Cách nay hai tháng, khi cùng bà Nguyễn Thị Lệ (người thay bà Nguyễn Thị Quyết Tâm làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân – Hội đồng nhân dân - Thành phố Hồ Chí Minh) đi thị sát "Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1" (được báo giới ví con là "Siêu dự án chống ngập"), ông Trương Trung Kiên - Trưởng Ban Đô thị của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – tuyên bố với báo giới : Vừa qua, những khu vực trước đây ngập rất nặng chưa ngập nặng lắm. Có thể là vì vũ lượng của những cơn mưa đầu mùa không lớn thành ra chưa thể đánh giá hiệu quả của các công trình chống ngập và lường hết mức độ ảnh hưởng đến đời sống dân chúng trong năm 2019 (1).
Một cảnh ngập lụt tại Sài Gòn.
Cũng vì thế, nên chờ Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra đánh giá mới về "hiệu quả của các công trình chống ngập" sau cơn mưa chiều ngày 17/7/2019.
Báo chí Việt Nam tường thuật, cơn mưa lớn chiều ngày 17/7/2019 đã làm Thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng, giao thông trở thành hỗn loạn. VnExpress giới thiệu một phóng sự ảnh, đặc tả khu vực đường Phạm Văn Đồng đoạn chạy ngang quận Thủ Đức : Mực nước vượt quá chiều cao của các loại xe hai bánh gắn máy. Có người té ngửa khi đang dắt xe hai bánh gắn máy vì "sóng" do những xe lớn hơn tạo ra. Các loại phương tiện nghẽn ứ ở giao lộ Phạm Văn Đồng – Tô Ngọc Vân. Không chỉ xe hai bánh gắn máy mà xe hơi cũng chết máy. Dân chúng giúp nhau khiêng xe hai bánh gắn máy sang phía bên kia dải phân cách bằng bê tông để tìm lối khác về nhà. Tài xế các loại xe bốn bánh rời khỏi chiếc xe đang chìm trong nước, leo lên dải phân cách, chờ nước rút, đường thông (2)…
***
"Siêu dự án chống ngập" của Thành phố Hồ Chí Minh được quảng bá là quan trọng nhất cả về qui mô lẫn mục tiêu (kiểm soát ngập khi thủy triều lên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực trung tâm Sài Gòn) trong số các dự án chống ngập cho Thành phố Hồ Chí Minh. "Siêu dự án chống ngập" trị giá khoảng 10.000 tỉ đồng được thực hiện theo hình thức BT : Nhà đầu tư bỏ vốn, tổ chức thực hiện dự án, sau khi hoàn tất thì bàn giao công trình cho chính quyền và chính quyền thanh toán phần vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra để thực hiện dự án chủ yếu bằng bất động sản (đất, trụ sở, kết cấu hạ tầng). "Siêu dự án chống ngập" của Thành phố Hồ Chí Minh được giao cho Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) thực hiện.
Lẽ ra dự án phải hoàn tất vào tháng 4 năm ngoái nhưng theo đánh giá của Hội đồng nhân dân hồi tháng 5 vừa qua thì mới chỉ hoàn tất khoảng 80% khối lượng và không chỉ trễ tiến độ…
Tháng 10 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước gửi cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thông báo về kết quả kiểm toán đối với hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư ở "siêu dự án chống ngập" do Trung Nam Group thực hiện. Theo đó, Trung Nam Group không đủ năng lực thực hiện dự án. Thay vì chỉ thanh toán cho Trung Nam Group sau khi tập đoàn này hoàn tất dự án, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại… tạm ứng cho Trung Nam Group 1.518 tỉ đồng. Trung Nam Group tính toán sai về thiết kế, về khối lượng, áp dụng sai đơn giá và vận dụng sai nhiều yếu tố khác khiến chi phí đầu tư tăng thêm 402 tỉ đồng. Trung Nam Group còn tùy tiện thay đổi vật liệu (đổi thép do các quốc gia thuộc khối G7 sản xuất, thành thép do Trung Quốc sản xuất) (3)...
Từ đó đến nay, không thấy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh làm gì : Không truy cứu tại sao lại giao "siêu dự án chống ngập" cho một nhà đầu tư không đủ năng lực ? Tại sao không thẩm tra kỹ, dễ dãi phê duyệt bất kể Trung Nam Group tính sai đủ thứ ? Tại sao tạm ứng vốn cho một dự án thực hiện theo hình thức BT ? Tại sao lại dễ dàng đồng ý cho Trung Nam Group thay đổi đủ thứ từ thiết kế đủ loại hạng mục đến vật liệu ? Đặc biệt, tại sao lại đẩy trách nhiệm cho Liên danh Tư vấn – Giám sát việc thực hiện hợp đồng BT giữa chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Trung Nam (4).
Liên danh Tư vấn – Giám sát vừa kể bao gồm ba doanh nghiệp : Công ty Tư vấn xây dựng Meinhardt (Úc), Công ty Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, Công ty Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12. Liên doanh này là nơi cảnh báo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vi phạm pháp luật khi tạm ứng cho Trung Nam Group 1.518 tỉ. Đồng thời cũng là nơi đề nghị giới hữu trách ngăn chặn Trung Nam Group thay đổi thép làm các thiết bị cơ khí được lắp đặt tại cửa các cống kiểm soát thủy triều… Những cảnh báo, đề nghị đó đã khiến cho quan hệ giữa liên danh, đứng đầu là Công ty Meinhardt với Trung Nam Group trở thành hết sức căng thẳng. Nhiều nhân viên của Công ty Meinhardt đã bị du đãng dọa sẽ lấy huyết (5).
Đáp lại những cảnh báo của Công ty Meinhardt, tháng 10 năm ngoái, Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt vì công ty này nợ gần 23 tỉ là tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp (6). Khoan bàn đến đúng – sai, chỉ đối chiếu việc giám sát – xử lý sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa Công ty Meinhardt và Trung Nam Group, ai cũng có thể thấy Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh bất nhất trong hành xử : Kiểm toán Nhà nước phát giác, chỉ tính đến cuối năm 2017, Trung Nam Group đã bỏ qua, chưa khai, chưa nộp khoản thuế xấp xỉ 283 tỉ đồng nhưng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh để đó, không nói gì !
Nên nghĩ thế nào khi từ Bí thư Thành ủy như ông Nguyễn Thiện Nhân trở xuống, cùng nhất trí, "siêu dự án chống ngập" trục trặc, chậm trễ, phần lớn là do Meinhardt, cần gạt ra rìa, bất kể những cảnh báo, tố giác của Meinhardt (cả nhà đầu tư lẫn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cùng vi phạm nhiều qui định pháp luật) đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận là đúng ?...
***
Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia (nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh căn cơ, hợp lý hơn), chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia.
Từ 2004 đến 2014, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (7). Năm 2014, chính phủ cho phép chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "đổi" ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (8). Bởi ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh càng ngày càng tồi tệ, không mưa cũng ngập khi thủy triều lên, ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước, tham gia thực hiện các dự án chống ngập còn có Sở Giao thông và vận tải, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện. Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về…. cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ nay đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (9).
Tuy đã và sẽ còn chi hàng trăm ngàn tỉ cho nỗ lực chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cứ hỏi dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy, không ai tin thành phố này sẽ hết ngập. Chẳng riêng dân chúng, các viên chức hữu trách, bao gồm các đại diện dân cử cũng tin như thế. "Kế" mà bà Phan Thị Hồng Xuân - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng Khoa Đô thị học của Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, mạnh dạn "hiến" hồi trung tuần tháng này : Dùng lu như giải pháp giảm ngập – tuy khôi hài song là ví dụ minh họa rõ ràng nhất !
Phát kiến dùng lu giảm ngập của bà Xuân đã tạo cơ hội cho giới khoa học lập lại đề nghị xây dựng các hồ điều tiết – một hình thức sửa sai cho những quy hoạch tham lam, ngu ngốc khiến nước không còn chỗ thoát và ngập lụt trở thành vấn nạn nan giải của Thành phố Hồ Chí Minh. Đề nghị này đã từng được đưa vào Quy hoạch thoát nước mưa (Quy hoạch 752), theo đó, trước năm 2020, sẽ hoàn tất 104 hồ điều tiết nước. Còn một năm nữa là đến hạn hoàn thành nhưng đến giờ, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ làm xong… một hồ như thế (10).
Ngập lụt tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều đô thị khác trên khắp Việt Nam nói chung là thảm nạn nhân tạo góp phần đưa quốc gia đến chỗ khánh kiệt vì chống ngập. Đó là chưa tính đến những thiệt hại mà ngập lụt gây ra cho kinh tế - xã hội. Cứ xem cách soạn lập - phê duyệt – triển khai các dự án, công trình chống ngập và đối chiếu với hiệu quả của những dự án, công trình ấy sẽ thấy, tình trạng càng ngày càng nhiều người, nhiều giới bì bõm trong nước chính là cơ hội cho những viên chức tham gia soạn lập - phê duyệt – triển khai các dự án và một số nhà đầu tư.
Quy hoạch tham lam, ngu ngốc để trục lợi tạo ra ngập lụt tràn lan. Khai thác ngập lụt nghiêm trọng để tiền tiếp tục đổ vào như… nước, quả là tài tình !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/07/2019
Chú thích :
(2) https://vnexpress.net/thoi-su/duong-sai-gon-ngap-nang-giao-thong-hon-loan-sau-mua-lon-3954062.html
(3) https://nhadautu.vn/sieu-du-an-bt-chong-ngap-10000-ty-tai-tphcm-co-gi-sai-d14356.html
(7) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(8) https://www.thesaigontimes.vn/138209/Thành phố Hồ Chí Minh-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(9) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm
Một ngày sau khi Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định xóa bỏ chức vụ trong đảng mà ông Nguyễn Hồng Trường… từng mang : Ủy viên Ban Cán sự đảng bộ Giao thông và vận tải hai nhiệm kỳ liên tục (2011 – 2016 và 2016 – 2021), Infonet – báo điện tử của Bộ Thông tin và truyền thông bới lại scandal liên quan đến ông Trường năm 2015... (1).
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. (Hình : Trích xuất từ VnExpress.net)
***
Vào thời điểm đó, một nữ doanh nhân ở Nghệ An công bố các tin nhắn giữa bà và ông Trường (khi ấy là Thứ trưởng Giao thông và vận tải). Nữ doanh nhân này đã đưa tiền cho ông Trường bảy lần để được hỗ trợ trúng thầu. Do "xôi hỏng, bỏng không", bà đề nghị ông Trường hoàn lại tiền, bao nhiêu cũng được, vì phần lớn số tiền bà đã đưa cho ông Trường là tiền đi vay, phải trả lãi cao...
Ông Trường thừa nhận số điện thoại trong chuỗi các tin nhắn qua lại với nữ doanh nhân đã kể là của ông. Ông cũng thừa nhận là ông biết đương sự - một "đứa chuyên môi giới dự án" - nhưng đó là "quan hệ giữa hai cá nhân" cùng quê, ông chỉ "thường xuyên khuyên bảo" và quan hệ này "không liên quan đến thực thể nào". Ông nhấn mạnh ông "hoàn toàn trong sáng".
