Tuy Quốc hội Việt Nam chưa bỏ phiếu nhưng chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức trở thành Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tháng này.
Khu đất ở Thủ Thiêm dự kiến dành cho việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng.
Chưa rõ tỉ lệ đại biểu Quốc hội tham gia Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa 14, tán thành việc ông Trọng kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Nhà nước là bao nhiêu, song có thể mạnh dạn khẳng định, tỉ lệ đó sẽ rất cao, thậm chí có thể là 100% như Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 (1).
Về lý thuyết, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam không dính dáng gì tới Quốc hội Việt Nam, song trên thực tế, 176 Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới vận mệnh quốc gia, số phận của dân tộc.
Đó cũng là lý do phải tới 22 tháng này, các đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14 mới đổ về Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ sáu và ai là Chủ tịch Nhà nước sẽ do 485 cá nhân đại diện cho nguyện vọng, ý chí của 96 triệu người Việt quyết định nhưng tuần trước, sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 bế mạc, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao của Chính phủ Việt Nam đã long trọng tuyên bố, chuyện ông Trọng kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước là "nguyện vọng của cử tri và nhân dân" (2).
Hai từ "nguyện vọng" thật là… vĩ đại. "Nguyện vọng" cho phép lăng mạ Hiến pháp, lăng mạ Quốc hội và nghiêm trọng hơn, lăng mạ 96 triệu người Việt – vẫn được xem là có đầy đủ các quyền căn bản của con người. Dù muốn hay không, hoan hỉ hay bất bình thì cũng chẳng khác gì nhau.
Đó là chuyện của tuần trước…
***
Tuần này, thêm một lần nữa, hai từ "nguyện vọng" lại chứng minh sự vĩ đại của nó…
Tại phiên họp bất thường diễn ra vào sáng 8 tháng 10, toàn bộ đại biểu của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín (105 người) – đại diện cho ý chí, nguyện vọng của khoảng chín triệu dân ở thành phố này - đã bỏ phiếu tán thành việc chi 1.508 tỉ đồng để xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" tại Thủ Thiêm, quận 2 (3).
Theo Tờ trình mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh trình cho Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín, thành phố này hiện có ba Nhà hát nhưng cả ba (Nhà hát Lớn – 406 ghế, Nhà hát Hòa Bình – 2.500 ghế, Nhà hát Bến Thành – 1041 ghế) đều đã xây từ lâu, quy mô nhỏ, không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ, chưa kể còn xuống cấp trầm trọng. Cũng vì vậy, cần phải xây "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" với hai khán phòng : Lớn (1.200 ghế), Nhỏ (500 ghế), sảnh có thể dùng làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng. Cũng theo Tờ trình vừa kể, chi phí xây dựng "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch" là tiền bán đấu giá khu đất số 23 Lê Duẩn, quận 1 nên không ngại thiếu.
Lần này, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín họp bất thường không phải để bàn bạc – lựa chọn giải pháp hỗ trợ ngay lập tức hàng chục ngàn gia đình ở Thủ Thiêm sớm có cuộc sống ổn định sau hai thập niên sống vất vưởng không ra hồn người vì việc tổ chức – thực hiện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm, mới được xác định là sai.
Lần này, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín họp bất thường cũng không phải để bàn bạc – lựa chọn giải pháp sử dụng khoản tiền khổng lồ thu được từ việc bán đấu giá công thổ, công thự để thực hiện các công trình dân sinh (trường học, bệnh viện,…) vốn thiếu nhiều chỗ và xuống cấp trầm trọng hơn cả hệ thống nhà hát.
Lần này, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa chín họp bất thường chỉ nhằm khẳng định… ý chí, nguyện vọng của dân chúng Thành phố Hồ Chí Minh là phải có… "Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch". Về nguyên tắc, quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa hợp hiến, vừa hợp pháp. Quyết định ấy chỉ không bình thường ở chỗ các đại biểu được triệu tập để họp bát thường vì việc khởi công đã quá trễ so với… kế hoạch !
***
Cho đến giờ vẫn còn rất nhiều người Việt khẳng định họ không màng tới chính trị và thường xuyên diễu cợt hoạt động bầu cử ở Việt Nam rồi… thôi. Dẫu Đảng Cộng sản Việt Nam đã sắp đặt mọi chuyện để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của họ tại Việt Nam, cho dù bầu cử diễn ra như tấu hài nhưng vì thế mà làm ngơ thì sự vĩ đại của hai từ "nguyện vọng" còn… lâu. Không phải tự nhiên Đảng Cộng sản Việt Nam dụng nhiều công đến thế trong việc sắp mâm, bày bát. Bàng quan với tiếm danh cxhẳng khác gì hỗ trợ biến mạo danh thành chính danh.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/10/2018
Chú thích
(3) http://plo.vn/xa-hoi/tphcm-bam-nut-du-an-nha-hat-giao-huong-hon-1500-ti-796650.html
Tuy không phải là Chủ tịch Nhà nước như ông Trần Đại Quang nhưng vì ông Đỗ Mười từng là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nên "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" Việt Nam lại phải tiếp tục để tang một cá nhân được mặc định như "quốc phụ" nữa !
Ông Đỗ Mười, cựu Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam
Tuần trước, nhiều facebooker tại Việt Nam đã chuyền cho nhau bài viết của ông Hồ Anh Hải, đăng trên website Nghiên Cứu Quốc tế (1), kể chuyện thiên hạ tổ chức "quốc tang" cho những ai, như thế nào. So với thiên hạ, việc Việt Nam dùng luật để đặt định "quốc tang" rõ ràng là phi lý, lãng phí, chưa kể hết sức nguy hại cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong việc thu phục nhân tâm.
Giống như tuần trước, sự kiện thêm một "quốc phụ" lìa đời thuộc loại "nhiều triệu người vui, rất ít người buồn". Có facebooker như Lệ Cam Trần tâm sự : Con hỏi, sao "tin buồn" mà nhiều người thả mặt cười vậy mẹ ? Mẹ "đơ" luôn. Sáng giờ ai thả mặt cười thì giải thích cho bé đi (2) ! Cũng đã có những facebooker như Nguyễn Thiện cảnh báo, chuyện lại có thêm hai ngày "quốc tang" gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Nguyễn Thiện đề nghị giới làm luật nên đưa "quốc tang" vào nhóm "sự kiện bất khả kháng" để giải trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp khi không thể thực hiện hợp đồng đã ký (3).
Phiền toái của "quốc tang" nối tiếp "quốc tang", khiến sinh hoạt xã hội xáo trộn, công quỹ phải chi thêm những khoản không nhỏ chút nào là lý do để ông Phạm Hoài Nhân ngồi tính xem còn bao nhiêu "quốc tang". Theo đó thì tới giờ còn năm Chủ tịch Quốc hội, bốn Chủ tịch Nhà nước (chưa kể người sắp được bầu thay ông Quang), ba Tổng Bí thư, hai Thủ tướng chưa nghỉ thở, tựu chung là sẽ "còn tới… 14 cái quốc tang nữa". Tuy nhiên trong số vừa kể có một số người từng giữ chức vụ này (ví dụ như Chủ tịch Quốc hội) rồi sau đó giữ thêm chức vụ khác (ví dụ như Tổng Bí thư), nếu đảm nhiệm thêm chức vụ khác (ví dụ như Chủ tịch Nhà nước) và do các chức vị ấy cùng thuộc " diện" phải làm "quốc tang" nên ông Nhân báo hỉ, thay vì ba, sẽ chỉ cần làm một "quốc tang". Rõ ràng "ba trong một" đỡ mất thời gian và đỡ tốn tiền (4) !
***
Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không tổ chức "quốc tang" cho ông Trần Đại Quang, ông Quang đừng chuẩn bị lăng để táng mình thì tuần trước, chắc chẳng có bao nhiêu người bình phẩm về "thân thế - sự nghiệp" của ông. Tuần này cũng vậy, điểm khiến thiên hạ nhớ - kể - nhắc với hậu sinh một cách tường tận ông Đỗ Mười đã gieo họa cho quốc gia, dân tộc thế nào. Rất nhiều facebooker như Trần Hồng Tiệm nhấn mạnh đến những "Di sản của Đỗ Mười" mà người Việt sẽ không bao giờ quên. Đó là "Hội nghị Thành Đô" mà ông Nguyễn Cơ Thạch – Ngoại trưởng Việt Nam thời đó từng cảnh báo là "mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới" và "cải tạo công thương". Cho dù Đỗ Mười không phải là thủ phạm duy nhất nhưng Đỗ Mười không thể rũ bỏ được trách nhiệm (5). Tương tự, Nguyễn Đức Long nhận định, Đỗ Mười là một trong những người "khai sáng ra nghề đặt trạm" trên toàn Việt Nam vào thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Một thứ ác mộng mà dân gian đặt thành vè ""Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười". Long cho rằng, nên dùng danh tính của Đỗ Mười để đặt cho các trạm thu phí hiện nay (6).
Đỗ Mười thọ tới 101 tuổi nhưng những gì ông đã làm gieo họa cho nhiều thế hệ nên vẫn còn nhiều triệu nhân chứng là con, cháu, thân nhân, bè bạn của các nạn nhân lên tiếng thuật lại những gì họ đã trải qua hoặc chứng kiến trong các cuộc "cải tạo công thương". Lê Đại Anh Kiệt làm người ta ngậm ngùi cho "cu Dẹo" – bạn đồng môn. Cu Dẹo con ông Hài Hoành – chủ một trong hai tiệm sửa xe đạp ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tiệm ông Hai Hoành chỉ lấy tiền dân trong thị trấn nếu phải làm những việc khó từ vá xe trở lên, còn những chuyện lặt vặt như xiết lại ốc, chỉnh lại thắng,… thì chỉ làm giúp, miễn phí. Tiệm ông Hai Hoành cũng là chỗ để riêng hai ống bơm cho thiên hạ xài. Thay vì chạy nhảy, chơi đùa như nhiều bạn đồng lứa, sau giờ học, "cu Dẹo" chỉ biết giúp cha... Thế mà ông Hai Hoành bị quy là "tư sản", bị "đánh" trong "cải tạo công thương". Cả thị trấn sững sờ. May là các đợt "cải tạo công thương" ở miền Nam chỉ như "những cơn giông bạo phát, bạo tàn tràn qua rồi thôi, không chà đi, xát lại và lôi kéo cộng đồng dân cư vào những cuộc đấu tố, tàn sát lẫn nhau". Miền Nam sau 30 tháng 4 năm 1975 có rất nhiều gia đình tư sản bị "đánh" tan nát như gia đình "cu Dẹo" (7).
