Hai chữ "nghiêm minh" tiếp tục khiến người ta cảm thấy buồn cười khi lãnh đạo Bộ Quốc phòng đang "chỉ đạo xử lý" những hậu quả do Tổng Công ty Thái Sơn (doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng thành lập, chỉ đạo, giám sát hoạt động) đã gây ra cho kinh tế, xã hội, uy tín quân đội…
Đại tá Phùng Danh Thắm (trái), Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, bị khởi tố về cáo buộc "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong khi Đại tá Bùi Văn Tiệp, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân, bị cáo buộc "lợi
Nếu giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng không đặt ra, bám vào chủ trương "quân đội làm kinh tế", sẽ không có chuyện Thượng tá Đinh Ngọc Hệ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, tự "Út trọc", tự "Út Bộ trưởng", tung hoành ngang dọc, khuấy đảo "giang hồ", không có sự kiện Đại tá Phùng Danh Thắm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Đại tá Bùi Văn Tiệp – cựu Tư lệnh Sư đoàn 367 của Quân chủng Phòng không – Không quân, trở thành bị can, không có vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" làm dư luận rúng động (1) !
Về lý thuyết, vạch ra đường hướng để thực hiện tội phạm là chủ mưu, tạo ra những tiền đề nhằm hỗ trợ hành vi phạm tội ít nhất cũng bị xem là đồng phạm. Có bao giờ, ở đâu, chủ mưu hay đồng phạm có thể đứng ra "chỉ đạo xử lý tội phạm" mà còn được khen là "đi đầu", "nghiêm minh" ?
***
Tháng 6 năm ngoái, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn "đất quốc phòng", tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh "sự nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), một Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dõng dạc cam kết : Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (2).
Chuyên gia nhiều giới đã từng trưng nhiều bằng chứng cả trong lẫn ngoài Việt Nam, khuyến cáo nên loại bỏ chủ trương "quân đội làm kinh tế" vì đó là cội nguồn của nhiều vấn nạn : Dễ bị các cá nhân lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có "nứt đố, đổ vách", ăn chơi phè phỡn, chưa kể "quân đội làm kinh tế" sẽ khiến lãnh đạo quân đội chao đảo, bị khuynh đảo vì lợi…
Đó là lý do cam kết của tướng Lê Chiêm, có sự hiện diện của Thủ tướng Việt Nam như một nhân chứng được nhiều giới tán thưởng, khen là sáng suốt (3). Tuy nhiên niềm vui "ngắn chẳng tày gang". Chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là tướng Nguyễn Chí Vịnh "đăng đàn", phủ nhận cam kết của đồng liêu. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội ( ?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm "cũng đúng nhưng không đầy đủ". Tướng Vịnh thay mặt quân đội "nói lại cho rõ" là : "Quân đội sẽ tiếp tục làm "kinh tế quốc phòng", thậm chí "sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (4)" !
Không chỉ khẳng định quân đội sẽ tiếp tục "tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế" vì đó là "chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội", Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng còn gọi tất cả những người góp ý rằng quân đội nên thôi, đừng làm kinh tế là "chúng", là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch. Tướng Lịch nhấn mạnh : "Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội" cho nên "trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh" để "chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn" (5).
Chủ trương "quân đội làm kinh tế" đã tạo ra một sĩ quan cấp bậc đại tá liên tục là "doanh nhân tiêu biểu" của "Việt Nam", "doanh nhân tiêu biểu" của "khối doanh nghiệp Trung ương", "doanh nhân tiêu biểu" của "khối doanh nghiệp quân đội", "doanh nhân tiêu biểu" của "khối doanh nghiệp Sài Gòn",... những danh hiệu ấy còn giúp Đại tá Phùng Danh Thắm liên tục được Thủ tướng tặng bằng khen "vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiều năm" (6). Cuối tuần rồi, Đại tá Thắm bị khởi tố. Chẳng có "thế lực thù địch" nào rờ tới Đại tá Thắm. Chính... "ta" tống giam ông Đại tá – "doanh nhân tiêu biểu" đã từng được xem như một cá nhân xuất sắc, lãnh đạo một doanh nghiệp đang ra sức "chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn" ấy !
***
Giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, rồi giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam từng nói rất nhiều về sự câu kết giữa nhiều cá nhân với nhau để trục lợi, bất kể đạo lý, bất chấp luật pháp và gọi những cá nhân ấy là "nhóm lợi ích".
Dẫu giờ đã rõ, Tổng Công ty Thái Sơn – một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của Bộ Quốc phòng – là ổ tội phạm, dẫu có nhiều thắc mắc chưa được giải đáp, chẳng hạn tại sao quân đội có "Quân ủy trung ương", có lực lượng tình báo, lực lượng an ninh rải khắp nơi nhưng giờ mới biết, giờ mới ngăn chặn, xử lý, giờ mới "phát hiện" Đinh Ngọc Hệ tự "Út Trọc", tự "Út Bộ trưởng" danh vang bốn bể, sử dụng bằng cấp giả ( ?), dẫu chẳng có chứng cứ nào cho thấy các viên chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng dính "chàm" nhưng chẳng lẽ cam kết của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, giới lãnh đạo chính phủ Việt Nam về việc truy cứu trách nhiệm những người đứng đầu là cam kết suông ?
Chẳng lẽ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và những ông tướng nhất mực cổ súy cho việc duy trì hiện trạng "quân đội làm kinh tế" vẫn hoàn toàn vô can, vẫn không hề có bất kỳ liên đới nào về mặt trách nhiệm ? Chủ trương "quân đội làm kinh tế" đâu chỉ tạo ra scandal Đồng Tâm, scandal sân golf Tân Sơn Nhất. Chủ trương rất nhất quán đó đã giúp Công ty Long Biên (chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất) thâu tóm phi trường quân sự Gia Lâm (Hà Nội), biến cả phi trường này thành sân golf Long Biên, dẫu cũng có hàng loạt sai phạm được xác định là nghiêm trọng (sai qui hoạch chi tiết, tự ý thay đổi thiết kế đã được phê duyệt – xây dựng thêm nhiều khối nhà không có trong giấy phép, làm thêm tầng cho một số khối nhà khác, thu hẹp hệ thống giao thông nội bộ và hệ thống xử lý nước thải…) (7), song cũng giống như sân golf Tân Sơn Nhất, Công ty Long Biên vẫn "bình an, vô sự".
Nhìn lại riêng năm ngoái, nếu không có chủ trương "quân đội làm kinh tế", chắc chắn không có thêm hàng loạt scandal khác : Lữ đoàn 170 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân băm ba trái núi ven vịnh Hạ Long - vốn bất khả xâm phạm vì thuộc khu vực đã được UNESCO xác định là "di sản thiên nhiên của thế giới" - để lấy vôi (8) ! Sư đoàn 370 Không quân lấy một phần đất vốn cũng thuộc phi trường Tân Sơn Nhất giao cho một số doanh nghiệp xây dựng các khu giải trí, dịch vụ mà không hề xin phép, không cho chính quyền địa phương vào kiểm tra với lý do đó là "khu vực quân sự" (9) ! Bộ Tư lệnh Hải quân các vùng 3, 4, 5 đứng ra làm lá chắn cho một số doanh nghiệp móc cát ở những đoạn bờ biển xung yếu (Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc,…) để bán cho Singapore, bất chấp sạt lở đã nhãn tiền, nhờ khoác vỏ "quốc phòng" được tạo điều kiện mua đi, bán lại quyền "nạo vét" theo kiểu bán mười - khai một trốn đủ loại thuế nhưng đến nay, vẫn không có doanh nghiệp nào "mắc nạn" (10).
***
Cuối tuần rồi, truyền thông Mỹ loan báo, Học viện đào tạo Hạ sĩ quan cao cấp của Lục quân Mỹ (U.S. Army Sergeants Major Academy) vừa khởi động một cuộc điều tra để xác định bản chất 700 áo thun của công ty Grunt Style.
U.S. Army Sergeants Major Academy là nơi Lục quân Mỹ đào tạo các Thượng sĩ nhất trong vòng 10 tháng, trước khi lựa chọn - bổ nhiệm họ làm Thượng sĩ nhất Thường vụ của các đơn vị từ cấp tiểu đoàn trở lên. Những Thượng sĩ nhất này thường rời khỏi trường với một vài vật kỷ niệm về khóa mà họ đã theo học.
Mới đây, mỗi thành viên của khóa 68 được tặng một áo thun. U.S. Army W.T.F. ! Moments – blog chuyên bới tìm, thu thập những thông tin, sự kiện thuộc loại coi không được trong Lục quân Mỹ - bảo rằng, những chiếc áo thu đó là quà tặng của Grunt Style. Họ nhấn mạnh, Grunt Style là một doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo phỏng theo kiểu quân đội, do vậy nhận tài trợ của Grunt Style là "phi đạo đức" và vi phạm luật pháp.
Đại diện Grunt Style phản bác đã tài trợ áo thun cho U.S. Army Sergeants Major Academy nói chung và khóa 68 nói riêng. Họ khẳng định, đã nhận được một đơn đặt hàng 674 áo thun và đã được thanh toán tiền. Bởi quân đội Mỹ nghiêm cấm vận động và nhận quà từ bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nếu cá nhân hay nơi tài trợ đang hoặc sẽ có thể đạt được những lợi ích nào đó từ vị trí của người nhận quà hay loại công việc mà người nhận quà đảm nhận nên Phát ngôn viên của U.S. Army Sergeants Major Academy vừa loan báo, học viện này đã mở cuộc điều tra để xác định thực hư(11).
Chẳng thể và cũng không nên xem Mỹ là mẫu mực. Câu chuyện vừa kể chỉ là một ví dụ về quan niệm cũng như một số cách thức mà thiên hạ đặt ra để bảo đảm quân đội của họ "tận trung" với quốc gia, "tận nghĩa" với dân tộc, không bị biến thành con rối, múa may dưới tác động của lợi ích. "Quân đội làm kinh tế", doanh nhân được vời vào phong hàm sĩ quan, sĩ quan trở thành "doanh nhân tiêu biểu" từ khi quân đội thôi "trung với nước" để "trung với Đảng". Kết quả như đã thấy. Nếu thật sự tâm niệm và không ngừng nỗ lực xây dựng quân đội chính qui, hiện đại, tại sao giới lãnh đạo quân đội vẫn mê tạo bóng cho một số cá nhân núp, lúc thấy không ổn cho mình thì đuổi ra và mạnh miệng bảo rằng, đó là "nghiêm minh" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/05/2018
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/thai-son-bo-q-p-lien-quan-gi-den-dai-ta-phung-danh-tham-20180429081359701.htm
(3) http://dantri.com.vn/blog/mung-vi-quan-doi-se-khong-lam-kinh-te-20170626040806638.htm
(7) http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Hang-loat-sai-pham-dong-troi-tai-san-golf-Long-Bien-post160928.gd
(8) http://vtc.vn/cong-trinh-khai-thac-da-tren-vinh-ha-long-de-nghi-bo-quoc-phong-vao-cuoc-d332703.html
(10)http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161203/vi-sao-cat-phu-quoc-van-chay-sang-singapore/1229737.html
Phàm đã là người Việt thì câu hỏi "Biển Đông là của… Canada ?" rõ ràng là ngớ ngẩn ! Thế nhưng dẫu có bị mắng là… thậm ngu thì cũng khó ngậm hột thị !
Thượng nghị sĩ Canada Ngô Thanh Hải.
Nếu Biển Đông không phải là của Canada thì hà cớ gì Thượng viện Canada lại lên án chuỗi hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông, xác định bản chất chuỗi hành động đó là "thù địch" và sẽ gây nguy hại cho nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Canada với Trung Quốc ?
