Có lẽ tất cả người Việt, từ già đến trẻ, cả nam lẫn nữ, bất kể học vấn, nghề nghiệp, nên cùng nhau… sám hối vì học chưa tới nơi, hiểu chưa tới chốn những nguyên lý có tính thời thế đang chi phối tiếng mẹ đẻ !
Từ nay, người dân qua trạm không phải trả phí, chỉ trả giá ? Hình : Người dân và tài xế phản đối Trạm thu phí BOT Biên Cương, Cẩm Phả, Quảng Ninh, ngày 22/2/2018 (TTXVN)
Tiếng Việt – ngôn ngữ mà họ nghe "từ lúc nằm nôi", đã, đang cũng như sẽ dùng cho tới hết phần đời còn lại của mình, giờ rõ ràng là rất khó và rõ ràng số người… chuyên tâm học – hành Việt ngữ quá… ít !
***
Đầu tuần này, khi các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đồng loạt thay bảng, đổi tên thành trạm thu… giá, dư luận rồi công luận ở Việt Nam sôi sùng sục.
Không chỉ những người bình dân hoang mang về ngữ nghĩa, giới được xem là có học, là tinh hoa của xã hội Việt Nam, đọc nhiều – hiểu rộng cũng công khai thừa nhận họ không đủ khả năng lĩnh hội, lý giải rạch ròi về "thu giá".
Bối rối vì sự ra đời và đột nhiên trở thành phổ dụng của "thu giá", nhiều triệu người xúm vào chỉ trích, trong số này có facebooker Trần Đăng Tuấn. Ông Tuấn nhận định, việc đổi "thu phí" thành "thu giá" là "sự ngu độn của ngôn ngữ", đồng thời nhấn mạnh, đó không phải là ngu độn tự nhiên mà là loại ngu độn thoát thai từ "trí trá", một "ý đồ xảo quyệt" nhằm lách qua các qui định hiện hành về phí để hợp pháp hóa chuyện bắt chẹt dân chúng. Chuyển từ "thu phí" qua "thu giá" là nhằm tước vũ khí pháp lý trong tay dân chúng khi họ muốn sử dụng vũ khí pháp lý ấy để chống lại sự phi lý, áp đặt. Ông Tuấn lên án sự chuyển đổi "thu phí" thành "thu giá" thể hiện thái độ lì lợm một cách trắng trợn…
Tính đến cuối tuần này, có ít nhất 15.000 người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ bày tỏ sự đồng tình với ông Tuấn, chưa kể phân tích – nhận định của ông Tuấn đã được khoảng 5.000 người chia sẻ.
Chẳng riêng mạng xã hội, dẫu được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, sáng suốt của Đảng, làm gì cũng phải nhìn trước, ngó sau xem có khác với chủ trương, có ngược hướng với đường lối hay không nhưng báo giới cũng nhập cuộc. VOV – Đài Phát thanh Quốc gia của Việt Nam phỏng vấn nhiều người từ thường dân tới các chuyên gia là tuyệt chiêu mà Bộ Giao thông – Vân tải tạo ra để bảo vệ tận thu. Theo đường hướng đó, Thanh Niên giới thiệu phân tích, cảnh báo của một số chuyên gia khác rằng, "thu giá" chính là mở đường để giao công sản cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT khai thác sai nguyên tắc. Người Lao Động thu thập ý kiến hàng loạt độc giả, bày tỏ sự bất bình vì "thu giá" che đậy, hợp thức hóa tham vọng "thu phí bằng mọi giá". Một số cơ quan truyền thông khác nhưVnExpress, VietNamNet, Tuổi Trẻ… tìm tới các chuyên gia về Việt ngữ, những nguyên lý cơ bản của Việt ngữ để chứng minh "thu giá" là quái thai ngôn ngữ, một biểu hiện quái gở, nguy hiểm trong tư duy…
***
Đứng trước sự cuồng nộ của dư luận và công luận, thậm chí bị không ít người gán cho, gọi bằng biệt danh "Thả cá trê" – một lối miệt thị ông Thể, ví ông như… cá tra, ông Nguyễn Văn Thể có thêm dịp để chứng tỏ bản lĩnh của một thành viên chính phủ đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giao thông – Vận tải.
Ở hành lanh trụ sở Quốc hội, thông qua báo giới, ông Thể nhẩn nha giải… ngố cho cả trăm triệu người đang chờ nghe ông rằng, đại loại, theo luật thì phải đệ trình, gỉai trình, chờ ý kiến cuối cùng của các cơ quan dân cử nên không thể linh hoạt được. Thu giá thì ngược lại, chỉ phụ thuộc vào kết quả thương thảo giữa đại diện hệ thống công quyền với chủ đầu tư.
Có một điều đáng ngậm ngùi là dân chúng Việt Nam, từ giới bình dân đến các chuyên gia đủ mọi lĩnh vực quá… ngố ! Bất bình với ông Thể, cậy vào Quốc hội. Không ít người, kể cả báo giới méc với Quốc hội – cơ quan đại diện cho mình là ông Thể lạm quyền, qua mặt Quốc hội. Cực chẳng đã, các viên chức cao cấp của Quốc hội đành phải lên tiếng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, cảnh cáo toàn dân đừng có chẻ chữ, tìm nghĩa, "thu phí" hay "thu giá" chỉ là sự khác biệt về cách gọi, phải nhìn vào bản chất của vấn đề, phải tôn trọng thực tiễn, tôn trọng cam kết của chính phủ với nhà đầu tư, phải theo luật cho đến khi Quốc hội chấp nhận xem xét, cải sửa luật.
Nhã nhặn hơn, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, thừa nhận hai chữ "thu giá" lạ lẫm, người Việt chưa từng dùng, dễ gây hiểu lầm, để tránh ngộ nhận thì cần rạch ròi hơn, ví dụ tại các trạm thu phí BOT nên có bảng ghi rõ "Trạm thu giá sử dụng dịch vụ BOT do doanh nghiệp a, b, c cung cấp". Dù gì cũng là "Trưởng Ban Dân nguyện", không tiện khẳng định thẳng thừng, "thu giá" là đúng, dân chúng phản đối là sai, bà Hải chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng rằng : "Khi sử dụng dịch vụ thì phải trả giá liên quan tới mức độ sử dụng dịch vụ đó, phải tuân theo nguyên tắc thị trường" !
Dường như dân chúng Việt Nam không chỉ ngố… quá mà còn ngố… lâu ! Đến giờ này, họ vẫn chưa hiểu : Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là… một. Sông có thể… cạn, núi có thể… mòn. Song chân lý ấy không bao giờ… thay đổi ! Đâu phải tự nhiên mà mới đây, Đảng cộng sản Việt Nam công khai cấm bàn về tam quyền phân lập ! Quốc hội và những đại biểu đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn dân còn chưa… hoài thai thì làm sao có thể có mặt trên đời !
***
"Thu giá" ra đời và lập tức trở thành phổ dụng làm cho hàng trăm triệu người Việt thêm một lần tán thán về tiếng mẹ đẻ của mình.
Giống như nhiều facebooker, Võ Đắc Danh than về chuyện không có sự việc nào được gọi đúng tên, chẳng hạn "kẹt xe" giờ được thay bằng "ùn chứ không tắc", "cướp đất" thì được biểu đạt bằng cụm từ "giải phóng mặt bằng", "câu kết thành băng đảng để tham nhũng" thi vị hóa thành "lợi ích nhóm"... Bạn bè của Danh như Trương Quang cũng bối rối khi "cướp chính quyền" chuyển thành "giành chính quyền". Bùi Minh Kết phát giác "đi hoài không tới, tìm hoài không thấy" nay gọi là "thời kỳ quá độ". Trung Quan Do tin rằng "đường vào ngõ cụt" giờ đồng nghĩa với "chủ nghĩa xã hội". Nguyễn Thông bảo "tay sai" đã thế chỗ cho từ hai từ "Quốc hội". Theo Chu Le, về ngữ nghĩa, "ngu chết mẹ" chính là "đỉnh cao trí tuệ…
Thử tra cứu lai lịch của Danh và bạn bè qua facebook thì dường như họ thuộc nhóm… nhiều chữ. Dư chữ mà vẫn mơ hồ về tiếng mẹ đẻ như thế thì rõ ràng tiếng Việt càng ngày càng… khó. Thiệt là… tội nghiệp !
"Thu giá" cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, giữ sự trong sáng về tư duy, chân phương trong diễn đạt bằng tiếng Việt giờ đã… lạc hậu. Sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ trong phạm vi chủ trương, đường lối mà còn bao gồm cả vận dụng ngôn ngữ thành ra toàn dân "học nữa, học mãi", học… hoài từ đời ông bà, cha mẹ đến thế hệ con cháu mà vẫn không… thông ! Ai dám chê, dám cho như thế là không… tài tình ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/05/2018
Công chúng lại có thêm cơ hội sững sờ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm tra việc sử dụng công quỹ năm 2016 (được gọi là Báo cáo Kiểm toán Quyết toán Ngân sách năm 2016).
Đồng hồ nợ công của Việt Nam theo tuần báo The Economist.
Theo báo cáo vừa kể thì Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục mắc hàng loạt sai phạm : giao vốn cho các dự án đầu tư phát triển sai cả về thời điểm, lẫn cách thức đã được qui định tại Luật Đầu tư công (cấp vốn vượt mức đã được duyệt, cấp vốn sai đối tượng, cấp vốn khi dự án chưa được phê duyệt,…).
Kiểm toán Nhà nước chỉ mới ngó đến 283 báo cáo của 229 nơi đã phát giác, khoảng 40 dự án dở dang, cần hoàn tất sớm nhưng không được cấp vốn và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã dùng nguồn vốn đó để hỗ trợ cho những dự án chưa cần thiết tiến hành khởi công. Có những dự án lẽ ra phải thực hiện theo hình thức vay ngân sách nhưng cuối cùng được Bộ Kế hoạch và đầu tư tự tiện chuyển thành "đầu tư trực tiếp" nên phía nhận vốn có quyền không hoàn tiền lại. Khoản tiền lẽ ra phải vay ngân sách được Bộ Kế hoạch và đầu tư chuyển thành "đầu tư trực tiếp" không đáng kể. Chỉ chừng… 3.000 tỉ đồng.
Những sai phạm của Bộ Kế hoạch và đầu tư dẫn tới hệ quả là ngân sách trong tài khóa 2016 đã được rút ra chi dùng sai nguyên tắc hàng chục ngàn tỉ đồng.
Năm ngoái, công chúng từng sững sờ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo kiểm tra việc duyệt chi công quỹ năm 2015. Theo đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã tự ý lấy 1.900 tỉ từ công khố cấp cho hàng loạt dự án vốn chưa đủ cơ sở pháp lý để có thể nhận tiền từ công khố và cấp công quỹ vượt mức qui định cho nhiều dự án khác. Vào thời điểm đó, Kiểm toán nhà nước đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức kiểm điểm và truy cứu trách nhiệm của tất cả những cá nhân có liên quan song chẳng có ai hề hấn gì.
Năm nay, Bộ Kế hoạch và đầu tư lôi "bổn cũ" ra soạn lại và chẳng còn ai dám tin sẽ có kẻ bị "chặt đầu, lột da" vì phung phá !
***
Công quỹ bao gồm tiền thu được từ các loại thuế, phí, tiền vay ngoại quốc, tiền bán trái phiếu trong nước cho các tổ chức tài chính, tín dụng.
