Chẳng riêng thường dân, tương lai của những cán bộ đủ cấp, suốt đời phấn đấu cho việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cộng sản Việt Nam, những sĩ quan công an tụng niệm "còn đảng, còn mình" không ngưng nghỉ, những sĩ quan quân đội thề "trung thành với đảng" cho tới hơi thở cuối cùng - cũng đứng trước nguy cơ… "không có gì".
Người dân đọc sổ bảo hiểm xã hội - Ảnh minh họa
***
Tuần trước, công an Việt Nam tống giam ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cựu Thứ trưởng Lao động, thương binh và xã hội vì "cố ý làm trái qui định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ông Hồng còn có ông Nguyễn Huy Ban, cựu Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam và hai viên chức khác từng là cựu Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Ban Kế hoạch – Tài chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam bị tống giam cũng do cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng mà cả bốn tạo ra là cho Công ty Cho thuê tài chính (ALC) 2 của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) vay hàng ngàn tỉ, khiến bảo hiểm xã hội Việt Nam mất trắng khoản này (1).
Giống như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội Việt Nam là kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và các cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, trả lương hưu khi mọi người về già.
Tiền mà bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC 2 vay là tiền bá tánh gom góp để phòng khi thất cơ, lỡ vận (bệnh tật không thể làm việc, thất nghiệp) và để an hưởng tuổi gia khi sức đã cùng, lực đã kiệt.
bảo hiểm xã hội Việt Nam để mất cả ngàn tỉ đồng, đồng nghĩa với sự an lành trong tương lai của nhiều triệu người, cả những người đã nghỉ hưu lẫn đang lao động, bất kể họ làm gì, cho ai cùng bị đe dọa.
bảo hiểm xã hội Việt Nam đâu chỉ mất hàng ngàn tỉ cho ALC 2 vay...
***
Theo một báo cáo do Kiểm toán Nhà nước công bố đầu năm 2017 về tình trạng tài chính của bảo hiểm xã hội Việt Nam trước đó hai năm (2015) thì bảo hiểm xã hội Việt Nam mất khoảng 1.500 tỉ đồng do cho cả ALC 1 và ALC 2 vay.
Ngoài khoản 1.500 tỉ đồng giao cho hai ALC của Agribank vay, coi như mất trắng, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đem 324.000/435.000 tỉ của bá tánh cho chính phủ vay (74,4% tổng vốn). Đó là chưa kể bảo hiểm xã hội còn dùng 45.500 tỉ mua trái phiếu (10,4% tổng vốn).
Số còn lại, bảo hiểm xã hội Việt Nam cho các ngân hàng vay khoảng 59.000 tỉ đồng, cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam vay khoảng 6.000 tỉ để thực hiện Dự án Thủy điện Lai Châu.
Trong báo cáo vừa kể, chỉ thấy Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, ALC 1 và ALC 2 đang "tái cơ cấu" nên không thể trả cả vốn lẫn lãi. Sau một thời gian dài "tái cơ cấu", tháng 8 vừa qua, Tòa án Việt Nam cho ALC 2 "phá sản". Nói cách khác ALC 2 được xù nợ một cách hợp pháp (3).
Vào thời điểm được cho phá sản, ALC 2 chỉ có 19 tỉ đồng trong khi nợ 10.160 tỉ đồng và 8,5 triệu Mỹ kim. Dẫu một số nơi đang nợ ALC 2 số tiền là 15.700 tỉ và 32.400 Mỹ kim, cứ cho những khoản nợ ấy là… dễ đòi thì đòi đủ cũng không thể… cân đối.
Làm sao có thể cân đối khi ALC 2 thực hiện những thương vụ kiểu như mua một con tàu cũ với giá 100 triệu đồng, định giá lại là… 130 tỉ đồng rồi hỏi vay những cơ quan như bảo hiểm xã hội Việt Nam để thanh toán (4) ?
1.500 tỉ mồ hôi, nước mắt mà luật buộc bá tánh phải gom lại để có cái phòng thân khi thất cơ, lỡ vận, có cái ăn, cái mặc lúc gối mỏi, chân chồn đã ra đi hết sức nhẹ nhàng qua những quyết định đầu tư – cho vay như thế !
***
Ở báo cáo đã dẫn, có ráng tìm cũng chẳng thấy Kiểm toán Nhà nước cho biết, hệ thống công quyền Việt Nam trả bao nhiêu lãi cho 324.000 tỉ đồng vay từ tương lai của bá tánh thông qua nguồn tiền mà bảo hiểm xã hội Việt Nam gom về, nắm giữ.
