Cho đến giờ này, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam vẫn chưa quyết định sẽ trừng phạt Daniel Hauer thế nào.
Ông Daniel Hauer Daniel Hauer, 32 tuổi, công dân Mỹ, đến Việt Nam cư trú năm 2013, kiếm sống bằng việc dạy tiếng Anh ở Hà Nội.
Daniel Hauer, 32 tuổi, công dân Mỹ, đến Việt Nam cư trú năm 2013, kiếm sống bằng việc dạy tiếng Anh ở Hà Nội và nổi tiếng rất nhanh nhờ những video clip dí dỏm, hướng dẫn người Việt phát âm tiếng Anh sao cho đúng, học tiếng Anh sao cho hiệu quả. Hauer được nhiều người Việt gọi một cách thân mật là Dan.
Dan gặp "sự cố" hồi cuối tháng trước, khi chỉ trích những biểu hiện thái quá của một số người Việt trước thành quả mà đội tuyển U23 Việt Nam đã gặt hái tại Giải vô địch U23 Châu Á. Cao hứng, Dan lôi cả chuyện nhiều người "thổi" Hoàng Công Vinh lên… Trời, khi xạ thủ này mang về cho Việt Nam chiếc Huy chương Vàng Olympic đầu tiên hồi 2016 ; nhằm củng cố chứng cứ cho chỉ trích của mình, Dan mang cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào cuộc với những lời lẽ khiến nhiều người nhăn mặt.
Thành thật mà nói, bất kể sống ở đâu, muốn được xem là tử tế, chẳng ai lại dùng lời lẽ, chọn cách thể hiện quan điểm của mình như Dan. Đó là lý do Dan bị chỉ trích kịch liệt. Những ý kiến chỉ trích Dan được nâng cấp rất nhanh. Dan trở thành ngoại nhân dám xúc phạm "thần tượng", xúc phạm toàn thể dân chúng Việt Nam. Nhiều người đòi dùng tay chân dạy cho Dan một bài học trực tiếp, đòi tống Dan vào tù, đòi trục xuất Dan,… Ở một mặt khác, mức độ dữ dội khiến một số người ái ngại, thậm chí nghi ngờ có phải các "đối thủ" cạnh tranh với Dan về "cơm áo" trên thị trường dạy Anh ngữ đang khai thác sơ hở của Dan để kích động dư luận.
Thế rồi hệ thống công quyền Việt Nam nhập cuộc. Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử mời Dan tới làm việc. Nơi này xác định Dan đã "xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc", vi phạm Nghị định 174 của chính phủ Việt Nam. Hành vi xúc phạm này có thể khiến Dan mất từ 35 đến 50 triệu đồng. Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử thì ông ta chưa xác định mức phạt mà đang theo dõi Dan khắc phục hậu quả thế nào. Nếu Dan thành tâm sám hối, tự xóa những thông tin sai trái, trực tiếp đến xin lỗi gia đình tướng Giáp,… thì tiền phạt sẽ nhẹ.
***
Vào thời điểm mà Dan khiến dư luận tại Việt Nam dậy sóng, ở Mỹ cũng có một giáo viên khiến nhiều người giận sôi sùng sục.
Gregory Salcido, 49 tuổi, giáo viên môn Sử ở trường cấp ba El Rancho, tọa lạc tại thành phố Pico Rivera, hạt Los Angeles, bang California
Một học sinh trung học đã bí mật ghi âm bài giảng của Gregory Salcido rồi đem về cho mẹ cậu nghe. Mẹ cậu – vợ một cựu chiến binh – đã chia sẻ đoạn ghi âm bài giảng đó cho vài người bạn nhằm san sẻ sự bất bình của bà. Nghe xong, một trong số họ đưa đoạn ghi âm lên Internet… Vậy là Gregory Salcido thêm một lần nổi tiếng sau vài scandal do những hành động, tuyên bố khác người.
Trong đoạn ghi âm được đưa lên Internet, Salcido, 49 tuổi, giáo viên môn Sử ở trường cấp ba El Rancho, tọa lạc tại thành phố Pico Rivera, hạt Los Angeles, bang California bảo với học sinh rằng, quân đội Mỹ là túi chứa những thành phần thuộc loại "mạt hạng" trong xã hội Mỹ. Sở dĩ thanh niên Mỹ gia nhập quân đội là vì không biết làm gì khác và cả vì không được cha mẹ yêu thương, chăm sóc kỹ lưỡng, thành ra họ không được hướng dẫn theo những con đường khác tốt hơn…
Ở xứ sở mà rất nhiều người sẵn sàng bước ra khỏi hàng, nhường chỗ của mình cho một người mặc quân phục, kín đáo trả tiền thay cho bữa ăn của những người mặc quân phục như một cách bày tỏ sự tri ân, ở xứ sở mà nhiều người tạm gác mọi chuyện, xếp hàng dọc hai bên đường chờ linh cữu một người lính tử trận để tiễn biệt,… thì những điều mà Salcido dạy dỗ học sinh của ông ta tất nhiên là sinh chuyện.
Nhiều người Mỹ chỉ trích Salcido không tiếc lời vì những nhận định sai lệch với thực tế (chỉ có khoảng 30% thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ hội đủ các tiêu chuẩn để gia nhập quân đội Mỹ, 2/3 tổng thống Mỹ từng phục vụ quân đội, thời nào cũng có một số đáng kể dân biểu hạ viện, thượng nghĩ sĩ thượng viện của cả liên bang lẫn các tiểu bang đã từng phục vụ quân đội…), cố tình lăng mạ quân đội Mỹ và đặc biệt là vì theo họ, Salcido đang đầu độc thế hệ trẻ. Đã có không ít người đòi Học khu El Rancho – nơi giám sát hoạt động của trường trung học El Rancho sa thải Salcido. Bên cạnh đó, do Salcido còn là thành viên Hội đồng thành phố Pico Rivera, một số người đã biểu tình, đòi giải nhiệm Salcido…
Song đòi là một chuyện còn yêu cầu có được đáp ứng hay không là một chuyện khác. Tin mới nhất cho biết, Học khu El Rancho đã tạm đình chỉ công việc giảng dạy của Salcido thế nhưng tường thuật của báo chí Mỹ cho thấy, lý do chính dường như là vì an ninh của Salcido và trật tự trường học. Cả đại diện Học khu El Rancho lẫn Hội đồng thành phố Pico Rivera chỉ hứa sẽ xem xét cẩn thận, đối chiếu kỹ lưỡng bài giảng gây bão của Salcido với các tiêu chí mà họ buộc phải tuân thủ, trong số này có tự do ngôn luận.
Nếu có thời gian đọc những bình luận về scandal do bài giảng của Salcido tạo ra trên các diễn đàn điện tử và trên mạng xã hội tại Mỹ, ai cũng có thể thấy, những người chỉ trích Salcido lập đi, lập lại rằng Salcido có quyền nói những điều ông ta nghĩ nhưng nêu những nhận định ấy trong trường học là không thể chấp nhận được. Đã có hàng trăm người thách Salcido tranh luận, một bà mẹ tử sĩ thách Salcido tranh luận trước mộ của con bà, một thường dân ủng hộ quân đội thì thách Salcido tranh luận trên Internet. Có cựu chiến binh như Wallace Garneau, viết hẳn một bài trên blog, thách Salcido tranh luận tại hội trường của trung học El Rancho dưới sự chứng kiến của học sinh trong trường.
Garneau bảo rằng, nếu Salcido đúng thì Garneau – từng tình nguyện phục vụ Thủy quân lục chiến Mỹ bốn năm, sau đó tình nguyện phục vụ lục quân Mỹ bốn năm – là một trong những kẻ mạt hạng. Garneau đã có một văn bằng thạc sĩ về quản trị hệ thống thẩm định chất lượng, sắp lấy thêm một văn bằng thạc sĩ nữa. Garneau đã từng quản trị mạng, quản trị thương mại điện tử cho hàng loạt công ty từ vừa đến lớn. Dựa trên bài giảng của Salcido, Garneau đưa ra một loạt chủ đề để Salcido chuẩn bị và nhấn mạnh là sẵn sàng tham gia cuộc tranh luận này bất kỳ lúc nào…
Về phía hệ thống công quyền, cảnh sát của quận Los Angeles cho biết, theo yêu cầu của Salcido, họ đã cử cảnh sát tới nhà Salcido để bảo vệ ông ta và gia đình ông ta. Cựu chiến binh chiếm tỉ lệ đáng kể trong lực lượng thực thi pháp luật ở tất cả các cấp tại Mỹ nên trong số những cảnh sát luân phiên bảo vệ Salcido, thế nào cũng có cựu chiến binh. Thích hay ghét là một chuyện còn tôn trọng các quyền căn bản của con người là một chuyện khác. Chuyện sau quan trọng hơn chuyện trước.
***
Nhiều người Mỹ yêu quý và tự hào về quân đội của họ nhưng cũng có những người Mỹ vì lý do tín ngưỡng, thù chiến tranh và ghét những người mặc áo lính. Thỉnh thoảng, giữa hàng người dài dằng dặc, đứng dọc hai bên các con đường để tiễn biệt một người lính Mỹ đền nợ nước, vẫn có vài nhóm nhỏgiơ cao các bảng, biển kiểu như cám ơn Thượng đế vì có thêm lính Mỹ tử trận. Nhũng hành động kiểu đó tuy khiến nhiều người Mỹ nổi giận nhưng nổi giận là một chuyện còn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do bày tỏ ý kiến lại là chuyện khác. Suy nghĩ, hành động bất kính của một nhóm dù nhỏ thì đa số cũng không thể phủ nhận hay ngăn chặn.
Hình như đấy là lý do Patriot Guard (bảo vệ tinh thần ái quốc) xuất hiện. Chẳng hiểu tại sao đa số thành viên của Patriot Guard lại là dân chơi mô tô. Chẳng hiểu tại sao trong mắt dân Mỹ dân chơi mô tô là một thứ "dân chơi" đáng gờm. "Dân chơi" thì ở đâu cũng thích chơi ẩu, song có một chuyện mà lúc nào Patriot Guard cũng chơi rất đàng hoàng : Hỗ trợ quân đội. Gần như chẳng bao giờ Patriot Guard vắng mặt khi thi hài của một quân nhân Mỹ tử trận được đưa về nhà hay đón những thương binh, lính tráng từ chiến trường trở về. Trong những dịp như thế, nếu có nhóm phản đối chiến tranh nào xuất hiện, Patriot Guard sẽ tự động lập hàng rào, tìm cách che hết các bảng, biển để thiên hạ khỏi xốn mắt. Che, chắn cũng phải biết cách, không biết cách, dù ủng hộ quân đội, bảo vệ tinh thần ái quốc, chắc chắn Patriot Guard sẽ bị cảnh sát còng.
Nghe thì vô lý nhưng dân Mỹ có lý lẽ của riêng họ. Có một bài hát mà cả lính Mỹ lẫn những người Mỹ yêu quý và tự hào về quân đội của họ rất thích – bài If I Die Before You Wake (Nếu tôi chết trước khi bạn thức) của Dustin Evan.
If I Die Before You Wake là tâm sự của một người lính Mỹ chiến đấu ở bên kia trái đất – nơi mà trời hửng sáng thì ở Mỹ đã là giữa đêm. Anh ta vừa chịu đựng gian nan, đối đầu với nguy hiểm, có thể mất mạng bất kỳ lúc nào, vừa biết rất rõ ở Mỹ có những người không ủng hộ cuộc chiến ấy. Người lính nhấn mạnh là anh ta cũng không thích chiến tranh song anh ta tin rằng, chuyện anh ta làm có giá trị của nó và việc anh ta mất mạng chẳng phải là giá quá cao để thế giới tốt đẹp như Thượng đế muốn.
