Đối với Hà Nội, thượng đỉnh APEC 2017 tại thành phố Đà Nẳng là một cơ hội để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị khó khăn như hiện nay rất có thể gây nhiều trở ngại cho Việt Nam nói riêng và các nước thành viên APEC nói chung thúc đẩy mở rộng tự do giao thương. Từ Đà Nẳng, đặc phái viên Minh Anh tường trình :
Cuộc họp giữa đại diện các nước thành viên còn lại của TPP tại Đà Nẳng ngày 09/11/2017. Reuters
RFI : Thân chào Minh Anh, thượng đỉnh APEC lần này diễn ra tại Đà Nẳng, miền Trung, khu vực vừa bị mưa bão, gây thiệt hại rất nặng nề về nhân mạng và vật chất. Thiên tai này có ảnh hưởng gì đến thượng đỉnh ?
Minh Anh : Hội nghị thượng đỉnh APEC vẫn diễn ra bình thường, nhưng mưa bão những ngày gần đây có lẽ gây thất vọng cho lãnh đạo Việt Nam vốn rất kỳ vọng nhiều vào sự thành công của APEC năm nay. Kể từ khi Minh Anh có mặt tại Đà Nẵng, mưa gió suốt cả ngày. Hôm nay thời tiết có vẻ tốt hơn, tuy nhiên, việc đi lại của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, do lệnh cấm xe lưu thông trên nhiều tuyến đường quan trọng.
RFI : APEC năm 2017 tại Đà Nẵng có gì khác biệt so APEC 2006 tại Hà Nội ?
Minh Anh : Việt Nam xem kỳ APEC lần này như là một sự kiện đối ngoại lớn nhất từ nhiều năm qua, một sự kiện lịch sử quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Do đó, nếu so với kỳ APEC cách đây 11 năm, Việt Nam lần này tổ chức APEC 2017 ở một vị thế khác hẳn.
Nếu nói một cách ví von, năm 2006, Việt Nam lúc bấy giờ như là một "tân binh" chập chững bước vào cuộc chơi. Các biến đổi địa chính trị trên thế giới trong thập niên 1990 buộc chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ phải mở rộng cửa giao lưu với các nước láng giềng Đông Nam Á, cũng như với phương Tây.
Chẳng hạn như Việt Nam đã tham gia ASEAN, ký kết các hiệp định tự do thương mại FTA, bình thường hóa quan hệ với Mỹ sau khi nước này bỏ lệnh cấm vận chống lại Việt Nam năm 1994… Nói tóm lại, APEC 2006 là dịp để Việt Nam ra mắt với thế giới.
Trong vòng hơn 10 năm qua, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng hơn và đa dạng hơn, trong đó Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa được công nhận là một nền kinh tế thị trường.
Để tỏ quyết tâm đẩy mạnh tiến trình hội nhập, Việt Nam đề xuất hai sự kiện trong Tuần Lễ Cấp Cao APEC. Thứ nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh Doanh Việt Nam với chủ đề "Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy", diễn ra hôm thứ Ba 07/11. Sự kiện thứ hai mang ý nghĩa lớn là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh Nghiệp APEC 2017, kéo dài trong ba ngày từ ngày 08 – 10/11.
RFI : Hội nghị Thượng Đỉnh Doanh Nghiệp APEC 2017 bàn về những chủ đề gì ?
Minh Anh : Tham gia phiên họp có các quan chức cao cấp của các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế và khoảng 1 000 lãnh đạo các tập đoàn lớn trong khu vực. Trong bài diễn văn khai mạc ngày hôm qua (08/11), ông Trần Đại Quang, chủ tịch nước, có nhấn mạnh đến những đóng góp quan trọng, mang tính quyết định của cộng đồng doanh nghiệp, từ doanh nghiệp hàng đầu thế giới cho đến các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, kể cả các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Trên thực tế, Châu Á – Thái Bình Dương là một vùng kinh tế rất năng động, có thể xem như là đầu tầu kinh tế thế giới. Đây cũng là khu vực thu hút gần 50% nguồn đầu tư thế giới, là trung tâm khoa học – công nghệ và chiếm gần 60% tỷ trọng GDP của toàn cầu.
Thế nhưng, những năm gần đây tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có những biến đổi sâu sắc. Các cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra liên tiếp. Trào lưu bảo hộ mậu dịch bắt đầu trỗi dậy tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh quốc… gây khó khăn cho tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam nói riêng và xu hướng mở rộng tự do thương mại cho các nước nằm trong vành đai Châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Trong bối cảnh này, hội nghị tập trung thảo luận về những thách thức, cơ hội có được, cũng như là chia sẻ những kinh nghiệm từ quá trình toàn cầu hóa, đà phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các hoạt động kết nối doanh nghiệp, đồng thời kêu gọi phát huy sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Những nội dung này nằm trong bốn ưu tiên do Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017 có chủ đề là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Bốn ưu tiên đó là : Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm ; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng ; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số ; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điểm đáng chú ý là tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham dự thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 trong bối cảnh Hoa Kỳ bị chỉ trích theo đuổi chính sách co cụm, đòi xét lại nhiều thỏa thuận tự do mậu dịch, rút ra khỏi TPP. Mọi người chờ đợi xem ông Trump trình bày tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở ra sao.
Hôm nay, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh Nghiệp APEC 2017 tiếp tục bàn đến chủ đề vai trò của công nghệ cho các nhà khởi nghiệp mới, cho tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý là Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại Giao và Kinh Tế (AMM), theo lịch trình đã kết thúc hôm qua, nhưng được kéo dài cho đến hôm nay. Nguyên nhân là do các bên bất đồng về cách sử dụng một số từ ngữ trong dự thảo tuyên bố chung. Dường như phía Hoa Kỳ yêu cầu thay đổi một số thuật ngữ liên quan đến các vấn đề tự do thương mại, bảo hộ mậu dịch và biến đổi khí hậu, do chủ trương "Nước Mỹ trước hết" của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một sự kiện khác đang thu hút sự quan tâm theo dõi của giới quan sát, đó là cuộc họp bên lề APEC về Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm nay cho biết là 11 nước thành viên còn lại sẽ thảo luận một đề xuất thỏa thuận về nguyên tắc hòng duy trì TPP sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định.
Ngày mai, thứ Sáu, 10/11, lãnh đạo các nước thành viên sẽ có cuộc họp Đối Thoại của các nhà Lãnh đạo với Hội Đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Đặc biệt là lần đầu tiên, đối thoại APEC – ASEAN sẽ được tổ chức trong kỳ này. Mục đích là nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức, xúc tiến hòa bình và thịnh vượng chung cho toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong ngày cuối cùng, ngày thứ Bảy 11/11, chính thức khai mạc cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo các nước thành viên APEC do chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì. Cuộc họp thượng đỉnh này kết thúc trong cùng ngày.