Nếu đặt dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" của tập đoàn FLC ở Quảng Ngãi bên cạnh chuỗi diễn biến liên quan tới chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ắt sẽ thấy dự án ấy như một đòn của liên hoàn cước, ngay cả vô tình thì vẫn góp phần đáng kể vào việc giúp Trung Quốc củng cố yêu sách về chủ quyền tại Biển Đông…
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn
***
Ngày 17 tháng 4, khi điều trần trước Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson – ứng viên cho vai trò Tư lệnh khu vực Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ - cảnh báo, bảy bãi đá ngầm mà Trung Quốc cưỡng đoạt từ tay Việt Nam ở quần đảo Trường Sa (Châu Viên - Cuarteron, Chữ Thập - Fiery Cross, Ga Ven - Gaven, Gạc Ma - Johnson, Tư Nghĩa - Hughes, Vành Khăn – Mischief, Xu Bi - Subi) rồi bồi đắp thành đảo nhân tạo suốt từ đầu thập niên 2010 đến nay, giờ đã trở thành một chuỗi căn cứ quân sự, giúp Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, khống chế tất cả các hải lộ quan trọng trong khu vực.
Không phải tự nhiên mà Trung Quốc gia tăng nỗ lực khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Đông. Chỉ tính từ đầu tháng đến nay, Trung Quốc đã khiêu khích cộng đồng quốc tế hai lần ở Biển Đông : Một lần gây nhiễu đối với chiến đấu cơ loại EA-18G Growler của hải quân Hoa Kỳ. Một lần, công khai quấy nhiễu hai chiến hạm HMAS Anzac và HMAS Toowoomba của hải quân Úc. Hai lần khiêu khích chỉ nhằm gửi lại thông điệp mà Trung Quốc phát hành từ lâu : Biển Đông không còn là vùng biển mà phi cơ, tàu bè có quyền tự do lưu thông như qui định của luật pháp quốc tế. Biển Đông giờ là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
***
Với Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục gửi thêm nhiều thông điệp khác cho cả hệ thống công quyền lẫn dân chúng, đặc biệt là cho ngư dân.
Cuối tháng trước, Việt Nam yêu cầu tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha ngưng thăm dò – khai thác dầu khí ở lô 136-06. Giống như Việt Nam, Trung Quốc cũng xem thăm dò – khai thác dầu khí tại Biển Đông không đơn thuần là kiếm thêm tiền cho công khố. Điểm quan trọng nhất của hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí là qua đó minh định chủ quyền của mình tại Biển Đông. Thành ra Trung Quốc rất hoan hỉ khi Repsol thôi thăm dò – khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ. Bà Hoa Xuân Oánh, Phát ngôn viên của Bộ Ngoai giao Trung Quốc, lập tức tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng, sự kiện Repsol ngừng thăm dò – khai thác dầu khí ở lô 136-06 chính là "bằng chứng rõ ràng" về chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, chưa kể sự kiện này còn cho thấy tình hình Biển Đông đang tiến dần đến chỗ"ổn định và phát triển một cách tích cực". Ngược lại, giới nghiên cứu khu vực châu Á và Biển Đông xem sự kiện tập đoàn Repsol ngưng thăm dò – khai thác dầu khí ở lô 136-06 hết sức tai hại cho Việt Nam : Các tập đoàn quốc tế sẽ rất dè dặt khi được mời bắt tay với Việt Nam, cùng thăm dò – khai thác dầu khí tại Biển Đông bởi có quá nhiều rủi ro khó lường về chính trị.
Ngoài việc gây áp lực đối với hệ thống công quyền Việt Nam và các tập đoàn dầu khí ngoại quốc để ngăn chặn hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí ở vùng biển mà Trung Quốc nhận là của mình, mức độ quyết liệt của Trung Quốc để bảo vệ "chủ quyền tại Biển Đông" trong lĩnh vực ngư nghiệp cũng đang tăng vừa nhanh, vừa mạnh.
Từ tháng trước đến nay, lực lượng vũ trang của Trung Quốc liên tục tấn công tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khi họ khai thác hải sản quanh quần đảo Hoàng Sa : Ngày 19 tháng 3, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90559 của ông Trần Quang, ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị tàu mang số hiệu 45103 của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đâm cảnh cáo để đuổi ra khỏi "vùng biển thuộc chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc". Ngày 22 tháng 3, tàu đánh cá mang số hiệu QNa 90822 của ông Nguyễn Tấn Sơn, ngụ tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc tịch thu toàn bộ ngư cụ, nhiều thiết bị hỗ trợ hải hành bị phá hủy. Ngày 20 tháng 4, hai tàu mang số hiệu 45103 và 46001 của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90332 của ông Nguyễn Tấn Ngọt, ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cũng trong ngày 20 tháng 4, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90046 của ông Trần Năm, cũng ngụ ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hải cảnh Trung Quốc tịch thu toàn bộ ngư cụ, hải sản.