Tương tự, khi tranh luận với nhau, những người ủng hộ quân đội, thường nhắc những người phản đối chiến tranh rằng, khi bạn mặc một cái áo với những dòng chữ chỉ trích chiến tranh và quân đội, đi loanh quanh với bạn bè thì những người lính vẫn tiếp tục chiến đấu để bạn có quyền mặc cái áo đó.
Dưới quốc hiệu của Mỹ không có "Độc lập – Tự do – Hạnh phúc", dân Mỹ không biến ông tướng hay vận động viên nào của họ thành "thần tượng" bất khả xâm phạm, dân Mỹ cũng không đánh đồng vài cá nhân với quốc thể, vận mệnh quốc gia, văn hóa dân tộc, không chịu xem những cá nhân có ý kiến khác biệt là "tuyên truyền chống nhà nước", hay "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân",… trong một xã hội như thế không có nguyên thủ nào ở Mỹ tuyên bố nền dân chủ của họ "gấp vạn lần thiên hạ" thành ra không thể đem Mỹ ra so với Việt Nam.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/02/2018
Không ai ngờ số người, số vụ quá giang đội tuyển U23 Việt Nam, ăn theo thành tích của họ tại Giải vô địch U23 Châu Á lại đông đến như vậy…
Đội tuyển U23 Việt Nam.
***
Sau khi vắt kiệt sức trong trận tranh cúp với đội tuyển U23 Uzbekistan vào chiều 27 tháng 1, đội tuyển U23 Việt Nam quay về Việt Nam vào sáng 28 tháng 1. Chuyện đội tuyển U23 Việt Nam hiện diện tại trận chung kết đã khiến kế hoạch di chuyển của cả đội từ phi trường Thường Châu (Trung Quốc) về phi trường Nội Bài (Việt Nam) thay đổi. Những "người hùng" tại Giải vô địch U23 Châu Á không quay về bằng phi cơ của Vietnam Airlines như dự tính vì hãng hàng không Vietjet cử hẳn một "chuyên cơ" sang đón họ. "Chuyên cơ" không chỉ khiến công chúng sôi lên vì giận, Vietjet phải lên tiếng xin lỗi vì để những vũ công ăn mặc hở hang, ưỡn ẹo giống như mời chào các cầu thủ trẻ, Cục Hàng không Việt Nam phải vội vàng xử phạt Vietjet,… mà còn làm dấy lên thắc mắc về việc chọn… "chuyên cơ".
Người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau xem bài viết "Có quá rẻ - cái giá của sự đánh đổi" mà Bích Hà Trần, cựu nhân viên Vietnam Airlines, đưa lên facebook. Facebooker này nhận định, Vietjet đã giựt chuyện đón đội tuyển U23 Việt Nam từ tay Vietnam Airlines để quảng bá cho mình là một hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh. Chi phí cho một chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc đón đội tuyển U23 Việt Nam dưới dạng "chuyên cơ" chỉ vài ngàn Mỹ kim – quá rẻ so với chi phí quảng cáo để đạt tới hiệu quả gây sự chú ý tương đương nơi hàng trăm triệu người. Vậy thì ngoài chuyện tán thành đề nghị dùng "chuyên cơ", Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có biết đòi thêm gì cho mình hay không, khoản đó nếu có thì có tương xứng không, ai hoặc những ai dính líu tới việc nhận lời, giúp Vietjet hưởng lợi lớn một cách thiếu minh bạch như vậy, họ hưởng bao nhiêu ?
Từ những thông tin, nhận định của Trần Bích Hà, chỉ riêng trên facebook của Binh Hà Trần đã có cả ngàn facebooker cho rằng, đây là chuyện cần phải làm rõ nhưng có viên chức nào muốn làm và sẽ làm tới nơi, tới chốn ?
Dẫu được ưu đãi bằng "chuyên cơ" nhưng rõ ràng đội tuyển U23 Việt Nam đã phải cõng Vietjet, cho Vietjet… quá giang và chẳng phải chỉ có… Vietjet !
Trên đường từ phi trường Nội Bài về Hà Nội, thiên hạ thấy ông Nguyễn Lân Trung, cựu Phó Chủ tịch VFF đứng trên sàn chiếc xe buýt hai tầng như… lãnh đạo đội tuyển U23, vung tay chào người hâm mộ tích cực, hào hùng hơn cả những "người hùng". Bị công chúng chỉ trích, báo giới chất vấn, ông Trung phân trần rằng ông được "tổ chức phân công" để dẫn dắt đám đông bày tỏ tình cảm, sự tri ân với đội tuyển U23 Việt Nam. Phó Chủ tịch, phụ trách truyền thông của VFF vội vàng cải chính, không phân công ông Trung làm chuyện đó !
Sau hành trình kéo dài gần năm tiếng từ phi trường Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội, nhịn tiêu, nhịn tiểu, bí bách tới mức, cảnh sát giao thông phải cung cấp… xô cho các thành viên trong đội tuyển tiêu, tiểu vào đó, đội tuyển U23 Việt Nam chưa được nghỉ ngơi. Họ được đưa đến lăng của ông Hồ Chí Minh để dâng hương và báo công, rồi vào Văn phòng Chính phủ nhận huân chương.
Xem trận chung kết giữa đội tuyển U23 Việt Nam với đội tuyển U23 Uzbekistan, nhiều người xót xa vì đó là lần thứ ba, cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam tiếp tục phải lăn xả tới phút 120, đặc biệt là ở trận cuối cùng phải quần thảo với đối phương trong tuyết. Ai cũng biết sức người có hạn nhưng lạ là giới hữu trách ở Việt Nam không nghĩ đến chuyện để họ nghỉ ngơi. Gặp gỡ đội tuyển U23 Việt Nam ngày hôm sau, khi họ vừa tiếp tục phơi thân nhiều giờ trong thời tiết chỉ chừng 10 độ C, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam bảo rằng, ông biết "các bạn và các em đang rất đói và mệt" nhưng vì ông vui, nhân dân vui, ông tin các thành viên của đội tuyển U23 "có đói cũng vui" nên ngoài chuyện trao huân chương, Thủ tướng Phúc cầm đọc cho hết một… xấp giấy dày.
Dường như viếng lăng, dâng hương, nhận huân chương, việc Thủ tướng ráng đọc cho hết xấp giấy – giống như đề nghị quá giang – kéo dài quá mức nên Chương trình Giao lưu nghệ thuật nhằm vinh danh đội tuyển U23 diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình đã khai mạc chậm hơn dự trù hàng giờ, khiến vài chục ngàn người đội mưa, chịu lạnh đứng ngóng. Tiếng là chương trình do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhưng nhiều cá nhân, kể cả báo chí nhận xét, chương trình thiếu chuyên nghiệp, bát nháo như một đêm văn nghệ ở… hội chợ. Các thành viên trong đội tuyển U23 Việt Nam – đối tượng được vinh danh – chỉ làm những tấm đệm cho những viên chức đăng đàn và Đài Truyền hình Việt Nam có cơ hội tăng lượt người xem, thu hút quảng cáo.
Cuối buổi vinh danh, Lương Xuân Trường, Đội trưởng đội tuyển U23 Việt Nam, thú thật, suốt ngày, cả đội chưa được ăn bữa nào đúng nghĩa. Tuy Trường bảo rằng anh không đói nhưng ống kính truyền hình cho thấy, dù tên của Trường được cả MC lẫn khán giả cùng hô nhưng phải mất khoảng nửa phút và được đồng đội lưu ý, Trường mới nhận ra thiên hạ gọi tới mình.
Đó mới chỉ là những vụ quá giang xảy ra trong ngày 28 tháng 1. Từ 29 tháng 1 đến giờ, các thành viên của đội tuyển U23 Việt Nam còn phải vào trụ sở Quốc hội, hầu chuyện Chủ tịch Quốc hội, để Chủ tịch Quốc hội xoa đầu. Chia nhau hầu chuyện báo giới…
***
Thành thật mà nói, những vụ quá giang đã tiếp thêm lửa để những người sử dụng Internet tại Việt Nam hăm hở luận bàn khi những trận cầu nảy lửa của Giải vô địch U23 Châu Á đã chấm dứt. Nguyễn Huỳnh Duy xem ứng xử "có đói cũng vui" của Thủ tướng Phúc là bằng chứng cho thấy "có thực mới vực được đạo" đã lỗi thời, chỉ "vui" là đủ để sánh vai bạn bè năm Châu tiến vào "cách mạng công nghiệp 4.0". Phạm Đoan Trang đăng lại tấm ảnh chụp đội tuyển U23 Việt Nam lọt thỏm giữa một rừng những cá nhân trán bóng, bụng bự khi họ được chở tới Văn phòng Chính phủ kèm thắc mắc : Mấy ông bà này là ai ? Chúng tôi không biết ! và đề nghị : Mấy ông bà đi ra đi ! Bạn bè của Trang có người bảo đó là "Đội Kền Kền", có người gọi đó là hiện tượng "giây máu ăn phần". Có người như Aikido Tropic bình : Ăn không chừa thứ gì, kể cả diện tích khung hình ! Dường như sợ nhiều người không hiểu thành ngữ "giây máu ăn phần", Cong Thang Vu viết hẳn một status riêng.
Giữa sự rộn ràng của phong trào quá giang, Nguyen Chuong tán về Thánh Gióng. Theo đó, dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, không chịu ở lại "mừng công" vì "cõi trần nhung nhúc bọn "lục súc tranh công", nếu "ở lại, bọn lục súc sẽ biến công trạng của Gióng thành... công lao của chúng. Chi bằng tách ra một cõi, người đời mới không lẫn lộn".
Thế các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam – những "người hùng" thì sao ? Cho đến giờ này, họ chỉ cảm ơn người hâm mộ và hứa sẽ cố gắng hơn trên các sân cỏ. Tuy nhiên theo Nguyen Dan – người quan sát buổi truyền hình trực tiếp buổi "mừng công" do Quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 29 tháng 1 – thì "mặt các cầu thủ nhìn rất buồn". Tuy bà Ngân (Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội), không cầm giấy đọc như Thủ tướng Phúc và nói khá hơn nhưng các cầu thủ chẳng hào hứng chút nào. Có cầu thủ nói chuyện riêng, có cầu thủ thì dành khoảng thời gian đó để ký tên cho người hâm mộ.
***
Nhà văn Phạm Thị Hoài vừa đưa lên trang facebook của bà vài suy nghĩ về bóng đá và thời cuộc. Trong đó : Bóng đá là điều kỳ vĩ duy nhất trong cuộc đời không can thiệp vào cuộc đời. Nó khép lại với tiếng còi kết thúc. Trước khi tấn công một đất nước, không kẻ ngoại xâm nào nghiên cứu lòng ái quốc bóng đá và số lượng cờ trên má hay trên mông người hâm mộ ở đó. Ai hèn vẫn hèn. Ai ngu vẫn ngu. Ai lười vẫn lười. Ai đê tiện vẫn đê tiện. Ai ăn cắp vẫn ăn cắp. Ai vơ vét vẫn vơ vét. Ai thích nhậu nhẹt hơn rèn luyện thân thể vẫn nhậu nhẹt. Ai chém gió vẫn chém gió. Ai đạo đức giả vẫn đạo đức giả. Ai nuốt lời vẫn nuốt lời. Ai xấu trai vẫn xấu trai. Kẻ độc tài vẫn độc tài. Lòng người chia rẽ vẫn chia rẽ. Thực phẩm bẩn vẫn bẩn. Tham nhũng vẫn tham nhũng. Bệ rạc vẫn bệ rạc. Lầm than vẫn lầm than. Trái bóng tròn vô can. Phép màu chỉ diễn ra trên sân cỏ. Tôi mến bóng đá vì sự vô dụng khổng lồ của nó. 90 phút yêu nước vô hại là đủ và cần chấm dứt, khi trái bóng ngừng lăn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/02/2018
Nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam sững sờ khi xem video clip ghi lại cảnh công an bắt hai phụ nữ mại (bán) dâm, một thanh niên mãi (mua) dâm và chủ quán giải khát – nơi xảy ra hoạt động mại dâm xếp hàng ở ngoài đường, dùng loa phóng thanh hài tội họ kèm theo danh tính, trú quán, sinh quán từng người, rồi bắt từng người bước ra giữa đường cho thiên hạ nhận diện...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73.
