Trump có thực sự coi Việt Nam là đối tác quan trọng ? (VOA, 26/05/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Mỹ kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nhậm chức. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Việt sẽ bàn thảo các phương thức để tăng cường quan hệ song phương và làm sâu sắc thêm sự hợp tác trong khu vực.
Trong thông báo về chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Toà Bạch Ốc gọi Việt Nam "là một trong những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á". Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Phúc sẽ phải chứng minh được điều này trong chuyến công du Mỹ tuần tới.
Thủ tướng Phúc sẽ là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng kể từ khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 1 vừa qua. Chi tiết này có thể gây ngạc nhiên nhưng giới quan sát và các nhà phân tích cho rằng đây là nhờ các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chủ động đánh tiếng bày tỏ mong muốn kết nối với tân chính quyền Mỹ, bất chấp Châu Á không mấy được chú ý trong chính sách đối ngoại của tổng thống Trump.
Hai nước cựu thù đã trở thành đối tác chiến lược trong bối cảnh vai trò của Việt Nam trở nên quan trọng hơn trong chính sách xoay trục sang Châu Á của chính phủ Tổng thống Obama, trong khi Trung Quốc ngày càng bành trướng và phô trương sức mạnh trên biển Đông.
Khi ông Trump lên nắm quyền, Châu Á ít khi được nhắc đến trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới sau khi ông Trump gạt sang bên chính sách tái cân bằng lực lượng sang Châu Á của Tổng thống tiền nhiệm, đồng thời rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, và có dấu hiệu cho thấy Washington không mấy thiết tha với các vấn đề biển Đông.
Việt Nam và các đồng minh của Mỹ trong khu vực bày tỏ lo lắng, không rõ chỗ đứng của mình trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump sẽ tiếp thủ tướng Phúc tại Nhà Trắng vào ngày 31/5.
Các nhà phân tích nói mặc dù ông Trump còn "đang tìm hiểu về Việt Nam" nhưng các nhà chiến lược của Mỹ và phụ tá Tổng thống nhận thức rõ rằng Mỹ và Việt Nam chia sẻ những lợi ích chung và cần đến nhau.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason ở Washington nhận định Việt Nam là "một con bài quan trọng trong cấu trúc an ninh đa phương trong khu vực" của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Philippines dưới quyền Tổng thống Rodrigo Duterte "tìm cánh lánh xa Mỹ và xích lại gần hơn với Trung Quốc", tuy nhiên ông Trump cần được thuyết phục về tầm quan trọng của Việt Nam.
"Các phụ tá của ông Trump có thuyết phụ được ông ý coi Việt Nam là đối tác quan trọng hay không", ông Hùng nhận định. "Còn ông Phúc có thể giải thích cho ông Trump hoặc đưa ra những quyền lợi gì để cho thấy rằng việc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng là phù hợp với quyền lợi của Mỹ cả về phương diện chiến lược và phương diện kinh tế".
Theo phân tích của giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales ở Úcđể đảm bảo là đối tác quan trọng của Mỹ "Việt Nam phải tham gia danh sách các đối tác với tinh thần xây dựng của Mỹ, trong đó Singapore là đối tác số 1. Nhưng Việt Nam hiện nay có lẽ gần với Hoa Kỳ hơn so với 2 đồng minh có hiệp ước với Mỹ, là Thái Lan và Philippines. Dưới thời của Thủ tướng Phúc, Việt Nam sẽ hợp tác với chính quyền của ông Trump trong mọi vấn đề ở Đông Nam Á . Hà nội không chỉ trích chính phủ Mỹ một cách công khai như Philippines. Nhưng Việt Nam cần duy trì một thế cân bằng. Lo lắng lớn nhất của Việt Nam là nếu Mỹ và Trung Quốc trở nên quá gần gũi và gạt sang bên những lợi ích của Việt Nam".
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, cũng là chuyên viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nói Mỹ cần đến Việt Nam nếu muốn củng cố sự hiện diện trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Vai trò của Việt Nam đã trở nên quan trọng trong chiến lược xoay trục hướng về Châu Á của Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama. Nhưng chính quyền mới dưới thời Tổng thống Trump đang đánh đi những tín hiệu không rõ ràng về vai trò của khu vực này.
Một bài viết đăng tờ The Diplomat, phân tích chuyến đi thăm Việt Nam của tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 5/2016, nói : "thực tế cho thấy Việt Nam đang trở nên quan trọng hơn trong chiến lược nhằm kiềm hãm Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trong khu vực".
