Người Việt thường ví von "chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ" để nhắc nhau phải lường định hậu quả. Chuỗi sự kiện liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Truyện vốn là một trong những chủ đề chính được người sử dụng mạng xã hội và hệ thống truyền thông thảo luận sôi nổi suốt tuần vừa qua, cho thấy "quan tài" đã ở trước mặt…
Nhà chức trách Thừa Thiên Huế xin lỗi, hủy phạt đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện, 23/10/2017.
***
Ngày 14 tháng 7, facebooker Hoàng Công Truyện đưa lên facebook của ông hình bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế kèm nhận định : "Mụ ni về nghỉ là vừa để các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho chính phủ can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở".
Ngày 15 tháng 7, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, thừa lệnh Bộ trưởng, ký công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu phối hợp với công an xác minh về facebooker Hoàng Công Truyện vì đã bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y và nếu đúng là đương sự đang làm việc trong ngành y thì Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế phải xử lý theo qui định của pháp luật, rồi báo cáo lại cho Bộ Y tế trong vòng mười ngày.
Ngày 19 tháng 7, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế báo cáo với Bộ Y tế rằng facebooker Hoàng Công Truyện hiện là Phó Khoa Cấp cứu - Hồi sức của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ý kiến của bác sĩ Truyện về bà Tiến trên facebook được xác định là đã vi phạm Luật Báo chí và Nghị định 72.
Ngày 15 tháng 8, bác sĩ Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ký quyết định "khiển trách" bác sĩ Truyện vì "vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến viên chức"
Ngày 19 tháng 10, ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế, loan báo vừa ban hành quyết định xử phạt bác sĩ Truyện khoản tiền năm triệu đồng.
Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành "bia" của dư luận.
Lúc đầu, đại diện Sở Y tế và Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đã hành xử đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Tuy giới hữu trách đã dùng giải trình của bác sĩ Truyện (nhận sai, xin lỗi) như "khiên" để chống đỡ dư luận nhưng ngoài người sử dụng mạng xã hội, hệ thống truyền thông cũng tham gia tấn công.
Tờ Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của ông Phạm Công Hùng, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao. Ông Hùng khẳng định, việc kỷ luật và phạt tiền bác sĩ Truyện là trái pháp luật. Luật pháp không cấm ông Truyện nêu nhận định có tính chất cá nhân trên facebook. Giống như nhiều facebooker khác, ông Hùng lưu ý, viên chức muốn làm tốt công việc của mình thì phải lắng nghe tất cả các ý kiến, kể cả chê bai để ngẫm nghĩ về đúng - sai. Không nên đòi xử lý kỷ luật người chê mình…
Sự cuồng nộ của công chúng tăng thêm một mức. Ngoài chỉ trích, nhiều người bắt đầu đòi kỷ luật những cá nhân liên quan đến việc xử lý bác sĩ Truyện…
Bởi việc xử lý bác sĩ Truyện vốn là yêu cầu từ "trên" nên tiến trình "phản tỉnh" cũng theo trật tự đó : Ngày 21 tháng 10, Chánh Văn phòng Bộ Y tế tuyên bố là công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế về facebooker Hoàng Công Truyện không hề yêu cầu kỷ luật bác sĩ này. Hai chữ "xử lý" trong công văn chỉ là đề nghị nhắc nhở một người trong ngành đừng ăn nói khiếm nhã với bộ trưởng ! Việc kỷ luật bác sĩ Truyện là quyền hạn và… trách nhiệm của địa phương.
Ngày 22 tháng 10, Bộ Y tế gửi công văn, chính thức đề nghị Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế rút lại quyết định kỷ luật bác sĩ Truyện.
Cũng trong ngày 22 tháng 10, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông bảo với báo giới đã yêu cầu Thanh tra của bộ này xem lại vụ Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huếxử phạt bác sĩ Truyện năm triệu đồng.
Ngày 23 tháng 10, đại diện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đến tận Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tuyên bố rút lại quyết định "khiển trách" và xin lỗi bác sĩ Truyện. Ngày 24 tháng 10, Giám đốc và Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tìm đến Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tuyên bố rút lại quyết định phạt năm triệu đồng và xin lỗi bác sĩ Truyện.
Hi vọng công chúng vốn "dễ giận, chóng quên" sẽ không đòi kỷ luật những người đã xử lý bác sĩ Truyện nữa.
***
Tờ Người Lao Động cho rằng "quyền lực và nỗi sợ" là hai yếu tố hiển thị khá rõ trong chuỗi sự kiện liên quan đến bác sĩ Truyện.
Tờ báo này bình luận, thường thì chỉ có người chịu sức ép của quyền lực mới sợ hãi nhưng thực tế cho thấy "nơi sở hữu quyền lực cũng sợ hãi không kém".
Nếu Bộ Y tế không có công văn yêu cầu xác minh, xử lý bác sĩ Truyện thì Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế không "nhanh nhảu" đến như vậy và chưa chắc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đã kỷ luật bác sĩ Truyện. Nỗi sợ quyền lực ở những nơi sở hữu quyền lực đã khiến trên dưới răm rắp thực thi mệnh lệnh, không cần soi rọi phải trái. Trong số này có cả Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cũng theo tờ Người Lao Động, nỗi sợ quyền lực đã khiến Sở Y tế và Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa khăng khăng khẳng định rằng khiển trách và phạt tiền là đúng, rằng các quyết định đã ban hành không hề bị chi phối bởi bất kỳ sức ép nào nhưng khi "bên trên" bảo kỷ luật và phạt tiền là không đủ cơ sở thì cả hai nơi lập tức hủy quyết định rồi xin lỗi chứ không bận tâm đến việc dùng lý lẽ bảo vệ các quyết định của mình. Rõ ràng nhận định đúng - sai ở những nơi sở hữu quyền lực không phụ thuộc vào bản chất sự việc mà bị chi phối bởi nỗi sợ. Nỗi sợ đó hiển hiện cả trong giải trình của bác sĩ Truyện. Thực tế mà bác sĩ Truyện đề cập vốn không sai nhưng ông vẫn nhận sai, xin lỗi vì nỗi sợ quyền lực đã trở thành thói quen.
Công chúng nghĩ gì ?
