Cuối tuần vừa qua, nhân dịp Thaco – một tập đoàn tư nhân - mở rộng đầu tư vào nông nghiệp tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, đăng đàn tuyên bố, đại ý : Chìa khóa mới cho thành công giờ là… "ba bên (nhà nước – doanh nghiệp – dân chúng) cùng thắng" chứ không phải "hai bên (nhà nước - doanh nghiệp) cùng thắng" như trước nữa (1).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Nông-Lâm nghiệp và Khu công nghiệp cơ khí ôtô Thaco Chu Lai mở rộng ngày 24/03/2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Dẫu mới được tính là một "bên" nhưng thực tế quản lý, điều hành nông nghiệp – nông sản – thực phẩm tại Việt Nam, tốt nhất là dân chúng Việt Nam, bao gồm cả nông dân lẫn người tiều dùng - đối tượng sử dụng nông sản và các loại thực phẩm nên xin thua cho… lành. Tự thân "win" mà người đứng đầu hệ thống công quyền vừa quảng bá không có gì đáng để mừng !
***
Cũng vào cuối tuần vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Việt Nam, phát hành công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam ngưng ký hợp đồng mua các các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Hoạt chất Glyphosate trong nhiều loại thuốc diệt cỏ đã từng làm rúng động dư luận trong vài năm gần đây vì có khả năng gây ung thư.
Đến giờ, Cục Bảo vệ thực vật mới cấm các sản phẩm có chứa hoạt chất Glyphosate vì "Tòa án Mỹ vừa có phán quyết, chính thức xác định Glyphosate gây ung thư". Tuy nhiên đại diện cơ quan này nói thêm, giới hữu trách tại Việt Nam chỉ cấm hỏi mua thêm những sản phẩm có chứa Glyphosate. Còn những hợp đồng hỏi mua các sản phẩm chứa Glyphosate đã được ký kết, hoặc đang được phân phối tại Việt Nam thì không bị ảnh hưởng (2).
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, giải thích, sở dĩ Việt Nam không cấm nhập, không cấm kinh doanh và không cấm sử dụng những sản phẩm có chứa Glyphosate ngay lập tức vì "muốn cấm một hoạt chất nào đó đã được lưu hành phải tiến hành đúng thủ tục và thông lệ". Thủ tục và thông lệ bảo đảm nhà nước "win" vì không phải suy tính giải pháp, doanh nghiệp "win" vì vẫn có thể thu lợi theo kế hoạch…
Còn dân chúng Việt Nam, liệu họ có "win" như Thủ tướng mới quảng bá không ?
Với nông dân, nếu "win" là luôn luôn phập phồng, chẳng biết nông sản do mình làm ra có bán được hay không vì các thị trường ngoại quốc sẽ từ chối mua khi phát giác sự hiện diện của Glyphosate và với người tiêu dùng, nếu "win" là tiếp tục đối diện với nguy cơ bị đầu độc, sức khỏe bị tổn hại, mức độ an toàn về tính mạng tiếp tục bấp bênh vì không thể ngưng tiêu thụ nông sản – thực phẩm thì dân chúng Việt Nam "win" từ… lâu rồi.
Chẳng cần tìm kiếm loằng ngoằng, tốn công, mất thời gian, Lần gần nhất mà dân chúng Việt Nam "win" mới xảy ra đâu chừng một tháng. Ngày 13 tháng 2 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn long trọng tuyên bố đã quyết định loạt bỏ hai hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Nói cách khác, quyết định này cấm nhập, cấm kinh doanh những sản phẩm có chứa hai hoạt chất vừa kể.
Tuy nhiên theo "thủ tục và thông lệ" của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, "để không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và kinh doanh", Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhấn mạnh, quyết định cấm vừa kể sẽ lấy ngày 12 tháng 2 năm nay làm mốc để các doanh nghiệp tiếp tục nhập cảng, sản xuất các sản phẩm có chứa Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil đến năm sau (2/2020) và buôn bán cho đến năm sau nữa (2/2021) (3).
Khi loan tin vừa kể, từ Thông tấn xã Việt Nam (của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (4), báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) (5), đến những cơ quan truyền thông chính thức khác đã hành xử như những… giám thị của các kỳ thi quốc gia, chỉ cung cấp thông tin chứ… "không giải thích gì thêm" về tác hại của Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil.
Theo các chuyên gia y tế, hoạt chất Chlorpyrifos là một trong những thủ phạm tạo ra quái thai vì làm suy giảm nội tiết tố sinh sản, tác động đến hệ thần kinh trung ương và thực vật của bào thai, khiến chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn bình thường, trẻ sơ sinh nhẹ cân… Dẫu chưa đủ chứng cứ nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, nhiễm hoạt chất Chlorpyrifos có thể dẫn tới ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt.
Tương tự, Fipronil là hoạt chất nguy hại cho nội tạng (tuyến giáp, thận, gan,…). Fipronil đặc biệt nguy hiểm vì tồn đọng rất lâu trong đất, khi thẩm thấu vào cây thì phân hủy chậm nên tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đặc biệt trong động vật thủy sinh, dẫn đến ngộ độc mãn tính cho các loài động vật bậc cao hơn như con người. Fipronil cũng được xem là một yêu tố gây ung thư.
Hẳn là nhà nước "win" nên mới cho phép nhập, sản xuất các sản phẩm có chứa Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil đến tháng 2 năm 2020, rồi tiếp tục buôn bán đến tháng 2 năm 2021. Không cần động não cũng thấy, nhờ vậy, các doanh nghiệp chuyên nhập cảng, sản xuất, kinh doanh những sản phẩm có chứa Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil cùng "win". Dân chúng Việt Nam có xem như thế là bên thứ ba cũng… "win" không ?
***
Trở lại với chuyện Cục Bảo vệ thực vật vừa cấm các sản phẩm có chứa hoạt chất Glyphosate. Đã từng có rất nhiều người, nhiều giới hối thúc hệ thống công quyền Việt Nam hành động. Thậm chí ông Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, khẳng định : Càng để lâu, càng có tội với dân. Hoặc có người như ông Lê Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang, nhấn mạnh : Phải hành động ngay để bảo vệ sức khỏe người Việt (6).
Cuối cùng thì Cục Bảo vệ thực vật cũng hành động nhưng lại như… đã kể. Chẳng có thông tin nào cụ thể để người ta biết tường tận xem nhà nước "win" thế nào, các doanh nghiệp chuyên nhập cảng, sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam "win" ra sao nhưng có thể thấy rất rõ kết quả của việc cho phép nhập khẩu, sản xuất, khuyến khích sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu từ Trung Quốc.
Khi nông dân Việt Nam được thúc đẩy, trở thành "nghiện" thuốc bảo vệ thực vật, họ mặc nhiên trở thành đối tượng bị ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc bóc lột. Ba năm trước, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo Phát triển cộng đồng, than rằng : "Tam nông" ở Việt Nam không phải là "nông nghiệp - nông thôn - nông dân" nữa mà là "dân nghiện - đất nghiện - nước thoái hóa" (7).
Tuy nhiên mỗi năm vẫn có vài trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước khiến cả đất, nước lẫn nông sản cùng bị nhiễm độc, môi trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe của cộng đồng và nhiều thế hệ bị hủy hoại. Sợ ngộ độc, người tiêu dùng Việt Nam chuyển qua mua nông sản – thực phẩm nhập cảng. Nông dân Việt Nam vốn đã mạt vì thuốc bảo vệ thực vật, giờ không còn đường sống cũng vì thuốc bảo vệ thực vật !
Năm 2017, Việt Nam tiếp tục chi 989 triệu Mỹ kim để nhập cảng thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, tăng 36% so với năm 2016 (8). Có thể vì công chúng xúc động mạnh, hệ thống công quyền Việt Nam không cho biết năm 2018 đã chi bao nhiêu để nhập cảng thuốc bảo vệ thực vật. Người ta chỉ biết tổng số ngoại tệ đã chi để nhập cảng… hóa chất là 5,16 tỉ Mỹ kim, tăng 26% so với năm 2017 (9).
Nếu như thế là "win" thì chẳng riêng nông dân, mà ngay cả người tiêu dùng Việt Nam nên chủ động xin thua. Không thua, khó… lành !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/03/2019
Chú thích :
(2) https://tuoitre.vn/viet-nam-cam-nhap-khau-thuoc-tru-co-co-hoat-chat-glyphosate-20190324084141591.htm
(3) http://www.sggp.org.vn/loai-bo-them-2-hoat-chat-doc-hai-575621.html
(6) https://tuoitre.vn/thuoc-diet-co-gay-ung-thu-cang-de-lau-cang-co-toi-voi-dan-20190323081938652.htm
(7) http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/tam-nong-thoi-nay-va-lam-gi-voi-hoa-chat-nong-nghiep-3311774/
(8) https://laodong.vn/kinh-te/chi-989-trieu-usd-chi-de-nhap-thuoc-bao-ve-thuc-vat-637063.ldo
Trung tuần tháng này, ngày 19 tháng 3, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, than trên trang facebook của ông "15 năm một nghị quyết – Vết thương dân tộc vẫn chưa lành !" (1).
Một đoạn trong bài viết trên trang FB của ông Nguyễn Đình Bin.
Nghị quyết mà ông Bin đề cập là Nghị quyết 36 NQ/TW được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2004, nhằm định hướng về "công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài". Ông Bin – một trong những nhân vật chính, tham gia khai mở Nghị quyết 36 NQ/TW, trăn trở, tại sao người Việt "vẫn chưa hòa giải được với nhau" ?
***
Hạ tuần tháng này, hôm 24 tháng 3, ông Nghiêm Xuân Vương, đại diện cho Diễn đàn "Tôi và sứ quán", tiếp tục gửi thêm một Thư ngỏ nữa cho giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, hối thúc giải quyết tình trạng lạm thu của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đối với… người Việt ở bên ngoài Việt Nam (2).
Diễn đàn "Tôi và sứ quán" hiện có khoảng 30.000 thành viên (3). Mục tiêu chính của diễn đàn này là chia sẻ thông tin, ý kiến của những người Việt đang cư trú bên ngoài Việt Nam về những vấn đề có liên quan trong tương quan giữa họ với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc.
Diễn đàn "Tôi và sứ quán" chính là một trong những nơi góp vô số câu câu trả lời cho… trăn trở của ông Bin. "Hòa" thế nào khi các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc chỉ xem người Việt cư trú ở nước ngoài như… một công cụ, dùng đủ mọi phương tiện để vòi tiền khi họ cần đổi hộ chiếu, xin hôn thú, khai sinh cho con, hoặc bỏ quốc tịch Việt Nam, xin visa, miễn thị thực ?..
Đó cũng là lý do, trong bốn năm vừa qua, Diễn đàn "Tôi và sứ quán" luôn luôn sôi động với những tố cáo cụ thể và những chia sẻ, hướng dẫn cũng hết sức cụ thể của những người Việt cư trú ở nước ngoài từng "ở trong chăn", nhằm giúp nhau đối phó : Vận dụng qui phạm pháp luật nào ? Với từng cơ quan ngoại giao cụ thể của Việt Nam ở ngoại quốc, khi có nhu cầu, buộc phải liên hệ thì hành xử ra sao ?...
Ngày 26 tháng 3 vừa qua, Nghị quyết 36 NQ/TW tròn 15 tuổi và vẫn là "kim chỉ nam" cho "công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục thề hứa, trình bày nỗ lực giảng hòa nhưng một số đề nghị của người Việt đang cư trú tại nước ngoài, vốn chính đáng và hết sức đơn giản vẫn không hề được giải !
Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc vẫn không công bố một cách rạch ròi những yêu cầu khi người Việt cư trú ở ngoại quốc cần hỗ trợ về thủ tục hành chính để họ không bị "vẽ", bị "quay" cho tới khi chịu dấm dúi ? Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc vẫn không niêm yết phí của từng loại thủ tục hành chính để đồng bào của họ không bị đồng chí của họ mổ, vắt, vặt ?...
Chẳng ai dám chắc, thêm lần này, "những người cầm nắm sinh mệnh dân chúng, tương lai của đất nước", tác động trực tiếp tới "sự nghèo hèn hay thịnh vượng, sự minh bạch hay gian dối" của Việt Nam, có "thôi vì bản thân", chịu "làm người có lương tri để nghĩ cho dân chúng", không "nhẫn tâm biến công dân của mình trở thành người vô cảm, ngoảnh mặt với đất nước" như Diễn đàn "Tôi và sứ quán" kêu gọi hay không ?
***
Chuyện Nghị quyết 36 NQ/TW tròn 15 tuổi, trăn trở của ông Nguyễn Đình Bin, sự phẫn nộ của những người Việt cư trú ở ngoại quốc trên Diễn đàn "Tôi và sứ quán" trước tình trạng các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài lạm quyền để lạm thu tiếp tục diễn ra giữa "thanh thiên, bạch nhật", không biết bao giờ mới dứt,… khiến người viết bài này nhớ tới chương trình "Taglit-Birthright Israel" (Khám phá quyền thừa kế Israel).
Theo Wikipedia, "Taglit-Birthright Israel" là tên một chương trình dành cho những người gốc Do Thái cư trú trên khắp thế giới. "Taglit-Birthright Israel", hay "Birthright Israel" khuyến khích những cá nhân gốc Do Thái trong độ tuổi từ 18 đến 32 trên khắp thế giới, chưa từng đến Israel, ghi danh tham dự. Khởi đầu từ 1999, "Taglit-Birthright Israel" đã đưa khoảng 600.000 thanh niên gốc Do Thái, cư trú ở 67 quốc gia về Israel (4).
Trong chuyến hành hương về quê cha, đất tổ kéo dài mười ngày ấy, những thanh niên gốc Do Thái được đưa đến nhiều nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay lịch sử dân tộc Do Thái mà họ chỉ từng biết qua truyền khẩu từ ông bà, cha mẹ hay phim ảnh, sách báo. "Taglit-Birthright Israel" chỉ đài thọ một phần chứ không phải toàn bộ chi phí. Người tham gia phải góp phần còn lại.
Năm ngoái, nhiều người sử dụng Internet chuyển cho nhau xem một video clip, ghi lại cảnh Học viện Nhạc – Vũ kịch Jerusalem, đổ ra phi trường Ben Gurion, chào đón những đồng bào gốc Do Thái của họ, lần đầu tiên về quê cha, đất tổ qua một "Taglit-Birthright Israel" năm 2018, vào dịp Quốc khánh lần thứ 70 của quốc gia này (14/05/1948 – 14/05/2018) (5).
Ai không thích thú, không cảm động khi thấy cảnh phi trường Ben Gurion đột nhiên vang lừng tiếng đàn của nhiều nhạc công, tiếng hát của nhiều ca sĩ, tưng bừng với vũ điệu của nhiều vũ công ở đủ mọi độ tuổi. Bài hát chỉ ba từ "Hevenu Shalom Alehem" (lời chào, lời chúc hòa bình cho thế giới) lập đi, lập lại ở nhiều cung bậc khác nhau đã kéo những thanh niên gốc Do Thái lần đầu về Israel, sung sướng nhập cuộc hát, múa như về nhà ?
Do Thái là dân tộc duy nhất lưu vong khắp thế giới trong 20 thế kỷ (giữa thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ 20) và cuối cùng tái lập được quốc gia trên đất đai vốn từng thuộc về tổ tiên của mình. Vì nhiều lý do, quốc gia Israel nhỏ bé, lọt thỏm giữa thế giới Ả Rập bị các quốc gia Ả Rập nằm chung quanh xem là kẻ thù nhưng dù "bất cộng đái thiên", thề không đội chung Trời với Israel nhưng thế giới Ả Rập vẫn chưa nuốt được Israel.
Ngày 14/5/1948, khi tuyên bố tái lập Israel, những người Do Thái ở Israel chỉ nói vài lời, chủ yếu là thông báo với người Do Thái trên toàn thế giới rằng họ vừa có tổ quốc, rằng khát vọng 2.000 năm của ông bà, cha mẹ họ đã thành sự thật, tuy nhiên sự thật ấy hiện hữu trong bao lâu là trách nhiệm của từng cá nhân tự xem mình là Do Thái. Người Do Thái đã không để Israel bị thế giới Ả Rập nuốt chửng dù mới… ra ràng.
Không về Israel cầm cuốc để xây dựng, cầm súng để bảo vệ quê cha, đất tổ, người Do Thái góp tiền, góp sức, kể cả vận động chính quyền quốc gia nơi họ cư trú và cộng đồng quốc tế hỗ trợ xứ sở của họ… Israel giờ là quốc gia có mức sống cao nhất khu vực Trung Đông, kinh tế Israel – quốc gia thiếu đủ thứ tài nguyên, kể cả nước, chỉ toàn đá và cát – giờ đứng thứ 32 trong bảng xếp hạng của thế giới (6).
Israel là một trong số rất ít quốc gia cưỡng bức thi hành nghĩa vụ quân sự đối với cả nam (hai năm 8 tháng), lẫn nữ (hai năm) (7), đồng thời thu nhận cả những thanh niên gốc Do Thái đang sống tại những quốc gia khác trên thế giới vào quân đội. Năm nào cũng có thanh niên gốc Do Thái từ 41 quốc gia trên thế giới quay về Israel thi hành nghĩa vụ quân sự (8) và không ít người an nghỉ trên quê cha, đất tổ sau những đợt tấn công khủng bố.
***
Israel được như ngày hôm nay vì là quốc gia của mọi người Do Thái, kể cả những người chỉ có gốc Do Thái nhờ cha mẹ, hoặc cha hay mẹ mang dòng máu Do Thái. Thành quả mà Israel đạt được, vị trí mà Israel có được, luôn được khẳng định là công sức của các thế hệ Do Thái trong và ngoài Israel, không có đảng phái hay tổ chức chính trị nào ở Israel giành những thành quả ấy là công của mình để đòi lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Israel không thuộc về bất kỳ đảng phải, tổ chức chính trị nào nên không cần định hướng bởi những thứ như Nghị quyết 36 NQ/TW. Còn đòi "hòa" mà vẫn không cho nói, không muốn nghe, không khoan thứ những "đối tượng" không chịu "thờ" mình, thậm chí những chuyện rất nhỏ như giải trừ nhũng nhiễu đồng… bào tại các cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà cũng không muốn làm thì… giải thế nào được !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/03/2019
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841/posts/2249753065087013
(2) https://www.change.org/p/xuan-vuong-nghiem-sứ-quán-việt-nam-hãy-chấm-dứt-lạm-thu-phí-lãnh-sự
(3) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Birthright_Israel
(5) https://www.youtube.com/watch?v=mZ_nbinWkvE
(6) https://en.wikipedia.org/wiki/Israel
Sau Hải quân, Không quân, tới lượt Lục quân Mỹ gia tăng chuẩn bị cho việc đối phó với các tình huống có thể xảy ra ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trong một cuộc diễn tập cùng Lực Lượng Phòng Vệ Biển Nhật Bản. Hình minh họa.
Tại một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 19 tháng 3 ở Hawaii, Đại tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân tại khu vực Thái Bình Dương, khẳng định : Toàn bộ quân đội Mỹ, kể cả Lục quân phải chuẩn bị để cùng ứng phó với tất cả các diễn biến ở Biển Đông. Cho dù không hề muốn xung đột nhưng vẫn phải tăng tập luyện, nâng cao khả năng phối hợp để đối phó với tất cả các tình huống có thể xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương (1).
Lục quân Mỹ hiện có 85.000 quân nhân đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương (Alaska, Washington, Hawaii, Nam Hàn). Để có thể ứng phó tức thời với những diễn biến không mong muốn ở Thái Bình Dương, Lục quân Mỹ dự trù sẽ điều động cả những đơn vị đồn trú tại những nơi khác ở Mỹ đến khu vực Thái Bình Dương, tham gia vào những cuộc tập trận với đồng minh, làm quen với khu vực này.
Đại tướng James McConville, Phó Tham mưu trưởng Lục quân, nói với báo giới rằng, chưa thể xác nhận số lượng quân nhân sẽ được luân chuyển theo dạng ngắn hạn đến khu vực Thái Bình Dương, có thể là 5.000, cũng có thể là 10.000. Con số đó sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh, qui mô các cuộc tập trận nhưng chắc chắn là Lục quân sẽ chuẩn bị để có thể ứng phó với các diễn biến ở khu vực Thái Bình Dương. Pacific Pathways năm nay là một phần của kế hoạch phát triển năng lực cơ động, viễn chinh đa khu vực.
***
Từ 2014 đến nay, Pacific Pathways – "Những con đường ở Thái Bình Dương" đã trở thành hoạt động thường niên của Lục quân Mỹ.
Thông qua các Pacific Pathways, Lục quân Mỹ điều động binh sĩ đến Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Mông Cổ để tập trận với quân đội của những quốc gia này.
Đến 2016, Pacific Pathways bắt đầu có thêm hướng ngược lại. Quân đội Canada, Nhật, Singapore gửi các đơn vị của họ tới Mỹ, tập trân chung với các đơn vị của Mỹ tại Alaska, Washington và Hawaii.
Mục tiêu của các Pacific Pathways là phương thức thắt chặt quan hệ giữa Lục quân Mỹ với quân đội các quốc gia đồng minh và các quốc gia hiện là đối tác của Mỹ tại châu Á. Pacific Pathways chính là một phần trong kế hoạch chuyển trục sang châu Á của Mỹ.
Quân đội Mỹ không giấu diếm mục tiêu của Pacific Pathways : Giúp quân đội Mỹ hiện diện ở nhiều nơi mà không cần xây dựng thêm các căn cứ mới. Nhờ các Pacific Pathways Lục quân Mỹ có thể luyện tập khả năng triển khai ở bên ngoài lãnh thổ Mỹ.
Chẳng riêng Mỹ, nhiều quốc gia châu Á hoan nghênh Pacific Pathways vì lợi ích của chính họ. Các Pacific Pathways giúp Hoa Kỳ có thể điều động các đơn vị tới hỗ trợ những quốc gia này khi cần.
Tướng Brown trở thành Tư lệnh Lục quân tại khu vực Thái Bình Dương hồi tháng 5 năm 2016. tháng 8 năm 2016, tướng Brown cho biết, ông đã gặp gỡ giới chỉ huy quân đội của khoảng 20 quốc gia châu Á để thảo luận về Pacific Pathways.
Vào thời điểm đó, ông tướng này bảo rằng, một số quốc gia muốn quân đội của họ có cơ hội tham gia nhiều đợt Pacific Pathways hơn, một số quốc gia khác muốn quân đội của họ tham gia vào hướng ngược lại của các Pacific Pathways.
Tướng Brown từng bày tỏ hy vọng Lục quân Mỹ có thể luyện tập ở nhiều địa điểm mới, gia tăng sự lựa chọn trong việc thực hiện các Pacific Pathways. Việt Nam và Nepal hiện là hai trong số những địa điểm mới mà Lục quân Hoa Kỳ nhắm tới (2).
