Chẳng riêng thường dân, tương lai của những cán bộ đủ cấp, suốt đời phấn đấu cho việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam, những sĩ quan công an tụng niệm "còn đảng, còn mình" không ngưng nghỉ, những sĩ quan quân đội thề "trung thành với đảng" cho tới hơi thở cuối cùng - cũng đứng trước nguy cơ… "không có gì".
Người dân đọc sổ bảo hiểm xã hội - Ảnh minh họa
***
Tuần trước, công an Việt Nam tống giam ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cựu Thứ trưởng Lao động, thương binh và xã hội vì "cố ý làm trái qui định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ông Hồng còn có ông Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam và hai viên chức khác từng là cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Ban Kế hoạch – Tài chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam bị tống giam cũng do cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng mà cả bốn tạo ra là cho Công ty Cho thuê tài chính (ALC) 2 của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) vay hàng ngàn tỉ, khiến bảo hiểm xã hội Việt Nam mất trắng khoản này (1).
Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội Việt Nam là kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và các cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, trả lương hưu khi mọi người về già.
Tiền mà bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC 2 vay là tiền bá tánh gom góp để phòng khi thất cơ, lỡ vận (bệnh tật không thể làm việc, thất nghiệp) và để an hưởng tuổi gia khi sức đã cùng, lực đã kiệt.
bảo hiểm xã hội Việt Nam để mất cả ngàn tỉ đồng, đồng nghĩa với sự an lành trong tương lai của nhiều triệu người, cả những người đã nghỉ hưu lẫn đang lao động, bất kể họ làm gì, cho ai cùng bị đe dọa.
bảo hiểm xã hội Việt Nam đâu chỉ mất hàng ngàn tỉ cho ALC 2 vay...
***
Theo một báo cáo do Kiểm toán Nhà nước công bố đầu năm 2017 về tình trạng tài chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam trước đó hai năm (2015) thì bảo hiểm xã hội Việt Nam mất khoảng 1.500 tỉ đồng do cho cả ALC 1 và ALC 2 vay.
Ngoài khoản 1.500 tỉ đồng giao cho hai ALC của Agribank vay, coi như mất trắng, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đem 324.000/435.000 tỉ của bá tánh cho chính phủ vay (74,4% tổng vốn). Đó là chưa kể bảo hiểm xã hội còn dùng 45.500 tỉ mua trái phiếu (10,4% tổng vốn).
Số còn lại, bảo hiểm xã hội Việt Nam cho các ngân hàng vay khoảng 59.000 tỉ đồng, cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay khoảng 6.000 tỉ để thực hiện Dự án Thủy điện Lai Châu.
Trong báo cáo vừa kể, chỉ thấy Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, ALC 1 và ALC 2 đang "tái cơ cấu" nên không thể trả cả vốn lẫn lãi. Sau một thời gian dài "tái cơ cấu", tháng 8 vừa qua, Tòa án Việt Nam cho ALC 2 "phá sản". Nói cách khác ALC 2 được xù nợ một cách hợp pháp (3).
Vào thời điểm được cho phá sản, ALC 2 chỉ có 19 tỉ đồng trong khi nợ 10.160 tỉ đồng và 8,5 triệu Mỹ kim. Dẫu một số nơi đang nợ ALC 2 số tiền là 15.700 tỉ và 32.400 Mỹ kim, cứ cho những khoản nợ ấy là… dễ đòi thì đòi đủ cũng không thể… cân đối.
Làm sao có thể cân đối khi ALC 2 thực hiện những thương vụ kiểu như mua một con tàu cũ với giá 100 triệu đồng, định giá lại là… 130 tỉ đồng rồi hỏi vay những cơ quan như bảo hiểm xã hội Việt Nam để thanh toán (4) ?
1.500 tỉ mồ hôi, nước mắt mà luật buộc bá tánh phải gom lại để có cái phòng thân khi thất cơ, lỡ vận, có cái ăn, cái mặc lúc gối mỏi, chân chồn đã ra đi hết sức nhẹ nhàng qua những quyết định đầu tư – cho vay như thế !
***
Ở báo cáo đã dẫn, có ráng tìm cũng chẳng thấy Kiểm toán Nhà nước cho biết, hệ thống công quyền Việt Nam trả bao nhiêu lãi cho 324.000 tỉ đồng vay từ tương lai của bá tánh thông qua nguồn tiền mà bảo hiểm xã hội Việt Nam gom về, nắm giữ.
Kiểm toán Nhà nước chỉ cảnh báo, tổng số nợ mà các nơi lẽ ra phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hết năm 2015 là khoảng 10.000 tỉ đồng, tăng 5,5% so với năm 2014. Trong đó, nợ bắt buộc phải đóng chiếm đến hơn 70%.
Đặc biệt, trong khoản nợ ấy, nợ trên 12 tháng là hơn 4.000 tỉ đồng, bao gồm 1.400 tỉ đồng thuộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, gần như không thể thu hồi được.
Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền liên tục dọa sẽ thẳng tay đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nợ tiền phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc tìm cách né tránh, không tham gia bảo hiểm xã hội.
Cuối tháng trước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của bảo hiểm xã hội Việt Nam loan báo, có 8.400 doanh nghiệp thiếu bảo hiểm xã hội Việt Nam 347 tỉ đồng và còn khoảng 700.000 người làm việc tại 87.000 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa tham gia đóng góp cho bảo hiểm xã hội Việt Nam (5).
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không ngừng nhấn mạnh, chây ì – chậm nộp – quịt nợ phải đóng cho bảo hiểm xã hội là phạm pháp, tìm cách né tránh, không tham gia bảo hiểm xã hội là thiếu đạo đức.
Bảo vệ mọi người khi họ thất cơ, lỡ vận, cùng góp sức nuôi mọi người lúc họ lớn tuổi, hết sức lao động, rõ ràng là cần. Thế thì tại sao các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tìm đủ cách trốn, tránh ?
Theo một thống kê mà Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng công bố, các doanh nghiệp đang phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam khoảng 18% tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam đến 8% trên tổng thu nhập.
Chưa kể các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp. Tính ra có tới 24% tổng quỹ lương bị các hệ thống được thiết lập như phương thức nhằm bảo đảm an sinh xã hội nuốt mất.
Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10,5% tổng thu nhập (ngoài 8% tổng thu nhập phải nộp cho bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cá nhân còn phải nộp 1,5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước).
Doanh giới đã so sánh chính sách hiện hành tại Việt Nam về bảo hiểm xã hội và phí công đoàn, ngốn của cả hai bên (bên sử dụng lao động và người đang đi làm) đến 35%, cao hơn các quốc gia khác từ ba đến bảy lần nên họ không kham nổi ! Đó cũng là lý do số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế càng ngày càng nhiều. Khoản nợ càng lúc càng lớn.
Bất kể hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không ngừng nhấn mạnh, các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội Việt Nam là vì người lao động nhưng cuối tháng trước, Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh của bảo hiểm xã hội Việt Nam, báo cáo, tình trạng xin nhận bảo hiểm xã hội một lần (nhận hết trợ cấp một lần, dứt khoát không chờ nhận lương hưu hàng tháng) vẫn tiếp tục tăng : Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chín tháng đầu năm 2018 là khoảng 80.000 người. Trên bình diện quốc gia, con số này khoảng 700.000 người/năm (6).
***
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng dự đoán, với chính sách và lối quản lý điều hành như hiện nay, đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thâm thủng và đến 2034 sẽ hết tiền (7). Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bác bỏ dự đoán ấy nhưng lại quyết định từ 2021 sẽ nới rộng tuổi hưu để tăng số người đóng, giảm số người nhận bảo hiểm xã hội.
Sử dụng tiền bá tánh để dành cho tương lai theo lối bảo hiểm xã hội Việt Nam đã làm, rồi dồn khoảng 80% tổng quỹ cho chính phủ vay, bao gồm cả mua trái phiếu, trong bối cảnh nợ nần quốc gia tăng vùn vụt, thu chẳng bao giờ đủ để bù chi, chưa kể tiền nuôi những người giữ quỹ bảo hiểm xã hội lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng/năm (chính xác là năm ngoái nuôi hết 111.957 tỉ) (8) trong khi nợ bảo hiểm xã hội càng ngày càng cao,… thì Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ tồn tại được bao lâu ?
Tương lai những người bất bình với thu – chi – vận hành bảo hiểm xã hội Việt Nam tất nhiên là xám ngoét, song tương lai của những người hộ đảng, từng thẳng tay trừng trị những kẻ đòi minh bạch, rạch ròi đối với thu – chi – vận hành bảo hiểm xã hội thì có hơn gì ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/11/2018
Chú thích
(1) https://news.zing.vn/bat-nguyen-tong-giam-doc-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-post891063.html
(3) http ://ndh.vn/toa-tuyen-pha-san-cong-ty-cho-thue-tai-chinh-ii-20180806075223298p149c165.news
(4) https://news.zing.vn/tuyen-3-an-tu-hinh-trong-vu-tham-nhung-tai-alc-ii-post461749.html
Dường như ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, chẳng học được gì từ thái độ của công chúng đối với sự kiện ông Trần Đại Quang, người tiền nhiệm của mình qua đời, thành ra vẫn điều hành Bộ Công an không phải như viên chức đứng đầu hệ thống bảo vệ - thực thi luật pháp, duy trì trật tự, trị an mà như ông trùm của một tổ chức lưu manh đang nắm giữ công quyền, để mặc thuộc hạ muốn làm gì thì làm !
Ông Tô Lâm, Thượng tướng Bộ trưởng công an, đến thăm một đồn công an - Ảnh minh họa .
***
Diễn biến vụ va chạm giữa Phạm Thanh Qua, Phạm Ngọc Tuyển – cùng ngụ tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh - với công an tỉnh Bình Định cho thấy công an tỉnh này chẳng khác gì một đàn thú, sau khi dàn cảnh cắn bậy bất thành, bị dư luận vụt cho tả tơi, vừa sợ, vừa hận, nên lúc thì cúp đuôi lùi lại, lúc gầm gừ, nhe nanh, xòe vuốt, tìm cách lao vào trả đũa các nạn nhân…
Sáng 8 tháng 11, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam chuyền cho nhau một video clip ghi lại cảnh Qua và Tuyển ngăn cản công an thu giữ một chiếc xe hai bánh gắn máy vào tối 7 tháng 11. Lời qua, tiếng lại được vài phút, một thiếu úy cảnh sát giao thông tự nhiên… ngã ngửa. Các loại cảnh sát có mặt tại hiện trường chỉ chờ có thế để xông vào quật ngã Qua, rượt đánh Tuyển (1).
Video clip vừa kể khiến dư luận sôi sùng sục, hệ thống truyền thông chính thức tự thấy khó có thể đứng ngoài lề nên cuối cùng cũng nhập cuộc. Dù cố gắng kiềm chế, hệ thống truyền thông chính thức vẫn không thể giấu diếm sự bất bình đối với công an tỉnh Bình Định, bởi chuyện dàn cảnh để dập tắt sự phản kháng của công dân, ngụy tạo vụ án "chống người thi hành công vụ" nhằm tống họ vào tù - vừa vụng về, vừa phi nhân.
Ngày 9 tháng 11, trả lời chất vấn của báo giới, ông Huỳnh Dư Phi Long – Thượng tá, Trưởng Công an thành phố Qui Nhơn – khẳng định, đang xem xét để xử lý Qua và Tuyển, bất kể chính ông Long thừa nhận, sở dĩ Qua và Tuyển ngăn không cho công an mang chiếc xe hai bánh gắn máy trong video clip ra khỏi hiện trường vì trước đó, nó bị một chiếc xe hai bánh gắn máy khác đụng. Khi đến hiện trường xử lý tai nạn, công an… "vô ý" để người đụng Qua và Tuyển mang xe của họ đi (2).
Thắc mắc vì công an đến hiện trường xử lý tai nạn không mang bảng tên, không lập biên bản, chỉ muốn giữ một trong hai xe liên quan đến tai nạn và đòi công an lập biên bản, nếu muốn tạm giữ thì phải tạm giữ cả hai xe liên quan đến tai nạn – liệu có quá đáng ? Nếu đòi hỏi ấy là hợp lý và cần thiết, chuyện viên thiếu ý cảnh sát đột nhiên ngã ngửa là một sự kiện nghiêm trọng : Che đậy sự sai trái của những kẻ bảo vệ - thực thi luật pháp. Vô hiệu hóa yêu cầu chính đáng của công dân. Cố tình giương bẫy để tống giam, phạt tù ít nhất hai người lương thiện.
