Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt kế hoạch cử 80 viên chức trong hệ thống công quyền của thành phố này đi tu nghiệp tại University of California – Riverside (UCR) (1).
Ông Vũ Huy Hoàng là ví dụ điển hình : Trong hai năm 2013 và 2014, mỗi năm, ông dùng hơn một nửa thời gian để "nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài.
Theo kế hoạch vừa kể, 80 viên chức được chọn sẽ chia thành bốn nhóm, mỗi nhóm sẽ đến UCR học trong hai tuần để "nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ". Tổng chi phí cho kế hoạch cử viên chức đi tu nghiệp ngắn hạn này là 10,3 tỉ đồng.
Ý tưởng cử 80 viên chức sang Mỹ tu nghiệp ngắn hạn tại UCR đã được giới thiệu rộng rãi từ tháng 7 và bất chấp chỉ trích từ công chúng, Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ – nơi đại diện cho nguyện vọng, ý chí của dân chúng thành phố Cần Thơ - vẫn nhất trí.
***
Hiếu học, ham hỏi, nghiên cứu để đối chiếu – phân tích – điều chỉnh không chỉ rất tốt mà còn rất cần nhưng ở Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đã biến "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" nước ngoài thành một vấn nạn và dân chúng hễ nghe là nổi giận.
Cách nay vài tháng, Thanh tra của chính phủ Việt Nam công bố kết quả một cuộc khảo sát về chuyện viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đi ngoại quốc để "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm"…
Chỉ tính từ 2012 đến 2016, công khố đã xuất ra 1.004 tỉ đồng cho 42.000 lượt viên chức một số bộ, ngành (Tài chính, Công Thương, Thông tin – Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước) và 206 tỉ đồng cho 10.900 lượt viên chức một số tỉnh (Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tiền Giang) đi ngoại quốc để "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm". Tuy ngân sách eo hẹp, năm nào cũng phải vay thêm tiền để chi tiêu nhưng viên chức đi ngoại quốc "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" luôn được bao trọn gói (đi lại, ăn ở, phiên dịch, điện thoại), kể cả chu cấp tiền… tiêu vặt (2).
Có một điểm cần lưu ý là những số liệu vừa nêu tuy lớn nhưng chỉ mới tính trong phạm vi bốn bộ, ngành và sáu tỉnh của bốn năm. Nếu tính đủ 22 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành trực thuộc chính quyền trung ương, tính thêm chi phí đi "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" của hệ thống chính trị (Đảng CSVN, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS, Liên đoàn Lao động, các hội như Liên hiệp phụ nữ,…) từ trung ương tới địa phương ở nước ngoài trong mười năm gần đây, chắc chắn tổng chi phí sẽ vượt mức đã biết, tối thiểu cũng phải mười lần.
Hàng chục ngàn tỉ, thậm chí có thể là hàng trăm ngàn tỉ đã chi cho đủ loại viên chức thuộc đủ mọi ngành, cấp để "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài có đem lại lợi ích nào không ? Cứ nhìn thực trạng kinh tế - xã hội ở Việt Nam thì rõ.
Làm sao "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài có thể đem lại hiệu quả tích cực khi càng "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài nhiều thì phá càng tợn ? Chẳng hạn như ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương, trong hai năm 2013 và 2014, mỗi năm, ông Hoàng dùng hơn một nửa thời gian để "nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài và gần như "đại dự án" nào của các tập đoàn nhà nước, tổng công ty dưới quyền của ông cũng thành "đại án.
Làm sao dân chúng Việt Nam có thể có thiện cảm với chuyện viên chức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lũ lượt dắt díu nhau đi nghiên cứu – học hỏi ở nước ngoài khi gần như đoàn công tác nào cũng có những thành viên kiểu như tài xế lãnh đạo (4), vợ lãnh đạo (5), thậm chí toàn là viên chức chờ về hưu (6), hoặc mới nghỉ hưu (6) ?
Chưa kể "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài đã trở thành vỏ để bọc hối lộ, che tham nhũng. Chuyện một số tập đoàn ngoại quốc, tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam tài trợ cho các viên chức thuộc đủ mọi ngành, cấp đi "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài, theo sau đó là những quyết định bán rẻ công thổ, công sản, lợi ích quốc gia, dân tộc đã trở thành phong trào. Tuy đạo đức công vụ bị biến thành trò hề nhưng đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn xem đó như một hình thức "đãi ngộ" nên chẳng làm gì cả.
Khi công bố kết quả cuộc khảo sát về chuyện viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đi ngoại quốc để "nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm" trong bốn năm từ 2012 đến 2016, Thanh tra của chính phủ Việt Nam chỉ ghi nhận, bốn bộ, ngành và sáu tỉnh mà cơ quan này ghé mắt nhìn vào "không có nơi nào theo dõi, tổng hợp số liệu tài chính ngoài ngân sách được dùng để chi trả cho các đoàn ‘nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm’ ở nước ngoài" chứ không đề nghị giải pháp xử lý nào hết !
***
Chắc chắn chẳng thái quá chút nào nếu khẳng định, "tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài" là biến tướng của "nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài, sau khi "nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm" ở nước ngoài trở thành đáng hổ thẹn.
80 viên chức của thành phố Cần Thơ sẽ học được gì để "nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ" trong vỏn vẹn… hai tuần ? Nếu hệ thống công quyền ở thành phố Cần Thơ thật sự cần những viên chức có "kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ" được đào tạo ở nước ngoài, tại sao không tuyển dụng và sử dụng những cá nhân đã từng được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách ?
Các đề án phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo như Đề án 322 (từ 2000 đến 2010, lấy khoảng 2.500 tỉ từ công quỹ để trả chi phí đào tạo cho khoảng 4.600 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài) đã sử dụng được bao nhiêu người vào những việc "ích quốc, lợi dân" ? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không thể dung nạp những cá nhân mà chính họ tuyển chọn, cử đi nước ngoài học hành cho đúng bài bản (8), không thèm ngó tới những thạc sĩ, cử nhân tự túc du học ở nước ngoài và thất nghiệp từ lúc quay về Việt Nam tới nay thì chi thêm 10,3 tỉ cho 80 cá nhân tu nghiệp trong vỏn vẹn hai tuần có bình thường không ?
Nếu "kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ" cần được nâng cao bằng cách học hỏi nước ngoài thì tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không mời những tiến sĩ, thạc sĩ đã đi học ở nước ngoài, hiện ở Việt Nam và trước nay "thiếu đất dụng võ", phải bỏ các viện nghiên cứu, trường đại học để đi làm mướn – đến dạy dỗ (10) ? Chẳng lẽ tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài trong hai tuần hiệu quả hơn ư ?
Với tư duy theo kiểu "không có tượng đài, quảng trường là… thiệt thòi so với cảc tỉnh, thành khác", Cần Thơ vừa mở ra một con đường mới, ít nhất là cho viên chức của hệ thống công quyền các tỉnh, thành tiếp tục đi ra nước ngoài với lý do mới – tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài để "nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ", ít điều tiếng hơn "nghiên cứu – học hỏi kinh nghiệm" nước ngoài.
Cần Thơ đã làm thì tội gì không theo !
Trong quá khứ, đã có một Tiền Giang cử Thanh tra, viên chức ngành công an, viên chức ngành y tế đi nghiên cứu - học hỏi kinh nghiệm tổ chức… xổ số ở Mỹ, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ (11)… thì tất nhiên phải có một Bình Thuận cử Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư một huyện miền núi đi… "tiếp cận công nghệ 4.0 về xây dựng hạ tầng ven biển" ở Đức thôi (12) !
Với khả năng sáng tạo của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, không ai có thể dự đoán sau tu nghiệp ngắn hạn ở nước ngoài để "nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ" kiểu Cần Thơ sẽ là gì, vì chỉ có họ mới… nghĩ ra được. Có lẽ đã tới lúc, dân chúng Việt Nam nên nói thẳng với những công bộc của mình : Ái quốc thì đùng… "học", thương dân thì đừng… "nghiên cứu" để nước đỡ tàn, dân đỡ mạt.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/10/2018
Chú thích
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-10-ti-dong-di-hoc-phai-biet-quy-tien-dan-637268.ldo
(4) http://soha.vn/xa-hoi/vu-da-nang-cho-tai-xe-di-3-nuoc-sai-ro-rang-roi-20151104165333945.htm
(5) https://news.zing.vn/ca-mau-rut-ten-vo-chu-tich-tinh-khoi-doan-cong-tac-nuoc-ngoai-post875325.html
(8) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/doan-ket-buon-cua-de-an-322-72895.html
(9) https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thac-si-cu-nhan-o-nuoc-ngoai-ve-van-that-nghiep-nhu-thuong-543251.vov
(10) https://www.thesaigontimes.vn/68260/Nhung-van-de-dat-ra-tu-De-an-322.html
(11) https://nld.com.vn/thoi-su/can-bo-tien-giang-xuat-ngoai-nhu-di-cho-20170912222340174.htm
(12) http://plo.vn/do-thi/cho-bi-thu-binh-thuan-tri-can-bo-xuat-ngoai-bang-tien-dn-782782.html
Vụ ông Nguyễn Cà Rê, thợ điện, cư ngụ tại Cần Thơ, mang 100 Mỹ kim đến tiệm vàng Thảo Lực, tọa lạc tại Cần Thơ, đổi ra đồng Việt Nam, bị lực lượng thực thi pháp luật ở Cần Thơ phục kích, bắt quả tang, bị lập biên bản, bị tịch thu cả 100 Mỹ kim lẫn bị phạt 90 triệu đồng (1),… đang được công chúng Việt Nam bàn luận rôm rả. Đa số sửng sốt, bất bình nhưng phân tích – chỉ trích tới mức nào thì cũng… trớt hướt.
Tờ 100 USD và những giấy bạc nhỏ hơn : 10 USF và 5 USD... - Hình minh họa.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ, khẳng định với tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyện hệ thống công quyền xử lý hành vi của ông Nguyễn Ca Rê là đúng pháp luật. Ông Nam trưng dẫn Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, chứng minh ông Nguyễn Ca Rê vi phạm Điểm a, Khoản 3, Điều 24 : Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (2) để chứng minh ông đúng. Đúng là ông Nam đúng !
Theo qui định tại nghị định vừa dẫn, hành vi của ông Rê sẽ bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng, chính quyền thành phố Cần Thơ ấn định mức phạt là 90 triệu đồng, rõ ràng là… có trước, có sau. Ông Nam nói thêm là ông Rê có thể xin giảm tiền phạt và chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ xem xét, giải quyết theo qui định của pháp luật. Cũng theo ông Nam, ông Rê còn có quyền kiện chính quyền thành phố Cần Thơ ra tòa và tất nhiên chính quyền sẽ cử người hầu kiện. Dân chủ, văn minh như thế còn muốn gì nữa ?
***
Sự nghiêm minh của hệ thống công quyền không chỉ thể hiện trên ông Rê. Công ty Nhân Đạt – chịu trách nhiệm về hoạt động của tiệm vàng Thảo Lực – cũng bị phạt 180 triệu đồng. Tờ 100 Mỹ kim của ông Rê bị tịch thu, khoản tiền 2.260.000 đồng mà tiệm vàng Thảo Lực giao cho ông Rê để nhận về tờ 100 Mỹ kim cũng bị tịch thu.
Ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, kể với tờ Tuổi Trẻ rằng, sau khi lực lượng thực thi pháp luật, phục kích, bắt quả tang vụ "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ", họ đã khám xét khắp nhà ông từ dưới đất lên tới sân thượng không chừa xó xỉnh nào và đã thu giữ từ phòng ngủ của vợ chồng ông 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo, toàn bộ vàng trắng với lý do "không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài" (3).
