Tính đến cuối ngày 6 tháng 11 đã có 61 người thiệt mạng, 28 người mất tích sau khi bão Damrey – trận bão thứ 12 trong năm nay - đổ vào miền Trung Việt Nam. Ngoài tổn thất nhân mạng, tổng thiệt hại tài sản do cuồng phong, mưa lớn, lũ, lụt có lẽ sẽ không dưới 10.000 tỉ đồng.
Nhà cửa ngập dưới nước trong bão Damrey, khu vực gần Hội An.
Tuy cường độ của bão Damrey được xem là hiếm có (sức gió giật được ước đoán là cấp 15 - từ 167 km/h đến 183 km/h) nhưng tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam về trận bão này cho thấy, sở dĩ tổn thất nhân mạng và tổng thiệt hại tài sản trở thành nghiêm trọng chủ yếu là do lũ và lụt. Lũ chắc chắn sẽ không lớn, lụt chắc chắn sẽ không trầm trọng đến như vậy nếu các nhà máy thủy điện không ồ ạt xả nước xuống hạ du.
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng hậu quả thiên tai ở Việt Nam chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Đáng lưu ý là tại Việt Nam, cho dù rõ ràng thủy điện đã trở thành nhân họa song hành với thiên tai, khiến thảm họa sau thiên tai (bao gồm cả hạn hán, lẫn lũ lụt, sạt lở…) càng ngày càng lớn nhưng hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đeo đuổi các kế hoạch phát triển thủy điện.
Dẫn đầu những địa phương có số viên chức "yêu" thủy điện tới mức tạo cho công chúng cảm giác họ thiếu cả não lẫn tim ấy là Quảng Nam…
***
Bão Damrey đổ vào lãnh thổ Việt Nam sáng 4 tháng 11 thì đến chiều 4 tháng 11, các nhà máy thủy điện : Đắk Min 4, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 bắt đầu tăng lưu lượng xả. Nước từ các hồ của những công trình thủy điện ở thượng nguồn ào ạt đổ về hạ du, nhấn chìm các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An...
Đến sáng 5 tháng 11, trừ khu vực trung tâm thị trấn, toàn bộ huyện Nông Sơn chìm trong nước. Tỉnh lộ 611 nối huyện Nông Sơn với huyện Quế Sơn có những đoạn chìm dưới ba mét nước. Ở huyện Đại Lộc có 24.000 căn nhà bị nước nhấn chìm, nhiều khu dân cư bị cô lập. Tại huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ… nước lặng lẽ dâng càng lúc càng cao, rất nhiều người kẹt giữa biển nước vì không kịp chạy lụt.
Hai ngày sau khi bão tan, trưa 6 tháng 11, riêng Đại Lộc vẫn còn 16.000 căn nhà chìm trong nước. Tại thành phố Hội An, lực lượng cứu nạn vẫn tất bật với việc vận chuyển dân chúng của một số phường, xã bị ngập sâu đến nơi an toàn, chuyển thực phẩm, nước uống, thuốc men, hỗ trợ cho những gia đình chưa được di tản. Theo tờ Tuổi Trẻ thì đến cuối ngày 6 tháng 11, mực nước ở thành phố Hội An vẫn còn khoảng 3,1 mét…
Truyền thông Việt Nam cho biết, ngay sau bão Damrey, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã gửi công điện yêu cầu tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh hoãn các cuộc họp không liên quan đến phòng - chống mưa lũ để tập trung vào việc khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông Thu yêu cầu những nơi đang quản lý các hồ chứa nước dành cho thủy điện, thủy lợi phải trực 24/24, giám sát đập chắn nước, theo dõi lượng mưa, mực nước, báo cáo thường xuyên để thực hiện tốt việc điều tiết – xả lũ đúng qui trình… Không rõ khi ký công điện ấy, ông Thu có nhớ tới tờ trình mà cách nay hơn ba tháng, bộ máy công quyền do ông điều hành từng gửi cho Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, "đề nghị bổ sung thêm bốn công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My" ?
Hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, tờ trình vừa kể đã làm nhiều người chưng hửng.
Trước đây, cả các chuyên gia lẫn một số viên chức của tỉnh Quảng Nam từng xác định, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam là những trái bom nước, lơ lửng trên đầu hàng triệu dân Quảng Nam, đẩy họ vào tình trạng lúc nào cũng nơm nớp vì không biết tai họa sẽ giáng xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc thành bình địa.
Năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần, nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước cho thủy điện Sông Tranh làm biến dạng cấu trúc địa tầng. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn. Năm nay, trong vòng bốn ngày hạ tuần tháng 2, tại Nam Trà My có ba trận động đất. Mới đây, chiều 4 tháng 11, ở Bắc Trà My lại xảy ra động đất (2 độ Richter) giữa lúc bão Damrey đang hoành hành.
Hồi trung tuần tháng 9 năm 2016, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang bị xóa sổ. Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các qui mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền…
***
Chính quyền Việt Nam từng thú nhận, những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo vì nhiều người không còn đất để sinh nhai. Những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng đã được xác định là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm 20.000 héc ta rừng. Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào là vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng.