Cũng xu hướng đó, Nguyễn Chương Mt viết về "Dấu ấn của Bồ tát Đỗ Mười". Chương Mt nhấn mạnh, danh xưng "Bồ tát" không phải từ ông mà do Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, "hoan hỉ tôn vinh" Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), sau đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chương Mt bảo rằng, bởi Đỗ Mười được tôn vinh làm "Bồ tát" nên ông ráng tìm hiểu về dấu ấn của "Ngài" Đỗ Mười và mong bá tánh giúp kiến giải thêm. Sau ngày đất nước liền một dải, "Ngài" Đỗ Mười đặc trách "cải tạo công thương" tại miền Nam. Toàn miền Nam suy sụp, rơi vào cảnh đói kém. Đang sống yên bình ở đô thị, thoắt cái, hàng trăm ngàn gia đình dắt díu nhau vào chốn rừng thiêng nước độc làm "kinh tế mới". Sống nay, chết mai. Có đó rồi mất đó. Nhờ vậy mới thấm thía công đức của "Bồ tát" Đỗ Mười. "Ngài" đã tạo "thiện duyên" trong nghịch cảnh, khiến người ta thấu được lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời. Không nhờ "Bồ tát" Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ "vô thường" ? Chuyện "Ngài" Đỗ Mười xác định "cải tạo công thương" là "trận chiến", sẵn sàng dùng súng ống trấn áp bất kỳ ai chưa giác ngộ là vì thương chúng sinh còn mê đắm trong thủ chấp tài sản. Cũng vì vậy mà "Ngài" Bồ tát Đỗ Mười cổ võ cả con cái "đấu tranh" với cha mẹ, xem cha mẹ cất giấu tài sản ở đâu để báo cho chính quyền. Trong môi trường sống mà con người xem nhau như những đối tượng để "đấu tranh", chẳng còn ai dám giữ cái "tôi" trong suy nghĩ, dần dà mọi người như một, cùng giác ngộ sự an toàn cao nhất, còn gọi là "an lạc thân tâm", từ bỏ cái "tôi" trở thành VÔ NGÃ cho khỏi rắc rối. Không có "Bồ tát" Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ "vô ngã" ?
Theo Chương Mt, tuy "Bồ tát" Đỗ Mười đã vãng sanh nơi cõi Phật song những gì mà "Ngài" để lại đáng cho mọi người tụng niệm và đừng quên. Đó là : Đừng tưởng đã nắm trong tay là chắc ăn, có đó rồi sẽ mất đó, không thể dè trước... Đất nước đã bao giờ được như thế này đâu, đó là nhờ không chỉ có mỗi "Bồ tát" Đỗ Mười mà còn có nhiều "Bồ tát" nữa nhưng chưa lên bàn thờ (8).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2018
Chú thích
(1) http://nghiencuuquocte.org/2018/09/25/chuyen-quoc-tang-o-cac-nuoc/
(2) https://www.facebook.com/lecam.tran.3/posts/1128454463985547
(3) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10213092983219311
(4) https://www.facebook.com/phnhan/posts/10212902492181765
(5) https://www.facebook.com/donga01/posts/10215807737218395
(6) https://www.facebook.com/duclong247/posts/10215386658432410
(7) https://www.facebook.com/photo.php ?fbid=692676084437051&set=a.164309720607026&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/553922901708361
Đã và đang có những khác biệt trong cách định tính, định lượng giữa Việt Nam với thiên hạ và giữa giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam với dân chúng về "lớn" và "nhỏ"…
Khu đất 32,4 hecta Quốc Cường Gia Lai mua từ Cty Tân Thuận thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
***
Bộ Tài chính vừa công bố quyết định bổ nhiệm ông Dương Phú Đông làm Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội (1).
Ông Đông là một người từng… nổi như cồn. Năm 2016, lúc xảy ra scandal Công ty Euro Auto làm giả hóa đơn, chứng từ để trốn đủ loại thuế, phí khi nhập cảng 133 chiếc xe nhãn hiệu BMW vào Việt Nam, ông Đông – khi đó là Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan - từng bị đình chỉ công tác để kiểm điểm xem hải quan có thông đồng với Euro Auto, giúp công ty này trốn 6,5 tỉ đồng thuế nhập cảng hay không.
Sau nửa năm khởi tố vụ buôn lậu xảy ra tại Euro Auto, công an Việt Nam đã tống giam ba người là lãnh đạo, nhân viên của công ty này nhưng từ tháng 4 năm 2017 đến nay, vụ án vẫn còn nằm trong tay các cơ quan tiến hành tố tụng, chưa được xét xử (2).
Hai năm đủ để hóa bùn nhiều thứ, kể cả trách nhiệm của những viên chức hải quan có liên quan đến vụ buôn lậu và giờ, Bộ Tài chính quyết định giao cho ông Đông trọng trách mới.
Trong scandal vừa đề cập, ông Đông từng phân bua với báo giới : Ông giao cho thuộc cấp ký tất cả các loại giấy tờ khiến người ta nghi ngờ có sự thông đồng giữa hải quan với Euro Auto chứ không ký gì cả, chuyện bị đình chỉ công tác chỉ nhằm giúp người đứng đầu có điều kiện để kiểm điểm trách nhiệm của mình và xem xét – xử lý kỷ luật thuộc cấp mà thôi (3).
Cho dù truy cứu trách nhiệm người đứng đầu vẫn được xem là nguyên tắc xử lý các sai sót, vi phạm pháp luật nhưng điều đó luôn được xem là chuyện… "nhỏ", thành ra lưu dụng, thậm chí tái bổ nhiệm những người như ông Đông vào các vị trí cao hơn, quyền hạn lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn là bình thường. Quy hoạch – sắp đặt một số cá nhân vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mới là chuyện… "lớn", còn những cá nhân đó có đủ tư cách, đủ năng lực hay không là chuyện… "nhỏ".
Bởi có sự khác biệt trong quan niệm về chuyện… "nhỏ" - chuyện… "lớn", nên hiện trạng vài trăm ngàn thanh niên tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp cao học không tìm được việc làm trở thành chuyện… "nhỏ" cả trong mắt Bộ trưởng Giáo dục (4) lẫn lãnh đạo chính phủ (5). Do hàng triệu cá nhân có học vấn cao thất nghiệp hoặc không được làm những công việc mà họ từng dốc sức học hành bị xem là "nhỏ", thành ra sinh lực, mồ hôi, nước mắt, tài sản của hàng chục triệu gia đình đã dồn vào đường học vấn, giúp con em mình đi tới đích, trở thành vô nghĩa, cũng bị cho là "nhỏ".
Với thiên hạ, học vấn và nỗ lực vươn lên không ngưng nghỉ là chuyện… "lớn" vì nó giúp người ta thoát khỏi đói nghèo. Ở Việt Nam, chúng là chuyện… "nhỏ". Muốn hoán cải số phận phải được "quy hoạch". Được "quy hoạch" mới là chuyện… "lớn" vì nó vừa giúp đương sự có mọi thứ, kể cả học vị, học hàm, vừa giúp gia đình, gia tộc đương sự rỡ ràng, trong một số trường hợp, ở một số vị trí, được "quy hoạch" còn đồng nghĩa với tạo điều kiện cho cả gia đình, gia tộc "lưu danh thiên cổ" qua các nhà thờ tộc, nhà thờ tổ, lăng tẩm nguy nga.
***
Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa công bố một số quyết định liên quan đến bổ nhiệm, sắp đặt nhân sự của cơ quan này. Theo đó, bà Thái Thị Bích Liên, Thành ủy viên đang đảm nhiệm vai trò Chánh Văn phòng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh được điều chuyển làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng. Giống như ông Đông, bà Liên cũng từng… nổi như cồn.
Cách nay nửa năm, báo giới phát giác Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được "quyền sử dụng" 34,2 héc ta đất mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng. Sở dĩ Công ty Quốc Cường Gia Lai lời chừng… 2.000 tỉ đồng trong thương vụ vừa kể vì Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chịu bán… rẻ. Lý do Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận bán đất với giá rẻ như cho, vì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh – chủ quản của doanh nghiệp này - chỉ muốn như vậy.
Chuyện vỡ lở, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 héc ta ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (7). Dù chuyện mua – bán đã hoàn tất và thương vụ tạo ra khoản lời cỡ… 2.000 tỉ, tuy Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là đại diện cho một tổ chức chính trị (Đảng cộng sản Việt Nam) ở Sài Gòn, thành ra về nguyên tắc, không những không thể mà còn không được phép can dự vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, xâm hại quyền tự do kinh doanh nhưng đáng ngạc nhiên là Công ty Quốc Cường – Gia Lai đồng ý trả lại đất, nhận lại tiền mà không thắc mắc, khiếu nại gì cả !
Có thể nhờ vậy mà bà Thái Thị Bạch Liên – Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nơi thay mặt Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh truyền đạt các chỉ đạo, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bị… khiển trách (8). Vụ công quỹ suýt mất 2000 tỉ là chuyện… "nhỏ" vì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã hóa giải được hậu quả nghiêm trọng. Qua báo giới, bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - nhắn nhủ công chúng, đừng xem việc điều chuyển bà Liên từ vị trí Chánh Văn phòng sang làm Phó Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là một hình thức kỷ luật. Sở dĩ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh điều chuyển bà Liên vì Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng là Đảng bộ lớn, có nhiều Đảng viên là cán bộ chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh, thành ra cần kinh nghiệm và năng lực của bà Liên để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng (9). Đó mới là chuyện… "lớn" !
***
Đang có vài chuyện còn lớn hơn nữa ! Ví dụ sau Hội nghị Trung ương 8 của Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ ban hành… "Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên", theo đó, cán bộ, đảng viên sẽ luôn xem lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng, sẽ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẽ hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu (10)…
Nhìn một cách tổng quát, Hội nghị Trung ương 8 của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 đang diễn ra tại Hà Nội hứa hẹn nhiều chuyện… "lớn" lắm… Chẳng hạn, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chủ động từ chức nếu không đủ uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Đó rõ ràng là chuyện… "lớn". Còn dựa vào đâu để xác định là đủ uy tín, là hoàn thành nhiệm vụ sẽ là chuyện… "nhỏ".
Những viên chức thường thường như bà Liên, sau những vụ như chuyển nhượng đất cho Công ty Quốc Cường – Gia Lai, suýt làm công quỹ mất toi 2.000 tỉ đồng mà vẫn được xem là đủ uy tín, hoàn thành nhiệm vụ, được tín nhiệm để tiếp tục phụ trách việc "nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng" thì sẽ có những Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bị xem là thiếu uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ chính trị ?