Người ta tin rằng, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cả số lượng lẫn cường độ các cuộc tấn công nhắm vào những tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam trong giai đoạn từ 1 tháng 5 đến 16 tháng 8 năm nay. Giống như những năm trước, Bộ Nông nghiệp - Nông thôn của Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông để "bảo vệ nguồn lợi thủy sản" ở ngư trường thuộc… chủ quyền của Trung Quốc.
Giống như những năm trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố lệnh cấm đánh cá năm nay của Trung Quốc là "vô giá trị" còn Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn của Việt Nam thì gửi công điện nhắc nhở chính quyền các địa phương "động viên ngư dân bám biển" và "hướng dẫn, tổ chức ngư dân thành đoàn, đội để hỗ trợ nhau trên biển".
Và có lẽ cũng sẽ giống như những năm trước, các lực lượng hải quân, hải cảnh, kiểm ngư, cứu nạn hàng hải… của Việt Nam sẽ được đặt trong tình trạng "sẵn sàng trên… bờ" để ngư dân yên tâm bám… biển ! Họ sẽ rất tích cực trong việc… hướng dẫn ngư dân tự cứu mình và điều động ngư dân… tự cứu lẫn nhau khi gặp nhân họa ở Biển Đông !
***
Ngoài những thông tin có tính chất cảnh báo về nỗ lực quân sự hóa, truyền thông quốc tế còn cảnh báo về một nỗ lực khác của Trung Quốc – biến ngư dân thành dân quân – nhằm củng cố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, giúp Trung Quốc độc chiếm vùng biển này.
Tháng 5 năm 2016, Reuters công bố một phóng sự điều tra, theo đó, chính quyền đảo Hải Nam đang huấn luyện quân sự cho ngư dân Trung Quốc, trang bị vũ khí cho những ngư dân này và phiên chế các tàu đánh cá thành đội.
Đại diện chính quyền tỉnh Hải Nam nói với Reuters rằng khoảng 50.000 tàu đánh cá đã được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, được cấp xăng, nước đá để ngoài việc đánh bắt hải sản thì còn tham gia "bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông".
Nhiều ngư dân Trung Quốc làm việc trên những tàu đánh cá tại Biển Đông đã được trả tiền trong thời gian huấn luyện quân sự (bao gồm cứu nạn, chiến đấu), thu thập - báo cáo thông tin về tình hình trên biển. Chủ một số công ty đánh cá tư nhân xác nhận với Reuters rằng công ty của họ được nhà nước tài trợ để thay tàu đánh cá bằng gỗ bằng tàu đánh cá có vỏ thép, có thể thực hiện dễ dàng các chuyến hải hành đến tận quần đảo Trường Sa, vừa khai thác hải sản, vừa "chống các tàu đánh cá ngoại quốc xâm phạm chủ quyền". Nhiều ngư dân Trung Quốc khẳng định, họ tin rằng quân đội Trung Quốc đủ sức bảo vệ họ nếu hoạt động của họ bị kháng cự.
Phóng sự điều tra của Reuters kể thêm, vào thời điểm đó, các tàu đánh cá của Trung Quốc đã có thể nhận tiếp liệu (nước ngọt, xăng…) ở quần đảo Hoàng Sa và ngư dân Trung Quốc tin là họ sẽ có thể sớm nhận tiếp liệu tương tư tại những căn cứ quân sự mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.
Một viên chức của chính quyền tỉnh Hải Nam khoe với Reuters rằng, lực lượng dân quân của Trung Quốc trên biển đang phát triển mạnh, vì "ngư dân Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh hải và lợi ích quốc gia".
Những thông tin vừa kể đã khiến một số chuyên gia an ninh – quốc phòng lo ngại. Hải quân các quốc gia thì đã được huấn luyện về cách ứng xử và liên lạc khi đối diện nhau trên biển nhưng chắc chắn dân quân của Trung Quốc trên biển thì không. Cũng vì vậy, lực lượng này có thể tạo ra những cuộc xung đột.
