Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa loan báo đã "cảnh cáo" ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tài chính.
Nữ ca sĩ Đinh Hiền Anh và người chồng mới cưới là ông Huỳnh Quan Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Theo đó, ông Hải bị "cảnh cáo" vì : "Chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng. Vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Bộ Tài chính" (1).
Thông báo "cảnh cáo" ông Hải chỉ có thế và cũng vì thế, thiên hạ thi nhau "đoán già, đoán non" về nguyên nhân ông Hải bị đảng của ông kỷ luật.
Ông Hải đột nhiên nổi như cồn sau khi lấy bà Đinh Hiền Anh làm vợ. Còn bà Anh nổi như cồn không phải vì là ca sĩ từng biểu diễn tại một số phòng trà, từng đoạt danh hiệu "Hoa hậu doanh nhân quý bà thế giới" và "Nữ hoàng kim cương" trong vài cuộc thi nhan sắc gần đây (2017). Thiên hạ chỉ biết đến bà sau khi bà trở thành vợ ông Hải (2).
Cứ như thiên hạ dè bỉu thì sẽ chẳng có ai bận tâm tìm hiểu xem thanh sắc "ca sĩ" Đinh Hiền Anh thế nào và có bao nhiêu người biết về các cuộc thi nhan sắc mà bà giành được những thứ hạng cao, những danh hiệu như "Hoa hậu", "Nữ hoàng" (3)… nếu chồng bà không phải là một trong những "đại quan" đương triều.
Rất khó phân định ông Hải giúp bà Anh "nổi" hay ngược lại vì trên thực tế, dường như cả hai cùng dựa vào nhau để nổi lềnh bềnh. Thiên hạ cười ồ khi nghe bà Anh tâm tình, ông Hải tìm đến bà với hai bàn tay trắng. Lắc đầu ngán ngẩm khi thấy bà khoe trên facebook một cách hồn nhiên về chuyện dư vé mời xem những trận bóng trong khuôn khổ AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình, không phải quay quắt tìm vé như thiên hạ (4)…
Tuy nhiên không thể dựa vào đó để bảo rằng, ông Hải bị "cảnh cáo" vì không dạy được vợ, để vợ hoặc cùng vợ làm nhiều chuyện tào lao !
Thêm một lần nữa, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ỡm ờ khi phát hành thông báo kỷ luật các đảng viên cao cấp như ông Hải. Ừ thì những "cán bộ lãnh đạo chủ chốt" như ông Hải phải "nêu gương" nhưng chẳng lẽ đảng có "qui định" cho phép các tổ chức của mình được khinh đồng chí, đồng bào tới mức không thèm cho biết chi tiết vì không có quyền được biết ?
Thực hiện quy định "nêu gương" như thế thì nhìn vào gương, người ta còn có thể nhìn thấy gì khác hơn sự trịch thượng cả về tâm thế lẫn tư thế của đảng cầm quyền ?
***
Cuối năm ngoái, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Quy định 08/QĐ-TW, buộc đảng viên mà trước hết là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam phải "nêu gương" bằng cách "đi đầu" trong học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Sống mẫu mực. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, giản dị, thẳng thắn. Chống lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực, thời gian làm việc...
Cho đến giờ, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã dựa vào Quy định 08/QĐ-TW, kỷ luật một số đảng viên, kể cả thành viên trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương bị cho là đã không "nêu gương" để… "nêu gương". Tuy nhiên cả quy định về "nêu gương" lẫn việc thực hiện quy định này rõ ràng không có tác dụng tái lập "trật tự, kỷ cương" như Đảng cộng sản Việt Nam cam kết.
Nếu qui định về "nêu gương" thật sự hữu dụng thì làm gì có chuyện ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines (VNA) dám ra lệnh cho toàn bộ hệ thống, tham gia cầm giữ một chuyến bay (VN31) từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Frankfurt hôm 28 tháng 5, chỉ để chờ ông Đỗ Trường Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt bay từ Hà Nội vào trễ nhưng không muốn lỡ chuyến bay sang Đức (5) ?
Một máy bay của Vietnam Airlines đón khách tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội. Chuyến bay VN31 của hãng hàng không quốc gia từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Frankfurt, Đức, hôm 28/5 bị trì hoãn để chờ 1 hành khách gây bức xúc trong dư luận.
Nếu "nêu gương" thật sự là chuẩn mực, làm gì có chuyện VNA – doanh nghiệp nhà nước có đảng bộ "trong sạch, vững mạnh" – vẫn khăng khăng chống chế, VN31 cất cánh chậm khoảng một tiếng là vì tối hôm ấy, khu vực phi trường Tân Sơn Nhất có mưa dông, khiến báo giới phải thẩm tra, chứng minh VNA tiếp tục bịa đặt trắng trợn chỉ nhằm bảo vệ cho bằng được một đồng chí vi phạm chuyện "nêu gương" (6) ?
Cho đến giờ, trong quá trình chứng tỏ nỗ lực "nêu gương" của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra chỉ mới chứng tỏ được hai chuyện : Thứ nhất, đảng vẫn coi dân ngang rơm rác nên ngay cả việc áp dụng "nêu gương" để xử lý đảng viên, thích thì mới bảo tại sao, còn không thì… thôi, không ai có quyền thắc mắc. Được biết là một thứ "quyền rơm", đòi biết coi chừng nhận "vạ đá".
Thứ hai, đảng viên, đặc biệt các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam rất tâm đắc với "nêu gương", luôn sẵn sàng "nêu gương" như ông Hà, ông Minh. "Nêu gương" bằng khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ những chức vụ từng mang và sau đó, do đã bị đảng kỷ luật nên không bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự nữa thì chẳng phải cha, anh mà em, cháu cũng khát khao "nêu gương" cho ngày nay, ngày mai và… muôn đời sau
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/06/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/canh-cao-thu-truong-bo-tai-chinh-huynh-quang-hai-20190603162609418.htm
(5) https://viettimes.vn/delay-chuyen-bay-hon-200-hanh-khach-de-cho-mot-hanh-khach-355323.html
(6) https://viettimes.vn/vietnam-airlines-co-tu-tuong-tuong-ra-mua-dong-tai-tan-son-nhat-355673.html
Tuần trước, Ramin Kohanbash, 49 tuổi, chủ một doanh nghiệp chuyên bán sỉ quần áo ở New York, chính thức bị cáo buộc phạm hai tội : "Buôn bán hàng giả" và "Âm mưu lừa đảo". Ngày 12 tháng này, Tòa án sẽ xem xét cáo buộc và công bố hình phạt. Người ta ước đoán, Kohanbash sẽ ở tù ít nhất cũng 15 năm.
Thượng sĩ Steve Adachi đòi bộ phận hậu cần phải đổi ba đôi giày đó thành giày "made in U.S.A"
Vụ án liên quan đến Kohanbash được công chúng chú ý vì nó liên quan tới quân đội Mỹ. Kohanbash và một số đồng phạm đã gửi một số mẫu quân phục, quân trang của quân đội Mỹ cho các đối tác ở Trung Quốc. Các đối tác này dựa vào đó để sản xuất hàng loạt rồi gửi chúng cho Kohansbach. Sau khi nhận hàng, Kohansbach rót các lô hàng vào hệ thống phân phối nhiều tầng nấc để tẩy rửa nguồn gốc "made in China", chuyển hóa thành quân phục, quân trang sản xuất tại Mỹ (1).
Trị giá số quân phục, quân trang "made in China" bị Kohanbash biến thành sản xuất tại Mỹ, rồi bán cho quân đội Mỹ, từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 10 năm 2018 lên tới 20 triệu Mỹ kim. Tại sao Kohanbash phải dụng công tẩy rửa nguồn gốc quân phục, quân trang do Trung Quốc sản xuất ? Khi "lộ" thì bị phạt tù ?
Do quân đội Mỹ nói riêng và chính phủ Mỹ nói chung hoạt động bằng tiền do dân chúng Mỹ đóng góp qua các loại thuế, luật pháp Mỹ qui định, cả chính phủ lẫn quân đội phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp Mỹ sản xuất hay cung cấp. Nếu các doanh nghiệp Mỹ không thể hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu, chính phủ Mỹ và quân đội Mỹ chỉ có thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ của một số quốc gia đã được cân nhắc, lựa chọn kỹ từ danh sách được soạn sẵn. Trung Quốc không nằm trong nhóm này (2).
Tại sao ? Có thể dùng một scandal cách nay sáu năm như câu trả lời…
Tháng 3 năm 2013, Thượng sĩ Steve Adachi thuộc lực lượng dự bị của Không quân Mỹ bị đẩy từ Không quân đến hệ thống hậu cần của quân đội Mỹ vào thế dở khóc, dở cười.
Steve nằm trong nhóm những quân nhân dự bị tình nguyện sang phục vụ tại Afghanistan. Giống như tất cả những quân nhân khác, Steve được cung cấp hàng loạt quân phục, quân trang để sử dụng trong chín tháng ở mặt trận. Chàng Thượng sĩ này phát giác, trong mớ quân phục, quân trang cấp phát cho chàng có ba đôi giày do Trung Quốc sản xuất. Steve đòi bộ phận hậu cần phải đổi ba đôi giày đó thành giày "made in U.S.A" nhưng những người có trách nhiệm không thể đáp ứng.
Steve không ưng với cách giải thích : Do chính phủ cắt giảm chi phi dành cho quốc phòng, Quân đội Mỹ phải tìm mua những hàng hóa tương đương về chất lượng với giá rẻ hơn, không may mua nhầm hàng hóa "made in China" ! Đó cũng là lý do, sau đó, ở chiến trường Afghanistan, có một chàng Thượng sĩ, nai nịt gọn gàng, vũ trang tới tận răng nhưng chân chỉ mang… vớ đi tới, đi lui, dứt khoát không mang giày vì quân đội Mỹ không cung cấp giày đúng qui định pháp luật.
