Tham nhũng chính sách hay xung đột lợi ích ?
Mặc Lâm, VOA, 24/08/2019
Báo chí đang lên tiếng một cách dè dặt việc Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp duy nhất có tên trong Quyết định số 2080/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Trong quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường có ghi "nhóm chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai".
Thủ tướng Phúc ngồi trên xe ô tô của Vinfast do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cầm lái tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất ô tô của tập đoàn này. Hình minh họa. (Ảnh chụp màn hình Soha)
Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup là người đứng thứ 8 trong danh sách nhóm chuyên gia.
Sự dè dặt của báo chí cho rằng việc để duy nhất một doanh nghiệp chuyên môn về bất động sản tham gia xây dựng dự án Luật đất đai là không công bằng đối với những Tập đoàn kinh doanh bất động sản khác tại Việt Nam, và liệu sự tham gia của chuyên gia đang làm việc cho 1 doanh nghiệp vào tập thể soạn thảo luật có tạo ra sự can thiệp không lành mạnh của các nhóm lợi ích vào chính sách, chủ trương có ảnh hưởng lớn về kinh tế hay không ?
Nếu nhìn vụ việc dưới lăng kính của một chuyên gia kinh tế thì vấn đề công bằng đối với các tập đoàn khác là không được đặt ra ở đây vì chuyên gia Hồ Ngọc Lâm sẽ "làm thay" các tập đoàn khác khi để nghị một vấn đề gì đó căn cứ trên lợi ích của doanh nghiệp mà bà đang làm việc, cũng là mẫu số chung của những tập đoàn khác trong bài toán kinh doanh bất động sản, tức kinh doanh đất đai do nhà nước quản lý.
Vậy sự có mặt của bà Lâm có thể gây ra nghi kỵ về mưu toan tham nhũng chính sách, tham gia đề nghị các điều khoản có lợi cho tập đoàn Vingroup trong vấn đề đất đai mà tập đoàn này đang theo đuổi.
Tuy nhiên nếu khách quan mà nói Vingoup không dại gì làm một chuyện lộ liễu mà ai cũng thấy như vậy, nều muốn họ có rất nhiều cách mà không để lại một dấu vết hay tai tiếng gì. Việc mời bà Hồ Ngọc Lâm vào ban soạn thảo có lẽ là một vết xe cũ mà chính phủ Việt Nam đã quen đi, nhưng trên vết xe đó chứa đầy những vi phạm về khái niệm của "Xung đột lợi ích" mà các nước phương Tây rất xem trọng trong hệ thống pháp lý của họ.
Một định nghĩa được sử dụng rộng rãi về xung đột lợi ích : "Xung đột lợi ích (Conflict of Interest – COI) là tập hợp các tình huống tạo ra rủi ro bởi phán đoán hoặc hành động chuyên nghiệp liên quan đến lợi ích chính sẽ bị ảnh hưởng quá mức bởi lợi ích thứ cấp". Nói cách khác dễ hiểu hơn thì "Xung đột lợi ích xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến nhiều lợi ích, một trong số lợi ích đó có thể có thể làm hại một lợi ích khác".
Có một điều rất thú vị tuy Việt Nam không có luật về Xung đột lợi ích nhưng trên Trang thông tin điện tử tổng hợp củaBan Nội chính Trung ương người ta có thể tìm thấy bài viết rất cụ thể về vấn đề này :
"Xung đột lợi ích" là thuật ngữ được sử dụng quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn khá mới đối với Việt Nam. Đến nay, ở Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật hoặc một công trình nghiên cứu toàn diện nào đề cập đến khái niệm "xung đột lợi ích". Do đó, nhận thức về vấn đề này cũng còn nhiều quan điểm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, "xung đột lợi ích" có thể xảy ra trong hoạt động quản lý, điều hành của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào với những tình huống mà chúng ta dễ gặp phải. Ví dụ : Việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tuyển dụng nhân sự mà những người thân, quen, thậm chí là vợ, con người đó lại chính là đối tượng dự tuyển và trúng tuyển. Một người phụ trách việc mua sắm hàng hóa cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng doanh nghiệp được chọn thầu cung cấp hàng hóa lại thuộc sở hữu của vợ, con người đó. Hoặc một bác sỹ khi làm việc trong bệnh viện công đã không nỗ lực khám, chữa bệnh cho người bệnh mà lại gợi ý để người bệnh đến khám, chữa bệnh ngoài giờ tại phòng khám tư nhân mà mình làm việc..".
Tuy nhiên do còn quá mới mẻ, những trường hợp như của bà Hồ Ngọc Lâm và Vingroup chưa được phân tích cụ thể và vì vậy vấn đề này chuyển sang cách nhìn tham nhũng chính sách.
Thông qua định nghĩa từ phương Tây thì trường hợp của bà Hồ Ngọc Lâm tham gia soạn thảo một dự thảo luật quan trọng của chính phủ mà dự thảo ấy có liên hệ mật thiết đến vai trò bà đang giữ tại Tập đoàn Vingroup thì sự có mặt của bà cho thấy đã vi phạm khái niệm xung đột lợi ích một cách rõ ràng.
Để bào chữa cho việc này ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết danh sách chuyên gia bao giờ cũng gồm : các nhà khoa học, các nhà lý luận, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các cán bộ lâu năm trong ngành nhưng đã nghỉ hưu… "Chúng tôi mời như vậy để pháp luật sát với cuộc sống, tinh thần là lắng nghe tất cả, kể cả lý luận, thực tiễn. Đặc biệt, doanh nghiệp hiện nay người ta vướng mắc rất nhiều làm sao mình tháo gỡ được".
Thực ra bà Hồ Ngọc Lâm vừa là một chuyên gia hay tạm gọi là một nhà khoa học nhưng đồng thời bà cũng là một doanh nhân thì ai cấm bà tiếp cận vấn đề từ góc độ lợi ích của tập đoàn mà bà đang phục vụ ? Vì vậy giữa hai vai trò mà bà đang nắm giữ đã xung đột lẫn nhau khiến mọi đề nghị, đóng góp của bà vào Dự án luật bổ xung Đất đai trở thành lợi ích cho tập đoàn Vingroup.
Có lẽ vì vấn đề này quá lộ liễu và nhạy cảm nên Tập đoàn Vingroup thông báo rằng bà Hồ Ngọc Lâm tham gia nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai với tư cách cá nhân, không báo cáo Tập đoàn. Sau khi thấy vì cá nhân mình gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến công ty và ban soạn thảo nên bà Lâm đã làm đơn xin rút khỏi việc này… Luật sư Nguyễn Tiến Lập khi trả lời báo Người Đô Thị cho rằng cá nhân bà Lâm hay Vingroup không có lỗi gì khi họ được mời làm thành viên Nhóm chuyên gia. Bởi những câu hỏi trên, cũng như thắc mắc của dư luận là dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo.
Vấn đề còn lại dành cho Chính phủ : Bộ Tài nguyên và Môi trường làm sao nhìn thấy được sự nguy hiểm của xung đột lợi ích trong khi chưa có một văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 24/08/2019
**********************
Thủ tướng quên… ‘kiên quyết’, dân Đà Nẵng gặp may !
Trân Văn, VOA, 24/08/2019
Ba nhà máy thủy điện : Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương vừa ngưng phát điện để đồng loạt xả nước vào hệ thống sông Vu Gia. Nguồn nước từ ba nhà máy thủy điện này xả ra đã về tới hạ du Đà Nẵng, người ta hy vọng nhờ thế, dân Đả Nẵng sẽ có nước để ăn, uống, tắm, giặt...
Nguyễn Xuân Phúc : Thủ tướng quên… ‘kiên quyết’
Đà Nẵng – nơi được ví von là "thành phố đáng sống" – thiếu nước từ ngày 19 tháng 8. Thực trạng tồi tệ này được giới hữu trách giải thích là do năm nay mưa ít, trời nắng, mực nước trên các dòng sông đồng loạt tụt giảm, nước mặn từ biển tràn vào thế chỗ làm độ mặn của nước vọt lên, doanh nghiệp đảm nhận vai trò cấp nước cho Đà Nẵng không thể lọc và cung cấp nước cho dân ăn, uống, tắm, giặt như trước.
Tại Đà Nẵng, rất nhiều nơi, đặc biệt là khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nhiều người phải tạm ngưng các sinh hoạt thường nhật để đi tìm nước. Sau đó, nhiều khu dân cư ở Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đã có một số trường học tạm đóng cửa. Cục Hậu cần Quân khu 5 đã phải điều động một số xe bồn loại 13 khối chở nước đến tiếp ứng cho các khu dân cư không thể vắt được ở bất kỳ đâu giọt nước nào...
Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng này đã xuất hiện cách nay khoảng ba năm. Sự khác biệt giữa trước đây và hiện nay chỉ ở mức độ : Càng ngày càng trầm trọng ! Tờ Tuổi Trẻ nhắc lại chuyện cách nay một năm. Lúc đó ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Đà Nẵng từng bảo rằng : Bất kể lý do là gì, để người dân thiếu nước chúng ta cũng có tội ! – và đặt vấn đề : "Thiếu nước sinh hoạt : Nhận tội với dân, rồi sao nữa ?" (1).
Câu trả lời tất nhiên là chẳng sao. Nước dù tiếp tục thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng hơn song… đời nào có chuyện chỉ vì… ông Nghĩa (Bí thư Đà Nẵng, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam)… cao hứng tuyên bố như thế mà bắt ông… cúi đầu nhận tội ? Chưa kể bắt ông Nghĩa cúi đầu nhận tội thì có bắt Thủ tướng… cúi đầu nhận tội hay không ?
Tháng trước, trước tình trạng miền Trung thiếu nước trầm trọng cả trong sinh hoạt lẫn trồng trọt, Thủ tướng tuyên bố : "Kiên quyết" không để người dân thiếu nước sinh hoạt (2). Từ đó đến giờ, nước cho ăn, uống, tắm, giặt ở miền Trung càng ngày càng… thiếu và Đà Nẵng chỉ là ví dụ. Sau Đà Nẵng, giờ tới lượt Bình Định, Phú Yên,… phải dùng cả xe cứu hỏa, xe tưới cây chở nước cứu dân sắp chết khát (3).
Chẳng lẽ Thủ tướng "kiên quyết" nhưng dân chúng vẫn thiếu nước sinh hoạt mà Thủ tướng vô can ? Có nên tín nhiệm một người luôn luôn "kiên quyết" nhưng hoạt động của chính phủ thường xuyên thiếu hữu dụng, đảm nhiệm vai trò Thủ tướng hay không ?
Nếu dùng google với "thủ tướng+kiên quyết" làm từ khóa, sẽ chỉ mất vài chục giây là tìm ra hàng chục triệu trang web giới thiệu các tuyên bố mà Thủ tướng thề "kiên quyết" trong đủ mọi chuyện : "Kiên quyết" đấu tranh bảo vệ chủ quyền ! "Kiên quyết" không lùi bước trước khó khăn ! "Kiên quyết" đẩy lùi tham nhũng, quan liêu ! "Kiên quyết" không để vướng mắc kéo dài !..
Còn thực tế ? Với thực tế mà ai cũng thấy, cũng biết, sau khi Thủ tướng tuyên bố… "kiên quyết", bao giờ đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng "kiên quyết" không… dùng hai từ… "kiên quyết" nữa ?
***
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng chẳng phải chỉ chuyên gia mà ngay cả thường dân cũng đã có thể nhìn ra, hậu quả thiên tai ở Việt Nam (lụt, lũ quét, sạt lở, hạn hán) chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Tháng 3 năm 2017, Thủ tướng ra lệnh gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện, "kiên quyết" loại bỏ các dự án thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng (4). Chỉ bốn tháng sau, chính phủ do Thủ tướng lãnh đạo cho hàng loạt tỉnh (Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk,…) "bổ sung vào quy hoạch thủy điện" hơn 20 dự án (5) !
Tháng trước, song song với tuyên bố : "Kiên quyết" không để người dân thiếu nước sinh hoạt ! – Thủ tướng cũng chính là người hết sức ân cần hỏi thăm lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) : Sang năm tiếp tục hạn hán thì có còn điện không (6) ? May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không chỉ đạo : "Kiên quyết" tích nước để các nhà máy thủy điện vận hành ổn định !
Đến giờ, dân số Đà Nẵng khoảng một triệu. Chỉ một triệu nhưng hệ thống công quyền ở Đà Nẵng loay hoay suốt ba năm vẫn không thể cấp đủ nước cho cư dân Đà Nẵng. May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không "kiên quyết" nên hệ thống công quyền ở thành phố này lơ là, không thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Thủ tướng cách nay ba năm : Muốn phát triển mang tính đột phá, Đà Nẵng phải có khoảng… ba triệu dân (7).