Tuy báo giới có đề cập đến bút phê của ông Trường trên một văn bản mà doanh nghiệp của nữ doanh nhân xin tham gia thực hiện các gói thầu thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) là "bất thường" nhưng thượng cấp của ông Trường giải thích, những bút phê kiểu đó là… bình thường. Đồng thời cho biết ông Trường đã chủ động đề nghị Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông và vận tải xem xét scandal này vì sai sự thật…
Dựa trên báo cáo của ông Trường, Bộ Giao thông và vận tải đã báo cáo Ban Bí thư, báo cáo Thủ tướng và đề nghị Tổng cục cảnh sát điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Chẳng biết Ban Bí thư, Thủ tướng, Tổng cục Cảnh sát có làm gì không, chỉ biết ông Trường tiếp tục làm Thứ trưởng Giao thông và vận tải gần ba năm nữa cho đến tháng 8 năm 2017 thì được… "nghỉ hưu theo chế độ".
***
Ông Trường chỉ mới tái ngộ dư luận sau khi Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố kết quả đợt kiểm tra xem xét kỷ luật mới nhất và trực tiếp xử lý kỷ luật hoặc đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật hàng loạt viên chức, trong số này có cả cựu Phó Thủ tướng (Vũ Văn Ninh) và riêng Bộ Giao thông và vận tải đã "góp" tới bảy cá nhân từng là viên chức cao cấp, 4/7 từng là Thứ trưởng.
Hai năm sau khi ông Trường đã vui thú điền viên, Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới xác định, trong mười năm giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Giao thông và vận tải, ông đã :
Ký nhiều quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa - thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải, đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa,… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp. Chưa kể còn đồng ý cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của chính phủ. Thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách, vi phạm gây thất thoát tài sản của nhà nước…
Cũng mãi tới bây giờ Ban Bí thư mới cho rằng ông Trường "phải chịu trách nhiệm cá nhân" và bên cạnh việc tước bỏ chức vụ "Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông và vận tải" hai nhiệm kỳ liên tục, Ban Bí thư bật đèn xanh, thúc các cấp có thẩm quyền "xử lý kỷ luật về hành chính đối với cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường" cho "đồng bộ với xử lý kỷ luật về đảng".
Không thấy Ủy ban Kiểm tra và Ban Bí thư đề cập đến trách nhiệm của những thành viên Ban Bí thư nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này – cơ quan duy nhất có thẩm quyền xem xét, kết luận về việc bỏ hay tiếp tục dùng ông Trường. Chẳng lẽ Ban Bí thư cả hai nhiệm kỳ "có tai mà như điếc, có mắt mà như mù", thành ra ông Trường cứ thế phạm hết "sai lầm nghiêm trọng" này tới "sai lầm nghiêm trọng" khác và tới bây giờ đột nhiên thấy cần xử lý để bảo vệ uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Giao thông và vận tải ?
***
Gần đây, cứ vài tháng, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lại công bố kết quả một đợt kiểm tra xem xét kỷ luật. Hết viên chức này tới viên chức khác từ trung ương đến địa phương hoặc bị Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương trực tiếp xử lý kỷ luật hoặc bị cơ quan này đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét kỷ luật.
Kết quả các đợt kiểm tra xem xét kỷ luật ấy chỉ ra một điều, tổ chức đảng ở cấp nào, ngành nào cũng gây họa nghiêm trọng, cũng đã từng làm dư luận xôn xao nhưng không ai thèm xem, chẳng nơi nào thèm xét cho tới khi các đương sự nghỉ hưu, không còn khả năng gieo họa cho đời nữa.
Kết quả các đợt kiểm tra xem xét kỷ luật ấy chỉ ra thêm một điều nữa là "tự chỉnh đốn" giống như "bới bèo". Có thể cứ "bới" thì sẽ ra "bọ" nên đảng ta chọn cả lúc để "bới" và "điểm" để "bới". Hệ thống truyền thông chính thức cũng thế, thay vì chủ động "bới bèo" tìm "bọ" thì nhẫn nại ngồi chờ đảng chọn "điểm" mới "bới" cật lực để chứng minh cá nhân nào đó đúng là "bọ", thậm chí "bọ" to để minh họa cho nỗ lực "tự chỉnh đốn" của đảng.
"Tự chỉnh đốn" là chuyện của đảng, đảng muốn tự "chỉnh", tự "đốn" thế nào cũng được nhưng đảng nên trả lời cho rõ ràng, sòng phẳng, tại sao khăng khăng giành – giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mà đảng không đả động gì tới trách nhiệm khi thất thoát công thổ, công sản tính bằng trăm tỉ này, đến ngàn tỉ khác, khi không ngừng vay mượn, không ngừng chi tiêu cho hết dự án này đến công trình khác nhưng cuối cùng, chỉ có nợ nần quốc gia liên tục gia tăng, có bao nhiêu dự án, công trình "ích quốc, lợi dân" ?
Khẳng định "tự chỉnh đốn", thề chống tham nhũng nhưng không chặn ngay, xử liền những đồng chí như ông Trường, kể cả khi có đầy đủ dấu hiệu cho thấy rằng các đồng chí ấy đang nhũng lạm thì làm sao khôi phục được sự tin yêu ? "Tự chỉnh đốn", chống tham nhũng triệt để, không có vùng cấm nhưng không chấp nhận công bố tờ khai tài sản của các đồng chí thuộc diện phải kê khai tài sản, thủ tiêu các đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự những đồng chí giàu có bất minh, không chứng minh được nguồn gốc tài sản đang thủ đắc là hợp lý, hợp pháp thì kiểm tra xem xét kỷ luật chỉ là một kịch bản tồi, do những đạo diễn tồi dàn dựng, càng diễn càng làm người xem muốn mửa. Diễn làm chi cho môi trường thêm ô nhiễm, chán ngán, bất bình thêm cao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/07/2019
Chú thích :
Tờ Tuổi Trẻ vừa có một phóng sự về những lão nông ở đồng bằng sông Cửu Long : Trong mười năm vừa qua, những lão nông này đã cùng nhau xây dựng hơn 300 cây cầu ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long (1)…
Ông Năm Chà (74 tuổi), người lớn tuổi nhất đội lão nông xây cầu từ thiện - Ảnh : H.TRIỀU
Những lão nông ấy, có người đã 74 tuổi như ông Năm Chà, trẻ hơn một chút là ông Hai Lập – 72 tuổi… Không chỉ có các ông, những tình nguyện viên tham gia công việc hoàn toàn tự nguyện này còn có các bà đi theo nấu cơm.
Trong phóng sự vừa kể, phóng viên tờ Tuổi Trẻ tường thuật rằng, những tình nguyện viên tham gia bắc cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long toàn người già vì người trẻ phải lo kiếm cơm. Người già không còn phải lo cơm áo, lại không muốn trở thành vô dụng nên phơi nắng, dầm mưa để vác xi măng, uốn sắt thép, trộn bê tông, dựng cột, gác dầm… làm cầu, tích đức cho mình, để phước cho con.
Các lão nông đang tham gia xây cầu. Hình : Trích xuất từ website báo Tuổi Trẻ/Hải Triều.
Đội trưởng Đội dựng cầu làm phước toàn lão nông khởi nghiệp ở Cái Bè (Tiền Giang) là ông Sáu Mãnh (Phan Văn Mãnh) – 56 tuổi. Sáu Mãnh có 15 công vườn trồng xoài, mỗi năm kiếm vài trăm triệu nhưng bỏ ngang đi bắc cầu giúp bá tánh vì năm 2001, lúc chạy xe đạp điện lên cây cầu vừa hẹp, vừa dốc cha Sáu Mãnh té ngang, chấn thương sọ não, chết… Ít năm sau, có dịp đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Sáu Mãnh gặp ông Chín Hùm – người chuyên đi bắc cầu giúp bá tánh, nghe mơ ước của Sáu Mãnh (có tiền – dựng những cây cầu an toàn để không ai chết oan nữa), ông Chín Hùm vận động các mạnh thường quân giúp cho Sáu Mãnh dựng một lượt ba cây cầu ở Cái Bè,…
Kể từ đó, Sáu Mãnh bỏ vườn cho gia đình chăm, dành hết thời gian, sức lực cho chuyện dựng cầu làm phước. Tiền làm cầu là những khoản đóng góp của gần 20 mạnh thường quân, đa số ở Sài Gòn. Hiện giờ là những cá nhân như anh Trí, chị Phụng,… và những nhóm như : Từ Tâm, Chung sức,... Trước nữa thì có Chín Hội...
Vào lúc này, những lão nông trong đội dựng cầu của Sáu Mãnh đang ráo riết hoàn tất cây cầu nối hai xã Mỹ Tân và Mỹ Lợi B ở Cái Bè (Tiền Giang), nơi mấy chục năm nay dân chúng ao ước có một cây cầu và vài cây cầu nữa ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang. Cứ như lời Sáu Mãnh và các thành viên trong đội kể với tờ Tuổi Trẻ thì dựng xong một cây cầu, đội lại có thêm một số thành viên mới, có lúc là một cặp vợ chồng già, có lúc ngoài cha mẹ còn thêm con góp sức.
Ông Hai Lập - 72 tuổi, thành viên trong Đội dựng cầu làm phước của Sáu Mãnh, giải thích, xưa ông nghèo tới mức không có cả cháo để ăn, nhờ con gái lấy chồng Đài Loan mới dễ thở, mới không phải lo cái ăn, nên Hai Lập tự nhắc mình "phải nghĩ tới chuyện giúp đời, giúp người" ! Ông Năm Chà – người có con gái là tiếp viên hàng không, con rể là một phi công người Pháp – thành viên của Đội dựng cầu làm phước đã tám năm cũng nghĩ như vậy và lặp đi lặp lại với bốn đứa con xót cha già phải lao động nặng nhọc nên liên tục căn ngăn : Con cái sống nhờ phước đức của cha mẹ. Bắc cầu cho bà con cô bác đi lại là tạo phước !
Theo tờ Tuổi Trẻ, những lão nông trong đội dựng cầu làm phước của Sáu Mãnh đã dựng hơn 300 cây cầu ở năm tỉnh và việc làm của họ chỉ lay động được vài cán bộ, đảng viên : Một Ba Cống (Nguyễn Văn Cống – cựu Giám đốc Sở Giao thông và vận tải Đồng Tháp), sau ba năm cho "lính" theo dõi công việc, quyết định hỗ trợ một sà lan, một máy ép cọc trụ cầu để giúp các cây cầu bảo đảm kỹ thuật, an toàn, tiết kiệm sức người. Một Sáu Dũng – Bí thư một xã thuộc huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, vừa trực tiếp trộn bê tông, vừa điều động cán bộ xã ra công trường phụ làm cầu suốt cả tháng. Bí thư, Chủ tịch một xã ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, cùng ra vác đá, khiêng cát…
***
Ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có Đội dựng cầu làm phước của Sáu Mãnh. Ngoài Sáu Mãnh còn những lão nông khác như Chín Hùm (2)… Chắc chắn không lão nông nào trong số này được học "lý luận chính trị", kể cả sơ cấp. Họ cũng không phải là đối tượng được mời "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Cứ đối chiếu thực trạng xã hội với hàng loạt chỉ thị của Bộ Chính trị hết khóa 11 (Chỉ thị số 03-CT/TW năm 2011), đến khóa 12 (Chỉ thị số 05-CT/TW năm 2016), vô số cuộc thi, tổng kết, khen thưởng, quảng bá điển hình "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", sẽ thấy hiệu quả thực chất của chuỗi hoạt động này đến đâu.
