Tuần này, Thượng tướng Võ Trọng Việt, cựu Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, hiện đang là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14, đột nhiên tách ra, vượt lên, qua mặt tất cả các cá nhân và các sự kiện đáng chú ý nhất cả tại Việt Nam lẫn trên thế giới để đứng ngất ngưởng trên đỉnh dư luận.
Thượng tướng Võ Trọng Việt Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cơ quan thẩm tra Luật an ninh mạng
Clip chỉ 16 giây, ghi lại một phần rất nhỏ phát biểu của tướng Việt – nhằm thuyết minh lần cuối cho Dự luật về An ninh mạng, trước khi các đại biểu Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu quyết định về số phận của dự luật này – chắc chắn sẽ còn làm dân chúng Việt Nam nhớ lâu, nhắc nhiều đến tướng Việt cả ở hiện tại lẫn tương lai.
Trong 16 giây ấy, người ta thấy tướng Việt cặm cụi đọc rõ to với nỗ lực rõ là phi thường và từng chữ tuần tự bật ra :
Hiện nay, ‘gu gờ’ và ‘bê… bê tê bốc’ đang lưu giữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hồng Kông và Singapore. Nếu qui định của luật này có hiệu lực thì doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán, đám mây ảo về Việt Nam để mở trung tâm dự liệu tại Việt Nam là hoàn toàn toàn khả thi…
***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là dù cùng xem, cùng nghe clip vừa kể nhưng độc giả các diễn đàn điện tử, người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ không thể đoán định chính xác tướng Việt đề cập đến thứ gì. Có người bảo tướng Việt đề cập đến "bê… bê tê bốc", người khác bảo rằng, rõ ràng họ nghe tướng Việt nhắc tới "pha xê bốc", người khác nữa khẳng định, không phải, đó là "phê tê bốc", là "tuýt tê tê bốc"…
Ông tướng ba sao, giờ đang là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa 14 quả là tài, chỉ nói một câu đủ khiến thiên hạ cãi nhau như… mổ bò mà vẫn không thể nhất trí với nhau rằng thực ra ông đã nói gì.
Dù bất đồng như vậy nhưng nhìn chung, tướng Việt đã giúp nhiều người cảm thấy vui. Duong Thang thú thật, có thể do Thang… ngu nên nhiều lúc không hiểu các viên chức của Việt Nam nói gì. Tuy nhiên Thang rất yêu sự hài hước của các viên chức Việt Nam. Ban Thang – Le Binh Lu tâm sự : Đây là lần đầu tiên nghe nói đến món "phê tê bốc". Tôi đồ chừng rằng món này do các viên chức cao cấp nhà ta mới chế ra thì phải (?). Sở dĩ gọi là "phê tê bốc" có thể vì "bốc" xong sẽ rất "phê" !
Thêm tướng Việt là lý do Ngô Hải Cồ đưa ra nhận định : Đại biểu quốc hội đang là đề tài cho mọi tầng lớp nhân dân khai thác để viết truyện cười. Thế mới là đại biểu của Quốc hội Việt Nam chứ. Giống như khán giả của vô số cuộc thi chọc cười được tổ chức liên tục tại Việt Nam trong vài năm gần đây, Ngô Hải Cồ hò hét : Các vị đại biểu cố lên ! Cố lên ! Gần bằng Sạc Lô (Charlot) rồi đó !... Và kêu gọi bạn bè : Vỗ tay ! Vỗ tay !..
Hết bình phẩm về "bê… bê tê bốc", "pha xê bốc", "phê tê bốc", "tuýt tê tê bốc"… thiên hạ chuyển qua luận bàn về "đám mây điện toán", "đám mây ảo".
Quyết tâm kéo những đám mây điện toán, đám mây ảo về… Việt Nam làm người ta cười không nổi. Số người khẳng định đó là bằng chứng rõ ràng nhất về sự ngu ngốc, không chỉ của riêng tướng Việt, đông tới mức khiến cho Ngoc Vinh phải buột miệng than : Vừa thức, mở điện thoại đã nghe tiếng chửi rủa "những thằng ngu ở Quốc hội" dậy trời, dậy đất. Ngay cả những người bạn nhu mì, trước đây chỉ lo làm ăn và tuyên bố không quan tâm đến chính trị cũng chửi xối xả. Em phải tin ai đây mấy thím, tin ai giữa dân và các "bậc hào kiệt" này đây mấy thím ?
Quyết tâm kéo những đám mây điện toán, đám mây ảo về… Việt Nam khiến mèo cũng nổi tóc gáy. Biếm họa VOA
Để chứng minh mình không nói… điêu, Vinh trưng một số dẫn chứng là ảnh chụp ý kiến của một số bạn bè, chẳng hạn như : Nguyen Ba Ngoc (Chúng ta không thể chống lại được những thằng ngu bởi chúng quá đông và ngồi ở những vị trí có thể ký hay bấm nút được)… Bạn Vinh - Đức Hoàng, ban khoăn : Ông bà nói "Cháu nó lú có chú nó khôn", giờ chú nó ở đâu ta ?..
Quyết tâm kéo "đám mây điện toán", "đám mây ảo" về Việt Nam là gợi ý để Đào Tuấn đưa ra nhiều đề nghị : Sau khi đã kéo được mây về thì buộc chủ các máy tính phải trang bị bình cứu hỏa vì tường lửa có thể gây hỏa hoạn. Mặt khác cần buộc phải dán tem cho… email để tránh thất thu ! Chắc chắn sẽ khả thi vì chúng ta có quyết tâm chính trị. Tuy nhiên chúng ta phải nhập… I ốt nữa. UNICEF và WHO vừa cảnh báo, Việt Nam nằm trong nhóm 19 quốc gia thiếu I ốt.
Tran Phi Tuan và bạn bè thì nhìn quyết tâm kéo "đám mây điện toán", "đám mây ảo" về Việt Nam dưới một góc độ khác. Tuấn nêu ra hàng loạt thắc mắc, kéo về thì đặt ở đâu ? Sài Gòn, Hà Nội, hay Bình Thuận ? Hoặc chia nhỏ ra ba đặc khu ? Các địa phương sẽ "chạy" ưu đãi như thế nào để đưa đám mây về chỗ mình ? Đám mây này đã được thanh lọc chưa vì có thể chứa nhiều chất độc ? Đã cân để biết đám mây này nặng bao nhiêu nhằm tìm sợi dây cho thích hợp chưa (?), nếu không, dây đứt như diều thì nó lại lạc mất ! Dây nên sản xuất trong nước hay nhập khẩu và phải nhớ ‘nay ở trong mây luôn có sét" !
Kéo về ở độ cao bao nhiêu cũng cần tính toán, 10.000 mét sẽ đụng máy bay, thấp hơn thì có khả thi không ? Lỡ đụng phải máy bay, gây tai nạn, ai đền ? Lơ mơ có thể ra tòa quốc tế chứ chẳng chơi ! Kéo về rồi thì ứng dụng thế nào ? Để che bớt ánh nắng chói chang của mùa hè, hay gây mưa tưới cho đất đai đang khô hạn ? Chưa kể phải tính trước sẽ đàm phán với những đâu để kéo mây về : Mỹ, Hồng Kông, Singapore, Phê xê bốc hay Gu gờ ?…
Hàng loạt thắc mắc của Tuan khiến ban của Tuan - Nguyen Nam Chà tỉnh ra : Không ngờ quyết tâm chính trị đơn giản mà thực hiện lại phức tạp nhỉ. Tuan xác nhận : Phức tạp lắm. Đấy là chưa kể kinh phí sẽ do ngân sách hay xã hội hóa ? Sẽ là BOT hay BT... Một người bạn khác - Nguyen Nam đề nghị Tuan : Anh có uy tín nên đề đạt các cụ có cơ chế di chuyền mây thật nhanh. Chỗ nào mưa hơi to một tí thì kéo qua chỗ khác, kẻo tụ nước rồi bọn xấu lại làm mất… đại đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng uy tín chế độ.
Trong khi Tran Phi Tuan và bạn bè nêu ra đủ thứ phức tạp, rủi ro trong chuyện thực hiện ý tưởng kéo các "đám mây điện toán", "đám mây ảo" về Việt Nam, Trương Châu Hữu Danh tuyên bố : Chỉ cần 423 người (số đại biểu bỏ phiếu tán thành biến Dự Luật An ninh mạng thành luật) là đủ đểkéo mây từ Hồng Kông, Singapore về Việt Nam. Sau đó, Danh tâm tình thêm rằng Danh thấy tội nghiệp tướng Việt, chắc người thân của ông buồn lắm. Danh có nhiều bạn bè trong quân đội, công an, trẻ, có trình độ, tâm huyết nên clip làm Danh thấy thương họ. Tuy nhiên thương nhất vẫn là… chúng mình !
Cũng theo hướng đó, Ngô Thanh Tú bảo rằng, khác với nhiều người, Tú không ngạc nhiên sau khi xem clip để đời của tướng Việt. Trước nay, hệ thống công quyền Việt Nam đâu có thiếu những viên chức cao cấp mà hiểu biết hạn chế như vậy. Theo Tú : Cái khốn nạn của dân tộc này là vận mệnh quốc gia lại nằm trong tay của những kẻ đó. Giữa làn sóng bình luận, đủ cả "thất tình, lục dục" về về "bê… bê tê bốc", "pha xê bốc", "phê tê bốc", "tuýt tê tê bốc", "đám mây điện toán", "đám mây ảo"… có những facebooker như Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định rất gọn : Thực phẩm hết hạn thì không thể ăn, quan niệm quá hạn cũng vậy, không thể sử dụng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/06/2018
Bộ Công an Việt Nam vừa ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA, Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an.
Công an được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ - Hình minh họa. (Ảnh chụp từ VnExpress)
Cuối năm ngoái, dự thảo Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an vừa kể đã từng là nguyên nhân dấy lên sự lo ngại của toàn xã hội vì ý tưởng trang bị vũ khí cho công an cấp xã. Chẳng riêng dân chúng mà một số đại biểu Quốc hội, viên chức hành chính thuộc nhiều cấp cũng cảm thấy không ổn.
Ví dụ vào thời điểm ấy, qua tờ Tuổi Trẻ, ông Vĩnh Linh, làm việc tại Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum, nhấn mạnh đó là chuyện "tuyệt đối không nên" bởi đa số công an các xã chưa được đào tạo bài bản, chưa đáp ứng tiêu chuẩn của lực lượng vũ trang, thành ra "lợi bất cập hại" vì không thể kiểm soát được việc quản lý và sử dụng súng của lực lượng này, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn, có thể gây dẫn đến nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp thật sự cần thiết để giữ gìn an ninh ở những địa bàn nóng về tội phạm thì nhất thời có thể giao súng cho công an xã song phải thu hồi ngay khi mọi chuyện trở lại bình thường.
Sau nửa năm chần chừ, cuối cùng, Bộ Công an Việt Nam cũng ban hành Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an. Trong đó, từ đầu tháng tới, không chỉ công an xã được trang bị các loại vũ khí (súng ngắn, súng trường, tiểu liên), mà ngay cả công an huyện cũng được trang bị thêm những loại vũ khí có tính hủy diệt cao như (lựu đạn, mìn, bom, súng chống tăng), những phương tiện chiến tranh mà tại Việt Nam, các đơn vị quân đội ở cấp quân đoàn mới có thể có (trực thăng).
Ai cũng biết phạm vi trách nhiệm của công an chỉ được gói gọn trong bảo vệ - duy trì trật tự, trị an, vậy thì tại sao lại chủ trương trang bị cho công an cả lựu đạn, mìn, bom, súng chống tăng... - những thứ vũ khí chỉ dùng vào việc hủy diệt kẻ thù ? Thời điểm ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA cũng đáng để ý – nó ra đời ngay sau khi các cuộc biểu tình phản đối hai dự luật (Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt và An ninh mạng) bùng lên trong toàn quốc – phải chăng hệ thống công quyền Việt Nam muốn răn đe công chúng rằng công an sẵn sàng hủy diệt tất cả nếu họ dám phản kháng ?