Nếu Biển Đông không phải là của Canada thì hà cớ gì Thượng viện Canada lại tranh cãi kịch liệt tới mức, dẫu chiếm đa số song khi biểu quyết thông qua khuyến nghị lên án Trung Quốc, phe tán thành khuyến nghị này tại Thượng viện Canada chỉ có 43 phiếu, phe phản đối kiếm được 28 phiếu, có tới sáu Thượng nghị sĩ vì phân vân giữa cần lên án với cần bảo vệ quyền lợi của Canada tại Châu Á thành ra không bỏ phiếu ?
Ai cũng biết thị trường Trung Quốc hấp dẫn, hứa hẹn nhiều cơ hội, kinh tế - thương mại của một quốc gia sẽ phát triển nếu giữ được quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Quốc.
Nếu Biển Đông không phải là của Canada, hà cớ gì Thương viện Canada lại dùng khuyến nghị vừa kể chọc cho Trung Quốc nổi điên, nhảy dựng lên, chỉ mặt Thượng viện Canada, cáo buộc Thượng viện của xứ sở này "vô trách nhiệm" và "quấy rối" ?
***
Có cả trăm triệu người khẳng định Biển Đông là của người Việt, cho dù hết thế hệ này đến thế khác của người Việt đã dùng mồ hôi, nước mắt, thẫm chí cả máu, thay nhau minh định điều đó nhưng Biển Đông có phải là của người Việt hay không vẫn cứ phải xem lại !
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao hết thập niên này đến thập niên khác, ngư dân Việt bị rượt, bị đuổi khỏi các "ngư trường truyền thống" bằng đủ mọi cách, húc cho hư tàu, đâm cho chìm tàu, tịch thu ngư cụ, hải sản - thành quả lao động, bị đấm đá, bị bắn... mà chỉ có thể kêu Trời ?
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao năm 1958 lại có những người Việt soạn - trình cho Trung Quốc một công hàm và Trung Quốc dùng công hàm ấy như một bằng chứng, chứng minh Việt Nam đã phủ nhận chủ quyền của chính mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ?
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, trong lúc một bên cố giữ bằng máu thì một bên bảo nhau im lặng ?
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao năm 1988, ngay sau khi Trung Quốc vừa giết 64 người lính Việt, vừa cưỡng đoạt xong bảy bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên - Cuarteron, Chữ Thập - Fiery Cross, Ga Ven - Gaven, Gạc Ma - Johnson, Tư Nghĩa - Hughes, Vành Khăn - Mischief, Xu Bi - Subi), lúc đến thăm quần đảo Trường Sa nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Truyền thống của Quân chủng Hải quân (07/05/1955 - 07/05/1988), ông Lê Đức Anh - thời điểm ấy là Bộ trưởng Quốc phòng - vẫn khẳng định "nhân dân Việt Nam biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc", dù "nhất quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" nhưng sẽ "nhớ mãi không bao giờ quên tình sâu nghĩa nặng giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, kiên trì phấn đấu để khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước" ?
Nếu Biển Đông là của người Việt, chuyện Trung Quốc bồi đắp bảy bãi đá ngầm đã chiếm của Việt Nam thành chuỗi căn cứ quân sự nhằm hiện thực hóa dã tâm mà ai cũng thấy là độc chiếm Biển Đông thì tại sao đã xây dựng Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại Lý Sơn - Quảng Ngãi như một cách trưng bày dấu tích về lịch sử chủ quyền của người Việt trên Biển Đông, lại còn dẫn những "lời vàng, ý ngọc" của ông Lê Đức Anh về ơn nghĩa Trung Quốc và mối tình sâu nặng giữa Việt với Trung ?
Nếu Biển Đông của người Việt, tại sao bày tỏ ý chí "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam" bị xem là "phản động", bị trừng trị một cách nghiêm khắc như một cách răn đe đám đông ?
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao ngày 19 tháng trước, tàu Trung Quốc vừa đâm cảnh cáo tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90559 của ngư dân Việt Nam để đuổi ra khỏi vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa vì đó là "vùng biển thuộc chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa", ngày 22 tháng trước có thêm tàu đánh cá mang số hiệu QNa 90822 của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tịch thu toàn bộ ngư cụ, bị người của Trung Quốc phá hủy nhiều thiết bị hỗ trợ hải hành… mà ngày 1 tháng này, hết Thủ tướng Việt Nam hứa với Ủy viên Quốc vụ viện kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc rằng sẽ hết sức "duy trì sự ổn định và kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông", tới Ngoại trưởng Việt Nam nhẫn nại đề nghị "kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy tiến triển trong đàm phán cấp chính phủ" để"phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc" ?
Tại sao chỉ trong vòng ba tuần sau khi Thủ tướng hứa, Ngoại trưởng đề nghị, tàu Trung Quốc tiếp tục tịch thu toàn bộ ngư cụ, hải sản của tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90332, đâm chìm tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90046 của ngư dân Việt Nam mà chính phủ vẫn làm thinh, Quốc hội vẫn không nói tiếng nào ?
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao trước nay, chỉ có Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối các lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông ?
Nếu Biển Đông là của người Việt thì tại sao những hành động của Trung Quốc : Cài đặt các thiết bị tác chiến điện tử gây nhiễu sóng, tổ chức thi công cả dưới nước lẫn trên các hòn đảo, bãi đá ngầm ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, tổ chức du lịch, đua thuyền… rõ ràng là "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" mà các Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chỉ"đề nghị Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này" ?
***
Thượng viện Canada có 105 Thượng nghị sĩ. Ngay sau khi Thượng viện Canada công bố khuyến nghị đã kể, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa đã phát hành một thông cáo, xác định Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải chính là "tác nhân gây rối". Ông Hải - 71 tuổi - đã bỏ ra hai năm để tác động các đồng liêu nhất trí trong việc lên án Trung Quốc hành xử càn rỡ ở Biển Đông.
Ông Hải là Thượng nghị sĩ duy nhất trong Thượng viện Canada có "dây mơ, rễ má" với Biển Đông vì… gốc gác của ông.
Tùy khóa (nhiệm kỳ) nhưng lúc nào Quốc hội Việt Nam cũng có hơn 400 đại biểu. Nhiệm kỳ hiện tại có 496 đại biểu. Ngoài câu hỏi ngớ ngẩn : "Biển Đông là của… Canada ?", xét về tương quan Việt Nam - Biển Đông, đem so những gì ông Hải đã làm ở Thượng viện Canada với hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong vài thập niên gần đây, sẽ có thêm một câu hỏi ngớ ngẩn hơn nữa : Quốc hội Việt Nam có người Việt nào không ?
Nếu Quốc hội Việt Nam có người Việt, tại sao chưa bao giờ Quốc hội Việt Nam phát hành một nghị quyết lên án Trung Quốc càn rỡ ở Biển Đông như Thượng viện Canada ? Xét về bản chất, giá trị một nghị quyết của Quốc hội vượt xa, hơn hẳn tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bởi Quốc hội thể hiện ý chí của cả một dân tộc. Vậy mà ngay cả vào thời điểm sôi bỏng nhất - Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa - Quốc hội Việt Nam vẫn không phát hành nghị quyết nào. Chỉ có ông Nguyễn Sinh Hùng, lúc đó là Chủ tịch quốc hội lên án Trung Quốc lúc… phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa 13 hôm 24 tháng 6 năm 2014 !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/04/2018
********************
Báo Trung Quốc ám chỉ dân biểu Canada ‘thông đồng’ với Việt Nam ? (VOA, 30/04/2018)
Một tờ báo có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc mới lên tiếng chỉ trích kiến nghị về Biển Đông của Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải, nói rằng ông nêu lên vấn đề tranh chấp chủ quyền này vì có "gốc gác Việt Nam".
Bản kiến nghị do ông Hải bảo trợ đã được Thượng viện Canada thông qua hôm 24/4 với tỷ lệ phiếu thuận chống 43/29 sau hơn hai năm tranh luận.
Thượng nghị sĩ 71 tuổi thuộc Đảng Bảo thủ sau đó ra tuyên bố nói rằng quyết định trên cho thấy "Thượng viện Canada quan ngại về thái độ thù nghịch leo thang của Trung Quốc", đồng thời "thúc giục chính phủ phải có các bước đi cần thiết nhằm hạ giảm căng thẳng và khôi phục hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Trong bài bình luận đăng hôm 30/4 có tựa đề "Canada phải áp dụng chính sách toàn diện và ổn định về Trung Quốc", tờ Hoàn cầu Thời báo đề cập tới thông tin ông Hải là "thượng nghị sĩ Canada gốc Việt đầu tiên".
"Không có gì ngạc nhiên khi ông ta có chung quan điểm với đất nước nơi mình sinh ra về tranh chấp Biển Đông", nhật báo thuộc cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc viết tiếp.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái.
Trả lời VOA tiếng Việt, ông Hải cho biết rằng ông hy vọng bản kiến nghị sẽ khiến Việt Nam "thức tỉnh và hành động".
Canada là một trong các nước có đông người gốc Việt sinh sống bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Mới đây, hôm 13/4, thượng nghị sĩ từng là thuyền nhân đã lên tiếng kêu gọi Hà Nội thả các nhà bất đồng chính kiến, trong đó có luật sư Nguyễn Văn Đài. Việt Nam lâu nay vẫn khẳng định chỉ tống giam "những ai vi phạm pháp luật".
Không chỉ ông Hải, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng nằm trong "tầm ngắm" của tờ báo Trung Quốc từng nhiều lần chỉ trích "sự can dự" của các nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Global Times cho rằng "thái độ của Canada" về Biển Đông một phần cũng "do chính sách đối ngoại của Thủ tướng Justin Trudeau".
"Nhà lãnh đạo trẻ thích tuyên bố rằng Canada đã trở lại. Trong chiến dịch tranh cử, ông ta tuyên bố tiếp tục chính sách của người cha quá cố, hậu thuẫn việc quốc tế hóa và đa phương hóa cũng như cải thiện hình ảnh của đất nước ngày càng gây tranh cãi dưới chính quyền của phe Bảo thủ", tờ báo viết thêm.
"Canada chưa tìm ra một chính sách toàn diện và ổn định về Trung Quốc và thường bị Mỹ tác động khi cân nhắc quyền lợi của mình".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái.
Trung Quốc lâu nay chỉ muốn đối thoại trực tiếp với các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, không muốn "đa phương hóa" vấn đề này.
Trong bài bình luận, Global Times cũng cho rằng "Việt Nam đã củng cố liên minh quân sự với Hoa Kỳ và hành động đầy khiêu khích ở Biển Đông".
Về cuộc tập trận của Trung Quốc mới đây ở Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 19/4 nói rằng "Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".
"Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán và mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông", bà Hằng nói thêm.
Hai ngày trước đó, Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử vào vị trí Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, nói với các nhà lập pháp nước này rằng Trung Quốc hiện đủ mạnh để có thể "thâu tóm" Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.
Viễn Đông
Tuần này, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thi nhau bày tỏ sự oán giận giới mà về lý thuyết là đầy tớ của họ.
Dư luận nói rằng căn biệt thự của đại tá Lê Văn Tam là do Phan Văn Anh Vũ tặng.
Xét về logic, oán giận kẻ… dưới là một nghịch lý. Thế nhưng bên cạnh nghịch lý này còn thêm một nghịch lý nữa : Dù oán giận dâng cao nhưng giới mà về lý thuyết được xem là chủ hoàn toàn… bất lực !
***
Đầu tuần này, Đại tá Lê Văn Tam "vời" báo giới đến nói chuyện. Có thể là ông Đại tá Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng tin rằng, hệ thống truyền thông chính thức sẽ giúp ông "giải độc dư luận". Trong bối cảnh xã hội như hiện nay, cáo buộc ông nhận từ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") một biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng, dẫu chỉ lan truyền trên mạng xã hội cũng hết sức tai hại cho cả "sự nghiệp chính trị" lẫn "sinh mạng chính trị" của ông.
