Cuối cùng, ông Lê Hữu Vinh và vợ vẫn phải đến trụ sở công an xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa để "làm việc"làm việc vì liên quan đến "một số vấn đề về an ninh mạng, an ninh thông tin"...
Bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội, coi chừng bị công an xã, huyện mời lên làm việc - Ảnh minh họa
Ngày 15 tháng 9, sau khi đi họp về chuyện học hành của con tại trường Mầm non Thọ Thanh, bà Lê Thị Mai – vợ ông Vinh – kể trên facebook rằng, Ban Giám hiệu trường này đưa ý định mua TV hiệu Panasonic loại 43 inches cho học sinh ra "hỏi ý kiến phụ huynh". Vì giá TV là chín triệu/cái nên mỗi đứa trẻ phải đóng 220.000. Theo tính toán của trường thì dù phụ huynh phải đóng tới chừng đó nhưng vẫn chưa đủ tiền, thành ra Ban Giám hiệu sẽ bù số còn thiếu (khoảng 50%) – nghĩa là phụ huynh chỉ phải đóng một nửa, nửa còn lại Ban Giám hiệu sẽ "bù".
Cứ như những gì bà Mai đã kể thì chẳng phải bà mà những phụ huynh khác cũng không tán thành. Trong số này có một phụ huynh chuyên kinh doanh đồ điện tử. Ông tình nguyện thay trường đứng ra mua TV, cũng hiệu Panasonic, cũng loại 43 inches nhưng giá chỉ có sáu triệu/cái. Với giá này, nếu Ban Giam hiệu vẫn bù 50% thì phụ huynh của mỗi đứa trẻ chỉ phải đóng 120.000 đồng. Tuy có thể mua TV với giá rẻ hơn, cả phụ huynh lẫn trường cùng phải bỏ ra ít tiền hơn nhưng đáng ngạc nhiên là Hiệu trưởng không đồng ý. Bà bảo nếu phụ huynh đứng ra mua TV thì trường sẽ rút lại ý định bù 50%. Thậm chí cuối năm, trường sẽ không tặng quà cho những đứa trẻ tốt nghiệp mầm non… (1)
Dẫu không bình luận, không chỉ trích, chỉ hỏi bạn bè xem họ thấy chuyện có "hợp lý không" nhưng ba ngày sau (18 tháng 9), Trưởng Công an xã Thọ Thanh vẫn gửi Giấy mời, buộc cả bà Mai lẫn chồng đến "làm việc" vào ngày 19 tháng 9…
Chuyện vợ chồng bà Mai bị mời "làm việc" được hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam chia sẻ, bình luận. Ngay cả hệ thống truyền thông của chính quyền cũng thấy kỳ quái.
Tờ Người Lao Động cử phóng viên phỏng vấn một số viên chức hữu trách. Ông Lê Hữu Việt, Trưởng Công an xã Thọ Thanh – người ký giấy mời – khẳng định, việc "mời" vợ chồng bà Mai đến làm việc là theo chỉ đạo của công an huyện. An ninh nhân dân của Công an huyện Thường Xuân sẽ "làm việc" với vợ chồng bà Mai tại trụ sở công an xã Thọ Thanh, chứ công an xã không dính dáng gì đến buổi "làm việc" này.
Phóng viên tờ Người Lao Động cũng đã phỏng vấn ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thường Xuân, ông Tuấn bảo rằng những phụ huynh bị công an huyện mời "làm việc" vì đưa "thông tin không đúng sự thật" lên facebook, bởi sau khi phụ huynh có ý kiến, Ban Giám hiệu trường Mầm non Thọ Thanh "đã dừng không thu tiền nữa". Ông Tuấn nói thêm, nhằm trấn an công chúng rằng, công an huyện Thường Xuân chỉ muốn "chấn chỉnh một số bình luận không đúng thôi" (2).
Trên mạng xã hội, có rất nhiều "bình luận" của vô số facebooker ở rất nhiều những trang facebook khác nhau nêu ra những thắc mắc kiểu như : Chắc chắn Ban Giám hiệu trường Mầm non Thọ Thanh sẽ không móc tiền trong túi của họ ra "bù", thành ra khoản được gọi là "bù" ấy phải được lấy từ công quỹ. Ai sẽ hưởng khoản chênh lệch về giá giữa TV Ban Giám hiệu đứng ra mua với TV phụ huynh tình nguyện mua ?
Đặc biệt tai hại là chính các facebooker tố giác, Hiệu trưởng trường Mầm non Thọ Thanh là bà Hà Thị Tự, phu nhân của ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư huyện Thường Xuân. Vợ chồng bà Mai uống mật gấu, dám vuốt râu hùm !
***
Chỉ trong tháng này, ít nhất cũng đã có hai vụ phụ huynh của đám trẻ con đang học mẫu giáo và tiểu học bị lực lượng công an nhân dân mời "làm việc" vì dám kể chuyện, có ý kiến về lạm thu.
Hồi đầu tháng, tất cả những phụ huynh của học sinh trường Tiểu học Sơn Đồng, tọa lạc tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, dám bày ra trên facebook những khoản thu mà Ban Giám hiệu trường này bắt họ nộp (19 khoản, tổng cộng hơn tám triệu/học sinh), dám phân tích về sự phi lý của những khoản thu đó… đều đã phải đến trụ sở công an xã Sơn Đồng (3). Nếu sự kiện không làm công chúng phẫn nộ, dư luận dậy lên thành bão trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ không có chuyện lãnh đạo chính quyền huyện Hoài Đức hứa trong tháng này, sẽ buộc Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hoài Đức kiểm điểm và "xử lý nghiêm hiệu trưởng"(4).
Có một điểm đáng chú ý là tại sao chỉ kể sự thật (thể hiện dân biết), nêu thắc mắc, nhận định, đề nghị (thực hiện dân bàn), cung cấp thêm thông tin – góp thêm ý kiến để giải quyết vấn đề (thực hiện dân làm, dân kiểm tra) về những vấn đề thuần túy là dân sinh (lạm thu trong giáo dục, khiến phụ huynh khốn khổ, trong nhiều trường hợp là lý do biến nhiều đứa trẻ trở thành thất học) mà vẫn bị công an nhân dân mời "làm việc" ?
Nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam cho rằng, những tờ giấy mời, buộc phải "làm việc" ấy là biểu hiện của tình trạng công an nhân dân lạm quyền. Tuy nhiên nếu xét thật kỹ thì đây là nhận định thuộc loại "thấy cây mà không thấy rừng". Công an nhân dân các nơi, thuộc đủ mọi cấp không tùy tiện, lực lượng này đã được "quán triệt" kỹ lưỡng cả đường lối lẫn chủ trương và nội dung Luật An ninh mạng chính là bằng chứng về nỗ lực luật hóa đường lối, chủ trương ấy.
Vài tháng nữa, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực (01/01/2019), kể sự thật, nêu thắc mắc, nhận định, đề nghị, cung cấp thêm thông tin, góp thêm ý kiến về bất kỳ chuyện gì cũng có thể bị chế tài bằng tiền, bằng các biện pháp xử lý hành chính hay hình phạt tù.
Luật An ninh mạng hỗ trợ diễn giải để thông tin, ý kiến kiểu nào cũng có thể quy chiếu thành sự xâm hại lợi ích không phải lợi ích của nhà nước thì cũng là lợi ích của tập thể, cá nhân. Thông tin, ý kiến kiểu nào cũng có dấu hiệu liên quan đến "an ninh mạng, an ninh thông tin" (5), cần điều tra. Nội dung Luật An ninh mạng cho thấy, nó là công cụ hữu hiệu để công dân Việt Nam phải giả mù, giả điếc, giả câm, tự biến mình thành bại liệt trước các vấn nạn kinh tế - xã hội – văn hóa – giáo dục – y tế,… nếu muốn được yên thân.
Không phải tự nhiên mà Luật An ninh mạng của Việt Nam gây ra sự lo ngại trên toàn cầu, bị chính phủ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế chuyên theo dõi - bảo vệ các quyền căn bản của con người chỉ trích kịch liệt.
Tin mới nhất, 32 Nghị sĩ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) vừa gửi thư ngỏ cho Đại diện cao cấp đặc trách Chính sách đối ngoại - An ninh của EU và Ủy viên Thương mại của EU đòi EU phải "minh định các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng" trước khi trình Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) cho Nghị viện EU để cơ quan này xem xét, phê chuẩn. Nhóm nghị sĩ vừa kể liệt kê nhiều yêu cầu, trong đó xác định, Luật An ninh mạng là một trong những qui định pháp luật cần phải bãi bỏ và việc thực thi những yêu cầu mà họ liệt kê được xem như bằng chứng cho thấy Việt Nam thực tâm muốn cải thiện nhân quyền như đã từng cam kết với cộng đồng quốc tế (6).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/09/2018
Chú thích :
(5) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=682752658761931&set=pcb.682752848761912&type=3&theater
Thiên hạ đang sửng sốt khi chính quyền tỉnh Tiền Giang tuyên bố sẽ chi 1,2 tỉ và vận động dân chúng trong tỉnh góp thêm khoản tương đương để thực hiện dự án dùng lục bình chống sạt lở. Giới hữu trách tại Tiền Giang cho biết tỉnh này có 67 điểm sạt lở và mỗi năm, công quỹ phải chi hàng chục tỉ đồng để chống sạt lở. Giờ, nếu trồng lục bình làm "kè" – cắm cọc, giăng dây cách bờ sông, rạch chừng ba mét rồi thả lục bình vào đó, chi phí chỉ chừng 200.000 đồng/mét, rẻ mà "hiệu quả" thì "rõ rệt" (1).
Ảnh minh họa vớt lục bình trên sông - Ảnh minh họa (Đất Việt)
Tháng trước, cũng chính quyền tỉnh Tiền Giang loan báo sẽ mở một "chiến dịch diệt lục bình". Cũng theo giới hữu trách tại Tiền Giang thì tỉnh này có 1.200 cây số kênh, rạch bị lục bình bao phủ, tính ra có hơn 9 triệu mét vuông mặt nước bất khả dụng vì lục bình. Tuy là có máy vớt lục bình nhưng tỉnh này quyết định không dùng mà vận động dân chúng vớt – hủy lục bình theo kiểu thủ công, chi phí khoảng 1.000 đồng/mét vuông. Tổng chi phí cho "chiến dịch diệt lục bình" dự trù hơn… 8 tỉ (2).
Nhìn một cách tổng quát, tại Tiền Giang đang có hai dự án được thực hiện song song : Một trồng lục bình chống sạt lở và một… diệt lục bình. Tổng chi phí cho hai dự án này chừng… 10 tỉ ! Tuy hai dự án vừa kể có vẻ mâu thuẫn với nhau nhưng ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão của tỉnh Tiền Giang tỏ ra rất tự tin khi Tiền Giang triển khai cùng lúc cả hai, Ông Pháp giải thích : Dự án trồng lục bình làm "kè" được thực hiện tại những tuyến kênh lớn, dòng chảy mạnh, nhiều ghe, tàu lưu thông gây sạt lở. Còn dự án diệt lục bình thực hiện tại những công trình ngăn mặn, trữ ngọt khép kín, lục bình ứ lại theo dòng, gây cản trở lưu thông, ảnh hưởng sản xuất !
Trên thực tế, đúng là lục bình đang đe dọa hệ thống sông rạch không chỉ ở Tiền Giang mà còn gây ra nhiều vấn nạn nghiêm trọng cho sinh hoạt, giao thông đường thủy, môi sinh, môi trường của đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế đó đã được nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam dự đoán cách nay vài thập niên, trước khi các dự án thủy lợi, sống chung với lũ, ngăn mặn – ngọt hóa được triển khai. Lục bình ứ lại, sanh chuyện ở các công trình – con đẻ của những dự án vừa kể chỉ là một khía cạnh trong chuỗi hậu quả nhãn tiền. Tương tự, sạt lở kênh, rạch, bờ sông, bờ biển cũng là một vấn nạn trầm trọng chẳng riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, vấn nạn ấy phổ biến trên toàn Việt Nam. Thực tế này cũng đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài Việt Nam cảnh báo trước khi các dự án quy hoạch – phát triển đủ thứ được triển khai song song với việc khai thác cát tràn lan.
Chắc chắn là sau khi xài hết hơn 8 tỉ diệt lục bình, môi sinh, môi trường ở tỉnh Tiền Giang cũng chẳng khá hơn vì các dự án thủy lợi, sống chung với lũ, ngăn mặn – ngọt hóa vẫn còn đó và tất nhiên, vẫn tiếp tục phát huy tác hại. Giống như vậy, cứ cho là "kè lục bình" có "hiệu quả rõ rệt" như ông Pháp khẳng định, chính quyền tỉnh Tiền Giang có xài hết 1,2 tỉ, chính quyền các tỉnh khác xài hết vài chục tỉ, vài tăm tỉ thì sạt lở chắc chắn sẽ còn diễn ra dài dài, kè nào ngăn chặn được sự thay đổi dòng chảy, xoay chuyển quy luật lở - bồi khi vừa chống sạt lở, vừa cấp giấy phép, kể cả làm ngơ để khai thác cát tiếp tục diễn ra trên diện rộng (3), tới mức dân chúng không thể ngồi yên nhìn nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng thi nhau sụp xuống sông nên tự vũ trang (4), tự tuần tra (5) để chống bởi chính quyền khoanh tay, nhìn hướng khác ?