Giống như những lần trước, trong báo cáo kiểm tra việc sử dụng công quỹ năm 2016 mà Kiểm toán Nhà nước mới gửi Quốc hội Việt Nam, cơ quan này tiếp tục liệt kê hàng loạt dự án do các tập đoàn, tổng công ty của nhà nước đầu tư bằng nguồn tiền lấy từ công khố, liên tục được dúi thêm những khoản từ gấp đôi đến gấp… 36 lần mức dự kiến lúc soạn dự án (Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình). Số tiền mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đề nghị trao thêm dao động từ vài ba ngàn tỉ đồng đến hàng chục ngàn tỉ đồng (Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, tăng 10.320 tỉ đồng, Dự án Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng, tăng 9.194 tỉ đồng,…).
Tiếp tục ngốn hết ngàn tỉ đồng này đến chục ngàn tỉ đồng khác nhưng các dự án "đầu tư phát triển" tiếp tục lỗ nặng từ vài chục tỉ đồng, vài trăm tỉ đồng đến vài ngàn tỉ đồng (tính đến giữa 2017, Dự án Nhà máy DAP 2 có lỗ lũy kế là 1.447 tỉ đồng, Dự án Nhà máy Đạm Hà Bắc có lỗ lũy kế là 2.035 tỉ đồng,…). Ngoài lỗ, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn… gian lận doanh thu, chi phí, nợ cả thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) lẫn nhiều khoản mà trên nguyên tắc phải nộp lại cho công quỹ. Tính ra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước toan giựt của dân chúng 19.000 tỉ đồng !
***
Vay ngoại quốc càng ngày càng khó, vay dân chúng trong nước thông qua các loại trái phiếu cũng vậy, rồi những nguồn thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản, thuế nhập cảng tiếp tục giảm vừa nhanh, vừa nhiều, trong khi nợ phải trả cũng như chi phí nuôi hệ thống công quyền mỗi ngày một lớn… trong bối cảnh bi đát như thế, Kiểm toán Nhà nước loan báo, năm 2016, hệ thống công quyền tiếp tục chi tiêu sai nguyên tắc tới 18.400 tỉ đồng !
Thay vì yêu cầu chính phủ tống cổ 57.000 cán bộ, công chức đã được xác định là nhận lương mà chẳng làm gì, thay vì đòi Thủ tướng và nội các phải xác định rạch ròi về mặt trách nhiệm, đệ trình giải pháp ngăn chặn ngay lập tức tình trạng phung phá, nhiều đại biểu của "nhân dân" tại Quốc hội lại bước lên một bước, đứng chung hàng với chính phủ !
"Chỉ trích" mà ông Nguyễn Mạnh Tiến, Đại biểu của tỉnh Tây Ninh tại Quốc hội Việt Nam, dành cho chính phủ Việt Nam vì… thu thuế đã chưa hết, lại còn chưa kỹ, để sót những người bán trà đá, loại hình kinh doanh có tỉ suất lợi nhuận từ 5.000% đến 7.000% - cao nhất trên thế giới, không thuộc loại chỉ để bình phẩm rồi cười.
Khó mà đòi hỏi ông Tiến nghĩ và hành xử khác hơn những người đồng Đảng. Thế nhưng nếu Quốc hội vẫn chỉ gồm toàn những người như ông Tiến thì cơ quan nào thực sự là đại diện cho toàn dân để "quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước" ?
Khi một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam muốn chắt cả trà đá để có tiền tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thì an ninh tài chính, an ninh kinh tế quốc gia đã đáng để bận tâm chưa ? Tương lai của mỗi cá nhân, sự an ổn của từng gia đình sẽ ra sao ?
Sài Gòn lại ngập. Sinh hoạt của đô thị lớn nhất Việt Nam lại bị đảo lộn chỉ vì trời đổ mưa.
Sài Gòn giờ tan tầm, giao thông càng trầm trọng hơn khi đường phố ngập lụt.
Cuối tuần trước, tại một hội thảo do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, thêm một lần nữa, những viên chức hữu trách trong chuyện chống ngập ở Sài Gòn thú nhận, Sài Gòn sẽ còn ngập sâu, ngập lâu.
Lý do khiến ngập lụt trở thành thảm trạng : Xảy ra khắp nơi, mực nước ngập càng ngày càng cao, thời gian ngập càng ngày càng dài, các loại thiệt hại do ngập, kể cả tổn thất nhân mạng càng ngày càng lớn… được giải thích là do bề mặt của Sài Gòn đang lún, nước biển dâng cao, biến đổi khí hậu khiến mưa nhiều, vũ lượng lớn, hệ thống thoát nước đã nhỏ lại còn thiếu,…
Thế nhưng xét cho đến cùng, tất cả những lý do ấy đều không thỏa đáng !
***
Theo một thống kê được công bố vào năm 2015 thì từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố Sài Gòn đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, mỗi năm, công khố phải chi 4.250 tỉ để trả vừa vốn, vừa lãi cho những khoản tiền khổng lồđã vay để chống ngập.
Tuy nhiên tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn mỗi ngày một tồi tệ hơn.
Năm 2016, chính quyền thành phố Sài Gòn loan báo đem ba khu đất ở quận 7 và quận 9 (một có diện tích 5.500 mét vuông, một có diện tích 31.414 mét vuông và một có diện tích 42.000 mét vuông) để "đổi" các dự án chống ngập mới.
Theo chính quyền thành phố Sài Gòn, nếu cải tạo 3.407 cây số cống thoát nước, nạo vét khoảng năm cây số kênh rạch, làm 10 cống ngăn thủy triều, xây khoảng 150 cây số đê, 100 hồ điều tiết nước và 12 nhà máy xử lý nước thải,... thì Sài Gòn sẽ đỡ ngập.
Song đến giờ, nếu thủy triều lên, Sài Gòn không mưa cũng ngập. Còn mưa thì… khỏi bàn !
***
Nhiều chuyên gia từng khẳng định, sở dĩ ngập lụt trở thành một thảm trạng ở Sài Gòn là vì quản lý tồi.
Quy hoạch vô tội vạ đã bê tông hóa bề mặt Sài Gòn trên diện rộng trong một thời gian ngắn nên nước mưa không thể thẩm thấu vào lòng đất mà chảy tràn trên mặt với tốc độ cao, ào ạt dồn về chỗ trũng. Khi lập – duyệt các quy hoạch, viên chức hữu trách không nghĩ tới ngập. Khi xảy ra ngập lụt thì chỉ nghĩ tới làm cống trong khi khó có hệ thống cống nào đủ khả năng tiêu thoát một lượng lớn nước trong thời gian ngắn để tránh ngập…
Cho dù việc thoát nước ở Sài Gòn vốn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng chính quyền thành phố Sài Gòn đã ra lệnh lấp khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì trong 12 năm từ 1996 đến 2008, tại Sài Gòn đã có hơn 100 kênh, rạch với tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta bị lấp và bị lấn chiếm.
Tháng 4 năm 2015, chính quyền thành phố Sài Gòn loan báo đã quyết định chi 200 tỉ để… khôi phục lại kênh Hàng Bàng mà lãnh đạo tiền nhiệm đã ra lệnh lấp vào năm 2000. Chuyện khôi phục kênh Hàng Bàng dài 1.830 mét, bắt đầu từ điểm giáp với kênh Tàu Hũ (quận 5) đến kênh Lò Gốm (quận 6) được xem là giải pháp cần phải thực hiện sớm để giảm một phần tình trạng ngập lụt càng ngày càng trầm trọng ở Sài Gòn. Chi phí lấp và chi phí khôi phục tất nhiên là dân… chịu.
Cuối năm 2015, khi được mời góp ý để tìm giải pháp, giải quyết thảm trạng ngập lụt ở Sài Gòn, một số chuyên gia về thủy lợi, khí tượng - thủy văn, tài nguyên - môi trường đã từng khẳng định, Sài Gòn khó mà hết ngập bởi các dự án chống ngập đã lạc hậu với thực tế. Họ chứng minh, việc chống ngập cho Sài Gòn vẫn tiếp tục đi theo hai hướng ngược nhau. Các nghiên cứu sâu nhằm làm nền cho tính khả thi của các dự án chống ngập vẫn rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án chống ngập luôn rất lớn. Những dự án thực hiện theo các quy hoạch chống ngập đã được duyệt đều thiếu nghiên cứu sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại.
Đáng nói là các viên chức hữu trách vẫn xem chuyên gia như rác. Năm 2016, ông Nguyễn Tấn Dũng – lúc đó là Thủ tướng Việt Nam vẫn cho phép vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất,… để tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã được cảnh báo là không khả thi nhằm chống ngập ở Sài Gòn.
Chưa kể không hiểu tại sao ông Dũng lại gật đầu với đề nghị đem công thổ "đổi" các dự án chống ngập dù chính quyền thành phố Sài Gòn không cho biết ba khu công thổ ấy được định giá là bao nhiêu (?). Phương thức hoán đổi là phía nhận đất sẽ phải hoàn tất toàn bộ các dự án chống ngập cho Sài Gòn hay chỉ thực hiện một phần những dự án có tổng giá trị lên tới 68.000 tỉ đồng (?).
Thảm trạng ngập lụt tại Sài Gòn tất nhiên không giảm và tiếp tục leo thang, từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác.
***
Ngày 15 tháng 5, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể lễ trao "Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng" cho ông Lê Thanh Hải. Cũng ngày 15 tháng 5, thông qua hệ thống truyền thông, Trung tâm Chống ngập ở Thành phố Hồ Chí Minh hoan hỉ loan báo, mùa mưa năm nay, lần đầu tiên, dân chúng Sài Gòn sẽ nhận được cảnh báo về mưa và ngập qua… radio và điện thoại. Cơ quan này đang ráo riết hoàn tất một ứng dụng để dân chúng Sài Gòn có thểdùng điện thoại tìm những con đường không bị ngập hoặc ngập ít để về nhà sau khi trời mưa.
Lúc trao "Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng" cho ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bảo rằng : "Sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay có phần đóng góp công sức rất lớn của đồng chí Lê Thanh Hải". Ông Hải thì chia sẻ rằng ông "rất tự hào và xúc động được đón nhận huy hiệu cao quý" như"Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng".
Ông Hải làm Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, rồi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2001 đến 2016. Dù ngập lụt trở thành thảm trạng ở Sài Gòn, hàng trăm ngàn tỉ chống ngập trôi theo cống thì ông Hải cũng chỉ có công mà không có tội. Truy cứu trách nhiệm của ông Hải khó vì đã làm thì phải làm đến nơi đến chốn. Lúc đó, ngay cả những người như ông Nhân (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) cũng sẽ chung số phận. Ông Nhân từng là Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành phố Hồ Chí Minh từ 2001 đến 2006.
Rất dễ hiểu vì sao, đến nay, không có bất kỳ viên chức nào từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố Sài Gòn trở xuống đứng ra nhận trách nhiệm về chuyện đã tốn quá nhiều tiền chống ngập song mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngập lụt năm sau lại cao hơn năm trước !
***
Chẳng phải chỉ có Sài Gòn, ngập lụt đã và đang trở thành thảm nạn của tất cả các đô thị tại Việt Nam : Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ,…
Tại sao vậy ? Tại vì ngăn ngừa – giải quyết các thảm nạn như ngập lụt đã, đang cũng như sẽ còn nằm trong tay các "cán bộ cấp chiến lược" do Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn, sắp đặt.
Nhiều quốc gia mà 1/4 lãnh thổ thấp hơn mực nước biển như Hà Lan vẫn có thể ngăn chặn ngập lụt để phát triển bởi may mắn thiếu đội ngũ "cán bộ cấp chiến lược", chỉ tốt nghiệp Học viện Chính trị Hồ Chí Minh mà vẫn giành, giữ quyền chỉ đạo toàn diện.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/05/2018
Những yếu tố mờ ám liên quan đến câu chuyện qui hoạch bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh) thành Khu Đô thị mới giờ lại trở thành mờ mờ, ảo ảo.
