Tuần này, công an Việt Nam tiếp tục cung cấp đề tài cho công chúng bàn luận. Giống như nhiều lần trước, dù đề tài có những tình tiết hết sức hoạt kê nhưng người nghe, người đọc chẳng những không cười mà thêm giận...
Khẩu súng mà Phước đã dùng "đích thị là súng của 'Thánh Châu Tinh Tinh' để lại thành ra đánh vào má là đạn có thể xuyên đầu"
***
Tối 7 tháng 1, ông Bùi Việt Hải, 30 tuổi, tạm trú ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, bị một kẻ lạ mặt bắn vào đầu và thiệt mạng.
Đến ngày 8 tháng 1 công an tỉnh Đồng Nai loan báo đã xác định được thủ phạm. Kẻ thủ ác không phải là du đãng ! Y tên Nguyễn Tấn Phước, 39 tuổi, trung úy công an, đang làm việc tại Đội Tuần tra của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai.
Ngày 10 tháng 1, công an tỉnh Đồng Nai cho biết thêm rằng đồng đội của họ không bắn ông Hải. Viên đạn nằm trong đầu – đoạt mạng ông Hải là một… tai nạn.
Bạn gái của Phước có một cô con gái 18 tuổi. Vì không tán thành chuyện con gái qua lại với ông Hải nên bà nhờ Phước ngăn cản. Phước tổ chức theo dõi ông Hải và khi nhận được tin ông Hải đã về nhà trọ, Phước đến tận nơi tìm ông Hải rồi móc súng ngắn, đánh vào mặt ông Hải. Súng… va trúng má trái của ông Hải rồi… cướp cò và đạn đi thẳng vào đầu ông !
***
Không có độc giả nào của các tờ báo chính thống và người dùng mạng xã hội tiếng Việt tin rằng ông Hải thiệt mạng do… tai nạn như công an tỉnh Đồng Nai trình bày.
Ngoài những nhận xét rằng kết luận điều tra sơ bộ của công an tỉnh Đồng Nai tạo cảm giác "thấy sai sai", "nghe kỳ kỳ", trên diễn đàn của báo điện tử Zing, một độc giả dùng nickname Undefined lập lại nhận định của nhiều người rằng, phải lên đạn, mở khóa an toàn và bóp cò thì đạn mới ra khỏi nòng được. Đó cũng là lý do Kiều Phong – một độc giả khác của báo điện tử Zing, khẳng định, ngay cả trẻ con cũng không tin kết quả điều tra sơ bộ của công an tỉnh Đồng Nai. Độc giả có nickname là Mập bỡn cợt, khẩu súng mà Phước đã dùng "đích thị là súng của ‘Thánh Châu Tinh Tinh để lại thành ra đánh vào má là đạn có thể xuyên đầu"... Tương tự, trên diễn đàn điện tử của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, độc giả Dương Quỳnh Liên nhận định, không có chuyện "cướp cò", đó là cố ý.
Có một điểm đáng chú ý là kết quả điều tra sơ bộ của công an tỉnh Đồng Nai phi lý đến mức trên mạng xã hội, có facebooker như Viet Dung Le, cảnh báo mọi người coi chừng… "tin giả". Một số facebooker khác phải dẫn hàng loạt links của nhiều tờ báo chính thống nhằm "trấn an", tình tiết "dùng súng vả vào má, súng bị cướp cò rồi đạn xuyên qua đầu" là từ công an tỉnh Đồng Nai mà… ra !
***
Dựa trên thông tin của một số tờ báo (Phước vốn là tài xế riêng của cựu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, sau khi thượng cấp về hưu, Phước được "thuyên chuyển" về Đội Tuần tra của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai – một chỗ vốn hết sức "béo bở"), nhiều người cho rằng công an tỉnh Đồng Nai bao che cho Phước.
Bao che vốn không phải là chuyện hiếm nhưng trong trường hợp này, dường như "dùng súng vả vào má, súng bị cướp cò rồi đạn xuyên qua đầu" không đơn thuần là bao che cho "đồng chí" Phước.
Công an tỉnh Đồng Nai giải thích như thế là để bao che cho ngành. Hành động của Phước : Can thiệp vào những quan hệ cá nhân một cách thô bạo. Càn rỡ đến mức tự tiện xông vào chỗ ở của người khác, đánh chửi họ, bị kháng cự rút súng bắn thẳng vào đầu – sẽ bôi thêm một vết nhơ vào mặt ngành công an.
Muốn biết hiệu quả những kiểu biện bạch như : Trung úy Phước không chĩa súng vào đầu nạn nhân rồi bóp cò mà chỉ "dùng súng vả vào má, súng bị cướp cò nên đạn xuyên qua đầu". Hoặc Thượng sĩ Điền (Thành phố Hồ Chí Minh), trung úy Hồng (Đắk Lắk),… không dùng gậy điều khiển giao thông quất vào mặt người đi đường, nạn nhân bị gãy mũi, bể hốc mắt chỉ vì không làm chủ tốc độ, thiếu quan sát nên để "mặt va" vào gậy điều khiển giao thông. Hay cảnh sát giao thông không bao giờ đạp những người vi phạm giao thông, nạn nhân tàn phế, thậm chí thiệt mạng hoàn toàn do "tự ngã". Công an không bao giờ tra tấn, ép ai nhận tội, từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014, 226 người thiệt mạng khi bị tạm giữ, tạm gian đều do đột tử hoặc tự tử… cứ vào mạng xã hội.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/01/2018
Ngày 9 tháng 1, trong phiên xử Phạm Công Danh và các đồng phạm "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" (thiệt hại khoảng 6.000 tỉ đồng), tại Sài Gòn, ông Trầm Bê, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank – người bị cáo buộc là đã giúp ông Phạm Công Danh gây thiệt hại 1.800 tỉ đồng – bảo với Hội đồng xét xử rằng, ông "không phục" khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì có nhiều ngân hàng khác cũng cho ông Danh vay tiền như ông nhưng chẳng có cá nhân hữu trách nào của những ngân hàng đó phải hầu tòa…
Phiên xử Phạm Công Danh và các đồng phạm ngày 09/04/2018 tại Sài Gòn
Liệu Bộ chính trị - cơ quan điều hành Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam – có thật sự vô can.
Cũng ngày 9 tháng 1, trong phiên xử Đinh La Thăng và các đồng phạm "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "tham ô tài sản", tại Hà Nội, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Sài Gòn – người bị cáo buộc gây ra thiệt hại 119 tỉ đồng – bảo với Hội đồng xét xử rằng, sở dĩ ông không tổ chức đấu thầu mà chỉ định Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, vì đó là "chủ trương của Bộ chính trị", muốn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trở thành "anh cả" của nền kinh tế như các tập đoàn, tổng công ty khác của nhà nước. Từ "chủ trương" đó, chính phủ Việt Nam cho phép PVN làm đủ thứ, kể cả chỉ định PVC vốn thiếu cả năng lực về tài chính lẫn khả năng thi công làm tổng thầu…
Dẫu không tuyên bố bất phục như ông Trầm Bê song khi nhấn mạnh "động cơ" khiến mình phải hầu tòa vì "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", ông Thăng cũng tỏ ra bất phục vì Bộ chính trị - phía đề ra "chủ trương" hoàn toàn vô can.
***
Liệu Bộ chính trị - cơ quan điều hành Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam – có thật sự vô can khi càng nỗ lực "tái cơ cấu" thì hệ thống ngân hàng càng nát thành ra Ngân hàng Nhà nước phải mua lại hàng loạt ngân hàng với giá 0 đồng – hành động mà ai cũng biết là dùng công khố để chống cho những ngân hàng được mua với giá 0 đồng khỏi sụm, hệ thống ngân hàng không sụp đổ ?
Liệu Bộ chính trị - cơ quan điều hành Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam – có thật sự vô can khi từ năm 2000 đến nay, ba đợt "tái cơ cấu" hệ thống ngân hàng chỉ tạo thêm một mớ "đại gia" kèm theo hàng loạt "đại án", thiệt hại của hệ thống ngân hàng đối với kinh tế - xã hội càng ngày càng lớn, từ hàng tỉ, thành hàng chục ngàn tỉ rồi hàng trăm ngàn tỉ song chỉ điều tra – truy tố - xét xử các "đại gia", dù ai cũng thấy họ dựa vào đâu để trở thành "đại gia" rồi gây "đại án" ?
Liệu Bộ chính trị - cơ quan điều hành Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam – có thật sự vô can khi thiết lập, duy trì những tiêu chuẩn về "qui hoạch nhân sự" giúp những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,… giũ bỏ trách nhiệm ở PVN, PVC,… "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trên con đường trở thành lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo các ngành, lãnh đạo chính quyền các địa phương ? Xét cho đến cùng, tống giam, truy tố, kết án những Thăng, Thanh,… cũng chỉ là một kiểu giũ bỏ trách nhiệm khác !
Liệu Bộ chính trị - cơ quan điều hành Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam – có thật sự vô can khi chủ trương xây dựng "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", chỉ đạo dồn toàn bộ nguồn lực quốc gia cho những tập đoàn, tổng công ty nhà nước để hàng tỉ, hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ không những không sinh lợi mà còn làm cho kinh tế suy sụp, nợ nần chồng chất ? Năm 2011, khi khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, từng thay mặt Bộ chính trị, khẳng định, "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị" là một trong ba "vấn đề cấp bách, cần làm ngay" thế thì vì lẽ gì mà đến giờ Bộ chính trị tiếp tục vô can ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 11/01/2018
Tính chất, mức độ phản kháng đối với chuyện thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT càng lúc càng mãnh liệt và có khuynh hướng lan rộng trên toàn quốc. Sau Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, giờ tới lượt giới chủ đầu tư cho các công trình giao thông theo hình thức BOT ở Cần Thơ, Sóc Trăng đối diện với rủi ro phải nhấc barrier lên để các loại xe qua lại miễn phí.
Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy.
Phương thức phản đối lạm thu của người điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông ở Việt Nam đã khác hẳn trước. Cách nay vài năm, phản kháng lạm thu chỉ ngừng lại ở mức xếp hàng, treo các banner bên hông xe, diễu hành qua các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Năm ngoái, phản kháng lạm thu tiến thêm một bước - dùng các loại tiền lẻ để biến các trạm thu phí BOT trở thành tác nhân khiến giao thông rối loạn. Hai tuần vừa qua, nhiều người dân tiến thêm một bước, thôi trả tiền lẻ, dừng xe để chất vấn tại sao không sử dụng những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT mà vẫn phải trả phí (?), tại sao phải trả phí cho những công trình giao thông mà chất lượng giống như… mèo mửa (?)…
Thái độ của hệ thống công quyền đối với các hành động phản kháng cũng đã khác hẳn.
Trước, thay vì trả lời hàng loạt thắc mắc như : Trong khi mục tiêu của các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT là phát triển thêm hạ tầng giao thông thì tại sao hệ thống công quyền lại chọn nhiều công lộ, giao cho các "nhà đầu tư" sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí ? Tại sao hệ thống công quyền không theo các qui định hiện hành, tùy tiện thay đổi qui mô để các "nhà đầu tư" có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn ? Tại sao hệ thống công quyền lại dễ dàng chấp nhận cho các "nhà đầu tư" thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác, ép tất cả các phương tiện phải trả phí, bất kể có sử dụng những công trình được đầu tư theo hình thức BOT hay không ? Tai sao Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã thu thập đủ chứng cứ cho thấy 100% dự án BOT về cầu đường có vấn đề : Không tổ chức đấu thầu mà chỉ định "nhà đầu tư", gần như tất cả các "nhà đầu tư" đều không đủ vốn, đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, vốn liếng đổ vào các dự án BOT cầu đường chủ yếu là tiền vay của các ngân hàng, khiến cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia bị biến thành "con tin"… mà không có ai bị truy cứu trách nhiệm ? – thì đầu tháng 12 năm ngoái, cả ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng lẫn ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Giao thông – Vận tải, vẫn khẳng định, tất cả các dự án BOT cầu đường đều đúng pháp luật, đúng qui trình, các bộ hữu trách, trong đó có Bộ Công an phải phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, điều tra – xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự, tuyên truyền – thuyết phục nhân dân ủng hộ !
Giờ, ngoài ông Võ Thành Thống, Chủ tịch thành phố Cần Thơ, nhận định, các hoạt động phản kháng là tự phát, không có tổ chức hay cá nhân nào kích động và kêu gọi dân chúng bình tĩnh, đại diện Bộ Giao thông – Vận tải, cũng đã đổi giọng nài nỉ "tài xế tiếp tục chia sẻ vì chủ đầu tư đã bỏ tiền ra để làm đường, nếu khu vực nào cũng đòi giảm 100% (miễn phí) sẽ rất khó và không bảo đảm phương án tài chính (thu tiền để trả cả vốn lẫn lãi cho các ngân hàng)". Sau hàng chục năm dân "kêu như bọng", lần đầu tiên, chủ tịch hệ thống công quyền của một địa phương trực thuộc trung ương, trực tiếp chỉ trích một "nhà đầu tư" dự án BOT cầu đường "không hợp tác" (mở barrier cho các loại phương tiện qua lại miễn phí). Thậm chí ngày 5 tháng 1, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch thành phố Cần Thơ còn dọa, nếu "nhà đầu tư" tiếp tục "không hợp tác" thì "sẽ có biện pháp xử lý".
Khi hệ thống công quyền bị đẩy vào thế phải đứng về phía lợi ích, thái độ các "nhà đầu tư" cũng khác, tháng trước, các "nhà đầu tư" còn vời đủ loại công an, cảnh sát, kể cả cảnh sát cơ động đến bảo vệ hoạt động của mình, đòi công an phải xử lý những phần tử chống đối, kích động gây rối thông qua việc dùng tiền lẻ trả phí thì tháng này, Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hòa – "nhà đầu tư" dự án BOT Ninh An – chủ động tổ chức "đối thoại" với giới chủ doanh nghiệp vận tải và tài xế ở thị xã Ninh Hòa. Tổng Công ty 319 của Bộ Quốc phòng – "nhà đầu tư" dự án BOT Sông Phan ở Bình Thuận – phân bua, một ngày trước khi BOT Sông Phan "thất thủ" đã "chủ động" xin Bộ Giao thông – Vận tải cho giảm mức phí đối với các doanh nghiệp vận tải và phương tiện ở huyện Hàm Thuận Nam,…
***
Hối mại quyền thế vốn là "phương thức" biến nhiều "áo vải" thành "đại gia" song dường như thời thế đã khác. Nhiều "đại gia" đã, đang hoặc sẽ có cơ hội chiêm nghiệm điều này. Chẳng riêng lĩnh vực cầu đường. Trường hợp ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, Phó Giám đốc Công ty Long Sơn là một ví dụ. Khi được chính quyền tỉnh Đắk Nông giao 1.079 héc ta đất để thực hiện "dự án nông - lâm nghiệp", khi vũ trang cho "công nhân" bằng dao, rựa, gậy gộc, khiên, đá củ đậu,… khi xua "công nhân" tràn tới hủy diệt nhà cửa, ruộng vườn của những nông dân ở xã Quảng Đức, huyện Tuy Đức để thu hồi đất hết đợt này, tới đợt khác mà không việc gì, ông Sửu không dè sẽ có những nông dân tự vũ trang bằng súng tự chế, liều chết để bảo vệ mái ấm, bảo vệ tương lai của con cái họ, nên các anh từ Hai tới… Út buộc phải lôi ông ra xử và phạt ông… sáu năm tù.
Đồng loại, đồng bào không phải gà, vịt, trâu, chó… thành ra không phải lúc nào cũng có thể nhận ủy quyền để vặt lông, cắt tiết. Kính thưa các "đại gia" và những cá nhân đang nỗ lực trở thành "đại gia" ! Những kẻ có thể mang công quyền ra bán sỉ và bán lẻ chẳng bao giờ có "thân hữu" cả. Lúc "giun" quằn, chắc chắn "gia" sẽ trở thành "da" trước.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/01/2018
Các dự án xây dựng cổng chào dường như không còn là đắc sách, tuy nhiên chẳng có gì bảo đảm các viên chức hữu trách ở Việt Nam sẽ ngừng tư duy nhằm tìm ra một hoặc những phương thức mới bòn rút cho sạch công khố...
Cổng chào tỉnh Thái Nguyên - Hình minh họa.
***
Chuyện dùng ngân sách dựng những cổng chào trị giá hàng tỉ, thậm chí vài trăm tỉ đồng,… đang bị công chúng chỉ trích dữ dội sau khi chính quyền thành phố Cần Thơ triệu tập ông Chung Hoàng Chương đến làm việc vì "thông tin sai lệch trên mạng xã hội".
Cáo buộc ông Chương "thông tin sai lệch trên mạng xã hội" xuất phát từ việc ông Chương đặt tấm ảnh chụp "cổng chào nghệ thuật" mà chính quyền thành phố Cần Thơ mới dựng để "Mừng Đảng, mừng Xuân" bên cạnh tấm ảnh giới thiệu một kiểu quần lót của phụ nữ trên trang facebook của ông.
Tuy ông Chương không bình luận nhưng ai xem status này cũng có cảm giác, hình như ý tưởng thiết kế "cổng chào nghệ thuật" để "Mừng Đảng, mừng Xuân" mà chính quyền thành phố Cần Thơ đã duyệt và dùng công quỹ để dựng, khởi phát từ kiểu quần lót chẳng mấy người dùng ấy.
Giữa lúc chính quyền thành phố Cần Thơ đang loay hoay chống đỡ dư luận thì chính quyền tỉnh Thái Nguyên tổ chức "trưng cầu dân ý" về thiết kế một cổng chào trị giá… 15 tỉ. Giống như "tức nước, vỡ bờ", sau dân, tới lượt báo giới nối gót, chỉ trích bây giờ như bão.
Tờ Tuổi Trẻ đăng "Chào các… cổng chào bạc tỉ !", liệt kê hàng loạt những chuyện quái đản từ phong trào dựng cổng chào từ làng, xã đến huyện, tỉnh.
Cổng tỉnh gần 200 tỷ đồng, được cho là hoành tráng nhất Việt Nam, vừa được chủ đầu tư là tỉnh Quảng Ninh thông xe
Thật ra phong trào rút tiền từ công khố dựng cổng chào không mới. Phong trào này đã manh nha từ đầu thập niên 2010, dường như Hà Nội là nơi khởi xướng, dẫn đầu phong trào : Xã nào, huyện nào cũng dựng cổng chào. Càng về sau, qui mô cổng chào của các xã, các huyện càng lớn.
Ngân sách thâm thủng, nợ nần gia tăng, chi tiêu cho giáo dục, y tế liên tục bị cắt giảm nhưng những viên chức hữu trách ở các địa phương vẫn cương quyết dựng cổng chào vì theo họ, chúng là "dấu ấn", là "biểu tượng văn hóa" của địa phương. Tiếc là tâm huyết của những viên chức hữu trách đối với các "dấu ấn", các "biểu tượng văn hóa" không đủ thành ra các cổng chào thường bị chê là kệch cỡm và tuổi thọ rất ngắn. Năm 2010, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức khánh thành cổng chào trị giá 40 tỉ. Năm 2012, chính quyền tỉnh Bình Dương tổ chức tháo dỡ "đôi cánh" đại diện cho "khát vọng vươn lên của Bình Dương" vì "không phù hợp" để thay bằng một quả cầu, trị giá một tỉ. Năm sau (2013), do quả cầu tả tơi, chính quyền tỉnh Bình Dương tiếp tục tổ chức tháo dỡ tiếp... Tương tự, sau khi chi 24 tỉ dựng một "cổng chào nghệ thuật" hồi 2015, năm ngoái, chính quyền thành phố Hải Phòng phải tổ chức tháo dỡ vì "dấu ấn", "biểu tượng văn hóa" của thành phố này bị hư hỏng nặng.
