"Ngu" trở thành tính từ mà gần như ai sử dụng mạng xã hội cũng dùng khi tham gia bàn luận về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Dựng chướng ngại vật trong vụ tranh chấp đất tại Đồng Tâm. Hình minh họa.
Theo Thông tư vừa kể thì từ ngày 5 tháng 12, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình.
***
Trò chuyện với tờ Lao Động về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Đặng Hùng Võ – cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, người vẫn được xem như một chuyên gia về đất đai ở Việt Nam, nhận định, quy định như vừa kể là thừa và sẽ gây nhiều rắc rối. Ông Võ nói thêm rằng, những viên chức đề nghị và người phê chuẩn – ban hành qui định ấy "không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự". Ông Võ nhấn mạnh, "hộ" phổ biến là một cặp vợ chồng, nếu quyền sử dụng đất là tài sản của một cặp vợ chồng thì việc thêm tên con cái của họ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chẳng khác gì tạo thêm những đồng sở hữu mới, dù không tham gia tạo lập vẫn có quyền định đoạt đối với tài sản là quyền sử dụng đất. Cứ cho rằng con cái có đóng góp vào tài sản là quyền sử dụng đất thì dùng cách nào để xác định sự đóng góp đó ? Ông Võ tiên đoán, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ khiến việc xác định chủ tài sản trở thành rối rắm và chắc chắn sẽ tạo ra nhiều tranh chấp.
Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường được xem như một "nỗ lực" để loại bỏ tình trạng lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đáng tiếc là giống như nhiều "nỗ lực" khác của hệ thống công quyền tại Việt Nam, không những không được ghi nhận, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường khiến công chúng thêm giận và khinh miệt…
Giống như hàng chục ngàn facebooker tham gia bình luận về Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Nguyễn Đăng Hưng xem đó là bằng chứng về sự "ngu si, đần độn quá mức" và "kiến tạo kiểu này chỉgây mâu thuẫn cho gia đình, rắc rối cho nhân dân, mâu thuẫn cho xã hội". Bửu Nam Nguyễn Phước thì đề nghị "trao Chứng nhận Đại Ngu" cho những người soạn thảo – ban hành Thông tư 33/2017.
Tương tự, Hàn Ly Hương giải thích lý do facebooker này nhận định Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường là "quá sức ngu dốt : Đây có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử loại người, kẻ bỏ tiền tạo lập nhà đất bị buộc phải để những người không đóng góp gì đứng tên, trở thành đồng sở hữu.
Một facebooker có tên là Su Ma thì cho rằng : "Thằng" nào không có chuyện gì làm thì nên cho "nó" về quê nuôi bò. Đừng để "nó" ở không rửng mỡ, nghĩ chuyện… ruồi bu. Nhìn tới tương lai, Dương Nhựt tiên đoán : Mai mốt muốn giao dịch phải kéo cả nhà ra ngồi một bầy cho "tụi nó" hành là chính !
Bên cạnh đó, có khá nhiều facebooker không tin Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường là "ngu dốt… thuần túy". Theo họ, thông tư này sẽ tạo ra cơ hội "móc ngoặc, tham ô, đút lót" vì "tụi nó khôn lắm, sau khi ăn ngược, bây giờ tính chuyện ăn xuôi". Cũng có những facebooker như Nhu Nguyen cà rỡn : Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường nhằm tạo điều kiện cho bệnh viện, nhà xác, nhà tù có việc để làm. Đất vốn là công sức của cha mẹ tạo lập. Bây giờ, tất cả những người có tên trong hộ khẩu đều là đồng sở hữu. Vì ngay cả con dâu, con rể cũng có quyền tham gia định đoạt nên rất dễ đâm chém nhau. Vậy là có người vô bệnh viện, có kẻ vô nhà xác, kẻ khác nữa thì vào nhà tù…
Tương tự, trên trang facebook của Đại Kỷ Nguyên, Thuong Pham tin rằng, Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường là "kế mới để các quan tham nhũng thoát thân", tài sản do nhận hối lộ mà có, giờ mang nguồn gốc "gia đình", cả chính quyền lẫn tòa án vô phương truy cứu.
***
Tại Việt Nam, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường được gọi tắt là "Sổ đỏ". Đây không phải là lần đầu tiên tờ giấy khổ lớn được gấp làm đôi, có một mặt màu đỏ khiến hàng trăm triệu người phải bận tâm.
Đáng ngạc nhiên là dường như tất cả những gì dính tới đỏ - vốn vẫn được xem như màu tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản – đều làm thiên hạ đau và giận.
Tuần này, ngoài Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên và môi trường liên quan tới "Sổ đỏ", "thảm đỏ" - vốn được dùng để ví von cho nỗ lực cải tổ, mời gọi đầu tư - cũng là một chủ đề mà cả các tờ báo chính thống lẫn mạng xã hội bàn luận sôi nổi.
Hôm 20 tháng 11, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu hàng loạt ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân về lời kêu gọi của Thủ tướng Việt Nam : Doanh giới đừng đưa hối lộ ! Khi trò chuyện với tờ Tuổi Trẻ, các chuyên gia và doanh nhân cùng nêu một ý, doanh nhân chỉ có thể ngừng đưa hối lộ khi tình trạng "trên trải thảm nhưng dưới rải đinh", "cài cắm qui định" để có lý do vòi vĩnh chấm dứt !
Giữa năm ngoái, khi tham gia bàn luận về mời gọi đầu tư, ông Lê Hồng Sơn – cựu Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam, từng ví von, chủ trương mời gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân giống như "trải thảm đỏ" nhưng trên thực tế, các bộ, ngành liên tục đặt định rất nhiều yêu cầu "trời ơi, đất hỡi" chẳng khác gì "rải đinh" dưới thảm.
Sau 18 tháng tính từ ngày ông Sơn khái quát hiện trạng "trên trải thảm nhưng dưới rải đinh", giờ, "đinh" vẫn đầy dưới "thảm" ! Một số người biện bạch rằng "chính phủ" đã rất cố gắng, chỉ có… "các bộ, ngành" là thiếu thiện chí. Kiểu biện bạch này khiến người ta hoang mang. Chẳng lẽ chính phủ Việt Nam khác chính phủ của các quốc gia khác, thành ra "các bộ, ngành" không phải… "chính phủ" ?
Không "nhã" như các chuyên gia và doanh nhân, nhiều facebooker như Tony Do nhận định thẳng tuột, lời kêu gọi doanh giới đừng đưa hối lộ của Thủ tướng Việt Nam là một kiểu "nói chuyện huề tiền".
Tony Do bảo ông Phúc "thử khuyên mấy đứa con của chính phủ đừng gây khó dễ, đừng nhận hối lộ xem chúng có nghe không ?". Tuy nhiên Duc Do Dang cho rằng khỏi "thử khuyên" vì "vô phương". Duc Do Dang giải thích : Chúng nó nhận hối lộ để thu hồi vốn, không nhận hối lộ thì mua quan làm gì (?). Chưa kể làm như thế mấy đứa bán quan sẽ chết đói. Facebooker này không tán thành kiểu ví von cho rằng dưới thảm là đinh. Duc Do Dang nhấn mạnh : Dưới thảm đỏ là cả rừng chông. Đinh chỉ xuyên qua giày, còn chông thì… xuyên tan xác !
Chẳng lẽ đã "đỏ" thì phải có… "đinh" mới đó mà đã lạc hậu. Giờ dưới "đỏ" là "chông" mới chính xác ?
11 bộ (Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Giao thông và vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thông tin và truyền thông, Công thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Xây dựng), chính quyền hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và hai tập đoàn nhà nước là Than và khoáng sản (TKV), Điện lực (EVN), vẫn chưa khảo sát xong và chưa có báo cáo cuối cùng về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Việt Nam thì 11 bộ, chính quyền hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và TVN, EVN sẽ phải kháo sát, báo cáo về năm khía cạnh có liên quan tới dự án này : Chủ trương, hiệu quả sử dụng vốn, công nghệ, thị trường, sản phẩm.
Bởi Thủ tướng Việt Nam không ấn định thời gian nên chưa rõ bao giờ sẽ có báo cáo chính thức (?), sau đó báo cáo có được công bố rộng rãi hay không (?) và quan trọng nhất là có thừa nhận sai lầm, đồng thời có truy cứu trách nhiệm những cá nhân chủ trương và thúc đẩy việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay không ?
