Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên) là bằng chứng mới nhất, rõ nhất về việc Trung Quốc đã muốn thì phải chiều, bất kể chuyện chiều theo ý muốn của Trung Quốc nguy hại như thế nào cho vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, độc lập - tự chủ về kinh tế - xã hội và xa hơn nữa là chính trị…
Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên.
Để cảm nhận một cách rõ ràng "Trung Quốc đã muốn thì phải chiều" xin cùng xem lại sự kiện, ý kiến về việc có nên cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cách nay ba năm rưỡi…
***
Tháng 1 năm 2015, ngay sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân dân tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam, thông qua báo giới, mạng xã hội, doanh giới, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam đã đồng loạt phân tích - cảnh báo hàng loạt hậu quả theo sau việc chấp nhận đề nghị này.
Lúc ấy, một trong những người khuyến cáo chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không nên gật đầu với đề nghị cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Kiêm nhấn mạnh : Cho dù mối quan hệ giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất rộng nhưng vì sức cạnh tranh và khả năng quản lý thị trường của Việt Nam còn kém, việc từ chối hay cho phép sử dụng Yuan ở Việt Nam sẽ dẫn tới hệ quả là kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ít hay nhiều.
Khi được đề nghị bình luận về nhận định của ông Lê Đăng Doanh (một chuyên gia kinh tế - người cho rằng đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, vi phạm chủ quyền của Việt Nam), ông Kiêm cho rằng, chủ quyền của Việt Nam có bị xâm hại hay không là do Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh đã đủ lớn, hợp thức hóa việc sử dụng Yuan bằng các quy định mà có thể kiểm soát chặt chẽ thì sẽ bảo vệ được chủ quyền. Ngược lại, không giữ được độc lập về kinh tế, độc lập trong việc quản lý chính sách thì chủ quyền sẽ bị xâm hại (1).
Không chỉ có ông Doanh, ông Kiêm, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cũng tin rằng, chấp nhận sử dụng Yuan để thanh toán các giao dịch thương mại tại Việt Nam sẽ đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ đối mặt với hai nguy cơ : Gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam vì Yuan chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Mặt khác, nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, ở vị thế yếu hơn về thương mại, doanh giới Việt Nam sẽ phải vay Yuan từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về hàng hóa mà còn lệ thuộc cả về tài chính.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khẳng định nguyên tắc, thanh toán cho các giao dịch trên lãnh thổ của quốc gia nào phải sử dụng tiền tệ của quốc gia đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng làm đủ cách để loại bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tại sao lại có thể chấp nhận cho sử dụng Yuan trên lãnh thổ Việt Nam ( ?) (2). Tương tự, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế khác – ví von, nội tệ cũng như quốc kỳ, cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cũng như cho phép treo cờ Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam (3).
Bên ngoài Việt Nam, sau khi phân tích lợi – hại nếu chấp nhận đề nghị cho phép dùng Yuan thanh toán trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam mà phần bất lợi Việt Nam gánh hết, ông Vũ Quang Việt – một chuyên gia kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc – nhận định, không quốc gia nào muốn có nền kinh tế độc lập, lại xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng Yuan hay Mỹ kim. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.
Ông Việt đưa ra hàng loạt dẫn chứng từ thực tế (chẳng hạn cho phép mỗi người dân ở biên giới, mỗi ngày được mang lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hai triệu đồng vào Việt Nam), cáo buộc chính quyền Việt Nam đang tự cho phép mình mất chủ quyền về tiền tệ ở vùng biên giới, biến các tỉnh này thành vùng đầu tầu giúp Trung Quốc tấn công, xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ông Việt nêu thắc mắc, phải chăng những chính sách kiểu đó là lý do khiến Việt Nam không kiểm soát được hoạt động nhập cảng từ Trung Quốc cũng như chất lượng hàng nhập cảng từ Trung Quốc ?
Tiếp tục mở rộng theo đề nghị của phía Trung Quốc là mở rộng khả năng Yuan đuổi đồng nội tệ ra khỏi thị trường Việt Nam và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành nền kinh tế Việt Nam và chính trị ở Việt Nam. Ông Việt khuyên chính quyền Việt Nam nên xem lại chính sách tiền tệ và thương mại với Trung Quốc ở khu vực biên giới, thực hiện mậu dịch qua ngân hàng bằng đồng tiền chuyển đổi được trên thị trường thế giới, còn nếu không thì dựa trên việc thành lập qua ngân hàng một quĩ chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và Yuan, bên Việt Nam có thể mua hàng bằng đồng Việt và bên Trung Quốc có thể mua hàng bằng Yuan, phần còn lại được giải quyết bằng đồng chuyển đổi, đó mới là hợp tác nhằm có biện pháp phù hợp cân bằng thương mại giữa hai quốc gia (4).
Ngoài chuyện giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hồi tháng 1 năm 2015, báo giới Việt Nam còn dẫn ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc để chứng minh, chính họ cũng không mặn mà với đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc VINAMIT – một doanh nghiệp có nhiều đối tác thương mại ở Trung Quốc, cho biết, hầu hết hợp đồng giữa hai bên đều chọn ngoại tệ thứ ba là Mỹ kim làm phương tiện thanh toán. Nếu chuyển sang thanh toán bằng Yuan thì thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì phải trả thêm 0,5% phí chuyển đổi từ Mỹ kim sang Yuan. Ông Viên lưu ý, năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 29 tỉ Mỹ kim, cứ tính 0.5% khoản này sẽ thấy. Đó cũng là điều mà Giám đốc một ngân hàng thương mại chuyên mở L/C (thư tín dụng) cho các doanh nghiệp Việt Nam có giao thương với Trung Quốc bảo với tờ Thanh Niên rằng, bởi các giao dịch với Trung Quốc thường quy đổi thành Mỹ kim, giao dịch bằng Yuan chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các đồng tiền khác nên chắc chắn không doanh nghiệp Việt Nam nào mặn mà với ý tưởng dùng Yuan thanh toán thương mại…
Tháng 1 năm 2015, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, gọi đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) là một đề nghị kỳ quặc, phi lý, thiếu khả thi vì Yuan là loại tiền tệ mà Trung Quốc tìm mọi cách vẫn chưa thể quốc tế hóa và tất nhiên không thể chấp nhận vì gật đầu là chấp nhận bị khống chế, lệ thuộc (6)…
***
Tháng 1 năm 2015, ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR từng tỏ ra rất lạc quan trước đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC bởi đó chỉ là một đề nghị và đâu phải đề nghị nào cũng "hợp lý", "có hiểu biết". Chưa kể về mặt kỹ thuật, Việt Nam và Trung Quốc chưa có Hiệp định Hoán đổi tiền tệ (Swap Agreement), giao dịch trực tiếp của tư nhân trong thương mại tại biên giới là phạm pháp, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ lắc đầu, Ngân hàng Nhà nước không thể đồng ý. Cứ theo nhận định của ông Thành thì đề nghị đó không thể chấp nhận vì gật đầu sẽ giúp "hệ thống ngân hàng Trung Quốc bùng nổ tại Việt Nam". Nếu tỷ trọng vốn của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam lớn hơn sẽ "tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của Việt Nam".
Chưa kể với tỷ trọng thương mại chiếm 10% xuất khẩu và 25% nhập khẩu, rổ dự trữ thanh toán sẽ phải giảm tỷ trọng Mỹ kim và thêm vào đó tỷ trọng Yuan – làm phức tạp hơn cho quản lý trong bối cảnh trình độ quản lý tiền tệ của Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra sẽ không bao giờ dẹp được giao dịch trực tiếp qua biên mậu, và theo đó, những vấn đề như nhập siêu, quản lý chất lượng hàng hóa sẽ không thể cải thiện được…
Ông Thành quả là chủ quan, mà chẳng phải chỉ có ông Thành… Ba năm đủ để phân tích, khuyến cáo, cảnh báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam, góp ý của doanh giới hóa… bùn. Tháng 1 năm nay, chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP "Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới". Đúng tám tháng sau, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN "Hướng dẫn về Quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc", theo đó, sử dụng Yuan để thanh toán trực tiếp cho các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và ủy thác thanh toán qua hệ thống ngân hàng sẽ có hiệu lực vào tháng tới.
Hai tuần trước Quốc khánh lần thứ 73 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam công khai báo động về khả năng biểu tình vào dịp 2 tháng 9. Song song với khuyến cáo được phát cho từng gia đình, lực lượng vũ trang rùng rùng chuyển động – nhanh chóng bày ra quyết tâm đè bẹp, trừng trị thẳng tay tất cả các hành động phản kháng ôn hòa. Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi quốc gia thống nhất, Quốc khánh của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trôi qua trong tình trạng các lực lượng vũ trang" được đặt vào tình huống "sẵn sàng chiến đấu" trên toàn lãnh thổ.
Có một điểm mà tới giờ này, những người quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam vẫn chưa tìm được câu trả lời cho thắc mắc : Hệ thống công quyền Việt Nam dựa vào đâu để dự đoán sẽ có biểu tình trên diện rộng vào dịp Quốc khánh ? Nếu xem mạng xã hội là một thứ phong vũ biểu và so diễn biến trên mạng xã hội trong nửa đầu tháng 6 năm nay (thời điểm hệ thống chính trị Việt Nam thúc ép Quốc hội Việt Nam thông qua luật đặc khu) với nửa cuối tháng 8 vừa qua thì rõ ràng những dấu hiệu cho thấy khả năng bùng phát biểu tình, bạo động trên diện rộng vào dịp Quốc khánh rất mờ nhạt. Liệu chuỗi hành động báo động – quảng bá quyết tâm – biểu diễn năng lực trấn áp của hệ thống công quyền Việt Nam có liên quan đến Thông tư 19/2018/TT-NHNN không, khi "răn đe" vẫn được xem như một giải pháp hữu hiệu để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Cách nay ba năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/09/2018
Chú thích
(4) https://www.diendan.org/viet-nam/thanh-toan-bang-nhan-dan-te-o-noi-dia-viet-nam
(5) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info
(6) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info
Bài "Chia nhỏ, đổi tên dự án để xây trung tâm hành chính ngàn tỉ ?" trên tờ Thanh Niên số ra ngày 3 tháng 9 rất ngắn nhưng lại khắc họa rất rõ nét diện mạo – khả năng "kiến tạo" của chính phủ…
"Công trình Trung tâm Hội nghị và Quảng trường" thật ra là một phần của "công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương".
Theo bài viết vừa dẫn thì chính quyền tỉnh Hải Dương vừa đề nghị Thủ tướng Việt Nam cho "điều chỉnh hình thức đầu tư của công trình Trung tâm Hội nghị và Quảng trường". Người ta phát giác "công trình Trung tâm Hội nghị và Quảng trường" là một phần của "công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương".
Năm 2014, chính quyền tỉnh Hải Dương đệ trình kế hoạch thực hiện "công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương" (bao gồm : Trung tâm Hội nghị, Quảng trường, trụ sở của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ngành của Hải Dương), tổng vốn đầu tư là 2.600 tỉ đồng. Khoản tiền khổng lồ này sẽ được gom lại từ việc bán công thổ, công thự và chính phủ rút công khố giúp chính quyền tỉnh Hải Dương bù cho đủ.