Tấm màn bất công chụp xuống đầu 15.000 gia đình cư trú ở bán đảo này suốt hai thập niên vừa qua, vừa được vén lên, nay đã thả xuống.
Sau hai thập niên nhấp nhứ, hệ thống truyền thông chính thức nhập cuộc, lao vào đâm chỗ này, ngoáy chỗ kia trong hai tuần rồi đồng loạt rút lui có trật tự.
Scandal qui hoạch Thủ Thiêm xẹp xuống không phải vì đã được giải quyết thấu đáo, có lý, có tình mà vì một tin nhắn.
Tin nhắn đến vào cuối tuần vừa qua, nội dung được một số facebooker trích dẫn giống nhau : "Từ phản ánh dư luận, báo chí về Dự án Khu Đô thị Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý theo quy định. Yêu cầu các cơ quan báo chí tạm dừng thông tin về vấn đề này. Cám ơn các anh chị".
Uất ức, bất bình nhưng không facebooker nào đang lận lưng chứng chỉ hành nghề báo chí đủ dũng khí tiết lộ, tin ấy do ai nhắn…
***
Nhân dịp hệ thống truyền thông đồng loạt lùi lại, Hoang Hung – một facebook từng làm báo, đăng lại bài thơ "Con chó" của Tường Vân : Bả o ra đường. Ra đường. Bảo nằm gầm giường. Nằm gầm giường. Bảo sủa. Sủa. Bảo im. Im. Cứ thế triền miên. Một đời con chó ! Hoàng Hưng nói thêm, vì đăng bài thơ đó mà cuối thập niên 1980, tập san Văn Học và Dư Luận do ông cùng Nhật Tuấn thực hiện bị đình bản. Chuyện vừa xảy ra với scandal Thủ Thiêm khiến Hoàng Hưng thêm một lần đấm ngực ăn năn : Tôi đã từng làm chó. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi.
Qua trang facebook của Hoang Hung, Tuệ Nguyên cười khan, nhận định : Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật giăng mắc khắp nơi, từ năm này qua năm khác thật ra là : "Sống và làm việc theo chỉ thị thôi !".
Ngọc Vinh – một facebooker đang còn làm báo thì tự sự - sáng nay, thấy facebook của một đàn anh đăng tấm ảnh chụp lại trang nhất của tờ Tuổi Trẻ, kèm nhận xét đầy mỉa mai : "Sự im lặng của bầy cừu" làm Ngọc Vinh thấy buồn. Đàn anh từng làm báo nhiều năm, biết hết "những ngóc ngách của nghề báo ở xứ này" mà còn nói vậy thì trách chi những người không làm báo, không hiểu nghề báo miệt thị báo giới nước nhà ! Vinh nhắc cả đến trang facebook của Hoang Hung và bài thơ con chó rồi tự vấn : Từ bao giờ báo chí Viêt Nam được ví với chó và cừu ? Theo Vinh chắc là từ khá lâu, trước khi Tổng Biên tập một tờ báo công khai tự ví mình như chó. Vinh nêu thắc mắc với các động nghiệp rằng họ có thấy, nhục nhã, xấu hổ không (?) rồi tự trả lời luôn là… rất có !
Vinh bảo chính giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã nhấn báo chí xuống bùn, đã hạ nhục "công cụ cách mạng" của họ trước nhân dân bằng những lệnh cấm đăng, cấm nói, vô lối và phi lý. Thủ Thiêm là sai phạm của hệ thống chính quyền địa phương, có nhiều yếu tố cho thấy một số viên chức lãnh đạo chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã câu kết với các đại gia địa ốc để "bỏ túi" tài sản của nhân dân. Thay vì khuyến khích báo chí hành động, điều động các cơ quan chống tham nhũng điều tra thì những người cai quản báo chí lại ra lệnh cho báo chí im lặng...
Vinh gọi đó là kiểu lãnh đạo thiếu viễn kiến, không hề biết tới giá trị thật sự của nền báo chí tự do, lành mạnh, lấy sự thật làm tiêu chuẩn và thước đo đạo đức. Khi báo chí trở thành thành cừu và chó thì nền dân chủ mà dân chúng mong muốn vẫn còn xa tít tắp. Một quốc gia chỉ có lò và củi, chỉ có cừu và chó sẽ là một quốc gia bi đát không có tương lai.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội đã dẫn lại bài "Từ sự kiện Thủ Thiêm- Những bộ mặt nhà báo" của Lan Nguyên, đăng trên Trí Việt News – một tờ báo điện tử mới ra đời cách nay chừng một tháng. Lan Nguyên bình luận : Cánh nhà báo đang tự thú, tự hối, xỉa xói nhau và bị đám đông xỉa xói. Những nét chấm phá này – kể cả một số đông nhà báo chọn thái độ không bao giờ viết gì về nghề nghiệp trên Facebook – vô tình tạo nên bức tranh tổng thể về nghề báo, với nhiều bộ mặt. Có bộ mặt sầu thảm, đau đáu nỗi niềm làm nghề nhưng bị bó tay, bịt miệng. Có bộ mặt cau có giận dữ, chửi bới vung vít. Có bộ mặt của những người gió chiều nào cũng sống tốt, sáng xách cặp đi, tối xách cặp về, đều đặn lãnh lương. Không thiếu những bộ mặt câng câng thỏa mãn vì mới mua được miếng đất này, cổ phần kia với giá ‘thân hữu’. Lại có những bộ mặt đóng vai ‘nhà báo dũng cảm’, với những hợp đồng truyền thông béo bở, sẵn sàng dùng ngôn từ hạ cấp nhất để đấu tố đồng nghiệp bên đối phương !
‘Bức tranh’ những người ngoài nghề ‘vẽ’ dân làm báo trong mấy ngày qua, ôi thôi, rất, rất nhiều chê trách, sỉ nhục, không kể xiết. Nào là hèn, bút nô, ‘ho sủa mới được sủa’… Không phải tới tận bây giờ người ta mới nhận ra báo chí Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng và chính quyền. Tuy nhiên vụ Thủ Thiêm là một minh họa trực quan, dễ hiểu và hài hước nhất. Ai đời một sự kiện xảy ra ở sát trung tâm thành phố, liên quan đời sống cả mười mấy ngàn dân, nhiều người mất đất, mất nhà oan khuất, hàng tấn đơn từ, vạn lời kêu khóc… mà chìm vào im lặng suốt mười năm ?
Tiến sĩ Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ) nói với tờ Zing : "Những người dân Thủ Thiêm đã bị (chính quyền – người viết) phớt lờ và thường bị đối xử như thể họ không hề tồn tại".
Ở đây có lẽ phải bổ sung rằng người dân Thủ Thiêm chẳng những không hề tồn tại dưới mắt nhà cầm quyền mà còn trở nên "vô hình" trước gần 1.000 tờ báo, tạp chí và hơn 17.000 nhà báo (thỉnh thoảng họ cũng có xuất hiện, lướt qua, trong vài bài báo hiếm hoi). Thế rồi đùng một cái, báo chí đồng loạt kêu khóc vang trời cho dân Thủ Thiêm, bài vở tới tấp không kịp đọc.
Lan Nguyên kết luận : Đã là công cụ thì sẽ bị sử dụng. Chẳng qua việc sử dụng tùy thời, tùy nơi, tùy cách, có lúc khéo léo, kín đáo, có lúc lộ liễu, công khai. Đã là nhà báo, chắc chắn ai cũng biết ‘chức năng’ công cụ của mình. Người thì tặc lưỡi sống, người thì đành nương theo đó để làm được gì giúp ích được cho xã hội, cho người yếu thế thì làm, người thì lợi dụng nó để kiếm chác. Chỉ có bạn đọc có thể không nhận ra (trước đây) thôi.
Dưới mắt Lan Nguyên, tin nhắn của Ban Tuyên giáo Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là : Khẳ ng định nối dài cho cái ý rằng, gần 1.000 tờ báo - tạp chí chỉ có một tổng biên tập và hơn 17.000 nhà báo chỉ có một bộ mặt - bộ mặt của Tuyên giáo. Phàm đã mang bộ mặt này thì người sang cũng như kẻ hèn, người chính trực lẫn kẻ gian manh, nhà báo tử tế hoặc những tay ‘điếm bút’, cũng cùng xếp vào một rọ như nhau cả thôi !
Sự kiện Thủ Thiêm cho thấy rõ điều này hơn bao giờ hết. Nó bộc lộ rõ ‘thế đứng’ của báo chí trong tình thế hiện thời – một ‘thế đứng’ có thể bị xô ngã bất cứ lúc nào, một thế đứng kỳ dị tạo nên một diện mạo xấu xí khó có thể nhận được đồng cảm xã hội. Sự thật này, có muốn tránh, có thể tránh được sao !
Kim Dung/Kỳ Duyên – một blogger và cũng là một nhà báo – xem bài viết của Lan Nguyên là "thân phận của nhà báo nước Việt".
***
Tin nhắn yêu cầu báo giới ngưng đề cập đến scandal Thủ Thiêm vô tình rơi đúng vào dịp tròn mười năm hai phóng viên, một của Tuổi Trẻ, một của Thanh Niên bị khởi tố vì đã thu thập thông tin, ý kiến về vụ tham nhũng ở PMU 18 – sự kiện mà giới thạo tin cho rằng đã đốt sạch nhiệt tâm vốn đã chẳng nhiều nhặn gì nơi báo giới Việt Nam.
Khi ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, bao nhiêu trong số 17.000 người đang lận lưng chứng chỉ hành nghề báo chí tại Việt Nam đã học : "Chở bao nhiêu Đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà" của Đồ Chiểu, bao nhiêu người còn nhớ và bao nhiêu người dùng "Thời thế, thế thời, thời phải thế" làm kinh nhật tụng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/05/2018
Tờ Quân Đội Nhân Dân vừa công bố bài "Gáo nước lạnh giội vào những kẻ hiềm khích, chống phá" (1).
Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng cộng sản Tập Cận Bình và Tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng trong một chuyến thăm Việt Nam
Theo đó, kết quả Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 (07/05/2018-12/05/2018) chính là một "gáo nước lạnh", "giội" vào toàn bộ âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc thâm độc, bịa đặt trắng trợn của các thế lực phản động, chống phá cách mạng Việt Nam. Ví dụ : Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 không hề có biến động lớn về nhân sự. Tổng bí thư đảng, Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nhà nước, Thủ tướng chính phủ vẫn yên vị. Các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 chỉ bầu thêm hai thành viên Ban bí thư. Bỏ phiếu để kiện toàn chức danh lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12, nhằm gia tăng việc kiểm soát quyền lực, gia tăng giám sát để xây dựng đội ngũ cán bộ càng ngày càng trong sạch, ngang tầm với yêu cầu về nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
"Gáo nước lạnh giội vào những kẻ hiềm khích, chống phá" dành phần chủ yếu để biện bạch cho "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" : Toàn Đảng bàn thảo về công tác cán bộ, Hội đồng Lý luận Trung ương và "đội ngũ trí thức nước nhà" tổ chức nhiều diễn đàn khoa học, hệ thống truyền thông thì mở các chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền sâu rộng về cả tinh thần lẫn nội dung…
Nói cách khác, "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" – giờ trở thành Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 – là một sản phẩm hình thành từ sự đóng góp của toàn dân, bao gồm nhiều "ý kiến đa chiều" được thu thập từ "diễn đàn chính trị sâu rộng trong toàn xã hội".