Năm ngoái, từng có nhiều chuyện… "lớn" khác. Ví dụ Bộ Chính trị tuyên bố sẽ không có vùng cấm trong việc kiểm tra, giám sát tài sản. Sẽ kiểm tra, giám sát cả tài sản của các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư và hàng ngàn cán bộ, đảng viên do hai cơ quan này quản lý (11). Đó rõ ràng là chuyện… "lớn". Còn công bố các tờ khai tài sản cho "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thì là chuyện… "nhỏ" nên không cần làm và trên thực tế, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã chính thức khẳng định không làm vì "nhạy cảm" (12).
***
Dẫu cho những vấn đề dẫn tới bất đồng trong lượng định "lớn" – "nhỏ" giữa giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam với dân chúng càng ngày càng nhiều nhưng nhìn chung, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn rất giỏi trong việc tạo ra các chuyện… "lớn" để thiên hạ bàn luận, quên những chuyện… "nhỏ" dù cuộc sống, tương lai của họ gắn chặt với những chuyện… "nhỏ" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 05/10/2018
Chú thích
Cuối cùng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng chính thức xác định ông Đỗ Mười, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã chết vào ngày 1 tháng 10. Theo các qui định pháp luật hiện hành, Việt Nam sẽ có quốc tang và công khố sẽ chi một khoản đáng kể để lo quốc táng ông Đỗ Mười và làm lăng cho ông…
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cũng chính thức xác định ông Đỗ Mười, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã chết vào ngày 1 tháng 10.
Khoan bàn đến chuyện công – tội, chuyện dựng lăng cho ông Đỗ Mười - giờ đã trở thành phong trào, đặt cái chết của ông Đỗ Mười – một người có công với cách mạng bên cạnh những cái chết khác cũng có công với cách mạng sẽ thấy nhiều điều đáng ngẫm nghĩ. Tuy những cái chết đều có liên quan tới cách mạng nhưng cách hành xử của cách mạng rất khác nhau…
***
Hôm 1 tháng 10 – cùng ngày với ngày hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam loan báo ông Đỗ Mười qua đời, báo giới Việt Nam cho biết, các viên chức ngoại giao của Việt Nam tại Ukraine đã tìm - gặp cô Anna Poyarkova, thông báo với cô rằng, Việt Nam đã tìm được hài cốt ông nội của cô : Đại úy Yuri Nikolaevich Poyarkov – một sĩ quan không quân của quân đội Liên Xô (1).
Đại úy Yuri Poyarkovphi và phi công Công Phương Thảo. Photo VTC News.
Ông Poyarkov được biệt phái sang Việt Nam để hỗ trợ Quân đội Nhân dân Việt Nam "chống Mỹ, cứu nước" hồi đầu thập niên 1970. Giữa năm 1971, thân nhân của ông chỉ được loan báo, ông "mất tích trong một tai nạn máy bay" và chỉ thế mà thôi.
Vào thời điểm đó, gia đình ông Poyarko đành ngậm đắng nuốt cay, vì cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Liên Xô cùng muốn "bảo mật" tai nạn liên quan tới ông Poyarkov. Chuyện quân đội Liên Xô, cũng như quân đội Trung Quốc hiện diện tại miền Bắc Việt Nam, giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rảnh tay trong việc bảo vệ hậu phương, dốc toàn lực "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" được xếp vào loại thông tin "tuyệt mật", bởi chúng có thể ảnh hưởng tới… "chính nghĩa" của sự nghiệp "chống xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai".
Dù vợ, con ông Poyarkov cam chịu chuyện mất chồng, mất cha một cách thiếu minh bạch, thiếu tình người và đã câm nín gần nửa thế kỷ nhưng cô Anna Poyarkova - cháu nội ông Poyarkov thì không.
Tháng 9 năm 2017, thông qua mạng xã hội, cô Poyarkova nhờ người Việt hỗ trợ thông tin về tai nạn làm ông nội của cô "mất tích". Lời kêu gọi của cô Poyarkov làm một số người Việt đã từng học, làm việc tại Liên Xô cũ cảm thấy xấu hổ. Tự họ thu thập thông tin, xác định khu vực có thể là hiện trường vụ tai nạn (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), tự tổ chức tìm kiếm. Hóa ra ông Poyakov là phi công, tham gia huấn luyện phi công của Không quân Nhân dân Việt Nam sử dụng Mig-21U. Không chỉ có ông Poyakov mất tích. Cùng mất tích với ông vào ngày 30 tháng 4 năm 1971 còn có một phi công khác của Không quân Nhân dân Việt Nam tên là Công Phương Thảo.
Chuyện tìm kiếm một chiếc phi cơ quân sự lâm nạn với hai phi công không quân mất tích trước đó 44 năm tất nhiên là… thành công vì địa điểm phi cơ rơi chỉ cách Hà Nội khoảng 70 cây số và nhiều người trong cuộc vẫn còn sống. Sở dĩ cuộc tìm kiếm này kéo dài nửa năm vì nó tự phát và phụ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của những người tình nguyện. Không quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung, trong đó có cả Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Tuân chỉ hỗ trợ… thông tin để xác thực tai nạn, khu vực phi cơ quân sự lâm nạn !
Hạ tuần tháng 2 năm 2018, sau ba ngày chính thức lùng tìm, nhóm tình nguyện viên do ông Nguyễn Lê Anh - cựu Nghiên cứu sinh Toán học tại Đại học Lomonosov, cựu Giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự, cư trú ở Sài Gòn – thành lập, đã xác định chính xác vị trí phi cơ quân sư lâm nạn (2).
Bảy tháng sau (hạ tuần tháng vừa qua), Quân đội Nhân dân Việt Nam mới thu thập xong hài cốt của hai phi công, một Liên Xô, một Việt…
Nếu Anna Poyarkova không ngỏ lời nhờ giúp đỡ trên mạng xã hội, nếu không có những người Việt chạnh lòng, cảm thấy xấu hổ với dân chúng Liên Xô cũ, chắc chắn ông Yuri Nikolaevich Poyarkov và ông Công Thanh Phượng vẫn còn nằm đó giữa rừng hoang, núi lạnh, hài cốt tiếp tục phân rã thành bùn đất (3) vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không bận tâm.
***
Cũng ngày 1 tháng 10 – ngày hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam loan báo ông Đỗ Mười qua đời, ông Đinh Hữu Hanh đưa lên facebook của ông công văn số 3396/CT-CS do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An phát hành ngày 21 tháng 9 năm 2018. Theo công văn ấy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An sẽ không làm gì cả đối với 500 ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng, chăm sóc ở Nghĩa trang Cồn Mợng, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn và đang là chỗ thả trâu, bò (4).
Trước đó, dịp rằm tháng bảy, khi về quê dự Lễ Tế tổ, qua thân nhân, dân chúng địa phương, ông Hanh phát giác có một nghĩa trang chôn cất những thương binh, bệnh binh qua đời khi đang được chữa trị tại Trạm Quân y có tên là "Viện 42", bị bỏ hoang.
"Viện 42" vốn là nơi tiếp nhận thương binh, bệnh binh trong cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước" được đưa từ miền Nam Việt Nam trở về miền Bắc Việt Nam. "Viện 42" vốn tọa lạc tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn. Nghĩa trang của "Viện 42" cũng ở tại đó. Sau khi công cuộc "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" thành công, "Viện 42" bị giải tán. Cuối thập niên 1970, chính quyền địa phương sử dụng lực lượng thanh niên bị cưỡng bức cải tạo, cải táng phần lớn các ngôi mộ trong nghĩa trang của "Viện 42" về xã Kim Liên. Đến đầu thập niên 1990, Huyện đội Nam Đàn mới cải táng những ngôi mộ còn sót lại ở rìa nghĩa trang của "Viện 42" về nghĩa trang liệt sĩ của huyện này.
Điều làm ông Đinh Hữu Hanh – một cựu chiến binh trong cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước" - bất bình là đợt cải táng đầu tiên hồi cuối thập niên 1970 đã được tiến hành rất cẩu thả, mộ phần của tất cả những thương binh, bệnh binh chết tại "Viện 42" được đưa về táng lại tại xã Kim Liên đều mất tên vì không có bia cũng chẳng có sơ đồ mộ chí. Mộ phần của những thương binh, bệnh binh xấu số giờ chỉ là những nấm đất nằm san sát với nhau, cùng làm bạn với trâu, bò. Ông Hanh kể, ông đã đến tận nơi, báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An thực trạng làm ông và nhiều người đau lòng ấy. Nơi này đã yêu cầu ông phải làm… đơn trình báo thì mới xem xét (5). Để tận nghĩa với đồng đội, ông Hanh cun cút về làm đơn. Đơn gửi ngày 29 tháng 8, đến 21 tháng 9 thì Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An trả lời. Theo đó, phần lớn trong số 500 ngôi mộ vô chủ ở xã Kim Liên là mộ của… nhân dân trong xã, chỉ có vài chục là "mộ bộ đội" nhưng vì "chưa xác định được có phải là mộ liệt sĩ hay không" nên đây sẽ là chuyện do Đảng ủy, chính quyền xã Kim Liên tự… giải quyết.
Chưa thấy nhân dân xã Kim Liên lên tiếng dù rằng theo công văn vừa dẫn thì hóa ra họ quá bạc bẽo. Nghĩa trang với 500 mộ, nơi đa số người chết là… nhân dân trong xã mà không có bất kỳ ai trong xã thăm viếng, nhìn nhận thân nhân của họ được táng tại đó ! Chưa kể xem những tấm ảnh chụp Nghĩa trang Cồn Mợng mà ông Hanh đưa lên trang facebook của ông, ai cũng có thể thấy, nếu đa số người chết được táng tại nghĩa trang này là… nhân dân trong xã thì ở Kim Liên hẳn đã từng có một đợt… "chết chùm", nhân dân trong xã phải táng hàng loạt người chết trong cùng một lúc thành ra các nấm mộ mới ngay hàng, thẳng lối theo cùng một kiểu như vậy !
***
Hồi tháng 11 năm 2017, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, báo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang. Tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ ấy đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang.
Dù chết trong cuộc chiến nào (chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc, chống Polpot), lý do chính khiến cha mẹ, vợ con, anh em… của nhiều liệt sĩ chờ cho tới bây giờ vẫn chưa nhận được hài cốt của thân nhân là vì… hệ thống công quyền Việt Nam chưa cấp tiền để tìm kiếm, mang hài cốt của các liệt sĩ về nhà. Vào thời điểm cuối năm 2017, tướng Cò từng khẳng định với các đồng viện rằng chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽ đưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang về với gia đình, về với quê hương (6).