Xây dựng các "trung tâm hành chính" vốn là một thứ dịch tại Việt Nam. Thay vì bận tâm về việc làm sao phát triển địa phương theo đúng nghĩa của hai từ này thì chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam chỉ chú ý đến chuyện làm sao để "trung tâm hành chính" của mình to, đẹp hơn các tỉnh, thành phố khác.
Với lý do gom tất cả cơ quan công quyền về một chỗ sẽ "tạo sự thuận lợi cho dân chúng khi cần giao dịch hành chính", ngân khố Việt Nam đã chi cả trăm ngàn tỉ cho các "trung tâm hành chính" : Sau khi chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chi 1.000 tỉ xây "trung tâm hành chính" ở thành phố Bà Rịa, chính quyền tỉnh Bình Dương chi 1.400 tỉ xây "trung tâm hành chính" ở thành phố mới Bình Dương. Bởi chính quyền thành phố Đà Nẵng nâng mức chi tiêu cho "trung tâm hành chính" của thành phố Đà Nẵng lên 2.000 tỉ nên chính quyền tỉnh Đồng Nai chi 2.200 tỉ cho việc xây dựng một "trung tâm hành chính" ở thành phố Biên Hòa. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa muốn phá kỷ lục nên nâng mức chi tiêu cho "trung tâm hành chính" ở thành phố Nha Trang lên 3.000 tỉ,…
Phong trào xây dựng các "trung tâm hành chính", "quảng trường", tượng đài", "cổng chào", "tháp biểu tượng"… phát triển không ngưng nghỉ thành ra năm ngoái, lúc Văn phòng Chính phủ Việt Nam công bố "kế hoạch vay - trả nợ 2017", thiên hạ không ngạc nhiên khi chính phủ dùng tới 316.300 tỉ đồng/342.060 tỉ mà Việt Nam dự trù hỏi vay (243.300 tỉ đồng vay các nguồn trong nước và vay thêm của các quốc gia khác 98.760 tỉ đồng) để "cân đối ngân sách". "Cân đối ngân sách" là bù đắp bội chi (172.300 tỉ đồng) và trả nợ gốc (144.000 tỷ đồng) !
Cần lưu ý rằng, do thu không đủ chi, phải liên tục vay mượn để chi nên hồi tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc chính quyền trung ương, tạm ngưng xây dựng các "trung tâm hành chính". Chính quyền tỉnh Hải Dương không cam tâm nên tìm đủ mọi cách thực hiện cho bằng được "công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương" : Chẻ công trình thành nhiều phần, đặt tên mới cho từng phần ("Trung tâm Hội nghị và Quảng trường" được tách ra khỏi "công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương" để trở thành "Trung tâm Văn hóa xứ Đông"), tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất dự án Ecoriver (Khu Đô thị ven sông Thái Bình) thu về để đó 850 tỉ đồng rồi xin thực hiện "Trung tâm Văn hóa xứ Đông" (1)…
Nhìn một cách tổng quát, chính quyền tỉnh Hài Dương không chỉ bất tuân thượng lệnh mà còn sắp đặt kế hoạch để gạt thượng cấp… Cứ như tường thuật của tờ Thanh Niên thì chính quyền tỉnh Hài Dương không qua mặt được Bộ Xây dựng và thay mặt chính phủ Việt Nam, bộ này chỉ yêu cầu chính quyền tỉnh Hải Dương giải thích tường tận tại sao phân kỳ xây dựng "công trình Trung tâm Hành chính tỉnh Hải Dương", đồng thời nhắc nhở chủ trương chung rằng tạm thời, không được dùng công quỹ để xây các "trung tâm hành chính" rồi… thôi !
***
Đâu chỉ có chính quyền tỉnh Hải Dương !
Lệnh tạm ngưng xây dựng các "trung tâm hành chính" được ban hành hồi tháng 11 năm 2015 nhưng trong hai năm 2016, 2017, chính quyền các tỉnh Long An (2), Vĩnh Long (3), Thanh Hóa (4)… vẫn thi nhau bán công thổ, công thự để hoàn thiện các "trung tâm hành chính" kèm biện bạch theo kiểu "chủ động, tự cân đối nguồn vốn" chỉ xin hỗ trợ một phần từ công quỹ.
Cận cảnh cổng chào 198 tỷ bằng sắt ở Quảng Ninh gây phẫn nộ trong dư luận. Ảnh : Youtube
Từ lúc nào công thổ, công thự không được xem là công sản thành ra không cần tiết kiệm, "chủ động" bán bao nhiêu để "tự cân đối" cũng được ? Còn có quốc gia nào khác dưới gầm Trời này, lệnh từ chính phủ là một chuyện, chính quyền các cấp có thực thi hay không lại là chuyện khác, cả giới có thẩm quyền ra lệnh lẫn giới có nghĩa vụ thừa hành cùng xem không tuân thủ là bình thường, chẳng có gì đáng phải bận tâm ?
Không thấy cấp nào, chẳng có ngành nào "chủ động, tự cân đối nguồn vốn" cải tạo, xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh, vẫn chỉ là hệ thống công quyền từ trên xuống dưới tìm đủ mọi cách giành giựt, gạt lẫn nhau để dựng lên những "trung tâm hành chính", "quảng trường", tượng đài", "cổng chào", "tháp biểu tượng",…to hơn, tốn kém nhiều hơn. "Tiết kiệm, chống lãng phí" vẫn chỉ là khẩu hiệu, chẳng ai bảo được ai, chẳng thấy viên chức nào âu lo khi nợ nần chồng chất, nội lực quốc gia suy kiệt. "Chính phủ kiến tạo" vận hành theo kiểu như thế thì sẽ kiến tạo ra thứ gì ? Nhà mồ chăng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/09/2018
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/chia-nho-doi-ten-du-an-de-xay-trung-tam-hanh-chinh-ngan-ti-999505.html
(2) https://www.nguoiduatin.vn/tai-sao-thu-tuong-chi-dao-dung-trung-tam-hanh-chinh-van-moc-a243009.html
Lục quân Hoa Kỳ vừa thông báo họ tiếp tục tìm kiếm các loại vũ khí cá nhân phù hợp với nhu cầu quốc phòng cả ở hiện tại lẫn tương lai. Cho đến giờ này đã có sáu công ty tham gia chào hàng và đặc điểm sản phẩm của từng công ty được giới thiệu công khai để bất kỳ ai quan tâm đến cũng có thể tham khảo (1).
Biệt động quân Hoa Kỳ công khai bày tỏ sự không hài lòng cả về trọng lượng của XM25 lẫn tính năng của nó - Ảnh iatranshumanisme.com
Tuần trước, Lục quân Hoa Kỳ thông báo hủy bỏ kế hoạch sản xuất hàng loạt - trang bị XM 25 cho bộ binh. Đây là loại súng phóng lựu từng được ví von là "The Punisher" (Kẻ trừng phạt). Kế hoạch phát triển XM25 - loại súng phóng lựu mới được triển khai từ năm 2000, kéo dài trong mười năm và bắt đầu được đem ra thử nghiệm vào năm 2010. Trong ba năm từ 2011 đến 2013, khi thử dùng XM25, quân nhân Hoa Kỳ phát giác, thỉnh thoảng loại súng phóng lựu này bị trục trặc kỹ thuật (thống kê thử nghiệm xác định, XM25 bị kẹt đạn ít nhất là… ba lần/ba năm). Biệt động quân Hoa Kỳ (US Army Ranger) – một trong những lực lượng được giao thử nghiệm XM25 – công khai bày tỏ sự không hài lòng cả về trọng lượng của XM25 lẫn tính năng của nó (2). Vậy là xong…
Với quân đội Hoa Kỳ, kế hoạch nghiên cứu – phát triển hoặc mua sắm để trang bị các loại phương tiện quân sự, từ mũ, giày, quần áo, vũ khí cá nhân đến những thứ mà mỗi món trị giá nhiều triệu Mỹ kim (như các loại tàu chiến, chiến đấu cơ) không những được loan báo công khai mà còn được cập nhật chi tiết về tiến trình thử nghiệm, đấu thầu, tính năng mới, nhược điểm... Quan tâm, muốn biết, cứ vào Internet mà search, thông tin loại này nhiều như lá mùa thu. Bí mật quốc gia – tất nhiên là có và được bảo vệ chặt chẽ - nhưng minh bạch để ai cũng có thể theo dõi, giám sát, bình phẩm, so sánh thiệt hơn luôn là tiêu chí để loại trừ yếu tố nhân danh nhằm trục lợi. Chẳng riêng quân đội Hoa Kỳ, quân đội nhiều quốc gia khác cũng thế.
Cũng tuần trước, quân đội Hoa Kỳ loan báo vừa "tạm đình chỉ công tác" Thiếu tướng Paul Hurley – Chỉ huy Trung tâm Phối hợp và hỗ trợ quân cụ của Lục quân Hoa Kỳ (3). Tướng Hurley bị "tạm đình chỉ công tác" vì dính líu đến một vụ bê bối nào đó mà quân đội Hoa Kỳ đang điều tra và chưa công bố chi tiết.
Nếu chịu khó theo dõi tin tức liên quan đến quân đội Hoa Kỳ, chuyện ông tướng nào đó, rơi vào tình huống như tướng Harley rồi bị "tạm đình chỉ công tác" bởi quân đội không đủ tin vào khả năng lãnh đạo của ông tướng có dấu hiệu liên quan đến một hoặc một số bê bối là rất bình thường. Thỉnh thoảng vẫn có các ông tướng của lục quân, không quân, hải quân Hoa Kỳ bị giáng cấp, bị tống vào tù, bị loại ngũ vì đủ thứ lỗi, trong đó có những lỗi dễ làm nhiều người Việt ngạc nhiên, chẳng hạn dùng tiền của chính phủ để mua vé máy bay, trả tiền thuê phòng khách sạn cho bồ nhí, ngoại tình, quan hệ tình dục với thuộc cấp. Có những ông tướng vốn là ngôi sao cả trong quân đội lẫn chính trường như David Petraeus (cựu Tư lệnh nhiều Bộ Chỉ huy đặc nhiệm, Bộ Chỉ huy khu vực của quân đội Hoa Kỳ, cựu Tư lệnh Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Trung Đông,…), từng được ông Obama chọn làm Giám đốc CIA, ông Trump dự trù chọn làm Ngoại trưởng – cũng phải thoái bộ (từ chức), nhận tội ngoại tình với người viết hồi ký của mình và vui miệng tiết lộ một số thông tin thuộc loại "mật", rồi lui về ở ẩn (4).
Chẳng riêng Hoa Kỳ, nhiều quốc gia cũng thế : "Công bằng, dân chủ, văn minh" là "công – tội rạch ròi", thường dân hay viên chức cao cấp, tướng bao nhiêu sao cũng phải chịu trách nhiệm, phải trả giá nếu bất xứng, vi phạm luật pháp, không thể có "đặc ân" cho giới nào và khoan nhượng cho bất kỳ cá nhân nào.
***
Tuần này, tại Việt Nam, tin mới nhất liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ "nhôm") là công an Việt Nam đã khởi tố ông Hoàng Hữu Châu vì lừa Vũ "nhôm" về chuyện sẽ làm "hộ chiếu Hoa Kỳ" giúp Vũ "nhôm" trở thành công dân Hoa Kỳ để chiếm đoạt hàng trăm ngàn Mỹ kim (5).