***
Dựa trên kết quả khảo sát của giới địa chất Liên Xô - xác định trữ lượng bauxite ở khu vực Tây Nguyên khoảng tám tỉ tấn, năm 2001, Ban Chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 9, xác định phải khai thác bauxite ở Tây Nguyên và nhấn mạnh đó là "chủ trương lớn" của đảng này. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 10 tái tuyên bố, khai thác bauxite ở Tây Nguyên là "chủ trương nhất quán" của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Không chỉ các chuyên gia, trí thức, báo giới, một số tôn giáo, dân chúng mà nhiều cựu viên chức cao cấp của chính quyền cộng sản Việt Nam đã cùng lên tiếng ngăn cản việc thực hiện kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đã có rất nhiều phân tích cặn kẽ cho thấy, nếu thực hiện dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Việt Nam sẽ chìm trong nợ, môi trường – hệ sinh thái ở khu vực Tây Nguyên sẽ bị hủy diệt, Tây Nguyên sẽ thiếu cả nước lẫn điện, hàng tỉ tấn bùn đỏ do khai thác bauxite thải ra sẽ là một quả bom bùn lơ lửng trên đầu miền Nam, chưa kể nó còn mở toang cửa cho công nhân Trung Quốc tràn vào, cư trú tại một trong những khu vực trọng yếu về an ninh, quốc phòng,…
Bất chấp các khuyến cáo và phân tích thiệt hơn, cuối năm 2007, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng Việt Nam vẫn phê duyệt kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư trong hai năm từ 2007 đến 2029 là 3,1 tỉ Mỹ kim.
***
Sau khi ngốn hết 15.415 tỉ đồng, Nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Đồng bắt đầu được vận hành vào tháng 3 năm 2013 và chỉ tính đến tháng 9 năm ngoái, nhà máy này đã lỗ khoảng 3.700 tỉ đồng. Tương tự, sau khi ngốn hết 16.821 tỉ đồng, Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông bắt đầu vận hành vào tháng 11 năm ngoái. Đến tháng 8 vừa qua, chính quyền tỉnh Đắk Nông cho biết, họ hết sức thất vọng khi năm nay, Nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ có thể đóng góp cho ngân sách của cả trung ương lẫn địa phương (thuế) chừng 150 tỉ đồng, bằng ¼ so với dự trù (437 tỉ đồng), thành ra chính quyền tỉnh Đắk Nông đề nghị chính phủ cho họ hưởng luôn khoản 78 tỉ đồng - tương đương 52% - mà lẽ ra phải chuyển cho ngân khố quốc gia.
Đến giờ đã có khá nhiều dấu hiệu cho thấy, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên trở thành "chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam", gây ra đủ loại thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế - xã hội – môi trường, không đơn thuần là vì ngu dốt.
Tháng 3 năm nay, Thanh tra của Bộ Tài chính kết luận : Năm 2006, lúc vận động cho dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, TKV chỉ có ý định đầu tư 7.787 tỉ đồng vào Nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Đồng. Sau khi giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xác định, khai thác bauxite ở Tây Nguyên là "chủ trương lớn, nhất quán", TKV đã nâng vốn đầu tư vào Nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Đồng (15.500 tỉ đồng). Dù vốn đầu tư tăng gấp đôi nhưng công suất của Nhà máy Alumin Tân Rai chỉ tăng chưa tới 1/10.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ cũng vậy. Lúc đầu, TKV chỉ có ý định đầu tư 3.285 tỉ đồng vào nhà máy này nhưng sau khi khai thác bauxite ở Tây Nguyên trở thành "chủ trương lớn, nhất quán", TKV đã nâng vốn đầu tư vào Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên năm lần (16.821 tỉ đồng). Dù vốn đầu tư tăng gấp năm lần, công suất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ chỉ tăng hơn gấp đôi.
Dẫu Nhà máy Alumin Tân Rai ở Lâm Đồng thua lỗ trầm trọng vì giá quặng trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước cao hơn mức trung bình của thế giới nên giá thành rất cao, không thể cạnh tranh, dẫu tháng 8 năm 2014, TKV công khai thú nhận, cả Nhà máy Alumin Tân Rai và trong tương lai, Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ tiếp tục lỗ, ít nhất là hơn một thập niên nữa mới có thể thu hồi vốn nhưng tháng 3 năm 2016, dựa vào yếu tố khai thác bauxite ở Tây Nguyên là "chủ trương lớn, nhất quán" của Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam đã đề nghị và chính phủ Việt Nam đã chuẩn y, "hỗ trợ" thêm cho kế hoạch khai thác bauxite tại Tây Nguyên khoảng 5.000 tỉ trong 10 năm từ 2016 đến 2025. Theo một số chuyên gia, nếu tính cả hỗ trợ về giá điện thì khoản "hỗ trợ" phải tới 1,2 tỉ Mỹ kim !
Bởi thiếu thông tin nên người ta không biết các khoản "hỗ trợ" có bao gồm chi phí khắc phục hậu quả những vụ bùn đỏ tràn ra bên ngoài khuôn viên các nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ hay chưa ? Từ tháng 10 năm 2014 đến nay, thỉnh thoảng, bùn đỏ từ hai nhà máy alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ lại tràn ra ngoài. Ông Nguyễn Văn Ban, cựu Trưởng ban Nhôm – Titan của TKV, từng nhận định đó là hệ quả tất nhiên của… "công nghệ Trung Quốc".
***
Khoan kể tới 32.000 tỉ đồng đã đầu tư cho kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên không những không hề sinh lợi mà còn tạo thêm nợ nần do phải trả lãi và bù đắp các khoản thua lỗ, chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã hủy diệt tương lai của nhiều cá nhân, gia đình. Chẳng hạn trường hợp ông Đinh Đăng Định.
Ông Định, 51 tuổi, từng là một sĩ quan của quân đội cộng sản Việt Nam. Sau khi giải ngũ, làm việc cho nhiều công ty khác nhau, ông trở thành giáo viên dạy Hóa của trường trung học Lê Qúy Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ông Định là một trong những người tích cực vận động dân chúng Đắk Nông ký tên vào kiến nghị yêu cầu không khai thác bauxite tại Tây Nguyên, vừa để bảo vệ môi trường của Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ, vừa nhằm ngăn chặn Trung Quốc đặt chân vào khu vực này.
Ông Định bị bắt năm 2011. Năm 2012 bị hệ thống tư pháp Việt Nam kết án sáu năm tù vì "tuyên truyền chống nhà nước". Nhiều lần ông Định được khuyến dụ nhận tội để hưởng "chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước" song ông cương quyết từ chối. Trong tù, sức khỏe của ông suy kiệt trầm trọng và giờ chót mới được thăm khám, kết luận là ung thư bao tử.
Đại diện nhiều chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích ông Định để ông nhắm mắt bên cạnh những người thân. Tháng 2 năm 2014, chính quyền Việt Nam loan báo đã cho ông Định tạm hoãn thi hành án trong 12 tháng. Tháng 3 năm 2014, Tòa án tỉnh Đắk Nông đến tư gia trao cho ông "Quyết định đặc xá". Đầu tháng 4 năm 2014, ông Định qua đời để lại ba đứa con dại…
Chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên cũng là nguyên nhân hủy diệt nhiều khu vực, nhiều doanh nghiệp.
Song song với kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên, TKV đề nghị xây dựng một hải cảng tại khu vực Kê Gà thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận để tiếp nhận – xuất cảng quặng khai thác từ Tây Nguyên. Theo dự trù, cảng Kê Gà chiếm 2,3 cây số bờ biển, diện tích 366 héc ta, chi phí đầu tư lên tới một tỉ Mỹ kim. Đề nghị của TKV đã khiến tất cả các dự án xây dựng resort đã được cấy giấy phép đầu tư và đang triển khai ở Kê Gà bị đình chỉ để thu hồi đất, giao cho TKV.