Cổng chào văn hóa ở vùng nông thôn huyện Phú Tân được đầu tư xây dựng kiên cố. Ảnh: Ngọc Thu. (21/12/2015)
Bởi chẳng ai thắc mắc về trách nhiệm trong việc rút tiền từ ngân khố ra để dựng và dùng cổng chào nên khi tới lượt mình, chính quyền tỉnh Quảng Ninh chi đến 200 tỉ để dựng cổng chào và chi thêm 35 tỉ khác để dựng cột đồng hồ ở Hạ Long. Dường như để chứng tỏ mình hơn xa, chính quyền tỉnh Thái Bình loan báo sẽxây "tháp biểu tượng" cao 25 tầng, trị giá 300 tỉ…
***
Tại Việt Nam, chính quyền các tỉnh thường "trông vào nhau" và yếu tố "tỉnh này, thành phố kia đã có còn chúng tôi thì chưa" trở thành lý do dẫn tới sự ra đời không chỉ vô số cổng chào, quần thể quảng trường – tượng đài, trung tâm hành chính, khu kinh tế, khu công nghiệp,… Từ khi ngân sách liên tục thâm thủng, nợ nần tăng vọt, lối so sánh như vừa kể không còn hợp thời, hợp cảnh, các viên chức hữu trách bắt đầu viện đến "nguyện vọng của nhân dân".
Khi bị chất vấn tại sao trước nay thường xuyên xin gạo cứu đói mà vẫn chi tới 1,1 tỉ đồng để dựng cổng chào, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, khẳng định đó là "nguyện vọng của nhân dân" !
Năm 2015, cũng với những lý do "không có là một thiệt thòi" và "nguyện vọng của nhân dân", Sơn La quyết định xây quần thể quảng trường - tượng đài Hồ Chí Minh, trị giá 1.400 tỉ đồng. Đó là lần đầu tiên, kế hoạch xây dựng những quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh bị chỉ trích kịch liệt trên diện rộng. Ông Ngô Bảo Châu, một trong những trí thức nổi tiếng ôn hòa cũng không kềm được giận dữ vì số tiền đó đủ để xây toàn bộ trường học, các ký túc xá cho cả Sơn La lẫn các tỉnh miền núi. Ông Châu nhấn mạnh : "Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh".
Không nói ra thì ai cũng biết tại sao chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam hết sức nhiệt thành với những dự án xây dựng. Trong số các dự án xây dựng, chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đặc biệt yêu thích loại dự án xây dựng quần thể quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh bởi có thể yêu cầu chi hàng ngàn tỉ. Do chính quyền địa phương nào cũng muốn thực hiện dự án xây dựng quần thể quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2015, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Việt Nam phải tổ chức một hội thảo về "Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030". Theo "quy hoạch" được công bố tại hội thảo đó thì từ 2015 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất ngân sách để xây dựng... 58 quần thể quảng trường – tượng đài tưởng niệm ông Hồ Chí Minh. Chính quyền các tỉnh, thành phố ở Việt Nam phải xếp hàng chờ tới lượt mình.
Phản ứng của công chúng đối với chuyện chi 1.400 tỉ xây dựng quần thể quảng trường - tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La, rồi ngay sau đó, xảy ra sự kiện, do các bệnh viện ở Sơn La thiếu phương tiện vận chuyển, người nghèo phải dùng mền hay chiếu bó xác thân nhân qua đời tại bệnh viện, cột vào phía sau xe hai bánh gắn máy để chờ về nhà… khiến nhịp điệu xây dựng quần thể quảng trường - tượng đài Hồ Chí Minh chậm lại.
Song khó chẳng bó được khôn, hồi trung tuần tháng 7 năm ngoái, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới do chính quyền tỉnh Quảng Bình đệ trình. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh. Bởi đó là Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh nên không thấy ai thắc mắc 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới đã được định giá thế nào, có tương xứng với 128 tỉ đồng hay không (?), nếu xét về tính chất, mức độ thiết thực giữa "quần thể tượng đài Hồ Chí Minh" với 6.000 đứa trẻ chưa có chỗ học hành tử tế, phải học lớp ghép (ghép hai, thậm chí ba lớp ở các bậc khác nhau vào một phòng học), học nhờ, học tạm trong những nơi không thể gọi là trường thì thứ nào nặng, thứ nào nhẹ (?),…
***
Ở "Chào các… cổng chào bạc tỉ !", tờ Tuổi Trẻ cay đắng : "Chào năm 2018, chào các cổng chào !". Khi một hệ thống dung dưỡng các viên chức loay hoay thử nghiệm "trăm phương", bày ra "ngàn kế" để vắt kiệt nguồn lực quốc gia thì chỉ có một kiểu "chào" phù hợp. Đó là bái biệt rồi tống tiễn.
Hai trong số khoảng hai chục điểm mà Army Times – tờ tuần báo dành cho lục quân Mỹ - nhận định sẽ là những thay đổi đáng chú ý đối với lục quân Mỹ năm nay, có liên quan trực tiếp đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương : (1) Mở rộng thử nghiệm về quân phục và giày trước khi sản xuất hàng loạt để dùng ở những chiến trường có thời tiết nóng, ẩm, mưa nhiều, lắm sông, suối, kênh rạch (2). Giao cho một đơn vị địa phương quân (National Guard) của tiểu bang Indiana chỉ huy một trong những Pacific Pathways 2018.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đi xe đạp đội nón lá trong Twitter của Tổng thống Donald Trump 14/11/2017.
Từ 2014 đến nay, Pacific Pathways – "Những con đường ở Thái Bình Dương" đã trở thành hoạt động thường niên của quân đội Mỹ. Mỗi năm, quân đội Mỹ điều động binh sĩ đến Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Mông Cổ để tập trận với quân đội của những quốc gia này.
Hai năm đầu, Pacific Pathways chỉ là đường một chiều nhưng từ 2016, Pacific Pathways có thêm chiều ngược lại. Ngoài Nhật, Singapore, còn có Canada gửi các đơn vị tới Mỹ, tập trân chung với các đơn vị của Mỹ tại Alaska, Washington và Hawaii.
Trong bốn năm vừa qua, năm nào cũng có các đơn vị của lực lượng dự bị (Reserve) và địa phương quân (National Guard) tham dự Pacific Pathways cùng với các đơn vị của lực lượng thường trực (Active Duty) song các đơn vị của lực lượng thường trực luôn giữ vai trò chủ đạo. Cũng vì vậy, chuyện một đơn vị địa phương quân của tiểu bang Indiana sẽ giữ vai trò chính của một trong những Pacific Pathways 2018 trở thành đặc biệt.
Chuẩn bị từ quân trang (với yêu cầu hàng đầu là nhẹ, thoáng, mau khô), tới khả năng chỉ huy – phối hợp của lực lượng địa phương quân với quân đội các quốc gia đồng minh, đối tác quốc phòng là những dấu chỉ rất rõ ràng về sự sẵn sàng.
***
Nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn trong thời gian vừa qua đã góp phần làm suy giảm sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực kiểm soát – khống chế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Tương tự, nỗ lực nhóm lò – đốt củi của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã khiến số phận biển Đông trở thành thứ yếu trong tâm thức của nhiều người Việt, dù cả tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng của những diễn biến liên quan tới vùng biến này đối với an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ gia tăng đáng kể.
Tháng trước, lần đầu tiên hệ thống truyền thông Trung Quốc loan báo rộng rãi rằng Trung Quốc đã hoàn tất và đang sử dụng một căn cứ không quân hiện đại trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo một số, căn cứ với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh ấy sẽ giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện chuỗi căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa và Trung Quốc sẽ sớm đạt được mục tiêu kiểm soát - khống chế toàn bộ biển Đông...
Cũng tháng trước, Philippines – quốc gia từng kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài về Luật Biển – loan báo sẽ cố gắng hoàn tất hội đàm với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng giữa hai bên về chủ quyền tại biển Đông trong nửa đầu năm nay…
Song nhóm củi – đốt lò với nhiều tình tiết ly kỳ dường như đã hút cạn tinh lực của công chúng, thành ra Việt Nam chẳng đưa ra tuyên bố nào trước sự kiện hệ thống truyền thông Trung Quốc quảng bá rầm rộ cho căn cứ không quân ở đảo Phú Lâm. Thái độ ấy chẳng tương xứng chút nào với trước đó nửa năm – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh, việc Trung Quốc khai trương… rạp chiếu phim ở đảo Phú Lâm là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế".
***
Tháng 8 năm 2016, khi trò chuyện với báo giới về Pacific Pathways, tướng Robert Brown, Tư lệnh lực lượng lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, từng cho biết, Việt Nam là một trong số những nơi quân đội Hoa Kỳ nhắm tới khi tìm kiếm những địa điểm mới cho các Pacific Pathways. Tướng Brown tỏ ra rất tự tin với triển vọng Việt Nam tham gia Pacific Pathways vì cả Mỹ lẫn nhiều quốc gia Châu Á từng khẳng định, Pacific Pathways có lợi cho tất cả các bên : Vừa thắt chặt quan hệ, vừa nâng cao khả năng ứng phó chung với những tình huống bất ngờ.