Khi trò chuyện với một số cơ quan truyền thông dành cho lính tráng, Steve giải thích tại sao chàng lại "cứng đầu, cứng cổ" như vậy : Luật đặt định quân đội, chính phủ phải mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do người Mỹ sản xuất, cung cấp là để tạo – giữ việc làm cho dân chúng Mỹ. Tôi cầm súng vì quyền lợi của nước Mỹ, bảo vệ dân chúng Mỹ nên tôi tự thấy phải chiến đấu và phải giành chiến thắng trong chuyện này. Hành động của tôi có thể khiến các cơ quan hữu trách gặp rắc rối nhưng họ có lỗi thì phải sửa.
Chàng Thượng sĩ lì hơn… trâu ấy có thắng không ? Có ! Bộ phận hậu cần của quân đội Mỹ buộc phải gửi sang Afghanistan cho Steve những đôi giày "made in USA" (3).
Các tin tường thuật về vụ Ramin Kohanbash bị cáo buộc "Buôn bán hàng giả" và "Âm mưu lừa đảo" có một vài chi tiết cho thấy, dường như scandal mà Steve tạo ra đã kích hoạt cuộc điều tra : Từ việc phát giác các lô hàng là quân phục, quân trang được quân đội Mỹ mua để cung ứng cho chiến trường Afghanistan là hàng giả, sản xuất ở Trung Quốc, hệ thống tư pháp bắt đầu lần mò, tìm manh mối…
***
Mỗi năm, "chi thường xuyên" (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách tại Việt Nam. Ngoài trả lương, con số 1,21 triệu tỉ đồng (tương đương 54,5 tỉ Mỹ kim) đã dùng cho "chi thường xuyên" còn bao gồm chi trả cho các loại hàng hóa, dịch vụ mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sử dụng. Đã có ai từng nghe các hệ thống "của dân, do dân, vì dân" đề cập tới việc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người Việt như một cách đáp trả sòng phẳng việc sử dụng sức dân chưa ?
Sắp tới, nợ nần sẽ còn tăng thêm vì nhiều dự án khác, trong đó có các dự án nhằm hoàn tất tuyến cao tốc Bắc – Nam, sẽ ngốn thêm chừng vài trăm ngàn tỉ nữa.
Ngoài "chi thường xuyên", mỗi năm, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn… vay thường xuyên để đầu tư vào đủ loại dự án. Đến giờ, tổng nợ đã lên tới ba triệu tỉ đồng. Năm ngoái, số tiền phải trả cho cả nợ gốc lẫn lãi đối với những khoản đã vay cả trong lẫn ngoài Việt Nam là 250.000 tỉ đồng. Sắp tới, nợ nần sẽ còn tăng thêm vì nhiều dự án khác, trong đó có các dự án nhằm hoàn tất tuyến cao tốc Bắc – Nam, sẽ ngốn thêm chừng vài trăm ngàn tỉ nữa.
Cho dù đã có nhiều người, nhiều giới nhìn những dự án liên quan tới cao tốc Bắc Nam như một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam và cho lao động người Việt (4) nhưng hết chính phủ (4) rồi quốc hội (5) đều công khai phản bác đề nghị này. Nói cách khác cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền vẫn tiếp tục tín nhiệm vốn, năng lực, sự thiện lương của các nhà thầu Trung Quốc, bất kể vô số trái đắng đã cũng như đang phải nếm, kiểu như trái đắng "Metro Cát Linh – Hà Đông".
Tại sao Steve dẫu đơn độc nhưng vẫn có thể thắng còn cả trăm triệu người Việt thì luôn luôn thua khi muốn bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của mình ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/06/2019
Chú thích :
(3) https://www.militarytimes.com/2013/03/28/master-sgt-says-no-to-chinese-made-boots/
Tờ Lao Động vừa nêu lại câu hỏi vốn không mới, đã được cả dân chúng lẫn hệ thống truyền thông chính thức lập đi, lập lại từ lâu nhưng không có bất kỳ cá nhân, cơ quan hữu trách nào thèm trả lời : Trạm thu phí T2 thu phí cho công trình giao thông nào (1) ?
Trả tiền lẻ tại trạm thu phí T2. Hình trích xuất từ VnExpress.net.
Trạm thu phí T2 ở Cần Thơ nói riêng và các vấn đề có liên quan đến những công trình giao thông được đầu tư theop phương thức BOT nói chung ở Việt Nam chính là những bằng chứng cho thấy, các liên minh ma quỉ đang dẫn dắt chính phủ…
***
Trạm thu phí T2 nằm trên quốc lộ 91, dài 142 km, bắt đầu từ đoạn quốc lộ 1 chạy ngang quận Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ) dẫn tới huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) rồi nối vào quốc lộ 2 của Campuchia.
Do quốc lộ 91 hư hỏng trầm trọng, trở thành đại họa giao thông trong khu vực, Bộ Giao thông Vận tải quyết định cải tạo quốc lộ này theo phương thức BOT và đặt một trạm thu phí có tên là T1 ở quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ).
Ngoài quốc lộ 91 chạy xuyên qua các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, ở Cần Thơ còn có quốc lộ 91B, dài chừng 18 km, chạy từ quận Cái Răng, xuyên qua các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn,… rồi chuyển thành quốc lộ 91C.
Quốc lộ 91B là một "huyền thoại" trong lịch sử phát triển hệ thống cầu đường tại Việt Nam : Mất 14 năm (1995 – 2009) để phê duyệt dự án. Chính phủ phải vay bá tánh thông qua phát hành trái phiếu để có 455 tỉ thực hiện dự án, tuy nhiên sau khi khánh thành (2010) chưa đầy một tuần đã… nát bấy và Bộ Giao thông và vận tải giải thích là do xe cộ lưu thông vượt mức thiết kế.
Trách nhiệm về chất lượng quốc lộ 91B nhì nhằng suốt từ đó cho đến năm 2014 thì Bộ Giao thông và vận tải quyết định cải tạo quốc lộ 91B thêm một lần nữa. Lần này theo phương thức BOT : Nhà đầu tư sẽ bỏ ra 600 tỉ để sửa quốc lộ 91B và có quyền tổ chức thu phí. Nhờ vậy, trách nhiệm của tất cả các cá nhân có liên quan tới 455 tỉ mà chính phủ từng vay để sửa quốc lộ 91B được phủi sạch (2).
Nhiều người tin rằng, do nhà đầu tư vào dự án sửa chữa quốc lộ 91B và nhà đầu tư vào dự án quốc lộ 91 là một nên Trạm thu phí T2 mới mọc lên ở vị trí hiện nay : Án ngữ lối ra vào các tỉnh Kiên Giang, An Giang thành ra phương tiện giao thông nào qua lại hai tỉnh này cũng phải lưu thông khoảng vài trăm mét trên quốc lộ 91 và do vậy, phải trả phí như các phương tiện lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ 91.
Đó cũng là lý do cả dân chúng lẫn chính quyền hai tỉnh Kiên Giang, An Giang cùng phản đối. Đầu năm ngoái, đại diện Bộ Giao thông và vận tải chính thức thừa nhận, vị trí Trạm thu phí T2 "bất cập, không công bằng" nhưng chuyển đến vị trí khác hợp lý hơn thì có thể làm vỡ "phương án tài chính của dự án, tiền mà chủ đầu tư vay của ngân hàng sẽ trở thành ‘nợ xấu’ của quốc gia" (3).
Có một điểm rất đáng chú ý là lúc đó, trước sự phản ứng dữ dội của cả dân chúng lẫn chính quyền hai tỉnh Kiên Giang, An Giang, nhà đầu tư dự án cải tạo quốc lộ 91 theo hình thức BOT chỉ trả lời gọn bâng, đại ý : Họ không tự tiện dựng Trạm thu phí T2 ở vị trí ai cũng thấy là kỳ quái đó. Vị trí này không chỉ có sự đồng thuận của ngân hàng mà còn được Thủ tướng phê duyệt.
Nói cách khác, khi cho nhà đầu tư vay tiền, ngân hàng đã thẩm định và tin rằng, vị trí của Trạm thu phí T2 là "đắc địa", tọa lạc tại vị trí ấy, nhà đầu tư sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi. Chính phủ - cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất trong quản trị, điều hành quốc gia - cũng chỉ thấy yếu tố "đắc địa", không bận tâm đến sự "độc địa" của Trạm thu phí T2 đối với dân sinh, kinh tế - xã hội trong vùng, nên mới mạnh dạn phê duyệt.
"Trái mìn" Trạm thu phí T2 đã được gài như thế. Lợi ích của nhà đầu tư dự án cải tạo hai quốc lộ 91 và 91B đã rõ. Lợi ích của ngân hàng cũng rõ. Còn chính phủ, tại sao chính phủ tự gài vào thế "há miệng mắc quai", phê duyệt cho nhà đầu tư đặt Trạm thu phí T2 ở vị trí "độc địa" như vậy ? Vì chính phủ cũng có lợi. Ít nhất, lợi ích cũng là không phải bới tìm, nhận và truy cứu trách nhiệm đối với 455 tỉ đã chi cho cải tạo quốc lộ 91B !
Do ba bên cùng có lợi, thậm chí lợi ích quyện vào nhau nên tất nhiên là không bên nào muốn gỡ mìn. Viễn cảnh dự án cải tạo quốc lộ 91 vỡ phương án tài chính, vì chính phủ từng phê duyệt nên khoản tiền chủ đầu tư vay ngân hàng sẽ trở thành ‘nợ xấu’ của quốc gia mà đại diện Bộ Giao thông và vận tải đề cập hồi đầu năm ngoái không phải là giải thích cho xong, nó vừa bao hàm yếu tố răn đe, vừa khẳng định... phản đối có hữu lý cũng vô hiệu !
***
Cầu Vàm Cống (dài 2.970 mét, rộng 20,6 mét, trị giá 5.697 tỉ đồng, xây dựng chủ yếu bằng vốn do Nam Hàn hỗ trợ thông qua ODA ưu đãi, chính phủ Việt Nam chỉ bỏ một khoản nhỏ gọi là vốn đối ứng) đã hâm nóng sự bất bình đối với Trạm thu phí T2 vì các phương tiện giao thông qua lại cầu này phải trả phí cho cho nhà đầu tư dự án mở rộng quốc lộ 91, bất kể họ có sử dụng quốc lộ 91 hay không (4) ?