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) nơi yên nghỉ của hơn 1700 liệt sĩ hy sinh ở biên giới phía bắc từ 1978 đến 1994
Cho đến giờ vẫn không thấy báo chí Việt Nam tường thuật giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam quyết định thế nào về đề nghị của tướng Cò. Ngay sau đó, người ta chỉ thấy Ban Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam công bố chủ trương, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng một nghĩa trang diện tích 120 héc ta, trị giá 1.400 tỉ để lãnh đạo cao cấp của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam "yên giấc ngàn thu". Đến giờ, kế hoạch xây dựng nghĩa trang quốc gia chưa triển khai vì hai lẽ : Một, gia tăng thêm sự phẫn uất trong dân chúng. Hai, nghĩa trang quốc gia không còn hợp thời trang. Giới lãnh đạo đủ cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nay thích nằm một mình trong… lăng.
Những người như Yuri Nikolaevich Poyarkov, Công Thanh Phượng, những thương binh, bệnh binh xấu số đang nằm trong Nghĩa trang Cồn Mợng, những liệt sĩ mà hài cốt đang phơi mưa nắng tại hàng chục cao điểm ở Hà Giang hoặc nằm rải rác đâu đó trên khắp Việt Nam, kể cả Lào, Campuchia chắc chắn là những người hữu công vì đã góp tính mạng cho cách mạng.
Có thể thấy, chưa bao giờ, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bỏ qua, không tổ chức những "buổi lễ cấp quốc gia" kiểu như "Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968" hồi đầu năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì chúng là dịp tái khẳng định "sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam". Tương tự, những hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa", "tưởng nhớ, cầu siêu" nếu có rầm rộ thì cũng chỉ nhằm nhắc nhở "công lao to lớn, vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Còn tìm kiếm hài cốt những người "chết vì cách mạng" giao trả cho thân nhân hoặc lo cho những người "chết vì cách mạng" mồ yên, mả đẹp thì thuộc phạm trù khác, không nhất thiết, thậm chí không cần phải bận tâm vì sẽ chẳng góp bao nhiêu, đôi khi là có hại cho việc chứng minh Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất xứng đáng trong việc tiếp tục duy trì độc quyền lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" ở Việt Nam.
Công khố luôn luôn có hạn, chi tiêu phải cân nhắc. Những cá nhân như ông Đỗ Mười, dẫu không đổ máu, góp xương cho cách mạng thành công nhưng cần có quốc tang, tổ chức quốc táng, dựng lăng vì họ lãnh đạo cách mạng. Đó cũng là lý do phải dùng luật, đặt định – buộc phải tổ chức quốc tang, lễ tang cấp quốc gia, cho những "công bộc" hàng đầu, tôn vinh họ như "quốc phụ", "quốc mẫu", công hầu,… hôm qua, hôm nay và cả ngày mai.
Cả luật pháp hiện hành lẫn thực tế chỉ ra "có công với cách mạng" hay "chết vì cách mạng" dù không khác nhau về ngữ nghĩa nhưng khác biệt rất lớn về cách đối xử. Đối xử phải theo thứ bậc. Với thứ bậc đã được phân định rạch ròi thì sẽ còn nhiều quốc tang và lễ tang cấp quốc gia khác cho những Lê Đức Anh, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh, Lê Hồng Anh… Những trường hợp hữu công khác, kể cả những người đã "chết vì cách mạng" cứ chờ cho đến lúc ai đó chạnh lòng. Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/10/2018
Chú thích
(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/hanh-trinh-tim-kiem-chiec-mig21u-mat-tich-47-nam-truoc-959059.html
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2117368001912463&id=100009178503986
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2099727390343191&id=100009178503986
Cho dù cả Tổng thống Mỹ lẫn các chính khách của Đảng Cộng hòa hết sức sốt ruột nhưng họ vẫn chưa thể đưa Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện… Đem chuyện chính trường Mỹ so với hiện tình chính trường Việt Nam ắt sẽ thấy "Đảng ta vĩ đại thật" !
Tổng thống Mỹ đưa Thẩm phán Brett Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện
***
Tối cao Pháp viện Mỹ là một Hội đồng với chín thẩm phán và là định chế đứng đầu hệ thống tư pháp của Mỹ. Mỗi thẩm phán trong số chín thẩm phán này được Tổng thống Mỹ lựa chọn – giới thiệu với Thượng viện. Thượng viện sẽ xem xét – bỏ phiếu chấp nhận hay từ chối.
Nếu được Thượng viện phê chuẩn, người được đề cử sẽ trở thành Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, cùng với tám thẩm phán còn lại có quyền giải thích Hiến pháp, xác định các đạo luật liên bang hay tiểu bang, hành động của chính phủ liên bang hoặc chính quyền các tiểu bang là hợp hiến hay vi hiến. Chưa kể Hội đồng Thẩm phán của Tối cao Pháp viện còn có quyền phân định đủ loại tranh chấp, bất đồng là đúng – sai, phải – trái. Phán quyết của Tối cao Pháp viện là chung thẩm, không xét lại nữa.
Đó cũng là lý do tổ chức chính trị nào tại Mỹ cũng muốn các thẩm phán ủng hộ - chia sẻ quan điểm của mình chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện. Đạt được mục tiêu đó, Tối cao Pháp viện sẽ là nơi giúp tổ chức chính trị giải quyết những vấn đề hóc búa, chẳng hạn như cho phép phá thai hay cấm mà vì nhiều lý do, lập pháp thúc thủ, hành pháp bó tay bởi không thể dung hòa những khác biệt nhận thức, lợi ích cả trong hệ thống lập pháp, hành pháp lẫn dân chúng.
Từ đầu tháng 8 tới nay, sau khi Thẩm phán Anthony Kennedy từ chức vì tuổi cao, sức yếu, Tối cao Pháp viện Mỹ thiếu một người. Tám thẩm phán đương nhiệm trong Tối cao Pháp viện có bốn do các Tổng thống là người của Đảng Cộng hòa đề cử, bốn còn lại do các Tổng thống là người của Đảng Dân chủ đề cử.
Tổng thống Donald Trump đã chọn – giới thiệu Thẩm phán Brett Kavanaugh, một người nhiệt thành ủng hộ các quan điểm của Đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện. Thượng viện Hoa Kỳ với 100 ghế, các thành viên Đảng Cộng hòa đang giữ tới 51 phiếu thành ra chuyện đưa thêm một thẩm phán ủng hộ Đảng Cộng hòa vào Tối cao Pháp viện tưởng như sẽ là tất nhiên...
Không ai dè việc thực hiện "chủ trương lớn" của Đảng Cộng hòa gặp trục trặc. Bà Christine Ford – một giảng viên đại học, đột nhiên tố cáo, cách nay 34 năm, Thẩm phán Kavanaugh toan cưỡng bức bà khi cả hai đang học trung học... Lúc đầu, cả Tổng thống Trump lẫn giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa cùng cho rằng, tố cáo của bà Ford là chuyện… tầm ruồng, không thể xác minh, kết luận phải – trái, đúng – sai vì đã xảy ra cách nay ba thập niên, thậm chí lên án tố cáo ấy là âm mưu của Đảng Dân chủ - "thế lực thù địch, phản động" nhưng phản ứng của công chúng đã buộc họ phải nhượng bộ...
Ngày 27 tháng 9, Ủy ban Tư pháp của Thượng viện phải tổ chức một buổi điều trần, nghe cả bà Ford lẫn Thẩm phán Kavanaugh. Buổi điều trần được nhiều người xem là "đầy kịch tính" : Một Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa bị các nạn nhân của những vụ tấn công tình dục bao vây, chất vấn (1). Hai nữ Thượng nghị sĩ cũng của Đảng Cộng hòa cho rằng, điều trần chưa đủ. Cho đến giờ này vẫn chưa thể xác định bà Ford tố thật hay tố điêu nhưng Tổng thống Trump rồi các thành viên Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp của Thượng viện cùng lui thêm một bước : Yêu cầu FBI điều tra – như bà Ford và nhiều người khác đã từng đề nghị.
Chỉ vài giờ sau cuộc điều trần, tạp chí America của Jesuit (người Việt quen gọi là Dòng Tên) tuyên bố rút lại sự ủng hộ Thẩm phán Kavanaugh tham gia Tối cao Pháp viện. Cần nhớ Thẩm phán Kavanaugh là một tín đồ Công giáo và đã vài lần dẫn yếu tố từng là học sinh một tư thục danh tiếng của Dòng Tên, cũng như tuân thủ giáo lý Công giáo một cách nghiêm cẩn nhằm khẳng định ông không vô đạo đức như tố cáo của bà Ford. Trong Thư ngỏ gửi cho công chúng, America nhấn mạnh, ai tôn trọng quyền được sống của các thai nhi cũng ủng hộ Thẩm phán Kavanaugh trở thành thành viên Hội đồng Thẩm phán của Tối cao Pháp viện, song mặt khác, không thể không quan tâm đến cách thức quốc gia đối xử với nữ giới khi họ tố cáo bị quấy rối, bị tấn công và những tố cáo ấy có thể làm tiêu tan sự nghiệp của những nhân vật quyền lực. Một thành viên trong Hội đồng chủ biên của tạp chí vừa kể bảo với báo giới, sự quan tâm của America không chỉ giới hạn trong những vấn đề liên quan đến Hiến pháp mà còn bao gồm cả việc phải xem xét để quấy rối, lạm dụng tình dục được chú tâm xủ lý đúng mức vì đó cũng là đạo đức Công giáo (2).
***
Thời nào, ở đâu, các tổ chức chính trị cũng có tham vọng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối. Đảng Cộng hòa ở Mỹ cũng vậy nhưng "chủ trương lớn" (đưa Thẩm phán Kavanaugh vào Tối cao Pháp viện để gia tăng khả năng kiểm soát, chi phối cả ba nhánh quyền lực của Mỹ) là một chuyện, thực hiện được hay không là chuyện khác. Chuyện khác đó phụ thuộc vào nhận thức của dân chúng. Xem mong muốn của dân chúng như rác, không lắng nghe, cưỡng cầu – thực hiện cho bằng được các "chủ trương lớn" thì toàn Đảng sẽ đi chỗ khác chơi vì ở những kỳ bầu cử sau đó, dân chúng sẽ chọn người khác của đảng khác.