Căn nhà số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ bao gồm hai phần : Tiệm vàng Thảo Lực và tư gia của ông Lực. Về nguyên tắc, phục kích – bắt quả tang hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" giữa Tiệm vàng Thảo Lực với ông Rê, cho phép lực lượng thực thi pháp luật khám xét trong phạm vi đăng ký kinh doanh của Tiệm vàng Thảo Lực. Tuy nhiên mở rộng việc khám xét, xông vào lục soát tư gia của ông Lực lại là chuyện khác. Nếu không có Lệnh Kiểm tra hành chính được ký bởi cá nhân mà luật đã xác định là đủ thẩm quyền, theo luật, sẽ bị xem là phạm tội "xâm phạm chỗ ở của công dân" (Điều 158) với tình tiết tăng nặng (lợi dụng chức vụ, quyền hạn). Ngoài tội "xâm phạm chỗ ở của công dân", chuyện khám phòng ngủ, lấy đi 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo, toàn bộ vàng trắng với lý do "không có chứng từ, nhãn mác bằng tiếng nước ngoài" trong phòng ngủ là dấu hiệu của một tội khác ("lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" – Điều 280, cũng có tình tiết tăng nặng, nặng đến mức nào phụ thuộc vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt)
Bởi chỗ này dường như chưa… đúng lắm (!) nên trong văn bản gửi cho báo giới, giải thích về vụ phục kích, bắt quả tang hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" giữa Tiệm vàng Thảo Lực với ông Rê, Công an thành phố Cần Thơ không đả động gì đến chuyện khám xét tư gia của ông Lực và tịch thu tài sản của gia đình ông. Tất nhiên không có văn bản pháp luật nào qui định công dân phải lưu giữ, xuất trình "chứng từ" về tài sản của mình, cũng chẳng có văn bản pháp luật nào qui định, những chứng từ chứng minh nguồn gốc, quyền sở hữu tài sản không được có "nhãn mác bằng tiếng nước ngoài". Lúc này, có thể Công an thành phố Cần Thơ chưa tìm được cách lý giải thỏa đáng nên đành phải hủy cuộc họp báo vào giờ chót (4), song thế nào họ cũng "củng cố" xong… "chứng cứ".
Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền dễ dàng chấp nhận bộ máy thực thi pháp luật giải thích các scandal theo kiểu "nghi can tự tử trong trụ sở công an bằng… dây thun quần" mà không có bất kỳ thắc mắc nào thì sẽ chẳng có viên chức nào bị điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự do "xâm phạm chỗ ở của công dân" và "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" của gia đình ông Lực. Công an thành phố Cần Thơ đã không sai thì dứt khoát ông Lực… không đúng. Vậy thôi !
***
Khi đổi 100 Mỹ kim, không những chẳng được đồng nào mà còn gánh thêm khoản nợ 90 triệu đồng là chuyện có thật vì… đúng pháp luật, dân chúng Việt Nam mới để ý đến Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Hồi nghị định này còn là dự thảo, cho dù không ít chuyên gia, doanh nhân cùng lên tiếng cảnh báo, đâu có mấy người thèm bận tâm, đa số đều cho rằng nó chẳng dính dáng gì tới mình. Ông Rê ắt cũng là một trong số những người như vậy !
Việt Nam đã, đang và sẽ còn có rất nhiều qui định pháp luật giống như những qui định mà "sanh chuyện" rồi thiên hạ mới chú ý, bởi nhận ra chúng hết sức kỳ quái như Nghị định số 96/2014/NĐ-CP. Sắp tới, chuyện ai đó bị phạt tiền, thậm chí vào tù chỉ vì "like" một ý kiến, "share" một thông tin mà họ cảm thấy thích thú hay tin rằng người khác cần biết cũng… sẽ đúng pháp luật luôn vì những văn bản pháp luật liên quan tới an ninh mạng… qui định như vậy ! Thế thôi !
Sự kiện ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ, khẳng định với báo giới rằng, việc xử lý hành vi của ông Rê là đúng pháp luật, làm một số người có trí nhớ tốt hoặc biết rành ông Nam… giận nên "ôn cố" cho thiên hạ "tri tân". Năm 2014, lúc đang là Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Nam bị xác định là nhân vật phải chịu trách nhiệm chính trong scandal tuyển công chức cho Cục Quản lý thị trường năm 2013 (đa số ứng viên trúng tuyển là thân nhân lãnh đạo ngành Công Thương vì được cho biết trước cả đề thi lẫn đáp áp) (5). Vào thời điểm đó, sau khi Bộ Nội vụ và Bộ Công an công bố kết quả kiểm tra, điều tra, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẽ "xử lý nghiêm minh".
Đây là kết quả xử lý : Ông Nam và 43 cán bộ khác được Ban Tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam luân chuyển về các địa phương. Cùng được luân chuyển về Cần Thơ với ông Nam là ông… Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ khác cũng của Bộ Công Thương. Giống như ông Trịnh Xuân Thanh, ông Nam cũng được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ nhất trí "100%" chọn làm Phó Chủ tịch của thành phố này (6). Scandal liên quan đến Trịnh Xuân Thanh bùng lên, ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ mới phân bua với công chúng, không biết gì về tai tiếng của ông Nam. Cần Thơ không xin ông Nam mà phải tiếp nhận ông Nam theo sắp xếp của Ban Tổ chức Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "để sau đó bố trí vào những chức vụ cao hơn" (7).
Nhìn một cách tổng quát, ông Nam chỉ khác ông Trịnh Xuân Thanh ở chỗ Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xóa tên ông khỏi danh sách qui hoạch và vẫn xem ông là "cán bộ chủ chốt" của quốc gia trong tương lai. Đâu phải tự nhiên mà năm 2016, khi bị báo giới truy vấn về sự thăng tiến bất thường của mình sau khi đã có sai phạm tày đình, ông Nam vẫn khẳng định chắc nịch, sai phạm của ông đã bị xử lý (phê bình, cắt hết danh hiệu thi đua) và ông được luân chuyển vào Cần Thơ là do Ban Tổ chức Ban chấp hành trung ương Đảng phân công.
Ông Rê, ông Lực và nhiều người đồng cảm với họ có thể không ưng ông Nam – nhân vật quyết định giải pháp xử lý hành vi "mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ" giữa Tiệm vàng Thảo Lực với ông Rê – nhưng không ưng thì đã sao ? Dẫu ông Nam được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ bầu làm Phó Chủ tịch thành phố này qua một "phiên họp bất thường" nhưng rõ ràng ông Nam trở thành Phó Chủ tịch thành phố Cần Thơ đúng… pháp luật. Giờ, ông sử dụng công quyền cũng… đúng pháp luật. Thắc mắc dẫu ngay tình, hữu lý thì theo… pháp luật vẫn… vớ vẩn !
Họp… bất thường không phải là vấn đề. Cho dù Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng họp… bất thường nhưng quyết định xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" (Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh), "Công viên Fidel Castro" (Đông Hà, Quảng Trị) đâu có sai pháp luật ? Hội đồng nhân dân đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của dân chúng địa phương, dẫu họp… bất thường thì đó vẫn là cách… đúng pháp luật nhằm biểu thị "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân.
Tương tự, tuy Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "nhất trí" giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Nhà nước và ai cũng biết thế là xong nhưng các Đại biểu Quốc hội vẫn phải bỏ phiếu bầu vì cần phải đồng nhất "ý chí" của Đảng với "nguyện vọng" của nhân dân theo qui định của Hiến pháp. Phải như thế mới "chính danh". Còn "chính danh" có thật sự đồng nghĩa với tâm ý của nhân dân hay không lại là chuyện khác. Đâu phải tự nhiên mà Đảng cộng sản Việt Nam dụng nhiều công đến vậy trong chuyện lọc lựa ứng cử viên Đại biểu Hội đồng nhân dân và ứng cử viên Đại biểu Quốc hội. Bầu cử chẳng bao giờ là chuyện có thể đùa và mặc kệ diễn biến của nó ra sao cũng được.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/10/2018
Chú thích :
(2) http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/lanh-dao-can-tho-noi-ve-vu-doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-799181.html
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lại sinh chuyện. Lần này là một cây cầu và một hầm chui ở đoạn chạy ngang tỉnh Quảng Ngãi bị ngấm.
Địa điểm xảy ra hiện tượng thấm dột từ nền đường cao tốc xuyên qua cầu chui. Ảnh : Quảng Đà. (Hình : Trích xuất từ Zing)
Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC-Vietnam Expressway Corporation), chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa chính thức xác định, lỗi mới nhất cũng thuộc về nhà thầu. Cầu thấm và đọng nước dưới chân cầu là vì hệ thống thoát nước không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Hầm chui bị ngấm cũng với lý do tương tự.
VEC nói thêm rằng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát đốc thúc nhà thầu (Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô, Trung Quốc) sửa chữa ngay nhưng mười ngày qua, dù Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát đã gửi văn bản nhắc nhở hai lần, nhà thầu vẫn chưa làm gì cả (1).
Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô của Trung Quốc không xa lạ với công chúng và báo giới Việt Nam.
Doanh nghiệp Trung Quốc này đảm nhận việc thực hiện gói thầu A3 (đoạn cao tốc dài 10,6 cây số chạy qua Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong Dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (dài 140 cây số). Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô trở thành nổi tiếng là nhờ sự dũng cảm và bền chí của ông Phạm Tấn Lực.
Ông Lực - dân Bình Sơn, Quảng Ngãi – vốn là phụ hồ. Khi Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô trở thành nhà thầu thực hiện gói thầu A3, ông Lực xin vào làm bảo vệ cho công trình của nhà thầu này. Tuy công trình có Ban Quản lý Dự án, có Tư vấn giám sát nhưng cả hai cơ quan với rất nhiều chuyên gia ấy không phát giác Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô sử dụng đất không đạt chuẩn (đất sét lẫn đá vôi, bùn) để đắp nền cao tốc.
Chỉ là bảo vệ ông Lực cũng biết loại đất ấy không thể dùng làm nền đường – kể cả đường đất trong xã. Tư vấn giám sát im lặng, Ban Quản lý Dự án làm ngơ, ông Lực ra Đà Nẵng, tố cáo với chủ đầu tư (VEC). Thậm chí, ông Lực nhờ người dịch thư sang tiếng Anh, tiếng Hoa gửi cho nhà thầu. Không có bất kỳ hồi đáp nào. Thật ra nói vậy chưa chính xác lắm. Loại hồi đáp duy nhất, dồn dập được chuyển tới ông Lực là : Liệu hồn, không ngưng sẽ bị giết !
Không may cho các bên liên quan là ông Lực thuộc loại… chịu chơi. Thay vì rụt cổ, ông Lực chuyển thông tin, bằng chứng cho cả những cơ quan hữu trách cấp cao lẫn báo giới và trở thành kênh chuyển thông tin, bằng chứng của nhiều người Việt khác đang làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô về đủ loại sai phạm của nhà thầu Trung Quốc này đi các nơi. Trước chuyện lùm xùm ngoài dự kiến, VEC buộc phải làm gì đó và cuối cùng, Giám đốc thi công của Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bị buộc thôi việc. Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bị buộc phải bóc 300.000 khối đất không đạt chuẩn ra khỏi gói thầu A3. Đáng nói là VEC… nghiêm minh tới vậy mà ông Lực vẫn chưa chịu thôi vì bãi chứa đất không đạt chuẩn của gói thầu A3 chẳng có khối đất nào cả ! (2)
Bây giờ, gói thầu A3 đã được nghiệm thu. Không trước thì sau, Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô cũng sẽ sửa cây cầu và hầm chui thuộc gói thầu này bị ngấm nước, chân cầu bị đọng nước. Đó là nghĩa vụ bảo hành nhưng nghĩa vụ này chỉ có hai năm. Sau đó đoạn cao tốc từng thuộc gói thầu A3 sẽ được chuyển sang VEC.
***
Khi hệ thống công quyền không đủ nguồn lực tài chính để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, họ thường tổ chức đấu thầu, lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất về kinh nghiệm, năng lực (cả quản trị, thi công lẫn vốn liếng) để những nhà đầu tư này thực hiện các công trình giao thông. Sau đó nhà đầu tư được tổ chức thu phí để thu hồi cả vốn lẫn lãi trong một khoảng thời gian hợp lý rồi giao lại công trình cho hệ thống công quyền và công trình ấy trở thành một thứ phúc lợi công cộng. Thiên hạ gọi kiểu phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức này là BOT.
Việt Nam đã và đang phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng với một… phiên bản khác và có thể xem VEC là điển hình của phiên bản độc đáo này.
VEC là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông – Vận tải. Vốn để VEC đầu tư vào các công trình giao thông rồi thu phí không phải là vốn tự có. Một phần vốn của VEC là do ngân sách cung cấp, phần khác do chính phủ nhận viện trợ (WB) rồi giao cho VEC, đi vay với lãi suất ưu đãi rồi cho VEC vay lại (ODA), hoặc bảo lãnh để VEC vay trực tiếp (ADB, phát hành trái phiếu trong và ngoài Việt Nam), nếu VEC không thể trả thì chính phủ phải trả thay.