Đà Nẵng mà có ba triệu dân như chỉ đạo của Thủ tướng hồi 2016, có thể Thủ tướng sẽ chỉ đạo tiếp rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải "kiên quyết" tuyên truyền, giáo dục nhân dân ăn, uống, tắm, giặt bằng nước… biển ! Dân Đà Nẵng, quý vị thấy mình may mắn không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/08/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/thieu-nuoc-sinh-hoat-nhan-toi-voi-dan-roi-sao-nua-20190822074407607.htm
(3) https://tuoitre.vn/mien-trung-phai-dung-xe-cuu-hoa-tiep-nuoc-cho-dan-vung-han-20190821145920333.htm
(5) https://tuoitre.vn/nhieu-noi-van-lam-thuy-dien-nho-1360159.htm
(7) https://news.zing.vn/da-nang-muon-phat-trien-phai-co-3-trieu-dan-post632331.html
Nếu nói thời của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại di sản ghê gớm nhất là tham nhũng thì thời của đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là giai đoạn mà sự yếu kém của bộ máy bộc lộ rõ nhất về năng lực quản lý và điều hành đất nước từ trên xuống dưới.
Thiên Điểu (VNTB)
Tôi có chút giao tình (chả đậm đà gì cho lắm) với Người Buôn Gió nên không biết rằng đương sự là một người khó tính. Tuần rồi, trên trang FB của ông có hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi (rìa) giữa Hội nghị Thượng đỉnh G 20, cùng với đôi ba lời bình khe khắt :
Thanh Hieu Bui : Chúng ta nhìn thấy nhiều hình ảnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc tế, đặc biệt là bên lề. Vậy thực sự ông ta có khả năng như ghi trong lý lịch là Anh Văn bằng B hay không. ?
Phúc học đại học bên Sing bằng tiếng gì ?
Một nguyên thủ kê khai học vấn như vậy và thực tế như những gì diễn ra trước mắt, đó là một sự lừa dối hiển nhiên.
Một nguyên thủ đứng đầu chính phủ mà dối trá học vấn một cách công khai như vậy, toàn dân và toàn bộ máy quan chức, đảng đều không ý kiến gì.
Nếu đất nước này thực sự kêu gào đổi mới, chưa cần nói đến chuyện cải cách thể chế, chỉ cần những vị trí lãnh đạo như thủ tướng, chủ tịch nước là những vị trí vốn hay giao tiếp quốc tế, phải là những người biết ngoại ngữ đủ giao tiếp thông thường đã.
Tôi thì trộm nghĩ khác. Qúi vị lãnh đạo cấp cao của nước ta cứ ngồi im thin thít, mặc cho thiên hạ nghi ngại vẫn hay hơn là họ phát biểu linh tinh (cờ lờ vờ mờ) gì đó, có thể làm phương hại đến thể diện quốc gia.
Thế chả lẽ đi dự Hội nghị mà chả mở miệng nói năng gì cả hay sao ?
Vâng, nên vậy. Thà im lặng để bị thiên hạ nghi ngờ là dốt, vẫn hơn là mở miệng ra khiến mọi người đều biết là mình dốt thật và dốt lắm.
Im lặng là vàng. Ai cũng đồng ý thế. Trong mọi hoàn cảnh, lắng nghe luôn luôn là một thói quen rất tốt. Vấn đề là ông Phúc chỉ làm bộ nghe thôi nên bị chỉ trích tơi bời. FB Từ Đức Minh chì chiết :
Tai nghe của máy phiên dịch chế tạo khá đơn giản. Nó bao gồm dây cắm xuống máy và chiếc loa tròn để sát vào lỗ tai được giữ bằng miếng nhựa vòng qua vành tai.
Nhìn hình ông Phúc kia gắn tai nghe xuống tận má thế này thì ai cũng biết rằng là sai và không thể nghe được. Vậy chúng ta có thể đưa những giả thuyết sau.
1. Ông Phúc rất giỏi tiếng Anh nên không cần dùng tai nghe máy phiên dịch.
2. Ông Phúc là người quá ngu đần không biết sử dụng những thiết bị tối đơn giản như chiếc tai nghe này.
3. Ông Phúc ngồi như một đống thịt thối và chẳng quan tâm gì tới cuộc họp hết. Việc đi họp chỉ như có lệ mà thôi. Họp hay không thì ông Phúc vẫn giàu và người Việt Nam vẫn mãi nghèo hèn.
Ảnh : internet
Nói thế e hơi quá lời. Đi họp cho có lệ và giả vờ nghe là tình trạng chung của cả nước, chứ đâu phải riêng gì qúi vị dân biểu quốc hội hay cá nhân ông Phúc. Người Việt còn có khả năng giả vờ làm việc nữa cơ – kể cả công việc chuyên môn – như những ông/bà "lương y" vừa đeo ống nghe (ngoài tai) vừa vờ vĩnh khám bệnh, vẫn nhan nhản hành nghề ở đất nước này.
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ giả vờ đi họp, hay giả vờ làm việc – không chừng – lại còn là chuyện may cơ đấy. Chứ ngài mà cũng xăng sái, hăng hái, năng nổ (dựng nhà máy lọc dầu, cất nhà máy điện hạt nhân, khai thác mỏ Bauxit, tạo những quả đấm thép Vinashin (…) như mấy ông Thủ tướng trước thì mới thật là tai họa.
Điều may mắn hơn nữa là ông Phúc chả hề có chủ trương, hay sách lược gì ráo trọi trong bất cứ lãnh vực nào mà chỉ thường hô khẩu hiệu (chung chung) không đụng chạm hoặc phiền lòng ai cả :
- Cần khắc phục tình trạng nói không ai nghe.
- Công chức cần xoá bỏ văn hoá sáng cắp ô đi chiều cắp ô về.
- Văn hóa công sở là phải phục vụ nhân dân tốt hơn.
- Làm cho văn hóa thật sự là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội
Chỉ có mỗi tội là ông trông dáng vẻ hơi lon ton và hay ra những chỉ thị (con con) vớ vẩn, thế thôi :
- Thủ tướng chỉ đạo xử lý vụ giang hồ bao vây nhóm công an ở Đồng Nai
- Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ thanh tra 'vòi tiền
- Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ đầu độc gần 11ha rừng ở Lâm Đồng
- Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang
- Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy
Nói tóm lại là ông Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn vô hại, so với những người tiền nhiệm. Ông không có cái gì hay, và cũng không có điều chi (quá) dở. Tài sản chìm nổi – sân trước, sân sau – cũng chỉ thuộc loại bậc trung thôi, không nổi trội hơn ai. Về mặt tai tiếng cũng không đến nỗi gì cho lắm. Thiên hạ hay cười chê những phát biểu nghô nghê của ông nhưng họ quên rằng đó là lỗi do thằng đánh máy, chứ ông thì hoàn toàn vô can.
Với cái nội các gồm những ông Phó Thủ Tướng (cỡ như Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng) và dàn Bộ Trưởng (kiểu như Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyễn Văn Thể, Trần Tuấn Anh, Trần Hồng Hà, Phùng Xuân Nhạ …) bất tài và vô liêm sỉ đến thế thì ông Phúc đúng là một kẻ xứng tầm, vô cùng vừa vặn. Không có gì đáng để phàn nàn hay chê bai cả.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 09/07/2019 (tuongnangtien's blog)
Hình ảnh ông Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Việt Nam, đến chào ông Donald J. Trump - Tổng thống Mỹ, hôm 28 tháng 6, làm nhiều người… rã rời.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại G20 ở Osaka, Nhật ngày 28/6/2019. Photo : Chụp từ VTV1
Tuần trước, ông Phúc và ông Trump cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Nhật và video clip do VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) ghi lại – phát rộng rãi cho thấy, Tổng thống Mỹ ngồi trên ghế, hai tay khoanh trước ngực, mặt hất lên với Thủ tướng Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam thì đứng bên cạnh, nghiêng người, đầu cúi thấp, miệng nở một nụ cười mà giới bình dân thường gọi là… cười cầu tài (1).
Ai cũng biết tâm thế quyết định tư thế. Ai cũng biết tư thế nguyên thủ của một quốc gia không phải là vấn đề cá nhân. Bởi tư thế của một nguyên thủ được xem như tư thế của một quốc gia, một dân tộc, thành ra trong bang giao quốc tế, chuyện ăn mặc, chào hỏi, đứng, ngồi… của các nguyên thủ, các viên chức ngoại giao đại diện cho một quốc gia luôn được rèn giũa, thể hiện hết sức nghiêm cẩn, kỹ lưỡng. Vậy mà…
Đây không phải là lần đầu tiên tư thế của ông Phúc khiến người ta cảm thấy… rã rời. Trước nay, phong thái, phát biểu của ông Phúc liên tục làm thiên hạ… rã rời !
Năm ngoái, khi bàn về cách thức ASEAN tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng biết tại sao Myanmar Times lại sử dụng một tấm ảnh của EPA để minh họa : Ảnh chụp ba người, ngoài cùng bên trái là ông U Win Myint – Tổng thống Miến Điện, miệng mỉm cười, mắt liếc qua ông Rodrigo Duterte – Tổng thống Philipines, ở giữa ảnh, mặt nghiêm và buồn, đang nhìn ông Nguyễn Xuân Phúc. Lúc đó, Thủ tướng Việt Nam - ở bên phải ảnh - hai tay đang nắm gấu áo, hai chân dang rộng, đầu gục xuống, mắt cắm vào đất, giống hệt như đang… cúi đầu nhận tội (2) !
Kẻ viết bài này không tán thành chuyện mỉa mai, bỡn cợt những khiếm khuyết về hình thể của ông Phúc hay xỏ xiên về tên của ông theo kiểu đồng âm mà dị nghĩa trong Anh ngữ. Ở khía cạnh văn hóa, dù không ưa, chỉ trích theo lối đó vẫn không phải là cách ứng xử đúng và nên. Tuy nhiên có "kính bác, yêu đảng", thiết tha với chủ nghĩa xã hội đến đâu đi nữa, tư thế của ông Phúc – nguyên thủ Việt Nam - vẫn làm người ta… rã rời vì sự thảm hại nằm ngoài khả năng hình dung của cả những kẻ giàu trí tưởng tượng nhất.
Đáng buồn là sự thảm hại không chỉ bộc lộ ở tư thế, sự thảm hại còn thể hiện qua nhiều phát biểu khiến người ta… rã rời.
Cách nay ba tháng, ông Phúc từng khuấy động dư luận khi đến thăm Czech (Cộng hòa Séc) trong ba ngày (từ 16 đến 18 tháng 4) và gặp gỡ một số người Việt đang cư trú ở Prague (thủ đô của Séc). Xem video clip ghi lại phát biểu của ông ở cuộc gặp vừa kể, ai cũng có thể nghe ông nhận định, việc ông Trump – Tổng thống Mỹ - từng ve vẩy cờ đỏ sao vàng khi đến Việt Nam gặp Chủ tịch Bắc Hàn, khiến "bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay" (3)…
Cần phải khảo sát mới biết "bọn phản động, lưu vong" có "rã rời chân tay" như nhận định của ông Phúc hay không, song chắc chắn, không cần khảo sát cũng có thể thấy rằng, lối tư duy và phát biểu của Thủ tướng Việt Nam làm nhiều người… rã rời vì nó ngây ngô, ngớ ngẩn tới mức đáng tội nghiệp ! Nếu ông Phúc đúng, tại sao ông không nài ông Trump ve vẩy cờ đỏ sao vàng lâu hơn một chút, nhiều hơn một lần để quét sạch bọn "phản động, lưu vong" ra khỏi… trái đất ?
May cho cả ông Phúc lẫn Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là không có người Việt nào tại Czech thông báo với hệ thống truyền thông của quốc gia này rằng, khi đến thăm Czech, ông Phúc đã thúc giục những người Việt đang cư trú tại Czech tích cực hơn trong việc "hạn chế", mạnh mẽ hơn trong việc "giám sát, ngăn chặn" quyền tự do biểu đạt của những người Việt khác trên lãnh thổ Czech ! Nếu có người Việt nào đó cư trú tại Czech, cảm thấy lo âu vì những phát biểu của ông Phúc có thể gây nguy hại cho họ, đề nghị cảnh sát Czech điều tra, lập kế hoạch bảo vệ thì không phải "bọn phản động, lưu vong" mà chính ông Phúc và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới… "rã rời chân tay".
Mà đâu chỉ có thế ! Rã rời đã trở thành cảm giác nhất quán mà dù muốn hay không, người Việt vẫn không thể rũ bỏ !