Năm 2009, TKV tổ chức lễ khởi công xây dựng cảng Kê Gà nhưng sau đó, 366 héc ta ở Kê Gà bị bỏ hoang vì rõ ràng, bauxite tưởng vậy mà không phải vậy. Thế nhưng mãi đến năm 2013, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng Việt Nam mới chính thức tuyên bố hủy bỏ kế hoạch xây dựng cảng Kê Gà và yêu cầu các bộ hữu trách trong chính phủ Việt Nam phối hợp với chính quyền tỉnh Bình Thuận giải quyết thiệt hại cho các doanh nghiệp du lịch từng đầu tư vào khu vực Kê Gà ! Nhiều doanh nghiệp trong số này đã mấp mé bên bờ vực phá sản.
Bộ Công Thương đã từng tổ chức giám định thiệt hại nhưng những doanh nghiệp phải gánh chịu hậu quả của dự án cảng Kê Gà không đồng ý vì hai lý do : (1) Mức độ thiệt hại được bên gây thiệt hại (TKV) thừa nhận thấp hơn nhiều so với thiệt hại thực tế. Chính quyền tỉnh Bình Thuận, trung gian giữa hai bên (gây thiệt hại và bị thiệt hại) ước tính thiệt hại là 85,7 tỉ đồng nhưng TKV chỉ đồng ý bồi thường 37,4 tỉ đồng. (2) Dù tổng số thiệt hại thấp hơn nhiều so với thiệt hại thực tế nhưng những doanh nghiệp bị thiệt hại vẫn chưa nhận được đồng nào.
Cho dù khoản bồi thường là 85,7 tỉ đồng hay 37,4 tỉ đồng thì chắc chắn tiền bồi thường cũng sẽ được lấy từ ngân sách. Ở Việt Nam, nợ nần là thứ mà chính phủ không hề lo.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/11/2017
Kỳ họp thứ tư (từ 23 tháng 10 đến 24 tháng 11) của Quốc hội khóa 14 sắp kết thúc và nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội khóa này cho thấy họ không khác gì lắm so với nhiều đại biểu của dân ở Quốc hội các khóa trước !
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua một dự luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
***
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành, ông Nguyễn Bắc Việt – Phó Đoàn Đại biểu của tỉnh Ninh Thuận tại Quốc hội, đòi luật mới phải minh định "rèn luyện thân thể" là nhân quyền, không phân biệt đối xử giữa công dân lẫn cán bộ. Ông Việt tỏ ra hết sức bất bình khi dân có thể tham gia thể dục, thể thao nhưng "cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà tham gia thể dục, thể thao thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc". Ông Việt yêu cầu nội dung luật mới về thể dục – thể thao phải giúp "cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis vì đó là ‘quyền’ của họ".
Ông Việt nói thêm, dẫu dự luật cải sửa Luật Thể dục – Thể thao hiện hành có khuyến khích cán bộ, công chức tham gia các hoạt động thể dục – thể thao nhưng chừng đó chưa đủ. Luật mới phải "tạo điều kiện" để "đầu tư, hỗ trợ" cán bộ, công chức về "cả nơi tập lẫn trang, thiết bị".
***
Trước đó một tuần, hôm 8 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Tố cáo, ông Ngô Tuấn Nghĩa – thành viên Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội, đề nghị hệ thống công quyền không nên chấp nhận những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vì sẽ ảnh hưởng tới giới này. Ngoài ra, theo lời ông Nghĩa, Luật Tố cáo mới nên buộc người tố cáo phải "xuất đầu, lộ diện" bằng cách chỉ chấp nhận tố cáo trực tiếp, nếu không "sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan hoặc tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để quấy rối cán bộ".
Ngày hôm sau, 9 tháng 11, khi cùng các đồng viện thảo luận về dự luật cải sửa Luật Phòng - Chống tham nhũng, ông Trần Hoàng Ngân – một thành viên khác của Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội, đề nghị luật mới nên buộc đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng. Ông Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội tỏ ra rất tâm đắc với đề nghị của ông Ngân. Ông Nhân nhấn mạnh, hồi ông sang Mỹ học về "quản lý nhà nước", tham quan trại giam là một phần trong chương trình học (người viết bài này đã cố gắng tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm thấy chương trình nào đào tạo về "quản lý nhà nước" tại Mỹ đưa tham quan trại giam vào chương trình đào tạo để răn đe các viên chức trong hệ thống công quyền đừng tham nhũng như ông Nhân dẫn chứng).
Khoan bàn tới nhận xét từ công chúng về những "góp ý lập pháp" của các đại biểu vừa kể, chỉ xét bình luận của các cán bộ, viên chức thì đã đủ để thấy những "góp ý lập pháp" này không ổn. Tờ Đất Việt kể rằng, một "viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu" và bà Lê Thị Thu Ba – cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa 12, cùng cho rằng, dùng luật để ngăn chặn việc tố cáo cán bộ, viên chức đã nghỉ hưu vừa vi hiến, vừa vi phạm pháp luật vì mọi người bình đẳng trước pháp luật.
Đối với ý tưởng buộc phải đưa cán bộ, viên chức đi tham quan các trại giam để… biết sợ mà bớt tham nhũng, "viên chức cao cấp của Văn phòng Chính phủ đã nghỉ hưu" lưu ý, "nhiều khi ở tù sướng hơn ở ngoài vì đầy đủ tiện nghi chẳng thiếu thứ gì" thành ra coi chừng… phản tác dụng.
***
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì đại diện cho toàn bộ dân chúng Việt Nam để lập hiến, lập pháp, quyết định tất cả các vấn đề quan trọng của quốc gia, giám sát toàn bộ hoạt động của hệ thống công quyền.
Trong thực tế, đa số đại biểu của dân chúng Việt Nam tại Quốc hội vừa là thành viên của Đảng cộng sản Việt Nam vừa tham gia lãnh đạo hệ thống công quyền. Ông Nguyễn Bắc Việt – người đòi Luật Thể dục – thể thao mới phải giúp "cán bộ lãnh đạo yên tâm khi chơi golf, chơi tennis", phải "tạo điều kiện" để "đầu tư, hỗ trợ" cán bộ, công chức về "cả nơi tập lẫn trang, thiết bị" là Phó Bí thư Thường trực của Tỉnh ủy Ninh Thuận. Ông Ngô Tuấn Nghĩa – người đòi Luật Tố cáo mới phải vô hiệu hóa những tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, buộc người tố cáo phải "xuất đầu, lộ diện" là Thiếu tướng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Hoàng Ngân thì là Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Đó có thể là lý do người ta không thấy bóng dáng nhân dân trong các "góp ý lập pháp". Đó hình như cũng là lý do Quốc hội Việt Nam miệt mài "sửa đổi, bổ sung" hết luật này sang luật khác, từ thập niên này sang thập niên khác...
Sau khi được ban hành lần đầu vào năm 1998, đến năm 2004, Luật Khiếu nại – Tố cáo được "sửa đổi, bổ sung" lần thứ nhất. Năm 2005 được "sửa đổi, bổ sung" lần thứ hai rồi đến năm 2011 thì được tách ra thành Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Từ 2012, khi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực, năm nào Quốc hội Việt Nam cũng bàn về việc "sửa đổi, bổ sung" thêm !
Tương tự, sau khi ban hành Bộ Luật Hình sự đầu tiên năm 1985 và "sửa đổi, bổ sung" bốn lần trong các năm 1989, 1991, 1992, 1997, đến năm 1999, Quốc hội Việt Nam thay thế Bộ Luật Hình sự 1985 bằng một Bộ Luật Hình sự mới. Bộ Luật Hình sự 1999 tiếp tục được "sửa đổi, bổ sung" cho đến năm 2009 thì có một Bộ Luật Hình sự mới hơn thay thế. Năm 2015, Bộ Luật Hình sự mới hơn Bộ Luật Hình sự 2009 ra đời. Tuy nhiên ba ngày trước khi Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực, các đại biểu Quốc hội khóa 13 – những người đã từng "nhất trí thông qua" bộ luật này – "nhất trí hoãn thi hành" nó vì tới lúc đó họ mới chịu "nhất trí" với các chuyên gia rằng Bộ Luật Hình sự 2015 "có nhiều sai sót nghiêm trọng" không hoãn và sửa thì… "dân chết". Chuyện "sửa đổi, bổ sung" Bộ Luật Hình sự 2015 vừa hoàn tất hồi tháng 7 năm nay và đến 1 tháng Giêng năm tới nó mới có hiệu lực !
