Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam lại đem Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành ra thảo luận.
Hình ảnh "biệt phủ" của Phạm Sỹ Quý, một quan chức Yên Bái.
Suốt từ 2015 đến nay, dự luật này đã được nâng lên đặt xuống nhiều lần nhưng vẫn không xong vì không dung hòa được những ý kiến khác biệt về ba điểm mấu chốt : 1) Kê khai tài sản ; 2) Kiểm soát tài sản ; 3) Xử lý tài sản có dấu hiệu thủ đắc bất minh.
Lần này, khi đem Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành ra bàn với các đại biểu chuyên trách (những cá nhân là đại biểu thuần túy, không đảm nhiệm thêm bất kỳ cương vị nào trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam giới thiệu ba điểm mới so với lần trước : 1) Buộc sĩ quan của lực lượng vũ trang (công an, quân đội) kê khai tài sản ; 2) Chia các viên chức thành nhiều nhóm để áp dụng cách thức kê khai, xác minh tài sản cho phù hợp ; 3) Giao việc giám sát – kiểm tra kê khai và biến động về tài sản của viên chức cho hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương (1).
Chưa biết tại kỳ họp thứ sáu sẽ diễn ra vào tháng tới, các đại biểu Quốc hội khóa 14 sẽ góp thêm những gì cho Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành nhưng nhìn một cách tổng quát thì tất cả những gì liên quan tới dự luật này giống như một… trò khỉ mà ngay cả… khỉ cũng chào thua.
***
Tuy xác định tham nhũng là quốc nạn, hết lãnh đạo hệ thống chính trị tới hệ thống công quyền thề dốc toàn lực chống tham nhũng nhưng trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 14 (diễn ra từ hạ tuần tháng 5 đến trung tuần tháng 6), Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam đã nhất trí gạt các giải pháp xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối ra khỏi Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành.
Nói cách khác, ý tưởng định giá phần tài sản mà viên chức nào đó không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc, rồi buộc nộp thuế theo một tỉ lệ nhất định tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính (truy cứu trách nhiệm hình sự những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và viên chức ấy không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) đã bị bóp chết ngay từ trong trứng (2).
Bàn bạc về đối tượng phải kê khai tài sản, cách thức kiểm soát tài sản làm gì khi chỉ có các cơ quan hữu trách mới được quyền biết tài sản của mỗi viên chức là bao nhiêu và chẳng bao giờ các cơ quan này thắc mắc – đối chiếu - điều tra xem vì sao thu nhập chính thức của các viên chức luôn luôn khiêm tốn, song giá trị thực của khối tài sản mà họ sở hữu và tự nguyện kê khai lại luôn luôn lớn bất thường ?
Cách nay hai tháng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch thành phố Đà Nẵng, từng dõng dạc khuyến cáo những cử tri dám thắc mắc, tại sao tập thể Ban Thường vụ của Thành ủy Đà Nẵng bị kỷ luật mà ai cũng bình yên (?) rằng, phải có sự đánh giá công bằng với những "cán bộ tốt" trong Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng bởi họ kiên định, mạnh dạn đấu tranh với những sai phạm liên quan đến Vũ ‘Nhôm’ (3)…
Cần nhắc lại rằng, năm ngoái, dư luận từng dậy lên thành bão khi biết ông Thơ là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông Thơ còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và sở hữu một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý.
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông có khối gia sản kếch xù như vậy mà chỉ khăng khăng khẳng định ông bị "kẻ xấu" hãm hại - tung Bản Kê khai tài sản mà ông thực hiện hồi năm 2014 để thượng cấp xem xét, quyết định bổ nhiệm ông làm Chủ tịch thành phố Đà Nẵng ra cho thiên hạ dè bỉu.
Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng – nơi tập trung những "cán bộ tốt" như ông Thơ - cũng có cùng mối quan tâm như ông Thơ, họ không bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ "bị lọt ra ngoài" (4). Đâu chỉ có Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tư duy – hành xử theo kiểu như vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng tư duy – hành xử hệt như thế, thành ra ông Thơ vẫn yên vị.