Ông Nguyễn Bá Nhiên, Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định không nhìn vấn đề theo hướng đó. Theo ông thì chuyện không lớn, không có dấu hiệu phạm tội nào nên đã chỉ đạo Công an thành phố Quy Nhơn xử lý theo đúng qui định pháp luật (3). Thượng tá Long được mở đường nên một mặt, chỉ nhắc nhở thuộc cấp (4). Mặt khác, ra lệnh cho thuộc cấp củng cố hồ sơ xử lý cả Qua và Tuyển vì "cản trở người thi hành công vụ" lẫn người ghi – đưa video clip lên Internet "bình luận không đúng bản chất sự việc" (5).
***
Đâu phải chỉ ở Bình Định công an mới hành xử càn rỡ, lưu manh như vậy.
Cũng tuần trước, đại diện chính quyền thành phố Cần Thơ đã mời ông Lê Hồng Lực - chủ tiệm vàng Thảo Lực, tọa lạc ở phường An Hội, quận Ninh Kiều - đến nhận lại 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo và 70 triệu đồng là khoản tiền phạt mà ông Lực từng nộp do bị kết buộc là "kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" (6).
Scandal đổi 100 Mỹ kim bị phạt 90 triệu đồng (7) là một vết nhơ cho hệ thống công quyền Việt Nam. Nó không chỉ vô hiệu hóa tất cả các cam kết, hứa hẹn trước nay của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền (xây dựng chính phủ kiến tạo, khuyến khích – mời gọi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh,…) mà còn gieo rắc sự bất an, khiến dân chúng phẫn nộ vì chính quyền càng ngày càng tỏ ra bất toàn.
Cho đến giờ này khi các tình tiết có liên quan đến scandal đổi 100 Mỹ kim bị phạt 90 triệu đồng đã được bạch hóa, người ta mới thấy, thủ phạm chính của scandal đó là… Phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ.
Chưa rõ vì sao Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ muốn triệt hạ tiệm vàng Thảo Lực và rình tiệm vàng này suốt nửa năm. Trước khi có bằng cớ, chứng minh chủ tiệm vàng Thảo Lực vi phạm pháp luật, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ đã hai lần đề nghị Chủ tịch quận Ninh Kiều ký… quyết định khám tư gia của ông Lực theo hình thức xử lý vi phạm hành chính vì "cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính".
Quyết định lần đầu ký từ ngày 5 tháng 5 năm 2017 nhưng không có cớ để dùng nên ngày 24 tháng 1 năm 2018, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ đề nghị Chủ tịch quận Ninh Kiều ký một quyết định khác.
Về mặt luật pháp, đề nghị ra quyết định khám xét tư gia của công dân theo hình thức xử lý vi phạm hành chính khi không có bất kỳ bằng chứng nào rằng tại đó đang "cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính" là… phạm pháp. Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế của Công an Cần Thơ đẩy Chủ tịch quận Ninh Kiều đến chỗ phạm pháp tới hai lần.
Ngày 30 tháng 1 năm 2018, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cần Thơ "bắt quả tang" tiệm vàng Thảo Lực nhận đổi cho ông Nguyễn Cà Rê 100 Mỹ kim và dùng quyết định mà Chủ tịch quận Ninh Kiều đã ký trước đó cả tuần để khám xét từ tư gia tới trụ sở doanh nghiệp (ngoài thẩm quyền cho phép của Chủ tịch quận, huyện). Tang vật liên quan tới vi phạm là tờ 100 Mỹ kim và 2.260.000 đồng do hai bên trao đổi với nhau nhưng Công an Cần Thơ thu sạch kim cương, đá nhân tạo cất trong tủ đặt tại nhà riêng của ông Lực với lý do "kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ".
Chuyện chưa ngừng ở đó, thu 20 viên kim cương và 19.910 viên đá nhân tạo từ cuối tháng 1 nhưng đến giữa tháng 8, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cần Thơ mới lập Biên bản vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Thảo Lực (vi phạm quy định hoạt động ngoại hối, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường) và đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tin vào công an, chính quyền thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt tiệm vàng Thảo Lực tổng cộng 295 triệu, công bố tịch thu 20 viên kim cương, 19.910 viên đá nhân tạo và tờ 100 Mỹ kim… Bị đẩy tới cùng đường, chủ tiệm vàng Thảo Lực tuyên bố sẽ kiện chính quyền thành phố Cần Thơ ra tòa.
Nếu không thoái bộ, với hàng loạt những yếu tố lôm côm mà Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Cần Thơ tạo ra cho chính quyền thành phố Cần Thơ tự tròng vào cổ, chắc chắn chính quyền thành phố Cần Thơ sẽ phơi áo trước Tòa Hành chính, chưa kể thanh danh, uy tín sẽ tả tơi hơn dưới búa rìu dư luận…
Tuy là thủ phạm nhưng Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ hoàn toàn vô sự, rung đùi ngồi ngắm các viên chức chính quyền thành phố Cần Thơ chật vật đối phó với dư luận, loay hoay tìm đường thoát khỏi mớ bùng nhùng do ngành công an tạo tác.
***
Các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam hiểu hơn ai hết nhân tâm đang như thế nào và điều đó đe dọa tương lai của họ ra sao. Với bối cảnh như hiện nay, dung dưỡng sự càn rỡ, làm ngơ trước lối hành xử lưu manh của lực lượng công an, chẳng khác gì tự đưa tất cả vào tuyệt lộ.
Nếu xác định việc truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu là phương thức hữu hiệu nhất để chỉnh đốn hệ thống và an dân thì đã đến lúc nên buộc ông Tô Lâm phải trả lời, vì sao lực lượng bảo vệ - thực thi luật pháp, duy trì trật tự, trị an hành xử chẳng khác gì lưu manh ? Bao giờ thì tình trạng lưu manh nắm giữ công quyền, gieo vạ cho dân lành chấm dứt ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/11/2018
Chú thích :
(1) https://www.youtube.com/watch?v=utzg6JV95bE
(2) https://tuoitre.vn/lam-ro-vu-csgt-nga-khi-giai-quyet-vu-va-cham-giao-thong-20181108181253383.htm
(3) https://tuoitre.vn/vu-csgt-nga-do-truot-chan-chu-khong-ai-danh-20181109144420597.htm
(4) https://news.zing.vn/csgt-te-ngua-vi-treo-chan-mat-thang-bang-khi-tranh-huc-cui-cho-post891033.html
(6) https://news.zing.vn/can-tho-tra-20-vien-kim-cuong-cho-chu-tiem-vang-thao-luc-post890998.html
(7) https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-ca-re-thao-luc-can-tho-tiem-vang/4627169.html
Nếu giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục minh định, tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của họ là bất di, bất dịch, họ nên ngưng nói. Tuy không bình thường nhưng ngưng nói là giải pháp hữu hiệu để giảm trọng lượng của gánh nặng tinh thần mà công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang mang và may ra có thể giúp củng cố nỗ lực giữ gìn "muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ"…
***
Dư luận Việt Nam tiếp tục bị khuấy động vì những tuyên bố của giới lãnh đạo Việt Nam.
Hạ tuần tháng 10, tại diễn đàn Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, thỏ thẻ trình bày ba giải pháp để chỉnh đốn lĩnh vực y tế nước nhà. Tuy các đại biểu Quốc hội bật cười khi bà Tiến ví von ba giải pháp ấy như ba chân : Chân phải, chân trái và chân… thứ ba (!) nhưng dân chúng Việt Nam cười không nổi.
Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, ví von ba giải pháp ấy như ba chân : Chân phải, chân trái và chân… thứ ba (!)
Nhiều người mỉa mai bà Tiến - đã vận dụng hình tượng ba chân, sao không huỵch toẹt chân thứ ba là… chân giữa luôn cho đúng… kiểu (?). Nhiều người khác thở dài vì viên chức cỡ Bộ trưởng Y tế lại tiếp tục ví von một cách dung tục. Ví von dung tục, xiển dương kiểu tư duy – gợi ý hạ cấp dường như đang là mốt.
Hồi đầu năm, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, từng ví von quê hương của người Việt như một cô gái "chỗ nào cũng đẹp", thành ra phải lựa chọn cẩn thận kẻ muốn "vào". Theo lối ví von ấy, quê hương của người Việt chẳng khác gì một ả điếm hạng sang thành ra cần làm giá.
Trươc sự phẫn nộ của công chúng về hình tượng và lối ví von của bà Tiến, Mion – facebooker thực hiện trang facebook Nhật Ký Yêu Nước lý giải đó là do : Tiến hồi xuân. Tiến nhớ nhân dân. Lâu rồi nhân dân không chửi Tiến, Tiến thèm. Đề nghị nhân dân luôn nhớ Tiến.
Cũng đã có một số người khen kiểu chọn hình tượng – ví von của bà Tiến như Nguyen Quang Lap : Không thể thiếu chân… thứ ba là phát biểu chân thật nhất của bà Tiến, kể từ ngày bà trở thành bộ trưởng. Song có một số facebooker không thể bỡn cợt nổi nên nhận định đầy cay đắng như Pham Nguyen Truong : Trong Trại súc vật do bọn lợn bốn chân cai trị thì động vật hai chân bị kỳ thị. Trong số động vật hai chân thì có bọn tuy hai chân nhưng mang não của loại bốn chân, bốn lần vinh quang thành ra những người như Chu Hảo, Nguyên Ngọc bị kỳ thị, bộ trưởng giáo dục nói ngọng, nữ bộ trưởng đòi phải có chân… thứ ba, sinh viên được bán dâm bốn lần.
***
Dư luận chưa kịp lắng xuống vì nữ Bộ trưởng Y tế Việt Nam khăng khăng khẳng định, y giới nước nhà cần cái chân… thứ ba thì lại bị Thủ tướng Việt Nam khuấy lên. Cũng tại diễn đàn Quốc hội, tới lượt mình, trong vai người đứng đầu nội các, ông Nguyễn Xuân Phúc ví von : Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn.
Đi đến đâu, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng ví von khuyến khích nơi đó trở thành… 63 "đầu tàu"
Trước, ông Phúc từng tỏ ra ham thích đặc biệt hình tượng "đầu tàu". Đi đến đâu, trò chuyện với địa phương nào, ông Phúc cũng ví von, khuyến khích nơi đó trở thành… "đầu tàu". Tuy nhiên hình tượng và lối ví von này không ổn. Ai cũng có thể thấy, nếu 63 tỉnh – thành phố trên toàn Việt Nam là 63 "đầu tàu" vận động theo nhiều hướng khác nhau như Thủ tướng Việt Nam mong mỏi, chắc chắn đoàn tàu Việt Nam sẽ "trật" khỏi đường ray.
Có thể vì hình tượng "đầu tàu" khiến nghi ngại của thiên hạ về chuyện đầu… Thủ tướng dường như bất ổn càng ngày càng tăng, lần này, ông Phúc chuyển sang dùng hình tượng… "đàn chim". Không rõ ông Phúc nhặt hình tượng đàn chim ở đâu nhưng tiếc cho ông Phúc là hình tượng đàn chim cũng không khiến hình ảnh Thủ tướng trong mắt dân chúng Việt Nam dễ coi hơn, trí tuệ hơn.
Tại sao ?
Ngay sau khi Thủ tướng Việt Nam sử dụng hình tượng… đàn chim và ví von – khuyến khích những con chim cuối đàn nuôi dưỡng khát vọng bay nhanh hơn để gia nhập vào nhóm đầu đàn, có những facebooker như Ba Kiem Mai lập tức viết ngay ít dòng… phụ đạo cho Thủ tướng…
Sở dĩ các đàn chim luôn di chuyển theo hình chữ V ngược và chỉ có một con dẫn đầu vì đó là con chim thuộc loại khỏe nhất đàn (leader). Chim leader không chỉ dẫn đường mà còn dùng sức để chống lại sức cản của không khí và gió. Theo sát phía sau ở hai bên chim leader là những con yếu hơn một chút (winger). Lý do hai con chim này lùi về phía sau một chút và bay ở mức thấp hơn chim leader một chút là để hưởng lực nâng lên của luồng khí quẩn (turbulence) hình thành từ lực do chim leader đập cánh tạo ra nên đỡ mất sức hơn...
Sở dĩ các đàn chim luôn di chuyển theo hình chữ V ngược và chỉ có một con dẫn đầu vì đó là con chim thuộc loại khỏe nhất đàn (leader).