Làm sao thôi cảm thấy rã rời khi Thủ tướng vẫn thế và… chỉ thế mà thôi. Bất chấp các khuyến cáo, lo ngại của cộng đồng quốc tế về Huawei, những vấn nạn liên quan đến an ninh thông tin, an toàn Internet tại Việt Nam, năm 2017, ông Phúc hoan hỉ cám ơn Huawei "tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại thị trường Việt Nam", tri ân Huawei đã đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam, khẩn khoản mong Huawei "đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam trong lĩnh vực… an toàn thông tin" và cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác này (4). Thậm chí, đầu tháng trước, khi trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Viettel, ông Phúc còn nhắc tập đoàn này noi gương… Huawei để đến năm 2025 trở thành một trong mười doanh nghiệp viễn thông… lớn nhất thế giới (5) !
***
Ông Phúc cho thấy từ tâm thế, tư thế đến nhận thức, hành xử, ông chẳng khác gì các viên chức cao cấp khác đang lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Người ta đã rã rời lại càng rã rời hơn khi ông Phúc và các đồng chí đồng đảng tiếp tục bày tỏ sự tự hào về… vị thế quốc gia một cách hồn nhiên và bất kể thực tế, bất chấp cả dân chúng lẫn thiên hạ nghĩ gì, hết "ông" này đến "ông" kia thi nhau lập luận theo kiểu "mình phải như thế nào thì người ta mới như thế chứ" ! Cũng vì vậy, rã rời không còn là cảm giác, rời rã đã trở thành thực trạng ở tất cả các lĩnh vực trên bình diện quốc gia. Cứ nhìn mà xem, đâu chỉ có "bọn phản động, lưu vong" mới "rã rời chân tay" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/07/2019
Chú thích
(2) https://www.mmtimes.com/news/asean-way-embrace-fourth-industrial-revolution.html
Trong chế độ cộng sản, Việt Nam có ba ông Thủ tướng được người dân đem ra làm đề tài trong quán xá nhiều nhất, đó là ông Phạm Văn Đồng, với công hàm bán đứng Hoàng Sa cho Tàu, ông Nguyễn Tấn Dũng với những món nợ do tham nhũng để lại cho đất nước vô địch và bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc với một danh sách dài… tự sướng bằng mồm các tỉnh thành toàn quốc. Đi đến tỉnh nào thì danh sách ấy lại mọc ra một cái tên khi ông phát biểu. Người dân ban đầu còn ngạc nhiên cho rằng ông "nổ" nhưng càng về sau người dân mới nhận ra cái cốt lõi gây cho ông phát biểu bất cần so sánh, bất cần sự thật và nhất là bất cần lòng tự trọng của một nguyên thủ quốc gia là tư duy mị dân đầy trong suy nghĩ của ông.
Bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc với một danh sách dài… tự sướng bằng mồm các tỉnh thành toàn quốc.
Khi ông gào thét rằng Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ ông không hề nghĩ rằng nói như thế là sỉ nhục đất nước vì nơi này ai cũng công nhận là nơi nghèo nhất nước luôn phải xin cứu trợ gạo của chính phủ hằng năm. "Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu" là câu phương ngôn nói về người dân vùng này do nghèo quá nên hái rau má mọc cạnh đường tàu hỏa về chống đói. Lâu ngày đường tàu bị sạt lở nên hư hỏng nhiều đoạn và từ đấy người dân Thanh Hóa mang lấy cái tiếng không mấy đẹp này. Vậy mà Thủ tướng Phúc đem Thanh Hóa ra cho rằng đây là một Việt Nam thu nhỏ có phải là ẩn ý rằng dân Việt Nam cuối cùng thì cũng chỉ như Thanh Hóa là cùng ?
"Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh" là một câu phát biểu khác của Thủ tướng Phúc. Ông hứng thú trước những gặt hái về nông nghiệp của vùng đất này nhưng quên một điều là đời sống người dân ở đây không theo kịp thu hoạch nông thủy sản mà họ làm ra. Những căn nhà ọp ẹp vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Những con đường làng trơn trợt, bùn lầy khiến người dân luôn thủ thân trước những cái té có thể đo ván cả cuộc đời họ. Những chiếc cầu khỉ xuất hiện hàng trăm năm trước vẫn ngự trị trên mọi tỉnh của miền Tây. Những chiếc tam bản lâu ngày không được tu bổ cằn cỗi theo số tuổi của người dân và con đường quốc lộ huyết mạch 1 A nối liền Sài Gòn với Cà Mau chỉ 330 km nhưng nó chưa bao giờ được đề nghị mở rộng hay làm mới hoàn toàn cho dân nhờ, vậy mà ông Thủ tướng đòi hỏi họ nên gia nhập vào "nền nông nghiệp thông minh" thì khá khôi hài và không khéo làm họ nhục thêm.
Khi ông nói "Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện" có lẽ do tấm lòng yêu nơi chôn nhau cắt rốn của ông hơi… mù quáng. Ông quên rằng người Quảng Nam trôi giạt khắp miền Nam để làm những nghề cực nhọc. Một số lớn lấy đất Sài gòn làm nơi kiếm sống bằng mọi thứ nghề không tên. Họ không chờ đợi sự giàu có toàn diện của tỉnh nhà cái mà họ chờ đợi là miếng ăn qua ngày không bị công an dân phòng đánh đuổi, nơi mà họ trú thân qua ngày không bị cưỡng chế và nhất là giấc mơ con em họ được đến trường được toại nguyện.
Có lẽ Thủ tướng nên suy nghĩ cạn kiệt những câu mà ban tư vấn của ông mớm lời mỗi khi đi các tỉnh. Khi họ "biểu" ông nói "Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới" thì ông nên hỏi họ hoặc tra Google xem "thủ phủ" là gì trước khi hiểu mập mờ rằng "thủ" là đầu, như đầu tàu. Chữ thủ phủ ở đây cũng chỉ phần đầu nhưng nó hoàn toàn không chỉ đầu tàu. Thủ phủ là trung tâm hành chính của một đơn vị hành chính cấp địa phương, như tiểu bang, vùng, tỉnh, huyện, xã, tổng...
Trong tiếng Việt, thủ phủ của một tỉnh được gọi là tỉnh lị, thủ phủ của một huyện được gọi là huyện lị. Chữ thủ phủ trong tiếng Anh là capital, đơn vị hành chánh đứng đầu của tiểu bang.
Con tôm đối với Việt Nam trở thành huyết mạch cho người nuôi nó để xuất khẩu trong nhiều năm qua nhưng nếu so với Ấn Độ hay Bangladesh con tôm Việt Nam còn lắm điều cần phải vượt qua mà vấn đề ăn gian là điều đáng xấu hỗ nhất của người dân Việt. Chích hóa chất vào cho con tôm nặng hơn gây viêm nhiễm và trở thành tầm nhắm của nhiều nước châu Âu từng là đề tài làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ê mặt trước đối tác nhiều lần. Họ chỉ biết lặng người trước những bằng chứng không thể chối cãi và chưa ai từng có giấc mơ "thủ phủ" như Thủ tướng nói.
Rồi khi hứng lên ông Thủ tướng không ngại ngùng gì khi nói "Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài" Ông không chứng minh được Nghệ An có gì hay ho khác lạ hay chí ít là giàu có tài nguyên để nhân tài bị nơi này thu hút. Nghệ An không kém Thanh Hóa tí nào có khi còn hơn một bậc về sự nghèo khổ. Ông Thủ tướng chỉ cần bước sang Lào là thấy hàng chục ngàn người làm thuê cho nước bạn bên ấy dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động. Một số không ít họ làm nhân công cho các công ty nước ngoài tại các đập thủy điện đang được xây dựng. Hay nếu muốn ông Thủ tướng cứ bay sang Thái Lan ông sẽ thấy những thanh niên Nghệ An đẩy xe bán kem, trái cây hay nước dừa dạo đề kiếm chứng ba trăm bath mỗi ngày. Những hình ảnh này có phải là nguồn cảm hứng của người tài hay chỉ là ám ảnh khôn nguôi của người trí thức?
Ông còn một câu nói rất…mâu thuẫn khi xác định "Khánh Hoà là hình mẫu của một chính quyền đối thoại". Câu nói này được báo chí phát đi vào ngày 1 tháng 3 năm 2017 trong khi trước đó vào ngày 10 tháng 10 năm 2016 một người hoạt động cho nhân quyền và môi trường là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an Khánh Hòa bắt cô cớ với tội danh theo điều 88 khoản 1 - tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Đây có phải là hình mẫu của một chính quyền đối thoại như ông Thủ tướng xác nhận?
Người dân Việt Nam lắm người đọc báo để chờ Thủ tướng Phúc phát biều về một tỉnh thành nào đó để những người rảnh rỗi có thể "sưu tập" những câu nói hồn nhiên của ông. Người Việt không còn thích thú khi nghe ông nói Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước / Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế / Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước hay Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng. Họ chán bỏi vì những chiếc đầu tàu ấy chắc gì có dầu để mà kéo những trì trệ do chính quyền này gây ra. Ban tư vấn của Thủ tướng vẫn chưa biết người dân phản ứng gì hay sao mà cứ biên soạn cho ông những câu bập bẹ như trẻ con tập nói như vậy?
Có ghét ông Thủ tướng thì cũng bớt làm cho ông mất mặt vì dù sao thì các ông cũng mang danh là thành viên ban tư vấn của một nguyên thủ quốc gia chứ ít gì?
Nếu các ông không "xúi" ông ta nói những điều kỳ dị như vậy thì ít ra các ông cũng nên can đảm đưa ra lời khuyên "cấm" ông ấy nói bậy mà phải cầm giấy đọc từng chữ may ra người dân còn thương tình mà xí xóa.
Thà là cầm giấy đọc để người ta biết mình dốt còn hơn là nói bừa để dân chúng biết mình đã dốt lại muốn lừa dân.
Cánh Cò
Nguồn : VNTB, 19/01/2019 (canhco's blog)
Thủ tướng có phải là… Thủ tướng ?
Thủ tướng và bệnh hoang tưởng ?
Ngày 27/11, hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Việt Nam là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới".
Cho đến nay Thủ tướng hứa rằng Việt Nam sẽ là thủ phủ của tôm, của đồ gỗ, của đồ điện tử và của... nông nghiệp cho toàn thế giới.
Sau đó, phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tối 29/11 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nói rằng : "Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam".
Những câu nói này, lại góp phần dày thêm trong bộ sưu tập những câu nói "để đời" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian chưa lâu kể từ khi ngồi ghế Thủ tướng (1) – Những câu nói có tác dụng gây cười nghiêng ngả trong xã hội.
Kiểm lại quá trình phá biểu của Nguyễn Xuân Phúc, nhiều nhà báo, mạng xã hội đã tổng kết nhiều câu nói của ông, những câu nói mà khi người ta nghe, hết thảy đều ngạc nhiên không thể hiểu ông ta đang nói nhằm mục đích gì ?
Để ru ngủ ư ? Xưa rồi, ngày nay thông tin toàn cầu đã phổ cập khắp nơi, làm sao có thể ru ngủ người dân bằng những câu nói ngớ ngẩn ?
Nhằm "chỉ đạo, gợi hứng" như một số báo chí cộng sản đang nịnh hót tô vẽ bưng bô chăng ? Hoàn toàn không, chẳng có thể có sự chỉ đạo nào vượt ra khỏi thực tế cuộc sống, chẳng có điều gì có thể "gợi" khi mà không thể nào có "hứng".
Nhiều người cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân nào những câu nói của Thủ tướng Chính phủ lại trở thành những câu chuyện hài cho muôn nhà ?
Đặc điểm chung của những câu nói từ miệng Thủ tướng, là những câu nói sáo ngữ, hoàn toàn xa rời thực tế, lủng củng và dẫm đạp logic, đối chọi lẫn nhau không chỉ từ ngữ mà cả ý tứ.
Kèm theo đó, người ta phát hiện ra căn bệnh hoang tưởng thâm căn cố đế hoặc chứng "tự sướng" – nói theo ngôn ngữ dân gian hiện đại.
Đến bất cứ tỉnh, thành, địa phương nào, Thủ tướng cũng đều gào lên rằng nơi đây, tỉnh này phải là đầu tàu của cả nước, chỗ kia phải là "Trung tâm" hoặc "thủ phủ" của thế giới...
Người ta tính sơ sơ những bài phát biểu của Thủ tướng, thì con tàu Việt Nam ít nhất phải có 6 cái đầu là Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An và Cần Thơ... Và thực tế thì với nạn cát cứ một phương như hiện nay, thì Thủ tướng nói còn thiếu, bởi cả nước phải có 64 đầu tàu ở mỗi tỉnh, thành... mới đủ.
Cũng tương tự, cho đến nay Thủ tướng hứa rằng Việt Nam sẽ là thủ phủ của tôm, của đồ gỗ, của đồ điện tử và của... nông nghiệp cho toàn thế giới.
