Ông Nguyễn Quốc Hùng – chồng bà Dương Ngọc Ánh – đã thay mặt vợ xin lỗi thầy giáo Hồ Văn Khánh, giáo viên trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, tại một buổi họp với đầy đủ các bên được cho là có liên quan : Ban Giám hiệu trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, Hội Phụ huynh huynh học sinh trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Bạc Liêu, chính quyền phường 7 thành phố Bạc Liêu.
Ông Nguyễn Quốc Hùng công khai xin lỗi thầy Khánh. Ảnh VTC News
Ngoài việc xin lỗi thầy giáo Khánh, ông Hùng còn xin lỗi tất cả giáo viên, phụ huynh, học sinh của trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, các viên chức Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Bạc Liêu (1)...
Sở dĩ ông Hùng phải thay mặt vợ đứng ra xin lỗi Ban Giám hiệu trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, Hội Phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố Bạc Liêu, chính quyền phường 7, thậm chí cả chính quyền thành phố Bạc Liêu, do những nơi này đột nhiên được xác định là các bên có liên quan, phải họp tới, họp lui, chỉ đạo xuôi, chỉ đạo ngược vì bà Ánh – vợ ông Hùng nhận thức sai, hành xử không đúng đối với một… cái quần !
Ông Hùng và bà Ánh có một cô con gái đang là học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh. Sau buổi học sáng 30 tháng 11, ái nữ của họ để quên một cái quần trong hộc bàn. Buổi chiều, học sinh nào đó đem cái quần bị bỏ quên ấy đặt lên bàn giáo viên. Khi thầy giáo Khánh vào lớp, nhìn thấy cái quần, không xác định được chủ, ông yêu cầu học sinh bỏ nó vào thùng rác.
Chiều hôm sau, ái nữ của ông Hùng, bà Ánh tìm thầy giáo Khánh để hỏi thăm về cái quần của cô. Nghe thầy giáo Khánh trả lời ông đã ra lệnh cho học sinh bảo nó vào thùng rác, cô lẳng lặng bỏ về… Chỉ một tiếng sau, ông Hùng gọi điện thoại cho thầy giáo Khánh, yêu cầu thầy giáo Khánh hạ một bậc hạnh kiểm của học sinh đã đem quần của con gái ông đặt lên bàn giáo viên và buộc cha mẹ học sinh đó… đền quần ! Thầy giáo Khánh từ chối vừa vì yêu cầu đó thái quá, vừa vì chính ông là người yêu cầu học sinh đem quần của ái nữ ông Hùng, bà Ánh bỏ vào thùng rác.
Bởi thầy giáo Khánh không đáp ứng yêu cầu của mình, ông Hùng yêu cầu thầy giáo Khánh ra quán cà phê nói chuyện. Phải sinh hoạt với lớp mà mình làm chủ nhiệm, thầy giáo Khánh hẹn ông Hùng uống cà phê vào trưa 3 tháng 12... Trưa hôm ấy, ông Hùng không đến như đã hẹn, vợ ông thay chồng nói chuyện phải trái với thầy giáo Khánh. Sau cuộc nói chuyện, bà Ánh đưa lên trang facebook của mình một video clip ghi lại bốn phút trò chuyện với thầy giáo Khánh – người mà bà nhận định là… "thầy giáo biến chất".
Ngay sau đó, người ta chuyển cho nhau xem clip ấy, mạng xã hội tiếng Việt sôi lên sùng sục nhưng thiên hạ không chỉ trích thầy giáo Khánh như bà Ánh… mong. Bà Ánh không dè chính bà trở thành tâm của trận bão mà mức độ cuồng nộ càng lúc càng lớn. Trong vòng chưa đầy một ngày, có tới 18.000 người vào trang facebook của bà Ánh chỉ trích bà vô giáo dục, thậm chí không ít người dọa sẽ trừng trị bà nếu bà không xin lỗi thầy giáo Khánh… Bà Ánh vội vàng rút clip xuống nhưng sự cuồng nộ không giảm.
Chi nhánh Bạc Liêu của Vinaphone (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT) – chỗ mà bà Ánh tự giới thiệu trên facebook là nơi làm việc của mình – vội vàng thông báo : Nhân viên Dương Ngọc Ánh đã chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 20/10/2017 với Trung Tâm Kinh Doanh VNPT – Bạc Liêu theo quyết định số 178/QĐ –TTKD –BLU-THNS. Mọi vấn đề liên quan VNPT Vinaphone – Bạc Liêu không quản lý (2).
Ngoài việc kêu gọi nhau tẩy chay Vinaphone, người sử dụng mạng xã hội còn thông báo với nhau gốc gác của bà Ánh. Hóa ra bà Ánh không phải thường dân, bà là ái nữ của ông Dương Ngọc Ẩn, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu – nhân vật vốn chẳng xa lạ gì với công chúng vì liên tục vi phạm pháp luật từ năm này (3) đến năm khác (4) nhưng vẫn ung dung tại vị cho đến ngày nghỉ hưu, hưởng nhàn.
Chuyện cái quần không còn là chuyện giữa gia đình bà Ánh với thầy giáo Khánh. Cũng có thể vì thế mà chính quyền thành phố Bạc Liêu nhập cuộc, họ giúp cha bà Ánh chuyển lời xin lỗi đến thầy giáo Khánh và yêu cầu Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Bạc Liêu, Ban Giám hiệu và Hội Phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh tổ chức… kiểm điểm bà Ánh (5).
Bà Ánh đã xin lỗi thầy giáo Khánh trên trang facebook của bà (6). Các bên tự xem là có liên quan đã tổ chức cho chồng bà xin lỗi thầy giáo Khánh và những người, những nơi có liên quan thêm một lần nữa. Chuyện cái quần dường như đã xong và xét về bản chất, cách xử lý chuyện cái quần theo kiểu ấy chẳng khác gì… cái quần, thành ra sẽ còn vô số những trường hợp tương tự như chuyện cái quần.
***
Nếu tôn trọng người khác cả ở khía cạnh đạo đức lẫn pháp luật, chắc chắn ông Hùng và bà Ánh không ngang ngược tới mức đòi phải có ai đó chịu trách nhiệm về việc ái nữ của mình quên rồi mất… quần ! Nếu tôn trọng người khác cả ở khía cạnh đạo đức lẫn pháp luật, chắc chắn bà Ánh không chủ động lăng mạ người khác ở nơi công cộng, chủ động ghi toàn bộ nội dung lăng mạ rồi khoe trên facebook, khyến khích mọi người góp lời lăng mạ.
Tuy nội dung lăng mạ làm nhiều người cảm thấy không thể chịu được (khẳng định với thầy giáo Khang rằng giá trị bộ đồ ông mặc trên người không bằng giá trị cái quần mà ái nữ của bà để quên, rằng khi ông không có ý thức giữ gìn cái quần ấy mà yêu cầu học trò bỏ nó vào thùng rác thì ông là thứ… nhà giáo biến chất) nhưng với bà Ánh thì đó là đương nhiên, rất đích đáng với đối tượng tuy cũng là người như bà nhưng không thể sánh ngang hàng với bà và gia đình.
Luật Hình sự Việt Nam có tội "làm nhục người khác" nhưng chỉ đạo của chính quyền thành phố Bạc Liêu : Phòng Giáo dục và đào tạo thành phố Bạc Liêu, Ban Giám hiệu và Hội Phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh phải tổ chức… kiểm điểm bà Ánh đã vô hiệu hóa chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự của bà. Dựa vào đâu một cơ quan công quyền cho phép mình chỉ đạo hệ thống giáo dục trực thuộc tổ chức kiểm điểm… một phụ huynh vì phụ huynh ấy hành xử sai trái ?
Tại sao xem thường, chà đạp phẩm giá người khác, lăng mạ, hành hung người khác trở thành bình thường tại Việt Nam ? Vì danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của con người là chuyện nhỏ. Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xem những yếu tố vừa kể là nhỏ thì theo thời gian, đa số công chúng cũng không còn xem đó là chuyện lớn. Đạo đức, quan hệ giữa con người càng ngày càng tồi tệ, đáng buồn khởi đi từ đó và càng ngày càng tuột sâu xuống đáy cũng từ đó.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/12/2018
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/chong-nu-phu-huynh-xin-loi-thay-giao-ho-van-khanh-20181205164707938.htm
(2) https://www.facebook.com/baclieu.vnpt.vn/posts/2190914797626580?__tn__=-R
(3) https://nld.com.vn/phap-luat/giam-doc-so-xay-dung-bat-tuan-phap-luat-202566.htm
(4) https://laodong.vn/xa-hoi/so-xay-dung-bac-lieu-bung-bit-sai-pham-86133.bld
(6) https://www.facebook.com/anhngoc.duong.3597/posts/2193697504181442
Chống "chạy" quy hoạch là một tuyên bố kiểu sẽ dùng triệu voi nhưng chắc chắn kết quả sẽ là chẳng có miếng nước xáo nào.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước sẽ đảm nhận vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ 2021 – 2026- Hình minh họa.
Báo chí Việt Nam vừa tường thuật về hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức – xây dựng đảng của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đó, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam), Trưởng Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đưa ra hai yêu cầu : Các cơ quan trong lĩnh vực tổ chức – xây dựng đảng phải hoàn thành "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" và phải chống cho bằng được tình trạng "chạy" để được quy hoạch làm "cán bộ cấp chiến lược" (1).