***
Đã có những thắc mắc rằng, lấy gì bảo đảm các Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 – giờ, đều đã trở thành "cán bộ cấp chiến lược", được ví von là "tinh hoa của những tinh hoa quốc gia" - sẽ không tiếp tục phạm những sai lầm nghiêm trọng như xác định khai thác bauxite ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng cộng sản Việt Nam, như dốc toàn bộ nguồn lực quốc gia vào các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh để làm xương sống cho "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ?...
Cũng đã có những thắc mắc rằng, lấy gì bảo đảm "tinh hoa của những tinh hoa quốc gia" sẽ đủ tinh minh để không tiếp tục bỏ phiếu bầu những cá nhân như Đinh La Thăng vào Bộ Chính trị, chọn những cá nhân như Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban Nội chính và sẽ không chọn thêm những cá nhân như Nguyễn Xuân Anh làm "tinh hoa của những tinh hoa quốc gia" ?... Chẳng lẽ không đủ tinh minh, liên tục phạm sai lầm, "tinh hoa của những tinh hoa quốc gia" vẫn có thể ung dung ngồi chọn những cá nhân khác làm "cán bộ cấp chiến lược" ?
Ông Nguyễn Tấn Tuân, tác giả "Gáo nước lạnh giội vào những kẻ hiềm khích, chống phá", bảo rằng, tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12, các Ủy viên đã góp ý cho "Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017" rất "thẳng thắn", "điểm mặt, chỉ việc, tách bạch giữa thành quả và hạn chế, giữa ưu và khuyết, giữa được và chưa được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ Ban Chấp hành Trung ương giao phó" và "tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cầu thị lắng nghe, tự phê bình sâu sắc".
Tuy "Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017", Ủy viên nào "điểm mặt" ai, "chỉ việc" gì, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự phê bình ra sao, không được công bố nhưng ông Tuân khẳng định "nhân dân cho rằng, Trung ương quyết liệt như vậy là rất quý và đáng kính" !
***
Cứ theo cách ông Tuân lập luận thì Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc còn… quý và đáng kính hơn vì đã đi tiên phong !
Một ngày trước khi Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 khai mạc, lúc trò chuyện với VietnamNet, ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các cơ quan của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, loan báo đã kết thúc thử nghiệm về "nhất thể hóa" (chỉ để một cá nhân đảm nhiệm cả vai trò bí thư lẫn vai trò lãnh đạo cơ quan hành pháp). "Nhất thể hóa" đang chính thức được thực hiện ở cấp huyện và cấp tỉnh. Ông Hưng nói thêm rằng Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "đang nghiên cứu" về "nhất thể hóa một số chức danh cán bộ cấp chiến lược như kinh nghiệm Trung Quốc, ví dụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nhà nước" (2).
Sáu năm trước, hàng trăm triệu người Trung Quốc công khai bày tỏ sự hoan hỉ của họ khi ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc thực hiện chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi" và thề "chống tham nhũng không màng sống chết cá nhân". Hơn một triệu viên chức thuộc đủ mọi cấp của hệ thống công quyền Trung Quốc đã bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau.
Từ vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Bình được giao kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Tháng ba vừa qua, Quốc hội Trung Quốc biểu quyết về giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Thay vì phải thôi làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2022 bởi đã ngồi tại đó đủ hai nhiệm kỳ thì có tới 2.964 đại biểu của Quốc hội Trung Quốc, nhất trí "hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nhà nước", tạo điều kiện để ông Bình - nhân vật đề ra cam kết "tứ toàn" (Xây dựng kinh tế xã hội thịnh vượng toàn diện. Cải tổ xã hội sâu sắc toàn diện. Thực hiện Nhà nước pháp quyền toàn diện. Thực thi kỷ cương Đảng toàn diện) có thể làm Chủ tịch nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho tới hết đời. Chỉ có hai đại biểu phản đối "hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nhà nước" và ba đại biểu bỏ phiếu trắng !
"Nhất thể hóa" là sản phẩm chính trị "made in China".
"Lò" của Tổng bí thư, rồi "Nghị quyết Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" mà Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 vừa biểu quyết thành định hướng cho "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" Việt không có gì mới với "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân"… Trung Quốc.
***
"Dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam", Trung Quốc đã và đang là "thầy" của Việt Nam. Lúc nào người Việt thôi phải bái vọng Trung Quốc là "sư" chưa xác định được.
Ngày 18 tháng 9 năm 2009, Nhân Dân Nhật Báo của Đảng cộng sản Trung Quốc từng có một bài bình luận về chuyện "bắt chước mô hình Trung Quốc", theo đó, từ Việt Nam, Cuba đến Bắc Hàn đều đang bắt chước Trung Quốc. Trong khi Cuba và Bắc Hàn chỉ bắt chước một phần thì Việt Nam "bắt chước 100%" và vì vậy, "Việt Nam cần thực sự nhớ ơn mô hình này bởi nhờ thế mà Việt Nam phát triển nhanh về kinh tế và chính trị thì ổn định" (3).
Bài viết vừa kể khiến nhiều người Việt tự ái. Trong số này có cả các cựu viên chức và học giả như ông Trần Đức Nguyên (cựu Trưởng ban Nghiên cứu của ông Võ Văn Kiệt, người tham gia soạn thảo Cương lĩnh Đổi mới cho Đại hội 6 của Đảng cộng sản Việt Nam), ông Đặng Phong (tác giả bộ Tư duy kinh tế Việt Nam), ông Tống Văn Công (cựu Tổng Biên tập tờ Lao Động)… Họ khẳng định, "đổi mới" (thực chất là từ bỏ quản lý – điều hành kinh tế theo kế hoạch, quay lại với kinh tế thị trường) là do thúc bách từ thực tế chứ không phải bắt chước Trung Quốc (4).
Có thể các cựu viên chức và học giả vừa kể không sai về "đổi mới" nhưng trật lất về mô hình chính trị.
Bất chấp xung đột về chủ quyền, những hiểm họa tiềm ẩn đối với kinh tế - xã hội, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tìm sang Trung Quốc "bái sư", từ "Tiểu sư" ở trong rừng đến "Đại sư" giữa thủ đô :
- Ngày 11 tháng 9 năm 2016, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, hội kiến ông Vu Xuân Sinh, Bí thư Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật của Khu Tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc để cám ơn vì đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước (5).
- Ngày 13 tháng 1 năm 2017, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến Bắc Kinh, gặp ông Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc để tìm hiểu về các chủ trương của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc và hoạt động của Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc trong chuyện chống tham nhũng, tăng cường quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện, thực hiện bố cục chiến lược "bốn toàn diện" của Đảng cộng sản Trung Quốc từ sau Đại hội 18 đến nay (6).
- Ngày 11 tháng 9 năm 2017, ông Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã dẫn một phái đoàn cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam đến gặp ông Hàn Chính, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Công sản Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Thượng Hải để học hỏi kinh nghiệm của Đảng cộng sản Trung Quốc về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị(7).
Các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bái Trung Quốc làm "sư" chưa đủ. Quân đội cũng được cử sang Trung Quốc "bái sư". Ngày 6 tháng 6 năm 2013, Ban Tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cử 22 sĩ quan cao cấp là "cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân, được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và là nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới", sang Trung Quốc tham gia một khóa học 15 ngày Đoàn cán bộ chính trị cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ sang Trung Quốc tham gia khóa học 15 ngày về "các vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác Đảng, công tác chính trị của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc". Từ 2009 đến 2013, Quân ủy Trung ương của Việt Nam đã cử sáu đoàn như thế sang Trung Quốc học tập (8).
Những đoàn như thế đã đặt nền móng cho nhiều hoạt động gần đây. Chẳng hạn tháng 4 năm ngoái, Chi đội Công an Biên phòng thành phố Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, Trung Quốc đã sang Việt Nam "mở lớp trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng cộng sản Trung Quốc cho 40 cán bộ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái với chủ đề : Ba bí quyết lớn giành thắng lợi vĩ đại của Đảng cộng sản Trung Quốc" (9).
***
Cuối năm ngoái, khi tổng kết thời sự cả năm, hết The Economist (10) tới Bloomberg (11) cùng nhận định, Việt Nam tiếp tục sao chép đủ thứ từ Trung Quốc. Chẳng phải chỉ chống tham nhũng, Việt Nam còn bắt chước Trung Quốc đàn áp những người bất đồng chính kiến theo kiểu Tập Cận Bình !
Ông Tập Cận Bình từng khuyến dụ giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vài lần rằng Trung Quốc và Việt Nam có "lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan". Sức nặng, mức độ hấp dẫn của tám từ đó đủ để ngoài "sơn thủy", "văn hóa", ngay cả "nghị quyết" cũng… "tương thông" !
Trân Văn
Nguyễn VOA, 17/05/2018
Chú thích :
(2)http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/600-can-bo-cap-chien-luoc-3-do-tuoi-co-dac-thu-449359.html
(3)http://nhanamsg.blogspot.de/2009/09/bat-chuoc-gioi-that.html
(4) https://boxitvn.wordpress.com/2010/02/26/hoc-hay-khong-hoc-trung-quoc/
(6)https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-hoi-kien-ong-vuong-ky-son-585914.vov
Sau năm năm ngóng chờ, cuối cùng, Bộ trưởng Giao thông và vận tải của Việt Nam cũng đã được nhà thầu Trung Quốc tạo điều kiện để"kiểm tra và đi thử" trên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông .
Dự án Metro Cát Linh - Hà Đông.
Theo tường thuật của báo giới Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông và vận tải Việt Nam rất hào hứng với sự kiện vừa kể. Ông không chỉ khen : "Đường sắt Cát Linh - Hà Đông êm hơn đường sắt quốc gia", mà còn nhắn nhủ dân chúng Hà Nội rằng, họ… sắp có "một tuyến đường sắt rất tốt và hiện đại". Cứ như lời ông Thể thì tuyến metro Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành kỹ thuật vào tháng 10 và vận hành thương mại vào tháng 12 năm nay…
Ông Thể nói vậy thì biết vậy bởi ai mà biết đường sắt Cát Linh – Hà Đông có vận hành kỹ thuật vào tháng 10 và vận hành thương mại vào tháng 12 năm nay hay không !..
***
Trên giấy tờ, tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13 cây số và phải hoàn tất hồi 2013, tuy nhiên đến năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào tháng 6 năm 2015.
Đến tháng 6 năm 2015, thời điểm khánh thành được dời lại tới cuối năm 2015. Cuối năm 2015, báo giới Việt Nam cho biết phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử.
Sang năm 2016, sự kiện duy nhất liên quan tới tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là chính phủ Việt Nam đề nghị Trung Quốc cho vay thêm tiền để nhà thầu Trung Quốc hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông.
Các chuyên gia, báo giới và dân chúng từng tỏ ra hết sức phẫn nộ trước sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc (lúc đầu, tính toán chi phí thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông chỉ có 553 triệu Mỹ kim, nửa chừng đòi đưa thêm 339 triệu Mỹ kim).
Thông thường, không hoàn tất công trình đúng hạn, nhà thầu sẽ bị phạt. Thế nhưng đối với công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, tuy nhà thầu trễ ba năm so với thời hạn đã cam kết, không những không áp dụng bất kỳ hình thức chế tài nào đối với nhà thầu, chính quyền Việt Nam còn đề nghị Trung Quốc cho vay thêm để thỏa mãn yêu cầu của nhà thầu.
Thương lượng tới lui, giữa năm 2016, Trung Quốc đồng ý cho Việt Nam vay thêm 250 triệu Mỹ kim để giao cho nhà thầu Trung Quốc hoàn tất công trình metro Cát Linh – Hà Đông. Đáp lại, nhà thầu Trung Quốc hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến metro Cát Linh – Hà Đông để "chạy thử liên động toàn hệ thống" vào tháng 10 năm 2017.