Tuy "lưỡi không xương" - đã phủ nhận biệt thự có diện tích tới 1.000 mét vuông, tọa lạc trong Europe Village mà gia đình ông sở hữu có dính dáng tới Vũ "nhôm", thậm chí đã khẳng định, đang suy nghĩ xem có nên đề nghị hệ thống công quyền điều tra, xử lý "thông tin có tính bịa đặt" này hay không. Song Đại tá Tam không thể giải thích tại sao ông chỉ là sĩ quan công an, vợ chỉ là giáo viên mà có thể tạo lập một biệt thự song lập trong khu dân cư được xem là sang trọng nhất Đà Nẵng.
Nỗ lực "giải độc dư luận" của Đại tá Tam không chỉ bất thành mà còn phản tác dụng.
Qua tờ Tuổi Trẻ, một tiến sĩ tên là Nguyễn Hoàng Chương trình bày tính toán của ông, theo đó, thu nhập tối đa của một viên chức trong hệ thống công quyền ở Việt Nam khoảng 30 triệu đồng/tháng, muốn tạo lập bất động sản có giá trị 100 tỉ đồng thì phải mất… 277 năm, vậy mà không ít viên chức đang là chủ khối tài sản khổng lồ cỡ như vậy. Ông Chương kể rằng, ông đã thử vào google, lấy "biệt phủ" (danh từ mà công chúng, báo giới ở Việt Nam thường dùng để mô tả các tư gia nguy nga, lộng lẫy của giới đầy tớ ở Việt Nam) làm "keyword" để tra thông tin thì chỉ cần 0,49 giây đã tìm thấy 4,92 triệu đề mục ! Ông Chương gọi thực tế vừa kể là nghịch lý, là nguyên nhân dấy lên những bất bình, mỉa mai của dân chúng.
Tuy xác định những viên chức thủ đắc, sở hữu các khối tài sản khổng lồ là bất chính, là bán mình cho quỷ, đề cập đến lòng tự trọng, sự liêm chính nhưng nhìn chung ông Chương bày tỏ suy nghĩ của ông hết sức chừng mực. Báo chí chính thức luôn luôn như thế, thậm chí không muốn cũng phải giữ cho được sự chừng mực như thế giống như "giữ con ngươi trong mắt mình".
Mạng xã hội thì khác…
Từ đề nghị của Lợi Mai Phan - dùng năm từ để diễn đạt theo hướng hài hóa lý do các viên chức có trăm tỉ, tạo lập "biệt phủ" - Văn Song Nguyễn khái quát : Tiền của dân cả đấy ! Nguyễn Tiến góp vào, đó là : Không từ một thứ gì ! Xuan Hoang thì bảo đó là : Thế thì chỉ có cướp ! Vinh Tran nhận định đó là : Cướp không có đối lập ! Đơn Thương Độc Mã thì bỡn cợt : Hồng phúc của nhân dân. Đặt mình vào vị trí viên chức, Peter PeterTran Tran đề nghị : Ơn cái ổ tò vò. Tương tự, Trần Văn Thắng cho rằng, đó là : Ơn Đảng, ơn Chính phủ !...
Cũng đã có những facebooker như Thương Nguyễn Thị kêu gọi Đại tá Tam công khai hóa nguồn gốc số tiền ông kiếm được để tạo lập biệt thự song lập trong Europe Village. Theo hướng một số viên chức đã bị lộ từng chọn để biện bạch về nguồn gốc tài sản (làm vườn, nuôi heo, bện chổi, chạy xe ôm, nhận thừa kế…), Tuan Anh Vu đề nghị Đại tá Tam nên giải thích là "trúng số". Minh Tran thì khuyên chỉ nên giải thích chung chung rằng "nhờ các… biện pháp nghiệp vụ". Sông Chu hiến kế, Đại tá Tam nên chọn lý do đó là thu nhập từ "nhặt rác ngoài giờ". Bởi Đại tá Tam là dân Quảng Nam, thành đạt ở Đà Nẵng và có lẽ là đồng hương của ông Tam, Phong Nguyễn phỏng đoán, có thể Đại tá Tam sẽ chọn lý do "vác đá mướn ở Ngũ Hành Sơn" để giải thích tại sao ông giàu… Dường như chẳng còn lòng dạ nào để đùa, Lại Thành Long than, rừng vàng, biển bạc cần bảo tồn thì không giữ được, lũ súc sinh này không cần bảo tồn mà sao lắm vậy ?…
Giữa lúc mũi dùi của dư luận và công luận đang chĩa vào Đại tá Tam, Trần Hồng Tiệm khuyến cáo, có một câu hỏi khác đúng hơn, cần nêu ra là Ủy viên nào của Bộ chính trị, Ủy viên nào của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không có "biệt phủ" ? Tại sao tất cả họ đều giàu và nguồn gốc những khối tài sản khổng lồ ấy từ đâu mà có ? Không nêu câu hỏi ấy thì chuyện trở thành vô nghĩa.
Chưa biết lúc nào thì dân chúng nhập cuộc, điều tra - trưng bày thông tin, hình ảnh về tài sản là "bề nổi" của các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam như gợi ý của Trần Hồng Tiệm nhưng ít nhất trong tuần này, ngoài Đại tá Tam được dư luận bày lên… đĩa, còn có ít nhất một viên chức khác, dẫu chức vụ không cao nhưng tài sản đủ làm thiên hạ choáng váng đã được chọn - giới thiệu trên facebook…
Chỉ qua ba tấm ảnh, Trương Châu Hữu Danh làm nhiều người sững sờ về tư gia của ông Trần Ngọc Quang - cựu Chủ tịch huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Hồi còn tại nhiệm, ông Quang là người thúc giục kiểm lâm, công an săn lùng lâm tặc. Trước lúc nghỉ hưu, ông bắt đầu xây tư dinh toàn bằng danh mộc (căm xe, cà chít) ngay bên cạnh Hạt Kiểm lâm Ea Súp. Ông Quang khoe, ông phải thuê thợ mộc từ miền Trung lên để dựng tư dinh, tạo tác vật dụng trong nhà từ danh mộc gỗ (hương, cẩm lai), công việc kéo dài suốt ba năm. Tư dinh của ông Quang không chỉ lớn nhất huyện Ea Súp mà còn là dinh thự thuần túy bằng gỗ lớn nhất Tây Nguyên. Danh than, anh ở Long An, mỗi khi có khách, Danh thường dẫn họ đi thăm "Nhà Trăm cột" - một di tích văn hóa cấp quốc gia và cũng là một trong những niềm tự hào của dân Long An. "Nhà Trăm cột" vốn là tư gia của một đại điền chủ - siêu giàu, được dựng khi rừng còn bạt ngàn nhưng sau khi tham quan dinh thự bằng gỗ của ông Quang, Danh thấy "Nhà Trăm cột" xứ mình chỉ là… "muỗi" !
Bên ngoài căn nhà của ông Trần Ngọc Quang. Ảnh: PLO
Danh nói thêm, tháng vừa qua, anh đã đi khắp Tây Nguyên, từ Đắk Nông sang Đắk Lắk, tới Gia Lai, Kon Tum rồi qua Lâm Đồng, dù đã có lệnh đóng cửa rừng, chỗ nào cũng thấy rừng bị triệt phá, gỗ từ rừng vẫn ào ạt chảy đi các nơi… Có vào rừng mới thấy, lâm tặc là thành phần dưới đáy xã hội. Lệnh đóng cửa rừng chỉ làm "chi phí bôi trơn" tăng lên, thu nhập của lâm tặc giảm xuống. Ở thành phố Buôn Ma Thuật hiện không thiếu những ngôi nhà gỗ trị giá hàng triệu Mỹ kim. Chủ nhân những ngôi nhà ấy không phải là những doanh nhân siêu giàu mà là các viên chức.
Dư luận về dinh thự bằng gỗ của ông Quang từng buộc Tỉnh ủy Đắk Lắk phải kiểm tra. Vì ông Quang sử dụng đến 153 mét khối gỗ bất hợp pháp nên Tỉnh ủy Đắk Lắk nhìn nhận "không thể xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự". Tuy nhiên Tỉnh ủy Đắk Lắk không chuyển hồ sơ cho công an. Công an không có căn cứ để khởi tố thành ra… huề ! Danh cho rằng, trước giờ, hàng lậu thường được xử lý bằng cách đốt, có lẽ ông Quang nên đốt dinh thư bằng gỗ của mình rồi giơ tay chịu trói để làm gương.
Đọc xong status của Danh, Johny Duong chửi thề vì "nhà cán bộ kiểu này thì rừng trọc hết là phải". DL Ngọc Hiền thắc mắc : Chắc mấy thằng này coi chánh phủ như bù nhìn ! Và tự trả lời luôn : Ờ mà cũng giống bù nhìn thiệt ! Đêm Trường Trung Cổ ủng hộ chuyện nên đốt dinh thự bằng gỗ của ông Quang vì thứ đó không phải đầy tớ. Đó là ông cố nội của dân. Minh Hang kết luận, đó chính là lý do tại sao dân ghét quan chức. Cứ nhắc tới là thấy căm phẫn.
***
Trong bài viết gửi cho tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Chương cảnh báo, dân chúng đang gánh chịu hậu quả nặng nề của chạy chức - tham nhũng - bòn rút - phung phá tài nguyên, những người yếu thế vẫn lầm lũi đi dưới bóng nợ nần, thiếu hụt và khi họ ngước mặt lên để lau vội mồ hôi, nước mắt, những biệt phủ nguy nga đập vào mắt họ ! Vô hình trung, họ bị ức chế trong suy nghĩ, rách nát trong trái tim, nông nổi trong hành vi...
Dường như ông Chương chưa tuyệt vọng, vẫn còn hy vọng vào khả năng "làm rõ trắng đen". Làm sao có thể "làm rõ trắng đen" khi chính ông cũng thấy, kê khai tài sản - thu nhập chỉ là thủ tục và "chính sự vô cảm ấy, dung túng ấy, thỏa hiệp ấy đã làm mọc lên thêm những biệt phủ".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/04/2018
Báo điện tử Đất Việt – Diễn đàn của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – đã có tin để phản bác lại một tin do chính họ loan, đại loại : Gia đình bà Nguyễn Thị Phụng, 59 tuổi, cư trú tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông không… quá nghèo. Nguyễn Văn Khảm, 26 tuổi, con trai bà Phụng – hung thủ giết mẹ có dấu hiệu tâm thần.
Hình minh họa : Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)
Trước đó, cũng báo điện tử Đất Việt tường thuật, công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã tạm giữ Khảm để điều tra chuyện Khảm giết mẹ. Dẫu rất ngắn, chưa đầy 300 chữ, song tin con trai giết mẹ theo yêu cầu của mẹ để giải thoát bà làm người ta bàng hoàng về mức độ bi thảm của sự kiện : Khảm cùng mẹ đi bộ từ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước về nhà (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Rạng sáng ngày 19 tháng 4, hai mẹ con kiệt sức, ngồi nghỉ ven đường. Trên đường tuần tra, công an xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phát giác Khảm và mẹ vừa đói, vừa khát nên đã mua bánh mì và nước cho cả hai ăn uống. Vài giờ sau, dân chúng xã này phát giác bà Phụng vỡ đầu, nằm trên một đống củi. Khảm ngồi bên cạnh. Khi công an lấy lời khai, Khảm thú nhận đã dùng củi đánh chết mẹ vì bà thúc giục : Khổ quá rồi. Đánh chết mẹ đi !
Bà Phụng chết là sự thật ! Khảm giết mẹ cũng là sự thật !
Khi cập nhật về sự kiện này, báo điện tử Đất Việt cung cấp thêm một số sự thật khác do ông Trần Nam, Trưởng Công an phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông – nơi gia đình Khảm cư trú - cung cấp : Gia cảnh của bà Phụng "giống rất nhiều gia đình khác ở Nghĩa Đức - Gia Nghĩa – Đắk Nông". Vì vậy, theo ông Nam, không thể cho rằng, gia cảnh cùng quẫn đến mức bà Phụng phải yêu cầu con trai đánh chết mình vì áp lực nghèo khổ đã quá sức chịu đựng của bà.