Trước nay, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn xem "cán bộ cấp chiến lược" là những cá nhân lãnh đạo các cơ quan của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, lãnh đạo các đảng ủy do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quản lý. Bởi Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam nên "cán bộ cấp chiến lược" sẽ được… phân công lãnh đạo quốc hội, nhà nước, chính phủ, cơ quan tư pháp và hội đồng nhân dân, chính quyền của các tỉnh, thành phố. Nhìn một cách tổng quát, "cán bộ cấp chiến lược" là đội ngũ quản lý – điều hành toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
"Quy hoạch cán bộ" là lựa chọn - sắp đặt nhân sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cho tất cả các ngành, ở tất cả các cấp. Trong "quy hoạch cán bộ" có lựa chọn – sắp đặt khoảng 600 "cán bộ cấp chiến lược" để dẫn dắt 95 triệu dân (2). Cho dù các diễn biến trên thực tế chỉ ra, "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" đã trở thành thang để những : Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Nguyễn Bá Thanh… bước lên đỉnh quyền lực. Trừ Đinh La Thăng phải vào tù, may cho cả giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lẫn ông Quang, ông Thanh là cả hai đều sớm nhắm mắt, xuôi tay. Nếu cả hai còn thở đều, chắc chắn không dễ xử những đại án như CNC tổ chức đánh bạc trên toàn quốc, hay Vũ ‘Nhôm" !
"Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" đã giữ những cá nhân như Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải… ngất ngưởng trên đỉnh quyền lực một thời gian dài bất kể năng lực thế nào, tư cách ra sao, các dấu hiệu sai phạm rõ như bàn ngày, nhiều như lá mùa thu. Cũng "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" đã nâng những cá nhân như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh… thăng tiến nhanh như có hia bảy dặm và nếu tương quan giữa thế và lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam không thay đổi, Thanh và Anh đã trở thành "rường cột quốc gia" đúng như… "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" !
So với trước, dự tính "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" chỉ khác ở chỗ không còn dài hạn mà khoanh gọn vào mục tiêu "chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ 2021 – 2026" và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước sẽ đảm nhận vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược (3). Năm thành viên còn lại của ban chỉ đạo này – những Trần Quốc Vượng (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), Phạm Minh Chính, (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương, Trưởng Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam), Tòng Thị Phóng (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội), Trương Hòa Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ), Trần Cẩm Tú, (Bí thư Ban chấp hành trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) cũng thế, cũng vẫn là những gương mặt cũ, chẳng lẽ có thể nhẹ nhàng rũ bỏ trách nhiệm liên đới đến những "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" trước kia - lựa chọn, cất nhắc ít nhất 50 cán bộ cấp chiến lược mà gần đây, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam phải xử để an dân (4).
***
Tuyên bố sẽ chống "chạy" để được quy hoạch làm "cán bộ cấp chiến lược" của ông Chính được loan báo cùng lúc với xác nhận của Tỉnh ủy Đồng Nai : Đã điều động bà Phan Thị Mỹ Thanh về làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của tỉnh này (5).
Bà Thanh là một cá nhân nằm trong "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" và từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Nai tại Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Giữa năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị cảnh cáo bà Thanh vì vi phạm Luật Phòng – chống tham nhũng (bất chấp các qui định của pháp luật, giao cho công ty của chồng hàng loạt dự án béo bở, gian dối trong kê khai tài sản). Tuy các sai phạm của bà Thanh rõ như ban ngày nhưng giữa năm nay, Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới quyết định tước bỏ tất cả các chức vụ của bà Thanh trong đảng, khai trừ bà Thanh ra khỏi đảng và đề nghị Quốc hội miễn nhiệm bà Thanh (6).
Tuy nhiên bà Thanh không những không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn được điều động sang làm việc tại Mặt trận Tổ quốc – cơ quan giữ vai trò thống hợp tất cả các hội đoàn, thay mặt nhân dân tổ chức – giám sát bầu cử tại Đồng Nai.
Tỉnh ủy Đồng Nai – nơi giám sát bà Thanh và làm ngơ trước hàng loạt sai phạm của bà trong một thời gian dài, đồng thời là cơ quan vừa quyết định sắp xếp để bà Thanh tiếp tục phục vụ nhân dân tại Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh này – sẽ là nơi lựa chọn, sắp đặt nhân sự cho "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" của tỉnh Đồng Nai. Lấy gì làm cơ sở để bảo đảm "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" mà Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ trình vào đầu năm tới " dân chủ, khách quan, chống tiêu cực, hạn chế yếu kém trong quy hoạch" ?
Tương tự, có thể dựa vào đâu để tin Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – cơ quan từng thông qua các "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược", chọn và giới thiệu ông Tất Thành Cang vào Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Thường trực dù trước đó ông Cang đã có hàng loạt sai phạm – lần này sẽ chống được "chạy" qui hoạch ?
Qua hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức – xây dựng đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Chính nhắn nhủ công chúng rằng "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" cho nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được thực hiện một cách "công khai, minh bạch". Nên hiểu "công khai, minh bạch" theo nghĩa nào khi cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền cương quyết từ chối công bố rộng rãi tờ khai tài sản của các cán bộ, viên chức trong diện phải kê khai tài sản ? Làm sao có thể "chống tiêu cực" trong xây dựng "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" khi cán bộ, viên chức vẫn có thể dùng công quyền như công cụ gặt hái tiền bạc vì Quốc hội chống tất cả các biện pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ? Kết quả của ba năm soạn thảo, sửa chữa Luật Phòng – chống tham nhũng mới, vừa được thông qua tháng trước vẫn là cứ yên tâm làm giàu bất chính vì chưa thể sử dụng luật pháp để trừng trị !
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam tuân thủ Hiến pháp, chỉ lãnh đạo về "đường lối, chủ trương" và để nhân dân tự do lựa chọn đại diện của mình ở Quốc hội, chính phủ, hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp, "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" cho Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ắt sẽ đơn giản.
Không đồng hóa "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" trong đảng với sắp đặt, cắt cử lãnh đạo hệ thống dân cử, hệ thống công quyền các cấp làm gì có chuyện "chạy", rồi phải chỉ đạo "tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận, sâu rộng trong toàn xã hội và trong nhân dân về công tổ chức xây dựng đảng".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/12/2018
Chú thích
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Thị_Mỹ_Thanh
Mười ngày sau khi xảy ra chuyện một giáo viên ở Quảng Bình buộc các học sinh của mình tát đồng môn, ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, chính thức khẳng định, hành động đó phản giáo dục, vi phạm pháp luật và cam kết sẽ xử lý nghiêm minh.
Bệnh thành tích trong giáo dục - Ảnh minh họa
Chuyện ở Quảng Bình không phải là scandal đầu tiên liên quan tới giáo dục – đào tạo. Trước nay, gần như tất cả những scandal liên quan tới giáo dục – đào tạo đều xuất phát từ áp lực về thành tích đối với cả cá nhân (giáo viên, viên chức giáo dục – đào tạo) lẫn tập thể (trường, các cơ quan quản lý giáo dục từ địa phương tới trung ương) và xa hơn nữa.
Giống như các ngành khác, giáo dục – đào tạo cũng bị thành tích chi phối từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Tuy nhiên thành tích dù trở thành chứng bệnh trầm kha vẫn không phải là lõi. Chỉ trích, lên án "bệnh thành tích" là thấy cây mà không thấy rừng vì chỉ trị chứng mà không triệt căn.
Khi thành tích trở thành chỉ tiêu, yếu tố quyết định sự thành – bại, thậm chí sống còn trong sự nghiệp của một cá nhân, ví dụ như giáo viên, học sinh tất nhiên trở thành công cụ để giáo viên sử dụng sao cho có lợi nhất đối với mình. Chuyện buộc học sinh tát bạn cùng lớp, chẳng phải chỉ xảy ra ở Quảng Bình.
Xét cho đến cùng những quyết định, lối hành xử kiểu đó là vì lợi ích của chính giáo viên dưới áp lực phân loại – xếp hạng dựa trên thành tích của tập thể mà giáo viên phải chịu trách nhiệm. Tương tự, một hiệu trưởng xin đừng làm lớn chuyện không phải vì lợi ích toàn trường dưới góc độ sư phạm mà vì quản lý – điều hành, nâng một trường từ bình thường thành trường đạt "chuẩn quốc gia" sẽ mở ra nhiều con đường khác cho chính hiệu trưởng bước tới.
Thực trạng giáo dục – đào tạo như hiện nay là vì học sinh, giáo viên, ngay cả viên chức giáo dục – đào tạo cũng là công cụ để tạo ra các thành tích từ thấp đến cao cho những viên chức cấp cao hơn. Công trạng cá nhân quyết định thành tích tập thể, thành tích tập thể đồng nghĩa với công trạng cá nhân lãnh đạo và cứ thế hướng lên tới đỉnh. Chẳng riêng giáo dục – đào tạo, tất cả các lĩnh vực khác đều được quản lý - điều hành theo kiểu như thế.
Ví dụ về kinh tế. Bất kể các chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam nhiều lần khuyến cáo, tăng trưởng chỉ có ý nghĩa khi sự phát triển của một quốc gia thật sự bền vững, dân chúng có thể dựa vào các thành tựu kinh tế để mưu cầu hạnh phúc cho mình, cũng vì vậy đừng chạy theo tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm nội địa – diễn đạt ngắn gọn là toàn bộ chi tiêu của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất định). Có chuyên gia như Lorenzo Fioramonti - Giáo sư về Kinh tế Chính trị ở Nam Phi, đưa ra hàng loạt ví dụ nhằm giúp loại bỏ những ngộ nhận về tăng trưởng GDP, chẳng hạn : Nếu mọi người khỏe mạnh thì số liệu tăng trưởng kinh tế không thay đổi, song nếu tất cả đổ bệnh thì GDP sẽ tăng nhờ chi tiêu cho thuốc men, bệnh viện. Nếu đốn toàn bộ cây cối để bán thì GDP sẽ tăng vọt nhưng giữ - chăm sóc cây cối thì không...