***
Trong khi các viên chức hữu trách ở Tiền Giang xem lục bình như lý do cần chi khoảng 10 tỉ tiền thuế thì dưới mắt giới rành rẽ chuyên môn, lục bình có thể "biến họa thành phúc", bởi lục bình vừa là nguồn phân bón tự nhiên không nguy hại cho môi sinh, môi trường, gia tăng khả năng kháng sâu bệnh, giúp phục hồi các vùng đất cằn cỗi do lạm dụng phân hóa học, vừa có thể chế biến thành thức ăn gia súc, nguyên liệu làm hàng thủ công, chưa kể lục bình còn có khả năng hấp thụ kim loại nặng và các chất hữu cơ gây ô nhiễm – một thứ công cụ xử lý ô nhiễm nước (6).
Tại sao không thể hoạch định, xác lập kế hoạch biến lục bình từ họa thành phúc ? Giống như trước nay, dẫu có thực tình, thực học, thực tài, giới rành rẽ chuyên môn vẫn chỉ có thể đứng ở bên ngoài, thỉnh thoảng "chõ miệng nói vào" rồi… thôi !
Câu chuyện Tiền Giang vừa diệt, vừa trồng lục bình trở thành đáng quan tâm không đơn thuần chỉ là cách dùng tiền thuế. Đó là một lớp trong bi kịch nhiều lớp về cách lựa chọn và dụng nhân.
Nếu đừng "qui hoạch nhân sự lãnh đạo" từ trung ương đến địa phương theo kiểu chỉ tuyển chọn – sắp đặt – giao quyền lực vào tay các cá nhân "trung thành với Đảng CSVN" thì thực trạng kinh tế - xã hội, môi sinh, môi trường sống không như hiện nay.
Trong vòng mười năm gần đây, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam mới đề cập đến "thu hút nhân tài". Tuy nhiên "thu hút" để làm gì khi không cần và không muốn dùng nhiệt huyết, kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, chuyên viên, không tôn trọng các phân tích và cũng chẳng thèm bận tâm tới các cảnh báo, khuyến cáo của giới có chuyên môn ? Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam thật sự tôn trọng – lắng nghe, xem đó là thực quyền của nhân tài, Việt Nam đâu có chìm sâu trong nợ, kinh tế đâu có suy thoái liên tục, môi sinh, môi trường tan hoang vì những "chủ trương lớn" kiểu như "khai thác bauxite ở Tây Nguyên". Câu chuyện Tiền Giang vừa diệt, vừa trồng lục bình cũng thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/09/2018
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tien-giang-chi-tien-ty-trong-luc-binh-ven-song-3809643.html
(2) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tien-giang-chi-hon/08/ty-dong-diet-luc-binh-bang-tay-3780695.html#ctr=related_news_click
(3) http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/moi-truong/tien-giang-cat-tac-ngang-nhien-hoat-dong-ca-ngay-lan-dem-41202
(4) http://langmoi.vn/quan-dung-nhin-ba-gia-cam-na-ra-tran/
(5) https://thanhnien.vn/thoi-su/gian-nan-cuoc-chien-chong-cat-tac-999503.html
Cuối cùng, cũng có nơi (Ủy ban nhân dân thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đề nghị Tòa án Tối cao kháng nghị, hủy hai bản án dân sự (một của Tòa án thị xã Đồng Xoài, một của Tòa án tỉnh Bình Phước), phân xử vụ tranh chấp đất giữa gia đình ông Võ Chánh và ông Lê Quang Dinh (1).
Bình Định : Tự thiêu phản đối cưỡng chế nhà.
Năm 1999, ông Chánh mua 48 mét vuông đất ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài để làm nhà. Năm 2004, ông Chánh mua thêm 99 mét vuông nữa cũng từ chủ đất cũ để mở rộng nhà. Năm 2009, chính quyền địa phương thu hồi 50/147 mét vuông đất của ông Chánh để thực hiện dự án thoát nước. Diện tích mảnh đất có căn nhà mà vợ chồng ông Chánh làm chủ còn 97 mét vuông.
Năm 2011, vợ chồng ông Lê Quang Dinh – mua mảnh đất cạnh nhà ông Chánh năm 2010, kiện vợ chồng ông Chánh ra Tòa án thị xã Đồng Xoài, đòi quyền sử dụng 40/97 mét vuông đất của ông Chánh. Vợ chồng ông Dinh trưng ra Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền địa phương cấp cho ông Huỳnh Thế Sang – chủ trước – chứng minh cho yêu cầu của họ.
Năm 2014, khi xử sơ thẩm vụ kiện này, Tòa án thị xã Đồng Xoài xác định, ông Chánh phải giao cho vợ chồng ông Sang 40 mét vuông đất mà vợ chồng ông Dinh đòi. Ông Chánh kháng cáo. Năm 2015, khi xử phúc thẩm vụ kiện này, Tòa án tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm. Án phúc thẩm là chung thẩm. Vợ chồng ông Chánh hết cửa để kêu oan…
Ngày 26 tháng 7 năm 2015, ông Chánh sang nhà ông Dinh nói chuyện phải trái. Thất bại, ông chém vợ chồng ông Dinh bị thương rồi dùng con dao ấy tự sát… Dù ông Chánh dùng máu và mạng của chính mình để rửa oan và kêu oan nhưng vô ích. Chi cục Thi hành án dân sự của thị xã Đồng Xoài vẫn tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Chánh để thực thi các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Vợ ông Chánh kháng cự. Bà tuyên bố sẽ tự sát như chồng để bảo vệ tài sản của gia đình, bảo vệ tương lai của con cái. Bất bình, dân chúng địa phương dọa sẽ làm giặc nếu hệ thống công quyền tiếp tục giả mù, giả điếc, thực thi hai bản án mà hệ thống tư pháp đã đổi trắng thành đen ngay giữa thanh thiên, bạch nhật…
Chuyện cứ thế nhùng nhà, nhùng nhằng trong hai năm, tới tháng 9 năm 2017, chính quyền thị xã Đồng Xoài mới tổ chức "thanh tra" về Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền địa phương đã cấp cho ông Huỳnh Thế Sang năm 2010 để ông bán cho vợ chồng ông Dinh và là cơ sở để ông Dinh kiện vợ chồng ông Chánh giao đất.
Kiểm tra đủ loại giấy tờ, kể cả tài liệu lưu trữ, gặp gỡ - thu thập lời khai của các nhân chứng, trong đó có cả chủ đất (người bán đất cho ông Chánh và ông Sang), trưng cầu giám định chữ ký, Thanh tra xác định, 97 mét vuông đất mà trước giờ gia đình ông Chánh vẫn sử dụng đúng là của họ. Toàn bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ông Huỳnh Thế Sang đã lập là ngụy tạo, trái thực tế, chẳng hiểu sao hệ thống công quyền không thẩm tra mà thừa nhận ngay lập tức. Không có tờ giấy đó, không có vụ vợ chồng ông Dinh (mua đất của ông Sang), kiện vợ chồng ông Chánh đòi đất. Nếu Tòa án thị xã Đồng Xoài, Tòa án tỉnh Bình Phước thực thi đúng chức trách (triệu tập nhân chứng, nghe nhân chứng, trưng cầu giám định, phân xử một cách công tâm,…) ông Chánh không bị dồn tới chỗ phải lấy máu và lấy mạng mình để rửa oan và kêu oan.
Đáng ngạc nhiên là Thanh tra chỉ đề nghị hủy các tờ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai, cuối tuần trước, tới lượt Ủy ban nhân dân thị xã Đồng Xoài gửi văn bản đề nghị Tòa án Tối cao dùng thủ tục tái thẩm (thủ tục xét lại các bản án đã có hiệu lực) để hủy những bản án sai. Không thấy bất kỳ viên chức, cơ quan hữu trách nào đề cập tới điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân (tối thiểu cũng hàng chục) của nhiều cơ quan, cấp, ngành đã đẩy ông Chánh tới chỗ phải tự sát, vợ con ông vào thảm cảnh !
***
Tuần trước, ngoài vụ vừa kể, còn có vụ Thanh tra tỉnh Đắk Nông công bố kết luận việc giao đất ở huyện Tuy Đức cho Công ty Long Sơn (2). Theo kết luận ấy, chính quyền tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 héc ta đất rừng từ 2008, hai năm sau (2010) Sở Tài nguyên và môi trường mới hợp thức hóa quyết định ấy bằng hợp đồng cho thuê đất và năm sau nữa thì Công ty Long Sơn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giống như nhiều vùng khác ở Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông là túi chứa di dân tự do – những cá nhân lìa bỏ nơi chôn nhau, cắt rốn, dắt díu nhau đi khai hoang, lập nghiệp ở những vùng đất mới với hi vọng có thể thoát khỏi khốn cùng. Ở Tây Nguyên, đất mới là những khu rừng nguyên sinh đã bị khai thác đến cạn kiệt rồi bỏ hoang… và di dân chính là những người "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để phục hóa.
Sau khi được thuê rồi được giao 1.079 héc ta "rừng", chủ Công ty Long Sơn đã bán cả công ty lẫn quyền khai thác hàng ngàn héc ta đất cho gia đình ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu. Kể từ đó, gia đình ông Sửu – chủ mới của Công ty Long Sơn bắt đầu tiến trình xua đuổi di dân tự do ra khỏi khu vực mà công ty toàn quyền… khai thác. Vườn, rẫy – cơ hội đổi đời của hàng trăm gia đình bị chặt phá, bị đốn hạ, nhà cửa bị giật sập. Sau vài thập niên dốc hết sức lực, vốn liếng vào việc khai hoang, định cư, hàng trăm gia đình đối diện với viễn cảnh vừa trắng tay, vừa vô gia cư… Họ bắt đầu tất tả ngược xuôi xin cứu xét.
Chỗ này, chỗ kia bắt đầu đặt vấn đề, khai phá – sử dụng công thổ để mưu tìm cơm no, áo ấm có thể là sai nhưng gạt bỏ thực tế khai thác - sử dụng công thổ cũng như tất cả những tình tiết có liên quan khác để cho phép Công ty Long Sơn phủi tay, không bồi thường, không hỗ trợ dường như không… ổn. Nếu cho thuê rừng nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tại sao không cho những gia đình di dân tự do thuê lại phần đất họ đã khai hoang mà lại dành quyền thuê cả thổ cư, vườn, rẫy của họ cho riêng Công ty Long Sơn ?..
Hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương không đếm xỉa tới điều đó. Do vậy, Công ty Long Sơn liên tục điều động các loại xe chuyên dụng và "công nhân" dỡ bỏ nhà cửa, hủy diệt những vườn tiêu, vườn điều, vườn cà phê,… trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đăk Nông đã giao. Trong quá trình "cưỡng chế - thu hồi đất", "công nhân" của Công ty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người dân ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chỉ vì họ "dám" bảo vệ nhà cửa, vườn tược vốn là của họ.
Suốt tám năm, toàn bộ hệ thống công quyền từ xã đến tỉnh ở Đắc Nông án binh bất động trước tất cả các đợt "cưỡng chế - thu hồi đất" mà Công ty Long Sơn thực hiện, bất kể dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có người bị "công nhân" của Công ty Long Sơn dùng rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, tuy may mắn không mất mạng nhưng sẽ sống với cái đầu bị móp ấy cho đến hết đời. Có phụ nữ bị trụy thai do "công nhân" của Công ty Long Sơn đạp vào bụng,…
Bất nhẫn, một số tờ báo bắt đầu lên tiếng. Đến năm 2015, chính quyền tỉnh Đắk Nông mới quyết định thu hồi 265/1.097 héc ta đã giao cho Công ty Long Sơn vì phần đất này vốn là nơi cư trú, vườn, rẫy của hàng trăm gia đình. Năm sau nữa (tháng 7 năm 2016), sau khi thị sát tại chỗ, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Viẹt Nam đã yêu cầu chính quyền tỉnh Đắk Nông ngăn chặn Công ty Long Sơn "cưỡng chế - thu hồi đất" để kiểm tra lại. Song, hệ thống công quyền không làm gì cả và Công ty Long Sơn vẫn tiếp tục tổ chức "cưỡng chế - thu hồi đất"...