Nhiệt độ của sự bất bình lên cao tới mức nhà đầu tư phải tạm ngưng thu phí (5). Cả dân chúng lẫn chính quyền các tỉnh Kiên Giang, An Giang cùng đòi dời trạm này đến chỗ nào đó mà nhà đầu tư chỉ có thể thu phí những phương tiện giao thông sử dụng quốc lộ 91. Mong muốn đó vốn hữu lý nhưng không được chấp nhận. Lý do vẫn là phải bảo vệ "phương án tài chính" của dự án mà chính phủ đã phê duyệt.
Do chính quyền tỉnh An Giang phản đối quyết liệt nhất, Bộ Giao thông và vận tải đã gợi ý, nếu muốn dời Trạm thu phí T2 đi chỗ khác, họ phải thanh toán khoảng 80 tỉ chi phí xây dựng trạm mới và 20 tỉ cho 700 mét quốc lộ 91 mà các phương tiện giao thông phải qua lại trước khi lên xuống cầu Vàm Cống (6). Nói cách khác, nơi nào muốn dời Trạm thu phí T2 khỏi vị trí hiện nay sẽ phải "thối" lại cho nhà đầu tư chừng… 100 tỉ !
100 tỉ không phải giấy lộn nên chính quyền tỉnh An Giang không chịu. Đại diện tỉnh này đề nghị cách khác : Lựa chọn - đặt định giải pháp để các phương tiện giao thông sử dụng bao nhiêu mét quốc lộ 91 thì trả bấy nhiêu phí (7). Tất nhiên là nhà đầu tư không mặn mòi với phương thức này. Song đáng ngạc nhiên là đại diện chính phủ cũng cũng không ưng, Bộ Giao thông và vận tải chỉ muốn giảm phí và đương nhiên, thời gian nhà đầu tư được phép thu phí sẽ dài hơn thời hạn mà Thủ tướng từng phê duyệt.
Chính phủ "của dân, do dân, vì dân" không xem 455 tỉ đã vay để cải tạo quốc lộ 91B là khoản đáng phải bận tâm, kể cả khi toàn dân vẫn đang gồng mình trả cho đủ cả vốn lẫn lãi một công trình không sinh lợi, mất cả chì lẫn chài. Còn khoản tiền mà nhà đầu tư mượn ngân hàng nấu cháo trong hai dự án quốc lộ 91, 91B thì chính phủ hết sức quan tâm và dứt khoát không để rơi rớt đồng nào, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
***
Từ 2016 đến nay, Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán 68 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Ba báo cáo mà Kiểm toán nhà nước đã công bố cho thấy, gần như toàn bộ các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT cùng có những yếu tố quái gở như nhau :
- Hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà chỉ định nhà đầu tư. Cũng vì vậy, lẽ ra BOT là cách để tận dụng vốn riêng của nhà đầu tư trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thì các nhà đầu tư hoặc được chính phủ "hỗ trợ" bằng cách đứng ra vay tiền của bá tánh (bán trái phiếu) rồi giao cho các nhà đầu tư… đầu tư. Hoặc làm ngơ cho các nhà đầu tư vay ngân hàng, biến nền kinh tế thành một loại con tin, phải nương theo các nhà đầu tư vì họ mà "hắt hơi", quốc gia sẽ "sổ mũi", do hệ thống ngân hàng phải ôm hàng trăm ngàn tỉ… nợ xấu.
Kiểm toán nhà nước còn phát giác một hình thái đầu tư chưa bao giờ và chẳng đâu có : Nhà đầu tư dùng các trạm thu phí chắt mồ hôi, nước mắt của dân lành gộp vào suất đầu tư và được hệ thống công quyền công nhận là "bổ sung vốn chủ sở hữu" để hưởng thêm đủ loại ưu đãi về mức phí được thu, về thời gian được thu phí.
- Không chỉ có thế, hệ thống công quyền còn cùng nhà đầu tư tính… sai đủ thứ (từ tổng mức đầu tư, khối lượng, đơn giá và nhiều thứ được gộp chung thành một gói, gọi là… "sai khác"). Nếu cộng "giá trị đầu tư" trong ba báo cáo mà Kiểm toán nhà nước đề nghị phải giảm xuống thì 68 dự án hạ tầng giao thông đã được đầu tư theo hình thức BOT bị khai khống, duyệt khống chừng… 3.670 tỉ đồng. Tổng thời gian được phép thu phí mà Kiểm toán nhà nước cho là cần giảm để tương xứng với giá trị thực của 68 suất đầu tư này đâu khoảng… 245 năm ! Gấp 2,5 lần thời gian cha ông người Việt làm "tôi mọi" cho thực dân !
***
Tác hại của các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo phương thức BOT mang… bản sắc Việt Nam, đối với dân sinh, kinh tế - xã hội có lẽ không cần bàn thêm vì đã quá rõ. Chỉ có vài chuyện đáng bàn vì chưa bao giờ được làm rõ, đó là : Vì sao các sai phạm đã được nhận dạng nhưng chính phủ không nhận trách nhiệm, không sửa sai và dứt khoát không điều tra, truy cứu trách nhiệm của bất kỳ ai ?
Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông và đầu tư theo phương thức BOT đã cho chào đời những liên minh ma quỷ. Tại sao hệ thống công quyền từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài không ngăn chặn, diệt trừ mà còn để những liên minh ma quỷ này dẫn dắt, thậm chí chi phối tới mức xem những cá nhân chỉ phân biện đúng - sai là kẻ thù, trong một số trường hợp, sử dụng cả công quyền để trấn áp ?
Quản trị, điều hành quốc gia như thế là "liêm chính" và "kiến tạo" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/06/2019
Chú thích :
(1) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/rot-cuoc-tram-bot-t2-thu-phi-cho-cai-gi-735916.ldo
(2) https://plo.vn/do-thi/vi-sao-quoc-lo-91b-co-tram-bot-723488.html
(3) https://tuoitre.vn/bo-thua-nhan-bot-quoc-lo-91-bat-cap-nhung-van-chua-di-doi-20180112082523023.htm
(6) https://tuoitre.vn/an-giang-khong-the-bo-ca-tram-ti-dong-de-doi-tram-bot-t2-20190528112419096.htm
Trong số 985 sinh viên sĩ quan tung mũ lên trời (1), đánh dấu thời điểm tốt nghiệp Học viện Võ bị của Lục quân Mỹ (The United States Military Academy – USMA – thường được gọi tắt là West Point, tên một khu vực thuộc bang New York, nơi USMA tọa lạc), hôm thứ bảy vừa qua (25/5/2019), chỉ có 34 thuộc nhóm thiếu nữ da đen.
Tin 34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point khóa 2019 – lập thêm kỷ lục mới về số thiếu nữ da đen tốt nghiệp một khóa đào tạo sinh viên sĩ quan tại USMA – xảy ra cùng lúc với tin, cha mẹ nhiều học sinh ở Sơn La đã chi cả tỉ đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho con của họ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái - Ảnh minh họa Army Times
Cho đến giờ, tại West Point, nam thanh niên da trắng vẫn là đa số và cả West Point lẫn quân đội Mỹ tiếp tục gia tăng nỗ lực đa dạng hóa chủng tộc, giới tính. Con số 34 nữ sinh viên sĩ quan da đen vừa tốt nghiệp khóa 2019 được xem là một kỷ lục mới (2). Chắc chắn kỷ lục ấy sẽ sớm bị phá vỡ trong tương lai gần.
USMA hay West Point là một trong năm học viện của quân đội Mỹ. West Point đào tạo sĩ quan cho lục quân. The United States Naval Academy (USNA) tọa lạc ở Annapolis bang Maryland đào tạo sĩ quan cho hải quân. The United States Air Force Academy (USAFA) ở Colorado Springs, bang Colorado, đào tạo sĩ quan cho không quân. The United States Coast Guard Academy (USCGA) ở New London bang Connecticut, đào tạo sĩ quan cho lực lượng phòng vệ bờ biển. The United States Merchant Marine Academy (USMMA) ở Kings Point bang New York, đào tạo sĩ quan hàng hải cho cả quân đội lẫn các cơ quan thuộc chính phủ mà hoạt động có liên quan đến hàng hải.
Cả năm học viện của quân đội Mỹ đều tuyển sinh theo cùng một cách : Chọn những học sinh vừa xuất sắc về học vấn, vừa năng động, nổi trội về hoạt động xã hội và cả hai khía cạnh này phải đủ hơn người để một dân cử liên bang (Thượng Nghị sĩ hay Hạ Nghị sĩ) đồng ý viết thư giới thiệu cho các học viện xem xét, lựa chọn từng đương đơn.
Trong bốn năm theo học tại các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan phải học đủ thứ, từ đi, đứng, nói năng, kể cả khiêu vũ… sao cho phong thái chững chạc, lịch thiệp như một quý ông, đến tập luyện đủ loại kỹ năng với cường độ như tù khổ sai để có thể thích nghi, sinh tồn và giúp người khác vượt qua những tình huống khắc nghiệt nhất.
Tốt nghiệp các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan trở thành thiếu úy và có văn bằng cử nhân tương ứng với ngành mà đương sự chọn khi vào học viện (học viện nào cũng có các ngành liên quan đến kỹ thuật, khoa học xã hội). Chi phí trung bình cho đào tạo một sinh viên sĩ quan được ước tính khoảng 400.000 Mỹ kim/người.
Tất cả những yếu tố vừa kể khiến các học viện của quân đội Mỹ trở thành những ngôi trường danh giá, được xem như chỗ tập hợp tinh hoa và những sinh viên sĩ quan vượt qua tất cả các thử thách cả trong học tập tri thức, lẫn rèn luyện kỹ năng cần thiết của một sĩ quan, được xem như những cá nhân đã thẩm định kỹ lưỡng về chất lượng.
Dù luật pháp đặt định nhiều phương thức nhằm ngăn chặn kỳ thị nhưng phân biệt đối xử vì chủng tộc, giới tính, tuổi tác,… vẫn là một vấn nạn của xã hội Mỹ. Dù là một vấn nạn trong sinh hoạt xã hội song các nhóm thiểu số, có sự khác biệt với đa số về chủng tộc, giới tính, tuổi tác luôn có cơ hội để tự khẳng định.