Giống như Việt Nam, nhiều quốc gia không chấp nhận mại dâm và mãi dâm, xử phạt các hành vi này bằng hiều hình thức (phạt tiền, phạt tù) nhưng nếu không kể những khu vực bị các nhóm Hồi giáo cực đoan kiểm soát, dường như chỉ có hệ thống công quyền Việt Nam – thành viên Liên Hiệp Quốc, nhiều lần cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ thực thi nghiêm túc Công ước về các quyền Dân sự, Chính trị - mới hành xử với những người mại dâm, mãi dâm như vậy !
***
Khoảng giữa thập niên 1990, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào "Góp ý xây dựng chính quyền". Người viết bài này có dịp tham dự một buổi "Góp ý xây dựng chính quyền" do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Hôm đó, từ những lãnh đạo cao nhất hiện diện tại buổi góp ý (ông Phạm Chánh Trực - Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ông Nguyễn Văn Đua – Bí thư Thành Đoàn) cho đến đại diện các cơ quan trực thuộc Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đều "nhất trí" nhận định, tình trạng vô pháp (bia ôm, mại dâm, đâm chém, đánh giết) tràn lan và càng ngày càng nghiêm trọng là hệ quả của… phim ảnh khiêu dâm, kích động bạo lực.
Thế rồi có một cá nhân – hình như là nhà báo – bước lên diễn đàn. Diễn giả kể một câu chuyện mới xảy ra ở Thủ Đức được Tuổi Trẻ Cười thời ấy tường thuật, theo đó, có một người đàn ông gửi đơn đến công an xã xin… giết gã hàng xóm vì y đã lấn đất của ông lại còn liên tục chửi, thậm chí đánh người đàn ông trong một thời gian dài vì ông ta dám phản đối. Sau một thời gian dài cầu cứu nhưng hệ thống công quyền các cấp không can thiệp, người đàn ông gửi đơn xin giết gã hàng xóm – tiếng là xin nhưng lá đơn hiếm có ấy giống như một thông báo mà nội dung khẳng định, bởi hệ thống công quyền vô dụng nên nạn nhân sẽ tự xử theo cách của mình. Phải tới lúc đó hệ thống công quyền từ xã tới huyện bắt đầu chuyển động, gã hàng xóm bị buộc phải đem hàng rào đặt lại ở ranh hợp lý, bị cảnh cáo nếu tiếp tục chửi, đánh nạn nhân thì hệ thống công quyền sẽ đưa y đi cưỡng bức lao động. Nhờ vậy mà xung độ được hóa giải.
Theo diễn giả thì tờ đơn xin giết người chỉ là một trong hàng loạt ví dụ chứng minh hệ thống công quyền tại Việt Nam vô trách nhiệm và hành xử lệch lạc khi thực thi pháp luật. Quan niệm và cách vận hành chẳng giống ai cho phép các thành viên của hệ thống này chỉ động tay, động chân nếu sự kiện có khả năng tạo ra hậu quả nghiêm trọng tới mức, người ta phải truy cứu trách nhiệm của những cá nhân hữu trách. Quan niệm và cách vận hành chẳng giống ai đó là mảnh đất màu mỡ, vừa ươm, vừa phát triển nhận thức "mạnh được, yếu thua", tự xử trở thành phương thức ứng xử phổ biến. "Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" là điều tất yếu để bảo vệ lợi ích khi phát sinh những bất đồng từ va chạm trong giao thông, tới mâu thuẫn trong sinh hoạt.
Diễn giả cảnh báo, nếu hệ thống công quyền tiếp tục quan niệm và vận hành theo kiểu như thế, đạo đức sẽ tiếp tục suy đồi, sinh hoạt xã hội sẽ hỗn loạn. Biến phim ảnh khiêu dâm, kích động bạo lực thành "thùng chứa" là một kiểu ngụy biện. Chắc chắn "anh" nào trong số các "anh" hiện diện tại buổi góp ý đó cũng đã từng xem phim khiêu dâm, kích động bạo lực nhưng không có "anh" nào hiếp ai hoặc đánh ai. Khác biệt trong hành vi là nhận thức. Nhận thức, hành xử không đơn thuần chỉ từ giáo dục mà còn từ kiểu quản trị, điều hành của hệ thống công quyền...
Người viết bài này còn nhớ là diễn giả nói xong, bước xuống, khán phòng im phăng phắc, không ai vỗ tay – dù chỉ nhằm bày tỏ lịch sự - vì ông Phạm Chánh Trực và ông Nguyễn Văn Đua liên tục lắc đầu. Ngày hôm sau, chẳng tờ báo nào tường thuật những góp ý vừa kể.
***
So với giai đoạn giữa thập niên 1990, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thế. Khác biệt chủ yếu nằm ở chỗ đạo đức và sinh hoạt xã hội thê thảm hơn. Mức độ tồi tệ giờ vượt xa khả năng tưởng tượng của nhiều người. Song song với tâm trạng bất an thường trực, số người vừa bất bình, vừa thắc mắc về nguồn gốc khiến hỗn loạn gia tăng càng ngày càng đông.
Muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi : Tại sao danh dự, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người Việt càng ngày càng rẻ ? Tại sao đánh, chửi, đâm chém, đập phá, hành xử càn rỡ càng ngày càng phổ biến ?... thì phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi :
Tại sao hệ thống công quyền không xử lý ngay lập tức và xử lý một cách nghiêm khắc tất cả những hành vi xâm phạm danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân ?
Nếu tất cả những hành vi xâm phạm danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân, bất kể mức độ lớn hay nhỏ đều bị xử lý nghiêm khắc như hệ thống công quyền của nhiều quốc gia khác thì thực trạng xã hội Việt Nam có như hiện nay không ? Du đãng có dám tổ chức hành hung, thực hiện những cuộc truy sát người khác và truy sát nhau giữa thanh thiên, bạch nhật như vẫn thấy hay không ? Trẻ con có thi nhau bắt nạt bạn bè, có dám xem việc nhục mạ người khác như một thứ chiến tích để khẳng định mình không ?..
Chẳng lẽ bảo vệ trật tự, trị an để mọi người có thể sống an ổn không quan trọng bằng bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam ? Nếu mức độ an ổn của xã hội là quan trọng thì tại sao hệ thống công quyền không bận tâm đến việc bảo vệ danh dự, sức khỏe, tài sản của công dân mà chỉ chuyên chú vào việc "chống các thế lực thù địch, phản động" ? Nếu mức độ an ổn của xã hội là quan trọng thì tại sao các băng nhóm tội phạm có thể lộng hành tới mức như vậy ? Tại sao không cách chức Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Chánh án Tối cao khi thuê mướn du đãng giải quyết mâu thuẫn cá nhân, đòi nợ giúp,… trở thành con đường mà càng ngày càng nhiều công dân lựa chọn vì tin rằng con đường đó hiệu quả hơn nhờ cậy hệ thống tư pháp ? Tại sao tất cả các Thủ tướng đều phớt lờ trách nhiệm khi bộ máy hành pháp từ trung ương đến địa phương trở thành vô dụng, dân tự tổ chức phòng vệ, tự tổ chức săn đuổi và thay mặt công lý tự trừng trị kẻ gian – kể cả bằng những phương thức mà không quốc gia văn minh nào chấp nhận (nhốt trộm vào cũi, đánh đập cho đến chết,…) ?
***
Danh dự, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người Việt có chút giá trị nào không ? Dường như là không. Bởi nếu có thì tại sao hệ thống công quyền vẫn thản nhiên dung dưỡng những hành vi xâm hại danh dự, sức khỏe, tính mạng của công dân càng ngày càng nhiều và càng ngày càng nghiêm trọng ? Bởi nếu có thì tại sao những vụ công an tra tấn nghi can, bị can đến chết vẫn còn xảy ra thường xuyên ? Bởi nếu có thì tại sao công an vẫn thẳng tay đánh đập người khác giữa thanh thiên, bạch nhật ?...
Có thể ngày mai hoặc tuần sau, do phản ứng của công chúng, vụ hạ nhục những người liên quan đến hoạt động mua bán dâm ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang sẽ được giải thích là vì những sĩ quan công an và các viên chức ở Phú Quốc "yếu kém" về "nhận thức". Sự "yếu kém" đó thật ra là "nhận thức chung" của cả hệ thống công quyền : Dân là đối tượng bị trị nên hệ thống này có quyền đặt định, chọn bất kỳ "biện pháp" nào nhằm "trừng phạt riêng và răn đe chung". Chẳng phải bất kể Hiến pháp minh định quyền "bất khả xâm phạm về chỗ ở", công an vẫn thản nhiên đạp cửa xông vào các khách sạn, nhà nghỉ để "bắt quả tang" các vụ mua bán dâm, không cho những phụ nữ mại dâm mặc quần áo, chụp ảnh họ trần truồng để cung cấp cho các tờ báo đó sao ?...
Nhiều cá nhân, nhiều nhóm vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam từng tổ chức giới thiệu, phát các tài liệu về nhân quyền cho công chúng. Tuy một mực khẳng định đang nỗ lực hết mức để "thăng tiến nhân quyền" tại Việt Nam nhưng hệ thống công quyền luôn thẳng tay đàn áp những cá nhân, những nhóm như vậy. Lý do chính dẫn đến sự bất nhất làm nhiều người thắc mắc đó rất đơn giản, hệ thống công quyền Việt Nam muốn hạn chế tối đa số người ý thức rằng, sống an ổn, được tôn trọng, bình đẳng trong việc thụ hưởng phúc lợi, tham gia vào việc quyết định vận mệnh dân tộc, điều hành quốc gia là những quyền căn bản của một con người và bất cứ chính quyền nào, ở bất kỳ đâu dưới gầm trời này cũng phải tạo điều kiện để từng cá nhân có thể dễ dàng thực thi các quyền ấy.
Xem vụ hạ nhục những người liên quan đến hoạt động mua bán dâm ở thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang là chuyện nhỏ chẳng khác gì tiếp tục chấp nhận hệ thống công quyền xem phẩm giá, sự an ổn của chính mình và những thân nhân của mình cũng là chuyện nhỏ.
Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/02/2018
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lại gieo hoang mang cho các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam khi chỉ đạo Tổng cục Thống kê (GSO), đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP.
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Khái niệm hoạt động kinh tế phi chính thức chỉ những hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình tự sản tự tiêu, các hoạt động kinh tế bị sót khi thu thập dữ liệu.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO, Tổng cục Thống kê của Việt Nam đã thu thập và đã xử lý được dữ liệu của ba mảng liên quan đến hoạt động kinh tế phi chính thức là : Hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình không đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh tế ở cấp độ gia đình tự sản tự tiêu và các hoạt động kinh tế bị bỏ sót. Săp tới, cơ quan này sẽ thu thập và sẽ xử lý dữ liệu của kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp để tính toán GDP.
Ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên viên thống kê của Liên Hiệp Quốc, người từng là cố vấn cho một dự án về tính toán GDP đối với các hoạt động kinh tế phi chính thức tại một số quốc gia Châu Á, Châu Phi của Liên Hiệp Quốc, khuyến cáo, nếu không bảo đảm khả năng thu thập dữ liệu thường xuyên và chính xác, đặc biệt là với hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp (mại dâm, đánh bạc, buôn lậu,…) thì không nên đưa vào GDP vì vô giá trị và dễ làm lạc hướng.
Tại sao đưa hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế phi pháp vào GDP lại dễ làm lạc hướng ? Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), một trong những người đồng quan điểm với ông Việt (cần thu thập dữ liệu về hoạt động kinh tế phi chính thức để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế nhưng không nên gộp kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp vào GDP để tăng quy mô của nền kinh tế), giải thích, gộp hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào GDP sẽ nâng GDP lên và khiến tỉ lệ bội chi, tỉ lệ nợ nần tính trên GDP giảm, hồ sơ tăng trưởng kinh tế sẽ… đẹp hơn.
Sự "kiên định" của chính quyền Việt Nam trong việc đeo đuổi chỉ tiêu tăng trưởng GDP để hồ sơ tăng trưởng kinh tế…đẹp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thảm trạng hiện nay (ngân sách liên tục thâm thủng, nợ nần càng ngày càng cao).
***
GDP là cách gọi tắt Gross Domestic Product (tổng sản phẩm nội địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Bởi GDP thường được dùng để đánh giá mức độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia nên trong vài thập niên gần đây, thông qua Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đặt định chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, thúc chính phủ Việt Nam phải "phấn đấu" để chứng minh cả khả năng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình, lẫn kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là… ưu việt.
Theo thời gian, các chuyên gia kinh tế nhận ra, những số liệu liên quan đến tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế không đồng nghĩa với ấm no, hạnh phúc. Tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có thể rất cao nhưng theo sau đó, khoảng cách giữa giàu và nghèo có thể càng ngày càng lớn, bất bình đẳng xã hội có thể tăng vọt, tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống có thể bị hủy hoại trên diện rộng. Đó là lý do khái niệm tăng trưởng bền vững, phát triển bền vững xuất hiện. Chẳng riêng các chuyên gia kinh tế mà một số viên chức hữu trách ở Việt Nam cũng thú nhận, dù luôn đạt hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng kinh tế và tiến trình phát triển ở Việt Nam là… thiếu bền vững.
Dẫu trên thực tế có không ít cơ quan truyền thông tại Việt Nam giới thiệu hàng loạt tài liệu, nhận định của các chuyên gia kinh tế trên thế giới, cảnh báo "mặt trái" của những số liệu liên quan tới tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế,…
Chẳng hạn Nhịp Cầu Đầu Tư tóm tắt và giới thiệu cuốn "Wellbeing Economy : Success in a World Without Growth" (Nền kinh tế hạnh phúc : Thành công trong một thế giới không tăng trưởng) của Lorenzo Fioramonti. Vị giáo sư về Kinh tế Chính trị của Đại học Pretoria - Nam Phi này đưa ra nhiều ví dụ nhằm giúp người ta không ngộ nhận về tăng trưởng GDP : Bán thận lấy tiền sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP nhưng giáo dục trẻ con, nấu một bữa ăn phục vụ cộng đồng, tổ chức cải thiện thể lực cộng đồng thì không thể tạo ra số liệu – không đóng góp gì vào tăng trưởng kinh tế. Một quốc gia đốn toàn bộ cây cối để bán sẽ giúp GDP tăng vọt, còn giữ - chăm bón cây cối thì không. Một quốc gia bảo tồn thiên nhiên vì lợi ích của tất cả mọi người thì khó mà đưa được chuỗi hoạt động ấy vào tăng trưởng kinh tế nhưng nếu tư nhân hóa, thương mại hóa các khu bảo tồn để thu phí thì quyết định đó sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Tương tự, tất cả mọi người khỏe mạnh sẽ không tác động đến số liệu tăng trưởng kinh tế, song mọi người đổ bệnh thì GDP sẽ tăng mạnh nhờ chi tiêu cho thuốc men, bác sĩ, bệnh viện... Fioramonti nhấn mạnh, chạy theo tăng trưởng GDP, tăng trưởng kinh tế là dại dột. Hệ thống kinh tế tốt là hệ thống trao cho dân chúng quyền lựa chọn hạnh phúc phù hợp với giá trị và động cơ của họ.
Còn Tia Sáng giới thiệu "Tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc nhân sinh" của Tôn Thất Nguyễn Thiêm. Ông Thiêm khẳng định, cứu cánh của kinh tế là góp phần tạo dựng hạnh phúc cho cõi nhân sinh thông qua sự tăng trưởng của xã hội. Động lực thúc đẩy tăng trưởng chỉ có thể thật sự lớn mạnh nếu bản thân tiến trình tạo dựng tài sản kinh tế được xây dựng trên cơ sở những cảm thụ có thật về hạnh phúc của con người. Tăng trưởng là điều kiện cần cho hạnh phúc nhưng mặt khác, tăng trưởng cần có hạnh phúc để trở thành phát triển bền vững ! Tăng trưởng không thể đơn thuần chỉ là tạo ra của cải vật chất mà nhất thiết phải mang đến một luân lý tinh thần, bồi đắp các mối quan hệ giữa người với người trong công cuộc mưu cầu hạnh phúc của mỗi một cá nhân. Thiếu yếu tố đó, tăng trưởng vật chất sẽ dẫn đến khủng hoảng xã hội trầm kha, gây rối loạn nghiêm trọng, cản trở việc khởi động một tiến trình phát triển thật sự !
Rồi những chuyên gia kinh tế như Vũ Thành Tự Anh thì phân tích về hiệu quả đầu tư của Việt Nam với các quốc gia khác, so sánh chúng để chứng minh giá mà Việt Nam phải trả cho tăng trưởng GDP quá cao. Nhắc nhở GDP chỉ là phương tiện chứ không phải và không bao giờ là mục đích cuối cùng của nền kinh tế. Nếu tính cả những thiệt hại và chi phí do ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, căng thẳng xã hội... gây ra thì số liệu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khó mà có thể như đã công bố. Có chuyên gia như ông Bùi Trinh cảnh cáo, nếu tiếp tục theo đuổi tăng trưởng GDP kiểu như đổ tiền vào các tượng đài, đẩy GDP lên bất kể tượng đài chẳng tạo ra tác động tích cực nào cho phát triển, kinh tế vĩ mô sẽ càng ngày càng bất ổn, không thể giảm bội chi mà chỉ lún sâu hơn trong nợ nần.
…Tuần trước, Thủ tướng Việt Nam vẫn dõng dạc tuyên bố : Nếu tăng trưởng thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ.
***
Tháng trước, nhiều giới sửng sốt khi GSO của Việt Nam công bố, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 là 6,81% GDP, cao hơn chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam đề ra (6,7% GDP) và vượt xa dự đoán của mọi người, kể cả của Ủy ban Giám sát Tài chính thuộc Quốc hội Việt Nam trước đó chỉ… một ngày.
Tháng này, ông Phúc vừa khuyên GSO "không chạy theo thành tích để đưa ra số liệu không cơ bản", vừa trao hàng loạt Huân chương Lao động đủ hạng cho các tập thể, cá nhân của ngành thống kê, dù hoạt động của ngành này được chính ông nhận định còn "đơn điệu", chưa chú ý tới các thống kê liên quan tới chất lượng tăng trưởng như : Môi trường, năng suất lao động, xã hội...
Chính phủ Việt Nam giải thích, sở dĩ họ muốn GSO đưa kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp vào tính toán tăng trưởng kinh tế vì GDP thay đổi thì nợ nần còn "dư địa" (thêm cơ hội vay mượn) để "đầu tư cho phát triển". Khi nợ nần bị khống chế bởi "trần", "trần" lại tương ứng với một tỉ lệ nhất định về GDP (hiện là 65% GDP) thì "dự đoán" kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp hiện vào khoảng 30% GDP rõ ràng là hết sức hấp dẫn. Cộng 30% đó vào GDP sẽ đẩy "trần" nợ cao lên. "Đầu tư" cho "phát triển" các trung tâm hành chính, quần thể quảng trường – tượng đài, đại dự án, những chương trình "kích cầu" sẽ lại… như xưa ! Nội các của ông Phúc lại có thể vênh vang, xênh xang như nội các của ông Dũng vì lúc nào cũng "bảo đảm mục tiêu tăng trưởng dù kinh tế thế giới, kinh tế khu vực bất ổn, khó lường".
Các chuyên gia kinh tế đã lặp đi, lặp lại rằng thu thập – xử lý dữ liệu liên quan tới kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp rất khó chính xác, cách tốt nhất để hạn chế kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp, giúp họat động của ngành thống kê dễ dàng, đáng tin cậy hơn là công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động của hệ thống công quyền. Tuy nhắc nhở ngành thống kê phải "trung thực" song chính phủ Việt Nam không tha thiết với công khai hóa, minh bạch hóa. Họ mê "dự đoán" kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp tương đương"30% GDP".
Ngộ nhỉ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/01/2018
Tờ Tuổi Trẻ vừa đăng một bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang. Trong bài "Để người dân đừng đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp !", ông Nhị - một viên chức cao cấp, tuy đã nghỉ hưu song vẫn trăn trở về tương lai An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung – kể rằng, trong vài năm gần đây, "đi Bình Dương" trở thành chuyện cửa miệng của nhiều cư dân An Giang.
Tại nhiều làng quê ở miền Tây, chỉ còn lại phần lớn là người già và trẻ em bởi lao động chính đã đi nơi khác kiếm sống - Ảnh : CHÍ QUỐC
Lúc đầu, cư dân An Giang phấn chấn vì "đi Bình Dương" hứa hẹn cơ hội thoát nghèo, thế nhưng sau đó, thực tế cho thấy, "đi Bình Dương" là loại cơ hội tưởng vậy mà không phải vậy, nhiều người "đi Bình Dương", khi có chuyện khẩn cấp, gia đình phải gửi tiền để người "đi Bình Dương" có lộ phí cho chuyện quay về. Tuy nhiên theo lời ông Nhị, cư dân An Giang vẫn lũ lượt bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ cha mẹ già, mồ mả ông bà, vợ chồng con cái dắt díu nhau "đi Bình Dương".
Ông Nhị nhận định, dù cuộc sống của những người chọn con đường "đi Bình Dương" cực nhọc, bấp bênh nhưng xét cho đến cùng thì vẫn tốt hơn ở lại quê nhà. Ông Nhị cay đắng lập lại điều mà nhiều chuyên gia đã đề cập từ lâu, đó là dù luôn góp phần đáng kể cho kinh tế Việt Nam nhưng đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức thấp nhất. Giờ, khi không thể sống nhờ ruộng vườn, cư dân An Giang nói riêng và cư dân đồng bằng sông Cửu Long lũ lượt bỏ xứ, tha phương cầu thực…
Hồi trung tuần tháng này, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu một nghiên cứu của Alex Chapman – Đại học Southampton (Anh) và Văn Phạm Đăng Trí (Đại học Cần Thơ), theo đó, đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân nhưng trong mười năm vừa qua đã có khoảng 1,7 triệu người ở đó bỏ xứ ra đi. Alex và Trí dẫn một nghiên cứu khác của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường thuộc Đại học Văn Lang, cho biết, gần đây, đã có 14,5% cư dân đồng bằng sông Cửu Long "di cư". Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường cho rằng, mỗi năm, "biến đổi khí hậu" (hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào sông hồ, kênh rạch, ruộng đồng, sạt lở trên diện rộng,…) đẩy khoảng 24.000 cư dân đồng bằng sông Cửu Long tha phương cầu thực. Alex Chapman và Văn Phạm Đăng Trí nhấn mạnh, khát vọng thoát nghèo là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng ồ ạt bỏ xứ tha phương cầu thực, do mối liên hệ càng ngày càng phức tạp giữa nghèo đói với biến đổi khí hậu, tỉ lệ 14,5% có thể là "chưa đủ".