Bên cạnh một Van Duc - độc giả của tờ Người Lao Động - biện minh cho bác sĩ Truyện rằng, làm sao có thể không sợ khi phải đối phó với sức ép của cả hệ thống ( ?) là Nguyen Quang Toan than rằng, sợ hãi hiện là tình trạng chung, vì thế nhiều người không dám nói và cũng vì thế mà không thể kiểm soát được quyền lực. Một độc giả khác là Tú Gân nhấn mạnh, nỗi sợ quyền lực ở những nơi sở hữu quyền lực bắt nguồn từ mong muốn giữ ghế thành ra mới có chuyện nhắm mắt làm càn để tâng công. Tú Gân thắc mắc : Nếu cán bộ công chức toàn là loại người như thế thì sẽ ra sao ?
Trên thực tế, bác sĩ Truyện không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ chưa phải là trường hợp cuối cùng. Năm 2015, công chúng từng sôi lên vì giận khi ba viên chức ở An Giang cùng bị kỷ luật và bị phạt tiền, trong đó có một "lâm nạn" vì dám bình luận rằng ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang… "kênh kiệu", hai "lâm nạn" vì dám… "like" nhưng cuối cùng chẳng tới đâu. Phong trào xác minh - xử lý (kỷ luật, phạt tiền) cả viên chức lẫn thường dân do bày tỏ ý kiến này, khác trên facebook vẫn không ngừng lớn mạnh, thậm chí đến tháng 5 vừa qua, một đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Lắk còn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự những người nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Internet.
Chuỗi sự kiện liên quan đến bác sĩ Truyện không đơn thuần là sự xâm hại tự do ngôn luận, là nỗi sợ thái quá tiềm ẩn trong cá nhân công dân cũng như viên chức. Khi trắng dễ dàng bị biến thành đen và ngược lại thì đó là sự loạn chuẩn trong thực thi công quyền ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, xã hội. Nó có khác gì một kiểu quan tài để mỗi người tự đổ lệ cho tương lai của chính mình ?
Sức ép từ công luận đã buộc các cơ quan hữu trách phải xem lại và đi đến quyết định : Xóa 'án' cho bác sĩ Hoàng Công Truyện - người viết Facebook chê Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ngày 23/10, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định sở rút lại quyết định xử phạt hành chính bác sĩ Truyện 5 triệu đồng, đồng thời sẽ trực tiếp xin lỗi ông. Hai cơ quan liên quan khác là Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm Y tế huyện Phong Điền cùng ngày cũng đã xin lỗi ông Truyện và chuẩn bị thu hồi quyết định xử lý kỷ luật (khiển trách) bác sĩ này.
Có hai thứ được hiển thị khá rõ trong chuyện này, đó là quyền lực và nỗi sợ hãi. Người chịu sức ép của quyền lực thì sợ hãi đã đành, nơi sở hữu quyền lực cũng sợ hãi không kém.
Tối 14/7/2017, bác sĩ Hoàng Công Truyện viết Facebook. Ngay trong đêm, ông bị cấp trên nhắc nhở, bảo gỡ bài. Hôm sau, Chánh văn phòng Bộ Y tế thừa lệnh bộ trưởng ký công văn gửi Sở Y tế, trong đó quy kết nội dung bác sĩ Truyện viết đã làm sút giảm niềm tin, gây mất uy tín ngành y và bộ trưởng, tạo dư luận xấu, gây hoang mang… ; kèm theo đó là chỉ đạo "kiểm điểm và xử lý" (đối với ông Truyện - NV).
Sở Y tế, đơn vị thuộc cấp của Bộ Y tế theo quản lý ngành dọc, liền nhanh chóng phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh để xác minh tài khoản Facebook của ông Hoàng Công Truyện và chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phong Điền tổ chức kiểm điểm. Nhận được công văn đề nghị ký ngày 18/7 của Sở Y tế, 2 ngày sau, Sở Thông tin và truyền thông ra quyết định phạt ông Truyện 5 triệu đồng. Ngành y trong tỉnh cũng gấp rút xử lý kỷ luật bác sĩ này nhưng do rơi vào dịp 27/7 (ông Truyện là con liệt sĩ) nên dời lại. Ngày 11/8, Sở Y tế trả lời Trung tâm Y tế huyện Phong Điền thống nhất "xử lý kỷ luật đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện" và 4 hôm sau thì trung tâm này ra quyết định kỷ luật ông…
Nếu không có công văn chỉ đạo của Bộ Y tế, chưa hẳn Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế "nhanh nhảu đoảng" đến vậy ; nếu Sở Y tế có cách xử lý khác thì không hẳn Trung tâm Y tế huyện Phong Điền tổ chức kỷ luật ông Truyện. Đằng này, trên dưới nhất nhất một mệnh lệnh, không cần soi rọi phải trái ; ngay cả Sở Thông tin và truyền thông cũng thế…
Đáng nói là cách đây vài hôm, lãnh đạo 2 sở nói trên đều khăng khăng rằng quyết định xử phạt và kỷ luật là đúng, không hề chịu sức ép nào từ bên trên. Nhưng nay, "bên trên" nói không đủ cơ sở để xử phạt và kỷ luật thì "bên dưới" chẳng đưa ra được lý lẽ nào để bảo vệ cho quyết định của mình. Đúng hay sai là ở bản chất vụ việc chứ không phải ở sự áp đặt bởi quyền lực.
Một nỗi sợ hãi nữa, chúng ta thấy phảng phất trong bản tự kiểm của bác sĩ Hoàng Công Truyện. Cái sai của ông có chăng là về chuẩn mực phát ngôn, còn thực tế ông nêu chẳng có gì sai cả. Nói đúng mà vẫn run, ấy là vì nỗi sợ quyền lực đã trở thành thói quen mất rồi !
Dương Quang
Đúng một tháng sau khi Tổng cục Thống kê của chính phủ Việt Nam "hồ hởi, phấn khởi" loan báo, tăng trưởng GDP của quý ba tăng 7,46%, giúp GDP trong chín tháng đầu năm nay tăng 6,41% so với cùng kỳ năm ngoá. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hoan hỉ khẳng định, kinh tế đang… "khởi sắc", có nhiều… "điểm sáng", tạo ra những "kết quả ấn tượng"…, lúc tham dự kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14 (đã khai mạc hôm 23 tháng 10 và dự trù sẽ kéo dài đến 25 tháng 11), nhiều viên chức hữu trách thú thật, Việt Nam đang trên miệng vực !
Kinh tế Việt Nam đang "tiềm ẩn nhiều rủi ro" vì phải vay 160.000 tỉ để đảo nợ - dùng nợ mới trả nợ cũ) bởi ngân sách liên tục thất thu - Hình minh họa (Khều).