Nhìn một cách tổng quát, chính phủ giao "đầu heo" cho VEC nấu "cháo". Có điều "đầu heo" đó không phải của chính phủ mà của dân. Dân vừa phải trả tiền cho "đầu heo", vừa phải trả thêm tiền "cháo". Thay vì phải dùng thuế phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thì chính phủ lập ra VEC, giao tiền, hỗ trợ VEC gom tiền từ nhiều nguồn, phát triển hạ tầng giao thông để… thu phí. Các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT không những không hỗ trợ mà còn trở thành gánh nặng cho cả kinh tế lẫn xã hội (3).
VEC hiện là chủ những cao tốc đình đám nhất Việt Nam : Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn tất... và cũng là những cao tốc được bàn luận rôm rả nhất Việt Nam. Chẳng hạn cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị nứt ngay sau khi khánh thánh, rồi bị lún. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì đã không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật mà vốn đầu tư còn tăng 2,5 lần (từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng)… Mới đây, tới lượt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (vốn đầu tư tăng từ 28.000 tỉ lên 34.500 tỉ) : Một tháng sau khi khánh thành, một phần mặt cao tốc đoạn chạy qua Quảng Nam bị vỡ, VEC giải thích là do… mưa nhiều. Bộ Giao thông – Vận tải đỡ thêm khi bảo rằng, đó là chuyện nhỏ vì diện tích bị vỡ… mặt chỉ chừng 70 mét vuông.
Tuy nhiên họa vô đơn chí, sự kiện cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị vỡ mặt chưa lắng xuống thì báo giới bu vào phanh phui, VEC đã làm ngơ để nhà thầu POSCO Engineering & Construction tham dự vào dự án này như một trung gian. Thắng thầu xong, POSCO Engineering & Construction bán lại "100% hạng mục cho cả chục nhà thầu phụ mà VEC không thèm nói gì cả (4).
Những lá đơn tố cáo của dân chúng các địa phương nơi cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chạy qua, những lá đơn tố cáo của các đối tác cung ứng vật liệu về kiểu làm ăn gian dối của nhà thầu phụ, về các dấu hiệu bao che, thông đồng của Tư vấn giám sát, của Ban Quản lý Dự án, của VEC trước giờ, nay được bày ra, hâm lại làm người ta thắc mắc : Bộ Giao thông – Vận tải và đủ thứ ngành, ở đủ thứ cấp của hệ thống Việt Nam bị gì mà không nghe, không thấy, không lên tiếng và chẳng làm gì cả ?
Mặt cao tốc vỡ, cầu và hầm chui bị ngấm nước, POSCO Engineering & Construction bán thầu… và có thêm bao nhiêu scandal nữa liên quan tới cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì VEC cũng sẽ sớm được cho phép thu phí trở lại trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Báo giới Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, nợ nần của VEC đã lên tới 1,5 tỉ Mỹ kim ! VEC không trả được nợ thì chính phủ gánh, sức nặng của gánh ấy sẽ chuyển qua cho nhân dân chia sẻ. Làm sao có thể không chia sẻ, chẳng lẽ để quốc gia vỡ nợ rồi chết… chùm ?
***
Ông Lực, người làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô, nhà thầu gói A3 của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, từng giải thích với báo giới rằng, sở dĩ ông lặn lội khắp nơi, thu thập thông tin, chứng cứ, chuyển cho chỗ này, thúc giục chỗ kia hành động, suốt bốn năm ròng rã vì xét cho cùng, chi phí làm cao tốc là tiền của nhân dân, giữ cho cao tốc có chất lượng là giữ cho con cháu. Đó cũng là lý do ông Lực không đơn độc, nhiều người làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bí mật xếp hàng sau lưng ông, hỗ trợ ông.
Tuần rồi, khi được hỏi về những việc ông Lực đã làm, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bảo với phóng viên tờ Dân Trí rằng, một số phản ánh, kiến nghị của ông Lực đã được xem xét, kiểm tra và có phản hồi. Còn đúng hay không thì phải phân định. Về mặt hiện tượng có thể là… đúng nhưng chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được… giải pháp thì thông tin không được… toàn diện. Nói cách khác, ngoài việc phải quan sát, theo dõi, phản ánh đúng hiện tượng, dân chúng như ông Lực còn có trách nhiệm đề ra giải pháp khả thi. Có như thế may ra giới hữu trách mới để mắt tới, thiếu một trong hai là chưa toàn diện.
Nghe ông Thành phân biện, một số người buột miệng rủa : Chẳng lẽ trách nhiệm của giới hữu trách chỉ khoanh gọn trong phạm vi… ăn và… hưởng. Rủa có thể không sai nhưng rõ ràng ông Thành nói đúng ! Thực tế là như thế. Cứ nhìn quanh sẽ thấy vô số ví dụ minh họa.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/10/2018
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/cau-ham-cao-toc-da-nang-quang-ngai-tham-nuoc-20181021191356322.htm
(3) https://news.zing.vn/khoan-no-1-5-ty-usd-cua-chu-dau-tu-cao-toc-34500-ty-dong-post884847.html
Đại diện Thành ủy, Hội đồng nhân dân và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại vừa nhận lỗi với dân chúng Thủ Thiêm (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) thêm một lần nữa khi tiếp các nạn dân vào sáng 18 tháng 10.
Vụ Thủ Thiêm : Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Vài tháng gần đây, ngoài "xin lỗi", những tổ chức chính trị và các cơ quan công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh còn liên tục bày tỏ sự "đau xót", "day dứt" về thảm nạn, thảm cảnh mà dân chúng Thủ Thiêm đã gánh chịu trong hai thập niên vừa qua...
***
Bất chấp kết quả khảo sát và kết luận của các Đô thị gia thời thuộc Pháp và thời Việt Nam Cộng Hòa (nếu cần mở rộng Sài Gòn, không nên phát triển về hướng Nam, Đông Nam – bán đảo Thủ Thiêm – vì khu vực này là vùng trũng, kết cấu địa tầng yếu, xây dựng hệ thống hạ tầng vừa tốn kém, vừa không an toàn vì dễ ngập lụt, sụt lún, sạt lở), giữa thập niên 1990, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam vẫn quyết định xây dựng một đô thị mới ở Thủ Thiêm.
Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm" đặt nền cho việc giải tỏa trắng bán đảo Thủ Thiêm, đẩy khoảng 14.000 gia đình với chừng 60.000 người đi chỗ khác. Cho đến nay, kế hoạch thu hồi đất xem như đã xong (99%), 716 héc ta đất đã sạch người, sạch nhà để dành 382 héc ta trong số này cho các dự án phát triển gia cư và 334 héc ta còn lại cho các dự án phát triển các khu thương mại, trung tâm dịch vụ.
Chỉ có một chuyện chưa xong và chắc là còn lâu mới giải quyết xong hậu quả là phản ứng của dân chúng Thủ Thiêm. Dù đồng ý hay không thì họ vẫn bị bứng khỏi nơi cư trú, nhà bị phá, đất bị lấy, tiền bồi thường thì rẻ mạt, chừng 5% so với giá mà chủ đầu tư các dự án được giao đất bán lại ngay sau đó. Để thực hiện Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm", hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng đã dọn dẹp gần như sạch sẽ khoảng 30 cơ sở thờ tự của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng (Đình, Đền, Miếu, Chùa, Tịnh xá, Nhà nguyện, Nhà thờ). Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm là hai cơ sở thờ tự chưa bị phá hủy theo… quy hoạch.
Giữa thập niên 2000, dân Thủ Thiêm bắt đầu dắt díu nhau đi kêu oan về giá bồi thường đã rẻ mạt mà còn tùy tiện, không có phương án đền bù, cưỡng bức giải tỏa – thu hồi đất không có kế hoạch tái định cư, hỗ trợ tái định cư theo qui định pháp luật hiện hành, cưỡng bức giải tỏa – thu hồi đất bên ngoài phạm vi Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm" đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt… Ơ Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan quyền lực cao nhất, chỗ mà các nạn dân từ khắp nơi trên toàn Việt Nam đổ về để kêu oan có "làng Thủ Thiêm". Cho dù dân chúng Thủ Thiêm kêu oan ròng rã chừng hai thập niên, không những không nghe, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn tìm đủ mọi cách để dập tắt những tiếng kêu oan.
Ngoài chuyện bị đánh đập, bị sách nhiễu, thậm chí bị tống giam như ông Nguyễn Hồng Quang (một mục sư Tin Lành, người vừa khiếu nại việc cưỡng bức, giải tỏa tư gia và một nhà nguyện thuộc Giáo phái Mennonite tại khu vực Thủ Thiêm, vừa hỗ trợ dân chúng trong khu vực này khiếu nại), sử dụng hệ thống truyền thông chính thức cáo buộc ông Quang là "lưu manh chuyên nghiệp", "kích động gây rối cản trở di dời, giải tỏa" (1), nhiều cư dân Thủ Thiêm, kể cả cán bộ, đảng viên cộng sản Việt Nam vì gia đình khiếu nại mà bị truy bức đến mức tự sát như ông Trần Vĩnh Phúc, Thiếu tá công an, từng làm việc tại Công an Quận 2 (2). Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm" còn là nguyên nhân đầy cả dân lẫn cán bộ, đảng viên cộng sản Việt Nam lún sâu vào mâu thuẫn không thể hóa giải với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam. Trong số này có cả những cán bộ, đảng viên cao cấp như ông Hồng Minh Hải, Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông Hải là một trong ba gia đình "tử thủ" tại nơi từng là Khu phố 1, phường Bình An, quận 2. Sở dĩ nỗ lực "tử thủ" thành công vì ông tuyên bố sẽ bắn bất kỳ ai phá nhà – giải tỏa – thu hồi đất của gia đình ông. Mới đây, qua cuộc trò chuyện với Võ Đắc Danh (một facebooker từng làm báo), ông Hải tiết lộ thêm, ông đã lập xong danh sách "đầu sỏ" của kế hoạch phi lý, bất nhân, nhân danh phát triển này, đã nghiên cứu kỹ địa hình, địa vật nơi những tên "đầu sỏ" cư trú, đã soạn sẵn "cáo trạng" dành cho những cá nhân thực sự là "kẻ thù của nhân dân" để khi cần sẽ xử từng tên rồi tự xử mình theo kiểu của lính (3)…
***
Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm" không chỉ đẫm nước mắt mà còn đẫm máu. Tiền có thể bù đắp những thiệt hại về tài sản, những thiệt hại vật chất, song tiền có thể tái sinh những cá nhân đã uổng mạng vì bị dồn đến cùng đường, vì thiếu thốn, cay cực trong hai thập niên lặn ngụp giữa oan khiên ? Tiền có thể khôi phục hạnh phúc, sự đầm ấm cho những gia đình tan nát, bảo đảm tương lai cho những thanh niên, thiếu nữ trưởng thành trong dở dang về giáo dục, lỡ làng về nghề nghiệp vì bị tước mất những cơ hội vốn là nền móng để từ đó bước vào đời một cách vững vàng ?
Một câu hỏi khác cần được trả lời là những khoản tiền bồi thường cho các nạn dân của Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm" sẽ lấy từ đâu ? Chắc chắn không phải từ những chủ đầu tư các dự án như : Công ty Quốc Lộc Phát, Công ty Đại Quang Minh, Tập đoàn Lotte, Liên danh Tiến Phước – Trần Thái – Denver Power,… Khi "tiền đã trao, cháo đã múc" chẳng còn lý do nào để buộc các nhà đầu tư phải trả thêm.
Tất nhiên, tiền bồi thường cho các nạn dân của Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm" sẽ lấy từ ngân sách, sẽ "cấu, véo" vào những khoản chi dành cho các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh vốn đã eo hẹp, nếu chưa đủ thì sẽ đi vay, vay ngoại quốc không được hay không đủ thì phát hành trái phiếu để vay trong nước từ tiền tiết kiệm mà dân chúng gửi cho hệ thống ngân hàng, từ những quỹ mà dân chúng phải đóng góp để bảo đảm an sinh xã hội... Không kiểu này thì kiểu khác, hơn 90 triệu người Việt, trong đó có cả dân chúng Thủ Thiêm sẽ gánh chịu những thua thiệt do chuyện "cấu, véo" vào những khoản lẽ ra phải dành cho các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh và sẽ phải trả cho sạch những khoản vay để sửa sai không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác.
Đó có thể là lý do hồi hạ tuần tháng trước, khi họp báo về Kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thực hiện Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm", ông Võ Văn Hoan, Phát ngôn viên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, xin lỗi cả dân chúng Thủ Thiêm lẫn dân chúng thành phố này, còn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay chỉ là "kế thừa" và hai hệ thống "kế thừa" này chỉ giải quyết khoảng 100 trường hợp đã cưỡng chế - thu hồi ngoài kế hoạch chứ không "hồi tố" (4). Theo hướng đó, có lẽ còn rất lâu Thủ Thiêm mới yên và trách nhiệm giải quyết hậu quả của Dự án "Khu Đô thị mới Thủ Thiêm"có thể kéo dài cho tới khi các hệ thống "kế thừa" hiện nay hết nhiệm kỳ rồi chuyển cho các hệ thống "kế thừa của kế thừa" giải quyết tiếp.