Nghe những lời phát biểu của ông Thủ tướng với những từ ngữ ông ta dùng, người ta có cảm giác ông ta thiếu khả năng về ngôn ngữ. Không đòi hỏi khả năng sáng tạo mà khả năng sử dụng của ông ta cũng rất yếu kém. Do vậy học được từ nào nghe lạ tai, ông ta bám vào đó như một thành ngữ quen thuộc mà không thể bỏ ra khỏi đầu óc, rồi cứ thế phun ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào.
Điều này cũng không lạ, trước đây, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã một thời nổi tiếng với căn bệnh của con vẹt khi bất cứ đến đâu, ông ta cung chém tay như thật : Cần phải tỉm hiểu xem "Nuôi con gì ? Trồng cây gì ?". Đến mức người dân đã ngao ngán trả lời : Thời dại Cộng sản tham nhũng hối lộ này thì tốt nhất chỉ nuôi con cave, trồng cây thuốc phiện là hiệu quả nhất, thưa Tổng bí Thư.
Thế nhưng, nghĩ vậy chắc chưa đủ và chưa đúng. Bởi cha ông ta vẫn dặn : "Cháu lú thì có chú nó khôn". Chẳng lẽ một quan chức cộng sản cỡ bộ trưởng còn có cả bầy thư ký, mà Thủ tướng hết viện nọ, bộ kia, ban này ban nọ giúp việc lại để ông ta thiếu ngôn từ ?
"Phép thắng lợi tinh thần"
Cách đây gần 100 năm, năm 1922, nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc cho ra đời tập truyện vừa "AQ chính truyện". Tác phẩm này được coi là một kiệt tác văn học của Trung Quốc thời hiện đại.
"AQ chính truyện" của Lỗ Tấn, một kiệt tác văn học của Trung Quốc thời hiện đại.
Câu chuyện kể lại những hoạt động trong cuộc đời của nhân vật AQ, một anh chàng thuộc tầng lớp bần nông ít học và không nghề nghiệp. AQ nổi tiếng vì phép thắng lợi tinh thần".
Nhà văn Lỗ Tấn đã khéo nêu bật được tính cách của những kẻ sử dụng "phép thắng lợi tinh thần" nhằm giải quyết những bế tắc, thất bại trong thực tế cuộc sống của chính mình.
Lần lượt tìm hiểu về nội dung "Phép thắng lợi tinh thần" mà Lỗ Tấn đã nêu ra qua nhân vật AQ, chúng ta không khỏi bàng hoàng về sự sao chép đến chuẩn mực như thế ở chế độ chính trị cộng sản Việt Nam ngày nay.
Chẳng hạn, về xuất xứ nguồn gốc của AQ, Lỗ Tấn viết : "AQ không những tên, họ, quê quán đều mập mờ, cho đến "hành trạng" trước kia ra sao cũng không rõ ràng nốt".
Thì quá đúng, hầu hết xuất xứ, tiểu sử của các nhân vật lãnh đạo Cộng sản Việt Nam kể từ Hồ Chí Minh cho đến các lãnh đạo ngày nay, đó là điều hết sức mập mờ và "hành trạng" cũng đều mập mờ nốt.
Chỉ có điều khác ở chỗ, với AQ, khi cãi lộn với ai, thì y mới trừng ngược mắt lên mà rằng : "Nhà tao xưa kia có bề có thế bằng mấy mày kia ! Thứ mày thấm vào đâu !"
À, dù sao thì AQ còn tự hào được với bề thế nhà hắn. Còn lãnh đạo của Việt Nam thì khi cãi nhau, ra tòa đâu dám khoe bề thế mà chỉ thưa tòa rằng ngày xưa nhà tôi chỉ buôn chổi đót, chạy xe ôm, trồng cây cảnh mà bây giờ tài sản khủng khiếp như vậy đấy.
Thậm chí nhiều cán bộ lãnh đạo, tướng tá như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh từng giữ chức nọ ngành kia mà chỉ cho đến khi ra tòa, dân mới ngã ngửa ra rằng hắn không hề biết một chút gì dù là a,b,c trong lĩnh vực được giao phụ trách.
Thậm chí, trước Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội. Thượng tướng Võ Trọng Việt từng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn hồn nhiên đọc "Phê tê bốc" và đòi "chở đám mây điện tử" từ Hongkong về Việt Nam.
Chính vì thế, mới đây, quốc hội đã đưa dự thảo bàn bạc rằng thông tin về thân thế các lãnh đạo cũng sẽ là "bí mật quốc gia" đấy thôi.
Một đặc điểm nữa của "Phép thắng lợi tinh thần" của AQ là sự khiếp nhược, hèn hạ trước kẻ mạnh, nhưng chèn ép và hà hiếp những kẻ yếu, kém may mắn hơn mình.
Ai cũng biết chính phủ của Thủ tướng hèn hạ ra sao trước giặc ngoại xâm. Hàng loạt các cuộc biểu tình yêu nước bị đàn áp dã man, sự khiếp nhược khi bọn bành trướng xâm lược lãnh thổ và bắt bớ, tù đày những người cất tiếng nói vì Tổ Quốc, vì dân tộc đã thể hiện điều này. Thậm chí, có một thời, ngay cả cái tên Hoàng Sa – Trường Sa, Biển đảo... cũng đều bị coi là "phản động" nếu ai đó trót lỡ miệng nói ra.
Quan sát những hiện tượng này, người ta nhớ đến đoạn sau đây của nhà văn Lỗ Tấn : "Mặc dù đám sẹo đó cũng là vật sở hữu của y, nhưng xem trong ý tứ y thì hình như y cũng chẳng cho là quý báu gì, bởi vì y kiêng tuyệt không dùng đến tiếng "sẹo" và tất cả những tiếng âm gần giống âm "sẹo". Về sau cứ mở rộng phạm vi dần, tiếng "sáng", tiếng "rạng" cũng kiêng, rồi tiếng "đèn", tiếng "đuốc" cũng kiêng tuốt".
Chẳng cứ người nào, bất kỳ vô tình hay hữu ý mà phạm phải huý là AQ nổi giận, cái đám sẹo đỏ ửng lên, y nhìn để đánh giá đối thủ rồi kẻ ít mồm ít miệng là y chửi, kẻ sức yếu là y đánh. Nhưng chẳng biết thế quái nào, AQ thường vẫn thua nhiều hơn là được. Do đó y thay đổi dần dần chính sách, về sau chỉ lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ nữa mà thôi".
Nhìn những vụ án trả thù người yêu nước cách đẫm máu và sự quỵ lụy hèn hạ của chính phủ Việt Nam trước Trung Quốc xâm lược, người ta có thể nghĩ rằng những chi tiết đó, Lỗ Tấn đã từng viết cho chính phủ Việt Nam từ trăm năm trước.
Bởi ở đó, người ta thấy hình ảnh AQ khi bị đánh te tua thì tự an ủi : "chúng đang đánh bố của chúng". Nhưng khi bị đánh tiếp thì :
"AQ hai tay cố giữ lấy cái đuôi sam, nghếch đầu lên nói :
- Đánh con sâu ! Được chưa ! Tớ là sâu ! Chưa thả ra à !"
"Phép thắng lợi tinh thần" là một sự tự an ủi bản thân, tự huyễn hoặc bản thân, tự thôi miên bản thân để giúp bản thân dễ dàng chấp nhận, bỏ qua cái thất bại.
Những thực tế cuộc sống người dân từ Thủ Thiêm cho đến mọi miền Tổ Quốc đang trở thành dân oan, những cảnh người dân cơ cực kéo nhau hàng ngàn hàng vạn người đi ra nước ngoài làm nô lệ. Lẽ ra đó là những nỗi nhục không che mặt vào đâu được, lại đã và đang trở thành niềm tự hào của chính phủ và Thủ tướng, ông cho rằng việc xuất khẩu lao động tới 135.000 người là "Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là Bộ hiện thân lòng nhân văn của một chính phủ phục vụ nhân dân".
Thế rồi, khi nghe Thủ tướng chính phủ đến các địa phương và phát biểu những "giấc mơ" của mình, không chỉ có một cảm giác về một Thủ tướng hoang tưởng, mà người ta thấy rõ rằng cái "Phép thắng lợi tinh thần" đã được sử dụng nhuần nhuyễn đến mức nào.
Đã gần 100 năm trôi qua, quan sát tình hình chính trị hiện đại ở Việt Nam, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy một điều thú vị : Con cháu AQ không bị tiêu tán, trái lại đã phát triển rất rộng rãi sang tận Việt Nam, thậm chí đã trở thành những người lãnh đạo đất nước như Tổng Bí Thư, Thủ tướng chính phủ...
Ngày 30/11/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 01/12/2018 (nguyenhuuvinh's blog)
--------------------
(1) Bộ sưu tập những câu nói "để đời" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc :
- Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới
- Thanh Hoá là một Việt Nam thu nhỏ
- Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước
- Khánh Hòa là hình mẫu của một chính quyền đối thoại
- Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài
- Hà Tĩnh, Thanh Hoá là cực tăng trưởng mới
- Bắc Ninh phải là thủ phủ sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới
- Tây Nguyên là cô gái đẹp đang ngủ quên
- Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện
- Bình Dương phải trở thành đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước
- Bình Phước phải là thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao
- Cao Bằng phải là một hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo
- Ninh Bình phải được xây dựng thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế
- Bình Thuận phải trở thành trung tâm năng lượng sạch của Việt Nam
- Hà Nội phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo
- Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông
- Đà Nẵng phải là thành phố độc đáo, độc nhất vô nhị trên toàn thế giới
- Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong
- Hải Phòng phải là đầu tàu quan trọng của cả nước
- Ninh Thuận là Tây Á thu nhỏ của Việt Nam
- Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh
- Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước
- Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế
- Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, lại vừa thêm củi vào lò dư luận !
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì hôm 21 tháng 11, khi đưa ra kết luận cuối cùng về "đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước", đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ông Phúc nhắc nhở giới lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải chú ý đến "sân sau" vì tình trạng lãnh đạo giới này có "bốn, năm sân sau" vẫn rất phổ biến. Ông Phúc nhấn mạnh, "có đồng chí" trong số những cá nhân dự hội nghị mà ông Phúc "không tiện nêu tên", có tới… "14, 15 sân sau", rồi cảnh cáo : "Đừng tưởng Thủ tướng không biết !" (1).
Ai cũng biết khối doanh nghiệp nhà nước tuy được giao giữ số tài sản trị giá khoảng ba triệu tỉ đồng và được cấp lượng vốn khoảng 1,5 triệu tỉ đồng nhưng thay vì phải đóng góp cho "dân giàu, nước mạnh" thì trước giờ chỉ phá. Khối doanh nghiệp nhà nước đã bị nhận diện là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế suy thoái liên tục, nợ nần chồng chất. Việc rót gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia vào khối doanh nghiệp nhà nước, song không chặn được tình trạng từ tài sản, vốn, tới cơ hội kinh doanh – lợi nhuận của khối này chảy hết vào các "sân sau", trở thành tài sản riêng của một số cá nhân biến những tài sản ấy trở thành kếch xù, đã trở thành vấn nạn trầm kha, kéo dài vài thập kỷ.
Thành ra chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi kết luận của ông Phúc tại hội nghị vừa kể tạo ra một trận bão nữa trong dư luận...
Có những facebooker như Phạm Ngọc Tiến cám ơn ông Phúc một cách chua chát vì đã "nói thật", một sự thật làm người Việt đau nhói lòng vì bất lực (2). Cũng với tâm trạng đó, có những facebooker như Nguyen Qui Tri "hoan nghênh Thủ tướng" vì "vị tha", biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có "sân sau" nhưng không làm gì hết (3) ! Hoặc khen Thủ tướng "nhân văn" như Kien Tran vì… vẫn gọi những lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có "sân sau" là… "đồng chí" (4). Song cũng có không ít facebooker thắc mắc như Ngọc Vinh : Mười mấy "sân sau" – một dạng tham nhũng mà không trị thì hiểu sao về sự liêm chính của chính phủ (5) ?
