Lý do chính khiến Thánh Gióng – cách mà giới bình dân tại Việt Nam gọi Phù Đổng Thiên Vương, một nhân vật trong huyền sử Việt Nam, đến giờ vẫn còn được rất nhiều người thờ phụng và cùng với ba nhân vật huyền sử khác (Tản Viên Sơn Thần, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công chúa) hợp thành Tứ Bất tử của tín ngưỡng dân gian - là vì được xem như từ Trời xuống trần làm người, suốt ba năm đầu đời không nói, không cười, mãi tới khi quốc gia lâm nguy mới mở miệng xin roi sắt, ngựa sắt, giáp sắt, rồi ăn không ngừng và vươn vai trở thành tráng sĩ, mặc giáp sắt, cầm roi sắt, cưỡi ngựa sắt ra trận dẹp giặc…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh minh họa phiên họp ngày 22/01/2018 : HH.
Nếu đem cuộc đời và sự nghiệp mang tính huyền thoại của Thánh Gióng so với một vài báo cáo về kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế mà một số đoàn kiểm tra do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng – chống tham nhũng thành lập, mới công bố trong tuần vừa qua, ắt sẽ thấy đã tới lúc, Thánh Gióng phải nhường bước cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam…
***
Theo hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, trong "Dự thảo Báo cáo Kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế", mà Đoàn Kiểm tra số 1 của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, công bố hồi cuối tuần vừa qua, cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an Việt Nam (Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng - kinh tế, Cơ quan An ninh điều tra) đã khởi tố, thụ lý 242 vụ tham nhũng, kinh tế. Qua đó thu hồi ít nhất 21.046 tỉ đồng, 3,9 triệu Mỹ kim, chưa kể số bất động sản là nhà, đất,… số động sản là tài khoản, sắt thép,… trị gía hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa đã bị tịch thu, tạm giữ, phong tỏa. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, kiêm Trưởng đoàn, hoan hỉ bảo rằng : Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đã đạt được những kết quả tích cực (1).
Trước đó vài ngày, một Đoàn Kiểm tra khác cũng do Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng thành lập, loan báo, kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho thấy, từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2018, số tiền mà các tổ chức tín dụng làm thất thoát, bị chiếm đoạt lên tới 62.000 tỷ đồng, 18,52 triệu Mỹ kim và chỉ thu hồi được hơn 10.000 tỉ đồng, 10 triệu triệu Mỹ kim. Khác với Đoàn Kiểm tra số 1 do ông Tô Lâm làm Trưởng đoàn, ông Phan Đình Trạc, Trưởng đoàn kiểm tra tại Ngân hàng Nhà nước nhận định, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan tới tham nhũng, kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế, nhiều vụ kéo dài từ trước năm 2013 đến nay chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm (2).
Cho dù hai ông lãnh đạo hai Đoàn kiểm tra do Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng thành lập, có thái độ và nhận định khác hẳn nhau về việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án liên quan tới tham nhũng, kinh tế nhưng mâu thuẫn ấy (ông Tô Lâm rất lạc quan, ông Phan Đình Trạc thì không hài lòng) chưa phải là điều đáng chú ý nhất. Điểm đáng chú ý nhât nằm ở các con số liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan tới tham nhũng, kinh tế mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã thu hồi được.
Cách nay khoảng 18 tháng, tại kỳ họp cuối cùng của năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một thống kê, theo đó, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ đồng và 400 héc ta đất nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.676 tỉ và 216 héc ta đất, hiệu quả chỉ xấp xỉ 10% (3). Một năm sau, hồi cuối tháng giêng vừa qua, tại phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, kiêm lãnh đạo Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng, tuyên bố, chỉ trong năm 2018 đã thu hồi 33.000 tỉ bị thất thoát, tham nhũng, hiệu quả tương đương 30% (4).
So kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, tham nhũng trong mười năm mà Quốc hội Việt Nam loan báo hồi cuối năm 2017, với kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, tham nhũng trong một năm (2018) mà ông Trọng công bố hồi đầu 2019, có thể thấy hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, tham nhũng của năm 2018 gấp… bảy lần hiệu quả của mười năm trước đó ! Thánh Gióng cần tới ba năm để vươn vai trở thành tráng sĩ ra trận diệt giặc, còn Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ cần một năm là có thể xoay chuyển tình thế trong công cuộc chống tham nhũng một cách ngoạn mục như vậy ?
Chưa hết, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng có tới bảy đoàn kiểm tra (5), chỉ cộng kết quả thu hồi bị thất thoát, chiếm đoạt mà hai đoàn thống kê, con số sẽ là 31.000 tỉ đồng và 13 triệu Mỹ kim (khoảng 300 tỉ nữa). Số tài sản thu hồi được rõ ràng không phải là nhỏ, thiên hạ chỉ không biết những con số này được thống kê từ thời điểm nào : Từ năm 2013 đến tháng 9 năm 2018 như Đoàn kiểm tra do ông Phạm Đình Trạc làm Trưởng đoàn tập hợp hay từ… hư vô (vì không xác định thời điểm khởi đầu) đến hiện nay do Đoàn Kiểm tra số 1 do ông Tô Lâm làm Trưởng đoàn tập hợp ?
Nếu "Dự thảo Báo cáo Kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế" của Đoàn Kiểm tra số 1 là hoàn toàn chính xác, do dự thảo không xác định thời gian, đành phải suy đoán đó là kết quả từ đầu năm đến nay. Chẳng lẽ chỉ từ đầu năm đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã khởi tố, thụ lý 242 vụ tham nhũng, kinh tế. Qua đó thu hồi ít nhất 21.046 tỉ đồng, 3,9 triệu Mỹ kim, chưa kể số bất động sản là nhà, đất,… số động sản là tài khoản, sắt thép,… trị gía hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa đã bị tịch thu, tạm giữ, phong tỏa ? Tài thế ? Án đâu ?
Chỉ cần liếc qua báo cáo của hai Đoàn Kiểm tra thuộc Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng là có thể thấy ngay, đoàn nào cũng kiểm tra các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, vậy thì kết quả mà hai đoàn này đã công bố và năm đoàn khác sẽ công bố có giẫm đạp nhau không ? Nếu có và chắc là có thì số liệu còn khả tín không ? Không và chắc là không thì có tổ chức kiểm tra hoạt động và kết quả của bảy… Đoàn Kiểm tra không ? Kiểm tra như thế thì kiểm tra làm gì và chi phí cho cả bảy đoàn suốt từ 2016 tới nay có lãng phí không ? Lãng phí là một trong những yếu tố cấu thành tệ nạn tham nhũng, có truy cứu trách nhiệm của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng không ?
***
Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng được Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam thành lập vào đầu năm 2013. Từ đó đến nay, có bao nhiêu "đại án" mà các bị can bị khởi tố rồi bị truy tố và bị kết án vì "tham ô", "nhận hối lộ", phải lãnh nhận mức án tương xứng với hình phạt mà Luật Hình sự đã đặt định cho hai tội này (bị phạt tù từ chung thân đến tử hình) ?
Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự vì "cố ý làm trái", "thiếu trách nhiệm", "lạm quyền khi thi hành công vụ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi",… thì làm sao tịch thu, sung công tài sản do phạm tội mà có ?
Lúc nào Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng mới tự cảm thấy hổ thẹn vì lần nào, sau khi tổng hợp ý kiến của cử tri trước các kỳ họp Quốc hội, báo cáo mà Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc gửi cho Quốc hội cũng ghi nhận, cử tri phàn nàn : Việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế. Tình trạng ‘nhũng nhiễu’ chưa được khắc phục (6) – để thôi khoe "công cuộc chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/05/2019
Chú thích :