Ngày 24 tháng 10, khi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách năm nay tại Tổ Đại biểu Quốc hội của mình, ông Đinh Tiến Dũng – một Đại biểu Quốc hội đang đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính – cho biết, các thống kê chỉ công bố số doanh nghiệp mới thành lập, trong thực tế, cứ có thêm bốn doanh nghiệp mới thì có ba doanh nghiệp đã thành lập trước đó ngưng hoạt động, xin giải thể hoặc phá sản. Ông Dũng than là các doanh nghiệp tại Việt Nam đang thiếu tới 73.900 tỉ tiền thuế, trong số này có tới 28.221 tỉ thuộc loại không có khả năng truy thu thành ra ông mong Quốc hội xóa khối nợ khó đòi ấy cho Bộ Tài chính đỡ nhức đầu.
Cũng ngày 24 tháng 10, tại cuộc thảo luận với một Tổ Đại biểu Quốc hội khác, ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước – bảo rằng, kinh tế Việt Nam đang "tiềm ẩn nhiều rủi ro" vì "sức mạnh nội sinh" yếu (tăng trưởng GDP trong quý 3 có đột biến là nhờ đầu tư của Samsung và… Formosa), nợ xấu (nợ có khả năng mất cả vốn lẫn lãi) cao, nợ nần (cả ngoại quốc lẫn trong nước) cũng như các khoản phải trả do nợ đến hạn thanh toán tiếp tục tăng (mỗi năm phải dành 98.000 tỉ trả nợ gốc và lãi, đồng thời phải vay 160.000 tỉ để đảo nợ - dùng nợ mới trả nợ cũ) bởi ngân sách liên tục thất thu.
Giống như nhiều viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, ông Vương Đình Huệ - một trong các Phó Thủ tướng – vẫn tỏ ra hết sức lạc quan. Khi tham gia thảo luận tại Tổ Đại biểu Quốc hội của mình, ông Huệ thừa nhận không thể trông vào dầu thô để "cân đối ngân sách" vì giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, chi phí khai thác cao hơn do cả trữ lượng lẫn chất lượng dầu thô cùng giảm, khai trường xa hơn… nhưng ông Huệ tin rằng vẫn có thể đạt "chỉ tiêu tăng trưởng" nhờ khoản thu từ việc… bán các doanh nghiệp nhà nước ! Ông Huệ và nhiều ông khác không bận tâm như ông Phớc : Bán hết rồi thì nhiệm kỳ sau lấy gì để chi tiêu (?) !
***
Cho đến giờ, điều duy nhất khiến các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam bận tâm chỉ là làm sao tạo ra những "dấu ấn" trong "nhiệm kỳ" của mình. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc xiển dương các ý tưởng kiểu như "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", hút toàn bộ nguồn lực quốc gia bơm cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm biến khối doanh nghiệp này trở thành "anh cả" của nền kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân hình thành các "chủ trương, giải pháp" bất kể hậu họa, miễn là trước mắt giúp tỉ lệ tăng trưởng trên giấy, "vị thế" trở thành "điểm sáng", tạo ra "ấn tượng" tốt đẹp về sự "tài tình, sáng suốt".
Cho dù hơn hẳn ông Huệ về viễn kiến và ý thức trách nhiệm nhưng ông Phớc cũng chỉ mới nhìn đến "nhiệm kỳ sau". Không ai bận tâm đến vận mệnh quốc gia, tương lai lâu dài của cả dân tộc khi nợ nần ngập đầu, doanh giới teo tóp cả về số lượng lẫn qui mô, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc, thất nghiệp tràn lan. Đó cũng là lý do vừa qua, giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ không nhận trách nhiệm về 12 dự án của ngành Công Thương (sau khi ngốn của quốc gia khoảng 64.000 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ) và sắp tới, chắc chắn cũng sẽ không có bất kỳ cá nhân nào trong giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhận trách nhiệm khi con số dự án yếu kém, thua lỗ vừa được thông báo là đã lên tới 40 !
Bao nhiêu "nhiệm kỳ" nữa thì Việt Nam trở thành một Venezuela ở Châu Á ? Dưới sự dẫn dắt của Hugo Chávez, Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" ở Nam Mỹ. Sau 14 năm dựa vào dầu thô, vay mượn để đầu tư cho những dự án vô bổ, thiếu căn cơ, băm bổ lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, không còn khả năng trả nợ. Ba năm nay Venezuela luôn luôn dẫn đầu thế giới về lạm phát, dân chúng Venezuela chết dần, chết mòn vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Riêng năm 2016, có 11.000 trẻ sơ sinh uổng mạng vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, 3/4 người lớn xác nhận trọng lượng của họ giảm 9 ký/năm. Cướp bóc xảy ra khắp nơi nhưng Nicolás Maduro – người được Hugo Chávez chỉ định làm người kế nhiệm để tiếp tục phát triển "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" tại Nam Mỹ - chỉ quan tâm tới việc đàn áp đối lập để duy trì sự lãnh đạo "toàn diện, tuyệt đối" của mình.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/10/2017
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra Khối Văn hóa – xã hội (Vụ 3) vẫn tiếp tục khuấy động dư luận. "Cuộc chiến" mà ông Mẫn khẳng định sẽ đeo đuổi tới cùng vẫn đang tiếp diễn…
Những phát ngôn của ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra Khối Văn hóa – xã hội
***
Ông Mẫn nổi như cồn từ năm ngoái. Hồi tháng 9 năm 2016, khi từ Hà Nội vào Sài Gòn, công bố quyết định thanh tra Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Mẫn nói riêng với giới lãnh đạo trường này rằng phải đoạn giao với báo giới, đừng dại vạch áo cho người xem lưng. Ông Mẫn khẳng định như đinh đóng đóng cột là bất kỳ phóng viên nào "quấy nhiễu" Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông "sẵn sàng phối kết hợp" với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh "đuổi nhà báo đó ngay". Trước cử tọa, ông Mẫn gọi báo giới là "chúng nó" và bày tỏ mong muốn không để chúng nó gây "nhiễu"…
Clip ghi lại phát biểu vừa kể của ông Mẫn được đưa lên Internet đã làm công chúng sững sờ, báo giới phẫn nộ. Hội Nhà báo Việt Nam không thể đứng ngoài nên đành gửi công văn, yêu cầu lãnh đạo Thanh tra chính phủ xem xét và có ý kiến.