Dường như không kềm giữ được cảm giác chua chát, phẫn nộ, có những facebooker nhận định thẳng tuột như Hong Ho : Chỉ có đồng lõa mới biết cụ thể đến thế về số "sân sau". Thế mà lại để cho yên ! Tại sao không phóng viên nào chất vấn người đứng đầu chính phủ xem ông ta biết về "sân sau" đã bao lâu (?), sẽ xử lý ra sao (6) ? Thinh Nguyen thì chửi thề, nhắc lại chuyện "Đồng chí X" ngày xưa và các "đồng chí" đang có "sân sau" kèm kết luận, dân vẫn chẳng có quyền được biết những "đồng chí" ấy là ai. Bí hiểm như thể cả nước đang… hoạt động tình báo hoặc là… "bình phong" của tình báo (7). Có cả những facebooker như Nguyen Minh Dao cho rằng ông Phúc "che giấu tội phạm", bảo bọc tham nhũng và đặt vấn đề nên… xử sao (8). Võ Văn Tạo thì lý giải việc Thủ tướng Việt Nam tuyến bố đừng tưởng ông ta không biết về "sân sau" là cảnh cáo rồi… chờ cúng (9)…
***
Giống như nhiều viên chức khác trong giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, dường như ông Phúc có năng khiếu đặc biệt trong việc chọc cho đồng bào của mình… giận nên cứ ít bữa họ lại phải xúm vào rủa ông và các đồng chí.
Nhìn một cách tổng quát, nguyên nhân chính có thể là do… thật thà !
Xưa nay, ông Phúc và các đồng chí vẫn lặp đi, lặp lại không mệt mỏi rằng tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm, chống tham nhũng không có vùng cấm. Nếu không… thật thà, làm gì có chuyện khơi khơi khẳng định, biết hết "đồng chí" nào có bao nhiêu "sân sau" rồi… thôi !
Có một điểm cũng cần chú ý để đừng chỉ trích Thủ tướng Việt Nam thái quá, đó là sự… thật thà như vừa đề cập không chỉ thể hiện ở một vài cá nhân như ông Phúc mà nó có tính nhất quán trong toàn hệ thống.
Chỉ một ngày trước khi ông Phúc nhắc nhở các "đồng chí" có… "sân sau", khi bỏ phiếu thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, 452/465 đại biểu Quốc hội Việt Nam "nhất trí" loại bỏ tất cả các giải pháp nhằm xử lý những tài sản mà các viên chức trong diện phải kê khai tài sản không thể giải trình về nguồn gốc (10).
Không… thật thà thì đâu có tỉ lệ 93,20% đại biểu Quốc hội công khai xác nhận họ không… ưng trị tham nhũng ? Vấn đề duy nhất tạo ra… phiền toái là chẳng hiểu vì sao càng ngày, càng nhiều người không ưng kiểu… thật thà như vậy.
Sự kiện 93,20% đại biểu Quốc hội dứt khoát không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào nhằm xử lý những tài sản có nguồn gốc bất minh bằng luật làm nhiều người nổi giận. Có người như Tran Hai cay đắng, chúc các bạn "tai to, mặt lớn" ngủ ngon (11). Cao Son HD thì khẳng định, đó là bằng chứng cho thấy đa số đại biểu Quốc hội dính dáng đến tài sản có nguồn gốc bất minh (12). Nguyễn Mai xem đó là tất nhiên vì đa số đại biểu Quốc hội là viên chức, thậm chí là những viên chức đầy quyền lực, chỉ vì lợi ích của chính mình và băng nhóm của mình (13).
Lẽ ra trước khi Quốc hội thông qua Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên làm "công tác tư tưởng" để dân chúng Việt Nam đừng ngộ nhận về bản chất phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam.
Thiếu bước này, sự kiện các đại biểu Quốc hội thẳng tay gạt bỏ những giải pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, khiến rất nhiều người như Nguyễn Văn Đực choáng váng vì : Hóa ra "lò" chỉ để đốt phe cánh, chứ không trị tham nhũng, chắc chắn tham nhũng sẽ trắng trợn và trầm trọng hơn. Lam Luuvan – một thân hữu của Nguyễn Văn Đực – than : Đây đúng là "thiên đường" mà bất cứ thằng lãnh đạo cộng sản nào cũng muốn (14) ! Tương tự, Lê Quang Huy tin rằng, thủ đắc tài sản có nguồn gốc bất minh là tình trạng phổ quát trong toàn bộ hệ thống. Ông Cụ Mổ Cổ - một thân hữu của Lê Quang Huy - gọi chuyện gạt bỏ các giải pháp xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh ra khỏi Luật Phòng – Chống tham nhũng mới là cách : Chúng lo hậu sự bền vững cho nhau (15).
Tràn trề thất vọng, không ít facebooker như Đặng Huỳnh Lộc uất ức : Quốc hội đã quyết. Không xử lý tài sản có nguồn gốc bất minh, chống tham nhũng cái con... c (16) ! Ngô Trường An thì dẫn lời chị hàng xóm, chửi cha lũ đại biểu Quốc hội lưu manh, tệ hơn chó. Chó chỉ ăn cơm thừa nhưng ra sức giữ nhà cho chủ. Còn đại biểu ăn của dân no nê rồi phản chủ (17) !
***
Rõ ràng dân chúng Việt Nam không còn "thuần" như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mong muốn. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam… thật thà đến thế mà vẫn chẳng yên thân ! Tội nghiệp !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/11/2018
Chú thích
(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/co-ong-1415-san-sau-dung-tuong-thu-tuong-khong-biet-1347648.tpo
(2) https://www.facebook.com/ngoctien.pham.37/posts/10213526615827386
(3) https://www.facebook.com/nguyen.quitri.3/posts/364512694114744
(4) https://www.facebook.com/kienkinhte/posts/10156850479913501
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1842949449149420&set=a.572770479500663&type=3&theater
(6) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2183126822007287&set=a.1399572763696034&type=3&theater
(7) https://www.facebook.com/babel.thinh/posts/1976439559110354
(8) https://www.facebook.com/minhdao.nguyen.7/posts/10210549563174029
(9) https://www.facebook.com/tao.vovan.1/posts/2385478654801670
(11) https://www.facebook.com/tranhai031tt/posts/2018527964929000
(12) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2121599481489234&id=100009176082261
(13) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=317108982352814&id=100021611438503
(14) https://www.facebook.com/nguyen.vanduc.79677/posts/2221170224770887
(15) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1282304788577509&id=100003940014540
(16) https://www.facebook.com/huynhlocpl/posts/2414020561948225
(17) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1752676471509658&set=a.287641388013181&type=3&theater
Trong hơn 120 ngày làm thủ tướng tính đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đóng dấu ấn với những "chỉ đạo" và "đề nghị" độc đáo cho từng địa phương mà ông "đến và làm việc". Với Tây Nguyên, vì là "vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước" ; với Nghệ An, đây phải là "vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài" ; với Bắc Ninh, đây phải là "thủ phủ của sản xuất điện tử sáng tạo của Châu Á và thế giới" ; với Bình Phước, nơi này phải là "thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao" ; với Ninh Bình, đây phải là "trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế"…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017", Hà Nội, 28/8/2017
Trong các cuộc làm việc gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục "chỉ đạo" bằng những "viễn kiến" và "tầm nhìn" tương tự. Ngày 10/08/2018, khi đến Cần Thơ, ông "đề nghị Đại học Cần Thơ cần mạnh dạn thay đổi sứ mệnh phụng sự xã hội và có tầm nhìn phát triển" để trở thành "một trong 20 trường đại học hàng đầu về nghiên cứu ở Đông Nam Á vào năm 2030, là mô hình đại học kiểu mẫu của Việt Nam thông qua sự kết hợp các tri thức cơ bản với giáo dục thực tế…, (để rồi) trong tương lai không xa, Đại học Cần Thơ sẽ là một trong top 1.000 trường đại học thế giới". Riêng về địa phương Cần Thơ, ông nói : "Ở nước ta đã có những thành phố đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống" (VOV, 10/08/2018).
Trước đó, khi đến "thăm và làm việc" tại tỉnh Lâm Đồng ngày 30/07/2018, ông đã "gợi ý" mô hình "tam giác ba góc nhọn" để tỉnh này có thể theo đó mà phát triển : "Góc nhọn thứ nhất là mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao ; góc nhọn thứ hai là công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp ; góc nhọn thứ ba là du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Theo cách này mới có thể phát triển bền vững tốc độ cao được" (VietnamNet, 30/07/2018). Và trước đó không lâu nữa, khi đến Sóc Trăng ngày 19/06/2018, công thức "ba góc nhọn" đã được thể hiện bằng "ba trụ cột" (nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu ; thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao ; và du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh). Cũng tại Sóc Trăng, ngoài "ba trụ cột", ông thủ tướng còn đưa ra mô hình "sáu nhà" (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối), với đề nghị Sóc Trăng cần "xây dựng chuỗi giá trị và quy trình sản xuất các mặt hàng nông sản theo mô hình này" (TTXVN, 19/06/2018).
Không chỉ trong các buổi làm việc tại các địa phương, ở những cuộc họp ban ngành với những chủ đề khác nhau, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thường gây "hoang mang" với những nhận xét hoặc chỉ đạo bằng sự diễn đạt tối nghĩa. Ngày 27/07/2018, khi dự Hội nghị về di sản quốc gia, ông đã "phát biểu kết luận hội nghị" bằng việc nhấn mạnh : "Di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy phải luôn "sáng tạo, năng động" để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo" (chinhphu.vn, 27/07/2018).
Đáng chú ý hơn cả là "tầm nhìn xa" của ông. Thủ tướng không chỉ muốn "Thành phố Hồ Chí Minh phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông", "Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong", mà còn muốn ngành nông nghiệp phải vào "top 15 thế giới trong 10 năm nữa" (phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Đà Lạt ngày 30/07/2018, nơi ông cũng nhân tiện đề nghị "mọi người cần ăn nhiều rau hơn, nhiều chất xơ hơn để phòng chống bệnh tật và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp"). Và ông thường xuyên nói đi nói lại về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà ông cho rằng đó là "một cuộc chơi ; và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, là một phần trong đó" (Zing, 12/07/2018).
Khó có thể biết ông thủ tướng căn cứ vào thực tế nào để đưa ra những phát biểu "chỉ đạo" một cách đầy "hình tượng hóa" cho con đường phát triển quốc gia. Ông sắp đặt một tương lai đầy tham vọng nhưng ông không hề cho thấy ông biết cách điều chỉnh hiện tại như thế nào để soạn thảo các bước phát triển nhắm đến mục tiêu tương lai. Làm thế nào để xây dựng tương lai trong khi hiện tại là những đống đổ nát liên tục chồng chất từng ngày ? Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, hẳn nhiên ông biết rõ đất nước đang đối mặt những khó khăn nào, trong đó đặc biệt quan trọng là sự mục ruỗng thể chế và sự mất kiểm soát trong bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương. Cơ chế phát triển đất nước là một tổng thể của cơ chế quản lý vĩ mô chứ không phải gán ghép "đầu tàu" hoặc "thủ phủ" cho từng địa phương, trong khi đầu tàu quốc gia ngày càng đi chệch và đi lạc khỏi xu hướng phát triển của thời đại và của thế giới.
Thế nhưng ông thủ tướng vẫn "lạc quan" mơ đến ngày Hà Nội hoặc Sài Gòn bằng Paris hay Hong Kong. Ông chưa bao giờ e ngại việc phung phí ngôn từ cho những giấc mơ và "tầm nhìn" của ông. Ông thủ tướng cũng không tỏ ra thận trọng và dè dặt trong việc "định vị tương lai" trong "bối cảnh Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới", bất chấp việc những phát biểu của ông có thể được trích dẫn trên báo chí nước ngoài, vì rằng, thể chế chính trị mà ông đang hiện diện không hề có cơ chế kiểm soát và đánh giá năng lực điều hành lẫn phát biểu của quan chức chính phủ. Ông và chính quyền của ông không đối mặt đảng đối lập nào để có thể bị "check and balance" hành vi lẫn ngôn từ của mình. Điều đó khiến ông thủ tướng cảm thấy "tự tin" hơn cho những phác họa tương lai không có thực. Tuy nhiên, khi ông càng "tự tin", cá nhân ông và chính phủ của ông ngày càng mất niềm tin nghiêm trọng nơi người dân. Khi ông "tự tin" vào sự độc diễn của đảng cai trị cũng như sự độc diễn của cá nhân ông, ông thủ tướng đã cùng lúc làm xói lở niềm tin người dân vốn đã và đang nhìn vào chính quyền cai trị với ánh mắt bất tín hơn bao giờ hết.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 13/08/2018
Thủ tướng kết luận điều chỉnh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (RFA, 17/04/2018)
Chính phủ Việt Nam vừa có thông báo kết luận về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Hình ảnh hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh minh họa) - AFP
Thông báo được Văn phòng Chính phủ Việt Nam đưa ra tại cuộc họp của Chính phủ vào hôm 16/4.