***
Giống như Trung Quốc tại châu Á, trong mắt nhiều dân tộc ở châu Âu, Nga không chỉ đắc tội với tiền nhân của họ trong quá khứ mà còn là một ẩn họa ở hiện tại và tương lai.
Ba Lan là một trong những quốc gia ở châu Âu luôn phải dè chừng Nga. Nga bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ Ba Lan từ năm… 981. Các cuộc chiến giành – giữ lãnh thổ, chủ quyền diễn ra liên tục. Ba Lan nhiều lần bị đặt dưới ách thống trị của Nga, thậm chí xứ sở này từng bị xóa tên trên bản đồ châu Âu vào cuối thế kỷ thứ 18. Nhiều thế hệ Ba Lan dùng máu để giữ chủ quyền, giành độc lập từ Nga nhưng "ác mộng Nga" cho quốc gia, dân tộc chưa dừng.
Đầu thế kỷ 20, chỉ một thời gian rất ngắn sau khi giành được độc lập, Ba Lan đối diện với một thảm họa mới : Cộng sản Liên Xô. Máu người Ba Lan lại đổ. Với sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Ba Lan, trong 20 năm từ 1918 đến 1938, Hồng quân Liên Xô tràn vào Ba Lan, chà đi, xát lại xứ sở này nhiều lần. Hơn 100.000 người bị giết. Nhiều gia đình bị cưỡng bức rời khỏi Ba Lan và đưa đến Kazackstan.
Năm 1939, Liên Xô và phát xít Đức đạt được một thỏa thuận bí mật (Hiệp ước Molotov – Ribbentrop) : Phát xít Đức sẽ làm ngơ để Liên Xô xâm chiếm Ba Lan và Liên Xô sẽ làm ngơ để phát xít Đức vẽ lại bản đồ châu Âu. Hồng quân Liên Xô tràn vào Ba Lan, bắt 22.000 người (bao gồm các tu sĩ, khoa học gia, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, sĩ quan quân đội, cảnh sát, doanh nhân,…), vốn được xem như tinh hoa của dân tộc Ba Lan, đưa hết về Liên Xô.
Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1940, toàn bộ 22.000 người bị giết và chôn trong các khu rừng ở Katyn (tỉnh Slomensk, Nga). Tháng 4 năm 1943, sau khi đuổi Liên Xô ra khỏi Ba Lan và tràn vào Liên Xô, phát xít Đức khám phá, tố cáo tội ác này của Liên Xô với cộng đồng quốc tế nhằm cô lập Liên Xô… Song phải đến năm 2004, Liên bang Nga – kế thừa Liên Xô – mới thừa nhận và năm 2010, Quốc hội Nga mới lên án Stalin và các viên chức Liên Xô dính líu đến vụ thảm sát (3).
Không may cho dân tộc Ba Lan là đến đó, "ác mộng Nga" vẫn chưa tan. Trên con đường "giải phóng nhân loại khỏi chủ nghĩa phát xít", Liên Xô đi qua và dựng lên hàng loạt chính quyền cộng sản tại các quốc gia Đông Âu, trong đó có Ba Lan. Chính quyền cộng sản ở Ba Lan sụp đổ năm 1989 nhưng đến 1993, Liên Xô mới chịu rút hết quân đội khỏi Ba Lan.
Năm 2013, BBC thực hiện một cuộc khảo sát tại Ba Lan xem dân chúng Ba Lan nghĩ gì về Nga, 49% xem Nga là ẩn họa phải dè chừng. Năm 2014, sau khi Liên Xô "thu hồi" bán đảo Crimea vốn là lãnh thổ của Ukraine, tỉ lệ dân Ba Lan xem Nga là ẩn họa đối với xứ sở của họ tăng lên 80% (4). Không phải tự nhiên mà chính phủ Ba Lan liên tục đề nghị NATO điều động quân đội của khối này đến đồn trú tại Ba Lan. Cũng không phải tự nhiên mà Nga liên tục răn đe cả Ba Lan lẫn NATO.
Nga càng hung hãn, chính phủ và dân chúng Ba Lan càng thêm lo âu vì tương quan lực lượng giữa hai bên quá chênh lệch. Để cân bằng, Ba Lan ráo riết vận động chính phủ Mỹ xây dựng một căn cứ cho quân đội Mỹ trú đóng như đang trú đóng tại nhiều quốc gia khu vực Tây Âu. Không chỉ vận động, Ba Lan còn cam kết chi hai tỉ Mỹ kim để xây dựng một căn cứ như thế cho Mỹ trên đất Ba Lan (5).
***
Cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin nào liên quan đến chuyện Việt Nam tham gia các Pacific Pathways. Đề nghị của Mỹ với Việt Nam : Hợp tác thành lập một hệ thống kho dự trữ quân nhu, quân cụ tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể có đủ vật dụng thực hiện ngay các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai trong khu vực dường như chưa có tiến triển nào mới.
Dẫu nỗ lực đẩy mạnh hợp tác về an ninh – quốc phòng với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn khăng khăng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì "chính sách ba không" : Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác.
Tự thân "chính sách ba không" không sai, cũng chẳng xấu, thậm chí là nhất thiết phải như thế nếu có thể bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ.
Vấn đề nằm ở chỗ, "chính sách ba không" lại do những cá nhân nhất mực khẳng định : Việt Nam và Trung Quốc có một "di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ" với "đặc trưng cùng do đảng Cộng sản lãnh đạo" nên "tạo ra mối quan hệ đặc biệt", "chi phối cách ứng xử của cả hai", thành ra "nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (6) - soạn thảo.
Cứ so sánh việc thực thi "chính sách ba không" với thực tế ắt sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có bảo đảm được sự tự chủ, bảo vệ được chủ quyền hay không.
Do cách chuyển ngữ, không nhiều người Việt biết rằng, nền tảng của chủ nghĩa phát xít (Nazism – National Socialism) là chủ nghĩa xã hội nhưng đề cao vai trò quốc gia, không chú trọng tới "tinh thần quốc tế vô sản". Tên đầy đủ của đảng Quốc xã, lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối nhà nước phát xít Đức là Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Quốc gia Đức (National Socialist German Workers' Party). Cho dù Đảng Quốc xã và đảng Cộng sản Liên Xô có "sự tương đồng ý thức hệ" nhưng di sản rõ ràng không… quý báu chút nào.
Tương tự, nếu đọc lịch sử Ba Lan chắc chắn sẽ nhận ra ngay lập tức, từ thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 cho đến cuối thập niên 1980, Liên Xô là "một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn luôn ở bên cạnh Ba Lan để ủng hộ và hợp tác cùng có lợi" nhưng "sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở Ba Lan luôn luôn đẫm máu và nước mắt. Dân Ba Lan đã từng hết sức tuyệt vọng khi những người cộng sản Ba Lan là tác nhân khiến 80% sĩ quan quân đội Ba Lan là… công dân Liên Xô.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/03/2019
Chú thích :
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Katyn_massacre
(4) https://en.wikipedia.org/wiki/Poland-Russia_relations
(6) http://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
Cuối tuần trước (15 tháng 3), chủ đầu tư công trình đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chính thức mở lại các quầy thu phí tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, tái thu phí cho công trình họ đã đầu tư, cách đó khoảng… 40 cây số. Đầu tuần tới (25 tháng 3), Trạm thu phí Cai Lậy cũng sẽ mở cửa để chủ đầu tư công trình đường tránh thị xã Cai Lậy tiếp tục thu phí.
Năm ngoái, tài xế vui mừng sau khi có lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy. Đầu tuần tới trạm này sẽ thu phí trở lại.
Cả hai công trình vừa kể có một số điểm chung : Buộc tất cả các phương tiện giao thông phải trả phí cho chủ đầu tư những tuyến đường tránh các khu vực đông dân cư, bất kể người điều khiển những phương tiên giao thông ấy có đi lại trên đường tránh hay không ! Do bị cả dư luận lẫn công luận phản đối kịch liệt, hai trạm thu phí cho hai đường tránh này từng phải tạm ngưng hoạt động.
Ngoài dư luận và công luận, chính quyền các địa phương cũng không tán thành việc đặt trạm, thu phí cho các đường tránh. Năm ngoái, chính quyền thành phố Hà Nội từng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải (Bộ Giao thông và vận tải) nghiên cứu, đề nghị Thủ tướng Việt Nam dẹp bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vì không thể để chủ đầu tư công trình đường tránh Vĩnh Yên trấn lột dân chúng, doanh giới vô lý như vậy (1).
Cũng năm ngoái, do chủ đầu tư tuyến tránh thị xã Cai Lậy từng được Bộ Giao thông và vận tải cho phép… duy tu một đoạn ngắn trên quốc lộ 1, chính quyền tỉnh Tiền Giang đề nghị giảm tối đa mức phí mà Trạm thu phí Cai Lậy sẽ thu để lấy lại vốn duy tu và đặt một trạm thu phí riêng trên đường tránh để thu tiền những phương tiện giao thông sử dụng đường tránh song giải pháp đó không được chấp nhận (2).
***
Phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT là dùng nguồn vốn ngoài ngân sách mở rộng hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thăng tiến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, hệ thống công quyền thường chỉ chọn công lộ - xây dựng bằng công quỹ, giao cho các "nhà đầu tư" sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí. Chất lượng một số công trình giao thông thật sự là mới, hình thành từ phương thức BOT thì như… mèo mửa.
Cho dù hết Thanh tra của chính phủ Việt Nam (3) đến Kiểm toán của nhà nước Việt Nam (4) cùng xác nhận, trong quá trình phát triển hệ thống giao thông bằng hình thức BOT, hệ thống công quyền đã hành xử hết sức bất thường : Liên tục thay đổi qui mô để các "nhà đầu tư" có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn. Dễ dãi tới đáng ngờ khi cho phép các "nhà đầu tư" thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác.
Đó là chưa kể, cả Kiểm toán lẫn Thanh tra đã vạch mặt, chỉ tên hàng loạt dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có dấu hiệu phạm pháp : Không tổ chức đấu thầu mà chỉ định "nhà đầu tư". Chọn "nhà đầu tư" không có vốn, không đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, tiền đổ vào các dự án chủ yếu là tiền vay ngân hàng, khiến cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia bị biến thành "con tin"… Tuy nhiên đến nay, vẫn không có bất kỳ cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm !
***
Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án vụ Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao), đỡ đầu cho Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc qua Internet chỉ xác định, ông Dương dùng thủ thuật nâng khống vốn điều lệ của UIDC để trở thành "nhà đầu tư" dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, sau đó chuyển lợi nhuận thu được từ tổ chức đánh bạc qua Internet vào UIDC, vừa nhằm bù vào khoản vốn đã khai khống, vừa hợp thức hóa khoản tiền do tổ chức đánh bạc mà có (5)… rồi phạt ông Dương năm năm tù do "rửa tiền". Hệ thống tư pháp Việt Nam không bận tâm, điều tra thêm, truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân đã làm ngơ về năng lực tài chính của UIDC, giúp sức cho ông Dương "rửa tiền" qua dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Tương tự, trong qui hoạch nhân sự, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn sắp đặt ông Lê Ngọc Hoa làm "cán bộ chủ chốt". Sau khi gia đình ông Hoa trở thành chủ sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu của Cienco 4, ông Hoa – Tổng Giám đốc Cienco 4, chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy (nằm trên quốc lộ 1, bắc qua sông Lam, nối Nghệ An với Hà Tĩnh) – được chọn làm Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An. Trước phản ứng dữ dội của dư luận và công luận, tháng 12 năm 2016, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, rụt rè đề nghị chuyển hai trạm thu phí cho dự án BOT cầu Bến Thủy về đúng vị trí của dự án này và giảm 60% mức phí cho các phương tiện giao thông trong vùng, ông Hoa nổi xung, đăng đàn, mắng Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh "vớ vẩn" vì các trạm thu phí cho dự án cầu Bến Thủy nằm trên đất Nghệ An, không liên quan gì đến Hà Tĩnh (6)…
***
Năm ngoái, khi cả dư luận lẫn công luận đồng loạt lên tiếng phản đối sự tùy tiện, đòi làm rõ những dấu hiệu bất minh trong phê duyệt – lựa chọn nhà đầu tư các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, nhiều viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải tích cực "tuyên truyền, thuyết phục nhân dân ủng hộ" 17 trạm thu phí đặt sai chỗ (7) !
Năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bắt đầu hành động nhưng không phải là điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến việc phê duyệt – lựa chọn nhà đầu tư các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT vốn đầy dẫy những điểm phi lý, đáng ngờ. Hành động đầu tiên là sử dụng du đãng hành hung những người phản đối, đập phá phương tiện của họ (8).
Đối với những cá nhân cứng đầu, khó bảo, đã dùng du đãng dạy bảo nhưng vẫn khăng khăng đòi minh bạch, gây khó khăn cho hoạt động của các trạm thu phí như tài xế Hà Văn Nam thì dẫu cho Thanh tra của chính phủ Việt Nam, Kiểm toán của nhà nước Việt Nam đã từng xác định là cần xem xét lại sự tồn tại của các trạm thu phí này vẫn cương quyết tống vào tù (9).
Việc chính quyền thành phố Hà Nội từng đề nghị dẹp bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài là chuyện năm ngoái, nhiệm vụ năm nay của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là phải giúp "nhà đầu tư" công trình giao thông theo hình thức BOT thu phí trở lại. Cảnh sát giao thông không đủ răn đe thì điều động thêm cảnh sát cơ động, các loại công an khác. Dùi cui chưa đủ để gây ngán ngại thì phát thêm cả AK cho cảnh sát mang (10)…
Sau khi an ninh đã được thắt chặt tại khu vực Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, ông Nguyễn Hữu Trí, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, loan báo, lực lượng vũ trang của tỉnh này đã hoàn tất "phương án bảo đảm an ninh trật tự" cho Tram thu phí Cai Lậy khi trạm này hoạt động trở lại (11). Theo hướng này, các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT sẽ trở thành nơi thể hiện "sức mạnh chuyên chính vô sản" trên con đường "xây dựng chính phủ liêm chính".
***
Hai từ "liêm chính" vốn không mới. Tuy nhiên do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không chuộng, ít dùng trong một thời gian dài nên "liêm chính" trở thành xa lạ với nhiều người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. "Liêm chính" chỉ mới trở lại trên môi, miệng của những người cộng sản khi tình thế, nhân tâm buộc họ phải cam kết "tự chỉnh đốn".
Song nghe vậy đừng… tưởng vậy ! Ngữ nghĩa của "liêm chính" trên môi miệng những người cộng sản đã khác hẳn trước. Muốn biết "liêm chính" theo kiểu cộng sản ra sao, hãy nhìn các diễn biến liên quan đến những trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Đó cũng là cách để giúp hiểu tường tận hơn về "minh bạch" theo kiểu cộng sản.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/03/2019
Chú thích :
(2) https://news.zing.vn/tien-giang-de-xuat-2-phuong-an-thu-phi-tuyen-tranh-cai-lay-post875157.html
(3) https://nhadautu.vn/phat-hien-hang-loat-sai-pham-tai-cac-du-an-bt-bot-d5060.html
(5) https://vov.vn/phap-luat/trum-co-bac-nguyen-van-duong-rua-nghin-ty-qua-du-an-bot-the-nao-840308.vov
(6) http://soha.vn/tram-bot-tai-tinh-thai-binh-chung-ta-biet-la-bat-hop-ly-roi-20180727105308163.htm
(7) https://news.zing.vn/khoi-to-vu-dap-pha-oto-o-tram-bot-bac-hai-van-post918052.html
(8) https://www.tienphong.vn/phap-luat/tai-xe-ha-van-nam-bi-bat-de-dieu-tra-hanh-vi-gay-roi-1385019.tpo
(11) https://tuoitre.vn/0h-ngay-25-3-tram-bot-cai-lay-thu-phi-tro-lai-20190314100804003.htm
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại khuấy động dư luận khi 11/13 dự án đầu tư của PVN ở Venezuela, Peru, Mexico, Congo, Iran, Malaysia, Myanmar, Cambodia, Nga, hoặc mất sạch vốn, hoặc thua lỗ nên giữa chừng phải tìm cách chuyển nhượng (1).
Giàn khai thác của PetroVietnam tại mỏ Bạch Hổ. Hình minh họa. (Ảnh : PVN)
Trong 11 dự án mất vốn, thua lỗ, dự án Junin 2 đang làm cả công chúng lẫn báo giới sôi sùng sục. Junin 2 là tên một dự án đầu tư tại Venezuela, trị giá 12,4 tỉ Mỹ kim. Năm 2010, PVN cam kết góp 40%, liên doanh giữa PVN và Venezuela sẽ vay 60% còn lại.
Giữa năm 2013, PVN quyết định "bỏ của chạy lấy người" sau khi đã góp 90 triệu Mỹ kim và đóng 442 triệu Mỹ kim cho cái gọi là "phí tham gia hợp đồng" (hoa hồng). Tổng số tiền PVN làm mất trong Junin 2 là 532 triệu Mỹ kim (2).
Mãi tới bây giờ, công chúng và báo giới mới xem việc PVN đầu tư vào các dự án thăm dò – khai thác dầu khí ở nước ngoài giống như thiêu thân lao vào lửa. Càng ngày càng nhiều người, nhiều giới chất vấn hệ thống công quyền rằng họ đã làm gì, ở đâu (3) ?
Những câu hỏi như : Tại sao cộng đồng quốc tế đồng loạt cảnh báo về những rủi ro khi đầu tư vào Venezuela mà PVN vẫn lao vào, thậm chí còn chi 442 triệu Mỹ kim "hoa hồng" để được tham gia canh bạc mà không ai thèm chơi ? Tại sao Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ cảnh báo mà không tích cực ngăn chặn trong khi Junin 2 ngốn đến 20% Quỹ Dự trữ ngoại tệ quốc gia ? Tại sao đến 2013 mới quyết định tạm dừng việc đổ thêm vốn vào Junin 2 ?... đang dậy lên như bão.
Bộ Công an Việt Nam vừa cho biết, họ mới yêu cầu PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án Junin 2 để điều tra (4). Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, cựu Tổng Giám đốc PVEP (Tổng Công ty Thăm dò Khai thác dầu khí), doanh nghiệp thay mặt PVN làm chủ đầu tư vào Junin 2, mới vừa từ chức Tổng Giám đốc PVN (5). Dẫu quyết định đầu tư vào Junin 2 đã được xác định là sai lầm, phải sửa bằng cách tạm ngưng đầu tư từ 2013 nhưng ông Sơn vẫn được qui hoạch làm lãnh đạo PVN !
Chuyện ông Sơn đột nhiên từ chức Tổng Giám đốc PVN và ngay sau đó, Bộ Công Thương công bố các thông tin, chính thức xác nhận những dự án mà PVN đã đầu tư bên ngoài Việt Nam là một thứ thảm họa đối với kinh tế quốc gia ở cả hiện tại lẫn tương lai, Bộ Công an loan báo sẽ điều tra… mở đường cho đủ loại ý kiến chỉ trích. Chẳng riêng ông Sơn, những viên chức hữu trách trong nội các Nguyễn Tấn Dũng cũng bị tấn công vì đã không chu toàn "vai trò mà nhân dân kỳ vọng".
Trên các phương tiện truyền thông chính thức, báo giới Việt Nam bắt đầu dẫn tâm sự của một số viên chức hữu trách, tiết lộ họ đã từng lên tiếng can gián, song những phân tích, cảnh báo về Junin 2 của họ bị vứt vào sọt rác. Có cựu bộ trưởng than, ông ta bị một số người ép, cuối cùng phải ký "Giấy Chứng nhận đầu tư" cho PVN đổ tiền vào Junin 2 dù quyết định đầu tư ấy phạm pháp bởi không thông qua Quốc hội. Giải pháp duy nhất mà ông bộ trưởng này có thể làm để tránh vạ là viết báo cáo gửi Bộ Chính trị (6).
Bộ Chính trị có làm gì không ? Không ! Bộ Chính trị không hề làm gì cho dù PVN qua mặt Quốc hội. Cuối cùng, không ai cản được PVN cam kết trả cho Venezuela "hoa hồng" là 1 Mỹ kim/thùng dầu, trong vòng 30 tháng, bất kể có tìm được thùng dầu nào hay không, PVN vẫn trả đủ cho Venezuela khoản "hoa hồng" là 584 triệu Mỹ kim bằng… tiền mặt. Thậm chí liên doanh thăm dò – khai thác dầu khí giữa PVN và Venezuela chưa chào đời, PVN đã chuyển cho Venezuela 300 triệu Mỹ kim…
Trước những tổn thất khổng lồ, những khoản nợ kèm lãi tuy chưa rõ ràng nhưng chắc chắn sẽ hết sức nặng nề cho quốc gia, nhiều người, nhiều giới, kể cả báo giới mới chỉ xoáy vào trách nhiệm của một số cơ quan (Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính,…), tổ chức (PVN, PVEP,…), cá nhân (Đinh La Thăng, Nguyễn Vũ Trường Sơn,…) mà quên vai trò của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị không chỉ màng đến cảnh báo của các viên chức hữu trách mà còn là tác nhân khai phá, mở đường cho PVN đem hàng tỉ Mỹ kim đi vứt.
***
Trong vài năm vừa qua, thiên hạ đã nói xa, nói gần về những dự án đầu tư ra nước ngoài để mua thảm họa của PVN song không có viên chức hữu trách nào của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thèm trả lời. Cho dù biết rất rõ PVN mất trắng 532 triệu Mỹ kim khi đầu tư vào Junin 2, chưa kể hàng chục dự án đầu tư khác rơi vào tình trạng "dở sống, dở chết", chẳng khác gì đem hàng tỉ Mỹ kim đi rải ở nước ngoài từ 2013 nhưng tháng 7 năm 2015, Bộ Chính trị vẫn ban hành Nghị quyết 41/NQ-TW.
Nghị quyết 41-NQ/TW là định hướng của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam về "Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035". Theo đó, PVN tiếp tục được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Nghị quyết 41-NQ-TW xác định sẽ "xây dựng hành lang pháp luật đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN, nhất là quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát ; về cơ chế đầu tư ra nước ngoài" và sẽ "bảo đảm nguồn vốn cho PVN thực hiện các mục tiêu chiến lược".
Chẳng riêng PVN, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Một thống kê được công bố hồi giữa năm ngoái (2018) cho biết, tính đến cuối năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đem bảy tỉ Mỹ kim ra nước ngoài đầu tư và khoảng 30% dự án đang trong tình trạng thua lỗ, hiệu quả sử dụng vốn của phần lớn dự án rất thấp, chưa kể nhiều dự án đối diện với dủ loại rủi ro về pháp lý, thị trường (7).