Tuy nhiên hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm, vẫn đổ tiền vào những công trình vô bổ như quảng trường, tượng đài để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đã định. Thậm chí hồi đầu năm nay, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam còn tuyên bố : Nếu tăng trưởng GDP thấp thì đó là một cái tát vào mặt chính phủ ! Để giữ thể diện cho cả chính phủ lẫn mình, ông Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê đưa các dữ liệu liên quan đến hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp vào việc tính toán GDP, cho dù lối tính toán đó vô giá trị và dễ làm Việt Nam lạc hướng.
Tại sao tại Việt Nam, chỉ tiêu, thành tích, trở thành hết sức quan trọng ?
Chỉ có một lý do, thành tích bất kể thật – giả là tiêu chí duy nhất để xem xét, lựa chọn, cất nhắc, kể cả khoan thứ một cá nhân, cho nên Trịnh Xuân Thanh mới thăng tiến như diều gặp gió sau khi được công nhận là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới hồi 2011, lúc làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Đinh Ngọc Hệ (Út "Trọc") chỉ bị phạt 12 năm tù nhờ có Huân chương Lao động, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Tuy là phạm nhân, Phan Văn Vĩnh vẫn được hệ thống bảo vệ pháp luật biệt đãi nhờ là Anh hùng Lực lượng vũ trang,…
Cuối cùng, khối thành tích của các cá nhân như thế, các tập thể như thế từ thấp đến cao và sự trung thành, vâng phục tuyệt đối của những cá nhân, tập thể này với Đảng cộng sản Việt Nam trở thành bằng chứng chứng minh sự tài tình, sáng suốt của tổ chức này vẫn còn đủ để tiếp tục lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Đó là lý do, dẫu ai cũng thấy lĩnh vực giáo dục Việt Nam đã cũng như đang thế nào, công chúng thất vọng ra sao nhưng ngày 3 tháng 11 vừa qua, tại buổi gặp đại diện ngành giáo dục – đào tạo và những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, rèn luyện của niên khóa trước, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn thản nhiên tuyên bố : Chưa bao giờ chúng ta có được sự nghiệp giáo dục như ngày hôm nay !
***
Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam, con người chỉ là công cụ, phẩm giá là thứ xa xỉ, không cần thiết nên trẻ con không cần phải có cả ý thức tự trọng lẫn sự tôn trọng phẩm giá của người khác thành ra dễ dàng chấp nhận chuyện bị người khác lăng mạ và không bận tâm khi được lệnh thi nhau làm nhục đồng loại.
Scandal 231 cái tát ở Quảng Bình làm nhiều người phẫn nộ như đã từng phẫn nộ nhưng có bao nhiêu người phẫn nộ khi chứng kiến người khác bị hành hung giữa thanh thiên, bạch nhật, công an không can thiệp, không muốn tiếp nhận vì ảnh hưởng đến thành tích bảo vệ trật tự, trị an ? Bao nhiêu người đòi nghiêm trị - chấm dứt tình trạng công an đối xử với công dân như súc vật, thậm chí không cho những cô gái mại dâm mặc quần áo để chụp ảnh – khoe thành tích ? Bao nhiêu người dị ứng khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn xem nhân phẩm như đồ vật, có thể dùng các biện pháp phi nhân để…. "phục hồi" ?
Một quốc gia mà phẩm giá không được tôn trọng, các quyền căn bản – vốn được xem như tất nhiên của một con người vẫn là thứ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thì chắc chắn ở quốc gia đó không có gì quý.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/11/2018
Usagi – trận bão thứ 9 trong năm nay – đã tan nhưng ở nhiều nơi tại Sài Gòn, dân chúng không bì bõm di chuyển trong nước thì cũng đang hì hục dọn dẹp nhà cửa. Sài Gòn lại bị dìm trong biển nước.
Một con đường ngập lụt ở Sài Gòn, 25 tháng 11.
Đến sáng 26 tháng 11, có không ít nơi giống như đường Phan Huy Ích, đoạn chạy ngang phường 15, quận Tân Bình, các loại xe bốn bánh vẫn nằm ngổn ngang, bập bềnh giống như đồng loạt rớt xuống sông (1).
Đâu chỉ có sinh hoạt hàng ngày của tất cả các giới thuộc mọi lĩnh vực bị xáo trộn, ngập đã hủy hoại đủ loại tài sản của hàng trăm ngàn gia đình (xe hai bánh gắn máy, xe hơi, giường, tủ, bàn, ghế, ti vi, tủ lạnh,…). Ngập không còn là chuyện nhỏ khi người ta có nhà mà không thể về, vật dụng rẻ tiền hay đắt giá đều trở thành đồ vứt đi...
Tuy các cơ quan dự báo khí tượng – thủy văn giải thích, Sài Gòn ngập trên diện rộng, ngập lâu và ngập sâu vì vũ lượng do các trận mưa liên quan đến bão Usahi thuộc loại chưa từng có trong lịch sử (400 mm) nhưng điều đó không chính xác.
Bão Usagi đổ nước xuống Sài Gòn từ 25 tháng 11 nhưng trước đó, Sài Gòn đã không ít lần ngập trên diện rộng, ngập rất sâu và ngập rất lâu, kể cả ở những khu vực được xem là hết sức sang trọng như Thảo Điền (phường An Phú, quận 2).
Vài tháng trước bão Usagi, báo chí Việt Nam đã từng thi nhau tường thuật cảnh "nhà giàu cũng khóc" vì những khu dân cư cao cấp như Thảo Điền liên tục chìm trong nước mưa hòa cùng nước cống rãnh, kênh rạch (2). Sang hay hèn giờ cũng khốn khổ như nhau.
***
Có một điều đáng ngạc nhiên là báo chí Việt Nam đã thôi không đả động gì đến trách nhiệm chống ngập ở Sài Gòn dù hết núi tiền này tới núi tiền khác đã thi nhau trôi sạch theo nước cống.
Chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, hệ thống công quyền đã dùng hết 24.300 tỉ vào chuyện chống ngập cho Sài Gòn, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (3).
Bởi ngập lụt tại Sài Gòn không những không giảm mà liên tục leo từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác, năm 2015, chính quyền Việt Nam phê duyệt một kế hoạch khác vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục chống ngập ở Sài Gòn !
Ba khu đất ở quận 7 và quận 9 đã được đem đổi lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch mà các chuyên gia từng cảnh báo nhiều lần rằng sẽ chẳng đi đến đâu. Thêm 68.000 tỉ đồng nữa để đổi lấy một Sài Gòn dễ ngập và ngập trầm trọng hơn như vừa chứng kiến (4).
Tương lai của Sài Gòn không chỉ thê thảm với các công trình chống ngập ! Làm sao chống được ngập khi những cá nhân soạn, lập – phê duyệt qui hoạch đã thiếu kiến thức lại không bận tâm đến phát triển bền vững và chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm.
Dẫu việc thoát nước ở Sài Gòn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng dựa trên… qui hoạch, từ 1996 đến 2008, hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ra lệnh lấp khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch (tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta) (5).
Rồi cũng theo… qui hoạch, lại chi thêm 3.000 tỉ để khôi phục lại một phần những dòng kênh, đoạn rạch đã từng lấp để chống ngập (6). Bao nhiêu trăm ngàn tỉ thì đủ cho việc lấp và khôi phục lại theo các qui hoạch hoặc sửa chữa chúng ?
Một số người bảo rằng, Sài Gòn tan nát, thê thảm vì những cá nhân vừa ngu dốt, vừa tham lam nhưng có quyền định đoạt mọi thứ mà giới lãnh đạo hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay gọi là "thế hệ tiền nhiệm" !
Nhận định ấy đúng nhưng chưa đủ. Liệu giới lãnh đạo hệ thống công quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có tâm và có tầm hơn ? Cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy câu trả lời là không. Sài Gòn vốn đã nát sẽ nát hơn.
Tháng 8 vừa rồi, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cảnh báo, trong vòng từ 30 năm đến 100 năm nữa, phần lớn Sài Gòn sẽ thành đầm lầy (8).
Cảnh báo đó thật ra không mới, nhiều chuyên gia đã đề cập đến viễn cảnh này cách nay hàng chục năm vì mỗi năm, bề mặt Sài Gòn lún khoảng 7cm. Trong bối cảnh mực nước biển dâng lên cao hơn, bề mặt lún nhanh và đều như thế thì thảm họa là tất nhiên.
Tuy các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại : Ngưng khai thác nước ngầm, hạn chế bê tông hóa bề mặt, kiểm soát kỹ lưỡng việc cho phép xây dựng các công trình đồ sộ,… kềm giữ tốc độ sụt lún nhưng có viên chức hữu trách nào bận tâm không ?
Câu trả lời là không ! Chẳng riêng "thế hệ tiền nhiệm" mà "thế hệ đương nhiệm" cũng làm ngơ. Dựa trên qui hoạch, hàng loạt cảng được di dời nhưng cũng dựa trên qui hoạch, hàng loạt cao ốc mọc lên thế chỗ với giá ngất ngưởng vì có… "view" (9).
Các siêu dự án kiểu như Vinhomes Central Park chễm chệ sát các bờ sông không chỉ đẩy nhanh quá trình sụt lún mà còn thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ sạt lở, thu hẹp hành lang thoát lũ (10).
Khuyến cáo, bao gồm các dẫn chứng vi phạm luật pháp hiện hành, kể cả phân tích thiệt - hơn, hay – dở,… vẫn như những tiếng kêu trong hoang mạc. Tương lai của một đô thị như Sài Gòn không quan trọng bằng giá trị tài sản của một số cá nhân.
***
Năm 2000, hồ Bình Tiên, kênh Hàng Bàng ở quận 6 bị lấp. Quan tâm hay không cũng ít ai nghĩ chỉ 15 năm sau, sự im lặng trước quyết định này khiến hàng trăm ngàn căn nhà tọa lạc trong các quận 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh bị dìm trong nước và làm chừng hai triệu người cư ngụ ở khu vực này lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Chưa ai biết dùng xong 3.000 tỉ để khôi phục những thứ đã bị lấp có hiệu quả hay không ?