Hai chữ "kế thừa" quả là tuyệt ! Chúng giúp phân định rạch ròi trách nhiệm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay với các hệ thống tương ứng của những "nhiệm kỳ trước", cho dù nhiều thành viên của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay như ông Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư), bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân), ông Nguyễn Thành Phong (Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh),… đều có "dây mơ, rễ má", đều "trưởng thành" từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của các "nhiệm kỳ trước".
Chẳng lẽ ngoài "xin lỗi", bày tỏ sự "đau xót", hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay ở cả Thành phố Hồ Chí Minh lẫn trung ương không có chút trách nhiệm nào khi oan khốc Thủ Thiêm kéo dài hai thập niên ? Chẳng riêng dân chúng Thủ Thiêm, trong thảm nạn Thủ Thiêm, dân chúng Việt Nam đã nhiều lần đồng thanh xướng tên một số cá nhân mà họ xem là thủ phạm trực tiếp : Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang,… Cứ cho là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ xử lý các thủ phạm một cách nghiêm minh nhưng chỉ như thế đã đủ để "hởi lòng, hởi dạ" vì công lý đã được thực thi ? Tại sao thủ phạm có thể công khai gieo rắc oan khiên cho hàng chục ngàn gia đình và sự phi lý, phi nhân ấy dẫu rành rành giữa thanh thiên, bạch nhật suốt hai thập niên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không hành động ?
Những oan khiên kiểu Thủ Thiêm đâu chỉ có ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, chúng được gieo rắc ở khắp nơi suốt sáu thập niên và ai cũng biết nguồn gốc từ đâu nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không muốn sửa, đất đai vẫn phải thuộc sở hữu toàn dân vì đó là nền móng để xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam mới xứng đáng nắm giữ quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện. Chỉ khi tình thế không cho phép làm ngơ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam mới bày tỏ sự "đau xót", "xin lỗi", hứa "sửa sai" nhưng giữ nguyên gốc. Cứ thế thì thảm cảnh còn nhiều, thảm nạn còn lâu, những "đầu sỏ" lớn sẽ tiếp tục làm "đèn giời, soi sét" những "đầu sỏ" nhỏ hơn, kém thế hơn. Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/10/2018
Chú thích
(1) http://hoithanhdiembao.blogspot.com/2011/02/muc-su-nguyen-hong-quang-nan-nhan-che-o.html
(2) https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/1932975286763513
(3) https://www.facebook.com/dacdanhmientay/posts/1938952956165746
Nhiều người tỏ ra hài lòng sau khi nghe ông Nguyễn Thiện Nhân (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) tuyên bố, Văn phòng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thôi giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều người tỏ ra hài lòng sau khi nghe ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố, Văn phòng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thôi giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trở thành mục tiêu thu hút sự chú ý của công chúng sau khi cơ quan này được xem là nơi phải chịu trách nhiệm chính trong vụ Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được "quyền sử dụng" 34,2 héc ta đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng.
Sở dĩ Công ty Quốc Cường Gia Lai lời chừng… 2.000 tỉ đồng trong thương vụ vừa kể vì Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chịu bán… rẻ. Sở dĩ Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chịu bán rẻ vì "cha mẹ" của doanh nghiệp này – Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – muốn như vậy (1).
Khi vụ mua bán 34,2 héc ta đất ở ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè trở thành scandal, Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi phải gánh trách nhiệm vì có nhiệm vụ giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khối doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ có Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận "dại dột" như vậy. "Dại dột" y hệt như vậy còn có Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (2). Công ty này cũng mang các qui định về đấu giá, đấu thầu vứt hết vào sọt rác để chuyển nhượng một Dự án Nhà ở tại phường An Phú, quận 2, diện tích 4,8 héc ta với giá rẻ cho Công ty Đạt An.
Sau khi sự "dại dột" của Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận trở thành scandal, giống như thương vụ mua bán 34,2 héc ta đất ở Phước Kiển, Nhà Bè, thương vụ chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường An Phú, quận 2 cũng bị hủy bỏ theo chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Lạ là dù "mỡ đã nằm trong miệng mèo", các đối tác (Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty Đạt An) của những doanh nghiệp thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận nhả ra hết sức dễ dàng, không thắc mắc, khiếu nại gì...
Có một điểm cần chú ý nhưng ít người để ý là Văn phòng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thôi giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhưng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sở hữu hàng loạt doanh nghiệp. Ở Hội nghị lần thứ 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa 10, diễn ra trong ba ngày từ 15 đến 17 tháng này, song song với tuyên bố không cho Văn phòng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giám sát, điều hành các doanh nghiệp của… Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nữa, ông Nhân còn nói thêm là Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nghị quyết riêng về hoạt động kinh tế của tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam tại thành phố này. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ "cơ cấu lại lĩnh vực nào tiếp tục kinh doanh, lĩnh vực nào không tiếp tục kinh doanh nữa, ví dụ không đầu tư vào ngân hàng nữa vì rủi ro rất lớn".
Tuy ông Nhân không cho biết chi tiết Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã "đầu tư vào ngân hàng" ra sao nhưng hẳn những người chịu khó quan sát hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam chưa quên những thông tin liên quan đến việc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh rót rất nhiều tiền vào hai ngân hàng thương mại là Saigon Bank (Ngân hàng Sài Gòn Công Thương) và Dong A Bank (Ngân hàng Đông Á).
Tính về tỉ lệ sở hữu cổ phiếu, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là cổ đông lớn nhất của Saigon Bank (18,18% - ước đoán vốn đầu tư khoảng 560 tỉ đồng – vi phạm qui định của Luật Các tổ chức tín dụng, cấm các tổ chức sở hữu quá 15%) và là cổ đông lớn thứ ba của Dong A Bank (6,87% - ước đoán vốn đầu tư khoảng 344 tỉ đồng) (3).
Vậy hoạt động của hai ngân hàng vừa kể hiện nay ra sao ? Tuy hết sức èo uột nhưng dù sao Saigon Bank cũng đỡ hơn Dong A Bank. Tính đến cuối năm 2015, Dong A Bank âm vốn 25.000 tỉ. Tòa án chuẩn bị xét xử Tổng Giám đốc Dong A Bank và hàng loạt nhân viên vì những giao dịch tài chính có dấu hiệu phạm pháp với Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’).
Thế tiền đâu để Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh góp cả ngàn tỉ đồng vào Saigon Bank và Dong A Bank ? Câu trả lời tất nhiên là tiền cho thuê, tiền bán các công thổ, công sản mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam giao cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, sử dụng và tiền do… ngân sách cấp ! Các doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy và đó là lý do tại sao dẫu hết sức "dại dột" trong kinh doanh, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Kinh doanh nhà Phú Nhuận vẫn tồn tại.
Cần phải nói thêm, trong cơ cấu của Saigon Bank, 560 tỉ đồng góp vào cho ngân hàng này chỉ là của Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nếu tính cả vốn của những doanh nghiệp cũng thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh như Công ty Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận (16,54%), Công ty Du lịch Thương mại Kỳ Hòa (16,35%), Công ty Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (14,08%) thì tỉ lệ vốn mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thực góp vào Saigon Bank lên tới 65,15%. Nói cho… công bằng, trong ba doanh nghiệp vừa kể, có doanh nghiệp thuộc quyền quản lý giám sát của… Văn phòng, có doanh nghiệp thuộc quyền quản lý giám sát của… Ban Tài chính Quản trị song xét một cách tổng quát thì tất cả đều là "con cái" của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Cổ nhân thường bảo "con dại, cái mang" nhưng đó là ngày xưa. Ngày nay, nếu câu cách ngôn đó còn đúng thì cũng chỉ đúng với thường nhân. Với các tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam như Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, "con dại", cha mẹ cũng… chẳng sao. Chuyện Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận "dại dột" bán công thổ, công sản rẻ như cho trở thành scandal, xử lý những cá nhân đứng đầu hai doanh nghiệp này mà chưa "ổn định được dư luận" thì tiến thêm một bước… "khiển trách" bà Thái Thị Bạch Liên (Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) và điều chuyển bà Liên sang làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Rồi để bảo vệ uy tín của bà Liên, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - nhờ báo chí nhắn với công chúng, đừng xem việc điều chuyển bà Liên là một hình thức kỷ luật. Sở dĩ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh điều chuyển bà Liên vì Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng là Đảng bộ lớn, có nhiều Đảng viên là cán bộ chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh, thành ra cần kinh nghiệm và năng lực của bà Liên để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng (3). Tương tự, sau khi dư luận lùm xùm về những khuất tất ở Saigon Bank liên quan tới chuyện hàng loạt doanh nghiệp thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh "dại dột" thì "cảnh cáo" ông Phạm Văn Thông (cựu Phó Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) và cho "thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị" ngân hàng này rồi… thôi (4). Điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự là những đòi hỏi bất khả thi vì ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức Đảng !..
***
Hồi đầu tháng này, chính phủ Việt Nam ước đoán, đến hết năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ vào khoảng 3,5 triệu tỉ đồng. Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng. Tính đến hết quý 1/2018, chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền) chiếm khoảng 76% tổng chi ngân sách. Ngoài việc phải nuôi các viên chức trong hệ thống công quyền (theo ước đoán của Kiểm toán Nhà nước hiện thừa chừng 57.000 người), dân chúng Việt Nam còn bị buộc cõng thêm cán bộ, nhân viên của hệ thống chính trị - xã hội (Đảng, Đoàn, Hội,…).
Cách nay hai năm, Bộ Tài chính Việt Nam từng thú nhận, chỉ trong mười năm vừa qua, viên chức của hệ thống công quyền tại Việt Nam tăng thêm 1,4 triệu người, còn cán bộ, nhân viên của các tổ chức chính trị - xã hội khác thì tăng hơn ba lần nhưng không cho biết con số cụ thể. Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện cách nay hai năm thì mỗi năm, các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam (Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao Động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ,…) ngốn của ngân sách khoảng 14.000 tỉ đồng để trả lương, gấp đôi ngân sách dành cho hai Bộ Y tế và Giáo dục. Nếu tính cả chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm : đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) thì theo VERP, các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập nhằm hỗ trợ Đảng cộng sản Việt Nam duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, ngốn của ngân sách từ 45.600 - 68.100 tỉ đồng/năm.
Không thấy VEPR công bố chi phí dành riêng cho việc trả lương cán bộ Đảng cộng sản Việt Nam ở đủ mọi cấp và chi phí kinh tế - xã hội mà Đảng cộng sản Việt Nam đang hưởng dụng là bao nhiêu nhưng chắc chắn phải gấp vài lần tổng chi dành cho các tổ chức chính trị - xã hội. Tương tự, người ta không thể biết tổng số doanh nghiệp của các tổ chức thuộc Đảng cộng sản Việt Nam (Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các Thành ủy, Tỉnh ủy) là bao nhiêu, nắm giữ bao nhiêu tài sản quốc gia, hiệu quả kinh doanh thế nào ? Những số liệu này đã, đang và có lẽ sẽ được bảo mật ngang tầm những bí mật quốc gia. Thỉnh thoảng, qua hệ thống truyền thông chính thức, mới có thể biết vài số liệu đơn lẻ, kiểu như Thành ủy Hà Nội có 15 tổng công ty (5). Hoặc trong hoạt động, những doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức đảng nếu không "dại dột" như Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận (Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) thì hết sức "càn rỡ" xem luật pháp là giấy lộn, sinh mạng – tài sản – lợi ích chính đáng của khách hàng là số 0 (6), "lưu manh", hết lừa ngàn người này, tới gạt ngàn người khác (7) như Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch Sao Mai (Thành ủy Hà Nội)...
Việt Nam khác với phần còn lại của thế giới (tất cả các tổ chức chính trị, xã hội phải tự lập, nếu muồn tồn tại phải tự chủ về tài chính), dân chúng Việt Nam vẫn phải nuôi cả Đảng cộng sản Việt Nam lẫn các tổ chức chính trị - xã hội được lập ra để hỗ trợ Đảng cộng sản Việt Nam duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam. Tuy hệ thống chính trị tại Việt Nam có các doanh nghiệp riêng nhưng không những các doanh nghiệp này không nuôi "cha mẹ" chúng mà dân phải cõng luôn cả chúng cho chúng phá ! Rên xiết, oán thán của vài chục triệu người vì vật giá gia tăng do sưu ngày càng cao, thuế ngày càng nặng bởi chi thường xuyên càng ngày càng lớn chưa đủ sức nặng.