Đã có khá nhiều người, kể cả đại biểu quốc hội từng tỏ ra bất an, từng đòi hệ thống công quyền Việt Nam cho biết cặn kẽ hơn về hiệu quả đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng không có hồi âm. Phong trào đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn được dùng như một thứ trang sức để minh họa cho sự "tài tình, sáng suốt" của Bộ Chính trị trong quá trình thực thi quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam. Những dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra nước ngoài còn được sử dụng để chứng minh "cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước chưa bao giờ được như ngày nay". Chi phí sắm phương tiện chứng minh dẫu mắc nhưng Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đâu có trả.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/03/2019
Chú thích :
(3) https://tuoitre.vn/te-hon-ca-mot-canh-bac-20190315080050286.htm
(4) https://tuoitre.vn/dieu-tra-sai-pham-trong-du-an-dau-khi-ti-usd-tai-venezuela-20190313163809484.htm
*******************
Nguyễn Tấn Dũng ‘bị khui’ trong vụ PVN đầu tư ngàn tỷ ở Venezuela (Người Việt, 17/03/2019)
Cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, nhà báo Hoàng Hải Vân nêu đích danh nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư dầu khí ở Venezuela.
Nguyễn Tấn Dũng, tại thời điểm năm 2012. (Hình : Getty Images)
Trong lúc các báo nhà nước đồng loạt đưa tin về cuộc điều tra về dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela, nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, bất ngờ viết trên trang cá nhân về mối liên quan của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vụ này.
Ông Hoàng Hải Vân viết trên Facebook : "Năm 2007, chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng cho phép PVN do ông Đinh La Thăng đứng đầu, đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela. Một liên doanh sau đó được ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela, gọi là ‘Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2,’ với tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD, liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỷ USD ; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỷ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với sô vốn góp là 1,24 tỷ USD. Cộng với một khoản chi kỳ quái gọi là ‘phí tham gia hợp đồng’ (bonus) 584 triệu USD, tổng vốn của phía Việt Nam phải bỏ ra là 1,82 tỷ USD…".
Một câu hỏi được ông Hoàng Hải Vân đặt ra trong bài viết : "Cuộc ‘đánh bạc’ ở Venezuela đang được điều tra. Ông Thăng chắc sẽ phải thêm một lần nữa hầu tòa. Một loạt cựu quan chức dầu khí sẽ tiếp tục vào lò, một loạt quan chức các bộ, ngành có liên quan chắc chắn sẽ bị liên đới. Vấn đề là, PVN không thể tự mình vượt qua thẩm quyền của Quốc hội để mang hàng trăm triệu, hàng tỉ đô la ra phung phí. Ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng lẽ vô can ?".
Cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên cũng đưa bình luận trên mạng xã hội : "Một dự án đầu tư lớn như trên mà không thông qua Quốc hội thì dù vì lý do gì cũng là chà đạp luật pháp. Tôi cũng nghe nói người mang phiếu đến xin ý kiến từng ủy viên Bộ Chính trị là ông Thăng, người sai ông Thăng làm việc đó chỉ có thể là ông Dũng. Dùng ý kiến đa số Bộ Chính trị thay cho sự phê chuẩn của Quốc hội, ông Dũng đã ngồi xổm lên Hiến pháp".
Đáng lưu ý, ông Hải Vân mạnh miệng chỉ đích danh ông Nguyễn Tấn Dũng trong lúc tất cả các báo nhà nước khi đề cập vụ này chỉ viết thoáng qua và chung chung là "thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng đầu tư dự án" mà không nêu danh tính người đứng đầu chính phủ thời điểm đó.
Chưa dừng lại ở đó, ông Hoàng Hải Vân còn nêu ra cả ông Nông Đức Mạnh, người đứng đầu Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó.
"Và người đứng đầu Bộ Chính trị lúc đó là ông Nông Đức Mạnh chẳng lẽ không biết, nếu biết thì sao không ngăn cản, nếu không biết không ngăn cản thì ông làm những việc gì ?", ông Hoàng Hải Vân viết.
Khi cuộc điều tra vụ đầu tư dầu khí "mất trắng hàng trăm triệu đô" tại Venezuela hồi đầu thập niên 2010 đang diễn ra thì ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, tổng giám đốc PVN bất ngờ từ chức. Điều này làm dấy lên những bàn tán về việc các "sếp" trong ngành dầu khí sẽ bị xử lý như thế nào.
Trong bài báo "Sếp lớn PVN thời ông Đinh La Thăng : Cả loạt từ chức, vướng lao lý" đăng hôm 15 tháng Ba, báo VietnamNet hai lần nhắc tên ông Nguyễn Tấn Dũng là người "ký quyết định để ông Sơn (Nguyễn Xuân Sơn) thôi chức chủ tịch PVN vào tháng Bảy, 2015" và "ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Khánh giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng thành viên PVN hồi tháng Giêng 2016". Ông Sơn bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản" hồi năm 2017 trong lúc ông Khánh bị tuyên án 7 năm tù hồi năm 2018. (T.K.)
Thân nhân Lý Vũ Hảo, 26 tuổi, dân Cà Mau chỉ có thể thở dài, ngậm ngùi vì anh vắn số. Sẽ không có ai chịu trách nhiệm về chuyện đặt một khối bê tông giữa làn đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, dành cho xe hai bánh gắn máy.
Dải bê tông gây chết người. (Hình : Trích xuất từ trang web vietnamnet.vn)
Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh bảo rằng, việc Hảo uổng tử khi đâm vào khối bê tông là… đáng tiếc ! Khối bê tông ấy nằm giữa đường không phải do bất cẩn. Giới hữu trách xác nhận, họ chủ động đặt nó ở đó để chặn xe hơi đi vào làn đường vốn chỉ dành riêng cho xe hai bánh gắn máy và hai năm nay, ý tưởng đó rõ ràng là hữu dụng, chưa làm ai chết hay bị thương. Giờ, sau khi Hảo uổng tử, họ sẽ nghiên cứu tìm một giải pháp khác, chẳng hạn thay vật liệu làm chướng ngại vật bằng… cao su (1).
Chắc chắn Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh không nói ngoa về chuyện xe hơi xông vào làn đường dành cho xe hai bánh gắn máy từng khiến giao thông trên đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây trở nên hỗn loạn, tắc nghẽn. Vấn đề nằm ở chỗ, dẫu có nhiều giải pháp để ngăn chặn, xóa bỏ hiện tượng này nhưng Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, UBND quận 2 nhất trí chọn giải pháp đơn giản nhất và cũng là giải pháp nguy hiểm nhất cho người tham gia giao thông - dựng chướng ngại vật giữa đường.
Các cơ quan, viên chức hữu trách có biết đem chướng ngại vật kiên cố dựng giữa đường nguy hiểm ra sao không ? Họ không chỉ biết mà còn biết rất rõ ! Phân biện sau khi Lý Vũ Hảo uổng tử, Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, họ đã gắn nhiều biển cảnh báo (có chướng ngại vật phía trước, giảm tốc độ), ngoài ra còn tạo năm gờ giảm tốc. Thế thì tại sao các cơ quan, viên chức hữu trách lại chọn giải pháp này ? Chỉ có một câu trả lời : Vì giải pháp đó đơn giản, dễ thực hiện và để rũ bỏ trách nhiệm, họ sử dụng các biển báo, gờ giảm tốc chuyển nghĩa vụ gánh vác ẩn họa sang phía tham gia giao thông.
***
Từ khi Việt Nam có cao tốc, quản lý – điều hành hoạt động giao thông trên cao tốc phát sinh đủ thứ chuyện để bàn : Chạy ngược chiều (2), lùi xe (3), trải bạt ăn uống trên làn dành cho trường hợp khẩn cấp (4), dàn hàng ngang để chụp ảnh (5)… Chẳng cần chờ giới hữu trách lên tiếng, công chúng vẫn nhận ra, lên án lối hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm cả với tính mạng của những cá nhân có liên quan đến scandal lẫn người khác trên cao tốc. Thậm chí việc truy cứu trách nhiệm, xử phạt những kiểu hành xử như đã kể trên cao tốc luôn luôn đi sau cả dư luận lẫn công luận.
Vì sao một số không nhỏ cá nhân tham gia giao thông xem – sử dụng cao tốc như… đường làng ? Xét cho kỹ, lối hành xử thiếu ý thức, vô trách nhiệm cả với tính mạng của mình lẫn người khác trên cao tốc phát xuất từ cách quản lý – điều hành cao tốc của hệ thống công quyền cũng chắc khác gì quản lý – điều hành… đường làng. Đặt chướng ngại vật kiên cố giữa làn đường dẫn vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây chính là một ví dụ minh họa cho kiểu quản lý – điều hành đó. Không chỉ có vậy !
Quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên Bộ Giao thông và vận tải cho phép xe bồn chở nước nhẩn nha tưới cây trên dải phân cách cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, khiến xe đò đâm vào đuôi xe bồn làm năm người mất mạng (6). Quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên việc vệ sinh, bảo dưỡng, xử lý các vấn đề phát sinh trên cao tốc (tai nạn, thu nhặt chướng ngại vật,…) ở Việt Nam khác hẳn thiên hạ. Thiên hạ buộc phải rải cọc phân luồng (7), đặt đèn, dựng các loại biển báo hiệu cách điểm cần vệ sinh, bảo dưỡng, tai nạn, thu nhặt chướng ngại vật hàng cây số, điều động cảnh sát giữ an toàn cho cả công nhân, nhân viên cứu nạn, lẫn tài xế (8) nhưng Việt Nam không bận tâm. Dù công nhân làm việc trên cao tốc uổng tử vì thiếu các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt (9) nhưng không ai màng. Thậm chí, vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Giao thông và vận tải, Bộ Giao thông và vận tải còn điều động sinh viên Đại học Giao thông và vận tải và nhân viên ra cao tốc nhặt, quét rác (10).
Cũng với lối quản lý – điều hành cao tốc như… đường làng nên Bộ Công an vẫn để cảnh sát giao thông tới lui, chặn đầu các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc. Năm 2017, một sĩ quan Cảnh sát giao thông chết, một sĩ quan khác trọng thương khi chặn đầu một xe hai bánh gắn máy lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (11), một sĩ quan Cảnh sát giao thông khác chết trên cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương (12). Tuy nhiên việc lập chốt giữa cao tốc, chặn đầu các phương tiện đang lưu thông với tốc độ cao vẫn tiếp diễn. Năm ngoái, vì bị chặn đầu, buộc phải dừng xe trên cao tốc vì Cảnh sát giao thông muốn… kiểm tra, một người dân uổng mạng, một Cảnh sát giao thông trọng thương (13), công chúng phẫn nộ đòi khởi tố nhóm Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra trên cao tốc nhưng vô hiệu vì không có qui phạm pháp luật nào cấm (14). Xem cao tốc như… đường làng nên hệ thống tư pháp thản nhiên khởi tố, tống giam, phạt tù tài xế tông vào chiếc xe đang di chuyển trên cao tốc đột nhiên chạy giật lùi !
***
Khi cao tốc – đặc trưng của hệ thống giao thông hiện đại – được quản lý, điều hành theo kiểu… đường làng, rõ ràng còn lâu, việc sử dụng cao tốc mới văn minh. So với cách nay ba thập niên, dù hệ thống giao thông tốt hơn nhưng trật tự, an toàn giao thông tồi tệ hơn, bởi quản lý – điều hành giao thông vẫn giống như đang nằm trong tay các… trưởng thôn, trưởng bản. Cũng vì vậy mới có những chuyện như dựng chướng ngại vật giữa đường để ngăn không cho xe hơi đi vào làn dành riêng cho xe hai bánh ! Tư duy quản lý – điều hành giao thông chỉ ở tầm thôn, bản nên mới có chuyện tổ chức nhặt, quét rác trên cao tốc để kỷ niệm… ngày truyền thống của ngành Giao thông và vận tải, hay lập chốt chặn đầu các phương tiện đang lưu thông trên cao tốc để… kiểm tra, hoặc buộc người mất giấy phép lái xe phải thi lại để chống tình trạng một số tài xế từng vi phạm luật giao thông lạm dụng việc cấp lại giấy phép lái xe, vô hiệu hóa các hình thức chế tài.