Cứ thế, những con chim khác trong đàn (các winger) tuần tự bám theo nhau, duy trì khoảng cách và cao độ theo phương thức vừa kể. Làm khác đi, winger sẽ lìa đàn bởi không còn được nương nhờ lực nâng do đàn tạo ra. Không đủ sức rướn lên để hợp đàn trở lại thì winger chỉ còn nước đáp xuống đất, chờ cho đến khi đủ sức để thiên di theo đàn khác…
Ba Kiem Mai nhắc thêm, nhân loại học được điều này từ lâu và từ lâu đã ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ thể thao (chẳng hạn đua xe đạp – cũng có những leader cản gió cho đồng đội bám theo phía sau cho tới khi cần bứt phá để chuyển sang nhóm khác), cho tới quân sự (Formation flight – đội hình bay hợp đoàn - của không quân). Hình như Thủ tướng nằm trong nhóm rất ít không học, chẳng đọc thành thử ví von trớt hướt. Trong status "Thủ tướng ví von sai quy luật tự nhiên", Ba Kiem Mai khều nhẹ : Người thông thái nói câu ngắn nhưng hàm lượng thông tin cao, hình tượng chọn để ví von đúng với quy luật tự nhiên. Chẳng hạn, Giáo sư Ngô Bảo Châu ví von : Bám theo lề là việc của những con cừu chứ không phải của con người tự do – rõ ràng là đúng qui luật di chuyển của động vật móng guốc.
Khều như thế dường như nhẹ quá. Chẳng lấy gì làm chắc là ông Phúc biết mình bị khều !
***
Ví von "đàn chim" còn đang khiến dư luận xôn xao thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nhà nước, nhập cuộc. Ngày 3 tháng 11, tại buổi gặp đại diện ngành giáo dục và những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện của niên khóa trước, ông Trọng tuyên bố : Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay !
Lĩnh vực giáo dục Việt Nam đã cũng như đang thế nào thì ai cũng thấy, cũng biết, thành ra tuyên bố vừa kể của ông Trọng chẳng khác gì kích nổ trái bom có sức công phá cao. Có facebooker như Vanhoa Le khái quát : Đọc xong… phấn khích ngay. Bạn của Vanhoa Le như Tuyet Nguyen thì than : Nghe xong muốn trụy tim. Hoa Binh Nguyen rủa : Sao ngộ ? Bọn này từ thằng bé đến thằng lớn hễ mở miệng là… bốc mùi ! Cũng có những facebooker như Tuấn CoN không giữ được bình tĩnh nên nặng lời : Người ta nói miệng quan, trôn trẻ. Miệng mấy thằng cán bộ già như đ... trẻ con quả thật không sai.
Trong bối cảnh như hiện nay, với bối cảnh xã hội, nhân tâm như đã dẫn, ngưng nói hình như là giải pháp có thể thực hiện ngay để không gây nguy hại thêm cho thanh danh, uy tín của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, không vét chút tin yêu còn sót lại đổ đi, đó cũng là cách để tính mạng, sức khỏe đồng bào không bị những căn bệnh mãn tính liên quan nhiều đến cảm xúc như huyết áp, tim mạch đe dọa. Chẳng biết giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có hiểu điều đó hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/11/2018
Thẩm phán Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Tối cao, vừa khẳng định với báo giới rằng, sau khi nhận được hồ sơ vụ án "vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ", khiến ông Lê Ngọc Hoàng bị phạt sáu năm tù, Tòa án Tối cao sẽ cùng với các ngành Kiểm sát, Công an thẩm tra lại vụ án (1)…
Ngày 19 tháng 11 năm 2016, chiếc xe container chở 60 tấn sắt do ông Hoàng điều khiển đụng vào đuôi một chiếc xe loại bảy chỗ trên cao tốc Nội Bài – Thái Nguyên làm bốn người khách trên xe bảy chỗ thiệt mạng.
Bản án phúc thẩm mà Tòa án tỉnh Thái Nguyên tuyên hôm 2 tháng 11 đã khiến công chúng Việt Nam sôi lên vì giận : Ngày 19 tháng 11 năm 2016, chiếc xe container chở 60 tấn sắt do ông Hoàng điều khiển đụng vào đuôi một chiếc xe loại bảy chỗ trên cao tốc Nội Bài – Thái Nguyên. Vụ va chạm làm bốn người khách trên xe bảy chỗ thiệt mạng.
Người điều khiển chiếc xe loại bảy chỗ bị bắt vì say rượu, chở quá số người qui định, cho xe lùi lại khi đang di chuyển trên đường cao tốc. Ông Hoàng – tuy không chạy quá tốc độ, không chở quá trọng tải qui định – vẫn bị bắt vì "không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước".
Không chỉ giới tài xế, luật sư mà ngay cả dân chúng cũng nhận ra cáo buộc "không giữ tốc độ và khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước" là vô lý, thậm chí nhiều người cho đó là "ngu xuẩn" vì không thể nào buộc tài xế phải giữ tốc độ cũng như khoảng cách an toàn khi xe chạy phía trước đột nhiên lùi lại…
Tuy nhiên ông Hoàng vẫn bị giam, hồi tháng 5, bị Tòa án huyện Phổ Yên đưa ra xử sơ thẩm và bị phạt 8 tám tù. Bản án sơ thẩm bị giới tài xế, các luật sư, dân chúng chỉ trích kịch liệt nên phiên xử phúc thẩm bị hoãn tới lần thứ mười mới chính thức xét xử. Dù ông Hoàng được giảm hai năm tù nhưng sự phẫn nộ của dân chúng không giảm mà tăng…
Dẫu Luật Hình sự Việt Nam có định nghĩa về "sự kiện bất ngờ" (trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không bị buộc phải thấy trước về hậu quả của hành vi đang thực hiện thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả) nhưng hệ thống tư pháp từ huyện đến tỉnh dứt khoát không tha ông Hoàng dù tai nạn rõ ràng là "sự kiện bất ngờ"...
***
Đúng vào ngày ông Hoàng bị Tòa án tỉnh Thái Nguyên đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, Công an tỉnh Bình Phước loan báo không truy cứu trách nhiệm hình sự đồng đội là Thượng tá Vũ Văn Hải, Phó Công an thị xã Đồng Xoài (2).
Chín giờ tối ngày 29 tháng 10, khi đang lưu thông trên quốc lộ 14 đoạn trước Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Phước, một chiếc xe hơi đột nhiên vọt lên dải phân cách, húc đổ một cây trồng trên đó, rồi phóng trở lại xuống lòng đường… Sau khi tông vào hai xe hai bánh gắn máy đang chạy phía trước khiến hai người trọng thương, chiếc xe ấy tiếp tục lao tới và chỉ ngừng khi leo lên đoạn vỉa hè phía trước trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước.
Theo lời các nhân chứng, công an đến gần như lập tức, khi người lái chiếc xe gây tai nạn bước ra khỏi xe, ông ta loạng chạng như đang say và được công an đưa đi ngay lập tức và công an tiếp tục đổ đến, phong tỏa kín hiện trường (3).
Ngày hôm sau, Công an tỉnh Bình Phước chính thức xác nhận, thủ phạm gây ra vụ tai nạn vừa kể là Thượng tá Hải nhưng từ chối cho biết, khi gây tai nạn, ông Hải có say hay không và một mực khẳng định, Viện Kiểm sát giám sát chuyện điều tra tai nạn hết sức chặt chẽ.
Hôm sau nữa, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia yêu cầu Chủ tịch tỉnh Bình Phước chỉ đạo điều tra nguyên nhân, xử lý Thượng tá Hải nghiêm minh. Ngày 1 tháng 11, Công an tỉnh Bình Phước loan báo ông Hải không say, tai nạn là do bánh trước bể, xe mất lái đâm vào gốc cây, túi khí bung ra đập vào mặt và đó là lý do khiến ông Hải choáng - loạng choạng, dẫn tới ngộ nhận là ông say (4).
Hai nạn nhân trong vụ tai nạn do Thượng tá Hải gây ra may mắn chỉ trọng thương, không mất mạng, song ngay cả khi họ uổng mạng, chắc chắn ông Thượng tá, Phó Công an thị xã Đồng Xoài vẫn vô sự bởi "xe bị bể bánh trước" là "sự kiện bất ngờ" !
Đáng tiếc là báo chí Việt Nam đã bỏ qua, không chất vấn cả Công an lẫn Viện Kiểm sát tỉnh Bình Phước về yếu tố đáng ngờ mà cả hai cơ quan này cùng lờ đi : Chiếc xe hơi do Thượng tá Hải điều khiển đã di chuyển với tốc độ là bao nhiêu km/h ?
Nếu dùng Google Map để xác định khoảng cách từ trụ sở Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Phước đến trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước, ai cũng có thể thấy đó là 1,3 km. Cứ cho là bánh xe bị bể trước tai nạn, liệu sau đó, một chiếc xe di chuyển với vận tốc 60 km/h, bánh trước đã vô dụng, có thể leo lên dải phân cách - húc đổ cây – phóng trở lại xuống lòng đường – tiếp tục vọt tới - húc văng hai xe hai bánh gắn máy – leo lên lề đường cách điểm "mất lái" tới 1,3 km ?
Không thể dùng "sự kiện bất ngờ" để miễn trừ trách nhiệm cho những tài xế chạy quá tốc độ gây tai nạn nên khi thông báo về vụ tai nạn mà Thượng tá Hải gây ra, đại diện Công an tỉnh Bình Phước không đề cập đến tốc độ, thậm chí tránh cả việc cung cấp thêm chi tiết liên quan tới "bánh… bể" (bánh bên nào – trái hay phải, hoặc cả hai) (5).
Trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 19 tháng 11 năm 2016 ở Thái Nguyên, hệ thống tư pháp tỉnh này gạt "sự kiện bất ngờ" sang một bên, nên ông Hoàng lẽ ra vô tội thì trở thành bị án. Còn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 29 tháng 10 năm 2018 ở Bình Phước, hệ thống tư pháp tỉnh này khai thác tối đa "sự kiện bất ngờ" một cách đáng ngờ để ông Hải, lẽ ra bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì… vô sự.
Vì sao các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Việt Nam vận dụng pháp luật theo hai hướng khác nhau : Một cần tha vẫn buộc và một đáng buộc vẫn tha ? Muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi này, nên tham chiếu thêm về cách xử lý nhiều vụ tai nạn giao thông khác…
***
Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 13 tháng 10 vừa qua, tại khu vực xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tuy nghiêm trọng nhưng Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế, không khởi tố - điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai.
Hôm ấy, trên đường từ Huế về Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Vinh, người lái chiếc xe hơi mang biển kiểm soát số 43A – 267.75 đã đâm vào đuôi một chiếc xe vận tải đang đậu bên vệ đường khiến chiếc xe của ông Vinh lật ngửa. Vụ tai nạn do ông Vinh gây ra đã khiến vợ ông thiệt mạng, ông và một cặp vợ chồng khác cùng ngồi trên xe bị thương (5).
Ai cũng biết những tai nạn kiểu như vừa kể là do người lái xe chạy quá tốc độ và về nguyên tắc, bất kể nạn nhân là ai, người lái xe cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ" gây ra hậu quả nghiêm trọng (có người thiệt mạng). Tuy nhiên ông Vinh vô sự.
Thậm chí ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng, không giấu diếm sự bực bội khi báo giới bu vào hỏi han chuyện ông Phó Giám đốc sở này gặp nạn nên nhấn mạnh, sức khỏe ông Vinh bình thường, ông Vinh không có thương tích nào nên không phải nằm bệnh viện như một số tờ báo loan tin. Ông Vinh không đi làm vì phải lo chôn cất vợ (6). Thế thôi !
Cũng lái xe, cũng có người thân thiệt mạng nhưng bà Phan Thúy Hằng, 50 tuổi, ngụ tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, kiếm sống bằng giúp việc nhà cho một gia đình ở Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, không may mắn như ông Vinh…
Vào ngày 12 tháng 4 năm 2016, bà Hằng chở một người bạn gái từ Thành phố Hồ Chí Minh về thăm mẹ của bà ở Bến Lức. Đến nơi, bà Hằng băng qua đường (tỉnh lộ 832) rồi tấp vào lề. Trong lúc bà Hằng và bà Thúy chuẩn bị xuống xe để dắt vào nhà thì ông Hà Tấn Phong, 40 tuổi, điều khiển một xe hai bánh gắn máy khác đâm thẳng vào họ…
Nhiều nhân chứng khẳng định, họ tận mắt chứng kiến ông Phong chạy với tốc độ rất cao, đâm thẳng vào xe của bà Hằng, khi đó đã dừng sát lề. Cú va chạm mạnh đến mức bà Thúy bị hất văng ra giữa đường, bà Hằng gục xuống tại chỗ và bị chiếc xe hai bánh gắn máy đè lên người. Riêng ông Phong thì qườ quạng nhưng không phải do tác động của tai nạn mà vì quá say !