Nhìn một cách tổng quát, cho đến giờ này, chuyện đem tấm áo "an ninh quốc gia" cho Vũ "nhôm" khoác để thâu tóm công thổ, công thự trên toàn quốc biến thành tài sản riêng, chia chác với nhiều cá nhân đã và có lẽ sẽ chỉ có Vũ "nhôm" và ông Phan Hữu Tuấn (Trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an) bị trừng phạt (Vũ "nhôm" bị phạt 9 năm tù, ông Tuấn bị phạt 7 năm tù).
Những ông tướng công an khác như : Thượng tướng Trần Việt Tân (cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Thứ trưởng Công an), Trung tướng Bùi Văn Thành (cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Thứ trưởng Công an đặc trách Tổng cục Hậu cần và kỹ thuật của Bộ Công an), Trung tướng Lê Văn Minh (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần và kỹ thuật), Trung tướng Bùi Xuân Sơn, (cựu Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần và kỹ thuật), Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên (Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần và kỹ thuật), Trung tướng Ksor Nham (Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần và kỹ thuật), Trung tướng Vũ Thuật (cựu Phó Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ Công an trung ương, cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần và kỹ thuật) đã thoát nạn. Xử lý hành chính và áp dụng kỷ luật Đảng trên các ông tướng này được xem như hết sức thỏa đáng để họ ung dung hưởng nhàn.
Máy bay huấn luyện của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018. Photo Zing.vn
Hơn một tháng đã trôi qua kể từ ngày chiến đấu cơ loại Su-22U, số hiệu 8551, rớt ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Cho dù có nhiều thông tin gây nghi ngại : Dường như chiến đấu cơ số hiệu 8551 nằm trong lô Su-22U cũ mà Việt Nam mua lại từ một số quốc gia ở Đông Âu, sau đó chuyển cho Ukraine "nâng cấp", chuyển đổi mục đích sử dụng (theo thiết kế Su-22U chỉ thực hiện các nhiệm vụ trên đất liền, "nâng cấp" nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên biển) (5) và các công ty ở Ukraine tham gia "nâng cấp" lô Su-22U - trong đó có chiến đấu cơ số hiệu 8551 - cho Việt Nam đều thuộc loại không đủ năng lực để thực hiện công việc "nâng cấp" (6) nhưng Quân chủng Phòng không – Không quân và Bộ Quốc phòng vẫn làm thinh. Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ áp dụng triệt để "tam không" (không nghe, không thấy, không nói).
Giống như Bộ Công an Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng dùng tấm áo "bí mật quốc phòng" để khoác lên tất cả các thương vụ mua sắm phương tiện quân sự, kể cả trao tấm áo ấy cho những cá nhân như Đinh Ngọc Hệ (tự "Út trọc") sử dụng theo kiểu y hệt Vũ "nhôm". Trong scandal "Út trọc", chỉ có Đại tá Bùi Văn Tiệp (cựu Tư lệnh Sư đoàn 367 Phòng không - Không quân) phải hầu Tòa nhưng được hưởng án treo. Hai ông tướng (Thượng tướng Phương Minh Hòa, cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân) cũng chỉ bị xử lý hành chính và áp dụng kỷ luật Đảng như bảy ông tướng công an.
Dù đã có rất nhiều bài học nhãn tiền về hậu quả và các scandal "Út trọc", Vũ "nhôm" chỉ là những ví dụ gần nhất, những tấm áo "bí mật quốc phòng", "an ninh quốc gia", "bảo vệ uy tín quân đội", "bảo vệ uy tín công an" vẫn chưa mất giá. Cho dù các kế hoạch mua sắm phương tiện – thiết bị an ninh, quốc phòng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã và sẽ còn được hệ thống truyền thông quốc tế công bố rộng rãi, bàn luận rôm rả, chuyện nhân danh quốc phòng, an ninh, sử dụng công thổ, công sản để trục lợi vẫn diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật thì dân chúng Việt Nam vẫn là đối tượng không được quyền biết, quyền bàn, quyền kiểm tra và nêu ý kiến.
Chẳng lẽ giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa nhận ra rằng, cho phép công an, quân đội trùm "bí mật quốc gia" lên những hoạt động "an ninh", "quốc phòng" nhằm tạo ra đặc quyền, thu đoạt đặc lợi là cách nhanh nhất để thủ tiêu niềm tin, bào cho sạch nội lực thực sự về an ninh, quốc phòng ?
Sau hàng loạt tai nạn không bao giờ truy tìm – xác định căn nguyên thực liên quan đến các phương tiện bay quân sự, còn bao nhiêu phi công của Không quân nhân dân Việt Nam yên tâm khi cần điều khiển thứ mà nhiều người ví von là những "quan tài bay" do rơi rụng quá nhiều ? Tập luyện đã đầy rủi ro bất khả loại trừ như vậy, lúc thực chiến thì sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/08/2018
Chú thích
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/David_Petraeus
(6) https://www.voatiengviet.com/a/chien-dau-co-viet-nam-gap-nan-vi-nang-cap-kem-o-ukraine/4515464.html
Giống như Tây Nam bộ (đồng bằng sông Cửu Long), địa hình, địa mạo Đông Nam bộ tiếp tục biến dạng, vỡ nát vì khai thác cát. Trong loạt bài mô tả tình trạng tuyệt vọng của sông Đồng Nai, phóng viên tờ Người Lao Động kể rằng, tình trạng sạt lở không thể ngăn chặn được đã trở thành đại họa thường trực, đe dọa dân chúng cư ngụ dọc sông Đồng Nai, suốt từ Cát Tiên – Lâm Đồng (thượng nguồn) đến Tân Uyên – Bình Dương (hạ du). Chẳng riêng vườn tược, nhà cửa mà chợ cũng sụp xuống sông. Dòng sông hiền hòa, nguồn cung ứng nước cho các cộng đồng dân cư rộng lớn, bao gồm cả Sài Gòn đang quẫy đạp trong cơn hấp hối. Nguyên nhân chính là do khai thác cát tràn lan, vô tội vạ, dòng chảy biến đổi, cộng thêm với tác động của thủy điện và sản xuất công nghiệp.
Khai thác cát lậu làm "biến mất" 42 ha đất ven sông Đồng Nai - Hình minh họa.
Nguyên nhân đó đã được xác định cách nay chừng… 20 năm nhưng nước thải công nghiệp vẫn đổ thẳng vào sông, giấy phép xây dựng các công trình thủy điện, giấy phép khai thác cát vẫn được hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương tung ra như bươm bướm. Không tìm được tấm áo "nạo vét, tận thu" thì khai thác lậu. Về lý thuyết, lậu là bất hợp pháp, với sông Đồng Nai, lậu đồng nghĩa với hủy diệt môi sinh, môi trường sống nhưng hệ thống công quyền không hành động mà chỉ than… "quá khó" (1).
***
Các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam từng liên tục nhắc nhở, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ nhưng tại Việt Nam, giới hữu trách từ trung ương đến địa phương vẫn thi nhau ký - cấp giấy phép hoặc "thỏa thuận miệng" cho một số doanh nghiệp khai thác cát.
Theo sau những tờ giấy phép do hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương thi nhau ký – cấp là tình trạng sạt lở ở ven suối, ven sông, bờ biển xảy ra khắp nơi. Bởi khai thác cát – sạt lở còn hủy hoại tài sản và hủy diệt sinh kế của dân chúng, hàng trăm cuộc biểu tình, một số biến thành bạo động suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam vẫn không làm những viên chức hữu trách run tay.
Phần lớn cát đã khai thác được xuất cảng với giá rẻ mạt. Theo các số liệu do Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, từ 2007 đến 2016, Việt Nam đã xuất cảng 67 triệu mét khối cát. Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối. Do bị các chuyên gia và dân chúng chỉ trích kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát.
Đến năm 2013, Bộ Xây dựng Việt Nam tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán : Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền "khai thông, nạo vét luồng lạch" rồi được "tận thu, xuất cảng" cái gọi là "cát nhiễm mặn" để trang trải chi phí. Bộ Xây dựng Việt Nam gọi con đường mới này là "xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải" !
Dẫn đầu "xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải" là Bộ Quốc phòng Việt Nam. Kế đó là chính quyền 11 tỉnh ven biển : Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Tính đến đầu năm ngoái, các chủ đầu tư bao gồm Bộ Quốc phòng và chính quyền 11 tỉnh đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.
Từ 2013 đến cuối năm 2016, Việt Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn sang Singapore. Từ 1960 Singapore liên tục mua cát ở khắp nơi trên thế giới để bồi đắp, mở rộng diện tích lãnh thổ của họ. Đến nay, diện tích lãnh thổ của Singapore đã tăng thêm 24%, phần lớn nhờ cát mua từ Việt Nam. Việt Nam mất bao nhiêu phần trăm diện tích do khai thác cát ? Không có số liệu chung về sạt lở nhưng chắc chắn con số đó hết sức kinh khủng. Theo một vài thống kê đã được công bố thì gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mất năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển. Với tốc độ sạt lở như hiên nay, người ta ước đoán sau vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ biến mất.
Đầu năm 2017, tờ Tuổi Trẻ công bố một loạt phóng sự điều tra về khai thác – xuất cảng cát sang Singapore. Theo đó, trên các hợp đồng xuất cảng, giá bán cát chỉ từ 80 cents đến 1,3 Mỹ kim/khối, trong khi giá bán trên thực tế là hơn 4 Mỹ kim/khối. Nói cách khác, Việt Nam không chỉ mất tài nguyên, lãnh thổ rỗng ruột mà chẳng thu được bao nhiêu từ thuế xuất cảng cát bởi trên giấy tờ, giá bán cát xuất cảng quá thấp.
Do tác động của dư luận, sau loạt phóng sự điều tra vừa kể, tháng 3 năm 2017, chính phủ Việt Nam triệu tập một cuộc họp bất thường và chỉ đạo tạm dừng cấp giấy phép xuất cảng cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hóa để bù đắp chi phí nạo vét, duy tu các thủy đạo, gia tăng kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chẳng biết có phải các dự án "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" để xuất cảng sang Singapore với khối lượng lớn đều thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam (chủ nhiều quân cảng) hay không mà scandal trốn thuế, có đầy đủ dấu hiệu tổ chức buôn lậu tài nguyên, hủy diệt môi sinh, môi trường, đã được tờ Tuổi Trẻ tường trình cụ thể, chìm nghỉm. Tác động duy nhất của loạt phóng sự điều tra tưởng như sẽ bắc một cây cầu, đưa nhiều viên chức, "doanh nhân khả úy" ra vành móng ngựa chỉ là lệnh tạm dừng xuất cảng cát nhiễm mặn rồi… thôi.
***
Bởi cát gắn chặt với các công trình, chẳng riêng các chuyên gia mà một số doanh nghiệp tại Việt Nam bắt đầu đề cập đến việc xử lý cát nhiễm mặn, theo họ, nếu phải "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" thì con đường tốt nhất là tận dụng cát nhiễm mặn để thỏa mãn nhu cầu trong nước (san lấp, thay cát sông làm vật liệu xây dựng) (2). Thậm chí có những chuyên gia bỏ thời gian phân tích sâu để chứng minh cát biển quý hơn vì tốt hơn, đa dụng hơn, rẻ hơn cát sông (3). Tận dụng cát nhiễm mặn từ những dự án "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" sẽ giải quyết được chuỗi vấn đề đang là vấn nạn mà các viên chức hữu trách ở Việt Nam vẫn than là không có hướng ra : Không khai thác cát thì thiếu vật liệu xây dựng cần thiết, giá cát tăng, phải nhập cảng cát. Khai thác cát thì sạt lở còn xuất cảng cát rõ ràng chỉ mất tài nguyên, ngân sách chẳng thêm được bao nhiêu chưa kể di họa cho môi sinh, môi trường.