***
Không phải tự nhiên mà khi đề cập đến Quốc hội Việt Nam, nhiều người cố tình viết thành "Cuốc hội". Nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam không những không thèm bận tâm, mà luôn tìm đủ mọi cách chứng minh họ đúng là đại biểu "Cuốc hội" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/11/2017
Tuần này, Venezuela trở thành một trong những chủ đề được người Việt bàn tán rôm rả trên Internet. Sở dĩ công chúng tham gia bình luận sôi nổi về Venezuela là vì hệ thống công quyền Việt Nam từng tỏ ra hết sức tâm đắc với con đường mà Hugo Chavéz đã chọn và đó là lý do khiến quốc gia Nam Mỹ này vỡ nợ.
Tờ bạc Bolivar tiền Venezuela - Hình minh họa.
Tuy nhiên nếu chỉ nhìn Venezuela ở góc độ đó thì dường như là chưa thấu đáo…
***
Standard & Poor – tổ chức chuyên thu thập thông tin, xếp hạng về mức độ tín nhiệm nhận định Venezuela đã vỡ nợ bởi chính phủ Venezuela liên tục bội ước, không thanh toán vốn và lãi cho nhiều khoản vay đáo hạn. Standard & Poor ước đoán, tổng nợ mà Venezuela thiếu thiên hạ khoảng 150 tỉ Mỹ kim.
Tại sao Venezuela – quốc gia dẫn đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ và xuất cảng dầu lại có thể vỡ nợ ?
Đó là "công" của Hugo Chávez – người đặc biệt ái mộ Karl Marx, Vladimir Lenin và Mao Trạch Đông.
Năm 1999, sau khi trở thành tổng thống của Venezuela, Chávez tìm mọi cách để chứng minh sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, biến Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" ở Nam Mỹ. Chavez làm tổng thống của Venezuela suốt 14 năm cho đến khi tắt thở (2013).
Sau 14 năm dựa vào dầu thô, vay mượn để đầu tư cho những dự án vô bổ, thiếu căn cơ, băm bổ lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm. Nợ nần (bao gồm cả vốn đã vay lẫn lãi) cao dần. Ba năm nay Venezuela luôn luôn dẫn đầu thế giới về lạm phát, dân chúng Venezuela chết dần, chết mòn vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Riêng năm 2016, có 11.000 trẻ sơ sinh uổng mạng vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, ¾ người lớn xác nhận trọng lượng của họ giảm 9 ký/năm. Cướp bóc xảy ra khắp nơi nhưng Nicolás Maduro – người được Hugo Chávez chỉ định làm người kế nhiệm để tiếp tục phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" tại Nam Mỹ - chỉ quan tâm tới việc đàn áp đối lập để duy trì sự lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" của mình.
***
Giữa bối cảnh chủ nghĩa cộng sản bị nhân loạt gạt bỏ, chính quyền cộng sản ở Liên Xô, các quốc gia Đông Âu sụp đổ, Hugo Chavéz trở thành cái phao cho chính quyền cộng sản ở Cuba, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên bám vào để biện bạch cho việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhằm xây dựng cho bằng được chủ nghĩa xã hội…
Giờ, khi Venezuela đã rơi xuống vực, nhiều người Việt dẫn lại những nhận định của giới lãnh đạo chính quyền cộng sản Việt Nam về việc xây dựng "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" tại Venezuela ("Phong trào cách mạng ở Venezuela giành thắng lợi tốt đẹp, cho thấy nó như một điểm sáng, một niềm hy vọng cho phong trào cách mạng chủ nghĩa xã hội khắp thế giới, mang lại cho những người cộng sản trên khắp thế giới một nguồn sinh khí mới". "Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội tốt đẹp nhất dành cho loài người". "Dù có muôn vàn khó khăn nhưng chủ nghĩa xã hội sẽ luôn chiến thắng") kèm đề nghị giải thích… thêm.
Trong khi có những facebooker như Đô Thành Sài Gòn bỡn cợt : "Chúc mừng ‘đồng chí’ Venezuela chính thức bước tới ‘thiên đường xã hội chủ nghĩa’. Ơn Đảng Cộng sản, ơn ‘bác’ Hugo Chavez" thì cũng có những facebooker như Quốc Vương âu lo : "Vài năm tới sẽ đến lượt Việt Nam thôi !". Những âu lo dạng đó bị một số facebooker như Joshep Trinh Thiên Phúc phản bác : Dựa vào đâu mà các bạn nghĩ Việt Nam sẽ như Venezuela ? Nghĩ như thế là… phản động ! Chúng ta vốn hơn hẳn nên phải vỡ nợ nhanh và nhiều hơn chứ làm sao bằng hoặc thua được !
***
Sự kiện Venezuela vỡ nợ khiến người ta liên tưởng ngay đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – doanh nghiệp nhà nước từng đem 1,8 tỉ Mỹ kim "đầu tư" vào Venezuela để khai thác dầu và giờ, tuy đã mất trắng 1,8 tỉ Mỹ kim đó nhưng ông Đinh La Thăng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN - chỉ cần gật đầu nhận lỗi, bước ra khỏi Bộ Chính trị là xong.
Việt Nam đâu chỉ có một tập đoàn, tổng công ty nhà nước như PVN. PVN đâu chỉ có một dự án đầu tư vào Venezuela. Cuối tháng rồi, Bộ Công Thương loan báo sắp hoàn tất việc "xem xét, xử lý" những tập thể và cá nhân đã được xác định là liên đới về trách nhiệm đối với 12 "đại dự án" của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trị giá 63.610 tỉ không những không sinh lợi mà còn tạo thêm nợ nần. Cũng cuối tháng rồi, Tổng Kiểm toán Nhà nước, bật mí, con số "đại dự án" mất vốn, thua lỗ không còn là 12 mà "đã hơn 40" !
Tuy nhiên hình như công chúng Việt Nam chỉ mới ngậm ngùi cho dân chúng Venezuela đang chết dần, chết mòn bởi tất cả các thứ hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều thiếu, phụ nữ - kể cả giáo viên - đổ sang các lân bang bán thân .để giúp thân nhân của mình tồn tại. Khi một quốc gia vỡ nợ thì sẽ không còn nơi nào để vay, không có nguồn đầu tư nào để giúp hồi phục. Không thể xuất cảng vì hàng hóa bị thu hồi để trừ nợ cũng chẳng có nhập cảng do thiên hạ không cho mua chịu. Khi một quốc gia vỡ nợ thì doanh nghiệp sẽ phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan. Chính phủ không còn tiền nên không thể cung cấp những dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, giao thông,… Khi một quốc gia vỡ nợ thì thường chính phủ sẽ xin thương lượng lại về các khoản nợ, các khoản lãi và chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo do các chủ nợ đặt ra. Giới lãnh đủ thua thiệt từ những điều kiện đó là dân.
Theo các thống kê, nguồn thu cho ngân khố của Việt Nam tiếp tục giảm, chi tiêu – đặc biệt là những khoản dùng để nuôi hệ thống công quyền tiếp tục tăng, các số liệu về nợ nần tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tăng nhanh và nhiều.
Không có nhiều facebooker nhìn vấn đề như Khanh Tran : Đừng bận tâm đến Venezuela. Hãy lo cho Việt Nam.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/11/2017
Hai sự kiện : Bà quả phụ Trịnh Văn Bô – nhũ danh Hoàng Thị Minh Hồ - qua đời hôm 5 tháng 11 và tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 - đề nghị chi tiền để tìm kiếm, an táng hài cốt của 2.500 người lính tử trận cách nay ba thập niên tại Hà Giang… là những ví dụ mới nhất minh họa cho tình nghĩa của những người cộng sản.
Vợ chồng Trịnh Văn Bô, doanh gia giàu có nhất Hà Nội
***
Trên số ra ngày 7 tháng 11, tờ Thanh Niên vừa lược thuật thêm một lần nữa về"nỗi buồn nhân đôi" của gia tộc cụ Trịnh Văn Bô.
Vợ chồng cụ Bô là những doanh nhân "hằng tâm, hằng sản" với chính quyền cộng sản Việt Nam. Ngoài chuyện bí mật đóng góp cho Việt Minh hàng vạn đồng bạc Đông Dương, tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, họ đã dành căn nhà số 48 phố Hàng Ngang cho giới lãnh đạo Việt Minh cư trú. Rồi để chính quyền Việt Minh có tiền chi dùng, vợ chồng cụ Bô đã hiến 5.147 lượng vàng.