Ông Nam còn cho biết thêm, Khảm đã từng đi làm ở một số nơi nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại quay về sống với cha mẹ, không có tiền phụ giúp cha mẹ, phải sống dựa vào cha mẹ. Sau thảm án, cha của Khảm có kể với ông Nam rằng, gần đây, Khảm có dấu hiệu bị tâm thần.
Chắc là ông Nam nói thật !
Ở Nghĩa Đức - Gia Nghĩa – Đắk Nông có rất nhiều gia đình mà gia cảnh giống như bà Phụng nhưng đã có gia đình nào mà cha mẹ yêu cầu con cái đánh chết mình như bà Phụng đâu !
Khoảng cách từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đến huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khoảng 80 cây số là sự thật. Mẹ con bà Phụng không có phương tiện cá nhân, cũng không có tiền để trả cho xe đò, phải cuốc bộ cả đi lẫn về là sự thật. Cả hai mẹ con kiệt sức phải ngồi nghỉ ven đường, tình cảnh chắc là tội nghiệp tới mức những viên chức công an xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phải động lòng, bỏ tiền túi mua bánh mì, nước uống cho cả hai cũng là sự thật.
26 tuổi, chưa có gia đình riêng, nỗ lực tìm việc nhưng vẫn không tìm được việc làm ổn định, phải dựa vào cha mẹ vốn rất nghèo, Khảm có hóa điên cũng dễ hiểu. Ai nghi ngờ điều đó không thật ?
Đã chắc chắn ông Nam nói thật về chuyện ở Nghĩa Đức - Gia Nghĩa – Đắk Nông có rất nhiều gia đình mà gia cảnh giống như bà Phụng, khi Nghĩa Đức đã như thế thì bốn phường và ba xã còn lại của thị xã Gia Nghĩa ắt cũng thế. Rộng hơn, 63 thị trấn, xã của bảy huyện còn lại có lẽ cũng chẳng khác lắm.
Dù thế, chính quyền tỉnh Đắk Nông vẫn cương quyết phải xây một quảng trường ở thị xã Gia Nghĩa để "có chỗ tổ chức lễ hội, mít tinh". Cuối năm ngoái, ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông từng khoe rất thật rằng, Bộ Kế hoạch – Đầu tư rất đồng tình nên đã làm cầu nối, đã vận động Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay 50 triệu Mỹ kim để xây dựng quảng trường. Ông Bốn nhấn mạnh, khi nào ADB phát vay, đề nghị chính phủ hỗ trợ thêm 900 tỉ để thị xã Gia Nghĩa có quảng trường, "xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa".
Đắk Nông có thị xã Gia Nghĩa, thị xã Gia Nghĩa có những gia đình như gia đình bà Phụng. Có thành phố nào, tỉnh nào trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thiếu những gia đình như vậy ? Chắc chắn là không. Đó cũng là sự thật !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/04/2018
Nếu đặt dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" của tập đoàn FLC ở Quảng Ngãi bên cạnh chuỗi diễn biến liên quan tới chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ắt sẽ thấy dự án ấy như một đòn của liên hoàn cước, ngay cả vô tình thì vẫn góp phần đáng kể vào việc giúp Trung Quốc củng cố yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông…
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn
***
Ngày 17 tháng 4, khi điều trần trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson – ứng viên cho vai trò Tư lệnh khu vực Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ - cảnh báo, bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc cưỡng đoạt từ tay Việt Nam ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên - Cuarteron, Chữ Thập - Fiery Cross, Ga Ven - Gaven, Gạc Ma - Johnson, Tư Nghĩa - Hughes, Vành Khăn – Mischief, Xu Bi - Subi) rồi bồi đắp thành đảo nhân tạo suốt từ đầu thập niên 2010 đến nay, giờ đã trở thành một chuỗi căn cứ quân sự, giúp Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, khống chế tất cả các hải lộ quan trọng trong khu vực.
Không phải tự nhiên mà Trung Quốc gia tăng nỗ lực khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Đông. Chỉ tính từ đầu tháng đến nay, Trung Quốc đã khiêu khích cộng đồng quốc tế hai lần ở Biển Đông : Một lần gây nhiễu đối với chiến đấu cơ loại EA-18G Growler của hải quân Hoa Kỳ. Một lần, công khai quấy nhiễu hai chiến hạm HMAS Anzac và HMAS Toowoomba của hải quân Úc. Hai lần khiêu khích chỉ nhằm gửi lại thông điệp mà Trung Quốc phát hành từ lâu : Biển Đông không còn là vùng biển mà phi cơ, tàu bè có quyền tự do lưu thông như qui định của luật pháp quốc tế. Biển Đông giờ là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
***
Với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục gửi thêm nhiều thông điệp khác cho cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng, đặc biệt là cho ngư dân.
Cuối tháng trước, Việt Nam yêu cầu tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha ngưng thăm dò – khai thác dầu khí ở lô 136-06. Giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng xem thăm dò – khai thác dầu khí tại Biển Đông không đơn thuần là kiếm thêm tiền cho công khố. Điểm quan trọng nhất của hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí là qua đó minh định chủ quyền của mình tại Biển Đông. Thành ra Trung Quốc rất hoan hỉ khi Repsol thôi thăm dò – khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ. Bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên của Bộ Ngoai giao Trung Quốc, lập tức tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng, sự kiện Repsol ngừng thăm dò – khai thác dầu khí ở lô 136-06 chính là "bằng chứng rõ ràng" về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, chưa kể sự kiện này còn cho thấy tình hình Biển Đông đang tiến dần đến chỗ"ổn định và phát triển một cách tích cực". Ngược lại, giới nghiên cứu khu vực châu Á và Biển Đông xem sự kiện tập đoàn Repsol ngưng thăm dò – khai thác dầu khí ở lô 136-06 hết sức tai hại cho Việt Nam : Các tập đoàn quốc tế sẽ rất dè dặt khi được mời bắt tay với Việt Nam, cùng thăm dò – khai thác dầu khí tại Biển Đông bởi có quá nhiều rủi ro khó lường về chính trị.
Ngoài việc gây áp lực đối với hệ thống công quyền Việt Nam và các tập đoàn dầu khí ngoại quốc để ngăn chặn hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí ở vùng biển mà Trung Quốc nhận là của mình, mức độ quyết liệt của Trung Quốc để bảo vệ "chủ quyền tại Biển Đông" trong lĩnh vực ngư nghiệp cũng đang tăng vừa nhanh, vừa mạnh.
Từ tháng trước đến nay, lực lượng vũ trang của Trung Quốc liên tục tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khi họ khai thác hải sản quanh quần đảo Hoàng Sa : Ngày 19 tháng 3, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90559 của ông Trần Quang, ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu mang số hiệu 45103 của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đâm cảnh cáo để đuổi ra khỏi "vùng biển thuộc chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc". Ngày 22 tháng 3, tàu đánh cá mang số hiệu QNa 90822 của ông Nguyễn Tấn Sơn, ngụ tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc tịch thu toàn bộ ngư cụ, nhiều thiết bị hỗ trợ hải hành bị phá hủy. Ngày 20 tháng 4, hai tàu mang số hiệu 45103 và 46001 của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90332 của ông Nguyễn Tấn Ngọt, ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng trong ngày 20 tháng 4, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90046 của ông Trần Năm, cũng ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hải cảnh Trung Quốc tịch thu toàn bộ ngư cụ, hải sản.
Người ta tin rằng, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cả số lượng lẫn cường độ các cuộc tấn công nhắm vào những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong giai đoạn từ 1 tháng 5 đến 16 tháng 8 năm nay. Giống như những năm trước, Bộ Nông nghiệp - Nông thôn của Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông để "bảo vệ nguồn lợi thủy sản" ở ngư trường thuộc… chủ quyền của Trung Quốc.
Giống như những năm trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố lệnh cấm đánh cá năm nay của Trung Quốc là "vô giá trị" còn Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn của Việt Nam thì gửi công điện nhắc nhở chính quyền các địa phương "động viên ngư dân bám biển" và "hướng dẫn, tổ chức ngư dân thành đoàn, đội để hỗ trợ nhau trên biển".
Và có lẽ cũng sẽ giống như những năm trước, các lực lượng hải quân, hải cảnh, kiểm ngư, cứu nạn hàng hải… của Việt Nam sẽ được đặt trong tình trạng "sẵn sàng trên… bờ" để ngư dân yên tâm bám… biển ! Họ sẽ rất tích cực trong việc… hướng dẫn ngư dân tự cứu mình và điều động ngư dân… tự cứu lẫn nhau khi gặp nhân họa ở Biển Đông !
***
Ngoài những thông tin có tính chất cảnh báo về nỗ lực quân sự hóa, truyền thông quốc tế còn cảnh báo về một nỗ lực khác của Trung Quốc – biến ngư dân thành dân quân – nhằm củng cố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, giúp Trung Quốc độc chiếm vùng biển này.
Tháng 5 năm 2016, Reuters công bố một phóng sự điều tra, theo đó, chính quyền đảo Hải Nam đang huấn luyện quân sự cho ngư dân Trung Quốc, trang bị vũ khí cho những ngư dân này và phiên chế các tàu đánh cá thành đội.
Đại diện chính quyền tỉnh Hải Nam nói với Reuters rằng khoảng 50.000 tàu đánh cá đã được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, được cấp xăng, nước đá để ngoài việc đánh bắt hải sản thì còn tham gia "bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông".
Nhiều ngư dân Trung Quốc làm việc trên những tàu đánh cá tại Biển Đông đã được trả tiền trong thời gian huấn luyện quân sự (bao gồm cứu nạn, chiến đấu), thu thập - báo cáo thông tin về tình hình trên biển. Chủ một số công ty đánh cá tư nhân xác nhận với Reuters rằng công ty của họ được nhà nước tài trợ để thay tàu đánh cá bằng gỗ bằng tàu đánh cá có vỏ thép, có thể thực hiện dễ dàng các chuyến hải hành đến tận quần đảo Trường Sa, vừa khai thác hải sản, vừa "chống các tàu đánh cá ngoại quốc xâm phạm chủ quyền". Nhiều ngư dân Trung Quốc khẳng định, họ tin rằng quân đội Trung Quốc đủ sức bảo vệ họ nếu hoạt động của họ bị kháng cự.
Phóng sự điều tra của Reuters kể thêm, vào thời điểm đó, các tàu đánh cá của Trung Quốc đã có thể nhận tiếp liệu (nước ngọt, xăng…) ở quần đảo Hoàng Sa và ngư dân Trung Quốc tin là họ sẽ có thể sớm nhận tiếp liệu tương tư tại những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Một viên chức của chính quyền tỉnh Hải Nam khoe với Reuters rằng, lực lượng dân quân của Trung Quốc trên biển đang phát triển mạnh, vì "ngư dân Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh hải và lợi ích quốc gia".
Những thông tin vừa kể đã khiến một số chuyên gia an ninh – quốc phòng lo ngại. Hải quân các quốc gia thì đã được huấn luyện về cách ứng xử và liên lạc khi đối diện nhau trên biển nhưng chắc chắn dân quân của Trung Quốc trên biển thì không. Cũng vì vậy, lực lượng này có thể tạo ra những cuộc xung đột.
Trên thực tế, các tàu đánh cá của Trung Quốc đã gây ra nhiều scandal vì xâm phạm, đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nhiều quốc gia, khi bị ngăn chặn hoặc bị đuổi, không ít lần, các tàu đánh cá của Trung Quốc lao vào tấn công các tàu công vụ của chính quyền sở tại để tìm đường thoát.