34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point hồi cuối tuần vừa qua là ví dụ mới nhất. Đến giờ, quân đội Mỹ có ít nhất 38 vị tướng da đen. Sau Rosco Robinson Jr. (tốt nghiệp West Point năm 1947) có thêm chín người da den nữa mang bốn sao trên cầu vai (Đại tướng). Chưa kể một tổng thống, nhiều chính khác da đen khác.
***
Tin 34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point khóa 2019 – lập thêm kỷ lục mới về số thiếu nữ da đen tốt nghiệp một khóa đào tạo sinh viên sĩ quan tại USMA – xảy ra cùng lúc với tin, cha mẹ nhiều học sinh ở Sơn La đã chi cả tỉ đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho con của họ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái (3).
Trước đó, theo tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam, mục tiêu của phần lớn học sinh được sửa – nâng điểm đều là trở thành sinh viên sĩ quan của các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam. Trong vài năm vừa qua, các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam đột nhiên trở thành danh giá vì điểm xét tuyển vọt lên như pháo thăng thiên nhưng chưa ai quan tâm làm rõ xem vì sao phần lớn những trường hợp được sửa – nâng điểm, dù xảy ra tại Sơn La, hay Hòa Bình, Hà Giang,… cũng đều nhắm vào việc tìm cho được một chỗ trong các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam ?
Đã có những người đề nghị thẩm định lại toàn bộ bài thi trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước 2018 của những sinh viên sĩ quan đang theo học tại tất cả học viện, đại học thuộc quân đội, công an để bảo đảm công bằng, dân chúng không phải thanh toán học phí và hàng loạt chi phí khác (ăn, mặc, ở, sinh hoạt phí) cho những sinh viên sĩ quan bất xứng cả về năng lực lẫn tư cách. Đã đề cập đến công bằng, đề nghị này dẫu đúng song chưa đủ ! Công bằng thì các học viện, đại học thuộc quân đội, công an phải mở rộng cửa cho tất cả những đứa trẻ hội đủ các điều kiện về học vấn, thể lực, tư cách cá nhân (tự thân chúng không có tiền án, không vướng tiền sự).
Làm sao có thể gọi là "công bằng, dân chủ, văn minh" khi các học viện, đại học của quân đội, công an loại bỏ một đứa trẻ chỉ vì cha từng thế này (4), hoặc ông nội, ông ngoại từng thế kia (5) nên chúng đương nhiên bị xem là "đen", không xài. Các học viện, đại học của quân đội cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ lãnh thổ, các học viện, đại học của công an thì cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật. Chẳng lẽ lãnh thổ không phải của toàn dân, bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật không thật sự vì toàn dân nên dứt khoát sinh viên sĩ quan của các học viện thuộc quân đội, công an phải có ba đời trung thành với… đảng ?
Cha mẹ của những đứa trẻ được sửa – nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang,… đều nằm trong nhóm từng được ví von là "hạnh phúc của dân tộc". Nếu chuyện sửa – nâng điểm không đổ bể thành scandal, chắc chắn những đứa trẻ ấy sẽ sớm tham gia vào nhóm thề "trung với đảng", luôn luôn khẳng định "còn đảng, còn mình". Thêm chuyện này, dân chúng Việt Nam có nên tự vấn rằng họ có cần một đảng mà thành viên chỉ gồm toàn những cá nhân kiểu như thế lãnh đạo quốc gia, dân tộc hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/05/2019
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch ?v=uJicZ6SJ0e8
(4) https://news.zing.vn/them-truong-hop-khong-duoc-xet-tuyen-vao-cong-an-vi-ly-lich-post674752.html
Tranh luận giữa quốc hội và chính phủ Việt Nam về Dự luật sửa luật đầu tư công hứa hẹn nợ nần quốc gia sẽ tiếp tục làm dân chúng Việt Nam bị thương nặng hơn và chết.
Dự luật sửa luật đầu tư công hứa hẹn nợ nần quốc gia sẽ tiếp tục làm dân chúng Việt Nam bị thương nặng hơn và chết. Hình minh họa.
Lõi của Dự luật sửa luật đầu tư công (đặt định những ràng buộc liên quan tới việc sử dụng công quĩ làm vốn đầu tư) là thay đổi thẩm quyền quyết định đầu tư : Quốc hội chỉ xem xét, bỏ phiếu chấp thuận hay từ chối cho phép thực hiện những dự án trị giá từ 20.000 tỉ đồng trở lên. Chính phủ sẽ xem xét, phê duyệt những dự án sử dụng công quỹ dưới mức này (1).
Một số đại biểu quốc hội không ưng với dự tính vừa kể. Theo họ, qui định về thẩm quyền quyết định đầu tư ở Luật Đầu tư công hiện hành (buộc phải trình quốc hội xem xét, tổ chức bỏ phiếu đối với những dự án sử dụng công quĩ từ 10.000 tỉ đồng trở lên) vốn đã hạn chế quyền hiến định dành cho quốc hội (quyết định phân bổ - sử dụng ngân sách) thành ra mười năm vừa qua, quốc hội chỉ xem xét, bỏ phiếu quyết định đầu tư hai dự án.
Một số đại biểu khác thì cho rằng, nên chấp nhận đề nghị của chính phủ (sửa Luật Đầu tư công hiện hành, dành cho chính phủ quyền tự quyết đối với những dự án đầu tư dưới 20.000 tỉ đồng) để hoạt động đầu tư công linh hoạt, sát thực tế. Chưa kể, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư còn "dọa", nếu không chấp nhận, quốc hội sẽ bị các dự án đầu tư công nhấn chìm vì mỗi năm, quốc hội chỉ họp hai kỳ, làm sao xem xét – phê duyệt cho nổi (?).
Trong cuộc tranh luận về Dự luật sửa luật đầu tư công, cả quốc hội lẫn chính phủ đều cố gắng chứng tỏ, hai bên đều vì dân, vì nước, trọng hiến, trọng pháp…
Nếu trọng hiến, trọng pháp và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thật sự "của dân, do dân, vì dân", tại sao không ai giải thích cho dân tường, vì sao Luật Đầu tư công hiện hành không mất hiệu lực nhưng suốt mười năm, quốc hội chỉ xem xét, phê duyệt hai dự án sử dụng trên 10.000 tỉ của công quỹ, trong khi Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư công bố một thống kê, cho biết, chỉ trong năm năm vừa qua, có tới 9.000 dự án loại này ?
Quan tâm đến công quỹ - sức dân, tại sao không đại biểu nào của dân tại quốc hội chất vấn xem ai phải chịu trách nhiệm khi chính phủ vay tiền khắp nơi rồi để đó không dùng cho toàn dân trả lãi, đến hạn sẽ phải hoàn đủ vốn. Chẳng lẽ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước với những con số như tỉ lệ giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, tỉ lệ giải ngân vốn vay ngoại quốc chỉ đạt 53,6% không làm đại biểu nào sốt ruột (2) ?
Dự luật sửa luật đầu tư công có ngăn được tình trạng giải ngân chậm – một kiểu diễn đạt hoa mỹ về thực trạng vay trong, mượn ngoài rồi để tiền nằm đó, chỉ sinh lãi, không sinh lợi – tiếp tục được cảnh báo là "đã diễn ra trong nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục", có khiến chính phủ chùn tay, ngưng"ban hành chính sách mới mà chưa xác định cụ thể về nguồn lực bảo đảm" ?
Dự luật sửa luật đầu tư công có làm rõ, có đặt được nền móng để truy cứu trách nhiệm những cá nhân soạn – lập – phê duyệt các dự án đầu tư bằng công quỹ, vốn chỉ khiến nợ nần bao gồm cả vốn lẫn lãi trong và ngoài Việt Nam càng ngày càng lớn ? Có cản được những dự án mà Bộ Chính trị xác định là "chủ trương lớn và nhất quán" như Dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên năm 2009 ?
Không và ai cũng biết là không thì bày ra sửa làm gì ? Quốc hội vẫn họp mỗi năm hai kỳ, vẫn tìm nhiều cách để chứng tỏ đang đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của toàn dân nhưng nợ nần của Việt Nam đã vượt mức ba triệu tỉ đồng. Riêng năm ngoái, chính phủ đã dùng 250.000 tỉ đồng để trả nợ, trả lãi cho các khoản đã vay (3) và trong khối nợ khổng lồ đó có cả tiền nuôi chính phủ, bao các đại biểu ăn ở, đi lại, chi tiêu khi họp quốc hội !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/05/2019
Chú thích
(2) http://ttvn.vn/kinh-doanh/chua-co-nguon-luc-thuc-hien-da-ban-hanh-chinh-sach-4201920594525167.htm
(3) https://tuoitre.vn/chinh-phu-tra-no-hon-250-000-ti-dong-trong-nam-2018-20190521132746227.htm
Chưa bao giờ tính chất phản động của Điều 53 trong Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành rõ ràng như bây giờ.
Phản ứng của người dân trong vụ đất Thủ Thiêm.
Theo Điều 53 : Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Tài nguyên nước, khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do nhà nước dùng công sản đầu tư, đang được nhà nước thay mặt toàn dân quản lý, sử dụng như thế nào có lẽ ai cũng biết và sẽ được bàn vào dịp khác.
Riêng đất đai – một loại tài sản cũng thuộc "sở hữu toàn dân" thì cần phải ngẫm nghĩ kỹ, hành động sớm, nếu không, ngay cả cám cũng chẳng còn…
***
Kết quả Kiểm toán bảy dự án được đầu tư theo hình thức BT do Kiểm toán Nhà nước công bố hồi cuối tuần trước đều dính đến đất (1).
Khác với BOT (nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án rồi tổ chức khai thác dự án cho đến khi thu hồi đủ cả vốn lẫn lãi thì chuyển giao cho chính quyền), BT là hình thức chỉ có hai công đoạn, nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án, sau khi hoàn tất sẽ chuyển giao luôn cho chính quyền, đổi lại, nhà đầu tư sẽ được giao một dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và hưởng lợi, hoặc được thanh toán theo thoả thuận đã được ghi trong hợp đồng.