Theo lời cụ Hoàng Thị Minh Hồ kể với tờ Thanh Niên năm 1990 thì 1.000 trong số 5.147 lượng vàng ấy đã được ông Nguyễn Lương Bằng – Đặc phái viên của chính quyền Việt Minh – đem hối lộ hai viên tướng chỉ huy 20.000 quân của Trung Hoa Dân Quốc được phe Đồng minh điều động vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật để hai viên tướng này làm ngơ cho Việt Minh vừa tập tễnh nắm chính quyền, củng cố, phát triển thực lực.
Không có số vàng khổng lố ấy lịch sử Việt Nam có thể đã khác !
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai bùng nổ, vợ chồng cụ Bô bỏ hết nhà cửa, tài sản theo Việt Minh vào chiến khu. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, họ theo Việt Minh trở về Hà Nội. Ngoài việc hiến căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, họ còn đáp ứng đề nghị của Bộ Quốc phòng – cho mượn biệt thự 34 Hoàng Diệu trong hai năm.
Biệt thự 34 Hoàng Diệu trở thành tư gia của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hết hai năm, tướng Thái bảo vợ chồng cụ Bô rằng quân đội vẫn còn cần đến biệt thự này và sẽ hoàn trả khi "đất nước thống nhất".
Vợ chồng cụ Bô đành chờ đến sau tháng 4 năm 1975 mới xin nhận lại nhà. Năm 1988, cụ Bô qua đời khi nguyện vọng chính đáng của ông vẫn chưa được đáp ứng. Thập niên 1990, trao lại biệt thự 34 Hoàng Diệu cho chủ của nó từng là chủ đề được nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam tham gia bàn luận trong một thời gian dài. Dù các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nghỉ hưu lẫn đương nhiệm cùng khẳng định đó là "đạo lý", dứt khoát phải thực hiện nhưng cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu vẫn phải chờ. Năm 1994, chính phủ Việt Nam giao cho cụ Hoàng Thị Minh Hồ quyết định "tặng" gia đình Trịnh Văn Bô biệt thự 34 Hoàng Diệu vì "đã có những đóng góp to lớn cho đất nước". Năm sau (1995) đột nhiên có lệnh… hoãn thi hành quyết định "tặng" biệt thự 34 Hoàng Diệu.
Qua VOA, nhà báo Bùi Tín tiết lộ, sở dĩ gia đình cụ Bô không thể nhận lại biệt thự 34 Hoàng Diệu vì sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận nhà mới, dọn ra khỏi biệt thự này (1978), ông ta giao lại biệt thự cho vợ chồng con gái sử dụng !
Năm 2003, vào thời điểm biệt thự 34 Hoàng Diệu vắng chủ, con cháu cụ Hoàng Thi Minh Hồ đã cõng cụ xâm nhập biệt thự rồi ở lì tại đó cho đến giờ. May là cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu không bị cưỡng chế. Tuy nhiên theo tờ Thanh Niên, đến nay, sau 14 năm gia đình cụ Bô "tái chiếm hữu tài sản" của họ, chính quyền Việt Nam vẫn chưa tái xác nhận vợ chồng cụ Bô có quyền sở hữu biệt thự 34 Hoàng Diệu.
***
Hai ngày trước khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, bảo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,…
Cụ bà Hoàng Minh Hồ dự lễ 480 năm ngày mất của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng tại Văn Miếu (cụ ông Trịnh Văn Bô là trực hệ đời thứ 15 Chúa Trịnh Tùng) – Ảnh : X.B
Tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ này đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang.
Lý do chính khiến cha mẹ nhiều liệt sĩ chờ cho tới chết vẫn chưa nhận được hài cốt của con là vì… giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam chưa cấp tiền để tìm kiếm, mang hài cốt của các liệt sĩ về nhà.
Tướng Cò khẳng định với các đồng viện rằng chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽđưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương.
Sau hơn 30 năm phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, có bao nhiêu trong số 2.500 hài cốt này còn nguyên vẹn và có thể xác định được danh tính ? Tại sao Bộ Quốc phòng phải chờ hơn 30 năm mới đốc thúc Quốc hội chuẩn chi ? Phải chăng vì tìm kiếm – an táng hài cốt những người lính đền nợ nước trong cuộc chiến chống Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ sẽ ảnh hưởng đến "quan hệ Việt – Trung" và việc thực thi "tinh thần bốn tốt", "phương châm 16 chữ vàng" nên cả liệt sĩ lẫn thân nhân cùng phải chờ tới… thời điểm thích hợp ?
Rồi ngoài Hà Giang với 2.500 hài cốt đang phơi mưa nắng, bao giờ thì Bộ Quốc phòng tính đến chuyện tìm kiếm, an táng hài cốt những liệt sĩ tử trận ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong giai đoạn 1979 - 1981 ?
Dường như hài cốt của hàng chục ngàn liệt sĩ (bao gồm cả những người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến từ 1945 – 1954, 1954 – 1975), sự khắc khoải của hàng trăm ngàn người khi thân nhân chưa "mồ yên, mả đẹp", vẫn bị xem là chưa "thấu tình", không "tận nghĩa" bằng các tượng đài, bảng đồng, bia đá, lễ tưởng niệm được tổ chức rầm rộ hàng năm. Cũng vì vậy, hồi cuối tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm "Ngày Thương binh Liệt sĩ", dù vẫn còn nhan nhản những trường hợp như vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, như 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vẫn dõng dạc khẳng định : "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/11/2017
Vụ nổi loạn ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội hồi giữa tháng 4 năm nay vừa được Quốc hội Việt Nam hâm nóng.
Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình - Đồng Tâm gãy chân là do... không bị ai đánh cả - ảnh biếm họa báo Tuổi Trẻ 08/11/2017 (bị gỡ bỏ)
Ngày 2 tháng 11, khi tham gia thảo luận về kinh tế, xã hội và ngân sách tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14, ông Dương Trung Quốc lôi vụ Đồng Tâm ra phẫu thuật lại vì theo ông Quốc, vụ nổi loạn này là bằng chứng cho thấy hệ thống công quyền vẫn không thèm bận tâm đến những bất bình, thắc mắc của dân chúng, những bất bình, thắc mắc này tiếp tục tích tụ rồi dẫn tới "vỡ bờ".
Ông Quốc – một trong những người đang thiếu dân chúng xã Đồng Tâm món nợ về niềm tin vào sự công minh, chính trực của hệ thống công quyền – cố gắng gỡ gạc để giảm nợ đã nói thêm rằng, vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là hậu quả của khủng hoảng niềm tin chứ không phải vụ án hình sự, thành ra chuyện giữa tháng trước, hệ thống tư pháp của thành phố Hà Nội kêu gọi dân chúng xã Đồng Tâm "đầu thú" do tham gia "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và "bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" là không hợp lẽ.
***
Đầu thập niên 1980, chính quyền Việt Nam thu hồi 54 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để thực hiện phi trường Miếu Môn – một "công trình quốc phòng" có diện tích khoảng 240 héc ta. Sau đó việc thực hiện "công trình quốc phòng" này bị hủy bỏ, phần lớn đất đai đã thu hồi bị bỏ hoang. Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, đơn vị được giao giữ 54 héc ta "đất quốc phòng" đã thu hồi từ dân chúng xã Đồng Tâm đem đất ra "phát canh, thu tô" và năm 2007 giao trả một phần đất đã thu hồi cho chính quyền địa phương.
Bởi phần đất mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện "hoàn trả" một cách bất minh cho một số cá nhân và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại nhưng hệ thống công quyền không bận tâm. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và "thu hồi" đất thêm một lần nữa với lý do đó là "đất quốc phòng". Lần này, "đất quốc phòng" được giao cho Viettel – tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện một "công trình quốc phòng" khác.
Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc về thu hồi và sử dụng đất đã thu hồi, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức "cưỡng chế". Tuy nhiên lần cưỡng chế nào cũng bất thành vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất. Giữa tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và ba người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định "đất quốc phòng" rồi bắt cả bốn. Trong vụ lừa - bắt thô bạo này, cụ Kình bị gãy cổ xương đùi... Đó là lý do dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn (bắt giữ 38 viên chức và cảnh sát cơ động, đòi chính quyền thành phố Hà Nội phóng thích bốn người mà họ đã bắt, đòi thanh tra toàn diện việc thu hồi – sử dụng đất ở xã Đồng Tâm).
Không thể dùng "bạo lực cách mạng" đàn áp vụ nổi loạn ở Đồng Tâm vì "cả nước trông vào", ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết :
(1) Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với "sự thật khách quan" và "đúng pháp luật", xác định rạch ròi đâu là "đất nông nghiệp", đâu là "đất quốc phòng".
(2) Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm.
(3) Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.
Cuộc thương lượng diễn ra dưới sự chứng kiến của hai đại biểu Quốc hội Việt Nam : Ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực của Ủy ban về các vấn đề xã hội và ông Dương Trung Quốc.
Hai tháng sau khi Chủ tịch thành phố Hà Nội ký cam kết vừa kể, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án "bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật" và "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4. Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố "Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm". Theo dự thảo, hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm nhưng chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi chỉ được xem là... thiếu sót. Nhìn chung, theo dự thảo, kế hoạch "cưỡng chế - thu hồi đất" ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.
Ngày 25 tháng 7, chính quyền thành phố Hà Nội chính thức công bố Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Nội dung kết luận chính thức không có gì khác so với dự thảo.
***
Hôm 2 tháng 11, lúc xới lại vụ nổi loạn ở Đồng Tâm, ông Quốc nhắc tới cam kết thứ ba của Chủ tịch thành phố Hà Nội hồi hạ tuần tháng 4 : Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật – kèm thắc mắc, nếu "thượng tôn pháp luật" thì tại sao chỉ khởi tố dân Đồng Tâm mà tha những sĩ quan công an đánh dân gây thương tích cho cụ Kình, để số này đứng ngoài vòng pháp luật ? Nếu "thượng tôn pháp luật" thì tại sao ba tháng qua, không cơ quan nào thèm trả lời những thắc mắc của dân chúng xã Đồng Tâm về kết luận thanh tra đất đai ở xã này ?
Năm ngày sau – 7 tháng 11, một thành viên thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội đột nhiên đăng đàn. Tuy là đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội nhưng ông Đào Thanh Hải lại dùng diễn đàn quốc hội để biện bạch cho Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội. Ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, bảo rằng Bộ Công an đã "kiểm tra rất kỹ toàn bộ quy trình công tác, chấp hành pháp luật, thực thi pháp luật của Công an thành phố Hà Nội" trong toàn bộ vụ Đồng Tâm và đã xác định "không có ai đánh, gây thương tích cho ông Kình". Cứ theo lời ông đại biểu của dân chúng thành phố Hà Nội tại Quốc hội kiêm đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thì cụ Kình bị gãy cổ xương đùi là do "người nhà ông Kình xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra".
Tất nhiên ông Quốc không đồng tình với cách giải thích đó. Ông Quốc chất vấn rằng tại sao đến giờ, công an mới chính thức thông báo lý do làm cụ Kình gãy chân (?). Theo ông Quốc, tốt nhất là nên để dân chúng bình luận về chuyện chân một cụ già 82 tuổi có thể tự gãy hay không (?).
Trong khi con cái cụ Kình và một số người dân ở xã Đồng Tâm khẳng định, rất nhiều người sẵn sàng làm chứng về chuyện tận mắt mục kích một sĩ quan công an đá cụ Kình, khiến cụ té, gãy cổ xương đùi (dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn bị liệt, phải dùng xe lăn do Chủ tịch thành phố Hà Nội… tặng) thì nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam xoay qua thảo luận về niềm tin. Một facebooker có nick name là Gà Con khen ông Dương Trung Quốc nói rất hay nhưng xin lỗi cảnh báo của ông về "khủng hoảng niềm tin" của dân chúng với hệ thống công quyền. Gà Con nhấn mạnh là mình "không còn niềm tin" bởi đã "quá quen với tình trạng nói hay cày dở". Giờ, Gà Con : "Đ… tin vào cha con thằng nào nữa".
Theo xu hướng đó, tờ Tuổi Trẻ đăng phiếm luận "Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn" : Kết luận của Công an Hà Nội về vụ cụ Kình - Đồng Tâm gãy chân là do... không bị ai đánh cả, khiến nhiều người không thuận. Tui thì không bức xúc vì thấy có hai khả năng xảy ra : Một là, rất có thể, sai sót do bệnh viện. Cụ Kình gãy răng nhưng chỉ định bó bột... háng. (tham khảo vụ chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo) và vô cùng nhiều khả năng răng cụ tự rụng. Hai là, cụ tự đập chân (mông) vào... đất. (tham khảo vụ đập mặt vào giày và vụ đập mặt vào tay). Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên. Còn nói cụ bị đánh là không có lý, truyền thống và đạo lý của người Việt Nam không ai đánh cụ già 82 tuổi cả ! Thề luôn !
Dẫu ngay sau đó tờ Tuổi Trẻ tự ý đục bỏ "Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn" nhưng phiếm luận này loang nhanh như váng dầu trên biển. Nhiều facebooker than như Lê Quang : Chả biết chọn nút nào để bày tỏ cảm xúc vì chuyện đáng cười nhưng lại trào nước mắt kèm theo sự phẫn uất tột cùng vì sự trơ tráo.
Lòng dân, niềm tin của họ vào hệ thống công quyền vẫn được ví von như một thứ tài sản vô giá. Sau một thời gian dài bị lạm dụng – chiếm đoạt, thứ tài sản ấy dường như không vơi mà đã hết sạch.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/11/2017
(*) Tựa phiếm luận trên báo Tuổi Trẻ.
Tính đến cuối ngày 6 tháng 11 đã có 61 người thiệt mạng, 28 người mất tích sau khi bão Damrey – trận bão thứ 12 trong năm nay - đổ vào miền Trung Việt Nam. Ngoài tổn thất nhân mạng, tổng thiệt hại tài sản do cuồng phong, mưa lớn, lũ, lụt có lẽ sẽ không dưới 10.000 tỉ đồng.
Nhà cửa ngập dưới nước trong bão Damrey, khu vực gần Hội An.
Tuy cường độ của bão Damrey được xem là hiếm có (sức gió giật được ước đoán là cấp 15 - từ 167 km/h đến 183 km/h) nhưng tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam về trận bão này cho thấy, sở dĩ tổn thất nhân mạng và tổng thiệt hại tài sản trở thành nghiêm trọng chủ yếu là do lũ và lụt. Lũ chắc chắn sẽ không lớn, lụt chắc chắn sẽ không trầm trọng đến như vậy nếu các nhà máy thủy điện không ồ ạt xả nước xuống hạ du.
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng hậu quả thiên tai ở Việt Nam chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Đáng lưu ý là tại Việt Nam, cho dù rõ ràng thủy điện đã trở thành nhân họa song hành với thiên tai, khiến thảm họa sau thiên tai (bao gồm cả hạn hán, lẫn lũ lụt, sạt lở…) càng ngày càng lớn nhưng hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đeo đuổi các kế hoạch phát triển thủy điện.
Dẫn đầu những địa phương có số viên chức "yêu" thủy điện tới mức tạo cho công chúng cảm giác họ thiếu cả não lẫn tim ấy là Quảng Nam…
***
Bão Damrey đổ vào lãnh thổ Việt Nam sáng 4 tháng 11 thì đến chiều 4 tháng 11, các nhà máy thủy điện : Đắk Min 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 bắt đầu tăng lưu lượng xả. Nước từ các hồ của những công trình thủy điện ở thượng nguồn ào ạt đổ về hạ du, nhấn chìm các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An...
Đến sáng 5 tháng 11, trừ khu vực trung tâm thị trấn, toàn bộ huyện Nông Sơn chìm trong nước. Tỉnh lộ 611 nối huyện Nông Sơn với huyện Quế Sơn có những đoạn chìm dưới ba mét nước. Ở huyện Đại Lộc có 24.000 căn nhà bị nước nhấn chìm, nhiều khu dân cư bị cô lập. Tại huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ… nước lặng lẽ dâng càng lúc càng cao, rất nhiều người kẹt giữa biển nước vì không kịp chạy lụt.