***
Sau khi những cuộc biểu tình chống thái độ trịch thượng, hành động hung hăng của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông bùng lên trên toàn quốc, dù răn đe, thậm chí đã trừng trị nhiều cá nhân một cách hết sức tàn bạo vẫn không thể chặn đứng được, năm 2009, hệ thống công quyền Việt Nam cho phép Bộ Công an Việt Nam thành lập Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động. 12 Trung đoàn Cảnh sát Cơ động rải khắp Việt Nam có lẽ là những đơn vị được trang bị đầy đủ nhất trong số các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam (bao gồm cả quân đội) : Ngoài mũ chuyên dụng, giáp bảo vê thân trên còn có giáp bảo vệ tay, chân, khiên,… còn có đủ loại xe chuyên dụng bọc thép để khống chế, trấn áp đám đông… rồi cảnh khuyển,…
Hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động thường xuyên được quảng bá rộng rãi, đặc biệt là các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát Cơ động thường xuyên… diễn tập vào các thời điểm bị cho là "nhạy cảm" – đã hoặc sẽ bùng phát hoạt động phản kháng, tại những khu vực bị xem là "điểm nóng" do số lượng người phản kháng chủ trương, chính sách quá đông. Thế nhưng hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động dường như càng ngày càng… kém hiệu quả, các thành viên của lực lượng này càng ngày càng dễ thoái bộ, đầu hàng.
Tháng 4 năm ngoái, 18 cảnh sát cơ động đầu hàng dân chúng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, 15/18 tự nguyện ở lại làm con tin không chỉ gây rúng động dư luận xã hội mà còn làm hệ thống công quyền, trong đó có lực lượng công an bàng hoàng. Tháng 6 năm nay, hàng trăm video clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng Internet, cho thấy, ở Công ty Pouyen (quận Bình Tân, TP.HCM), rồi tại Phan Rí, Phan Thiết (Bình Thuận), nhiều nhóm cảnh sát cơ động bị dân chúng dồn đến chân tường, thậm chí tự nguyện cởi giáp, vứt bỏ các trang bị chuyên dụng để được phóng thích…
Nhìn một cách tổng quát, ý tưởng – nỗ lực xây dựng, phát triển một lực lượng chuyên răn đe, trấn áp đã bất thành. Khi dân chúng không còn tin hệ thống công quyền hiện hữu không những không phải là của mình, do mình và vì mình, thậm chí còn nguy hại cho tương lai của chính mình và con cháu mình, răn đe là vô tác dụng, chẳng lực lượng nào có thể đối đầu với đám đông gấp hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lần mình. Mặt khác, với bối cảnh xã hội Việt Nam như hiện nay, bao nhiêu cảnh sát cơ động thật sự hài lòng về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, môi trường sống, thuế khóa, lương bổng,… và thành tín tương lai của con cháu mình sẽ tươi sáng để liều chết bảo vệ hệ thống công quyền vốn vẫn bị cáo buộc là nguyên nhân của vô số vấn nạn càng ngày càng trầm kha mà chính họ cũng như thân nhân của họ cùng là nạn nhân như hàng chục triệu người khác ?
Còn trấn áp ? Có lẽ giới lãnh đạo Việt Nam thừa hiểu hậu quả cả ở hiện tại lẫn tương lai, trong phạm vi Việt Nam lẫn bình diện quốc tế nếu ra lệnh cho cảnh sát cơ động, hoặc tệ hơn điều động quân đội xả súng vào đám đông, dùng thiết giáp chà xát đám đông. Những câu chuyện ở Liên Xô, Đông Âu vào thập niên 1990, các quốc gia thuộc khối Ả Rập vào thập niên 2000,… số phận của những Nicolae Ceausecu (Tổng Bí thư Đảng Lao động, Tổng thống Romania), Slobodan Milosevic (Tổng thống Romania),… đủ để làm nguội những cái đầu rất nóng, ngay cả khi những cái đầu ấy đinh ninh "còn Đảng" mới… "còn mình".
Có lẽ chưa bao giờ và không có ai tin rằng, đốt, phá, tấn công, gây thương vong cho người khác là điều nên làm. Tuy nhiên phải tự hỏi thêm rằng tại sao dân chúng Việt Nam càng ngày càng dễ nổi loạn ? Ngoài chuyện nổi loạn, còn có con đường nào thật sự hữu hiệu để dân chúng trút hết bất bình, xả hết âu lo, dẹp bỏ nghi ngại, cùng hệ thống công quyền kiến thiết quốc gia hay không ? Hàng ngàn người bao vây, đốt, phá công thự, công xa, tấn công người thi hành công vụ - điều cách nay một thập niên khó có thể hình dung sẽ xảy ra tại Việt Nam – giờ năm nào cũng có. Cảnh sát cơ động đã thúc thủ. Hệ thống công quyền dù muốn cũng bó tay, chỉ dám xử lý khi các "điểm nóng" đã nguội. Nếu trong tương lai, nhiệt độ của các "điểm nóng" không giảm, các "điểm nóng" không chỉ là những công thự mà còn là những "tư gia" của các thành viên lãnh đạo chính quyền địa phương và lãnh đạo quốc gia thì sao ? Cảnh sát cơ động nói riêng, công an, quân đội nói chung có bảo vệ nổi không ? Quan trọng hơn những cá nhân được phát đủ loại vũ khí sát thương, thậm chí có khả năng hủy diệt trên diện rộng ấy có cam tâm liều chết để bảo vệ những thứ không những họ không có phần mà còn lấy mất, chiếm luôn cả phần của họ không ?
Súng ngắn, súng trường, tiểu liên cho công an xã, lựu đạn, mìn, bom súng chống tăng cho công an huyện,… dọa dẫm như thế quá hoang phí vì không bảo đảm sẽ đạt hiệu quả răn đe. Còn nếu thực sự dám dùng thì ai dám khẳng định dứt khoát sẽ dùng xin mời xưng danh. Không có ai thì cùng thay đổi theo hướng thật sự thiện chí, tích cực đi.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/06/2018
Dân chúng Việt Nam đã bày tỏ cả suy nghĩ lẫn thái độ của họ về ba đặc khu mà Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam quyết định sẽ thành lập tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Người dân đối mặt với cảnh sát cơ động tại Bình Thuận, 10 tháng Sáu.
Giờ chót, Quốc hội Việt Nam đã quyết định gạt Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" ra khỏi chương trình nghị sự của kỳ họp thứ năm. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân bảo đó là bằng chứng về việc Quốc hội luôn luôn lắng nghe và rất tôn trọng cử tri.
Cũng theo bà Ngân thì Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" sẽ được "chỉnh sửa" và bốn tháng nữa, khi các Đại biểu quốc hội ngồi lại với nhau trong kỳ họp thứ sáu, họ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này.
Nói cách khác, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ tạm ngưng, chưa đặt định cơ sở pháp lý để khai sinh ba đặc khu ngay vào lúc này, chứ không phải là loại bỏ vĩnh viễn ý tưởng dùng luật để "thử nghiệm" ba "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt".
Nếu luôn luôn lắng nghe và thật sự tôn trọng cử tri, trước khi giải tán, kết thúc kỳ họp thứ năm, Quốc hội nên yêu cầu Bộ Chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam nghiên cứu, trả lời rạch ròi những thắc mắc mà công chúng đã nêu ra và vì không có viên chức hữu trách nào thèm trả lời nên sự phẫn nộ mới dâng cao tới mức họ phải bày tỏ thái độ cả trên Internet lẫn ngoài đường phố…
***
Chủ trương thành lập cùng lúc ba đặc khu ở cả ba miền được giải thích là để "thử nghiệm thể chế", gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, phát triển kinh tế.
Việt Nam hiện đã có 18 nơi mà cả mục tiêu lẫn tính chất vốn đã là đặc khu, chỉ khác cách gọi (Khu Kinh tế).
Tại sao miền Trung - khu vực có đặc khu đầu tiên (Khu Kinh tế Chu Lai - Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt đặc khu nữa : Khu Kinh tế Dung Quất (QuảngNgãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn nghèo ? Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố quốc gia, chính quyền các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp.
Nếu 18 đặc khu hiện hữu chưa tạo ra hiệu ứng tích cực nào cho kinh tế - xã hội Việt Nam thì lập thêm ba đặc khu nữa để làm gì ? Vì lẽ gì mà không xem xét, chấn chỉnh 18 đặc khu hiện có để tiền đã đổ vào đó phát huy tác dụng ?
Chỉ tính từ đầu thập niên 2000 đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các Khu Kinh tế ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng. Bởi hệ thống công quyền Việt Nam chưa công bố từ 2010 đến nay đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 đặc khu ấy, song có thể đoan chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế nào cũng than thiếu tiền, chưa được đầu tư đúng mức thành ra hiệu quả chưa như mong đợi.
Thế thì hệ thống công quyền Việt Nam sẽ moi từ đâu 1 triệu 570 ngàn tỉ nữa cho ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc ? Một số viên chức hữu trách từng thừa nhận, họat động của các đặc khu mà khi thành lập Việt Nam gọi là Khu Kinh tế không như đã hứa hẹn là vì đầu tư dàn trải thành ra tất cả cùng dở dang, cộng với thiếu cơ chế phù hợp nên không đủ sức hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư từ ngoại quốc. Trong bối cảnh công khố thường xuyên thiếu trước, hụt sau, nợ nần càng lúc càng cao, để có tiền chi tiêu phải tìm đủ mọi cách thu thêm thuế, tăng thêm phí khiến kinh tế lao đao, dân chúng oán giận, tại sao không dồn tiền đầu tư cho các Khu Kinh tế hiện hữu "ra tấm, ra món" mà chỉ khăng khăng làm thêm ba đặc khu nữa ? Tại sao không điều chỉnh cơ chế quản lý – điều hành 18 Khu Kinh tế cho phù hợp với mong muốn gia tăng mức độ hấp dẫn mà dứt khoát chỉ "thử nghiệm thế chế" ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ?
Nếu 18 đặc khu hiện hữu có nhiều bất ổn, không bao giờ có thể đạt mục tiêu đề ra, tại sao không tổng kết, rút kinh nghiệm và đặc biệt truy cứu trách nhiệm cả tập thể đã đề ra chủ trương và những cá nhân đã tham gia phê duyệt những kế hoạch đốt tiền này ? Trong trường hợp ba đặc khu mà Bộ Chính trị chủ trương thành lập, Quốc hội khăng khăng biến thành luật để giao cho chính phủ thực hiện cũng không thành công, sẽ truy cứu trách nhiệm những tập thể, cá nhân nào ? Xử lý ra sao ?
Tại sao có thể xác định việc xây dựng ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ hết 1 triệu 570 ngàn tỉ nữa mà không thể xác định sẽ tìm nguồn tiền này từ đâu ? Nếu thu từ dân thì sẽ dựa trên những cơ sở nào để tăng thêm thuế, thêm phí, nếu vay thì vay ai, lãi bao nhiêu, thuế phí ưu đãi đặc biệt như thế thì bao giờ có thể trả nợ, trả trong bao lâu ? "Luôn luôn lắng nghe" có đồng nghĩa với sẵn sàng minh bạch về tài chính, kế hoạch chi tiết hay không ?..
Tại sao xác định phải xây dựng ba đặc khu để thu hút đầu tư công nghệ cao, phát triển kinh tế mà lại chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc ? Tại sao không chọn các Khu Công nghệ cao đã có sẵn cả về hạ tầng lẫn công nghệ ở Hà Nội, Sài Gòn ? Dựa vào đâu để bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ dịch chuyển tới Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang để tìm cơ hội tốt hơn ? Trừ Bắc Vân Phong, tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch ở Vân Đồn, Phú Quốc đã rất rõ ràng, bỏ thế mạnh hiện có để lập các đặc khu, phát triển công nghệ cao có… uổng không ? Còn nếu thành lập đặc khu để phát triển du lịch thì trước giờ, rõ ràng du khách cả trong lẫn ngoài Việt Nam đâu có chờ những nơi ấy thành đặc khu mới đổ đến. Vậy thì khăng khăng trút tiền vào đó làm gì, đặc biệt là khi không sẵn tiền ?