Tới tháng 10 năm ngoái, nhà thầu Trung Quốc bảo rằng chỉ có thể cho "tàu công trình chạy trên một số đoạn" của tuyến metro này. Cam kết "chạy thử liên động toàn hệ thống" được dời tới quý 1 năm nay. Đến cuối tháng 3 năm nay – không phải nhà thầu Trung Quốc mà Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam chủ động đề nghị chính phủ Việt Nam cho dời hẳn chuyện "chạy thử liên động toàn hệ thống" tới... cuối năm !
Có một điểm đáng lưu ý là cách nay chưa đầy hai tháng, lúc chủ động đề nghị chính phủ Việt Nam cho nhà thầu Trung Quốc dời hẳn chuyện "chạy thử liên động toàn hệ thống" tới... cuối năm, Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam từng phỏng đoán, phải đến năm 2021, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và cũng phải đến thời điểm đó mới có thể khai thác – sử dụng công trình này.
Chưa hết, theo một văn bản do Bộ Tài chính Việt Nam gửi cho Bộ Giao thông và vận tải và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) hồi đầu năm nay thì chỉ tính riêng 250 triệu Mỹ kim mà Việt Nam hỏi vay thêm Trung Quốc hồi giữa năm 2016 để hoàn tất công trình metro Cát Linh – Hà Đông, từ 2018 trở đi, mỗi năm, Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 650 tỉ đồng gồm cả vốn lẫn lãi.
Bộ Tài chính Việt Nam không cho biết, hàng năm, Việt Nam phải trả thêm bao nhiêu tiền cho vốn và lãi của khoản 553 triệu Mỹ kim mà trước đó Việt Nam đã vay Trung Quốc cũng để thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông. Cứ cho là mức độ… "ưu đãi" mà Trung Quốc dành cho cả hai khối nợ (553 triệu Mỹ kim và 250 triệu Mỹ kim) giống nhau, mỗi năm, Việt Nam sẽ phải trả cho Trung Quốc chừng… 2.000 tỉ đồng (88 triệu Mỹ kim).
Liệu sự bất bình của dân chúng về chuyện mỗi năm Việt Nam phải trả chừng… 2.000 tỉ đồng tiền lãi cho một công trình trễ hạn đã năm năm, không mang lại bất kỳ lợi ích nào về kinh tế, xã hội, có liên quan gì đến chuyện ông Thể trấn an, cuối năm nay truyến metro Cát Linh – Hà Đông có thể "vận hành thương mại" hay không ?
Nếu thật sự tuyến metro Cát Linh – Hà Đông có thể "vận hành thương mại" vào cuối năm nay thì vì sao tháng 3 vừa rồi, Bộ Giao thông và vận tải lại đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép "điều chỉnh" thời điểm "kết thúc dự án" là… 2021. Từ 2018 đến 2021 là ba năm, mỗi năm công khố mất chừng 2.000 tỉ để trả lãi cho những khoản đã vay nhằm thực hiện công trình metro Cát Linh – Hà Đông, vì lẽ gì mà Bộ Giao thông và vận tải tính sai tới ba năm ? Do thiếu kinh nghiệm, tính toán kém hay do có biệt nhãn với nhà thầu Trung Quốc, thành ra cố tình kéo thời điểm phải hoàn tất công trình giãn ra thêm ba năm ?
***
Công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông từng được quảng bá như một… "điển hình" cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về vốn, nhà thầu, công nghệ… Đến nay, tuy "điển hình" ấy cung cấp hàng loạt bằng chứng cho thấy, Việt Nam luôn là phía phải "ngậm đắng, nuốt cay" !
Thế nhưng chỉ sau một chuyến "kiểm tra và đi thử", ông Thể quên hết những đắng cay mà Việt Nam nói chung và Bộ Giao thông và vận tải nói riêng từng phải nếm. Theo ông, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông : "Không chỉ mang lại ý nghĩa về giao thông mà còn tạo đột phá về kinh tế xã hội, đặc biệt thắt chặt tình nghĩa giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Thậm chí ông còn nói thêm rằng : Chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp những thiết bị tốt nhất để có sự cạnh tranh với những nhà đầu tư khác, tạo dựng niềm tin để còn thực hiện những dự án đường sắt đô thị khác !
Do vay tiền của Trung Quốc để xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ngoài việc phải dùng nhà thầu Trung Quốc xây dựng hạ tầng cho tuyến metro, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc (hệ thống đường ray, hệ thống thông tin – tín hiệu và 13 đoàn tàu có tổng trị giá là 200 triệu Mỹ kim). Tháng 2 năm ngoái, dư luận Việt Nam rúng động khi giới hữu trách Việt Nam loan báo, họ sẽ tuyển 600 người để vận hành tuyến metro Cát Linh - Hà Đông và đến thời điểm đó đã tuyển, gửi 200 người sang Trung Quốc nhờ đào tạo. Nhiều người thắc mắc, chỉ một tuyến metro dài 13 cây số mà cần chừng đó lao động, thế thì khi hoàn tất 300 cây số metro ở Hà Nội như dự kiến sẽ cần bao nhiêu. Chẳng lẽ phải tuyển 10.000 người ? Tại sao những tuyến metro ở các quốc gia Đông Nam Á khác đã được tự động hóa gần như hoàn toàn thì tuyến metro Cát Linh – Hà Đông lại cần nhiều nhân lực đến vậy, liệu công nghệ của Trung Quốc có lạc hậu quá không ?
Trừ ông Thể và một số viên chức hữu trách vừa tham dự chuyến "kiểm tra và đi thử", chẳng ai tỏ tường tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vận hành ra sao. Ông Thể khen nó "êm hơn", "rất tốt và hiện đại" thì cứ hy vọng nó sẽ như thế. Không hy vọng, nuôi bất bình thì làm được gì ?
Ngoài tư cách Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, ông Thể còn là Ủy viên Dự khuyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Đại biểu nhân dân tại Quốc hội Việt Nam. Dự án metro Cát Linh – Hà Đông rõ ràng là rất "êm". Nếu không, làm gì có chuyện trễ hạn năm năm, mỗi năm, cả trăm triệu người chia nhau trả thêm 2.000 tỉ tiền lãi mà không cần phải truy cứu trách nhiệm của ai.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/05/2018
Chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm (quận 2 – Thành phố Hồ Chí Minh) thành "Khu Đô thị mới", sau này đổi thành "Trung tâm Kinh tế - Tài chính – Thương mại" càng ngày càng nóng. Nhiệt độ càng lúc càng cao.
Bản đồ quy hoạch mới của Khu đô thị Thủ Thiêm.
Tuần trước, chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm sôi sùng sục vì bản đồ đính kèm quyết định cho phép giải tỏa – thu hồi đất có hay không, còn hay mất hiện chưa… xác định được (!), vì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dám ban hành văn bản hủy quyết định phê duyệt quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm mà… Thủ tướng Việt Nam (Võ Văn Kiệt) từng ký và văn bản lạm quyền này vẫn… có giá trị thực thi (!?), vì vụ Phó Chủ tịch chính quyền một địa phương dám hủy quyết định của người đứng đầu đầu nội các là nhờ có một Phó Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) cấp cho công văn chống lưng (!!!)…
Tuần này, chuyện quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm làm người ta bàng hoàng vì toàn bộ hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương cùng ngoảnh mặt làm ngơ, cho dù 15.000 gia đình từng cư trú ở bán đảo Thủ Thiêm kêu oan ròng rã suốt hai thập niên. Suốt hai thập niên hàng chục ngàn người khốn khổ, khốn nạn vì mất nơi cư trú, không có sinh kế, chìm trong nợ nần. Suốt hai thập niên, hàng chục ngàn người vừa loay hoay kiếm cách sinh tồn, vừa kêu oan vì mỗi mét vuông chỉ được bồi thường chừng 200.000 đồng rồi ngay sau đó, mỗi mét vuông đất mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cưỡng đoạt từ họ để giao cho các "chủ đầu tư" được rao bán với giá hàng chục triệu đồng. Suốt hai thập niên, giá đất ở Thủ Thiêm tăng dần từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông nhưng tiếng kêu oan của cư dân Thủ Thiêm lọt thỏm, càng lúc tụt càng sâu xuống đáy của sự vô tâm và cả sự vô tình của xã hội…
Tại sao phải mất 20 năm oan khiên mới thấu "Trời" ? Vì lẽ gì mà đến giờ này, thiên hạ mới hài ra những cái tên như : Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang, Lê Hoàng Quân ?..
***
Giữa hàng triệu nhận định, bình phẩm của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam về scandal Thủ Thiêm, có không ít thông tin, tâm sự của những người đã hoặc đang là thành viên hệ thông truyền thông chính thức tại Việt Nam, tự giãi bày, tự vấn về chuyện làm thinh.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, sở dĩ Thủ Thiêm trở thành thảm nạn kéo dài suốt hai thập niên là vì hệ thống truyền thông câm lặng trước "thế lực đen" trong hệ thống công quyền. Nguyên – sau khi quan sát những vụ "tụ tập phản đối" của các nạn dân, nhiều lần lặn lội trong các khu tạm cư, chứng kiến những cá nhân, những gia đình vất vưởng thế nào, tuyệt vọng ra sao "bên lề phát triển" đã viết ba bài. Loạt bài này kịp "chạy" trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị, một tháng sau, tờ báo này bị bức tử. Nguyên thú nhận, dẫu có kịp "chạy" ra giữa lộ, loạt bài đó cũng chẳng có âm vọng nào !
Nguyên kể thêm rằng đã trôi giạt qua nhiều tờ báo khác, rằng đã được dặn dò giống như nhiều đồng nghiệp khác là "đừng đụng đến Thủ Thiêm để không đụng đến… thành phố". Lãnh đạo Ban Biên tập các cơ quan trong hệ thống truyền thông thường bắt các nhà báo làm việc dưới quyền tự vấn : Chuyện đó có đáng để… hi sinh hay không ? Câu hỏi ấy như một câu kệ và báo giới tụng nó hàng ngày để làm thinh trước những bất công, những oan ức mà dân lành muốn hay không cũng phải gánh, kể cả trước những vấn đề hệ trọng như chủ quyền lãnh thổ.
Nguyễn Vĩnh Nguyên tự hỏi : Vậy thì điều gì đáng để hy sinh ?
Chuyện hệ thống truyền thông đang "đồng ca" về những vấn đề liên quan tới Thủ Thiêm được Nguyên xem như "đèn xanh". Báo giới lao vào để "rửa ẩn ức về nỗi nhục vô trách nhiệm trong quá khứ" và cả để "minh họa cho diều nhà nước muốn". Song cũng như vô số vụ bê bối đã được bày ra khác, báo giới cũng chỉ vào cuộc lúc sự đã rồi. Nguyên thắc mắc : Nước mắt của cư dân Thủ Thiêm trên những trang báo trong thời gian vừa qua liệu có đủ sức chặn một cỗ máy vấy máu vạn năng đang sầm sầm lao tới bờ vực quá độ của bất công ?