Hai ngày sau khi bão tan, trưa 6 tháng 11, riêng Đại Lộc vẫn còn 16.000 căn nhà chìm trong nước. Tại thành phố Hội An, lực lượng cứu nạn vẫn tất bật với việc vận chuyển dân chúng của một số phường, xã bị ngập sâu đến nơi an toàn, chuyển thực phẩm, nước uống, thuốc men, hỗ trợ cho những gia đình chưa được di tản. Theo tờ Tuổi Trẻ thì đến cuối ngày 6 tháng 11, mực nước ở thành phố Hội An vẫn còn khoảng 3,1 mét…
Truyền thông Việt Nam cho biết, ngay sau bão Damrey, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã gửi công điện yêu cầu tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh hoãn các cuộc họp không liên quan đến phòng - chống mưa lũ để tập trung vào việc khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Thu yêu cầu những nơi đang quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy điện, thủy lợi phải trực 24/24, giám sát đập chắn nước, theo dõi lượng mưa, mực nước, báo cáo thường xuyên để thực hiện tốt việc điều tiết – xả lũ đúng qui trình… Không rõ khi ký công điện ấy, ông Thu có nhớ tới tờ trình mà cách nay hơn ba tháng, bộ máy công quyền do ông điều hành từng gửi cho Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, "đề nghị bổ sung thêm bốn công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My" ?
Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, tờ trình vừa kể đã làm nhiều người chưng hửng.
Trước đây, cả các chuyên gia lẫn một số viên chức của tỉnh Quảng Nam từng xác định, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam là những trái bom nước, lơ lửng trên đầu hàng triệu dân Quảng Nam, đẩy họ vào tình trạng lúc nào cũng nơm nớp vì không biết tai họa sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc thành bình địa.
Năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần, nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước cho thủy điện Sông Tranh làm biến dạng cấu trúc địa tầng. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn. Năm nay, trong vòng bốn ngày hạ tuần tháng 2, tại Nam Trà My có ba trận động đất. Mới đây, chiều 4 tháng 11, ở Bắc Trà My lại xảy ra động đất (2 độ Richter) giữa lúc bão Damrey đang hoành hành.
Hồi trung tuần tháng 9 năm 2016, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang bị xóa sổ. Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các qui mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền…
***
Chính quyền Việt Nam từng thú nhận, những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo vì nhiều người không còn đất để sinh nhai. Những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng đã được xác định là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm 20.000 héc ta rừng. Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào là vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng.
Chưa kể, chuyện xả nước vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên cùng thiếu. Hạn hán thì có xu hướng năm sau nặng nề hơn năm trước.
Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Việt Nam chính thức yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể "tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái". Trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, ông ta yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên vì có nhiều "tác động bất lợi đến môi trường, xã hội".
Lúc đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt - giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.
Những lý do như đã kể từng buộc chính quyền tỉnh Quảng Nam phải dẹp bỏ 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong "quy hoạch thủy điện" của tỉnh này. Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam đã giảm từ 62 xuống 32. Đáng ngạc nhiên là chính quyền tỉnh Quảng Nam đột nhiên xin "bổ sung thêm bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ" nữa !
Đâu chỉ có chính quyền tỉnh Quảng Nam ! Tại một hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 7, chính quyền tinh Lào Cai ngỏ ý xin "bổ sung 10 dự án vào quy hoạch thủy điện", chính quyền tỉnh Quảng Trị xin "bổ sung bốn dự án vào quy hoạch thủy điện". Chính quyền tỉnh Đắk Lắk thì hoan hỉ cho biết đã thành công trong việc vận động Bộ Công Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện sáu dự án nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/11/2017
Dù ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng của Thanh tra chính phủ Việt Nam vừa tung thêm một đòn trí mạng vào cả công chúng lẫn báo giới nhưng trong đám đông, nhiều người vẫn cố níu vào niềm tin vốn đã mơ hồ như sương khói.
Hình ảnh "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái.
Ảo tưởng vào thành tâm, thiện ý của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam - "xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" dường như vẫn còn chỗ để cắm… dùi. Cam kết "chống tham nhũng" của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam – một thứ quốc nạn khiến Việt Nam tan hoang – vẫn còn có thể nhen nhóm hy vọng dẫu cho giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam liên tục chứng minh hy vọng ấy là ảo vọng.
***
Tháng 6 năm nay, báo chí Việt Nam nêu ra hàng loạt điểm bất thường quanh việc gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, xây dựng tư dinh tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái với một số biệt thự, nhà sàn, hồ nước, vườn hoa,… Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập tư dinh với quy mô như thế (?), báo chí Việt Nam còn nêu ra một thắc mắc khác, đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn,… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy.
Sau đó, báo giới phát giác, chính quyền thành phố Yên Bái đã sử dụng "Quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020" do chính quyền tỉnh Yên Bái ban hành năm 2014 để ra các quyết định vừa kể. "Quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020" do bà Phạm Thị Thanh Trà – lúc đó là Chủ tịch tỉnh Yên Bái và là chị ruột của ông Quý ban hành. Giờ, bà Trà là Bí thư tỉnh Yên Bái.
Áp lực của dư luận đã buộc Thủ tướng Việt Nam phải chỉ đạo thanh tra về những vấn đề có liên quan đến ông Quý và chỉ ông Quý mà thôi.
Đúng ra Cục Chống tham nhũng của Thanh tra chính phủ Việt Nam phải công bố kết luận thanh tra liên quan tới ông Quý vào tháng 8 nhưng mãi tới cuối tháng 10 vừa qua, Thanh tra chính phủ Việt Nam mới làm chuyện này. Theo đó, ông Quý chỉ "không trung thực khi kê khai tài sản". Ngoài dinh thự làm dân chúng choáng váng về mức độ xa hoa như đã kể, ông Quý còn là chủ một căn nhà 600 mét vuông, một thửa đất 1.000 mét vuông cùng nằm ở trung tâm thành phố Yên Bái, một trang trại diện tích 2 héc ta trị giá 1 tỉ đồng ở Yên Bái, một apartment trị giá 2,5 tỉ tại chung cư cao cấp Mandarin Garden ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và Thanh tra chính phủ mặc nhiên chấp nhận giải thích của ông Quý : Khối tài sản khổng lồ đó sinh sôi nảy nở từ nguồn vốn mà ông tích lũy nhờ… bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá lúc còn trẻ và… thừa kế từ cha mẹ !
Việc xử lý ông Quý được Thanh tra chính phủ giao lại cho hệ thống công quyền tỉnh Yên Bái – nơi chị của ông đang giữ vai trò "vua bà". Tỉnh ủy Yên Bái quyết định "cảnh cáo" đảng viên Phạm Sỹ Quý, cách chức Bí thư Đảng ủy và loại ông Quý ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cũng hành xử tương tự, "cảnh cáo" công chức Phạm Sỹ Quý, cách chức Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường và điều động ông Quý sang làm Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.
Bất chấp sự phẫn nộ của công chúng, ông Đạt khẳng định như đinh đóng cột : Xử lý ông Quý như thế là nghiêm minh !
Cần nhắc lại rằng, hệ thống công quyền Việt Nam đã từng xử lý ông Quý rất nghiêm minh như thế. Năm 2005, ông Quý là một trong những người bị bắt quả tang đang đánh bạc tại một căn nhà ở thành phố Yên Bái. Tại Việt Nam "đánh bạc" là tội hình sự nhưng ông Quý vẫn "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trên quan trường. Một ngày trước khi thôi làm Chủ tịch tỉnh Yên Bái để bước lên làm "vua bà" ở Yên Bái. Bà Trà đã ký quyết định bổ nhiệm ông Quý làm Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (cơ quan quản lý toàn bộ đất đai, tài nguyên) của tỉnh Yên Bái...
***
Facebooker có nickname Justice Công Lý bình luận, sự "nghiêm minh" mà ông Phạm Trọng Đạt đề cập là "sự bao che của bè lũ quan lại tham nhũng" khuyến khích nhau "tham nhũng nữa đi". Đăng Hoàng thì cho rằng "nghiêm minh" như thế "khác gì chuyển từ chèo sang cải lương". Có lẽ do cạn lời, Phạm Văn Hùng chỉ thốt được một câu : Nghiêm minh ? Tổ cha chúng mày, lũ khốn nạn ! Tương tự, Hoang Manh cũng hết ý thành ra chỉ có thể nhận định : Bọn này không có tí liêm sỉ nào nên gian trá một cách trơ trẽn mà không thấy xấu hổ.