Chỉ tính riêng năm 2016, hải quân và hải cảnh của Nhật, Nam Hàn, Argentina… cùng bị đẩy vào tình thế phải nổ súng vào tàu đánh cá của Trung Quốc bởi những tàu đánh cá này lao vào họ. Cũng trong năm 2016, quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc trở thành căng thẳng chưa từng có do hải cảnh Trung Quốc giải vây cho một tàu đánh cá của Trung Quốc bị hải quân Indonesia bắt giữ vì đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia. Song song với việc lên án hải cảnh Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Indonesia cương quyết đòi Trung Quốc giao lại tàu đánh cá mà hải cảnh Trung Quốc đã đoạt lại trái phép trong tay hải quân Indonesia...
***
Với chiều dài bờ biển khoảng 3.500 cây số, Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và chừng 28.000 tàu đánh cá chuyên đánh bắt xa bờ. Ngoài yếu tố kinh tế, ngư nghiệp trở thành lĩnh vực quan trọng còn vì ngư dân và hoạt động ngư nghiệp góp phần đáng kể trong việc minh định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Thế nhưng giống như nông dân, ngư dân Việt Nam không được hưởng bất kỳ chính sách đãi ngộ nào. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để sắm tàu, để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Tự đối đầu với cả nhân họa (bị lực lượng vũ trang nhiều quốc gia săn đuổi, tấn công, tịch thu tàu, ngư cụ, bắn, bắt), lẫn thiên tai trên biển. Bị thương, mất mạng, phá sản vì nhân họa, thiên tai phổ biến tới mức được xem như sự mặc định của số phận khi trót là ngư dân Việt.
Trước nay, tất cả những chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, phát triển ngư nghiệp, khẳng định chủ quyền đều có… vấn đề. Năm 1997, hệ thống công quyền Việt Nam triển khai chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ", mười năm sau (2006), sau khi chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ" ngốn hết 1.400 tỉ, Thanh tra Chính phủ xác nhận, 95% của khoản 1.400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh - thành phố, quận – huyện, phường - xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ" đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ", cuối thập niên 2000, hệ thống công quyền Việt Nam đề ra chương trình "lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá". Sau khi hoàn tất tiến trình thí điểm với 2.000 tàu đánh cá, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được hệ thống công quyền hỗ trợ khăng khăng đòi trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. Năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 67, khẳng định sẽ đầu tư - phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một "gói" trị giá 14.000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển bằng cách chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại. Dẫu chưa có tổng kết song kế hoạch chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép coi như đã phá sản : Đa số tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì từ vỏ tới máy móc, thiết bị cùng trục trặc ngay trong chuyến hải hành đầu tiên.
***
Tuy dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" của tập đoàn FLC ở Quảng Ngãi chưa được phê duyệt nhưng giới lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vẫn thúc, ép "toàn bộ hệ thống chính trị" ở tỉnh này giải tỏa - thu hồi để sớm bàn giao cho tập đoàn FLC hai hòn đảo (An Bình - đảo Bé, Lý Sơn – đảo Lớn) cùng thuộc huyện Lý Sơn và hàng ngàn héc ta đất thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú của huyện Bình Sơn.
Cả công chúng lẫn báo giới Việt Nam cùng tỏ ra hết sức bất bình vì chính quyền tỉnh Quảng Ngãi hăng hái thái quá trong việc hỗ trợ tập đoàn FLC triển khai dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" (lấy 500 tỉ đồng từ công khố tạm ứng cho FLC bồi thường - thu hồi đất, chỉ đạo ngưng thực hiện dự án cải tạo Đồn Biên phòng Bình Hải, dời đồn này đi nơi khác, gạt bỏ đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành "Công viên Địa chất toàn cầu" dù đã chi 50 tỉ đồng để chuẩn bị hồ sơ trình cho UNESCO).
Nhiều người xem những yếu tố vừa kể là bằng chứng của lối hành xử duy lợi, bất chấp nhiều thứ từ môi trường, sinh thái, cho tới vai trò, tầm vóc của hoạt động quốc phòng... Thế nhưng xét về tổng thể, môi trường, sinh thái, vị trí của đảo Bé, đảo Lớn hay Đồn Biên phòng Bình Hải dường như chưa phải là điều đáng bận tâm nhất. Chưa kể tại sao lại ủng hộ việc duyệt chi tới 20 tỉ đồng để xây dựng lại trú sở cho một đơn vị thuộc một lực lượng mà toàn bộ hoạt động chỉ diễn ra quanh… bờ như Đồn Biên phòng Bình Hải ?
Chưa ai phân tích, dự đoán xem cả tâm thế lẫn tư thế của ngư dân sẽ như thế nào khi họ đã rất lẻ loi ngoài biển, giờ, bị tước luôn cả sự ổn định ở trên bờ để có thể yên tâm ra khơi, qua những dự án kiểu như dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" ? Nếu ngư nghiệp quan trọng vừa vì những đóng góp của lĩnh vực này cho kinh tế quốc gia, vừa vì sự phát triển của nó đồng nghĩa với gia tăng hiệu quả của việc minh định chủ quyền tại Biển Đông thì tại sao những dự án như dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" có thể mọc lên như nấm suốt từ Bắc vào Nam ? Tại sao những dự án kiểu ấy xóa sổ nhiều làng chài, nguy hại cho sự ổn định và phát triển của ngư nghiệp mà vẫn được phê duyệt hàng loạt ?
Từ khi bị Trung Quốc ép phải rời khỏi các ngư trường truyền thống quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, ngư dân Việt Nam phải giong thuyền đến những vùng biển khác khai thác hải sản để sống và cũng vì vậy, suốt thập niên vừa qua, họ trở thành đối tượng bị hải quân, hải cảnh của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á săn đuổi, bắn, bắt, tịch thu tàu, tịch thu ngư cụ, phạt tù… Đã bế tắc khi mưu sinh ngoài biển, vào bờ thì mất nhà, mất đất, mất lối xuống biển, mất chỗ neo thuyền,… bao giờ ngư dân Việt nhất loạt bỏ biển như nông dân Việt lũ lượt ly nông, ly hương ? Lúc nào chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông sẽ chỉ còn được khẳng định trên môi miệng của các Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ?
***
Nếu theo dõi kỹ các diễn biến liên quan đến tương quan ngư dân – ngư nghiệp – chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, người ta không thể không nhớ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vì đó là địa phương liên tục có tàu đánh cá bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu ngư cụ.
Điều duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam đã làm để ghi nhận sự năng động trong hoạt động ngư nghiệp của ngư dân huyện Bình Sơn và được hệ thống truyền thông Việt Nam quảng bá rộng rãi là buộc ngư dân ký cam kết không xâm nhập, khai thác hải sản ở những vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, sau khi Bình Sơn trở thành địa phương dẫn đầu về số lượng ngư dân Việt bị các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tống giam.
Tại sao tập đoàn FLC lại chọn Bình Sơn ? Tại sao "toàn bộ hệ thống chính trị" ở Quảng Ngãi lại dễ dàng nhất trí với ý tưởng thu hồi 4.000 héc ta ở Bình Sơn, Lý Sơn làm sân golf, khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng… hoan hỉ hỗ trợ để biến ý tưởng đó thành hiện thực cho dù ý tưởng đó xóa sổ khu vực có hoạt động ngư nghiệp năng động nhất ở Việt Nam ?
Song hành với các đại dự án của FLC là hàng loạt scandal ởQuảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình... Giữa năm ngoái, sau khi phân tích các thông tin trong cáo bạch của FLC, một tờ báo ở Việt Nam cho biết, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của FLC cùng giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016 và rất khó đạt mục tiêu đã cam kết với cổ đông (tính đến giữa năm 2017, cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều không đạt 25% mục tiêu đề ra cho cả năm 2017). Ngoài năm ngân hàng tại Việt Nam, FLC còn được Ngân hàng Công thương của Trung Quốc (ICBC) hỗ trợ về vốn.
Chỉ trong vòng bốn ngày, từ 16 tháng 4 đến 20 tháng 4, Công ty Quốc Cường Gia Lai mất 730 tỉ trên thị trường chứng khoán. Tuy giá cổ phiếu của công ty này giảm liên tục nhưng không ai màng (1).
Dollar là cội nguồn của lòng tham và tham nhũng ở Việt Nam - Hình minh họa.
Không chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan (nắm giữ 57% cổ phiếu của Công ty Quốc Cường Gia Lai) gánh hậu quả vừa kể. Chắc chắn là những nơi, những người đang chia nhau 43% cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng méo mặt.
Giá cổ phiếu của Công ty Quốc Cường Gia Lai rơi tự do sau khi Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 héc ta ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (2).
Lý do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo như vừa kể vì báo giới phát giác Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được "quyền sử dụng" 34,2 héc ta mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng. Trong thương vụ này, Công ty Quốc Cường Gia Lai lời chừng… 2.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên trong kinh doanh, "khôn nhờ, dại chịu", hà cớ gì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phải can thiệp ? Câu trả lời là phát giác của báo giới đẩy Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh rơi vào thế "con dại, cái mang" : Công ty đầu tư và xây dựng Tân Thuận là doanh nghiệp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và 34,2 héc ta đất mà doanh nghiệp này ã chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai không phải là tài sản do họ tạo lập. Thửa đất đó là… công thổ !
Song có một điểm cần phải lưu ý là bất kể thế nào thì cũng phải xếp chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào nhóm hành động táo tợn đến mức càn rỡ. Về bản chất, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ là đại diện cho một tổ chức chính trị (Đảng cộng sản Việt Nam) ở Sài Gòn, thành ra không những không thể mà còn không được phép can dự vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, xâm hại quyền tự do kinh doanh.
***
Tự do kinh doanh vốn là một trong những quyền hiến định (Điều 3 Hiến pháp 2013 : Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm) và sau đó tiếp tục được minh đinh trong nhiều bộ luật như : Luật Dân sự (Điều 50 : Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật), Luật Doanh nghiệp (Điều 5 : Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh. Nhà nước công nhân và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính)…
Chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chẳng khác gì công nhiên khẳng định, tự do kinh doanh thật ra chỉ là một thứ "đầu dê", trong khi hệ thống công quyền Việt Nam chỉ bán… "thịt chó"-loại "thịt chó" chỉ có ở Việt Nam và được đặt tên là "pháp chế xã hội chủ nghĩa".
"Pháp chế xã hội chủ nghĩa" cho phép hệ thống công quyền Việt Nam tùy nghi biến công sản, công thổ thành tài sản của những cái gọi là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị-xã hội, của quân đội, công an, muốn "mua mắc" cũng được mà "bán rẻ" cũng chẳng sao. Khi cần, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ can thiệp để hủy bất kỳ thương vụ nào mà hệ thống này muốn.
Thương vụ Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 công thổ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là một điển hình của bán rẻ.
Thương vụ Mobifone bỏ ra gần 9.000 tỉ đồng mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG), khiến công quỹ tổn thất hơn 7.000 tỉ đồng là một điển hình khác của mua mắc.
Dù cả hai thương vụ đều thuộc loại "thuận mua, vừa bán", đều từng được khẳng định "đúng qui định pháp luật" nhưng cuối cùng đều gặp trục trặc vì có sự can thiệp thô bạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Thương vụ giữa Công ty đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 công thổ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai gãy đổ vì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh can thiệp. Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được các bên "tự nguyện hủy bỏ" vì đó là lệnh từ Thường trực Ban bí thư của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (3).
***
Ai cũng hiểu tại sao các thương vụ liên quan đến công sản, công thổ lại có chuyện "mua mắc, bán rẻ".
Cũng vì vậy, dẫu AVG (bên bán) tự nguyện hủy bỏ hợp đồng được cho là mang lại cho AVG khoản lãi hơn 7.000 tỉ đồng, thậm chí ngoài vốn, AVG còn tự ngụyện hoàn trả cả lãi/số tiền mà Mobifone (bên mua) đã thanh toán nhưng không ai ghi nhận, ca ngợi "thiện chí" của AVG cả.
Cũng vì vậy, dẫu bà Nguyễn Thị Như Loan tuyên bố, bà đã tìm hiểu kỹ trước khi mua 34,2 héc ta đất, đã trả tiền đúng giá thị trường và chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng là gây thiệt hại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, bà Loan vẫn không có ý định nhờ Tòa án giải quyết nhưng chẳng có ai ngạc nhiên cả(4).