***
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới". Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 2.016 xã (23% tổng số xã) đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới". Cũng theo thống kê vừa kể thì song song với con số 2.016 xã tại Việt Nam đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới" là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do "xây dựng nông thôn mới" và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Tại một cuộc họp của Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) diễn ra hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Phương một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét – công nhận đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới" không hợp lý nên chương trình "xây dựng nông thôn mới" trở thành lãng phí vì không hiệu quả. Ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo "tiêu chuẩn nông thôn mới" đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế. Ở cuộc họp vừa kể, những đại biểu khác nói thêm rằng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình "xây dựng nông thôn mới", chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Chưa kể đóng góp của dân chúng, chỉ tính số mà công quỹ đã chi và những khoản nợ dứt khoát phải trả, chương trình "xây dựng nông thôn mới" đã nuốt của công khố 16.127 tỉ. Dẫu di họa của chương trình "xây dựng nông thôn mới" (do Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, chính phủ Việt Nam thực hiện) đã rất rõ ràng : Nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình "xây dựng nông thôn mới" nhưng không được thanh toán, song cuối năm 2015, trước khi mãn nhiệm kỳ 2011 – 2016, 436/437 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 vẫn tán thành việc chi 193 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để… tiếp tục thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới". Trong 193 ngàn tỉ đồng đó, chính quyền trung ương sẽ chi 63.155 tỉ, chính quyền các địa phương sẽ chi 130.000 tỉ và tất nhiên từ trẻ sơ sinh đến người già chưa kịp thở hơi cuối cùng trên toàn quốc sẽ cùng nhau gánh vác khoản tiền khổng lồ này.
Nuốt hết 16.127 tỉ, "nông thôn mới" đẩy 20% cư dân các tỉnh phía Bắc miền Trung, 20% cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung, 18,4% cư dân đồng bằng sông Củu Long tha phương cầu thực. Trong hai thập niên vừa qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long không những không tăng trưởng về dân số mà tỉ lệ này còn âm (-0,13%). Nếu nuốt thêm 193.000 tỉ đồng nữa, "nông thôn mới" sẽ đẩy thêm bao nhiêu triệu nông dân đến chỗ khốn cùng để phải chọn kiếp tha phương cầu thực ?
***
Trong bài "Để người dân đừng đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp !", ông Nhị đề nghị phải bắt đầu từ giáo dục để nông dân có kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chuyện làm ruộng, làm vườn, để dân chúng tự do tổ chức tiêu thụ nông sản, để việc chuyển dịch lao động trong nông nghiệp diễn ra một cách tự nhiên. Ông Nhị dẫn Đồng Tháp như một ví dụ mà chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên tham khảo để cư dân đồng bằng sông Cửu Long thôi phải tính đến việc "đi Bình Dương" : Đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thu hút giới đầu tư ngoại quốc vào các khu công nghiệp… Ông Nhị kể thêm về những nông dân thành đạt bởi được giáo dục tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng làm chủ ruộng vườn và lưu ý chi tiết, tất cả đều được đào tạo "trước 1975".
Chẳng ai nghi ngờ thành tâm và thiện ý của ông Nhị nhưng sau 1975, tình hình trên toàn Việt Nam đã khác. Với một hệ thống chiêu nạp, dung dưỡng các viên chức luôn tìm đủ mọi cách biến tất cả những mục tiêu tốt đẹp thành cơ hội kiếm tiền, bỏ túi riêng thì không thể hi vọng nông dân thôi dắt díu nhau "đi Bình Dương".
Năm 2010, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu "triển khai Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Năm 2017, tại một hội nghị về việc thực hiện chương trình này, các viên chức hữu trách thú nhận, những nông dân đã được "đào tạo" không thể sống được với "nghề" mà hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dạy cho họ. Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang thú thật, năm 2016, "Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" ngốn hết 3,7 tỉ nhưng nông dân Hà Giang vẫn lũ lượt dắt díu nhau sang Trung Quốc làm thuê. Mỗi năm, Hà Giang có 20.000 người sang Trung Quốc tìm việc làm. Cũng ở hội nghị vừa kể, dù thừa nhận, "Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" bị lạm dụng (có xã, có tới 600 người học… thiến heo) nhưng hệ thống công quyền Việt Nam "nhất trí" sẽ chi 2.000 tỉ đồng nữa để "đào tạo nghề" cho 1,4 triệu nông dân từ 2016 đến 2020.
Tương tự, năm ngoái, Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, sau khi thi nhau thu hồi ruộng, vườn của nông dân để xây dựng 324 khu công nghiệp, chỉ có 15% trong số92.000 héc ta đất dành cho các khu công nghiệp được sử dụng.
Chẳng lẽ đã đến lúc, thay vì đặt một dấu hỏi sau "tương lai nông dân", người ta phải dùng dấu chấm than ?
Việc đội tuyển U23 Việt Nam sẽ hiện diện tại trận chung kết giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 cùng với đội tuyển U23 Uzbekistan đã trở thành sự kiện chấn động cả sinh hoạt xã hội lẫn dư luận Việt Nam.
Đám đông cuồng nhiệt đổ ra đường phố Hà Nội đêm 23 tháng Giêng.
Người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam vừa hồi hộp, vừa sung sướng, vừa ngỡ ngàng khi chứng kiến đội tuyển U23 Việt Nam – vốn từng bị xem như vật "lót đường" ở giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 – đột nhiên trở thành "cần gạt", gạt Úc và Syria sang một bên để bước vào tứ kết, sau đó tiếp tục gạt Iraq sang một bên khác để bước vào bán kết, mới đây gạt luôn hy vọng vô địch năm nay của Qatar.
Hoan hỉ, phấn khích dường như là điều tất nhiên và dễ hiểu nhưng giữa đám đông cuồng nhiệt tới mức, xem chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam như một bằng chứng cho thấy "Việt Nam đã đặt cả Châu Á dưới chân"lại khiến nhiều người lo ngại bởi… thái quá bất cập.
Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, nếu 99% dân số nghĩ rằng đá banh thắng là thắng tất cả, thậm chí còn đua xe, cởi đồ để ăn mừng, chẳng có ai cởi trần phản đối giá xăng tăng để "đi bão" tiết kiệm hơn thì đó là… "dân tộc vô phúc" ! Minh nêu ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy, kiểu tư duy đánh đồng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam với việc "đặt cả Châu Á dưới chân" là "điên" khi kinh tế, mức sống của Nhật, Nam Hàn đã vượt xa Việt Nam, khi trẻ con của thiên hạ được ăn học miễn phí thì trẻ con Việt Nam phải đi bán vé số, khi người lớn tuổi của thiên hạ được lo chuyện an sinh thì người già ở Việt Nam phải đi móc bọc, lượm ve chai để có cơm ăn, khi Myanmar bắt đầu chuyển mình từ độc tài sang dân chủ để phát triển thì Việt Nam nghe chuyện chính trị là… "muốn đột quị", khi hàng triệu người đổ ra đường để bày tỏ sự tự hào về Việt Nam thì Formosa tiếp tục xả chất thải độc hại vào môi trường sống, nợ nẫn quốc gia tiếp tục gia tăng, xã hội bại hoại, đạo đức thối nát và Việt Nam "tiếp tục đi giật lùi so với văn minh của nhân loại".
Cương Kim, bạn của Nguyễn Đức Minh, góp thêm, một "bộ tộc" cuồng vui chỉ vì một đội tuyển bóng đá lứa tuổi "mầm non" chiến thắng các đội tuyển "mầm non" khác và hoàn toàn im lặng không dám hé răng khi giá xăng liên tục tăng, phí BOT lưu manh, bất công tràn lan, chứng tỏ "sức chịu đựng của chúng sanh bộ tộc đó là… vô địch".
Nhân Tuấn Trương nhìn những biểu hiện "cuồng vui" trước các chiến thắng vừa qua của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 dưới một góc độ khác : Đó là bằng chứng cho thấy người Việt "khát" ước vọng. Facebooker này lý giải, người Việt ý thức rằng họ không kém, bởi nếu kém thì đã bị hòa tan vào Trung Quốc từ lâu. Người Việt luôn có khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ nhưng dưới sự điều hành của Đảng cộng sản Việt Nam – một tổ chức chính trị vong thân, dối trá (lúc thì đề cao "vô sản", xem "tư hữu" là kẻ thù, cần phải tiêu diệt, khi thì đòi hỏi "đảng viên phải biết làm giàu" – vừa gián tiếp cổ súy "tư hữu", vừa sỉ nhục quá khứ "vô sản" của chính mình), quốc gia giống như một "con tàu say". Cuối cùng, khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ bị hướng vào những kỷ lục bị nhiều người chỉ trích là "ruồi bu" như đòn bánh tét dài nhất, bánh chưng lớn nhất, tô hủ tiếu to nhất,… Khát vọng vươn lên, vượt qua thiên hạ bị dồn nén trong một thời gian dài bùng lên sau những chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018, người Việt "cuồng vui" vì lâu lắm rồi họ mới có cơ hội "rửa mặt"...
Facebooker có nickname là Lý Luận – một thành viên của nhóm Viet Conservative & Classical Liberal cũng đánh giá các biểu hiện "cuồng vui" theo hướng gần giống với Nhân Tuấn Trương : Đám đông vẫn còn ý thức tự hào về dân tộc của mình. Chỉ đáng buồn là sự tự hào ấy về dân tộc chỉ có thể thể hiện qua những chiến thắng trong túc cầu. Ngoài túc cầu chẳng còn gì để tự hào. Việt Nam giờ là quốc gia xuất cảng cô dâu, đĩ điếm, cu li. Đảo bị chiếm, biển bị ngoại bang kiểm soát, ngư dân bị bắt, bị bắn,… người Việt chỉ biết cúi đầu chịu nhục. Lý Luận nêu thắc mắc : Có thời kỳ nào mà sự tự hào về dân tộc lại trở nên xa xỉ như thời kỳ này không ? Có thời kỳ nào mà sự tự hào về dân tộc của người Việt chỉ còn có thể thể hiện qua môt môn thể thao như thời kỳ này không ? Những cái không vui và tủi nhục vẫn đang đè nặng lên người Việt từ ngày này qua ngày khác, thế hệ này sang thế hệ khác và rõ ràng là không thể rũ bỏ với những chiến thắng trong bóng đá...
***
Sau cuộc đối đầu giữa U23 Việt Nam và U23 Iraq, trên mạng xã hội, một số người bắt đầu so sánh bóng đá với xã hội. Người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam tin rằng, thành quả bất ngờ mà đội tuyển U23 Việt Nam đang gặt hái tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 là kết quả của việc đặt đội tuyển U23 Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Park Hang Seo. Từ chuyện chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng 10 năm 2017), ông Park – một người Nam Hàn – đã giúp đội tuyển U23 Việt Nam tự lột xác, không ít người liên tưởng đến vai trò cũng như trách nhiệm "dẫn dắt" Việt Nam của Đảng cộng sản Việt Nam.