Tin mới nhất là sau một năm rưỡi im hơi lặng tiếng, Bộ Quốc phòng Việt Nam vừa đề nghị Thủ tướng Việt Nam cho phép bộ này tiếp tục thực hiện ba dự án "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" theo "cơ chế đặc thù cá biệt". Cụ thể là những doanh nghiệp được chọn "nạo vét luồng vào các cảng quân sự tại Cam Ranh và Phú Quốc" xong thì được xuất cảng 25 triệu khối cát nhiễm mặn. Cần lưu ý rằng tiếng là "xin chủ trương" nhưng công văn của Bộ Quốc phòng có tính chất giống như một "tối hậu thư" : Thủ tướng lắc đầu thì chính phủ phải chi 6.000 tỉ đồng, gật đầu thì không mất 6.000 tỉ và có thêm 656 tỉ tiền thuế ! Giống như trước, với Bộ Quốc phòng, "xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải" mà không cần tổ chức đua tranh, lằng nhằng trong việc lựa chọn nhà thầu, chưa cần biết Thủ tướng gật hay lắc, doanh nghiệp đã được Bộ Quốc phòng tín nhiệm có thể chủ động tìm kiếm đối tác, thương lượng hợp đồng – định giá mua bán, thay luôn cả hệ thống công quyền xác định nghĩa vụ thuế chính xác đến… hàng đơn vị (656.077.911.360 đồng) (4).
Các dự án "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" mà Vùng 5 Hải quân làm chủ đầu tư từng là nguyên nhân khiến chính quyền tỉnh Kiên Giang phản đối kịch liệt việc móc hàng triệu khối cát quanh đảo Phú Quốc xuất cảng sang Singapore, trong khi các công trình xây dựng trên đảo này phải chở cát từ đất liền ra. Đó cũng là nguyên nhân kích thích tờ Tuổi Trẻ thực hiện loạt phóng sự điều tra vạch trần những lắt léo liên quan đến "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" hồi đầu năm ngoái.
Còn các dự án "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" mà Vùng 4 Hải quân làm chủ đầu tư ở Cam Ranh, Khánh Hòa thì từng đẩy dân chúng thị xã Cam Ranh đổ ra quốc lộ 1 biểu tình vì tôm, cá nuôi tại các ao quanh đầm Thủy Triều chết sạch trong khi việc bồi thường và hỗ trợ di dời thì lại không thỏa đáng. Cuộc biểu tình khiến quốc lộ 1 bị nghẽn ba ngày hồi tháng 4 năm 2015 ấy đã bùng phát trở lại hồi tháng 9 năm 2015. Lần này có hai trong số 60 ghe, xuồng của dân chúng phường Cam Phúc Bắc tham gia ngăn chặn việc "khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn" bị tàu của Vùng 4 Hải quân đâm chìm và hàng chục người bị bắt, bị phạt tù vì "gây rối trật tự công cộng", cản trở việc thực hiện một… "dự án quốc phòng" !
Theo Bộ Quốc phòng, do "tác động mạnh của biến đổi khí hậu", lối ra vào các quân cảng của các chiến hạm, thủy phi cơ không còn an toàn, nạo vét – khơi thông các thủy đạo là "cần thiết và cấp bách". Bộ Quốc phòng chưa cho biết sự "cần thiết và cấp bách" ấy nhằm bảo đảm cho các chiến hạm, thủy phi cơ tiếp tục quay mũi vào bờ hay hướng ra biển Đông.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/08/2018
Chú thích :
(2) https://www.thesaigontimes.vn/td/276346/dung-tao-tien-le-co-che-dac-thu-ca-biet-voi-cat-.html
(3) https://www.thesaigontimes.vn/td/276682/cat-bien-quy-hon-cat-song.html
Cách nay bốn năm, vào ngày 27 tháng 7 năm 2015, cô Trần Thị Thủy viết một lá thư cảm tạ những người tổ chức cầu siêu cho cha của cô – mất trước đó 27 năm. Xin lược trích một số câu, đoạn trong thư (1) :
…Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học trưởng thành…
…Dịp này, lần đầu tiên không chỉ gia đình con mà còn 63 gia đình khác được công khai khóc cho những người chồng, người cha mà không sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào...
Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cùng duyệt binh tháng 6/2017 tại Hà Nội - Ảnh minh họa
Cha cô Thủy là ai ? Phải chăng ông từng phạm những tội thuộc loại "đại nghịch bất đạo", thành ra thân nhân không chỉ sống vất vưởng, khốn khổ, khốn nạn mà còn không dám than khóc công khai ?
Nếu bảo rằng cha cô Thủy – ông Trần Văn Phương là Thiếu úy Hải quân nhân dân Việt Nam, một trong số 64 người lính Việt Nam chỉ vì dám minh định chủ quyền của Việt Nam tại bãi đá Gạc Ma mà bị Trung Quốc biến thành những tấm bia sống, tuần tự hạ gục từng người trong ngày 14 tháng 3 năm 1988. Sau khi đền nợ nước được vinh thăng Trung úy, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – thì có ai cảm thấy não lòng và hoang mang, phẫn nộ không ?
***
Cho đến giờ, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News và những người tham gia biên soạn - phát hành cuốn sách "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" vẫn chưa được yên thân.
Dường như cuộc tấn công trên mạng xã hội không tạo ra được tác dụng cần thiết, thậm chí là phản tác dụng nên hai ông tướng đã nghỉ hưu (Nguyễn Thanh Tuấn – Trung tướng, cựu Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng và Hoàng Kiền – Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Binh chủng Công binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) vừa mở một mặt trận nữa trên hệ thống truyền thông chính thức (Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh các số 511, 512 phát hành vào các ngày 16 tháng 8 năm 2018 và 23 tháng 8 năm 2018) (2).
Trên hai số báo đã dẫn, tướng Tuấn và tướng Kiền nhân danh "tuyệt đại cựu chiến binh, tuyệt đại cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước", đề nghị : Kiểm điểm Hội đồng Thẩm định bản thảo, kiểm điểm – xử lý Nhà Xuất bản Văn học – nơi chịu trách nhiệm xuất bản và những tập thể, cá nhân liên quan đến "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử", thu hồi – tiêu hủy ấn phẩm này vì "sai sót cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta".
***
Cần nhắc lại rằng chuyện Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt - First News tổ chức phát hành cuốn sách "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" đã trở thành một sự kiện đặc biệt trong sinh hoạt chính trị - xã hội ở Việt Nam hồi đầu tháng bảy.
Việc xuất bản - phát hành cuốn sách khổ 16 cm x 24 cm với 328 trang trở thành sự kiện đặc biệt vì tính chất và số phận gian truân của nó !
Trong vòng bốn năm (2014 – 2018), bản thảo "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" do First News thực hiện được chuyển lòng vòng qua… 13 nhà xuất bản. Chỉ đến khi một hội đồng cấp quốc gia do chính quyền Việt Nam thành lập nhằm thẩm định nội dung của riêng "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) (3) !
Nhiều người đã từng thắc mắc, có cái… quái gì trong "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" khiến giới làm sách tại Việt Nam phải thận trọng, nhìn trước, ngó sau kỹ lưỡng như vậy và các viên chức hữu trách trong hệ thông công quyền Việt Nam phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần trước khi đồng ý để "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" trở thành một ấn phẩm chính thức ?
Tất nhiên là có ! "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Đào Văn Lừng), một Đại biểu Quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị xem là "những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng"...
***
27 năm sau vụ thảm sát Gạc Ma, lần đầu tiên có một Đại lễ Tưởng niệm và Cầu siêu cho 64 người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắn hạ vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, trong Thư ngỏ gửi mọi người, cô Thủy viết :
Con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người… 27 năm không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng không ngắn đối với gia đình chúng con, những gia đình mất đi người thân, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được. 27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá. Cho tới ngày hôm nay được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sĩ khác.
Trong thư, cô Thủy kể thêm, cha cô bị giết năm 1988 nhưng đến 2009 mẹ cô "nhiều lần ngược xuôi làm giấy tờ, thủ tục thì mới được hưởng trợ cấp".
Cô tâm sự thêm :
Trước nữa, nhắc đến sự kiện 14 tháng 3 năm 1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ "láng giềng tốt đẹp" giữa mình và một quốc gia đang tâm cướp đi sinh mạng người thân của chúng con… Tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng ? Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì ? Cũng không có gì thay đổi, vẫn là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng, táo tợn của những kẻ bộc lộ rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta, làm hại người dân của ta.
***
Thư của người phụ nữ chưa bao giờ được cha bồng ẵm vì ông bị giết khi cô còn đang trong bụng mẹ còn viết :
Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha, người mẹ của liệt sĩ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con…
Xin lỗi cô Thủy khi phải nhận định rằng cô đã sai ! Đến bây giờ, bốn năm sau khi cô viết Thư ngỏ đã dẫn, vẫn chưa có cái gọi là "được tự do nói đến" đâu cô Thủy ạ ! "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" chính là bằng chứng. Đâu chỉ có gia đình cô Thủy, 63 gia đình có thân nhân bị giết ở Gạc Ma và những cựu chiến binh may mắn sống sót gánh thảm cảnh ấy. Còn những người cha, người mẹ, người vợ, con, anh chị em, cháu,… những người lính khác đã bị giết ở biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và những cựu chiến binh may mắn sống sót trong những cuộc chiến vệ quốc ấy nữa. Không có thống kê nhưng con số phải tính bằng triệu.
Bất kể Trung Quốc thế nào, hành xử ra sao thì chủ quyền quốc gia, tương lai dân tộc vẫn không quan trọng bằng điều mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng quốc phòng, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam từng thay mặt giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam "quán triệt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" : Việt Nam và Trung Quốc có một "di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ". "Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một Đảng Cộng sản lãnh đạo" và "điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc", "chi phối cách ứng xử của hai nước", thành ra "nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Thế thôi !
Chính vì tin vào sự nhất quán về đường lối, chủ trương đó, tướng Tuấn, tướng Kiền, báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh mới liên tục đòi "chặt đầu, lột da" cho bằng được những tập thể, cá nhân liên quan tới tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử", kể cả đòi truy cứu trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – nơi đã thành lập một hội đồng chỉ để thẩm định nội dung của riêng "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/08/2018
Chú thích
(1) https://trithucvn.net/blog/goc-nhin-cuoc-song/lan-dau-duoc-khoc-cong-khai.html
(2) https://thienhasu2018.com/2018/08/27/gac-ma-vong-tron-bat-tu-chong-lai-the-luc-doi-thieu-huy/
(3) https://news.zing.vn/hang-tram-cau-chuyen-xuc-dong-o-gac-ma-vong-tron-bat-tu-post856588.html
(4) https://tinquansu.wordpress.com/2013/01/01/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc/#more-5977
Tin rất ngắn mà James Pearson viết cho Reuters và được hãng này chọn đăng hôm 24 tháng 8 hẳn đã làm hàng triệu người bật cười.