Đó cũng là lý do dân chúng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức quyết định tự cứu họ bằng cách tự vũ trang với súng tự chế. Sau khi bị 30 "công nhân" Công ty Long Sơn hành hung vì ngăn cản Công ty Long Sơn dỡ nhà, phá vườn của mình trong đợt "cưỡng chế - thu hồi đất" mà công ty này tiến hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Đặng Văn Hiến đã chạy về nhà lấy súng tự chế, bắn chỉ thiên để cảnh cáo, bởi "công nhân" Công ty Long Sơn vừa lao đến, vừa ném đá… ông Hiến có thêm sự hỗ trợ của hàng xóm chĩa thẳng súng vào đám đông bóp cò…
Chỉ đến khi có ba người chết, 13 người bị thương, hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông mới chuyển động. Tuy nhiên những chuyển động ban đầu chỉ nhắm tới chuyện trừng phạt Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường vì "giết người", Đoàn Văn Diện vì "che giấu tội phạm"… Một tuần sau thảm án, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, chủ Công ty Long Sơn còn dọa sẽ kiện nhiều cơ quan truyền thông chính thức ra tòa vì thông tin sai sự thật, vừa chỉ dẫn báo chí "lên huyện, lên tỉnh" để tìm… "sự thật" !
Mũi dùi công lý chỉ chĩa vào Công ty Long Sơn khi công chúng sôi lên vì giận. Ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó Giám đốc Công ty Long Sơn) và ông Phạm Công Thiện (Trưởng Ban Quản lý nhân sự của Công ty Long Sơn) bị khởi tố vì "hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" và phải hầu tòa cùng với ông Hiến và ba người hàng xóm. Ở phiên xử sơ thẩm, ông Sửu bị phát sáu năm tù, ông Thiện bị phạt bốn năm tù. Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên tử hình ông Hiến, phạt ông Bình 20 năm tù, ông Trường 12 năm tù, ông Diện chín tháng tù.
Dư luận dậy lên thành bão. Đến khi xử phúc thẩm, Tòa án Tối cao giảm cho ông Bình hai năm tù, giảm cho ông Trường ba năm tù, chuyển hình phạt 9 tháng tù giam của ông Diện thành án treo. Ông Sửu, ông Thiện cũng được giảm mỗi người hai năm tù nhưng cương quyết giữ hình phạt tử hình dành cho ông Hiến.
Bây giờ, với kết luận vừa công bố, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chính thức thừa nhận, chuyện giao 1.097 héc ta đất rừng cho Công ty Long Sơn là sai pháp luật vì công ty này không đủ khả năng tài chính, không đủ cả nhân lực lẫn phương tiện, các giải pháp đầu tư mà công ty này trình bày khi xin nhận đất không khả thi. Trong 1.097 héc ta đất rừng được giao cho Công ty Long Sơn năm 2008, có 183 héc ta thật sự là rừng nhưng đã bị Công ty Long Sơn đốn sạch mà đến giờ hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp vẫn chưa làm gì.
Chuyện để Công ty Long Sơn tổ chức các đợt "cưỡng chế - thu hồi đất", không bồi thường cũng chính thức được xác định là sai. Thậm chí các đợt "cưỡng chế - thu hồi đất", trong đó đợt cuối cùng dẫn tới thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 còn khiến người ta kinh ngạc vì rõ ràng hệ thống công quyền đã làm ngơ để Công ty Long Sơn "cưỡng chế - thu hồi đất" trên phần đất mà chính quyền tỉnh Đắk Nông đã quyết định thu lại từ năm 2015, không cho Công ty Long Sơn thuê nữa nhằm "giải độc dư luận"…
Nếu không nổ súng, gây ra thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016, ông Hiến đã trắng tay (mất cả nhà lẫn vườn tược như một số nạn nhân trong các vụ "cưỡng chế - thu hồi đất" trước đó của Công ty Long Sơn). Giống như ông Chánh, ông Hiến không liều mạng thì những tiếng kêu oan của ông và hàng trăm gia đình ở xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông chẳng có ai nghe.
Một số luật sư và những người am tường luât pháp từng thắc mắc, với những tình tiết liên quan đến thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016 ở xã Quảng Đức vốn đã được bạch hóa từ lâu, tại sao hệ thống tư pháp (công an, Viện Kiểm sát, Tòa án) từ địa phương tới trung ương không cải sửa tội danh của ông Hiến từ "giết người" thành "giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh" (hình phạt tối đa là bảy năm tù) ?
Yếu tố chính để xác định một cá nhân "giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh" là tinh thần đương sự bị kích động mạnh vì "hành vi trái pháp luật". Xác định ông Hiến "giết người" – phạt tử hình một thường dân - đơn giản hơn điều tra, truy cứu trách nhiệm "hành vi trái pháp luật" của hàng loạt viên chức các cấp, với tình tiết tăng năng là hậu quả của thảm án ngày 23 tháng 10 năm 2016. Chưa kể tuyên bố tử hình ông Hiến còn có tác dụng răn đe. Ở Việt Nam, đâu chỉ có Công ty Long Sơn, cũng chẳng phải chỉ có chính quyền tỉnh Đắc Nông giao đất, giao rừng theo kiểu như vậy.
Khi công bố bản án phúc thẩm, các thẩm phán của Tòa án Tối cao từng nhắc đi, nhắc lại nhiều lần với ông Hiến rằng, ông nên xin Chủ tịch Nhà nước tha tội chết. Đó cũng là lý do rất khó có khả năng Tòa án Tối cao hoặc Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị tái thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà hệ thống tòa án đã tuyên với ông Hiến, xét xử lại vụ án theo hướng Đặng Văn Hiến và các đồng phạm không phạm tội "giết người" mà là "giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh", dù như thế mới thật sự là "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật". Để Chủ tịch Nhà nước tha tội chết cho Đặng Văn Hiến sẽ có lợi hơn trong việc "ổn định chính tri", chưa kể đó còn là cơ hội để lãnh đạo Đảng, Nhà nước quảng bá sự "khoan hồng, nhân đạo" !..
***
Đã hơn hai tháng tính từ ngày ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân của các cơ quan trung ương xin lỗi bà Lê Thị Hồng Phượng và hứa sẽ đề nghị Thủ tướng Việt Nam "giải quyết dứt điểm" chuyện oan ức của bà nhưng bà Phượng vẫn vô gia cư và vẫn tiếp tục kêu oan (3).
Bà Phượng là con dâu bà Đê. Bà Đê là vợ ông Tài – tham gia cách mạng rồi mất tích ở Cái Bè. Bà Đê là chủ lô đất 16.000 mét vuông ở đường Kinh Dương Vương, Bình Trị Đông (trước thuộc huyện Bình Chánh, nay thuộc quận Bình Tân), có "bằng khoán điền thổ" do Ty Điền địa Gia Định Việt Nam Cộng hòa cấp. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tuy là "gia đình có công với cách mạng" nhưng bà Đê không giữ được lô đất đó vì chính quyền huyện Bình Chánh "mượn", một phần giao cho Bến xe miền Tây, một phần cho khoảng 20 gia đình dựng nhà. Người sử dụng phần lớn diện tích (6.000/16.000 mét vuông) mà chính quyền huyện Bình Chánh "mượn" là ông Nguyễn Văn Nhờ - lãnh đạo Công an huyện Bình Chánh, sau đó chuyển sang phụ trách Xa cảng miền Tây.
Bà Đê trở thành vô gia cư từ tháng 4 năm 1975 và đi tới đi lui xin lại đất của mình. 15 năm sau (1990), gia đình bà Đê dành dụm đủ tiền, mua một căn nhà nhỏ dựng trên đất mà chính quyền huyện Bình Chánh "mượn" của họ. Tưởng là sẽ có chỗ chui ra chui vào để tiếp tục hành trình xin lại đất nhưng ông Nhờ điều động người đến giựt sập. Gia đình bà Đê lại ra đường, ăn nhờ ở đậu, làm mướn để tiếp tục sự nghiệp xin lại đất...
Bởi có khiếu nại của bà Đê về quyền sử dụng đất, những gia đình dựng nhà trên lô đất mà chính quyền huyện Bình Chánh "mượn" của bà không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, trừ… ông Nhờ và các con (đủ loại sĩ quan của ngành công an, cán bộ Đảng đủ cấp). Ngoài chuyện hợp thức hóa đất, nhà, đại gia đình này còn được bồi thường hàng chục tỉ đồng khi chính quyền địa phương mở rộng các con đường chạy ngang phần đất mà họ chiếm giữ. Trong hàng chục căn nhà mà đại gia đình ông Nhờ sở hữu, một số được dùng để ở, một số để cho thuê, thu hàng chục tỉ/năm.
Sau 28 năm khiếu nại xin lại đất, bà Đê chết như một người vô gia cư. Cũng tới lúc đó, khiếu nại của bà mới được chính phủ để ý, song vợ chồng con trai bà vẫn chưa thể nhận lại tài sản của họ. Từ 2003 đến nay là 15 năm, tính ra có năm lần hết Thủ tướng tới Phó Thủ tướng Việt Nam yêu cầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh xem xét – giải quyết khiếu nại của gia đình bà Đê, thậm chí năm 2017, chính phủ Việt Nam lập hẳn một đoàn thanh tra để xác định đúng - sai, rồi kết luận khiếu nại của bà Đê chính xác. Tuy vợ chồng bà Phượng đã nêu rất rõ, họ đồng ý tặng đất cho các gia đình đã xây nhà trên lô đất 16.000 mét vuông của bà Đê, kể cả tặng đất cho đại gia đình ông Nhờ. Họ chỉ yêu cầu hoàn trả phần đất mà Công ty Bến xe miền Tây đang dùng làm bãi đậu xe và phần đất mà đại gia đình ông Nhờ cho người khác thuê. Đối với khoản bồi thường khi mở đường mà đại gia đình ông Nhờ tùy tiện nhận, họ yêu cầu đại gia đình ông Nhờ chuyển vào quỹ hỗ trợ học sinh nghèo. Chỉ có thế mà vẫn chưa xong vì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không chịu làm gì cả (4). Tháng 4 vừa rồi, con trai bà Đê cũng đã chết như một người vô gia cư, chỉ còn bà Phương ! Dường như nước mắt không tạo ra đủ năng lượng để hệ thống công quyền chuyển động !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/09/2018
Chú thích
(1) http://tieudung.vn/doi-song/binh-phuoc :-tu-sat-vi-cho-rang-2-ban-an-cua-toa-bat-cong-28577.html
Chó và văn minh trở thành một cặp, trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội ở Việt Nam tuần này sau khi chính quyền thành phố Hà Nội chính thức kêu gọi dân chúng bỏ thói quen ăn thịt chó. Có hai lý do mà chính quyền thành phố Hà Nội nêu ra khi phát lời kêu gọi dân chúng ngừng ăn thịt chó : Hạn chế dịch bệnh và để hình ảnh Hà Nội không trở thành xấu xí trong mắt du khách.
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của một số người dân Châu Á - Ảnh : L.Q.Phổ (Thanh Niên)
Ngay sau khi lời kêu gọi ngừng ăn thịt chó được loan báo rộng rãi, ông Phạm Thanh Học, Phó Ban Tuyên giáo của Thành ủy Hà Nội đăng đàn thú nhận trên hệ thống truyền thông chính thức, ông cũng ăn thịt chó nhưng vì tính đúng đắn của tương quan giữa chó và văn minh, ông Học sẽ bỏ thói quen ăn uống này (1). Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội thì trịnh trọng thông báo, thành phố này sẽ cấm bán thịt cho vào năm 2021.
Chẳng riêng viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, một số cơ quan truyền thông và cá nhân cũng bày tỏ sự tán thành nhận thức mới : Bỏ thịt chó để chứng tỏ văn minh. Trên VTC News, một nhà văn tên là Văn Giá bỏ thời gian, công sức viết hẳn một bài phân tích "Chó có cấu trúc tâm thần gần giống người, ăn thịt chó tức là ăn thịt người" (2). Tuy nhiên khái quát thịt chó như thịt người không ổn, VTC News đã kéo bài xuống, sửa lại tựa, biên tập lại nội dung, theo đó, "ăn thịt chó rất gần với sự ăn uống hoang dã" thôi (3).
Bên cạnh đó có khá nhiều người không tán thành cuộc vận động ngừng ăn thịt chó. Ông Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nhận định, kêu gọi dân chứng ngừng ăn thịt chó là một hành động không khả thi. Với nhiều người Việt, thịt chó là nét độc đáo của văn hóa ẩm thực. Một số dân tộc không ăn thịt chó không phải là văn minh hơn người Việt mà đơn gian là do khác biệt về văn hóa. Theo ông Bình, nếu quan tâm đến tương tác giữa chó và văn minh thì chỉ khuyên các cơ sở kinh doanh không giết chó một cách tàn bạo và để người khác chứng kiến (4).
Trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử, không ít người nhìn chuyện ăn thịt chó như Giang Tong : Kêu gọi thì được nhưng cấm thì không vì ăn gì, uống gì là quyền của mỗi cá nhân. Giang nhấn mạnh, anh cũng thích chó, cũng nuôi chó nhưng vẫn ăn thịt chó vì quả thực… thịt chó quá ngon ! Kênh 14 phỏng vấn một thanh niên và ghi hình cuộc phỏng vấn đó rồi đưa lên Internet, thanh niên ấy khẳng định : Nếu Hà Nội cấm ăn thịt chó, tôi bỏ Hà Nội (5).