Theo đó, Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc đồng ý phương án do Công ty Tư vấn ADP-1 đề ra, là việc thực hiện mở rộng, đầu tư và xây dựng một nhà ga hành khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam, để đáp ứng được nhu cầu 20 triệu khách một năm và nâng tổng công suất phục vụ cho toàn khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đạt tối thiểu 50 triệu khách một năm.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn cho biết chuẩn bị đầu tư và xây dựng khu vực nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay tại khu vực phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Nơi vị trí có sân golf hiện nay.
Phương án điều chỉnh này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao Thông vận tải chỉ đạo hai công ty tư vấn là ADP-1 và ADCC cần hoàn chỉnh phương án quy hoạch một cách tốt nhất. Đồng thời tính toán và đề xuất giải pháp để giảm tình trạng kẹt xe bên ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Phương án mà Công ty tư vấn Pháp ADP-1 đưa ra bị giới chuyên gia hàng không trong nước phản đối cho là chưa hợp lý. Giới phản đối sân golf của quân đội tại Tân Sơn Nhất cũng tiếp tục lên tiếng yêu cầu phải trả lại đất sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất.
*******************
Thủ tướng lên tiếng về thuế tài sản (RFA, 17/04/2018)
Dự thảo Luật Thuế tài sản do Bộ Tài chính vừa công bố gần đây không phải là kết luận cuối cùng, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính lắng nghe thêm góp ý từ phía nhân dân và các đoàn thể.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc vào sáng ngày 17 tháng 4. Screen capture of Truyền Hình Nhân Dân's video
Đây là nội dung được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong buổi làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc vào sáng ngày 17 tháng 4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng trước khi có quyết định trong các dự án luật và nghị định, Chính phủ luôn mời đại diện Mặt Trận Tổ quốc tham gia soạn thảo.
Dự thảo Luật thuế tài sản gây ra xôn xao dư luận trong những ngày qua khi qui định người sở hữu nhà trên 700 triệu đồng sẽ phải đóng thuế 0,4% một năm cho phần dư từ 700 triệu trở lên. Trong đó, những người sở hữu nhà ở Hà Nội và Sài Gòn sẽ phải đóng mức thuế cao nhất so với những người sở hữu nhà ở các tỉnh thành khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nói thêm, các cơ quan hữu trách phải giải thích cho người dân hiểu rõ rằng những nội dung trong Luật thuế tài sản chỉ đưa ra để lấy ý kiến và cần phải chờ Quốc hội quyết định.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng dự luật này không hợp lý vì nếu đánh thuế ở mức 700 triệu thì đa số các ngôi nhà phải chịu thuế, kể cả những người thu nhập thấp, cần sự trợ giúp của xã hội.
*********************
Dư luận mấy ngày nay đặc biệt quan tâm đến đề xuất áp thuế nhà ở của Bộ Tài chính. Theo đó thì với những căn nhà có giá trị từ 700 triệu đồng hoặc một tỷ đồng trở lên, chủ sở hữu sẽ phải chịu thuế. Phần đánh thuế là khoản giá trị hơn 700 triệu đồng hoặc hơn một tỷ đồng đó, với mức thuế được áp dụng là 0,4%. Với mức thuế này, dự kiến ngân sách sẽ thu thêm được gần 1,5 tỷ USD.
"Tôi không hoàn toàn đồng ý với cả hai phương án. Thứ nhất, trước khi tăng thuế bất động sản, Bộ Tài chính cần có kế hoạch để cải thiện những vấn đề về thu thuế. Hiện tại còn rất nhiều lỗ hổng trong chính sách tài khóa, tài chính và chính sách thuế mà nhiều đối tượng có thể lẩn tránh thuế, trốn thuế và từ đó làm mất nguồn ngân sách quốc gia".
Đó là nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về đề xuất của Bộ Tài chính. Theo vị chuyên gia này, thì Bộ Tài chính không nên áp thuế bất động sản vào thời điểm này mà thay vào đó nên thay đổi chính sách thuế để ngăn chặn hiện tượng mất thuế, giảm thuế, trốn thuế của nhiều thành phần kinh tế. Sau đó, mới cân nhắc chuyện tăng thuế nếu cần.
Một người phụ nữ đạp xe qua một dự án nhà ở cao cấp ở ngoại thành Hà Nội. AFP
Cũng theo quan điểm của ông, một chính sách thuế đưa ra cần phải đáp ứng được hai nguyên tắc. Thứ nhất là phải hỗ trợ chính phủ trong chủ trương giúp người dân có nhà ở. Thứ hai, chính sách thuế phải có tính công bằng, tức là người thu nhập cao phải trả thuế nhiều hơn người có thu nhập thấp. Ông cho rằng đề xuất mới của bộ Tài chính không đáp ứng được cả hai nguyên tắc này.
Hiện tại theo luật thuế của Việt Nam thì chỉ đánh thuế trên phần đất, chứ không đánh thuế giá trị của căn nhà trên mảnh đất đó. Vì vậy, đề xuất của Bộ Tài chính được đánh giá là hoàn toàn mới mẻ và gây nhiều tranh cãi từ phía dư luận.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu giải thích lý do bộ phận đông dân chúng tỏ ra hoang mang trước thông tin này :
Dư luận họ phản ứng bởi vì rất nhiều người có thu nhập thấp đã khổ công mua được căn nhà, bây giờ mua được căn nhà lại bị đánh thuế với mức chắc chắn sẽ nặng hơn nhiều so với hiện hành.
Trước sức ép từ dư luận, ngày 17 tháng 4, đích thân ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải lên tiếng giải thích rằng đây chưa phải là kết luận cuối cùng, mà chỉ đưa ra đề xuất để lấy ý kiến từ người dân và giới chuyên môn.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính thì những đối tượng thu nhập thấp và trung bình sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chính sách thuế mới này. Bởi vì với mức thu nhập như vậy, thông thường nhà ở của họ có giá trị nhỏ hơn 700 triệu đồng, tức là thuộc loại không phải chịu thuế. Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nhìn nhận rằng hiện nay đa phần giới trung lưu ở Việt Nam có nhà đắt hơn 700 triệu đồng, vì vậy chính sách này có thể coi là nhắm trực tiếp vào họ. Trong khi đó giới thượng lưu vốn đã giàu có nên không bị ảnh hưởng bởi luật thuế này.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, thuộc Bộ Tài chính nói với báo chí trong nước rằng nguồn thu từ thuế tài sản này dự kiến sẽ để lại 100% cho địa phương để đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần tăng giá trị của đất đai.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng không đồng tình với đề nghị của bộ Tài chính. Ông giải thích :
Nhà ở là cái không sinh ra lợi ích để mà phải đánh thuế. Đó là tài sản mình ở, mình dùng. Nếu tài sản là nhà cho thuê hay văn phòng cho thuê, có lợi ích thì mình mới đánh thuế. Còn cái này là nhà ở của người dân mà đánh thuế trên đó thì tôi thấy nguyên tắc đó chưa phù hợp đối với Việt Nam.
Chẳng những thế mà hiện giờ chính sách của Nhà nước là giúp người dân vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở. Bây giờ người dân chưa kịp mua nhà ở đã bị đánh thuế rồi.
Ông Bùi Kiến Thành cũng cho rằng mức thuế Bộ Tài chính gợi ý là 0,4% cũng chưa phù hợp bởi vì phần lớn dân Việt phải vay tiền bà con, ngân hàng để mua nhà và đã phải chịu phần tiền lãi khi đi vay. Đến khi mua được căn nhà lại phải nộp thuế lần nữa với mức không phải là thấp.
Về phía Quốc hội, đến ngày 17/4, Tổng thư ký Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết nghị trình xây dựng luật của Quốc hội cho đến hết năm 2019 chưa có nội dung dự án Luật Thuế tài sản như, thông tin đánh thuế nhà từ 700 triệu và ô tô từ 1,5 tỉ trở lên mới dừng ở cấp vụ của Bộ Tài chính.
Đây không phải là lần đầu tiên dư luận bày tỏ bất bình với chính sách thuế ngành Tài chính đưa ra. Thời gian trước đó, Bộ Tài chính liên tục đòi tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 11-12%, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có xăng dầu.
Các lý do chủ yếu được bộ này đưa ra là vì thuế nhập khẩu giảm nên cần tăng thuế khác bù vào việc thu ngân sách giảm, nợ công cao.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, thì ngân sách có thể tăng thêm hàng chục nghìn tỷ mỗi năm.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết quan điểm về tình trạng này :
Về căn bản tôi đồng ý với vấn đề thu thuế vì ngân sách quốc gia cần phải có thuế để chi trả cho tất cả các vấn đề, chi phí thường xuyên của chính phủ và chi phí đầu tư, bao gồm cả những chi phí về an sinh xã hội, quốc phòng. Thế nhưng nó phải ở trong một hoàn cảnh và mức độ hợp lý.
Đầu ra cũng phải cải thiện, tránh việc sử dụng ngân sách quốc gia cho những dự án đầu tư lãng phí và đặc biệt là vấn đề tham nhũng phải được tiêu trừ vì tham nhũng ngốn rất nhiều nguồn ngân sách của chính phủ.
Việt Nam liên tục phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách năm này qua năm khác. 15 ngày đầu năm 2018, ngân sách đã thâm hụt hơn 18.000 tỷ đồng. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng bội chi ngân sách, và thậm chí chi thường xuyên quá cao, không còn tiền để chi cho đầu tư phát triển. Nhiều ý kiến lên án tình trạng chi tiêu lãng phí của nhiều cơ quan Nhà nước, trong khi thiếu ngân sách thì lại đội thuế lên đầu người dân.
Điều này cũng được chuyên gia Bùi Kiến Thành phê bình :
Nhà nước đứng trước tình trạng không giảm cái chi mà cứ tìm cách tăng cái thu lên, tìm cách tận thu của nhân dân như vậy là một tư duy không phù hợp. Làm sao phải giúp cho nhân dân phát triển, giúp cho nền kinh tế phát triển, dân có nhà ở,…chứ không phải để tận thu, làm kiệt quệ tài chính của người dân là không nên.
Vừa qua, các chuyên gia trong nước trong đó có TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ trích chính sách tăng thuế bảo vệ môi trường của người dân nhưng lại bỏ vào ngân sách chung, trong khi dân chúng kêu than môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Họ đặt câu hỏi liệu tiền đó có thực sự được sử dụng cho môi trường ?
*****************
Sáp nhập nhiều sở vì ngân sách không gánh nổi bộ máy cồng kềnh (VOA, 17/04/2018)
Dự kiến các tỉnh của Việt Nam sẽ giảm tới gần 90 sở sau khi sáp nhập, theo một dự thảo nghị định của Bộ Nội vụ về sắp xếp lại các cơ quan thuộc chính quyền cấp tỉnh. Một chuyên gia xã hội học nói động thái này sẽ mất nhiều năm thực hiện với các "hậu quả xã hội to lớn".
Vấn đề tinh giản bộ máy nhà nước đang ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam
Dự thảo của Bộ Nội vụ, được công bố trên báo chí hôm 17/4, đề xuất rằng các tỉnh và thành phố chỉ có từ 18 sở trở xuống. Riêng thủ đô Hà Nội và đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có thể có nhiều sở hơn, nhưng cũng không quá 20.
Nếu thực hiện phương án này, nhiều sở, ngành phải sáp nhập, giúp giảm ít nhất 88 sở, ngành trên toàn quốc.
Theo phác thảo của Bộ Nội vụ, các sở có "quan hệ liên thông" hoặc giải quyết những vấn đề giống nhau sẽ được sáp nhập.
Một số gợi ý trong đề xuất gồm Sở Kế hoạch và đầu tư cùng Sở Tài chính sẽ trở thành Sở Tài chính và kế hoạch ; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải và xây dựng ; hợp nhất Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Sở Công thương thành Sở Công-Nông-Thương ; hợp nhất Sở Thông tin và truyền thông với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch thành Sở Văn hóa, thể thao và du lịch hoặc Sở Văn hóa, thông tinv và thể thao ; hay Sở Khoa học-Công nghệ và Sở Giáo dục và đào tạo trở thành Sở Giáo dục, khoa học và công nghệ.
Một hội nghị trong ngành công an.
Kể cả các sở của chính quyền và các ban của Đảng Cộng sản tại địa phương cũng được Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập thí điểm. Đó là hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nếu được thực hiện, sở mới sẽ có tên là Sở Tổ chức-Nội vụ ; hoặc hợp nhất Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra, và gọi là Kiểm tra-Thanh tra cấp tỉnh.
Một phương án khác do bộ nêu ra trong dự thảo có quy mô nhỏ hơn. Theo đó, Hà Nội và Tp. HCM có tối đa 20 sở ; các tỉnh còn lại có không quá 19 sở. Nếu chính phủ chấp nhận phương án này, sẽ giảm tối thiểu được 46 sở, ngành trên toàn quốc.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, đánh giá đây là "động thái tích cực nhất từ trước đến nay" của Bộ Nội vụ nói riêng và của nhà nước Việt Nam nói chung, khi họ thể hiện nỗ lực làm tinh gọn và tăng tính hiệu quả của các cơ quan trong chính quyền.