Sau tai nạn, cả bà Hằng và bạn bà cùng bất tỉnh. Năm ngày sau bạn bà Hằng tắt thở, bà Hằng hôn mê hai ngày và nằm liệt một chỗ trong 21 ngày.
Luật pháp Việt Nam cấm người có nồng độ cồn trong máu quá 0,25mg/1 lít khí thở điều khiển phương tiện giao thông. Những biên bản được lập sau khi xảy ra tai nạn ghi nhận nồng độ cồn trong máu của ông Phong là 0,679mg/1 lít khí thở, gấp gần bốn lần mức cho phép. Cũng vì vậy, ông Phong tự tìm đến gia đình bạn bà Hằng và bà Hằng xin bãi nại. Ông Phong đã đưa cho thân nhân bạn bà Hằng 50 triệu đồng để lo ma chay, đưa cho bà Hằng 15 triệu đồng để trả tiền điều trị. Bà Hằng kể rằng cả bà lẫn gia đình bạn của bà đều tin rằng, tai nạn là vận mạng, chưa kể họ không muốn đẩy một người cũng có gia đình vào tù nên cùng ký giấy bãi nại.
Thế nhưng chuyện không ngừng ở đó. Ba tháng sau ngày xảy ra tai nạn, Công an huyện Bến Lức giao cho bà Hằng quyết định khởi tố vụ án, xác định bà Hằng là… bị can. Bất kể lời khai của các nhân chứng, cả công an lẫn Viện Kiểm sát huyện Bến Lức cùng lập luận, tai nạn xảy ra là do bà Hằng băng qua đường không an toàn khiến bạn của bà thiệt mạng. Ông Phong được hệ thống tư pháp xem là vô can. Chuyện ông Phong say rượu lái xe, tông vào bà Hằng và bạn của bà được xác định là chỉ cần xử phạt hành chính !
Tháng 12 năm 2016, bà Hằng bị Tòa án huyện Bến Lức phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì "vi phạm quy định về điều khiểu phương tiện giao thông đường bộ" gây hậu quả nghiêm trọng. Bà Hằng kháng cáo, báo giới, nhiều luật sư phản đối khi nạn nhân bị phạt tù còn thủ phạm thì chỉ xử phạt hành chính nhưng vô hiệu (7).
***
Chẳng phải bây giờ mà trước giờ, cách vận dụng luật pháp của hệ thống bảo vệ pháp luật ở Việt Nam đã hết sức ngược ngạo : Nương nhẹ với kẻ có quyền, người có tiền, quan hệ xã hội rộng rãi và trừng trị thẳng tay người nghèo, thấp cổ, bé họng, kể cả khi rõ ràng là họ vô tội nhằm răn đe, giáo dục đám đông về sự… nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa xét rằng, những cá nhân như ông Lãnh Đức Dũng, Bí thư huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vốn là thành viên trong một gia đình có công với cách mạng, bản thân được Đảng cộng sản Việt Nam khen ngợi nhiều lần, nên chỉ phạt ông Dũng ba năm tù cho hưởng án treo, khi ông say rượu lái xe, cán chết tại chỗ ba người, một trong ba chỉ mới hưởng dương một năm (8).
Xử lý hình sự đòi hỏi nhất quán nên các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa đã miễn trách nhiệm hình sự cho ông Trần Quang Hiền, Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, khi say rượu lái xe, cán chết một thiếu nữ thì tất nhiên, sẽ miễn trách nhiệm hình sự cho ông Mai Nam Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng, cũng say rượu lái xe cán chết một người và biến ba người trở thành tàn phế vĩnh viễn ? (9)
Để… cân bằng, các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể tha những Lê Ngọc Hoàng, Phan Thúy Hằng, kể cả trẻ con như Đỗ Quang Thiện (một học sinh ngụ tại thành phố Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk, đỡ một cụ ông bị đột quỵ giữa đường rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu, tuy Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk xác nhận, cụ ông bị liệt nửa người bên trái là do xuất huyết não vì tăng huyết áp hoặc vỡ mạch máu dị dạng – chứng bệnh nội khoa không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quỵ xuất hiện làm bệnh nhân té, trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường nhưng Thiện vẫn bị khởi tố, bị phạt tù, do Thiện và gia đình dám… kháng cáo kêu oan, Tòa án tỉnh Đắk Lắk đã tăng hình phạt từ 6 tháng tù lên 9 tháng tù, chuyển án treo thành án giam ra ra lệnh cho Công an tỉnh Đắk Lắk xông vào trường bắt Thiện thi hành án ngay giữa giờ học) (10).
Chẳng riêng khía cạnh giao thông, sự nhất quán trong đường lối xử lý hình sự đồng chí, đồng đội, đồng hội, đồng thuyền với thường dân cũng đã được thể hiện một cách công khai ở tất cả các khía cạnh khác. Cun cút làm ăn, cam chịu nghèo khó chưa chắc đã được yên thân, cho dù bạn không sai nhưng các cơ quan bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa đã chọn thì bạn phải chịu.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/11/2018
Chú thích :
(8) https://news.zing.vn/bi-thu-ha-quang-lai-xe-lam-chet-3-nguoi-duoc-huong-an-treo-post564241.html
(10) https://tuoitre.vn/do-quang-thien-duoc-tro-ve-thi-tot-nghiep-751824.htm
Nhiều tờ báo Mỹ, cả nhỏ lẫn lớn đã và đang đăng lại một bài viết của AP về Thiếu tướng Mark McQueen trong vai trò mới : Quản trị Panama – một thành phố tọa lạc ở Tây Bắc tiểu bang Florida.
Thiếu tướng Mark McQueen trong vai trò mới : Quản trị Panama – một thành phố tọa lạc ở Tây Bắc tiểu bang Florida.
Sau khi siêu bão Michael đổ vào khu vực Đông Nam nước Mỹ làm 45 người thiệt mạng, gây thiệt hại khoảng 11 tỉ Mỹ kim, thành phố nằm sát bờ vịnh Saint Andrew, với 36.000 dân này trở thành nổi tiếng vì… tan hoang, chẳng còn gì cả.
Siêu bão Michael không chỉ san phẳng Panama, biến nó thành nơi không điện, không nước, không hạ tầng viễn thông (điện thoại, Internet), hạ tầng giao thông thì chỗ có, chỗ không mà còn mang chừng hai triệu khối cát từ bờ biển, phủ lên bề mặt thành phố...
Panama cần tái thiết và nỗ lực tái thiết đã khởi sự ngay sau khi siêu bão Michael vừa quét qua thành phố. Mới đây, Billy Rader, một trong bốn Đại biểu Hội đồng nhân dân của Panama, bảo với AP : Thượng đế biết điều gì sẽ xảy ra nên gửi McQueen đến giúp chúng tôi...
Panama không phải sinh quán của McQueen. Mãi đến cuối thập niên 1980, sau khi tốt nghiệp đại học, trở thành sĩ quan của lực lượng dự bị, McQueen mới đến Panama để nhận việc tại trường cao đẳng cộng đồng của thành phố này. Rồi McQueen lập gia đình, có con. Thỉnh thoảng, McQueen được quân đội trưng tập, hết gửi sang Iraq đến gửi tới Afghanistan… Kết thúc mỗi đợt phục vụ trong lực lượng hiện dịch, McQueen lại quay về Panama với vợ con, với công việc dân sự (dạy học, kiểm toán,…).
Với quân đội, tuy thuộc lực lượng dự bị nhưng McQueen là một sĩ quan dày dạn kinh nghiệm, từng phục vụ trong Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt, từng là Phó Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, từng là Tư lệnh Sư đoàn 108 Bộ binh – sư đoàn chuyên huấn luyện lực lượng dự bị và là đơn vi tái thiết hạ tầng cho Iraq. Với cư dân thành phố Panama, McQueen là một người đàn ông tử tế, đáng tin cậy, một thành viên tích cực trong First Baptist Church của cộng đồng Tin lành ở Panama. Tháng 4 vừa qua, McQueen được Hội đồng nhân dân của Panama chọn làm người Quản trị thành phố. McQueen xin dời ngày nhận việc đến tháng 9 để làm thủ tục giải ngũ, bàn giao những công việc dân sự đang làm cho người khác và giải quyết một chuyện có tính cách riêng tư.
AP đã tìm hiểu rồi kể lại rằng, "chuyện có tính cách riêng tư" – một trong những lý do khiến McQueen xin dời ngày nhận việc ấy là vào bệnh viện, hiến thận trái, cứu một người mà McQueen chỉ biết chứ không thân khi cả hai cùng tham dự các sinh hoạt tôn giáo ở First Baptist Church.
McQueen nhận việc vào tháng 9 thì giữa tháng 10, siêu bão Michael đổ vào Panama. Từ đó đến nay, McQueen ăn ngủ tại nơi làm việc, chỉ nghỉ một ngày để bay đến Washington D.C, tham dự buổi chia tay do quân đội Mỹ tổ chức, tiễn ông tướng hai sao của họ về hưu. Dù Panama vẫn còn là một đống đổ nát nhưng dân chúng thành phố này tin rằng, kinh nghiệm, sự tận tụy của McQueen sẽ giúp họ sớm hoàn tất việc tái thiết thành phố này (1).
***
Câu chuyện về Thiếu tướng Mark McQueen râm ran trên báo chí Mỹ từ cuối tháng 10 tới giờ, bất giác làm kẻ viết bài này liên tưởng đến các tướng của… ta !
Đinh Ngọc Hệ chỉ mới là Thượng tá, nhưng giới giang hồ gọi là "Út bộ trưởng" vì rất quyền uy, và lại có hỗn danh "Út trọc".
Cũng vào cuối tháng 10, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đăng hàng loạt sự kiện tuy liên quan trực tiếp tới nhiều ông tướng nhưng lại không đề cập trực tiếp tới ông tướng nào của ta.
Sự kiện thứ nhất là Tòa Quân sự Quân khu 3 đem vụ "vi phạm các quy định trong quản lý đất đai" xảy ra tại khu Đồng Xá, phường Thành Tô, quận Hải An, thành phố Hải Phòng ra xử sơ thẩm.
Sở dĩ Tòa Quân sự đứng ra xử vụ "vi phạm các quy định trong quản lý đất đai" ở phường Thành Tô vì 14 héc ta đất ấy là "đất quốc phòng". Do khu đất này nằm trong quy hoạch phi trường Cát Bi nên Bộ Quốc phòng giành – giữ rồi giao cho Sư đoàn 363 của Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý.
Năm 2009, Tư lệnh Sư đoàn 363 cho Công ty Thái Bình Dương thuê 5/14 héc ta để xây dựng nhà xưởng. Sau khi ký hợp đồng thuê đất, Công ty Thái Bình Dương san lấp, làm đường rồi phân lô, bán nền cho thiên hạ xây nhà.
Chẳng phải chỉ có chỉ huy Sư đoàn 363 mắc "tứ chứng nan y" (mù, điếc, câm, liệt) mà lãnh đạo Quân chủng Phòng không – Không quân, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng mắc "tứ chứng nan y", thành ra không ai thấy, không ai nghe, không ai lên tiếng, không ai ngăn cản Công ty Thái Bình Dương cắt đất đã thuê đem bán.
Chuyện mua đi – bán lại "đất quốc phòng" ở phường Thành Tô trở thành sôi động còn vì chủ tịch phường duyệt bản đồ phân lô do Công ty Thái Bình Dương trình, thậm chí tổ chức đo đạc – xác định ranh từng lô để bàn giao,… Tới giờ, thửa "đất quốc phòng" diện tích năm héc ta mà Công ty Thái Bình Dương "thuê" của Sư đoàn 363 coi như đã "xong".
Tuy nhiên đó chỉ là "xong" 5/14 héc ta. Năm 2013, Bộ Quốc phòng đề nghị đưa 14 héc ta "đất quốc phòng" mà Sư đoàn 363 đang quản lý ra khỏi quy hoạch phi trường Cát Bi. Sau khi Thủ tướng Việt Nam gật đầu, Bộ Quốc phòng giao chín héc ta còn lại cho Tổng Công ty 319 của bộ kinh doanh.