Tuy nhiên giáo sư Hùng cho rằng "ông Trump lên đã làm người ta nghi ngờ về sự tiến hành của (chính sách này)" và trong chuyến thăm sắp tới, ông Phúc "ngoài việc thắt nhịp cầu liên lạc với các phụ tá của ông Trump" sẽ phải thuyết phục được tổng thống Trump về vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực.
"Ông Trump thích ngoại giao cá nhân", theo nhận định của giáo sư Hùng. "Ông ấy hành động theo cảm tính nhiều lắm. Vấn đề là liệu ông Phúc có đặt một cái tương cá nhân nào quan tốt đẹp với ông Trump hay không thì nó sẽ thành công rất nhiều".
Người ta cũng hy vọng chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ giúp Đông Nam Á tìm ra giải đáp về vai trò tương lai của Hoa Kỳ trong việc giúp khu vực đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Giới truyền thông trong cho rằng các tuyên bố về hàng hải trong các vùng biển tranh chấp có nhiều khả năng nằm trong nghị trình thảo luận trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ vào ngày 31/5.
Theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 23/5, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Việt sẽ bàn thảo các phương thức để tăng cường quan hệ song phương và làm sâu sắc thêm sự hợp tác trong khu vực.
************************
Thủ tướng Việt Nam làm gì ở Mỹ ? (VOA, 26/05/2017)
Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, và gặp người đứng đầu Liên Hiệp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 cho biết rằng chuyến đi "nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam" cũng như "đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ".
Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến đi mà Hà Nội mong đợi sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử, kéo dài từ ngày 29 tới 31/5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với ông Trump ; tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng ; dự tọa đàm với sự tham dự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ ; phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation) ; tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.
Đầu tháng Năm, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với Thượng nghị sĩ John McCain.
Chưa rõ là ông Phúc sẽ gặp dân biểu và thượng nghị sĩ nào, nhưng trong một động thái cho thấy Hà Nội đặt ưu tiên vào việc vận động cơ quan lập pháp Mỹ, xuất hiện vị trí tham tán phụ trách các vấn đề quốc hội Mỹ tại cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam, một nhà ngoại giao nữ tên Phạm Thu Hằng đang nắm nhiệm vụ này.
Đầu tháng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với hai nhân vật có liên quan tới Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain và nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên tại quốc hội Mỹ, bà Stephanie Murphy, nhằm "thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện" giữa hai nước và "thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao".
Trước đó, đại diện ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại thủ đô Washington DC đã gặp dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sau khi ông Vinh có buổi tiếp đón nhiều nhân viên của các nhà lập pháp Mỹ.
Dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam.
Trong các vấn đề ông Phúc dự kiến thảo luận với các quan chức chủ nhà, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không nêu nhân quyền, nhưng phía Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng thúc đẩy vấn đề này "là một phần sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là một thành phần quan trọng trong cuộc đối thoại tiếp diễn giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ".
Ít ngày trước chuyến công du của ông Phúc, dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần với chủ đề "Việt Nam : Vì sao nhân quyền và tự do tôn giáo lại mang tính sống còn đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ".
Thông cáo trích lời nhà lập pháp, vốn từng nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng bị Hà Nội phản bác, nói rằng "khi Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này, chính quyền của [ông] Trump có một cơ hội để khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc đàn áp các nhóm tôn giáo, các nhà dân chủ, các blogger, và các nhà báo".
Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 25/5, khi được hỏi rằng liệu vấn đề Biển Đông có được mang ra thảo luận hay không, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Phúc sẽ "trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh" cũng như thảo luận "các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới".
Trong chuyến thăm Mỹ tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thảo luận về vấn đề Biển Đông với quan chức chủ nhà.
Tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ trong chuyến đi mà nhiều nhà quan sát cho là tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc.
Thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tình hình Biển Đông đã được mang ra trao đổi trong khi ông Minh tiếp xúc với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.
Hai quan chức Mỹ được trích lời "khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế…" Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận này.
Trả lời VOA News, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận định rằng Việt Nam "muốn nắm chính sách và chiến lược của Mỹ về Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại đó, nhất là khi Washington đang hướng tới Bắc Kinh để khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn".
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tới Trung Quốc hơn 10 ngày trước chuyến công du Mỹ của ông Phúc.
Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc diễn ra hơn 10 ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang công du Trung Quốc, và tin cho hay, đôi bên đã "nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông".
Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á thường thận trọng trong chiến lược làm bạn với các cường quốc, và "không một nước nào muốn bị cuốn quá sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, hay bất kỳ một các cường quốc nào khác".
Chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn bị chỉ trích là "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn nhấn mạnh "không dựa vào nước này để chống nước kia".
Viễn Đông