Giờ có khác gì ? Các qui hoạch vẫn được lập, vẫn được duyệt theo khuynh hướng y hệt như vậy. Chẳng lẽ tương lai, tài sản, thậm chí tính mạng của nhiều triệu người vẫn không đáng bận tâm, không đáng để dõi theo và cương quyết nói không với những qui hoạch mà ai cũng có thể thấy chỉ khiến Sài Gòn càng ngày càng thê thảm ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/11/2018
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/oto-chet-may-nam-ngon-ngang-tren-duong-tu-dem-toi-sang-20181126100342307.htm
(3) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(4) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(5) https://laodong.vn/xa-hoi/kenh-rach-bi-lap-kin-khong-ngap-moi-la-373442.bld
(10) http://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/central-park-giong-het-cai-mo-han-de-doa-song-sai-gon-136152/
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lại vừa thêm củi vào lò dư luận !
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì hôm 21 tháng 11, khi đưa ra kết luận cuối cùng về "đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước", đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Phúc nhắc nhở giới lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải chú ý đến "sân sau" vì tình trạng lãnh đạo giới này có "bốn, năm sân sau" vẫn rất phổ biến. Ông Phúc nhấn mạnh, "có đồng chí" trong số những cá nhân dự hội nghị mà ông Phúc "không tiện nêu tên", có tới… "14, 15 sân sau", rồi cảnh cáo : "Đừng tưởng Thủ tướng không biết !" (1).
Ai cũng biết khối doanh nghiệp nhà nước tuy được giao giữ số tài sản trị giá khoảng ba triệu tỉ đồng và được cấp lượng vốn khoảng 1,5 triệu tỉ đồng nhưng thay vì phải đóng góp cho "dân giàu, nước mạnh" thì trước giờ chỉ phá. Khối doanh nghiệp nhà nước đã bị nhận diện là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế suy thoái liên tục, nợ nần chồng chất. Việc rót gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vào khối doanh nghiệp nhà nước, song không chặn được tình trạng từ tài sản, vốn, tới cơ hội kinh doanh – lợi nhuận của khối này chảy hết vào các "sân sau", trở thành tài sản riêng của một số cá nhân biến những tài sản ấy trở thành kếch xù, đã trở thành vấn nạn trầm kha, kéo dài vài thập kỷ.
Thành ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi kết luận của ông Phúc tại hội nghị vừa kể tạo ra một trận bão nữa trong dư luận...
Có những facebooker như Phạm Ngọc Tiến cám ơn ông Phúc một cách chua chát vì đã "nói thật", một sự thật làm người Việt đau nhói lòng vì bất lực (2). Cũng với tâm trạng đó, có những facebooker như Nguyen Qui Tri "hoan nghênh Thủ tướng" vì "vị tha", biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có "sân sau" nhưng không làm gì hết (3) ! Hoặc khen Thủ tướng "nhân văn" như Kien Tran vì… vẫn gọi những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có "sân sau" là… "đồng chí" (4). Song cũng có không ít facebooker thắc mắc như Ngọc Vinh : Mười mấy "sân sau" – một dạng tham nhũng mà không trị thì hiểu sao về sự liêm chính của chính phủ (5) ?
Dường như không kềm giữ được cảm giác chua chát, phẫn nộ, có những facebooker nhận định thẳng tuột như Hong Ho : Chỉ có đồng lõa mới biết cụ thể đến thế về số "sân sau". Thế mà lại để cho yên ! Tại sao không phóng viên nào chất vấn người đứng đầu chính phủ xem ông ta biết về "sân sau" đã bao lâu (?), sẽ xử lý ra sao (6) ? Thinh Nguyen thì chửi thề, nhắc lại chuyện "Đồng chí X" ngày xưa và các "đồng chí" đang có "sân sau" kèm kết luận, dân vẫn chẳng có quyền được biết những "đồng chí" ấy là ai. Bí hiểm như thể cả nước đang… hoạt động tình báo hoặc là… "bình phong" của tình báo (7). Có cả những facebooker như Nguyen Minh Dao cho rằng ông Phúc "che giấu tội phạm", bảo bọc tham nhũng và đặt vấn đề nên… xử sao (8). Võ Văn Tạo thì lý giải việc Thủ tướng Việt Nam tuyến bố đừng tưởng ông ta không biết về "sân sau" là cảnh cáo rồi… chờ cúng (9)…
***
Giống như nhiều viên chức khác trong giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, dường như ông Phúc có năng khiếu đặc biệt trong việc chọc cho đồng bào của mình… giận nên cứ ít bữa họ lại phải xúm vào rủa ông và các đồng chí.
Nhìn một cách tổng quát, nguyên nhân chính có thể là do… thật thà !
Xưa nay, ông Phúc và các đồng chí vẫn lặp đi, lặp lại không mệt mỏi rằng tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm, chống tham nhũng không có vùng cấm. Nếu không… thật thà, làm gì có chuyện khơi khơi khẳng định, biết hết "đồng chí" nào có bao nhiêu "sân sau" rồi… thôi !
Có một điểm cũng cần chú ý để đừng chỉ trích Thủ tướng Việt Nam thái quá, đó là sự… thật thà như vừa đề cập không chỉ thể hiện ở một vài cá nhân như ông Phúc mà nó có tính nhất quán trong toàn hệ thống.
Chỉ một ngày trước khi ông Phúc nhắc nhở các "đồng chí" có… "sân sau", khi bỏ phiếu thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, 452/465 đại biểu Quốc hội Việt Nam "nhất trí" loại bỏ tất cả các giải pháp nhằm xử lý những tài sản mà các viên chức trong diện phải kê khai tài sản không thể giải trình về nguồn gốc (10).
Không… thật thà thì đâu có tỉ lệ 93,20% đại biểu Quốc hội công khai xác nhận họ không… ưng trị tham nhũng ? Vấn đề duy nhất tạo ra… phiền toái là chẳng hiểu vì sao càng ngày, càng nhiều người không ưng kiểu… thật thà như vậy.
Sự kiện 93,20% đại biểu Quốc hội dứt khoát không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào nhằm xử lý những tài sản có nguồn gốc bất minh bằng luật làm nhiều người nổi giận. Có người như Tran Hai cay đắng, chúc các bạn "tai to, mặt lớn" ngủ ngon (11). Cao Son HD thì khẳng định, đó là bằng chứng cho thấy đa số đại biểu Quốc hội dính dáng đến tài sản có nguồn gốc bất minh (12). Nguyễn Mai xem đó là tất nhiên vì đa số đại biểu Quốc hội là viên chức, thậm chí là những viên chức đầy quyền lực, chỉ vì lợi ích của chính mình và băng nhóm của mình (13).
Lẽ ra trước khi Quốc hội thông qua Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên làm "công tác tư tưởng" để dân chúng Việt Nam đừng ngộ nhận về bản chất phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam.
Thiếu bước này, sự kiện các đại biểu Quốc hội thẳng tay gạt bỏ những giải pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, khiến rất nhiều người như Nguyễn Văn Đực choáng váng vì : Hóa ra "lò" chỉ để đốt phe cánh, chứ không trị tham nhũng, chắc chắn tham nhũng sẽ trắng trợn và trầm trọng hơn. Lam Luuvan – một thân hữu của Nguyễn Văn Đực – than : Đây đúng là "thiên đường" mà bất cứ thằng lãnh đạo cộng sản nào cũng muốn (14) ! Tương tự, Lê Quang Huy tin rằng, thủ đắc tài sản có nguồn gốc bất minh là tình trạng phổ quát trong toàn bộ hệ thống. Ông Cụ Mổ Cổ - một thân hữu của Lê Quang Huy - gọi chuyện gạt bỏ các giải pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới là cách : Chúng lo hậu sự bền vững cho nhau (15).
Tràn trề thất vọng, không ít facebooker như Đặng Huỳnh Lộc uất ức : Quốc hội đã quyết. Không xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh, chống tham nhũng cái con... c (16) ! Ngô Trường An thì dẫn lời chị hàng xóm, chửi cha lũ đại biểu Quốc hội lưu manh, tệ hơn chó. Chó chỉ ăn cơm thừa nhưng ra sức giữ nhà cho chủ. Còn đại biểu ăn của dân no nê rồi phản chủ (17) !
***
Rõ ràng dân chúng Việt Nam không còn "thuần" như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mong muốn. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… thật thà đến thế mà vẫn chẳng yên thân ! Tội nghiệp !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/11/2018
Chú thích
(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-ong-1415-san-sau-dung-tuong-thu-tuong-khong-biet-1347648.tpo
(2) https://www.facebook.com/ngoctien.pham.37/posts/10213526615827386
(3) https://www.facebook.com/nguyen.quitri.3/posts/364512694114744
(4) https://www.facebook.com/kienkinhte/posts/10156850479913501
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1842949449149420&set=a.572770479500663&type=3&theater
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2183126822007287&set=a.1399572763696034&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/babel.thinh/posts/1976439559110354
(8) https://www.facebook.com/minhdao.nguyen.7/posts/10210549563174029
(9) https://www.facebook.com/tao.vovan.1/posts/2385478654801670
(11) https://www.facebook.com/tranhai031tt/posts/2018527964929000
(12) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2121599481489234&id=100009176082261
(13) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=317108982352814&id=100021611438503
(14) https://www.facebook.com/nguyen.vanduc.79677/posts/2221170224770887
(15) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1282304788577509&id=100003940014540
(16) https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/2414020561948225
(17) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1752676471509658&set=a.287641388013181&type=3&theater
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đừng xem phòng – chống tham nhũng như một vở kịch, tình thế đã khác.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề nghị áp dụng quy trình giải quyết thông qua tòa án trong việc xử lý tài sản bất minh
Vì chỉ muốn biểu diễn quyết tâm chống tham nhũng để… an dân nên hậu quả do tham nhũng gây ra đối với chính trị - kinh tế - xã hội càng ngày càng trầm trọng.