***
Chủ tịch Quốc hội không giấu được sự ấm ức vì phải tổ chức cho các Đại biểu quốc hội thực hiện thủ tục bỏ phiếu tạm hoãn biểu quyết Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", bà mắng dân ngu dốt (không hiểu, ngộ nhận), hồ đồ (bị lợi dụng). Nếu dân thật sự ngu dốt, hồ đồ, Bộ Chính trị anh minh, Quốc hội sáng suốt thì tại sao không biến Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" thành luật ngay trong tháng này, chờ thêm bốn tháng nữa chẳng phải là lỡ thời cơ sao ?
Nếu "luôn luôn lắng nghe" và nhìn xa, trông rộng, biết nhiều, Bộ Chính trị nên nghiên cứu, chính phủ nên cung cấp tài liệu để bà Ngân giải thích cho các loại thường dân xem tại sao dứt khoát phải chọn Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc làm đặc khu ?
Cho dù các loại thường dân đã phát giác Vân Đồn, Bắc Vân Phong là những điểm nằm trên "One Belt, One Road" (Một vành đai, một con đường – chiến lược giúp Trung Quốc bành trướng trên toàn thế giới, một phần của "One Belt, One Road" bọc kín Việt Nam, tách đất liền với biển Đông). Vào lúc này, tuy nằm ngoài nhưng với những ưu đãi đặc biệt mà Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương dành cho các đặc khu, Phú Quốc chắn chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc, vốn Trung Quốc và tác động từ đặc khu Phú Quốc sẽ khiến chính phủ Thái Lan đổi ý, hợp tác với Trung Quốc để thực hiện kênh đào Kra, giúp "One Belt, One Road" ngắn hơn mà vẫn ôm trọn thế giới – Bộ Chính trị, chính phủ thông qua bà Ngân có thể chứng minh đó hoàn toàn là ngẫu nhiên, những âu lo về vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc chỉ là… hão ?
Thông qua bà Ngân, Bộ Chính trị có thể công bố Việt Nam đang vay Trung Quốc tổng cộng là bao nhiêu và dự tính sẽ vay thêm bao nhiêu, trong đó có vay để thực hiện chủ trương thành lập ba đặc khu không ? Trong tương lai Bộ Chính trị có hành xử như Sri Lanka - gán cảng Hambantota cho Trung Quốc để lấy tiền trừ nợ vì trót vẽ ra, dấn vào những chủ trương lớn vô bổ. Nếu Bộ Chính trị khẳng định là không thì tại sao Bộ Chính trị không thể nói không với Dự án Metro Cát Linh – Hà Đông, nhỏ hơn về quy mô, ít quan trọng hơn về tính chất nhưng giãy hoài vẫn không bứt ra được ?
Bốn tháng không ngắn nhưng cũng không quá dài để người ta quên khẳng định "luôn luôn lắng nghe" và chờ xem có phải lắng nghe xong thì vứt bỏ hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/06/2018
Không chỉ người Việt ở trong mà cả người Việt ở bên ngoài Việt Nam cũng chờ xem Việt Nam sẽ như thế nào vào ngày 10 tháng 6 năm 2018.
Biểu tình tại Công Viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn. (Hình : FB Kim Bảo Thư)
Chẳng riêng dân chúng mà hệ thống công quyền Việt Nam cũng hồi hộp với ngày 10 tháng 6 năm 2018.
3 giờ sáng ngày 9 tháng 6, Văn phòng Chính phủ gửi thông cáo đến toàn bộ hệ thống truyền thông chính thức, nhờ loan báo giúp với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rằng, chính phủ và Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đã rút Dự luật về "Đặc khu Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" lại. Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa này sẽ tạm ngưng – không bỏ phiếu cho dự luật đó nữa, bất kể Chủ tịch Quốc hội từng khuyến cáo phải sớm có Luật về "Đặc khu Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" vì Bộ Chính trị chủ trương như thế.
Yếu tố thông cáo báo chí được phát hành lúc… "3 giờ sáng" – đêm trước của ngày 10 tháng 6 năm 2018 - biểu thị điều gì thì ai cũng có thể đoán được.
Tuy không dám gạt bỏ điều mà Văn phòng Chính phủ biện giải, sở dĩ chính phủ chủ động rút lại Dự luật về "Đặc khu Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" nhằm "nghiên cứu, hoàn thiện" để trong tương lại, dự luật "đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri" nhưng rõ ràng là báo giới ở Việt Nam cố tình chơi xỏ hệ thống công quyền Việt Nam khi nhấn nhá yếu tố "3 giờ sáng". Đến trưa ngày 9 tháng 6, các cơ quan truyền thông ở Việt Nam mới lần lượt đục bỏ yếu tố này ra khỏi tin mà họ đã loan về diễn biến mới nhất liên quan tới Dự luật về "Đặc khu Hành chính – Kinh tế Đặc biệt".
***
Hình ảnh, video clip trên mạng xã hội cho thấy những giờ đầu tiên của buổi sáng ngày 10 tháng 6 năm 2018 tại Việt Nam là những khung sắt giăng kẽm gai dọc ngang, đủ loại lực lượng mặc đồng phục rải kín trung tâm của các thành phố chính như Hà Nội, Sài Gòn,… Đây đó, xe buýt – phương tiện thường được sử dụng để vận chuyển những đối tượng "gây rối trật tự công cộng, chống chính quyền nhân dân", hoặc "nhẹ dạ, cả tin" bị "các thế lực thù địch, phản động giật dây, kích động" về các trại tạm giam, chốt tạm giữ - đậu thành từng hàng đủ dài để làm nhụt chí nhiều người…
Biểu tình tại Sài Gòn. (Hình : FB Trần Tiến Dũng)
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018 – thời điểm người Việt mời gọi nhau bày tỏ chính kiến với những dự luật đã được xác định là gia tăng nguy cơ lệ thuộc ngoại bang, thủ tiêu cơ hội trở thành phú cường, tự do – chính là dịp để xem tinh thần ái quốc còn hay mất ; người Việt giờ chỉ chú tâm vào thực tại của riêng mình hay vẫn bận tâm đến tương lai con cháu của mình ; hy vọng cơm no, áo ấm, thân an, tâm lạc của từng cá nhân, mỗi gia đình có đủ rộng để phủ kín, che mờ vận mệnh quốc gia, có đủ nặng để vùi sâu, chôn chặt sự tự hào là dòng giống Lạc Hồng, sẵn sàng nối chí tiền nhân ;…
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018, hàng rào kẽm gai, đủ loại lực lượng mặc đồng phục, xe đặc chủng, xe buýt, không ngăn được dân Hà Nội đổ ra đường nói không với dự tính thành lập ba đặc khu trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018, dọa dẫm không ngăn được Giám mục Cao Đình Thuyên, Linh mục Đoàn Giáo hạt Minh Cầm và hàng ngàn giáo dân phản đối việc đem lãnh thổ cho thuê và lời nhắc nhở mọi người hãy hành động trước khi quá muộn !
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018, dân Đà Nẵng đổ ra hai trục đường chính song hành với nhau - Bạch Đằng và Trần Phú để nói không với cả dự tính thành lập đặc khu và bịt miệng người Việt bằng Luật An ninh mạng. Sau đó là những tiếng kêu thảng thốt vì Công an bắt đầu đàn áp, Trần Lê Quang Vinh, bị bắt, Hồ Huy Quang và một phụ nữ từ Quảng Nam vào góp tiếng cũng bị bắt…
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018, tiểu thương Đắk Lắk tuần hành để khẳng định, cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày thì họ cũng không đồng ý. Đó là trên non, dưới đồng bằng, dân Nha Trang (Khánh Hòa) vừa tuần hành, hô khẩu hiệu, vừa tạt nước biển trong các chai nhựa vào du khách Trung Quốc và du khách Trung Quốc vốn đông nghẹt ở thành phố này được mô tả là… chạy như vịt. Công an Khánh Hòa – tỉnh sẽ có Đặc khu Bắc Vân Phong – được người biểu tình khen là… ôn hòa !
Khác với Khánh Hòa, Việt Nam trong ngày 10 tháng 6 năm 2018 có những tiếng kêu thảng thốt từ Bình Dương vì công an tỉnh này đánh đập người biểu tình không chùn tay, có những lời khen các lực lượng bảo vệ pháp luật hàm ý mỉa mai : Các anh rất tinh nhuệ. Uổng công chúng tôi nuôi các anh…
Và Sài Gòn – Việt Nam ngày 10 tháng 6…
Trung tâm Sài Gòn – khu vực Nhà thờ Đức Bà – lúc đầu chỉ chừng 500 người tụ tập ở đường Phạm Ngọc Thạch giương biểu ngữ, hô vang các khẩu hiệu và hát. 9 giờ, những người này định tuần hành nhưng bị ngăn lại, rồi một đoàn người khác đổ đến từ hướng đường Lê Duẩn, sau đó thêm một đoànn người nữa từ hướng Đồng Khởi tiến về…
Sài Gòn – Việt Nam ngày 10 tháng 6 được mô tả là có nhiều dòng người từ nhiều hướng đổ vào trung tâm để cùng tuần hành. Người không rõ từ những đâu đổ đến chờ sẵn hai bên đường, bước xuống đồng hành. Người đi bộ dẫn đầu, theo sau là những người đi xe hai bánh gắn máy… Không còn là dòng người đó là biển người với những dòng người dường như bất tận vì "mút tầm mắt"… Sau khi tuần hành một vòng quanh khu trung tâm, trưa, trời như đổ lửa, vẫn còn rất nhiều người trụ lại quanh Nhà thờ Đức Bà. Các loại lực lượng mặc đồng phục, các loại phương tiện phục vụ đàn áp vây quanh họ. Hàng rào thép gai bắt đầu được kéo ra giữa đường, chặn các lối dẫn vào Nhà thờ Đức Bà. Người biểu tình vẫn đứng đó, vẫn hô : Không đặc khu, Không an ninh mạng, Trung Quốc cút đi…
Sài Gòn – Việt Nam ngày 10 tháng 6 không chỉ có biển người ở khu trung tâm. Lăng Cha Cả ngày xưa, bây giờ là lối ra vào phi trường Tân Sơn Nhất có một biển người khác cũng thể hiện ý chí nhưHà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk, Bình Dương,… Tự thân ý tưởng thành lập ba đặc khu không tạo ra sự phẫn nộ đến mức cần thể hiện thái độ. Nguy cơ mất nước mới là hạt nổ. Xem hàng loạt các video clip ghi lại Việt Nam ngày 10 tháng 6, người ta nghe đây đó nhưng tiếng hô tràn đầy uất hận : Đả đảo bán nước ! Ai đó cạnh người ghi hình than nóng, than mệt, than mỏi chân, ai đó nữa động viên nửa đùa, nửa thật : Mỏi cũng phải ráng, mình mệt, may ra con cháu đỡ khổ…
Nhóm đi đầu trong cuộc biểu tình lúc sáng Chủ Nhật, 10 tháng Sáu.
Sài Gòn – Việt Nam ngày 10 tháng 6 bắt đầu có những kẻ mặc thường phục, che mặt bằng khẩu trang màu xanh loại dành cho nhân viên y tế, tay đeo những vòng cao su đen như những dấu hiệu nhận dạng, bắt đầu đánh người. Máu bắt đầu chảy. Sài Gòn – Việt Nam trưa ngày 10 tháng 6, trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những video clip nền đen kèm khuyến cáo của facebook "Video này có thể hiển thị nội dung bạo lực hoặc phản cảm" – nếu click vào đó, người ta sẽ thấy đồng bào của mình bị đấm, bị đá, bị vật ngửa, bị lôi đi xềnh xệch như đồ tể lôi thú vào lò mổ chỉ vì bày tỏ ý kiến của họ…
***
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018 có nhiều cá nhân như Le Gian Don, giãi bày trên facebook : Tụi tao làm lụng cực khổ, đóng thuế, bọn bay ăn trên đầu tụi tao, tụi tao có thể nhịn nhưng bọn bay mang đất ông cha gìn giữ ngàn năm thấm bao nhiêu máu và nước mắt dân Việt thì không được. Con cái tụi tao sẽ sống thế nào ? Bây biến đi. Giờ tao mong được vô tù mà hiên ngang như Mẹ Nấm còn hơn ở ngoài mà là kẻ đê hèn, yếu đuối, qu5y lụy bọn Tàu như chó. Bây không thấy tụi Tàu đập đầu dân Tây Tạng như đập đầu chó sao ?...