Căn cứ vào báo cáo do Kiểm toán Nhà nước mới công bố thì cả bảy dự án được đầu tư theo hình thức BT mà Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán thì dự án nào cũng trái với hình thức BT : Nhà đầu tư nhận thực hiện dự án để lấy đất nhưng chưa thực hiện dự án đã được giao đất. Khi đem đất đổi công trình, hệ thống công quyền vừa định giá đất rất thấp, vừa vận dụng đủ thứ qui định để nhà đầu tư có thể giảm tối đa khoản tiền sử dụng đất phải nộp cho công quỹ.
Phần lớn các công trình được chính quyền nhiều địa phương lựa chọn để đầu tư theo hình thức BT đều không cấp bách, thiệt hại do đổi đất lấy bảy công trình này khoảng 3.000 tỉ đồng ! Trước đó, khi tổ chức kiểm toán 30 dự án được đầu tư theo hình thức BT, Kiểm toán Nhà nước từng xác định, chuyện đem đất đổi công trình gây thiệt hại khoảng 4.515 tỉ đồng. Công thổ đổi chủ không đơn thuần là "thiệt hại cho ngân sách", đó là tổn hại của toàn dân.
***
Đất đai - tài sản thuộc "sở hữu toàn dân" - không chỉ thất tán vì bị mang ra đổi các công trình khoác áo phục vụ dân sinh, phúc lợi công cộng, kiểu như "Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1" một trong bảy dự án được đầu tư theo hình thức BT mà Kiểm toán Nhà nước mới công bố.
Trước nay, loại tài sản thuộc "sở hữu toàn dân" này vẫn được dùng làm vốn để giao cho các doanh nghiệp nhà nước. Khi các doanh nghiệp nhà nước trở thành gánh nặng, toàn dân không còn kham nổi, chúng được cổ phần hóa (thay đổi nguồn gốc sở hữu). Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giống nhau ở chỗ, đất đai được "giải tư" (chuyển đổi quyền sở hữu từ của toàn dân thành của tư nhân) với giá như giá của bèo.
Một báo cáo khác mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, sau khi ghé mắt nhìn vào chuyện quản lý – sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Đà Nẵng, minh họa thêm cho thực trạng vốn đã kéo dài cả thập niên trên toàn quốc : Đất – tài sản thuộc "sở hữu toàn dân" - trở thành vốn của các công ty cổ phần. Các công ty cổ phần có vốn nhà nước thành lập liên doanh. Liên doanh đệ trình các dự án xin khai thác nguồn vốn là đất rồi công ty cổ phần có vốn nhà nước chuyển nhượng phần đất được xem như vốn với giá rẻ mạt (2).
Chẳng riêng Đà Nẵng mà chỗ nào cũng vậy. Công thổ - tài sản thuộc "sở hữu toàn dân" - dù được xem như đất vàng vì vị trí đặc biệt – lũ lượt đội nón ra đi. Toàn dân mất cả chì lẫn chài vừa vì vuột mất "vàng", vừa vì "vàng" được định giá quá rẻ, lại mất phần lớn tiền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất,… được hệ thống công quyền tìm mọi cách để chỉ thu ở mức thấp nhất.
Cho dù chuyện "chuyển đổi quyền sử dụng đất" từ "sở hữu toàn dân" thành sở hữu tư nhân diễn ra rầm rộ trên toàn Việt Nam đã hai thập niên song toàn dân được hưởng những gì từ đó ? Chính sách an sinh, phúc lợi công cộng liệu có tốt hơn ? Duy trì "sở hữu toàn dân" đối với đất đai chỉ tạo ra những cá nhân đột nhiên giàu có đến mức "nứt đố, đổ vách", xem đồng bào mình như cỏ rác.
Duy trì "sở hữu toàn dân" đối với đất đai đã giúp biến rừng thành những trang trại không phải của toàn dân như Hà Nội (3), Đắk Nông (4),... Tình trạng bờ của những con sông chảy trong lòng nhiều đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh, rồi bờ biển của nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí đảo (5),… những thắng cảnh nổi tiếng ở nhiều nơi (6), đổi chủ, trở thành những chỗ đại đa số công dân không được phép lui tới, đột nhiên trở thành… tất nhiên.
Đất đai thuộc "sở hữu toàn dân" vừa tạo ra vô số thảm án như vụ Đặng Văn Hiến (7), biến hàng triệu người thành vô gia cư, bế tắc về sinh kế như ở Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), vừa hỗ trợ những viên chức như ông Nguyễn Thanh Sơn, cựu Bí thư Huyện ủy Sông Hinh, sở hữu hàng chục ngàn mét vuông đất ở thị trấn Hai Riêng, khi phải giao trả để tránh bị cưỡng chế, nộp đơn kiện hệ thống công quyền đòi bồi thường (8).
Đất đai thuộc "sở hữu toàn dân" nên chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa công khai nhắc nhở hệ thống truyền thông chính thức "không thông tin sâu" về chuyện tại sao gia đình ông Vũ Ngọc Hoàng, cựu Bí thư Tỉnh ủy, trở thành chủ hai lô đất diện tích 1.261 mét vuông ở thành phố Tam Kỳ "để tránh ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương" (9).
Đất đai thuộc "sở hữu toàn dân" đã mở đường cho hết scandal này đến scandal khác, hết viên chức này đến viên chức khác từ trung ương đến địa phương, hết viên tướng này đến viên tướng khác của cả quân đội lẫn công an phạm pháp, đa số chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ những chức vụ đã từng mang. Tỉ lệ viên chức bị phạt tù, tài sản bị tịch thu, sung công vì làm thất tán đất đai, tài sản thuộc sở hữu toàn dân có tương xứng không ?
Với tốc độ, khả năng "sáng tạo" trong chuyển đổi quyền sở hữu về đất đai và lối xử lý nửa mùa như thế, làm sao chặn được viễn cảnh toàn dân trắng tay ? Đến giờ, thực tế cho thấy, nhà nước – tổ chức đại diện toàn dân quản lý đất đai – chỉ mới giúp nguồn lợi từ đất đai lọt từ "sàng" này, xuống "nia" khác. Toàn dân đã được gì và sẽ hưởng gì từ chuyện nhà nước giành tư cách đại diện để toàn quyền sử dụng công thổ ?
***
Nhiều người thất vọng khi chính phủ Việt Nam rút Dự luật sửa Luật Đất đai, không trình dự luật cho Quốc hội Việt Nam xem xét trong năm nay (10). Có thể gửi gắm hy vọng nào vào nỗ lực sửa luật đất đai không khi Hiến pháp vẫn thế, các Điều 53, 54 không thay đổi: Dành riêng cho nhà nước tư cách đại diện để toàn quyền quản lý, sử dụng công thổ mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát, bất kỳ hình thức chế tài nào?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/05/2019
Chú thích :
(1) https://plo.vn/thoi-su/kiem-toan-nha-nuoc-15-du-an-bot-va-bt-co-sai-pham-834936.html
(2) https://tuoitre.vn/mot-loat-dai-gia-an-dam-dat-vang-nho-co-phan-hoa-20190522112953784.htm
(3) https://vnexpress.net/thoi-su/ca-nghin-cong-trinh-vi-pham-tren-dat-rung-soc-son-3898105.html
(5) https://tuoitre.vn/gian-nan-mo-duong-xuong-bien-giat-minh-sua-sai-20180503084949548.htm
(10) https://tuoitre.vn/lui-sua-doi-luat-dat-dai-den-2020-vi-nhieu-van-de-phuc-tap-20190410113031523.htm
Tuy Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 đã kết thúc từ tuần trước nhưng trong tuần này, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam vẫn còn đang bàn tán về nó, đặc biệt là về hàng loạt câu hỏi mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra hôm khai mạc (15 tháng 10) : Chiến lược ? Thế nào là đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế ? Đổi mới chính trị có đổi mới thể chế không ? Việt Nam sẽ như thế nào vào năm 2030 (100 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam), năm 2045 (100 năm thành lập Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (1) ?
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ở Hà Nội hôm 10/1. (Ảnh chụp màn hình Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
***
Trần Đình Thu – một trong những facebooker đầu tiên bình luận về những câu hỏi mà ông Trọng nêu ra với các Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 – cho rằng : Hình dung Việt Nam đến 2045 sẽ như thế nào thì đúng là khó vì quá xa nhưng tới 2030, chỉ 11 năm mà than khó cho thấy ông Trong không thể đoan chắc điều gì. Ông Thu nhận định đó là điểm mới, khác hẳn với giọng điệu trước đây của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, rằng phải kiên trì vì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo ông Thu, chuyện ông Trọng hai lần than thở không thể biết Việt Nam sẽ như thế nào là rất đáng chú ý (2).
Dựa trên phát biểu của ông Trọng, Trần Đình Thu còn khái quát một số yếu tố khác mà facebooker này cho là mới, chẳng hạn : Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không ? Có đổi chế độ chính trị không ? Có cần sửa Điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam không ? Blogger Kim Dung/Kỳ Duyên đã dẫn lại những nhận định của facebooker Trần Đình Thu rồi bình thêm về những yếu tố "mới" mà ông Thu đã khái quát ấy. Theo đó, so với thiên hạ thì chúng chẳng có gì là "mới", ở Việt Nam chúng cũng đã được những người quan tâm đến tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc nhiều lần nói xa, nói gần.
Do tính "mới" chỉ nằm ở chỗ Tổng Bí thư đề cập công khai trước các Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nên blogger này nhấn mạnh, trọng tâm sẽ không nằm ở "mới" mà phụ thuộc vào chuyện những ý kiến thẳng thắn, thậm chí gai góc do khác biệt về nhận thức, tư duy thời cuộc, có bị "chụp" cho những chiếc mũ đầy… gai hay không. Bởi trí tuệ và sự sáng tạo chỉ có thể thăng hoa trong một xã hội thực sự dân chủ, vì lợi ích quốc gia, ngược lại, nó sẽ lụi tàn khi môi trường chỉ toàn định kiến, tư duy áp đặt kiểu "kẻ mạnh là chân lý", thành ra chỉ có thể… đợi (3) !