Vào thời điểm đó, tướng Brown lập lại một dự tính mà hồi giữa năm 2016, tướng Dennis Via, khi ấy là Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của lục quân Hoa Kỳ, từng giới thiệu : Xây dựng hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Hoa Kỳ triển khai nhanh nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng để thực hiện các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai.
Cũng năm 2016, tướng Stephen Lanza, vốn là Tư lệnh Quân đoàn 1 của lục quân Hoa Kỳ (phạm vi trách nhiệm bao gồm toàn bộ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) từng đề cập đến khả năng lục quân Mỹ sẵn sàng để luyện tập chung với lục quân Việt Nam bất kỳ lúc nào. Phó Đô đốc Colin Kilrain, vốn là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt tại Thái Bình Dương (SOCPAC) của quân đội Mỹ thì đề cập đến khả năng hợp tác giữa lực lượng đặc biệt Mỹ với đặc công Việt Nam,…
Còn Việt Nam ? Đến nay, Việt Nam vẫn chủ động kềm giữ quan hệ hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ở mức : Xin viện trợ. Nhờ đào tạo. Duy trì giao lưu thường niên giữa lực lượng hải quân hai bên. Mở quân cảng Cam Ranh cho các chiến hạm của Hoa Kỳ ghé vào bảo trì, nhận tiếp liệu cùng lúc với việc đón nhận các chiến hạm của Nhật, Nga, Trung Quốc… Việt Nam tiếp tục khẳng định, muốn "làm bạn với tất cả các nước" và sẽ duy trì "chính sách ba không" : Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác...
Tháng 8 năm ngoái, sau khi bị đẩy vào thế phải yêu cầu tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha ngưng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng thềm lục địa Việt Nam – một hành động bất thường mà nhiều người cho rằng, lý do chính dẫn tới yêu cầu chẳng đặng đừng ấy phát xuất từ chuyện Trung Quốc dọa sẽ tấn công các tiền đồn của Việt Nam ở Trường Sa nếu Repsol không rời khỏi lô 136/3,… và sau khi thảm bại tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50 (không thuyết phục được các quốc gia trong khối ASEAN đưa yếu tố "ASEAN đặc biệt lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông" vào "Tuyên bố chung"),… tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam vội vàng lên đường sang Mỹ.
Những thông tin liên quan đến cuộc hội đàm giữa ông Jim Mattis, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam vào ngày 8 tháng 8 năm ngoái không có gì mới. Các thỏa thuận, cam kết giữa hai bên đều là những điều đã được lập đi, lập lại suốt từ năm 2012 đến nay (gia tăng hợp tác về quốc phòng – an ninh, gia tăng chia sẻ thông tin, hợp tác thực thi luật pháp quốc tế thông qua việc Mỹ gia tăng hỗ trợ Việt Nam nâng cao khả năng bảo vệ quyền tự do lưu thông ở biển Đông,…), trừ thông tin Mỹ sẽ điều động một hàng không mẫu hạm tới thăm Việt Nam trong năm 2018...
Trong bối cảnh Việt Nam trần trụi trước miệng sói, chuyện các viên chức Việt Nam và Mỹ thăm viếng nhau thường làm nảy ra vài mầm hi vọng trong lòng nhiều người Việt. Những tuyên bố - hoạt động hợp tác, đặc biệt là về quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ, kiểu như năm nay, sẽ có một hàng không mẫu hạm của Mỹ ghé thăm Việt Nam giống như "thuốc an thần" mà Đảng cộng sản Việt Nam dùng để trị "chứng lo âu" của công chúng, còn trị "căn" thì Đảng cộng sản Việt Nam không màng.
Kể từ khi quyết định chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ đã vài lần xác định Việt Nam là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch chuyển trục và không ngần ngại bày tỏ thiện chí hợp tác nhưng hợp tác chặt chẽ với Mỹ để có một đối trọng đủ thực lực giúp cân bằng quan hệ với Trung Quốc thì… không có lợi bởi Mỹ đòi những thứ mà Đảng cộng sản Việt Nam không thể cho : Tiến bộ về nhân quyền và pháp quyền. "Chính sách ba không" giúp Đảng cộng sản Việt Nam vừa len lách giữa hai bên (các ngoại bang như Mỹ, Trung Quốc và dân chúng), vừa tiếp tục duy trì sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của mình.
Liệu tình thế có cho phép Việt Nam kiên định với "chính sách ba không" ? Không rõ. Tạm thời có thể không cần bận tâm vì nhóm củi – đốt lò đủ để gạt bỏ sự bận tâm của công chúng về việc "chính sách ba không" có đem lại gì không.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/01/2018
Military Times – một tờ báo dành cho quân đội của Mỹ - vừa thuật lại chuyện tự nguyện tạm đình chiến giữa khối Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga, sau đó có thêm Mỹ) với khối Liên Minh (Đức, Áo-Hungary, Bulgaria Thổ Nhĩ Kỳ) hồi Thế chiến thứ nhất vào dịp Giáng sinh năm 1914...
Một hình ảnh trong Vietnam War, PBS series. Hình minh họa.
Thế chiến thứ nhất bùng phát vào tháng 7 năm 1914 với 70 triệu người tham chiến. Đó là lần đầu tiên con người sử dụng súng máy, vũ khí hóa học, đại bác, xe tăng, phi cơ và tàu ngầm để tàn sát nhau trên toàn Châu Âu... Thế chiến thứ nhất đã làm tất cả các quốc gia ở Châu Âu kiệt quệ, biến đổi cục diện Châu Âu và thế giới nhưng đó là chuyện sau tháng 11 năm 1918 (thời điểm khối Liên Minh đầu hàng - Thế chiến thứ nhất kết thúc)...
Trung úy Walther Stennes, một sĩ quan thuộc Trung đoàn Bộ binh 16 của quân đội Đức – khối Liên Minh - kể với các sử gia rằng, ngày 24 tháng 12 năm 1914 (lúc Thế chiến thứ nhất đã bước vào tháng thứ năm) trời đột nhiên lạnh khác thường, nước đông thành đá. Bởi tính chất của Giáng sinh – thời điểm dành cho đoàn tụ, dịp để bày tỏ tình thương, những mong ước về sự an lành, những người lính trong đơn vị của ông tự động ngưng tìm – giết kẻ thù. Không có thỏa thuận chính thức về việc tạm ngưng bắn nhưng đối phương cũng thế thành ra mặt trận lặng như tờ.
Binh nhì William Quinton, thuộc Trung đoàn 2 Bedfordshire của quân đội Anh – khối Hiệp ước – kể với các sử gia, ông và đồng đội cũng hành xử y hệt lính Đức, xem rồi viết thư cho thân nhân… Dù đề cao cảnh giác, không lơi tay súng, không dám ngủ, tiếp tục theo dõi mọi động tĩnh từ phía kẻ thù nhưng không ai muốn tìm – giết đối phương trong ngày Giáng sinh. Thế rồi từ phía chiến hào của quân đội Đức, ai đó đột nhiên cất tiếng, hát rất to những bài hát mừng Giáng sinh cả bằng tiếng Đức lẫn tiếng Anh. Nhiều người trong đơn vị của ông Quinton phụ họa… sau đó thì lính tráng cả hai bên cùng vỗ tay tán thưởng lẫn nhau…
Khi nghiên cứu về Thế chiến thứ nhất, các sử gia đã tìm thấy vô số báo cáo về việc những người lính của cả hai khối : Hiệp ước và Liên Minh tự nguyện ngừng bắn giết nhau trong ngày Giáng sinh. Thậm chí ra khỏi chiến hào để bước sang phía đối phương, trao đổi cả những lời chúc mừng lẫn quà bởi Giáng sinh đã tới. Các sĩ quan của cả hai khối – từng tham gia Thế chiến thứ nhất cùng xác nhận, không phía nào đề ra "chủ trương" tạm ngừng bắn nhân dịp Giáng sinh nhưng đó là điều phổ quát, diễn ra trên diện rộng ở các chiến trường. Những sĩ quan, binh sĩ đại diện cho các đơn vị đối đầu với nhau, gỡ bỏ cả súng lẫn dao, chủ động ra khỏi chiến hào, bước sang phía đối phương, bắt tay – chúc mừng kẻ thù nhân dịp Giáng sinh. Loại hành động này được xem như một thỏa thuận tạm ngừng bắn trong dịp Giáng sinh mà không cần biểu đạt thành lời. Có trường hợp, sĩ quan và binh sĩ hai bên còn tổ chức giao hữu bóng đá nhân dịp Giáng sinh… Ở một số nơi, tự nguyện hưu chiến kéo dài đến năm, bảy ngày, giúp lính tráng hai bên nghỉ ngơi, tu sửa hầm hố, chiến hào, trước khi tiếp tục tìm – giết nhau.
***
Dẫu không xem Giáng sinh là thời điểm quan trọng dành cho đoàn tụ, thương yêu, bày tỏ ước vọng an lành nhưng người Việt vẫn có một dịp mà ý nghĩa, tầm vóc tương tự như Giáng sinh của dân Châu Âu, đó là Tết.
Phàm đã nhắc đến Tết, người ta không thể quên Tết Mậu Thân 1968.
Ngày 19 tháng 10 năm 1967, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng tuyên bố, vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27 tháng 1 năm 1968 đến 3 tháng 2 năm 1968.
Ngày 17 tháng 11 năm 1967, tới lượt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam – tổ chức chính trị mà trên danh nghĩa điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động "giải phóng miền Nam" long trọng đưa ra tuyên bố tương tự.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dè dặt hơn nên mãi đến ngày 16 tháng 12 năm 1967 mới tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ ngày 30 tháng 1 đến 1 tháng 2. Sau tuyên bố vừa kể, rất nhiều quân nhân được nghỉ phép, lệnh giới nghiêm được bãi bỏ…
Rạng sáng ngày 30 tháng 1 năm 1968 – đúng thời điểm Giao thừa âm lịch – các đơn vị của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đồng loạt nổ súng, thực hiện cuộc "Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968" trên toàn miền Nam. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng choáng váng vì hiểu sai "tự nguyện ngừng bắn".