Giới khoa học gọi những ký sinh trên vật chủ vốn cũng thuộc loại ký sinh là ký sinh bậc cao. Việt Nam đi từ thảm nạn này đến thảm nạn khác vừa vì ký sinh làm chủ vừa vì phải chấp nhận cho cả ký sinh bậc cao – những doanh nghiệp thuộc các tổ chức đảng đủ cấp – cộng sinh. Mạt là tất nhiên, không mạt mới lạ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/10/2018
Chú thích :
(2) http://plo.vn/thoi-su/nhieu-can-bo-vp-thanh-uy-tphcm-cong-ty-phu-nhuan-bi-ky-luat-780598.html
Nếu Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được Thủ tướng Việt Nam ký và ban hành, 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp sẽ trở thành những con vật hai chân vì nhân quyền (quyền được sống, quyền tự do – bao gồm tự do ngôn luận và thể hiện, tự do tín ngưỡng và nhận thức, tự do lập hội, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng trước pháp luật) vốn được xem như tất nhiên, không thể bị tước bỏ bởi bất kỳ lý do nào sẽ bị thủ tiêu. Phẩm giá đã không còn thì con người có khác gì con vật ?
Luật an ninh mạng sẽ biến người Việt Nam mất khả năng trí tuệ để trở về thời kỳ nguyên thủy - Hình minh họa.
***
Bất kể khuyến cáo của nhiều chuyên gia, nhân sĩ, trí thức trong và ngoài Việt Nam, bất chấp cảnh báo của chính phủ nhiều quốc gia, tổ chức hoạt động vì nhân quyền trên thế giới, trung tuần tháng sáu vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã gạt cả Hiến pháp Việt Nam lẫn các cam kết với cộng đồng quốc tế về việc bảo vệ, thăng tiến nhân quyền sang một bên để thông qua Luật An ninh mạng. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Mới đây, Bộ Công an Việt Nam đã trình Thủ tướng Việt Nam Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng.
Đã từng có những phân tích rất cặn kẽ, thấu đáo về sự càn rỡ và những nguy hại mà Luật An ninh mạng sẽ gây ra cho kinh tế - xã hội, triển vọng phát triển của Việt Nam, trong số này có những bài viết đáng đọc như loạt bài của ông Hoàng Xuân Phú (một Giáo sư làm việc tại Viện Toán học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) (1), mới đây, khi Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng lọt ra ngoài đã có thêm những ý kiến khác, vạch trần dã tâm biến xã hội Việt Nam trở thành một ốc đảo lạc hậu, man rợ kiểu Bắc Hàn, biến công dân Việt Nam trở thành những con vật hai chân, chẳng hạn như bài của Dương Ngọc Thái (chuyên gia công nghệ thông tin, sống và làm việc tại Mỹ (2) nhưng hình như đa số người Việt ngại đọc, ngại nghĩ nên hết sức thờ ơ.
***
Ngày 2 tháng 12 năm 2015, Syed Rizwan Farook – nhân viên một cơ quan y tế của quận San Bernadino, tiểu bang California và vợ là Tashfeen Malik đã xả súng vào một bữa tiệc do cơ quan này tổ chức. Vụ thảm sát đó làm 14 người chết và 21 người bị thương. Cả hai đã bị cảnh sát bắn chết trên đường đào tẩu. Các cơ quan bảo vệ luật pháp của Mỹ tin rằng Farook và Malik có quan hệ với những tổ chức khủng bố. Đó là lý do FBI đề nghị Apple – nhà sản xuất iPhone – soạn thảo phần mềm, hỗ trợ mở khóa iPhone loại 5s của Farook để mở rộng điều tra nhưng Apple từ chối.
Cho dù đề nghị của FBI hoàn toàn vì lợi ích chung là an ninh công cộng, mở khóa iPhone loại 5S của Farook sẽ giúp truy tìm – ngăn chặn âm mưu rõ ràng đang đe dọa lợi ích quốc gia và tính mạng của nhiều công dân Mỹ hiệu quả hơn, song lợi ích chung chưa đủ cả lý lẫn tình để ép Apple phải hợp tác. Bên cạnh lợi ích chung liên quan tới quốc gia, cộng đồng, chính quyền Mỹ còn phải tôn trọng những lợi ích khác, ví dụ lợi ích của các cá nhân, lợi ích doanh nghiệp. Nếu Apple hợp tác với FBI, sự hợp tác này có thể tạo thành tiền lệ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có quyền yêu cầu các thông tin mang tính riêng tư của một cá nhân, ảnh hưởng tới phẩm giá của họ. Chưa kể việc Apple hợp tác với FBI còn khiến thiên hạ (cả ở Mỹ lẫn bên ngoài lãnh thổ Mỹ) lo ngại các cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ sẽ được Apple hỗ trợ thu thập thông tin về đời tư, công việc của họ. Apple khó mà giữ được đất sống, nói gì tới phát triển.
Đó cũng là lý do chẳng phải chỉ có những Microsoft, Google, Facebook,… mà chuyên gia nhiều giới cùng lên tiếng ủng hộ Apple. FBI chỉ còn một đường, đưa vụ này ra Tòa nhờ Tòa phân xử. Tất nhiên là Bộ Tư pháp của chính phủ Mỹ ủng hộ FBI hết mình trong vụ FBI kiện Apple đòi Apple hỗ trợ, song Tòa của Mỹ hoạt động độc lập thành ra không ai dám chắc "mèo nào cắn mỉu nào". Tháng 3 năm 2016, FBI đơn phương hủy vụ kiện vì cuối cùng, một công ty mà FBI thuê đã mở được khóa để FBI có thể truy cập iPhone 5S của Farook (3)...
Chẳng phải chỉ có Mỹ, chính phủ của tất cả các quốc gia văn minh trên thế giới đều hiểu rằng, họ không thể nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng để xâm hại các quyền căn bản của một con người. Đối với hệ thống công quyền ở các quốc gia văn minh, bảo vệ nhân quyền không phải đặc ân, đó là loại nghĩa vụ vừa được minh định bằng Hiến pháp để thực thi trong phạm vi quốc gia, vừa phải tham gia bảo vệ trên bình diện quốc tế theo đúng tinh thần Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
***
Luật An ninh mạng vốn đã tước bỏ các quyền căn bản của một con người, không chỉ cấm các cá nhân chia sẻ thông tin, bày tỏ những ý kiến có thể nguy hại cho "chủ trương, chính sách" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, bất kể "chủ trương, chính sách" đó "phi luân, bại lý" đến đâu, mà còn phải nhìn trước, ngó sau, ngăn chặn thông tin, ý kiến của người khác để những thông tin, ý kiến ấy không gieo họa cho mình. Giờ, nếu Thủ tướng Việt Nam ký và ban hành Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng theo đúng nội dung do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo, Cục An ninh mạng của Bộ Công an sẽ trở thành cơ quan siêu quyền lực.
Trong bối cảnh cả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, lẫn hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt cá nhân càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin – viễn thông, việc giao cho Cục An ninh mạng quyền quyết định doanh nghiệp nào (bất kể doanh nghiệp Việt Nam hay ngoại quốc) được cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên Internet tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp này phải lưu giữ và trong vòng ba năm phải cung cấp toàn bộ "nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch" của tất cả khách hàng, quyền yêu cầu cung cấp tất cả dữ liệu mà những doanh nghiệp đó có được về một cá nhân – sẽ đặt 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp dưới sự giám sát, khống chế của Cục An ninh mạng.
Khoan bàn đến viễn cảnh chi phí tăng, sức cạnh tranh giảm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, kinh tế suy thoái trầm trọng hơn, giới đầu tư ngoại quốc tháo chạy vì phần còn lại của thế giới không thể chơi theo kiểu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muốn, khoan bàn đến viễn cảnh không còn cơ hội sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của những doanh nghiệp ngoại quốc (chẳng hạn gmail, facebook,…), liệu viễn cảnh toàn bộ sinh hoạt, quan hệ xã hội, kể cả những yếu tố hết sức riêng tư của mỗi cá nhân sẽ được bày ra trước mặt Cục An ninh mạng, cơ quan này muốn dùng thế nào cũng được, muốn khai thác ra sao cũng chẳng ai thắc mắc – có đáng bận tâm không ?
Có thể yên tâm khi Cục An ninh mạng, Bộ Công an toàn quyền thu thập, sử dụng toàn bộ thông tin của tất cả cá nhân, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp, của các cơ quan, tổ chức kể cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ? Scandal Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) của Bộ Quốc phòng Việt Nam hồi thập niên 2000, từng khiến ông Phạm Văn Xô (một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, cựu Phó Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương – Ban chấp hành trung ương - Đảng cộng sản Việt Nam), 12 ông tướng quân đội, bao gồm ba Đại tướng (Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết) và hàng trăm "lão thành cách mạng" đồng loạt lên tiếng phản đối, đòi điều tra – xử lý kỷ luật cả về mặt đảng lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân tạo điều kiện cho Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng bí mật thu thập thông tin, ngụy tạo thông tin, khống chế, lũng đoạn toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, gieo vạ cho vô số đảng viên, cán bộ cao cấp, kể cả những công thần như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà,… những viên chức cao cấp như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An,… chưa đủ giá trị để xem là một bài học bổ ích cho chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (4) ?
Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng trở thành cơ quan siêu quyền lực, tạo ra hàng loạt sai phạm mà các công thần của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xác định là "siêu nghiêm trọng" nhờ "Pháp lệnh Tình báo" (1996) và "Nghị định 96" (1997) – giúp cơ quan này phá vỡ mọi giới hạn về vai trò để mở rộng hoạt động. Luật An ninh mạng và nếu Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được ký – ban hành với nội dung đúng như dự thảo mà thiên hạ đang thảo luận, Cục An ninh mạng, Bộ Công an cũng sẽ phá vỡ tất cả các giới hạn về vai trò để trở thành một cơ quan siêu quyền lực.
Vụ án "Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) còn nóng hổi.
Qua Kết luận Điều tra và Cáo trạng, chẳng lẽ những thắc mắc - tại sao chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao - C50) mà không điều tra, xác định trách nhiệm những viên chức lãnh đạo khác của Bộ Công an trong khi rõ ràng họ chủ trương giao cho C50, Tổng cục Cảnh sát sử dụng CNC như "bình phong", tạo cho CNC chỗ dựa để tổ chức đánh bạc, rửa tiền, sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản – không cần làm rõ ?
Dù không góp đồng nào nhưng trong cơ cấu vốn của CNC, Bộ Công an Việt Nam có 20% nhờ tạo ra cái gọi là "hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng" để CNC nương nhờ (5). Một cơ quan với những cá nhân như thế, vận hành theo kiểu như thế vẫn đáng tin cậy để giao cho việc định đoạt tương lai công nghệ thông tin – viễn thông tại Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam và kiểm soát 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp ?
***
Sự phát triển của công nghệ thông tin – viễn thông đã tạo cho người Việt cơ hội chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến. Thực tế cho thấy, những thông tin mà họ đã chia sẻ, những ý kiến mà họ đã bày tỏ, đã buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải liên tục điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách. Tuy nhiên những phương tiện để biết, để bàn, tạo áp lực để buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải điều chỉnh sắp vuột khỏi tay của đám đông.
"Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" không quan trọng bằng duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam. Khả năng người Việt trở thành những con vật hai chân rất lớn. Sau Luật An ninh mạng là Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng. dự thảo này chưa thoát thai thì những động tác kiểu như "xây dựng kế hoạch bảo vệ cán bộ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và cán bộ do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam trên không gian mạng" đã được giao cho giao cho "Đảng ủy Quân sự Thành phố Hồ Chí Minh, Đảng ủy Công an Thành phố Hồ Chí Minh (6).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/10/20148
Chú thích :
(1) http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/FBI-Apple_encryption_dispute
(4) https://www.danluan.org/tin-tuc/20090814/tong-cuc-2-co-quan-tinh-bao-gay-nhieu-quan-ngai-phan-1
(6) http://plo.vn/thoi-su/tphcm-len-ke-hoach-bao-ve-can-bo-tren-khong-gian-mang-797766.html
Khi một cá nhân rơi vào trạng thái mất lý trí, không những không kiểm soát được hành vi, lời nói mà hành vi, lời nói còn gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại nghiêm trọng cho mọi thứ quanh kẻ ấy, bất kể đó là người hoặc vật, thân hay sơ, thiên hạ gọi đó là… "động rồ".