AVG hay Công ty Quốc Cường Gia Lai không trông vào luật pháp, không cậy vào hệ thống Tòa án và cả hai đều nhấn mạnh họ có "thiện chí" với lực lượng thế thiên hành… "đạo"-loại "đạo" không phải đạo lý, đạo giáo.
Lực lượng thế Thiên đó nắm trong tay toàn bộ công sản, công thổ và không ai biết chính xác là bao nhiêu. Chỉ thỉnh thoảng, khi hữu sự, chẳng hạn như năm ngoái, lúc dư luận sôi sùng sục vì không thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất do vướng sân golf, người ta mới biết, tính đến năm 2015, riêng Bộ Quốc phòng nắm trong tay khoảng 250.000 héc ta đất. Đáng chú ý là từ năm 2000 đến năm 2010, đất giao cho Bộ Quốc phòng tăng thêm 106.000 héc ta nhưng từ 2010 đến 2015, diện tích đất do Bộ Quốc phòng nắm giữ giảm xuống 43.000 héc ta nhưng lực lượng thế Thiên chẳng thèm giải thích tại sao (?) (5).
Tuy công sản, công thổ thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng không người dân nào có quyền hỏi, có quyền kiểm tra xem việc sử dụng số công sản, công thổ ấy ra sao.
Quốc pháp, gia quy không bằng giữ "đạo" với lực lượng thế Thiên. Ứng xử cho phải "đạo" thì không thiếu cơ hội.
Tin mới nhất cho biết, ngoài 34,2 héc ta đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Công ty đầu tư và xây dựng Tân Thuận còn bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai khoảng hai héc ta đất ở phường Tân Phong, quận 7 (6). Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có bao nhiêu công sản, công thổ và đã bán bao nhiêu, bán như thế nào ? Tổ chức Đảng của các địa phương khác chắc cũng như thế ! Đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối có thể có nhiều hạn chế nhưng có những điểm "hay", duy trì, không chia sẻ là đúng rồi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/04/2018
Chú thích
(3)https://tuoitre.vn/thuong-vu-mobifone-mua-avg-tra-het-cho-nhau-20180403105923185.htm
(5)https://tuoitre.vn/dat-quoc-phong-ranh-gioi-nao-1343881.htm
Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều thứ sáu - 20 tháng 4, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định, dự luật về Thuế tài sản mà Bộ Tài chính giới thiệu tuần trước được soạn thảo dựa trên chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, dự luật về Thuế tài sản được soạn thảo dựa trên chỉ đạo của Bộ Chính trị
Điều ông Dũng vừa minh định cho thấy ông Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam đã nói dối.
Ngày 14 tháng 4, sau khi Bộ Tài chính công bố dự luật về Thuế tài sản, theo đó, hệ thống công quyền Việt Nam có ý định buộc chủ các bất động sản có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và chủ các động sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên phải đóng thuế, dư luận Việt Nam đã sôi lên sùng sục. Cả Đảng cộng sản Việt Nam lẫn Quốc hội, Chính phủ bị tất cả các giới chỉ trích không tiếc lời.
Ba hôm sau - ngày 17 tháng 4, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam, bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng, nhờ… báo chí ông mới… biết về ý tưởng thu thuế tài sản. Ông Phúc trấn an công chúng rằng, dự luật về Thuế Tài sản chỉ là ý tưởng của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính, chứ Quốc hội Việt Nam chưa có bất kỳ dự tính nào về việc xem xét, thông qua một đạo luật về Thuế tài sản. Cách ông Phúc diễn giải về dự luật Thuế tài sản khiến nhiều người tin rằng, cái gọi là dự luật Thuế tài sản chỉ là… nghiên cứu rồi giới thiệu nghiên cứu đó một cách… không chính thức !
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội
Cứ theo lời ông Phúc thì dự luật về Thuế tài sản không có trong chương trình làm luật của Quốc hội năm nay và năm tới. Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cũng tham gia trấn an công chúng khi cả quyết : Chính phủ chưa có lịch xem xét dự luật Thuế tài sản và cũng chưa có chủ trương đề nghị Quốc hội xem xét dự luật này.
Tuy Tổng Thư ký Quốc hội và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - một viên chức mang hàm Thứ trưởng - không phải là trẻ con nhưng công chúng vẫn phân vân, bởi cách nay đúng sáu năm - tháng 4 năm 2012, Bộ Tài chính Việt Nam từng tuyên bố, cơ quan này đã chính thức triển khai việc soạn thảo một đạo luật về Thuế Tài sản, chẳng lẽ Tổng Thư ký Quốc hội và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhớ hoặc không biết Bộ Tài chính đang làm gì.
Thêm ba hôm nữa - ngày 20 tháng 4, Bộ trưởng Tài chính chính thức kêu oan với công chúng. Ông Dũng nhấn mạnh, thu thuế tài sản không phải là sáng kiến của Bộ Tài chính - đó là chỉ đạo của cả giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lẫn Quốc hội, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ chỉ đạo đó, cơ quan này mới tính toán để giới thiệu các phương án thu Thuế tài sản : Nếu thu theo tỉ lệ 0,3% đối với bất động sản có giá trị từ 700 triệu và động sản có giá trị từ 1,5 tỉ trở lên, công khố sẽ có thêm 23.300 tỉ đồng/năm. Còn nếu thu theo tỉ lệ 0,4% đối với bất động sản và động sản có giá trị tương ứng, hệ thống công quyền sẽ có thêm 31.000 tỉ đồng để chi tiêu. Theo lời ông Dũng, những nội dung này rõ ràng không phải chỉ là "phát ngôn ở cấp Vụ của Bộ Tài chính", chúng nằm trong dự luật về Thuế Tài sản và Bộ Tài chính công bố những nội dung đó nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự luật.
Tại sao ông Dũng lại "vạch áo cho thiên hạ xem lưng", làm bẽ mặt cả đại diện Quốc hội lẫn đại diện Chính phủ ?
Ông Dũng không giải thích.
Tuy nhiên có thể thấy rất rõ, từ khi thuế trở thành… đa dạng về loại và tăng không ngừng về tỉ lệ thu, áp lực của dư luận dồn lên ông Dũng cũng như Bộ Tài chính - cơ quan do ông lãnh đạo - càng lúc càng lớn. Ai mà không đau khi trong mắt đồng bào, mình trở thành Bộ trưởng Bộ… Vặt lông.
"Giơ đầu chịu báng" mãi dễ làm người ta nổi quạu.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/04/2018
Dường như tình tiết "vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật" những đảng viên có "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng" cho dù đảng viên ấy "đã qua đời", được nêu trong văn bản mang số 04-HD/UBKTTW, do Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) ban hành hồi đầu tháng này, nhằm dọn đường cho việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Bá Thanh - cựu Ủy viên, cựu Trưởng ban nội chính, cựu Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trước nữa từng là cựu Bí thư, cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh giáo dục
Tiếng là hướng dẫn thực hiện Quy định mang số 102-QĐ/TW do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, với mục tiêu là xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam nhưng văn bản số 04-HD/UBKTTW gây ấn tượng mạnh hơn, khiến công chúng chú ý nhiều hơn nhờ tình tiết, sẽ không tha những đảng viên đã chết trong trường hợp đảng viên ấy có "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng" lúc còn sống.
Hai tuần sau khi văn bản số 04-HD/UBKTTW ra đời, ngoài ông Phan Hữu Tuấn - Trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo của Bộ Công an tra tay vào còng, còn có hai cựu Chủ tịch, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc của Sở Tài nguyên Môi Trường, cựu Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư,… của thành phố Đà Nẵng bị bắt vì được xác định là tòng phạm của Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) trong hàng loạt vụ án : "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai", "Cố ý làm trái, vi phạm quy định trong cho vay".
Từ khi "Vũ nhôm" - chủ một cơ sở chuyên gia công nhôm, kính - đột nhiên "đứng dậy sáng lòa", trở thành "đại gia" khuynh đảo thị trường bất động sản, rồi hệ thống ngân hàng, hệ thống công quyền, hệ thống bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, người ta đã rỉ tai nhau về Nguyễn Bá Thanh như một ông trùm đứng phía sau "Vũ nhôm". Tuy nhiên "tiếng dữ" hết sức yếu ớt vì uy lực của ông trùm quá lớn, thậm chí, ông trùm còn là "thần tượng" được nhiều người ngưỡng mộ bởi họ tin rằng, chỉ ông trùm mới có thể "chống tham nhũng, lãng phí, lạm quyền" ở Việt Nam.
Cuối năm ngoái, sau khi "Vũ nhôm" đào tẩu rồi bị Singapore giao trả cho Việt Nam, "tiếng dữ" của Nguyễn Bá Thanh bắt đầu gia tăng cường độ nhưng vẫn được xếp vào loại… phi chính thức. Phải đến giữa tuần này, sau khi các lệnh khởi tố những : Minh (Trần Văn Minh - cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2006 đến 2011), Chiến (Văn Hữu Chiến - cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2011 đến 2014), Điểu (Nguyễn Điểu - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng), Toàn (Trần Văn Toàn - cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng), Dương (Lê Cảnh Dương - cựu Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng),… được công bố, "tiếng dữ" mới trở thành chính thức" : Sở dĩ các viên chức mới bị khởi tố không tổ chức đấu giá, đem hết công sản này tới công sản khác bán cho "Vũ nhôm" với giá rẻ như bèo, tạo điều kiện để "Vũ nhôm" thụ hưởng những khoản chênh lệch từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng là vì phải thực hiện "chỉ đạo" của anh Nguyễn Bá Thanh - cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ 2003 đến 2013.
Tuy anh Thanh đã khuất nhưng những "bút phê" của anh thì vẫn còn nguyên. Sắp tới, tên anh Thanh chắc chắn sẽ được lặp đi, lặp lại trong nhiều Kết luận điều tra, Cáo trạng, phiên tòa và… bản án !
***
Giống như anh Thăng (Đinh La Thăng - cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), anh Thanh được rất nhiều người ngưỡng mộ.
Giống như anh Thăng, anh Thanh cũng có đủ thứ điều tiếng.
Năm 2000, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng phát giác Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng rút ruột hai công trình : Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng. Ông Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng bị khởi tố, bị truy tố, bị đưa ra tòa hai lần và bị phạt tổng cộng 16 năm 4 tháng tù. Đáng chú ý là cả Công an lẫn Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cùng nhận định, có dấu hiệu ông Nguyễn Bá Thanh - lúc đó là Chủ tịch thành phố nhận hối lộ 4,4 tỉ đồng để phê duyệt, thanh toán vốn cho Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng. Cả hai cơ quan này cùng cho rằng, nếu chỉ xử lý ông Thông, không điều tra - xử lý Nguyễn Bá Thanh thì nhân dân không đồng tình, vụ án không được giải quyết triệt để và thỏa đáng...
Giống như anh Thăng, anh Thanh vẫn vô sự, còn lãnh đạo Viện Kiểm sát và lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng - những người đề nghị điều tra, xử lý anh Thanh đều ngậm ngùi đi chỗ khác chơi.
Tướng Trần Văn Thanh - cựu Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng dù phải chuyển công tác ra Hà Nội làm Chánh Thanh tra Bộ Công an vẫn không bỏ cuộc vì anh Thanh tiếp tục có thêm nhiều vi phạm khác liên quan tới nhà, đất. Đó là lý do năm 2009, tướng Thanh và một số thân hữu tham gia tố cáo anh Thanh phải hầu tòa với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Vụ án liên quan đến tướng Thanh có rất nhiều tình tiết ly kỳ, giờ vẫn có thể tìm đọc lại trên Internet. Chưa kể vụ án này còn lập một kỷ lục đáng nể trong lịch sử tư pháp thế giới : Dẫu có tới hai bệnh viện của ngành công an xác nhận, tướng Trần Văn Thanh bị đột quỵ, não bị xuất huyết, tính mạng trong tình trạng nguy kịch nhưng Tòa vẫn ra lệnh đưa tướng Thanh đến Nhà hát Trưng Vương của Đà Nẵng cho Tòa xử. Ai cũng… kinh khi chứng kiến một kẻ đang hôn mê, sự sống được duy trì nhờ máy trợ thở và đủ thứ ống truyền dịch vẫn bị khiêng lên xe cứu thương để trình diện… công lý chỉ vì dám xúc phạm và đối đầu với anh Thanh.