Nữ tiến sĩ cho rằng không chỉ cá nhân bà mà nhiều người dân cũng hoan nghênh nỗ lực mà bà gọi là "thiết thực" này.
Đề xuất sáp nhập các sở được đưa ra trong bối cảnh chỉ ít ngày trước đó, Kiểm toán Nhà nước "phát hiện" các cơ quan công quyền "thừa" tới 57.000 nhân viên trong biên chế. Ngoài ra, hồi đầu tháng này, có tin Bộ Công an sẽ có "bước đột phá" là xóa toàn bộ các tổng cục, sáp nhập và giảm một nửa số cục từ con số 126 hiện nay.
Bà Hồng đưa ra nhận định với VOA về lý do đằng sau động thái của Bộ Nội vụ :
"Bây giờ áp lực của việc làm tinh gọn bộ máy nó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bài toán được đặt ra là nếu không tin giản bộ máy này, hệ thống [ngân sách] của nhà nước sẽ không thể nào gánh nổi cả một bộ máy cồng kềnh như vậy. Và tính kém hiệu quả của nó đã quá rõ ràng".
Một báo cáo hồi tháng 3 của Bộ Tài chính cho hay trong 2 tháng đầu năm, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước chiếm 83,1%, còn chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 4,2%.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh được báo chí trong nước trích dẫn nói rằng "muốn chi thường xuyên giảm xuống có nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy". Tiến sĩ Doanh khẳng định "nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra, thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được".
Dù vấn đề dường như rất cấp bách, song tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng việc sáp nhập các sở địa phương sẽ không diễn ra nhanh chóng. Bà nói với VOA :
"Tôi sợ rằng khó mà tính bằng tháng, mà phải tính bằng năm và phải có những lộ trình. Việc thu gọn bộ máy, sáp nhập một loạt các đơn vị như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy, những vấn đề xã hội rất lớn. Nếu việc này không được triển khai theo lộ trình, nó có thể để lại các hậu quả, các vấn đề xã hội rất hệ trọng".
******************
Chính phủ cùng các nhóm lợi ích xẻ thịt tài nguyên quốc gia (RFA, 16/04/2018)
Đỉnh Fansipan từ lâu là đích đến cho những du khách ưa thích sự mạo hiểm, muốn thử sức khám phá và chinh phục ngọn núi vốn được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương".
Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Fansipan đã góp phần phá nát cảnh quan tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương"- AFP
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn SunGroup xẻ núi xây dựng và khai thác hệ thống cáp treo đưa du khách đi thẳng từ thị xã Sapa lên tận đỉnh Fansipan vào tháng 02/2016 thì ngọn núi này đã trở thành tài sản kinh doanh riêng của một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Cũng tương tự đối với những bờ biển được cả thế giới công nhận là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Bãi Dài, Bãi Sao (Phú Quốc) hay Cửa Đại (Hội An) … nếu như trước đây người dân có thể tự do đánh bắt hải sản hoặc thoải mái bơi lội trên những bãi biển này thì giờ đây, phần lớn diện tích nói trên đã được dành cho các tập đoàn lớn như VinGroup, FLC, SunGroup, Bim Group khai thác kinh doanh sân golf, resort cao cấp...
Bình luận về điều này, từ Hà Nội, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đây là một hiện trạng hết sức nhức nhối vì người ta đã biến cái công sản vào tay tư nhân.
"Những tài nguyên thiên nhiên là những tài sản công mà tất cả mọi người đều có thể được hưởng, được tiếp cận. Bây giờ họ bán cho tư nhân và họ quây lại thành tài sản của riêng họ và như vậy là người dân bị từ chối quyền được tiếp cận".
Cùng quan điểm trên, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng việc kinh doanh, khai thác những địa điểm nói trên còn phá nát cảnh quan cũng như gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết :
"Họ phá nát đi những nơi đó, họ đưa những công trình xây dựng vào làm mất đi cái vẻ hoang sơ của Bà Nà hay Fansipan. Riêng cái Bà Nà ngày trước chưa có cáp treo thì có con đường đi lên nhưng bây giờ, họ chiếm và cấm không cho người dân đi qua con đường đó nữa. Còn đỉnh Fansipan thì cái quan trọng là họ phá hư cái cảnh quan, cái đỉnh Fansipan bây giờ mà đi lên được cái đỉnh đó thì không còn ý nghĩa nữa".
Theo nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, đã có rất nhiều dự án mà vì lợi ích trước mắt mà các chủ đầu tư đã ra sức bào mòn, phá hoại tài nguyên quốc gia bất chấp những hệ quả mà người dân phải gánh chịu. Dư luận đã từng lên án dự án Quần thể công trình du lịch văn hóa dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa phá nát sinh cảnh vườn quốc gia Hoàng Liên, chiếm nơi ăn chốn ở của không biết bao nhiêu người dân, hay như dự án Công viên đại dương Hạ Long xâm phạm, san lấp hàng trăm hecta vùng biển thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Cũng tương tự SunGroup, tập đoàn FLC bị lên án ngang nhiên xóa sổ rừng phòng hộ ven biển Sầm Sơn để xây dựng sân golf, resort 5 sao, xua đuổi và cấm người dân xunh quanh nơi xây resort được cào ngao, đánh cá, cướp đi kế sinh nhai của không biết bao nhiêu gia đình sống nhờ nghề bám biển từ nhiều thế hệ…
Rất nhiều trong số những dự án này ban đầu được dựng lên với danh nghĩa góp phần bảo tồn và phát triển kinh tế du lịch địa phương. Tuy nhiên trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển đổi mục đích sử dụng vào các dự án bất động sản nhằm thu những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói tiếp :
"Ví dụ như khu Hòa Quý, Hòa Xuân ở Đà Nẵng, họ gọi là khu du lịch sinh thái nhưng thực chất nó là khu đô thị sinh thái, họ đuổi hết dân đi rồi quy hoạch thành khu đô thị rồi bán nền lại với giá cao trong khi đó đền bù lại cho người dân với mức giá nông nghiệp rất rẻ, khoảng 15 ngàn đồng/m còn bây giờ họ bán lại với giá từ 50 cho đến cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông, thế là lời lắm rồi. Họ lấy hết đất đai, nhà thờ, chùa chiền bao nhiêu đời để làm khu đô thị mới, người dân sống bằng nghề nông nghiệp bây giờ không biết làm cái gì để người ta sinh sống".
Trước câu hỏi vì sao những vụ việc gây bức xúc và thách thức dư luận như vậy lại không bị phanh phui và xử phạt theo qui định của luật pháp Việt Nam, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng đã có âm mưu lợi ích nhóm trong những dự án nói trên :
"Đã có sự lợi ích nhóm và cấu kết với nhau giữa các tập đoàn và chính quyền. Điều đó là chuyện đương nhiên rồi, nếu không có sự cấu kết đó thì doanh nghiệp nó cũng khó làm ăn được, khó mua được những dự án với giá rẻ để sau này bán ra với giá cao. Và khi mà có sự cấu kết đó thì lợi lộc vào tay những quan chức và các tập đoàn còn thiệt hại là thuộc về người dân sống trên mảnh đất đó. Còn thiệt hại đối với xã hội đó là một số những tài nguyên, cảnh quan như biển như rừng thì bị bán mất hết đi".
Trước hiện tượng kinh doanh chộp giật, bất chấp những hậu quả có thể gây ra đối với môi trường và phát triển bền vững như vậy của các doanh nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Quang A đề xuất người dân bị ảnh hưởng cũng như người dân ở khắp mọi nơi đều phải lên tiếng thì may ra chính quyền và các doanh nghiệp mới có thể hạn chế được việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Ông cũng cho rằng việc một nhà nước được gọi là "của dân, do dân và vì dân" nhưng lại sử dụng tài sản công để phục vụ cho tầng lớp tư bản là một sự cấu kết lợi ích rõ ràng.
Mỹ Lan
**********************
Con trai ông Lê Thanh Hải bị khiển trách (BBC, 17/04/2018)
Con trai nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bị khiển trách vì "có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Ông Lê Trương Hải Hiếu (ngoài cùng, bên phải hình) đang là Chủ tịch UBND quận 12
Truyền thông Việt Nam hôm 17/4 đưa tin Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo về kết quả xem xét kỷ luật đối với ông Lê Trưởng Hải Hiếu, Thành ủy viên, Chủ tịch UBND quận 12.
Ông Hải Hiếu là con trai ông Lê Thanh Hải, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hai khóa trước khi nghỉ hưu năm 2016.
Theo báo Tuổi Trẻ, việc khiển trách được công khai tại hội nghị Thành ủy ngày 17/4.
Thông tin trên báo chí nhà nước nói Ban Thường vụ Quận ủy Q.12 kỷ luật ông Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Nguyên nhân được công bố là ông Hiếu đã vi phạm trong việc "có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Ông Lê Trưởng Hải Hiếu từng là lãnh đạo quận trẻ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh khi giữ chức Phó bí thư quận ủy kiêm Chủ tịch UBND quận 12 lúc 34 tuổi vào năm 2015.
Hồi tháng Ba, người em trai ông Lê Thanh Hải bị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kỷ luật khiển trách vì liên quan hàng loạt sai phạm ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn .
Ông Lê Tấn Hùng là tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV.
Sai phạm của ông Hùng liên quan việc ký khống, chi khống hơn 13 tỉ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động học tập nước ngoài.
Bối cảnh chính trị
Việc kỷ luật hai người thân của nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt chiến dịch "xây dựng, chỉnh đốn" Đảng Cộng sản.
Từ sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng 12 đầu năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh chủ trương được nói là để "chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm".
Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Đinh La Thăng, bị đưa ra xử trong hai phiên tòa.
Hôm 12/4, một Ủy viên Trung ương Đảng, Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, bị xử lý cảnh cáo.
Ông Cường bị kỷ luật với lý do có vi phạm khi giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục Chính trị - Hậu cần, Tổng Cục tình báo, Bộ Công an.
Vừa qua, hai tướng công an, Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng C50 (Bộ Công an) bị khởi tố bắt giam, bị tước danh hiệu công an nhân dân.
Trump có thực sự coi Việt Nam là đối tác quan trọng ? (VOA, 26/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Mỹ kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nhậm chức. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Việt sẽ bàn thảo các phương thức để tăng cường quan hệ song phương và làm sâu sắc thêm sự hợp tác trong khu vực.
Trong thông báo về chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Toà Bạch Ốc gọi Việt Nam "là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á". Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Phúc sẽ phải chứng minh được điều này trong chuyến công du Mỹ tuần tới.
Thủ tướng Phúc sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 1 vừa qua. Chi tiết này có thể gây ngạc nhiên nhưng giới quan sát và các nhà phân tích cho rằng đây là nhờ các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chủ động đánh tiếng bày tỏ mong muốn kết nối với tân chính quyền Mỹ, bất chấp Châu Á không mấy được chú ý trong chính sách đối ngoại của tổng thống Trump.
Hai nước cựu thù đã trở thành đối tác chiến lược trong bối cảnh vai trò của Việt Nam trở nên quan trọng hơn trong chính sách xoay trục sang Châu Á của chính phủ Tổng thống Obama, trong khi Trung Quốc ngày càng bành trướng và phô trương sức mạnh trên biển Đông.
Khi ông Trump lên nắm quyền, Châu Á ít khi được nhắc đến trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới sau khi ông Trump gạt sang bên chính sách tái cân bằng lực lượng sang Châu Á của Tổng thống tiền nhiệm, đồng thời rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và có dấu hiệu cho thấy Washington không mấy thiết tha với các vấn đề biển Đông.
Việt Nam và các đồng minh của Mỹ trong khu vực bày tỏ lo lắng, không rõ chỗ đứng của mình trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump sẽ tiếp thủ tướng Phúc tại Nhà Trắng vào ngày 31/5.
Các nhà phân tích nói mặc dù ông Trump còn "đang tìm hiểu về Việt Nam" nhưng các nhà chiến lược của Mỹ và phụ tá Tổng thống nhận thức rõ rằng Mỹ và Việt Nam chia sẻ những lợi ích chung và cần đến nhau.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason ở Washington nhận định Việt Nam là "một con bài quan trọng trong cấu trúc an ninh đa phương trong khu vực" của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Philippines dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte "tìm cánh lánh xa Mỹ và xích lại gần hơn với Trung Quốc", tuy nhiên ông Trump cần được thuyết phục về tầm quan trọng của Việt Nam.