Tượng đài Hồ Chí Minh đủ loại đủ kiểu được dựng lên khắp nơi ở Việt Nam như cơn lên đồng tập thể cấp Đảng và Nhà nước với những kinh phí khổng lồ trích từ ngân sách nhà nước
Không may cho người Việt là "động rồ" giờ trở thành trạng thái chung của cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam !
***
Giữa lúc công chúng đang sôi sùng sục vì Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch", trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đề nghị xây dựng "Quảng trường Hồ Chí Minh" cũng tại Thủ Thiêm.
Đề nghị vừa kể không cho biết tổng chi phí xây dựng "Quảng trường Hồ Chí Minh" là bao nhiêu nhưng mô tả về quy mô của công trình này cho phép ước đoán con số ấy phải tính bằng vài chục ngàn tỉ đồng : Diện tích "Quảng trường Hồ Chí Minh" lên tới 27 héc ta. Trong đó có Quảng trường, Cột cờ tổ quốc, Công viên lưu niệm 63 tỉnh – thành phố, Nhà Trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Nhà sàn và ao cá Bác Hồ".
Theo báo chí Việt Nam, sở dĩ chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh muốn thực hiện công trình "Quảng trường Hồ Chí Minh" vì họ cho rằng, phải như thế thì mới "xứng với tầm vóc một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của toàn quốc để phục vụ nhu cầu của nhân dân". "Quảng trường Hồ Chí Minh" sẽ "tạo ra một diện mạo mới cho thành phố này trong thế kỷ 21" đó là "một thành phố kinh tế năng động, một trung tâm văn hóa hài hòa giữa truyền thống và hiện đại", một "biểu tượng trường tồn, đồng hành với sự phát triển của thành phố". "Quảng trường Hồ Chí Minh" còn là công trình "bày tỏ tình cảm của Đảng bộ, nhân dân thành phố và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu. Qua đó sẽ giáo dục nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước" (1).
Trong bối cảnh như hiện nay, chỉ có "động rồ" mới gạt bỏ cảm xúc, ý kiến của công chúng về kế hoạch xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch", trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm để gửi thêm đề nghị xây dựng "Quảng trường Hồ Chí Minh" cũng tại Thủ Thiêm.
Về mặt chính trị - lĩnh vực đòi hỏi phải động não để soạn thảo, thực hiện những kế hoạch, giải pháp nhằm có thể có được sự ủng hộ của đám đông ở mức cao nhất – chỉ có "động rồ mới viện dẫn những lý do đã kể khi thuyết minh cho dự tính xây dựng "Quảng trường Hồ Chí Minh".
Tuần rồi, cùng lúc với sự kiện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh gửi đề nghị xây dựng "Quảng trường Hồ Chí Minh" là sự kiện bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, khuyến cáo các viên chức y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh, hạn chế số lượng bệnh nhi nhập viện để tránh "lây nhiễm chéo" (2).
Dịch sởi, dịch tay – chân – miệng đã bùng phát và đang lan rộng cả ở Thành phố Hồ Chí Minh lẫn nhiều tỉnh miền Nam. Khi đến thị sát hoạt động phòng – chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Tiến đưa ra khuyến cáo vừa kể vì bệnh viện quá tải, thiếu cả giường bệnh lẫn không gian trong việc điều trị, chăm sóc bệnh nhi, thành ra nhiều đứa trẻ và phụ huynh chen chúc, vạ vật ở các gầm giường, hành lang, cầu thang bệnh viện đã nhiễm dich này chắc chắn sẽ lây – mắc thêm dịch khác, khiến dịch bệnh trở thành trầm trọng hơn.
Dẫu những "tầm vóc", "diện mạo", "biểu tượng" của "trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và giáo dục của toàn quốc để phục vụ nhu cầu của nhân dân" được thực tế hài hóa nhưng chắc chắn công chúng không thể cười. Dẫu "nham hiểm đến mức tinh vi", các "thế lực thù địch, phản động" cũng không thể có cơ hội nào kích động công chúng căm phẫn hơn chuyện các công trình phúc lợi công công vừa thiếu, vừa tệ vẫn thản nhiên chi vài chục ngàn tỉ để "bày tỏ tình cảm của Đảng bộ, nhân dân thành phố và nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu" bằng "Quảng trường Hồ Chí Minh".
Có giải pháp nào vô hiệu hóa nỗ lực "giáo dục nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử cách mạng Việt Nam trong đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước" tốt hơn "Quảng trường Hồ Chí Minh" ? Chắc là không. "Quảng trường Hồ Chí Minh" là một trong những giải pháp hiệu quả nhất khi dùng để chứng minh hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đích thị là "thế lực thù địch, phản động".
***
Chẳng riêng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các địa phương khác cũng đang "động rồ". Tuần rồi, giữa lúc cường độ của trận bão dư luận vì Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch", trị giá 1.508 tỉ đồng tại Thủ Thiêm càng lúc càng cao, Ban Cán sự Đảng của UBND thành phố Hà Nội gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị xây dựng thêm hai tượng đài ở thành phố này (một là "Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không" và một là "Tượng đài Độc lập") (3).
Giống như đề nghị xây dựng "Quảng trường Hồ Chí Minh", đề nghị xây dựng thêm hai tượng đài không đề cập đến chi phí. Song về mặt chính trị, đề nghị ấy cũng là "động rồ". Nếu trí tuệ, nhận thức chính trị ở mức bình thường, khi dân chúng đang sôi lên vì giận, đang đòi phải trả lời tại sao cách nay tám năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thành phố Hà Nội gật đầu với việc bỏ ra 2.400 tỉ để xây dựng Bảo tàng Hà Nội như một trong những công trình trọng điểm nhằm "Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội", giờ công trình này được ví von là "Ngôi nhà hoang lớn nhất Thủ đô" (4) thì chẳng ai dại gì xuất thêm ngân sách để đề cao "Độc lập", "Chiến thắng Điện Biên Phủ" bằng tượng đài.
Tương tự, cũng tuần trước, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Quảng Bình hoan hỉ thông báo vừa thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động cũng như phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ đạo thực hiện "Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh" (5). Năm ngoái, kế hoạch lấy bảy héc ta công thổ ở trung tâm thành phố Đồng Hới, giao cho Tập đoàn Sơn Hải để đổi lấy "Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh" trị giá 158 tỉ đồng từng bị công chúng chỉ trích kịch liệt vừa vì việc đổi chác có nhiều khuất tất (tự chọn, tự chỉ định nhà đầu tư, nhà thầu, không đấu giá, không công bố cơ sở định giá công thổ), vừa vì việc "tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng "Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh" tại Quảng Bình là không ổn bởi năm nào tỉnh này cũng xin cứu đói cho dân chúng trong tỉnh. Năm nay, theo tiết lộ của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Quảng Bình thì dự án vừa kể đã phình ra, to hơn nhiều so với năm ngoái. Song hành với "Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh" sẽ là "Dự án Quảng trường trung tâm".
Người ta chỉ biết, hồi giữa năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tỉnh Quảng Bình lại vừa phân bổ xong 1.368 tấn gạo cứu đói cho nhân dân trong tỉnh (6) chứ không biết sau khi có thêm đứa em song sinh "Dự án Quảng trường trung tâm", cuối cùng "Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh" sẽ ngốn thêm bao nhiêu tiền ? Tiền đó lấy từ công khố hay lại đem công thổ ra đổi ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/10/2018
Chú thích :
(4) https://infonet.vn/cong-trinh-nghin-ty-bi-lang-quen-giua-thu-do-ha-noi-post278603.info
Dư luận lại bị khuấy động. Lần này là vì quyết định của 105 đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín : Tại một phiên họp bất thường diễn ra vào sáng 8 tháng 10, họ nhất trí chi 1.508 tỉ đồng để xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm.
Khu đất ở Thủ Thiêm dự kiến dành cho việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng.
***
Theo Tờ trình mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trình cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín, thành phố này hiện có ba Nhà hát nhưng cả ba (Nhà hát Lớn - 406 ghế, Nhà hát Hòa Bình - 2.500 ghế, Nhà hát Bến Thành - 1041 ghế) đều đã xây từ lâu, quy mô nhỏ, không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ, chưa kể còn xuống cấp trầm trọng. Cũng vì vậy, cần phải xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" với hai khán phòng : Lớn (1.200 ghế), Nhỏ (500 ghế), sảnh có thể dùng làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng. Cũng theo Tờ trình vừa kể, chi phí xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" là tiền bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 - nơi từng là trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết Thành phố Hồ Chí Minh - nên không ngại thiếu.
Chuyện Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua Nghị quyết về "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm đã làm hàng chục triệu người phẫn nộ vì cho tới giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tại Việt Nam nói chung vẫn chưa xác định giải pháp để hàng chục ngàn gia đình ở Thủ Thiêm được sống ổn định sau hai thập niên vất vưởng không ra hồn người vì việc tổ chức - thực hiện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm.
Rất nhiều facebooker xem Nghị quyết về "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm là quyết định "nhảy múa trên oan khiên", "hoan ca trên những xác người". Nguyễn Tiến Tường giải thích, khó có thể gọi nghị quyết ấy bằng tên khác vì Thủ Thiêm là nơi có những người chết trong uất hận, có những người sống không bằng chết, đến giờThủ Thiêm vẫn là nơi đẫm nước mắt và đầy những mảnh đời rách nát, chưa thấy ánh sáng công lý.
Sự kiện 100% đại biểu Hội đồng nhân dân tán thành đề nghị dành 1.508 tỉ đồng xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm trong bối cảnh Sài Gòn cứ mưa là ngập, giao thông tắc nghẽn, thiếu đủ loại công trình công cộng, từ bãi đậu xe trở đi, trường học và bệnh viện quá tải, bệnh nhân, kể cả bệnh nhi phải nằm ở hành lang, cầu thang, kể cả nằm dưới gầm giường làm thiên hạ căm giận. Xuân Sơn Võ nhấn mạnh, nếu cần cải thiện khả năng thụ cảm nghệ thuật của dân chúng, trước hết, hãy giúp họ sống bớt chật vật, hãy để cho tâm hồn họ tự do, tự do tư duy, tự do biểu đạt. Nếu cần hãnh diện với thế giới, trước tiên, hãy cải thiện vị trí của quốc gia này trên các bảng xếp hạng của thế giới, đừng vội cạnh tranh với những Con sò, Philharmonie de Paris… Một năm, sân khấu của những nhà hát, nhà văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu đêm sáng đèn ? "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm dành cho ai mà cần xây dựng cấp bách đến như vậy ? Tầng lớp cai trị đã có hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng, nghĩa trang riêng, lăng tẩm chiếm hàng héc ta đất, bấy nhiêu chưa đủ nên phải có nhà hát riêng cho mình nữa sao ?
Chẳng riêng mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức cũng không giấu diếm sự bất bình, Nghị quyết về "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm là nguyên nhân khiến VTC nêu thắc mắc : Hình như các vị không thấu nỗi đau, nỗi khổ của dân (3) ? Tại sao Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu tiền để giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến dân sinh mà lại xây nhà hát ? Tại sao không tu sửa các nhà hát hiện hữu mà phải xây mới ?
Đã có những facebooker như Ly Doi bỏ thời gian làm một thống kê để so sánh, Sài Gòn vốn không thiếu những trung tâm đáp ứng nhu cầu văn hóa - nghệ thuật của công chúng. Từ 1975 đến nay, đa số các loại rạp (hát, chiếu phim) ở Sài Gòn bị biến đổi công năng và đó là một kiểu chiếm đoạt công sản mà chẳng ai bận tâm. Chẳng riêng những trung tâm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật của công chúng, công thổ - công sản như các doanh trại của quân đội cũng đã trở thành nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, biệt thự… Theo Ly Doi, lõi của vấn đề là những khuất tất, thiếu minh bạch trong quản lý, thiếu viễn kiến trong điều hành (lúc đầu, dự tính xây nhà hát ở 23 Lê Duẩn rồi đổi ý, chuyển qua Công viên 23 tháng chín, nay quyết định chọn Thủ Thiêm) và chọn sai thời điểm biều quyết đã biến ý tưởng xây xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm thành một trái bom.