Đúng một năm sau, khoảng đầu tháng 9 năm 2017, Thanh tra chính phủ mới xác định, ông Mẫn phải xin lỗi báo giới vì "phát ngôn thiếu chuẩn mực". Lần này, ông Mẫn chủ động liên lạc với báo giới, khẳng định sẽ không xin lỗi. Theo ông Mẫn, yêu cầu xin lỗi là "trái pháp luật". Ông Mẫn nhấn mạnh, nội dung cuộc họp giữa đoàn thanh tra của Thanh tra chính phủ với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là "thông tin mật", thành ra hành động ghi âm – phát tán clip ghi lại phát biểu của ông trên Internet là một âm mưu có tổ chức của những kẻ xấu, câu kết với nhau để bôi nhọ, hạ bệ ông và phá hoại sự đoàn kết trong nội bộ đoàn thanh tra.
Có một điểm đáng chú ý là khi trao đổi với báo giới, ông Mẫn liên tục lặp đi, lặp lại một cách hết sức tự tin rằng ông rất "sạch" không bao giờ đụng đến "cây kim, sợi chỉ" của ai, sống rất thanh bạch, rất "có tâm, có đức", luôn "vì dân, vì nước", "kiên trung trong việc đấu tranh chống tiêu cực".
Ông Mẫn nói thêm rằng, phát biểu của ông hồi tháng 9 năm ngoái khoảng 30 phút, rất "hay", rất "chân chính", rất "đúng trách nhiệm", rất "đúng pháp luật" và với phát biểu đó, lẽ ra phải phong ông là "anh hùng của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới về chống tham nhũng, tiêu cực".
Ông Mẫn không quên nhấn mạnh, việc "cắt xén" phát biểu của ông và đưa lên Internet, không chỉ là ác ý với cá nhân ông mà còn "gây rối tình hình chính trị của Việt Nam nói chung và ngành thanh tra nói riêng". Do đó ông sẽ báo cáo với Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các cơ quan bảo vệ pháp luật để làm sáng tỏ vụ này vì đó là "trách nhiệm trước Đảng, nhân dân", cũng như "uy tín của ngành thanh tra"…
Thế rồi ông Mẫn tổ chức họp báo. Phải đến lần thứ ba, Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Hà Nội mới cấp giấy phép cho ông Mẫn họp báo. Những nội dung mà ông Mẫn công bố tại cuộc cuộc họp báo diễn ra vào ngày 15 tháng 10 ở khách sạn Daewoo được xem là không có gì mới. Ông Mẫn tiếp tục lặp đi, lặp lại yếu tố ông là một "cán bộ gương mẫu", chưa bao giờ có "thiếu sót, sai sót nào" thành ra sẽ không xin lỗi bất kỳ ai.
Qua Internet, không ít người bảo rằng, dường như ông Mẫn không bình thường về mặt nhận thức. Ví dụ, ngoài chuyện cho rằng mình đáng được phong "anh hùng" qua phát biểu hồi tháng 9 năm ngoái ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ông Mẫn còn gây hoang mang : Song song với chuyện là Thanh tra cao cấp, ông Mẫn nhận ông là "luật sư". Giống như nhiều quốc gia khác, luật pháp Việt Nam nghiêm cấm việc cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho công chức.
***
Trong chuỗi sự kiện liên quan đến ông Mẫn, ai cũng thấy Thanh tra chính phủ hành xử rất thận trọng.
Cơ quan chuyên thực hiện các cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật, tiếp nhận – giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân, chỉ đạo - tổ chức phòng và chống tham nhũng ở Việt Nam, mất tới một năm để xác minh – xác định đúng là ông Mẫn đã "phát ngôn thiếu chuẩn mực" nên cần xin lỗi báo giới.
Thêm sáu tuần tính từ ngày ông Mẫn khẳng định "không xin lỗi", kể cả tổ chức họp báo để minh định quyết tâm đó và sau khi báo giới đòi Thanh tra chính phủ phải trả lời về "kỷ cương" khi quyết định của cơ quan này bị một cán bộ cao cấp của chính nó công khai phủ nhận, Phát ngôn viên của Thanh tra chính phủ mới lên tiếng, hứa rằng, "tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo Thanh tra chính phủ sẽ nghiêm túc triển khai theo đúng kết luận đã ban hành".
Cho dù bị xem là không bình thường về nhận thức nhưng ông Mẫn tự tin hơn nhiều so với Thanh tra chính phủ, nơi ông Ngô Văn Khánh vẫn đang là Phó Tổng Thanh tra.
Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra chính phủ
Cách nay ba năm, tờ Người Cao Tuổi tiết lộ, năm 2011, khi kê khai tài sản, ông Khánh cho biết, song song với việc sở hữu hai căn nhà năm tầng ở Hà Nội, ông còn có 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh và là cổ đông với vài trăm ngàn cổ phiếu ở bốn ngân hàng (Quân Đội, Nam Á, Đông Á, Liên Việt), hai công ty (Xi măng Công Thanh, Thiết bị Bưu điện). Ngoài khối tài sản trị giá vài chục tỉ này, ông Khánh còn hàng chục tỉ khác gửi ở VIB và mua trái phiếu chính phủ. Bởi không có ai bận tâm về nguồn gốc khối tài sản khổng lồ mà ông Khánh thủ đắc nên từ vị trí Vụ trưởng Vụ Thanh tra Khối Nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ 2), ông Khánh được nhấc lên, đặt vào ghế Phó Tổng Thanh tra chính phủ.
Dẫu nguồn gốc tài sản của ông Khánh trở thành thắc mắc chung của công chúng, thậm chí là một trong những nội dung mà đại biểu Quốc hội Việt Nam đòi Thanh tra chính phủ phải trả lời nhưng ông Khánh vô sự vì ông "đã kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật". Tháng 12 năm 2016, Ban cán sự Đảng của chính phủ Việt Nam loan báo "kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Thanh tra chính phủ của ông Khánh". Ông Khánh tiếp tục là người chỉ đạo hoạt động thanh tra khối nội chính, khối kinh tế ngành và kinh tế tổng hợp. Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra. Theo dõi, đề xuất chỉ đạo, điều phối, tổng hợp công tác của thanh tra chính phủ và ngành thanh tra.