Việt Nam ngày 10 tháng 6 năm 2018 có nhiều cá nhân như Hồ Minh Tâm khẳng khái nhắn với Trung Quốc : Thấy chưa ! Chúng mày có thể nuốt trọng bốn triệu thẻ đỏ nhưng 90 triệu thẻ xanh trên mảnh đất này thì xương lắm. Đừng mơ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/06/2018
Phản ứng đối với Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" mà nhiều người gọi tắt là "Luật Đặc khu" ắt làm giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửng sốt. Trong mắt họ, dân Việt vốn… "thuần".
Cảng Cái Rồng, đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, nhìn từ trên cao.
Có những bằng chứng khá rõ ràng cho thấy giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự lúng túng khi dân Việt hết… "thuần" như họ nghĩ.
Bất chấp băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội, khuyến cáo của một số chuyên gia và chỉ trích của nhiều giới, kể cả "lão thành cách mạng", bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội vẫn khăng khăng : Thành lập ba đặc khu ở Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang là chủ trương của Bộ Chính trị. Vì Bộ Chính trị đã quyết định như thế nên không thể không có luật về đặc khu !
Thế nhưng mới đây, hôm 7 tháng 6, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, chính thức cam kết sẽ chỉnh sửa Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", không giao đất cho nhà đầu tư tới 99 năm nữa (1). Cần phải nhớ rằng, tháng trước, chính ông Phúc là một trong những người khuyến cáo các đại biểu Quốc hội nên ủng hộ chủ trương giao đất 99 năm.
Cục diện liên quan đến Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" đang thay đổi rất nhanh. Ngày 6 tháng này, chỉ mới có vài đại biểu Quốc hội rụt rè đề nghị, tách thời hạn giao đất đến 99 năm thành một vấn đề riêng để biểu quyết khi bỏ phiếu thông qua Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" (2). Hai ngày sau đã có hàng chục đại biểu công khai cho rằng, cần giữ dự luật này lại để trưng cầu dân ý (3) !
***
Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" với ý định biến khu vực Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thành đặc khu với nhiều ưu đãi được quảng bá là chưa từng có cho các nhà đầu tư, giống như một liều thuốc đặc trị, kích thích dân chúng Việt Nam, bất kể tuổi tác, giới tính, thành phần xã hội thay đổi cả tâm thế lẫn tư thế.
Trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, số người minh định tên tuổi, diện mạo kèm tuyên bố phản đối việc giao đất cho những nhà đầu tư vào các đặc khu tới 99 năm, tăng từng giờ. Trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, nhiều cá nhân xưa nay xem "quốc kế, dân sinh" là chuyện của hệ thống chính trị chứ không phải của mình, không ít người mà công việc, quyền lợi vốn gắn liền với sự tồn vong của hệ thống chính trị nên chẳng bao giờ chỉ trích hệ thống ấy,… đột nhiên cùng bày tỏ một cách rạch ròi rằng, Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" chính là "đưa mỡ vào miệng mèo", là "cho sói đặt trước một chân vào chuồng gà".
Chẳng riêng các diễn đàn điện tử, mạng xã hội, số lượng các cơ quan truyền thông do hệ thống công quyền kiểm soát, tham gia vào việc vạch trần mặt trái của các đặc khu, đặc biệt là những đặc khu do các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc từng đổ tiền vào ở Châu Á, Châu Phi càng lúc càng đông. Dường như không ai có thể dửng dưng trước nguy cơ mất nước, dân tộc thêm một lần lệ thuộc Trung Quốc.
Độc giả các diễn đàn điện tử, người sử dụng mạng xã hội vốn chỉ quen lướt web cho vui, giờ chính là đối tượng săn tìm thông tin, hình ảnh, dữ liệu để tự đánh thức chính mình và cảnh tỉnh đồng bào của mình. Thông báo về chủ trương thành lập ba đặc khu của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam do ông Đinh Thế Huynh ký. Chuyện mời các chuyên gia Trung Quốc đến Việt Nam giảng dạy về lợi ích, cách thức thành lập – vận hành các đặc khu trước khi Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" được soạn thảo rồi trình cho Quốc hội Việt Nam biểu quyết,… giờ được bày ra trên Internet cho tất cả người Việt cùng xem, cùng ngẫm.
Dân đã hết… "thuần" và có thể vì không hình dung được sẽ có lúc dân hết… "thuần" nên cách chống đỡ của các viên chức hữu trách hết sức vụng về : Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, người loan báo, "có nhà đầu tư hàng đầu của Mỹ đã tìm hiểu và 99,6% người dân Vân Đồn đồng thuận với việc thành lập Đặc khu Vân Đồn" (4), rút lui, im thin thít dù bị thiên hạ chửi như tát nước vào mặt.
Ngay cả truyền thông chính thức cũng gọi kiểu trấn an của ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường (chưa phát hiện người nước ngoài nào mua đất) là "khó tin". Có độc giả bình luận, ông Hà giống như đang ở trên… mây. Độc giả khác thì bình rằng, quản trị như thế, nếu có thêm ba đặc khu – thêm ba cái cửa được mở toang thì ai cũng có thể hình dung quốc gia sẽ tan hoang như thế nào (5) !
Không phải tự nhiên mà ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam thú nhận, Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" đã gây ra một "làn sóng khủng khiếp" và chỉ trong vài ngày vừa qua, cá nhân ông Phúc đã nhận được vô số thư từ, tin nhắn, điện thoại (6). Ông Phúc đã hứa sẽ xem lại thời hạn thuê đất và ông mới loan báo sẽ thôi không giao đất trong 99 năm nữa.
Không may cho giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là dân đã hết… "thuần". Dù có nhân nhượng không giao đất tới 99 năm đi nữa thì dân vẫn không chịu. Nhiều facebooker khẳng định như Đàm Hà Phú : 77 đặc khu mà Trung Quốc đầu tư tại 36 quốc gia trên thế giới - hầu hết là ở các quốc gia nghèo mạt rệp ở Châu Á như Lào, Sri Lanka và Châu Phi... đều có đặc điểm là bị Trung Quốc hóa. Dân Trung Quốc đổ vào các các đặc khu biến người bản địa thành công cụ để bóc lột sức lao động. Tệ nạn, đặc biệt là buôn người và mại dâm ở các đặc khu do Trung Quốc đầu tư - kiểm soát cũng ở mức khủng khiếp. Môi trường, xã hội ở các đặc khu bị phá nát... Vì Trung Quốc trợ cấp cho mỗi gia đình di cư sang các đặc khu ở Lào một khoản tương đương 100 ngàn Mỹ kim nên khu vực Bắc Lào giờ tràn ngập dân Trung Quốc, họ kiểm soát tất cả mọi ngành nghề và dân Lào giờ chỉ là người làm thuê cho dân Trung Quốc ngay trên mảnh đất của chính cha ông họ... Phú nhấn mạnh : Những ai đang và sẽ ủng hộ luật đặc khu cần đọc nhiều thông tin để biết rằng, mình đang tiếp tay đế bán nước cho Trung Quốc như vậy đó. Dù các vị chức sắc "Ăn cơm nhà, vác tù và Bắc Kinh" vẫn nhất định không để chữ nào về Trung Quốc nào trong Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt" nhưng ai cũng hiểu, ngoài Trung Quốc còn ma nào vào đây nữa. Vấn đề không phải là 99 năm hay 9 năm, vấn đề là không có đặc khu, lỏng khu gì sất (6).
***
Rất nhiều người ngỡ ngàng sau khi ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, nói xa, nói gần rằng đang có những người cố tình hiểu sai Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", đẩy thiện ý về đặc khu trở thành nguy cơ tạo ra các nhượng địa, "chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc"(7), hàng ngàn người sử dụng mạng xã hội đã phản hồi như Tạ Quang Hiệp : Người tử tế không muốn dính dáng đến Trung Quốc. Chúng nó là bố các ông hay sao mà sợ bị chia rẽ(8) ? Hoặc than như Thang Cong Vu : Trước còn ngờ dư luận săm soi, khe khắt quá mức nhưng nghe các bộ trưởng trả lời về đặc khu thì thấy thất vọng toàn tập. Cơ đồ Việt Nam suy sụp từ đây chăng (9) ?
Tháng 2 năm 2013, khi tiếp xúc với cử tri huyện Thạch Thất, Hà Nội, có dịp tường thuật về chuyến công du Châu Âu, đặc biệt là được viếng thăm Vatican, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố đầy hãnh diện : Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ ! Không rõ với lối tư duy đó, sau "làn sóng khủng khiếp" đối với Dự luật về "Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt", ông Trọng có triệu tập Bộ Chính trị họp bất thường để tự kiểm điểm xem : "Mình phải như thế nào…" nhân dân mới nghi ngại và phẫn nộ như vậy, hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/06/2018
Chú thích :
(2) https://vov.vn/kinh-te/cho-thue-dat-dac-khu-99-nam-dai-bieu-de-nghi-bieu-quyet-rieng-770906.vov
(3) https://vov.vn/kinh-te/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-can-nhac-them-cac-gop-y-ve-luat-dac-khu-771752.vov
(5) http://plo.vn/do-thi/chua-co-nguoi-nuoc-ngoai-nao-mua-dat-kho-tin-774627.html
(6)https://www.facebook.com/DamHaPhu/posts/1988833814460810
(8)https://www.facebook.com/ta.quanghiep.58/posts/1806536072702969
(9)https://www.facebook.com/congthang.vu/posts/2158042154235531
Dư luận đã tạm lắng sau khi nhiều Đại biểu của Quốc hội Việt Nam không đồng tình với đề nghị của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo : Khi thông qua Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học, cho phép hệ thống giáo dục đại học đổi "thu học phí" thành "thu giá dịch vụ đào tạo".
Phùng Xuân Nhạ, tác giả của thuật ngữ "thu giá dịch vụ đào tạo".
Có một điểm ít người để ý là cho dù "thu giá dịch vụ đào tạo" đã bị khai tử khi chưa chào đời nhưng tinh thần của Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học vẫn thế : Hệ thống giáo dục đại học công lập sẽ được phép "tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật về Giá".
Nói cách khác, công chúng chỉ thắng trong tranh biện về sử dụng từ ngữ, bảo tồn được khái niệm "thu học phí" trong Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học.
"Lõi" của Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục đại học – yếu tố quan trọng nhất - vẫn còn nguyên. Đa số Đại biểu của Quốc hội Việt Nam "tán thành quy định cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong việc quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước" và "đề nghị quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo để có căn cứ xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản dịch vụ đào tạo", từ "các dịch vụ do nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện" tới "phần phải thu thêm".
Xét một cách tổng quát thì ai thắng, ai thua ? Ai sẽ cười và ai phải khóc ? Nhóm nào đông hơn ? Nhóm nào "tài" hơn ?
***
Chẳng riêng học phí đã tăng và dẫu không bị thay tên, đổi họ thành "giá dịch vụ đào tạo" thì học phí vẫn tiếp tục… tăng, viện phí (chi phí bảo vệ, chăm sóc sức khỏe) cũng sẽ tăng vào tháng tới vì chính phủ đã đồng ý cho Bộ Y tế tính tiền các loại thiết bị, vật tư y tế, các loại thuốc "đúng với giá trị thật".
Từ 1 tháng 7, giá của một số dịch vụ y tế sẽ tăng, sau đó, tới lượt giá khám bệnh, giá chữa bệnh cùng tăng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt "lộ trình tăng viện phí giai đoạn 2018 – 2020" và đến năm 2021 là lúc ngành y tế sẽ "tính đủ chi phí" kể cả khấu hao và tích lũy để phát triển các loại dịch vụ.
Giống như tất cả các ngành khác, Bộ Y tế cũng mang viện phí tại Việt Nam ra so với một số nước khác để biện bạch cho đề nghị nâng viện phí lên chừng 8% so với hiện nay.