Chưa kể, chuyện xả nước vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên cùng thiếu. Hạn hán thì có xu hướng năm sau nặng nề hơn năm trước.
Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Việt Nam chính thức yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể "tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái". Trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, ông ta yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên vì có nhiều "tác động bất lợi đến môi trường, xã hội".
Lúc đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài nguyên – Môi trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt - giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.
Những lý do như đã kể từng buộc chính quyền tỉnh Quảng Nam phải dẹp bỏ 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong "quy hoạch thủy điện" của tỉnh này. Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam đã giảm từ 62 xuống 32. Đáng ngạc nhiên là chính quyền tỉnh Quảng Nam đột nhiên xin "bổ sung thêm bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ" nữa !
Đâu chỉ có chính quyền tỉnh Quảng Nam ! Tại một hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 7, chính quyền tinh Lào Cai ngỏ ý xin "bổ sung 10 dự án vào quy hoạch thủy điện", chính quyền tỉnh Quảng Trị xin "bổ sung bốn dự án vào quy hoạch thủy điện". Chính quyền tỉnh Đắk Lắk thì hoan hỉ cho biết đã thành công trong việc vận động Bộ Công Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện sáu dự án nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/11/2017
Bão Damrey càn quét Phú Yên, Khánh Hòa, gây thiệt hại, tang thương không kể xiết. MC Phan Anh làm giám khảo cuộc thi hoa hậu và đưa ra lời phát biểu, đại khái "có ngừng cuộc thi hoa hậu thì thay đổi được gì ? Nhà này có đám ma, nhà kia có đám cưới thì bớt vui đi một chút chứ dừng mới hài lòng hả bạn ?...".
Cơn bão Damrey đã gây nhiều thiệt hại lớn về người lẫn tài sản cho Việt Nam
Sau bão, miền Trung lụt từ Huế đến Quảng Ngãi, số người chết, đến nay chưa thống kê đầy đủ (bởi một số nơi vẫn còn bị chia cắt do ngập nặng) đã lên 38 người. Cả ba trường hợp này tưởng như không có gì liên quan nhau, nhưng thực tế, nó cho thấy một hiện tượng : Vô Cảm Tập Thể.
Vì sao tôi gọi ba trường hợp này là Vô Cảm Tập Thể, vì bão Damrey có liên quan gì đến vô cảm, Phan Anh có liên quan gì đến vô cảm tập thể và người chết do lũ lụt thì liên quan gì đến vô cảm tập thể ?
Có đó, vấn đề thiên tai thì đương nhiên khó mà lường được hết hậu quả của nó và chuyện chết chóc, tang thương là khó tránh khỏi, bão Damrey cũng vậy. Nhưng thái độ cũng như cách hành xử giữa người với người sau thiên tai mới là vấn đề đáng nói. Ở đây, tôi muốn nói đến tính vô cảm tập thể của không chỉ riêng một nhóm người gồm ban tổ chức và ban giám khảo cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ 2017 ở Nha Trang, Khánh Hòa.
Mà tính vô cảm nằm trong cơ quan chủ quản, cả một tập thể các hội, đoàn từ Hội Nông Dân đến Hội Phụ Nữ, Hội Cựu Chiến Binh, rồi Chủ tịch, Bí thư, Phó Chủ tịch, Giám đốc trung tâm văn hóa và thể thao Khánh Hòa… Thậm chí ông Thủ tướng Việt Nam, ông Tổng Bí thư, ông Chủ tịch nước, ông Bộ trưởng Bộ văn hóa thông tin và thể thao Việt Nam, bà Kim Ngân Chủ tịch quốc hội cùng hàng loạt các quan chức có thẩm quyền đều vô cảm.
Bởi : Lẽ nào các ông, các bà không nhìn thấy thiên tai ? Lẽ nào các vị không có thông tin gì về cuộc thi hoa hậu ? Tại sao nhìn thấy đồng bào bị thiên tai, bị chết chóc, tang thương, đi đâu, nhìn đâu cũng thấy thảm họa và đau buồn mà vẫn có một cuộc thi ba vòng ưỡn ẹo, đèn màu sặc sỡ ngay cái nơi tiếng khóc chưa kịp nguôi, nỗi đau còn uất nghẹn… Quí vị chẳng hề lên tiếng yêu cầu dừng cuộc thi hoặc giả dời cuộc thi sang thời điểm khác ?
Tại sao các chân dài, những người ngoài việc thi nhan sắc còn thi về tài năng và độ thông minh lại có thể im lặng đồng lõa với cuộc thi này ? Và đặc biệt, MC Phan Anh (người đã cầm số tiền khủng trên hai mươi tỉ đồng của những nhà hảo tâm để đi cứu trợ…) đã có phát biểu hết sức vô cảm và thiếu tình người như vậy là do đâu ?
MC Phan Anh (phải) làm giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017
Tất cả, chung qui cũng vì xã hội Việt Nam, suy cho cùng, một bộ phận không nhỏ những kẻ có quyền, có thế lực hoặc có tiếng vang đã sống và tồn tại bằng chính bản chất vô cảm của họ thông qua những pha diễn sâu, lấy nước mắt của đồng loại để được việc bản thân. Thử nghĩ, với cơ chế hiện tại, việc xây dựng một thủy điện hay xây dựng trạm BOT dựa vào yếu tối nào ?