Sự tương phản giữa thái độ tự tin của ông Mẫn với cách hành xử hết sức thận trọng của Thanh tra chính phủ liệu có liên quan gì với di sản của những lãnh đạo tiền nhiệm : Một Huỳnh Phong Tranh – cựu Tổng Thanh tra chính phủ, chỉ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu đã ký quyết định bổ nhiệm ồ ạt 35 cá nhân làm lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng "gây hoài nghi, tạo dư luận không tốt" ? Một Trần Văn Truyền - cựu Tổng Thanh tra chính phủ, ngoài việc bổ nhiệm hàng loạt cá nhân khác làm lãnh đạo trong Thanh tra chính phủ như ông Tranh còn bị vạch mặt vì đã lạm dụng chức vụ để sở hữu hàng chục căn nhà, thửa đất ở Bến Tre, Sài Gòn, Hà Nội nhưng chỉ bị Đảng "cảnh cáo" ?
Ông Mẫn bị cho là không bình thường nhưng liệu có nên xem hoạt động của Thanh tra chính phủ là bình thường khi năm nào, báo cáo về hoạt động phòng chống tham nhũng của cơ quan này cũng giống như báo cáo sáu tháng đầu năm nay ? Theo đó, chỉ có một cá nhân bị xác định là đã "thiếu trách nhiệm" khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra tham nhũng. Hệ thống thanh tra trải rộng từ trung ương đến các địa phương đã kiểm tra 1.800 cơ quan nhưng chỉ phát giác 22 cơ quan vi phạm các qui định về phòng chống tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có 46 vụ, liên quan đến 66 viên chức.
Nếu đúng là ông Mẫn rất "sạch" không bao giờ đụng đến "cây kim, sợi chỉ" của ai, sống rất thanh bạch, rất "có tâm, có đức", luôn "vì dân, vì nước", "kiên trung trong việc đấu tranh chống tiêu cực" thì dù cách hành xử, các tuyên bố của ông không bình thường, sự tự tin của ông lại rất đúng… lẽ thường.
Không bình thường, đúng lẽ thường, khác thường… Chẳng phải đã có nhiều người từng nói, không khác thường thì không phải là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đó sao ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/10/2017
Bộ Công an Việt Nam vừa chính thức trả lời công chúng về trường hợp ông Võ Đình Thường, Thượng tá, Phó Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt của Công an tỉnh Đồng Nai. Theo đó, việc điều động, bổ nhiệm ông Thường là "đúng qui trình, qui định của Bộ Công an về công tác cán bộ".
BOT Cai Lậy trước, nay đến trạm thu phí Biên Hòa. (Ảnh chụp màn hình báo thanhnien.vn)
Kết luận vừa kể của Bộ Công an Việt Nam chẳng khác gì một gáo nước lạnh tạt vào đám đông thích thắc mắc, bình phẩm và cứ tưởng rằng những trăn trở, bất bình của họ sẽ được xem xét…
***
Ông Thường trở thành "tâm" của một scandal sau khi ký lệnh triệu tập 20 tài xế đã dùng tiền lẻ để trả lộ phí tại Trạm Thu phí cho dự án BOT Biên Hòa.
Cho đến giờ dù gây nhiều phiền toái cho người nhận nhưng việc sử dụng những tờ giấy bạc mệnh giá thấp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành vẫn hợp pháp, đó cũng là lý do cả công chúng lẫn báo giới cùng thắc mắc, việc triệu tập hàng loạt tài xế ấy có phải là biểu hiện của lạm quyền (?). Ông Thường vừa khẳng định rằng "không", vừa nhấn mạnh, cảnh sát giao thông có quyền "giáo dục, nhắc nhở" giới tài xế.
Thế là công chúng, báo giới… nóng mặt. Họ dùng một sự kiện đã cũ, xảy ra cách nay 14 năm để hỏi xem liệu ông Thường có đủ tư cách "giáo dục, nhắc nhở" người khác hay không ?..
Năm 2003, tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh công bố đoạn băng ghi âm buổi giao ban ngày 16 tháng 6 năm 2013 của Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây. Lúc đó, ông Thường là Đại úy, giữ vai trò Trạm Trưởng, "giáo dục, nhắc nhở" thuộc cấp rằng "không được sử dụng mấy thằng xe ôm" làm trung gian nhận tiền mãi lộ vì tụi nó bị bắt là "dính tới anh em mình". Ông Thường tỏ ra rất nghiêm khắc với thuộc cấp khi đã "lâu năm trong nghề mà vẫn còn… yếu", "không nhanh tay, lẹ mắt, gọn gàng" nên "ai liếc vô cũng biết" !
Ngay sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai lập tức nhập cuộc, ông Thường bị cách chức, 10 sĩ quan cảnh sát giao thông còn lại, người thì bị "khiển trách", người thì bị cảnh cáo và thầy trò ông Thường bị buộc phải rời khỏi Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây.
Cho rằng chừng đó đã đủ nghiêm minh, Công an Đồng Nai lẳng lặng xếp hồ sơ, không điều tra thêm những chuyện "râu ria" liên quan đến Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây (nơi kiểm soát toàn bộ lưu lượng xe từ Nam ra Bắc và ngược lại, lên xuống Tây Nguyên) từng làm dư luận sôi sùng sục (Mỗi xe vận tải trọng tải dưới năm tấn phải nộp tiền mãi lộ là 50.000 đồng/lượt qua lại. Nếu trên năm tấn phải nộp tiền mãi lộ là 100.000 đồng/lượt qua lại. Xe đò thì hàng tháng phải nộp một khoản theo thỏa thuận. Mỗi tháng, mỗi sĩ quan cảnh sát giao thông làm việc tại Trạm Cảnh sát giao thông phải nộp cho ông Thường hai triệu đồng…).
Nay, ông Thường "tái xuất giang hồ" với tư cách lãnh đạo lực lượng Cảnh sát giao thông Đường bộ – Đường sắt của Công an tỉnh Đồng Nai.
Cuối tuần trước, ông Thường hạ cố giải đáp thắc mắc của công chúng và báo giới, theo đó, sau khi bị cách chức Trạm Trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây, ông được điều về Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an tỉnh Đồng Nai, ba năm sau thì được điều động sang Đội Cảnh sát Trật tự 113. Đến năm 2010, ông Thường được bổ nhiệm làm Phó Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và tới tháng sáu năm 2015 thì được luân chuyển làm Phó Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt. Ông Thường nhắn nhủ với đám đông dễ… giận rằng "trong đời, ai cũng có khuyết điểm" ông đã nhận sai, đã sửa, đừng chọc ngoáy nữa.