Kiểm toán Nhà nước chỉ cảnh báo, tổng số nợ mà các nơi lẽ ra phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam đến hết năm 2015 là khoảng 10.000 tỉ đồng, tăng 5,5% so với năm 2014. Trong đó, nợ bắt buộc phải đóng chiếm đến hơn 70%.
Đặc biệt, trong khoản nợ ấy, nợ trên 12 tháng là hơn 4.000 tỉ đồng, bao gồm 1.400 tỉ đồng thuộc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã phá sản, giải thể, gần như không thể thu hồi được.
Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền liên tục dọa sẽ thẳng tay đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nợ tiền phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc tìm cách né tránh, không tham gia bảo hiểm xã hội.
Cuối tháng trước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của bảo hiểm xã hội Việt Nam loan báo, có 8.400 doanh nghiệp thiếu bảo hiểm xã hội Việt Nam 347 tỉ đồng và còn khoảng 700.000 người làm việc tại 87.000 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa tham gia đóng góp cho bảo hiểm xã hội Việt Nam (5).
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không ngừng nhấn mạnh, chây ì – chậm nộp – quịt nợ phải đóng cho bảo hiểm xã hội là phạm pháp, tìm cách né tránh, không tham gia bảo hiểm xã hội là thiếu đạo đức.
Bảo vệ mọi người khi họ thất cơ, lỡ vận, cùng góp sức nuôi mọi người lúc họ lớn tuổi, hết sức lao động, rõ ràng là cần. Thế thì tại sao các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tìm đủ cách trốn, tránh ?
Theo một thống kê mà Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng công bố, các doanh nghiệp đang phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam khoảng 18% tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam đến 8% trên tổng thu nhập.
Chưa kể các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp. Tính ra có tới 24% tổng quỹ lương bị các hệ thống được thiết lập như phương thức nhằm bảo đảm an sinh xã hội nuốt mất.
Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10,5% tổng thu nhập (ngoài 8% tổng thu nhập phải nộp cho bảo hiểm xã hội Việt Nam, các cá nhân còn phải nộp 1,5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước).
Doanh giới đã so sánh chính sách hiện hành tại Việt Nam về bảo hiểm xã hội và phí công đoàn, ngốn của cả hai bên (bên sử dụng lao động và người đang đi làm) đến 35%, cao hơn các quốc gia khác từ ba đến bảy lần nên họ không kham nổi ! Đó cũng là lý do số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế càng ngày càng nhiều. Khoản nợ càng lúc càng lớn.
Bất kể hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không ngừng nhấn mạnh, các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội Việt Nam là vì người lao động nhưng cuối tháng trước, Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh của bảo hiểm xã hội Việt Nam, báo cáo, tình trạng xin nhận bảo hiểm xã hội một lần (nhận hết trợ cấp một lần, dứt khoát không chờ nhận lương hưu hàng tháng) vẫn tiếp tục tăng : Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chín tháng đầu năm 2018 là khoảng 80.000 người. Trên bình diện quốc gia, con số này khoảng 700.000 người/năm (6).
***
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng dự đoán, với chính sách và lối quản lý điều hành như hiện nay, đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thâm thủng và đến 2034 sẽ hết tiền (7). Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bác bỏ dự đoán ấy nhưng lại quyết định từ 2021 sẽ nới rộng tuổi hưu để tăng số người đóng, giảm số người nhận bảo hiểm xã hội.
Sử dụng tiền bá tánh để dành cho tương lai theo lối bảo hiểm xã hội Việt Nam đã làm, rồi dồn khoảng 80% tổng quỹ cho chính phủ vay, bao gồm cả mua trái phiếu, trong bối cảnh nợ nần quốc gia tăng vùn vụt, thu chẳng bao giờ đủ để bù chi, chưa kể tiền nuôi những người giữ quỹ bảo hiểm xã hội lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng/năm (chính xác là năm ngoái nuôi hết 111.957 tỉ) (8) trong khi nợ bảo hiểm xã hội càng ngày càng cao,… thì Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ tồn tại được bao lâu ?
Tương lai những người bất bình với thu – chi – vận hành bảo hiểm xã hội Việt Nam tất nhiên là xám ngoét, song tương lai của những người hộ đảng, từng thẳng tay trừng trị những kẻ đòi minh bạch, rạch ròi đối với thu – chi – vận hành bảo hiểm xã hội thì có hơn gì ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/11/2018
Chú thích
(1) https://news.zing.vn/bat-nguyen-tong-giam-doc-bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-post891063.html
(3) http ://ndh.vn/toa-tuyen-pha-san-cong-ty-cho-thue-tai-chinh-ii-20180806075223298p149c165.news
(4) https://news.zing.vn/tuyen-3-an-tu-hinh-trong-vu-tham-nhung-tai-alc-ii-post461749.html