Tham nhũng chính sách hay xung đột lợi ích ?
Mặc Lâm, VOA, 24/08/2019
Báo chí đang lên tiếng một cách dè dặt việc Tập đoàn Vingroup là doanh nghiệp duy nhất có tên trong Quyết định số 2080/QĐ-BTNMT ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Trong quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường có ghi "nhóm chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai".
Thủ tướng Phúc ngồi trên xe ô tô của Vinfast do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cầm lái tại lễ khánh thành nhà máy sản xuất ô tô của tập đoàn này. Hình minh họa. (Ảnh chụp màn hình Soha)
Bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế của Tập đoàn Vingroup là người đứng thứ 8 trong danh sách nhóm chuyên gia.
Sự dè dặt của báo chí cho rằng việc để duy nhất một doanh nghiệp chuyên môn về bất động sản tham gia xây dựng dự án Luật đất đai là không công bằng đối với những Tập đoàn kinh doanh bất động sản khác tại Việt Nam, và liệu sự tham gia của chuyên gia đang làm việc cho 1 doanh nghiệp vào tập thể soạn thảo luật có tạo ra sự can thiệp không lành mạnh của các nhóm lợi ích vào chính sách, chủ trương có ảnh hưởng lớn về kinh tế hay không ?
Nếu nhìn vụ việc dưới lăng kính của một chuyên gia kinh tế thì vấn đề công bằng đối với các tập đoàn khác là không được đặt ra ở đây vì chuyên gia Hồ Ngọc Lâm sẽ "làm thay" các tập đoàn khác khi để nghị một vấn đề gì đó căn cứ trên lợi ích của doanh nghiệp mà bà đang làm việc, cũng là mẫu số chung của những tập đoàn khác trong bài toán kinh doanh bất động sản, tức kinh doanh đất đai do nhà nước quản lý.
Vậy sự có mặt của bà Lâm có thể gây ra nghi kỵ về mưu toan tham nhũng chính sách, tham gia đề nghị các điều khoản có lợi cho tập đoàn Vingroup trong vấn đề đất đai mà tập đoàn này đang theo đuổi.
Tuy nhiên nếu khách quan mà nói Vingoup không dại gì làm một chuyện lộ liễu mà ai cũng thấy như vậy, nều muốn họ có rất nhiều cách mà không để lại một dấu vết hay tai tiếng gì. Việc mời bà Hồ Ngọc Lâm vào ban soạn thảo có lẽ là một vết xe cũ mà chính phủ Việt Nam đã quen đi, nhưng trên vết xe đó chứa đầy những vi phạm về khái niệm của "Xung đột lợi ích" mà các nước phương Tây rất xem trọng trong hệ thống pháp lý của họ.
Một định nghĩa được sử dụng rộng rãi về xung đột lợi ích : "Xung đột lợi ích (Conflict of Interest – COI) là tập hợp các tình huống tạo ra rủi ro bởi phán đoán hoặc hành động chuyên nghiệp liên quan đến lợi ích chính sẽ bị ảnh hưởng quá mức bởi lợi ích thứ cấp". Nói cách khác dễ hiểu hơn thì "Xung đột lợi ích xảy ra khi một cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến nhiều lợi ích, một trong số lợi ích đó có thể có thể làm hại một lợi ích khác".
Có một điều rất thú vị tuy Việt Nam không có luật về Xung đột lợi ích nhưng trên Trang thông tin điện tử tổng hợp củaBan Nội chính Trung ương người ta có thể tìm thấy bài viết rất cụ thể về vấn đề này :
"Xung đột lợi ích" là thuật ngữ được sử dụng quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng còn khá mới đối với Việt Nam. Đến nay, ở Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật hoặc một công trình nghiên cứu toàn diện nào đề cập đến khái niệm "xung đột lợi ích". Do đó, nhận thức về vấn đề này cũng còn nhiều quan điểm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, "xung đột lợi ích" có thể xảy ra trong hoạt động quản lý, điều hành của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào với những tình huống mà chúng ta dễ gặp phải. Ví dụ : Việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tuyển dụng nhân sự mà những người thân, quen, thậm chí là vợ, con người đó lại chính là đối tượng dự tuyển và trúng tuyển. Một người phụ trách việc mua sắm hàng hóa cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nhưng doanh nghiệp được chọn thầu cung cấp hàng hóa lại thuộc sở hữu của vợ, con người đó. Hoặc một bác sỹ khi làm việc trong bệnh viện công đã không nỗ lực khám, chữa bệnh cho người bệnh mà lại gợi ý để người bệnh đến khám, chữa bệnh ngoài giờ tại phòng khám tư nhân mà mình làm việc..".
Tuy nhiên do còn quá mới mẻ, những trường hợp như của bà Hồ Ngọc Lâm và Vingroup chưa được phân tích cụ thể và vì vậy vấn đề này chuyển sang cách nhìn tham nhũng chính sách.