Không chỉ đồng tình với ông Thường, trong một công văn gửi cho truyền thông, Công an tỉnh Đồng Nai còn nhắc nhở báo giới rằng họkhông hài lòng khi báo giới "đưa tin về đời tư, gia đình của đồng chí Thường để hướng - lái dư luận, tạo sự hoài nghi đối với lực lượng công an". Tất nhiên Bộ Công an ủng hộ quan điểm khoan dung, nhân bản và "tinh thần cảnh giác cách mạng" ấy.
***
Nhìn một cách tổng quát, Công an Việt Nam luôn luôn nhất quán trong việc thể hiện sự khoan dung, nhân bản và "tinh thần cảnh giác cách mạng". Nếu có ai đó thắc mắc, tại sao khoan dung, nhân bản như thế mà trong vài năm vừa qua, Công an Việt Nam liên tục gạt bỏ hàng chục đứa trẻ có nguyện vọng vào các Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh chỉ vì cha mẹ chúng đã từng can án thì đó là vì họ… "nông nổi".
Dù những đứa trẻ này học rất giỏi và đạo đức cá nhân của chúng không có bất kỳ tì vết nào nhưng Công an Việt Nam không thể tiếp nhận – đào tạo chúng vì dẫu cha mẹ chúng được hưởng án treo, đã xóa án tích, thậm chí đã chết lâu rồi thì cũng vẫn phải xem con cái đương sự không hội đủ "tiêu chuẩn về chính trị". Trước nay, gạt bỏ "tiêu chuẩn về chính trị" luôn bị lên án là "mơ hồ về địch – ta".
Khoan dung, nhân bản chỉ dành cho "đồng đội, đồng chí". Vietnamnet vừa cho biết, cô Võ Minh Thùy, con gái ông Thưởng là "cổ đông chiến lược" của Công ty Đầu tư phát triển Cường Thuận (IDICO). Tuy IDICO là chủ đầu tư Trạm Thu phí Biên Hòa nhưng ông Thường – người đã triệu tập 20 tài xế dùng tiền lẻ trả cho Trạm Thu phí Biên Hòa đến "giáo dục, nhắc nhở" – mới khẳng định, ông không biết cô Thùy là "cổ đông chiến lược" của IDICO !
Khi Công an tỉnh Đồng Nai đã công khai cảnh cáo rằng những thắc mắc về ông Thường là "tạo sự hoài nghi đối với lực lượng công an" thì đừng dại nêu tiếp những thắc mắc kiểu như tại sao cả Công an tỉnh Đồng Nai lẫn Bộ Công an Việt Nam không bận tâm tới quan hệ giữa con gái ông Thường với IDICO. Đừng tỏ ra khó dạy ! Bạn có muốn yên thân không ? Nếu có hãy tiếp tục duy trì sự cung kính với công an và tin vào những tuyên bố của ông Thường.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/10/2017
Kết quả cuộc bầu cử tại Áo với khả năng Sebastian Kurz sẽ là Thủ tướng của quốc gia này đã trở thành một trong những chủ đề chính được người Việt bàn luận rôm rả suốt từ đầu tuần tới nay.
Sebastian Kurz là Thủ tướng trẻ nhất nước Áo
Giữa lúc thiên hạ bình luận, dự đoán về tương lai của Áo, rộng hơn là của Châu Âu, những yếu tố có thể tác động đến cục diện thế giới khi Đảng Nhân dân ở Áo (OVP) dẫn đầu trong cuộc bầu cử và dường như ông Kurz - thành viên của OVP (tổ chức chính trị chủ trương quốc gia trên hết, siết chặt chính sách di dân) sẽ trở thành Thủ tướng Áo thì cả dân chúng lẫn báo giới Việt Nam chỉ quan tâm đến chuyện ông Kurz mới có 31 tuổi, lại… chưa tốt nghiệp đại học.
Sebastian Kurz – nhân vật bỏ dở chương trình đào tạo cử nhân luật của một đại học tại Áo để tham gia chính trị, đảm nhận vai trò Ngoại trưởng Áo từ năm 2014, lúc mới 27 tuổi – đã được người sử dụng Internet ở Việt Nam đem ra so sánh với qui trình tuyển dụng công chức, các tiêu chuẩn trong quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo trước nay tại Việt Nam.
Phạm Thang trào lộng, Thủ tướng mà không ráng lấy được một chứng chỉ nghề hay văn bằng trung cấp thì quá tệ ! Facebooker này khuyên ông Kurz nên ngoái cổ nhìn sang Việt Nam, nơi tiến sĩ nhiều như… cá biển, cử nhân… đông như côn trùng, học xong chỉ có thể kiếm sống bằng Uber, Grab. Ngay cả nuôi heo cũng phải tốt nghiệp sư phạm loại xuất sắc...
Cũng với lối trào lộng như thế, Bùi Anh Tấn "chê" dân Áo và chê cả phương Tây… kém cỏi vì Việt Nam đã… phổ cập thạc sĩ, tiến sĩ đến cấp phường. Đại Gia Thành Vinh nhận định, Áo "có vấn đề về qui hoạch cán bộ". Hoàng Trọng Muôn cho rằng, quy trình, quy hoạch kiểu đó, chưa bỏ tiền để "chạy" mà đã đứng đầu chính phủ thì... "chết" ! Phạm Phương Lan khuyên Áo nên cử người sang Việt Nam "học tập".
Tương tự, Văn Bình Hoàng nhận xét, Kurz "trúng" Thủ tướng là… không đúng quy trình. Tiến Đặng Bá "nhất trí" vì theo "tiêu chuẩn của Việt Nam", Kurz chưa hội đủ các điều kiện cần thiết. Vu Anh Nguyen phê bình "quốc tế cộng sản" cẩu thả để "lọt" Kurz vì chưa tốt nghiệp đại học, đang nợ chứng chỉ tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dạ Hoa tán thành do "dấu hiệu sai phạm" như thế là "rõ ràng rồi".
Đã có không ít facebooker dự đoán tương lai của Sebastian Kurz nếu Kurz sống tại Việt Nam theo đúng kiểu đã giúp ông trở thành nhân vật chính trị sáng giá ở Áo. Hai Nguyen Phu khẳng định, Kurz mà sống ở Việt Nam thì an ninh của Phòng Công tác sinh viên đã viết tên "chàng" vào sổ đen và "chàng" đã được phát quyết định tống giam từ lâu rồi ! Lê Son tin Kurz "gặp thời" vì… "đầu thai ở Áo" chứ qua Việt Nam thì… "biết". Son khẳng định : Không "cạnh tranh" nổi đâu !