Đã có không ít facebooker như Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh họ không phản đối ý tưởng xây dựng một nhà hát cho giao hưởng, vũ kịch tại Sài Gòn. Vấn đề là thời điểm và địa điểm. Vào lúc này, Thủ Thiêm đang là tâm của oán thán. Đồng ý chi 1.508 tỉ đồng để xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm là bằng chứng về sự kém cỏi cả trong nhận thức lẫn khả năng chính trị thực tiễn và tỉ lệ đồng thuận 100% chứng tỏ đó là sự yếu kém có hệ thống và của cả hệ thống. Phải chăng quyền lợi chính trị đã khiến ý thức trách nhiệm trong từng cá nhân đại biểu bị hóa thạch ? Chỉ trích của công chúng đối với ý tưởng xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm không phải vì đúng - sai mà bởi ý tưởng đó vô đạo. Chẳng khác gì chưa xây đã sụp vì nền móng giữa lòng dân mục ruỗng. Vội vàng chỉ để tạo thêm một vết nhơ đồ sộ. Không thể xem 100% đồng thuận là hợp lý. Tỉ lệ đó chỉ khẳng định một sự thật cay đắng : Các đại biểu không nhận thấy giá trị của lòng dân, chỉ nhìn ra cơ hội mà không thấy đạo lý.
Giữa trận bão của dư luận, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - đã góp gió thêm bão khi thản nhiên bảo rằng, "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm là một công trình "vì dân", và quyết định thực hiện công trình này là do "nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân".
Phạm Hoài Nhân đã khái quát nỗ lực góp gió cho bão thành đại cuồng phong như thế này : Bây giờ ở Sài Gòn mà bạn nghe hô "Quyết Tâm" thì có nghĩa là... quyết tâm nếu người hô là quan chức. Còn nếu người hô là dân - nhất là dân Thủ Thiêm - thì đó là tiếng chửi thề, là khốn nạn, là vô lương tâm !
Dẫu khéo léo hơn nhưng ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh - cũng không thoát ra khỏi sự lúng túng khi biện giải rằng, "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm nằm trong qui hoạch và là một công trình thuộc loại không thể không có đối với một đô thị tầm vóc như Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với việc xây dựng nhà hát này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây thêm… vài bệnh viện. Thật ra thì ông Phong không đơn độc. Đã có một số văn nghệ sĩ, trí thức phụ họa rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần một nhà hát cho nghệ thuật có tính hàn lầm như giao hưởng, vũ kịch.
Đến mức này thì các kiến trúc sư nhập cuộc, trong đó có Lê Quang đang sống tại Đức. Qua bài viết khoảng 3.500 chữ đăng trên facebook của mình, Quang nêu hàng loạt dẫn chứng cả xưa lẫn nay để chứng minh, với thiên hạ, dẫu nhà hát gia tăng giá trị của đô thị nhưng nhà hát chỉ hình thành khi đô thị đã đạt đến độ chín trong các khoản đầu tư dài hạn (cơ sở hạ tầng, không gian công cộng). "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm là trường hợp ngược lại : Chưa có đầu tư dài hạn, chưa có, chưa có kế hoạch (kế hoạch từng được lập trong quá khứ không thực hiện được cho thấy đó không phải là kế hoạch tốt). Bên cạnh đó, cưỡng chế - thu hồi đất đã tạo ra khủng hoảng và điều này cho thấy thêm một lần nữa, quyết định xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm thể hiện sai lầm một cách cố hữu của hệ thống công quyền. Giả sử quyết định xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm không xuất phát từ dã tâm (công cộng hóa các khu vực đang có tranh chấp để đẩy những người đang khiếu nại vào thế yếu, cô lập họ) thì trí tuệ và năng lực của hệ thống công quyền vẫn… có vấn đề.
Theo Lê Quang, phải lưu ý đến một khía cạnh khác của nhà hát, đó là tương tác của nhà hát đối với cộng đồng. Các công trình dành cho văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam không chú trọng đến yếu tố này và Bảo tàng Hà Nội với chi phí xây dựng 6.000 tỉ chính là một trong những bằng chứng.
Lê Quang nêu hàng loạt câu hỏi : Sau bảy năm từ ngày khánh thành, nơi này tổ chức được bao nhiêu triển lãm nghệ thuật, bao nhiêu sự kiện văn hóa ? Đơn vị vận hành lưu trữ thêm được bao nhiêu hiện vật ? Bộ sưu tập các tác phẩm tăng thêm bao nhiêu ? Thực hiện được bao nhiêu dự án bảo tồn ? Kết nối được với bao nhiêu cơ sở nghệ thuật trên thế giới ? Bao nhiêu nghệ sĩ trẻ nhận được tài trợ để phát triển sự nghiệp ? Đào tạo ra được bao nhiêu curator (nhà định hướng nghệ thuật) ? Tổ chức được bao nhiêu cuộc đấu giá tác phẩm ? Bán được bao nhiêu tác phẩm ? Khả năng tự tạo ra của cải và khả năng sinh lãi là bao nhiêu ?... Chắc chắc các thông số đó đều tiệm cận với số "0". Thứ duy nhất không gần với số "0" chính là chi phí vận hành và bảo trì công trình, chắc chắn không ít hơn mười chữ số mỗi năm.
Đối chiếu với một số nơi khác trên thế giới, Lê Quang khẳng định, những công trình trị giá ngàn tỉ không thể quyết định môi trường thực hành văn hóa, nghệ thuật của một thành phố. Môi trường ấy được định hướng và dẫn dắt bởi các cơ chế và chính sách. Văn hóa - nghệ thuật luôn đòi hỏi cơ chế cởi mở, tự do, khuyến khích tất cả các thành phần của nó hoạt động hết khả năng. Nếu cho rằng chỉ cần xây những công trình trị giá ngàn tỉ là có nền văn hóa - nghệ thuật phát triển thì suy nghĩ ấy còn thua cả suy nghĩ của một đứa trẻ. Có xây vài công trình ngàn tỉ mà vẫn còn tồn tại Sở Văn hóa với chất lượng nhân lực như hiện nay thì xây xong cũng chỉ để tổ chức tiệc cưới, Đại hội công nhân - viên chức thôi !
Lê Quang thắc mắc, xây các công trình văn hóa - nghệ ngàn tỉ để làm gì khi những "nghệ sĩ" vẫn im re trước những bất công, sai trái, vẫn co ro, khúm núm, bợ đỡ cường quyền ? Xây các công trình văn hóa - nghệ ngàn tỉ để làm gì khi còn "phê duyệt" nghệ thuật và tất cả những thứ đã được "phê duyệt" chỉ là nghệ thuật nửa vời, được tạo ra bởi những người tự xưng là "nghệ sĩ" - đang dò dẫm trong đêm tối và phó mặc cho sự may rủi sẽ đưa mình đến với nơi vốn dĩ chỉ dành cho những kẻ can đảm và có đức tin ?
Lê Quang đã dẫn một ý kiến của William Ralph Inge để kết bài viết đang được rất nhiều facebooker và diễn đàn điện tử chia sẻ : Nhà hát ? Hẳn nhiên, nó là phản chiếu của cuộc đời và có lẽ chúng ta nên cải thiện cuộc đời của chúng ta trước khi nghĩ đến việc chúng ta có thể cải thiện bất kỳ nhà hát nào hay không.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/10/2018
Các viên chức ngoại giao Việt Nam đang uốn lưỡi biện minh về nhân quyền tại Việt Nam. Nhân quyền tiếp tục trở thành một trong những vấn đề mà nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới khuyến cáo Liên hiệp Châu Âu (EU) phải cân nhắc khi xem xét Hiệp định Thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) (1).
Biểu tình chống Formosa ở Đài Loan.
Tháng trước, tại Kỳ họp thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhiều tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới tố cáo chính quyền Việt Nam xâm hại tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do tôn giáo và lừa gạt Liên Hiệp Quốc về thăng tiến nhân quyền (2).
Đến giờ, những tổ chức hoạt động cho nhân quyền trên thế giới vẫn không ngừng hối thúc hết chính phủ Mỹ, chính phủ Úc (3), chính phủ Nhật (4), EU,… sử dụng tất cả các hình thức khả thể, gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam phải thực thi các cam kết với cộng đồng quốc về nhân quyền.
Cho tới giờ, ít nhất cũng đang có 130 công dân Việt Nam bị tống giam, phạt tù chỉ vì bày tỏ, hoặc vận động đồng bào của mình bày tỏ khát vọng được sống như thiên hạ. Khoảng 2/3 số này mất tự do chỉ vì dám thể hiện sự bất bình, âu lo cho môi trường sống đang càng ngày càng tệ hại…
***
Trung tuần tháng trước, tờ Phụ Nữ Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng mười tháng (từ tháng 9 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018), lúc tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước khi sinh và sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phát giác 678 phụ nữ mang thai có dị tật (5). Tuy bài viết vừa kể chỉ nhằm giới thiệu hiệu quả hoạt động của Trung tâm Sàng lọc trước sinh và sơ sinh thuộc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An (góp phần giảm số lượng trẻ kém phát triển về trí tuệ và thể lực do hậu quả của các bệnh rối loạn chuyển hóa, di truyền, qua đó giảm thiểu số người tàn tật, giảm gánh nặng về chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số,…) và không đề cập tới nguyên do nhưng tự thân sự kiện buộc người ta liên tưởng đến nhà máy thép của Formosa ở Khu Công nghiệp Vũng Áng.
Tháng 4 năm 2016 - khoảng 18 tháng trước thời điểm Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước khi sinh và sơ sinh – các loại hải sản đột nhiên chết trắng khu vực bờ biển chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung. Hai tháng sau, chính quyền Việt Nam thừa nhận, nước do nhà máy thép của tập đoàn Formosa thải ra là nguyên nhân dẫn tới thảm nạn vô hiệu hóa toàn bộ hoạt động của ngư nghiệp, nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế (6). Trên khắp Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực Nghệ An – Hà Tĩnh đã có rất nhiều hoạt động đòi truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức từ trung ương đến địa phương "rước" Tập đoàn Formosa vào Việt Nam và đóng cửa nhà máy thép của tập đoàn này song vô ích. Sau khi sử dụng "biện pháp hành chính", kỷ luật khoảng hai chục viên chức trong hệ thống công quyền ở Hà Tĩnh và Bộ Tài nguyên – Môi Trường, nhận 500 triệu Mỹ kim bồi thường, chính quyền Việt Nam đã cho phép Formosa hoạt động trở lại.
Cần lưu ý rằng qua hệ thống truyền thông Việt Nam, một số chuyên gia đã từng chứng minh, chính quyền Việt Nam biết trước hậu quả nguy hại cho môi sinh, môi trường nhưng vẫn "rước" Formosa vào Việt Nam và sau thảm nạn tháng 4 năm 2016, vẫn cho phép Formosa vận hành trở lại nhà máy thép.
Đầu tháng 7 năm 2016, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn đăng "Formosa Hà Tĩnh : Phát thải ‘siêu độc’, quản lý ‘chưa tiên liệu’ ?". Theo đó, từ năm 2009, Cục Thẩm định - Ðánh giá tác động môi trường thuộc Tổng cục Môi trường nằm trong Bộ Tài nguyên - Môi trường từng xuất bản tài liệu "Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép". Tài liệu này phân tích rất chi tiết về công nghệ luyện gang thép, các tác động môi trường, các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường, các chương trình phải thực hiện để quản lý và giám sát môi trường, tham vấn ý kiến cộng đồng và hướng dẫn rất cặn kẽ về kỹ thuật lập "Báo cáo đánh giá tác động môi trường" cho những dự án xây dựng các nhà máy luyện gang thép. Tài liệu vừa kể chứng minh cơ quan quản lý môi trường của chính quyền Việt Nam đủ khả năng để tính được rằng, chỉ trong giai đoạn 1 (sản xuất với công suất 15 triệu tấn/năm), nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh sẽ thải ra 36 triệu tấn khí thải/năm, riêng trong nước thải sẽ có 28,000 tấn các chất ô nhiễm/năm và khoảng 9 triệu tấn chất thải rắn/năm. Toàn bộ các chất thải xả vào không khí và vào nước đều cần được kiểm soát - xử lý chặt chẽ.