Cuộc tranh luận về thịt chó và văn minh là lý do nhiều người tìm – dẫn lại một bài viết của Huyền "Chip" (cô gái rất nổi tiếng trong giới trẻ Việt Nam vì từng một mình, khoác ba lô chu du nhiều nơi trên thế giới), Huyền từng nhấn mạnh : Nếu ai ăn thịt và lên án những người ăn thịt chó vì lý do đạo đức, tôi nghĩ đó là đạo đức giả ! Cô giải thích, vì nhiều lý do khác nhau, người ta tôn trọng những con vật khác nhau. Người theo đạo Hindu tôn trọng bò và không ăn thịt bò nhưng không lên án người phương Tây ăn thịt bò. Chẳng có lý do gì để người phương Tây lên án người Việt Nam ăn thịt chó cả. Mọi động vật bình đẳng với nhau trước bàn nhậu. Huyền cho biết, cô không ăn thịt chó vì không thích vị của nó nhưng không dựa vào việc ai đó có ăn thịt chó hay không để đánh giá họ. Huyền không thích việc giết chó, cũng không thích việc những con gà, con heo, thậm chí con cá, con tôm bị giết nhưng con người là động vật ăn tạp, đã ăn đủ loại thịt suốt 1,5 triệu năm qua và rất có thể sẽ tiếp tục ăn thịt chó đến tận khi nhân loại không còn… (6)
Cũng với suy nghĩ đó, Điệp Hoàng lưu ý, "bọn Tây lông" chê người Việt ăn thịt chó nhưng nhiều "thằng Tây lông" sang Việt Nam "ăn mắm tôm thịt chó như tẽm". Cũng vì vậy, cái gì mình thấy phù hợp thì làm, đừng vì mõm thằng hàng xóm nói mà… xoắn. Mình sống cuộc đời mình chứ có sống cho cuộc đời nó đâu. Nếu cứ vì "bọn Tây lông" chê, chẳng lẽ thôi không ăn hột vịt lộn, không gặm xương gà, không nướng kiểu "mọi" các món ăn dân dã nữa ? Điệp cho rằng, dù có như thế người Việt cũng không thành "Tây lông" được. Hãy cứ là người Việt đi. Ai yêu chó thì không ăn chó. Ai sợ vịt có thai thì đừng ăn trứng lộn. Ai thấy bẩn thì đừng ăn gà nướng đất sét hay cá lóc nướng trui... Vậy thôi ! Đừng xoắn (8).
Tham gia luận bàn về chủ đề chó và văn minh, Lê Anh Hoài bảo rằng, vận động không ăn thịt chó vì sợ bệnh dại không thuyết phục lắm bởi chó đã chết thì không… cắn. Sợ nước ngoài dị nghị cũng không thuyết phục bởi nước ngoài là nước nào ? Nam Hàn chắc chắn không dị nghị. Các nước Châu Á có lẽ sẽ bỏ phiếu trắng. Cuối cùng chỉ còn Tây. Song nếu cứ thế thì Tây nói gì… là học tập và làm theo cho họ vui lòng sao ? Hoài nhắc, chuyện ăn thịt chó thì dân mình tự chia thành hai phe… cắn nhau đã mấy năm rồi. Hoài than, bệnh dại, bệnh điên, bệnh cuồng quốc hồn quốc túy, cuồng Tây lan tràn với nhiều ca nặng lắm !... rồi đề nghị, nên thuyết phục người Hà Nội không ăn thịt chó chỉ vì một lý do thôi : Yêu thương chó bởi bây giờ, phận người có khác lắm với phận chó đâu. Thân phận đã gần nhau thì đừng ăn thịt nhau. Ngẫm cho kỹ, nhiều khi phận chó còn nhỉnh hơn phận người, ví dụ chó đâu có phải gánh nợ công ? Chó đâu có phải tiêu tiền mà lo nhân dân tệ khi đi lên biên giới ? Chó cũng không phải quan tâm đến đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa !... (9)
***
Có một yếu tố có thể đoan chắc, cho dù toàn bộ cư dân Hà Nội nói "không" với thịt chó, chắc chắn thiên hạ chưa khen Hà Nội văn minh. Văn minh nhân loại không nằm trong thịt chó. Hà cớ gì buộc thịt chó sánh duyên cùng văn minh ? Chẳng lẽ vận động không ăn thịt chó là đủ để báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Hà Nội thành một đô thị hiện đại, văn minh ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/09/2018
Chú thích
(1) https://vtc.vn/pho-ban-tuyen-giao-ha-noi-toi-cung-an-thit-cho-nhung-se-tu-bo-d426138.html
(2) https://www.facebook.com/groups/nhabaotre/permalink/1883970391693193/
(3) https://vtc.vn/thu-an-thit-cho-rat-gan-voi-su-an-uong-hoang-da-d426043.html
(5) https://www.facebook.com/hongmoingay/videos/1885951898168262/
(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2095867073777056&set=a.171363716227411&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2095867073777056&set=a.171363716227411&type=3&theater
(9) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10213174741986433&set=a.10204433408058548&type=3&theater
Ai cũng biết trẻ con là mầm non. Nuôi, dạy, chăm sóc những mầm non ấy như thế nào sẽ tác động trực tiếp tới tương lai của một quốc gia và vận mệnh của một dân tộc.
Chân dung Fidel Castro.
Ở Việt Nam, nuôi, dạy, chăm sóc mầm non luôn luôn có vấn đề. Tính chất, tầm vóc của những vấn đề liên quan tới mầm non luôn luôn nghiêm trọng và đủ lớn để trở thành vấn nạn. Những vấn nạn về nuôi, dạy, chăm sóc mầm non luôn luôn thuộc loại nan giải và mức độ nan giải tăng dần theo thời gian…
***
Cách nay vài ngày, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức thẩm tra Dự luật sửa Luật Giáo dục - lĩnh vực có đủ loại vấn nạn và trong mắt dân chúng đã trở thành thảm họa cho cả mầm non, gia đình, xã hội cả ở hiện tại lẫn tương lai. Dự luật sửa Luật Giáo dục được xem như một nỗ lực để giải quyết những vấn nạn trong giáo dục, khiến giáo dục trở thành thảm họa.
Một trong những điểm mới của Dự luật sửa Luật Giáo dục là ý tưởng miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, trung học cơ sở của hệ thống công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập (hình thức giáo dục dành cho những đứa trẻ không đủ điều kiện về tuổi tác, học lực, tài chính để đi học một cách bình thường như những đứa trẻ khác).
Cho dù luôn khẳng định Nhà nước Xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam "ưu việt" hơn thiên hạ nhưng trước giờ, tại Việt Nam, chỉ có trẻ con theo học bậc tiểu học được miễn học phí. Các bậc học trước đó, cũng như sau đó phải trả đúng, trả đủ học phí, chưa kể bậc học nào cũng phải trả thêm đủ loại… phụ phí và đó là lý do, nghèo đồng nghĩa với thất học bởi chi phí cho giáo dục vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Trong bối cảnh như thế, tất nhiên ý tưởng đã kể được nhiều giới, đặc biệt là người nghèo xem như một yếu tố tích cực.
Sáng 12 tháng 9, khi trình bày Dự luật sửa Luật Giáo dục trước Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, nhấn mạnh, chủ trương chỉ miễn học phí cho những đứa trẻ theo học bậc tiểu học "đang gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", thành ra cần mở rộng việc miễn học phí cho cả trẻ con theo học các bậc mầm non, bậc trung học cơ sở của hệ thống công lập, hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập tại những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Ông Nhạ nói thêm là theo tính toán của Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Giáo dục thì nếu chấp nhận chuyện miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, trung học cơ sở của hệ thống công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập, mỗi năm, sẽ phải chi 4.370 tỉ đồng. Tuy nhiên Bộ Giáo dục – Đào tạo không xin thêm tiền từ công quỹ mà sẽ tự cân đối trong khoản 20% ngân sách được chi cho giáo dục - đào tạo.
Để thuyết phục Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đồng tình với điểm mới – được xem là tích cực của Dự luật sửa Luật Giáo dục, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng , lưu ý, các quốc gia khác phổ cập giáo dục đến cấp nào thì miễn học phí cho cấp đó. Việt Nam đang phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở và chuẩn bị phổ cập cấp trung học phổ thông nhưng chỉ miễn học phí cấp tiểu học là không ổn. Ông Đam nhắc, miễn học phí, hỗ trợ học phí là chuyện đã bàn nhiều năm nhưng chưa làm. Lần này, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Tài chính đã tính toán kỹ và nhận thấy có thể làm được. Nếu Quốc hội gật đầu, hệ thống hành pháp sẽ tính toán lộ trình và sẽ không lấy của công khố quá mức 20% ngân sách dành cho giáo dục – đào tạo…
Đáng ngạc nhiên là Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam – bộ phận điều hành Quốc hội, nơi đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân lại không ưng với ý tưởng miễn học phí cho cả trẻ con theo học các bậc mầm non, bậc trung học cơ sở của hệ thống công lập, hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập tại những cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch của Quốc hội Việt Nam, thừa nhận, cần hỗ trợ chuyện học hành nhưng Quốc hội đã ban hành nghị quyết là trước mắt, không ban hành chính sách mới, nếu ban hành phải cân đối nguồn lực và chất vấn : Ban Soạn thảo Dự luật sửa Luật Giáo dục đã "quán triệt tinh thần nghị quyết của Quốc hội chưa ?" Trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về ngân sách như hiện nay, nếu thực hiện thì ngân sách có thể bảo đảm được không ?
Ông Hiển dẫn chuyện một số trường ở một số thành phố, nơi học phí bảy, tám triệu đồng/tháng nhưng một số phụ huynh vẫn tranh với nhau để giành chỗ cho con mình nhằm bác bỏ ý tưởng miễn học phí, hỗ trợ học phí vì Dự luật sửa Luật Giáo dục chưa chặt chẽ, chưa hợp lý, thậm chí "vi phạm nguyên tắc thị trường". Theo ông Hiển, phải "giới hạn việc miễn học phí đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn".
Theo tường thuật của tờ Thanh Niên thì bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch quốc hội cũng "quan tâm tới tác động của chính sách mới đối với ngân sách nhà nước". Cho dù Dự luật sửa Luật Giáo dục khẳng định không làm cho tổng chi ngân sách dành cho giáo dục – đào tạo vượt quá tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách nhà nước song bà Ngân vẫn băn khoăn trước chuyện "ban hành nhiều chính sách mới thực hiện thế nào" (1).
Ngoài ông Hiển, bà Ngân, những thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng không tán thành ý tưởng miễn học phí, hỗ trợ học phí nêu trong Dự luật sửa Luật Giáo dục. Ông Định bảo rằng, cho dù chính phủ cam kết sẽ không để việc áp dụng miễn học phí, hỗ trợ học phí khiến chi tiêu của ngành giáo dục – đào tạo vượt quá tỉ lệ 20% tổng chi ngân sách nhưng ông không tán thành vì điều đó "sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động khác của ngành" (2)…
Nhìn một cách tổng quát, đa số thành viên trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam không tán thành ý tưởng miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, trung học cơ sở của hệ thống công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập vì sợ thiếu tiền. Nỗi sợ ấy lớn đến mức họ không phân biệt được sự khác biệt giữa "phổ cập" và "tư thục", nỗi sợ ấy khiến họ quên luôn rằng, chẳng riêng vùng sâu, vùng xa, các thành phố cũng đang có rất nhiều người nghèo. Nếu phổ cập giáo dục tới bậc trung học cơ sở là chủ trương chung thì thậm chí, hỗ trợ học phí cho học sinh tư thục theo mức học phí hệ công lập cũng là bình thường vì học sinh tư thục cũng là công dân, cũng là mầm non, tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chẳng lẽ miễn học phí, hỗ trợ học phí như một thứ phúc lợi chung cho tất cả mầm non là "vi phạm nguyên tắc thị trường" ?
***
Ngày 12 tháng 9, trong khi Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam nghe và cho ý kiến về Dự luật sửa Luật Giáo dục tại Hà Nội thì ở Quảng Trị, Hội đồng nhân dân tỉnh này triệu tập "cuộc họp bất thường" để… thông qua "Nghị quyết" về việc đặt tên cho công viên sẽ khánh thành vào ngày 15 tháng 9 tại thành phố Đông Hà là "Công viên Fidel" (diện tích 16 héc ta, có tượng đài Fidel Castro, tổng vốn đầu tư là 115 tỉ đồng – trong đó, công khố chi 30 tỉ, Quảng Trị đem công thổ ra đấu giá, kiếm thêm 85 tỉ nữa để bù vào cho đủ) (3).