Theo đó, Bom Tấn (website chuyên giới thiệu phim mới để thỏa mãn nhu cầu của giới ghiền phim người Việt) đã buộc những người muốn xem "Diên Hy Công Lược" (bộ phim truyền hình 70 tập kể về hành trình Ngụy Anh Lạc – một tỳ nữ của Phú Sát Hoàng Hậu - vươn lên nắm lấy quyền bính trong Cấm Cung thời Càn Long) phải trả lời ba câu hỏi gọi là "xác minh quốc gia" (Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước nào ? Thủ đô Việt Nam là… ? Quốc ca Việt Nam là… ?).
Các bạn ơi, kia là Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta đó ! (Tranh vui - kenhvn)
Chuyện sẽ chẳng thành tin nếu như Bom Tấn không giới thiệu trước iQiyi (hệ thống trực tuyến độc quyền khai thác "Diên Hy Công Lược" tại Trung Quốc) hàng chục tập của bộ phim truyền hình này. Bởi sốt ruột muốn xem "Diên Hy Công Lược" trước khi các tập tuần tự được phát chính thức trên iQiyi, giới ghiền phim Trung Quốc tìm – vào - thậm chí chỉ nhau vào Bom Tấn và để có thể thỏa mãn nhu cầu của mình, tất cả cùng phải thừa nhận "Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Số công dân Trng Quốc tham gia công nhận "Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" hẳn là đông nên Bom Tấn trở thành nguồn gốc khiến Weibo – mạng xã hội của Trung Quốc – nổi sóng (1)...
Xét về bản chất, hành vi "sưu tầm và giới thiệu" bộ phim truyền hình "Diên Hy Công Lược" của Bom Tấn là một kiểu chôm chỉa, vi phạm các qui định nghiêm ngặt về tác quyền của quốc gia và quốc tế. Còn nếu xét về khía cạnh chính trị, hiệu quả từ việc Bom Tấn buộc khán giả phải trả lời ba câu hỏi "xác minh quốc gia" dường như vượt xa, hơn hẳn các tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhận thức – yêu cầu mà Bom Tấn đặt định để được… xem trộm "Diên Hy Công Lược" không chỉ khuấy động dư luận Trung Quốc mà còn gây ấn tượng rất mạnh đối với báo giới quốc tế và thiên hạ - ắt là người ta không chỉ cười mà còn nhớ lâu về chuyện Hoàng Sa, Trường Sa chẳng phải của Trung Quốc như Trung Quốc vẫn tuyên bố !
***
Tuần vừa qua, ngoài Bom Tấn với ba câu hỏi "xác minh quốc gia", còn một sự kiện khác cũng liên quan tới chủ quyền lãnh thổ : Mạng xã hội sôi sùng sục khi có người phát giác, trên những trái cầu có bản đồ thế giới đang được bày bán tại Ukraine, lãnh thổ Việt Nam mất hẳn khu vực Đông Bắc (2). Tuy không làm ra nhưng vì kinh doanh sản phẩm này nên Globus Plus – doanh nghiệp chuyên kinh doanh học cụ ở Ukraine đã xin lỗi người Việt và ngưng bán chúng (3). Khoan bàn đến những nghi ngại về dã tâm của Trung Quốc cũng như những liên tưởng về hậu quả của nỗ lực thành lập ba đặc khu và dự tính luật hóa nỗ lực này,… câu chuyện lãnh thổ Việt Nam vốn hình chữ S, bị họa thành chữ J – cho thấy, lãnh thổ - lãnh hải - chủ quyền quốc gia đã trở thành yếu tố hết sức nhạy cảm đối với mọi người Việt, bất kể họ ở đâu, thuộc giới nào, già hay trẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên chủ quyền quốc gia khiến người Việt "bừng bừng phẫn nộ". Năm 2010, sự phẫn nộ ấy của hàng triệu người Việt, bất kể quốc tịch, nơi cư trú, từng khiến Google phải điều chỉnh lại biên giới Việt – Trung cho đúng thực tế (trước đó, biên giới Việt – Trung trên bản đồ thế giới do Google thực hiện khiến lãnh thổ Việt Nam mất hàng ngàn cây số vuông) (4). Rồi tháng 7 năm nay, cũng sự phẫn nộ ấy buộc Facebook phải đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc (5). Sự phẫn nộ ấy còn là nguồn gốc các đợt biểu tình - bạo động hồi tháng 5 năm 2014 (thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò, khai thác dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa), tháng 6 năm 2018 (thời điểm Quốc hội Việt Nam toan thông qua Dự Luật về các Đặc khu bởi đó là "chủ trương lớn" của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam).
Lúc nào, theo sau các phản ứng, đôi lúc là cuồng nộ của người Việt về những tác động có thể gây nguy hại cho chủ quyền quốc gia cũng là những chỉ trích hoặc chính thức trên hệ thống truyền thông quốc gia, hoặc phi chính thức trên mạng xã hội, rằng các phản ứng ấy bắt nguồn từ "nhẹ dạ, cả tin", bị "các thế lực thù địch, phản động kích động, giựt dây". Thế nhưng dẫu muốn hay không, hệ thống công quyền Việt Nam cũng buộc phải hành động như đã từng phản đối Google, Facebook, tạm ngưng biểu quyết Dự Luật về Đặc khu…
Có một điểm đáng ngạc nhiên là thay vì minh bạch hóa những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia để hóa giải sự nghi ngại càng lúc càng tăng, kể cả trong đồng chí, đồng đội đối với các thỏa thuận mà mình từng ký kết với Trung Quốc (6), hệ thống công quyền Việt Nam chỉ trấn an suông, kèm cáo buộc đối tượng phản kháng chỉ toàn là con nghiện và những kẻ hám tiền. Đã có rất nhiều ví dụ cho thấy, dù cam chịu tới mức khó hiểu nhưng với đa số người Việt, kể cả những người "bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời", chủ quyền quốc gia không phải chuyện đùa. Lập lờ, lẽo lự không phải là cách có thể giữ được sự "ổn định chính trị".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/08/2018
Chú thích :
(2) https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-hiep-uoc-thanh-do-ban-trai-cau-ukraina/4542606.html
(6) https://www.facebook.com/quangvinh.ha.3572/posts/845762185617131 ?tn__=K-R
Người sử dụng mạng xã hội tiếp tục chia sẻ với nhau những hình ảnh, video clip ghi nhận cảnh dân chúng một số vùng ở Việt Nam đi lại bằng những cách, theo những kiểu khác rất xa với phần còn lại của nhân loại văn minh.
Một cảnh lũ lụt ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chẳng hạn qua video clip mà Lương Vy đưa lên mạng xã hội hồi cuối tuần trước, người ta có dịp mục kích tài xế một chiếc cẩu chuyên dụng lái nó ra giữa dòng suối mà nước đang chảy cuồn cuộn, dừng tại đó rồi quay cẩu vào bờ bên này cho thiên hạ máng xe hai bánh gắn máy vào và xoay cẩu nửa vòng để đưa chiếc xe hai bánh gắn máy ấy sang bờ bên kia. Chẳng riêng xe hai bánh gắn máy, dân chúng Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La cũng được hỗ trợ vượt suối trên chiếc cẩu di chuyển bằng xích như xe tăng, đầu có gắn gàu múc, y hệt như vậy (1)…
Ai cũng biết hạ tầng giao thông ở Sơn La nói riêng và khu vực rừng núi phía Bắc Việt Nam vừa bị thiệt hại nặng nề do bão, lũ, thế nhưng không có mưa to, lụt nặng, sạt lở thì dân chúng nhiều nơi ở Việt Nam vẫn đu dây qua sông suối, hoặc vượt sông, suối mà giống như liều mạng trên những cây… "cầu" treo bằng dây thép theo kiểu thủ công, mặt "cầu" lát bằng những mảnh gỗ tạp, mỗi khi có người qua lại thì "cầu" rung, lắc như đưa võng và khách bộ hành chỉ có thể bảo rằng họ an toàn khi đã qua đến đầu "cầu phía bên kia (2).
Không phải tự nhiên mà nhiều người Việt thường buột miệng than: Tính mạng người Việt rẻ! Dấu hiệu tính mạng người Việt rẻ thể hiện ở rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ trong chuyện đi lại.
***
Cách nay vài ngày, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam công bố "Báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch và chính quyền các tỉnh". Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo này là Chủ tịch và chính quyền các tỉnh khinh dân tới mức không thể khinh hơn.
Việt Nam thiết lập hệ thống Tòa Hành chính đã lâu nhưng đến giờ, kiện các quyết định, các hành vi của Chủ tịch các địa phương và chính quyền các cấp vẫn không khác mấy với chuyện hái sao trên Trời! Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa Tối cao, thú nhận, án hành chính là loại án tồn đọng nhiều nhất. Luật qui định, hệ thống Tòa án chỉ có thể thụ lý đơn kiện các quyết định, các hành vi của Chủ tịch các địa phương và chính quyền các cấp sau khi bị đơn đã đối thoại với dân (nguyên đơn) nhưng do Chủ tịch các địa phương và chính quyền các cấp không đối thoại thành ra hệ thống Tòa án không thụ lý được. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam thắc mắc, tại sao Chủ tịch các tỉnh có thể tham dự các lễ động thổ, khởi công, đến hội nghị này, hội thảo kia,… mà không dành thời gian đối thoại với dân. Đâu chỉ không thèm đối thoại, theo một số thành viên các ủy ban hữu trách khác của Quốc hội Việt Nam thì Chủ tịch nhiều địa phương và chính quyền nhiều cấp còn không thèm thi hành phán quyết (3).
Dân vốn đã là nạn nhân của các quyết định, hành vi lạm quyền của hệ thống công quyền thêm một lần nữa là nạn nhân vô thời hạn của lối nghĩ, lối hành xử mà ông Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam nhận diện là "thách thức" và đến giờ vẫn chẳng có biện pháp nào thích đáng để trị. Nhìn một cách tổng quát từ thực tế, vị thế công dân Việt Nam trong lòng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quả là thấp!
***
Hồi thượng tuần tháng này, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức thu thập ý kiến đóng góp cho Dự Luật Chăn nuôi. Dự luật này đã từng được Quốc hội Việt Nam góp ý tại Kỳ họp thứ năm (diễn ra trong hai tháng 5 và 6), dự trù sẽ được đem ra biểu quyết vào Kỳ họp thứ sáu (khi Quốc hội tái nhóm vào tháng 10). Theo tường thuật của báo giới thì buổi góp ý vừa kể rất sôi nổi. Nhiều người đồng tình cần có qui định về "quyền của vật nuôi" nhưng không tán thành "phúc lợi của vật nuôi" do bộ phận soạn thảo dự luật và Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Việt Nam giới thiệu. Tuy bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cùng lưu ý, hai từ "phúc lợi" vốn chỉ gắn với con người, đem gắn vào súc vật không ổn, song ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội Việt Nam (bộ phận đảm trách vai trò thẩm tra Dự Luật Chăn nuôi), không tán thành vì đã "tham khảo kinh nghiệm, luật pháp của nhiều quốc gia" nên mới xác định "phúc lợi cho vật nuôi" là "bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng, không đánh đập, hành hạ trong hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, không gây đau đớn, sợ hãi, phải gây ngất trước khi giết mổ,..." (4).