Tại Việt Nam, số người uổng mạng vì tai nạn giao thông hàng năm vẫn ở mức chục ngàn. Trong vài năm gần đây, hệ thống công quyền loan báo, thiệt hại nhân mạng do tai nạn giao thông đang giảm. Đầu năm nay, Bộ Công an cho biết, số người uổng mạng vì tai nạn giao thông tiếp tục giảm, trong cả năm 2018 chỉ có… 8.248 người uổng mạng do tai nạn giao thông, thấp hơn năm 2017. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đồng ý cả về nhận định lẫn số liệu. WHO cho biết, sau khi ứng dụng mô hình xử lý tất cả các yếu tố đầu vào có ảnh hưởng đến tai nạn giao thông (mức độ an toàn của phương tiện giao thông, mức độ an toàn của hạ tầng, thực trạng thực thi pháp luật), máy móc xác định, số người uổng mạng vì tai nạn giao thông trong năm 2018 ở Việt Nam là 22.409 người. Chẳng riêng WHO, dựa trên dữ liệu tử vong mà hệ thống y tế ghi nhận, Bô Y tế cho rằng, số người uổng mạng vì tai nạn giao thông trong năm 2018 là 15.856 – gần gấp đôi con số do Bộ Công an công bố (15).
Có nhiều bằng chứng cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không quý uy tín, chẳng thèm bận tâm đến niềm tin của công chúng nơi mình. Không thiếu những bằng chứng khác cho thấy, ngay cả nhân mạng – vốn vẫn được thiên hạ xem như vô giá - hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cũng không màng. Chẳng riêng mạng công dân, mạng công nhân, sinh viên, nhân viên ngành Giao thông và vận tải, ngay cả mạng công an cũng không có gì đáng để quý. Cứ quan sát lề lối quản lý – điều hành cao tốc sẽ nhận ra ngay điều đó. Nếu lui lại một chút để nhìn sang các lĩnh vực khác ắt sẽ thấy y hệt như vậy : Không có gì quý. Do vậy, loạn là tất nhiên. Ổn định mới lạ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/03/2019
Chú thích :
(3) https://vov.vn/vov-binh-luan/lui-xe-tren-cao-toc-dung-dua-gion-voi-sinh-mang-con-nguoi-838847.vov
(6) https://news.zing.vn/vu-7-nguoi-chet-tren-cao-toc-xe-bon-vo-can-post410576.html
(7) https://www.youtube.com/watch?v=qkwZLJ9GwsU
(8) https://www.youtube.com/watch?v=z96ZIqNuZp8
(10) http://danviet.vn/tin-tuc/tranh-cai-nay-lua-viec-sinh-vien-quet-rac-tren-cao-toc-616130.html
Dẫu Bộ Khoa học và công nghệ loan báo chính phủ Việt Nam đã ra lệnh tạm ngưng thẩm định Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 12607:2019) nhưng cả dư luận lẫn công luận vẫn chưa lắng xuống.
Nhiều sản phẩm nước mắm được làm nhái thương hiệu Phú Quốc khiến người tiêu dùng thận trọng
Cả công chúng lẫn hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang nhắm vào Masan – tập đoàn tư nhân chuyên sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng và đang được xem là bá chủ thị trường nước mắm.
***
Nhiều chuyên gia, chủ cơ sở sản xuất nước mắm đã phân tích cặn kẽ những bất hợp lý trong TCVN 12607:2019, thậm chí cáo buộc bộ phận soạn thảo TCVN 12607:2019 có gian ý, cố tình biến nước mắm công nghiệp (hỗn hợp chỉ có một lượng nước mắm nhất định, phần còn lại là nước kèm nhiều yếu tố nhân tạo như đường hóa học, chất tạo hương, chất tạo màu, chất tạo vị, chất tạo độ sệt, chất bảo quản) thành nước mắm, thay đổi nguyên nghĩa nước mắm.
Ngoài gian ý, bộ phận soạn thảo TCVN 12607:2019 còn bị cáo buộc là có ác ý khi đặt định những chỉ tiêu vô bổ, những đòi hỏi xa lạ với thực tế sản xuất nước mắm, sai lạc ở góc độ khoa học, vệ sinh – an toàn thực phẩm, mà chắc chắn các cơ sở sản xuất nước mắm không thể đáp ứng, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp mới dễ dàng hội đủ. Cũng vì vậy, sản xuất nước mắm sẽ cáo chung, thị trường nước mắm trị giá hàng chục ngàn tỉ sẽ lọt vào tay các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp.
Mức độ nghi ngại về gian ý đối với nước mắm, tính chất nghiêm trọng từ các cáo buộc về ác ý của hệ thống công quyền đối với các cơ sở sản xuất nước mắm đang gia tăng. Chẳng riêng công chúng, hệ thống truyền thông chính thức đang vạch ra hàng loạt yếu tố bất thường liên quan tới TCVN 12607:2019. Ví dụ lúc đầu (2017), bộ phận soạn thảo mời ông Lê Trần Phú Đức, đại diện giới sản xuất nước mắm tham gia. Các thành viên đồng thuận phải có sự phân biệt rạch ròi giữa nước mắm và nước mắm công nghiệp
Tuy nhiên suốt năm 2018, bộ phận soạn thảo TCVN 12607:2019 không "dùng" ông Đức - nhân vật được xem như đại diện của giới sản xuất nước mắm – nữa. Mãi đến cuối tháng trước, qua báo chí, ông Đức mới biết diện mạo mới của TCVN 12607:2019. Ông Đức bảo ông không ngạc nhiên khi diện mạo của TCVN 12607:2019 khác hẳn lúc đầu. Từ đầu 2019, khi đại diện cho tập đoàn Masan tham gia soạn thảo TCVN 12607:2019, ông đã nhận ra đó là một "cuộc chiến" (1). Nếu điều ông Đức nói về sự thay đổi "diện mạo" của TCVN 12607:2019 là đúng, cần phải tìm hiểu tại sao chuyện ấy đã xảy ra, và xảy ra như thế nào.
Chuyện chưa ngừng ở đó, sau khi dư luận dậy lên thành bão, thượng tuần tháng này, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nơi đảm nhận vai trò soạn thảo TCVN 12607:2019, tổ chức một cuộc họp báo để biện giải. Bà Trần Thị Dung, người được xem như một chuyên gia về nước mắm, nhân vật từng "tả xung, hữu đột" chống chiến dịch đầu độc nhận thức của công chúng rằng "nước mắm nhiễm thạch tín" bị đuổi ra khỏi phòng họp khi toan phát biểu (2).
Cuộc họp báo vừa kể bị chỉ trích còn vì không mời bất kỳ đại diện nào của giới sản xuất nước mắm, các chuyên gia được Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản mời đến để trả lời những thắc mắc liên quan tới "Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm" mà báo giới nêu ra chỉ chuyên về an toàn thực phẩm, không có chuyên gia nào từng nghiên cứu và thật sự am tường về nước mắm, cũng như sản xuất nước mắm. Ban Tổ chức giải thích họ đuổi bà Dung vì họp báo khác với… hội nghị khoa học !
***
Cho dù việc ban hành TCVN 12607:2019 đã bị chặn lại nhưng rất nhiều người tin rằng đó chỉ là khoảng lặng trước một trận bão khác. Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cảnh báo, cả gian ý lẫn ác ý với nước mắm vẫn còn nguyên. Nhắc lại thảm nạn cách nay ba năm, giới sản xuất nước mắm chới với vì đợt tuyên truyền "nước mắm nhiễm thạch tín", ông Hưng đề nghị giới sản xuất nước mắm phải góp ý để sản xuất nước mắm có thể phát triển bền vững (3).
Với thực tế như vừa qua, chẳng ai dám khẳng định, nước mắm sẽ không bị "đánh" nữa. Bao giờ giới sản xuất nước mắm buông bỏ sự nghiệp, thị trường vì không chịu nổi áp lực tâm lý về chuyện sẽ bị đánh, chỉ không biết bị đánh kiểu nào, vào đâu, sẽ mất thêm những gì ? Trong tình cảnh như thế, có bao nhiêu người yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất ? Riêng Phú Quốc có 2.600 tàu cung cấp nguyên liệu cho 53 cơ sở sản xuất 22 triệu lít nước mắm/năm. Sản xuất nước mắm lận đận, bấp bênh như thế, ngư nghiệp ra sao ?
Sau Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, Cục Chế biến – Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giờ có thêm Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ tham gia vào việc định danh, định tính của… nước mắm. Cho dù với người Việt, nước mắm là một thứ "quốc hồn, quốc túy" nhưng chẳng có gì bảo đảm việc đặt định tiêu chuẩn quốc gia về nước mắm sẽ không tạo ra một scandal nữa.
Việc định danh, định tính nước mắm trở thành phức tạp vì người ta ước tính, thị trường nước mắm ở Việt Nam trị giá 11.300 tỉ đồng (4). TCVN 12607:2019 xới lên hàng loạt thắc mắc đã từng làm dư luận dậy sóng cách nay ba năm : Gian thương nào dẫn dắt một chuỗi tổ chức và cơ quan truyền thông phát tán kết quả, thông tin ngụy tạo, nước mắm nhiễm thạch tín khiến giới sản xuất nước mắm lao đao. Đến giờ, chỉ có một số cá nhân, tổ chức, 50 cơ quan truyền thông bị xử phạt (5), còn gian thương chưa bị vạch mặt, chỉ tên (6).
Đang có rất nhiều cáo buộc rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bị lũng đoạn nên luôn luôn đứng về phía có dã tâm triệt hạ nước mắm. Không chỉ có công chúng, một số chuyên gia và cơ quan truyền thông khẳng định, việc Masan – doanh nghiệp chuyên sản xuất nước mắm công nghiệp – tham gia soạn thảo TCVN 12607:2019 là không bình thường (7). Cần xác định thực, hư đối với thông tin này. Việc các doanh nghiệp sản xuất nước mắm gặp đủ thứ khó khăn từ phía Bộ Nội vụ khi xin thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam cũng mới được nêu ra và cũng được cho là có liên quan đến Masan (8). Các Bộ, Ngành liên quan đến trách nhiệm cấp phép thành lập hội cần làm sáng tỏ dư luận này.
Tuy một Phó Thủ tướng Việt Nam vừa yêu cầu các bộ hữu trách phải nghiên cứu kỹ ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn nước mắm, tổ chức đối thoại để tạo sự đồng thuận, không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng nhưng chưa có cơ sở đủ vững để tin việc định danh, định tính, xác lập tiêu chuẩn nước mắm sẽ suôn sẻ, tốt đẹp.
Năm 2018, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã thừa nhận chỉ tiêu histamin trong Bộ Tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm không hợp lý và cam kết sẽ vận động để nới rộng chỉ tiêu này, tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất cảng nước mắm. Sau đó, Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được giao cho Cục Chế biến – Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn soạn thảo. TCVN 12607:2019 vẫn khống chế tỉ lệ histamin trong nước mắm (9).