Đâu phải tự nhiên mà hết Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi tới Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem việc bàn luận, vận động cho "đa nguyên, đa Đảng" là… phản quốc. Với hiện tình chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội quốc gia như lúc này, đa số người Việt chỉ bàn luận sôi nổi về "nhất thể hóa" cá nhân đứng đầu tổ chức chính trị duy nhất với nguyên thủ quốc gia, không bận tâm thân phận, tương lai của chính mình, của con cháu mình là vàng hay rác thì rõ ràng "Đảng ta" còn vĩ đại lâu, còn rất nhiều du địa để soạn thảo – ban hành – thực thi vô số "chủ trương lớn" nữa. Năm 1962, ở Lễ Kỷ niệm 32 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hồ Chí Minh rất thản nhiên tuyên bố như thế này : "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, Đảng ta thật là vĩ đại !". Giờ, liệu có thể nói thêm thế này : Sau tất cả những gì đã và đang xảy ra, có thể khẳng định, ‘Đảng ta’ thật là vĩ đại vì dân ta thật là… vô tư ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/10/2018
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=bshgOZ8QQxU
(2) https://www.vox.com/2018/9/28/17914064/america-jesuit-catholic-magazine-brett-kavanaugh-allegations
Ông Trần Đại Quang đã mồ yên, mả đẹp trong lăng mà ông chuẩn bị cách nay vài năm ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Đặt quốc tang mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam dành cho ông Quang và lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh những suy nghĩ, nhận định mà dân chúng Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội, diễn đàn điện tử suốt từ cuối tuần trước đến nay, ai cũng có thể cảm nhận tường tận thế nào là :
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ !
Tuy nhiên bia miệng dẫu dữ dội và đáng bận tâm vì phản chiếu một cách trung thực nhân tâm – yếu tố quyết định sự tồn vong của thể chế chính trị hiện hành - vẫn không làm những người cộng sản nao núng. Dựa vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và những thông tin đây đó trên mạng xã hội, có lẽ từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ còn vài quốc tang nữa và theo thời gian, sẽ còn nhiều lăng nữa dù đối tượng không nằm trong diện được hưởng quốc tang.
Ông Đỗ Mười (trái) và ông Lê Đức Anh. (Hình : Soha)
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa báo tang ông Đỗ Mười nhưng thông tin, hình ảnh về lăng Đỗ Mười ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội đã tràn lan trên mạng xã hội. Người ta còn chia sẻ với nhau thông tin về những lăng khác đã được đủ loại viên chức từ cao tới thấp chuẩn bị sẵn cho mình. Một lăng của ông Lê Khả Phiêu ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Một lăng của ông Nguyễn Đức Bình (1) ở phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh,…
Bởi Luật Đất đai hiện hành qui định rạch ròi rằng, sử dụng đất làm nghĩa trang phải đáp ứng các điều kiện như phải quy hoạch thành khu tập trung, phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phải xa khu dân cư, phải hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất và trong thực tế từng có hàng ngàn trường hợp bị xử lý nghiêm khắc vì biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang, nên thiên hạ mới thắc mắc về Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (?), không những không bận tâm kiểm tra giám sát, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam còn điều động nhân lực, chi tiền trải nhựa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng con đường chạy qua lăng, bảo vệ trật tự cho công trường để kịp táng ông Quang cho đúng lịch ! Ngoài hai chữ xấc xược, có từ nào phù hợp hơn để diễn đạt điều đó ?
Ai cũng biết thu nhập hợp pháp và chính đáng của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ở mức nào và ai cũng thấy những viên chức ấy sống xa hoa ra sao. Khoan bàn đến "của chìm", chỉ "của nổi" (dinh thự, xe hơi, đồng hồ kính đeo mắt…) và lối sinh hoạt của họ đã đủ lôi dân chúng từ choáng váng này tới choáng váng khác. Xa hoa không chỉ là bằng chứng đối lập với "cần, kiệm, liêm chính", khi xa hoa trở thành một thứ chuẩn mực, một phong trào phổ biến trên diện rộng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nợ nần chồng chất, dân chúng càng ngày càng lầm than, rên xiết dưới đủ thứ gánh nặng thì đó là một bằng chứng khác về sự xấc xược.
Thiên hạ đã bàn nhiều về một Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến có rất nhiều danh nhân, một Việt Nam mà trong bốn ngàn năm dựng và giữ nước, có vô số "tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai hoang", vô số anh hùng liều thân để giữ gìn lãnh thổ, mở mang bờ cõi đã bị những người cộng sản Việt Nam xóa bỏ gần như sạch sẽ. Những đình, đền, chùa, miếu,… ghi dấu văn minh, văn hóa một thời nếu không bị đập bỏ, thì cũng bị biến thành kho chứa phân, chỗ cất nông cụ, những con đường, những ngôi trường,… mang tên tiền nhân, danh nhân, anh hùng dân tộc bị những người cộng sản gạt đi để thay bằng tên đồng chí, đồng đội của họ, hết Bơ, Bánh,… tới Đường, Sữa,… mà chẳng mấy người biết là ai. Đó là một sự xấc xược không chỉ với tiền nhân. Chẳng lẽ dân tộc này chỉ cần biết, nhớ lịch sử Việt Nam từ 1930 ?
Sự xấc xược ấy không ngừng leo thang, văn minh, văn hóa, lịch sử dân tộc đang được những viên chức đủ cấp trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam viết lại bằng những tiến vật trị giá hàng tỉ, bằng biển đồng, bia đá trong các cơ sở thờ tự mới, lưu danh hết viên chức này tới viên chức khác, những nhà thờ tổ, nhà thờ tộc nguy nga, bề thế nhằm chứng tỏ sự… hiển hách của một dòng họ. Sự… hiển hách đó đang được minh họa cho rõ nét hơn bằng chuỗi lăng – nhà lưu niệm sắp sửa mọc lên khắp nơi và được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hỗ trợ tận tình.
Nếu tất cả công dân đều bình đẳng, đều phải "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" thì những chuyện kiểu như chính quyền tỉnh Hà Tĩnh "giao Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn UBND thị xã Hồng Lĩnh và gia đình Giáo sư Nguyễn Đức Bình" hoàn tất thủ tục giao - nhận 2.000 mét vuông đất ở khu vực Rú Năm, tổ dân phố Quỳnh Lâm, phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh để "xây lăng và nhà lưu niệm Giáo sư Nguyễn Đức Bình" trong "thời gian sớm nhất" có hợp lý và hợp tình không ? Có bao nhiêu công văn kiểu như công văn số 2755/CV-XD do UBND tỉnh Hà Tĩnh phát hành ngày 17 tháng 6 năm 2016 ? Không biết ! Chỉ có thể chắc chắc là không ít. Đó là một sự xấc xược khác cả với đương đại và hậu thế.
Công văn cấp đất làm lăng cho ông nguyễn Đức Bình.
Nếu không biết Giáo sư Nguyễn Đức Bình là ai, đừng hoang mang ! Ít nhất cũng có 98% người Việt chẳng biết gì về ông ta, cũng chẳng rõ thân thế - sự nghiệp, công trạng của ông ta với xứ sở, dân tộc này ra sao. Tuy nhiên vì từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nên đương nhiên ông ta có cả một chỗ trong lịch sử, lẫn một lăng kèm nhà lưu niệm, thậm chí tên ông ta có thể sẽ được đặt cho vài con đường, vài ngôi trường. Khi lăng – nhà lưu niệm là phong trào, bạn sẽ thấy cả lăng những viên chức cấp tỉnh, thành phố, quận huyện, phường xã như đã từng thấy hệ thống nhà thờ tổ, nhà thờ tộc của họ ở khắp nơi.
Thông thường, xấc xược là hệ quả tất nhiên từ tự tin – không đủ tự tin rằng thách thức kiểu nào cũng không cần phải bận tâm về giá phải trả, chắc chắn xấc xược sẽ không leo thang. Khi xa hoa hiển lộ khắp nơi và giờ tới phong trào xây lăng – dựng nhà lưu niệm, đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tự tin vào khả năng "muôn năm trường trị" của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Bia miệng có dữ dội tới đâu thì sự sợ hãi của đám đông, lo đụng vào vách "thù địch", chạm tới trần "phản động" vẫn giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam duy trì được "sự ổn định chính trị".
Tượng Hồ Chí Minh trong thang bậc Tòa Kim Điện, chùa Đại Nam, Bình Dương
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã đưa được ông Hồ Chí Minh vào chính điện nhiều ngôi chùa thì hà cớ gì những thành viên đủ cấp trong hệ thống ấy không dám mơ vài chục năm nữa, con cháu các bạn sẽ chiêm bái, quét dọn những lăng mới, trầm trồ về sự hiển hách của những dòng họ mới, nổi lên từ hỗn hợp trộn bằng máu, mồ hôi, nước mắt của cha ông chúng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/09/2018
Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Đức_Bình_(giáo_sư)
Tuần trước, VnExpress đăng phóng sự "Thiếu phòng, học sinh Hà Nội nghỉ luân phiên" (1). Theo đó, toàn bộ học sinh trường Tiểu học Chu Văn An, tọa lạc tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai chỉ được học tám buổi mỗi tuần thay vì 10 buổi mỗi tuần như các trường tiểu học bán trú khác. Có những đứa trẻ - kể cả học sinh lớp một – mỗi tuần phải ở nhà các ngày thứ hai, thứ ba, chỉ đến trường vào các ngày thứ tư và học hai buổi/ngày cho tới hết thứ bảy. Ngược lại, có những đứa trẻ được đến trường vào các ngày thứ hai và học hai buổi/ngày cho tới hết thứ năm rồi ở nhà !
Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị ở Ninh Hiệp phản đối dự án lấy đất trường học làm trung tâm thương mại. Hình minh họa.
Lịch học kỳ quái như vừa kể là kết quả của tình trạng học sinh quá đông còn phòng học thì có hạn. Trường Tiểu học Chu Văn An chỉ có 41 phòng học nhưng có tới 57 lớp. Lúc đầu, Phòng Giáo dục quận Hoàng Mai dự trù sắp xếp cho học sinh của trường này học mỗi ngày một buổi (học sinh các lớp một và hai sẽ học các buổi sáng, học sinh các lớp từ ba tới năm sẽ học các buổi chiều) song phụ huynh phản đối. Kết quả là bây giờ, phụ huynh phải tự tìm giải pháp chăm sóc cho con cháu của mình hai ngày đầu tuần, hoặc ba ngày cuối tuần bởi trường Tiểu học Chu Văn An không thể tiếp nhận học sinh như bình thường.
***
Tuần này, cũng VnExpress loan báo chính quyền thành phố Hà Nội đã "nhất trí" với chủ trương "xây dựng trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các phường, thị trấn, xã" theo mẫu chung về "hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc" (2).
Theo chủ trương này, nếu ở các "đô thị trung tâm", diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 300 mét vuông đến 2.000 mét vuông, cao đến sáu tầng. Nếu ở các "đô thị trung tâm mở rộng", các "đô thị vệ tinh" hoặc "thị trấn mật độ dân cư cao", diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 880 mét vuông đến 3.900 mét vuông, cao đến năm tầng. Còn nếu ở "các xã và thị mật độ dân cư thấp", diện tích những trụ sở vừa kể nên từ 1.530 mét vuông đến 4.100 mét vuông, cao đến ba tầng.