Dẫu Dự án Khu nhà ở Lạch Tray Riverside sẽ thực hiện trên chín héc ta này được quảng cáo rộng rãi nhưng vì thị trường nhà đất giảm nhiệt nên Tổng Công ty 319 chỉ san lấp rồi để đó. Bởi chín héc ta đất ấy giống như vô chủ, du đãng Hải Phòng đứng ra bảo kê cho một số cá nhân chiếm dụng, phân lô, bán như bán lộc… Trời và bảo vệ người mua xây dựng không cần giấy phép ! Lần này, ngoài Bộ Quốc phòng, có thêm chính quyền thành phố Hải Phòng mắc "tứ chứng nan y"...
Cứ thế cho tới gần đây, khi hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt lên tiếng về sự xuất hiện của một "đô thị mới" dưới sự giám sát của… du đãng Hải Phòng, Bộ Quốc phòng mới nhập cuộc : Tống giam – phạt tù cựu Tư lệnh, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363, Giám đốc Công ty Thái Bình Dương, cựu Chủ tịch phường Thành Tô, cựu viên chức Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố Hải Phòng và chỉ thế rồi thôi (2).
Tin mới nhất liên quan tới 14 héc ta "đất quốc phòng" ở phường Thành Tô và phường Tràng Cát, quận Hải An là Bộ Quốc phòng tuyên bố nhường hết 14 héc ta mà bộ từng giành – giữ cho chính quyền thành phố Hài Phòng. Giờ, chính quyền thành phố Hải Phòng đã lập xong Ban Chỉ đạo Tiếp nhận - Xử lý các tồn đọng liên quan tới 14 héc ta đất quốc phòng. Bộ Quốc phòng ung dung gỡ bỏ mớ bùng nhùng do chính mình tạo ra để làm chuyện khác (3).
Giống như sự kiện thứ nhất, sự kiện thứ hai cũng thấp thoáng bóng dáng nhiều ông tướng nhưng không có ông tướng nào lộ diện : Sau khi xét xử theo trình tự phúc thẩm, ngày 1 tháng 11, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên y án sơ thẩm – giữ nguyên hình phạt 12 năm tù đối với Đinh Ngọc Hệ ("Út trọc") (4).
Giống như Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), "Út trọc" nổi tiếng vì có thể lũng đoạn hệ thống công quyền, đặc biệt là sử dụng danh nghĩa quân đội để biến công thổ, công sản thành tài sản riêng nhưng cuối cùng, chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ" và "sử dụng giấy tờ giả".
Đại tá Bùi Văn Tiệp, Tư lệnh Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân, Đại tá Phùng Danh Thắm – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn không thể tuyển dụng "Út trọc" làm sĩ quan quân đội, không thể tặng "Út trọc" Huy hiệu Chiến sĩ Vẻ vang Hạng Nhất, Huân chương Lao động Hạng Ba, qua đó trao thêm cho "Út trọc" quân hàm Thượng tá, không thể hỗ trợ tới mức "Út trọc" muốn làm gì cũng được, thành ra ngoài hỗn danh "Út trọc", Đinh Ngọc Hệ còn được giang hồ xưng tụng là… "Út bộ trưởng".
Bao nhiêu ông tướng dính tới những chuyện này ? Chắc chắn không phải là một !
Cho tới giờ này, chuyện Bộ Quốc phòng sử dụng "đất quốc phòng" một cách tùy tiện đã khóa chặt hướng phát triển của một số phi trường (Tân Sơn Nhất – Thành phố Hồ Chí Minh, Cát Bi – Hải Phòng), xóa sổ một số phi trường quân sự khác (Gia Lâm – Hà Nội, Long Biên – Hà Nội)…
Cho tới giờ này chỉ mới có hai ông tướng quân đội bị Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam cảnh cáo (Thượng tướng Phương Minh Hòa – cựu Uỷ viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy, cựu Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh - cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Quân chủng Phòng không Không quân) vì những sai phạm rất chung chung nhằm… bảo vệ uy tín quân đội : Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc. Buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân (5).
Người ta tin rằng tướng Hòa, tướng Thanh bị cảnh cáo vì những ông tướng chỉ huy Quân chủng Phòng không Không quân này phá nhiều phi trường. Thế còn những ông tướng chỉ huy Quân chủng Hải quân dựng lá chắn cho một số doanh nghiệp móc cát ở những đoạn bờ biển xung yếu (Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc,…) để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đã nhãn tiền, nhờ khoác vỏ "quốc phòng" được tạo điều kiện mua đi, bán lại quyền "nạo vét" theo kiểu bán mười, khai một trốn đủ loại thuế (6) - thì sao, có tính sổ không, bao giờ mới tính ?
Dung dưỡng các ông tướng, chỉ dùng các hình thức kỷ luật trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam, không truy cứu trách nhiệm hình sự, nên rõ ràng "cảnh cáo" các ông tướng Quân chủng Phòng không – Không quân không đủ răn đe. Mới có thêm một ông tướng Lục quân (Thiếu tướng Phan Thế Tài, Phó Tư lệnh Quân khu 7) ký hợp đồng chuyển nhượng hai khu "đất quốc phòng" cho doanh nghiệp mà không thèm bận tâm đến việc phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và lần này, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cương quyết… "khiển trách" (7) !
***
So sánh tướng ta với tướng Mỹ có vẻ khập khiễng. So sánh tướng ta với tướng của quân đội nhiều quốc gia khác cũng sẽ rất khó cân phân vì tướng của thiên hạ không thề "trung thành với Đảng", không được "học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Tướng ta không giống ai cả. Chuyện Thiếu tướng Mark McQueen chỉ để đọc chơi cho vui rồi bỏ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/11/2018
Chú thích :
(1) https://www.apnews.com/fc148df88da748edb953b6a815e80981
(3) http://www.baogiaothong.vn/hai-phong-bao-cao-quoc-hoi-vu-giang-ho-xau-xe-dat-quoc-phong-d276795.html
(4) https://vov.vn/vu-an/ut-troc-dinh-ngoc-he-bi-toa-phuc-tham-tuyen-y-an-12-nam-tu-832716.vov
(6) http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161203/vi-sao-cat-phu-quoc-van-chay-sang-singapore/1229737.html
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan đại diện cho "nguyện vọng và ý chí" của 95 triệu người Việt, thay mặt họ quyết định tất cả những vấn đề liên quan tới vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc : Lập hiến - Lập pháp - Xác lập chính sách cả về đối nội (1), lẫn về đối ngoại (2).
Các Đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn.
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chưa bao giờ công bố chi phí cho việc vận hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam là bao nhiêu mỗi năm nhưng cách nay năm năm, báo chí Việt Nam từng công bố tính toán của một chuyên gia, theo đó, mỗi khi Quốc hội Việt Nam họp, công khố phải chi chừng một tỉ đồng/ngày. Vào thời điểm ấy, một số đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 13 từng thừa nhận, nhiều sinh hoạt của Quốc hội Việt Nam không hiệu quả. Nhiều đại biểu vừa đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân một địa phương, vừa đại diện cho hệ thống chính trị, hoặc hệ thống công quyền của địa phương đó hay trung ương nên chuyện đi lại, ăn ở, nhằm bảo đảm việc góp mặt tại tất cả các nơi vừa tốn kém, vừa không hiệu quả, cuối cùng trở thành hết sức lãng phí, phải tiết kiệm bằng cách… bớt các sinh hoạt khoáng đại, giảm số ngày họp định kỳ (3). Một tỉ/một ngày họp tuy đã rất lớn song chắc chắn không phải là con số cuối cùng. Nếu cộng thêm khoản lương phải trả cho cả các Đại biểu quốc hội lẫn hệ thống tham mưu, giúp việc và chi phí kinh tế - xã hội (bao gồm : đất đai, nhà cửa, xe cộ, các tài sản khác) dành cho Văn phòng Quốc hội và 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội, tổng chi phí hàng năm cho việc vận hành, duy trì hoạt động của Quốc hội Việt Nam có lẽ không dưới mức ngàn tỉ.
***
Các Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14 đang dự kỳ họp thứ sáu. Cuối tuần vừa qua, họ thay mặt nhân dân chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao về những chuyện mà ở các kỳ họp trước, họ từng thay mặt nhân dân xác định là chưa ổn.
Thêm một lần nữa, nhiều Đại biểu quốc hội đương nhiệm chứng minh, Việt Nam không cần Quốc hội vì sinh hoạt Quốc hội không có chỗ cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân. Chẳng hạn, khi bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu của dân chúng tỉnh Phú Yên tại Quốc hội, đòi ông Phùng Xuân Nhạ (Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo) cho biết, ông sẽ làm gì để "bảo vệ sự tôn nghiêm của giáo dục" vì "nhân dân nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay", bà Lê Thị Thanh Xuân, đại biểu của dân chúng tỉnh Đắk Lắk tại Quốc hội, lập tức lên tiếng cảnh cáo bà Hiền và những đồng viện khác rằng, "tất cả mọi người đều là sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam thành ra bên cạnh các hạn chế, cần có những đánh giá tích cực về ngành giáo dục để có cái nhìn khách quan, toàn diện" (4).
Tuy đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân và bản chất buổi sinh hoạt tại diễn đàn Quốc hội hôm 30 tháng 10 là thay mặt nhân dân chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởnng Viện kiểm sát Tối cao nhưng với bà Xuân (nhân vật vừa là Đại biểu quốc hội, đồng thời còn là Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắc Lắk), thể hiện nguyện vọng, thực hiện ý chí của nhân dân không quan trọng bằng việc tấn công đồng viện này, cảnh cáo những đồng viện khác để bảo vệ cả lãnh đạo lẫn ngành của mình !
Tương tự, khi ông Lê Thanh Vân, đại biểu của dân chúng tỉnh Cà Mau tại Quốc hội, chất vấn ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, rằng tại sao điều tra đã bốn năm mà vẫn chưa khởi tố vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, xâm hại lợi ích của 60 triệu nông dân (5), ông Nguyễn Quang Dũng, đại biểu của dân chúng tỉnh Quảng Nam tại Quốc hội, cảnh cáo ông Vân không được phát biểu như thế vì "có thể làm cử tri hiểu sai về ngành kiểm sát" (6). Sở dĩ ông Dũng không những không thay mặt nhân dân chất vấn mà còn bào chữa cho Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và ngành kiểm sát vì ngoài việc là Đại biểu quốc hội, ông còn là… Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam.
Giống như ông Dũng, ông Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu của dân chúng tỉnh Quảng Nam tại Quốc hội, đã bỏ trái bóng chất vấn, "đá" ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu của dân chúng tỉnh Bến Tre tại Quốc hội, kiêm Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì khi chất vấn ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, ông Nhưỡng đã dẫn hàng loạt số liệu chứng minh cho nhận định, các cơ quan điều tra của ngành công an đang "vi phạm pháp luật khủng khiếp". Bộ trưởng Công an không thèm giải trình bởi đã có ông Cầu - một Đại biểu quốc hội khác – thay mặt ông Tô Lâm và cả ngành công an, phản bác ông Nhưỡng, đòi ông Nhưỡng phải "đính chính" vì xúc phạm ngành công an (7). Thật ra khó trách ông Cầu vì ngoài việc nhận các đãi ngộ dành cho một Đại biểu quốc hội, ông còn là Giám đốc Công an Nghệ An.
Chuyện "chất vấn" các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao của Quốc hội Việt Nam trở thành trò hề, lố bịch đến mức, các cơ quan truyền thông chính thức phải nhắc nhở, trong những sinh hoạt kiểu đó, các Đại biểu quốc hội không nên diễn "nhầm vai", "chất vấn lẫn nhau" (8). Cũng đã có những Đại biểu quốc hội như ông Trương Trọng Nghĩa, tự thấy thẹn nên khuyến cáo cả lãnh đạo Quốc hội lẫn các đồng viện, chú ý xây dựng "văn hóa nghị trường", đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và nên tôn trọng lẫn nhau. Cho dù ông Nghĩa đã nhấn mạnh : "Chúng ta có quyền tranh luận nhưng chúng ta không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác" (9) – song diễn biến sau ý kiến chất vấn Bộ trưởng Công an càng ngày càng phức tạp. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – đại diện cho dân chúng tỉnh Nghệ An tại Quốc hội đã tạm lui vào hậu trường, nhường chỗ cho một Đại biểu quốc hội khác, đồng thời cũng là Giám đốc Công an một tỉnh : Ông Sùng A Hồng - đại diện cho dân chúng tỉnh Điện Biên tại Quốc hội. Ông Hồng tuyên bố ông Nhưỡng sai, còn ông Nhưỡng tiếp tục khẳng định, ông đã dự trù sẽ gặp tình huống này nhưng trách nhiệm với nhân dân lớn hơn trách nhiệm với một ngành nên vẫn chất vấn và dứt khoát không đính chính, không xin lỗi (10).