Đâu là điểm chính khiến Sebastian Kruz trở thành đề tài để người Việt bàn tới, tán lui ? Theo Doan Khac Xuyen, không phải Kruz trẻ, đẹp, lãng tử, không có… văn bằng tiến sĩ, bản chất vấn đề nằm ở chỗ không ai lót ổ cho "chàng", "chàng" tự vươn lên và quan trọng hơn hết thảy là được… dân bầu. Chau Doan lý giải, trường hợp của Kurz chỉ "kỳ lạ" với người Việt, còn ở Áo thì đó là chuyện bình thường. Chỉ khi quan niệm cởi mở, mọi thứ minh bạch, trung thực thì mới có thể xuất hiện những trường hợp được goi là kỳ lạ" như vậy. Chau Doan hy vọng Kruz sẽ trở thành "cảm hứng cho những người trẻ ở Việt Nam". Có hàng ngàn người tán thành nhận định của Chau Doan trừ chuyện Chau hy vọng Kruz sẽ trở thành "cảm hứng cho những người trẻ ở Việt Nam". Charlotte Wilson khuyến cáo : E rằng những ai có nhiều cảm hứng sẽ sớm vào tù ! Thay vì phản bác, Chau Doan nhìn nhận, khuyến cáo của Charlotte Wilson là phản hồi… hay nhất !
***
Dẫu đã bộc lộ vô số khiếm khuyết nhưng đến nay, quy hoạch, quy trình tuyển dụng – bổ nhiệm công chức, viên chức tại Việt Nam vẫn là chiếc thang duy nhất dẫn đến đỉnh của danh vọng, quyền lực, giúp "vinh thân, phì gia". Trong nhiều thập kỷ, xung đột diễn ra liên tục cả dưới chân thang lẫn các bậc thang, phô bày trọn vẹn những cung bậc bi hài của "thất tình, lục dục" ở đủ mọi phía.
Trường hợp Sebastian Kruz chỉ là một trong những dịp để dân chúng Việt Nam bày tỏ suy nghĩ, thái độ của họ đối với quy hoạch, quy trình nhân sự, song dường như giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không thèm bận tâm tới niềm tin, thiện cảm của hàng trăm triệu người Việt. Thành ra khi cần phải trả lời về những thắc mắc, bất bình trước hiện tượng cả gia đình, thậm chí cả gia tộc chia nhau nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống công quyền để "phục vụ cách mạng", đã có những viên chức như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thản nhiên bảo con giới lãnh đạo trở thành lãnh đạo là… "hạnh phúc của dân tộc". Lúc buộc phải đem "hạnh phúc của dân tộc" đi… cất vì chuyện lạm quyền, tham nhũng đã quá rõ ràng thì giải thích hết sức lạc quan như ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Viện trưởng Viện lịch sử Đảng rằng… đó là "dấu hiệu tích cực trong siết chặt kỷ luật Đảng".
Báo chí Việt Nam vừa cho biết, ông Phúc mới đề nghị thành lập thêm… Viện đạo đức học trong Học viện quốc gia Hồ Chí Minh. Đề nghị của ông Phúc khiến công chúng chưng hửng. Hóa ra trước nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - một hệ thống cồng kềnh với sáu phân viện, 17 viện và trung tâm nghiên cứu, độc quyền đào tạo "trình độ lý luận chính trị" mức cao cấp (tiêu chuẩn bắt buộc để xem xét, bổ nhiệm các cá nhân vào những vị trí như bí thư, trưởng công an cấp quận huyện, giám đốc các sở trở lên) – chưa hề bận tâm đến "nghiên cứu và giáo dục" đạo đức.
Trước đề nghị của ông Phúc và sự tán thưởng một cách nhiệt thành của ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh, một trong hai thành viên mới được đưa vào Ban Bí thư, nhiều facebooker cười ha hả. Có người như Nguyễn Tường Luân lập tức nêu thắc mắc, giả sử Viện đạo đức học chào đời : Chỗ đâu mà chứa cho hết và nếu thành công thì… còn ai làm việc nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/10/2017
Hậu quả của đợt mưa to kéo dài từ ngày 9 tháng 10 đến cuối tuần vừa qua ở miền Bắc và khu vực phía Bắc miền Trung càng ngày càng nặng nề.
Đường vào thôn bị ngập, đường thông sang thôn khác bị sạt lở - Ảnh minh họa
Theo thống kê do Ban Chỉ đạo Phòng – Chống thiên tai của Việt Nam công bố hôm 16 tháng 10, riêng về nhân mạng đã có 72 người chết, 30 người vẫn còn mất tích. Đối với tài sản, lũ, lụt, sạt lở đất đã làm hư hỏng khoảng 50.000 căn nhà. Chưa có thống kê về thiệt hại đối với nông nghiệp nhưng tổn thất của nông dân chắc chắn rất kinh khủng khi vốn liếng, mồ hôi của họ đổ vào ruộng, vườn, ao, hồ đã bị nước lũ và đất đá xóa sạch.
Ban Chỉ đạo Phòng – Chống thiên tai ước đoán, riêng chăn nuôi, chỉ trong vòng một tuần, chừng 10.000 gia súc và 290.000 gia cầm hoặc bị nước dìm chết, hoặc bị nước cuốn trôi… Con số liên quan đến thiệt hại về tài sản sẽ tăng thêm hàng ngàn tỉ sau khi có thống kê chính thức về sự hư hỏng của hệ thống hạ tầng (đường sá, cầu cống, đê điều, kênh mương, mạng điện, điện thoại).
Năm nay, miền Bắc và khu vực phía Bắc miền Trung Việt Nam có ít nhất bốn đợt mưa to, kéo dài nhiều ngày và theo sau đó là lũ, lụt, sạt lở xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt là Tây Bắc, Đông Bắc, vùng đồi núi phía Bắc miền Trung. Trước những thiệt hại càng ngày càng cao về nhân mạng, tài sản, các cơ quan hữu trách ở Việt Nam, bao gồm cả Ban Chỉ đạo Phòng – Chống thiên tai lẫn các trung tâm dự báo về khí tượng – thủy văn có khuynh hướng qui trách nhiệm cho… Trời (biến đổi khí hậu, thời tiết dị thường, cực đoan, khó dự đoán).