Chưa rõ sau khi Quốc hội Việt Nam biểu quyết Dự Luật Chăn nuôi, nội dung luật này sẽ như thế nào, "phúc lợi cho vật nuôi" có còn không (?), tuy nhiên chắc chắn việc soạn – biểu quyết – dùng luật bảo vệ "quyền của vật nuôi" là điều tất yếu, muốn hay không cũng phải có khi "hội nhập, mở cửa, làm bạn với các nước". Giữa năm 2016, Việt Nam đã từng gặp rắc rối khi Hiệp hội Bảo vệ động vật của Úc, công bố một video clip ghi lại cảnh những con bò mà Việt Nam nhập từ Úc bị đập đầu bằng búa tạ. Nếu không chứng tỏ thành tâm, thiện ý, Việt Nam có thể đối diện với những vấn nạn trầm trọng hơn cả trong nông nghiệp lẫn về kinh tế như Indonesia, Saudi Arabia, Ai Cập (5)…
***
Ừ thì "hội nhập, mở cửa, làm bạn với các nước" là phải chứng tỏ biết chuyện, biết chơi, tuân thủ các chuẩn mực chung của nhân loại nhưng chẳng lẽ chỉ bận tâm tới "vật nuôi", bảo vệ các quyền của chúng cả bằng luật pháp lẫn trên thực tế ? Còn quyền của đối tượng chính – những con người – vốn là chủ quốc gia trên các văn bản pháp luật thì sao ? Lúc nào từ trẻ con đến người già thuộc nhóm dễ tổn thương nhất chỉ vì nghèo được "bảo đảm cung cấp đủ thức ăn, nước uống, không gian thông thoáng" ?
Lúc nào những người mở miệng nói ra suy nghĩ, mong muốn của họ - dẫu có làm "ngứa mặt, ngứa tai" các viên chức hữu trách của hệ thống công quyền – "không bị đánh đập, hành hạ, không bị gây đau đớn, sợ hãi" ?
Lúc nào những người vốn điềm đạm, kiệm lời, nói năng hết sức thận trọng như Ngô Bảo Châu không cảm thấy uất tới mức phải thốt lên : "Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh ?".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/08/2018
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/taybac24h/videos/466697620407701/
(2) https://www.facebook.com/page.taybac24h/videos/266790497478639/
(4) http://danviet.vn/tin-tuc/cho-phep-vat-nuoi-nghi-le-tet-hay-sao-ma-dua-tu-phuc-loi-vao-902866.html
(5) https://news.zing.vn/quy-trinh-giet-mo-tan-bao-va-khung-hoang-xuat-khau-bo-uc-post659047.html
Chuyện quốc hữu hóa Dinh "Vua Mèo" không chỉ đáng quan tâm vì lối hành xử xảo trá của hệ thống công quyền Việt Nam. Đó là con đường ngắn nhất để đẩy khu vực rừng núi phía Bắc – tiếp giáp với Trung Quốc đến chỗ bất ổn. Khó có thể tìm ra cách nào nối giáo cho giặc khéo hơn.
Dinh thự Vua Mèo Vương Chính Đức
***
Mãi đến bữa nay, báo giới Việt Nam mới tiết lộ sự kiện ông Vương Duy Bảo, người nối dõi "Vua Mèo" Vương Chính Đức, đề nghị chính phủ Việt Nam hoàn trả dinh "Vua Mèo".
Dinh "Vua Mèo" hay Dinh họ Vương, hoặc Nhà Vương tọa lạc ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Việc xây dựng biệt dinh nằm trong khuôn viên có diện tích chừng 3.000 mét vuông này diễn ra trong chín năm (1919 – 1928) với chi phí khoảng 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, nếu qui đổi theo giá trị đồng Việt Nam hiện nay thì phải vài trăm tỉ đồng.
Theo trình bày của ông Vương Chí Bảo thì Dinh "Vua Mèo" được chính quyền Việt Nam lẳng lặng đưa vào danh sách "di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia" năm 1993, đến năm 2002, gia tộc của ông mới được thông báo về quyết định ấy, kèm yêu cầu tất cả các thành viên trong gia tộc phải rời khỏi dinh để các cơ quan hữu trách "trùng tu dinh thành bảo tàng". Gần đây, gia tộc "Vua Mèo" phát giác, chính quyền tỉnh Hà Giang đã cấp cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn quyền sử dụng toàn bộ đất thuộc khuôn viên của Dinh "Vua Mèo".
Khi trò chuyện với Ban Việt ngữ Đài VOA, một số luật sư tại Việt Nam khẳng định, chưa rõ vô tình hay hữu ý, động tác "quốc hữu hóa" Dinh "Vua Mèo" vi phạm nhiều qui định luật pháp hiện hành (1). Bình phẩm về sự kiện vừa kể, giới bình dân gọi chuỗi động tác bất thường, kỳ quặc đó là bất nhân, bất nghĩa, bất tín. Còn nếu đặt sự kiện bên cạnh lịch sử, yếu tố địa chính trị, bối cảnh Việt Nam lúc này thì động tác "quốc hữu hóa" Dinh "Vua Mèo" là bất trí, hủy diệt khối đại đoàn kết tòan dân, nối giáo cho giặc.
***
Mèo là một trong những tên mà người ta dùng để gọi sắc tộc Hmong (H’mông). Tuy vẫn bị xem là thiểu số nhưng Hmong là sắc tộc thiểu số đông đúc nhất. Người Hmong có ngôn ngữ riêng, chữ viết riêng. Ở Châu Á, người Hmong quần cư thành những cộng đồng lớn trên lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Miến Điện. Bên ngoài Châu Á, người Hmong còn có những cộng đồng lớn khác quần cư ở Pháp, Úc, Hoa Kỳ… Nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam chỉ ra một trong những đặc điểm đáng chú ý của người Hmong là bất kể cư trú ở đâu, các cộng đồng Hmong vẫn duy trì quan hệ với nhau ở góc độ đồng bào và tất nhiên là luôn dành cho nhau sự hỗ trợ nhất định.
Trong lịch sử, người Hmong đã từng có lãnh thổ riêng, tồn tại như những vương quốc độc lập ở những vùng nay thuộc Trung Quốc, Việt Nam, Lào (2). Tại Việt Nam, ở giai đoạn hậu kỳ của lịch sử cận đại, "Vua Mèo" là người đứng đầu vương quốc bao gồm toàn bộ vùng rừng, núi phía Bắc Việt Nam (Đông Bắc, cực Bắc, Tây Bắc), tùy tình hình mà hòa hay chiến với cả triều đình nhà Nguyễn, chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương, Trung Hoa Dân Quốc (3).
Nếu vương quốc Hmong ở khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam không đủ cả thế lẫn lực, chắc chắn, triều đình nhà Nguyễn chẳng sắc phong "Vua Mèo" làm Bang Tá trấn ải, chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương cũng chẳng thèm ký hòa ước với "Vua Mèo". Cuối Thế chiến thứ hai, sau khi phát xít Nhật lật đổ chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp tại Đông Dương, "Vua Mèo" vừa đánh, vừa đàm rồi cuối cùng ký một hòa ước với Nhật để rảnh tay chặn Tập đoàn quân Vân Nam của Trung Hoa Dân Quốc, lấy danh nghĩa Đồng minh, tràn qua biên giới phía Bắc, vào Việt Nam "giải giáp phát xít Nhật"… Đáng lưu ý nếu không có "Vua Mèo", có thể khu vực Hà Giang đã bị Hán hóa từ thập niên 1930 (4).
Năm 1945, "Vua Mèo" ủng hộ chính phủ Việt Minh 22 vạn đồng bạc trắng Đông Dương và chín ký vàng. Không phải tự nhiên mà ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Dân chủ Công hòa, kết nghĩa huynh đệ với Vương Chí Thành (con trai và lúc đó được xem là người sẽ kế vị "Vua Mèo" Vương Chính Đức). Năm 1947, "Vua Mèo" Vương Chính Đức đề nghị Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử người tiếp quản Vương quốc. Năm 1956, ông Vương Chí Thành đề nghị giao vai trò Chủ tịch khu vực biên giới phía Bắc cho người của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
So với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, rõ ràng chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam may mắn hơn nhiều vì cộng đồng Hmong cư trú tại Việt Nam giàu thiện ý hơn. Vương quốc Hmong ở Lào với những thủ lĩnh như Vàng Pao đã khuấy động, gây bất ổn cho Lào trong nhiều thập niên.
Có một điểm cần lưu ý là dẫu rất kiên định với chính sách "một Trung Quốc" nhưng cho đến giờ này, chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn đề cộng đồng Hmong tại Trung Quốc tham gia điều hành sáu Khu Tự trị (ba ở Quý Châu, một ở Hồ Nam, một ở Hồ Bắc, một ở Vân Nam), cùng với một vài sắc tộc thiểu số khác (Đồng, Bố Y, Thổ Gia, Choang), chưa kể 23 huyện hoàn toàn do người Hmong tự trị. Không ít Khu Tự trị, Huyện Tự trị của người Hmong cư trú tại Trung Quốc liền kề với nơi cư trú của cộng đồng người Hmong tại Việt Nam.
***
Cho đến giờ, chuyện giành quyền quản lý Dinh Vua Mèo như một "di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia", giao quyền quản lý – sử dụng đất vốn là khuôn viên của dinh cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang chưa đem lại lợi ích nào cụ thể. Chỉ có thể đoan chắc tất cả những hành động ấy đã gây bất bình sâu rộng không chỉ trong gia tộc họ Vương – dòng dõi vua Mèo mà còn tạo ra những tác động nguy hại tới tâm tư, tình cảm của cộng đồng người Hmong cư trú tại Việt Nam.
Mục "Dinh thự họ Vương" trên Wikipedia phản ánh khá cặn kẽ những bất thường về chuỗi hành động bất nhân, bất nghĩa, bất tín đó và chưa rõ những ai soạn nội dung mục từ này nhưng nó phản ánh tâm trạng bất bình của những người biết chuyện, bất kể họ thuộc dân tộc nào (5). Việc tước bỏ quyền sở hữu Dinh Vua Mèo chắc chắn không chỉ gây oán giận cho gia tộc họ Vương vì bị cưỡng đoạt tài sản, ai dám bảo chuỗi hành động vừa kể không gây tổn thương cho cộng đồng người Hmong cư trú tại Việt Nam khi biểu tượng luôn khiến họ tự hào về lịch sử dân tộc của mình bị đổi chủ một cách bất lương, thiếu tôn trọng họ ?
Cuộc sống của dân chúng thuộc các sắc tộc thiểu số ở khu vực Đông Bắc, cực Bắc, Tây Bắc Việt Nam vẫn dưới mức nghèo khổ. Các viên chức đại diện hệ thống công quyền Việt Nam ở khu vực này thì càng ngày càng xa hoa. Những gia tộc thuộc sắc tộc này, chia nhau trị dân các sắc tộc khác một cách thô bạo như trường hợp gia tộc Triệu Đức Thanh – Triệu Tài Vinh (người sắc tộc Dao) ở Hà Giang, cộng thêm với những nỗ lực bất trí như "quốc hữu hóa" Dinh "Vua Mèo", chẳng lẽ chẳng ảnh hưởng chút nào đến nhân tâm ở "phên giậu phía Bắc" của Việt Nam ?
