Hình ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Việt Nam, đến chào ông Donald J. Trump - Tổng thống Mỹ, hôm 28 tháng 6, làm nhiều người… rã rời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật ngày 28/6/2019. Photo : Chụp từ VTV1
Tuần trước, ông Phúc và ông Trump cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật và video clip do VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) ghi lại – phát rộng rãi cho thấy, Tổng thống Mỹ ngồi trên ghế, hai tay khoanh trước ngực, mặt hất lên với Thủ tướng Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam thì đứng bên cạnh, nghiêng người, đầu cúi thấp, miệng nở một nụ cười mà giới bình dân thường gọi là… cười cầu tài (1).
Ai cũng biết tâm thế quyết định tư thế. Ai cũng biết tư thế nguyên thủ của một quốc gia không phải là vấn đề cá nhân. Bởi tư thế của một nguyên thủ được xem như tư thế của một quốc gia, một dân tộc, thành ra trong bang giao quốc tế, chuyện ăn mặc, chào hỏi, đứng, ngồi… của các nguyên thủ, các viên chức ngoại giao đại diện cho một quốc gia luôn được rèn giũa, thể hiện hết sức nghiêm cẩn, kỹ lưỡng. Vậy mà…
Đây không phải là lần đầu tiên tư thế của ông Phúc khiến người ta cảm thấy… rã rời. Trước nay, phong thái, phát biểu của ông Phúc liên tục làm thiên hạ… rã rời !
Năm ngoái, khi bàn về cách thức ASEAN tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng biết tại sao Myanmar Times lại sử dụng một tấm ảnh của EPA để minh họa : Ảnh chụp ba người, ngoài cùng bên trái là ông U Win Myint – Tổng thống Miến Điện, miệng mỉm cười, mắt liếc qua ông Rodrigo Duterte – Tổng thống Philipines, ở giữa ảnh, mặt nghiêm và buồn, đang nhìn ông Nguyễn Xuân Phúc. Lúc đó, Thủ tướng Việt Nam - ở bên phải ảnh - hai tay đang nắm gấu áo, hai chân dang rộng, đầu gục xuống, mắt cắm vào đất, giống hệt như đang… cúi đầu nhận tội (2) !
Kẻ viết bài này không tán thành chuyện mỉa mai, bỡn cợt những khiếm khuyết về hình thể của ông Phúc hay xỏ xiên về tên của ông theo kiểu đồng âm mà dị nghĩa trong Anh ngữ. Ở khía cạnh văn hóa, dù không ưa, chỉ trích theo lối đó vẫn không phải là cách ứng xử đúng và nên. Tuy nhiên có "kính bác, yêu đảng", thiết tha với chủ nghĩa xã hội đến đâu đi nữa, tư thế của ông Phúc – nguyên thủ Việt Nam - vẫn làm người ta… rã rời vì sự thảm hại nằm ngoài khả năng hình dung của cả những kẻ giàu trí tưởng tượng nhất.
Đáng buồn là sự thảm hại không chỉ bộc lộ ở tư thế, sự thảm hại còn thể hiện qua nhiều phát biểu khiến người ta… rã rời.
Cách nay ba tháng, ông Phúc từng khuấy động dư luận khi đến thăm Czech (Cộng hòa Séc) trong ba ngày (từ 16 đến 18 tháng 4) và gặp gỡ một số người Việt đang cư trú ở Prague (thủ đô của Séc). Xem video clip ghi lại phát biểu của ông ở cuộc gặp vừa kể, ai cũng có thể nghe ông nhận định, việc ông Trump – Tổng thống Mỹ - từng ve vẩy cờ đỏ sao vàng khi đến Việt Nam gặp Chủ tịch Bắc Hàn, khiến "bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay" (3)…
Cần phải khảo sát mới biết "bọn phản động, lưu vong" có "rã rời chân tay" như nhận định của ông Phúc hay không, song chắc chắn, không cần khảo sát cũng có thể thấy rằng, lối tư duy và phát biểu của Thủ tướng Việt Nam làm nhiều người… rã rời vì nó ngây ngô, ngớ ngẩn tới mức đáng tội nghiệp ! Nếu ông Phúc đúng, tại sao ông không nài ông Trump ve vẩy cờ đỏ sao vàng lâu hơn một chút, nhiều hơn một lần để quét sạch bọn "phản động, lưu vong" ra khỏi… trái đất ?
May cho cả ông Phúc lẫn Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là không có người Việt nào tại Czech thông báo với hệ thống truyền thông của quốc gia này rằng, khi đến thăm Czech, ông Phúc đã thúc giục những người Việt đang cư trú tại Czech tích cực hơn trong việc "hạn chế", mạnh mẽ hơn trong việc "giám sát, ngăn chặn" quyền tự do biểu đạt của những người Việt khác trên lãnh thổ Czech ! Nếu có người Việt nào đó cư trú tại Czech, cảm thấy lo âu vì những phát biểu của ông Phúc có thể gây nguy hại cho họ, đề nghị cảnh sát Czech điều tra, lập kế hoạch bảo vệ thì không phải "bọn phản động, lưu vong" mà chính ông Phúc và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới… "rã rời chân tay".
Mà đâu chỉ có thế ! Rã rời đã trở thành cảm giác nhất quán mà dù muốn hay không, người Việt vẫn không thể rũ bỏ !
Làm sao thôi cảm thấy rã rời khi Thủ tướng vẫn thế và… chỉ thế mà thôi. Bất chấp các khuyến cáo, lo ngại của cộng đồng quốc tế về Huawei, những vấn nạn liên quan đến an ninh thông tin, an toàn Internet tại Việt Nam, năm 2017, ông Phúc hoan hỉ cám ơn Huawei "tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam", tri ân Huawei đã đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, khẩn khoản mong Huawei "đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam trong lĩnh vực… an toàn thông tin" và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác này (4). Thậm chí, đầu tháng trước, khi trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Viettel, ông Phúc còn nhắc tập đoàn này noi gương… Huawei để đến năm 2025 trở thành một trong mười doanh nghiệp viễn thông… lớn nhất thế giới (5) !
***
Ông Phúc cho thấy từ tâm thế, tư thế đến nhận thức, hành xử, ông chẳng khác gì các viên chức cao cấp khác đang lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Người ta đã rã rời lại càng rã rời hơn khi ông Phúc và các đồng chí đồng đảng tiếp tục bày tỏ sự tự hào về… vị thế quốc gia một cách hồn nhiên và bất kể thực tế, bất chấp cả dân chúng lẫn thiên hạ nghĩ gì, hết "ông" này đến "ông" kia thi nhau lập luận theo kiểu "mình phải như thế nào thì người ta mới như thế chứ" ! Cũng vì vậy, rã rời không còn là cảm giác, rời rã đã trở thành thực trạng ở tất cả các lĩnh vực trên bình diện quốc gia. Cứ nhìn mà xem, đâu chỉ có "bọn phản động, lưu vong" mới "rã rời chân tay" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/07/2019
Chú thích
(2) https://www.mmtimes.com/news/asean-way-embrace-fourth-industrial-revolution.html