Xin thưa là xây dựng thủy điện và xây dựng trạm BOT hoàn toàn không dựa vào khả năng, tài lực của bản thân mà dựa vào mối quan hệ với giới quan chức, dựa vào cái dù bên trên. Muốn xây dựng một thủy điện, tại Việt Nam, không cần bỏ ra đồng vốn nào vẫn có thủy điện. Việc đầu tiên là cần một mối quan hệ quyền lực thật tốt, sau đó mua một giấy phép kinh doanh, thành lập công ty với vốn điều lệ và vốn pháp định (cũng ảo nốt). Và vẽ ra dự án thủy điện. Dự án đã được duyệt là xem như có thủy điện mà không cần tốn đồng nào.
Bởi mục tiêu đầu tiên của "nhà đầu tư thủy điện" là khai thác rừng lòng hồ. Với trữ lượng gỗ khai thác được cũng đủ để ôm một khối tiền để xây nền móng, khởi công, sau đó kéo dài quá trình xây dựng, kêu rêu thiếu vốn, xin đi vay, bán cổ phần non để huy động vốn. Cuối cùng, khi thủy điện xây xong thì bán điện. Xem như tay không bắt được cọp trong hang. BOT cũng vậy, dựa vào mối quan hệ phe nhóm mà xin "làm nhà đầu tư". Đường thì chẳng làm bao nhiêu mà chặn ngay cửa ngõ, nơi chẳng hề có đồng đầu tư nào rót vào để thu tiền người dân. Thử hỏi, có bao nhiêu trạm BOT trên đất nước này không thuộc phe nhóm con ông cháu cha, thế lực đỏ ? Chắc chắn là không có bất kỳ trạm BOT nào không đính đến thế lực đỏ, con ông cháu cha !
Nói như vậy để thấy rằng từ trạm BOT cho đến thủy điện không mang lại bất kỳ mối lợi nào cho nhân dân ngoài nỗi khổ, hậu quả khó lường, thậm chí tai ương chết chóc. Nhưng mỗi khi xả lũ, gây ngập úng, hư hại tài sản của người dân, rồi gây chết người, có bao giờ thủy điện đứng ra đền bù hay xin lỗi người dân ? Có bao giờ nhà nước, chính phủ đứng ra làm trọng tài, yêu cầu thủy điện phải giải quyết thỏa đáng, phải có thái độ hối cải và đền bù hợp lý cho dân ? Không, hoàn toàn không có điều này !
Nói như vậy để thấy rằng câu chuyện lũ lụt do nhân họa và thủy điện phủi tay đứng nhìn, sau đó ném vài thùng mì tôm gọi là cứu trợ với câu chuyện Phan Anh kêu gọi cứu trợ, sử dụng tiền cứu trợ bất minh, sai mục đích rồi sau đó nghiễm nhiên tham gia ban giám khảo cuộc thi hoa hậu ngay cái nơi chết chóc thiên tai, tang tóc đau khổ, khi dư luận lên tiếng thì lại có những phát biểu vừa ngu ngốc vừa vô cảm… Là vì tất cả những sự việc này có mối liên đới trong một tập thể vô cảm có quyền lực.
Thử đặt câu hỏi : Tại sao Phan Anh nghiễm nhiên kêu gọi người trong và ngoài nước ủng hộ với số tiền hàng chục tỉ đồng mà an ninh không đụng đến anh ta trong lúc những nhà hoạt động xã hội khác kêu gọi không được bao nhiêu thì lại bị theo dõi, bị gây khó khăn ? Câu trả lời cho đến giờ phút này đã rất rõ : Vì Phan Anh làm từ thiện theo mục tiêu của nhóm quyền lực đỏ, nó ngược hoàn toàn với các nhà hoạt động xã hội khác về mục tiêu.
Nếu như mục tiêu của các nhà hoạt động xã hội là giúp cho người dân thoát khỏi kiếp nạn do thủy điện gây ra và giúp người dân tự làm sáng tỏ vấn đề do đâu mình bị thiệt hại, mất mát, mình cần phải được đền bù ra sao… Thì Phan Anh làm theo một hướng khác. Trong lúc miền Trung bị nhiễm độc biển, bị lũ lụt, Phan Anh kêu gọi "giúp mỗi gia đình 500 ngàn đồng và một ký mắm ruốc, gạo thì đã có chính phủ lo…". Lời kêu gọi này khác nào khuyến khích người dân dùng hải sản ?
Và rõ ràng cú vận động từ thiện của Phan Anh, sau đó là vở kịch "đấu tố truyền hình" giữa Phan Anh và Tạ Bích Loan đã nhanh chóng tập trung mọi sự chú ý cũng như thiện cảm của người dân vùng lũ vào Phan Anh. Kết quả là Phan Anh trở thành ngôi sao từ thiện và là một tuyên truyền viên hot nhất của chế độ, của các nhóm lợi ích. Cuối cùng, người dân vùng lũ bị đánh lạc hướng bởi Phan Anh. Người ta quan tâm đến suất quà từ thiện do Phan Anh mang lại hơn là quan tâm đến vấn đề vì sao mình lại thiệt hại, mất mát. Các cuộc trò chuyện, bàn luận giữa các nạn nhân lũ lụt xoay quanh chuyện Phan Anh đã cho bao nhiêu, làm gì, bị đấu tố ra sao… Tâm lý chờ đợi quà từ thiện cũng lan tỏa khắp nơi.