Thật tâm chống tham nhũng, hôm 20 tháng 11, Quốc hội Việt Nam không gạt bỏ các giải pháp xử lý tài sản, thu nhập bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới…
***
Sự kiện công an tống giam ba cựu viên chức của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (ông Nguyễn Hữu Tín – cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đào Anh Kiệt – cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Văn Út – cựu Phó Phòng Quản lý đất đai của Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) được nhiều người xem là bằng chứng về một đợt "củi – lửa" mới.
Người ta không giấu diếm hy vọng rằng, những Lê Thanh Hải (cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Đua (cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh)… rộng hơn là những Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông), Trương Minh Tuấn (cựu Thứ trưởng Thông tin Truyền thông)… đều sẽ thành "củi".
Giả sử tất cả những cá nhân mà công chúng mong bị biến thành "củi" được thảy hết vào lò thì sao ? Thiệt hại do hành vi tham nhũng của họ gây ra đối với kinh tế - xã hội có thể khắc phục được không ? Chắc chắn là không ! 96 triệu dân Việt Nam và các thế hệ hậu sinh vẫn oằn lưng gánh tất cả hậu quả do dung túng tham nhũng gây ra cả trong quá khứ, ở hiện tại, lẫn tương lai.
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thể chỉ đạo Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận (doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), hủy bỏ thương vụ bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 34,2 héc đất ở Nhà Bè để tránh bị thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng có thể thu hồi những công thổ, công thự ở trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh mà giá trị cao hơn gấp nhiều lần giờ đã đổi chủ không ? Nếu không, ai sẽ gánh chịu những thiệt hại đó ? Đốt thành tro bao nhiêu "củi" thì khắc phục được hậu quả ?
Tại sao các sai phạm của những Tín, Kiệt, Út, Son, Tuấn… vốn đã được đề cập, bàn luận từ lâu nhưng mãi đến gần đây mới được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhìn tới ? Câu trả lời đơn giản là vì tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm quyền lực thay đổi. Thành ra cũng là làm sai, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng Phạm Sỹ Quý - em trai Bí thư Yên Bái, Trịnh Văn Chiến - Bí thư Thanh Hóa, Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch kiêm Phó Bí thư thành phố Đà Nẵng,… hoàn toàn vô sự.
Không phải công lý mà tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm quyền lực cũng sẽ là lý do Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,… có thể thoát nạn hoặc chỉ bị phủi bụi ở mông. Luật pháp là một chuyện nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghĩ sao, muốn gì là chuyện khác. Chuyện sau quan trọng hơn chuyện trước.
***
Cho dù các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục khẳng định : Tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm, chống tham nhũng không có vùng cấm - nhưng Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng vẫn tiếp tục được nâng lên, đặt xuống suốt từ 2015 đến nay vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Dựa trên Công ước Phòng - Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption - UNCAC), cách nay vài năm, khi soạn thảo Luật Hình sự mới, bộ phận soạn thảo đã đề nghị xem tất cả những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản là phạm tội "làm giàu bất chính".
Lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không… đồng tình, Quốc hội phủ quyết nên Luật Hình sự 2015, sau này Luật sửa đổi Luật Hình sự 2015 vào năm 2017 không có tội "làm giàu bất chính". Đó là lý do hệ thống tư pháp chỉ truy tố - xét xử tướng Phan Văn Vĩnh, tướng Nguyễn Thanh Hóa "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", do không chứng minh được cả hai đã "nhận hối lộ".
Nếu Luật Hình sự có tội "làm giàu bất chính", chẳng riêng tướng Vĩnh, tướng Hóa, rồi những Tín, Kiệt, Út,… bị phạt tù "vì tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản" mà các khối tài sản ấy còn bị tịch thu, sung công. Chống tham nhũng lẽ ra phải như thế nhưng làm như thế thì nhà tù không còn chỗ chứa các viên chức phạm pháp và số viên chức mất sạch không cả triệu thì cũng vài trăm ngàn ! Chẳng có bao nhiêu viên chức muốn như thế vì đa số đã nhúng chàm.
Thất bại trong việc hình sự hóa "làm giàu bất chính" theo tinh thần của Liên Hiệp Quốc, khi soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, bộ phận soạn thảo, tiếp tục đưa ra một số giải pháp để giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc. nhưng không có giải pháp nào được chấp nhận.
Hồi tháng 9, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, từng than trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, bộ phận soạn thảo đã đề ra sáu giải pháp để xử lý những tài sản, thu nhập mà các viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc nhưng bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai. Tuy nhiên "so với yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì cả hai vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn (1).
Chuyện chưa ngừng ở đó. Tuần trước, khi hai giải pháp còn lại nhằm xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh trong Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu quốc hội, chỉ có 209/485 (43%) đại biểu quốc hội đồng ý để Tòa án quyết định về tài sản, thu nhập mà các viên chức không giải trình được. Chỉ có 156/485 (32%) đại biểu quốc hội tán thành thu thuế thu nhập cá nhân đối với những tài sản, thu nhập mà viên chức không đưa ra được giải trình hợp lý về nguồn gốc (2).
Ngày 20 tháng 11, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (2). Cần nhớ, cách nay ba năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng tuyên bố, sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng vì thiếu giải pháp hữu hiệu để xử lý tài sản, thu nhập của các viên chức giàu có bất minh và điều đó sẽ răn đe, ngăn chặn viên chức làm giàu bất chính.
Phòng – chống tham nhũng mà không tán thành bất kỳ giải pháp nào, cả về hình sự lẫn dân sự để xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thì phòng thế nào, chống làm chi ? Nếu khăng khăng đòi xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải "không gây xáo trộn, không tác động tới ai" thì xét về bản chất, những "lò", "củi" có khác gì "nhất tiễn hạ song điêu", một "điêu" là giải quyết mâu thuẫn nội bộ để củng có quyền lực, "điêu" còn lại để lừa gạt về quyết tâm chống tham nhũng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/11/2018
Chú thích :
Cứ năm ông tướng của lục quân Mỹ thì có một không thể ra trận vì không đạt yêu cầu về sức khỏe và điều đó ảnh hưởng đến yếu tố "sẵn sàng chiến đấu" của quân đội Mỹ - một vấn nạn mà ông Jim Mattis – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từng cam kết sẽ giải quyết tận gốc.
Theo Luật Bí Mật Nhà Nước thì thân thế, sự nghiệp và sức khỏe của nhân vật này là một bí mật quốc gia. Ảnh minh họa
Thông tin vừa kể được USA Today loan báo rộng rãi hôm 20 tháng 11 dựa trên các dữ liệu thống kê năm 2016 về khả năng "sẵn sàng chiến đấu" của quân đội Mỹ. Cũng theo thống kê vừa kể thì chỉ có 83,5% quân nhân của lục quân Mỹ đủ sức khỏe để có thể tham chiến trên toàn thế giới – thấp nhất trong số các quân chủng của quân đội Mỹ.
Có nhiều lý do dẫn đến chuyện 1/5 sĩ quan cấp tướng của lục quân Mỹ không thể ra trận vì không đạt yêu cầu về sức khỏe và USA Today đã tường thuật khá cặn kẽ về cách mà quân đội Mỹ giải quyết vấn nạn này song đó không phải là trọng tâm của bài viết này. Bài viết này chỉ nhằm so sánh việc bảo mật giữa "ta" và Mỹ.
Trong bài viết vừa kể (1), USA Today cho biết, họ đã sử dụng Luật Tự do thông tin (The Freedom of Information Act - FOIA) để đòi quân đội Mỹ cung cấp dữ liệu. Ngoài tình trạng sức khỏe – khả năng ra trận của các ông tướng lục quân có nhiều điểm bất ổn, USA Today còn đòi và Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp về việc xử lý kỷ luật các ông tướng.
Năm 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xử lý kỷ luật 500 vụ vi phạm nghiêm trọng về luật pháp, đạo đức liên quan tới những cá nhân vốn là tướng của các quân chủng (Hải quân, Lục quân, Không quân, Tuần duyên), các nhân viên dân sự cao cấp làm việc cho các cơ quan đủ mọi cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tương quan giữa sức khỏe - khả năng "sẵn sàng chiến đấu" của các sĩ quan cấp tướng nói riêng và quân đội nói chung có quan trọng không ? Tất nhiên là có vì nó sẽ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến năng lực quốc phòng ? Thế thì tại sao không bảo mật mà lại công khai ? Vấn đề nằm ở quan niệm : Bảo mật vì ai và để làm gì ?
***
Mỹ không có khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng từ 1966 đã có FOIA (2). FOIA đã được sửa đổi hai lần, một vào 1974 và một vào 1986. FOIA buộc các cơ quan thuộc chính phủ liên bang phải công khai tất cả những thông tin liên quan đến hoạt động của mình và khi bất kỳ tổ chức hay công dân nào đòi được biết thêm thông tin thì phải đáp ứng trong vòng 20 ngày, nếu yêu cầu cung cấp thông tin không rơi vào các trường hợp : Cần bảo mật vì liên quan đến an ninh quốc gia. Liên quan đến hoạt động nội bộ. Bị một luật khác cấm tiết lộ. Liên quan đến bí mật thương mại hoặc đặc quyền thương mại. Trao đổi có tính cách bí mật giữa các cơ quan liên bang. Liên quan đến quyền riêng tư của những công dân khác. Liên quan đến việc thực thi pháp luật có thể ảnh hưởng đến sự công bằng, tính vô tư khi xét xử, gây nguy hiểm cho những cá nhân khác... Liên quan đến sự giám sát của các tổ chức tài chính. Liên quan đến dữ liệu địa chất, lập bản đồ.