Ngày xưa, khi đề nghị gia tăng thuế, phí hoặc biện bạch cho chuyện giá cả quá cao, các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam thường đem thuế, phí hoặc giá cả ở Việt Nam ra so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, rồi các quốc gia trong khu vực Châu Á.
Gần đây, không chỉ các viên chức chính phủ mà đại biểu của dân chúng ở Việt Nam tại Quốc hội có khuynh hướng đem thuế, phí hoặc giá cả ở Việt Nam ra so với các quốc gia Châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan) – khu vực mà thuế, phí vốn cao hơn nhiều so với cả Đông Nam Á lẫn Châu Á.
Tháng 8 năm ngoái, sau khi giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) dự trù sẽ thực hiện từ đầu năm 2019 (nâng tỉ lệ của các sản phẩm, dịch vụ đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT là 10%), các viên chức lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam đã dẫn các quốc gia trong cộng đồng Châu Âu (EU) như bằng chứng để biện minh rằng, việc nâng tỉ lệ VAT ở Việt Nam thêm từ 1% đến 2% thì vẫn chưa thấm vào đâu so với EU, tại EU người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ phải trả VAT tới 19%.
Theo khuynh hướng này, lúc dân chúng rên xiết vì giá xăng quá cao, đẩy giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác vọt lên, sau khi đối chiếu, một số chuyên gia và báo giới nhận xét, giá xăng ở Việt Nam cao hơn mức trung bình của thị trường xăng dầu thế giới khoảng 20%, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam đã tạt vào mặt mọi người một gáo nước lạnh : Giá xăng ở các quốc gia Bắc Âu còn đắt hơn Việt Nam nhiều ! Ông Kiên đòi công chúng phải nhìn nhận rằng, việc điều hành giá cả trên thị trường xăng dầu của Việt Nam là một thành công.
***
Bên cạnh yếu tố thuế, phí được xem là cao nhất thế giới, các quốc gia Bắc Âu có chính sách an sinh xã hội được xem là ưu việt nhất thế giới, hơn hẳn và vượt xa cả Hoa Kỳ.
Dân chúng Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan được hưởng chế độ giáo dục hoàn toàn miễn phí từ mẫu giáo cho đến sau đại học. Chẳng riêng học phí mà ngay cả viện phí cũng không có trong số từ vựng mà họ cần phải dùng tới.
Trẻ con được chăm sóc cẩn thận ngay từ lúc hoài thai. Khi một đứa trẻ chào đời, cha mẹ của chúng bị buộc phải nghỉ làm việc để chăm sóc đứa trẻ, tùy quốc gia, thời gian nghỉ làm việc mà vẫn hưởng lương của cả cha lẫn mẹ để chăm sóc đứa con sơ sinh dao động trong vòng từ hai đến sáu tháng. Tùy quốc gia, cha mẹ mỗi đứa trẻ sơ sinh sẽ được nhận trợ cấp hàng tháng cho tới khi đứa trẻ hai tuổi như Na Uy, hoặc 16 tuổi như Thụy Điển, Phần Lan, hoặc 18 tuổi như Đan Mạch.
Ở Bắc Âu, bởi đã từng nộp thuế, phí, người thất nghiệp hoặc sự nghiệp không may gặp rủi ro sẽ được trợ cấp cả về y tế, nhà ở lẫn sinh hoạt phí, đủ để họ có thể trang trải mọi thứ chi phí. Trợ cấp còn có khoản hỗ trợ chi tiêu cho… du lịch hàng năm vì đi đó, đi đây được xem là một thứ nhu cầu cần được thỏa mãn và hệ thống công quyền quan niệm, không nên để những công dân không may mắn phải thua thiệt chỉ vì không đủ khả năng tài chính.
Ở Bắc Âu, sau cả đời nộp thuế, phí ở mức cao nhất thế giới, nghỉ hưu là giai đoạn tận hưởng cuộc sống. Người già không chỉ được chăm sóc y tế mà còn được chăm sóc tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần. Chỗ nào ở Bắc Âu cũng có những trung tâm cho người lớn tuổi tề tựu để trò chuyện, đàn hát, khiêu vũ, đánh cờ, tập thể dục, kể cả học thêm những kỹ năng mà họ thích nhưng chưa rèn luyện vì thời trẻ họ không có điều kiện về thời gian…
***
Khi so sánh Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á, Châu Âu, thậm chí Bắc Âu, các viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam chỉ đối chiếu giá cả, tỉ lệ thuế, phí ở những quốc gia đó, khu vực đó để không ngừng thúc đẩy nghĩa vụ đóng góp của công dân lên mức càng ngày càng cao, tất cả đều lờ tịt về quyền lợi mà lẽ ra, sau khi đóng góp, mỗi công dân Việt Nam có quyền thụ hưởng như thiên hạ.
Không chỉ ép dân chúng thắt lưng, buộc bụng để chi tiêu cho những… chủ trương lớn của đảng cầm quyền, hệ thống công quyền Việt Nam còn muốn buộc dân chúng câm miệng. Dự Luật An ninh mạng là bằng chứng mới nhất. Tiếng là bảo vệ an ninh hạ tầng kỹ thuật thông tin nhưng dự luật này chỉ nhắm vào một chuyện, đặt tất cả những công dân dám thắc mắc về quyền lợi của chính mình, của đồng bào mình ra ngoài vòng pháp luật.
Infonet, tờ báo điện tử của Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam vừa công bố một thư ngỏ do các ông : Đặng Hữu (cựu Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ), Chu Hảo (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ), ông Mai Liêm Trực (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cựu Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông), Nguyễn Khánh Toàn (Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an) gửi các Đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, đề nghị loại bỏ năm điều : 24, 26, 38, 39, 40 ra khỏi Dự Luật An ninh mạng vì theo họ, an ninh mạng là cuộc chiến kỹ thuật, những điều đó không những không thể giải quyết được những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, giúp bảo vệ an toàn Internet của Việt Nam, mà còn "kéo lùi sự phát triển của Internet, của kinh tế số và xã hội thông tin Việt Nam".
Ông Hữu, ông Hảo, ông Trực, ông Toàn vốn được xem là những "nguyên lão" của ngành ICT Việt Nam (tham gia thẩm định, chuẩn bị để đưa Internet vào Việt Nam hồi thập niên 1990) nhưng Infonet chỉ có thể bày "Các ‘nguyên lão’ ngành ICT đề nghị bỏ 5 điều trong Dự án Luật An ninh mạng" trong vòng năm tiếng rồi "tự ý đục bỏ". Các "nguyên lão" mà còn bị "túm đầu, bịt miệng" như thế thì rõ ràng trong mắt hệ thống công quyền Việt Nam, 96 triệu công dân chẳng là gì cả. "Độc lập, Tự do, Hạnh phúc" kiểu ấy có khác gì Bắc… Hàn ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/06/2018
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, vừa tự biến chính mình thành bia cho dân chúng Việt Nam liệng ra đủ thứ từ ngữ, nhận định vốn chẳng hay ho chút nào cho cả uy tín của ông lẫn thể diện của chính phủ, khi đề nghị Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục Đại học theo hướng loại bỏ việc "thu học phí", cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang "thu giá dịch vụ đào tạo".
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ đề nghị loại bỏ việc "thu học phí", cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang "thu giá dịch vụ đào tạo".
Có một điểm đáng ngạc nhiên là tuần trước, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải, đồng liêu của ông Nhạ, vừa "ôm đầu máu" tháo chạy, vứt lại quyết tâm thay đổi những "Trạm Thu phí" cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành "Trạm Thu giá", giữa con đường đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Lúc các "Trạm Thu giá" đồng loạt chào đời, thiên hạ đã từng mỉa mai, nếu "thu phí" trở thành "thu giá", hẳn sẽ có ngày viện phí trở thành "viện giá", học phí trở thành "học giá", lệ phí trở thành "lệ giá", cước phí trở thành "cước giá", án phí trở thành "án giá", thậm chí đảng phí có thể sẽ được đổi thành… "đảng giá" ! Chẳng ai dè trong bối cảnh như vậy, giữa lúc dân chúng thuộc đủ mọi giới đang sôi sùng sục như thế, ông Nhạ vẫn "xô cửa xông vào, liều mình như chẳng… có" !
Ngoài yếu tố có nhiều chuyện khó… ngờ, cuộc đời rõ ràng là còn có nhiều người mà nhận thức, ứng xử, ý kiến cũng thuộc loại… khó ngờ !
Đối diện với viễn cảnh "thu học phí" có thể được chuyển đổi thành "thu giá dịch vụ đào tạo" – theo… "qui định của pháp luật", Cù Mai Công nhận định : Lúc này, chính phủ… "zui" thiệt. Vừa yên chút xíu là có vị… chọt cho… dân chửi ! Hết Kim "Tiêm" (lối ví von có tính miệt thị bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế) đến Thể "BOT" (ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải), Tuấn "Đại cục" (ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch), tới Nhạ "Giá" !
Phạm Uyên Nguyên, bạn của Công, cho rằng : Chính trường đang bị biến thành… hí trường ! Diệu An, một người bạn khác, tin đó là kiểu tấu hài để Quốc hội và nhân dân đỡ buồn ngủ ! Quân Võ Minh Quân nghi ngờ, chính phủ hiện giờ không phải "chính phủ kiến tạo" mà là "chính phủ… chọc ngoáy". Lam Hồng Nguyễn trấn an, tuy chưa có chính phủ kiến tạo nhưng rõ ràng nội các hiện nay là… chính phủ vui vẻ, đáng… phấn khởi ! Hoài Lê thắc mắc : Trời nắng, nóng lắm hay sao mà phát bệnh nhiều vậy ?
Tuy rất khó có thể thống kê xem trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội như facebook có bao nhiêu người nguyền rủa, mỉa mai những quyết định như đổi tên những "Trạm Thu phí" cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành "Trạm Thu giá", những ý tưởng như loại bỏ việc "thu học phí", cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang "thu giá dịch vụ đào tạo", những biện giải kiểu như một nhóm du khách Trung Quốc đồng loạt mặc áo thun quảng bá lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả biển Đông của Việt Nam, khi làm thủ tục nhập cảnh Viện Nam là "sự cố nhỏ" và khuyến cáo đừng để "sự cố nhỏ anh hưởng đến… đại cục",… song có thể khẳng định, con số ấy không dưới hàng triệu và gần như không có ai biểu đạt sự đồng tình với các viên chức hiện là thành viên chính phủ.
Những từ như "ngu", "điên", "ngáo đá" (nhận thức đi vắng do dùng ma túy tổng hợp quá liều), khốn nạn,… càng ngày càng phổ biến trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội khi công chúng tham gia bàn luận về những sự kiện có liên quan đến viên chức trong hệ thống công quyền tại Việt Nam. Không ít người trong số này đề nghị xem lại việc canh giữ các bệnh viện tâm thần vì dường như chưa chặt chẽ, thành ra để "sổng"
nhiều… bệnh nhân, khiến… toàn dân khó chịu. Tuy nhiên cũng có những facebooker như Phạm Hoài Nhân, thay mặt… "Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2" (vốn vẫn được dân chúng gọi là Nhà thương Điên Biên Hòa), thông báo, bệnh viện này sẽ không nhận các bệnh nhân từng là Bộ trưởng hoặc Đại biểu Quốc hội vì "vượt quá khả năng điều trị".
***
Có một điểm rất đáng lưu ý là dẫu số lượng lời nguyền rủa, miệt thị, mỉa mai tăng rất nhanh, mức độ bất bình, thất vọng về hệ thống công quyền của công chúng càng ngày càng cao nhưng các viên chức ở đủ mọi cấp, thuộc đủ mọi ngành vẫn tỏ ra rất vô tư cả trong hành động lẫn phát ngôn. Sự vô tư ấy đã vượt qua mức bình thường và nó khiến người ta nghi ngại đó là sự vô tư có… chủ đích. Đâu phải tự nhiên mà danh sách những viên chức trong hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, ứng xử, phát ngôn… vô tư đến mức đáng ngại càng ngày càng dài.
