chuyển biến nào tích cực không ? Chắc chắn là có ! Làm gì còn chuyện hệ thống tư pháp loay hoay với các viên chức hùng hồn biện bạch tiền xây tư dinh, lập trang trại, sở hữu hết tỉ này cổ phiếu đến tỉ kia tiền tiết kiệm lànhờ “nuôi gà, nuôi heo”.
Tuy nhiên phải nhắc bạn rằng, lúc đó không chỉ những viên chức đương nhiệm như ông Quý, bà Thoa mà cả những viên chức đã nghỉ hưu như ông Truyền, ông Kỷ cũng mất sạch mọi thứ.
Dẫu có bất khả xâm phạm khi đương nhiệm như lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ thì rồi cũng tới lúc họ phải nghỉ hưu. Thực hiện đúng tinh thần UNCAC, thẳng tay với những người như ông Quý, bà Thoa, ông Truyền, ông Kỷ,… có khác gì lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ tạo “tiền lệ” cho thiên hạ xúm vào “chặt đầu, lột da” sau khi phải rời sân khấu về “làm người tử tế”. Đã “tài tình, sáng suốt” thì phải vì mình đến cùng, đời nào lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ lại dại dột làm chuyện… đắc nhân tâm như thế !
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 18/07/2017