Có một điểm cần lưu ý là sau khi Fidel Castro qua đời (tháng 12 năm 2016), chính quyền Cuba đã loan báo rộng rãi di nguyện của ông ta (đừng dựng tượng đài cũng đừng lấy tên ông ta đặt cho bất kỳ công trình công cộng nào) và tuyên bố sẽ thực hiện đúng di nguyện ấy. Tuy nhiên tại Việt Nam, hết Quảng Bình rồi tới Quảng Trị thi nhau tạc tượng, lập Khu tưởng niệm, xây Công viên tưởng nhớ… Fidel chỉ vì trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm 1973 – khi cuộc chiến giữa hai miền Nam, Bắc Việt Nam chưa kết thúc, Fidel từng bí mật đến Quảng Bình và đảo qua Quảng Trị vào ngày 15 tháng 9 năm 1973 !
Trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, chi nhiều hơn thu phải liên tục vay mượn đủ nguồn cả trong lẫn ngoài, nợ nần càng lúc càng cao, những Khu tưởng niệm, Công viên tưởng nhớ Fidel,… trở thành lý do hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương bị dân chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt (4).
Đó cũng là lý do ngày 12 tháng 9 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị phải tổ chức "cuộc họp bất thường" để… thông qua "Nghị quyết" về "Công viên Fidel". Thông qua báo chí, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch tỉnh Quảng Trị phân bua, công trình xây dựng công viên khởi công từ 2015 để "phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân và hoàn thiện không gian đô thị", tỉnh này chỉ nghĩ tới "Công viên Fidel" khi Fidel qua đời và đã xin Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam dựng tượng ! Ông Chính nói thêm "Công viên Fidel" là… công viên đối ngoại của cả nước đối với Cuba chứ không riêng Quảng Trị !...
Nếu đặt thái độ, cách ứng xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đối với những cổng chào, tháp biểu tượng, tượng đài, công viên, quảng trường, đủ loại dự án quốc gia trị giá hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ, hàng chục ngàn tỉ, thậm chí hàng trăm ngàn tỉ… bên cạnh các chính sách về phúc lợi công cộng, ắt ai cũng thắc mắc, tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam luôn luôn dễ dãi tới mức khó hiểu đối với những kế hoạch đã biết chắc là không sinh lợi, chỉ tạo thêm nợ nần và ngược lại, xem xét chi li, bới tìm kỹ lưỡng, nêu ra hàng loạt băn khoăn cho ngân sách, công quỹ đối với những ý tưởng nhằm thực thi an sinh xã hội ?
Giữa những thứ kiểu như "Công viên Fidel" với những chính sách như miễn học phí cho trẻ con theo học các bậc mầm non, bậc trung học cơ sở của hệ thống công lập, hỗ trợ học phí cho trẻ con phải học phổ cập, thứ nào hữu ích cho quốc gia, dân tộc, đáng bận tâm và phải nỗ lực thực hiện cho bằng được hơn ? Tại sao tưởng nhớ - bày tỏ sự biết ơn Fidel có thể thôi thúc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam mạnh mẽ tới mức, mạnh dạn mang cả công thổ ra đấu giá để có tiền hoàn tất "Công viên Fidel", mà lại đắn đo, bàn ra tán vào chuyện tiếp sức cho trẻ con học hành ? Đó là đặc thù của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ư ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/09/2018
Chú thích
(3) https://news.zing.vn/quang-tri-co-cong-vien-hon-100-ty-mang-ten-lanh-tu-cuba-post876442.html
(4) https://www.voatiengviet.com/a/fidel-castro-tuong-dai-quang-binh/4532880.html
Sau khi nhóm lò, chọn vài cá nhân mà dân chúng ví von là "củi gộc" thảy vào lò, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được tung hô là "bậc nhân kiệt thế Thiên hành đạo", được gọi một cách trang trọng là "Ngài". "Ngài" sẽ khôi phục tin yêu để dân chúng gửi gắm hy vọng vào sự nghiệp chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng được tung hô là "bậc nhân kiệt thế Thiên hành đạo"
Tuy nhiên sau khi đi được vài bước trên con đường "chỉnh đốn Đảng", "Ngài" đột nhiên khựng lại, "ngự" ngay giữa đường, không chịu đi nữa !...
***
Một tuần sau khi dư luận dấy lên thắc mắc :
- Tại sao Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ khẳng định, có đủ cơ sở kết luận ông Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân) đã nhận của Nguyễn Văn Dương (Giám đốc Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) chiếc đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỉ đồng để giúp CNC tổ chức đánh bạc (1) mà không truy tố ông Vĩnh "nhận hối lộ" (hình phạt có thể đến tử hình) ?
- Tại sao chỉ có ông Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao - C50) bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bỏ qua trách nhiệm của giới lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam, cho dù cáo trạng ghi nhận ông Vĩnh, ông Hóa đã báo cáo thượng cấp về việc chọn – tạo điều kiện – sử dụng CNC như "bình phong", chấp nhận cho CNC tổ chức đánh bạc trên Internet nhằm xây dựng "hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng" ? Giới lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam không chấp nhận đề nghị ấy thì làm gì có chuyện CNC chia cho Bộ Công an Việt Nam 20% trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp này dù Bộ Công an Việt Nam không góp đồng nào và trên thực tế, CNC đã chia cho Bộ Công an Việt Nam một phần lợi nhuận (chuyển cho C50 khoản tiền 700 triệu đồng kèm… một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 Mỹ kim) (2). CNC còn là doanh nghiệp sắm vai "nhà tài trợ chính" cho các "chương trình giao lưu", "hoạt động từ thiện" của Tổng cục Cảnh sát, tổng giá trị tài trợ khoảng 1,1 tỉ đồng, chưa kể khi Tổng cục Cảnh sát tổ chức "tiếp khách", ông Dương luôn luôn góp rượu, tổng giá trị số rượu đã góp được ghi nhân là hơn… 10 tỉ đồng ?...
Tướng công an Phan Văn Vĩnh thời còn tại chức, 2016. (Reuters)
Vài tờ báo tại Việt Nam bắt đầu giải thích tại sao không thể truy tố ông Vĩnh, ông Hóa "nhận hối lộ" (3)…
Theo đó, dẫu ông Dương khai đã đưa cho ông Vĩnh 27 tỉ đồng và khoảng 1,7 triệu Mỹ kim, đưa cho ông Hóa 22 tỉ đồng nhưng vì ông Vĩnh chỉ thừa nhận, cá nhân ông chỉ nhận của ông Dương một… áo sơ mi, một… lọ thuốc bổ gan, còn ông Hóa thì khăng khăng chưa từng nhận bất kỳ thứ gì cho cá nhân mình và cơ quan An ninh Điều tra không tìm được chứng cứ chứng minh cả hai đã "nhận hối lộ" nên… đành để ông Vĩnh và ông Hóa nhận án tù có thời hạn (tối đa là mười năm, song rất khó để phạt tối đa vì cả hai có nhiều tình tiết… giảm nhẹ như : nhân thân tốt, phạm tội… lần đầu, nhiều thành tích, đóng góp nhiều cho… cách mạng, rồi ông Vĩnh và ông Hóa cùng là thương binh, ông Vĩnh còn là Anh hùng Lực lượng vũ trang…).
Có một điểm cần lưu ý, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam từng đưa nhiều tin, bài, hình ảnh giới thiệu những khối tài sản không lồ của ông Vĩnh (4), ông Hóa (5) và ai cũng biết, ông Vĩnh, ông Hóa không thể tạo lập những khối tài sản khổng lồ ấy từ thu nhập chính thức, hợp pháp. Tuy nhiên vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không cho phép điều tra – xử lý những trường hợp "giàu có bất thường", kể cả khi ai cũng hiểu "giàu có bất thường" là con đẻ của tham nhũng, nhận hối lộ nên chỉ có thể xem xét – xử phạt ông Vĩnh, ông Hóa "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
***
Hôm 10 tháng 9, sau khi Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam tổ chức thảo luận lần cuối về Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng, trước khi các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 đổ về Hà Nội tham dự kỳ họp thứ sáu (khai mạc vào tháng tới), bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch quốc hội, kết luận, chuyển dự luật này cho… Bộ Chính trị xem xét, quyết định về cách thức xử lý tài sản bất minh về nguồn gốc (6) !
Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng được khởi thảo từ 2015 nhưng đến nay, sau ba năm bàn bạc, tranh cãi, sửa tới, sửa lui nhiều lần vẫn chưa đâu vào đâu vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : Kê khai tài sản - Kiểm soát tài sản - Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Tuy giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục khẳng định phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ" nhưng khi Ban soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng đưa vào dự luật các giải pháp để xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối, giàu có bất thường, dự luật này liên tục rơi vào tình trạng mà dân chúng vẫn ví von là "không qua được vòng… gửi xe".
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam – một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng, nhấn mạnh sự thất vọng của Ban soạn thảo dự luật này : Sau khi đề nghị buộc những viên chức giàu có bất minh nộp thuế theo tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị tài sản không thể giải trình về nguồn gốc, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự - như một giải pháp nhưng bị phản đối, ban này mới đưa ra đề nghị khác – giao cho hệ thống tòa án xử lý tài sản mà những viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc – giờ, đề nghị ấy cũng bị "can gián" !
Bà Nga lưu ý, suốt ba năm qua, Ban soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng đã đưa ra sáu phương án để xử lý tài sản không thể giải trình về nguồn gốc của những viên chức giàu có bất minh, đến nay, bốn đã bị gạt bỏ, chỉ còn hai và cả hai đều không phải là giải pháp toàn diện, xử lý mỹ mãn "yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng".
Tội nghiệp bà Nga và tội nghiệp cả Ban soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng ! Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã minh định tham nhũng là "giặc". Bà Nga và Ban soạn thảo Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng phải lập kế hoạch diệt "giặc" nhưng trên đời này làm gì có ai đủ khả năng nghĩ ra giải pháp toàn diện, vừa tìm – diệt được giặc, vừa "bảo đảm không gây xáo trộn, không tác động tới ai" ? Nhân vật phi phàm ấy chắc chắn chưa chào đời !
Khi khuynh hướng phòng – chống tham nhũng phải "bảo đảm không gây xáo trộn, không tác động tới ai" là yêu cầu hàng đầu của "công cuộc chống nội xâm" thì những ông, bà như ông Vĩnh, ông Hóa vẫn có thể yên tâm "ăn no, ngủ kỹ". Ngay cả trong trường hợp chẳng may phải đối diện với công lý thì những người nhân danh công lý cũng đã bị cột tay, không muốn cũng chỉ có thể "giơ cao, đánh khẽ" bằng những bản án tù có thời hạn, còn nhân dân chỉ có thể dè bỉu về khối tài sản khổng lồ, không thể giải trình về nguồn gốc của các công bộc rồi… thôi.
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua "Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam", một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam từng đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường. Theo hướng này, nếu viên chức nào đó có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xem là phạm tội "làm giàu bất chính" để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự (7). Năm 2015 - khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm.
Nếu Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam gật đầu, Quốc hội Việt Nam "nhất trí" xem "làm giàu bất chính" là tội phạm cách nay ba năm, cho dù cơ quan An ninh Điều tra không tìm được chứng cứ chứng minh ông Vĩnh, ông Hóa đã "nhận hối lộ", cả hai ông vẫn có thể bị "cách ly vĩnh viễn với cuộc đời", tài sản bị sung công. Viễn cảnh ấy có thể đã ngăn hai ông phạm tội, đồng chí, đồng đội của các ông có thể đã chùn tay, không dám hành xử càn rỡ, táng tận lương tâm như người ta vẫn thấy.
Hồi đầu tháng này, tại buổi thẩm tra - góp ý cho báo cáo định kỳ của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an) Việt Nam do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam tổ chức, ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh ở Quốc hội Việt Nam, từng đề nghị hệ thống công quyền Việt Nam phải quan tâm và tích cực hơn đối với hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với châu Âu và Hoa Kỳ, bởi trong thực tế, nhiều viên chức tham nhũng đã tẩu tán tài sản, lập hậu cứ ở ngoại quốc trước khi bị lộ hay nghỉ hưu. Theo ông Nghĩa, muốn điều tra - xử lý tội phạm tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất, phải chú trọng hợp tác quốc tế, truy tìm, thu hồi tài sản - tài khoản của các viên chức tham nhũng ở ngoại quốc (8).
Đề nghị của ông Nghĩa cũng là mong muốn của nhiều người Việt.
Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đâu có thiển cận, họ đã nhìn thấy điều ấy từ lâu, chỉ có điều họ nhìn theo hướng khác. Đó là lý do năm 2003, Việt Nam ký Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC) nhưng bảy năm sau (2009) mới phê chuẩn UNCAC. Cho dù UNCAC là nền tảng của hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng thông qua việc đặt định hàng loạt qui ước, chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát, chưa kể đó còn là đại lộ, giúp Việt Nam gia tăng hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu, song lúc phê chuẩn, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã tuyên bố giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAT. Bởi cho rằng, hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, thực hiện thủ tục dẫn độ… chưa… phù hợp, Việt Nam chủ động đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT (9).
***
Càng ngày, người ta càng thấm thía những lời gan ruột của ông Trọng : Chống tham nhũng khó vì là chống chính mình. Phải đập chuột nhưng không thể để vỡ bình…
Bối cảnh chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam, cũng như nhân tâm đẩy Đảng cộng sản Việt Nam đến chỗ phải chứng tỏ quyết tâm "tự chỉnh đốn".