Thử đặt một câu hỏi : Liệu có khi nào trong hàng chục tỉ đồng mà Phan Anh nhận được từ các nhà hảo tâm kia thực ra là khoản tiền trám miệng dân của các nhóm thủy điện ? Thay vì đền bù hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thiệt hại, chỉ cần xây dựng nên một "Phan Anh từ thiện" và mượn tay anh ta để nhét khéo, trét miệng người bị nạn để rồi mọi chuyện sẽ chìm xuồng, êm xuôi ?
Đặt ra những câu hỏi như vậy để khỏi phải ngạc nhiên tại sao Phan Anh là một "nhà từ thiện lớn" mà lại có những phát biểu vừa ngu xuẩn vừa vô cảm với thiên tai đồng loại như vậy. Bởi từ sâu xa, đã có những kịch bản dàn dựng hết sức chi tiết và kĩ lưỡng. Một màn kịch đầy nước mắt của bầy linh cẩu dành cho những con cừu non mang tên Nhân Dân trên phông nền vô cảm tập thể !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 09/11/2017 (VietTuSaiGon's blog)
Số người thiệt mạng do bão số 12 tăng lên (RFA, 07/11/017)
Đã có ít nhất 69 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em, 30 người mất tích do bão số 12, ở miền Trung Việt Nam.
Phố cổ Hội An chìm trong nước lũ. 5/11/2017. AFP
Nạn nhân bị thiệt mạng do nước lũ, sạt đất, và tàu bị chìm ngoài biển.
Có đến tám tàu thủy bị chìm ngoài biển, theo thông tin từ một tạp chí hàng hải nước ngoài, và đây được xem là tai nạn hàng hải lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong số tàu chìm này có 7 tàu mang cờ Việt Nam, một tàu mang cờ Mông Cổ. Có ba thủy thủ thiệt mạng, ba người bị mất tích, số còn lại được cứu thoát.
Ngoài ra theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai của Việt Nam hiện có đến 100 ngàn ngôi nhà còn ngập trong nước lũ, gần 8 ngàn hectare lúa bị ngập, gần 15 ngàn hectare hoa màu bị hư hại, và có đến gần 25 ngàn lồng bè nuôi hải sản bị hư hỏng.
Tỉnh có nhiều người thiệt mạng và thiệt hại nhất là tỉnh Khánh Hòa, kế đến là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Kon Tum, Đắc Lắc.
Nước lũ do mưa bão gây ra lại càng dâng nhiều hơn do bảy đập chứa nước làm thủy điện xả nước.
Hãng tin Reuters cho biết là chính quyền thành phố Đà Nẵng đang nổ lực khắc phục hậu quả của cơn lũ lụt để chuẩn bị đón Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, APEC, sẽ diễn ra ở thành phố này trong một vài ngày sắp tới.
*****************
Số tử vong tăng lên 69 người trong bão Damrey ở Việt Nam (VOA, 07/11/2017)
Giới hữu trách Việt Nam cho hay số người thiệt mạng trong trận bão Damrey (bão số 12) thổi vào vùng duyên hải miền trung Việt Nam cuối tuần qua lên đến 69 người.
Một phụ nữ đang lội trên một con đường bị ngập lụt trong phố cổ Hội An sau khi bão Damrey thổi qua vào ngày 6/11/2017.
Cơ quan phòng chống thiên tai Việt Nam cho hay 30 người vẫn mất tích sau khi bão Damrey quét qua tỉnh Khánh Hòa gây thiệt hại nặng nề.
Hơn 116.000 nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại do nước lũ dâng tràn. Các đập chứa nước cũng đang bị đe dọa quá sức chứa.
Mưa lớn và lũ lụt do bão Damrey gây ra cũng có thể ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh của Diễn dàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu vào thứ Tư 8/11 tại Đà Nẵng.
Lãnh đạo của 21 quốc gia theo dự định sẽ tham dự thượng đỉnh, trong đó có Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các cuộc họp theo trông đợi sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng chuyến thăm của các phu nhân của các nhà lãnh đạo APEC đến phố cổ Hội An, một di sản văn hóa của UNESCO, có thể bị hủy bỏ.
********************
Hội An 'kịp khô ráo trước ngày đón khách APEC' (BBC, 07/11/2017)
Việt Nam đang xả lũ khỏi một số hồ chứa để chống chọi tình trạng bão lũ, chỉ vài ngày trước khi các lãnh đạo thế giới tới dự kỳ họp thượng đỉnh APEC.
Nước ngập ba ngày ở Hội An khiến việc buôn bán và sinh hoạt của người dân bị ngưng trệ
Cơn bão số 12, có tên quốc tế là bão Damrey, tính đến nay đã cướp đi sinh mạng của 69 người, với 30 người hiện vẫn còn mất tích.