Cán bộ, đảng viên có cần tử tế ? Nếu thật sự cần tử tế hãy nhìn vào dân mà học. Những lão nông dựng cầu làm phước chính là những tấm gương sống động. Chẳng lẽ suy nghĩ của họ về tích đức, tạo phước cho hậu sinh, hạn chế uổng tử, hỗ trợ sinh hoạt của đồng bào tiện lợi hơn không có chút giá trị nào về mặt tư tưởng, đạo đức ? Chẳng lẽ nỗ lực báo đền cộng đồng khi vừa đủ ăn, đủ mặc bất kể đã gần đất, xa trời không có chút giá trị nào về mặt phong cách ?
Chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã biến "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thành… khôi hài đỏ, không gây cười, chỉ làm tăng lượng mồ hôi, nước mắt và trong nhiều trường hợp còn đẫm máu dân lành !
Càng "học tập", càng "làm theo" thì càng nhiều dự án không những không sinh lợi mà còn khiến nợ nần quốc gia càng ngày càng lớn. Càng "học tập", càng làm theo thì chất lượng các công trình giao thông càng tồi, làm chưa xong đã sửa vì thất thoát vốn đầu tư càng ngày càng lớn.
Càng "học tập", càng "làm theo" thì phát ngôn càng ngớ ngẩn, khó nghe. Càng "học tập" càng "làm theo" thì kinh tế càng suy thoái, xã hội càng bất an, dân chúng càng lầm than, nhân tâm càng ly tán, chỉ có những kẻ được chọn "học tập", "làm theo" có thêm điều kiện để hưởng lạc…
"Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" thì như thế và cứ thế thì chắc chắn sẽ còn tệ hơn thế. Đảng vốn thạo… rút kinh nghiệm, liệu có mạnh dạn rút kinh nghiệm để quay lại học dân cách suy nghĩ, cách ứng xử sao cho tử tế với đời, với người hay muốn tiếp tục hưởng những lạc thú vô luân, phi nhân từ "học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/07/2019
Chú thích :
(2) http://baocamau.com.vn/tin-phong-su-anh/cau-chin-hum-48388.html
Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, vừa nhắc nhở bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phải chú trọng tới… “đại cục”, khi tiếp bà Ngân nhân dịp bà dẫn một phái đoàn sang thăm Trung Quốc từ 8/7/2019 đến 12/7/2019 (1).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh : TTXVN)
Vào ngày bà Ngân cùng phái đoàn Việt Nam rời Trung Quốc, South China Morning Post (SCMP) dẫn nhiều nguồn khác nhau loan báo : Do tàu Haiyang Dizhi 8 tiến hành thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các tàu có vũ trang của Việt Nam đã đối đầu với các tàu cùng loại của Trung Quốc suốt từ 3/7/2019 đến nay (2)…
***
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), sau “nội thủy” (tính từ bờ biển đến đường cơ sở - đường thẳng nối hai điểm xa bờ nhất khi thủy triều ở mức thấp nhất) là “lãnh hải” (vùng biển lấy đường cơ sở làm gốc cộng thêm 12 hải lý), “tiếp giáp lãnh hải” (vùng biển lấy rìa lãnh hãi làm gốc cộng thêm 12 hải lý nữa), EEZ (từ rìa vùng tiếp giáp lãnh hải đến thềm lục địa, với EEZ, đường cơ sở sẽ được dùng làm gốc để giới hạn phạm vi của EEZ không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở). Bên ngoài EEZ là “thềm lục địa” (phụ thuộc vào đặc điểm của rìa lục địa và độ sâu của đáy biển nhưng không được vượt quá giới hạn 350 hải lý tính từ đường cơ sở).
Với các qui định của UNCLOS, EEZ của một quốc gia là vùng biển mà quốc gia đó có những hạn chế nhất định về chủ quyền (phải tôn trọng tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt các ống dẫn ngầm và cáp) nhưng có quyền chủ quyền (toàn quyền trong đặt định các biện pháp bảo tồn, quản lý tất cả tài nguyên biển và được hưởng đặc quyền khai thác các tài nguyên trên mặt biển, trong lòng biển, dưới đáy biển, kể cả tài nguyên trong lòng đất bên dưới đáy biển). Nói cách khác Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc không có quyền thăm dò địa chấn (sử dụng nguồn thu - phát sóng để giải đoán cấu trúc, tính chất, thành phần địa chất bên dưới đáy biển thuộc phạm vi EEZ của Việt Nam).
***
Cho tới giờ này (cuối ngày 14 tháng 7), từ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tới hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam vẫn đang… ngậm tăm. Sự kiến Haiyang Dizhi 8 được hai tàu có vũ trang hộ tống, xâm nhập EEZ của Việt Nam để thăm dò dịa chấn chỉ xuất hiện trên hệ thống truyền thông quốc tế.
Khá nhiều người Việt đã dịch, dẫn lại những nguồn này để cảnh báo trên mạng xã hội. Ông Bùi Thanh – Phó Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ - một trong những nhà báo trước nay luôn dành cho biển Đông sự quan tâm đặc biệt trong hoạt động nghề nghiệp của mình, cũng chỉ dùng mạng xã hội để bác bỏ tin Haiyang Dizhi 8 hoạt động tại bãi Tư Chính.
Qua trang facebook của mình, ông Bùi Thanh xác nhận Haiyang Dizhi 8 đã xâm nhập EEZ của Việt Nam từ 3/7/2019. Hai tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam (KN 272 và KN 468) đã bám sát Haiyang Dizhi 8 cũng như các “hộ tống hạm” Trung Quốc nhưng Haiyang Dizhi 8 chưa léo hánh đến bãi Tư Chính như SCMP đưa tin (3).
Phó Tổng biên tập của một trong những tờ báo vẫn được xem là nhiều độc giả nhất, chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam cũng phải mượn mạng xã hội để chia sẻ điều mình biết ! Cho đến giờ này, trên hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam chỉ có những thông tin liên quan đến việc bà Ngân dẫn một phái đoàn sang thăm Trung Quốc.
Tuy chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của bà Ngân trong vai trò Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bắt đầu sau khi Haiyang Dizhi 8 được các tàu có vũ trang “hộ tống” đã xâm nhập EEZ của Việt Nam năm ngày, song thông qua hệ thống truyền thông chính chức, các viên chức hữu trách của Việt Nam vẫn khẳng định với dân chúng Việt Nam rằng :Quan hệ Việt - Trung đang trên đà phát triển tốt đẹp !
Việc bà Ngân sang thăm Trung Quốc được giải thích là để :Duy trì giao lưu cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước, góp phần củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc thiết thực và hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới(4).
Đâu phải tự nhiên mà nhiều người sử dụng mạng xã hội phẫn nộ, chỉ trích kịch liệt việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cùng… ngậm tăm khi Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc đã thăm dò địa chấn trong EEZ của Việt Nam suốt 12 ngày vừa qua.
Rất nhiều facebooker nêu ý kiến như Nguyễn Thiện : Tôi muốn chính phủ là nơi đầu tiên cung cấp cho tôi thông tin về tình hình đất nước chứ không cần phải tìm biết qua VOA,BBC (5)... Co facebooker như Tho Nguyen thì nhận định : Bị đánh đau mà không dám rên là nỗi nhục lớn ! Hèn (6) !
***
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam lờ đi sự kiện Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc đang thăm dò địa chấn trong EEZ của Việt Nam ? Có thể vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muốn chuyến công du của bà Ngân diễn ra êm thắm.
Cũng có thể vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sợ biểu tình sẽ lại bùng phát trên diện rộng, thậm chí có thể trở thành bạo động như đã từng xảy ra vào tháng 5 năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa để khoan thăm dò các giếng dầu tại đó. Hoặc vào tháng 6 năm ngoái khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam bất chấp dân ý, vẫn khẳng định sẽ thông qua Dự luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (Đặc khu).
Hai đợt biểu tình - bạo động vừa kể cho thấy một điều đau lòng : Dân chúng Việt Nam vừa căm phẫn với thái độ, cách hành xử ngược ngạo của Trung Quốc, vừa nghi ngại hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam “nối giáo cho giặc”, bán rẻ quốc gia, đồng bào.
Đáng tiếc là cho đến giờ này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa thực hiện bất kỳ động tác nào để xóa bỏ sự nghi ngại càng ngày, càng lớn đó, cho dù sự nghi ngại ấy không chỉ đe dọa cả tham vọng duy trì đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng CSVN lẫn vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc.
Những cá nhân như ông Nguyễn Chí Vịnh, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng, từng lớn giọng “quán triệt toàn đảng, toàn quân, toàn dân” rằng : Việt Nam và Trung Quốc có một “di sản quý báu là sự tương đồng ý thức hệ”. “Đặc trưng của ý thức hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là một đảng cộng sản lãnh đạo” và “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước”, thành ra “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” – vẫn còn chỗ đứng thì ai tin đảng “không quên lợi ích quốc gia, dân tộc” (7) ?
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố hủy chuyến thăm Trung Quốc của bà Ngân, bất kể lãnh đạo Trung Quốc đã ngỏ lời mời và hai bên đã sắp đặt xong mọi thứ, vì Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc xâm nhập EEZ của Việt Nam,… sự nghi ngại của dân chúng Việt Nam đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam về quản lý – điều hành quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc có giảm không ? Ai dám bảo là không ?
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không làm như vậy ? Tại sao sự kiện Haiyang Dizhi 8 cùng với các tàu có vũ trang của Trung Quốc xâm nhập EEZ của Việt Nam đã diễn ra cả tuần mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn dùng hệ thống truyền thông chính thức, chuyển cho đồng bào mình thông điệp : Quan hệ Việt Trung đang trên đà phát triển tốt đẹp ?
Trung Quốc liên tục nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam phải quan tâm đến “đại cục”. Các viên chức hữu trách trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng liên tục “quán triệt toàn đảng, toàn quân, toàn dân” rằng trong quan hệ với Trung Quốc phải chú trọng đến “đại cục”.
