Tính đến cuối ngày 6 tháng 11 đã có 61 người thiệt mạng, 28 người mất tích sau khi bão Damrey – trận bão thứ 12 trong năm nay - đổ vào miền Trung Việt Nam. Ngoài tổn thất nhân mạng, tổng thiệt hại tài sản do cuồng phong, mưa lớn, lũ, lụt có lẽ sẽ không dưới 10.000 tỉ đồng.
Nhà cửa ngập dưới nước trong bão Damrey, khu vực gần Hội An.
Tuy cường độ của bão Damrey được xem là hiếm có (sức gió giật được ước đoán là cấp 15 - từ 167 km/h đến 183 km/h) nhưng tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam về trận bão này cho thấy, sở dĩ tổn thất nhân mạng và tổng thiệt hại tài sản trở thành nghiêm trọng chủ yếu là do lũ và lụt. Lũ chắc chắn sẽ không lớn, lụt chắc chắn sẽ không trầm trọng đến như vậy nếu các nhà máy thủy điện không ồ ạt xả nước xuống hạ du.
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng hậu quả thiên tai ở Việt Nam chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Đáng lưu ý là tại Việt Nam, cho dù rõ ràng thủy điện đã trở thành nhân họa song hành với thiên tai, khiến thảm họa sau thiên tai (bao gồm cả hạn hán, lẫn lũ lụt, sạt lở…) càng ngày càng lớn nhưng hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đeo đuổi các kế hoạch phát triển thủy điện.
Dẫn đầu những địa phương có số viên chức "yêu" thủy điện tới mức tạo cho công chúng cảm giác họ thiếu cả não lẫn tim ấy là Quảng Nam…
***
Bão Damrey đổ vào lãnh thổ Việt Nam sáng 4 tháng 11 thì đến chiều 4 tháng 11, các nhà máy thủy điện : Đắk Min 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 bắt đầu tăng lưu lượng xả. Nước từ các hồ của những công trình thủy điện ở thượng nguồn ào ạt đổ về hạ du, nhấn chìm các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An...
Đến sáng 5 tháng 11, trừ khu vực trung tâm thị trấn, toàn bộ huyện Nông Sơn chìm trong nước. Tỉnh lộ 611 nối huyện Nông Sơn với huyện Quế Sơn có những đoạn chìm dưới ba mét nước. Ở huyện Đại Lộc có 24.000 căn nhà bị nước nhấn chìm, nhiều khu dân cư bị cô lập. Tại huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ… nước lặng lẽ dâng càng lúc càng cao, rất nhiều người kẹt giữa biển nước vì không kịp chạy lụt.
Hai ngày sau khi bão tan, trưa 6 tháng 11, riêng Đại Lộc vẫn còn 16.000 căn nhà chìm trong nước. Tại thành phố Hội An, lực lượng cứu nạn vẫn tất bật với việc vận chuyển dân chúng của một số phường, xã bị ngập sâu đến nơi an toàn, chuyển thực phẩm, nước uống, thuốc men, hỗ trợ cho những gia đình chưa được di tản. Theo tờ Tuổi Trẻ thì đến cuối ngày 6 tháng 11, mực nước ở thành phố Hội An vẫn còn khoảng 3,1 mét…
Truyền thông Việt Nam cho biết, ngay sau bão Damrey, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã gửi công điện yêu cầu tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh hoãn các cuộc họp không liên quan đến phòng - chống mưa lũ để tập trung vào việc khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Thu yêu cầu những nơi đang quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy điện, thủy lợi phải trực 24/24, giám sát đập chắn nước, theo dõi lượng mưa, mực nước, báo cáo thường xuyên để thực hiện tốt việc điều tiết – xả lũ đúng qui trình… Không rõ khi ký công điện ấy, ông Thu có nhớ tới tờ trình mà cách nay hơn ba tháng, bộ máy công quyền do ông điều hành từng gửi cho Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, "đề nghị bổ sung thêm bốn công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My" ?
Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, tờ trình vừa kể đã làm nhiều người chưng hửng.
Trước đây, cả các chuyên gia lẫn một số viên chức của tỉnh Quảng Nam từng xác định, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam là những trái bom nước, lơ lửng trên đầu hàng triệu dân Quảng Nam, đẩy họ vào tình trạng lúc nào cũng nơm nớp vì không biết tai họa sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc thành bình địa.
Năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần, nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước cho thủy điện Sông Tranh làm biến dạng cấu trúc địa tầng. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn. Năm nay, trong vòng bốn ngày hạ tuần tháng 2, tại Nam Trà My có ba trận động đất. Mới đây, chiều 4 tháng 11, ở Bắc Trà My lại xảy ra động đất (2 độ Richter) giữa lúc bão Damrey đang hoành hành.
Hồi trung tuần tháng 9 năm 2016, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang bị xóa sổ. Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các qui mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền…
***
Chính quyền Việt Nam từng thú nhận, những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo vì nhiều người không còn đất để sinh nhai. Những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng đã được xác định là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm 20.000 héc ta rừng. Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào là vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng.
Chưa kể, chuyện xả nước vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên cùng thiếu. Hạn hán thì có xu hướng năm sau nặng nề hơn năm trước.
Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Việt Nam chính thức yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể "tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái". Trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, ông ta yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên vì có nhiều "tác động bất lợi đến môi trường, xã hội".
Lúc đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt - giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.
Những lý do như đã kể từng buộc chính quyền tỉnh Quảng Nam phải dẹp bỏ 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong "quy hoạch thủy điện" của tỉnh này. Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam đã giảm từ 62 xuống 32. Đáng ngạc nhiên là chính quyền tỉnh Quảng Nam đột nhiên xin "bổ sung thêm bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ" nữa !
Đâu chỉ có chính quyền tỉnh Quảng Nam ! Tại một hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 7, chính quyền tinh Lào Cai ngỏ ý xin "bổ sung 10 dự án vào quy hoạch thủy điện", chính quyền tỉnh Quảng Trị xin "bổ sung bốn dự án vào quy hoạch thủy điện". Chính quyền tỉnh Đắk Lắk thì hoan hỉ cho biết đã thành công trong việc vận động Bộ Công Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện sáu dự án nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/11/2017