***
Một trong những status mới nhất trên facebook về những câu hỏi của ông Trọng, thu hút sự chú ý của vài ngàn người là "Ai sẽ trả lời Giáo sư Trọng ?" của facebooker Lao Ta...
Theo lời kể của bố tôi - khi ông còn là Bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch một xã điểm của tỉnh Hà Tây lúc ấy thì trong lần về thăm và nói chuyện tại huyện Chương Mỹ, ông Trường Chinh đưa ra dự đoán sau 18 năm kể từ kế hoạch năm năm lần thứ nhất, miền Bắc sẽ hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo những gì tôi được học, sau giai đoạn đó sẽ là thời kỳ đầu của Chủ nghĩa cộng sản !
Năm 1978, đúng cái mốc ông Trường Chinh đặt ra, cả nước chỉ còn thoi thóp vì đói. Đám sinh viên chúng tôi thì gần chết đói nếu không có hạt bo bo nguyên vỏ viện trợ từ nước ngoài. Loại mạch này ăn vào chỉ vài tiếng là buồn đi ỉả, vì nó quá nhiều bã.
Năm 1976, ông Lê Duẩn công bố chiến lược phát triển đất nước, với mục tiêu lớn là 21 triệu tấn lương thực (cho khoảng gần 40 triệu người dân), phấn đấu mỗi nhà có một cái ti vi và tủ lạnh. Thời điểm đó dự tính là vào năm 1980. Đó cũng là năm, nói như bố tôi, đến cái quần đùi cũng không có mà mặc. Ở Hòa Bình, tôi và ba thằng bạn học khác bắt thăm được quyền mua rẻ một cái váy của bà đầm hảo tâm nào đó. Chắc đang mặc bà tụt ra ném vào thùng của nhóm quyên đồ từ thiện cho Việt Nam khi họ đi qua, vì thế vẫn còn nguyên mùi da thịt…Tây ! Bốn thằng tôi hăm hở bán lại cho một hiệu may, được số tiền chênh lệch mua đủ một con gà. Nhưng môi chưa kịp hết nhờn mỡ gà thì cả bốn thằng bị gọi lên Ban giám hiệu, bắt nộp lại cái váy vì có đơn kiện suất váy đó quá sộp ! Kết quả chúng tôi phải lao động lấy củi một tuần đề bù thiệt hại cho những người không gặp may như chúng tôi.
Khoảng đầu những năm 1980, ông Phạm Văn Đồng đầy tự tin bảo các vị khách Mỹ vô cùng hiếm lúc ấy là năm 2000 mời các ngài trở lại đây, để chứng kiến sự ưu việt mô hình của chúng tôi. Cụ Đồng đúng là người có máu hài hước, bởi năm 2000 chúng ta đứng gần cuối bảng thế giới về thu nhập, vẫn thuộc nhóm quốc gia đói rách.
Trong Hội nghị vừa diễn ra, Giáo sư Trọng rất thẳng thắn bảo rằng, năm 2001 nghị quyết đề ra nước ta cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020 (tức là sang năm) nhưng giờ thử nhìn xem ? Ý Giáo sư (dù ngài không nói ra) là nghị quyết nói tào lao, ảo tưởng đến mức hoang tưởng ! Đến cái đinh ốc đạt chuẩn còn phải loay hoay, công nghiệp nỗi gì !
Giờ là "tập trung trí tuệ" bàn đến tầm nhìn năm 2045 ! Khi đó nước ta thành cái nước gì ? Có thể Giáo sư Trọng đã có câu trả lời nhưng rút kinh nghiệm, Ngài không nói ra, mà hỏi đám ngồi bên dưới ? Các anh trả lời đi, năm 2026, năm 2030 rồi năm 2045 nước ta hình dung nó thế nào ? Xin thưa, Ngài đang hỏi nhầm đối tượng ? Cái đám già nua cũ kĩ ngồi vờ vịt nuốt từng lời Ngài, được đào tạo không phải để lo cho tương lai, mà chỉ đủ sự khôn lỏi để tính chuyện họ sẽ chết thế nào, cất giữ tiền bạc ra sao, mồ mả nên giấu ở đâu ? Cả cái đám đang được quy hoạch là nguồn của đại hội tới cũng không phải là đối tượng để Ngài có thể trông đợi. Họ còn lại sau khi cái quy trình tuyển chọn của chế độ đã lọc hết sạch người tài từ những vòng ngoài. Ngài sẽ vô cùng khó khăn để tìm được trong số đó dù chỉ một vài người có tấm lòng lớn với xã tắc. Họ được lập trình để không còn cái phẩm giá linh thiêng ấy. Họ được đòi hỏi là chỉ cần và chỉ biết yêu đảng. Họ chỉ phải nhớ còn đảng còn họ ! Riêng năng lực cho chuyện đó thì họ có thừa, bởi vì yêu đảng thì chỉ cần hô lên là xong, sụt sịt vung tay thề bồi là xong, luôn miệng nói tuyệt đối trung thành là xong. Nhưng yêu nước cần gấp một ngàn lần những phẩm chất mà đảng của Ngài đòi hỏi ở một đảng viên. Yêu nước khó gấp một vạn lần yêu đảng. Sự dối trá đang tàn phá đất nước đến tận móng và sẽ chưa dừng lại, chừng nào vẫn còn cách thức đánh giá năng lực cán bộ như hiện nay.
Vì thế, câu trả lời cho câu hỏi của Ngài (và cũng là hy vọng của tôi) thuộc về những đứa trẻ giờ này đang học "Bức tranh của em gái tôi", trước hết để chúng biết yêu người bên cạnh mình, yêu ông bà cha mẹ anh em ruột thịt mình, hoặc ít nhất thì cũng biết yêu hoa lá trong vườn, con vật nuôi trong nhà, chứ không phải thứ tình yêu nhân loại chung chung. Đã quá đủ thời gian và sự trải nghiệm để Ngài rút ra những bài học cay đắng và đưa đất nước rẽ nhanh sang một con đường khác. Sứ mệnh đó đang được trao cho Ngài với thời gian chỉ còn rất ít ! Một sự thay đổi trong hòa bình là thượng sách cho tương lai của dân tộc này. Nếu Ngài né tránh hiện thực đó, công sức và tâm huyết của Ngài đang đổ ra sẽ chẳng khác nào dã tràng xe cát (2).
Khoảng 3.000 thân hữu của Lao Ta tán thành suy nghĩ của Lao Ta. Chừng 600 người ngỏ lời khen nhận định của Lao Ta chính xác, nhiều người cám ơn Lao Ta đã nói thay họ. Tuy nhiên chẳng ai tin ông Trọng cũng như các đồng chí của ông sẽ tìm được câu trả lời đúng mà trước nay, dân chúng Việt Nam vẫn chờ để nghe.
***
Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 bế mạc hôm 18 tháng 10. Ngày 20 tháng 10, gần như tất cả Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 lũ lượt kéo sang trụ sở Quốc hội, tham dự Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14. Ở vị trí đại biểu Quốc hội, khi cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến "quốc kế, dân sinh", không Ủy viên nào của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 thắc mắc khi nghe Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Phó Thủ tướng, kiêm đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ biện giải, sở dĩ tháng rồi, các hóa đơn tính tiền điện tăng đột biến là vì có những biến động ngoài dự kiến mà không chính phủ nào dự báo được như chuyện hoa sữa nở trong tháng 5 (5).
Đó là lý do khiến nhiều facebook liên tưởng đến những câu hỏi, những lời thở than mà Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra tuần trước. Chẳng hạn Ngô Nguyệt Hữu. Facebooker này nêu thắc mắc : Đã không dự đoán được hoa sữa nở vào tháng năm thì căn cứ vào đâu để dự đoán quốc gia sẽ có nhiều thành tựu vào năm 2045 ? Khá Khó (6) !
Dẫu câu trả lời chung cho các câu hỏi mà Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra lúc phát biểu khai mạc vẫn là : Chẳng biết thế nào ! - tuần trước, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 vẫn tuyên bố, Hội nghị lần thứ 10 đã "hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra" một cách "khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm" (7).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/05/2019
Chú thích :
(1) https://www.youtube.com/watch?v=ckN2uvScOrY
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2385030161552643&id=100001370467846
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10216915397014778&id=1160946631
(6) https://www.facebook.com/ngonguyethuu/posts/2737286636345211
Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Việt Nam vừa công bố hai báo cáo thẩm tra về ngân sách nhà nước trong các năm 2017, 2018, 2019. Ấn tượng sâu đậm nhất từ hai báo cáo này là Việt Nam đang và sẽ tàn mạt vì… nợ !
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Tự thân nợ nần không xấu, thậm chí hết sức cần thiết nếu vay mượn giúp dặm nền, hỗ trợ phát triển. Chỉ tiếc là báo cáo vừa kể chỉ ra, nợ nần đang dẫn Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh theo hướng… ngược lại !
***
Báo cáo đầu tiên - "thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017", cho biết, hết năm 2017, khối nợ của Việt Nam đã tăng thêm 204.413 tỉ đồng, nâng tổng nợ nần lên mức ba triệu tỉ đồng và nợ nần vẫn tiếp tục tăng trong khi thu – chi tiếp tục mất cân đối nên chẳng dư ra đồng nào để trả nợ (1).
Theo Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội thì năm 2017, bội chi (chi nhiều hơn thu) là 136.963 tỉ đồng. Ủy ban này "khen" chính phủ "có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi" nên giảm được 41.337 tỉ so với mức cho phép bội chi !
"Khen" như thế chẳng khác gì "khen"… đểu ! "Khen" xong, Ủy ban Tài chính và ngân sách chú thích : Bội chi năm 2017 giảm là do… giải ngân các dự án đầu tư bằng tiền đi vay chậm, hoàn toàn không phải do tiết kiệm chi tiêu để giảm vay !
Vì giải ngân chậm, năm 2017, tỉ lệ sử dụng vốn thu về từ việc bán trái phiếu, vốn vay ngoại quốc rất thấp. Cũng vì thế, năm 2017, so với kế hoạch đã định, chính phủ phải giảm vay ngoại quốc (20.195 tỉ đồng) và giảm vay trong nước (15.142 tỉ đồng).