Đến giờ, nội dung “đại cục” vẫn chỉ là những lợi ích thu lượm được từ nỗ lực duy trì sự hữu hảo trong quan hệ giữa đảng ta với đảng cộng sản Trung Quốc, nhà nước của đảng ta với nhà nước của đảng cộng sản Trung Quốc. Chừng nào người Việt chưa nhìn thấy sự tôn trọng lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc trong phạm trù “đại cục”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ còn mất ăn, mất ngủ với đồng bào của mình. Mọi thứ đều có giới hạn, sự kiên nhẫn cũng thế. Sau mất ăn, mất ngủ sẽ là mất hết !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/07/2019
Chú thích
(2) https://www.voatiengviet.com/a/tau-canh-sat-bien-vn-tq-doi-dau-tren-bien-dong/4997705.html
(3) https://www.facebook.com/buithanh62/posts/2420342021319800
(5) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao
(6) https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/3111020292249356
(7) https://tuoitre.vn/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-527794.htm
Mở đường lại trở thành đề tài khuấy động dư luận ở Việt Nam. Tại Việt Nam, cứ đụng đến đường đi, lối lại ở bình diện quốc gia là hình thành bão - bão dư luận. Bão dư luận đã từng chà đi, xát lại chuyện phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, dự tính vay vốn Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc để hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc xuyên Việt,…
Việt Nam dự tính vay vốn Trung Quốc và nhà thầu Trung Quốc để hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc xuyên Việt
Tuần này, dư luận lại dậy lên thành bão khi Bộ Kế hoạch và đầu tư đệ trình cho Thủ tướng Việt Nam Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt với chi phí là 26 tỉ Mỹ kim. Liên quan đến dự tính xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt, trước đó, Bộ Giao thông và vận tải từng đề nghị chi 58,7 tỉ Mỹ kim. Chênh lệch trong tính toán về vốn đầu tư giữa hai bộ cho dự tính vừa kể khoảng… 32 tỉ Mỹ kim.
Khác biệt lên tới 32 tỉ Mỹ kim nằm ở chỗ : Bộ Giao thông và vận tải muốn xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mà tàu có thể di chuyển với tốc độ 350 km/h. Còn Bộ Kế hoạch và đầu tư thì cho rằng, Việt Nam chỉ cần một tuyến đường sắt cao tốc mà tốc độ của tàu đạt đến mức 200 km/h để giảm chi phí đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia dự án, không để các tập đoàn ngoại quốc thâu tóm những hợp đồng có giá trị lớn, lũng đoạn…
***
Ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt không mới. Ý tưởng này đã từng được chính phủ Việt Nam đem ra trình Quốc hội Việt Nam năm 2010. Trước phản ứng dữ dội của nhiều giới về tương quan giữa mức độ hữu dụng của dự án với nợ nần quốc gia, tác động đến kinh tế - xã hội cả ở hiện tại lẫn tương lai, các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khi ấy đã dùng quyền của mình để phủ quyết dự án.
Giờ, khi đa số đại biểu Quốc hội khóa 12 (2007-2011) đã về vườn, Bộ Giao thông và vận tải lại đem dự án cũ ra đệ trình chính phủ. So với dự án bị phủ quyết cách nay chín năm, sự khác biệt chỉ nằm ở chi phí đầu tư : Nhiều hơn chừng ba tỉ Mỹ kim (từ 56 tỉ Mỹ kim hồi 2010, thành 58,71 tỉ Mỹ kim vào lúc này và sẽ còn tăng thêm sau khi chính phủ… xem xét rồi giới thiệu với Quốc hội).
Giống như cách nay chín năm, gần như chẳng có ai đồng tình với… khát vọng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt của Bộ Giao thông và vận tải. Qua báo điện tử VietnamNet, ông Nguyễn Ngọc Chu – một Tiến sĩ Toán, gọi khát vọng này là "ảo tưởng" kèm theo hàng loạt phân tích nhằm chứng minh, số phận đường sắt Bắc – Nam nói riêng cùng với số phận đất nước nói chung, chạy lòng vòng quanh tư vấn nếu người quyết định ấu trĩ, thiếu viễn kiến (1).
Khác với ông Chu (phản bác dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt của Bộ Giao thông và vận tải nhưng tán thành ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt do Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo), cũng trên báo điện tử VietnamNet, ông Trần Văn Tường – một Kỹ sư cầu đường, đưa ra hàng loạt số liệu để minh họa cho nhận định : Việt Nam chưa nên làm đường sắt cao tốc vì : Tiền ở đâu ? Có nên xem đường sắt cao tốc là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh như hiện nay (2).
Đó là những phản hồi về ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt thông qua hệ thống truyền thông chính thức. Còn mạng xã hội ? Giống như nhiều vấn đề thuộc dạng đại sự quốc gia, công chúng rạch ròi hơn. Minh Hữu Quang gọi những cuộc tranh luận về chi phí đầu tư cho tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt nên ở mức 26 tỉ Mỹ kim hay 57,8 tỉ Mỹ kim là… ruồi bu !
Theo Minh Hữu Quang, khi khả năng của các cơ quan cấp bộ vẫn nằm ở mức, chưa thể đả thông cho nhau về "thu phí", "thu giá" hay… "thu tiền" thì làm sao có thể điều hành dự án trị giá từ 10% đến 20% GDP ? Tương tự, khi tầm của chính phủ chưa đủ để giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến trạm thu phí BOT, loay hoay với chuyện thiếu nhà thầu Nhật – thi công metro ở Thành phố Hồ Chí Minh 100 triệu Mỹ kim,… làm sao tin chính phủ sẽ tìm ra vài chục tỉ Mỹ kim trong vài năm ? Ở khía cạnh… đảng lãnh đạo, trong bối cảnh… bí nhân sự, thiếu cá nhân đủ tiêu chuẩn theo cơ cấu, quy định để bầu bán lãnh đạo tối cao tại đại hội 13, tại địa phương phải đem "vua Triệu ra khỏi nước Mèo" rồi đưa ông Khánh từng bị kiểm điểm ở Hà Tĩnh về thay tại Hà Giang cho thấy đảng… hết người ! Làm sao thực thi dự án mấy chục tỉ Mỹ kim (3) ?
Phản hồi từ thân hữu của Minh Hữu Quang về ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt chủ yếu cũng xoay quanh nhân sự - yếu tố quyết định thành bại trong mọi chuyện. Hùng Vũ Khánh than nản khi chỉ cần ra quán nước đầu làng là có thể gặp vô số người mà phát biểu ngang với "tầm" của lãnh đạo đảng, chính phủ. "Tầm" như vậy thì làm chuyện lớn, hậu quả sẽ lớn tương tự. Nguyen Huynh Chinh không… tán thành bởi tại Việt Nam, khi đã có "bằng ný nuận chính trị cao cấp", việc gì mà không làm được, thành ra mới có... "pê tê pốc". Giống như nhiều cuộc thảo luận giữa các nhóm thân hữu trên facebook, thân hữu của Minh xem tuyến metro Cát Linh - Hà Đông như một dẫn chứng về tính khả thi của dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Sau khi so sánh, Phạm Đình Long hoang mang : Nên gọi bọn này là gì hả các bác ?
Cũng tham gia luận bàn về ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc xuyên Việt, Lê Nguyễn Hương Trà dẫn hàng loạt số liệu cho thấy, nợ nần quốc gia tăng không ngừng và chắc chắn sẽ còn tăng nữa bởi hàng loạt đại dự án mà vốn đầu tư tính bằng tỉ Mỹ kim (hệ thống metro ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - 40 tỉ Mỹ kim, phi trường Long Thành - 16 tỉ Mỹ kim, đường bộ cao tốc xuyên Việt – 15 tỉ Mỹ kim,…). Cứ thế, tương lai ra sao ? Dan Nguyen – một thân hữu của Trà – khuyên, nên hỏi ý kiến… Cô Yến, Chùa Ba Vàng. Cô Yến có thể kết nối với "người âm" và chỉ "người âm" mới dự đoán được tương lai xa (4) !
Khanh Hung – một thân hữu khác của Trà – lưu ý, California một tiểu bang của Mỹ có nền kinh tế lớn hơn Việt Nam gấp mười lần, mà suốt mười năm qua, vẫn chưa thể quyết định có làm đường sắt cao tốc nối Los Angeles với San Francisco hay không, dù chi phí chỉ 20 tỉ Mỹ Kim (1/3 chi phí xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt). Khanh Hung thắc mắc : Việt Nam tuổi gì mà gan to quá vậy ? Nguyễn Mạnh Linh không bàn đến "gan" mà cho rằng, dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt là một thứ… "kèo thơm" nên từ 2010 đến nay, giới hữu trách "vẫn đợi, vẫn chờ"
Trong số thân hữu của Trà cũng có người như La Dolce Vita nhìn dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt khác với đa số : Không làm thì bao giờ làm ? Nếu cách nay hơn trăm năm, Pháp cũng tính như các ông, các bà bây giờ thì các ông, các bà đi xe ngựa từ Bắc vào Nam à ? Cách nhìn vấn đề của La Dolce Vita tạo ra một cuộc tranh cãi khác. Trang Ng vặn hỏi : Nếu quốc gia phá sản thì sao ? Bán nước hay xù nợ ? Thời thuộc Pháp, Pháp thu 400 thứ thuế thì xây dựng xong, còn thời này, mấy ngàn thứ thuế phí vẫn chưa đủ trả nợ kìa ! Trang Ng nói thêm, không xù được nợ thì kiểu gì cũng phải lập vài chục đặc khu giao cho Trung Quốc, bao nhiêu quốc gia phải nuốt trái đắng vì đặc khu dành cho Trung Quốc rồi ?
***
Đinh Đình Điệp – một thân hữu của Minh Hữu Quang – cho rằng, phải có "thằng giật dây" thì mới có nhiều chuyện ruồi bu như dự án đường sắt cao tốc xuyên Việt. Sẽ rất đáng ngại khi uy lực của "thằng giật dây" hơn cả "hoàng thượng". Hau Van thì thắc mắc : Sao không gắn trách nhiệm về dự án đầu tư vào người đứng đầu các bộ, ngành. Nếu không hiệu quả, đội vốn thì cách chức, thậm chí tống vào tù. Làm như thế thì liệu có ông nào dám hô hào đầu tư tràn lan không...
Nhìn một cách tổng quát, dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc xuyên Việt đặt ra hàng loạt vấn đề giống như những dự án mở đường khác vẫn được giới thiệu là nhằm phát triển hạ tầng, tạo tiền đề phát triễn kinh tế - xã hội. Những vấn đề mà cả dư luận lẫn công luận đã cũng như đang nêu ra cho thấy, dường như lối đầu tiên cần đầu tư là khai thông dẫn tới não để mở ra nhận thức về sự tự trọng, ý thức cũng như phương thức nâng cao trách nhiệm trước khi bàn luận về Mỹ kim.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/07/2019
Chú thích
(1) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/ao-tuong-xay-duong-sat-cao-toc-bac-nam-549178.html
(2) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/viet-nam-chua-nen-lam-duong-sat-toc-do-cao-539506.html
(3) https://www.facebook.com/photo.php ?fbid=478905756003105&set=a.117436202150064&type=3&theater
(4) https://www.facebook.com/lenguyenhuongtra.de/posts/10211873308582823
Lê Chủ tịch (ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh) vừa bị khởi tố. Tuy "lừa dối khách hàng" là một tội thuộc nhóm ít nghiêm trọng (mức phạt cao nhất chỉ có năm năm tù, chưa chạm ngưỡng bảy năm để được xếp vào nhóm tội nghiêm trọng theo… tinh thần của Luật Hình sự) nhưng cuối cùng, Lê Chủ tịch cũng trở thành bị can (1).
Lê Chủ tịch (ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh) vừa bị khởi tố. Ảnh DoanhnhanSaigon
Ở Việt Nam, Lê Chủ tịch nổi tiếng vừa vì giàu có, vừa như một trong những nhân vật tiên phong trong "xây dựng sai giấy phép – phá vỡ quy hoạch, thâu tóm - chuyển nhượng dự án trái qui định pháp luật" và cả vì Lê Chủ tịch lẫn các bất động sản bề thế do Lê Chủ tịch tạo ra luôn vô sự.
