Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/01/2019

Thủ tướng có phải là… Thủ tướng ?

Cánh Cò

Trong chế độ cộng sản, Việt Nam có ba ông Thủ tướng được người dân đem ra làm đề tài trong quán xá nhiều nhất, đó là ông Phạm Văn Đồng, với công hàm bán đứng Hoàng Sa cho Tàu, ông Nguyễn Tấn Dũng với những món nợ do tham nhũng để lại cho đất nước vô địch và bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc với một danh sách dài… tự sướng bằng mồm các tỉnh thành toàn quốc. Đi đến tỉnh nào thì danh sách ấy lại mọc ra một cái tên khi ông phát biểu. Người dân ban đầu còn ngạc nhiên cho rằng ông "nổ" nhưng càng về sau người dân mới nhận ra cái cốt lõi gây cho ông phát biểu bất cần so sánh, bất cần sự thật và nhất là bất cần lòng tự trọng của một nguyên thủ quốc gia là tư duy mị dân đầy trong suy nghĩ của ông.

thutuong1

Bây giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc với một danh sách dài… tự sướng bằng mồm các tỉnh thành toàn quốc.

Khi ông gào thét rằng Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ ông không hề nghĩ rằng nói như thế là sỉ nhục đất nước vì nơi này ai cũng công nhận là nơi nghèo nhất nước luôn phải xin cứu trợ gạo của chính phủ hằng năm. "Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu" là câu phương ngôn nói về người dân vùng này do nghèo quá nên hái rau má mọc cạnh đường tàu hỏa về chống đói. Lâu ngày đường tàu bị sạt lở nên hư hỏng nhiều đoạn và từ đấy người dân Thanh Hóa mang lấy cái tiếng không mấy đẹp này. Vậy mà Thủ tướng Phúc đem Thanh Hóa ra cho rằng đây là một Việt Nam thu nhỏ có phải là ẩn ý rằng dân Việt Nam cuối cùng thì cũng chỉ như Thanh Hóa là cùng ?

"Đồng bằng sông Cửu Long phải là nền nông nghiệp thông minh" là một câu phát biểu khác của Thủ tướng Phúc. Ông hứng thú trước những gặt hái về nông nghiệp của vùng đất này nhưng quên một điều là đời sống người dân ở đây không theo kịp thu hoạch nông thủy sản mà họ làm ra. Những căn nhà ọp ẹp vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Những con đường làng trơn trợt, bùn lầy khiến người dân luôn thủ thân trước những cái té có thể đo ván cả cuộc đời họ. Những chiếc cầu khỉ xuất hiện hàng trăm năm trước vẫn ngự trị trên mọi tỉnh của miền Tây. Những chiếc tam bản lâu ngày không được tu bổ cằn cỗi theo số tuổi của người dân và con đường quốc lộ huyết mạch 1 A nối liền Sài Gòn với Cà Mau chỉ 330 km nhưng nó chưa bao giờ được đề nghị mở rộng hay làm mới hoàn toàn cho dân nhờ, vậy mà ông Thủ tướng đòi hỏi họ nên gia nhập vào "nền nông nghiệp thông minh" thì khá khôi hài và không khéo làm họ nhục thêm.

Khi ông nói "Quảng Nam phải trở thành một tỉnh giàu có toàn diện" có lẽ do tấm lòng yêu nơi chôn nhau cắt rốn của ông hơi… mù quáng. Ông quên rằng người Quảng Nam trôi giạt khắp miền Nam để làm những nghề cực nhọc. Một số lớn lấy đất Sài gòn làm nơi kiếm sống bằng mọi thứ nghề không tên. Họ không chờ đợi sự giàu có toàn diện của tỉnh nhà cái mà họ chờ đợi là miếng ăn qua ngày không bị công an dân phòng đánh đuổi, nơi mà họ trú thân qua ngày không bị cưỡng chế và nhất là giấc mơ con em họ được đến trường được toại nguyện.

Có lẽ Thủ tướng nên suy nghĩ cạn kiệt những câu mà ban tư vấn của ông mớm lời mỗi khi đi các tỉnh. Khi họ "biểu" ông nói "Việt Nam phải là thủ phủ tôm của thế giới" thì ông nên hỏi họ hoặc tra Google xem "thủ phủ" là gì trước khi hiểu mập mờ rằng "thủ" là đầu, như đầu tàu. Chữ thủ phủ ở đây cũng chỉ phần đầu nhưng nó hoàn toàn không chỉ đầu tàu. Thủ phủ là trung tâm hành chính của một đơn vị hành chính cấp địa phương, như tiểu bang, vùng, tỉnh, huyện, xã, tổng...