Trên thực tế, các tàu đánh cá của Trung Quốc đã gây ra nhiều scandal vì xâm phạm, đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nhiều quốc gia, khi bị ngăn chặn hoặc bị đuổi, không ít lần, các tàu đánh cá của Trung Quốc lao vào tấn công các tàu công vụ của chính quyền sở tại để tìm đường thoát.
Chỉ tính riêng năm 2016, hải quân và hải cảnh của Nhật, Nam Hàn, Argentina… cùng bị đẩy vào tình thế phải nổ súng vào tàu đánh cá của Trung Quốc bởi những tàu đánh cá này lao vào họ. Cũng trong năm 2016, quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc trở thành căng thẳng chưa từng có do hải cảnh Trung Quốc giải vây cho một tàu đánh cá của Trung Quốc bị hải quân Indonesia bắt giữ vì đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia. Song song với việc lên án hải cảnh Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Indonesia cương quyết đòi Trung Quốc giao lại tàu đánh cá mà hải cảnh Trung Quốc đã đoạt lại trái phép trong tay hải quân Indonesia...
***
Với chiều dài bờ biển khoảng 3.500 cây số, Việt Nam có hơn một triệu ngư dân và chừng 28.000 tàu đánh cá chuyên đánh bắt xa bờ. Ngoài yếu tố kinh tế, ngư nghiệp trở thành lĩnh vực quan trọng còn vì ngư dân và hoạt động ngư nghiệp góp phần đáng kể trong việc minh định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Thế nhưng giống như nông dân, ngư dân Việt Nam không được hưởng bất kỳ chính sách đãi ngộ nào. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để sắm tàu, để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. Tự đối đầu với cả nhân họa (bị lực lượng vũ trang nhiều quốc gia săn đuổi, tấn công, tịch thu tàu, ngư cụ, bắn, bắt), lẫn thiên tai trên biển. Bị thương, mất mạng, phá sản vì nhân họa, thiên tai phổ biến tới mức được xem như sự mặc định của số phận khi trót là ngư dân Việt.
Trước nay, tất cả những chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, phát triển ngư nghiệp, khẳng định chủ quyền đều có… vấn đề. Năm 1997, hệ thống công quyền Việt Nam triển khai chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ", mười năm sau (2006), sau khi chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ" ngốn hết 1.400 tỉ, Thanh tra Chính phủ xác nhận, 95% của khoản 1.400 tỉ này bị tham nhũng. Các tỉnh - thành phố, quận – huyện, phường - xã của 29 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ" đã thi nhau dựng ra những hợp tác xã ma, công ty ma để rút bằng hết nguồn vốn vay có tính ưu đãi cho ngư dân để chia chác với nhau.
Sau chương trình "hỗ trợ đánh bắt xa bờ", cuối thập niên 2000, hệ thống công quyền Việt Nam đề ra chương trình "lắp thiết bị định vị vệ tinh cho tàu đánh cá". Sau khi hoàn tất tiến trình thí điểm với 2.000 tàu đánh cá, hàng loạt thuyền trưởng của các tàu đánh cá được hệ thống công quyền hỗ trợ khăng khăng đòi trả lại thiết bị vì chất lượng tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. Năm 2014, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định 67, khẳng định sẽ đầu tư - phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một "gói" trị giá 14.000 tỉ hỗ trợ ngư dân bám biển bằng cách chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại. Dẫu chưa có tổng kết song kế hoạch chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép coi như đã phá sản : Đa số tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì từ vỏ tới máy móc, thiết bị cùng trục trặc ngay trong chuyến hải hành đầu tiên.
***
Tuy dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" của tập đoàn FLC ở Quảng Ngãi chưa được phê duyệt nhưng giới lãnh đạo chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vẫn thúc, ép "toàn bộ hệ thống chính trị" ở tỉnh này giải tỏa - thu hồi để sớm bàn giao cho tập đoàn FLC hai hòn đảo (An Bình - đảo Bé, Lý Sơn – đảo Lớn) cùng thuộc huyện Lý Sơn và hàng ngàn héc ta đất thuộc các xã Bình Châu, Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú của huyện Bình Sơn.
Cả công chúng lẫn báo giới Việt Nam cùng tỏ ra hết sức bất bình vì chính quyền tỉnh Quảng Ngãi hăng hái thái quá trong việc hỗ trợ tập đoàn FLC triển khai dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" (lấy 500 tỉ đồng từ công khố tạm ứng cho FLC bồi thường - thu hồi đất, chỉ đạo ngưng thực hiện dự án cải tạo Đồn Biên phòng Bình Hải, dời đồn này đi nơi khác, gạt bỏ đề án xây dựng khu vực Lý Sơn - Bình Châu thành "Công viên Địa chất toàn cầu" dù đã chi 50 tỉ đồng để chuẩn bị hồ sơ trình cho UNESCO).