***
Đâu chỉ có "chất vấn". Còn vô số bằng chứng khác chứng minh Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân. Nếu đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân, chắc chắn ông Nguyễn Đức Kiên, đại biểu cho dân chúng tỉnh Sóc Trăng tại Quốc hội, người được Quốc hội bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, sẽ không thách thức dư luận thêm một lần nữa, khi khẳng định, hệ thống công quyền tỉnh Cần Thơ phạt ông Nguyễn Cà Rê 90 triệu đồng khi ông Rê đem 100 Mỹ kim đến đổi tại Tiệm vàng Thảo Lực là đúng, vấn đề duy nhất đáng bận tâm chỉ là làm sao để có thể "giáo dục nhân dân" hiệu quả hơn về "sự nghiêm minh của pháp luật" (11). Giờ, bất kể bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã thừa nhận, qui định pháp luật mà chính quyền Cần Thơ áp dụng là không hợp lý, phải sửa thì ông Kiên cũng chẳng sao. Nếu giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam thấy còn cần ông Kiên ở Quốc hội, ông sẽ tiếp tục là đại biểu của dân chúng tỉnh nào đó tại Quốc hội khóa 15 như đã từng đại diện cho họ trong ba khóa vừa qua.
Giống như vậy, nếu các Đại biểu quốc hội thật sự đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của nhân dân, chắc chắn bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, không khơi khơi nhắc nhở các Đại biểu quốc hội phải bỏ phiếu tán thành Dự thảo Luật Đặc khu vì đó là chủ trương của Bộ Chính trị (12). Nhắc nhở bất cận nhân tình, bất kể nhân tâm ấy chính là nguyên nhân dẫn tới biểu tình bùng phát trên toàn lãnh thổ hồi trung tuần tháng 6 khiến vài trăm người bị tống giam, phạt tù nhưng bà Ngân chẳng hề gì vì bà chỉ truyền đạt chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trong 496 đại biểu, đại diện cho 95 triệu dân Việt Nam tại Quốc hội Việt Nam khóa này, chỉ có hai là tự ứng cử (Nguyễn Anh Trí, Phạm Anh Dũng) nhưng cả hai đều là đảng viên cộng sản Việt Nam. 494 đại biểu còn lại tuy có 21 "không đảng phái" nhưng tất cả đều do Đảng cộng sản Việt Nam tiến cử. Trừ số chết (bốn), vào tù (bốn – Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Nguyễn Quốc Khánh), xin "thôi" (ba – Võ Kim Cự, Phan Thị Mỹ Thanh, Ngô Đức Mạnh), Quốc hội Việt Nam còn 485 đại biểu và số "không đảng phái" tiếp tục giảm xuống chỉ còn 19. Cũng cần lưu ý rằng trong 466 Đại biểu quốc hội là đảng viên cộng sản Việt Nam có hơn 1/3 là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam để bảo đảm quyền lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của đảng tại cơ quan đại diện cho "nguyện vọng, ý chí" của toàn dân (13).
Cho đến giờ này, chắc chẳng còn bao nhiêu người mơ hồ về bản chất và hoạt động của Quốc hội. Bày thêm một hệ thống mà chẳng mấy người trong số 95 triệu dân tin là thật sự đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của họ chỉ tăng thêm gánh nặng thuế, phí. Không có Quốc hội bởi có cũng như không sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ mỗi năm, chắc chắn sẽ giúp giảm một phần thuế, phí. Chẳng ai mơ sẽ thêm trường học cho trẻ con, bệnh viện - thuốc men cho người nghèo, phúc lợi cho người già, người tàn tật, công trình công cộng phục vụ dân sinh nhưng ít nhất gánh đang mang sẽ không nặng hơn, mức độ oán thán, phẫn nộ sẽ bớt nghiêm trọng hơn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/11/2018
Chú thích :
(1) Qui định cách thức tổ chức – hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, bỏ phiếu lựa chọn và bãi nhiệm những cá nhân đứng đầu Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát,… Chỉ Quốc hội mới có quyền thành lập, tách – nhập hay xóa bỏ các cơ quan công quyền, các đơn vị hành chính. Chỉ Quốc hội mới có quyền đặt định mục tiêu, phê duyệt các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng – giảm thuế. Thu – chi – sử dụng ngân sách,… Quốc hội cũng là cơ quan giám sát hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu điều chỉnh hoạt động
(2) Phê chuẩn các công ước, hiệp định. Quyết định chính sách đối ngoại. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên bình diện quốc gia. Tuyên chiến
http://quochoi.vn/gioithieu/gioithieuveqh/Pages/chuc-nang-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=24419
(3) https://news.zing.vn/moi-ngay-hop-quoc-hoi-chi-phi-1-ty-dong-post366011.html
(8) https://tuoitre.vn/dai-bieu-co-nen-chat-van-lan-nhau-20181102083339691.htm
(12) http://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu-20180416130046666.htm
(13) https://thanhnien.vn/thoi-su/100-uy-vien-trung-uong-trung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-711848.html
Cuối tuần trước, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, hoan hỉ thông báo đã xác định được ranh của Quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm để bồi thường cho "bà con" mất nhà, đất vì chính quyền thành phố này đã nhân dịp thực hiện Quy hoạch Khu Đô thị Thủ Thiêm, cưỡng chế, giải tỏa… thêm 4,3 héc ta.
Vụ Thủ Thiêm : Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Trong cuộc họp báo ngày 1 tháng 11, ông Hoan còn nói thêm, ngoài việc bồi thường cho "bà con" bị mất nhà, đất vì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tùy tiện cưỡng chế, giải tỏa thêm 4,3 héc ta ngoài quy hoạch, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ thêm cho "bà con" có khiếu nại về mức bồi thường khi nhà, đất của họ nằm bên trong ranh quy hoạch, cũng như cho những "bà con" đang sống vật vờ trong các khu tái định cư (1).
Nói cách khác, sau hai thập niên bị cưỡng đoạt nhà, đất, 14.000 gia đình với chừng 60.000 người cư trú ở khu vực Thủ Thiêm (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chính thức nhìn là… "bà con". Trước đó, khi khiếu nại, kêu cứu vì các quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng bị xâm hại, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, thậm chí một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam chẳng những không nghe mà còn xác định, nếu dân chúng Thủ Thiêm – những người khiếu nại, tố cáo ròng rã gần hai thập niên - không phải là "kẻ xấu" thì cũng là những phần tử "nhẹ dạ" bị "kẻ xấu kích động", vu cáo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
Trong một báo cáo gửi lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ cách nay hai năm, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xác định, việc giải quyết khiếu nại – tố cáo của dân chúng thành phố này trong giai đoạn từ 2014 – 2016, bao gồm cả khiếu nại – tố cáo về thực hiện Quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là "không có cơ sở". Khiếu nại – tố cáo trở thành phức tạp, kéo dài, chủ yếu là vì dân chúng "thiếu trình độ, thiếu hiểu biết" và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cao giọng cảnh báo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải chú ý đến hiện tượng "lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, xúc phạm, lăng mạ cán bộ" (2).
Chẳng riêng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, trên một số diễn đàn điện tử, mạng xã hội, cũng không thiếu những cá nhân tận tình bênh vực chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Chẳng hạn theo một facebooker có tên là Huyền Nguyễn, nếu không có Quy hoạch Khu đô thị mới, Thủ Thiêm mãi mãi chỉ là vũng sình, nơi trú thân của những kẻ lam lũ, bẩn thỉu. Cho nên theo Huyền Nguyễn, cần phải nhìn tổng thể, phải nhận ra "sự phát triển thần kỳ của Thành phố Hồ Chí Minh để học tập". Hồi giữa năm nay, những tờ báo rụt rè lên tiếng bênh vực dân chúng Thủ Thiêm bị Huyền Nguyễn cáo buộc là "ma cô", chăn dắt dư luận, tạo ra tác hại tới nhân tâm, thành ra Tòa soạn của những tờ báo ấy cần được "thay máu". Riêng dân chúng Việt Nam – những người không cư trú ở Thành phố Hồ Chí Minh thì được Huyền Nguyễn khuyên là "đừng giả bộ khóc mướn để kích động thêm đám dân gian, tham" (3).
Cũng với tâm thế và tư thế đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu cho dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội Việt Nam cả khóa 13 lẫn khóa 14, từng thản nhiên khẳng định hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh không sai khi tổ chức cưỡng chế - thu hồi đất để thực hiện Quy hoạch Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, vỗ về, khuyên bảo dân chúng Thủ Thiêm phải biết… hy sinh (4). Cho đến vừa rồi, những tấm ảnh mà hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam chụp được – bày ra cho thấy, khi tiếp xúc với dân chúng Thủ Thiêm hôm 9 tháng 5, lúc đầu, bà Tâm vẫn còn mỉm cười, không thèm che giấu sự thương hại đám đông đang bu quanh mình mếu máo kêu oan. Chỉ tới khi dân chúng Thủ Thiêm bật dậy, giận dữ đòi bà từ chức, bà Tâm mới chuyển qua gọi họ là "cô bác", mới "day dứt", "xót xa"…
***
Tại Việt Nam không chỉ có dân Thủ Thiêm gánh oan khiên. Oan khiên không chỉ gói gọn trong phạm vi cưỡng chế - thu hồi đất và tất nhiên, "dân ngu", "kẻ xấu" không chỉ dừng ở mức chục ngàn. Nếu nghiên cứu kỹ trường hợp Thủ Thiêm may ra có thể rút tỉa được kinh nghiệm, khái quát được quy luật làm cách nào, "dân ngu", "kẻ xấu" được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhìn là… "cô bác", "bà con".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/11/2018
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/da-xac-dinh-duoc-ranh-quy-hoach-khu-43ha-thu-thiem-20181101123248544.htm
(3) https://www.facebook.com/huyen.kate.50/posts/236336006919178
(4) https://vov.vn/xa-hoi/ai-phai-chiu-trach-nhiem-ve-quy-hoach-thu-thiem-760857.vov
Hôm 29 tháng 10, khi thảo luận về tình hình ngân sách quốc gia, hai Đại biểu Quốc hội : Ông Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Đại biểu của tỉnh Bến Tre, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh) tranh luận sôi nổi về quyết định xây Nhà hát Thủ Thiêm (1).
Dự án nhà hát Thủ Thiêm. (Screenshot of Zing.vn)
Trong bối cảnh công khố thì rỗng nhưng chi tiêu vẫn tăng không ngừng, phải vay để có tiền xài, ông Nhưỡng đề nghị chính phủ phải hành xử quyết liệt đối với những dự án xây dựng trung tâm hội nghị, công trình văn hóa, kiểu như Nhà hát Thủ Thiêm chứ không thể dĩ hòa vi quý như trước nay được nữa.
Bà Tâm phản bác ngay lập tức. Theo bà, 1.500 tỉ xây dựng Nhà hát Thủ Thiêm không liên quan gì đến thu – chi ngân sách hiện nay vì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã bán xong một công thự, tiền đã sẵn, giờ chỉ có xây. Bà Tâm lập lại những thông tin mà một số viên chức hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nói nhiều lần : Dự án Nhà hát Thủ Thiêm đã được chính phủ phê duyệt từ lâu, bây giờ mới làm. Phải làm vì không thể không đầu tư cho văn hóa.
Tuy tranh luận giữa ông Nhưỡng và bà Tâm được mô tả là "gay gắt" nhưng chỉ diễn ra trong ít phút và cũng chẳng đến đâu. Hơn 400 đại biểu khác của dân chúng Việt Nam tại Quốc hội ngậm tăm. Nói cho chính xác thì ông Nhưỡng và một đại biểu khác có đề nghị nói lại, nói thêm nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, người điều hành cuộc thảo luận không cho vì không có thời gian.
Trước giờ, tranh luận tại Diễn đàn Quốc hội Việt Nam là chuyện hiếm, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu các địa phương với nhau về những dự án đầu tư bằng công quỹ còn hiếm hơn. Hình như vì những thắc mắc về hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án, ngay cả cảnh báo về nhân tâm đều không… thức thời. Nếu địa phương nào lách ra, vượt lên, thành công với loại dự án nào đó, đó chính là cơ hội cho các địa phương khác mè nheo với lý do không có là thiếu công bằng, là thua thiệt. Theo con đường ấy, quảng trường – tượng đài Hồ Chí Minh mới mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam !
***
Hôm qua, đọc xong tường thuật của báo giới Việt Nam về cuộc thảo luận của Quốc hội Việt Nam đối với ngân sách quốc gia, kẻ viết bài này tình cờ xem một video clip đang được nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Mỹ chia sẻ với nhau. Clip chỉ có 3 phút 37 giây do Claudia Primos thực hiện và đưa lên trang facebook của cô.
Cô Primos là con một trung úy của quân đội Mỹ hồi Thế chiến thứ hai. Ông vừa mới qua đời tại một bệnh viện dành cho cựu chiến binh. Cô Primos không cho biết cha cô tên gì, bao nhiêu tuổi. Cô ghi lại cảnh người ta chuyển thi hài cha cô được phủ quốc kỳ từ bên trong bệnh viện ra xe để mang đến nhà quàn… rồi đưa lên trang facebook của cô vì muốn anh chị em của cô dẫu chưa kịp về cũng có thể biết...
Chừng 82.000 người được xem ké cảnh một nhân viên đẩy băng ca mang thi thể ông Primos ra ngoài trong tiếng nhạc – chuyên dùng để tiễn biệt tử sĩ – được bệnh viên phát qua hệ thống loa,… và không chỉ có nhân viên bệnh viện xếp hàng, đứng nghiêm tiễn biệt mà những bệnh nhân khác – toàn là người già – ngồi trên những chiếc xe lăn dọc một vài đoạn hành lang, nếu không ráng đứng dậy thì cũng nghiêng mình, giơ tay chào… đã lên tiếng chia buồn với gia đình cô Primos, cám ơn cụ ông Primos đã phục vụ quốc gia, dân tộc (2).
Ngoài 82.000 người ấy, video clip của cô Primos còn được 350.000 người khác share cho bạn bè xem dù rằng ở Mỹ, những cảnh như thế là bình thường, có thể thấy ở khắp nơi. Ở Mỹ, từng khoác quân phục và giải ngũ trong danh dự (không bị loại ngũ vì vi phạm kỷ luật), bất kể đã phục vụ quân đội bao lâu đồng nghĩa với việc được chăm sóc miễn phí tại các cơ sở y tế của Bộ Cựu chiến binh đến hết đời. Cựu chiến binh, bất kể cấp bậc, còn có quyền yêu cầu được tổ chức tang lễ theo nghi thức danh dự, an táng ở những nghĩa trang quốc gia. Đó là lúc chết, còn khi sống, cựu chiến binh được ưu tiên tuyển vào làm việc trong hệ thống công quyền từ liên bang tới địa phương nếu hội đủ yêu cầu tối thiểu của vị trí đó. Ưu tiên này chỉ thấp hơn ưu tiên dành cho cha mẹ, vợ của những tử sĩ và những thương binh.
Cũng ở Mỹ, bởi đưa lính Mỹ đi khắp nơi, chính phủ có trách nhiệm đưa tất cả lính Mỹ về nhà. Việc tìm kiếm những quân nhân Mỹ mất tích từ Thế chiến thứ nhất đến giờ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đối thủ của nước Mỹ khai thác tối đa điều đó và thường thì chính phủ Mỹ luôn luôn tương nhượng để các tù binh Mỹ được phóng thích và để được nhận lại hài cốt của các quân nhân Mỹ.
Năm 2014, Tổng thống Obama từng bị chỉ trích kịch liệt khi đồng ý đem năm kẻ khủng bố được xem là đặc biệt nguy hiểm, đang bị biệt giam ở Guantanamo đổi lấy Bowe Bergdal – một binh nhất vô kỷ luật, tự ý rời khỏi doanh trại rồi bị Taliban bắt làm tù binh hồi 2009 (3). Giữa năm nay, Bắc Hàn tiếp tục thành công khi sử dụng hài cốt lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến Nam – Bắc Triều Tiên như một trong những công cụ lợi hại để kéo chính phủ Mỹ quay lại, ngồi vào bàn đàm phán về giải giới vũ khí hạt nhân – bỏ cấm vận.
***
Tranh luận giữa ông Nhưỡng, bà Tâm về sử dụng ngân sách cho Nhà hát Thủ Thiêm – một công trình "văn hóa" và video clip mà cô Claudia Primos thực hiện rồi đưa lên trang facebook của cô về cách mà người Mỹ đối xử với cha cô – một cựu chiến binh, làm kẻ viết bài này liên tưởng đến chuyện một đại biểu Quốc hội khác - Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 – từng xới lên hồi tháng 11 năm ngoái, cũng liên quan tới ngân sách.
Lúc đó, ông tướng đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, bảo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,… Tuy tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ ấy đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang. Tướng Cò khẳng định với các đồng viện rằng, chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽ đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với thân nhân của họ (5).
Tuy nhiên theo tường thuật của báo giới Việt Nam thì chẳng có đại biểu nào ở Quốc hội bận tâm góp cho vài lời. Sắp tròn một năm nhưng vẫn chưa thấy thông tin nào liên quan đến chuyện lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Quốc phòng sẽ làm gì đó để tìm kiếm, mang hài cốt của khoảng 2.500 liệt sĩ về nhà. Sau hơn 30 năm phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, có bao nhiêu trong số 2.500 hài cốt này còn nguyên vẹn và có thể xác định được danh tính ?
Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị quy tập nhiều hài cốt liệt sĩ tại thôn An Nha.
Rồi ngoài Hà Giang với 2.500 hài cốt đang phơi mưa nắng, bao giờ thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam tính đến chuyện tìm kiếm, an táng hài cốt những liệt sĩ tử trận ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong giai đoạn 1979 - 1981 ? Đó là chưa kể hài cốt của hàng chục ngàn liệt sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến từ 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1979 – 1985 ở Campuchia,… vẫn còn vất vưởng, vương vãi đâu đó !
Dân vốn chẳng là gì ? Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam xem trường học, bệnh viện, công trình công cộng phục vụ dân sinh không bằng cổng chào, tượng đài, quảng trường, bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm,… thì cũng đành ráng mà chịu. Song chẳng lẽ những người đã hiến máu, tặng xương, góp mồ hôi để gầy dựng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng không là gì ?
Nhà hát Thủ Thiêm – một trong những công trình có tính biểu tượng cho "văn hóa" của những "con người mới xã hội chủ nghĩa" dường như khác với văn hóa, văn minh chung của nhân loại. "Nghĩa tình" của những "con người mới xã hội chủ nghĩa" cũng khác với tình nghĩa theo nhận thức chung của loài người.
"Nghĩa tình" kiểu đó thúc đẩy chính phủ phê duyệt dự án Nhà hát Thủ Thiêm, cho phép chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "tự cân đối" bằng bán công thự. Đem khoản "tự cân đối" ấy so với chuyện không có tiền thu thập khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng ở Hà Giang sẽ bị phê phán là… khập khiễng.
"Nghĩa tình" kiểu đó tuy là lý do để Ban Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gật đầu, cho phép chính quyền tỉnh Quảng Trị "tự cân đối" bằng cách bán công thổ để xây dựng Công viên Fidel Castro nhưng tri ân Fidel Castro cụ thể hơn tri ân những người đem tính mạng để đặt quyền lực vào tay các thành viên Ban Bí thư thì có gì là không chính đáng ?...
***
Còn lựa chọn – quy hoạch nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, còn con lãnh đạo làm lãnh đạo, còn những người như bà Tâm, xem thiết chế kiểu đó là "phúc" của dân tộc. Bà Tâm nói thế là còn kiềm chế. Lựa chọn – quy hoạch nhân sự lãnh đạo là "đại phúc" chứ không phải thứ phúc ấm bình thường. "Đại phúc" ấy không thời nào có, chẳng nơi nào bằng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/10/2018
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/claudia.primos/videos/2234919196580429/
(3) http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/canh-trao-doi-thot-tim-1-linh-my-lay-5-tu-nhan-taliban-179245.html
(4) https://news.zing.vn/hoi-huong-hai-cot-linh-my-o-trieu-tien-hon-nua-the-ky-cho-doi-post853708.html
Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Khóa 12 lại vừa đề nghị giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xem xét – thi hành kỷ luật thêm năm ông tướng của Bộ Công an (Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Ba, Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh).
Thượng tướng công an Tô Lâm - Show thứ ba ? Ảnh minh họa
Năm ông tướng bị đề nghị xem xét – thi hành kỷ luật lần này đều từng là những sĩ quan cao cấp, quản lý – điều hành Tổng cục Cảnh sát. Bao gồm hai ông từng là Tổng cục phó (Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Ba), có ông từng là Chánh Văn phòng Cục Cảnh sát điều tra, giờ đang ngồi tại Quốc hội, thay mặt nhân dân giám sát lĩnh vực an ninh – quốc phòng (Thiếu tướng Lê Đình Nhường), ông khác thì từng là Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ), hoặc Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh).
Sở dĩ năm ông tướng vừa kể bị Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xem xét – thi hành kỷ luật vì khi là thành viên Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy của Tổng cục Cảnh sát, họ đã "vi phạm nghiêm trọng Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ lãnh đạo Tổng cục và Cục Cảnh sát Phòng - chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiếp tay, bao che cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng". Đồng thời, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy của Tổng cục Cảnh sát còn phải chịu trách nhiệm về "nhiều vi phạm trong công tác cán bộ, trong hoạt động điều tra - xử lý một số vụ án, trong thực hiện một số dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị" dẫn tới "một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng C50)".
***
Tính tới giờ này, hai scandal liên quan tới Bộ Công an Việt Nam đã khiến 15 ông tướng công an bị đòn.
Trong đó chỉ mới có một ông lãnh án tù (Trung tướng Phan Hữu Tuấn - Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, bị phạt bảy năm tù vì "cố ý làm lộ bí mật Nhà nước"). Hai ông đang chờ ra Tòa (Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã bị truy tố vì "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng C50, đã bị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc"). Hai ông bị giáng cấp, bị cách chức, tước bỏ các chức vụ đã hoặc đang mang (Thượng tướng Trần Việt Tân - Thứ trưởng Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Công an). Mười ông (năm cũ : Trung tướng Lê Văn Minh, Trung tướng Bùi Xuân Sơn, Trung tướng Nguyễn Văn Chuyên, Trung tướng Ksor Nham, Trung tướng Vũ Thuật từng đã hoặc đang đảm trách vai trò Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật và năm mới theo kết luận của kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) đều đang chờ giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam quyết định hình thức kỷ luật.
***
Dù đã nỗ lực biểu diễn sự nghiêm minh qua hai show (một hồi tháng 7 và thêm một hồi tuần trước), tới giờ, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – nơi dựng show - vẫn chưa chịu tiết lộ với khán giả rằng ai phải chịu trách nhiệm chính về việc tuyển dụng Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘Nhôm’) làm sĩ quan an ninh. Thăng hàm vốn là một qui trình chặt chẽ, phải tuân thủ các qui định của luật pháp, những cá nhân nào đã sổ toẹt mọi thứ để Vũ ‘Nhôm’ trở thành "Thượng tá" của lực lượng công an nhân dân ? Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền "của dân, do dân, vì dân" đã kiểm tra, giám sát thế nào mà công an có thể dùng "an ninh quốc gia" làm "bình phong", che chắn cho Vũ ‘Nhôm’ trục lợi ?
Trong nhiều thập niên, dân chúng Việt Nam chỉ nghe rỉ tai về "bình phong" như một loại "nghiệp vụ đặc biệt" mà công an sử dụng để tạo ra các loại vỏ, phục vụ cho nỗ lực bảo vệ "an ninh quốc gia". Chỉ đến khi scandal Vũ ‘Nhôm’ bục ra, "bình phong" mới bị phơi bày bản chất (vừa tạo điều kiện, vừa che chắn cho một số cá nhân, một số nhóm thâu tóm, chiếm đoạt công thự, công thổ, biến công sản thành tài sản cá nhân) nhưng không có ai bị… gì ! Ông Tuấn (Trung tướng, Tổng cục phó Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, bị phạt bảy năm tù là vì "cố ý làm lộ bí mật công tác", không liên quan tới… "bình phong").