Trường hợp ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, có thể xem là … nặng nhất.
Sau những tuyên bố khiến dư luận trở thành bão, kiểu như : Đừng thắc mắc về công xa, các quốc gia khác còn sắm phi cơ riêng cho lãnh đạo ! Nợ nần của Việt Nam không chỉ khoảng 120 tỉ Mỹ kim như Ngân hàng Thế giới công bố mà còn cao hơn nhưng chẳng có gì để phải hốt hoảng ! Các dự án BOT không ảnh hưởng đến người nghèo ! BOT có sai sót nhưng không tù mù ! Giá xăng ngày càng tiệm cận với giá thế giới, đó là thành công về mặt điều hành ! Ông Kiên vẫn tiếp tục "lập ngôn" cho thiên hạ rủa. Tuần trước, ông Kiên bảo : "Thu giá" là… luật định, phải chờ khoảng năm năm nữa, sau khi Quốc hội xem xét, sửa luật mới tính đến chuyện bỏ hay không ! Tuần này, ông Kiên chọc ngoáy đám đông thêm một lần nữa : Tại sao nhiều quốc gia có China Town, bang California của Mỹ có Little Saigon toàn người Việt,… nhưng không nơi nào lo ngại về an ninh, quốc phòng mà dân Việt Nam lại lo Trung Quốc kiểm soát các đặc khu mà hệ thống công quyền muốn thành lập?
Giống như nhiều lần trước đó, hàng ngàn facebooker đã tự nguyện xúm vào làm công việc mà họ gọi là "thông… não" cho ông Kiên. Theo đó, các khu China Town ở nhiều nơi trên thế giới, Little Saigon ở California – Mỹ không khiến ai lo vì chúng chỉ là những khu dân cư mà toàn bộ hoạt động phải tuân theo luật pháp của quốc gia sở tại, toàn bộ sinh hoạt được đặt dưới sự giam sát của chính quyền sở tại, khác hẳn với bản chất của các đặc khu… Thế nhưng chẳng có gì bảo đảm, thêm lần này nữa ông Kiên sẽ im lặng, ngưng huyên thuyên, bởi dường như ông Kiên có nhu cầu được xỉ vả.
***
Cũng nên nhắc lại hàng loạt tuyên bố cùng kiểu : Đất nước có bao giờ được như thế này chăng (?) của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Hoặc mới đây, bất kể hàng loạt diễn biến đáng ngại cho chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, vẫn khẳng định : Kinh tế quốc phòng trên biển, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng tốt hơn. Dù thế giới và khu vực phức tạp nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định… Rồi bất kể những câu hỏi về thống kê, thu – chi vang vọng từ năm này sang năm khác và chưa bao giờ được trả lời thỏa đáng, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, vẫn hùng hồn : Ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch... Không hiểu các phát ngôn này là biểu hiện của loại tâm bệnh nào.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/06/2018
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải, vừa lên tiếng "xin nhận trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước" và "xin lỗi gia đình các nạn nhân của bốn vụ tai nạn đường sắt, xảy ra liên tục trong bốn ngày từ 24 đến 27 tháng 5" (1).
Xây nhà dọc sát đường sắt rất dễ xảy ra tai nạn chết người - Hình minh họa.
Rạng sáng 24 tháng 5, đoàn tàu có số hiệu SE19, đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng đã đâm vào một xe vận tải ở đoạn gần ga Trường Lâm, tọa lạc tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Vụ tai nạn làm hai người chết, mười người bị thương.
Chiều 26 tháng 5, hai đoàn tàu vận tải, một có số hiệu là ASY2 và một có số hiệu là 2469 lao thẳng vào nhau tại ga Núi Thành, tọa lạc tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, may mắn là chỉ có hai đầu máy hư hỏng, bốn toa lật ngang, không có thiệt hại nhân mạng.
Cũng chiều 26 tháng 5, khi vào ga Yên Xuân, tọa lạc tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, để nhường đường cho một đoàn tàu khác, thêm một đoàn tàu vận tải bị tai nạn – 2/27 toa đột nhiên trật khỏi đường ray.
Trưa 27 tháng 5, thêm một đoàn tàu vận tải (số hiệu SH3) đâm vào xe bồn chở bê tông lúc đang băng qua khu vực thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. May mắn là chỉ có đầu máy và xe bồn hư hỏng, không có thiệt hại về nhân mạng.
Sau bốn vụ tai nạn xảy ra liên tục trong bốn ngày, chiều 28 tháng 5, Bộ Giao thông và vận tải mới tổ chức một cuộc họp bất thường để xác định trách nhiệm và để xin lỗi. Bộ Giao thông và vận tải không thể tổ chức cuộc họp bất thường sớm hơn, chẳng hạn ngay vào sáng 24 tháng 5, sau vụ xảy ra vụ tai nạn đầu tiên vì lãnh đạo Bộ Giao thông và vận tải phải đến Đồng Tháp để dự buổi… khánh thành cầu Cao Lãnh.
Cả bốn vụ tai nạn vừa kể đã khiến giao thông trên tuyến đường sắt Xuyên Việt đình trệ. Cho dù kế hoạch của chủ những lô hàng mà ngành đường sắt được thuê vận chuyển, rồi sinh hoạt của những cá nhân chọn đường sắt làm phương tiện di chuyển, cũng như cộng đồng cư dân các địa phương mà tai nạn xảy ra, bị đảo lộn, bị gián đoạn... song trong số này chẳng có ai chết hoặc bị thương nên ông Thể không… xin lỗi.
***
Giống như sau vô số những tai nạn thương tâm đã từng xảy ra trong quá khứ, lần này, cả dân chúng lẫn báo giới lại nói xa, nói gần về chuyện lãnh đạo ngành như ông Thể nên từ chức hoặc Thủ tướng Việt Nam nên cách chức ông Thể.
Tại Việt Nam, những đề nghị, đòi hỏi như thế là… phi lý. Ông Thể là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thành ra Thủ tướng Việt Nam – người đứng đầu nội các - không có quyền gạt ông Thể - một thành viên trong nội các - ra khỏi vị trí Bộ trưởng Giao thông và vận tải vì chỉ Bộ Chính trị mới có quyền đó. Đó cũng là các đại biểu Quốc hội muốn chất vấn ông Thể về trách nhiệm Bộ Giao thông và vận tải sẽ phải uốn lưỡi "70 lần 7", chưa kể yếu tố ông Thể ngang hàng với họ vì ông cũng là… đại biểu quốc hội.
Ông Thể được giới lãnh đạo Đảng lựa chọn – quy hoạch – sắp đặt nên lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ không có tư cách đặt vấn đề về tư cách của ông nếu giới lãnh đạo Đảng chưa bật đèn xanh.
Đâu phải tự nhiên mà sau bốn vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong bốn ngày, nơi đầu tiên ông Thể nghiêng minh gửi lời xin lỗi là Đảng, tiếp đó mới tới Nhà nước và cuối cùng mới là gia đình các nạn nhân.
Còn một điểm khác phải chú ý là chỉ đòi truy cứu trách nhiệm của ông Thể cũng như ngành giao thông – vận tải là chưa sòng phẳng.
Hai trong bốn vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong bốn ngày hạ tuần tháng này là do hạ tầng đường sắt có vấn đề. Hạ tầng đường sắt có vấn đề là vấn đề đã có từ lâu. Hồi tháng 3, Đài Truyền hình Quốc gia từng phát một phóng sự nhắc lại rằng, tại Việt Nam có những đoạn đường ray đã dùng hàng trăm năm nhưng đến nay không thay thế mà cũng chẳng sửa chữa. Với số tiền mà công quỹ cấp hàng năm cho việc duy tu – bảo dưỡng hệ thống đường ray như hiện nay thì chỉ tính riêng đoạn đường sắt chạy ngang tỉnh Thanh Hóa cũng phải chờ thêm 100 năm nữa. Bên cạnh hệ thống đường ray cũ, nát, trên tuyến đường sắt xuyên Việt còn có 600 cây cầu càng ngày càng yếu nhưng vẫn dùng chứ không sửa vì không có tiền (2).
Tiền cho hạ tầng đường sắt tất nhiên nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông và vận tải. Khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra hết "chủ trương lớn" này tới "chủ trương lớn" khác, "chủ trương lớn" nào cũng được Quốc hội bày tỏ sự đồng thuận gần như tuyết đối và Chính phủ cứ thế thi hành thì làm gì còn tiền cho hạ tầng đường sắt ? Đã biết thế thì đâu có đồng chí nào ủng hộ "chặt đầu, lột da" ông Thể.
Hai trong số bốn vụ tai nạn đường sắt còn lại đã được xác định là do quản lý – điều hành trật tự giao thông quá tồi. Cả hai đều xảy ra ở những chỗ giao cắt giữa tuyến đường sắt xuyên Việt và đường bộ. Theo giới hữu trách, tài xế xe vận tải, xe bồn chở bê tông bị đụng đều do thiếu quan sát, vượt ẩu khi băng qua đường sắt. Cũng theo giới hữu trách hiện có 5.700 con đường cắt ngang tuyến đường sắt xuyên Việt, trong số nay có hơn 4.000 là đường tự mở. Tuy nhiên đó là chuyện ngoài phạm vi trách nhiệm của ngành giao thông – vận tải. Địa phương nào cũng có chính quyền và công an nhưng chưa có ai yêu cầu chính quyền địa phương và công an phải chịu trách nhiệm về an toàn giao thông đường sắt, thế thì hà cớ gì họ phải vơ trách nhiệm vào ? Thật ra công an có cảnh sát kiểm soát giao thông đường sắt nhưng có một thực tế mà ai cũng biết là để ý đến hoạt động giao thông đường sắt thì… được gì (?) ngoài phân và nước tiểu tung tóe dọc đường ray bởi nhà vệ sinh trên nhiều đoàn tàu vẫn chưa có thùng chứa, tất cả những thứ mà hành khách phóng uế đều đi thẳng ra… bên ngoài tàu.
***
Cứ nhìn bốn vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong bốn ngày hạ tuần tháng này theo lối ấy thì chẳng lẽ lại không có ai chịu trách nhiệm ?
Có chứ ! Ít nhất Công an Thanh Hóa đã tống giam hai người gác chắn tàu ở đoạn đường ray gần ga Trường Lâm, tọa lạc tại huyện Tĩnh Gia. Họ bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Nhân chuyện hai nhân viên đường sắt bị tống giam, thêm một lần nữa, các viên chức hữu trách của ngành giao thông – vận tải lặp lại với vẻ đầy thương cảm, gác chắn đường sắt, tuần tra đường sắt là những công việc căng thẳng, trách nhiệm nặng nề nhưng lương rất thấp. Dẫu lãnh đạo liên tục tỏ ra rất đồng cảm nhưng sau nhiều năm, nhân viên gác chắn đường sắt, tuần tra đường sắt vẫn không đủ sống và thường là đối tượng bị tống giam sau các vụ tai nạn đường sắt.
Năm 2016 tại Việt Nam có 381 vụ tai nạn trên đường sắt khiến 166 người chết (4), năm 2017 số vụ tai nạn đường sắt giảm xuống hơn một nửa (164 vụ) nhưng số người chết chỉ giảm 20% (133 người) (5) thành ra thiệt hại nhân mạng có khuynh hướng nghiêm trọng hơn (mức trung bình về số người thiệt mạng trong một vụ tai nạn đường sắt năm sau cao hơn hẳn năm trước).