Chính quyền Hoa Kỳ còn lập một website riêng để bất kỳ công dân, tổ chức nào cũng có thể truy cập, gửi yêu cầu cung cấp thông tin theo các qui định của FOIA, kèm những hướng dẫn rất cụ thể để có thể thực hiện quyền được thông tin (3). Theo FOIA, cá nhân, tổ chức có yêu cầu không cần phải phải giải thích lý do đòi cung cấp thông tin, cũng không cần phải tường trình – cam kết về việc sẽ sử dụng những thông tin được cung cấp vào việc gì để nơi được yêu cầu… cứu xét. Nếu quá 20 ngày từ khi nhận được yêu cầu, nơi tiếp nhận phải giải thích lý do tại sao chưa thể đáp ứng và FOIA chỉ xem sự chậm trễ là hợp pháp trong trường hợp các cơ quan liên bang phải thu thập thông tin từ nhiều nguồn hoặc phải tham vấn với những nơi khác trước khi trả lời. Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan đến những thông tin thuộc dạng không thể cung cấp, các cơ quan liên bang phải tự sàng lọc để chuyển cho phía yêu cầu thông tin những thông tin thuộc dạng không bị hạn chế nhằm chu toàn nghĩa vụ của mình.
***
Cho đến giờ, không có lãnh đạo nào của các tổ chức chính trị ở Mỹ hoặc nguyên thủ của Mỹ dám vỗ ngực khẳng định : Dân chủ ở Mỹ… đến thế là cùng ! FOIA chỉ là một trong những công cụ liên tục được cải tiến và chắc chắn sẽ còn cải tiến nữa để dân chủ ở Mỹ tiếp tục thăng tiến.
Chỉ có thể thăng tiến dân chủ để xã hội càng ngày càng công bằng, văn minh khi thông tin liên quan đến hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền được minh bạch hóa cho toàn dân kiểm tra, bình phẩm. FOIA tạo ra sự tư tin nơi công chúng về việc chính họ mới là những chủ nhân thực sự của quốc gia và kềm giữ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhũng lạm.
Công khai hóa tình trạng sức khỏe – khả năng ra trận – tỉ lệ sẵn sàng chiến đấu của các ông tướng lục quân Mỹ nói riêng và quân đội Mỹ nói chung là một sự sòng phẳng với công chúng, những người đóng thuế để nuôi lực lượng quốc phòng, bảo vệ quốc gia, dân tộc. Dưới sự giám sát của công chúng, các ông tướng và quân đội Mỹ phải tự điều chỉnh, tự kiện toàn để mồ hôi, công sức của dân chúng Mỹ không bị phí phạm.
Ở Việt Nam thì sao ?
Cứ so FOIA với nội dung Luật Bí mật nhà nước mới được Quốc hội khóa 14 thông qua hôm 15 tháng 11, ắt sẽ thấy cả tâm thế lẫn tư thế của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền với dân. Chẳng phải chỉ có "thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo" (Điểm a, Khoản 11, Điều 7) mà "thông tin về thân thế, sự nghiệp lãnh đạo" (Điểm c, Khoản 1, Điều 7) cũng là… "bí mật nhà nước". Nếu đọc kỹ Điều 7 – xác định phạm vi bí mật nhà nước (4) - ai cũng có thể thấy, dân chúng Việt Nam không có quyền biết bất kỳ điều gì liên quan đến hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vì tất cả đều thuộc phạm trù… "bí mật nhà nước".
Theo hướng đó, đụng đến thực trạng quân đội, công an có thể bị phạt tới 15 năm tù vì "làm lộ bí mật nhà nước". Điểm b, Khoản 2, Điều 7 của Luật Bí mật nhà nước xác định, "tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân" là một trong những chủ đề cấm "đăng tải, phát tán trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông" ! Qui định như thế có làm lực lượng vũ trang vững mạnh hơn không ? Cứ nhìn vào thực tế sẽ có câu trả lời.
Thế thì tại sao lại đem tấm áo "bí mật nhà nước" trùm lên tất cả ? Cũng đã có vô số câu trả lời từ thực tế. Chẳng hạn nhờ toàn bộ hồ sơ liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được Bộ Công an đóng dấu "Mật", nên không "thằng nào, con nào" dám bàn luận về chuyện Mobifone mua hớ 7.006 tỉ đồng vì hình phạt của tội "làm lộ bí mật nhà nước" (có thể tới 15 năm tù) lơ lửng trên đầu, cho đến khi "tương quan giữa thế và lực" trên chính trường Việt Nam thay đổi (5).
***
Câu hỏi : Bảo mật vì ai, để làm gì ? - có nhiều câu trả lời. Những câu trả lời này sẽ rất khác nhau vì phụ thuộc vào chuyện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thật sự là của ai (?), do ai (?), đặt định – thực thi các qui định pháp luật vì ai (?).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/11/2018
Chú thích :
(1) https://eu.usatoday.com/story/news/politics/2018/11/19/one-five-army-generals-were-not-cleared-combat-2016/2029702002/
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_Information_Act_(United_States)
(4) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Luat-Bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-2017-337064.aspx
(5) https://tuoitre.vn/mobifone-da-mua-95-co-phan-avg-nhu-the-nao-20180530154341522.htm
Hậu quả thảm khốc của trận mưa lớn sáng 18 tháng 11 năm 2018 trút xuống thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến người Việt sửng sốt, bàng hoàng.
Một vài căn nhà bị hư hại do đất chuồi tại Nha Trang, 18 tháng 11.
Tuy nằm sát biển nhưng Nha Trang bị ngập nặng, lũ lớn, chưa kể đất đá từ các triền núi, sườn đồi đồ xuống, vùi lấp nhà cửa, đường sá.
Tính đến giữa ngày 19 tháng 11 năm 2018 đã có 13 người chết, 23 người bị thương, chưa kể vẫn còn bốn người mất tích và khả năng cả bốn đã tử nạn gần như chắc chắn.
Các viên chức hữu trách trong lĩnh vực dự báo khí tượng – thủy văn bảo rằng, trận mưa vừa kể thuộc loại hiếm có, chỉ trong sáu tiếng, vũ lượng đạt tới 319 mm.
Tuy nhiên mưa lớn, vũ lượng cao trong một khoảng thời gian ngắn không phải là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa kinh khủng như thế.
Lý do Nha Trang ngập lụt nặng nề là do đô thị hóa nhanh, lũ mạnh, sạt lở khắp nơi là vì độ dốc của triền núi, sườn đồi lớn nhưng ít cây cối, nước cuồn cuộn đổ từ trên cao xuống thấp, dễ dàng cuốn theo đất, đá (1).
Biến đối khí hậu có thể làm thời tiết trở nên dị thường, khắc nghiệt hơn nhưng trận mưa ngày 18 tháng 11 năm 2018 ở Nha Trang trở thành thảm họa, gieo rắc chết chóc, phá hủy tài sản của cả cá nhân lẫn cộng đồng là do con người. Chính xác là do những qui hoạch thiển cận, duy lợi không thể ngăn chặn vì không truy cứu trách nhiệm.
***
Sau trận mưa lớn ngày 18 tháng 11, một số viên chức hữu trách ở thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa, bảo với báo giới, hậu quả "bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng" (2).
"Bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng" không phải là những yếu tố miễn trừ trách nhiệm. Các viên chức hữu trách ở Nha Trang và Khánh Hòa có nghĩa vụ phải thấy trước để chủ động ngăn ngừa những thảm họa loại này khi qui hoạch - phê duyệt – cho phép thực hiện hàng loạt dự án.
Nếu đừng bất chấp những cảnh báo về môi trường, hệ sinh thái của thành phố Nha Trang, vịnh Nha Trang, đừng phê duyệt – cho phép thực hiện vô số dự án từng bị khuyến cáo là không ổn, thành phố Nha Trang sẽ không ngập sâu trên diện rộng, lũ không khủng khiếp, núi đồi không sạt lở nhiều đến vậy.
Trong 13 người uổng tử, có sáu nạn nhân ngụ tại xã Phước Đồng, ba ngụ ở phường Vĩnh Hòa, hai ngụ ở phường Vĩnh Trường, hai ngụ ở phường Vĩnh Thọ. Cả sáu nạn nhân ngụ tại xã Phước Đồng mất mạng trong vụ sạt lở hôm 18 tháng 11 năm 2018 đều từng cư trú ở chỗ khác, sau khi bị giải tỏa nhà - thu hồi đất để giao cho các chủ đầu tư, họ cùng với nhiều gia đình đồng cảnh tìm đến chân dãy núi Hòn Rơ dựng nhà tạm để có chỗ chui ra, chui vào. Ba nạn nhân cư trú ở phường Vĩnh Hòa uổng mạng là vì hồ chứa nước của Khu Dân cư cao cấp Hoàng Phú đột ngột vỡ. Những Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ bị lũ lớn, sạt lở, dân lành thiệt mạng đều gắn với các dự án đình đám : Dự án Trồng rừng - Nuôi rong biển kết hợp Du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa, Dự án Champarama Resort & Spa, Dự án Ocean View, Dự án Công viên Văn hóa - Giải trí - Thể thao Nha Trang Sao,…
***
Giống như nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, thành phố Nha Trang nát bét vì qui hoạch nhưng không ai có thể cản được các dự án cho dù lợi ích kinh tế vẫn nằm ở tương lai còn đại họa thì đã hiển hiện ở đủ mọi khía cạnh : Xã hội bất ổn, nhân tâm ly tán, hạ tầng rạn vỡ, môi trường, hệ sinh thái sup sụp, không có khả năng cứu vãn.