Cho dù nhiều nơi ở miền Nam, kể cả Sài Gòn, tan hoang bởi "Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968", nhiều nơi bị dìm trong máu như Huế (khoảng 7.000 người bị giết và mất tích) nhưng "Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968" vẫn thảm bại. Nếu nghi ngại các dữ liệu và nhận định của những sử gia không phải đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam thì có thể tìm đọc hồi ký "Ở chiến trường Long An" của Thiếu tướng Huỳnh Công Thân (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân 1994). Ông tướng vốn là Anh hùng các Lực lượng vũ trang của Việt Nam, Tỉnh đội trưởng Long An, Tư lệnh Phân khu 3 khi diễn ra cuộc "Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968" sẽ chỉ cho độc giả thấy ta thắng hay thua vì kế hoạch vừa điên rồ, vừa phi nhân tính đó.
***
Giữa tháng trước, cho dù còn ba tháng mới tới Tết Mậu Tuất 2018, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Sở Giáo dục thành phố Cần Thơ tổ chức "Lễ kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trung tuần tháng này, tới lượt Tổng cục Chính trị của Bộ Công an và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc Hội thảo Khoa học lịch sử về"Vai trò của lực lượng công an nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Từ nay đến Tết Mậu Tuất chắc chắn sẽ còn nhiều hoạt động rầm rộ hướng tới việc kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Những hoạt động ấy sẽ tiếp tục đề cao "sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt" của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Thế còn nhân bản, liêm sỉ ? Hai thứ này vẫn được xem là không đáng bận tâm. Bàn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các sử gia là đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định : Việc quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lơi lỏng phòng bị không phải vì tuyên bố tự nguyện tạm ngừng bắn vì đó là "thứ không hề tồn tại", thất bại của quân đội Mỹ và Việt Nam Công hòa là thất bại về tình báo khi không phát hiện ra ý định của đối phương, vẫn cho rằng trong thời gian sắp tới không thể xảy ra chiến sự lớn !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/12/2017
Thông tin về "lực lượng 47" của Quân đội nhân dân Việt Nam với 10.000 "hạt nhân" thuộc loại "vừa hồng, vừa chuyên" (kiên định về lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao) để "đấu tranh trên không gian mạng", do Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Tổng cục phó Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng Việt Nam tiết lộ ở Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo 2017, diễn ra hôm 25 tháng 12, chắc chắn sẽ trở thành một loại "vạ miệng".
Ngày 28 tháng 12, ai đó đã vội vàng lập một trang "facebook" cho "lực lượng 47". Hình minh họa.
Dẫu ông Nghĩa khẳng định nhân sự của "lực lượng 47", hiện diện ở tất cả các đơn vị cơ sở, trên mọi lĩnh vực, mọi miền "đang hoạt động rất tích cực" nhưng tại hội nghị vừa kể, hai Ủy viên Bộ Chính trị - ông Trần Quốc Vượng (Thường trực Ban Bí thư) và ông Võ Văn Thưởng (Trưởng Ban Tuyên giáo) – đều gián tiếp thừa nhận, lực lượng tuyên giáo hùng hậu bao gồm 800 cơ quan truyền thông chính thống – đang đi từ thất bại này đến thất bại khác. Ngày hôm sau – 26 tháng 12 – ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông, tái xác nhận, hệ thông truyền thông chính thống đang đối diện với nguy cơ bị mạng xã hội "vượt mặt".
***
Có một điểm rất đáng chú ý nhưng chẳng rõ ông Vượng, ông Thưởng, ông Nghĩa, ông Bảo,… có bận tâm hay không là thông tin về "lực lượng 47" của Quân đội nhân dân Việt Nam không làm công chúng bất ngờ. Chỉ vài giờ sau khi các viên chức hữu trách trong lĩnh vực tuyên giáo bạch hóa về sự tồn tại của "lực lượng 47", lập tức có hàng chục ngàn người sử dụng Internet tiếng Việt khẳng định hoặc bày tỏ sự tán thành với những nhận định rằng, "lực lượng 47" chính là nơi sản sinh những bình luận thiếu lý lẽ nhưng thừa… tục tĩu, vốn càng ngày càng nhiều trên Internet.
Trên facebook, những phản ứng kiểu như Tạ Quang Hiệp (Cu em gọi điện thoại hỏi, anh hay viết trên facebook, liệu anh có thuộc "lực lượng 47" không ? À, không ! Anh chỉ thích đầu đuôi nên "công tác bên 69") cũng như phản hồi cho những phản ứng này bung ra như nấm. Trong khi nhiều friend của Tạ Quang Hiệp cười ha hả thì cũng có vài người thắc mắc hoặc làm bộ thắc mắc về "nhiệm vụ" của "bên 69". Thanh Binh Dao – một friend của Tạ Quang Hiệp phải giải thích thay, "nhiệm vụ" của "bên 69" là"chăm sóc hạnh phúc và quản lý dân số".
Những trang facebook tuy không rõ có phải là thành viên của "lực lượng 47" hay không nhưng tính chất chẳng khác gì "nhiệm vụ" của "lực lượng 47", thường thiếu cả sự dí dỏm, ý nhị, trí tuệ như vừa kể. Chúng trần trụi, sỗ sàng, tục tằn và phi nhân trong mọi chuyện. Chẳng hạn "Mặt trận thanh niên chống phản động". Trên những trang dạng này, các facebooker hoặc những thành viên sử dụng rất nhiều tiếng lóng thay cho những câu chửi thề mà một người bình thường sẽ hết sức lúng túng, không biết diễn đạt như thế nào khi muốn tường thuật lại. Giống như nhiều trang facebook khác, "Mặt trận thanh niên chống phản động" cũng bám rất sát thời sự, cũng trào lộng nhưng lối trào lộng dễ làm người ta lo âu về nhân tính. Ví dụ như khi dẫn sự kiện Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh vừa phạt tù Đặng Hoàng Thiện và 13 đồng phạm vì "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", hầu hết thành viên của "Mặt trận thanh niên chống phản động" đều không đồng tình với mức án từ 16 năm tù đến 5 năm tù mà Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh dành cho 14 bị cáo, họ cho rằng cần "tử hình". Có thành viên đùa rằng nên thả cả nhóm ngay lập tức từ… tầng 20 !
Rõ ràng chẳng phải tự nhiên mà đám đông – đối tượng khiến giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng như hệ thống công quyền Việt Nam đau đầu bởi chưa biết làm thế nào thu phục và giữ được sự "tin yêu" – công khai miệt thị, dè bỉu "lực lượng 47". Hoang Hung dẫn một văn bản chỉ đạo "lực lượng 47" của Bộ Quốc phòng, trong đó, trang blog được viết thành "trang bloger", facebook được viết thành "facerbook", kèm nhận định, trình độ của Bộ Chỉ huy chỉ như thế nên các thành viên của "lực lượng 47" "chỉ biết chửi bậy, văng mắm tôm, dầu nhớt trộn c… trên mạng để bảo vệ Đảng". Đó cũng là lý do có facebooker khen sáng kiến thành lập "lực lượng 47", sử dụng lực lượng này để "đấu tranh trên không gian mạng" là "ngu lộng lẫy", facebooker khác thì bảo đó là một sáng kiến… "ngu rực rỡ" !
Có thể do rất nhiều facebooker bỡn cợt về yếu tố "47" được gán cho lực lượng tham gia "đấu tranh trên không gian mạng" của Quân đội nhân dân Việt Nam, kể cả so sánh với con heo – cũng là 47 – khi chơi… số đề, nên ngày 28 tháng 12, ai đó đã vội vàng lập một trang "facebook" cho "lực lượng 47", giải thích, sở dĩ tên của lực lượng tham gia "đấu tranh trên không gian mạng" do Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập là "47" vì được thành lập theo "chỉ thị 47". Tính cho đến cuối ngày 28 tháng 12, trang facebook "lực lượng 47" có tất cả 5 status. Dù nhân lực được khẳng định là tới 10.000 người nhưng trang facebook "lực lượng 47" chỉ có 5 người chọn like và 6 người theo dõi.
Trong năm status vừa kể có một giới thiệu bài thơ không tên, tính chất giống như "tuyên ngôn" của "lực lượng 47". Bài thơ có rất nhiều điểm đặc biệt. Tuy vừa thề, vừa kêu gọi mọi người bảo vệ Đảng cộng sản Việt Nam, bảo vệ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chống các thế lực thù địch, phản động nước ngoài vì "Nước non này nếu hỏng lấy chi thay" nhưng tác giả vẫn cương quyết chọn "Henry" làm… tên chứ không chọn một cái tên thuần Việt. Có nhiều dấu hiệu cho thấy dù Henry Nguyễn đã "vận công" đến mức tối đa song nội lực có hạn, thành ra thơ – tuyên ngôn mới có những câu kiểu như : "Hỡi các chị, các mày xông lên thẳng"… Đó cũng là lý do trong thơ chỉ có "thượng liu", cố tìm cũng không thấy thượng lưu. Hình như bởi tác giảquán triệt "tang hoang" chứ không chấp nhận tan hoang !
***
Ở Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo 2017, ông Trần Quốc Vượng chính thức đề cập đến "sự quan tâm và quyết tâm đầu tư cho đấu tranh trên không gian mạng". Nói cách khác, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và hệ thống công quyền Việt Nam chưa hài lòng với con số 10.000 thành viên của "lực lượng 47" thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Đã, đang hoặc sẽ có thêm nhiều lực lượng khác và hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn cá nhân khác được huy động để tham gia "đấu tranh trên không gian mạng".