Ở vị trí Tổng bí thư, ông Trọng phải dựng lò, chọn củi nhóm lò… và phải bước vài bước trên con đường "chỉnh đốn Đảng". Ông không bước thì không thu thập được tin yêu, tín nhiệm của đồng bào vào sự "tài tình, sáng suốt" của đảng do ông lãnh đạo, không giữ được độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của tổ chức chính trị duy nhất tại Việt Nam. Còn nếu tiếp tục đi tới thì chắc chắn chẳng còn bao nhiêu đồng chí đồng hành. Nếu chẳng phải đa số đồng chí đều đã dính chàm, ông Trọng ắt sẽ không than, công bố tài sản của những viên chức trong diện buộc phải kê khai tài sản "rất khó, rất nhạy cảm" ! Đó cũng là lý do cách nay hàng chục năm, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã phải sử dụng các "động tác kỹ thuật" khi phê chuẩn UNCAC, khi thông qua Luật Hình sự và giờ liên tục nâng lên, đặt xuống Dự luật sửa luật phòng – chống tham nhũng.
"Lò" giúp ông Trọng trở thành "Ngài". Ngặt là bước tiếp, chỉ có đồng bào, không còn đồng chí, "Ngài" cũng hết vai trò nên "ngự" giữa đường là giải pháp tốt nhất. Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/09/2018
Chú thích
(2) https://www.voatiengviet.com/a/phan-van-vinh-cong-an-danh-bac/4560267.html
(5) https://laodong.vn/phap-luat/khoi-tai-san-khung-cua-gia-dinh-ong-nguyen-thanh-hoa-595312.ldo
(7) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Phiên xử phúc thẩm hai tài xế Ngô Văn Sơn và Lê Ngọc Hoàng bị cáo buộc "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" lại hoãn. Đây là lần hoãn thứ hai.
Hình minh họa.
Ngày 10 tháng 8, Tòa án tỉnh Thái Nguyên từng tuyên bố hoãn xử vào phút chót và đúng một tháng sau, ngày 10 tháng 9, phiên xử này đột nhiên được hoãn lần nữa và cũng vào phút chót.
Cách nay khoảng hai năm, chiều 19 tháng 11 năm 2016, ông Ngô Văn Sơn, 40 tuổi, ngụ tại tỉnh Bắc Ninh, điều khiển một chiếc xe loại bảy chỗ, chở mười người từ Yên Phong – Bắc Ninh đến Sông Công – Thái Nguyên dự đám cưới. Do vượt qua lối ra cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên ở đoạn chạy ngang Yên Bình - thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên), ông Sơn cho xe… lùi lại dù đang trên cao tốc !
Vào thời điểm đó, ông Lê Ngọc Hoàng, 33 tuổi, ngụ tại tỉnh Thái Bình, đang điều khiển xe container chạy phía sau xe ông Sơn và vì không dè ông Sơn lùi xe, ông Hoàng không kịp đạp thắng, đầu xe của ông Hoàng đâm vào đuôi xe của ông Sơn. Vụ va chạm làm bốn người khách trên xe của ông Sơn thiệt mạng, sáu người khác bị thương. Hệ thống tư pháp tỉnh Thái Nguyên khởi tố - truy tố ông Sơn rồi khởi tố - truy tố ông Hoàng cùng một tội...
Trong hai ngày 9 và 10 tháng 5 năm 2018, Tòa án thị xã Phổ Yên đã đưa ông Sơn và ông Hoàng ra xử sơ thẩm. Ông Sơn bị phạt 10 năm tù và giới cầm lái để kiếm sống ở Việt Nam vốn đã từng sửng sốt vì ông Hoàng bị khởi tố - tạm giam hồi tháng 2 năm 2017, choáng váng khi ông Hoàng bị phạt… tám năm tù, chưa kể còn có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường cho các nạn nhân gần 500 triệu đồng !
Tất nhiên là ông Hoàng kháng cáo và không chỉ có thế…
Thượng tuần tháng trước, giới cầm lái để kiếm sống tại Việt Nam hẹn nhau về Thái Nguyên để dự khán phiên xử phúc thẩm ông Hoàng (1). Hành động đó không đơn thuần là bày tỏ sự đồng cảm với một đồng nghiệp chẳng may vướng vào vòng lao lý. Nó còn là một cách bày tỏ thái độ đối với bản án mà ai cũng thấy là phi lý - không thể tưởng tượng nhưng có thật. Chẳng biết có phải vì thế mà Tòa hoãn xử hay không ?
Thượng tuần tháng này, khi có tin Tòa án tỉnh Thái Nguyên sẽ đưa ông Hoàng ra xử phúc thẩm trở lại, trên các diễn đàn của giới cầm lái để kiếm sống, người ta nhắc nhau phải chú ý tới vụ án này vì "hôm nay là Lê Ngọc Hoàng, ngày mai có thể là chính chúng ta bị phạt tù oan". Khi "đèn Trời" không soi cũng chẳng xét, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia các Hiệp hội Vận tải mà địa phương nào cũng có luôn luôn "ngậm tăm" thì giới cầm lái để kiếm sống phải có ý thức, phải hành động để tự bảo vệ mình. Giới cầm lái để kiếm sống tiếp tục hẹn nhau về Thái Nguyên dự khán phiên xử phúc thẩm ông Hoàng. Chẳng biết vì sao Tòa án tỉnh Thái Nguyên lại quyết định hoãn xử phúc thẩm vụ này thêm một lần nữa (2)…
***
Giờ, "trông người, ngẫm đến ta" dường như đã trở thành tâm thế phổ biến của nhiều giới trong xã hội Việt Nam. Trước khi giới cầm lái để kiếm sống nhận ra "hôm nay là Lê Ngọc Hoàng, ngày mai có thể là chính chúng ta bị phạt tù oan" và quyết định lên tiếng, bày tỏ thái độ, giới y, bác sĩ cũng đã từng hành xử tương tự trong trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương.
Ngày 29 tháng 5 năm 2017, 6/18 bệnh nhân bị suy thận, vẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lọc máu định kỳ, đột tử. Dư luận Việt Nam rúng động. Thảm kịch lên đến đỉnh khi có thêm 3/12 nạn nhân còn lại mất mạng... Cuối cùng thì nguyên nhân dẫn tới thảm kịch vừa kể cũng đã được xác định : Nhà thầu đảm trách công việc bảo trì hệ thống máy lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để sót hóa chất khi súc rửa hệ thống này.
Trước sự phẫn nộ của công chúng, hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình đã khởi tố, tống giam ba người : Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty Xử lý nước Trâm Anh, bị cáo buộc "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp", Trần Văn Sơn – nhân viên Phòng Vật tư - Trang thiết bị y tế của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và Hoàng Công Lương - Bác sĩ của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người trực tiếp theo dõi việc lọc máu cho 18 bệnh nhân bị suy thận, bị cáo buộc "vi phạm quy định khám chữa bệnh".
Có một điều mà hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình không dè là việc chụp - đẩy bác sĩ Lương ra "đầu sào" đã khiến đội ngũ nhân viên y tế ở Việt Nam nhận ra thân phận bọt bèo, liên tưởng đến tương lai bấp bênh của họ và phản ứng dữ dội. Thông qua hệ thống truyền thông chính thức và mạng xã hội, nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế chứng minh bác sĩ Lương không phạm sai lầm hay có thiếu sót về chuyên môn. Không thể buộc bác sĩ Lương chịu trách nhiệm về chất lượng – hoạt động bảo dưỡng thiết bị y tế.
Hội Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam bị đẩy vào thế phải lên tiếng : Xác định bác sĩ Lương không có trách nhiệm – không thể chịu trách nhiệm về nguồn nước, chất lượng nước. Vi phạm nếu có chỉ là thiếu sót về thủ tục hành chính không phải là nguyên nhân dẫn tới thảm họa làm nhiều người chết. Đồng thời đề nghị hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình cho bác sĩ Lương được tại ngoại...
Tháng 5 vừa qua, bác sĩ Lương ra tòa. Tội danh "vi phạm quy định khám chữa bệnh" đã được đổi thành "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phiên xử sơ thẩm do Tòa án tỉnh Hòa Bình tổ chức giống như một vở kịch, các luật sư trưng dẫn nhiều bằng chứng, nhiều nhân chứng phản cung, tất cả cho thấy, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình đã phối hợp rất nhịp nhàng trong việc ngụy tạo hồ sơ, mớm cung để tống bác sĩ Lương vào tù… Có một điểm thú vị là chẳng riêng đồng nghiệp mà thân nhân của các nạn nhân đã thiệt mạng cũng đề nghị Tòa án tuyên bố bác sĩ Lương vô tội. Họ mang biểu ngữ, ảnh bác sĩ Lương tới tòa để minh định với Hội đồng Xét xử rằng họ nhận thức thế đó. Báo giới bắt đầu bóc, tách từng lớp vỏ để cho thấy kẻ thực sự phải chịu trách nhiệm là ai…
Cực chẳng đã, Hội đồng Xét xử vụ án phải trả hồ sơ, yêu cầu công an, Viện Kiểm sát điều tra lại, làm rõ trách nhiệm của ông Trương Quý Dương – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Sơn, hai cá nhân tham gia ký các hợp đồng liên doanh - liên kết mua bán máy móc, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị vật tư y tế và có nhiều dấu hiệu cho thấy, tiền thu được từ việc liên doanh - liên kết, kể cả khai thác hệ thống máy lọc máu cho những bệnh nhân bị suy thận đã chảy đi đâu đó, chứ không vào bệnh viện, công khố.
Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nay đã có thêm ba bị can : Trương Quý Dương – cựu Giám đốc, Hoàng Đình Khiếu - cựu Phó giám đốc và Trần Văn Thắng - cựu Trưởng phòng Vật tư của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Cả ba cùng bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Bác sĩ Lương vẫn chưa thoát nạn, tuy không còn bị cáo buộc "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng hệ thống tư pháp tỉnh Hòa Bình cho rằng, bác sĩ này "vô ý làm chết người"…
Tới đây, phải nói một chút về Trương Quý Dương – nhân vật mà theo tường thuật của báo chí Việt Nam, dứt khoát phải có "quý nhân phò trợ"... Năm 2001, lúc đang là Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, ông Dương bị phát giác vi phạm hàng loạt qui định về quản lý kinh tế - tài chính, bị buộc phải bồi thường 48 triệu đồng. Sau khi Thanh tra đề nghị xử lý kỷ luật, ông Dương được đưa lên làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em và Kế hoạch hoá gia đình. Năm sau, cơ quan này bị thâm hụt 172 triệu. Nguyên nhân tiếp tục là vi phạm hàng loạt qui định về quản lý kinh tế - tài chính. Riêng 172 triệu bị xác định là chi tiêu sai mục đích, ông Dương ký duyệt 113 triệu... Chuyện lùm xùm kéo dài từ 2002 đến 2004 thì ông Dương được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình…
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Dương dùng lại "bổn cũ" : Không công khai tài chính, tự chọn nhà thầu, tự chỉ định các gói thầu mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, khiến vật tư, hóa chất hao tốn quá mức, những thiết bị y tế do ông Dương chỉ định mua thường có giá rất cao và hư hỏng ngay sau khi dùng. Thay vì lập hội đồng tuyển dụng, ông Dương tự tuyển thêm 15 người vào biên chế bệnh viện, tự ký hợp đồng lao động với 78 người khác. Có những trường hợp sau đó tự ý bỏ việc đi học vẫn được trả lương…
Sau biến cố 9/18 bệnh nhân bị suy thận chết do sai sót trong việc bảo trì hệ thống máy lọc máu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Dương bị kiểm điểm, bị cách chức, ông Dương lập tức xin nghỉ hưu rồi sang Canada thăm con gái. Thay vì kiểm tra việc ký kết, thực hiện hợp đồng liên doanh – liên kết giữa ông Dương và ông Tuấn mà nhiều người tin là nguyên nhân chính dẫn tới thảm nạn bởi các bên chỉ quan tâm tới tiền, hệ thống tư pháp chĩa mũi dùi công lý vào bác sĩ Lương…
Dẫu báo giới Việt Nam đã dấn thêm một bước, moi lại và bày ra tiến trình thăng tiến đầy bất thường của ông Dương, kể cả giới thiệu tư dinh của ông Dương – nhân vật tuy chỉ là lãnh đạo lãnh một cơ quan y tế cấp tỉnh nhưng mức độ lộng lẫy, xa hoa của tư dinh chẳng khác gì nơi ở của một ông hoàng song chẳng có gì bảo đảm công lý sẽ được thực thi theo đúng nghĩa của hai từ này bởi sau lưng ông vẫn còn một, thậm chí nhiều "quý nhân".