Tháng 4 năm 2014, chính quyền tỉnh Khánh Hòa công bố qui hoạch vịnh Nha Trang. Theo đó, tám dự án trong qui hoạch này đều xâm lấn vịnh Nha Trang – danh lam, thắng cảnh quốc gia. Các Kiến trúc sư và Đô thị gia gọi qui hoạch đó là kế hoạch "phá" Nha Trang, bê tông hóa bờ vịnh tuyệt đẹp với dải cây xanh, cát trắng, nắng vàng thành khu vực lộng lẫy nhưng ngược hướng với phúc lợi công cộng mà mọi người được hưởng từ xưa đến giờ… (3).
Dự tính "phá" Nha Trang tưởng đã bị vứt bỏ nhưng đúng ba năm sau – tháng 4 năm 2017 - dự tính "phá" Nha Trang chính thức xuất hiện trong "Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000". Lần này, tuy chính quyền tỉnh Khánh Hòa bảo rằng, "Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000" là sản phẩm của các "chuyên gia quốc tế" nhưng sau khi đối chiếu, các Kiến trúc sư, Đô thị gia khẳng định, quy hoạch vừa kể là "anh em song sinh" với qui hoạch mà họ đã từng khuyến cáo nên loại bỏ hồi 2014 vì chỉ nhằm thỏa mãn đòi hỏi của "nhà đầu tư" (4).
Đâu chỉ có thế. Bên cạnh các qui hoạch bít hết tất cả lối thoát cho phát triển bền vững ở tương lai, giống như nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, Nha Trang còn có hàng loạt dự án đang được triển khai ồ ạt với rất nhiều dấu hiệu bất minh : Trực tiếp giao đất cho nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu. Bỏ qua – không thu thập đủ góp ý từ các ngành hữu trách. Làm ngơ để các chủ đầu tư tự do lấp hàng chục héc ta mặt biển, xây dựng đủ thứ trên đó.
Tháng 4 vừa qua, chính phủ Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa kiểm tra – báo cáo, Thủ tướng Việt Nam thì ra lệnh xem xét – truy cứu trách nhiệm những cá nhân để xảy ra các sai phạm như vừa kể và báo cáo trước ngày 30 tháng này (5). Trong những báo cáo ấy chắc chắn không có tương quan giữa qui hoạch, các dự án đã được phép thực hiện với thảm họa vừa xảy ra, dù rằng lấn biển, cho phép xây dựng đủ thứ dọc bờ biển, trên các triền núi, sườn đồi như Dự án Bảo Đại Resort Nha Trang (6) rõ ràng là nhân - quả với lụt, lũ, sạt lở hôm 18 tháng 11 năm 2018.
Uổng tử không phải do Trời mà vì những qui hoạch, dự án bất chấp hậu quả là chết oan. Song vẫn giống như trước hết tại chỗ này tới ở chỗ khác tại Việt Nam, sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm, dù số nạn nhân không dưới hàng chục, số gia đình nhà tan, cửa nát, trắng tay vượt mức hàng trăm !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/11/2018
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/sat-lo-kinh-hoang-o-nha-trang-lam-12-nguoi-chet-vi-sao-20181119074210528.htm
(2) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/vi-sao-nha-trang-ngap-nang-sat-lo-nghiem-trong-3841240.html
(3) https://laodong.vn/xa-hoi/quy-hoach-vinh-nha-trang-pha-bai-bien-theo-xu-huong-betong-hoa-441939.bld
(4) https://tuoitre.vn/ai-de-xuat-lan-bien-nha-trang-tro-lai-1298844.htm
(5) https://nongnghiep.vn/can-canh-nhung-du-an-khung-lan-bien-tan-pha-vinh-nha-trang-post216434.html
(6) http://daidoanket.vn/tieng-dan/nha-trang-khanh-hoa-du-an-pha-nat-di-tich-tintuc406175
Mệnh đề dùng làm tựa bài viết này phi lý, kỳ quái nhưng thú thật là kẻ viết bài này không thể tìm ra mệnh đề nào khác có thể khái quát rõ ràng và chính xác hơn quyết tâm chống tham nhũng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam !
Phiên tòa xử 92 bị cáo phạm các tội đánh bạc và lạm dụng chức quyền
***
Tòa án tỉnh Phú Thọ đang xử 92 bị cáo phạm các tội : "Đánh bạc", Tổ chức đánh bạc", "Mua bán hóa đơn trái phép", "Sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đại diện Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ đã công bố Cáo trạng, theo đó, Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Công ty Đầu tư – Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), khẳng định đã "biếu" ông Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân) 1.750.000 Mỹ kim, 27 tỉ đồng, một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 Mỹ kim, một áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan.
Dương còn khẳng định đã "biếu" ông Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao 22 tỉ đồng và "nhiều món quà giá trị khác".
Nội dung Kết luận Điều tra của Công an Phú Thọ, Cáo trạng của Viện Kiểm sát Phú Thọ xác định, không có sự hỗ trợ, tiếp sức của ông Vĩnh và ông Hóa, Dương và các đồng phạm không thể tổ chức – điều hành mạng lưới đánh bạc trên Internet, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, thu 9.583 tỉ tiền lời.
Tuy nhiên cả Công an Phú Thọ lẫn Viện Kiểm sát Phú Thọ cùng gạt bỏ lời khai của Dương, miễn cho Dương trách nhiệm hình sự đối với hành vi "đưa hối lộ" vì ông Vĩnh chỉ thừa nhận đã nhận của Dương một áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan, mua của Dương đồng hồ Rolex và đã trả 1,1 tỉ đồng. Còn ông Hóa phủ nhận đã nhận "quà" của Dương.
Công an Phú Thọ và Viện Kiểm sát Phú Thọ giải thích, bởi ông Vĩnh, ông Hóa phủ nhận lời khai của Dương và dù việc Dương tổ chức – điều hành mạng lưới đánh bạc rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào ông Vĩnh, ông Hóa nhưng vì không đủ chứng cứ, cho nên "khi nào có thể làm rõ sẽ xử lý sau".
"Khi nào có thể làm rõ sẽ xử lý sau" đồng nghĩa với, thế là đã xong, không làm gì nữa. Ai chẳng biết tìm kiếm, củng cố chứng cứ liên quan đến đưa – nhận hối lộ khó ngang với bắc thang lên hỏi ông Trời, đặc biệt là trong những trường hợp mà toàn bộ sự nghiệp của người đưa hối lộ phụ thuộc hoàn toàn vào người nhận hối lộ như quan hệ Dương – Vĩnh – Hóa.
Đó cũng là lý do ai cũng thấy rõ ràng các viên chức Việt Nam nhận hối lộ nhưng gần như chẳng có viên chức nào bị khởi tố - truy tố - xét xử - lãnh hình phạt vì "nhận hối lộ" (từ 300 triệu trở lên đã đủ để phạt tử hình). Họa hoằn mới có một vài viên chức cấp thấp bị cáo buộc "tham ô". Nếu có hầu tòa, đa số chỉ bị cáo buộc : "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Cố ý làm trái qui định gây hậu quả nghiêm trọng", Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
***
Số phận ông Vĩnh, ông Hóa chắc chắn sẽ khác nếu năm 2009, khi bỏ phiếu phê chuẩn Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC), Quốc hội Việt Nam đừng đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, đừng khăng khăng từ chối áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAC, dứt khoát không chịu thực thi "hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính" vì… chưa phù hợp (2) !
Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ chắc chắn không cần phải phân bua với công chúng "khi nào có thể làm rõ" chuyện ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ "sẽ xử lý sau", nếu năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua "Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" - hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chấp nhận đề nghị của một số đại biểu Quốc hội, viên chức Bộ Tư pháp, đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường.
Thề chống tham nhũng nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam điềm nhiên gạt bỏ đề nghị : Xem là phạm tội "làm giàu bất chính" tất cả những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản (3).
Năm 2015 - khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm.
Thậm chí tháng 4 vừa qua, sau một thời gian dài lặp đi, lặp lại chống tham nhũng là lĩnh vực "không có vùng cấm" nhưng khi cho ý kiến về Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng hiện hành, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam chính thức yêu cầu gạt chuyện xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối sang một bên.
Các đề nghị giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính) cũng đã được yêu cầu gom lại cho gọn để bỏ vào… thùng rác thêm một lần nữa (4).
Suốt từ 2015 đến nay, Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn không xong vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : Kê khai tài sản. Kiểm soát tài sản. Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Tháng 9 vừa rồi, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam, một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, nhấn mạnh sự thất vọng của Ban Soạn thảo dự luật : Sau khi đề nghị buộc những viên chức giàu có bất minh nộp thuế theo tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị tài sản không thể giải trình về nguồn gốc, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự - như một giải pháp nhưng bị phản đối, Ban này mới đưa ra đề nghị khác – giao cho hệ thống tòa án xử lý tài sản mà những viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc – song đề nghị ấy cũng bị "can gián" !
Bà Nga lưu ý, suốt ba năm ròng rã, Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Phòng – chống tham nhũng đã đưa ra sáu phương án để xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh, đến nay, bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai và cả hai đều không phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn "yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (5).
***
Cho dù không "bắt tận tay, day tận trán" ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ của ông Dương nhưng nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đừng sử dụng các "động tác kỹ thuật" khi phê chuẩn UNCAC, đừng từ chối đặt định các hình thức chế tài nghiêm khắc với những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, đừng từ chối thực thi những hành động vốn có tính phổ quát trên toàn cầu, chấp nhận công bố rộng rãi tờ khai tài sản, tình trạng tài chính của các viên chức cao cấp để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát - chắc chắn ông Vĩnh, ông Hóa sẽ đền tội.
Công an Phú Thọ và Viện Kiểm sát Phú Thọ đã dễ dàng bác bỏ lời khai của ông Vĩnh : Thu nhập hợp pháp chỉ có 20 triệu đồng/tháng, cho nên bảo rằng đã trả ông Dương 1,1 tỉ đồng để "mua" đồng hồ Rolex là không chấp nhận được - thì chắc chắn chẳng khó khăn gì nếu "làm giàu bất chính" đã được hình sự hóa : Dựa vào những bất động sản với giá trị khổng lồ mà ông Vĩnh, ông Hóa đang làm chủ để truy cứu cả hai tội "làm giàu bất chính". Tòa án vừa có thể phạt tù, vừa có thể sung công các khối tài sản này.