Tương tự, hai show mà Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã công diễn chưa giải đáp được một số thắc mắc khác cũng đã có từ lâu : Tại sao chỉ có ông Vĩnh, ông Hóa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi cáo trạng ghi nhận hai ông này đã báo cáo thượng cấp về việc chọn – tạo điều kiện – sử dụng Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) như "bình phong", chấp nhận cho CNC tổ chức đánh bạc trên Internet nhằm xây dựng "hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng" ? Nếu lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam không chấp nhận đề nghị ấy thì làm gì có chuyện CNC chia cho Bộ Công an Việt Nam 20% trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp này dù Bộ Công an Việt Nam không góp đồng nào và trên thực tế, CNC đã chia cho Bộ Công an Việt Nam một phần lợi nhuận (chuyển cho C50 khoản tiền 700 triệu đồng kèm… một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 Mỹ kim) (2). CNC còn là doanh nghiệp sắm vai "nhà tài trợ chính" cho các "chương trình giao lưu", "hoạt động từ thiện" của Tổng cục Cảnh sát, tổng giá trị tài trợ khoảng 1,1 tỉ đồng, chưa kể khi Tổng cục Cảnh sát tổ chức "tiếp khách", ông Dương luôn luôn góp rượu, tổng giá trị số rượu đã góp được ghi nhận là hơn… 10 tỉ đồng ?..
Cách nay ba tháng, sau khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật ông Tân và ông Thành, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã giải thích, sở dĩ họ quyết định giáng cấp, cách chức, tước bỏ các chức vụ mà ông Tân và ông Thành đã hoặc đang mang là vì xét thấy hai ông này độc đoán, chuyên quyền, vi phạm đủ thứ qui định pháp luật về quản lý – sử dụng công thổ, công thự, không chỉ để mặc mà còn tiếp tay cho một số thuộc cấp "vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng", thậm chí còn trực tiếp nhúng chàm (phê duyệt nhiều văn bản nguy hại cho quốc phòng, an ninh trái cả quy định lẫn thẩm quyền). Nếu đã là "rất nghiêm trọng", đã thề chống tham nhũng đến cùng, đã khẳng định không có "vùng cấm", tại sao không giải thích cho thiên hạ tỏ tường xem cả hai ông Thứ trưởng Công an dính líu như thế nào đến Vũ ‘Nhôm’, gây thiệt hại cho quốc gia ra sao ?
Rồi đề nghị xem xét - thi hành kỷ luật mười ông tướng với những lý do hết sức chung chung, nào là mười ông tướng đó phải chịu trách nhiệm liên đới vì hai ông tướng khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong scandal Công nghệ cao, vì tại Tổng cục Cảnh sát đã xảy ra "nhiều vi phạm trong công tác cán bộ, trong hoạt động điều tra - xử lý một số vụ án, trong thực hiện một số dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị" mà không giải thích gì thêm thì có khác chi… "câu khách", song lại "quên" lời hứa "hồi sau sẽ rõ" ?
Hai show đã được công diễn, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã biểu diễn màn "tiểu phẫu" hai cựu Thứ trưởng Công an và đã chọn "liên đới trách nhiệm" làm… "mạch chủ đạo" – liệu có show thứ ba : Truy cứu trách nhiệm của ông Trần Đại Quang (giai đoạn ông Quang là Bộ trưởng Công an) và ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đương nhiệm bởi ông Tô Lâm cũng từng là Thứ trưởng Công an ? Nếu trách nhiệm chỉ liên đới đến Thứ trưởng và kiểm tra - làm rõ xong mà thiên hạ vẫn u u minh minh thì về cơ bản, các đợt biểu diễn coi như… hỏng vì thiếu… logic !
Đoàn làm phim thời sự - tài liệu về chống ngập ở Sài Gòn ngập vừa hoàn tất một "tập" nữa. Cho đến giờ không ai biết bộ phim này còn bao nhiêu "tập", sẽ hết tổng cộng là bao nhiêu tiền nhưng nhìn một cách tổng quát, nếu biết thương mình, dân Sài Gòn nên bày tỏ tình yêu với nước… cống để đoàn làm phim giải tán.
Sài Gòn buổi tối. Hình minh họa.
***
Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh của Công ty Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam. Lý do, công ty này nợ gần 23 tỉ là tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Tuy Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định nhiều lần nhưng Công ty Meinhardt Việt Nam vẫn không chấp hành nghĩa vụ đóng thuế, nộp phạt nên cơ quan này đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt Việt Nam (1).
Khoan bàn đến chuyện đúng – sai, đề nghị vừa kể có một điểm đáng chú ý : Công ty Meinhardt Việt Nam là doanh nghiệp đảm trách vai trò Tư vấn – Giám sát việc thực hiện hợp đồng chống ngập trị giá 10.000 tỉ giữa Tập đoàn Trung Nam với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Thiếu Tư vấn – Giám sát, thời điểm hoàn thành dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ tất nhiên là hoãn vô thời hạn, sau khi đã trễ hạn (tháng 4 năm 2018) vì đủ thứ lý do : Tập đoàn Trung Nam – chủ đầu tư kiêm nhà thầu ngưng thi công do chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chậm chạp xác nhận báo cáo giải ngân, hệ thống ngân hàng buộc phải rà soát kỹ về thủ tục cho chủ đầu tư vay – thủ tục thanh toán cho chủ đầu tư, chủ đầu tư thiếu vốn, giải tỏa – thu hồi đất giao cho chủ đầu tư chậm chạp (2)…
Việc thực hiện hợp đồng chống ngập trị giá 10.000 tỉ giữa Tập đoàn Trung Nam với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có chừng đó chuyện.
Cách nay vài tháng, với tư cách Tư vấn – Giám sát thực hiện hợp đồng, Công ty Meinhardt Việt Nam từng liệng ra một trái bom : Thông báo cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh rằng : Tập đoản Trung Nam – chủ đầu tư kiêm nhà thầu sử dụng vật liệu làm cửa van thép khác với thiết kế (dùng thép của Trung Quốc chứ không phải thép của các quốc gia thuộc khối G7). Điều đó có thể khiến chi phí duy tu bảo dưỡng công trình trong tương lai cao hơn. Dẫu Tập đoàn Trung Nam phản pháo ngay lập tức, theo đó, tập đoàn đã gửi văn bản cho Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh xin chỉ dẫn và đã được cơ quan này đồng ý cho thay đổi thép chế tạo cửa van các cống nhưng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn phải lập Đoàn Kiểm tra. Ngoài kiểm tra về việc đổi loại thép, đoàn này sẽ kiểm tra luôn cả những chuyện như thi công không đúng thiết kế cống kiểm soát triều Mương Chuối. Đoàn Kiểm tra (không phải Đoàn Thanh tra) còn được giao thêm một số trách nhiệm khác mà tính chất là hỗ trợ chủ đầu tư kiêm nhà thầu. Chẳng hạn tạm ứng vốn, giảm chi phí lưu kho cho Tập đoàn Trung Nam (3).
Giữa lúc thiên hạ đinh ninh Công ty Meinhardt Việt Nam là một doanh nghiệp đáng tin vì chu toàn trách nhiệm, kể cả khi bị du đãng đe dọa (4), Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh chứng minh doanh nghiệp này chẳng tử tế chút nào, đã thiếu thuế, còn chây ì trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với hệ thống công quyền. Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một con đường đối với loại doanh nghiệp này : Xóa sổ, đuổi đi. Một vài viên chức hữu trách, một số cơ quan truyền thông chính thức bắt đầu nói xa, nói gần, rằng thì là, dự án chống ngập mới nhất, trị giá 10.000 tỉ trễ hạn, không đến đâu là do dùng… nhầm những doanh nghiệp như Công ty Meinhardt Việt Nam.
***
Trong hai thập niên gần đây, nước cống đã trở thành bạn đồng hành của dân chúng Sài Gòn, bất kể họ thuộc giới nào. Chẳng cứ mùa mưa, ngay cả giữa mùa khô, vào những ngày thủy triều dâng cao, dân chúng Sài Gòn vẫn có cơ hội tái ngộ nước cống khi nước sông ào ạt theo hệ thống cống rãnh tràn vào thăm.
Để giúp dân Sài Gòn đoạn tuyệt với nước cống, chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, hệ thống công quyền ở Sài Gòn đã dùng hết 24.300 tỉ vào chuyện chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc rà riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (5). Thế nhưng tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn lại tồi tệ hơn.
Năm 2014, nhiều chuyên gia về thủy lợi, khí tượng - thủy văn, tài nguyên - môi trường, từng khẳng định, vấn nạn ngập lụt của Sài Gòn là vì quản lý tồi ! Sài Gòn khó mà hết ngập bởi các dự án chống ngập đã lạc hậu với thực tế. Việc chống ngập cho Sài Gòn đi theo hai hướng trái chiều với nhau. Đó là các nghiên cứu sâu để tạo nền móng chắc chắn cho tính khả thi của các dự án rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án lại rất lớn. Theo họ, các dự án thực hiện theo những quy hoạch đã được duyệt đều thiếu nghiên cứu sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại.
Song giới hữu trách không thèm bận tâm đến những khuyến cáo này. Năm 2015, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn phê duyệt đề nghị vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã lạc hậu với thực tế nhằm chống ngập ở Sài Gòn ! Chính quyền thành phố Sài Gòn đã đem "đổi" ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (6). Ngập lụt tại Sài Gòn không những không giảm mà liên tục leo từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác.
Tất nhiên là chẳng ai ưa chuyện gần gũi với nước cống, thành ra số lượng – trị giá công trình chống ngập tỉ lệ thuận với oán thán, chỉ trích của dân Sài Gòn về ngập lụt.
Siêu dự án chống ngập trị giá 10.000 tỉ đồng do Tập đoàn Trung Nam giữ vai trò chủ đầu tư kiêm nhà thầu ra đời trong bối cảnh như vậy mà đâu chỉ có chừng đó. Ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia thực hiện các dự án chống ngập ở Sài Gòn giờ có Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, đến giờ, Sài Gòn có ít nhất… hai Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về…. cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ nay đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (7).
Tới đây, có một yếu tố phải lưu ý, bao nhiêu phần trăm dân Sài Gòn tin rằng xài thêm 100.000 tỉ, Sài Gòn sẽ hết ngập ? Nếu tổ chức thăm dò dư luận, chắc chắn tỉ lệ sẽ rất thấp. Không phải dân Sài Gòn đa nghi, cứng lòng nhưng vì qui hoạch nói chung và qui hoạch chống ngập nói riêng cho Việt Nam nói chung và cho Sài Gòn nói riêng rất… đặc biệt ! Chẳng hạn, theo qui hoạch, dẫu việc thoát nước ở Sài Gòn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng dựa trên… qui họach, hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ra lệnh lấp khỏang 30% diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam thì chỉ trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta bị lấp và bị lấn chiếm (8). Rồi cũng theo… qui hoạch, lần này là để chống ngập, tháng 10 năm 2015, giới hữu trách ở Sài Gòn loan báo sẽ chi 300 tỉ để khôi phục lại kênh Hàng Bàng – con kênh mà những viên chức tiền nhiệm từng ra lệnh lấp vào năm 2000 (9). Việc dựa vào… qui hoạch, cho phép lấp một phần hoặc toàn bộ sông, kênh, rạch để xây dựng đủ loại công trình đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng, nay, cũng dựa vào… qui hoạch, chi thêm hàng chục ngàn tỉ đồng để khôi phục lại chắc chắn chỉ có ở… Việt Nam !
***
Đã biết khó mà… giã biệt nước cống, dân Sài Gòn nên bày tỏ tình yêu nước… cống. Tình yêu này dẫu miễn cưỡng, rõ ràng là… ép duyên nhưng có lẽ đó là cách duy nhất hạn chế nỗ lực… chống ngập nhân danh lợi ích của mình, nhờ vậy hạn chế hậu quả của "tiền mất, nợ mang" - nợ đâu chỉ có gốc mà còn thêm tiền lãi. Khi hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh không thể quịt những khoản đã vay để… chống ngập thì tất nhiên là phải cắt phúc lợi công cộng. Còn oán thán, chỉ trích ngập lụt, còn mất cả chì lẫn chài với tốc độ… hỏa tiễn. Nếu thật sự thương mình, thương con cháu, hãy yêu nước… cống !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/10/2018
Chú thích
(2) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-khoi-dong-du-an-chong-ngap-10000-ti-dong-979611.html
(3) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tp-hcm-thanh-tra-du-an-chong-ngap-10-000-ty-dong-3806479.html
(5) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(6) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(7) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm
(8) https://laodong.vn/xa-hoi/kenh-rach-bi-lap-kin-khong-ngap-moi-la-373442.bld