Vấn đề là giống như trước nay, những lực lượng này sẽ giải thích thế nào, tác động đến dư luận và hướng dẫn nhận thức quần chúng ra sao khi cả Đảng lẫn hệ thống công quyền không thể lách ngang, đứng sang một bên như những đối tượng hoàn toàn vô can trước tình trạng nợ nần gia tăng, kinh tế suy thoái, xã hội đảo điên và đồng tiền khuynh loát mọi thứ, kể cả công lý, đạo lý ? Tham gia thảo luận về "lực lượng 47" trên facebook của Xuân Sơn Võ, Nhung Nguyen nêu thắc mắc : Thanh giả tự thanh. Tại sao phải làm như vậy ? Theo Nhung Nguyen, chỉ có những kẻ làm chuyện xấu, chuyện ác mới sợ thiên hạ bàn luận, phanh phui. Tương tự, Hoàng Đình Hiền khẳng định : Nếu mình ngay thẳng, trong sáng thì mắc mớ gì mà sợ ‘chúng’ chửi. ‘Chúng’ có lý cớ gì để nói. Ngược lại, tổ chức tuyên truyền, đấu tranh chỉ tốn tiền của dân mà thôi.
Nhà nước sẽ còn huy động bao nhiêu người tham gia vào hoạt động kiểu Lực Lượng 47 ?
Một vấn đề khác, quan trọng không kém mà ông Vượng, ông Thưởng, ông Nghĩa, ông Bảo,… cũng như nhiều ông khác cố tình gạt bỏ là tâm tư, nhận thức của từng thành viên trong những lực lượng được sử dụng nhằm "đấu tranh trên không gian mạng". Theo Mạnh Kim, khi cùng phải gánh chịu những ảnh hưởng khủng khiếp của vô số thảm trạng như bất công, lạm quyền, tham nhũng, môi trường sống ô nhiễm,… liệu thành viên trong những lực lượng được sử dụng nhằm "đấu tranh trên không gian mạng" có an tâm, hài lòng với thực tại của mình, tương lai của con cái ? Chắc chắn họ không đủ giàu để thoát khỏi những bất an thường nhật và không đủ tiền để tìm đường định cư ở ngoại quốc. Như nhiều người dân khác, họ đang phải trải qua thời khắc bi thảm nhất trong lịch sử của quốc gia này. Như nhiều người dân khác, họ cũng đang cùng ngồi trên một con tàu đang chìm…
Trong bối cảnh ấy, 800 cơ quan truyền thông và những lực lượng thiếu danh tính, diện mạo tham gia "đấu tranh trên không gian mạng" sẽ công vào đâu, thủ kiểu nào ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/12/2017
Chưa biết đến lúc nào thì scandal liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ "Nhôm") lắng xuống và tất nhiên chưa biết scandal này sẽ kết thúc với kết quả ra sao (?). Tuy nhiên có thể khẳng định, scandal đó là hồi chuông báo tử cho tương lai quốc gia và vận mệnh dân tộc khi an ninh, quốc phòng được đem ra bọc những thương vụ đặc biệt.
Tướng Nguyễn Chí Vịnh, sau khi thôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội, đảm nhận vai trò… Thứ trưởng Quốc phòng.
***
Cho dù quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với tương lai của một quốc gia và vận mệnh của một dân tộc nhưng ở Việt Nam đã có những bằng chứng hết sức rõ ràng cho thấy, thay vì chuyên chú vào việc bảo vệ lãnh thổ, quân đội dường như chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và tương tự, thay vì chuyên chú vào việc bảo vệ - thực thi pháp luật, duy trì an ninh, trật tự thì công an cũng… vậy.
Sau những scandal về việc biến hàng loạt phi trường quân sự từ Bắc tới Nam thành sân golf và vì nỗ lực thâu tóm đất đai nhân danh "quốc phòng" mà làm bùng phát biến cố Đồng Tâm (một xã thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội), giữa lúc các ông tướng quân đội đang ra sức biện bạch để bảo vệ chủ trương quân đội vẫn phải tham gia kinh doanh kiếm tiền thì tình thếđẩy Bộ Quốc phòng đến chỗ phải bắt ông Đinh Ngọc Hệ (tự "Út Trọc")– một sĩ quan quân đội.
Đó không phải là "họa vô đơn chí", đó là hệ quả tất nhiên khi hệ thống công quyền dành cho quân đội vô số đặc quyền, đặc lợi kể cả ưu đãi không bao giờ có thể tồn tại ở những xứ sở tôn trọng dân chủ, công bằng là… "bất khả xâm phạm" để quân đội chuyên tâm bảo vệ Đảng.
Do quân đội đã bắt "Út Trọc", Bộ Công an bị hối thúc phải tính toán trường hợp Vũ "Nhôm". Có lẽ chỉ Việt Nam mới có chuyện ai cũng biết một thường dân là… sĩ quan tình báo nên đành nhẫn và nhường suốt một thập niên, cũng như cơ quan đặc trách tình báo quốc gia hết mình hỗ trợ "sĩ quan nghiệp vụ" mở rộng sự nghiệp kinh doanh, thâu tóm đất đai và các bất động sản khổng lồ. Chẳng lẽ Bộ Công an Việt Nam – cơ quan vẫn được ca ngợi là có nhiều "biện pháp nghiệp vụ" hữu hiệu không hề hay biết Vũ "Nhôm" lạm dụng danh nghĩa sĩ quan tình báo để trở thành tỷ phú, không thể ngăn chặn Vũ "Nhôm" thu hồi vốn liếng sau khi bị "lộ" và đào tẩu ngay trước khi bị bắt (?).
Thế nhưng chỉ dè bỉu Tổng cục Tình báo của Bộ Công an là chưa… công bằng !
Thập niên trước, hàng loạt công thần của hệ thống công quyền Việt Nam, trong đó có hàng chục ông tướng, kể cả ông Võ Nguyên Giáp, liên tục đòi xử lý Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng vì những sai phạm tương tự, song kết quả cuối cùng chỉ là tướng Nguyễn Chí Vịnh thôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội để đảm nhận vai trò… Thứ trưởng Quốc phòng. Dường như chỉ có Việt Nam, dù thuộc quân đội hay công an thì với công dân, tình báo chẳng khác gì một thứ tình… tuyệt vọng. Dẫu buồn, giận đến mức nào người ta cũng chỉ có thể tự gặm, nhấm cảm xúc của mình chứ không thể làm gì khác.
***
Nhiều người cho rằng, Vũ "Nhôm" sẽ khiến mạng lưới tình báo của Việt Nam vỡ vụn vì đượng sự bị đẩy vào thế sẵn sàng "bán" mọi thứ để tự cứu mình. Với những "sĩ quan tình báo" như Vũ "Nhôm", mạng lưới tình báo của Việt Nam có đáng phải bận tâm hay không ? Nếu trước nay, mạng lưới an ninh, tình báo của Việt Nam không quan tâm đến chiến lược, chiến thuật của ngoại bang, chỉ chú ý tìm kiếm, ngăn chặn những hoạt động đòi dân chủ, công bằng, đe dọa quyền thống trị, toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam thì có đáng bận tâm về việc mạng lưới đó còn hay vỡ ?
Xét nhà Vũ Nhôm tại Đà Nẵng.
Vậy thì điều gì đáng bận tâm nhất ? Hình như là những người đứng đầu và lối điều hành mạng lưới an ninh, tình báo của cả quân đội lẫn công an. Khi những người đứng đầu mạng lưới an ninh, tình báo – lá chắn cho quốc phòng và an ninh của một quốc gia sẵn sàng bửa lá chắn ra để bán lẻ cho những cá nhân như Vũ "Nhôm", những du đãng là đàn em của ông trùm Năm Cam thì lấy gì bảo đảm họ sẽ không bán sỉ phần còn lại cho ngoại bang ? Khi an ninh và quốc phòng được điều hành một cách tùy tiện như thế, dễ bị tiền lũng đoạn đến như vậy thì tương lai quốc gia và vận mệnh dân tộc ra sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/12/2017
Ngày xưa – lúc nhiều bài thơ của Tố Hữu còn là những tác phẩm mà học sinh trung học buộc phải thuộc lòng, nhiều người rỉ tai nhau mấy câu cải biên khổ đầu của "Hãy nhớ lấy lời tôi", từ :
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
…
thành :
Có những phút làm… nhơ lịch sử
Có cái chết… đúng là tắc tử
Có những lời… chua xót lòng ta
Có những người… do vô ý sinh ra
…
Uống bia Sài Gòn, một sản phẩm của Sabeco, tại Hà Nội.
Giai đoạn mà thiên hạ chỉ cười ha hả vì sự dí dỏm của những câu thơ cải biên ấy đã qua. Theo thời gian, những phút làm nhơ lịch sử, những vụ tắc tử, những lời khiến người ta chua xót về trí tuệ, liêm sỉ càng lúc càng nhiều và cái gánh do những người dường như do vô ý sinh ra cố tình chất lên vai dân tộc này càng lúc càng nặng, nếu thiên hạ chưa khóc thì cũng lo bạc mặt.
***
Sau khi Liên Xô và khối quốc gia đeo đuổi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ, kinh tế kế hoạch (toàn bộ nền kinh tế được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước và phải vận động theo kế hoạch do nhà nước ấn định) - nền móng của các xã hội hướng tới xã hội chủ nghĩa – bị khai tử. Dù muốn hay không thì thực tế cũng buộc người ta phải thừa nhận, kinh tế kế hoạch là cha đẻ của bất công, đói nghèo và biến tất cả các xã hội theo con đường đó trở thành phi nhân tính, trượt dài trên con đường suy thoái về tất cả mọi mặt. Những người khai sinh, tham gia vào việc thúc đẩy các quốc gia đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bị xếp vào loại do vô ý sinh ra, phủ nhận tất cả những qui luật mà nhờ đó giúp nhân loại tiến hóa, các xã hội phát triển.