Việc xả lũ khỏi bảy hồ chứa ở miền Trung trong hôm thứ Ba được tiến hành phù hợp với kế hoạch hạn chế ngập lụt, Reuters dẫn nguồn cơ quan phòng chống thiên tai nói.
Trang web của Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tính đến cuối ngày 6/11, đã có tổng số 41 hồ chứa thủy điện xả qua tràn, và 23 hồ chứa thủy lợi vận hành xả lũ.
Giới chức nói các nỗ lực đặc biệt đã được triển khai nhằm tránh gây ngập lụt quanh khu vực Đà Nẵng, nơi tuần lễ cấp cao APEC đã bắt đầu khai mạc từ hôm thứ Hai 6/11.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có mặt cùng các lãnh đạo thế giới khác, tham dự phiên họp thượng đỉnh hôm thứ Sáu và thứ Bảy.
Kế hoạch họp APEC không bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, nhưng hiện đang có câu hỏi về chương trình phu nhân, phu quân của các nhà lãnh đạo tới thăm khu di sản thế giới Hội An vào thứ Bảy.
Hội An trong ngày 6/11
"Hội An ngập lụt chắc chắn ảnh hưởng đến lịch trình thăm nơi này của các nguyên thủ dự APEC", nhà báo Nguyễn Trung Bảo, người đang sống tại phố cổ Hội An nói với BBC hôm 7/11.
Nước dâng cao trên các đường phố trong những ngày cuối tuần, khiến nhiều người phải di chuyển bằng ghe trên đường.
Mạng xã hội những ngày qua ghi nhận các clip, hình ảnh một số người dân, du khách quây lưới bắt cá trên đường, thậm chí nước còn ngập đến tấm bảng ghi "ưu tiên xe APEC" trên một con đường tại Hội An.
'Ngâm đồ cổ vào nước lũ'
Trả lời BBC hôm 7/11, ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư Thành ủy Hội An, nói rằng tình trạng ngập lụt ở Hội An trong những ngày qua là do nhiều nguyên nhân khác nhau, vừa do mưa lớn, vừa do tình trạng xả lũ thủy điện và triều cường.
"Hội An nằm ở vùng hạ du của sông Thu Bồn nên hàng năm đều bị ngập do mưa lớn. Nhưng nếu kết hợp với thủy điện xả lũ và triều cường, thì nước chảy nhanh, mạnh và kéo dài hơn".
"Mấy năm trước khi rừng bị phá và có thủy điện xả, Hội An hàng năm đều có bị ngập nhưng nước dâng từ từ trong lúc mưa cả chục ngày. Còn bây giờ, mưa chỉ ba ngày mà ngập nặng. Trước đây người ta chỉ thấy Hội An bị lụt, còn bây giờ gọi chính xác là lũ".
Để tình trạng phố cổ ngập sâu trong nước là điều "đáng tiếc", theo nhà báo Nguyễn Trung Bảo, bởi "chính quyền đã huy động rất nhiều sức người, sức của để chuẩn bị và tập dượt trước đó".
Tuy nhiên, "điều đáng tiếc hơn là chủ nhà đã để các nguyên thủ này thấy cách mình hành xử với một di sản vô giá như Hội An".
"Không ai hằng năm đem một món đồ cổ ngâm vào nước lũ do xả thủy điện như hiện nay khi món đồ cổ đó mỗi năm đem về gần 100 triệu đôla và việc làm cho hàng ngàn con người trong vùng".
Tuy nhiên, nhà báo Nguyễn Trung Bảo cho rằng giới chức địa phương đã bị động về việc xả lũ, và "không thể làm gì hơn ngoài việc nỗ lực thông tin và tổ chức cứu hộ".
"Bản thân nhà chức trách Hội An đã rất nỗ lực để thông tin và sau đó tổ chức cứu hộ những nơi ngập sâu trong lũ. Đặc biệt, một Phó chủ tịch thành phố Hội An là ông Nguyễn Thế Hùng đã liên tục cập nhật tình hình lũ lụt trên Facebook cá nhân bất kể ngày đêm để người dân phòng tránh".
Nước dâng cao trên các đường phố Hội An trong những ngày cuối tuần, khiến nhiều người phải di chuyển bằng ghe trên đường
Ông Nguyễn Sự cũng đánh giá cao các nỗ lực của giới chức địa phương.
"Chính quyền đã làm hết trách nhiệm trong việc xử lý thiên tai. Cụ thể là họ chủ động rút kinh nghiệm, cho Thủy điện Sông Tranh xả lũ sớm trước một ngày trong lúc dưới hạ du không có nước", ông nói. "Nếu không để mưa lớn mới xả lũ thì có lẽ Hội An còn ngập nặng hơn".
"Ngoài ra, các lực lượng của chính quyền đã sơ tán dân rất chu đáo, không có thiệt hại nhân mạng, đó là điều đáng mừng. Còn thiệt hại vật chất thì sau cơn lũ này mới tính hết được".