Nếu đã như thế thì chi tiền, bỏ công, dành thời gian cho Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành làm chi ? Buộc sĩ quan của lực lượng vũ trang kê khai tài sản và xem đó là "nỗ lực mới" cho phù hợp với các "diễn biến thời sự" sau những scandal Vũ "Nhôm", "Út Trọc", Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa,… thì tổ chức cho các viên chức kê khai tài sản sẽ tạo ra hiệu quả tích cực nào, nếu chỉ gom các Bản Kê khai tài sản lại rồi giữ theo kiểu bảo vệ bí mật quốc gia, tiết lộ chúng là vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng ?
Chuyện đơn giản nhất : Chỉ công bố Bản Kê khai tài sản mà các viên chức đã nộp – để dân biết, dân bàn, dân tham gia phòng - chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng, người dẫn đầu "công cuộc phòng chống tham nhũng" ở Việt Nam - cũng cho là "nhạy cảm", "rất khó" (5) thì gọi những tuyên bố kiểu như phòng – chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ" là bịp bợm, có thái quá không ?
"Nỗ lực mới" : Giao việc giám sát – kiểm tra tài sản viên chức cho hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương liệu có khác gì trước nay, hệ thống Thanh tra từ trung ương đến địa phương vẫn giữ vai trò chủ đạo trong công cuộc phòng – chống tham nhũng. Lực lượng chủ đạo phòng – chống tham nhũng này sẽ góp thêm bao nhiêu Tổng Thanh tra như Trần Văn Truyền (6), Huỳnh Phong Tranh (7), Phó Tổng Thanh tra như Ngô Văn Khánh (Nhân vật mà năm 2011, lúc đang là Vụ trưởng Vụ II của Thanh tra Chính phủ, tự khai đang sở hữu hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh (thời điểm 2014, giá trị mỗi mét vuông từ mười đến 15 triệu đồng), ngoài ra còn sở hữu 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện, chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB – nhưng chẳng ai bận tâm tại sao ông Khánh giàu nứt khố, đổ vách như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục kê khai tài sản, ông Khánh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thanh tra) (8) ?
***
Từ trường hợp của những Huỳnh Đức Thơ, Ngô Văn Khánh,… rõ ràng, công bố tài sản của các viên chức thuộc diện phải kê khai "rất khó", bởi sau đó sẽ còn bao nhiêu viên chức đủ uy tín để tiếp tục dạy dỗ "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" về "đạo đức cách mạng", đủ tự tin để chỉ đạo công cuộc phòng – chống tham nhũng, dẫn dắt Việt Nam đi tới đích trên con đường xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ trường hợp của những Huỳnh Đức Thơ, Ngô Văn Khánh,… rõ ràng, công bố tài sản của các viên chức thuộc diện phải kê khai "rất nhạy cảm", bởi cứ nhìn vào cảm xúc – phản ứng của "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" khi Bản Kê khai tài sản của hai ông này bị "lộ" sẽ có thể mường tượng cảm xúc – phản ứng của đám đông thế nào khi có đủ bằng chứng, chứng minh, viên chức nào cũng là đại phú.
Dẫu chỉ là "đày tớ" nhưng ông Thơ, ông Khánh,… giàu có tới mức làm thiên hạ sửng sốt. Với giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thì đó là điều tất nhiên, có bao nhiêu cá nhân trong giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không giàu như thế ? Sự đồng cảm, đồng điệu vì đồng cảnh đó đã giữ ông Thơ tại vị, tạo điều kiện cho ông Khánh "phục vụ" thêm bốn năm nữa cho đến khi nghỉ hưu (tháng 3 năm 2018). Khẳng định ông Thơ, ông Khánh,… giàu có như thế là… bình thường, không cần phải làm gì vì cả hai đã… "kê khai trung thực" thì có trung thực với "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" về phòng – chống tham nhũng không ?
Đã bất chấp các cam kết quốc tế (đặt định các hình thức chế tài nghiêm khắc với những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu làm giàu bất chính), từ chối thực thi những hành động vốn có tính phổ quát trên toàn cầu (công bố rộng rãi tờ khai tài sản, tình trạng tài chính của các viên chức cao cấp để ai cũng có thể kiểm tra, giám sát) thì sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng hiện hành có khác gì "quyết liệt" làm khỉ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/09/2018
Chú thích :
(6) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Văn_Truyền
(7) https://vi.wikipedia.org/wiki/Huỳnh_Phong_Tranh