Theo facebooker Văn Thịnh Hà, nếu "Đảng ta" biết đổi thay như bóng đá thì chắc chắn người Việt sẽ có lúc được "ngẩng cao đầu", chắc chắn ông không phải nghe những "sàm ngôn" kiểu như "Đảng ta là… đã tang" ! Văn Thịnh Hà định nghĩa "thay đổi" là đoạn tuyệt với "sàm ngôn" tự cho rằng mình "vĩ đại", đoạn tuyệt với ảo vọng "thiên tài", tự nhận cơ chế "hổng giống ai" này là cội nguồn của các bi kịch, cách thức diều hành quốc gia trước nay khiến Việt Nam thua kém cả Lào, Campuchia là "sự dốt, kém của chính mình". "Thay đổi" còn đồng nghĩa với việc phải xem phản biện là vì yêu nước, không phải phản động. Văn Thịnh Hà nhấn mạnh, nếu không có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách hiểu, cách làm, chắc chắc Việt Nam sẽ luôn luôn cúi đầu, lầm lũi bước theo thiên hạ và chẳng bao giờ có quyền - dẫu chỉ một lần… ngẩng mặt !
Tương tư, Vũ Kận Veo nhận định, nếu Việt Nam có thể lựa chọn đảng cầm quyền giống như đội tuyển bóng đá có thể lựa chọn huấn luyện viên trưởng và ê kíp của ông ta, nếu dân chúng có thể thay đảng cầm quyền như thay ê kíp huấn luyện viên đội tuyển bóng đá thì giờ này, chắc chắn Việt Nam chẳng lẹt đẹt ngửi đ… thiên hạ, ngửi đ… láng giềng Lào, Campuchia như bây giờ.
Trên Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân, Thương Nguyễn Thị nêu ra thắc mắc tương tự : Việt Nam thuê đúng Huấn luyện viên nên đội tuyển U23 Việt Nam lập được kỳ tích, giúp bóng đá Việt Nam thoát khỏi ao nhà, bơi ra biển lớn. Tại sao Việt Nam không thuê tiếp, thuê đúng những chuyên gia nước ngoài để thay thế các bộ trưởng của nhiều bộ như Giáo dục – Đào tạo, Y tế, Tài chính, Giao thông – Vận tải, Tài nguyên – Môi trường,… Theo Thương Nguyễn Thị, thuê chuyên gia nước ngoài chắc chắn sẽ ít tốt kém hơn vì không bị tham nhũng mà hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn. Tuan Hoang, một thành viên của Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân, góp thêm thắc mắc : Rõ ràng chúng ta đang bỏ tiền thuế ra để thuê đám công bộc này nhưng tại sao lại không có quyền sa thải chúng ? Thu Thảo, Hongha Pham góp vào, không cần thuê chuyên gia nước ngoài, chỉ cần tuyển dụng công khai và phản biện là mọi chuyện sẽ khác vì Việt Nam có đầy người đủ đức, đủ tài nhưng không được dùng.
Trong bối cảnh càng ngày càng nhiều người đem các chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam tại giải vô địch bóng đá trẻ Châu Á 2018 so với thực tại, đòi xét lại cả vai trò "lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối" lẫn trach nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam, tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – vội vàng đăng bài "Thế nước mạnh, vận nước lên !". Theo tờ Nhân Dân, chuyện "lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước nhà, đội tuyển U23 Việt Nam hiên ngang tiến vào trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á 2018" cùng với "những thành tích nổi bật và toàn diện của quân dân cả nước, tạo nên những bước đột phá về kinh tế - xã hội, văn hóa, thể thao, đặc biệt là kết quả về xây dựng Ðảng và đối ngoại... trong năm 2017" chính là bằng chứng "thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận, nước nhà hưng thịnh" và chắc chắn "việc gì cũng thành công" !
Ngay lập tức, hàng loạt facebooker chỉ ra sự ngô nghê của lối trấn an "Thế nước mạnh, vận nước lên !" như Lê Phương Thảo : Vận nước đang lên ! Thiệt không ? Người Việt Nam có thể ngây ngô đến thế sao ? Nếu đội tuyển U23 Việt Nam thua trận chung kết thì vận nước sẽ tụt xuống mức nào ?
Facebooker Lưu Trọng Văn nói thẳng "Thế nước mạnh, vận nước lên !" là "ngớ ngẩn, ngây thơ chính trị". Đội tuyển bóng đá của Argentina vô địch thế giới nhưng Argentina vẫn chìm trong khủng hoảng. Đội tuyển bóng đá của Hy Lạp vô địch Châu Âu nhưng kinh tế Hy Lạp vẫn lụn bại, nợ nần chồng chất, dâ chúng khốn khổ. Brazil – quốc gia hàng đầu thế giới về bóng đá nhưng kinh tế, khoa học, công nghệ vẫn không khởi sắc. Lưu Trọng Văn khuyến cáo : Hãy trả bóng đá cho bóng đá. Đơn giản là cuộc chơi, cuộc vui và khẳng định, "gã sẽ chọn đất nước gã giàu có, êm đềm, người dân tử tế đùm bọc tôn trọng nhau, chính thể tự do, dân chủ minh bạch như Phần Lan, Áo... mặc dù bóng đá của họ tà tà thôi". Cũng theo Lưu Trọng Văn : "Vận nước và sự cất cánh của một quốc gia, không bao giờ và sẽ không hề phụ thuộc vào một cuộc chơi dù cuộc chơi ấy là vua các cuộc chơi.
Đừng đánh lận các giá trị. Sẽ có tội với dân tộc nếu đánh lận các giá trị, đánh lạc hướng các giá trị". Cần xem việc hàng triệu người cầm cờ đỏ ùa ra đường hò reo chiến thắng của bóng đá là một thông điệp rất rõ về lòng người. Đó là hãy dâng hiến hết mình, đá thật, đá đẹp cho màu cờ sẽ được nhân dân tôn vinh. Còn ngược lại, nhân dân sẽnguyền rủa và không tha thứ những trò đá cuội, đá gian, đá đểu.
Câu chuyện các viên chức của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phơi vây cá mập trên mái một căn nhà ở Santiago, thủ đô Chile giờ đã trở thành sự kiện gây ngạc nhiên và bất bình cho cả thế giới, chứ chẳng riêng người Việt.
Nhân viên Bộ ngoại giao Việt Nam đã vi phạm những cam kết quốc tế nhằm bảo vệ cá mập để loài này không tuyệt chủng, không khiến đại dương mất cân bằng về sinh thái… Ảnh minh họa
Dân chúng cư ngụ quanh căn nhà mà các viên chức Việt Nam vừa cư trú, vừa làm việc, bất bình bởi hành động đó gây ô nhiễm môi trường sống của họ, còn các chính phủ, các tổ chức quốc tế bảo vệ môi trường thì bất bình vì các viên chức Việt Nam công khai phỉ báng những nỗ lực, vi phạm những cam kết quốc tế nhằm bảo vệ môi trường sống, trong đó có bảo vệ cá mập để loài này không tuyệt chủng, không khiến đại dương mất cân bằng về sinh thái…
Lúc đầu, người ta cho rằng các viên chức Việt Nam gây ra scandal làm việc trong ngành ngoại giao. Mới đây, theo những thông tin mà chính phủ Việt Nam cung cấp cho hệ thống truyền thông Việt Nam thì đó là trụ sở của Thương vụ Việt Nam tại Chile. Cơ quan này thuộc Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ của Bộ Công thương.
Không có scandal này, chẳng mấy ai biết, song song với hệ thống ngoại giao vốn đã có các Tùy viên Thương mại, Việt Nam còn có hệ thống xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công thương rải khắp thế giới.
Muốn biết hoạt động của các tùy viên thương mại và hệ thống thương vụ thuộc Bộ Công thương hoạt động hiệu quả thế nào thì cứ nhìn vào kim ngạch xuất cảng của Việt Nam hàng năm – những dữ liêu liên quan tới xuất cảng cho thấy, xuất cảng của Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào việc moi tài nguyên đem bán và đáng ngại không kém là càng ngày càng phụ thuộc vào hoạt động của các tập đoàn ngoại quốc đã đầu tư vào Việt Nam, giờ đang ồ ạt xuất cảng sản phẩm làm tại Việt Nam đi các nơi.
Một số chuyên gia đã từng nêu thắc mắc :
Tại sao ngành ngoại giao Việt Nam cũng có các tùy viên thương mại, ngành công thương có hệ thống thương vụ rải khắp thế giới như thiên hạ nhưng doanh nghiệp Việt Nam, nông dân Việt Nam càng ngày càng lệ thuộc vào thương lái và thị trường Trung Quốc ?
Tại sao nông sản nói chung (bao gồm cả sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi) liên tục rơi vào tình trạng "được mùa thì mất giá", thương lái và thị trường Trung Quốc lắc đầu là hàng triệu người Việt rơi nước mắt bởi trắng tay ?
Các tùy viên thương mại của ngành ngoại giao, hệ thống thương vụ rải khắp thế giới của ngành công thương nuốt mỗi năm bao nhiêu tiền từ công khố song đã làm được những gì cho dân, cho nước ?
Thật ra, Cơ quan Thương vụ tại Chile phơi "vây cá mập" chỉ là một ví dụ. Trong quá khứ còn hàng chục ví dụ tương tự…
Năm 2006, ông Nguyễn Khánh Toàn, một Tùy viên thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi bị cơ quan công lực Nam Phi bắt quả tang đang tìm cách đưa chín ký sừng tê giác ra khỏi Nam Phi.
Hai năm sau – cuối 2008 - báo chí Nam Phi công bố một loạt bài điều tra về việc bà Vũ Mộc Anh, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, buôn lậu sừng tê giác. Lúc đầu, ông Trần Duy Thi, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi vào thời điểm đó, phủ nhận cáo buộc của báo chí Nam Phi. Chương trình truyền hình có tên 50/50 của Nam Phi lập tức công bố một video clip cho thiên hạ tận mắt mục kích bà Vũ Mộc Anh nhận sừng tê giác từ tay một kẻ chuyên săn trộm tê giác.
Trong video clip vừa kể, người ta còn thấy một người Việt khác cũng đứng tại đó, cạnh một chiếc xe hơi của viên tham tán có tên là Phạm Công Dũng mà theo tàng thư của cảnh sát Nam Phi thì hồi đầu 2008, chiếc xe mang biển số ngoại giao này đã từng bị tạm giữ bởi được dùng để vận chuyển 18 ký sừng tê giác… Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Việt Nam phải triệu hồi bà Vũ Mộc Anh về nước. Ông Trần Duy Thi phải nhìn nhận đúng là thuộc cấp của ông đã tham gia buôn lậu sừng tê giác và phân bua đó là điều… đáng tiếc do… hám lợi !
Vì hám lợi rồi làm những điều đáng tiếc không chỉ có những Bí thư thứ nhất, Tham tán, Tùy viên thương mại, đại diện cơ quan Xúc tiến thương mại mà còn có cả các đại sứ - đại diện cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở ngoại quốc và Liên Hiệp Quốc.
Năm 1994, báo chí Mỹ đồng loạt loan tin ông Lê Văn Bàng – Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc bắt sò trái phép ở East Hampton's Hog Creek – New York, khi bị các nhân viên công lực lập biên bản, ông Bàng chống chế là ông không biết tiếng Anh, rồi vì không được… thông cảm, ông mới xưng là Đại sứ và đòi hưởng quyền "miễn trừ" dành cho các viên chức ngoại giao.
Năm 2001, báo chí Hồng Kông đồng loạt loan báo, ông Nguyễn Viết Hưng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông bị cảnh sát bắt giữ vì vỗ mông một phụ nữ ở khu Causeway Base. Do Việt Nam yêu cầu tôn trọng đặc quyền "miễn trừ" dành cho các viên chức ngoại giao nên sau khi bị tạm giữ vài ngày, ông Hưng được trả tự do nhưng phải rời khỏi Hồng Kông.