Dựa vào "Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án luyện gang thép", các chuyên gia tính ra rằng, nếu Formosa tiếp tục hoạt động, tiếp tục xả nước thải theo đúng giấy phép đã được cấp (45.000 mét khối/ngày) và hoạt động xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn mà chính quyền Việt Nam đã cho phép thì mỗi năm, vẫn có tới 17,37 tấn phenol và cyanide được xả ra biển. Tổng lượng độc chất được xả vào biển mỗi năm lớn gấp 9.5 lần so với lượng chất thải đã gây ra thảm họa cá chết hồi đầu tháng 4 năm 2016. Đó cũng là lý do người ta thắc mắc, liệu hệ sinh thái biển miền Trung – vốn đã bị hủy diệt gần như toàn bộ "chỉ" vì 1,82 tấn phenol và cyanide – có tiếp tục chịu đựng nổi trong 70 năm tới khi đều đặn mỗi năm phải tiếp nhận lượng phenol và cyanide lên tới 17,37 tấn ? Ðó là chưa kể Formosa dự trù sẽ nâng công suất nhà máy thép ở Hà Tĩnh lên 1,5 lần nên tất nhiên lượng phenol và cyanide xả vào biển sẽ tăng tương ứng ?
Đó là chưa kể đến một nguồn ô nhiễm cực lớn khác từ Formosa mà công chúng chưa chú ý tới vì Formosa chỉ mới chạy thử một lò luyện thép hồi tháng 4 năm 2016, đó là khí thải. Nếu nhà máy thép của Formosa ở Hà Tĩnh vận hành đúng như thiết kế thì riêng lượng phát thải khí nhà kính của Formosa đã tương đương 50,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính của tất cả các nhà máy trên toàn Việt Nam. Ngoài ra còn có CO2, bụi,… khoảng 1 triệu tấn/năm – những tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có ung thư phổi. Chưa kể tới SO2 (33,000 tấn/năm) và NOx (34.500 tấn/năm) – những loại khí gây ra mưa acid làm suy giảm chất lượng đất, chất lượng nước, giảm năng suất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Cho phép Formosa hoạt động trở lại, liệu Bộ Tài nguyên - Môi trường có áp dụng "Hướng dẫn về môi trường, sức khỏe và an toàn" do Tổ Chức Tài Chính Quốc Tế (IFC) đề nghị đối với nước thải của các nhà máy sản xuất thép như Formosa với 25 thông số phải đạt hay vẫn chỉ áp dụng "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất gang thép" chỉ có 12 thông số, trong đó bỏ qua yêu cầu xử lý rất nhiều chất thải rắn nguy hiểm, khi xét cấp giấy phép xả nước thải cho Formosa ? Tại sao ITC đề nghị 18 thông số đối với khí thải của các nhà máy sản xuất thép mà cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam chỉ ấn định 11 thông số ? Tại sao lại nâng cao (cho phép xả nhiều hơn) các chỉ tiêu về dioxin/furan, nồng độ bụi so với tiêu chuẩn mà ITC đề nghị ? Tại sao để đến đầu năm 2017 mới kiểm soát dioxin/furan và đầu năm 2018 mới kiểm soát khí thải của các nhà máy sản xuất thép ?
Chỉ vài giờ sau khi đưa "Formosa Hà Tĩnh : Phát thải ‘siêu độc’, quản lý ‘chưa tiên liệu’ ?" lên trang web của mình, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn "tự ý đục bỏ" nó (7). Vài chục người có cùng mối quan tâm, cùng lên tiếng, cùng vận động dân chúng nói "không" với Formosa, cùng đòi môi trường sống phải sạch và an toàn hơn, giờ đang thi hành những bản án tù. Có bản án mà hình phạt lên tới 20 năm !
***
Luận điệu chính mà các viên chức ngoại giao Việt Nam thường sử dụng khi biện minh cho thực trạng tồi tệ về nhân quyền tại Việt Nam là Việt Nam có… "đặc thù" riêng. Những cá nhân bị tống giam, phạt tù, bị sách nhiễu đủ kiểu chỉ vì bày tỏ, hoặc vận động đồng bào của mình bày tỏ khát vọng được sống như thiên hạ đã "vi phạm pháp luật Việt Nam". Luận điệu đó chẳng khác gì quan điểm mà bà Tôn Nữ Thị Ninh (cựu Đại sứ Việt Nam tại EU, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam) từng nêu trong một buổi họp báo được tổ chức ở Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia của Mỹ hồi tháng 10 năm 2004, khi bị chất vấn về nhân quyền tại Việt Nam : "Trong gia đình chúng tôi có những đứa con hỗn láo, bướng bỉnh, hãy để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng theo cách của chúng tôi. Hàng xóm đừng gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi" (8).
Nhiều triệu người tại Việt Nam hiểu điều đó nên ráng "ngoan" để không bị trừng trị như những Lê Văn Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh,… Song môi sinh, môi trường sống bị hủy diệt vì đủ thứ tác nhân được tạo ra và được hỗ trợ từ chính quyền kiểu như Formosa chẳng chừa ai. Mỗi ngày, ở Việt Nam có 250 người chết vì ung thư. Mỗi năm, số người chết vì ung thư là 94.000 (9). Chưa kể, mỗi năm có thêm 150.000 người khác mắc bệnh ung thư và đến năm 2020, con số này sẽ xấp xỉ 200.000 người/năm (10). Dù thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm nhưng theo các chuyên gia y tế Việt Nam, ung thư chiếm 2/3 gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc và nhìn một cách tổng quát, các bệnh không lây nhiễm đang tăng đáng ngại. Các chuyên gia y tế Việt Nam cùng bày tỏ sự ngạc nhiên và lo âu khi tuổi trung bình của người mắc bệnh ung thư tại Việt Nam trẻ hơn nhiều so với thế giới. Chẳng hạn phụ nữ Việt Nam mắc ung thư vú sớm hơn thiên hạ từ năm đến mười tuổi, thậm chí số thiếu nữ trong độ tuổi 20 bị ung thư vú không còn là cá biệt (11).
Họ đã trả lời tại sao, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư tăng chóng mặt và đe dọa mọi giới : Mức độ ô nhiễm của môi trường ở Việt Nam nặng nề hơn, việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại thường xuyên hơn, cường độ cao hơn !
Có "ngoan" không bị trừng trị thì cũng uổng mạng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/10/2018
Chú thích
(1) http://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2018/628248/EPRS_BRI(2018)628248_EN.pdf
(3) https://www.hrw.org/vi/news/2018/08/27/321790
(4) http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180909-hrw-keu-goi-nhat-hoi-thuc-viet-nam-cai-thien-nhan-quyen
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Cá_chết_hàng_loạt_ở_Việt_Nam_năm_2016
(7) https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/chinh-quyen-biet-truoc-hau-qua-nhung-van-don-nhan-formosa/
(8) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôn_Nữ_Thị_Ninh#cite_note-nv1-5
(9) https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-ngay-co-hon-250-nguoi-viet-chet-vi-ung-thu-20180420214302893.htm
(10) http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/y-te/ung-thu-o-viet-nam-nhung-con-so-dang-ngai-34473
(11) https://news.zing.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-thanh-nien-viet-nam-mac-benh-ung-thu-post870083.html
"Nhất thể hóa" (Giao cho một số cá nhân đảm nhận cùng lúc hai vai trò : Vừa lãnh đạo cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam – nơi đề ra chủ trương, vừa lãnh đạo cơ quan công quyền, hoặc lãnh đạo các đoàn thể, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, đồng cấp – nơi thực thi chính sách) giờ đã trở thành thuật ngữ thời thượng.
Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cả vị trí Chủ Tịch Nước.
Sau khi được đưa vào Nghị quyết của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hồi đầu năm 2016, "nhất thể hóa" được xem như giải pháp nhằm "tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị" và là một trong những "mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 2016 - 2020".
***
Tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đang nợ 3,1 triệu tỉ đồng. Trong "Báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch năm 2018" vừa gửi Quốc hội Việt Nam hồi đầu tháng này, chính phủ Việt Nam ước đoán, đến hết năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ vào khoảng 3,5 triệu tỉ đồng.
Nếu đem khối nợ vừa kể chia cho tổng số công dân của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi người sẽ mang khoản nợ khoảng 35 triệu đồng. So với năm ngoái, khoản nợ này đã tăng thêm chừng bốn triệu đồng/người. Các loại thuế, phí đã, đang và sẽ còn tăng khiến vật giá leo thang chủ yếu là để trả một số khoản nợ cũ để vay thêm những khoản mới.
Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng, nợ nần gia tăng không phải do đầu tư hay trả nợ mà vì không kềm giữ được chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền).
Năm 2009, chi thường xuyên tương đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới 65,5% tổng chi ngân sách. Năm nay, Bộ Tài chính Việt Nam cho biết, tính đến hết quý 1/2018, chi thường xuyên chiếm khoảng 76% tổng chi ngân sách.
Trong vòng bốn thập niên, từ 1975 đến nay, tại Việt Nam, số cán bộ, viên chức nhận lương hoặc trợ cấp như lương đã tăng khoảng 6,5 lần. Đáng nói là sau bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy, "tinh giản biên chế", bộ máy lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ. Cách nay hai năm, Bộ Tài chính Việt Nam từng thú nhận, chỉ trong mười năm vừa qua, cán bộ, viên chức của hệ thống công quyền tại Việt Nam không những không giảm mà còn tăng thêm 1,4 triệu người ! Còn cán bộ, viên chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác thì tăng hơn ba lần.
Tháng 4 năm nay, Kiểm toán Nhà nước loan báo, tính đến hết 2017, riêng hệ thống công quyền (chính quyền các cấp) thừa 57.000 người. Cho dù nhân lực của hệ thống chính trị ra sao không được công bố song theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện cách nay hai năm thì mỗi năm các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam (Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao Động, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ,…) ngốn của ngân sách khoảng 14.000 tỉ đồng để trả lương, gấp đôi ngân sách dành cho hai Bộ Y tế và Giáo dục. Nếu tính cả chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm : đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) thì theo VERP, các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập nhằm hỗ trợ Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam, ngốn của ngân sách từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng/năm.
Đó là chưa kể chi phí dành riêng cho việc trả lương cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở đủ mọi cấp và chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm : đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác) mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang hưởng dụng, chắc chắn phải gấp vài lần tổng chi dành cho các tổ chức chính trị - xã hội.
***
Trong bối cảnh kinh tế liên tục suy thoái, thu không đủ chi, dân chúng lầm than, rên xiết vì các loại thuế, phí tăng không ngừng khiến vật giá leo thang, "nhất thể hóa" được giới thiệu như một giải pháp để tinh giản số cán bộ, viên chức của hệ thống chính trị mà dân chúng đang phải trả cả lương lẫn đủ loại phụ cấp, giảm chi thường xuyên.
Chuyện Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam "nhất trí 100%" trong việc giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam để cuối tháng này, Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu bầu ông Trọng làm Chủ tịch Nhà nước được xem như một bước đáng kể của tiến trình "nhất thể hóa", đến giờ vẫn còn đang trong giai đoạn "thử nghiệm".
Thế nhưng đó là tưởng vậy mà không phải vậy. Ông Trọng đã đính chính chuyện ông được các đại biểu Hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 chọn – giới thiệu với Quốc hội để làm Chủ tịch Nhà nước là "giải pháp tình thế" không liên quan tới "nhất thể hóa" (1).
Ông Lê Quang Vĩnh, Phó Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đăng đàn "nói lại cho rõ", dù ông Trọng trở thành Chủ tịch Nhà nước thì Văn phòng Chủ tịch Nhà nước và Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là hai cơ quan qui mô, tầm vóc ngang bộ hoàn toàn riêng biệt, không có chuyện sáp nhập. Hai văn phòng vừa kể sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ để "phục vụ công tác Đảng, Nhà nước" (2).
Nói cách khác "nhất thể hóa" sẽ tiếp tục được "thử nghiệm" và "nghiên cứu". An sinh xã hội có thể chẳng đâu vào đâu, no ấm, thịnh vượng có thể càng ngày càng mờ nhạt, dân có thể mạt, quốc gia có thể lao đao vì nợ nần nhưng hệ thống công quyền, hệ thống chính trị chưa thể thay đổi.
Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ mới… nghĩ tới "nhất thể hóa". Tiến hóa như phần còn lại của thiên hạ - buộc tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam phải tự chủ, tự tìm các nguồn tài chính để duy trì hoạt động và tất nhiên chỉ có thể tồn tại nếu sự hiện hữu là một thứ nhu cầu của cộng đồng – sẽ còn lâu. Từ giờ đến đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyèn Việt Nam vẫn cần được nuôi ở mức hơn 2/3 tổng chi tiêu quốc gia và do vậy, sẽ tiếp tục nuốt trộng mọi thứ phúc lợi giáo dục, y tế, môi trường sống trong lành,… kể cả sữa cho trẻ con, sự an nhàn cho người gìa, mà lẽ ra ai cũng có quyền được hưởng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/10/20148
Chú thích