**********************
Bão làm gần 50 người thiệt mạng tại Việt Nam, vài ngày trước thượng đỉnh APEC (RFI, 06/11/017)
Có ít nhất 49 người thiệt mạng vì bão Damrey, theo loan báo của chính quyền Việt Nam ngày 06/11/2017, vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa sẽ đón tiếp tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Một cảnh ở Hội An, hậu quả bão Damrey. Ảnh 6/11/2017. Reuters/Kham
Trận bão Damrey (Việt Nam gọi là bão số 12) càn quét bốn tỉnh miền Trung và ba tỉnh Tây nguyên Việt Nam đã gây thiệt hại nặng về nhân mạng, với ít nhất 49 người chết và 27 người bị mất tích, nặng nhất là tại Khánh Hòa. Khoảng 30.000 người kể cả du khách ngoại quốc đã phải sơ tán. Gần 2.000 căn nhà bị sập, 80.000 căn bị hư hại bởi gió lốc và các trận mưa như trút nước. Tại Trà My, Quảng Nam còn xảy ra lở đất khiến bốn nạn nhân bị vùi lấp.
Đà Nẵng, nơi diễn ra thượng đỉnh APEC chỉ bị thiệt hại nhẹ. Riêng phố cổ Hội An, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới, nơi diễn ra một số hoạt động bên lề hội nghị bị lụt nặng, khách du lịch được sơ tán khỏi khách sạn bằng thuyền.
Trả lời RFI Việt ngữ, ông Lê Đức Hùng, một người dân Đà Nẵng cho biết cụ thể tình hình tại đây :
"Hiện nay sau bão số 12, tuy Đà Nẵng không phải là vùng bị ảnh hưởng bởi tâm bão, nhưng do mưa lớn kéo dài, thành ra hiện tượng lũ lụt ở Đà Nẵng và đặc biệt là vùng ngoại vi là nghiêm trọng ; ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.
Còn chuẩn bị cho APEC thì tôi nghĩ là mọi việc đang diễn ra suông sẻ. Chỉ có trong những ngày mưa vừa qua cây cối, một số công trình trang trí chào mừng APEC bị hư hại. Theo lời kêu gọi của chủ tịch thành phố, người ta khẩn trương huy động lực lượng để khắc phục. Đến sáng nay thì tạm ổn. Sáng nay bắt đầu tiếp đón khách, trời vẫn còn mưa chút ít.
Chỉ có Hội An là nơi dự kiến sẽ diễn ra một số hoạt động, thì hiện nay nước đang ngập và rút rất chậm. Có nơi lên tới gần ba mét nước, ngang với đỉnh lũ năm 1999. Nhưng chắc trong vòng vài ngày tới người ta cũng khắc phục được. Nếu thời tiết như dự báo, mưa sẽ dần giảm bớt thì vào ngày 10/11 trời sẽ đẹp. Còn ông trời ổng có làm gì thêm nữa không thì mình chưa biết, nhưng hiện nay không khí hoạt động ngoài phố rất bình thường.
Dân tình cũng vui vẻ ủng hộ giúp chính quyền nhiều việc. Với lại về mặt nào đó thì lũ lụt cũng là một sản phẩm của du lịch Hội An mà, nên người ta khắc phục cũng nhanh thôi".
Thụy My
Bão Damrey ập tới. Khánh Hòa có lẽ là một trong những nơi chịu thiệt hại trực tiếp, nặng nề nhất. Nhà nhà ngập lụt, người chết và mất tích, ruộng vườn tan hoang... Trong thời điểm đó cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2017 vẫn nỗ lực diễn ra hoành tráng trên VTV, cũng như ngay tại Diamond Bay City, Nha Trang.
Hình chụp từ trang web giadinh.net - hình ảnh cuộc thi hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017 -Courtesy of giadinh.net.vn
Nhiều ý kiến bất bình nói rằng sự kiện ấy không thích hợp để vui vầy giữa thảm cảnh mà hàng chục ngàn người Việt phải gánh chịu. Nhưng cũng có ý kiến từ phía nhà đài, và không ít người ủng hộ, nói rằng hủy cuộc thi hoa hậu đó thì cũng đâu được gì.
Quả thật, hủy cuộc thi đó thì đâu được gì, thậm chí là mất rất nhiều !
Chỉ cần một lần chứng kiến hậu trường của các chương trình TV nhà nước phối hợp với các nhà tài trợ, các nhãn hàng... Bất kỳ ai cũng có thể hiểu rằng việc Ban tổ chức, nhà đài cố thực hiện cho được chương trình Hoa hậu Hoàn vũ đó, bất chấp giữa lúc những cơn bão ập vào từng ngôi nhà, từng con đường... là điều không thể cưỡng lại. Là điều phải làm. Đơn giản, là vì tiền.
Giờ vàng đã định, hợp đồng quảng cáo đã ký, tiền tài trợ đã nhận... Mọi thứ đã lên khung. Chỉ cần trễ vài tiếng đồng hồ thôi cũng đã khiến cho những người làm truyền hình nhà nước ôm hận vì tiền tuột khỏi tay, mọi kế hoạch dang dở.
Cứ làm cho xong đã, còn kết quả như thế nào thì mặc kệ. Bởi điều quan trọng là mọi nguồn tiền đã định cần được luân chuyển hợp lý, đúng ngày đúng giờ. Đâu vào đấy. Toại lòng nhau. Vui như hội.
MC Phan Anh nói cũng có lý của anh ta. Hủy chương trình để làm gì nhỉ ?