Đáng ngạc nhiên khi hệ thống công quyền Việt Nam sợ người thiểu số ký thác niềm tin nơi Thiên Chúa giáo sẽ gây bất ổn chính trị nên ngăn chặn, tìm đủ cách, kể cả áp dụng những phương thức hết sức thô bạo để cưỡng bức dân chúng thuộc các sắc tộc thiểu số từ bỏ đức tin song lại chẳng âu lo chút nào về nguy cơ họ bị kích động đòi tự trị, thành ra thản nhiên gieo rắc mầm mống dẫn tới những tai họa thật sự cho sự toàn vẹn lãnh thổ. Quốc hữu hóa Dinh "Vua Mèo" là quá dại hay quá khéo ? Dại như thế thì quá lạ, đáng ngờ. ngược lại, còn cách nào khéo hơn để nối giáo cho giặc ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/08/2018
Chú thích :
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/H%27M%C3%B4ng
(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Vua_M%C3%A8o
(4) https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10209855363940820
(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Dinh_th%E1%BB%B1_h%E1%BB%8D_V%C6%B0%C6%A1ng
Tuần trước, báo chí Việt Nam đồng loạt chọn câu chuyện mà bà Hà Bích Liên, một tiến sĩ làm việc tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, kể tại tọa đàm "Công tác quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức", do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, làm "điểm nhấn".
Tọa đàm "Công tác quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức" sáng 16/08/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Theo đó, hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, tàu Ovation of The Seas với thủy thủ đoàn 1.600 người, chở theo 4.000 du khách ngoại quốc đến Thành phố Hồ Chí Minh nhưng chẳng ai lên được bờ vì lúc đó các tàu chở hàng đậu kín cảng Phú Mỹ, tàu Ovation of The Seas không có chỗ thả neo.
Bà Liên kể thêm rằng, tình trạng không có bến để các tàu du lịch loại cực lớn (cruise) đưa du khách đến thăm thú Sài Gòn cũng là nguyên nhân khiến tàu Voyager of the Seas, chở 2.800 du khách gạt Sài Gòn ra khỏi hải trình vào đầu tháng 9 tới. Tương tự, tàu Ovation of The Seas, chở theo 4.800 du khách khác cũng đã hủy kế hoạch ghé Sài Gòn vào đầu tháng 10 tới. Bà Liên nhấn mạnh, đó là lý do nhiều công ty lữ hành mất khách, các cơ sở cung cấp đủ loại dịch vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả chính quyền thành phố này bỏ lỡ những nguồn thu lớn.
Bà Liên dẫn Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam - ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có du lịch đường biển – như một công cụ hỗ trợ để nhấn mạnh, đó là chuyện "không thể chấp nhận được". Các cruise thường chở từ 3.000 đến 5.000 du khách, chủ yếu là du khách từ Châu Âu, mức chi tiêu trung bình khoảng 100 Mỹ kim/người chẳng khác gì cơ hội hái ra tiền, thành ra không thể ngồi chờ tới khi xây dựng xong cảng chuyên dụng cho cruise, hệ thống công quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh phải hành động ngay lập tức, trước khi các hãng kinh doanh du lịch đường biển bỏ đi.
Tiếp lời bà Liên, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, giải thích, sở dĩ chủ các cảng hiện có ở thành phố này không mặn mà với cruise vì phí thu được từ các cruise (30.000 Mỹ kim/lần neo đậu) chỉ chừng 1/7 phí thu từ các tàu chở hàng (230.000 Mỹ kim/lần neo đậu). Ông Vũ tiết lộ, bởi cảng chuyên dụng cho các cruise là một "vấn đề cẩn giải quyết" nên Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng "đô thị lấn biển Cần Giờ" với những cảng đủ khả năng đón các tàu siêu trường, siêu trọng (1).
Tọa đàm "Công tác quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh - 25 năm thành công và thách thức", với câu chuyện hàng chục ngàn du khách ngoại quốc không có chỗ lên bờ chắc chắn sẽ còn được lập đi, lập lại nhiều lần để minh họa cho chủ trương xây dựng "đô thị lấn biển Cần Giờ" của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hồi cuối năm trước, được ví von như "siêu dự án du lịch – nghỉ dưỡng". Đến giờ, người ta chỉ biết diện tích "đô thị lấn biển Cần Giờ" khoảng 2.870 héc ta, trong đó khoảng 1.140 héc ta là lấn biển. Tổng chi phí cho "đô thị lấn biển Cần Giờ" chưa được công bố nhưng chắc chắn sẽ là hàng trăm ngàn tỉ (2). Trước mắt, chỉ tính riêng chi phí xây dựng cầu Cần Giờ (một trong những cây cầu thuộc dự án "đô thị lấn biển Cần Giờ"), chi phí đã là 5.300 tỉ (3).
Rõ ràng du lịch là một lĩnh vực đóng góp đáng kể cho tăng trưởng nhưng có cần "ưu tiên phát triển du lịch" trên khắp Việt Nam bằng mọi giá như Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam định hướng qua Nghị quyết 08 ? Đôi cánh của các cruise có quan trọng tới mức dứt khoát phải kiếm… một cặp, không có là… "không thể chấp nhận được" ?...
***
Cách nay bốn tháng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên thế giới rúng động trước phản ứng dữ dội của những cư dân Venice.
Cho dù rất quan tâm hay chẳng màng đến chuyện đi đó, đi đây, ít có ai thuộc nhóm chưa bao giờ nghe nhắc đến Venice. Quần đảo với 118 đảo to, nhỏ, nối với nhau bằng 409 cây cầu nằm ở Đông Bắc nước Ý thu hút khách thập phương không chỉ vì sự cổ kính mà còn vì nét độc đáo được tạo ra từ hệ thống kênh rạch chằng chịt của nó. Du lịch gắn với Venice từ thế kỷ 18 đến giờ nhưng cư dân Venice không những không vui mà còn căm thù du lịch, oán giận du khách.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, dân chúng Venice đổ ra đường, giật tung, phá sập hệ thống hàng rào mà cảnh sát Venice sử dụng để kiểm soát – hạn chế du khách vào khu vực trung tâm. Sở dĩ dân chúng Venice trở thành cuồng nộ vì giải pháp mà ông Luigi Brugnaro - Thị trưởng Venice - đề ra bị họ cho là… ba rọi, không thể cứu được Venice đang hấp hối. Họ đòi Venice phải là chỗ dành riêng cho cư dân Venice, họ không muốn Venice thành túi chứa du khách từ khắp nơi đổ về nữa (4).
Với cư dân Venice, du lịch là đại họa. Năm ngoái, mỗi ngày, khoảng 60.000 du khách đổ vào khu vực chỉ có 55.000 dân này và mười năm vừa qua, chính du lịch đã lộn ngược mọi thứ từ trong ra ngoài. Du lịch không chỉ gây ra đủ loại tác hại nghiêm trọng cho cả môi trường tự nhiên lẫn sinh hoạt xã hội mà còn đẩy vật giá ở Venice tăng vọt, càng ngày vượt càng xa tầm với của cư dân Venice thành ra đã có rất nhiều người ngậm ngùi lìa bỏ nơi họ sinh ra, trưởng thành, từng tưởng có thể gắn bó đến hết đời.
Tuy có tới 30 triệu du khách/năm nhưng từ 2016 đến nay Venice mấp mé bên bờ vực phá sản do chi tiêu quá mức, đầu tiên là để thu hút du lịch, kế đó là khắc phục những hậu quả do chính du lịch tạo ra mà nguồn thu từ du lịch không thể nào bù đắp được. Từng tỏ ra hết sức tự hào vì luôn được các công ty kinh doanh du lịch đường biển tô vẽ như một vết son nhưng năm 2013, chính quyền Venice cấm tất cả các cruise có trọng tải từ 40.000 tấn trở lên đến Venice. Sau đó, một Tòa án của Ý tuyên bố hủy lệnh cấm này vì vi phạm luật pháp hiện hành nhưng nhiều công ty kinh doanh du lịch đường biển loan báo sẽ ngưng đưa các cruise "siêu trường, siêu trọng" đến Venice để bày tỏ sự đồng cảm với những bất tiện mà cư dân Venice phải gánh chịu do du lịch nói chung và các cruise nói riêng, cho đến khi Venice tìm được giải pháp hữu hiệu để có thể tự bảo vệ chính nó từ những tác động bất lợi của du lịch (5).
UNESCO từng xác định Venice là "di sản văn hóa thế giới". Năm ngoái, cũng UNESCO đưa Venice vào danh sách những "di sản văn hóa thế giới" đang đối diện với nguy cơ bị hủy diệt. Cần lưu ý rằng, trước kia, trong danh sách vừa kể chỉ có tên những "di sản văn hóa thế giới" tọa lạc tại các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá !
Du lịch phát triển kéo theo nhiều vấn nạn và những vấn nạn ấy càng ngày càng nghiêm trọng. Không phải tự nhiên mà giới nghiên cứu khoa học xã hội cảnh báo về đến "bẫy du lịch". Không phải tự nhiên mà ở Châu Âu, hết Hy Lạp rồi tới Croatia ấn định số lượng du khách được phép đến đảo Santorini và Dubrovnik hàng năm. Hy Lạp hay Croatia cùng giải thích, đó là phương thức duy nhất để bảo vệ những danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của họ không bị du lịch hủy diệt (6).
***
Nếu đặt cảnh báo của Tiến sĩ Hà Bích Liên, hứa hẹn của ông Bùi Tá Hoàng Vũ, kế hoạch phát triển "đô thị lấn biển Cần Giờ" của Thành ủy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bên cạnh những vấn nạn nan giải của Venice hẳn sẽ thấy những bức xúc, trăn trở, đòi hỏi phải có ngay giải pháp để sớm rước những cruise "siêu trường, siêu trọng" từ khắp nơi trên thế giới vào Sài Gòn vì chúng mang theo vài ba ngàn du khách/chuyến, mỗi du khách có thể chi tiêu tới… 100 Mỹ kim là một dạng "có mắt như mù", "điếc không sợ súng".
Từ khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, du lịch trở thành lĩnh vực được dành cho đủ thứ ưu tiên để phát triển bằng mọi giá, có bao nhiêu khu vực ở Việt Nam đã và sẽ tan hoang ? Nếu so sánh thật sòng phẳng lợi - hại, được – mất giữa kinh tế - văn hóa – xã hội, kể cả chính trị ở quá khứ - hiện tại - tương lai, rồi cộng, trừ, nhân, chia thật rõ ràng, chính xác thì các kế hoạch thúc đẩy du lịch, những đổi thay ở Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, dự tính thành lập ba đặc khu… là yên tâm hay đáng lo ?
Đến nay, tiền thu về từ chủ trương phát triển du lịch bằng mọi giá có đủ để bù cho những cảnh quan tự nhiên bị hủy diệt, bờ biển bị bao chiếm, hết chục ngàn gia đình ngư dân này đến trăm ngàn gia đình nông dân khác bị bứng khỏi nơi chôn nhau, cắt rốn, vài ba thế hệ hoang mang, bất bình vì mất sinh kế ?... Những cá nhân vạch ra đường lối, công bố chủ trương, hoạch định chính sách dường như chỉ nhìn thấy sự lấp lánh của kim ngân, không nhận ra và cũng chẳng học được gì bổ ích từ thiên hạ nên chỉ bươn bả xúm vào "phát triển du lịch".
Giữa năm ngoái, tờ Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh đăng tâm sự của ông Trần Đức Tài – cư dân Đà Lạt. Ông Tài kể một câu chuyện liên quan tới du lịch ở Barcelona – Tây Ban Nha (7) và đem câu chuyện ấy so với Đà Lạt của ông.