Chẳng phải công chúng mà ngay cả báo giới cũng bị sốc. Tờ Công Lý của Tòa án Tối cao đăng "Chúc mừng ông Phạm Sỹ Quý" vì ông chỉ bị "hạ độ cao" chứ không phải "hạ cánh". Giống như nhiều tờ báo khác và không ít người dùng Internet, tờ Công Lý nêu thắc mắc, vì sao không truy cứu nguồn gốc tài sản sản của ông Quý trong khi làm như thế sẽ giúp "lấy lại niềm tin trong nhân dân".
Nhìn một cách tổng quát, trong vụ thanh tra – xử lý ông Phạm Sỹ Quý, công chúng, công luận chẳng có gram nào. Thật ra, xây dựng, khôi phục, củng cố, phát triển… niềm tin của dân chúng nơi hệ thống công quyền ở Việt Nam chỉ là cách nói khiến đám đông ngộ nhận rằng họ vẫn còn vai trò nhất định nào đó. Trong thực tế, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không cần thứ cống vật trừu tượng ấy. Khi công chúng chấp nhận sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối như mặc định thì cần gì tin hay không tin !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/11/2017
Bất kể ông Hoàng Văn Trà - Chủ tịch tỉnh Phú Yên, bà Hồ Nguyên Thảo-Bí thư huyện Tây Hòa, ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch xã Sơn Thành Tây cùng khẳng định việc chặn xe hoa, buộc gia đình ông Dương Thanh Tuấn phải nộp hai triệu đồng mà ông còn thiếu chương trình "xây dựng nông thôn mới" là sai song ông Phạm Văn Quảng, Trưởng thôn Sơn Tây vẫn chưa chịu tổ chức xin lỗi gia đình ông Tuấn.
Người nông dân lên thành phố bán sức lao động. Hình minh họa.
Theo lời ông Quảng thì ông phải chờ ý kiến cuối cùng của Chi bộ thôn. Tổ chức xin lỗi sẽ làm… chính quyền thôn mất mặt, không còn uy tín để làm việc !
Sau khi tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật chuyện cả Phó Bí thư Xã đoàn, lẫn Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn cùng công an thôn Sơn Tây đổ ra đường chặn xe hoa, buộc gia đình ông Tuấn phải nộp khoản tiền mà ông còn thiếu chương trình "xây dựng nông thôn mới", nhiều độc giả của tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng như người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đã đòi phải nghiêm trị hành động càn rỡ này.
Sự phẫn nộ của công chúng và báo giới hoàn toàn chính đáng, người ta không thể chấp nhận chuyện cán bộ thôn chọn thời điểm gia đình ông Tuấn tổ chức đón dâu để gây sức ép (cầm giữ xe hoa suốt một tiếng và chỉ cho gia đình ông Tuấn tiếp tục rước dâu khi mẹ ông Tuấn ký vào "biên bản", cam kết ngày giờ thanh toán nợ chương trình "xây dựng nông thôn mới").
Tuy nhiên có một điểm rất ít người chú ý, đó là chính chương trình "xây dựng nông thôn mới" đã đẩy các cán bộ thôn Sơn Tây-những kẻ thừa hành - vào thế phải hành xử càn rỡ như vậy. Ông Quảng phân bua : Trong chương trình "xây dựng nông thôn mới", nhà nước chỉ cho thôn Sơn Tây xi măng để làm con đường dài 1.800 mét. Dân chúng trong thôn phải đóng góp các chi phí còn lại (mỗi nhân khẩu phải nộp 1,5 triệu đồng-kể cả trẻ sơ sinh). Vào thời điểm làm đường (2014), ông Tuấn (cư trú nơi khác) vẫn còn hộ khẩu tại thôn Sơn Thành Tây nên gia đình của ông không thể thoái thác nghĩa vụ này.
***
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới". Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 2.016 xã (23% tổng số xã) đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới".
Cũng theo thống kê vừa kể thì song song với con số 2.016 xã tại Việt Nam đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới" là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do "xây dựng nông thôn mới" và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Tại một cuộc họp của Quốc hội khóa 14 (2016-2021) diễn ra hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Phương một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét-công nhận đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới" không hợp lý nên chương trình "xây dựng nông thôn mới" trở thành lãng phí vì không hiệu quả. Ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo "tiêu chuẩn nông thôn mới" đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế.
Ở cuộc họp vừa kể, những đại biểu khác nói thêm rằng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình "xây dựng nông thôn mới", chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Vào thời điểm ấy, ông Nguyễn Tuấn Anh, một đại biểu của tỉnh Bình Phước đề nghị phải xem kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới có tương xứng với chi phí hay không, có gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho nông dân, đặc biệt là các gia đình nghèo hay không ? Đại biểu này đề nghị kiểm tra xem có bao nhiêu gia đình bị ép buộc đóng góp quá mức nên phá sản.
Theo lời ông Anh, vốn đầu tư để thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới" tại một xã ở Bình Phước khoảng 175 tỉ đồng. Bình Phước hiện có khoảng 100 xã cần hoàn tất chương trình "xây dựng nông thôn mới", tổng vốn sẽ khoảng 175.000 tỉ đồng. Từ nay đến 2025-thời điểm phải hoàn thành chương trình "xây dựng nông thôn mới" trên toàn Việt Nam là 11 năm - tính ra, riêng chương trình "xây dựng nông thôn mới", mỗi năm Bình Phước phải chi 15.000 tỉ đồng. Bình Phước lấy từ đâu ra khoản này trong khi mỗi năm, tỉnh này chỉ thu về được khoảng 4.000 tỉ đồng ?
Đáng nói là sau năm năm thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới", dù di họa của nó rất rõ ràng : Nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu, chẳng hạn như trả lương cho giáo viên. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình "xây dựng nông thôn mới", nhưng không được thanh toán… nhưng cuối năm 2015, trước khi mãn nhiệm kỳ (2011-2016), 436/437 Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 13 vẫn tán thành việc chi 193 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để tiếp tục thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới". Trong 193 ngàn tỉ đồng đó, chính quyền trung ương sẽ chi 63.155 tỉ, chính quyền các địa phương sẽ chi 130.000 tỉ và tất nhiên từ trẻ sơ sinh đến người già chưa kịp thở hơi cuối cùng trên toàn quốc sẽ cùng nhau gánh vác khoản tiền khổng lồ ấy.
So với các Đại biểu quốc hội khóa 13, các Đại biểu quốc hội khóa 14 tiến bộ hơn ở chỗ nêu ra hàng loạt băn khoăn nhưng không có ai đòi dẹp bỏ chương trình "xây dựng nông thôn mới".
Tại sao ? Chương trình "xây dựng nông thôn mới" vừa là một trong những "chủ trương lớn" của Đảng cộng sản Việt Nam, vừa được Quốc hội và chính phủ các nhiệm kỳ trước tuyên bố là "mục tiêu quốc gia" !
***
Dân có thể mạt, ngân khố có thể rỗng, nợ nần có thể tăng, kinh tế có thể tiếp tục suy thoái vì các nguồn lực suy kiệt nhưng dứt khoát không thể dừng chương trình "xây dựng nông thôn mới".
Không có chương trình "xây dựng nông thôn mới" làm sao những viên chức như các ông Trần Hoàng Duyên (Bí thư), Phan Thành Đông (Chủ tịch), Lâm Thành Sáo (Phó Chủ tịch) huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu có cơ hội cho chính quyền vay hàng chục tỉ đồng để thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới" rồi tính lãi...
Quan trọng hơn, không có chương trình "xây dựng nông thôn mới", không thể tạo ra "diện mạo" mới cho nông thôn thì lấy gì làm cơ sở để ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam mạnh dạn đưa ra những tuyên bố kiểu như : Chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình", rồi lớn tiếng hỏi hàng trăm triệu người Việt : Nhìn một cách tổng quát, đất nước có bao giờ được như thế này không ?