Đến giờ, thiệt hại chỉ thuộc về… khách hàng của Lê Chủ tịch – những người đã bỏ tiền mua các căn hộ do Lê Chủ tịch tạo ra : Không nơi nào dám hợp thức hóa những công trình tuy hiện hữu giữa thanh thiên bạch nhật nhưng lại… không hợp pháp, thành ra không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
Rộng hơn, thiệt hại thuộc về… cư dân những địa phương nơi Lê Chủ tịch dựng lên các cao ốc chỉ có rất nhiều chỗ cho thiên hạ chui ra, chui vào. Khi Lê Chủ tịch đệ trình thiết kế và các viên chức hữu trách phê duyệt, không bên nào nghĩ đến chuyện, ngoài trú thân, còn phải có trường học, phải có bệnh viện, phải có không gian để thư giãn,… Cuối cùng, thiếu trường, trẻ con phải học một ngày, nghỉ một ngày, nhường chỗ cho bạn đồng lứa. Cuối cùng, các khu đô thị mới càng ngày càng ngột ngạt vì chật chội, giao thông tắc nghẽn, rặt người là người và an toàn về tính mạng, tài sản khi có cháy, nổ,… giống như lấy chỉ mành treo… chuông !
***
Ở Việt Nam không chỉ có Lê Chủ tịch. Lê Chủ tịch vốn đã thuộc loại ngoại hạng nhưng có vài nhân vật mà năng lực dường như còn phi phàm hơn. Ví dụ Phạm Chủ tịch (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup). Giống như Lê Chủ tịch, bất động sản (nhà, đất) đã mở đường cho Phạm Chủ tịch bước lên đài vinh quang.
Thỉnh thoảng, Lê Chủ tịch còn bị truyền thông chỉ trích chứ Phạm Chủ tịch thì… không. "Oai phong" của Phạm Chủ tịch đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia và bây giờ, mắt xanh – mũi lõ không chỉ kháo nhau về chuyện Phạm Chủ tịch giàu, mà còn cảnh báo nhau về chuyện Phạm Chủ tịch là một nhân vật bất khả xâm phạm.
"The rise and rise of a Vietnamese corporate emprire" của John Reed trên Financial Times hồi cuối tháng vừa qua là một ví dụ (2). Đúng là không thể tìm được thông tin nào bất lợi cho Phạm Chủ tịch trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, kể cả những cơ quan truyền thông tự thề "phụng sự bạn đọc".
Xưa, Việt Nam có Hồ Chủ tịch dẫn dắt bần nông đi tìm cơm no, áo ấm, thỏa ước mơ "người cày có ruộng". Vai trò lịch sử của bần nông chấm dứt khi "chính quyền về tay nhân dân" và đảng long trọng tuyên bố đã được nhân dân ủy nhiệm để tổ chức - điều hành chính quyền ấy mãi mãi.
Vị thế Việt Nam đã khác trước, khác xa nên cần những chủ tịch mới như Phạm Chủ tịch. Học tập Hồ Chủ tịch, Phạm Chủ tịch đang dẫn dắt một giai tầng khác đi tìm những tiêu chuẩn mới : Ăn, ở, mua sắm, giải trí, học hành, chữa bệnh, thậm chí đi lại,… bằng những sản phẩm, dịch vụ do Vingroup của Phạm Chủ tịch tạo ra, cung cấp.
Nhờ bần nông đổ xương máu đổi lấy độc lập, tự do, Phạm Chủ tịch đủ điều kiện tạo ra bộ tiêu chuẩn mới giúp một cá nhân có thể dựa vào đó khẳng định mình đã đạt chuẩn… ấm no, hạnh phúc : ở nhà VinHomes, ăn uống, mua sắm ở VinMart, giải trí ở VinPearl, con cái học VinSchool, đau bệnh thì chữa ở VinMec…
Tuy hơn hẳn Lê Chủ tịch nhưng về căn bản, Phạm Chủ tịch cũng có một số điểm tương đồng Lê Chủ tịch. Họ và những chủ tịch khác đột nhiên trở thành đại phú nhờ sự chênh lệch giá trị về đất. Không xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không có "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", "thuận mua, vừa bán" không bị thủ tiêu, đất sẽ không có sự chênh lệch khủng khiếp về giá trị, làm gì có giàu nhanh với tốc độ hỏa tiễn.
Lê Chủ tịch trở thành bị can với những cáo buộc như "xây dựng sai giấy phép – phá vỡ quy hoạch, thâu tóm - chuyển nhượng dự án trái qui định pháp luật". Phạm Chủ tịch cũng thế. Chỉ có điều các cáo buộc đó chưa… chính thức và chủ yếu là từ mạng xã hội nơi chính quyền nhân dân chưa thể kiểm soát triệt để.
Đồng chí Vũ Văn Ninh, cựu Phó Thủ tướng và một loạt Thứ trưởng Giao thông và vận tải vừa bị Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật hoặc bị Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khiển trách, cảnh cáo vì dính líu đến việc để cho một số cảng biển quan trọng như Qui Nhơn, Quảng Ninh đổi chủ, toàn dân mất vai trò.
Sai phạm của đồng chí Vũ Văn Ninh và bảy viên chức cao cấp của Bộ Giao thông và vận tải xảy ra cách nay chừng năm năm, giờ mới được xem xét. Người ta ngạc nhiên là tại sao Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xem xét luôn việc bán cảng Nha Trang cho Vingroup của Phạm Chủ tịch (3). Chẳng lẽ bán cảng Qui Nhơn cho Công ty Hợp Thành, bán cảng Quảng Ninh cho Tập đoàn T&T là sai, còn bán cảng Nha Trang cho Vingroup thì… đúng, không cần xem, không cần bàn ?
Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa cho phép cả Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương lẫn Ban chấp hành đảng bộ của một số tỉnh, thành ra lệnh hủy nhiều thương vụ vì phá vỡ qui hoạch, chuyển nhượng dự án trái qui định pháp luật. Có cơ quan hữu trách nào sẽ hủy thương vụ mua bán khu vực Ba Son ở Thành phố Hồ Chí Minh giữa Vingroup của Phạm Chủ tịch và quân đội vốn đã râm ran dư luận từ lâu hay không (4) ?
Trong đề nghị xem xét kỷ luật Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình (cựu Chính ủy Quân chủng Hải quân), Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (cựu Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân), Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có đề cập đến việc sử dụng sai mười khu đất quốc phòng mà Hải quân quản lý, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho quốc gia (5). Ba Son có tên trong mười khu đất bị đổi chủ này không ? Đã công khai việc xem xét đề nghị kỷ luật các ông tướng Hải quân, tại sao không cho biết chi tiết về sai phạm và thiệt hại cụ thể ? Chống tham nhũng không có vùng cấm thì còn ngại gì mà giấu ? Giấu cho ai vậy ?
***
Công an thành phố Hà Nội đã vô tình đẩy đồng chí Nguyễn Phú Trọng vào thế bị cho là lỡ… lời khi khởi tố Lê Chủ tịch. Người sử dụng mạng xã hội đang chuyển cho nhau xem thủ bút của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu lại cho Mường Thanh Grand Phương Đông, tọa lạc ở thành phố Vinh.
Đó là ngày 30/10/2017, bất chấp dư luận về một Lê Chủ tịch "coi Trời bằng vung", xây dựng sai với giấy phép, trái quy hoạch ở khắp nơi, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam vẫn hạ bút đề thơ : Lần này lại đến "Phương Đông". Tình xưa nghĩa cũ mặn nồng "Mường Thanh". Cố lên các chị, các anh. Quê hương vẫy gọi, sử xanh lưu truyền (6).
Bài thơ do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hạ bút đề tặng Lê Thanh Thản - Ảnh minh họa
Không ít người đã đem thực tế so với bài thơ, gọi bài thơ mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng tặng Lê Chủ tịch là… "kim bài miễn tử". Cũng có không ít người đem chuyện Lê Chủ tịch bị khởi tố để phản bác : "Kim bài miễn tử" không… linh. Chẳng biết ai đúng, ai sai, phải chờ thôi !
"Lừa dối khách hàng" vốn thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng nên Tòa án có thể phạt tiền thay phạt tù. Chẳng thể đoán được Lê Chủ tịch sẽ bị khởi tố thêm vài tội nữa hay sau khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì "lừa dối khách hàng", những sai phạm "không thể khắc phục" của Lê Chủ tịch sẽ được hệ thống Tòa án hợp thức hóa nhằm… bảo vệ quyền lợi cho hàng ngàn khách hàng của Lê Chủ tịch, ra lệnh cấp giấy chứng quyền sở hữu căn hộ cho họ, giúp cả Lê Chủ tịch lẫn hệ thống công quyền thoát khỏi đống bùng nhùng ?
Khi đã có Tổng bí thư lỡ… lời, mang cả sử ra để tán dương Lê Chủ tịch thì giả dụ có xảy ra chuyện Thủ tướng lỡ… bộ, lỡ sẽ thành… chuyện nhỏ ! Chẳng biết sự kiện trung tuần tháng trước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đến tận nơi, dự lễ ra mắt VinFast Fadil – dòng xe hơi mới của Vingroup thuộc sở hữu của Phạm Chủ tịch, trong tương lai có trở thành lỡ… bộ hay không ?
Hôm ấy, Thủ tướng bảo rằng, cách nay vài năm, chẳng ai biết VinFast nhưng bây giờ, tra trên Google về VinFast sẽ thấy 8,8 trệu kết quả. Thủ tướng công khai bày tỏ sự khâm phục "người chỉ huy" công trình xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi VinFast chỉ trong vòng 650 ngày. Thủ tướng tin Vingroup "chắc thắng" trong lĩnh vực sản xuất xe hơi (7).
Phạm Nhật Vương, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup - Ảnh minh họa
Tại sao một người "trăm công, ngàn việc" như Thủ tướng Việt Nam lại ưu ái Phạm Chủ tịch và Vingroup tới mức dành thời gian tra thử trên google xem có bao nhiêu kết quả về VinFast và ngồi tính từng ngày để có thể khẳng định một cách chắc chắn là tiến trình xây dựng nhà máy VinFast chỉ mất… 650 ngày ? Đó là điều không dễ lý giải. Thủ tướng tự tra, tự tính hay hồn nhiên phát biểu theo bài soạn sẵn như Phạm Chủ tịch mong muốn là một bí mật. Đừng mong Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương sẽ làm rõ và công bố bí mật ấy.
Liệu Vingroup có "chắc thắng" trong dự án VinFast như Thủ tướng khẳng định không ? Chưa biết ! Ngay sau khi Phạm Chủ tịch tung VinFast ra thị trường, Fitch Ratings – một tổ chức chuyên khảo sát, xếp hạng doanh nghiệp về độ tín nhiệm trên phạm vi toàn cầu – tuyên bố ngừng đánh giá Vingroup, bởi Vingroup tự ngưng cung cấp thông tin. Vingroup lý giải phải làm như thế vì đầu tư vào sản xuất xe hơi có nhiều rủi ro, nếu còn tham gia, chắc chắn sẽ bị rớt hạng về độ tín nhiệm (8).