Nhiều người xem những yếu tố vừa kể là bằng chứng của lối hành xử duy lợi, bất chấp nhiều thứ từ môi trường, sinh thái, cho tới vai trò, tầm vóc của hoạt động quốc phòng... Thế nhưng xét về tổng thể, môi trường, sinh thái, vị trí của đảo Bé, đảo Lớn hay Đồn Biên phòng Bình Hải dường như chưa phải là điều đáng bận tâm nhất. Chưa kể tại sao lại ủng hộ việc duyệt chi tới 20 tỉ đồng để xây dựng lại trú sở cho một đơn vị thuộc một lực lượng mà toàn bộ hoạt động chỉ diễn ra quanh… bờ như Đồn Biên phòng Bình Hải ?
Chưa ai phân tích, dự đoán xem cả tâm thế lẫn tư thế của ngư dân sẽ như thế nào khi họ đã rất lẻ loi ngoài biển, giờ, bị tước luôn cả sự ổn định ở trên bờ để có thể yên tâm ra khơi, qua những dự án kiểu như dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" ? Nếu ngư nghiệp quan trọng vừa vì những đóng góp của lĩnh vực này cho kinh tế quốc gia, vừa vì sự phát triển của nó đồng nghĩa với gia tăng hiệu quả của việc minh định chủ quyền tại Biển Đông thì tại sao những dự án như dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn" có thể mọc lên như nấm suốt từ Bắc vào Nam ? Tại sao những dự án kiểu ấy xóa sổ nhiều làng chài, nguy hại cho sự ổn định và phát triển của ngư nghiệp mà vẫn được phê duyệt hàng loạt ?
Từ khi bị Trung Quốc ép phải rời khỏi các ngư trường truyền thống quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, ngư dân Việt Nam phải giong thuyền đến những vùng biển khác khai thác hải sản để sống và cũng vì vậy, suốt thập niên vừa qua, họ trở thành đối tượng bị hải quân, hải cảnh của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á săn đuổi, bắn, bắt, tịch thu tàu, tịch thu ngư cụ, phạt tù… Đã bế tắc khi mưu sinh ngoài biển, vào bờ thì mất nhà, mất đất, mất lối xuống biển, mất chỗ neo thuyền,… bao giờ ngư dân Việt nhất loạt bỏ biển như nông dân Việt lũ lượt ly nông, ly hương ? Lúc nào chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông sẽ chỉ còn được khẳng định trên môi miệng của các Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ?
***
Nếu theo dõi kỹ các diễn biến liên quan đến tương quan ngư dân – ngư nghiệp – chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, người ta không thể không nhớ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vì đó là địa phương liên tục có tàu đánh cá bị Trung Quốc tấn công, bắt giữ, tịch thu ngư cụ.
Điều duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam đã làm để ghi nhận sự năng động trong hoạt động ngư nghiệp của ngư dân huyện Bình Sơn và được hệ thống truyền thông Việt Nam quảng bá rộng rãi là buộc ngư dân ký cam kết không xâm nhập, khai thác hải sản ở những vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, sau khi Bình Sơn trở thành địa phương dẫn đầu về số lượng ngư dân Việt bị các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tống giam.
Tại sao tập đoàn FLC lại chọn Bình Sơn ? Tại sao "toàn bộ hệ thống chính trị" ở Quảng Ngãi lại dễ dàng nhất trí với ý tưởng thu hồi 4.000 héc ta ở Bình Sơn, Lý Sơn làm sân golf, khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng… hoan hỉ hỗ trợ để biến ý tưởng đó thành hiện thực cho dù ý tưởng đó xóa sổ khu vực có hoạt động ngư nghiệp năng động nhất ở Việt Nam ?
Song hành với các đại dự án của FLC là hàng loạt scandal ởQuảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Bình... Giữa năm ngoái, sau khi phân tích các thông tin trong cáo bạch của FLC, một tờ báo ở Việt Nam cho biết, cả doanh thu lẫn lợi nhuận của FLC cùng giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016 và rất khó đạt mục tiêu đã cam kết với cổ đông (tính đến giữa năm 2017, cả doanh thu lẫn lợi nhuận đều không đạt 25% mục tiêu đề ra cho cả năm 2017). Ngoài năm ngân hàng tại Việt Nam, FLC còn được Ngân hàng Công thương của Trung Quốc (ICBC) hỗ trợ về vốn.