Trong tiếng Việt, thủ phủ của một tỉnh được gọi là tỉnh lị, thủ phủ của một huyện được gọi là huyện lị. Chữ thủ phủ trong tiếng Anh là capital, đơn vị hành chánh đứng đầu của tiểu bang.

Con tôm đối với Việt Nam trở thành huyết mạch cho người nuôi nó để xuất khẩu trong nhiều năm qua nhưng nếu so với Ấn Độ hay Bangladesh con tôm Việt Nam còn lắm điều cần phải vượt qua mà vấn đề ăn gian là điều đáng xấu hỗ nhất của người dân Việt. Chích hóa chất vào cho con tôm nặng hơn gây viêm nhiễm và trở thành tầm nhắm của nhiều nước châu Âu từng là đề tài làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ê mặt trước đối tác nhiều lần. Họ chỉ biết lặng người trước những bằng chứng không thể chối cãi và chưa ai từng có giấc mơ "thủ phủ" như Thủ tướng nói.

Rồi khi hứng lên ông Thủ tướng không ngại ngùng gì khi nói "Nghệ An phải là vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài" Ông không chứng minh được Nghệ An có gì hay ho khác lạ hay chí ít là giàu có tài nguyên để nhân tài bị nơi này thu hút. Nghệ An không kém Thanh Hóa tí nào có khi còn hơn một bậc về sự nghèo khổ. Ông Thủ tướng chỉ cần bước sang Lào là thấy hàng chục ngàn người làm thuê cho nước bạn bên ấy dưới danh nghĩa xuất khẩu lao động. Một số không ít họ làm nhân công cho các công ty nước ngoài tại các đập thủy điện đang được xây dựng. Hay nếu muốn ông Thủ tướng cứ bay sang Thái Lan ông sẽ thấy những thanh niên Nghệ An đẩy xe bán kem, trái cây hay nước dừa dạo đề kiếm chứng ba trăm bath mỗi ngày. Những hình ảnh này có phải là nguồn cảm hứng của người tài hay chỉ là ám ảnh khôn nguôi của người trí thức?

Ông còn một câu nói rất…mâu thuẫn khi xác định "Khánh Hoà là hình mẫu của một chính quyền đối thoại". Câu nói này được báo chí phát đi vào ngày 1 tháng 3 năm 2017 trong khi trước đó vào ngày 10 tháng 10 năm 2016 một người hoạt động cho nhân quyền và môi trường là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an  Khánh Hòa bắt cô cớ với tội danh theo điều 88 khoản 1 - tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đây có phải là hình mẫu của một chính quyền đối thoại như ông Thủ tướng xác nhận?

Người dân Việt Nam lắm người đọc báo để chờ Thủ tướng Phúc phát biều về một tỉnh thành nào đó để những người rảnh rỗi có thể "sưu tập" những câu nói hồn nhiên của ông. Người Việt không còn thích thú khi nghe ông nói Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước / Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế / Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước hay Cần Thơ phải là đầu tàu phát triển của vùng. Họ chán bỏi vì những chiếc đầu tàu ấy chắc gì có dầu để mà kéo những trì trệ do chính quyền này gây ra. Ban tư vấn của Thủ tướng vẫn chưa biết người dân phản ứng gì hay sao mà cứ biên soạn cho ông những câu bập bẹ như trẻ con tập nói như vậy?

Có ghét ông Thủ tướng thì cũng bớt làm cho ông mất mặt vì dù sao thì các ông cũng mang danh là thành viên ban tư vấn của một nguyên thủ quốc gia chứ ít gì?

Nếu các ông không "xúi" ông ta nói những điều kỳ dị như vậy thì ít ra các ông cũng nên can đảm đưa ra lời khuyên "cấm" ông ấy nói bậy mà phải cầm giấy đọc từng chữ may ra người dân còn thương tình mà xí xóa.

Thà là cầm giấy đọc để người ta biết mình dốt còn hơn là nói bừa để dân chúng biết mình đã dốt lại muốn lừa dân.

Cánh Cò

 

Nguồn : VNTB, 19/01/2019 (canhco's blog)

Thủ tướng có phải là… Thủ tướng ?

Quay lại trang chủ
Read 778 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)