"Các phụ tá của ông Trump có thuyết phụ được ông ý coi Việt Nam là đối tác quan trọng hay không", ông Hùng nhận định. "Còn ông Phúc có thể giải thích cho ông Trump hoặc đưa ra những quyền lợi gì để cho thấy rằng việc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng là phù hợp với quyền lợi của Mỹ cả về phương diện chiến lược và phương diện kinh tế".
Theo phân tích của giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Úcđể đảm bảo là đối tác quan trọng của Mỹ "Việt Nam phải tham gia danh sách các đối tác với tinh thần xây dựng của Mỹ, trong đó Singapore là đối tác số 1. Nhưng Việt Nam hiện nay có lẽ gần với Hoa Kỳ hơn so với 2 đồng minh có hiệp ước với Mỹ, là Thái Lan và Philippines. Dưới thời của Thủ tướng Phúc, Việt Nam sẽ hợp tác với chính quyền của ông Trump trong mọi vấn đề ở Đông Nam Á . Hà nội không chỉ trích chính phủ Mỹ một cách công khai như Philippines. Nhưng Việt Nam cần duy trì một thế cân bằng. Lo lắng lớn nhất của Việt Nam là nếu Mỹ và Trung Quốc trở nên quá gần gũi và gạt sang bên những lợi ích của Việt Nam".
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cũng là chuyên viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nói Mỹ cần đến Việt Nam nếu muốn củng cố sự hiện diện trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Vai trò của Việt Nam đã trở nên quan trọng trong chiến lược xoay trục hướng về Châu Á của Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama. Nhưng chính quyền mới dưới thời Tổng thống Trump đang đánh đi những tín hiệu không rõ ràng về vai trò của khu vực này.
Một bài viết đăng tờ The Diplomat, phân tích chuyến đi thăm Việt Nam của tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 5/2016, nói : "thực tế cho thấy Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn trong chiến lược nhằm kiềm hãm Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực".
Tuy nhiên giáo sư Hùng cho rằng "ông Trump lên đã làm người ta nghi ngờ về sự tiến hành của (chính sách này)" và trong chuyến thăm sắp tới, ông Phúc "ngoài việc thắt nhịp cầu liên lạc với các phụ tá của ông Trump" sẽ phải thuyết phục được tổng thống Trump về vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực.
"Ông Trump thích ngoại giao cá nhân", theo nhận định của giáo sư Hùng. "Ông ấy hành động theo cảm tính nhiều lắm. Vấn đề là liệu ông Phúc có đặt một cái tương cá nhân nào quan tốt đẹp với ông Trump hay không thì nó sẽ thành công rất nhiều".
Người ta cũng hy vọng chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp Đông Nam Á tìm ra giải đáp về vai trò tương lai của Hoa Kỳ trong việc giúp khu vực đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Giới truyền thông trong cho rằng các tuyên bố về hàng hải trong các vùng biển tranh chấp có nhiều khả năng nằm trong nghị trình thảo luận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ vào ngày 31/5.
Theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 23/5, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Việt sẽ bàn thảo các phương thức để tăng cường quan hệ song phương và làm sâu sắc thêm sự hợp tác trong khu vực.
************************
Thủ tướng Việt Nam làm gì ở Mỹ ? (VOA, 26/05/2017)
Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, và gặp người đứng đầu Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 cho biết rằng chuyến đi "nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam" cũng như "đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ".
Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến đi mà Hà Nội mong đợi sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử, kéo dài từ ngày 29 tới 31/5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với ông Trump ; tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng ; dự tọa đàm với sự tham dự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ; phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ; tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Đầu tháng Năm, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với Thượng nghị sĩ John McCain.
Chưa rõ là ông Phúc sẽ gặp dân biểu và thượng nghị sĩ nào, nhưng trong một động thái cho thấy Hà Nội đặt ưu tiên vào việc vận động cơ quan lập pháp Mỹ, xuất hiện vị trí tham tán phụ trách các vấn đề quốc hội Mỹ tại cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam, một nhà ngoại giao nữ tên Phạm Thu Hằng đang nắm nhiệm vụ này.
Đầu tháng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với hai nhân vật có liên quan tới Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain và nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên tại quốc hội Mỹ, bà Stephanie Murphy, nhằm "thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện" giữa hai nước và "thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao".
Trước đó, đại diện ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại thủ đô Washington DC đã gặp dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sau khi ông Vinh có buổi tiếp đón nhiều nhân viên của các nhà lập pháp Mỹ.
Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam.
Trong các vấn đề ông Phúc dự kiến thảo luận với các quan chức chủ nhà, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không nêu nhân quyền, nhưng phía Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng thúc đẩy vấn đề này "là một phần sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là một thành phần quan trọng trong cuộc đối thoại tiếp diễn giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ".
Ít ngày trước chuyến công du của ông Phúc, dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần với chủ đề "Việt Nam : Vì sao nhân quyền và tự do tôn giáo lại mang tính sống còn đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ".
Thông cáo trích lời nhà lập pháp, vốn từng nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng bị Hà Nội phản bác, nói rằng "khi Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này, chính quyền của [ông] Trump có một cơ hội để khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc đàn áp các nhóm tôn giáo, các nhà dân chủ, các blogger, và các nhà báo".
Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 25/5, khi được hỏi rằng liệu vấn đề Biển Đông có được mang ra thảo luận hay không, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Phúc sẽ "trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh" cũng như thảo luận "các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới".
Trong chuyến thăm Mỹ tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với quan chức chủ nhà.
Tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ trong chuyến đi mà nhiều nhà quan sát cho là tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc.
Thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tình hình Biển Đông đã được mang ra trao đổi trong khi ông Minh tiếp xúc với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.
Hai quan chức Mỹ được trích lời "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế…" Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận này.
Trả lời VOA News, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận định rằng Việt Nam "muốn nắm chính sách và chiến lược của Mỹ về Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại đó, nhất là khi Washington đang hướng tới Bắc Kinh để khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn".
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới Trung Quốc hơn 10 ngày trước chuyến công du Mỹ của ông Phúc.
Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc diễn ra hơn 10 ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang công du Trung Quốc, và tin cho hay, đôi bên đã "nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông".
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á thường thận trọng trong chiến lược làm bạn với các cường quốc, và "không một nước nào muốn bị cuốn quá sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, hay bất kỳ một các cường quốc nào khác".
Chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn bị chỉ trích là "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn nhấn mạnh "không dựa vào nước này để chống nước kia".
Viễn Đông
Nhân chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, đài Á Châu Tự Do có cuộc trao đổi ngắn với giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, đồng thời là chuyên viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ CSIS.
Phóng viên Lan Hương phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng tại RFA ngày 16/5/2017. RFA photo
Mục đích chuyến đi
Lan Hương : Thưa giáo sư, theo giáo sư, trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Hoa Kỳ gặp Tổng thống Donald Trump, những chủ đề chính mà hai bên bàn thảo sẽ là gì ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Mục đích chính của chuyến đi này về phía Việt Nam thứ nhất là để làm quen với ông Trump và những cộng sự viên cao cấp của ông ấy trong chính quyền mới. Thứ hai là để thăm dò chính sách của Chính quyền này đối với Châu Á Thái Bình Dương nói chung, với Việt Nam nói riêng. Thứ 3 để tìm cách nếu có thể thì tạo ảnh hưởng đối với những chính sách đó. Đó là những mục đích chính.
Còn về chuyện bàn thảo, trước khi đi báo chí có nói đến chuyện mua vũ khí của Mỹ. Hiện nay hai bên đang thảo luận tiền hội nghị, nếu các chuyên viên đồng ý đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của hai ông đó thì khi sang đây người ta sẽ quyết định mua vũ khí nào, mua bao nhiêu và quan hệ chiến lược hai bên như thế nào. Ngoài ra thì Việt Nam hay nói chung chung là tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng, giáo dục, công nghệ,… Nhưng trong các cuộc gặp của lãnh đạo lớn thì người ta hay chú trọng hơn đến vấn đề chiến lược và kinh tế. Đó là những đề tài mà người ta có thể đem ra thảo luận.
Lan Hương : Thưa ông, Việt Nam mong muốn đạt được gì từ chuyến thăm này sang Mỹ ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Như tôi đã nói, đây là chuyến thăm đầu tiên để làm quen, ra mắt. Riêng chuyện vận động được ông Tổng thống Trump mời ông Phúc đã là một điểm tốt, điểm son cho vai trò của Việt Nam. Khi Việt Nam sang đây, dĩ nhiên họ trông chờ tăng cường quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam và quan trọng nhất về vấn đề chiến lược. Việt Nam ngoài chuyện muốn gây cảm tình, gây ảnh hưởng về chiến lược thì Việt Nam cũng muốn tăng cường quan hệ chiến lược với Mỹ để đồng thời thăm dò xem có thể dùng Mỹ như một đối trọng với sự lấn lướt của Trung Quốc hay không. Còn về phương diện kinh tế thương mại, bởi vì Hiệp ước TPP là hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương đã bị Mỹ bác bỏ rồi, nhưng Việt Nam vẫn muốn hai điểm thứ nhất là Mỹ đầu tư thêm vào Việt Nam. Thứ hai Việt Nam muốn Mỹ sẽ mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Và cuối cùng, Việt Nam muốn được hưởng những quyền lợi mà đáng ra họ được hưởng trong hiệp ước TPP.
Việt Nam trông đợi gì
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) tại phòng bầu Dục, Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 25 tháng 7 năm 2013. AFP photo
Lan Hương : Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm này có ý nghĩa thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Đối với Hoa Kỳ chúng ta thấy ông Trump cũng không hiểu biết nhiều về vấn đề quốc tế. Nhất là những vấn đề phức tạp của Á Châu và ông ấy cũng lơ là với chính sách xoay trục của chính quyền Obama ngày xưa. Thế nhưng trong khi đó, những chuyên viên quân sự trong bộ Quốc phòng lại biết rõ vai trò quan trọng của Đông Nam Á, và cũng thấy vai trò chiến lược của Việt Nam thì họ cũng muốn là qua chuyến thăm của ông Phúc, sẽ thuyết phục cho ông Trump về vai trò chiến lược quan trọng của Việt Nam. Thứ hai họ cũng muốn thăm dò xem chính quyền mới của ông Phúc có thể đóng góp gì cho chiến lược của Mỹ ở Á Châu.
Lan Hương : Năm 2013 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Trương Tấn Sang sang Mỹ, hai bên đã đạt được bước tiến đáng kể khi nâng tầm quan hệ hai bên lên thành đối tác toàn diện (không phải là đối tác chiến lược như mong đợi trước đó), liệu trong chuyến thăm này chúng ta có thể trông đợi những thỏa thuận nào đáng chú ý giữa hai nước hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Ông Trump nổi tiếng với tính tình khó tiên đoán được mà người ta gọi là "unpredictable" nên điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng nói một cách bình thường, căn cứ vào những chuyện đã xảy ra, trừ những biến cố rất đặc biệt, người ta khó trông đợi một đột biến nào để nâng tầm đổi tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện. Nhưng người ta cũng có thể sẽ đạt được một số thỏa thuận trên nguyên tắc trong lĩnh vực cộng tác quốc phòng và thương mại. Nếu Việt Nam khéo ra thì cũng có thể sẽ tạo được một cơ chế nào đó để họ tiếp tục làm chuyện đó trong thời gian sắp tới. Cũng như Trung Quốc sang đây họ có 100 ngày để thảo luận các vấn đề đôi bên để đạt kết quả.
Lan Hương : Dưới thời của Tổng thống Obama với chiến lược chuyển trục về Châu Á để đối phó với Trung Quốc, Việt Nam được coi là một đối tác quan trọng trong khu vực đối với Mỹ, vậy dưới thời của Tổng thống Donald Trump, vai trò của Việt Nam đối với Mỹ ra sao trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương ?
Nguyễn Mạnh Hùng : Chính sách ngoại giao của ông Trump là chính sách chưa được định hình và có thể biến đổi bất ngờ tùy cá tính của ông Trump. Nhưng những nhà chiến lược của Mỹ họ đã biết vai trò chiến lược của Việt Nam với Mỹ là như thế. Cho nên vấn đề đặt ra là ông Phúc có khả năng thuyết phục và lấy cảm tình của ông Trump để ông ấy coi trọng Việt Nam như những nhà chiến lược của Mỹ muốn hay không. Điều này cũng liên quan đến sự chuẩn bị của phái đoàn ông Phúc để các phái đoàn lãnh đạo vận động chính giới và chiến lược gia Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của ông Phúc có tính tức thời, còn nhiệm vụ của những nhà gọi là phụ tá của ông Phúc đó thì có tính chất liên tục.
Lan Hương : Xin cám ơn những chia sẻ của giáo sư.