Dòng Fadil của VinFast xuất hiện trên thị trường chưa tròn một tháng nhưng đã khiến dư luận xôn xao vì hai lỗi : Thiếu ốp chắn bùn cho các bánh sau và chỉ mới chạy được 79 km, khoang chứa máy đã bốc khói, "chất lỏng" chảy tràn lan dưới gầm xe. Hệ thống truyền thông chính thức đã thay VinFast giải thích, những trục trặc này không nghiêm trọng nhưng những người rành rẽ về cơ khí vận tải thì khẳng định ngược lại kèm những lưu ý cả về an toàn phương tiện lẫn an toàn giao thông.
Liệu người tiêu dùng có dựa vào niềm tin của Thủ tướng mà ráng yêu VinFast ? Cũng chưa thể biết. Chỉ có một điều đã rõ là Toyota – một trong những hãng có nhà máy lắp ráp xe tại Việt Nam đã quyết định giảm giá dòng xe Vios xuống cho bằng với giá bán dòng Fadil của VinFast (9).
Người Việt có nên vì Thủ tướng mà thay đổi thị hiếu tiêu dùng để Thủ tướng không lỡ… bộ và nhất là để Thủ tướng không bị thế lực thù địch chế giễu vì… thiếu tinh thần cảnh giác cách mạng, thiếu viễn kiến ? Thật ra, bảo Tổng bí thư lỡ… lời, Thủ tướng lỡ… bộ là nói cho vui. Trước nay, làm gì có đồng chí lãnh đạo cao cấp nào của đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta, chính phủ ta bị xem là đã… lỡ gì đó. Chỉ có đối tượng duy nhất luôn luôn bị lỡ là nhân dân ta và nhân dân ta chỉ lỡ một thứ cỏn con : Lỡ… thời !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/07/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/khoi-to-chu-tich-tap-doan-muong-thanh-le-thanh-than-20190710093636702.htm
(2) https://www.ft.com/content/84323c32-9799-11e9-9573-ee5cbb98ed36
(3) https://enternews.vn/vinpearl-mua-lai-co-phan-cua-cang-nha-trang-9876.html
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1837259003043699&set=a.242329549203327&type=3&theater
VinFast Fadil – dòng xe hơi mà Vingroup vừa sản xuất, đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam - lại có lỗi.
Chiếc Fadil được chở ngay lên xe chuyên dụng về đại lý. (Ảnh tinmoi24)
Trong vài ngày gần đây, người sử dụng Internet tại Việt Nam đang chuyển cho nhau thông tin một chiếc VinFast Fadil, chỉ mới lăn bánh được 79 cây số, đột nhiên hàng loạt tín hiệu cảnh báo hiện lên trên bảng điều khiển, rồi bốc khói mù mịt trong khoang chứa máy và "chất lỏng" chảy đầy mặt đất… Do vậy, chủ xe phải ngừng lại giữa đường, gọi cho trung tâm chăm sóc khách hàng của Vinfast để nơi này cẩu xe mang về Hà Đông – Hà Nội sửa chữa !
Khác với mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức hoặc là im lặng, làm ngơ, hoặc thông tin theo hướng: Vinfast rất có trách nhiệm, dịch vụ chăm sóc khách hàng rất tốt ! Xe bốc khói đơn giản vì ổ cắm dẫn điện (jack) cho quạt làm mát két nước bị "tụt", khiến nước làm mát máy sôi, trào ra ngoài. Nhân viên kỹ thuật đã cắm lại jack, bổ sung nước làm mát máy, thay dầu bôi trơn động cơ cho chủ xe yên tâm.
Những cơ quan truyền thông chính thức tham gia công bố thông tin về sự kiện vừa kể đồng thanh trấn an công chúng, jack bị "tụt" có thể là "do rung lắc mạnh trong quá trình vận hành", "kết quả kiểm tra kỹ thuật xác định, lỗi phát sinh từ quá trình vận hành" và "VinFast đã xử lý rất nhanh gọn, thể hiện sự chuyên nghiệp của một hãng sản xuất xe", chứng tỏ dịch vụ hậu mãi của VinFast "khá tốt và nhạy" (1).
***
Nhiều người trong số những người sử dụng mạng xã hội, rành rẽ về lĩnh vực cơ khí của các phương tiện vận tải không tán thành cách mà hệ thống truyền thông chính thức thông tin, lý giải về sự kiện chiếc VinFast Fadil chỉ mới lăn bánh 79 km đã bốc khói, chất lỏng chảy tràn lan trên mặt đường... Chẳng hạn một facebooker tên là Nguyễn Tấn Thành cho rằng, VinFast cần thu hồi tất cả các xe đã bán để thay jack.
Thành nhấn mạnh, các jack trong xe hơi đều có ngàm, muốn tháo phải có phương tiện hỗ trợ, chuyện jack bị "tụt" do rung lắc là không thể tưởng tượng được. Thành lưu ý, chỉ có một khả năng khiến jack "tụt" : Chất lượng các chi tiết bằng đồng trong jack kém, thường là dùng đồng tái sinh, rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất, nên nóng lên khi dòng điện đi qua và làm vỏ nhựa biến dạng thì mới xuất hiện trục trặc hi hữu này.
Theo Thành, đây là vấn đề CỰC KỲ NGHIÊM TRỌNG vì : Mỗi xe hơi có tới vài trăm jack, 80% số vụ cháy xe phát xuất từ điện nên khả năng xe bị cháy rất cao, nguy hiểm cho người sử dụng và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Thành thắc mắc, tại sao những cơ quan chịu trách nhiệm về phương tiện giao thông và an toàn giao thông im lặng. Đồng thời khuyến cáo VinFast cần nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm túc.
Thành còn phân tích cặn kẽ để chứng minh, trục trặc kỹ thuật như đã kể sẽ ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của máy. Chủ xe không nên xuề xòa với VinFast mà cần buộc VinFast chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Thành nhận định, tuy là lỗi nghiêm trọng, vẫn có thể thông cảm với VinFast như một công ty vừa khởi nghiệp nhưng không thể thông cảm với chuyện "chỉ cắm lại jack", rồi "hai bên vui vẻ" và hệ thống truyền thông xúm vào khen VinFast "xử lý tốt, nhanh chóng". Đồng thời cảnh cáo VinFast: Nếu không nghiêm túc, các xe dòng Fadil sẽ còn bốc khói và Vin sẽ dẹp tiệm rất… fast (nhanh) (2) !
Cho dù có không ít người sử dụng mạng xã hội cùng phân tích và bày tỏ sự lo ngại về mức độ an toàn của VinFast Fadil như Thành nhưng tạm thời, nên chờ giới hữu trách Việt Nam lên tiếng. Tuy nhiên không có gì bảo đảm các viên chức hữu trách đối với phương tiện giao thông, an toàn giao thông của Việt Nam sẽ thực thi chức trách của họ. Đó cũng là lý do, với những vấn đề cùng loại tại Việt Nam, hệ thống truyền thông chính thức thường đi trước một bước để gây sức ép, buộc các cơ quan hữu trách, các viên chức hữu trách phải nhập cuộc.
Đáng tiếc là trước nay, riêng với Vingroup, hệ thống truyền thông chính thức thường áp dụng "tam không" (không nghe, không thấy, không nói). Nguyễn Đắc Kiên – một cựu nhà báo, viết trên Facebook: Phải chăng sự kiện VinFast Fadil mới lăn bánh 79 km đã bốc khói, chảy nhớt, dù xôn xao trên mạng xã hội nhưng các cơ quan truyền thông bề thế thuộc hệ thống truyền thông chính thức vẫn im lặng là biểu hiện của "cúi đầu trước... cường tiền" ? Các tòa soạn không thể tìm ra phương thức xử lý đúng đắn xung đột lợi ích giữa các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (nguồn thu chính) và hoạt động nghiệp vụ ?
Kiên bày tỏ hy vọng những cơ quan truyền thông có đông độc giả, hoạt động nghề nghiệp có ảnh hưởng lớn đến công luận, ý thức được trách nhiệm với độc giả - đối tượng tạo ra giá trị và sức sống cho những cơ quan này, mặt khác, ý thức được trách nhiệm lớn hơn đối với cộng đồng xã hội để thông tin chính xác, kịp thời. Làm ngơ hay làm ngược lại đều đáng bị hạch tội, đáng bị nguyền rủa. Với Kiên, Việt Nam không chỉ có Vingroup mà còn nhiều tập đoàn khác bị Kiên xếp vào loại "tư bản hoang dã". Làm ngơ, để cho "tư bản hoang dã" tàn phá từ di sản, môi trường đến chuẩn mực xã hội, luật pháp là gầy tội với chính mình và con cháu (3).
***
Vingroup tung VinFast Fadil ra thị trường hồi trung tuần tháng trước. Đã có rất nhiều thông tin, ý kiến bình luận về chuyện VinFast Fadil được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam gắn cho nhiều cặp cánh, kiểu như… "tạo ra chuẩn mực mới, tái định nghĩa về xe đô thị tại thị trường Việt Nam" (4). Đó cũng là lý do công chúng xôn xao trước những thông tin không… chính thống về căn cốt của VinFast Fadil cũng như lý do dòng xe này phải thay tên, đổi họ, chuyển hộ khẩu đến Việt Nam sau khi không tìm được chỗ đứng trên thị trường Châu Âu (5).
Khoảng hai tuần sau khi ra mắt, VinFast Fadil đã một lần làm dư luận xôn xao do bửng sau rỉ nước và bùn. Lần đó cũng chỉ có mạng xã hội nêu thắc mắc và cùng nhau lý giải. Giống như nhiều sự kiện, vấn đề liên quan tới Vingroup, các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức không im lặng thì khi lên tiếng, cũng chỉ đồng loạt bày tỏ sự nhất trí với Vingroup : Bửng sau của VinFast Fadil rỉ nước và bùn do thiết kế nền theo tiêu chuẩn Châu Âu không có ốp chắn bùn sau. Từ phản ánh của khách hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Công nghệ ô tô VinFast đã nghiên cứu và thiết kế ngay lập tức ốp chắn bùn sau cho Fadil để phù hợp hơn với điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam (6).
Có vẻ như các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức đã dành cho Vingroup nói chung và VinFast nói riêng sự tín nhiệm tuyệt đối như các tín đồ dành cho đấng tối cao của mình, thành ra Vin bảo sao thì lập lại giống y như vậy. Cũng vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội mới có cơ hội chứng tỏ họ chuyên nghiệp hơn các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức.