Xem tường thuật trên facebook của Hương Quỳnh – facebooker làm việc tại tờ Tuổi Trẻ - về cuộc đối thoại giữa bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh với cư dân Thủ Thiêm hôm 9 tháng 5, dễ thấy nghẹn, thấy uất lây khi những người dân vừa khóc, vừa chất vấn bà Tâm : Bà từng khuyên chúng tôi nên hy sinh một chút đất để con cháu được hưởng một cuộc sống mới, tương lai mới trên đô thị mới. Hôm nay thấy con cháu chúng tôi vơ vất trong khu tạm cư, cũng phải hy sinh, bà có ray rứt không ? Là đại biểu cho dân Thủ Thiêm suốt hai nhiệm kỳ ở Quốc hội ở Thủ Thiêm, bà đã hứa bao nhiêu lời, bà đã nghe, đã chứng kiến bao lời, bà đã làm gì để xứng đáng với lá phiếu của chúng tôi ? Bà có giải quyết được không ? Nếu không, nghỉ đi cho người khác làm... nhưng đừng tìm những chi tiết ấy về cuộc đối thoại vừa kể trên hệ thống truyền thông chính thức vì mất công !
Những nhà báo như Hương Quỳnh cũng chỉ dám đặt vấn đề : "Mất gì ở Thủ Thiêm ?", dám than : Đất đai, tài sản, sinh kế, yên bình, tương lai, hy vọng, uy tín, niềm tin… gần như đã mất sạch ! - trên… facebook !
Dường như bất kể thế nào thì Thủ Thiêm cũng chưa phải là thứ để những thành viên Ban Biên tập các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam chọn làm chuyện "đáng để hy sinh" !
Thủ Thiêm cũng là lý do để Tú Nhỏ Nguyễn Tú – làm việc tại tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh – thú thật trên facebook của cô rằng cô "thấy mình có lỗi" trước thân phận nhiều người. Đó là một cụ bà sống tại quận 9, mở quán nước ven xa lộ Hà Nội để nuôi thân, nuôi chồng không còn khả năng lao động và hai đứa con bị bệnh tâm thần. Bà cụ tìm gặp Tú vì khi mở rộng xa lộ Hà Nội, hệ thống công quyền dỡ nhà, thu hồi đất, buộc gia đình bà rời khỏi nơi mà họ đã cư trú hơn 20 năm nhưng không bồi thường, cũng không dành cho gia đình bà bất kỳ hình thức hỗ trợ nào bởi họ không có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Người phụ nữ nghèo, hèn, bỏ dép ngoài cửa, đi chân không do sợ làm dơ Tòa soạn khẳng định, bà không khiếu nại, không dám chống đối, chỉ nhờ Tú trình bày giúp "nguyện vọng" xin một rẻo đất nhỏ chỗ nào cũng được để gia đình bà có chỗ chui ra, chui vào… Tú kể, bà cụ làm cô ứa nước mắt vì bất lực.
Tú kể thêm là cô mới quay lại tìm các cư dân Thủ Thiêm. Họ tiếp tục cung cấp hồ sơ, tài liệu một cách nhiệt tình. Trao xong, một chú hỏi cô : "Giờ báo dám đăng chưa con ?". Tú nhấn mạnh, chú hỏi bằng tất cả sự thông cảm, không một lời trách móc dù họ vô cùng đơn độc trong hành trình suốt 20 năm vừa qua !
Tú kết thúc tâm sự của cô bằng một nhận định lơ lửng : Đâu phải chỉ có Thủ Thiêm !
Đâu phải chỉ có Thủ Thiêm !
Cũng với suy nghĩ giống hệt như vậy, Thuan Vuong Tran – một facebooker cũng là nhà báo – tự hỏi : Có phải chỉ có Thủ Thiêm không ? Đất nước này có bao nhiêu Thủ Thiêm ? Mỗi tỉnh, thành có bao nhiêu Thủ Thiêm ? – và hướng dẫn : Cứ hỏi các nhà báo nội chính xem họ đã nhận bao nhiêu tấn đơn về khiếu kiện đất đai. Cứ hỏi những người sống quanh bạn xem tỉ lệ bất bình liên quan đến đất đai là bao nhiêu, tôi tin là tỉ lệ ấy rất cao. Cứ đến bất kỳ khu vực nào được giải tỏa để xây dựng chung cư, khu đô thị mới, bạn sẽ thấy họ...
Ai trong số những người dân bo vơ đang nhan nhản ấy cũng khóc, có người khóc suốt mấy chục năm, khóc cho đến khi chết, những giọt nước mắt không thể thấy trên các trang báo, họ phải tự chùi đi, cắn răng đứng dậy để kiếm miếng ăn, để sống tiếp, để hi vọng rồi lại khóc. Sự phổ biến ấy của nước mắt cho thấy, lỗi không chỉ nằm ở những nhân vật mang bí số : Hai, Ba, Tư, Năm... Lớn hơn là cơ chế nào đã khiến những kẻ mang các bí số ấy dễ dàng đứng về một phía với những con cá mập, biến tài sản hàng chục ngàn người thành của cải riêng họ ?
***
Tháng 6 năm 2016, nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Như Phong, lúc đó là Tổng Biên tập tờ Năng Lượng Mới, thảy ra một ví von làm nhiều đồng nghiệp của ông tại Việt Nam phiền lòng : Nhà báo giống như chó !
Chưa có ai khảo sát xem báo giới ở Việt Nam bị tổn thương thế nào, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội bị tổn hại ra sao khi báo giới vẫn bị chỉ trích rằng phải chờ đèn mới dám… sủa. Ngay cả khi đã có lệnh, sủa cũng phải kiềm chế về âm lượng và phải quan sát chung quanh để điều chỉnh âm điệu.
Thủ Thiêm không chỉ đẩy uất hận của các nạn dân đến đỉnh, Thủ Thiêm làm nhiều người khác như Ngô Nguyệt Hữu bật ra cáo buộc : Các ông nợ người dân những cuộc đời bị đánh cắp, những số phận bị đánh gục. Các ông nợ nhân dân niềm tin vào tương lai. Các ông nợ quốc gia vì sự phát triển bị chính các ông kìm hãm. Đó, đích xác là tội ác !
Thế "các ông" có nợ báo giới khi dùng cường quyền khống chế báo giới không ? Báo giới – với sứ mạng vẫn được xem như "quyền lực thứ tư" - có nợ đồng bào của mình không ? Ân đền, oán trả. Đền thế nào, trả ra sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/05/2018
Thảo luận để đặt định tiêu chuẩn về "cán bộ cấp chiến lược" và lựa chọn – sắp đặt lại nhân sự lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam là "lõi" Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 (07/05/2018-12/05/2018).
Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chọn khoảng 600 đảng viên ưun tú để đưa vào diện "cán bộ cấp chiến lược". Ảnh minh họa
Dẫu chỉ là kỳ họp của một tổ chức chính trị nhưng Hội nghị lần thứ bảy của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 trở thành đáng chú ý vì bất kể thế nào, tổ chức chính trị ấy vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Việt Nam.
Trước cũng như trong thời gian diễn ra hội nghị, thông qua hệ thống truyền thông chính thức, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã giới thiệu rộng rãi "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Theo đó, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chọn ra khoảng 600 cá nhân là thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc mang hàm tương đương Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư, Phó Bí thư và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố… để đưa vào diện "cán bộ cấp chiến lược".
Cứ như lời ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Theo dõi các cơ quan của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thuộc Ban Tổ chức Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định xong cái gọi là "khung tiêu chuẩn" cho các "chức danh lãnh đạo hệ thống chính trị". Tổ chức Đảng ở tất cả các cấp sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch nhân sự. Để trở thành "cán bộ cấp chiến lược", đương sự phải đi từ dưới lên trên cho tới khi trở thành cá nhân được Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chọn làm cá nhân đặt dưới quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Hưng nhấn mạnh, theo đề án vừa đề cập, "cán bộ cấp chiến lược" phải có : "Bản lĩnh chính trị vững vàng. Lý tưởng, đạo đức nhân sinh quan cách mạng. Ý chí và nghị lực. Khát vọng đưa đất nước phát triển. Sẵn sàng hi sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư duy đổi mới. Tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt nhanh xu thế của thời đại. Khả năng hoạch định chính sách. Trình độ, năng lực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Khả năng dùng người. Biết xây dựng và bảo vệ uy tín của Đảng cũng như hình ảnh của cá nhân, không để các mối quan hệ cá nhân, lợi ích nhóm chi phối trong quá trình công tác".
Sau "tiết lộ" của ông Hưng về "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ", thông qua hệ thống truyền thông chính thức, một số cá nhân đang nắm giữ nhiều trọng trách khác nhau trong hệ thống chính trị Việt Nam đã tham gia quảng cáo cho "cán bộ cấp chiến lược".
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội Việt Nam, gửi cho báo điện tử Dân Trí một bài mô tả "cán bộ cấp chiến lược" như những người có năng lực tư duy vượt trội, thấu hiểu quy luật vận động của tự nhiên - xã hội, cảm nhận được những biến thiên của đất, trời, thấu tỏ muôn triệu nhân tâm, dự báo được quá trình hình thành, phát triển, diệt vong và sự tuần hoàn sinh, tử của vạn vật. Ngoài trí tuệ thiên bẩm, "cán bộ cấp chiến lược" là những người trải quá quá trình học tập, rèn luyện nghiêm ngặt và được thừa nhận qua các kỳ thi, sát hạch nghiệt ngã. Ông Vân tin rằng, "cán bộ cấp chiến lược" chính là những người có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được, mất và biết làm gì để đạt được mục tiêu. Đó cũng là những người có khả năng tổ chức lực lượng vật chất, sức mạnh tinh thần của cộng đồng xã hội một cách khoa học, hợp lý để triển khai đường lối, chính sách chiến lược trong thực tiễn nhờ năng lực phân tích, đánh giá chính xác các nguồn lực vật chất hiện có, hiểu được công năng, lợi thế tiềm tàng của từng nguồn lực để sắp xếp, bố trí theo trật tự ưu tiên. Từ đó, tìm ra được điểm kích hoạt hợp lý, làm "bùng nổ" có tính dây chuyền sức mạnh tự nhiên của các nguồn lực ấy.
Với sức mạnh tinh thần, "cán bộ cấp chiến lược" là người có khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các lực lượng xã hội đi theo, khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng dụng nhân tài, thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo. "Cán bộ cấp chiến lược" là "lương đống của quốc gia, xã tắc" có lòng tự trọng và liêm sỉ, hội đủ các phẩm chất của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, chí thành tâm huyết, dốc lòng, dốc sức đem hết khả năng cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc và nhân dân mà không màng đến lợi ích cá nhân và gia đình.
Ông Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản thì khen "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" là văn kiện "bài bản, toàn diện nhất về công tác cán bộ". Ông Nhị Lê tin rằng với văn kiện này, "cán bộ cấp chiến lược" sẽ là những "rường cột quốc gia", là "tinh hoa của tinh hoa dân tộc"…
Đó là những ý kiến bên lề Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) khóa 12, bên trong hội nghị này, các ủy viên của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhất trí rằng, từ nay, khi lựa chọn "cán bộ cấp chiến lược", không nên sắp xếp, bổ nhiệm để đương sự trở thành lãnh đạo ở nguyên quán, sinh quán hay trú quán của họ để đạt yêu cầu mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt ra là "khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, đồng thời xây dựng một cơ chế giám sát quyền lực và chính sách đểcán bộ tâm huyết gắn bó với công việc, với đất nước, nhân dân".
***
Nhìn chung, trừ yếu tố, không sắp xếp, bổ nhiệm "cán bộ cấp chiến lược" làm lãnh đạo tại nguyên quán, sinh quán hay trú quán của họ, "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" được giới thiệu là nghiên cứu – soạn thảo suốt hai năm, không có gì mới. Đề án này là anh em song sinh với Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 8 về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" được các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thời đó thông qua tại kỳ họp thứ ba hồi 1997.
"Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã mở đường cho cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương thi nhau tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp vợ, chồng, con trai, con gái, con dâu, con rể, anh, chị, em, bà con nội, ngoại cùng với mình lãnh đạo tiến trình "công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". "Chiến lược" đó tạo điều kiện cho cán bộ lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương cùng nhau "ăn không từ thứ gì". "Chiến lược" ấy tạo ra thực trạng mà tháng trước, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Ủy viên Bộ Chính trị Khóa 12, phải trấn an "đồng chí, đồng bào" rằng, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa tới (khóa 13) ở thành phố này sẽ "không có chạy chức".
Với cái gọi là "quy hoạch cán bộ", "chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" từng tiếp tục cưỡng đoạt quyền của hàng trăm triệu người Việt : Lựa chọn những cá nhân đại diện cho họ tại Quốc hội, phê duyệt lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ. Giờ, "Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" có gì đáng để hoan hỉ, vững tâm khi lựa chọn ai đó làm "rường cột quốc gia, xã tắc" vẫn là Đảng cộng sản Việt Nam và chỉ Đảng cộng sản Việt Nam mới có quyền sắp đặt, bổ nhiệm ?
Chắc chắn Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa này sẽ ban hành Nghị quyết về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Với nghị quyết ấy, hơn 200 ủy viên cả chính thức lẫn dự khuyết sẽ trở thành "cán bộ cấp chiến lược". "Tinh hoa của những tinh hoa quốc gia" này đã từng bỏ phiếu hay công khai tán thưởng "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành những "quả đấm", những "anh cả" hạ gục kinh tế quốc gia, nhấn xứ sở chìm sâu hơn trong nợ nần.
Những cá nhân "có khả năng tổng kết thực tiễn, tường minh thực trạng, biết rõ được, mất và biết làm gì để đạt được mục tiêu" này đã từng bỏ phiếu hay công khai tán thưởng đủ thứ dự án kiểu như khai thác bauxite tại Tây Nguyên và khi các "chủ trương lớn" kiểu đó trở thành thảm họa thì vì "dư tự trọng" và "thừa liêm sỉ" nên dứt khoát không đoái hoài đến trách nhiệm.
Những người có "khả năng thuyết phục muôn người bằng chính tấm gương về trí tuệ và phẩm hạnh đạo đức của bản thân, làm ngọn cờ dẫn dắt các lực lượng xã hội đi theo, khai thác triệt để nguồn lực và biết trọng dụng nhân tài, thực bồi nguyên khí, chấn diệu hồng đồ để muôn dân ngưỡng vọng và vạn sĩ hàm đan đi theo" cũng chính là những người chọn Đinh La Thăng, Nguyễn Bá Thanh… cùng làm "lương đống của quốc gia, xã tắc" như mình.
Chắc chắn trong Nghị quyết về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" sẽ có qui định không sắp xếp, bổ nhiệm "cán bộ cấp chiến lược" lãnh đạo ở nguyên quán, sinh quán hay trú quán. Qui định ấy có mới như một "dấu son" hay vẫn là "vết chàm" ? Đã có những "cán bộ cấp chiến lược" được "luân chuyển" từ Hà Nội vào Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh như… Trịnh Xuân Thanh và nếu Đảng cộng sản Việt Nam không cần chứng tỏ nỗ lực "chỉnh đốn", đồng chí Trịnh Xuân Thanh – "Anh hùng lao động" vẫn vừa là Đại biểu Quốc hội, vừa lãnh đạo Bộ Công Thương, vừa tham gia Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam như… "qui hoạch". Nhà báo Nhị Lê làm gì có cơ hội để dẫn ra như một bằng cớ lên án chuyện "lẻn vào Trung ương".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/05/2018
Tuần trước, trạm thu phí cho dự án BOT Ninh An, tọa lạc ở xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lại… thất thủ liên tục vì nhiều tài xế dừng xe ngay tại trạm, không chịu di chuyển, cùng nhấn kèn bày tỏ sự bất bình, giao thông trên tuyến đường xuyên Việt bị tắc…
Người dân vui mừng khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí BOT Cai Lậy.
Đại diện Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa tiếp tục kêu Trời vì "trên đe, dưới búa". Hồi đầu năm nay, trước sự bất bình của dân chúng và áp lực từ giới điều khiển các loại phương tiện vận tải, Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đơn phương đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép họ không thu phí hoặc giảm mức phí đang thu đối với những phương tiện vận tải mà chủ của chúng cư trú ở thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên Bộ Giao thông vận tải không đồng ý.
Để hỗ trợ những chủ đầu tư như Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải chỉ thị cấm dừng xe quá năm phút tại tất cả các trạm thu phí cho những công trình cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên tài xế bất chấp các thứ bảng "cấm", bất chấp những răn đe, tiếp tục thực hiện các hành động phản kháng, giao thông tiếp tục tắc nghẽn. Sau một thời gian sát cánh với Bộ Giao thông vận tải để bảo vệ các công trình cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT, dường như ngành công an đã nhận ra càng tích cực càng lắm "vạ" thành ra công an các cấp đã chủ động tránh sang một bên.
Với nhiều chủ đầu tư, các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT giờ là những khúc xương lỡ… xin, gặm hay không thì cũng hết… răng !
***
Cũng tuần trước, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tải kết quả thanh tra dự án đầu tư đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hình thức BOT.
Thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, giống như nhiều dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông khác theo hình thức BOT, chủ đầu tư dự án đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia cũng được đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án, thành ra từ tháng 8 năm ngoái tới nay, nhiều người bị buộc phải trả phí cho công trình giao thông mà họ không hề sử dụng. Cả Bộ Giao thông vận tải lẫn Bộ Tài chính cùng… phạm pháp khi công nhận sai tổng chi phí đầu tư, khiến chi phí này cao hơn thực tế đầu tư chừng… 95 tỉ đồng (đồng ý cho chủ đầu tư "rót" thêm 44 tỉ đồng vào dự án dù điều đó ngoài thẩm quyền, nghiệm thu khống khối lượng thi công hơn 50 tỉ đồng). Nhờ vậy, chủ đầu tư có thể thu phí với giá cao, thời gian buộc thiên hạ trả phí có thể… dài hơn chừng 11 năm, thu lợi lớn hơn nhiều so với mức mà luật pháp cho phép…
Thanh tra của chính phủ Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân của những viên chức có liên quan đến tiến trình thẩm định – phê duyệt – cho phép điều chỉnh – chuyển nhượng dự án đầu tư đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia mà công đoạn nào cũng có sai phạm nghiêm trọng so với các qui định hiện hành nhưng đó chỉ là… đề nghị của Thanh tra, chẳng có gì bảo đảm những đề nghị này sẽ được xem xét nghiêm túc.
Từ 2016 đến 2017, hết Kiểm toán đến Thanh tra của chính phủ Việt Nam thay nhau "vạch mặt, chỉ tên" hàng loạt dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có hàng loạt sai phạm giống nhau : Trong khi mục tiêu của việc lựa chọn các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là phát triển hệ thống cầu, đường thì hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương thi nhau chọn những công lộ có sẵn, giao cho các chủ đầu tư sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí, tùy tiện thay đổi qui mô đầu tư để các chủ đầu tư có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn, chưa kể rất dễ dãi khi cho các chủ đầu tư đặt trạm thu phí bên ngoài phạm vi dự án đầu tư, ép chủ tất cả các phương tiện giao thông phải trả phí, bất kể họ có sử dụng công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT hay không.
Tuy Kiểm toán rồi Thanh tra của chính phủ Việt Nam từng khẳng định đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT còn có hàng loạt dấu hiệu bất thường làm thiên hạ không thể không liên tưởng đến tham nhũng trên diện rộng : Hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương thi nhau chỉ định chủ đầu tư chứ không tổ chức đấu thầu, thành ra gần như tất cả các chủ nhà đầu tư đều không đủ vốn, không đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, vốn liếng đổ vào các dự án BOT cầu đường chủ yếu là tiền vay của các ngân hàng… nhưng đến nay hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn chưa thể xác định những ai phải chịu trách nhiệm !
Điều duy nhất mà lãnh đạo chính phủ như ông Trịnh Đình Dũng, một trong các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải như ông Nguyễn Nhật, một trong các Thứ trưởng, khẳng định với dân chúng là về… cơ bản, tất cả các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đều đúng pháp luật, đúng qui trình, các ngành hữu trách, trong đó có… công an phải phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, điều tra – xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự, tuyên truyền – thuyết phục nhân dân ủng hộ việc thu phí !
***
Nhìn một cách tổng quát, cho dù vẫn còn được hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ủng hộ song càng ngày càng nhiều chủ đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT cảm thấy bất an bởi hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bị đẩy vào tình thế không… tiện điều động công an, quân đội tham gia cưỡng bức trả phí như trước, chưa kể để an dân, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã yêu cầu giảm mức phí mà chủ đầu tư từng được phép thu.
Sau phong trào đầu tư vào hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, chuyện chủ đầu tư đòi hệ thống công quyền mua lại các dự án họ đã đầu tư đang có dấu hiệu trở thành… phong trào.
Chỉ trong hai tháng ba và tư, có tới hai chủ đầu tư các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thỏ thẻ chuyện bán lại công trình của họ cho nhà nước. Hạ tuần tháng ba, chính quyền tỉnh Thái Bình thay mặt Công ty Tasco – chủ đầu tư dự án cải tạo quốc lộ 39B - đề nghị chính phủ chi 460 tỉ để mua lại công trình, giúp chủ đầu tư khỏi… vỡ nợ. Hạ tuần tháng tư, tới lượt chủ đầu tư tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Cạn) và cải tạo quốc lộ 3 đề nghị chính phủ mua lại công trình này với giá 2.800 tỉ đồng, nếu không họ sẽ vỡ nợ…
Cho dù đại diện Bộ Giao thông vận tải khẳng định như "đinh đóng cột" rằng, chính phủ sẽ không bỏ 460 tỉ mua lại công trình giao thông mà Công ty Tasco đã đầu tư ở tỉnh Thái Bình nhưng ở Việt Nam, chuyện "đóng" xong rồi "nhổ" là điều… bình thường. Theo báo chí Việt Nam, năm ngoái, đại diện Công ty Tasco – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT tại Việt Nam – từng tiết lộ, công ty này vay hệ thống ngân hàng 3.500 tỉ để thực hiện các công trình giao thông do họ làm chủ song phí thì Tasco thu còn lãi phải trả cho khoản đã vay ngân hàng để đầu tưthì được chính phủ… trả thay.
Năm ngoái, trong một báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính phủ Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, chủ các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đang nợ hệ thống ngân hàng khoảng 84.000 tỉ đồng. Khoản tiền khổng lồ này vốn là tiền dân chúng gửi ngân hàng theo hình thức ngắn hạn và được hệ thống ngân hàng cho chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vay dài hạn. Nếu việc thu phí của các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT không ổn định, hệ thống ngân hàng sẽ sụp. Nói cách khác, cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia đã trở thành "con tin" của những trạm thu phí.
Các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam là một loại xương của kinh tế, sinh hoạt xã hội. Nếu có một ngày, chính phủ đột nhiên vung tiền mua lại một số công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thì đó cũng chỉ là… xương và "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" tiếp tục… gặm.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 07/05/2018
Cho đến bây giờ, dư âm cuộc hội kiến giữa ông Moon Jae-in – Tổng thống Nam Hàn và ông Kim Jong-un – Lãnh tụ Tối cao của Bắc Triều Tiên vẫn còn ngân rất dài trên mạng xã hội Việt ngữ.
Hai lãnh đạo Nam và Bắc Hàn thảo luận tại Nhà Hòa Bình, Bàng Môn Điếm, 27 tháng Tư.