Trong bối cảnh viên chức các cấp trong hệ thống công quyền hành xử càn rỡ, vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng tràn lan nhưng ngay cả Tổng bí thư - người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam - cũng không giấu diếm nỗi lo "vỡ bình" thì những người như anh Thăng, anh Thanh đương nhiên được xem là "người hùng" vì "dám" đưa ra những tuyên bố kiểu như : "Phải chủ động chống tham nhũng, đừng nghĩ đó là việc của hàng xóm ! Sẽ không có chỗ cho cán bộ cậy quyền lực, giỏi nói suông !..." (Đinh La Thăng). "Cái gì không thuộc về mình thì đừng có lấy. Đói quá thì đi xin. Đã làm người thì phải có lòng tự trọng"… (Nguyễn Bá Thanh).
Chuyện anh Thăng hôm nay "trảm" tướng này, ngày mai "trảm" tướng khác, "đu" dây thừng xuống vực chỉ đạo tìm kiếm, cứu những người lâm nạn trong một vụ xe đò bị lật ở Lào Cai, cùng dân vớt lục bình, vớt rác, nghe nông dân than khổ, lập tức rút điện thoại gọi cho Tổng Giám đốc Vinamilk ra lệnh phải mua sữa của nông dân,… chuyện anh Thanh mạnh miệng nhận định : "Không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá, phá tàn canh nền kinh tế", rồi thề : "Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều"… làm thiên hạ rạo rực với hy vọng các anh sẽ giúp Đảng thành công trong chuyện "chỉnh đốn".
Anh Thăng, anh Thanh khởi xướng, tạo ra nhiều công trình mà ai cũng có thể sờ mó để "hởi lòng, hởi dạ". Dưới thời anh Thăng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Việt Nam có thêm nhiều đại dự án, kể cả đại dự án ở… Venezuela, dưới thời anh Thăng làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Việt Nam có hệ thống cầu đường với quy mô lớn hơn, giấc mơ về đường cao tốc trở thành hiện thực. Dưới thời anh Thanh làm Chủ tịch rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thành phố này rõ ràng là khang trang, hiện đại hơn. Với nhiều người, chừng đó đủ để cảm kích, ngưỡng mộ rồi.
Tiếc là giá phải trả cho sự cảm kích, ngưỡng mộ ấy quá cao. Các đại dự án của PVN trở thành đại thảm họa, kể cả đại dự án ở Venezuela. Hệ thống cầu đường với quy mô lớn hơn đã gieo xuống cho toàn dân gặt lấy vô số trạm thu phí BOT. Công thự, công thổ, kể cả những khu vực vốn liên quan mật thiết đến môi trường, sinh thái ở Đà Nẵng đã được bán gần như sạch sẽ. Cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, về một thành phố khang trang, hiện đại nhưng không có tương lai vì lệch lạc về định hướng phát triển.
Báo chí chính thức đã thôi bám sát gót anh Thăng, thôi "thổi" những tuyên bố của anh Thăng thành "lời vàng, ý ngọc" và có lẽ cũng sắp thôi tiếc thương anh Thanh, người được xem là "tài hoa nhưng bạc mệnh", vừa nằm xuống là gia đình, thân nhân lập tức tự xuất tiền, xây dựng ngay một Khu lưu niệm với diện tích cả ngàn mét vuông có tính chất như "đền thờ" ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, ngoài mộ, nhà trưng bày hình ảnh và những hiện vật mà anh Thanh sử dụng lúc sinh thời, còn có nhà bia khắc những "câu nói để đời" của anh…
***
Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xem xét trách nhiệm của anh Thăng khi anh làm PVN tan nát ? Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xem xét trách nhiệm của anh Thăng không xem xét trách nhiệm của anh Thanh ở thập niên 2000 khi các sai phạm của Thanh vốn đã rất rõ ràng ?
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam không trả lời.
Đầu năm nay, khi giới thiệu những "điểm mới" trong việc xử lý kỷ luật đảng viên, một viên chức cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam từng bảo rằng, Qui định 102-QĐ/TW được soạn thảo và ban hành nhằm "bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội". Chuyện anh Thăng, anh Thanh không những vô sự mà còn thăng tiến sau khi có nhiều "sai phạm nghiêm trọng", rồi vụt sáng, trở thành "thần tượng" của nhiều người có thể cũng là để "bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội". Giờ, anh Thăng xộ khám, anh Thanh khó mà thoát khỏi kỷ luật Đảng cũng để "bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội" thôi.
Trước, "nghiêm" vẫn nhìn "minh" cười khẩy, giờ cũng thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/04/2018
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký của Quốc hội Việt Nam vừa trấn an dân chúng rằng dự luật về Thuế Tài sản chỉ là ý tưởng của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ tài chính chứ Quốc hội Việt Nam chưa có bất kỳ dự tính nào về việc xem xét, thông qua một đạo luật về Thuế tài sản.
Từ Quốc hội cho tới Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không hề có dự tính nào liên quan tới chuyện bắt dân chúng Việt Nam phải nộp thuế cho cả bất động sản lẫn động sản.
Ông Phúc nhấn mạnh, trong chương trình làm luật năm nay và năm tới, từ Quốc hội cho tới Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều không hề có dự tính nào liên quan tới chuyện bắt dân chúng Việt Nam phải nộp thuế cho cả bất động sản lẫn động sản.
Nói cách khác, ý tưởng bắt chủ các bất động sản có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và chủ các động sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên phải đóng thuế - khiến dư luận Việt Nam sôi lên sùng sục suốt tuần vừa qua – hóa ra chỉ là… nghiên cứu rồi đề xuất một cách… không chính thức !
Tổng thư ký của Quốc hội Việt Nam đã nói thế thì… tạm thời có lẽ sẽ là… như thế. Còn chuyện Tổng thư ký của Quốc hội không biết hoặc không nhớ, cách nay đúng sáu năm – tháng 4 năm 2012, Bộ tài chính Việt Nam từng long trọng tuyên bố với "đồng chí, đồng bào cả nước" rằng họ đã chính thức triển khai việc soạn thảo một đạo luật về Thuế Tài sản lại là… chuyện khác. Ý tưởng thu thuế tài sản có đúng là… nghiên cứu của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ tài chính như ông Phúc mới trần tình hay là thành tựu của quá trình soạn thảo Luật Tài sản kéo dài suốt sáu năm vừa qua lại là… chuyện khác nữa !
***
Về lý thuyết, thuế là công cụ duy nhất để các quốc gia kiểm soát và điều tiết tất cả các nguồn lực sao cho vừa có thể tồn tại, vừa có thể phát triển không ngừng.
Ở nhiều quốc gia, nộp thuế là nghĩa vụ được xem như đương nhiên, trốn thuế, gian lận thuế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn bị xã hội lên án là vô đạo đức.
Với nhiều quốc gia, rõ ràng thuế chính là phương tiện thực hiện giấc mơ "xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Thuế chính là nền tảng để một chính phủ có thể mạnh miệng bảo đảm "ai cũng được học hành, ai cũng có cơm ăn, áo mặc" và đủ khả năng chu toàn cam kết, không để ai chết vì nghèo đói, hoặc chết vì bệnh tật mà không có tiền chữa trị. Thuế giúp cho những người tàn tật, những người không may thất bại, tiêu tan sự nghiệp, mất việc làm, già cả,… giữ được phẩm giá nhờ các loại trợ cấp về ăn, ở, sinh hoạt.
Thế thì tại sao dân chúng Việt Nam lại hận thuế, thù phí và mức độ thù hận càng ngày càng trầm trọng ?
Có thể vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải gánh quá nhiều loại phí, loại thuế và mức thu, cũng như tỉ lệ nộp thuế, phí càng ngày càng tăng.
Với phí, lạm thu đã xuất hiện từ đầu thập niên 1990 nhưng dân chúng phải rên siết hơn mười năm, Quốc hội Việt Nam mới ban hành Pháp lệnh về phí, lệ phí (2002) nhằm ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên 12 năm sau (2014) chính Quốc hội Việt Nam thừa nhận, lạm thu vẫn diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực từ thành thị tới nông thôn. Một thống kê được công bố rộng rãi vào thời điểm đó cho biết, dân chúng phải đóng 375 loại phí và 75 loại lệ phí chính thức, chưa kể các loại phí, lệ phí không chính thức mà chính quyền nhiều địa phương thi nhau tròng vào cổ dân, ví dụ như "phí đường nhựa" ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (100.000 đồng/người/năm), "phí đường nghĩa trang" ở thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (100.000 đồng/người/năm), từng làm nghiêng ngả dư luận vì không tha cả những đứa trẻ mới… mười tháng tuổi lẫn những cụ ông, cụ bà đã cận kề gần đất, xa Trời.
Thuế cũng thế ! Các sắc thuế mới mỗi ngày một nhiều và tỉ lệ thu liên tục được điều chỉnh theo hướng càng ngày càng cao. Năm ngoái, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố kết quả một cuộc khảo sát, theo đó, nếu đem các khoản thu từ thuế so với GDP thì Việt Nam xếp thứ ba ở Châu Á, chỉ sau Nhật và Trung Quốc. Còn nếu so sánh trong phạm vi Đông Nam Á thì mức thuế mà người Việt phải đóng cao hơn dân chúng các quốc gia trong khu vực khoảng từ 1,5 lần đến ba lần.
Phí nhiều, thuế cao nhưng trẻ con vẫn thất học vì nghèo, người nghèo, người bất hạnh, người già neo đơn vẫn phải "tự thân vận động" cho đến khi kiệt sức, bất động vì phí, vì thuế đã được dồn hết vào những cổng chào hàng tỉ, những tượng đài hàng chục tỉ, những trung tâm hành chính hàng trăm tỉ, những "chủ trương lớn", "chương trình", "kế hoạch", "đại dự án" hàng ngàn tỉ để chứng minh tính ưu việt của "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Tất cả các giới, vốn đã lao đao vì kinh tế suy thoái vẫn tiếp tục nghe khuyến khích "thắt lưng, buộc bụng" hơn nữa để nuôi hệ thống chính trị lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" cả hiện tại lẫn tương lai của mình, nay đã ngốn đến 83% công quỹ.
Các cổng chào, tượng đài, trung tâm hành chính, "chủ trương lớn", "chương trình", "kế hoạch", "đại dự án" dẫu không sinh lợi, làm nợ nần phình to nhưng không có ai bị truy cứu trách nhiệm. Chưa thấy Bộ chính trị kiểm điểm về chủ trương phát triển các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia, kể cả vay mượn khắp nơi để tạo ra những "anh cả" cho "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", giờ, tất cả các "anh cả" đều rơi vào tình trạng thiểu năng...
Chưa thấy Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam kiểm điểm về những "chủ trương lớn" như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, ngốn hết ba tỉ Mỹ kim nhưng giờ, chỉ thấy hại và không còn khả năng mơ thấy lợi… Chưa thấy Quốc hội kiểm điểm về việc bỏ phiếu, chi tiền cho những chương trình như "xây dựng nông thôn mới" đã ngốn hết 16.127 tỉ đồng, dẫu tỉ lệ ly nông (bỏ ruộng), ly hương (bỏ xứ tha phương cầu thực) tăng dần đều, giờ, vẫn không thèm giải thích tại sao lại tiếp tục gật đầu chi thêm 193 tỉ nữa để tiếp tục thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới" đến 2020… Chưa thấy Chính phủ kiểm điểm xem tại sao nước đã nghèo, dân đã mạt, sau hai thập niên "tinh giản biên chế", bộ máy công quyền vẫn thừa tới 57.000 công chức...