Năm 2013, tới lượt ông Nguyễn Thế Cường – Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ bị hải quan phi trường Frankfurt ở Đức tạm giữ vì mang 20.000 Euro mà không khai báo. Theo báo điện tử Bild của Đức thì cảnh sát Đức tiến hành thẩm vấn ông Cường vì nghi ông Cường rửa tiền. Cho dù ông Cường một mực khẳng định, đó là tiền do Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ quyên góp để giúp những nạn nhân bão lụt tại Việt Nam nhưng trang web riêng của Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới hoạt động quyên góp, cũng như kết quả quyên góp hỗ trợ nạn nhân bị bão lụt tại Việt Nam. Tuy Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt lên tiếng phản đối chính quyền Đức tạm giữ ông Cường là vi phạm hiệp ước bảo đảm quyền miễn trừ dành cho các viên chức ngoại giao nhưng ông Cường vẫn chỉ được cho tại ngoại sau khi đã đóng khoản tiền thế chân là 3.500 Euro...
Cũng trong năm 2013, Liên minh Bài trừ nô lệ mới ở Châu Á (CAMSA), công bố một số đoạn băng ghi âm, cho thấy, việc buôn người sang Nga, gây sức ép buộc 15 cô gái bán dâm có sự tiếp tay của một số nhân viên ngoại giao làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Cả Đại sứ quán Việt Nam tại Nga lẫn chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thèm trả lời.
***
Vào thời điểm El Mostrador (một tờ báo điện tử) và MEGA (một đài truyền hình ở Chile) công bố sự kiện "vây cá mập", Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tổ chức họp báo. Nội dung chính của buổi họp báo nhằm yêu cầu cộng đồng quốc tế "nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người".
Giống như trước đây, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định : "Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song vẫn có những khác biệt về cách tiếp cận và ưu tiên về quyền con người, xuất phát từ khác biệt về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển".
Điều 21 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền viết như thế này : Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách tự do… Ý muốn của người dân phải là nền tảng của quyền lực chính quyền. Ý muốn này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và thực sự, bằng phiếu kín, qua phương thức phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, hay các phương thức tương đương của bầu cử tự do.
Khi Việt Nam vẫn khăng khăng bảo vệ các "tiêu chuẩn riêng" đối với những giá trị phổ quát của nhân loại thì dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam, đại diện cho cả thể diện lẫn lợi ích của Việt Nam ở bên ngoài Việt Nam đã và sẽ chỉ là những cá nhân vừa được nêu trên. Họ là những cá nhân được "qui hoạch do "vừa hồng, vừa chuyên" nên hôm qua họ bắt sò, vỗ mông, buôn lậu sừng tê, vận chuyển tiền không khai báo,… hôm nay là phơi "vây cá mập", còn ngày mai là gì ? Chưa biết, nhưng sẽ chẳng khác và không khá hơn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/01/2018
Cuối cùng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã quyết định hoãn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông.
Hình ảnh được cho là vé buổi biểu diễn của một đoàn Trung Quốc ở Hà Nội trùng vào dịp tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, 19/1/2018
Nội Mông (Inner Mongolia) là một khu tự trị của Trung Quốc. Khu tự trị này tọa lạc ở phía Bắc Trung Quốc, từng là lãnh thổ của những quốc gia mà trong sử sách, cha ông người Việt gọi là Yên, Triệu, Tần, Hung Nô, Ngụy, Tề, Chu, Đột Quyết, Hồi Cốt, Khiết Đan, Liêu, Kim, Mông Cổ,… Nỗ lực vô hiệu hóa phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai đã tạo cơ hội cho Trung Quốc biến một phần lãnh thổ Mông Cổ trở thành Khu tự trị Nội Mông(diện tích lên tới 1,2 triệu cây số vuông).
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam hỗ trợ để giới thiệu Đoàn Nghệ thuật Nội Mông với dân chúng Việt Nam. Theo dự kiến, 28 nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông sẽ biểu diễn buổi đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 19 tháng 1…
***
Có một chi tiết mà những viên chức hữu trách ở Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không để ý là "ngẫu nhiên" ngày biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông (khu vực mà sau khi được đặt dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người Mông Cổ chỉ còn là sắc tộc không đáng kể) để kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc lại… trùng với ngày Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của người Việt.
Chẳng có bằng chứng nào cho thấy rằng sự trùng hợp này là… cố ý.
Trước giờ, cách hành xử của chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứng minh, với các viên chức hữu trách, ngày 19 tháng 1 hàng năm chẳng có gì đáng phải bận tâm. Thậm chí cách nay vài năm, những hoạt động nhằm nhắc nhở người Việt rằng, ngày đó Việt Nam mất một phần lãnh thổ và nếu không cảnh giác, có thể mất luôn đường ra biển, ngày đó có 74 người Việt tuẫn tiết vì nỗ lực bảo toàn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa, còn bị coi là… phản động nên người tham gia nhắc nhở, tưởng niệm bị rủa xả không tiếc lời, bị đánh vào đầu, bị đạp vào mắt, bị bắt như bắt con vật, không chừa ai ! Cũng cách nay vài năm, chỉ vì ọ ẹ về Hoàng Sa, Trường Sa về quan hệ Việt - Trung, ông Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập tờ Lao Động bị hệ thống Đảng cơ sở lôi ra kiểm điểm. Tại một buổi kiểm điểm do Đảng ủy phường Tân Kiểng, quận 7 tổ chức, ông Công đã bị một Bí thư chi bộ nơi ông sinh hoạt Đảng chỉ trích kịch liệt vì : "Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa. Ta nói của ta. Trung Quốc nói của Trung Quốc", cứ khăng khăng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam là "gây chia rẽ hai Đảng và hai nước xã hội chủ nghĩa anh em".
Khi nhận thức, tâm thế của nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên hữu trách chỉ là như vậy thì gật đầu, sắp xếp cho Đoàn Nghệ thuật Nội Mông biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngay vào ngày 19 tháng 1 chẳng có gì khó hiểu.
Tuy nhiên khác hẳn với trước đây, dân chúng Việt Nam không nín nữa. Trên mạng xã hội, sự kiện này bị xem là ấu trĩ, nhục nhã, thêm một bằng chứng cho chuyện "mãi quốc cầu vinh", chính quyền bị nguyền rủa… Có facebooker như Tung Dang chia sẻ số điện thoại di động của Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch, đề nghị mọi người tham gia chất vấn, phản đối. Ở diễn đàn "Góc nhìn Báo chí – Công dân", Tony Bui thì đề nghị biểu tình bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, vừa phản đối, vừa đòi Trung Quốc trả Nội Mông cho Mông Cổ…
Sáng 19 tháng 1, công văn do Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội gửi Văn phòng và Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch được bày ra trên mạng như phát đại trà thuốc hạ nhiệt. Theo công văn này thì Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội vừa phát hiện "hệ thống máy cắt liên lạc của điện nguồn hoạt động không ổn định, do đó không thể đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật trong buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông". Sau đó, Chánh văn phòng kiêm Phát ngôn viên của Bộ Văn hóa - Thể thao – Du du lịch, chính thức công bố với báo giới về sự kiện hoãn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông, dự kiến khai mạc lúc 20 giờ tối 19 tháng 1 vì Nhà hát Lớn Hà Nội đang có "sự cố kỹ thuật".
Tuy buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông đã bị hoãn nhưng dường như công chúng vẫn chưa hài lòng về lý do. Trong khi Le Duc Duc gọi "sự cố kỹ thuật" là "rất mực lâm ly" thì Phan Hải Bằng cho rằng dù sao, cũng còn chút liêm sỉ. Bao Trung Nguyen không tán thành, bởi "bày ra đã nhục, dẹp bằng ‘mẹo vặt’ còn nhục hơn. Cũng đã có những facebooker như Tran Thanh HP nêu thắc mắc với bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát lớn Hà Nội, nếu có thiện ý, sao bà không chờ đến 19 giờ 45 phút ngày 19 tháng 1 năm 2018 hãy… báo cáo cấp trên về "sự cố kỹ thuật" ?
***
Chẳng phải tự nhiên mà cổ nhân khái quát "chín người, mười ý". Chưa rõ Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tính sổ với những viên chức hữu trách ở Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch khi họ đưa hệ thống công quyền vào thế làm thì dở mà ngừng cũng chẳng yên với dân hay không, song ít nhất sự kiện vừa kể đặt ra một câu hỏi khác : Có cách nào hóa giải để chuyện hoãn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông vào tối 19 tháng 1 ở Nhà hát Lớn Hà Nội thành "chín người, một ý" hay không ?
Nếu buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông vào tối 19 tháng 1 ở Nhà hát Lớn Hà Nội không bị hoãn vì "sự cố kỹ thuật" mà bị hoãn vì Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đưa ra tuyên bố, đại ý : Khi thảo luận với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, những viên chức hữu trách của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch không nhớ sự kiện 19 tháng 1 năm 1974 – nay dựa trên dân ý, chúng tôi quyết định hoãn buổi biểu diễn đó, đồng thời tái khẳng định, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam… thì có bị công chúng dè bỉu không ? Hiệu quả của một tuyên bố như vậy cả về đối nội lẫn đối ngoại có tốt hơn những tuyên bố của các thế hệ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hay không ?
Các bạn nghĩ sao ?
Những "lời cuối cùng" mà ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh thỏ thẻ với Hội đồng xét xử vụ án "Cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trước khi các thẩm phán và hội thẩm nhân dân nghị án, giống như cáo trạng dành cho "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh (phải) và Đinh La Thăng tại Tòa ở Hà Nội.
***
Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định, nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân và cho nhân dân, do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" theo phương thức "phân công, phối hợp, kiểm soát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Qua Hiến pháp, Đảng cộng sản Việt Nam – lực lượng vẫn giành và cố giữ vai trò của "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" – cam kết "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Nội dung những "lời cuối cùng" mà ông Thăng, rồi ông Thanh thỏ thẻ với Hội đồng xét xử họ cho thấy, dẫu khoác áo "cộng hòa" nhưng Việt Nam có… vua. Tuy không ngai song ông vua này chính là người điều khiển "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", Hiến pháp, pháp luật chỉ là những cái "bánh vẽ". Đó là lý do cả ông Thăng lẫn ông Thanh cùng xin lỗi "Tổng bí thư", "bác Trọng"… cùng đưa ra những đề nghị mà thiên hạ đang đàm tiếu là ngây ngô : Ông Thăng xin được tại ngoại để "ăn Tết" với thân nhân và bạn bè trước khi vào tù thi hành bản án mà Hội đồng xét xử sắp tuyên. Ông Thanh thì xin sang… Đức chăm sóc vợ dại và ba con thơ !
Có bao nhiêu người hiểu bản chất "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam hơn ông Thăng - cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ông Thanh – cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang ? Chắc là chẳng có bao nhiêu ! Nếu đã hiểu tường tận bản chất "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam thì những lời xin lỗi và đề nghị của ông Thăng, ông Thanh hẳn có chủ đích : Giúp "Tổng bí thư", "bác Trọng", giúp Đảng cộng sản Việt Nam rửa… mặt. Không ít người đã so sánh phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm "Cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô" với phiên xử những cá nhân tranh đấu cho tự do, dân chủ tại Việt Nam. Song xét cho đến cùng, sự khác biệt giữa những phiên xử này, kể cả sự lạ thường về tính chất, mức độ "công khai" trong tiến trình điều tra – truy tố - xét xử chỉ có một mục tiêu, bảo vệ thể diện của "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam, "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam đã từng làm nhiều chuyện "kinh thiên, động địa", thành ra cho ông Thăng tại ngoại để "ăn Tết" với thân nhân và bạn bè trước khi vào tù thi hành án, cho ông Thanh sang… Đức chăm sóc vợ dại và ba con thơ là… chuyện nhỏ ! Tổng bí thư, "bác Trọng", "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" có thể làm tuốt.