Muốn biết giải ngân chậm nguy hại như thế nào, hãy liếc qua một báo cáo khác cũng của Ủy ban Tài chính và ngân sách và cũng mới được trình Quốc hội : "Báo cáo Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ Ngân sách nhà nước năm 2018, triển khai dự toán Ngân sách nhà nước năm 2019" (2).
Trong báo cáo thứ hai, Ủy ban Tài chính và ngân sách cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 vẫn còn rất chậm, thậm chí thấp hơn tốc độ giải ngân năm 2017. Tính đến hết ngày 31 tháng 1 năm 2019 mới chỉ giải ngân được 75,8%. Giải ngân nguồn vốn trong nước chỉ đạt 79,8%, vốn trái phiếu chính phủ chỉ đạt 48,1%, vốn vay ngoại quốc chỉ đạt 53,6%. Tình trạng giải ngân chậm được cảnh báo là "đã diễn ra trong nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục".
Có một điểm cần lưu ý, bản chất trái phiếu chính phủ là một loại phiếu vay nợ kèm cam kết trả lãi ở một mức nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định. Bán trái phiếu chính phủ là nhận nợ để trả lãi, hết hạn phải hoàn vốn. Chậm giải ngân nguồn vốn hình thành từ trái phiếu chính phủ là đi vay nhưng không dùng và oằn lưng trả lãi. Nói cách khác, hiện có 51,9% vốn vay thông qua phát hành trái phiếu chính phủ chỉ sinh… lãi, không sinh… lợi !
Tương tự, Ủy ban Tài chính và ngân sách phát giác chính phủ đã nhận nợ cho nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển (bao gồm cả ODA và những khoản vay ưu đãi của nhiều nhà tài trợ) nhưng vì chậm giải ngân, Việt Nam đang trả lãi cho những khoản đi vay mà không dùng. Ai cũng biết, ngoài lãi, vay còn kèm thời hạn, chậm giải ngân không chỉ phải gánh lãi một cách vô lý, thời gian sử dụng vốn vay ngắn, suất đầu tư chưa kịp sinh lợi đã phải hoàn vốn sẽ làm tăng áp lực trả nợ.
Đáng ngạc nhiên là Ủy ban Tài chính và ngân sách chỉ khuyến cáo nhẹ nhàng rằng… chậm giải ngân sẽ dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay rồi… thôi, cho dù có hai chi tiết đáng vã mồ hôi : (1) Đảm trách vai trò thẩm tra về Ngân sách nhà nước nhưng Ủy ban Tài chính và ngân sách không biết chính phủ đã nhận bao nhiêu nợ, thành ra phải "đề nghị chính phủ báo cáo rõ về số vốn vay đã nhận nợ". (2) Không ai ngăn được chính phủ tiếp tục "ban hành chính sách mới mà chưa xác định cụ thể về nguồn lực bảo đảm" để mắc nợ nhiều hơn !
***
Sau khi Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Việt Nam công bố hai báo cáo như đã dẫn, chính phủ Việt Nam cũng đã công bố "Báo cáo tình hình nợ công". Theo đó, năm ngoái, chính phủ đã dùng 250.000 tỉ đồng để trả nợ, trả lãi cho các khoản đã vay cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Chính phủ dõng dạc tuyên bố là việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản nợ bao gồm gốc và lãi "nằm trong mức đã được phê duyệt tại các nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm đầy đủ, đúng hạn theo cam kết" (3).
Chẳng biết hệ thống truyền thông chính thức lược thuật có chính xác hay không nhưng đọc các bài lược thuật, "Báo cáo tình hình nợ công" của chính phủ giống như một "báo cáo thành tích và chỉ thế mà… thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/05/2019
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/no-cong-tang-them-ngan-sach-chua-co-du-de-tra-no-20190520165332942.htm
(2) http://ttvn.vn/kinh-doanh/chua-co-nguon-luc-thuc-hien-da-ban-hanh-chinh-sach-4201920594525167.htm
(3) https://tuoitre.vn/chinh-phu-tra-no-hon-250-000-ti-dong-trong-nam-2018-20190521132746227.htm
Người Việt thường dùng thành ngữ "chịu đấm ăn xôi" để chỉ những kẻ trâng tráo, chấp nhận bị khinh ghét để thủ lợi. Không chỉ chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Bộ Giao thông và vận tải mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục "chịu đấm, ăn xôi",…
Người dân vui mừng trong một lần trạm Cai Lậy được xả trạm.
***
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán tám dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT và 7/8 dự án từ Bắc vào Nam đều có vấn đề (1) :
(a) Không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư mà chỉ định nhà đầu tư. Cũng vì vậy, lẽ ra BOT là cách để tận dụng vốn riêng của nhà đầu tư trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông thì lại giao đủ loại "đầu heo" cho nhà đầu tư "nấu cháo" : Có loại "đầu heo" là tiền chính phủ đứng ra vay của bá tánh bằng cách bán trái phiếu rồi giao cho các nhà đầu tư. Có loại "đầu heo" là mồ hôi, nước mắt của dân lành, được nhà đầu tư chắt lọc qua các trạm thu phí bỏ vào, rồi gọi đó là "bổ sung vốn chủ sở hữu". Do vậy, có thể gọi loại "đầu heo" thứ hai này là phương thức lấy mỡ dân lành rán chính họ !
(b) Tính toán, phê duyệt sai đủ thứ, từ tổng mức đầu tư đến sai khối lượng, sai đơn giá và sai nhiều thứ mà Kiểm toán Nhà nước ngại liệt kê nên gọi chung là… "sai khác". Nhờ vậy, nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT được thu phí dài hơn, với mức phí cao hơn. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm 1.059 tỉ đồng trước đó đã được xác định là giá trị của 7/8 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, giảm đi 16 năm 2 tháng được phép thu phí của 7/8 dự án này. Có một điểm đáng ngạc nhiên là Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm ngơ, không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của bất kỳ ai !
Với (a) chẳng lẽ những cá nhân không tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư, thản nhiên chỉ định những nhà đầu tư không đủ năng lực mà luật đã định, không vi phạm điều 222 Luật Hình sự. Những cá nhân quyết định giao nguồn tiền do chính phủ đứng ra vay thông qua bán trái phiếu, vi phạm Nghị quyết số 65/2013/QH13 mà Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 15 tháng 11 năm 2013, cũng không phạm tội nào hết ? Tương tự, những cá nhân cho nhà đầu tư lấy mỡ dân lành rán chính họ - thu phí để "bổ sung vốn chủ sỡ hữu" – là hoàn toàn… thiện lành, thành ra không phạm tội nào cả ?
Còn với (b), thôi thì Kiểm toán Nhà nước không màng đến trong nhà - "lợi ích của nhà nước", không quan tâm "bảo vệ trật tự pháp luật" cho dù rõ ràng các bên có liên quan cố tình sai đủ thứ, song chẳng lẽ dân rên như bọng, Kiểm toán Nhà nước nhẫn tâm lờ đi, không đếm xỉa đến tiền bạc của dân lành mà cả hiến pháp lẫn luật pháp cam kết bảo vệ. Khi mức phí, thời hạn thu phí vượt xa mức hợp lý, các trạm thu phí BOT trở thành yếu tố làm vật giá tăng vọt, dân lành chia nhau lãnh đủ, chẳng lẽ những cá nhân dính líu đến tính toán sai, phê duyệt sai không phạm tội nào trong chương dành cho các tội xâm phạm quyền sở hữu trong Luật hình sự ?
Đây không phải là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nói chung hành xử kỳ quái như thế.
Năm 2016, sau khi kiểm toán 21 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT, Kiểm toán Nhà nước từng phát giác những vấn đề y hệt như vừa kể và kiến nghị giảm 1.150 tỉ đồng trước đó đã được giới hữu trách công nhận là giá trị của 21 dự án này, đồng thời kiến nghị giảm thời hạn được phép thu phí của 21 dự án, cộng chung là 107 năm.
Năm 2017, sau khi kiểm toán thêm 40 dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT khác, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xác định, những vấn nạn cũng chẳng khác gì những vấn nạn mà cơ quan này công bố năm 2016 và kiến nghị giảm 1,460 tỉ đồng trước đó đã được giới hữu trách công nhận là giá trị của 40 dự án được kiểm toán, đồng thời kiến nghị giảm thời hạn được phép thu phí của 40 dự án, cộng chung là… 120 năm (3).
Sau đó thì sao ? Vấn nạn BOT vẫn thế ! Không có ai bị truy cứu trách nhiệm và không có bất kỳ chuyển biến nào ! Thậm chí những người phản kháng hoạt động của các trạm thu phí BOT đã được giới hữu trách xác định là đặt sai vị trí và đề nghị dẹp bỏ song vẫn ngang nhiên tổ chức thu phí, còn bị tống giam, chờ ngày ra tòa như Hà Văn Nam (4), bị đánh vỡ mặt như mới xảy ra ở trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (5).
Nếu xem Kiểm toán Nhà nước như phẫu thuật viên, ba lần tổ chức kiểm toán các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT suốt từ 2016 đến nay giống như ba ca phẫu thuật thì ca nào, phẫu thuật viên cũng chỉ rạch các khối u để ai cũng thấy bên trong bầy nhầy, hôi thối, nguy hại cho cơ thể quốc gia ra sao rồi để đó, không làm sạch dù dân chúng vật nài xin điều trị.
***
Cuối tuần trước, Việt Nam tổ chức khánh thành cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu. Vốn xây dựng cây cầu dài 2.970 mét, rộng 20,6 mét, trị giá 5.697 tỉ đồng này, chủ yếu do Nam Hàn hỗ trợ thông qua ODA ưu đãi, chính phủ Việt Nam chỉ bỏ một khoản nhỏ gọi là vốn đối ứng. Điểm đáng nói là các phương tiện giao thông qua lại cầu Vàm Cống phải trả phí cho Trạm thu phí T2 của Dự án cải tạo – mở rộng quốc lộ 91 theo hình thức BOT.
Trạm thu phí T2 đã nổi tiếng từ lâu vì vị trí mà cả dân chúng lẫn chính quyền các tỉnh Kiên Giang, An Giang cùng cho là… độc địa : Phương tiện giao thông ra vào hai tỉnh này đều phải lưu thông khoảng vài trăm mét trên quốc lộ 91 và do vậy, phải trả phí như các phương tiện lưu thông trên toàn tuyến quốc lộ 91 được cải tạo, mở rộng theo hình thức BOT.