VnExpress cho biết, Hà Nội hiện có 584 trụ sở cấp phường, xã, thị trấn (386 ở xã, 177 ở phường và 21 ở thị trấn). Giai đoạn từ 2011-2015, các quận, huyện đã đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 290 trụ sở cấp xã, với tổng chi phí là hơn 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn bảy phường, xã đang phải thuê trụ sở. Với chủ trương mới mà Vn Express gọi là "khoác đồng phục" cho trụ sở phường, xã, thị trấn, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng số trụ sở có thể áp dụng "thiết kế mẫu" khi đầu tư xây dựng là 483. Trong số này có 75 cần xây mới, 136 phải cải tạo bổ sung quy mô hoặc xây mới một số hạng mục, 118 đã được xây rồi nhưng cần cải tạo, sửa chữa. Dựa vào mô tả có tính "tiêu chuẩn" về diện tích, quy mô của trụ sở phường, xã, thị trấn, người ta không rõ chi thêm vài ngàn tỉ đồng nữa đã đủ để đáp ứng chủ trương xây dựng trụ sở phường, xã, thị trấn theo mẫu chung về "hình khối ngôn ngữ kiến trúc, bố cục công trình, vật liệu xây dựng hoàn thiện và màu sắc" hay chưa ?
Dẫu kế hoạch "khoác đồng phục" cho trụ sở phường, xã, thị trấn chưa được phê duyệt nhưng chuyện "thu thập ý kiến" của các quận, huyện dường như chỉ là thủ tục bởi chính quyền thành phố Hà Nội đã "nhất trí" với kế hoạch này từ năm ngoái.
***
Khoan bàn đến chuyện ngay tại nội thành Hà Nội, trẻ con không đủ phòng học nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không bận tâm mà chỉ chú tâm vào chuyện cải tạo bổ sung, cải tạo sửa chữa, thậm chí xây mới sao cho các công thự cấp phường, xã, thị trấn khang trang, đồng bộ…
Khoan bàn đến lệnh tạm ngưng xây dựng các "trung tâm hành chính" được ban hành hồi tháng 11 năm 2015 vì công khố cạn kiệt, liên tục bội chi, phải liên tục vay mượn để cầm cự nhưng từ đó đến nay, hết chính quyền các tỉnh (Long An, Vĩnh Long, Thanh Hóa, gần đây là Hải Dương…) thi nhau bán công thổ, công thự để hoàn thiện các "trung tâm hành chính"cấp tỉnh, kèm biện bạch theo kiểu "chủ động, tự cân đối nguồn vốn" chỉ xin hỗ trợ một phần từ công quỹ, giờ tới chính quyền thành phố Hà Nội giới thiệu chủ trương "khoác đồng phục" cho trụ sở phường, xã, thị trấn…
Chỉ nhìn hiện trạng sau khi các quy hoạch được thực thi, người ta đã thấy hết sức quái gở. Quy hoạch từng biến phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, sau vài năm, từ một khu vực vốn thuần nông có khoảng 4.500 gia đình, với chừng 14.000 người, thành một phường nội thành được mô tả là "ngộp thở" vì có tới hàng chục ngàn gia đình cư trú, với số dân được ước đoán không dưới 80.000 người. Quy hoạch qua tay vài chục cơ quan thuộc đủ mọi cấp, ở đủ mọi ngành, trước khi hàng trăm cao ốc được phép vươn lên, dung chứa hết hàng chục ngàn người này đến hàng chục người khác nhưng không nơi nào thèm tính đến những chuyện đơn giản như chỗ để xe, hoặc tới những vấn đề thiết thân của sinh hoạt xã hội như trường học, bệnh viện,… và trường hợp Tiểu học Chu Văn An như đã kể chỉ là một ví dụ.
Quy hoạch khởi đi từ quy hoạch nhân sự lãnh đạo cấp thấp nhất cho tới cấp cao nhất rồi vươn vòi bám vào, chi phối tất cả các lĩnh vực, không nhân, không nghĩa, không trước, không sau, bất tri, bất trí như thế thì tìm kiếm "tin yêu và hy vọng" chỉ là hoang tưởng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/09/2018
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/thieu-phong-hoc-sinh-ha-noi-nghi-luan-phien-3812139.html
Từ lúc ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua đời đến nay, mạng xã hội và các diễn đàn điện tử tại Việt Nam càng lúc càng nóng, số người bày tỏ sự thương tiếc ông Quang càng lúc càng giảm.
Ông Trần Đại Quang.
***
Cuối tuần vừa qua, một số facebooker đã sử dụng "nghĩa tử là nghĩa tận" như một đặc thù của văn hóa hoặc "khẩu nghiệp" như một yếu tố răn đe, nhằm đáp trả sự phấn khích của nhiều người sử dụng mạng xã hội trước tin ông Quang qua đời.
Tranh cãi trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử lại bùng lên giống như dùng dầu chữa cháy. Những ý kiến kiểu như "muốn thiên hạ có ‘nghĩa’ với mình khi mình chết thì tối thiểu khi còn sống cũng phải có ‘nghĩa’ với thiên hạ" (1), kèm theo hàng loạt dẫn chứng khi còn sống, ông Quang và các đồng chí, đồng đội đã hành xử bất nhân, bất nghĩa (cưỡng đoạt tài sản của nhiều triệu người ; không đàn áp những người kêu oan thì cũng dửng dưng, bỏ mặc họ ; trấn áp những cá nhân bày tỏ mong muốn cải tổ một cách ôn hòa ; thậm chí hành xử thô bạo trong rất nhiều đám tang, kể cả đám tang của những người đã từng là đồng chí, đồng đội chỉ vì cuối đời, họ bất đồng quan điểm với hệ thống chính trị đương thời…) đã khiến nhóm muốn dùng "nghĩa tử là nghĩa tận" như một đặc thù của văn hóa để ngăn chặn những chỉ trích ông Quang ngậm tăm. Tương tự, răn đe về "khẩu nghiệp" cũng bị vô hiệu hóa vì giáo lý Phật giáo không bao giờ dạy cẩn ngôn, tránh "khẩu nghiệp" là câm nín trước điều ác, điềm nhiên tọa thị trước bất công (2).
Dường như chưa bao giờ, xung đột do bất đồng về cách nhìn đối với "nghĩa" và "tình" giữa người Việt với nhau gay gắt đến thế và cũng chưa bao giờ, tranh cãi về "nghĩa" và "tình" thẳng thừng, rõ ràng, rạch ròi như thế.
***
Tranh luận về "nghĩa" và "tình" quanh cái chết của ông Quang vừa lắng xuống thì dư luận lại bùng lên trước quy mô của một số lễ cầu siêu cho ông Quang ở Sài Gòn (3), Ninh Bình (4). Thiên hạ, trong đó có không ít cá nhân là Phật tử thuần thành, hệ thống những chuyện ông Quang từng làm hoặc từng tham gia với vai trò chủ đạo (đàn áp người thiểu số đòi quyền sống ở Tây Nguyên ; hàng trăm cá nhân chết bất thường trong đủ loại cơ sở của ngành công an, những oan án…), kèm thắc mắc, một người như ông Quang có thể siêu thoát không ? Nếu có thì còn gì là quy luật nhân - quả ? Nếu sống ích kỷ, tham lam, gian dối, cướp bóc, sát sinh, làm toàn điều ác, chỉ cầu siêu mà được siêu thoát thì tu làm gì, hiểu lời Phật dạy về tu, về nhân quả thế nào ? Viện dẫn vũ trụ vốn vận hành theo nhân - quả, nghiệp chúng sinh cũng do nhân - quả tự tạo, tự thành, tự luân hồi vận chuyển, Phật không thể gánh thay nhân quả cho chúng sinh – một số facebooker, vốn đang tu tập xem các lễ cầu siêu cho ông Quang là chuyện của những "ma tăng nói láo" (5).
Cho dù hệ thống truyền thông chính thức cố gắng "giải độc dư luận" bằng một số bài viết, khắc họa ông Quang như một con người thông minh, ham học, khiêm tốn, giản dị, hữu công với quốc gia, dân tộc nhưng tất cả những nỗ lực ấy trôi tuột như nước đổ đầu vịt. Những chi tiết tưởng như đắt giá về "cuộc đời, sự nghiệp" của nhân vật từng là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, thay đèn để dùi mài kinh sử… không chỉ bị xem là hoang đường mà còn bị xem là bôi nhọ Thiên đường Xã hội chủ nghĩa. Chẳng lẽ vào thập niên 1960, văn minh ở miền Bắc Việt Nam chỉ ngang với thế kỷ 13 – thời của Mạc Đĩnh Chi mà theo dã sử, quá đói khổ nên không thể làm khác (?).
Tương tự, dù nỗ lực truy tìm, thu thập ý kiến thầy cũ, bạn cũ của ông Quang thành công, thiên hạ vẫn không tin ông "khiêm tốn, giản dị". Nếu thực sự "khiêm tốn, giản dị", chẳng ai dụng công, chuẩn bị xây lăng cho mình "cách nay vài năm". Chưa kể cách nay vài năm, sau khi ông Quang dựng xong nhà thờ tổ, thiên hạ còn thấy trước nhà thờ tổ này tấm bảng ghi "Đền Quang Thiện – Thờ những người có công với đất nước" (6). Nếu thực sự thông minh, hiểu thời cuộc, không ai biến mình thành bia cho thiên hạ đàm tiếu như vậy.
Qui mô, hình thái khu đất vốn là "thượng đẳng điền" (đất ruộng loại màu mỡ nhất) ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình bị "dồn thửa cách nay vài năm", sau đó được san ủi, xây tường, làm kè, bắt ba cây cầu đá, mở đường… dùng để táng ông Quang, khiến người ta buộc phải gọi đó là "lăng". Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do chính ông ta chuẩn bị đã vô hiệu hóa tất cả những lời ca ngợi về các đức tính đáng nhớ của ông ta. Nếu cựu Bộ trưởng Công an Việt Nam, cố Chủ tịch Nhà nước Việt Nam thật sự liêm khiết thì lấy đâu ra tiền để làm lăng ?
Nếu tất cả công dân đều phải "sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" thì tại sao ông Quang và chính quyền tỉnh Ninh Bình không tuân thủ Điều 162 của Luật Đất đai hiện hành :
Sử dụng đất làm nghĩa trang phải đáp ứng các điều kiện như phải quy hoạch thành khu tập trung. Phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Phải xa khu dân cư. Phải hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất ?