***
Trước nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn thường bảo rằng, những chỉ trích, hành động phản kháng của dân chúng là do bị "kích động". Trong hai vụ vừa kể, chắc chắn "thế lực thù địch" không thể khởi tố ông Hoàng, phạt ông tám năm tù. "Thế lực thù địch" cũng không thể bao che, tác động để nâng đỡ một người như ông Dương thăng tiến không ngừng và lập kế hoạch để biến bác sĩ Lương thành vật thế thân. Xét rộng hơn, cho dù rất muốn, "thế lực thù địch" cũng không thể cướp đoạt đất của dân Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), dân Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM),…
Sau dân chúng nhiều vùng như Mỹ Đức, Thủ Thiêm,… giờ tới thành viên nhiều giới như nhân viên y tế, tài xế,… đã "động". Ai "kích" để họ nhận ra cam chịu, câm nín chính là con đường dẫn tới tự diệt, vì với những đặc điểm như xã hội Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể mất sạch mọi thứ, ai cũng có thể bị bần cùng hóa, ai cũng có thể bị biến thành "tội phạm", bị "trừng trị đích đáng" để những kẻ thật sự là "đại gian, đại ác" rung đùi hưởng lạc ? Ai liên tục "kích", đẩy họ đến chỗ phải "động" - "kích" liên tục chính là cách tốt nhất giúp dân chúng nhận ra thân phận của họ chỉ là bọt bèo, tương lai của chính họ cũng như thân nhân chỉ toàn bất trắc ? Thế lực nào thật sự là thù địch với ấm no, hạnh phúc, dân chủ công bằng, văn minh ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/09/2018
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/groups/193493124331444/permalink/769416330072451/ ?__tn__=-R
Hôm 10 tháng 9, nhiều tờ báo, đài truyền hình ở Mỹ đồng loạt tường thuật về câu chuyện xảy ra ở thành phố Lakewood – thuộc quận Los Angeles, miền Nam California – vào đêm 27 tháng 8…
Hai viên cảnh sát quận Los Angeles Alissa Farrington và Tyler Milton ôm đứa bé Steven Hanna sau cuộc họp báo tại Lakewood, ngày 10/09/2018 - Ảnh Long Beach Post
Tối hôm ấy, trên đường tuần tra, Tyler Milton – làm việc cho Cảnh sát tư pháp của quận Los Angeles – phát giác một chiếc xe vừa chạy quá tốc độ qui định, vừa loạng quạng, khiến Milton nghi ngờ tài xế say rượu. Milton đã hụ còi, bật đèn chớp, buộc chiếc xe đó tấp vào lề đường để kiểm tra…
Trái với phỏng đoán của Milton, người đàn ông lái xe và người phụ nữ cùng đi với ông ta bước ra khỏi xe với những đôi mắt đẫm lệ… Nhìn vào trong xe, Milton phát giác một bé trai hai tuổi nằm bất động và đã ngừng thở… Milton dùng bộ đàm gọi hỗ trợ rồi bắt đầu làm hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ…
Nghe giọng Milton trên hệ thống liên lạc nội bộ, Alissa Farrington – một nữ đồng nghiệp của Milton – biết là có chuyện chẳng lành, cô phóng xe đến hiện trường và hiểu ngay vấn đề, cô giục Milton bế đứa trẻ vào xe của mình, hối bà mẹ đang hoảng loạn bước lên xe và phóng xe tới bệnh viện Long Beach…
Trên xe, trong khi Milton tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ, Farrington vừa lái xe, vừa gọi hỗ trợ… Toàn bộ lực lượng cảnh sát đang tuần tra và đang trực rùng rùng chuyển động, họ chặn tất cả các ngã tư, buộc xe đang di chuyển trên những con đường mà Farrington sắp qua dừng lại để Farrington có thể di chuyển với tốc độ cao nhất…
Xe Farrington vừa trờ tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Long Beach, vài cảnh sát túc trực sẵn ở đó lao tới mở cửa, một video clip mà ai đó ghi lại – giờ đã được phát trên hệ thống truyền hình, được đưa lên Internet - cho thấy Milton ôm đứa trẻ trên tay, phóng ra khỏi xe, chạy vào phòng cấp cứu, nhanh hơn cả mẹ đứa trẻ đến cả phút…
Steven Hanna – đứa trẻ hai tuổi ấy đã được cứu sống. Nỗ lực thực hiện hô hấp nhân tạo mà Milton thực hiện suốt từ lúc phát giác đứa trẻ ngưng thở cho tới khi bé được đưa tới bệnh viện đã giúp giữ lại tính mạng của bé…
Ngày 10 tháng 9, Yasser Hanna và Redaa Felamon – hai di dân gốc Trung Đông, cha mẹ của Steven đã bồng bé đến trụ sở Cảnh sát tư pháp của quận Los Angeles cám ơn tất cả những người đã cứu con trai họ, cũng là cứu chính họ khỏi thảm cảnh…
Ân nhân của Steven và cha mẹ bé không chỉ có Milton, Farrington. Không ai biết chính xác đã có bao nhiêu cảnh sát tham gia dọn dẹp giao thông, cùng với Farrington và Milton mở sinh lộ cho Steven trở lại với cuộc đời (1)…
***
Những câu chuyện như vừa kể không phải là cá biệt. Thỉnh thoảng, chúng vẫn xảy ra ở đâu đó tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Cảnh sát – lực lượng được dân nuôi bằng tiền thuế do họ đóng góp để bảo vệ trật tự, trị an, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của mọi người – ở nhiều nơi trên thế giới, đã, đang và sẽ còn hành xử như thế và chắc chắn là không thể khác thế.
Ở Việt Nam, dẫu cũng được dân nuôi nhưng công an nhân dân Việt Nam khác hẳn cảnh sát của thiên hạ. Không những không thèm bận tâm đến việc hỗ trợ nhằm duy trì, cứu lấy tính mạng của ai đó giống như Milton, Farrington, đôi khi, công an nhân dân Việt Nam còn chặn cả xe cấp cứu đang tham gia tiến trình cấp cứu để… phạt.
Tháng 10 năm ngoái, công chúng Việt Nam bừng bừng phẫn nộ khi video clip ghi lại sự kiện một nhóm cảnh sát của Phòng Cảnh sát Trật tự - Giao thông của Công an thành phố Hà Nội, khăng khăng lập biên bản, phạt cho bằng được tài xế xe cấp cứu của Bệnh viên Đông Đô vì đậu xe ở nơi có biển cấm dừng, dẫu cho tài xế, bác sĩ, y tá, thân nhân của bệnh nhân xúm vào giải thích, chuyện đậu xe ở nơi có biển cấm dừng ấy là chẳng đặng đừng vì bệnh nhân cần cấp cứu không thể tự di chuyển – được đưa lên Internet (2). Sự phẫn nộ chính đáng ấy không làm lực lượng công an nhân dân bối rối, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Trật tự - Giao thông của Công an Hà Nội trả lời tỉnh queo, thuộc cấp làm đúng luật, đúng quy định chỉ… thiếu tế nhị trong quá trình thực hiện (3) !
Ở Việt Nam, năm nào, chuyện xe cấp cứu tự vật lộn giữa biển xe, rừng người, bất kể trong xe, sinh mạng những người chẳng may rơi vào tình trạng nguy kịch, giống như chỉ mành treo chuông, cũng được gióng lên như vấn nạn nan giải mà từ hệ thống công quyền đến lực lượng công an nhân dân không thèm bận tâm về giải pháp.
Tháng 3 năm 2015, VTC News công bố một phóng sự, mô tả sự thờ ơ, vô tâm của đám đông – không những không nhường mà còn tranh đường với xe cứu thương đã làm nhiều người, kể cả trẻ con cần cấp cứu uổng mạng. VTC News công bố một thống kê do Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện vào thời điểm đó, cho biết, có khoảng 40% bệnh nhi cần cấp cứu chết trên đường chuyển viện vì xe cứu thương bị kẹt trên đường (4).
Những thống kê kiểu đó không làm hệ thống công quyền và lực lượng công an nhân dân cảm thấy day dứt về trách nhiệm và cần phải hành động. Từ đó đến nay, trên hệ thống truyền thông chính thức và trên mạng xã hội, những phóng sự, video clip tường thuật về chuyện dân chúng Việt Nam "tranh đường" (5), thậm chí cố tình cản trở xe cấp cứu như một cách tìm vui, hoặc tự khẳng định mình vẫn xuất hiện đều đặn (6). Có những trường hợp, bởi không được lực lượng cảnh sát nhân dân hỗ trợ, thân nhân người cần cấp cứu phải xuống xe, van nài các phương tiện giao thông phía trước xe cấp cứu nhường đường, bị kẹt giữa rừng xe, biển người, phải khiêng người cần cấp cứu qua dải phân cách, thuê xe khác đưa người thân đến bệnh viện để níu giữ cơ may sống sót (7).
Tại sao nhiều người Việt lại vô tâm, thậm chí nhẫn tâm đến như vậy ? Tại sao không ngăn chặn sự vô tâm, nhẫn tâm ấy bằng luật pháp giống như nhiều quốc gia khác ? So luật pháp Việt Nam với luật pháp nhiều quốc gia khác ắt sẽ thấy sẽ không khác nhiều lắm : Luật Hình sự Việt Nam cũng xác định, "không cứu giúp người khác khi họ đang trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng" sẽ bị truy cứu trách nghiệm hình sự. Luật Giao thông đường bộ cũng có qui định không nhường đường cho xe cấp cứu sẽ bị phạt. Tuy nhiên tính mạng của công dân đang trong tình trạng nguy kịch không phải là điều đáng bận tâm nên giống như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, mười năm sau khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực, tháng 11 năm 2017, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Đường sắt – Đường bộ của Công an Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận rằng chưa bao giờ xử phạt bất kỳ cá nhân nào về lỗi không nhường đường cho xe cứu thương (8).
Thảo luận với tờ Thanh Niên về chuyện nhường đường cho xe cứu thương, ông Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, từng cho rằng, người ta chỉ nhận thức đúng, hành động đúng khi được chỉ dẫn và giới hữu trách chú trọng đến các biện pháp buộc thực thi chỉ dẫn. Ông An dẫn trường hợp xe vận chuyển giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (có lực lượng công an nhân dân mở đường, phát loa nhắc nhường đường), nên không ai dám tranh đường như một ví dụ. Tại Việt Nam, xe cấp cứu công dân không được chỉ dẫn kèm những biện pháp buộc thực thi chỉ dẫn như vậy.
Không thèm đếm xỉa đến hoạt động của hệ thống xe cấp cứu cũng như chuyện cá nhân công dân cần được cứu chỉ là một trong nhiều khía cạnh cho thấy, trong mắt lực lượng công an nhân dân Việt Nam, dân – bao gồm cả tính mạng, tài sản của họ - chẳng có gì là quý. Cũng như thiên hạ, dân chúng Việt Nam phải đóng thuế nuôi lực lượng công an nhân dân nhưng lực lượng này lại phục vụ đối tượng khác - Đảng cộng sản Việt Nam và hoạt động của lực lượng này chỉ xoay quah một mục tiêu : Bảo vệ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam tại Việt Nam. Hệ quả khi lực lượng bảo vệ trật tự, trị an, nhân phẩm, tính mạng, tài sản công dân chỉ tụng niệm "còn Đảng, còn mình" đâu có trừu tượng. Nó nhãn tiền ! Vấn đề là có bao nhiêu người chú ý đến tác động của "Công an nhân dân – Còn Đảng, còn mình" đến trật tự, trị an của môi trường xã hội mà mình đang sống cũng như nhân phẩm, an toàn tính mạng, tài sản của chính mình !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/09/2048
Chú thích :
(2) https://www.youtube.com/watch?v=FKGzHd7UkK8
(4) https://vtc.vn/di-tim-cau-tra-loi-cho-cai-chet-vi-ket-xe-cuu-thuong-d196668.html
(5) http://soha.vn/tranh-duong-voi-xe-cap-cuu-benh-nan-y-20180224070639689.htm
(8) https://thanhnien.vn/thoi-su/vo-cam-truoc-xe-cap-cuu-904652.html
Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam lại đem Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành ra thảo luận.
Hình ảnh "biệt phủ" của Phạm Sỹ Quý, một quan chức Yên Bái.
Suốt từ 2015 đến nay, dự luật này đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn không xong vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : 1) Kê khai tài sản ; 2) Kiểm soát tài sản ; 3) Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Lần này, khi đem Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành ra bàn với các đại biểu chuyên trách (những cá nhân là đại biểu thuần túy, không đảm nhiệm thêm bất kỳ cương vị nào trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam giới thiệu ba điểm mới so với lần trước : 1) Buộc sĩ quan của lực lượng vũ trang (công an, quân đội) kê khai tài sản ; 2) Chia các viên chức thành nhiều nhóm để áp dụng cách thức kê khai, xác minh tài sản cho phù hợp ; 3) Giao việc giám sát – kiểm tra kê khai và biến động về tài sản của viên chức cho hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương (1).
Chưa biết tại kỳ họp thứ sáu sẽ diễn ra vào tháng tới, các đại biểu Quốc hội khóa 14 sẽ góp thêm những gì cho Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành nhưng nhìn một cách tổng quát thì tất cả những gì liên quan tới dự luật này giống như một… trò khỉ mà ngay cả… khỉ cũng chào thua.