Chống tham nhũng như thế may ra mới hiệu quả nhưng chống tham nhũng như thế thì còn bao nhiêu viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam có thể tại vị ? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục vận hành sự nghiệp chống tham nhũng như trước nay thì càng… quyết liệt, các viên chức ở Việt Nam càng giàu.
Dân chúng Việt Nam chỉ có thể cảm thấy các công bộc rất giàu chứ không thể biết đích xác họ giàu thế nào vì các tờ khai tài sản đã được xác định là "nhạy cảm", không thể công bố. Tại sao các công bộc giàu ? Một số đã lý giải đó là nhờ : Bện chổi, nuôi heo, trúng số, chạy xe ôm, hưởng thừa kế, làm thối móng tay,… tuy nhiên chẳng ai chấp nhận bởi chênh lệch giữa những nguồn lợi vừa kể có thể đem lại, với giá trị thực của khối tài sản mà thiên hạ nhìn thấy vẫn quá lớn.
Chỉ có một cách lý giải : Họ ăn rau muống và… thải ra tiền ! Vâng, chỉ như thế thì họ mới giàu có đến thế và cũng chỉ như thế, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, xem tham nhũng là nội xâm, là quốc nạn, mới không làm gì những viên chức giàu có bất thường !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/11/2018
Chú thích
(3) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Chưa rõ vì sao "trong sạch, vững mạnh" - vốn chỉ được Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng để định tính cho các tổ chức thuộc mình – gần đây lại trở thành thuộc tính của công an nhân dân ?
Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, thời còn công tác.
Ngoảnh lại nhìn vào quá khứ dễ mỏi cổ, đau cơ, thôi thì… nhìn ngay trước mặt cũng dư bằng chứng để cảm nhận sự "trong sạch, vững mạnh" của… công an nhân dân.
***
Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng – chống tội phạm công nghệ cao đang hầu Tòa.
Cả hai bị cáo buộc "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", hỗ trợ Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Công ty Đầu tư – Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), tổ chức - điều hành mạng lưới đánh bạc trên Internet.
Chỉ trong vòng chưa đầy ba năm, CNC thu về khoản lời 9.583 tỉ. Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ thừa nhận không có sự hỗ trợ của ông Vĩnh, ông Hóa, Dương không thể tổ chức phạm pháp trên diện rộng, thu lợi lớn như thế, mặt khác, hai cơ quan này còn ghi nhận lời khai của Dương ("biếu" ông Vĩnh 1.750.000 Mỹ kim, 27 tỉ đồng, một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 Mỹ kim, "biếu ông Hóa 22 tỉ đồng và "nhiều món quà giá trị khác") nhưng không cáo buộc ông Vĩnh, ông Hóa nhận hối lộ (1).
Thiên hạ không tin ông Vĩnh, ông Hóa không nhận của Dương đồng nào cũng chẳng sao. Hệ thống bảo vệ pháp luật mạnh dạn quyết định như thế hẳn vì ông Vĩnh, ông Hóa là tướng của một lực lượng "trong sạch".
Ông Vĩnh, ông Hóa khơi khơi hỗ trợ, tiếp sức cho Dương hẳn chỉ vì "tình hữu ái giai cấp". Xưa có "tình hữu ái giai cấp vô sản", giờ có "tình hữu ái giai cấp… thống trị". Nếu Dương không phải con rể của ông Phạm Quang Nghị, cựu Ủy viên Bộ Chính trị lừng lẫy một thời thì có lẽ khó có chuyện mang "bảo vệ an ninh mạng" ra làm nền để xây dựng hệ thống phục vụ toàn dân đánh bạc trên Internet mà Tòa án tỉnh Phú Thọ đang xử !
"Tình hữu ái giai cấp thống trị" cũng có thể là lý do CNC được chọn làm "bình phong" của công an nhân dân. "Bình phong" là một loại "nghiệp vụ đặc biệt" mà công an, quân đội sử dụng để che chắn cho việc thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cái gọi là bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) cũng từng là "bình phong". Có lẽ để lực lượng "vững mạnh" hơn nữa, lãnh đạo công an nhân dân mới yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương bán công thổ, công thự cho Vũ ‘nhôm’ với giá bán… bèo.
Khi Vũ ‘Nhôm’ trở thành nhân vật chính của một scandal vô tiền khoáng hậu, lãnh đạo công an nhân dân yêu cầu xử kín để bảo mật những yếu tố liên quan tới "bình phong" : Những ai quyết định chọn Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 làm "bình phong" ? Lãnh đạo công an nhân dân đã làm những gì để Vũ ‘Nhôm’ lột xác, từ chủ một cơ sở chuyên gia công - lắp ráp khung nhôm, kính trở thành cá nhân có thể lũng đoạn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương ? An ninh quốc gia đã được bán sỉ và lẻ ra sao ?...
Trong scandal Vũ ‘nhôm’, không có thành viên nào của lực lượng công an nhân dân bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội "nhận hối lộ". Chỉ có Trung tướng Phan Hữu Tuấn, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo bị phạt bảy năm tù và ông Nguyễn Hữu Bách, một sĩ quan tình báo khác bị phạt sáu năm tù, cùng vì "cố ý làm lộ bí mật công tác" !
Giờ, "bình phong" CNC cũng thế.
Vụ xử 92 cá nhân liên quan tới chuyện Nguyễn Văn Dương tổ chức – vận hành mạng lưới đánh bạc không đả động gì tới trách nhiệm những người chủ trương chọn CNC làm "bình phong", từng ưng thuận – phê duyệt kế hoạch nhận 20% vốn khống mà CNC chia cho Bộ Công an. Trên thực tế, CNC đã chia cho Bộ Công an 700 triệu đồng từ lợi nhuận do "phạm tội mà có" và một bộ phần mềm diệt virus được định giá là 30.000 Mỹ kim cũng do "phạm tội mà có".
Những lãnh đạo cao nhất của lực lượng "trong sạch, vững mạnh" đủ "trong sạch, vững mạnh" nên tự thấy không cần phải chịu trách nhiệm về việc nhận 1,1 tỉ đồng từ CNC, do CNC "phạm tội mà có" để thực hiện các "hoạt động giao lưu", "chương trình từ thiện", nhằm đánh bóng sự "trong sạch, vững mạnh" của mình ?
Đủ tự tin về sự "trong sạch, vững mạnh" của mình nên giới lãnh đạo lực lượng "trong sạch, vững mạnh" không cần băn khoăn khi CNC trở thành nhà "tài trợ chính" cho các buổi "tiếp khách", mà chỉ tính riêng giá trị số rượu CNC đóng góp cho những buổi "tiếp khách" ấy đã hơn… 10 tỉ đồng ? Đú đởn miễn phí vì toàn bộ chi phí được trang trải từ tiền do "phạm tội mà có" là vô hại (?), không phải tham nhũng, cũng chẳng phải nhận hối lộ ?
Tháng 10 năm 2017, Công an Phú Thọ bắt ông Nguyễn Văn Dương và ông Phan Sào Nam (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VTC Online – đối tác của CNC) làm dấy lên những đồn đoán về ông Vĩnh, ông Hóa, trung tuần tháng giêng năm 2018, Bộ Công an tổ chức một cuộc họp báo, ba ông tướng từ một sao tới ba sao (Thiếu tướng Lương Tam Quang – Chánh Văn phòng Bộ Công an, Trung tướng Trần Đăng Yến – Tổng cục phó Tổng cục An ninh kiêm Chỉ huy lực lượng An ninh điều tra, Thượng tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Công an) cùng xuất hiện để cảnh cáo công chúng rằng ông Vĩnh, ông Hóa có liên quan đến hoạt động của "liên doanh CNC - VTC Online" là "vô căn cứ, thiếu cơ sở" (2).
Hai tháng sau (tháng 3 năm 2018) ông Hóa bị tống giam, tháng sau nữa (tháng 4 năm 2018), tới lượt ông Vĩnh bị bắt. Lãnh đạo công an nhân dân thản nhiên bảo rằng điều đó chứng minh lực lượng này luôn luôn "trong sạch, vững mạnh" ! Công an Phú Thọ, Viện Kiểm sát Phú Thọ lần lượt khẳng định, trong vụ CNC, chỉ có ông Vĩnh, ông Hóa phải chịu trách nhiệm hình sự vì lãnh đạo lực lượng công an nhân dân từng thấy không ổn, từng yêu cầu báo cáo nhưng hai ông không… chấp hành. Nếu đủ "vững mạnh" thì dưới bất tuân thượng lệnh cũng chẳng sao (?), trên thiếu kiểm tra - giám sát cũng không phải là "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" ?
***
Sau một thời gian lấy "trong sạch, vững mạnh" làm tiêu chí định tính cho công an nhân dân, tháng 5 vừa rồi Đại tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm - Bộ trưởng Công an, công bố bảy giải pháp để định lượng về "trong sạch, vững mạnh". Bây giờ, công an nhân dân là lực lượng "trong sạch, vững mạnh toàn diện" (3).
Đừng có ngạc nhiên nếu công an nhân dân luôn luôn vô sự, chẳng bao giờ, chẳng có ai bị truy cứu trách nhiệm về chuyện người này bị đánh, người kia bị bẫy, người khác bị tịch thu tài sản…
Đã "trong sạch, vững mạnh", lại còn… toàn diện nữa thì làm gì có lỗi ! Lỗi vô ý đã không, lỗi cố ý lại càng không.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/11/2018
Chú thích :
(2) http://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-noi-ve-tin-don-bat-trung-tuong-phan-van-vinh-750841.html