Dời hay hủy hương trình thì cũng đâu để làm gì, bởi vì từ lâu nay, việc thực hiện một show truyền hình cũng giống như bất kỳ công việc kiếm tiền nào khác trên đất nước này, lợi nhuận và làm giàu là tiêu chí tối thượng, vượt qua mọi giá trị khác như danh dự, nhân tính hay tổ quốc.
Ban tổ chức và nhà đài cần gì văn hóa hay tình người khi có thể làm giàu, kiếm ra nhiều tiền, thậm chí ngay trong điều kiện thời tiết khó khăn nhất ? Cũng giống như nhà máy thủy điện vẫn xã lũ và phẩy tay khi nước dâng bất ngờ và dân chúng chết chìm. Không phải lợi ích và quy trình là nguyên tắc tối thượng hôm nay đó sao ?
Tiền - không phải thuốc ung thư giả, biệt điện biệt phủ của các quan chức, phá rừng, phá núi, lấp biển, xả thải... - chính là ý nghĩa khiến các quan chức, bè phái nắm tay cùng nhau nhảy múa ngày đêm như những hội lên đồng ghê tởm nhất ?
Tiền - không phải lúc này muốn chạy ra nước ngoài, tìm một quốc tịch khác, không muốn sống bị xiềng xích bằng hộ khẩu, không muốn con cái mình bị nhồi nhét nền giáo dục cải cách ngu xuẩn và bị ép buộc tư duy Mác Lê Nin... - làm được như vậy, rõ là người ta phải cần rất nhiều tiền, đúng không ?
Đừng quên hôm nay mạng người cũng được bồi thường bằng tiền, án oan cũng được trả lại bằng tiền. Đánh chết người trong đồn công an cũng được bù đắp bằng tiền. Bị Trung Quốc đâm tàu bắt giữ cũng cần tự điều đình chuộc lại bằng tiền. Đừng quên tất cả ở Việt Nam lúc này là tiền - tiền - tiền.
Tiền thật quan trọng. Vậy thì hủy Chương trình thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 để làm gì nhỉ ? Khi nơi đó người ta cũng làm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 07/11/2017
Bão ập vào miền Trung ngay trước thềm APEC (VOA, 05/11/2017)
Lũ lụt hôm 5/11 gây nhiều thiệt hại cả về người và của ở nhiều tỉnh thành miền trung Việt Nam sau khi cơn bão Damrey quét qua, trong khi khu vực này sắp là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Công nhân điện lực đang sửa chữa cột điện đổ ở tỉnh Phú Yên, miền trung Việt Nam, hôm 4/11, sau khi Damrey tràn qua.
Cơn bão lớn thứ 12 tràn vào Việt Nam trong năm nay mang theo gió mạnh lên tới 90km một giờ hôm 4/11. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện đã có 27 người chết và 22 người mất tích.
Hơn 600 ngôi nhà đã bị đổ sập hoàn toàn, trong khi số tàu cá bị chìm và hư hỏng là 228 tàu.
Ủy ban này cũng dự báo rằng mưa sẽ kéo dài tới ngày 7/11 và tình trạng lụt lội sẽ còn xấu đi.
Theo phóng viên Reuters, Đà Nẵng, nơi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC, cũng bị ảnh hưởng.
Damrey gây ra nhiều thiệt hại ở miền Trung Việt Nam, trong đó có thành phố Nha Trang.
Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin rằng tới ngày 5/11, "đường phố Đà Nẵng ngổn ngang sau bão số 12" dù ngày 6/11 đã bắt đầu tuần lễ APEC.
Cùng ngày Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã triệu tập phiên họp khẩn cấp để bàn về công tác dọn dẹp sau bão.
Ông Thơ được trích lời yêu cầu "phải khắc phục sửa chữa lại pano, biển quảng cáo APEC 2017 ; dựng lại cây xanh ; dọn dẹp vệ sinh môi trường phải hoàn thành ngay lập tức trong đêm nay".
Tổng thống Donald Trump sẽ tới thành phố miền trung này vào ngày 10/11. Đây cũng sẽ là điểm đến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Reuters.
Mưa lũ tháng trước đã làm hơn 80 người thiệt mạng ở miền bắc Việt Nam. Còn hồi tháng Chín, một trận bão cũng gây nhiều thiệt hại tại các tỉnh miền trung.
**************
Bão Damrey làm ít nhất 27 người chết (BBC, 05/11/2017)
Một cơn bão đã tàn phá miền nam trung bộ Việt Nam, làm ít nhất 27 người chết và hơn 20 người mất tích.
Người dân dọn dẹp sau bão ở Nha Trang
Bão Damrey đổ bộ vào đất liền hôm thứ Bảy 05/11/2017, với sức gió lên đến 90 km/h.
Hơn 40.000 ngôi nhà đã bị hư hại, nhiều người dân đã được di tản và điện bị cắt trên diện rộng.
Các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là thành phố Nha Trang - khoảng 500km về phía nam thành phố biển Đà Nẵng, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối tuần này.
Quốc gia Đông Nam Châu Á thường trải qua những trận bão nghiêm trọng và hàng năm có nhiều người chết vì lũ lụt.
Nước lụt khá sâu trong nhiều ngôi nhà, cửa hàng và đường phố ở Hội An.