Chẳng hạn trên một diễn đàn điện tử dành cho những người yêu xe hơi, thành viên có nickname là Tuannph kể rằng, anh đã tìm gặp chủ chiếc xe bị rỉ nước và bùn ở bửng sau, vừa để hỏi han cặn kẽ, vừa chụp hình hốc sau của xe và qua đó chỉ ra cho mọi người thấy, thiết kế nền có dự liệu, dành sẵn chỗ để gắn ốp chắn lồng vè nhưng VinFast không… gắn. Không gắn ốp này không chỉ ảnh hưởng đến "thẩm mỹ" (rỉ nước và bùn ở bửng sau) mà còn dẫn tới rỉ sét gầm xe, hư cảm biến (7)…
Trước Vingroup, truyền thông không… fast !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 1/07/2019
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3049988171679843&set=a.506755012669851&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/nguyendackien/posts/10213828537459975
(4) https://baodautu.vn/vua-ra-mat-vinfast-fadil-co-gi-de-danh-chiem-thi-truong-d101384.html
(5) https://www.youtube.com/watch?v=WYw-prQz0tQ
(6) https://tuoitre.vn/vinfast-bo-sung-op-chan-bun-cho-xe-fadil-20190629165607578.htm
Việt Nam đang tổ chức chấm các bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019. Tuy tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành giáo dục nhưng trên thực tế, có nhiều ngành (như công an), nhiều cấp khác nhau thuộc hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương cùng… chia sẻ trách nhiệm. So với thiên hạ thì rõ ràng là rất… "nghiêm" !
Một hình ảnh tại cuộc thi Trung học phổ thông ở Sơn La. (Hình : Báo Lao Động)
Việt Nam "nghiêm" như thế từ lâu. Chỉ có điều "nghiêm" nhưng không ngăn được gian lận thi cử ! Scandal sửa bài thi – nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 là một trong những ví dụ minh họa. Nhiều ngành, nhiều cấp tham gia bảo vệ - giám sát và thực tế cho thấy, các ngành, các cấp đã thông đồng với nhau để gian lận có thể thi cử có thể thành công trên… diện rộng.
Chắc là không quá đáng khi nói : Càng nghiêm, càng đáng… thẹn !
Thứ tư vừa rồi, tờ Lao Động cho biết, năm nay, Sơn La – một trong những tỉnh năm ngoái bị lộ, khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ê chề vì gian lận thi cử hóa ra là có hệ thống, có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ giữa các viên chức ngành giáo dục và ngành công an - thiết lập tới ba lớp "hàng rào", kèm các hệ thống như camera giám sát, hệ thống làm nhiễu sóng di động để cách ly khu vực chấm thi, giám khảo với bên ngoài trong thời gian chấm các bài thi.
Lao Động cũng đã công bố hai tấm ảnh, chụp cảnh hai nữ giám khảo phải giơ tay qua khỏi đầu cho công an dùng thiết bị tìm kim loại rà… khắp người ! Đây có lẽ là chuyện chỉ có ở… Việt Nam ! Cứ theo tờ Lao Động thì còn có một Đoàn công tác do một Thứ trưởng Giáo dục làm Trưởng đoàn, đến tận Sơn La thị sát. Không thấy tờ Lao Động tường thuật nên có thể phán đoán, từ ông Thứ trưởng đến các thành viên trong đoàn của ông, chẳng có ai phản đối cách thức giám sát giám khảo "nghiêm" đến như thế.
Điều đó cho thấy, cả các viên chức ngành giáo dục lẫn các viên chức hữu trách ở Sơn La cùng muốn chứng tỏ họ rất… "nghiêm" ! Không may là chẳng ai thấy "nghiêm" như vậy chứng tỏ không ai tin ai. Ngành giáo dục không tin các giám khảo – những thành viên cùng ngành, không tin chính quyền địa phương, vô tư, trong sáng. Chính quyền địa phương không tin các thầy, cô giáo – những giám khảo được giao giữ vai trò thẩm định chất lượng giáo dục thông qua việc quyết định điểm của từng bài thi. Chẳng lẽ điều này không đáng… thẹn !
Trong khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tìm đủ cách để rửa mặt, kể cả những cách hết sức phi nhân - xúc phạm tất cả những thầy cô giáo được giao giữ vai trò giám khảo, phi chính trị - mặc nhiên xác nhận từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, ngành nào - kể cả giáo dục, giới nào - không loại trừ cả giáo viên, cũng trong tình trạng "gian" nhiều hơn "ngay", phải phòng ngừa kỹ càng, song "nghiêm" đến thế vẫn không làm ai tin.
Có dựng ba lớp "hàng rào", thiết lập hệ thống camera giám sát, triển khai thiết bị làm nhiễu sóng di động, cách ly khu vực chấm thi, giám khảo với bên ngoài trong thời gian chấm các bài thi, dùng thiết bị tìm kim loại rà… khắp người từng giám khảo cũng không thế gọi làm "nghiêm". "Nghiêm" thế nào được khi trong kết luận cuộc điều tra vụ gian lận ở kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm ngoái, Công an Hà Giang khẳng định, không có bị can nào vụ lợi, chuyện tổ chức sửa bài thi – nâng điểm thuần túy là… giúp đỡ ! Ai tin là "nghiêm" khi Viện Kiểm sát Hà Giang… nhất trí, không thắc mắc (2) !
Nếu "nghiêm" tại sao lúc đầu, xác định có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm nhưng khi Công an Hà Giang kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát lập cáo trạng chỉ còn 107 thí sinh, bảy thí sinh biến mất ? Nếu "nghiêm", sao chỉ đề cập đến một phụ huynh (Phạm Văn Khuông – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) hiện là một bị cáo và lờ đi danh tính của hơn 100 phụ huynh khác (3). Nếu "nghiêm" tại sao từ Công an Hà Giang đến Viện Kiểm sát Hà Giang chỉ chú trọng, nhấn mạnh các "tình tiết giảm nhẹ" hình phạt cho cả năm bị cáo. Khai thác tối đa các "tình tiết giảm nhẹ" này có tương quan thế nào đến sự nhất quán giữa các bị cáo, Công an Hà Giang, Viện Kiểm sát Hà Giang về việc gian lận chỉ thuần túy là giúp đỡ.
Có lẽ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên ngừng biểu diễn "nghiêm" và "buồn". Càng "nghiêm" theo hướng này càng bị nhiều người cười.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/07/2019
Chú thích :
Bản chất của việc cho phép Công ty An Nông tiếp tục phân phối các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat đến tháng chín năm nay, cho dù lệnh cấm kinh doanh các loại thuốc diệt cỏ chứa paraquat đã có hiệu lực trên toàn quốc kể từ tháng hai (1), chính là gia hạn hoạt động nỗ lực đầu độc cộng đồng. Chẳng lẽ Cục Bảo vệ thực vật và rộng hơn là Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn có quyền đầu độc ?
Hình trích xuất từ báo Tuổi Trẻ.
***
Paraquat là tên một hợp chất hữu cơ chuyên dùng diệt cỏ. Paraquat hữu hiệu vì có thể khử oxy hóa trên tất cả các loại mô thực vật, hủy diệt các mầm sống, không chỉ có thế... Với con người, nếu muốn chết, chỉ cần "nhấp" 10 ml đến 15 ml paraquat là y học bó tay. Đó là lý do nhiều bệnh viện ở Việt Nam từng liên tục cảnh báo về vấn nạn sử dụng các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat để tự tử càng ngày càng trầm trọng (2).
Không muốn chết nhưng vô tình hít phải, chạm phải, ăn uống thực phẩm nhiễm paraquat cũng có thể đối diện với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng. Các nghiên cứu khoa học đã xác định, paraquat trong các loại thuốc diệt cỏ hết sức nguy hại cho hệ hô hấp, tim, gan, thận, có thể là một tác nhân dẫn tới Parkinson. Cộng đồng Châu Âu đã cấm dùng paraquat từ 2007, Hoa Kỳ thì qui định muốn dùng paraquat phải xin phép.
Năm 2017, chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng paraquat nói riêng và lạm dụng các loại thuốc Bổ vệ thực vật nói chung tiếp tục ngân lên giòn giã khi giới hữu trách công bố nguyên nhân khiến 60 học sinh trường Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đột nhiên cùng nhức đầu, chóng mặt, nôn mửa phải đưa đi cấp cứu là vì… hít phải paraquat do một nông dân cư ngụ gần trường phun thuốc diệt cỏ trong vườn của ông (3).
***
Thuốc Bổ vệ thực vật là mỹ từ do Việt Nam sáng tạo để gọi các sản phẩm diệt cỏ, côn trùng có hại cho cây cối. Tuy bảo vệ được thực vật nhưng tất cả những loại thuốc Bổ vệ thực vật đã và đang được sử dụng tại Việt Nam đều là thuốc độc đối với con người và môi trường. Cục Bổ vệ thực vật nói riêng và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung thay mặt hệ thống công quyền Việt Nam cho phép hoặc ngăn cấm nhập cảng, sản xuất, kinh doanh thuốc Bổ vệ thực vật.
Cách nay vài thập niên, gần như toàn bộ Châu Âu đã cùng lắc đầu với các loại thuốc Bổ vệ thực vật chế tạo từ hóa chất. Tuy chưa thể lắc đầu như Châu Âu nhưng nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã giới hạn các loại hóa chất trong thuốc Bổ vệ thực vật ở phạm vi từ 400 đến 600 loại. Riêng tại Việt Nam, số hóa chất được phép sử dụng trong thuốc Bổ vệ thực vật lên tới… 1.700 loại. Sự dễ dãi đó khiến thuốc Bổ vệ thực vật tại Việt Nam… cực độc !
Việt Nam đã trở thành "thiên đường" cho đủ loại thuốc Bổ vệ thực vật và các loại hóa chất để chế tạo thuốc Bổ vệ thực vật tìm đến. Trong bốn năm từ 2011 đến 2015, mỗi năm, Việt Nam chi hơn 400 triệu Mỹ kim để nhập các chất độc loại này, phần lớn đến từ Trung Quốc. So với giai đoạn trước năm 2010, kim ngạch nhập cảng thuốc Bổ vệ thực vật và hóa chất chế tạo chúng dù đã tăng mười lần nhưng vẫn còn tiếp tục tăng vùn vụt.
Các chuyên gia cả của Việt Nam lẫn quốc tế từng thực hiện một số cuộc khảo sát và cảnh báo, tại Việt Nam có tới 80% thuốc Bổ vệ thực vật dùng không đúng cách, thành ra mỗi năm, có từ 150 đến 200 tấn thuốc Bổ vệ thực vật dư thừa, thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước khiến cả đất, nước lẫn nông sản cùng bị nhiễm độc, môi trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe của cộng đồng và nhiều thế hệ bị hủy hoại.
***
Thực tế môi trường và thực trạng sức khỏe cộng đồng của người Việt đã trở thành sức ép, buộc hệ thống công quyền Việt Nam phải hành động. Tháng 2 năm 2017, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam ban hành một quyết định (278/QĐ-BNN-BVTV), chính thức loại bỏ hai loại hóa chất : Paraquat và 2,4 D ra khỏi "Danh mục thuốc Bổ vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam".
Cho dù thừa nhận, hai loại hóa chất vừa kể "gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường…" nhưng có thể vì thông cảm sâu sắc với những doanh nghiệp đã nhập cảng, đã sản xuất các loại thuốc diệt cỏ có chứa paraquat và 2D, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép các doanh nghiệp này thêm hai năm để tổ chức tiêu thụ cho hết chất độc. Cũng vì vậy, lệnh cấm này chỉ thực sự có hiệu lực từ ngày 8/2/2019.