Ai sẽ kiểm tra – công bố xem Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có phù hợp với quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Ninh Bình ?
Trước nay, hệ thống truyền thông chính thức, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đã lên án, xử lý cả ngàn trường hợp biến đất nông nghiệp thành nghĩa trang (có thể dùng google với từ khóa "đất nông nghiệp thành nghĩa trang" để tham khảo), tại sao đồng loạt im lặng, làm ngơ khi đất nông nghiệp bị biến thành Lăng Chủ tịch thứ tám của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ? Thậm chí còn điều động nhân lực, chi tiền trải nhựa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng con đường chạy qua lăng, bảo vệ trật tự cho công trường để kịp táng ông Quang cho đúng lịch !
Phải chăng đó là đặc điểm của một xã hội "công bằng, dân chủ, văn minh" theo định hướng xã hội chủ nghĩa và bất kể thế nào thì cả trăm triệu người vẫn phải cắn răng mang "ơn" những kẻ dẫn dắt họ đi trên con đường đó ?
Ngày mai, Quốc tang bắt đầu, sau Lễ viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia trong suốt ngày 26 tháng 9, ngày 27 tháng 9 sẽ có Lễ Truy điệu và di quan về an táng tại lăng. Toàn bộ chi phí cho hoạt động rầm rộ này tất nhiên do cộng đồng những người thọ "ơn" gánh chịu dù họ có ưng hay không.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/09/2018
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/photo.php ?fbid=10213200209464413&set=a.1095856241220&type=3&theater
(3) http ://www.sggp.org.vn/cau-sieu-tuong-niem-chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-547388.html
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=247185002635929&id=163729764314787&__tn__=-R
(6) https://kimdunghn.wordpress.com/2018/09/25/ve-quy-mo-quan-the-lang-mo-ong-tran-dai-quang/
Ông Dương Danh Dy đã từ trần hôm 17 tháng 9 và được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng một cách lặng lẽ. Chỉ có vài cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức loan báo điều này sau khi mạng xã hội và hệ thống truyền thông quốc tế đưa tin.
Ông Dương Danh Dy (Facebook Truong Huy San)
Với ông Dy, chết không phải là hết. Chuyện ông giã từ cuộc đời là dịp để người ta ôn – nhớ lại nhiều thứ, cả riêng với cá nhân ông lẫn những vấn đề có liên quan tới lịch sử, giờ tác động không chỉ tới hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai :
- Dương Danh Dy - Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, rồi Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc suốt hai thập niên (1977 – 1996), một trong những người được xem là "hiểu Trung Quốc nhất" đã đưa ra nhiều cảnh báo, khuyến cáo có giá trị nhất về quan hệ Việt – Trung. Góp sức cảnh tỉnh, loại bỏ sự mơ hồ giữa vận nước với "tình hữu nghị" và nỗ lực toan làm cho nó "đời đời bền vững"...
- Dương Danh Dy – viên chức ngoại giao kỳ cựu, thành viên của một thế hệ các viên chức ngoại giao như Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ,… tuy là Đảng viên cộng sản Việt Nam nhưng suy tư và hành động vì lợi ích lâu dài của quốc gia, đặt lợi ích quốc gia bên trên tham vọng đổi hết mọi thứ để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam, nâng tinh thần dân tộc lên cao hơn "tinh thần quốc tế vô sản"...
- Dương Danh Dy từ biệt cuộc đời một cách lặng lẽ nhưng thời điểm ông "bỏ cuộc chơi" lại nhắc - khiến người ta nhớ tới "Hồi ức và suy nghĩ" của ông Trần Quang Cơ (1927 – 2015) – một viên chức có 44 năm phục vụ trong lĩnh vực ngoại giao, từ chối khi được phân công làm Ngoại trưởng, xin rút ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Người ta nhớ tới Dương Danh Dy vì ông là người trực tiếp dùng Internet phổ biến "Hồi ức và suy nghĩ" (1) – bạch hóa những bất thường, phi lý trong quá trình "bình thường hóa quan hệ Việt – Trung" mà di hại chưa biết đến bao giờ mới có thể khắc phục !
***
Một tuần trước khi ông Dy từ biệt cuộc đời, hệ thống truyền thông chính thức loan báo, Cục Xuất bản, in và phát hành yêu cầu Sở Thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát và thu hồi cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" trên toàn quốc để "ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót ra thị trường".
Mặc dù ra lệnh cho 64 liệt sĩ bảo vệ Gạc Ma không được nổ súng, năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, ông Lê Đức Anh vẫn ngang nhiên xin thề : Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau "Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".
"Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" là cuốn sách đầu tiên hệ thống hóa những thông tin, dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, kèm tường thuật của một số nhân chứng may mắn sống sót sau cuộc thảm sát ngày 14 tháng 3 năm 1988 ở bãi đá ngầm Gạc Ma, được… in - xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cho dù tham gia tổ chức nội dung, biên soạn "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" có hai ông tướng (Lê Mã Lương – Thiếu tướng, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Lê Kế Lâm – Chuẩn Đô đốc, cựu Tham mưu phó đặc trách tác chiến của Quân chủng Hải quân, cựu Giám đốc Học viện Hải quân), một cựu Vụ trưởng đặc trách Cơ quan Thường trực phía Nam của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Đào Văn Lừng), một Đại biểu quốc hội bốn nhiệm kỳ kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (Dương Trung Quốc), 68 nhà báo và các cựu chiến binh là nhân chứng vụ thảm sát ở bãi đá Gạc Ma nhưng tất cả đều bị một số ông tướng xem là "những kẻ đang thực hiện âm mưu xét lại lịch sử, hạ bệ thần tượng, bôi nhọ quân đội và xúc phạm vai trò lãnh đạo của Đảng"...
Cho dù chính quyền Việt Nam đã thành lập một hội đồng cấp quốc gia để thẩm định nội dung của riêng "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" và sau khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, hội đồng này mới gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà xuất bản Văn học) nhưng cuối cùng hóa ra vẫn còn "sai sót" đến mức phải thu hồi !
"Sai sót" chính dẫn tới chuyện "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" bị xem là "cực kỳ nghiêm trọng, có hệ thống, nằm trong âm mưu xét lại lịch sử nhằm làm suy yếu chế độ, làm phân hóa nội bộ Đảng, tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta" là thông tin về "lệnh cấm nổ súng". Dẫu không nêu đích danh nhưng "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử" khiến người ta phải liên tưởng đến vai trò, trách nhiệm của ông Lê Đức Anh, khi ấy là Đại tướng, Bộ trưởng quốc phòng, sau này là Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng lúc với sự kiện công bố lệnh thu hồi "Gạc Ma – Vòng tròn bất tử", người ta thấy một số diễn đàn điện tử, một số trang facebook đăng lại bài "Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và Biển Đông" (2) của ông Khuất Biên Hòa, Đại tá, Trợ lý của ông Lê Đức Anh.
Nếu đọc "Hồi ức và suy nghĩ" của ông Trần Quang Cơ, sẽ tìm thấy tại phần tường thuật về "Đại hội 7 và cái giá phải trả cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc", ông Cơ than như thế này về Lê Đức Anh : Xin ý kiến đối phương và hướng giải quyết vấn đề để đàm phán trước khi đàm phán, thật là chuyện có một không hai trong lịch sử đối ngoại ! Thời điểm 1990, tướng Lê Đức Anh tìm mọi cách để thuyết phục Bộ Chính trị nên trả mọi giá để "bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc" vì : "Mỹ là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh đó là Trung Quốc" (Hồi ức và suy nghĩ – chương 14)…
Nói cách khác, "Đại tướng Lê Đức Anh với vấn đề Trung Quốc và Biển Đông" của ông Khuất Biên Hòa là một nỗ lực "giải độc dư luận" từ thông tin, ý kiến của những người trong cuộc như ông Trần Quang Cơ, vừa nhằm loại bỏ trách nhiệm, vừa tô vẽ lại hình ảnh của ông Lê Đức Anh, kiểu như tác giả của 2/3 cuộc "lui quân vĩ đại trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ 20" (rút quân khỏi Campuchia và rút quân khỏi biên giới phía Bắc của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc để "khôi phục đường biên giới hữu nghị, lập lại quan hệ bình thường giữa hai quốc gia, hai dân tộc).
***
Thập niên 1990, ít nhất, Việt Nam cũng có một Nguyễn Cơ Thạch - Ngoại trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - tuyệt vọng cảnh báo "Chúng ta lại bước vào thời kỳ Bắc thuộc mới", vì không cản được nỗ lực trả mọi giá để "bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc" và chính vì can ngăn, nhận định như thế mà bị Trung Quốc xem là trở ngại, bị giới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gạt ra rìa.
Thập niên 2000, ít nhất cũng có một Trần Quang Cơ, cảnh báo đồng chí, đồng bào bằng "Hồi ức và suy nghĩ". Thập niên 2010, ít nhất cũng có một Dương Danh Dy, lưu ý phải chú ý về "Hội nghị Thành Đô", công khai thừa nhận trong một cuộc tọa đàm tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm rằng, trong Hiệp định Phân định biên giới Việt – Trung, Việt Nam mất 1.500 cây số vuông – tương đương diện tích tỉnh Thái Bình và mất toàn những địa danh có tính biểu tượng như : Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm… vì bị Trung Quốc gài từ hồi thập niên 1950, 1960 của thế kỷ trước (3)...
Đáng buồn là những nhân vật như thế quá ít nên "tinh thần bốn tốt", "16 chữ vàng" mà Trung Quốc đề ra vẫn được giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xem là "kim chỉ nam", nên sau những ông tướng như Lê Đức Anh, vẫn còn nhiều ông tướng khác như Nguyễn Chí Vịnh, cổ súy cho suy nghĩ : "Nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" (4) !..
***
Những Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ, giờ là Dương Danh Dy… đã từ biệt cuộc đời một cách lặng lẽ nhưng có muốn cũng chưa thể đặt dấu chấm hết cho những cuộc ra đi đó.
Với tuổi tác, tình trạng sức khỏe như đã biết về ông Lê Đức Anh, có lẽ ông Anh cũng sắp chết và chắc chắn, dù muốn hay không, "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" cũng phải để tang ông Anh.
Dẫu quốc tang rình rang tới mức nào, Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tụng ca tới đâu thì người Việt và các thế hệ hậu sinh của người Việt cũng sẽ nhớ : 1988 - ngoài bãi đá Gạc Ma (Johnson), Trung Quốc còn cưỡng đoạt của Việt Nam sáu bãi đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa : Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Vành Khăn (Mischief), Xu Bi (Subi), song một tháng sau ngày mất bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa và sự kiện Trung Quốc thảm sát 64 người lính Việt Nam vẫn còn nóng hổi, lúc đến thăm quần đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Truyền thống của Quân chủng Hải quân (07/05/1955 – 07/05/1988), chính ông - Lê Đức Anh – vẫn khẳng định "nhân dân Việt Nam biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc", dù "nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" nhưng sẽ "nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước" ?