Chẳng riêng đường sắt, đường bộ, đường thủy cũng đầy rủi ro. Năm ngoái, tổng số người chết vì tai nạn trên cả ba loại đường (thủy, bộ, sắt) vẫn còn hơn 8.000. Đa số nạn nhân chết không phải do lỗi của họ và tới lúc nhắm mắt, xuôi tay cũng chẳng hiểu tại sao. "Tai bay, vạ gửi" giờ rải rác khắp nơi, người Việt đâu chỉ mất mạng khi đang di chuyển trên đường, ở trong nhà cũng chết vì thủy điện đột nhiên xả lũ, vì phá rừng, khai thác đất đá vô tội vạ, vì cướp… Có những trường hợp, cái chết đến ngay lập tức nhưng không ít trường hợp, cái chết đến từ từ, nạn nhân vật vã, quằn quại với bệnh tật do không khí ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm, thực phẩm không an tòan rồi mới được giải thoát bằng cái chết…
Trước những mất mát, người Việt thường tự trấn an mình và an ủi nhau : Trời kêu ai nấy dạ. Song càng ngày càng nhiều trường hợp dường như Trời chưa muốn kêu, đương sự tất nhiên không muốn dạ mà vẫn uổng tử vì thói vô trách nhiệm, vì lối suy nghĩ - xử sự thiếu lương tâm. Kêu ai ? Ai đoái hoài ? Chẳng có ai cả. Bạn không thấy với những cá nhân được xem là hữu trách, ngay cả xin lỗi cũng phải chờ sức ép đủ lớn mới bật ra thành lời đó sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/05/2018
Chú thích :
(2) http://vtv.vn/trong-nuoc/nhung-nut-that-ton-tai-cua-duong-sat-viet-nam-20180325163013887.htm
(5) http://kinhtedothi.vn/nam-2017-gia-tang-cac-vu-tai-nan-giao-thong-nghiem-trong-306903.html
Bộ Giao thông và vận tải đã chính thức cam kết sẽ bỏ hai chữ "thu giá" tại các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT (1).
Người dân đổ ra đường sau khi thủ tướng tuyên bố tạm ngưng ... thu giá, BOT Cai Lậy.
Cơ quan quản lý, điều hành lĩnh vực Giao thông và vận tải "cúi đầu nhận tội" không phải do chỉ đạo từ Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, cũng không do yêu cầu của lãnh đạo nhà nước, đòi hỏi từ Quốc hội hay thúc ép của chính phủ mà từ nhân tâm và dân ý.
Thông qua mạng xã hội và cả báo chí, thường dân thuộc đủ mọi giới đã thẳng thắn chỉ ra cho Bộ Giao thông và vận tải thấy rằng "vải thưa không che được mắt Thánh", trí trá trong hành xử và vận dụng ngôn từ đã hết thời.
Ông Nguyễn Văn Thể và các viên chức hũu trách trong Bộ Giao thông và vận tải, kể cả các đại biểu đang nắm giữ những vai trò chủ chốt tại Quốc hội như ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện,… đã được hàng triệu thường dân xúm vào, cùng dạy một bài rằng "miệng nhà quan", cho dù "có gang, có thép" thì thép hay gang cũng sẽ bị thịnh nộ nấu chảy.
***
Tuần trước, các đại biểu Quốc hội khóa 14 lại dắt nhau vào 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội để họp. Giống như vô số kỳ họp trước đó, kỳ họp lần thứ năm này của Quốc hội khóa 14 lại cung cấp hàng loạt đề tài cho dân… chửi.
Đề tài đầu tiên hâm nóng dư luận do ông Nguyễn Mạnh Tiến cung hiến. Ông Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, lãnh búa rìu dư luận ngay sau khi đưa ra nhận định rằng, hệ thống công quyền tại Việt Nam thu thuế đã chưa hết, lại còn chưa kỹ, bằng chứng là để sót những người bán trà đá, loại hình kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận từ 5.000% đến 7.000% - cao nhất trên thế giới nhưng không phải đóng đồng nào cho ngân sách (2).
Cũng đã có cả triệu thường dân xúm vào dạy ông Tiến. Trong số này có những thường dân như Đinh Thế Hiển (3). Đọc những gì Hiển bày ra, thường dân thuộc giới bình dân, tham gia dạy dỗ ông Tiến theo kiểu… bình dân, sẽ có thêm "đạn" loại… sang để "bắn" ông Tiến. Dường như ông Tiến – người sở hữu văn bằng Thạc sĩ Luật, học vị Tiến sĩ kinh tế - đã vớ được "tỉ suất lợi nhuận" ở đâu đó rồi nuốt vội, nuốt vàng, nhai không kỹ thành ra khi đi vào trong ông, "tỉ suất lợi nhuận" không… tiêu và ông mắc… nạn.
***
Tuần trước còn có chuyện ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, ví von, chẳng lẽ ông phải làm biển "Tôi là người" rồi đeo vào cổ mỗi khi ra đường để không bị các cơ quan hữu trách xử phạt.
Ông Cung ví von như thế vì dẫu chính phủ Việt Nam liên tục thề thốt về việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng đến giờ này, Bộ Giao thông và vận tải vẫn buộc chủ các xe vận tải phải dán phù hiệu "xe tải" lên kính ở buồng lái. Không có phù hiệu "xe tải", tùy theo trọng tải, chủ xe vận tải sẽ bị phạt từ ba đến bảy triệu đồng/lần còn tài xế sẽ bị tạm giữ bằng lái tới 60 ngày.
Một điểm đáng nói khác là phù hiệu "xe tải" thuộc loại không dễ có. Không chịu chi từ bốn đến năm triệu đồng cho những cá nhân chuyên "chạy" phù hiệu mà tự làm thủ tục để xin thì cầm chắc phải phủ bạt cho xe nghỉ ngơi hai tháng (4) !
Ví von như ông Cung cũng là một cách dạy. Ông Cung là một trong những người lên tiếng dạy dỗ các viên chức hữu trách thường xuyên. Cách ông lựa chọn để truyền đạt nội dung nhằm đả thông tư tưởng của đối tượng thường rất dung dị nhưng tiếc là viên chức hữu trách nhiều ngành ở đủ mọi cấp vẫn còn… lơ mơ song chưa có bao nhiêu người giúp ông làm phụ đạo !
***
Tuần trước còn có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua báo giới, khẳng định với dân chúng Việt Nam rằng : Quan hệ đối ngoại về quốc phòng, kể cả liên quan đến hoạt động trên biển đảo đều rất tốt.
Hàng loạt những diễn biến đáng ngại cho chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông (Ngư dân Việt bị rượt, bị đuổi khỏi các "ngư trường truyền thống" bằng đủ mọi cách, húc cho hư tàu, đâm cho chìm tàu, tịch thu ngư cụ, hải sản – thành quả lao động, bị đấm đá, bị bắn. Repsol ngưng thăm dò – khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ. Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh cá tại Biển Đông, điều động các oanh tạc cơ chiến lược đến những phi trường xây dựng trên các thực thể đã cưỡng chiếm của Việt Nam tại Biển Đông…) không làm ông tướng ba sao này âu lo vì "hoạt động tuần tra chung, giao lưu hải quân, cảnh sát biển Việt Nam với các nước hiện nay chúng ta làm rất tốt, tạo được hòa bình để phát triển kinh tế" và "mối quan hệ hài hòa đó giúp đất nước phát triển tốt".
Đối với sự kiện tàu đánh cá của Trung Quốc vào sâu trong hải phận Việt Nam để đánh cá, thậm chí thả lưới ở vị trí cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 30 hải lý, ông tướng hiện là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng : Ngư dân của mình nếu qua nước bạn thì phải xử lý nghiêm túc. Ngư dân của nước bạn vào vùng lãnh thổ của mình cũng phải giáo dục, tuyên truyền và các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, thực thi pháp luật phải cương quyết, thực hiện chức năng bảo vệ pháp lý của mình !
Tướng Nghĩa trấn an rằng : Chúng ta đấu tranh bằng tất cả các giải pháp từ chính trị, ngoại giao, xây dựng, bảo vệ thực địa, đặc biệt là việc tổ chức giáo dục tuyên truyền để nhân dân, bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ quyền của mình đối với vùng Biển Đông. Việc này rất rõ theo đúng quy định quốc tế và chúng ta yên tâm (5).
Bạn có yên tâm không ? Nếu không, sao không dạy ông Nghĩa như đã từng dạy ông Thể.
***
Nhiều người cho rằng càng ngày càng nhiều viên chức trong hệ thống công quyền Việt Nam làm những việc mà thiên hạ không thể nhắm mắt làm ngơ, tuyên bố những điều mà nghe xong không thể im lặng. Xét cho đến cùng thì tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có bao giờ thiếu những chuyện "chướng tai, gai mắt". Ngày hôm nay chỉ khác ngày hôm qua ở chỗ bạn có cơ hội để thấy nhiều hơn, nghe nhiều hơn và có phương tiện để nói cho họ biết điều bạn nghĩ. Đó là cách duy nhất để dạy họ đừng chủ quan. Hệ thống trường chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, nơi đào tạo những cá nhân được lựa chọn để "ăn trên, ngồi chốc" không dạy họ nghiêm cẩn, trung thực, tôn trọng chủ của mình, xử sự có trách nhiệm cả trong lời nói lẫn việc làm, tại sao bạn không dạy họ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/05/2018
Chú thích :
(1) http://infonet.vn/bo-gtvt-se-sua-ten-goi-tram-thu-gia-post263558.info
(2) https://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/thue-voi-toi-nguoi-ban-tra-da-967152.html
(3) https://www.facebook.com/dinhthe.hien.121/posts/2140884926144396
Tuy các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 chưa bỏ phiếu nhưng gần như chắc chắn dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" (gọi tắt là Luật Đặc khu) sẽ được họ thông qua ở kỳ họp lần thứ năm này.
Một chiếc tàu chở công nhân Trung Quốc rời cảng Vũng Áng, tháng Năm 2014.
Ngay sau đó, Luật Đặc khu sẽ được dùng để khai sinh cho ba đặc khu đầu tiên của Việt Nam là : Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự trù, từ nay đến 2030, chi phí xây dựng ba đặc khu vừa kể sẽ ngốn… 1.570.000 tỉ đồng (Vân Đồn 270.000 tỉ đồng, Bắc Vân Phong 400.000 tỉ đồng, Phú Quốc 900.000 tỉ đồng) (1).
***
Đặc khu (Special Economic Zone) là cách gọi những khu vực mà việc quản lý - điều hành được thực hiện theo phương thức ưu đãi đặc biệt, khác hẳn lệ thường nhằm thu hút đầu tư ở cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của một quốc gia, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu cho công quỹ. Tùy nơi, tùy hoàn cảnh mà những quốc gia quyết định thành lập các đặc khu, quyết định gọi các đặc khu của họ là gì (Khu Kinh tế, Khu Kinh tế Đặc biệt, Khu Thương mại tự do…).
Xét về cả thông lệ quốc tế lẫn bản chất, không cần khai trương Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì ít nhất, Việt Nam cũng đã có 18 đặc khu, trong số này có 15 được gọi là Khu Kinh tế ven biển và ba được gọi là Khu Kinh tế (Thái Bình, Ninh Cơ, Đông Nam Quảng Trị). 18 đặc khu ấy đang chiếm 730.553 héc ta mặt đất và mặt biển. Chỉ mới tính đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các Khu kinh tế ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng (2). Chưa tìm thấy số liệu để xác định từ 2010 đến nay, chính quyền Việt Nam đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 đặc khu ấy, song có thể đoan chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa.
18 đặc khu hiện có đã tạo ra những hiệu ứng tích cực nào cho kinh tế - xã hội Việt Nam ? Tại sao miền Trung - khu vực có đặc khu đầu tiên (Khu Kinh tế Chu Lai - Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt đặc khu nữa : Khu Kinh tế Dung Quất (QuảngNgãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn nghèo ? Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố quốc gia, chính quyền các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp (3).
Với thực tế như vừa kể, "kỳ vọng" từ 2020 trở đi, ba đặc khu mới là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ giúp GDP địa phương (GRDP) tăng hàng tỉ Mỹ kim mỗi năm, từ 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của dân chúng cư trú ở ba đặc khu mới sẽ đạt từ 12.000 Mỹ kim đến 13.000 Mỹ kim/người/năm… có phải là ngoa ngôn không (4) ?
Những viên chức hữu trách đang tô vẽ viễn cảnh xán lạn của ba đặc khu mới, liệu có nhớ hệ thống công quyền đã từng tuyên bố những gì khi công bố chủ trương thành lập các khu kinh tế hồi đầu thập niên 2000 không ? Nếu ba đặc khu mới cũng không như "kỳ vọng" sẽ có những ai sẽ chịu trách nhiệm ? Chịu trách nhiệm như thế nào ?