Hơn 30.000 người, kể cả khách du lịch nước ngoài, đã được di tản khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nằm trên đường đi của cơn bão.
Các chuyên gia về thời tiết nói rằng đây là cơn bão tàn phá nhất trong nhiều thập niên tràn vào khu vực duyên hải miền nam - là khu vực mà thông thường ít bị những cơn bão tương tự tấn công so với các khu vực ở phía bắc.
Bão lụt làm cho nhiều con đường trở nên khó đi lại hoặc nguy hiểm cho giao thông
Gần đây, mưa lụt và lũ lớn ở miền Bắc Việt Nam vào giữa tháng 10/2017 đã làm chết ít nhất hàng chục người, có nguồn nói hơn một trăm người, và phá hủy nhiều khu vực dân cư, trường học, trạm y tế, chợ búa, cơ sở sản xuất, trồng trọt, kinh doanh nông, ngư và công nghiệp, cũng như giao thông của người dân.
Cơn bão Damrey đổ vào miền nam Trung bộ của Việt Nam hôm 04/11/2017.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 9/2017, một cơn bão có tên gọi Doksuri, được cho là một trong những cơn bão lớn nhất thập kỷ, đã đổ bộ vào vùng biển từ Nghệ An tới Quảng Trị của Việt Nam và cũng gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và của.
****************
Ngày 04/11/2017, cơn bão Damrey, Việt Nam gọi là bão số 12, tràn vào khu vực miền nam trung bộ, khiến ít nhất 27 người chết và hàng chục người mất tích. Bão Damrey được coi là trận bão lớn chưa từng có tại khu vực này, kể từ vài chục năm nay. Sự việc xảy ra chỉ ít ngày trước hội nghị APEC, một sự kiện quốc tế quan trọng dự kiến được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, miền trung.
Cố đô Huế ngập nước sau trận bão Damrey, ngày 05/11/2017. Reuters/Kham
Theo AFP, trận bão với sức gió 130km/giờ tàn phá nhiều khu đô thị, làng mạc. Bên cạnh số người chết và mất tích nói trên, theo chính quyền hơn 40 000 nhà ở bị ảnh hưởng. Hàng loạt tỉnh như Khánh Hòa, Bình Định, Lâm Đồng, bị ảnh hưởng nặng do bão. Tiếp theo trận bão, mưa lớn đe dọa lũ lụt ở nhiều nơi.
Thành phố Đà Nẵng, nơi sẽ diễn ra hội nghị APEC cũng bị bão, nhưng thiệt hại không nhiều. Tỉnh Khánh Hòa, nơi có thành phố du lịch Nha Trang nổi tiếng với những bãi biển dài cát trắng, bị thiệt hại nặng nề nhất, với 16 người mất tích, 10 người bị thương.
Tại Nha Trang, một cư dân của thành phố mô tả tình hình tại chỗ, sau cơn bão, giống như sau "một trận bom".
Trọng Thành
*****************
Ít nhất 19 người chết khi Bão Damrey quét qua Việt Nam (VOA, 04/11/2017)
Bão Damrey đã làm ít nhất 19 người thiệt mạng ở nam trung bộ Việt Nam hôm thứ Bảy, chính phủ cho biết, trong khi cơn bão này tiến sâu vào đất liền chỉ vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh APEC của các nhà lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương.
Bão Damrey quét qua thành phố Nha Trang, trong một hình ảnh được chụp từ video đăng tải trên mạng xã hội, ngày 4 tháng 11, 2017.
Bão Damrey đổ bộ vào lúc 4 giờ sáng giờ địa phương với gió giật lên đến 90 km/giờ, làm tốc mái hơn 1.000 căn nhà và làm đổ hàng trăm cột điện và cây cối.
Ít nhất 12 người mất tích và trên 370 ngôi nhà bị sập, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết. Hơn 33.000 người đã được sơ tán.
Trước đó chính phủ đã nói có sáu tàu bị chìm với 61 người trên tàu ở ngoài Biển Đông và 25 người đã được giải cứu, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về số phận của những người còn lại.
Cơn bão đổ bộ gần thành phố Nha Trang, khoảng 500 km về phía nam thành phố Đà Nẵng, nơi mà hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra vào tuần sau.
Tin tức cho hay có mưa và gió mạnh ở Đà Nẵng, nhưng không có báo cáo tức thời về thương vong. Thành phố này sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump từ ngày 10 tháng 11 cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và những người tương nhiệm từ các nước thành viên APEC khác.
Bão đã di chuyển từ khu vực ven biển vào khu vực trồng cà phê chủ chốt của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Giới thương nhân đã dự liệu cơn bão sẽ gây trì hoãn việc thu hoạch, nhưng không chắc nó có gây tổn hại cho cây cà phê hay không.
Chính phủ cho biết hơn 40.000 hectare cây trồng đã bị hư hại, bao gồm mía, ruộng lúa và cao su. Hơn 40 chuyến bay đã bị hủy.
Lũ lụt đã làm hơn 80 người thiệt mạng ở miền bắc hồi tháng trước, trong khi một cơn bão đã tàn phá các tỉnh miền trung vào tháng 9.