Trong bối cảnh như thế, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn một đường : Tuyên bố từ bỏ kinh tế kế hoạch, đưa Việt Nam quay lại với kinh tế thị trường (tự do sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế vận hành dựa trên quy luật cung cầu) – lối đi mà suốt năm thập niên họ từng khẳng định, chỉ dẫn tới… "giãy chết". Ngặt là kinh tế luôn luôn song hành với chính trị, chấp nhận kinh tế thị trường tất nhiên sẽ phải chấp nhận đa nguyên, chấp nhận để dân chúng tự do lựa chọn thể chế, tổ chức chính trị mà họ muốn, vì thế mà "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ra đời. Đã có nhiều người khẳng định "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" sẽ cho ra đời một thứ… quái thai, bởi làm sao "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa" có thể dung hợp với nhau (?) nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không màng. Không có "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" làm sao Đảng cộng sản Việt Nam có thể tiếp tục tồn tại như tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam ?
Với "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (vừa tuyên bố chấp nhận quyền tự do kinh doanh, tôn trọng quy luật cung cầu, vừa tiếp tục kiểm soát hoạt động của nền kinh tế), suốt từ thập niên 1990 tới nay, gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia đã được bơm hết cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bất chấp thảm trạng vì bị đối xử như con hoang, hệ thống doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam suy kiệt, phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, thất thu, bội chi, nợ nần càng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng cộng sản Việt Nam kỳ vọng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ trở thành những "anh cả" của kinh tế Việt Nam, giúp họ khống chế kinh tế Việt Nam và nhờ thế tiếp tục áp đặt sự kiểm soát toàn diện, tuyệt đối về chính trị nhưng càng ngày, số lượng các "đại dự án" ngốn hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng song chẳng những không sinh lợi mà còn tạo ra những khoản nợ khổng lồ, càng nhiều.
Những "anh cả" của kinh tế Việt Nam vừa góp phần đẩy kinh tế Việt Nam vào tình thế càng ngày càng bi đát, vừa giúp người ta tỏ tường diện mạo thực của "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Các "đại án" theo sau những "đại dự án" chứng minh "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"… ưu việt như thế nào và "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" có thật sự là "của dân, do dân, vì dân" hay không ?
Vào lúc này, cho dù Đảng cộng sản Việt Nam đang thu dọn hậu quả mà các "anh cả" bày ra, bắt đầu mạnh tay thực hiện điều mà nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam khuyến cáo từ lậu : Giải tư (ngưng đầu tư, rút vốn khỏi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các "anh cả") thế nhưng hậu họa và di hại của giải tư chẳng những không nhỏ mà còn lớn hơn, đáng ngại hơn.
***
Cuối cùng thì đầu tuần này, 54% cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã được bán cho ThaiBev một tập đoàn tư nhân của Thái Lan. Tuy Sabeco là công ty cổ phần nhưng cho đến trước ngày 18 tháng 12 năm 2017, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn nắm trong tay 90% cổ phần của Sabeco.
Thương vụ mua bán Sabeco giúp Việt Nam thu về khoảng 5 tỉ Mỹ kim. Giữa lúc nhiều viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền tỏ ra hết sức "hồ hởi, phấn khởi" thì một số người khác như bà Vũ Kim Hạnh công khai bày tỏ sự lo âu. Bà Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, một trong những người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), Quỹ Hỗ trợ công nhân (WSF), tham gia soạn thảo và đệ trình đề án "Thúc đẩy thị trường nội địa" để hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường Việt Nam (đề án đã được chấp nhận như một chương trình trọng điểm quốc gia), vừa nêu ra mười câu hỏi sau sự kiện hệ thống công quyền Việt Nam bán 54% cổ phần của Sabeco cho ThaiBev. Mười câu hỏi của bà Hạnh có đáng ngẫm nghĩ hay không, xin lược thuật để độc giả đọc và ngẫm :
(1) Câu đầu tiên từ miệng một doanh nhân Thái Lan : Sabeco đang chiếm tới 41% thị phần Việt Nam. Ai làm ăn cũng biết hiếm có doanh nghiệp hàng tiêu dùng nào mạnh như vậy, sao đành bán ? Muốn khai thác cho đáng, sao không bỏ vài triệu Mỹ kim thuê CEO. Phát triển tiếp sẽ kiếm ra hàng chục lần, thu dài dài mà tài sản quí vẫn là của mình ?
(2) Sau bảy năm vận động "Ưu tiên dùng hàng Việt", nay lại muốn đem bán hết những thương hiệu Việt mạnh nhất. Phải chăng vận động cho mạnh để... bán ?
(3) Đi hỏi khắp thế gian, xứ nào cũng cố gầy dựng cho được những thương hiệu mạnh nổi tiếng để làm hình ảnh tiêu biểu của quốc gia. Một thương hiệu dám "chơi tay vo" thắng Heineken, Tiger, Sapporo... thì cũng là "thương hiệu quốc dân" đó chứ, sao giao cho nước ngoài làm chủ ?
(4) Thoái vốn nhà nước khỏi tất cả công ty nhà nước. Đúng, song có nhất thiết phải bán bằng được cho nước khác chứ không phải cho nhà đầu tư trong nước ? Nếu thu ít tiền hơn, liệu có cần cân nhắc bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia ?
(5) Nhà kia tình cảnh như vầy : Nghèo nhưng nhiều năm, có bao nhiêu của nả đem nuôi mấy thằng con lớn to xác, làm biếng, ham chơi, ngỗ ngược, có đứa buồn buồn còn chơi ma túy, rước cướp vào đánh cha, đánh mẹ vỡ đầu. Tụi này được xài, được phá hết của cải trong nhà, khiến mấy đứa con khác, vốn bị thầy bà nói là "khắc tuổi" nên bị ghét, bỏ bê, tuy thông minh chịu khó nhưng cứ suy dinh dưỡng, èo uột lớn hổng nổi. Hiếm hoi có vài đứa lớn kha khá, đem bán, bán hết, mai mốt tan nhà nát cửa, còn gì ?
(6) Khi cần bán vì túng quá, bán, sao không dừng để lấy 49 đồng, vẫn giữ con mình, là của mình, mà cứ phải lấy tới 54 đồng để "nó" về tay người ta ?
(7) Chợ đời, có bán có mua, con mình có ngon người ta mới gánh tiền khủng tới mua. Làm cha mẹ, bán con, nói vậy cũng đúng nhưng bán một, ba, năm, bảy... đứa vào loại khá nhất, ngon nhất rồi liệu có thật sự là có tiền, có lực để đi mua lại vài ba đứa ngon cỡ vậy của thiên hạ để gọi là có bán có mua ?
(8) Đây là bước đi tình cờ hay cái bẫy thâu tóm ? Có ai còn nhớ, tháng 4 năm 2016, chính quyền Thái ráp nối bộ bốn "Bộ Thương Mại, doanh nghiệp lớn, ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ" cùng làm chương trình "Pracha Rath" (State of People - có nghĩa là Quốc gia của dân), theo đó, chính phủ Thái giúp doanh nghiệp Thái đầu tư ra nước ngoài. Một trong những mục đích được nêu công khai là "tính sổ" thiệt gọn thị trường bốn quốc gia yếu kém trong ASEAN là Campuchia, Lào, Miến Điện, Việt Nam (CLMV – bốn chữ cái từng khiến người Việt thi nhau tra cứu ngữ nghĩa sau khi nghe Thủ tướng Việt Nam giới thiệu là "Cờ Lờ Mờ Vờ"), trong đó giao hẳn cho Berli Jucker (BJC) thâu tóm thị trường Việt Nam. Giàu và giỏi, là hùm lại được chắp thêm vây, BJC bắt đầu mua toàn hệ thống bán sỉ Metro C&C, bình thản hạ dần rồi tiễn hầu hết hàng Việt Nam ra ngoài, giành toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái. Giờ "ông" mua tới doanh nghiệp hàng tiêu dùng mạnh nhất nhì của Việt Nam, rồi… sao nữa khi "ông" đã nắm cả chợ, lẫn những mặt hàng mạnh nhất ?
(9) Ai ngồi đếm số hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả ba miền được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Hàng Thái thay hàng Tàu, nhưng nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì họ muốn ?
(10) Nghĩ từ Sabeco. Liệu có cần cân nhắc giữa hai bài toán : Những đồng tiền "khủng" thu vội, ăn xổi, với giá trị, tài sản của tương lai bền vững ? Vì sao không nghiên cứu bước đi của các quốc gia ASEAN khác, khi tất cả đều đang ra sức bồi đắp nội lực, nâng bước cho doanh nghiệp xứ họ có đủ sức ra ngoài cạnh tranh với thế giới ? Bình tĩnh nghĩ lại đi, chính sách của ta đang làm gì cho doanh nghiệp ?
***
Nếu quan sát kỹ diễn biến kinh tế - chính trị - xã hội tại Việt Nam, ắt ai cũng có thể thấy, những cá nhân trong nhóm mà thiên hạ cho là do… vô ý sinh ra luôn tìm ra cách nào đó để thu lợi lớn nhất cho mình. Khi rút hết nguồn lực quốc gia bơm cho các "anh cả" không còn hợp thời thì "giải tư" các "anh cả" là một cơ hội mới.
Sabeco chỉ là sự kiện mới chứ biến giải tư thành cơ hội thì đã được ứng dụng từ lâu. Muốn kiểm chứng thì xem lại trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa vì có rất nhiều thông tin đã được bạch hóa để đối chiếu.