Thông qua định nghĩa từ phương Tây thì trường hợp của bà Hồ Ngọc Lâm tham gia soạn thảo một dự thảo luật quan trọng của chính phủ mà dự thảo ấy có liên hệ mật thiết đến vai trò bà đang giữ tại Tập đoàn Vingroup thì sự có mặt của bà cho thấy đã vi phạm khái niệm xung đột lợi ích một cách rõ ràng.
Để bào chữa cho việc này ông Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết danh sách chuyên gia bao giờ cũng gồm : các nhà khoa học, các nhà lý luận, các Hiệp hội, các doanh nghiệp, các cán bộ lâu năm trong ngành nhưng đã nghỉ hưu… "Chúng tôi mời như vậy để pháp luật sát với cuộc sống, tinh thần là lắng nghe tất cả, kể cả lý luận, thực tiễn. Đặc biệt, doanh nghiệp hiện nay người ta vướng mắc rất nhiều làm sao mình tháo gỡ được".
Thực ra bà Hồ Ngọc Lâm vừa là một chuyên gia hay tạm gọi là một nhà khoa học nhưng đồng thời bà cũng là một doanh nhân thì ai cấm bà tiếp cận vấn đề từ góc độ lợi ích của tập đoàn mà bà đang phục vụ ? Vì vậy giữa hai vai trò mà bà đang nắm giữ đã xung đột lẫn nhau khiến mọi đề nghị, đóng góp của bà vào Dự án luật bổ xung Đất đai trở thành lợi ích cho tập đoàn Vingroup.
Có lẽ vì vấn đề này quá lộ liễu và nhạy cảm nên Tập đoàn Vingroup thông báo rằng bà Hồ Ngọc Lâm tham gia nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai với tư cách cá nhân, không báo cáo Tập đoàn. Sau khi thấy vì cá nhân mình gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến công ty và ban soạn thảo nên bà Lâm đã làm đơn xin rút khỏi việc này… Luật sư Nguyễn Tiến Lập khi trả lời báo Người Đô Thị cho rằng cá nhân bà Lâm hay Vingroup không có lỗi gì khi họ được mời làm thành viên Nhóm chuyên gia. Bởi những câu hỏi trên, cũng như thắc mắc của dư luận là dành cho Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách cơ quan chủ trì soạn thảo.
Vấn đề còn lại dành cho Chính phủ : Bộ Tài nguyên và Môi trường làm sao nhìn thấy được sự nguy hiểm của xung đột lợi ích trong khi chưa có một văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 24/08/2019
**********************
Thủ tướng quên… ‘kiên quyết’, dân Đà Nẵng gặp may !
Trân Văn, VOA, 24/08/2019
Ba nhà máy thủy điện : Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và A Vương vừa ngưng phát điện để đồng loạt xả nước vào hệ thống sông Vu Gia. Nguồn nước từ ba nhà máy thủy điện này xả ra đã về tới hạ du Đà Nẵng, người ta hy vọng nhờ thế, dân Đả Nẵng sẽ có nước để ăn, uống, tắm, giặt...
Nguyễn Xuân Phúc : Thủ tướng quên… ‘kiên quyết’
Đà Nẵng – nơi được ví von là "thành phố đáng sống" – thiếu nước từ ngày 19 tháng 8. Thực trạng tồi tệ này được giới hữu trách giải thích là do năm nay mưa ít, trời nắng, mực nước trên các dòng sông đồng loạt tụt giảm, nước mặn từ biển tràn vào thế chỗ làm độ mặn của nước vọt lên, doanh nghiệp đảm nhận vai trò cấp nước cho Đà Nẵng không thể lọc và cung cấp nước cho dân ăn, uống, tắm, giặt như trước.
Tại Đà Nẵng, rất nhiều nơi, đặc biệt là khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nhiều người phải tạm ngưng các sinh hoạt thường nhật để đi tìm nước. Sau đó, nhiều khu dân cư ở Liên Chiểu, Hải Châu, Cẩm Lệ, Hòa Vang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đã có một số trường học tạm đóng cửa. Cục Hậu cần Quân khu 5 đã phải điều động một số xe bồn loại 13 khối chở nước đến tiếp ứng cho các khu dân cư không thể vắt được ở bất kỳ đâu giọt nước nào...
Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Tình trạng này đã xuất hiện cách nay khoảng ba năm. Sự khác biệt giữa trước đây và hiện nay chỉ ở mức độ : Càng ngày càng trầm trọng ! Tờ Tuổi Trẻ nhắc lại chuyện cách nay một năm. Lúc đó ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Đà Nẵng từng bảo rằng : Bất kể lý do là gì, để người dân thiếu nước chúng ta cũng có tội ! – và đặt vấn đề : "Thiếu nước sinh hoạt : Nhận tội với dân, rồi sao nữa ?" (1).