Đáng lưu ý là đến giờ (tháng 7/2019), nửa năm sau khi lệnh cấm các loại thuốc diệt cỏ chứa paraquat và 2,4D đã có hiệu lực vẫn còn một doanh nghiệp – Công ty An Nông – đang tổ chức khuyến mãi, thúc đẩy việc gia tăng tiêu thụ thuốc độc đã bị cấm. Đại diện Công ty An Nông giải thích với tờ Tuổi Trẻ rằng Cục Bổ vệ thực vật có cho Công ty An Nông một… văn bản, gia hạn thời gian kinh doanh thuốc độc đã bị cấm đến tháng 9 !
Tờ Tuổi Trẻ chỉ thắc mắc rằng tại sao Cục Bổ vệ thực vật lại "đặc cách" cho Công ty An Nông và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn "nới tay" cho riêng Công ty An Nông kinh doanh thuốc độc đã bị cấm ? Đặt vấn đề như thế không thỏa đáng ! Từ thực tế môi trường và thực trạng sức khỏe cộng đồng của người Việt phải chất vấn hệ thống công quyền Việt Nam rằng, có "chặt đầu, lột da" những kẻ tạo điều kiện cho Công ty An Nông đầu độc cộng đồng hay không ?
***
Do áp lực của dư luận, tháng 2 năm nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam quyết định loại bỏ hai hóa chất chlorpyrifos ethyl và fipronil ra khỏi danh mục hóa chất được phép sử dụng trong thuốc Bổ vệ thực vật tại Việt Nam. Giống như paraquat và 2,4 D, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép các doanh nghiệp tiếp tục nhập cảng, sản xuất các sản phẩm có chứa chlorpyrifos ethyl và fipronil đến năm sau (2/2020) và buôn bán cho đến năm sau nữa (2/2021) (4).
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải thích, việc vạch "lộ trình" vừa kể nhằm "không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và kinh doanh". Cơ quan này nói riêng và hệ thống công quyền nói chung không bận tâm đến thiệt hại của môi trường sống và sức khỏe cộng đồng : Chlorpyrifos là một trong những thủ phạm tạo ra quái thai vì làm suy giảm nội tiết tố sinh sản, tác động đến hệ thần kinh trung ương và thực vật của bào thai, khiến chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn bình thường, trẻ sơ sinh nhẹ cân, chưa kể nhiễm chlorpyrifos có thể dẫn tới ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt. Còn fipronil nguy hại cho nội tạng (tuyến giáp, thận, gan,…) và vì tồn đọng rất lâu trong đất, khi thẩm thấu vào cây thì phân hủy chậm nên tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đặc biệt trong động vật thủy sinh sẽ dẫn đến ngộ độc mãn tính cho các động vật, trong đó có con người.
Sang tháng ba, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công bố thêm quyết định cấm glyphosate – một loại hóa chất hiện diện trong nhiều sản phẩm thuốc Bổ vệ thực vật tại Việt Nam đã được các quốc gia xác định là nguyên nhân khiến ung thư gia tăng. Giống như chuyện cấm paraquat, 2,4D, chlorpyrifos ethyl, fipronil, việc cấm glyphosate cũng có… lộ trình vì phải theo "thủ tục và thông lệ" (5).
Người Việt có thể mất rất nhiều thời gian trong việc tìm thực phẩm "sạch, an toàn" cho mình và gia đình, thường xuyên thở dài, hoang mang khi càng ngày càng nhiều thân nhân, thân hữu, người quen qua đời vì quái bệnh, kể cả khi còn rất trẻ, sống rất lành mạnh. Tuy nhiên rất ít người Việt bận tâm đến thuốc Bổ vệ thực vật và cung cách quản lý thuốc Bổ vệ thực vật. Bàng quan như thế nên Cục Bổ vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính phủ mới như thế.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/07/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/bo-nn-ptnt-noi-tay-cho-doanh-nghiep-ban-chat-cam-2019070207524595.htm
(2) https://infonet.vn/ngo-doc-paraquat-nguy-hiem-nhu-the-nao-post252752.info
(3) https://tuoitre.vn/de-bi-o-nhiem-thuoc-diet-co-1275953.htm
(4) http ://www.sggp.org.vn/loai-bo-them-2-hoat-chat-doc-hai-575621.html
(5) https://tuoitre.vn/viet-nam-cam-nhap-khau-thuoc-tru-co-co-hoat-chat-glyphosate-20190324084141591.htm
Hình ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Việt Nam, đến chào ông Donald J. Trump - Tổng thống Mỹ, hôm 28 tháng 6, làm nhiều người… rã rời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật ngày 28/6/2019. Photo : Chụp từ VTV1
Tuần trước, ông Phúc và ông Trump cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật và video clip do VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) ghi lại – phát rộng rãi cho thấy, Tổng thống Mỹ ngồi trên ghế, hai tay khoanh trước ngực, mặt hất lên với Thủ tướng Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam thì đứng bên cạnh, nghiêng người, đầu cúi thấp, miệng nở một nụ cười mà giới bình dân thường gọi là… cười cầu tài (1).
Ai cũng biết tâm thế quyết định tư thế. Ai cũng biết tư thế nguyên thủ của một quốc gia không phải là vấn đề cá nhân. Bởi tư thế của một nguyên thủ được xem như tư thế của một quốc gia, một dân tộc, thành ra trong bang giao quốc tế, chuyện ăn mặc, chào hỏi, đứng, ngồi… của các nguyên thủ, các viên chức ngoại giao đại diện cho một quốc gia luôn được rèn giũa, thể hiện hết sức nghiêm cẩn, kỹ lưỡng. Vậy mà…
Đây không phải là lần đầu tiên tư thế của ông Phúc khiến người ta cảm thấy… rã rời. Trước nay, phong thái, phát biểu của ông Phúc liên tục làm thiên hạ… rã rời !
Năm ngoái, khi bàn về cách thức ASEAN tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng biết tại sao Myanmar Times lại sử dụng một tấm ảnh của EPA để minh họa : Ảnh chụp ba người, ngoài cùng bên trái là ông U Win Myint – Tổng thống Miến Điện, miệng mỉm cười, mắt liếc qua ông Rodrigo Duterte – Tổng thống Philipines, ở giữa ảnh, mặt nghiêm và buồn, đang nhìn ông Nguyễn Xuân Phúc. Lúc đó, Thủ tướng Việt Nam - ở bên phải ảnh - hai tay đang nắm gấu áo, hai chân dang rộng, đầu gục xuống, mắt cắm vào đất, giống hệt như đang… cúi đầu nhận tội (2) !
Kẻ viết bài này không tán thành chuyện mỉa mai, bỡn cợt những khiếm khuyết về hình thể của ông Phúc hay xỏ xiên về tên của ông theo kiểu đồng âm mà dị nghĩa trong Anh ngữ. Ở khía cạnh văn hóa, dù không ưa, chỉ trích theo lối đó vẫn không phải là cách ứng xử đúng và nên. Tuy nhiên có "kính bác, yêu đảng", thiết tha với chủ nghĩa xã hội đến đâu đi nữa, tư thế của ông Phúc – nguyên thủ Việt Nam - vẫn làm người ta… rã rời vì sự thảm hại nằm ngoài khả năng hình dung của cả những kẻ giàu trí tưởng tượng nhất.
Đáng buồn là sự thảm hại không chỉ bộc lộ ở tư thế, sự thảm hại còn thể hiện qua nhiều phát biểu khiến người ta… rã rời.
Cách nay ba tháng, ông Phúc từng khuấy động dư luận khi đến thăm Czech (Cộng hòa Séc) trong ba ngày (từ 16 đến 18 tháng 4) và gặp gỡ một số người Việt đang cư trú ở Prague (thủ đô của Séc). Xem video clip ghi lại phát biểu của ông ở cuộc gặp vừa kể, ai cũng có thể nghe ông nhận định, việc ông Trump – Tổng thống Mỹ - từng ve vẩy cờ đỏ sao vàng khi đến Việt Nam gặp Chủ tịch Bắc Hàn, khiến "bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay" (3)…
Cần phải khảo sát mới biết "bọn phản động, lưu vong" có "rã rời chân tay" như nhận định của ông Phúc hay không, song chắc chắn, không cần khảo sát cũng có thể thấy rằng, lối tư duy và phát biểu của Thủ tướng Việt Nam làm nhiều người… rã rời vì nó ngây ngô, ngớ ngẩn tới mức đáng tội nghiệp ! Nếu ông Phúc đúng, tại sao ông không nài ông Trump ve vẩy cờ đỏ sao vàng lâu hơn một chút, nhiều hơn một lần để quét sạch bọn "phản động, lưu vong" ra khỏi… trái đất ?
May cho cả ông Phúc lẫn Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là không có người Việt nào tại Czech thông báo với hệ thống truyền thông của quốc gia này rằng, khi đến thăm Czech, ông Phúc đã thúc giục những người Việt đang cư trú tại Czech tích cực hơn trong việc "hạn chế", mạnh mẽ hơn trong việc "giám sát, ngăn chặn" quyền tự do biểu đạt của những người Việt khác trên lãnh thổ Czech ! Nếu có người Việt nào đó cư trú tại Czech, cảm thấy lo âu vì những phát biểu của ông Phúc có thể gây nguy hại cho họ, đề nghị cảnh sát Czech điều tra, lập kế hoạch bảo vệ thì không phải "bọn phản động, lưu vong" mà chính ông Phúc và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới… "rã rời chân tay".
Mà đâu chỉ có thế ! Rã rời đã trở thành cảm giác nhất quán mà dù muốn hay không, người Việt vẫn không thể rũ bỏ !
Làm sao thôi cảm thấy rã rời khi Thủ tướng vẫn thế và… chỉ thế mà thôi. Bất chấp các khuyến cáo, lo ngại của cộng đồng quốc tế về Huawei, những vấn nạn liên quan đến an ninh thông tin, an toàn Internet tại Việt Nam, năm 2017, ông Phúc hoan hỉ cám ơn Huawei "tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam", tri ân Huawei đã đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, khẩn khoản mong Huawei "đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam trong lĩnh vực… an toàn thông tin" và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác này (4). Thậm chí, đầu tháng trước, khi trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Viettel, ông Phúc còn nhắc tập đoàn này noi gương… Huawei để đến năm 2025 trở thành một trong mười doanh nghiệp viễn thông… lớn nhất thế giới (5) !
***
Ông Phúc cho thấy từ tâm thế, tư thế đến nhận thức, hành xử, ông chẳng khác gì các viên chức cao cấp khác đang lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Người ta đã rã rời lại càng rã rời hơn khi ông Phúc và các đồng chí đồng đảng tiếp tục bày tỏ sự tự hào về… vị thế quốc gia một cách hồn nhiên và bất kể thực tế, bất chấp cả dân chúng lẫn thiên hạ nghĩ gì, hết "ông" này đến "ông" kia thi nhau lập luận theo kiểu "mình phải như thế nào thì người ta mới như thế chứ" ! Cũng vì vậy, rã rời không còn là cảm giác, rời rã đã trở thành thực trạng ở tất cả các lĩnh vực trên bình diện quốc gia. Cứ nhìn mà xem, đâu chỉ có "bọn phản động, lưu vong" mới "rã rời chân tay" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/07/2019
Chú thích
(2) https://www.mmtimes.com/news/asean-way-embrace-fourth-industrial-revolution.html