Đầu năm ngoái, dân chúng và chính quyền các tỉnh An Giang, Kiên Giang bắt đầu đề cập đến chuyện phải di dời Trạm thu phí T2 đến vị trí hợp lý hơn còn vì, nếu không, sẽ giống như tạo điều kiện cho chủ đầu tư "đi tắt, đón đầu", thu phí tất cả những phương tiện giao thông sử dụng cầu Vàm Cống dù nhà đầu tư không bỏ ra đồng nào để xây dựng cây cầu này. Lúc ấy, đại diện Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam thừa nhận, vị trí Trạm thu phí T2 rõ ràng là "bất cập, không công bằng" nhưng chuyển đến vị trí khác thì có thể làm vỡ "phương án tài chính của dự án, tiền mà chủ đầu tư vay của ngân hàng sẽ trở thành ‘nợ xấu’ của quốc gia" (6).
Từ đó đến nay đã 18 tháng, Trạm thu phí T2 vẫn tọa lạc ở vị trí cũ, từ cuối tuần vừa qua bắt đầu thu phí từ chủ những phương tiện giao thông qua lại cầu Vàm Cống, bất kể họ có dùng quốc lộ 91 hay không ! Cần lưu ý rằng, 18 tháng trước, trả lời báo giới, nhà đầu tư công trình cải tạo, mở rộng quốc lộ 91 theo hình thức BOT từng tỏ ra rất tự tin vì… vị trí Trạm thu phí T2 vừa có sự đồng thuận của ngân hàng, vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Nhờ ngân hàng hỗ trợ, bắt "nợ xấu" làm con tin, khống chế cả nền kinh tế, lại còn "cột" được cả chính phủ bằng sợi thừng "liên đới trách nhiệm", thảo nào, Kiểm toán Nhà nước xác định, việc phê duyệt tổng mức đầu tư của công trình cải tạo, mở rộng quốc lộ 91 theo hình thức BOT vượt giá trị thực khoảng 100 tỉ, cần giảm thời hạn được phép thu phí khoảng bốn năm thì cũng chẳng có ai bị gì cả (7).
Ai đấm cứ đấm, miễn sao xôi vẫn đầy mâm. Trông vào nhận định của Kiểm toán Nhà nước, thậm chí kết luận của Thanh tra chính phủ để đấm chỗ này, chỗ kia, coi chừng phải ăn cơm tù !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/05/2019
Chú thích :
(6) https://tuoitre.vn/bo-thua-nhan-bot-quoc-lo-91-bat-cap-nhung-van-chua-di-doi-20180112082523023.htm
Lý do chính khiến Thánh Gióng – cách mà giới bình dân tại Việt Nam gọi Phù Đổng Thiên Vương, một nhân vật trong huyền sử Việt Nam, đến giờ vẫn còn được rất nhiều người thờ phụng và cùng với ba nhân vật huyền sử khác (Tản Viên Sơn Thần, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa) hợp thành Tứ Bất tử của tín ngưỡng dân gian - là vì được xem như từ Trời xuống trần làm người, suốt ba năm đầu đời không nói, không cười, mãi tới khi quốc gia lâm nguy mới mở miệng xin roi sắt, ngựa sắt, giáp sắt, rồi ăn không ngừng và vươn vai trở thành tráng sĩ, mặc giáp sắt, cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt ra trận dẹp giặc…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh minh họa phiên họp ngày 22/01/2018 : HH.
Nếu đem cuộc đời và sự nghiệp mang tính huyền thoại của Thánh Gióng so với một vài báo cáo về kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà một số đoàn kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng – chống tham nhũng thành lập, mới công bố trong tuần vừa qua, ắt sẽ thấy đã tới lúc, Thánh Gióng phải nhường bước cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam…
***
Theo hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, trong "Dự thảo Báo cáo Kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế", mà Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, công bố hồi cuối tuần vừa qua, cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Việt Nam (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế, Cơ quan An ninh điều tra) đã khởi tố, thụ lý 242 vụ tham nhũng, kinh tế. Qua đó thu hồi ít nhất 21.046 tỉ đồng, 3,9 triệu Mỹ kim, chưa kể số bất động sản là nhà, đất,… số động sản là tài khoản, sắt thép,… trị gía hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa đã bị tịch thu, tạm giữ, phong tỏa. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, kiêm Trưởng đoàn, hoan hỉ bảo rằng : Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đã đạt được những kết quả tích cực (1).
Trước đó vài ngày, một Đoàn Kiểm tra khác cũng do Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng thành lập, loan báo, kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2018, số tiền mà các tổ chức tín dụng làm thất thoát, bị chiếm đoạt lên tới 62.000 tỷ đồng, 18,52 triệu Mỹ kim và chỉ thu hồi được hơn 10.000 tỉ đồng, 10 triệu triệu Mỹ kim. Khác với Đoàn Kiểm tra số 1 do ông Tô Lâm làm Trưởng đoàn, ông Phan Đình Trạc, Trưởng đoàn kiểm tra tại Ngân hàng Nhà nước nhận định, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan tới tham nhũng, kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế, nhiều vụ kéo dài từ trước năm 2013 đến nay chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm (2).
Cho dù hai ông lãnh đạo hai Đoàn kiểm tra do Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng thành lập, có thái độ và nhận định khác hẳn nhau về việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án liên quan tới tham nhũng, kinh tế nhưng mâu thuẫn ấy (ông Tô Lâm rất lạc quan, ông Phan Đình Trạc thì không hài lòng) chưa phải là điều đáng chú ý nhất. Điểm đáng chú ý nhât nằm ở các con số liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan tới tham nhũng, kinh tế mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã thu hồi được.
Cách nay khoảng 18 tháng, tại kỳ họp cuối cùng của năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một thống kê, theo đó, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng và 400 héc ta đất nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.676 tỉ và 216 héc ta đất, hiệu quả chỉ xấp xỉ 10% (3). Một năm sau, hồi cuối tháng giêng vừa qua, tại phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, kiêm lãnh đạo Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, tuyên bố, chỉ trong năm 2018 đã thu hồi 33.000 tỉ bị thất thoát, tham nhũng, hiệu quả tương đương 30% (4).
So kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, tham nhũng trong mười năm mà Quốc hội Việt Nam loan báo hồi cuối năm 2017, với kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, tham nhũng trong một năm (2018) mà ông Trọng công bố hồi đầu 2019, có thể thấy hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, tham nhũng của năm 2018 gấp… bảy lần hiệu quả của mười năm trước đó ! Thánh Gióng cần tới ba năm để vươn vai trở thành tráng sĩ ra trận diệt giặc, còn Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ cần một năm là có thể xoay chuyển tình thế trong công cuộc chống tham nhũng một cách ngoạn mục như vậy ?
Chưa hết, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng có tới bảy đoàn kiểm tra (5), chỉ cộng kết quả thu hồi bị thất thoát, chiếm đoạt mà hai đoàn thống kê, con số sẽ là 31.000 tỉ đồng và 13 triệu Mỹ kim (khoảng 300 tỉ nữa). Số tài sản thu hồi được rõ ràng không phải là nhỏ, thiên hạ chỉ không biết những con số này được thống kê từ thời điểm nào : Từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2018 như Đoàn kiểm tra do ông Phạm Đình Trạc làm Trưởng đoàn tập hợp hay từ… hư vô (vì không xác định thời điểm khởi đầu) đến hiện nay do Đoàn Kiểm tra số 1 do ông Tô Lâm làm Trưởng đoàn tập hợp ?
Nếu "Dự thảo Báo cáo Kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế" của Đoàn Kiểm tra số 1 là hoàn toàn chính xác, do dự thảo không xác định thời gian, đành phải suy đoán đó là kết quả từ đầu năm đến nay. Chẳng lẽ chỉ từ đầu năm đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã khởi tố, thụ lý 242 vụ tham nhũng, kinh tế. Qua đó thu hồi ít nhất 21.046 tỉ đồng, 3,9 triệu Mỹ kim, chưa kể số bất động sản là nhà, đất,… số động sản là tài khoản, sắt thép,… trị gía hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa đã bị tịch thu, tạm giữ, phong tỏa ? Tài thế ? Án đâu ?
Chỉ cần liếc qua báo cáo của hai Đoàn Kiểm tra thuộc Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng là có thể thấy ngay, đoàn nào cũng kiểm tra các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, vậy thì kết quả mà hai đoàn này đã công bố và năm đoàn khác sẽ công bố có giẫm đạp nhau không ? Nếu có và chắc là có thì số liệu còn khả tín không ? Không và chắc là không thì có tổ chức kiểm tra hoạt động và kết quả của bảy… Đoàn Kiểm tra không ? Kiểm tra như thế thì kiểm tra làm gì và chi phí cho cả bảy đoàn suốt từ 2016 tới nay có lãng phí không ? Lãng phí là một trong những yếu tố cấu thành tệ nạn tham nhũng, có truy cứu trách nhiệm của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng không ?
***
Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam thành lập vào đầu năm 2013. Từ đó đến nay, có bao nhiêu "đại án" mà các bị can bị khởi tố rồi bị truy tố và bị kết án vì "tham ô", "nhận hối lộ", phải lãnh nhận mức án tương xứng với hình phạt mà Luật Hình sự đã đặt định cho hai tội này (bị phạt tù từ chung thân đến tử hình) ?
Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự vì "cố ý làm trái", "thiếu trách nhiệm", "lạm quyền khi thi hành công vụ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi",… thì làm sao tịch thu, sung công tài sản do phạm tội mà có ?
Lúc nào Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng mới tự cảm thấy hổ thẹn vì lần nào, sau khi tổng hợp ý kiến của cử tri trước các kỳ họp Quốc hội, báo cáo mà Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc gửi cho Quốc hội cũng ghi nhận, cử tri phàn nàn : Việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế. Tình trạng ‘nhũng nhiễu’ chưa được khắc phục (6) – để thôi khoe "công cuộc chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/05/2019
Chú thích :