***
Tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, hết lãnh đạo hệ thống chính trị tới hệ thống công quyền thề dốc toàn lực chống tham nhũng nhưng trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 14 (diễn ra từ hạ tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đã nhất trí gạt các giải pháp xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối ra khỏi Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành.
Nói cách khác, ý tưởng định giá phần tài sản mà viên chức nào đó không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc, rồi buộc nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính (truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và viên chức ấy không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) đã bị bóp chết ngay từ trong trứng (2).
Bàn bạc về đối tượng phải kê khai tài sản, cách thức kiểm soát tài sản làm gì khi chỉ có các cơ quan hữu trách mới được quyền biết tài sản của mỗi viên chức là bao nhiêu và chẳng bao giờ các cơ quan này thắc mắc – đối chiếu - điều tra xem vì sao thu nhập chính thức của các viên chức luôn luôn khiêm tốn, song giá trị thực của khối tài sản mà họ sở hữu và tự nguyện kê khai lại luôn luôn lớn bất thường ?
Cách nay hai tháng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, từng dõng dạc khuyến cáo những cử tri dám thắc mắc, tại sao tập thể Ban Thường vụ của Thành ủy Đà Nẵng bị kỷ luật mà ai cũng bình yên (?) rằng, phải có sự đánh giá công bằng với những "cán bộ tốt" trong Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng bởi họ kiên định, mạnh dạn đấu tranh với những sai phạm liên quan đến Vũ ‘Nhôm’ (3)…
Cần nhắc lại rằng, năm ngoái, dư luận từng dậy lên thành bão khi biết ông Thơ là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông Thơ còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý.
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông có khối gia sản kếch xù như vậy mà chỉ khăng khăng khẳng định ông bị "kẻ xấu" hãm hại - tung Bản Kê khai tài sản mà ông thực hiện hồi năm 2014 để thượng cấp xem xét, quyết định bổ nhiệm ông làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ra cho thiên hạ dè bỉu.
Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng – nơi tập trung những "cán bộ tốt" như ông Thơ - cũng có cùng mối quan tâm như ông Thơ, họ không bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ "bị lọt ra ngoài" (4). Đâu chỉ có Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tư duy – hành xử theo kiểu như vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng tư duy – hành xử hệt như thế, thành ra ông Thơ vẫn yên vị.
Nếu đã như thế thì chi tiền, bỏ công, dành thời gian cho Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành làm chi ? Buộc sĩ quan của lực lượng vũ trang kê khai tài sản và xem đó là "nỗ lực mới" cho phù hợp với các "diễn biến thời sự" sau những scandal Vũ "Nhôm", "Út Trọc", Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa,… thì tổ chức cho các viên chức kê khai tài sản sẽ tạo ra hiệu quả tích cực nào, nếu chỉ gom các Bản Kê khai tài sản lại rồi giữ theo kiểu bảo vệ bí mật quốc gia, tiết lộ chúng là vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng ?
Chuyện đơn giản nhất : Chỉ công bố Bản Kê khai tài sản mà các viên chức đã nộp – để dân biết, dân bàn, dân tham gia phòng - chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng, người dẫn đầu "công cuộc phòng chống tham nhũng" ở Việt Nam - cũng cho là "nhạy cảm", "rất khó" (5) thì gọi những tuyên bố kiểu như phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ" là bịp bợm, có thái quá không ?
"Nỗ lực mới" : Giao việc giám sát – kiểm tra tài sản viên chức cho hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương liệu có khác gì trước nay, hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong công cuộc phòng – chống tham nhũng. Lực lượng chủ đạo phòng – chống tham nhũng này sẽ góp thêm bao nhiêu Tổng Thanh tra như Trần Văn Truyền (6), Huỳnh Phong Tranh (7), Phó Tổng Thanh tra như Ngô Văn Khánh (Nhân vật mà năm 2011, lúc đang là Vụ trưởng Vụ II của Thanh tra Chính phủ, tự khai đang sở hữu hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh (thời điểm 2014, giá trị mỗi mét vuông từ mười đến 15 triệu đồng), ngoài ra còn sở hữu 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện, chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB – nhưng chẳng ai bận tâm tại sao ông Khánh giàu nứt khố, đổ vách như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục kê khai tài sản, ông Khánh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra) (8) ?
***
Từ trường hợp của những Huỳnh Đức Thơ, Ngô Văn Khánh,… rõ ràng, công bố tài sản của các viên chức thuộc diện phải kê khai "rất khó", bởi sau đó sẽ còn bao nhiêu viên chức đủ uy tín để tiếp tục dạy dỗ "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" về "đạo đức cách mạng", đủ tự tin để chỉ đạo công cuộc phòng – chống tham nhũng, dẫn dắt Việt Nam đi tới đích trên con đường xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ trường hợp của những Huỳnh Đức Thơ, Ngô Văn Khánh,… rõ ràng, công bố tài sản của các viên chức thuộc diện phải kê khai "rất nhạy cảm", bởi cứ nhìn vào cảm xúc – phản ứng của "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" khi Bản Kê khai tài sản của hai ông này bị "lộ" sẽ có thể mường tượng cảm xúc – phản ứng của đám đông thế nào khi có đủ bằng chứng, chứng minh, viên chức nào cũng là đại phú.
Dẫu chỉ là "đày tớ" nhưng ông Thơ, ông Khánh,… giàu có tới mức làm thiên hạ sửng sốt. Với giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì đó là điều tất nhiên, có bao nhiêu cá nhân trong giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không giàu như thế ? Sự đồng cảm, đồng điệu vì đồng cảnh đó đã giữ ông Thơ tại vị, tạo điều kiện cho ông Khánh "phục vụ" thêm bốn năm nữa cho đến khi nghỉ hưu (tháng 3 năm 2018). Khẳng định ông Thơ, ông Khánh,… giàu có như thế là… bình thường, không cần phải làm gì vì cả hai đã… "kê khai trung thực" thì có trung thực với "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" về phòng – chống tham nhũng không ?
Đã bất chấp các cam kết quốc tế (đặt định các hình thức chế tài nghiêm khắc với những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu làm giàu bất chính), từ chối thực thi những hành động vốn có tính phổ quát trên toàn cầu (công bố rộng rãi tờ khai tài sản, tình trạng tài chính của các viên chức cao cấp để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát) thì sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành có khác gì "quyết liệt" làm khỉ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/09/2018
Chú thích :
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Huỳnh_Phong_Tranh
Cuối cùng, cuộc họp do Ủy ban Tư pháp quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 4 tháng 9 để thẩm tra Báo cáo hoạt động của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an) Việt Nam cũng chẳng đến đâu.
Cựu tướng công an, Phan Văn Vĩnh, hình chụp năm 2016. (Reuters)
Dẫu thay mặt toàn dân giám sát – góp ý cho hoạt động của hệ thống tư pháp, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Chiến – Đại biểu của thành phố Hà Nội tại Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội,… chỉ có thể nêu ra những thắc mắc của toàn dân :
- Tại sao những Vũ "nhôm", "Út trọc" có thể lũng đoạn hệ thống công quyền trong một thời gian dài, ai cũng thấy, cũng biết nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nói chung và hệ thống tư pháp nói riêng đều giả mù, giả điếc, giả câm ?
- Những ai trong giới lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng Vũ "nhôm", "Út trọc" làm sĩ quan an ninh, sĩ quan quân đội ? Thăng hàm - bổ nhiệm vốn là một qui trình chặt chẽ, phải tuân thủ các qui định của luật pháp, những cá nhân nào đã sổ toẹt mọi thứ để Vũ "nhôm", "Út trọc" trở thành "Thượng tá" của lực lượng vũ trang nhân dân ?
- Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền kiểm tra, giám sát thế nào mà công an, quân đội có thể dùng an ninh, quốc phòng làm "bình phong", che chắn cho Vũ "nhôm", "Út trọc" trục lợi (1) ?
Trong nhiều thập niên, dân chúng Việt Nam chỉ nghe rỉ tai về "bình phong" như một loại "nghiệp vụ đặc biệt" mà công an, quân đội sử dụng để tạo ra các loại vỏ phục vụ việc thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho nỗ lực bảo vệ an ninh, quốc phòng. "Bình phong" chỉ bị xô sang một bên, phơi bày bản chất (vừa tạo điều kiện, vừa che chắn cho một số cá nhân, một số nhóm thâu tóm, chiếm đoạt công thự, công thổ, biến công sản thành tài sản cá nhân) khi Vũ "nhôm", "Út trọc" bị… lộ.
"Bình phong" tiếp tục làm người ta choáng váng khi Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ công bố cáo trạng vụ án "Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hóa ra Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao (C50) cũng đã sử dụng "bình phong" để tạo điều kiện cho Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) tổ chức đánh bạc. "Bình phong" là yếu tố để Bộ Công an Việt Nam nhận 20% trong cơ cấu vốn của CNC dù không góp đồng nào. "Bình phong" giúp Bộ Công an mở đường và đòi các cơ quan hữu trách khác như Bộ Thông tin – Truyền thông đứng ngoài để CNC tổ chức đánh bạc trên Internet nhằm xây dựng "hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng".
Chỉ cáo buộc ông Vĩnh, ông Hóa phạm tội mà bỏ qua vai trò và trách nhiệm của giới lãnh đạo Bộ Công an trong vụ án "Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là vô lý.
Cáo trạng ghi nhận, song song với việc thu được hàng ngàn tỉ đồng từ việc tổ chức đánh bạc trên Internet, CNC có chuyển cho C50… 700 triệu đồng và một bộ… phần mềm diệt virus. Cáo trạng cũng ghi nhận, cả ông Vĩnh và ông Hóa đã báo cáo về CNC như một "doanh nghiệp bình phong" trong hoạt động chống tội phạm công nghệ cao cho Bộ trưởng Công an. Liệu yếu tố "khi phát hiện CNC vận hành game đánh bạc trá hình, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo song ông Vĩnh… không chấp hành" (2) đủ để loại trừ toàn bộ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Công an và đủ để công an, quân đội tiếp tục bảo vệ "bình phong" như một thứ nghiệp vụ đặc biệt tới mức muốn gì được đó, không ai có quyền kiểm tra, giám sát ?
***
Ở cuộc họp do Ủy ban Tư pháp quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 4 tháng 9 để thẩm tra Báo cáo hoạt động của hệ thống tư pháp (Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an) Việt Nam, khi báo cáo về tham nhũng và chống tham nhũng, ông Lê Quý Vương – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, lớn tiếng cảnh báo rằng : Các đối tượng đang lợi dụng triệt để những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các "nhóm lợi ích", hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau", "công ty gia đình", dùng ảnh hưởng của mình để thầu cho các dự án, thâu tóm công thổ, cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng… Ông Vương còn nhấn mạnh : Tội phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng diễn biến phức tạp, trong đó một số lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tội phạm là ngân hàng, chứng khoán, quản lý đất đai, thuế, hải quan (3)…
Tuy nhiên ông Vương không nói gì đến "bình phong", tới nguy cơ công an, quân đội cũng là những lĩnh vực đáng ngại về khả năng xảy ra nhiều vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cho dù dư âm vụ Vũ "nhôm", vụ "Út trọc" chưa hết tiếng ngân và nhiệt độ vụ CNC chưa giảm.
Trong vụ CNC, tuy Viện Kiểm sát tỉnh Phú Thọ khẳng định có đủ bằng chứng chứng tỏ ông Vĩnh đã nhận của Nguyễn Văn Dương – Giám đốc CNC chiếc đồng hồ Rolex trị giá 1,1 tỉ đồng để giúp CNC tổ chức đánh bạc nhưng ông Vĩnh không bị truy tố tội "nhận hối lộ". Ông Vĩnh không bị quy kết "nhận hối lộ" thoát án tử hình nên Dương gặp may, tránh được án tử hình lơ lửng trên đầu vì "đưa hối lộ". Nếu Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Văn Vĩnh bị phạt tới mười năm tù vì "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì đó là "đúng người, đúng tội, đúng pháp luật" ?
Tương tự, có thể xem việc những ông tướng công an, quân đội liên quan tới Vũ "nhôm", "Út trọc" chỉ bị xử lý hành chính và bị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật là "nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ" ?
Chỉ mới có vài tấm "bình phong" che cho Vũ "nhôm", "Út trọc", Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam (Vụ CNC) bị xô sang một bên. Trông vào đó mà bảo "bình phong" đã hết thời là… lạc quan tếu ! Còn rất nhiều tấm "bình phong" khác đang che cho các ông tướng công an, quân đội không phải trả gía. Khi công an nhân dân còn tụng niệm "Còn Đảng, còn mình", quân đội còn khẳng định "bảo vệ Đảng" thì duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyết đối của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn là tấm "bình phong" lớn nhất, kiên cố nhất, đủ khả năng che chắn mọi thứ. Công lý nếu có lấp lánh cũng không phải là đồ thiệt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/09/2018
Chú thích