Vào năm 2000, bà Thoa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) – một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2005 khi DQC được giải tư, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của DQC và bà nhanh chóng thâu tóm 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu của DQC cho mình, con cái, mẹ, em, em dâu. Giá trị số cổ phiếu của DQC mà bà Thoa và thân nhân đang nắm giữ là 718 tỉ đồng Việt Nam.
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ông Hồ Quỳnh Hưng, một người em trai của bà Thoa trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc DQC. Một trong hai cô con gái của bà Thoa vừa là thành viên Hội đồng Quản trị, vừa đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc DQC.
Ông Hồ Đức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội đồng Quản trị của DQC. Ông Lam đang nắm giữ 65% cổ phiếu của Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.
Chẳng hiểu chuyện bà Thoa là Thứ trưởng Bộ Công Thương có liên quan gì tới việc tháng 9 năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã rút hết vốn ra khỏi DQC và tháng 8 năm 2015, SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC. Sau khi cổ phẩn hóa hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân phần lớn đã trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà.
Bà Thoa chỉ lâm nạn khi tương quan lực lượng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi. Người ta "phát giác" bà dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sai qui định. Đầu năm nay bà bị "khiển trách". Báo chí được bật đèn xanh, dư luận tạo thành sức ép, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhập cuộc và chính thức kết luận bà có nhiều sai phạm trong tiến trình giải tư. Ngày 1 tháng 8, bà Thoa nộp đơn xin thôi việc, ngày 16 tháng 8, Thủ tướng Việt Nam chấp nhận cho bà Thoa miễn nhiệm, thôi làm Thứ trưởng Bộ Công Thương
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Phần lớn tài sản của DQC và RQP - hai doanh nghiệp nhà nước vốn thuộc sở hữu toàn dân vẫn là tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà.
***
Những người do vô ý sinh ra chưa bao giờ thất bại. Chỉ có đám đông nhẫn nại mang vác gánh nặng do họ cố tình chất lên lưng mình đi từ thảm bại này đến thảm bại khác.
Đó có lẽ là cảm giác chung của nhiều người khi theo dõi các diễn biến trên mạng xã hội Việt Nam tuần này.
Nhiều facebooker đã chia sẻ suy nghĩ của ông Trần Đình Triển, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, khi ông đưa lên trang facebook của mình nhận định "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc", kèm ý kiến của riêng họ mà chủ yếu là… ác cảm với nhận định ấy. Chẳng hạn Nguyễn Thiện bỡn cợt rằng, khen là nghề có triển vọng nhất. Nghề này không cần kiến thức, không phụ thuộc vào định hướng dư luận, không bị cưỡng chế thu hồi, không sợ bị thế lực thù địch lợi dụng, không cần có lòng tự trọng cao, lại có nhiều cơ hội tiến thân ! Mai V Sáu, friend của Nguyễn Thiện bổ túc, "cần phải trơ trẽn một cách toàn diện". Trịnh Hồng Thọ, một friend khác của Nguyễn Thiện không tán thành, facebook này cảnh báo, khen kiểu đó khó làm lắm, không tin thì cứ thử viết như ông Triển coi có được không.
Ông Trần Đình Triển, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, nhận định "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc" - Hình minh họa.
Thế thì ông Triển viết gì ? Trong status "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc", ông Triển bảo rằng, về phương diện cá nhân, ông Trọng vốn đã có đầy đủ vinh quang (học hàm, học vị, từng là Chủ tịch quốc hội, Tổng bí thư,...), lẽ ra ông có thể nghỉ ngơi nhưng vận mệnh của Đảng, của chế độ và của dân tộc, kể cả mệnh trời thành ra ông buộc phải ở lại gánh vác nhiệm vụ mà non sông, nhân dân giao phó để loại trừ bè lũ tham nhũng, lôi kéo sự tin yêu của nhân dân với chế độ trở lại, giữ ổn định về chính trị để đưa quốc gia tiến lên.
Cũng theo ông Triển thì với "đầu óc Thiên tử", "hào kiệt" Nguyễn Phú Trọng đã tính toán chu đáo, bước đi, giải pháp nên tập hợp được một "đội quân tinh nhuệ", khiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương Đảng đoàn kết, quân và dân đồng tình ủng hộ, "xây lò thiêu bè lũ tham nhũng". Ông Triển nhấn mạnh, bước đầu, ông Trọng đã "thành công vẻ vang", "quân và dân cả nước kính trọng, yêu mến, tin tưởng, ủng hộ ông, cuộc chống giặc nội xâm do ông lãnh đạo sẽ thắng lợi, mọi khó khăn chắc chắn sẽ vượt qua và lịch sử mãi mãi lưu danh một hào kiệt dân tộc".
Cho dù có nhiều friends của ông Triển khen nhận định của ông về ông Trọng "hay", "chuẩn" song bên cạnh đó vẫn có không ít người không tán thành. Huong Thanh Nguyen Thi nhắc nhở : Chính trị là sân khấu, các chính trị gia là diễn viên và "diễn hết đó bạn ạ". Hieu Do Xuan thì bảo rằng ông hết sức quan ngại vì nếu ông Trọng đúng là "hào kiệt" thì công khố sẽ phải xuất thêm tiền để xây cho ông Trọng một cái "mả to" hoặc một "tượng đài" trị giá hàng ngàn tỉ.
Thạch Ngọc Thái thắc mắc, nhiệm kỳ trước, ông "hào kiệt" ở đâu mà để "đồng chí X" thao túng như thế ? Tương tự, Trần Vũ Hoàng thắc mắc, chuyện mất đất, mất biển, thảm họa formosa, vi phạm nhân quyền, khủng hoảng quan hệ Việt – Đức thì sao ? Để xảy ra những chuyện như thế liệu có đáng mặt "hào kiệt" không ? Có những facebooker như Tuat Bui Van, Hoang Hung, Nguyen Huu Thao,… nhắc ông Triển, chính thể chế độc đảng toàn trị sản sinh ra thảm trạng tham nhũng như hiện tại. Phạm Đình Toại thì nói thẳng rằng, trước giờ, ông vẫn quý ông Triển song status "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc" khiên cưỡng quá !
Có thể vì không phải là friend của ông Triển nên trên nhiều trang facebook khác, các facebooker phản ứng mạnh mẽ hơn. Họ bảo rằng nhận định của ông Triển "nặng mùi", "nâng bô", "nâng bi"... Chừng 600 người tán thành chuyện facebooker Chú Tễu phong ông Triển là "Đại Lão Bô của làng Phây". Ngọc Vinh thì gọi status "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Vị hào kiệt của dân tộc" là "tuyệt đỉnh công phu". Ngọc Vinh giải thích, đời ông đã gặp vô số nịnh thần nhưng tất cả những nịnh thần đó phải gọi một luật sư và một nhà báo, đồng nghiệp của ông Vinh là "sư phụ" vì cả hai đã nâng "nghệ thuật bợ đít" lên thành "tuyệt đỉnh công phu". Đa số thiên hạ biết luật sư mà ông Vinh đề cập là ai nhưng không biết danh tính nhà báo và "tuyệt phẩm" thứ hai. Ông Vinh úp mở, cứ vào google, gõ "Sĩ phu Bắc Hà Nguyễn Phú Trọng" thì biết.
Không biết đã có bao nhiêu người làm theo hướng dẫn của Ngọc Vinh nhưng sau đó một số người khuyên những ngưới khác, đừng… ăn gì trước khi đọc hai "tuyệt phẩm".
Bây giờ, "tuyệt phẩm" thứ hai đã được nhiều người thưởng lãm, nó có tựa là "Sĩ phu Bắc hà" với tác giả là Phan Đăng. Trong "Sĩ phu Bắc hà", Phan Đăng xưng tụng ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam là "Ngài Trọng". "Ngài Trọng" của Phan Đăng "hay nói đến chủ nghĩa Mác", theo Phan Đăng, "đúng là Đảng ta đã lấy chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam tư tưởng nhưng nếu chỉ có thứ chủ nghĩa được nhập về từ phương Tây ấy thì chắc chắn đã không thể tạo nên hình tượng một Ngài Tổng bí thư đáng kính như vậy". Ngoài chủ nghĩa Mác, "Ngài Trọng" của Phan Đăng còn có "nội lực truyền thống của phương Đông", có phong cách của một "sĩ phu Bắc Hà" nên "lẫm liệt và tuyệt đẹp, bình dị, điềm đạm mà uy nghiêm, tôn quý".
Dường như Phan Đăng có vẻ chủ quan khi bảo rằng : "Ở thời điểm hiện tại này, có lẽ toàn bộ con dân nước Việt biết suy nghĩ đều nghiêng mình ngưỡng mộ trước những gì Ngài Trọng đang làm và sẽ ủng hộ lý tưởng của Ngài đến cùng". Phản ứng của thiên hạ cho thấy, dễ dãi trong việc sử dụng những yếu tố như "toàn quân", "toàn dân", thậm chí cố tình tiết giảm về mức độ thành "toàn bộ con dân nước Việt biết… suy nghĩ" khi khen lãnh đạo chỉ… chuốc vạ !
Người ta chỉ có thể tìm thấy "Sĩ phu Bắc hà" của Phan Đăng trên một vài trang web, trang blognhững trang web, trang blog ấy chú thích "Sĩ phu Bắc hà" được lấy từ trang facebook của Phan Đăng nhưng không thể tìm thấy dấu vết "Sĩ phu Bắc hà" trên trang facebook của Phan Đăng nữa. Tác giả không giải thích tại sao.
Rõ ràng thời thế đã khác. Có ai ngờ khen lãnh tụ càng ngày càng… khó !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 22/12/2017