Tổng bí thư từng khoe : "Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả các tổ chức quốc tế trên thế giới" và "Triển vọng phát triển còn tốt lắm, sắp tới thực hiện một loạt hiệp định kinh tế tự do thế hệ mới nữa thì chúng ta còn có điều kiện phát triển hơn nữa", giờ, cả đại diện Quốc hội lẫn đại diện Chính phủ cùng thú thật, sở dĩ phải nghĩ đủ cách thu thêm thuế cả từ doanh giới lẫn dân vì 15 FTA mà Việt Nam đã ký, đã triệt tiêu một dòng tiền vốn hết sức quan trọng đối với công khố : Thuế xuất – nhập cảng ! Có thể Tổng bí thư đang bận đốt "lò" nên chưa có giờ tự kiểm và chỉ đạo kiểm điểm.
Thuế vốn cần thiết và quan trọng nhưng đã tới lúc phải hỏi nộp thuế để nuôi ai, làm gì ? Giao cho Quốc hội – nơi vốn dĩ thay mặt toàn dân – giám sát điều này dường như không ổn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/04/2018
Hàng triệu người Việt lại bàng hoàng rồi phẫn nộ khi một đứa trẻ 16 tuổi, học sinh lớp 10 của một trường trung học ở Sài Gòn tự tử vì không chịu nổi áp lực của chuyện học hành, thi cử và kỳ vọng của gia đình vào em (1).
Các em học sinh Việt Nam tuyên thệ trung thành nhân ngày khai giảng niên học mới (ảnh tư liệu ngày 5/9/2013)
Hệ thống giáo dục tại Việt Nam tiếp tục rung lắc dữ dội vì đủ loại scandal liên quan tới tất cả các bên : Hệ thống quản lý – điều hành mạng lưới học đường, trường học, giáo viên, gia đình, học sinh.
Anh Son Tran Duc đã hệ thống lại những scandal ấy như một tiểu phẩm được đặt tên là Thăm lại trường xưa ! :
- Chào bác. Bác là bảo vệ trường phải không ạ ? Cho tôi gặp cô giáo A.
- Cô A mới bị cho nghỉ việc vì bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng.
- Thế thầy B đâu ạ ?
- Thầy B đang đánh nhau với thầy C ngoài kia kìa.
- Thế cho tôi gặp cô D cũng được ạ.
- Cô D bị phụ huynh bắt quỳ chưa đứng dậy được.
- Thôi thì thầy E cũng được !
- Thầy E nhắc nhở học sinh xóa hình xăm bị nó đâm thủng bụng đi cấp cứu rồi.
- Vậy thì gặp cô F dạy hợp đồng cũng được ạ.
- Cô F mới bị cắt hợp đồng bây giờ ở nhà chăn lợn rồi.
- Cô G thì sao ạ ?
- Cô G xinh nhất trường. Hôm nay có thanh tra sở về, cô ấy phải đi tiếp các vị lãnh đạo.
- Thế này thì thật quá đáng, giáo viên còn mỗi cô H, tôi muốn gặp cô H.
- Cô H cũng mới bị đình chỉ vì mấy tháng đi dạy không chịu giảng bài.
- Vậy cho tôi gặp cô hiệu phó.
- Hiệu phó đi ô tô vào sân trường cán gãy chân học sinh nên đang phải làm việc với công an.
- Thôi, thế cuối cùng cho tôi gặp thầy hiệu trưởng vậy.
- Thầy hiệu trưởng bị tố lừa chạy việc bị công an bắt hai hôm nay. Bây giờ cả trường chỉ còn mỗi tôi thôi (2).
Sau khi thực hiện thống kê gần giống như Anh Son Tran Duc, chỉ khác là có thời gian, địa điểm cụ thể, Oanh Nguyen Thi nhận định trên trang facebook của cô rằng : Đó là những trái đắng từ một nền giáo dục đã hoàn toàn thất bại mà tất cả các bên đều vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm (3). Oanh đã nêu ra hàng loạt câu hỏi vốn rất đơn giản song tại Việt Nam, từ hệ thống giáo dục đến gia đình, xã hội đều bất lực trong việc trả lời : Làm sao tạo ra được những nhà giáo có đủ năng lực sư phạm khi gần một nửa chương trình đào tạo các "kỹ sư tâm hồn" dành cho Lý luận chính trị Mác – Lê, Lịch sử Đảng chính quyền cộng sảnVN và những hoạt động vô bổ khác không liên quan cũng chẳng có giá trị gì về mặt sư phạm ? Phải chăng do không chú trọng nên những khái niệm về đạo đức nghề nghiệp, sự tự trọng của nhà giáo trở thành xa lạ với nhiều người làm thầy ? Làm sao để có những thế hệ học sinh biết "tôn sư trọng đạo" và hiểu rằng "tiên học lễ, hậu học văn" như ngày xưa ? Làm sao để có được những phụ huynh hiểu biết, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng giáo viên và nhà trường trong việc dạy dỗ con cái khi chính bản thân họ cũng là thành quả của một nền giáo dục suy đồi, "hổng chân" bởi thiếu cả triết lý lẫn những tiêu chuẩn cơ bản của một nền giáo dục tiến bộ ?
Giống như nhiều người, Oanh cho rằng, các scandal chỉ là thêm vài dấu chấm than nữa cho nền giáo dục vốn đã đầy rẫy những dấu cảm thán. Nhà đã nát mà người cũng nát thì làm sao có thể hy vọng "dựng lại nhà, dựng lại người" ?
Vì là nơi mọi người tự do bày tỏ suy nghĩ về các sự kiện, những vấn đề xảy ra quanh mình, mạng xã hội luôn có rất nhiều ý kiến trái chiều với nhau, song khi bàn về giáo dục Việt Nam, gần như tất cả mọi người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đều nhất quán về thực trạng bi đát của lĩnh vực này. Cù Mai Công gọi các scandal liên quan đến giáo dục là "thảm họa vô giáo dục" – vốn đã có từ lâu và giờ nở rộ. Công khẳng định, đó là hệ quả của chủ nghĩa tranh đoạt thành tích, chức danh tràn lan trong ngành giáo dục, từ cấp cao nhất cho đến tận các trường tiểu học, mầm non và vì vậy môi trường giáo dục không thể lành mạnh được. Dẫn Lã Khôn (Kẻ nào hiếu danh, việc làm thường giả dối), Công nhấn mạnh, trong môi trường như vậy, thảm họa là tất yếu, không hôm nay thì ngày mai (4).
Cũng đề cập đến chứng "hiếu danh" nhưng Hoàng Linh không gọi các scandal là "thảm họa vô giáo dục" trong ngành giáo dục. Facebooker gọi giáo dục tại Việt Nam là "giáo dục khổ sai". Xót xa trước việc con mình – một học sinh lớp 11 – không thể rời khỏi bàn trước 11 giờ đêm, một người bạn của Linh xin chuyển trường cho con mình vì không thể chấp nhận nhà trường trở thành nơi "hành hạ" trẻ con. Tuy nhiên trường mới cũng thế. Nếu không đủ tiền cho con vào các tư thục hay du học, phụ huynh sẽ "cùng với con cháu của mình "điên cuồng vật vã trong môi trường giáo dục khủng khiếp này". Theo Hoàng Linh, thiếu triết lý giáo dục nên hệ thống học đường của Việt Nam triền miên quay cuồng trong các cuộc cải cách và hầu hết là… cải cách thi : Cải cách thi vào lớp 6, Cải cách thi vào lớp 10, Cải cách thi tốt nghiệp trung học, Cải cách thi đại học…
Trường học bị biến thành trung tâm luyện thi và chỉ nhằm phục vụ chuyện thi.
Thi cử trở thành trung tâm của hoạt động giáo dục. Trường học bị biến thành trung tâm luyện thi và chỉ nhằm phục vụ chuyện thi. Khi điểm quan trọng hơn nhân cách, nền tảng văn hóa thì giáo dục sản sinh ra lớp tri thức – vốn từng được xem là "thần đồng đất Việt" như Phan Sào Nam thành ông chủ sòng bài lớn nhất thế giới, những cử nhân, tiến sĩ trở thành những viên chức tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền mà ai cũng thấy (5).
***
Khi đề cập đến hàng loạt scandal này trong lĩnh vực giáo dục suốt ba tháng vừa qua, Oanh Thi Nguyen bảo rằng, nếu quan sát giáo dục để xem một quốc gia phát triển như thế nào thì trông vào nền giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ hiểu chúng ta có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu" được hay không !
Giống như Oanh Thi Nguyen, Cù Mai Công cũng mơ "dựng lại nhà, dựng lại người" nhưng thực tế cho thấy ước mơ dẫu chính đáng ấy lại giống như… viễn vông. Công than, sau bao nhiêu "thảm nạn vô giáo dục", trường học vẫn không được xem như "tổ ấm", không được xem như nơi chốn để yêu thương. Trên đường, trong trường, giữa lớp, banner, khẩu hiệu tuyên truyền biến nhà trường thành "pháo đài" chống cái này, chống cái kia vẫn giăng đầy.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn giáo dục Việt Nam đến chỗ tuyệt vọng như hiện nay, nhiều giới đồng tình với quan điểm, đó là do giáo dục Việt Nam thiếu triết lý đúng làm nền tảng. Nhận định ấy không sai nhưng chưa đủ. Giáo dục Việt Nam tan nát vì giống như các lĩnh vực khác, giáo dục được sử dụng như công cụ phục vụ chính trị. Chỉ chính trị mới cần thành tích kể cả thành tích trong giáo dục. Thành tích trong giáo dục không chỉ được sử dụng để chứng tỏ sự "ưu việt toàn diện" của hệ thống chính trị mà còn là thang cho nhiều cá nhân leo cao hơn, phát đạt hơn trong hệ thống ấy.
Người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đang chuyển cho nhau xem một video clip, trích ra từ chương trình tư vấn trực tuyến "Bí quyết ôn thi và chọn nguyện vọng vào lớp 10" do báo Thanh Niên phối hợp với một số nơi tổ chức hôm 10 tháng 4 ở trường Trung học Lê Quý Đôn – Sài Gòn.
Clip ghi lại chuyện một đứa trẻ lớp 9 đứng dậy nêu thắc mắc : Điều gì khiến các thầy cô nghĩ rằng việc bỏ không cộng điểm học sinh giỏi cấp thành phố trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ đem lại công bằng ?... Sau đó "thầy" Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, đứng dậy đáp lại, đại ý : Ngày 28 tháng 2 năm 2018, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư 02 để sửa đổi, bổ sung Quy chế Tuyển sinh trung học cơ sở. Chúng ta phải… sống và làm viêc theo pháp luật, bất kể thế nào thì cũng phải… duy trì pháp luật do đó ông thấy không cần phải trả lời câu hỏi của đứa trẻ 14 tuổi – đại diện cho hàng trăm ngàn đứa trẻ và phụ huynh của chúng trên xứ sở này (6).
Phong thái, cách hành xử của "thầy" Hoàng khiến nhiều người kêu Trời. Đã có hàng chục triệu người từng kêu Trời, hàng chục triệu người khác đang kêu Trời vì "điên cuồng vật vã trong môi trường giáo dục khủng khiếp" cùng với con cháu của mình nhưng giáo dục Việt Nam vẫn thế vì hệ thống chính trị không cần và cũng chẳng quan tâm đến con người. "Thầy" Hoàng chỉ là một trong hàng triệu đại diện của hệ thống ấy.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/04/2018
Chú thích :
(2)https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/10209907395356108
(3)https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/1682791068423044
(4)https://www.facebook.com/he.via.54/posts/436501433462582
(5) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/1583557825098075
(6)https://www.facebook.com/100009641314161/videos/667637816900923/