***
Giữa thập niên 1990, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương phát triển các Khu Công nghiệp để "hiện đại hóa đất nước". Đến nay, toàn Việt Nam có 324 khu công nghiệp, chiếm 92.000 héc ta đất nhưng hiện có khoảng 4/5 diện tích các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam đang bỏ hoang. Ngoài thiệt hại tài chính, chủ trương phát triển các Khu Công nghiệp còn là sự lãng phí nghiêm trọng tài nguyên quốc gia (5).
Đầu thập niên 2000, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đề ra chủ trương phát triển các Khu Kinh tế (Khu Kinh tế ven biển, Khu Kinh tế cửa khẩu, Cụm công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ). Dẫu các số liệu liên quan đến đầu tư không được bạch hóa nhưng người ta tin rằng, hệ thống công quyền Việt Nam đã rót vào các Khu Kinh tế chừng vài trăm ngàn tỉ đồng. Nếu đã từng đọc các báo cáo, nghe các cảnh báo, phân tích, nhận định về thu – chi ngân sách hàng năm, ai cũng có thể thấy mục tiêu đến năm 2020, các Khu Kinh tế sẽ đóng góp từ… 53% đến 55% GDP là vô vọng. Dấu ấn đậm nhất mà các Khu Kinh tế tạo ra là đã trải thảm, rước các dự án lọc dầu, cơ khí nặng, nhiệt điện, luyện thép,… - vốn được xem là những tác nhân hủy diệt môi trường – vào Việt Nam, chia nhau những vị trí tốt nhất, đẹp nhất dọc bờ biển (6).
Đầu thập niên 2010, dưới sự dẫn dắt của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định xây dựng các đặc khu. Giống như các Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế, xây dựng các đặc khu là một "chủ trương lớn" nữa của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Tháng 10 năm ngoái, ở kỳ họp lần thứ 4, các đại biểu của Quốc hội khóa 14 nghe chính phủ Việt Nam giới thiệu dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt". Giờ, ở kỳ họp lần thứ 5, theo tường thuật của báo giới Việt Nam, dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" chỉ còn chờ các đại biểu "bấm nút" biến dự luật thành luật.
Các đặc khu có phải là chiếc đũa thần, biến kinh tế - xã hội Việt Nam từ Lọ Lem thành công chúa ? Câu trả lời là không.
Ngày 18 tháng 5, tham gia hội thảo về "Đặc khu - Thể chế, Chính sách và Kỳ vọng thành công", một số chuyên gia ngoại quốc khuyến cáo, trên thế giới có hàng chục ngàn đặc khu nhưng chỉ có vài trường hợp thành công. Khi tường thuật về hội thảo này, một số tờ báo nhấn mạnh cảnh báo của ông Sebastian Eckardt, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế làm việc tại Chi nhánh Việt Nam của Ngân hàng Thế giới : Coi chừng ba đặc khu mà Việt Nam đang hăm hở thành lập sẽ tạo ra một cuộc đua lao xuống đáy (7) !
Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cũng không giấu diếm băn khoăn khi con đường mà Việt Nam chọn để gầy dựng đặc khu lệch hướng (đem các đặc quyền về sử dụng đất và ưu đãi về thuế để mời gọi đầu tư). Trong số này có bà Phạm Chi Lan. Bà Lan nhắc rằng, nếu ba đặc khu mới cùng hướng đến công nghệ cao, tại sao không chọn những nơi như Sài Gòn, Hà Nội vốn đang sẵn có nguồn nhân lực với kỹ năng cao, hạ tầng tốt mà lại chọn Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang ? Nếu thật tâm hướng đến công nghệ cao, tại sao không cải sửa các qui định để những Khu Công nghệ cao vốn đã có sẵn ở Sài Gòn, Hà Nội phát triển như mong muốn ? Không phải là đặc khu thì du lịch ở Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển, chuyển cả hai thành đặc khu, cho thêm hàng loạt ưu đãi về đất đai, thuế khóa liệu có thừa hay không ? Chưa kể tạo lập các casino ở đó – chọn casino như đột phá, vận động công nhận mại dâm là hoạt động hợp pháp, xem cờ bạc, mại dâm như đôi cánh để nâng du lịch Việt Nam lên thì có nên hay không (8) ?
Đáng ngạc nhiên là đại diện cho toàn dân để "quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước" nhưng khi thảo luận về dự luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt", không thấy đại biểu nào ở Quốc hội trăn trở trước những khuyến cáo, cảnh báo, gợi ý của các chuyên gia. Thảo luận về về dự luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" ở Quốc hội giống như thủ tục không thể không thực hiện trước khi "bấm nút", giống như các đại biểu tiền nhiệm đã từng "bấm nút" hỗ trợ cho các "chủ trương lớn" trong quá khứ : Bơm tối đa nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để tạo dựng nền tảng của "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Chi hàng trăm ngàn tỉ để "xây dựng nông thôn mới"…
***
Tuần vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, liên tục khẳng định với báo giới trong nước và quốc tế rằng, ba đặc khu kinh tế đang chờ các đại biểu Quốc hội "bấm nút", cấp khai sinh sẽ là "sân chơi mới". Tại đó, doanh giới sẽ được "ưu đãi mọi khía cạnh" : Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Được hưởng thuế suất 10% trong 30 năm. Riêng thu nhập từ đầu tư - kinh doanh bất động sản sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 17%...
Thật ra, những ưu đãi ấy đâu có mới. Có thể ông Dũng mắc chứng "suy giảm trí nhớ" nên quên là hệ thống công quyền Việt Nam từng dành những ưu đãi y hệt như thế cho… Formosa : Luật chỉ cho phép cho thuê đất 50 năm nhưng Formosa được thuê đất tới 70 năm. Từ năm thứ 16 Formosa mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (9).
Tháng 6 năm 2014, Formosa đề nghị cho phép lập "Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng" với Ban Quản lý "trực thuộc Văn phòng Chính phủ" (10). Formosa còn đề nghị : Thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu... Thậm chí "được cắt đất để bán cho khoảng 15.000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60.000 người nhằm xây dựng một thị trấn".
Bởi dân chúng, báo giới Việt Nam sôi lên vì giận, nhiều chuyên gia tại Việt Nam xúm vào phân tích – chứng minh các đề nghị của Formosa "không bình thường" và "không phù hợp với khung pháp luật của Việt Nam hiện nay", nên cuối cùng, chính phủ Việt Nam bác bỏ ý tưởng thành lập"Đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng" của Formosa.
Formosa nâng kinh tế - xã hội Việt Nam lên hay nhận kinh tế - xã hội Việt Nam chìm xuống sâu hơn thì câu trả lời đã có và còn ai không thấy, không biết ?
Chỉ cần vài ngày nữa, sau khi Quốc hội "bấm nút", dự luật về "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" sẽ trở thành luật, những "nhà đầu tư" giống như Formosa có thể hiên ngang bước tới vì "khung pháp luật của Việt Nam hiện nay" đã "phù hợp". Thảm họa cho an ninh kinh tế, an ninh tài chính, môi trường mà nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam âu lo vì khó tránh đâu có xảy ra lúc này. Đó là chuyện vài năm nữa. Lúc đó các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đều đã nghỉ hưu. Hơi đâu mà lo.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/05/2018
Chú thích :
(1) http://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/viet-nam-dang-danh-cuoc-lam-dac-khu-kinh-te-3324043/
(2) http://enternews.vn/18-khu-kinh-te-cua-viet-nam-da-duoc-quy-hoach-17481.html
(3) http://thuonggiaonline.vn/nhung-tinh-thanh-nao-nop-ngan-sach-cao-nhat-nuoc-5690.htm
(4) https://news.zing.vn/3-dac-khu-kinh-te-viet-nam-don-to-don-phuong-hoang-post752577.html
(5) https://www.tienphong.vn/kinh-te/bo-hoang-dat-vang-khu-cong-nghiep-1068011.tpo
(8)http://viet-studies.net/kinhte/DacKhuKinhTe_PCLan.html
(9) https://tuoitre.vn/lo-boacutep-chet-ngagravenh-theacutep-trong-nuoc-618010.htm
(10)http://www.thesaigontimes.vn/116684/Formosa-Ha-Tinh-doi-lap-dac-khu-Vung-Ang.html
********************
Dân Việt Nam lo ngại Luật cho ‘giao đất đến 99 năm’ ở các Đặc Khu (Người Việt, 24/05/2018)
Luật Đơn Vị Hành Chính-Kinh Tế Đặc Biệt (gọi tắt là Luật Đặc Khu) mở đường cho việc hình thành các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc dự trù được Quốc Hội cộng sản Việt Nam thông qua ngày 15 tháng Sáu tới.
Phú Quốc hiện là một trong những nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài nhất tại Việt Nam. (Hình : Thanh Niên)
Tuy vậy, công luận và mạng xã hội đã dấy lên nhiều quan ngại xoay quanh quy định "có thể giao đất đến 99 năm ở đặc khu" của dự luật này.
"Chúng ta đang sống ở đương đại, có thể đại diện cho thế hệ cách chúng ta 100 năm nữa không ? Các đặc khu này có địa điểm rất nhạy cảm, đặc biệt là Vân Đồn, nếu không cẩn thận thì nó sẽ trở thành địa điểm di dân", đại biểu Dương Trung Quốc được báo Tuổi Trẻ dẫn lời.
Theo quy định trong dự án Luật Đặc Khu, thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu "không quá 70 năm, tùy quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư" nhưng lại nêu ngoại lệ do thủ tướng quyết định với "thời hạn sử dụng đất dài hơn, nhưng không quá 99 năm".
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa được báo Pháp Luật ở Sài Gòn dẫn lời : "Tôi đề nghị bỏ hẳn thời hạn giao đất 99 năm, vì không có dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất".
"Theo tôi, thời hạn này ngang với ba, bốn thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến".
Nhiều ý kiến trên mạng xã hội bày tỏ quan ngại rủi ro của việc giao đất đến 99 năm ở đặc khu sẽ tăng hơn nhiều nếu rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc. Vì cả ba nơi dự trù trở thành các đặc khu đầu tiên của Việt Nam đều nằm ở những vị trí chiến lược.
Vân Đồn nằm ở vị trí cửa ngõ tiền tiêu, án ngữ vùng biển Đông Bắc của Việt Nam, trong khi vịnh Vân Phong là nơi rất gần các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Phú Quốc chỉ cách bờ biển Cambodia 26km, trong lúc Phnom Penh ngày càng bị Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng.
Không phải ngẫu nhiên mà trong bối cảnh Quốc Hội đang bàn Luật Đặc Khu, truyền thông "lề phải" được lệnh tuyên truyền về hiệu ứng của việc hình thành đặc khu.
Trung Tâm Tin Tức VTV24 của Đài Truyền Hình Quốc Gia Việt Nam hôm 18 tháng Năm phát đi bản tin, "Đặc khu kinh tế đã biến Singapore từ một quốc gia không có tài nguyên, thậm chí là phải nhập khẩu cả nước ngọt trở thành một con rồng Châu Á". Tuy vậy, bản tin này cố tình lờ đi chi tiết Singapore không phải là quốc gia có "kinh tế thị trường theo định hướng XHCN".
Dù đang có nhiều ý kiến phản biện trên mặt báo và mạng xã hội, nhưng nhiều phần trăm Quốc Hội vẫn nhất định bấm nút thông qua Luật Đặc Khu theo chỉ đạo của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam.
Luật Sư Trương Thanh Đức ở Hà Nội bình luận trên trang Facebook cá nhân : "Cái cần là tạo ra môi trường kinh doanh thật sự hấp dẫn, chứ không phải là phát huy ba thế mạnh casino, mại dâm và chủ yếu là giảm thuế má để gia tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Luật Đặc Khu vắng cái gốc, thiếu chất và mất hồn. Ba đặc khu thất bại hay thành công, không phải tại luật. Chỉ là sự dịch chuyển tiền nong từ biển vào sông, chứ không thấy có gì đột phá vượt trội tạo cơ hội mới phát triển kinh tế thế hệ 4.0". (T.K.)