Nếu thật sự cầu thị, thật tâm xem minh bạch là nền tảng cho kiến tạo, việc chính phủ Việt Nam cần làm ngay là tổ chức điều tra, buộc các cá nhân, cơ quan hữu trách trả lời rạch ròi tại sao trong vài năm gần đây, việc định danh, định tính nước mắm lại lằng nhằng, phát sinh vô số điểm bất thường khiến công chúng và doanh giới bất bình, nghi ngại như vậy. Đó là cách hữu hiệu nhất để chứng tỏ chính phủ không chấp nhận chuyện bị lũng đoạn về chính sách. Đó cũng là giải pháp tốt nhất để bảo vệ thanh danh cho Masan.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/03/2019
Chú thích :
(3) https://tuoitre.vn/du-thao-san-xuat-nuoc-mam-ho-tam-dung-thoi-se-tiep-tuc-20190312171024631.htm
(4) https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-506-3316731
(5) https://tuoitre.vn/xu-phat-50-co-quan-bao-chi-vu-nuoc-mam-1222939.htm
(6) https://tuoitre.vn/vu-nuoc-mam-sao-roi-sao-roi-la-sao-20190311075848027.htm
(7) https://vov.vn/xa-hoi/masan-tham-gia-xay-dung-tieu-chuan-nuoc-mam-viet-nam-885398.vov
(8) https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-kho-thanh-lap-hiep-hoi-nuoc-mam-truyen-thong-viet-nam-885171.vov
Hệ thống truyền thông chính thức đang quảng cáo cho quy hoạch nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương tại Việt Nam, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 . Ảnh : TTXVN (07/12/2018)
Sau cam kết đổi mới việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo từ địa phương đến trung ương của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, tiến trình lựa chọn cán bộ chủ chốt, cán bộ chiến lược đang được ca ngợi là chặt chẽ, khách quan.
Qua đài phát thanh quốc gia (VOV) – một trong những cơ quan ngôn luận của chính phủ, ông Nguyễn Đức Hà, chuyên gia cao cấp về… Xây dựng Đảng, mới khẳng định, qui hoạch nhân sự lần này sẽ sàng lọc kỹ, loại bỏ những người bất xứng.
Ông Lê Văn Cương, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an thì khen, thay đổi quy hoạch nhân sự, chỉ lựa chọn, sắp đặt nhân sự cho một chứ không phải là nhiều nhiệm kỳ như trước chắc chắn giúp chất lượng quy hoạch tốt hơn, cao hơn.
Cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp thì đoan chắc, việc chuẩn bị sớm về nhân sự lãnh đạo đảng để sắp đặt trước lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền các cấp là bằng chứng về sự thận trọng, bài bản (1).
***
Ông Vì Văn Hà vừa tái đắc cử và sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc của thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, một nhiệm kỳ nữa.
Mặc dù bị kỷ luật nhiều lần vì các hành vi như đánh, bắt người dân chui qua háng, chửi bới, hành hung lãnh đạo… ông Vì Văn Hà vẫn được “ưu ái” giới thiệu tái cử vào chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc khóa mới của thị trấn Lang Chánh - Ảnh http://xunghe360.vn
Cứ như tường thuật của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì ông Hà là một nhân vật nổi như cồn. Năm 2006, lúc đang là Trưởng Công an thị trấn Lang Chánh, sau khi dùng tay, chân… dạy dỗ một người dân ở làng Cui, xã Đồng Lương, cảm thấy chưa đủ tác dụng răn đe, giáo dục nên ông Hà dạng chân buộc nạn nhân phải luồn dưới trôn của mình. Sau scandal này, ông Hà bị… cảnh cáo thôi làm Trưởng Công an thị trấn và được điều động qua Ban Chỉ huy Quân sự, đảm nhận vai trò Xã đội phó.
Năm 2008, sau khi gây náo loạn nội bộ vì mạt sát đồng chí, ông Hà thôi làm Xã đội phó để đảm nhận vai trò… Phó Chủ tịch thị trấn Lang Chánh ! Phó Chủ tịch Vì Văn Hà hết đánh nhân viên trong Văn phòng thị trấn, tới chửi Bí thư, Chủ tịch thị trấn nên bị kỷ luật, thôi làm Phó Chủ tịch để đảm nhận vai trò Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn. Cuối năm 2017, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Vì Văn Hà chửi bới, hành hung Phó Chủ tịch, Phó Bí thư và bị… khiển trách.
Cuối năm 2018, Đảng ủy thị trấn Lang Chánh tổ chức Hội nghị Đánh giá – Lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, có 63% đảng viên xếp ông Hà vào loại "tín nhiệm thấp". Tương tự, có 47% viên chức chính quyền thị trấn Lang Chánh xếp ông Hà vào loại "tín nhiệm thấp". Tuy nhiên sau đó, ông Hà vẫn được giới thiệu tái ứng cử và tái trúng cử để tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lang Chánh nhiệm kỳ mới !
Bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư thị trấn Lang Chánh, thừa nhận, suốt từ năm 2006 đến nay, ông Hà vi phạm đủ thứ nhưng khi thực hiện "quy trình nhân sự" cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc thị trấn, thường trực Đảng ủy thị trấn đã xin ý kiến Thường trực huyện ủy Lanh Chánh về trường hợp ông Hà và Huyện ủy Lang Chánh nhất trí tiếp tục chọn ông Hà làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lang Chánh.
Một Phó Bí thư của Huyện ủy Lang Chánh bảo với phóng viên Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh là hồ sơ nhân sự liên quan tới ông Hà mà Mặt trận Tổ quốc huyện Lang Chánh chuẩn bị không có bất kỳ sai sót nào ! Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Lang Chánh thì biện bạch là nơi này chỉ thẩm định hồ sơ do thị trấn giới thiệu. Các sai phạm của ông Hà, tuy tỉ lệ "tín nhiệm thấp" của ông Hà cao nhưng cả hai yếu tố đều không liên quan gì tới chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc mà ông Hà đảm nhận !
***
Song song với những hứa hẹn, tuyên bố cải sửa quy hoạch – lựa chọn cán bộ cấp chiến lược nói riêng và cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương tới trung ương nói chung là những câu chuyện rất cụ thể như chuyện ông Vì Văn Hà. Đâu phải tự nhiên mà sai phạm trở thành cơ hội được điều chuyển, đặt để vào những vị trí cao hơn, nhiều quyền lực hơn trở thành vấn nạn nan giải (3).
Nếu Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục thay mặt hàng trăm triệu người, lựa chọn – sắp đặt những cá nhân dẫn dắt quốc gia, dân tộc theo quy hoạch mà mục tiêu vẫn chỉ nhằm duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình thì chẳng có qui trình nào giúp chọn được những cá nhân "thật sự tài năng, đức độ". Ông Hà như vậy, tỉ lệ tín nhiệm như thế nhưng vẫn được giới thiệu tái ứng cử, tái đắc cử và không nơi nào thấy sai thì hệ thống vừa giữ vai trò giám sát, vừa thực thi sàng lọc, sắp đặt có đáng tin không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/03/2019
Chú thích :
(2) https://plo.vn/thoi-su/bat-dan-chui-hang-de-doa-lanh-dao-van-lam-chu-tich-mttq-821211.html
"Họa vô đơn chí" rõ ràng đang ứng vào ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải Việt Nam.
Dẫu không mong nhưng giờ, ông Thể vẫn trở thành thành viên… "nổi" nhất trong nội các của ông Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu trước một ủy ban Quốc hội, tháng 3/2019
***
Xét cả về tính chất lẫn mức độ, ông Thể đã, đang và sẽ còn "nổi" rất lâu. Ngay cả khi các vấn nạn mà các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT gây ra cho chính trị, kinh tế, xã hội đã được giải quyết xong, chắc chắn ông Thể vẫn còn "nổi" lều bều như một ví dụ sinh động, minh họa cho một giai đoạn nhiều chuyện đáng bàn.
Trong mắt công chúng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông và vận tải Việt Nam đã chết, chính trường Việt Nam giờ chỉ còn ông Thể với hỗn danh Thể… "cá tra", hỗn danh này phổ biến tới mức, nhiều người sử dụng mạng xã hội bỡn cợt "thả cá trê", không thèm giải thích thì ai cũng biết đó là… ai và tại sao !
Bị công chúng miệt thị, rủa xả, ông Thể có… thốn không ? Có ! Thực tế cho thấy, ông không để sót cơ hội nào để "giải độc dư luận". Sau một thời gian dài bị cáo buộc là người đỡ đầu cho các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam, dung dưỡng cho chủ đầu tư các trạm BOT này bóp cổ dân lành (1), thông qua báo giới, ông Thể phân bua với công chúng rằng đó là lỗi lầm của nhiệm kỳ trước.
Không may cho ông Thể là công chúng chưa quên rằng nhiệm kỳ trước, tuy không phải là Bộ trưởng Giao thông và vận tải nhưng ông vẫn là Thứ trưởng và trực tiếp phê duyệt nhiều văn bản hỗ trợ tận tình cho các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Cũng vì vậy, không ít facebooker đùa như Mai Quốc Ấn từng đùa : Bộ trưởng Thể hiện nay cần kỷ luật Thứ trưởng Thể của nhiệm kỳ trước (2) !
Ở nhiệm kỳ này, dẫu Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước từng công bố kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy, hàng loạt công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT hết sức đáng ngờ về việc lựa chọn chủ đầu tư, cách tính toán tổng vốn đầu tư, phương thức xác định thời gian thu phí, vị trí đặt trạm thu phí nhưng ngoại trừ đề nghị đổi thu phí thành thu… giá, ông Thể không làm gì cả !
Cho dù ông Thể ra sức biện bạch, thu… giá hợp lý hơn vì đó là quan hệ riêng tư giữa phía cung cấp dịch vụ và phía sử dụng dịch vụ, khác với thu phí phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng thu… giá vẫn tắc tử ! Tác dụng duy nhất của sáng kiến đổi thu phí thành thu… giá là công chúng không bán tín, bán nghi nữa mà đoan chắc như đinh đóng cột là ông Thể… có gì đó với chủ các trạm thu phí BOT.
Ông Thể mới thề là ông không… xơ múi gì trong các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT (3) nhưng rõ ràng là chẳng ai tin, thiên hạ không vì các trạm thu phí BOT trước sao thì giờ vẫn vậy. Chẳng riêng dân chúng, ngay cả Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đồng thanh tuyên bố, các trạm thu phí BOT không ổn thì Bộ Giao thông và vận tải vẫn tụ thủ bàng quan.
Từ đầu năm tới nay, phản ứng của dân chúng đối với các trạm thu phí BOT càng lúc càng quyết liệt. Động tác duy nhất mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thực hiện là bắt những người tích cực nhất trong chuyện gây áp lực với các trạm thu phí BOT để Bộ Giao thông và vận tải phải làm gì đó coi cho được. Không phải tự nhiên mà công chúng rủa ông Thể kịch liệt hơn khi Hà Văn Nam bị bắt, sáu người khác bị khởi tố (4).
Hà Văn Nam, 38 tuổi là một tài xế tham gia nhiều hoạt động phản đối các trạm thu phí BOT bị công chúng xác định là "bẩn" vì thời gian được phép thu phí dài đến mức phi lý, vì được phép đặt ở những vị trí vô lý để có thể buộc cả những phương tiện không sử dụng công trình giao thông đã đầu tư theo hình thức BOT phải trả phí. Chỉ vì chống các trạm thu phí BOT bẩn, Nam bị du đãng hăm dọa nhiều lần, thậm chí bị bắt giữ, đánh đập.
Giống như nhiều người, Chau Doan xem việc bắt Hà Văn Nam và khởi tố sáu người khác với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" tại trạm thu phí BOT Phả Lại là một "cú đạp vào mặt lương tri". Sự trắng trợn ấy cho thấy đẳng sau các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT là thế lực "bẩn" mà quyền lực "thật sự khủng khiếp", người Việt không nên thờ ơ nữa vì đó chính là dung dưỡng điều ác (5).
