Chống "chạy" quy hoạch là một tuyên bố kiểu sẽ dùng triệu voi nhưng chắc chắn kết quả sẽ là chẳng có miếng nước xáo nào.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước sẽ đảm nhận vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ 2021 – 2026- Hình minh họa.
Báo chí Việt Nam vừa tường thuật về hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức – xây dựng đảng của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đó, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam), Trưởng Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đưa ra hai yêu cầu : Các cơ quan trong lĩnh vực tổ chức – xây dựng đảng phải hoàn thành "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" và phải chống cho bằng được tình trạng "chạy" để được quy hoạch làm "cán bộ cấp chiến lược" (1).
Trước nay, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn xem "cán bộ cấp chiến lược" là những cá nhân lãnh đạo các cơ quan của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, lãnh đạo các đảng ủy do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quản lý. Bởi Đảng cộng sản Việt Nam nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam nên "cán bộ cấp chiến lược" sẽ được… phân công lãnh đạo quốc hội, nhà nước, chính phủ, cơ quan tư pháp và hội đồng nhân dân, chính quyền của các tỉnh, thành phố. Nhìn một cách tổng quát, "cán bộ cấp chiến lược" là đội ngũ quản lý – điều hành toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
"Quy hoạch cán bộ" là lựa chọn - sắp đặt nhân sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương cho tất cả các ngành, ở tất cả các cấp. Trong "quy hoạch cán bộ" có lựa chọn – sắp đặt khoảng 600 "cán bộ cấp chiến lược" để dẫn dắt 95 triệu dân (2). Cho dù các diễn biến trên thực tế chỉ ra, "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" đã trở thành thang để những : Trần Đại Quang, Đinh La Thăng, Nguyễn Bá Thanh… bước lên đỉnh quyền lực. Trừ Đinh La Thăng phải vào tù, may cho cả giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lẫn ông Quang, ông Thanh là cả hai đều sớm nhắm mắt, xuôi tay. Nếu cả hai còn thở đều, chắc chắn không dễ xử những đại án như CNC tổ chức đánh bạc trên toàn quốc, hay Vũ ‘Nhôm" !
"Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" đã giữ những cá nhân như Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải… ngất ngưởng trên đỉnh quyền lực một thời gian dài bất kể năng lực thế nào, tư cách ra sao, các dấu hiệu sai phạm rõ như bàn ngày, nhiều như lá mùa thu. Cũng "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" đã nâng những cá nhân như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh… thăng tiến nhanh như có hia bảy dặm và nếu tương quan giữa thế và lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam không thay đổi, Thanh và Anh đã trở thành "rường cột quốc gia" đúng như… "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" !
So với trước, dự tính "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" chỉ khác ở chỗ không còn dài hạn mà khoanh gọn vào mục tiêu "chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ 2021 – 2026" và ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước sẽ đảm nhận vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược (3). Năm thành viên còn lại của ban chỉ đạo này – những Trần Quốc Vượng (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), Phạm Minh Chính, (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành trung ương, Trưởng Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam), Tòng Thị Phóng (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội), Trương Hòa Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ), Trần Cẩm Tú, (Bí thư Ban chấp hành trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) cũng thế, cũng vẫn là những gương mặt cũ, chẳng lẽ có thể nhẹ nhàng rũ bỏ trách nhiệm liên đới đến những "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" trước kia - lựa chọn, cất nhắc ít nhất 50 cán bộ cấp chiến lược mà gần đây, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam phải xử để an dân (4).
***
Tuyên bố sẽ chống "chạy" để được quy hoạch làm "cán bộ cấp chiến lược" của ông Chính được loan báo cùng lúc với xác nhận của Tỉnh ủy Đồng Nai : Đã điều động bà Phan Thị Mỹ Thanh về làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của tỉnh này (5).
Bà Thanh là một cá nhân nằm trong "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" và từng là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng Đoàn đại biểu của tỉnh Đồng Nai tại Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Giữa năm ngoái, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đề nghị cảnh cáo bà Thanh vì vi phạm Luật Phòng – chống tham nhũng (bất chấp các qui định của pháp luật, giao cho công ty của chồng hàng loạt dự án béo bở, gian dối trong kê khai tài sản). Tuy các sai phạm của bà Thanh rõ như ban ngày nhưng giữa năm nay, Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới quyết định tước bỏ tất cả các chức vụ của bà Thanh trong đảng, khai trừ bà Thanh ra khỏi đảng và đề nghị Quốc hội miễn nhiệm bà Thanh (6).
Tuy nhiên bà Thanh không những không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn được điều động sang làm việc tại Mặt trận Tổ quốc – cơ quan giữ vai trò thống hợp tất cả các hội đoàn, thay mặt nhân dân tổ chức – giám sát bầu cử tại Đồng Nai.
Tỉnh ủy Đồng Nai – nơi giám sát bà Thanh và làm ngơ trước hàng loạt sai phạm của bà trong một thời gian dài, đồng thời là cơ quan vừa quyết định sắp xếp để bà Thanh tiếp tục phục vụ nhân dân tại Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh này – sẽ là nơi lựa chọn, sắp đặt nhân sự cho "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" của tỉnh Đồng Nai. Lấy gì làm cơ sở để bảo đảm "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" mà Tỉnh ủy Đồng Nai sẽ trình vào đầu năm tới " dân chủ, khách quan, chống tiêu cực, hạn chế yếu kém trong quy hoạch" ?
Tương tự, có thể dựa vào đâu để tin Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – cơ quan từng thông qua các "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược", chọn và giới thiệu ông Tất Thành Cang vào Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Thường trực dù trước đó ông Cang đã có hàng loạt sai phạm – lần này sẽ chống được "chạy" qui hoạch ?
Qua hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức – xây dựng đảng của Đảng cộng sản Việt Nam, ông Chính nhắn nhủ công chúng rằng "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" cho nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được thực hiện một cách "công khai, minh bạch". Nên hiểu "công khai, minh bạch" theo nghĩa nào khi cả hệ thống chính trị, lẫn hệ thống công quyền cương quyết từ chối công bố rộng rãi tờ khai tài sản của các cán bộ, viên chức trong diện phải kê khai tài sản ? Làm sao có thể "chống tiêu cực" trong xây dựng "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" khi cán bộ, viên chức vẫn có thể dùng công quyền như công cụ gặt hái tiền bạc vì Quốc hội chống tất cả các biện pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ? Kết quả của ba năm soạn thảo, sửa chữa Luật Phòng – chống tham nhũng mới, vừa được thông qua tháng trước vẫn là cứ yên tâm làm giàu bất chính vì chưa thể sử dụng luật pháp để trừng trị !
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam tuân thủ Hiến pháp, chỉ lãnh đạo về "đường lối, chủ trương" và để nhân dân tự do lựa chọn đại diện của mình ở Quốc hội, chính phủ, hội đồng nhân dân và chính quyền các cấp, "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" cho Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, nhiệm kỳ 2021 – 2026, ắt sẽ đơn giản.
Không đồng hóa "Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" trong đảng với sắp đặt, cắt cử lãnh đạo hệ thống dân cử, hệ thống công quyền các cấp làm gì có chuyện "chạy", rồi phải chỉ đạo "tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận, sâu rộng trong toàn xã hội và trong nhân dân về công tổ chức xây dựng đảng".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/12/2018
Chú thích
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Thị_Mỹ_Thanh