Câu trả lời tất nhiên là chẳng sao. Nước dù tiếp tục thiếu, thậm chí thiếu trầm trọng hơn song… đời nào có chuyện chỉ vì… ông Nghĩa (Bí thư Đà Nẵng, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam)… cao hứng tuyên bố như thế mà bắt ông… cúi đầu nhận tội ? Chưa kể bắt ông Nghĩa cúi đầu nhận tội thì có bắt Thủ tướng… cúi đầu nhận tội hay không ?
Tháng trước, trước tình trạng miền Trung thiếu nước trầm trọng cả trong sinh hoạt lẫn trồng trọt, Thủ tướng tuyên bố : "Kiên quyết" không để người dân thiếu nước sinh hoạt (2). Từ đó đến giờ, nước cho ăn, uống, tắm, giặt ở miền Trung càng ngày càng… thiếu và Đà Nẵng chỉ là ví dụ. Sau Đà Nẵng, giờ tới lượt Bình Định, Phú Yên,… phải dùng cả xe cứu hỏa, xe tưới cây chở nước cứu dân sắp chết khát (3).
Chẳng lẽ Thủ tướng "kiên quyết" nhưng dân chúng vẫn thiếu nước sinh hoạt mà Thủ tướng vô can ? Có nên tín nhiệm một người luôn luôn "kiên quyết" nhưng hoạt động của chính phủ thường xuyên thiếu hữu dụng, đảm nhiệm vai trò Thủ tướng hay không ?
Nếu dùng google với "thủ tướng+kiên quyết" làm từ khóa, sẽ chỉ mất vài chục giây là tìm ra hàng chục triệu trang web giới thiệu các tuyên bố mà Thủ tướng thề "kiên quyết" trong đủ mọi chuyện : "Kiên quyết" đấu tranh bảo vệ chủ quyền ! "Kiên quyết" không lùi bước trước khó khăn ! "Kiên quyết" đẩy lùi tham nhũng, quan liêu ! "Kiên quyết" không để vướng mắc kéo dài !..
Còn thực tế ? Với thực tế mà ai cũng thấy, cũng biết, sau khi Thủ tướng tuyên bố… "kiên quyết", bao giờ đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng "kiên quyết" không… dùng hai từ… "kiên quyết" nữa ?
***
Dẫu biến đổi khí hậu khiến thời tiết toàn cầu nói chung, thời tiết Việt Nam nói riêng trở thành khác thường, khó đoán định nhưng chẳng phải chỉ chuyên gia mà ngay cả thường dân cũng đã có thể nhìn ra, hậu quả thiên tai ở Việt Nam (lụt, lũ quét, sạt lở, hạn hán) chắc chắn sẽ không kinh khủng như vài năm gần đây nếu giới lãnh đạo Việt Nam lắc đầu với các dự án thủy điện.
Tháng 3 năm 2017, Thủ tướng ra lệnh gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện, "kiên quyết" loại bỏ các dự án thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng (4). Chỉ bốn tháng sau, chính phủ do Thủ tướng lãnh đạo cho hàng loạt tỉnh (Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk,…) "bổ sung vào quy hoạch thủy điện" hơn 20 dự án (5) !
Tháng trước, song song với tuyên bố : "Kiên quyết" không để người dân thiếu nước sinh hoạt ! – Thủ tướng cũng chính là người hết sức ân cần hỏi thăm lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) : Sang năm tiếp tục hạn hán thì có còn điện không (6) ? May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không chỉ đạo : "Kiên quyết" tích nước để các nhà máy thủy điện vận hành ổn định !
Đến giờ, dân số Đà Nẵng khoảng một triệu. Chỉ một triệu nhưng hệ thống công quyền ở Đà Nẵng loay hoay suốt ba năm vẫn không thể cấp đủ nước cho cư dân Đà Nẵng. May cho dân Đà Nẵng là Thủ tướng không "kiên quyết" nên hệ thống công quyền ở thành phố này lơ là, không thực hiện cho bằng được chỉ đạo của Thủ tướng cách nay ba năm : Muốn phát triển mang tính đột phá, Đà Nẵng phải có khoảng… ba triệu dân (7).
Đà Nẵng mà có ba triệu dân như chỉ đạo của Thủ tướng hồi 2016, có thể Thủ tướng sẽ chỉ đạo tiếp rằng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải "kiên quyết" tuyên truyền, giáo dục nhân dân ăn, uống, tắm, giặt bằng nước… biển ! Dân Đà Nẵng, quý vị thấy mình may mắn không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/08/2019
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/thieu-nuoc-sinh-hoat-nhan-toi-voi-dan-roi-sao-nua-20190822074407607.htm
(3) https://tuoitre.vn/mien-trung-phai-dung-xe-cuu-hoa-tiep-nuoc-cho-dan-vung-han-20190821145920333.htm
(5) https://tuoitre.vn/nhieu-noi-van-lam-thuy-dien-nho-1360159.htm
(7) https://news.zing.vn/da-nang-muon-phat-trien-phai-co-3-trieu-dan-post632331.html