Trong bối cảnh dư luận như cuồng phong, ở vị trí Bộ trưởng Giao thông và vận tải, ông Thể bị buộc phải hành động. Không thể đụng đến BOT bẩn, ông Thể phải chứng tỏ, ít ra ông cũng có thể lập lại trật tự trong giao thông vốn hỗn loạn chẳng kém. Tuy nhiên ý tưởng buộc những người làm mất bằng lái xe phải thi lại không những không đem lại cho ông điểm nào mà còn làm hình ảnh của ông trở thành thảm hại hơn.
Ý tưởng này không chỉ chọc cho công chúng chửi, ý tưởng đó còn gây cho báo chí thuộc hệ thống truyền thông chính thức và một số cá nhân từng là viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cảm thấy ngứa ngáy. Nếu công chúng rần rần huỵch toẹt ông Thể "ngu quá, Thể" (6) thì hệ thống truyền thông chính thức – vốn "kiềm chế" tốt hơn - chê "sai quá, Thể" (7).
Chẳng phải chỉ có ông Trần Khắc Tâm, một cựu đại biểu Quốc hội than : Bó tay (8) ! – mà còn nhiều viên chức như ông Nguyễn Đình Quyền, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, ông Lê Hồng Sơn, cựu Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, cho đó là lạm quyền, vô đạo (9), kém cỏi trong tư duy, hoạch định chính sách (10)…
***
Ông Thể đang loay hoay "giải độc dư luận", song song với VTV (đài truyền hình quốc gia) giúp ông phân bua (đề nghị buộc thi lại nếu mất bằng lái xe nhằm ngăn chặn những tài xế vi phạm luật giao thông bị thu bằng lái có thể dễ dàng vô hiệu hóa hình thức chế tài này), ông Thể cấp tốc ban hành công điện, yêu cầu hệ thống trực thuộc Bộ Giao thông và vận tải phải sớm đặt định những giải pháp liên quan tới đào tạo lái xe hiệu quả hơn…
Liệu điều đó có giúp mặt ông Thể sạch hơn không ? Chắc chắn là không ! Chẳng riêng ông Thể, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam càng ngày càng nhiều viên chức hữu trách thuộc đủ mọi cấp, ở đủ mọi ngành, kể cả những ngành mà bản chất vốn dĩ gắn chặt với kiến thức, tư cách như giáo dục, y tế… tự bôi rồi tự rửa nhưng càng rửa, mặt mũi, uy tín càng lem luốc.
Luong Ngoc Huynh khuyên, lãnh đạo các cấp cần phải nghĩ trước khi nói. Nếu dốt quá không dám chắc mình nghĩ có đúng không thì nên tham khảo trợ lý, đừng "lên đồng" nữa mà bị vạ miệng (11). Nguyễn Văn Tiến Hùng thì nhìn tình trạng thi nhau "lên đồng" là quá trình "giải thiêng" các viên chức vì chức vụ, bộ mặt, tư duy, cái miệng,… mỗi thứ đi một nẻo (12).
Có xứ nào như Việt Nam, trong mắt công chúng, viên chức càng cao cấp thì uy tín, phẩm giá càng rẻ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/03/20149
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10211281723231375&set=a.2817432207462&type=3&theater
(4) http://soha.vn/vu-gay-roi-tai-tram-bot-pha-lai-bat-mot-tai-xe-de-dieu-tra-20190306183801874.htm
(5) https://www.facebook.com/DoanBaoChau65/posts/10156963226648965
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=150885382590713&set=a.137599383919313&type=3&theater
(7) http://danviet.vn/tin-tuc/mat-gplx-phai-thi-lai-sai-qua-the-961623.html
(8) http://newsliving.net/2019/03/08/toi-chi-noi-mot-cau-bo-tay-bo-truong-the-2/
(9) https://nld.com.vn/thoi-su/mat-bang-lai-phai-thi-lai-day-kho-cho-dan-20190307222458318.htm
(11) https://www.facebook.com/huynh.luongngoc/posts/1171939516315549
Chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường, sớm phê duyệt Đề án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (1).
Nhà máy vàng Phước Sơn đang gặp nhiều khó khăn. Hình minh họa.
Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng từ lâu vì có mỏ vàng với trữ lượng thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á.
Vì nhiều lý do, từ thời Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp đến nay, việc khai thác vàng tại Bồng Miêu liên tục bị gián đoạn. Có lúc quặng vàng chỉ được khai thác theo hình thức thủ công, có lúc được khai thác với qui mô công nghiệp, cũng có những lúc, khai thác vàng ở Bồng Miêu diễn ra ồ ạt với cả hình thức thủ công lẫn qui mô công nghiệp.
Thế rồi Việt Nam mở cửa, giống như nhiều lĩnh vực khác, chuyện khai thác quặng vàng ở Bồng Miêu và Đắk Sa (huyện Phước Sơn), cùng thuộc tỉnh Quảng Nam bị vo lại thành "cơ hội" để mời gọi đầu tư. Năm 1991, "cơ hội" ấy được đặt vào tay Besra, theo giới thiệu của giới hữu trách Việt Nam là một tập đoàn chuyên về khai khoáng ở Úc.
Besra tuyên bố sẽ rót vào Việt Nam 100 triệu Mỹ kim để xây dựng hai nhà máy khai thác quặng vàng tại Bồng Miêu và Đắk Sa trong 25 năm (1991 – 2016). Tất nhiên, suất đầu tư trị giá 100 triệu Mỹ kim mà Besra hứa hẹn được đưa ngay vào… thống kê để tính toán mức tăng trưởng GDP cả cho tỉnh Quảng Nam lẫn… Việt Nam.
Sau 23 năm tạo điều kiện cho Besra khai thác vàng, năm 2014, Cục Thuế Quảng Nam loan báo, Besra đã mang ra khỏi Việt Nam khoảng bảy tấn vàng và chỉ để lại khoản nợ 297 tỉ bao gồm cả tiền thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền phạt do chậm nộp thuế.
Do Cục Thuế Quảng Nam phong tỏa tài khoản ngân hàng, vô hiệu hóa các hóa đơn do hai nhà máy khai thác vàng của Besra ở Bồng Miêu và Đắk Sa phát hành để ép Besra trả thuế,… Besra vừa phản đối, vừa tuyên bố đóng cửa hai nhà máy vàng tọa lạc ở Phú Ninh (Bồng Miêu) và Phước Sơn (Đắk Sa) khiến hàng ngàn công nhân thất nghiệp (2).
Chuyện chưa ngừng ở đó, tin Besra đóng cửa hai nhà máy khai thác vàng đã làm chủ nhiều cơ sở thương mại và doanh nghiệp ở Quảng Nam từng cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho Besra mất ăn, mất ngủ. Theo các thống kê sơ bộ do báo chí Việt Nam thu thập dữ liệu và công bố năm 2014, Besra nợ nhiều người, nhiều nơi, nếu cộng lại cũng cả trăm tỉ.
Besra trở thành một cục xương mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương của Việt Nam lúng túng như gà mắc tóc vì không biết làm sao để… gặm. Thậm chí đến 2016, dẫu giấy phép đầu tư đã hết hạn, các khoản nợ thuế đã tăng từ 297 tỉ lên 410 tỉ (3) nhưng Besra vẫn không chịu ngừng khai thác vàng (4).
Chuyện có vàng, chỉ khai thác mà mạt giống như một bể sầu, lâu lâu rỉ ra vài giọt khiến người Việt tê tái. Tháng 11 năm ngoái, báo chí Việt Nam cho biết, Tòa án tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các thủ tục cho Công ty Vàng Bồng Miêu (một trong hai doanh nghiệp khai thác vàng của Besra ở Quảng Nam) tuyên bố phá sản.
Theo đó, tổng giá trị tài sản hiện tồn của Công ty Vàng Bồng Miêu chỉ có 302 tỉ nhưng tổng nợ (gồm cả nợ các loại thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ các cơ sở thương mại, doanh nghiệp đã cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhưng không được Công ty Vàng Bồng Miêu thanh toán) lên tới… 1.265 tỉ đồng (5) !
Chuyện không chỉ chừng đó, 25 năm Besra khai thác vàng tại Bồng Miêu (Phú Ninh, Quảng Nam), Đắk Song (Phước Sơn) đã hủy diệt cả môi trường lẫn địa mạo hai khu vực này. Chỉ riêng chi phí hoàn thổ, phục hồi địa hình, địa mạo ở những khu vực mà nhà máy khai thác vàng của Besra đã đào bới để lấy quặng vàng tại Bồng Miêu đã là… 19 tỉ !
Đó là chưa kể chi phí hoàn thổ ở Đắc Sa, chi phí xử lý đất đai, suối, sông bị ô nhiễm, đặc biệt là cyanide trong 25 năm Besra khai thác vàng tại Quảng Nam. Ai sẽ phải thanh toán toàn bộ những chi phí ấy ? Ngân sách ! Dân Quảng Nam không gánh nổi thì dân Việt Nam phải gồng thông qua các loại thuế, phí.
***
Giống như vô số chủ trương, kế hoạch, dự án đủ mọi lĩnh vực trên khắp Việt Nam từ trước đến nay, không có bất kỳ cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm khi bỗng dưng Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung thêm tàn, mạt chỉ vì có… vàng. Đến giờ, có bao nhiêu cá nhân nhận trách nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm vì soạn lập, phê duyệt những chủ trương, kế hoạch, dự án thiển cận, vô bổ, thậm chí nguy hại cho môi sinh, môi trường, kinh tế, xã hội ? Không có ai ! Chẳng những được miễn trừ trách nhiệm, những cá nhân tham gia vào việc tạo ra vô số bi kịch ấy còn thăng tiến không ngừng và có quyền lựa chọn, sắp đặt những người thay thế mình đảm nhận vai trò dẫn dắt quốc gia, dân tộc.
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam đang hối hả quy hoạch nhân sự – lựa chọn – sắp đặt cán bộ cấp chiến lược và cán bộ chủ chốt từ trung ương đến địa phương trong nhiệm kỳ tới. Cho dù hậu quả của quy hoạch nhân sự càng lúc càng trầm trọng, chạm vào đâu, mạnh hay nhẹ cũng lòi ra một mớ "cán bộ cấp chiến lược", "cán bộ chủ chốt" bất tài, vô đức song giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn không chịu buông bỏ quy hoạch nhân sự.
Kinh tế - xã hội Việt Nam càng ngày càng nhiều vấn nạn, càng ngày càng nhiều dấu hiệu bi đát đe dọa vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, làm sao có thể tránh các thảm họa khi việc lựa chọn – sắp đặt những cá nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thế : Vừa không có chỗ cho những cá nhân có hiểu biết, đủ cả kỹ năng lẫn kinh nghiệm trong quản trị, điều hành, vừa giám sát, truy cứu trách nhiệm đến nơi, đến chốn nếu cá nhân bất xứng với vai trò, vị trí và không tha những đối tượng có liên quan đến việc lựa chọn, sắp đặt những cá nhân bất xứng ấy ! Còn nghĩ đó là chuyện, là quyền của đảng thì qui mô thảm nạn còn tăng theo cấp số nhân.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/03/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/quang-nam-de-nghi-som-duyet-dong-cua-mo-vang-bong-mieu-20190305154134466.htm
(2) https://laodong.vn/xa-hoi/nha-may-vang-dong-cua-he-luy-dia-phuong-ganh-chiu-229250.bld
(5) https://tuoitre.vn/hoi-nghi-chu-no-dong-y-pha-san-cong-ty-vang-bong-mieu-20181128122429286.htm