Nếu Hiến pháp và pháp luật nghiêm minh, làm gì có chuyện, năm 2011, dù Thanh tra Chính phủ phát giác PVN mắc hàng loạt sai phạm về tài chính, mức độ thất thoát lên tới 18.000 tỉ, ông Thăng vẫn có thể bước từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVN vào vị trí Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, rồi vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, bước thêm một bước nữa vào Bộ Chính trị, sau đó trở thành Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ?
Nếu Hiến pháp và pháp luật nghiêm minh, làm gì có chuyện, sau khi khiến công quĩ thất thoát 3.200 tỉ, ông Thanh vẫn có thể ung dung bước từ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), vào vị trí Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Công Thương ở miền Trung, rồi trở về Hà Nội làm… Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương, vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh, vô Quốc hội ?
Nếu "bác Trọng" đừng… buồn, những người đứng đầu "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" vẫn… vui, theo qui hoạch đã được phê duyệt, giờ này có thể ông Thanh đã là Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cùng với ông Trọng, ông Thăng "lãnh đạo nhà nước và xã hội".
Dường như cả ông Thăng lẫn ông Thanh không vô tình khi cùng khai thác tận tình cơ hội "nói lời cuối cùng". Họ hy vọng Tổng bí thư, "bác Trọng", cũng như "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" động lòng, trước tình cảnh ngặt nghèo của "đồng chí", của "con cháu trong gia đình" (?).
***
Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" đã, đang, có lẽ sẽ còn nói rất nhiều về xây dựng "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", "cải tổ thể chế", về "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", cam kết sẽ hướng tới hàng trăm thứ cao đẹp khác,…
Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" đã, đang, có lẽ sẽ còn nói rất nhiều về nỗ lực chỉnh đốn Đảng, hạn chế tham nhũng, vô trách nhiệm bằng cách "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị"…
Thế nhưng Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" vừa cảnh cáo các thành viên của những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" rằng sẽ khai trừ tất cả những đảng viên đòi thực thi "tam quyền phân lập".
Nếu thực thi tam quyền phân lập, tách biệt rạch ròi giữa lập pháp (làm luật), hành pháp (quản lý, điều hành theo qui định pháp luật), tư pháp (điều tra, truy tố, xét xử một cách độc lập, không bị chỉ đạo, chi phối bởi "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội") để cả ba giám sát lẫn nhau thì ai dám bảo Hội đồng xét xử vụ án "Cố ý làm trái qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng", "Tham ô", xảy ra tại PVN, sẽ tha, không triệu tập "bác Trọng" cũng như nhiều "bác" khác ra tòa để bảo đám không "sót người, lọt tội" ?
Tổng bí thư, "bác Trọng" cũng như những người đại diện "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" vẫn thế mà vẫn thế thì thôi, bàn về "công bằng, dân chủ, văn minh", "sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật" làm chi cho mệt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/01/2018
Ngày 11 tháng 1, khi góp ý cho dự luật "Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế)", ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch quốc hội Việt Nam, ví von, Việt Nam là cô gái mà… "chỗ nào cũng đẹp" thành ra phải "lựa chọn bàn tay", không thể để xảy ra tình trạng ai cũng có thể "cho vào" được !
Nguyễn Xuân Phúc : "Phải có gắng biến Việt Nam từ một cô gái đẹp thành con hổ mới của kinh tế châu Á".
Bốn ngày sau, hôm 15 tháng 1, khi tham dự hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tới lượt ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, dõng dạc chỉ đạo, "phải có gắng biến Việt Nam từ một cô gái đẹp thành con hổ mới của kinh tế châu Á".
Chẳng hiểu tại sao những viên chức lãnh đạo quốc hội và chính phủ lại chọn "cô gái đẹp" như biểu tượng của Việt Nam ?
Khái quát của ông Hiển về việc lựa chọn giới đầu tư ngọai quốc chẳng khác gì đặt định tiêu chuẩn để… xét duyệt ý định "chung đụng". Nó tạo cho người ta cảm giác, chính quyền Việt Nam chẳng khác gì ma cô, đang chăn dắt "cô gái đẹp", ép "cô gái đẹp" trao thân cho những ai mà chính quyền Việt Nam ưng ý ! Việc thi nhau chọn "cô gái đẹp" làm hình tượng để ví von còn có thể dẫn tới một cảm giác khác : Giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam bị ám ảnh thái quá về tình dục, thường xuyên mơ tưởng về "gái đẹp" nên… sảy miệng. Theo các chuyên gia y tế, ai cũng có thể bị tình dục ám ảnh nhưng suy nghĩ chỉ hướng vào, nhắm tới "gái đẹp" đến mức không kiểm soát được suy nghĩ, phát ngôn, không lường được hậu quả thì cần được trị liệu về tâm lý.
Bởi rất thích ví von thiếu suy xét, giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam thường mua vạ miệng, tự biến mình thành bia cho thiên hạ đàm tiếu. Cuối tháng 7 năm ngoái, khi quảng bá cho nỗ lực chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tuyên bố : "Lò nóng rồi, củi tươi cũng phải cháy", ba ngày sau, ông Nguyễn Xuân Phúc, khuyến cáo hệ thống hành pháp : "Chưa có lửa trong lòng thì phải nhóm" !... Những tuyên bố, yêu cầu đó khiến người ta có cảm giác giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam rất mê lửa, thích… đốt ! Phải chăng nỗ lực chống tham nhũng chỉ là biểu diễn khả năng… vận hành lò ?
Ông Trọng, ông Hiển, ông Phúc,… đều đã từng dùi mài khả năng "lý luận chính trị" ở mức "cao cấp" tại Học viện Hồ Chí Minh. Không rõ hệ thống học viện này đào tạo thế nào mà ngoài ông Trọng, ông Hiển, ông Phúc,… rất nhiều ông, bà sau khi tốt nghiệp liên tục đưa ra những tuyên bố, yêu cầu, nhận định làm dư luận dậy lên thành bão ? Hồi đầu tháng này, khi tham dự hội nghị tổng kết hoạt động của Bộ Công Thương, ông Phúc nhận định : Bộ Công Thương "vấp nhưng chưa ngã". Năm ngoái, chính quyền Việt Nam từng thừa nhận, chỉ mới "rà soát" 12 "đại dự án" do Bộ Công Thương tổ chức thực hiện đã phát giác, sau khi ngốn của quốc gia khoảng 64.000 tỉ, 12 "đại dự án" này không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ. Cần phải lưu ý rằng mức độ thua lỗ chưa ngừng ở đó. Theo ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, con số "đại dự án" mất vốn, thua lỗ hiện không phải là 12 mà "đã hơn 40". Phải chờ một thời gian nữa mới có thể biết tổng số tiền đã bị biến thành rác và tổng số nợ mà "hơn 40 đại dự án" này để lại là bao nhiêu ! Cứ như nhận định của ông Phúc, Bộ Công Thương chỉ "vấp" thì thua lỗ tới mức nào mới bị cả Thủ tướng lẫn hệ thống công quyền của Việt Nam xem là "ngã" ?
***
Cha ông người Việt vẫn răn hậu sinh : "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Quan sát hoạt động của hệ thống công quyền Việt Nam rất dễ thấy, các viên chức lãnh đạo hệ thống này chưa học… nói.
Ngày 15 tháng 1, tại cuộc họp báo công bố hoạt động của ngành công an năm 2017, Trung tướng Trần Đăng Yến, Tổng cục phó Tổng cục An ninh của Bộ Công an Việt Nam, tuyên bố "đang điều tra" về "Giấy chứng nhận An ninh nhân dân" của ông Phan Văn Anh Vũ.
Ảnh chụp "Giấy chứng nhận An ninh nhân dân" của ông Phan Văn Anh Vũ đã được nhiều người sử dụng Internet chuyển cho nhau xem từ… năm 2016. Tháng trước, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư thành ủy Đà Nẵng từng xác định ông Vũ là Thượng tá làm việc tại Tổng cục Tình báo của Bộ Công an Việt Nam. Vậy mà Bộ Công an Việt Nam – nơi có các cơ quan điều tra được ca ngợi là "giỏi nhất thế giới" - vẫn chưa thể minh định "doanh nhân" Phan Văn Anh Vũ có phải là người trong ngành hay không ? Thế mới lạ !
Học nói bao hàm sự tôn trọng yêu cầu thành thật, cũng như suy xét, lượng giá về cảm giác của người nghe mình nói. Dường như do vẫn có thể vận hành theo kiểu cũ nên các viên chức lãnh đạo hệ thống công quyền của Việt Nam không bị thực tế thúc ép để tự thấy nhất thiết phải học… nói. Có thể vì vậy thành ra họ vừa hồn nhiên, vừa thản nhiên nói lấy… được !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/01/2018
***************
"Cô gái đẹp" sẽ thành "con hổ mới" (Lao Động, 13/01/2018)
Năm 2017, Việt Nam mới đạt thu nhập bình quân đầu người là 2.385 USD, trong khi Trung Quốc đã là 8.000 USD. Còn so sánh các nước khác thì sao? Đừng tính các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, mà gần gần trong khu vực thôi để Việt Nam còn có cơ hội không bị bỏ quá xa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh : Báo Đầu Tư.
Đây rồi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ủy ban Thường vụ quốc hội tổ chức ngày 11/1 rằng : "Trong khu vực, chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia. Nếu thu nhập bình quân mỗi năm chỉ tăng có 170 USD như năm 2017, không biết bao giờ Việt Nam mới đuổi kịp các nước".
Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng, thì ông Phùng Quốc Hiển - Phó Chủ tịch quốc hội - thì so sánh rất lãng mạn : "Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp hết. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tầm vóc, nhà đầu tư khi bước vào phải đem đến điều gì đó đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ cho đặc khu phát triển".
Ý nghĩa sự so sánh của ông Phùng Quốc Hiển là Việt Nam có tài nguyên, giàu đẹp, như câu nói lâu nay "rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu". Nếu biết khai thác, biết chọn lựa nhà đầu tư, biết đưa ra chính sách phù hợp, thì sẽ làm giàu trên gia sản này.
Nhưng cứ nghĩ lại, bao nhiêu năm qua, tài nguyên đó đã cạn kiệt dần, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Vân Phong, Vân Đồn, Phú Quốc bị can thiệp, thậm chí bị tàn phá. Du khách hôm nay đến Phú Quốc sợ hãi vì đây đảo ngọc dần dần trở thành đảo rác. Vậy thì cô gái đẹp có còn đẹp không, chắc nhan sắc cũng bị phai nhạt ít nhiều.
Cũng có những ví von gần như địa danh nào của Việt Nam cũng là "nàng công chúa ngủ quên" chưa được đánh thức. Cho nên, huy động trí tuệ, nguồn lực để "đánh thức tiềm lực", trong đó có mô hình đặc khu kinh tế, những sáng kiến cải cách thể chế và nhiều chính sách khác.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào mục tiêu cải cách thể chế, bởi vì những chính sách, quy định pháp luật hiện nay chưa phù hợp, chưa tạo tối đa điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân đầy kỳ vọng. Thủ tướng nói : "Chúng ta cùng nỗ lực biến khát vọng quốc gia thành việc làm cụ thể, tận dụng cơ hội phát huy tiềm lực để thành con hổ mới của Châu Á".
Đánh thức một "cô gái đẹp" ngủ quên trỗi dậy thành "con hổ mới" có được không?
Lê Thanh Phong