Người Việt và các thế hệ hậu sinh của người Việt sẽ ghi nhận, bất kể bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam đã được bồi đắp thành chuỗi căn cứ quân sự nhằm hiện thực hóa dã tâm mà ai cũng thấy là độc chiếm Biển Đông nhưng khi xây dựng Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại Lý Sơn - Quảng Ngãi, nhằm trưng bày dấu tích về lịch sử chủ quyền của người Việt trên Biển Đông, những cá nhân mà ông – Lê Đức Anh – đã tham gia đào tạo, quy hoạch để lãnh đạo quốc gia, quân đội vẫn không quên giới thiệu những "lời vàng, ý ngọc" của chính ông về ơn nghĩa Trung Quốc và mối tình sâu nặng giữa Việt với Trung !
Chắc chắn sẽ rất ít người Việt và con cháu quên rằng, từ 1990, sau khi ông – Lê Đức Anh - và các đồng chí đồng thời với ông hoàn thành "bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc", những người lính Việt đã tử trận ở biên giới Việt – Trung từ 1979 đến 1988, ở Campuchia đều bị gạt ra khỏi lịch sử. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam và lịch sử hiện đại do Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam soạn thảo không giành chỗ cho họ vì điều đó ảnh hưởng đến cam kết thực thi "Láng giềng tốt. Bạn bè tốt. Đồng chí tốt, Đối tác tốt" và "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Chết không phải là hết nên sống, hành xử thế nào mới quan trọng. Sợ, lên án, ngăn chặn "lật sử" cũng không thể cản được việc lật lại lịch sử, xác định chính xác, rõ ràng, ai thực sự có công, ai thực sự đắc tội với dân tộc này.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/09/2018
Chú thích
(1) http://www.truyen-thong.org/so14/so14.html
(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dai-tuong-le-duc-anh-voi-van-de-trung-quoc-va-bien-dong-219675.html
(3) https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/1912455759057386?_tn_=K-R
(4) https://tinquansu.wordpress.com/2013/01/01/khong-ai-quen-loi-ich-quoc-gia-dan-toc/#more-5977
Ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam – đã chết. Phản ứng của những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam trước cái chết của nguyên thủ có rất nhiều điều đáng phải bận tâm…
Ông Trần Đại Quang.
Bên cạnh những người chung một nhận xét - cuối cùng, ông Quang cũng chết và lần này là chết thật - một số facebooker như Thu Ngoc Dinh đã hệ thống những thông tin có liên quan đến tình trạng sức khỏe – hoạt động của ông Quang trong giai đoạn cuối đời để ai cũng thấy, tuy là người đứng đầu Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ông Quang vẫn không được yên thân cho tới lúc chết…
…Tháng 7 năm ngoái, người sử dụng mạng xã hội Việt Nam chuyển cho nhau thông tin, sức khỏe ông Quang sa sút tới mức phải sang Nhật xin chữa trị. Tuy chỉ là tin đồn song nhiều người cho rằng tin đồn ấy khả tín vì ông Quang vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng mang tầm vóc quốc gia.
Cho dù ông Quang là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nhà nước, song hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và cả hệ thống truyền thông chính thức cùng im lặng trước tin đồn ấy. Thế rồi ông Quang xuất hiện trở lại như một cách phủ nhận những đồn đoán không hay về sức khỏe của ông, đồng thời cũng là để chứng tỏ ông vẫn đủ khả năng đảm trách vai trò Chủ tịch Nhà nước.
Tin ông Quang phải sang Nhật xin chữa trị thêm vài lần nữa tiếp tục rộ lên trên mạng xã hội. Ông Quang lại tiếp tục vắng mặt trong nhiều sự kiện quan trọng mang tầm vóc quốc gia, rồi lại tái xuất hiện… Một số cá nhân, một số diễn đàn điện tử, kể cả một số cơ quan truyền thông chính thức bắt đầu phản pháo, xác định những thông tin về sức khỏe của ông Quang, những ý kiến về việc ông Quang nên nghỉ ngơi hoặc cần phải cắt đặt người khác thay ông Quang trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, làm Chủ tịch Nhà nước,… là bịa đặt, ác ý, thậm chí là "luận điệu của các thế lực thù địch, phản động"…
Thế nhưng thiên hạ vẫn tin, tin đồn về sức khỏe của ông Quang chính xác. Lý do, rõ ràng ông Quang tiều tụy hơn nhiều so với trước, sắc diện càng lúc càng nhợt nhạt.
Đầu tháng 9, song song với tin đồn sức khỏe ông Quang đã đến giai đoạn nguy kịch là hình ảnh, thông tin ông Quang dự khai giảng năm học mới ở trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội), chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp, tiếp ông Chu Cường – Chánh án Tòa Tối cao của Trung Quốc... Thậm chí, cuối ngày 20 tháng 9, hệ thống truyền thông chính thức còn đăng thư ông Quang gửi "các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước" nhân dịp Tết Trung thu 2018, dặn dò các cháu "thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy".
Trưa ngày 21 tháng 9, chưa đầy một ngày sau khi thư ông Quang gửi "các cháu thiếu niên, nhi đồng trên cả nước" được hệ thống truyền thông chính thức công bố, cũng hệ thống truyền thông chính thức loan báo, ông Quang đã qua đời lúc 10 giờ 5 phút ngày 21 tháng 9, do "mắc bệnh hiểm nghèo", dẫu được "các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện nhưng đã không qua khỏi".
Một vài facebooker xem chuyện ông Quang, tuy "mắc bệnh hiểm nghèo" vẫn phải biểu diễn "còn đủ sức khỏe để phục vụ" là bằng chứng về sự táng tận lương tâm của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, song có lẽ cũng cần cân nhắc : Vài năm gần đây, qua Internet, người ta không chỉ thấy nhiều thông tin mà còn được xem nhiều hình ảnh được trưng ra như những bằng chứng, chứng minh, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an đã gian lận tuổi (xin xác nhận sinh năm 1956 chứ không phải sinh năm 1950 như đủ loại giấy tờ tùy thân đã ghi nhận) để không phải về hưu và được phân công làm Chủ tịch Nhà nước. Theo sau scandal loại này, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải ban hành hướng dẫn, trong tương lai sẽ xác định tuổi theo các giấy tờ tùy thân, không chấp nhận cách tính lại tuổi bằng văn bản của các cơ quan hành chính... Nếu thật sự ông Quang muốn nghỉ ngơi, Bộ Chính trị có thể giữ ông lại làm Ủy viên ? Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể giữ ông lại làm Chủ tịch ?
***
Dư luận râm ran về sức khỏe, về trách nhiệm của ông Quang đối với các sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Công an thời ông còn làm Bộ trưởng bộ này đã tạo ra một tiền lệ mà một số facebooker như Nguyễn Thiện nhận định : Lần đầu tiên, một nhân vật quan trọng chết mà chỉ hơn một giờ sau là báo chí đưa tin. Tuy nhiên cả hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam, hệ thống truyền thông ngoại quốc lẫn dân chúng không ai biết ông Quang mắc bệnh gì, từ khi nào ?
Dẫu "nghĩa tử là nghĩa tận", ông Quang là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng có thể tìm thấy trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội rất nhiều những ý kiến, nhận định, đại loại như Nhật Tinh Ngao : Chết đúng quy trình, không thì đến Hội nghị Trung ương 8 sẽ bị kỷ luật, rồi khởi tố, nhục hơn con trùng trục. Nguyen Dan : Lâu rồi chưa có quốc tang, giờ làm cái quốc tang cho vui. Song nếu có quốc tang thì phải dẹp các hoạt động vui chơi giải trí trong khi hai ngày nữa đã là trung thu rồi. Bác ơi, bác đi chi giờ nghiệt vậy, cướp cả niềm vui của các cháu, phải chi bác sống ngoắc ngoải thêm chục năm nữa với đồng bào thì có phải các cháu vui hơn không. Tương tự, Nguyen Thanh Nha tâm sự : Chỉ đau bao tử thôi mà viết câu "Các em hãy đến bên anh" không nổi ! Song có người bệnh nặng suốt một thời gian dài, sáng hôm sau chết mà ngày hôm trước vẫn viết xong lá thư chúc Tết Trung thu cho thiếu nhi.
Xu hướng đó của mạng xã hội, diễn đàn điện tử khiến Truong Thanh Le khuyến cáo theo kiểu bỡn cợt : Anh em chơi facebook, có ai tiếc thương ông gì mới chết thì lên tiếng đi, đừng để thiên hạ xem facebook rồi nghĩ dân Việt quái dị, nguyên thủ chết mà vỗ tay ăn mừng chớ. Cũng theo khynh hướng này, Nguyễn Đức Long nhận xét : Sống, cống hiến cho cách mạng. Chết, cống hiến cho nhân dân. Hôm nay nhiều người vui vẻ ghi nhận công trạng của anh. Tịnh Văn Võ thì "Chúc cả nước ba ngày quốc tang vui vẻ". Không ít người hẹn nhau ăn nhậu nhân dịp quốc tang và mong có thêm thật nhiều quốc tang !
Từ những diễn biến như đã kể trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử, Pham Nguyen Truong nhắc nhở : Toàn đảng và từng đảng viên hãy nhìn phản ứng trước cái chết của Trần Đại Quang mà điều chỉnh ngay lập tức cách hành xử thì may ra mới kịp. Pham Doan Trang cảnh báo : Khi trở thành lãnh đạo cao cấp của chính thể cộng sản, hãy cố gắng ý thức, việc "lên" được ghế cao là do mình chọn phe đúng, chạy chọt giỏi, được cấp cao hơn nữa ưu ái, nói theo kiểu tâm linh thì do mồ mả gia tộc mình phát, chứ không phải do năng lực của mình và do dân có cơ hội lựa chọn mình trực tiếp hoặc gián tiếp. Quan nhất thời, dân vạn đại. Đảng phái cũng chỉ là một tổ chức, không quang vinh muôn năm được. Thành ra hãy cố mà ăn ở cho phải đạo, sao cho tới lúc chết còn có người chạnh lòng, hay cao hơn là khen ngợi thành tựu, công trạng của mình khi còn sống. Đừng để bị bêu riếu như là kiến trúc sư của những chiến dịch "cải cách ruộng đất", "cải tạo tư sản", bịt miệng văn nghệ sĩ, đánh phá mạng Internet, hay là tác giả chính của những đạo luật như An ninh mạng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/09/2018