Chẳng phải tự nhiên mà nhiều người Việt đem cuộc hội kiến này so với sự kiện Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước, diễn ra cách nay tròn 43 năm (30/04/1975 – 30/04/2018)…
***
Không có cơ quan truyền thông chính thức nào của Việt Nam bỏ qua sự kiện Moon – Kim hội kiến, trong số này có Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam. Giống như tất cả các cơ quan truyền thông chính thức khác, Công an nhân dân cũng tỏ ra hết sức phấn khích trước viễn cảnh hòa bình đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên.
Trong "Cơ hội hiếm hoi để người dân Bắc – Nam Cao Ly quyết định vận mệnh" đăng hôm 27 tháng 4, Công an nhân dân nhận định, sự đối đầu giữa miền Bắc và miền Nam của Triều Tiên từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, đặc biệt trong cuộc chiến từ 1950 đến 1953 làm hàng triệu người thiệt mạng là… "một cuộc xung đột phi lý" chỉ vì khác biệt… "ý thức hệ" . Theo Công an nhân dân, cuộc hội kiến giữa Moon và Kim đáng trân trọng, đáng chú ý vì đã tạo ra cho "dân tộc Cao Ly quyền tự quyết định vận mệnh và tương lai, bởi một giọt máu đào hơn ao nước lã".
Những nhận định đó của Công an nhân dân không sai nhưng không may là nhận định của cơ quan ngôn luận thuộc ngành công an tại Việt Nam lại giống hệt như suy nghĩ của nhiều người, thuộc đủ mọi giới đang đòi xét lại bản chất cuộc cách mạng "Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước", thành ra một số facebooker như Nguyễn Chương khen là "lạ". Những lời khen kiểu đó khiến Công an nhân dân tự ý đục bỏ bài viết vừa dẫn ngay lập tức để thay bằng một bài viết khác, không còn những chi tiết có thể dẫn đến sự liên tưởng về cuộc chiến giữa Bắc – Nam Triều Tiên với Bắc – Nam Việt Nam như"Miền Bắc được Liên Xô ủng hộ, miền Nam được Mỹ hậu thuẫn".
***
Nhìn một cách tổng quát, cuộc hội kiến Moon – Kim diễn ra vào cuối tháng 4 là một sự ngẫu nhiên hết sức tai hại cho hệ thống Tuyên Giáo của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc duy trì nhận thức sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 như "đại công" của Đảng cộng sản Việt Nam.
Xuân Sơn Võ kể rằng khi còn nhỏ, ông đã từng hỏi nhiều người lớn rằng, tại sao Đức và Triều Tiên cũng bị chia đôi như Việt Nam nhưng không có cuộc chiến "giải phóng dân tộc" nào và câu trả lời mà Xuân Sơn Võ nhận được là : Vì chúng ta yêu nước hơn họ ! Nay, sau khi thống nhất, Đức là một trong những quốc gia nằm trong nhóm dẫn dắt thế giới. Nam Hàn thì vượt lên, trội hơn hẳn nhiều quốc gia khác với những Samsung, Huyndai...
Nếu Triều Tiên thống nhất một cách hòa bình, khả năng Triều Tiên trở thành một quốc gia hùng mạnh rất cao. Xuân Sơn Võ so thực tế đó với thực trạng Việt Nam sau 43 năm "giải phóng dân tộc" làm hàng triệu người mất mạng : Đạo đức băng hoại, xã hội càng ngày càng bất ổn, những cá nhân là thành viên hệ thống công quyền càng ngày càng tham lam, độc ác, dân chúng càng ngày càng cảm thấy bế tắc, hoang mang... Xuân Sơn Võ than : Giá mà chúng ta phải trả cho thống nhất đất nước quá đắt. Chưa kể chúng ta đang trở thành những kẻ làm thuê với thù lao rẻ mạt và đang bị chính những kẻ "không yêu nước bằng chúng ta" sai khiến, bóc lột. Có nên vui không ?
Theo xu hướng vừa kể, rất nhiều facebooker chia sẻ hàng loạt thống kê liên quan đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 như Đinh Tấn Lực : "444.000 thanh niên ‘sinh Bắc, tử Nam’. 282.000 quân nhân miền Nam tử trận. Hai triệu thường dân uổng mạng. Một triệu người phải vào các trại cải tạo, 165.000 người chết trong các trại cải tạo. 1,5 triệu người vượt biên, vượt biển. 200.000 người chết trên biển. 90 triệu người mất quyền làm người" và thay nhau nêu ra những câu hỏi kiểu như : Quang vinh hay tội ác ? Giải phóng hay sát nhân uống máu để ăn mừng ?
Đọc xong bài viết ca ngợi sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 trên báo Nhân Dân vào dịp này, có những facebooker như Đào Tuấn điểm lại các sự kiện mới nhất, vừa diễn ra sau 43 năm ngày "thống nhất" mà tính chất chẳng khác những tiếng thở dài : Nếu không có vụ Quốc Cường Gia Lai mua đất Thủ Thiêm, chúng mình không hề biết tại sao Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lại làm kinh tế, làm để làm gì, ai tiêu ! Không có vụ trẻ em bị hiếp sống bởi một đảng viên 45 tuổi đảng thì không biết 43 năm qua, có tới chín đơn vị cùng giữ chức năng bảo vệ trẻ em. Không hề biết vì sao lại có Hội Phụ nữ khi họ im lặng lúc một phụ nữ đơn thân bị hiếp sống giữa đêm và công an thì bảo là thông dâm. Không biết có các hội chống hàng giả, khi xảy ra những chuyện như thuốc ung thư làm từ than tre, Capital H hay cà phê pin (giờ là tiêu pin). Không hề biết trên đời có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi nhà mạng đè nghiến con nhà người ta ra chụp ảnh. 43 năm và một phiên đại án (Oceanbank), khi các cổ đông tư nhân đòi bồi hoàn thiệt hại như cổ đông nhà nước, thẩm phán - chủ toạ bảo rằng : "Cũng có lý, nhưng khó khả thi" ! 43 năm và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo huỷ một hợp đồng kinh tế… Chúng mình đã ra khỏi rừng đâu !
Tịnh Văn Võ quy tình thế càng ngày càng nan giải, bi đát của quốc gia, dân tộc là do… thực dân Pháp. Nếu "bọn thực dân" đừng… cách chức cụ Sắc thì cháu Cung đâu có… đói meo tới mức phải bò lên tàu của Pháp xin làm Oshin. Nếu bọn lái buôn Pháp không tuyển dụng Oshin phụ bếp thì đâu có vụ "ra đi tìm đường cứu nước". Giờ, Việt Nam thua cả Lào, Campuchia là vì… thực dân Pháp !
Tran Manh Hao trách thêm "tên tổng thống Pháp gian ác thời đó" không cho anh Nguyễn Ái Quốc vào học trường thuộc địa như anh ấy xin. Nếu được vào đó, học xong, anh Nguyễn Ái Quốc làm quan cho Pháp thì dân tộc Việt Nam hôm nay đã không bị chủ nghĩa cộng sản đầy đọa thảm khốc thế này ! Nam Tran kêu Trời khi "miền Nam luôn ở trong trái tim" của ông Hồ Chí Minh nên ông xua hơn một triệu thanh niên miền Bắc đi cưỡng chiếm bằng được miền Nam trong suốt ba mươi năm, kể cả "phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn". Theo Nam Tran, nếu ông Hồ Chí Minh không "yêu" miền Nam cuồng nhiệt đến thế thì ít nhất một nửa Việt Nam) đã hơn Nam Hàn. Thanh niên toàn quốc không phải tìm mọi cách lo lót để được ra đi làm nô lệ cho xứ Kim Chi như hiện nay !
***
Dẫu bên cạnh hoan hỉ, cuộc hội kiến giữa Moon và Kim không thể xóa sạch nghi ngại và không thiếu người cám cảnh, than như Truong Huy San : Nhà Kim giữ Bắc Hàn làm con tin hơn 65 năm, nay chỉ hứa "buông dao", "Kim Đệ tam" đã được tung hô như một anh hùng.
Thế nhưng dõi theo lộ trình hòa giải của dân tộc Triều Tiên, so lộ trình ấy với tiến trình "giải phóng miền Nam" và tiến trình phát triển của Việt Nam sau thống nhất, giới sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vẫn nêu ra giả định, kiểu như Tran Nhat Binh : Nếu Bắc Hàn và Nam Hàn thống nhất không tốn giọt máu nào thì lại có thêm bằng chứng cho quan điểm, thống nhất không nhất thiết phải là huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Viễn cảnh Triều Tiên thống nhất còn "rất xa vời" nhưng giống như nhiều người, lộ trình ấy là nền để Bình nêu ra thắc mắc đang ám ảnh nhiều người : Có dứt khoát phải thống nhất bằng máu của đồng bào mình không ?
Cũng tham gia bình luận về cuộc hội kiến giữa Moon và Kim, Chanh Tam cho rằng, hình ảnh Moon và Kim nắm tay nhau, đắt nhau qua lại lằn ranh phân đôi Triều Tiên là một thông điệp mà người Triều Tiên muốn chuyển cho thế giới, hòa bình - thống nhất trên bán đảo Triều Tiên phải đến từ sự dàn xếp của chính dân tộc Triều Tiên, chứ không phải là kết quả của một cuộc ngả giá giữa các thế lực. Hai chế độ xã hội thù nghịch dường như đều cố kiềm chế để thể hiện họ sẵn sàng cùng đứng về một phía, một bên - bên trong cuộc. Theo Chanh Tam, chính lựa chọn đó làm không ít người Việt chạnh lòng.
Chanh Tam lặp lại, 45 năm trước, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam thiếu chữ ký của Việt Nam Cộng hoà. Giới lãnh đạo miền Bắc Việt Nam khi đó chọn tư thế đàm phán trực tiếp với Mỹ chứ không phải là với anh em khác chiến tuyến. Có thể lịch sử cũng từng có cơ hội cho một nền hòa bình chỉ còn một bên - bên trong cuộc - nhưng khi hòa bình đến Việt Nam thì đó lại là nền hòa bình được "phân công". Chiến tranh chấm dứt bằng thắng – thua. Ý chí thống nhất đất nước đã biến dịch thành ý chí thống nhất chế độ xã hội. Cuộc đoàn tụ dân tộc trong khát vọng mãnh liệt của người Việt Nam đã đi quanh co trong lối diễn giải của bên thắng cuộc về ngày 30/04/1975.
Nhìn lại 43 năm vừa qua, Chanh Tam bảo rằng, chúng ta đang tái lập các tệ trạng vốn là lý do để tiến hành tiến trình "giải phóng" : Từ sự chi phối của ngoại bang cho đến sự xuất hiện của các thế lực đè đầu cưỡi cổ nhân dân, tham nhũng, bất công,... 43 năm sau, một phần lãnh thổ đã rơi vào tay "đồng chí" từng "phân công" chúng ta vào cuộc chiến… Khát vọng hòa bình, thống nhất không bao giờ nên là cuộc cờ chỉ còn bên thắng cuộc. Người Việt Nam dường như có sẵn sự đồng cảm này với người Triều Tiên song chọn cách nào để trở thành bên trong cuộc ? Theo Chanh Tam, có lẽ người Việt phải chờ trải nghiệm tiếp theo của dân tộc Triều Tiên. Khó có thể hình dung khẩu khí bom hạt nhân lại mang đến hòa bình, thống nhất. Cũng không có thứ hòa bình, thống nhất nào làm tức mắt thiên hạ kiểu hồng hộc chạy bộ để che chắn cho chiếc xe chở lãnh tụ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/05/2018