Tuy Đà Lạt cũng có nhiều cư dân không sống nhờ du lịch và chính họ tạo ra hồn, cốt riêng để thành phố này phát triển du lịch, song phát triển du lịch theo kiểu bằng mọi giá đã triệt tiêu bản sắc văn hoá bản địa độc đáo – vốn tạo ra sức quyến rũ của Đà Lạt. Ông Tài than, dân Đà Lạt đã bị loại trừ ngay tại thành phố nơi họ sống. Chẳng hạn những quán cà phê hay quán phục vụ điểm tâm giờ không còn chỗ cho cư dân nào ngồi vì du khách đã chiếm hết. Đi chơi, du khách có thừa thời gian nhưng cư dân không thể đợi chờ vì họ còn phải đi làm, đi học cho đúng giờ. Kẹt xe giờ trở thành chuyện bình thường ở khu vực trung tâm Đà Lạt vì đường quá hẹp và lượng xe hơi, xe buýt chở khách du lịch quá đông. Đà Lạt vẫn mát lạnh nhưng đã hết bình yên (8).
Du lịch đã được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam xác định là một trong những "mũi nhọn" của nền kinh tế. "Mũi nhọn" đó đang đâm thủng "phát triển bền vững" và vết tóac càng ngày càng rộng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/08/2018
Chú thích :
(5) https://en.wikipedia.org/wiki/Venice
(7) Năm 2015, sau khi trở thành Thị trưởng Barcelona, ông Ada Colau ra lệnh ngưng cấp giấy phép xây dựng khách sạn ở trung tâm thành phố. Đến đầu năm 2017, dù du lịch chiếm 12% GDP, chính quyền Barcelona vẫn đóng cửa tất cả các cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm, nâng phí ở các bãi đậu xe dành cho xe chở khách du lịch để hạn chế du khách. Tại sao vậy ? Tại vì du lịch đã tạo ra một gánh quá nặng mà dân chúng địa phương không kham nổi và chính quyền thành phố này hiểu rằng, đầu tiên, Barcelona phải là nơi giúp cư dân của nó sống, làm việc ổn định. Barcelona không thể vứt bỏ điều đó để trở thành khu giải trí phục vụ du khách quốc tế.
(8) https://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/goc-nhin/nguoi-dan-da-lat-la-nhung-ai-102705/
Sau khi công bố kết luận, Con Cưng không buôn lậu, không bán hàng giả (1), Bộ Công thương công bố thêm quyết định thành lập một "Tổ công tác" mà thành viên bao gồm đại diện nhiều cơ quan trực thuộc (Văn phòng, Thanh tra, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế) để kiểm tra, đánh giá lại việc tuân thủ, thực thi pháp luật của Cục Quản lý thị trường trong scandal Con Cưng (2).
Hình minh họa.
Con Cưng là tên của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm dành riêng cho trẻ em. Đến nay, Con Cưng có 330 cửa hàng trên toàn Việt Nam và là nơi mà nhiều phụ huynh nghĩ tới khi cần mua sắm gì đó cho con cháu của mình.
Hạ tuần tháng 5, một khách hàng của Con Cưng phàn nàn trên mạng xã hội rằng 1/7 sản phẩm mà khách hàng này đã mua từ Con Cưng bị lỗi và "dường như không bình thường về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm". Con Cưng xin lỗi, xin bồi thường nhưng khách không đồng ý và tố cáo với Cục Cạnh tranh – Bộ Công Thương. Con Cưng bắt đầu bị chỉ trích trên mạng xã hội và những chỉ trích ấy bắt đầu xuất hiện trên hệ thống truyền thông.
Hạ tuần tháng 7, Bộ Công thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường kiểm tra toàn bộ các của hàng thuộc hệ thống Con Cưng. Ngày 22 tháng 7, Cục Quản lý thị trường kiểm tra ba cửa hàng của Con Cưng tại Sài Gòn. Hôm sau, 23 tháng 7, Cục Quản lý thị trường kiểm tra 70 cửa hàng nữa của hệ thống này…
Nếu theo dõi sát diễn biến scandal Con Cưng trên hệ thống truyền thông Việt Nam, có thể thấy rất rõ, giống như Công an Việt Nam, Cục Quản lý thị trường cũng lại dùng báo giới như quân đội thường dùng phi cơ dội bom, pháo binh bắn phủ đầu để dọn đường cho bộ binh tràn lên tiêu diệt đối phương. Chỉ có điều đối phương của Công an, Quản lý thị trường ở Việt Nam không phải là kẻ thù, đó chỉ là các doanh nghiệp, đa số rất thành công trong sản xuất, kinh doanh.
Trong và sau khi kiểm tra các cửa hàng thuộc hệ thống Con Cưng, Cục Quản lý thị trường đã tỏ ra hết sức chủ động, tận tình trong việc cung cấp thông tin cho báo giới. Thay vì phối kiểm, hệ thống truyền thông chính thức tự nguyện làm xung kích. Ngoài việc liên tục cập nhật thông tin liên quan tới các cuộc kiểm tra (đã khám xét bao nhiêu cửa hàng, tạm giữ bao nhiêu sản phẩm, gồm những loại nào, sản phẩm của Con Cưng không có chứng từ nhập cảng, thiếu minh bạch về nguồn gốc… ), báo giới còn "đính kèm" nhiều "thắc mắc", "tâm tư", cố tình gia tăng nghi ngại, kích động tẩy chay, kiểu như : "Con Cưng đối diện nghi vấn nghiêm trọng hơn Khaisilk" (Khaisilk bị phát giác bán các sản phẩm, sản xuất từ lụa của Trung Quốc nhưng gắn mác Made in Vietnam) hoặc "sản phẩm bán ra từ chuỗi siêu thị Con Cưng liên quan đến trẻ em, sức đề kháng không như người lớn nên có quá nhiều câu hỏi cần Con Cưng minh bạch" (3)...
Tứ bề thọ địch, Con Cưng tìm đủ mọi cách chống đỡ. Đầu tiên, Con Cưng tuyên bố sẽ tặng một tỉ đồng cho bất kỳ khách hàng nào chứng minh hàng hóa đã mua từ Con Cưng có sự gian trá về xuất xứ sản phẩm. Thế nhưng việc treo thưởng được xác định là không phù hợp với bối cảnh – đang là đối tượng bị các cơ quan hữu trách kiểm tra – Con Cưng ngưng treo thưởng, chuyển sang công bố 30 văn bản của các doanh nghiệp ngoại quốc, xác nhận Con Cưng đã mua – phân phối sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam hoặc đặt họ gia công để mang về bán tại Việt Nam. Tới lúc này, tuy Cục Quản lý thị trường không tiện lên tiếng nữa nhưng một số cơ quan truyền thông chính thức vẫn tiếp tục xông lên phía trước, với những câu hỏi khiến người ta cảm thấy, chẳng rõ người hỏi có vong bản không : Những sản phẩm mà Con Cưng đặt các cơ sở trong nước gia công có bảo đảm chất lượng ? Liệu có khả năng nhập cảng là chiêu bài để bán hàng sản xuất tại Việt Nam với giá hàng nhập cảng ? (4)...
May mắn cho Con Cưng là giới sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam công tâm hơn báo giới. Tất cả những nỗ lực tự bảo vệ của Con Cưng giúp nhiều facebooker nhìn ra sự bất thường của Cục Quản lý thị trường nói riêng và Bộ Công thương nói chung. Một số facebooker bắt đầu phân tích thực – hư, đúng – sai và kêu gọi Bộ Công thương phải sớm có kết luận cuối cùng chứ không thể ngâm Con Cưng trong nghi ngại...
***
Cuối cùng, Bộ Công thương cũng đã có kết luận, bảy "đại tội" của Con Cưng đã được gom lại thành ba "lỗi nhỏ". Nói cách khác, Con Cưng đã được tha tội chết. Chỉ có điều doanh nghiệp này đã trọng thương. Suốt tháng vừa qua, các cửa hàng vắng như chùa Bà Đanh, các loại chi phí (lương, mặt bằng, điện, nước, thuế, phí,…) vẫn phải trả. Bao nhiêu phụ huynh sẽ quay lại với Con Cưng để mua sắm các vật dụng cần thiết cho con cháu của họ ? Bao nhiêu phụ huynh quyết định tránh xa hệ thống phân phối vốn càng ngày càng hiếm hoi của một doanh nghiệp Việt Nam cho nó "lành" vì dù sao hệ thống phân phối này cũng đã từng rất… tai tiếng ? Không biết.
Cho dù Bộ Công thương có tổ chức kiểm điểm, kỷ luật bao nhiêu viên chức hữu trách thì Con Cưng cũng đã no đòn và doanh giới – chủ các doanh nghiệp tư nhân đủ loại, đủ cỡ tại Việt Nam - vốn đã chán chường càng thêm ngán ngẩm cho tương lai của mình.
Sau khi trở thành Thủ tướng hồi giữa năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu xiển dương "chính phủ kiến tạo", thề nâng đỡ, hỗ trợ doanh nhân, kêu gọi họ mạnh dạn đầu tư, phát triển sự nghiệp, góp phần vực nền kinh tế đang lụn bại gượng dậy.
Hai năm vừa qua, song hành với "chính phủ kiến tạo" vẫn là hàng loạt scandal kiểu như Con Cưng. Sẽ chẳng ngoa chút nào nếu bảo rằng ở Việt Nam, "kiến tạo" đã được định nghĩa lại. Giờ, nói tới "kiến tạo" thì phải hiểu rằng đó là nỗ lực bảo vệ cái cũ – cái tiêu cực và tiếp tục phá bỏ cái mới – cái tích cực.
Đầu năm nay, "chính phủ kiến tạo" từng ban hành một Nghị quyết, xác định ngày 15 tháng 8 năm 2018 là hạn chót để tất cả các bộ trong nội các phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh – vốn đã được xác định là đang làm vẩn đục môi trường kinh doanh, kìm hãm năng lực cạnh tranh của doanh giới Việt Nam, nguy hại cho kinh tế - xã hội.
Dẫu cho "cải thiện môi trường kinh doanh" vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của "chính phủ kiến tạo" nhưng hạn chót đã qua, "chính phủ kiến tạo" chỉ mới thực sự cắt giảm được 15,1% điều kiện kinh doanh. Tuy nỗ lực thực hiện yều cầu về cải thiện môi trường kinh doanh chỉ ở mức trên 1/10 yêu cầu một chút như Bộ Thông tin - Truyền thông (tỉ lệ cắt bỏ điều kiện kinh doanh chỉ có 6,75%), Bộ Giáo dục – Đào tạo (tỉ lệ cắt bỏ điều kiện kinh doanh chỉ có 7,5%) nhưng vẫn được xếp vào nhóm các bộ… dẫn đầu về "cải thiện môi trường kinh doanh" (5) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/08/2018
Chú thích
(2) https://laodong.vn/kinh-te/sau-vu-con-cung-bo-cong-thuong-thanh-lap-to-cong-tac-dac-biet-626112.ldo
(3) https://laodong.vn/kinh-te/con-cung-doi-dien-nghi-van-nghiem-trong-hon-khaisilk-620845.ldo
(4) https://laodong.vn/kinh-te/nhung-cau-hoi-yeu-huyet-cho-con-cung-va-qltt-623752.ldo
(5) https://vov.vn/kinh-te/cat-giam-dieu-kien-kinh-doanh-nhieu-bo-van-i-ach-800396.vov