Chẳng riêng Việt Nam, thời tiết trên toàn cầu rõ ràng là đang có nhiều diễn biến khác thường, song chẳng lẽ những vụ lũ, lụt, sạt lở đất đã xảy ra và 10.266 địa điểm ở mười tỉnh vùng núi phía Bắc hiện trong tình trạng có thể xảy ra sạt lở bất kỳ lúc nào, 2.110 điểm mà nguy cơ đất chuồi được nhận định là "rất lớn" thậm chí "đặc biệt lớn" hoàn toàn do… Trời ?
Các chuyên gia của nhiều lĩnh vực đã, đang và có lẽ sẽ còn tiếp tục khẳng định không phải, chính xác là không hoàn toàn như thế !
Có thể dùng hội thảo mới nhất do Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Việt Nam đứng ra tổ chức tại Hà Nội hôm 14 tháng 10 về lũ quét và sạt lở như một dẫn chứng.
Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì tại hội thảo vừa kể, ông Shinro Abe – một chuyên gia cao cấp về địa kỹ thuật của Công ty Okuyama Boring (Nhật), cho rằng, lũ quét và sạt lở liên quan mật thiết đến phương thức thi công hệ thống hạ tầng giao thông. Không khảo sát kỹ và đào xới từ dưới lên trên (thay vì phải làm ngược lại) khi thi công mặt dốc dễ dẫn tới sạt lở, khó khắc phục hậu quả. Ông Vũ Mạnh Lợi, từng là Viện phó Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thì khẳng định, lũ quét, sạt lở còn do phá rừng đầu nguồn, khai thác khoáng sản vô tội vạ, cho phép đào xới lung tung, không đánh giá tác động tiêu cực đến môi trường…
Ông Lợi không phải người đầu tiên, càng không phải người cuối cùng nhận định như vậy. Hồi đầu tháng 6 năm nay, tại hội nghị về phòng chống thiên tai ở 18 tỉnh miền Bắc, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn từng thú nhận, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, hậu quả của thiên tai (lụt, lũ, sạt lở, hạn hán,…) trở thành khốc liệt còn vì "phát triển thiếu bền vững, khai thác quá mức tài nguyên".
***
Vài năm gần đây, "phát triển thiếu bền vững, khai thác quá mức tài nguyên" được giới hữu trách lập đi lập lại khá nhiều khi thảo luận về các vấn nạn kinh tế - xã hội nhưng đáng ngạc nhiên là chưa bao giờ họ phân tích cặn kẽ xem đâu là nguyên nhân.
"Phát triển thiếu bền vững, khai thác tài nguyên quá mức" khởi đầu từ lúc nào ? Phải chăng là từ 1991 khi các đại biểu dự Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ bảy thông qua cương lĩnh, xác định "công nghiệp hóa theo hướng hiện đại" và đỉnh của "phát triển thiếu bền vững, khai thác tài nguyên quá mức" có phải từ khi Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ chín (2001) đề ra chủ trương "công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" hay không ?
Trung tuần tháng 11 năm 2016, khi đến thăm Bắc Ninh dự "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tỏ ra hết sức phấn chấn, nêu ra một câu hỏi có tính khẳng định : "Nhìn một cách tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không ?".
Ông Trọng hỏi dõng dạc như thế vì "kinh tế Việt Nam phát triển, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao, Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn trên thế giới, tham gia tất cả các tổ chức quốc tế".
Song "nhìn một cách tổng quát", rõ ràng là chưa thế hệ nào ở Việt Nam phải liên tục đọc, nghe, xem nhiều thông tin, hình ảnh thương tâm về hậu quả của thiên tai đổ lên đầu đồng bào của mình dồn dập như vài năm gần đây.
Tháng 1 năm 2015, sau khi "nhìn một cách tổng quát", The Economist – một tạp chí về kinh tế của Anh – từng kể rằng, dẫu thiên hạ luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến môi trường của từng dự án thủy điện nhưng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết, Việt Nam chưa bao giờ công bố những tài liệu kiểu đó đối với các công trình thủy điện mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam.
The Economist gọi nỗ lực phát triển thủy điện để thỏa mãn nhu cầu năng lượng cho đến năm 2020 - bất kể nỗ lực đó hủy diệt các cánh rừng già, những dòng sông, biến nông dân thành nạn nhân của lũ, lụt, sạt lở, động đất là thiển cận và dự đoán - giá sẽ rất đắt. Đối tượng thanh toán trực tiếp sẽ là người nghèo, đặc biệt là thành viên các cộng đồng thiều số.
"Nhìn một cách tổng quát", kế hoạch phát triển thủy điện ồ ạt là con đẻ của chủ trương "công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Phải tới năm 2013, sau khi thủy điện đã trở thành đại họa của nhiều vùng, dân chúng liên tục cất tiếng oán thán, Quốc hội Việt Nam mới cử Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thẩm tra các công trình thủy điện. Theo ủy ban này, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện, đặc biệt là các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường : khoảng 30% đập chắn nước chưa được kiểm định ; khoảng 66% đập chắn nước chưa được duyệt phương án bảo vệ ; khoảng 55% chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão. Đáng lưu ý là 160 dự án thủy điện thực hiện từ 2006 đến 2012 đã hủy diệt 19.792 héc ta rừng.
Cũng trong năm 2013, chính phủ Việt Nam tiến hành "rà soát quy hoạch thủy điện" và cho biết đã loại bỏ 424 dự án, không đưa vào quy hoạch 172 "vị trí tiềm năng", tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục đánh giá 158 dự án khác. Cho đến lúc đó, Việt Nam vẫn còn 815 dự án thủy điện phục vụ công cuộc "công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Năm sau (2014), chính phủ Việt Nam chính thức thú nhận, những dự án thủy điện vừa và nhỏ là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều khu vực cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Chuyện xả lũ vô tội vạ của các nhà máy thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tháng 3 năm nay, trong một công điện gửi cho nhiều cơ quan hữu trách, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện. Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài nguyên và môi trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt - giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì được yêu cầu buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế ngay lập tức. Đến lúc đó, diện tích rừng được trồng để thay thế chỉ chừng 3,7%.
Tới tháng 7, tại một hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức, chính quyền nhiều địa phương khăng khăng xin thực hiện thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ, còn Bộ Công Thương công khai tán thành.
Chẳng hạn, tuy Bộ Công Thương đã loại bỏ 54/123 dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Lào Cai nhưng chính quyền tỉnh này vừa xin "bổ sung vào quy hoạch thủy điện" mười dự án khác. Ngoài Lào Cai, chính quyền các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk cũng đang làm như thế. Quảng Trị đang xin "bổ sung bốn dự án thủy điện" sau khi có 10 dự án thủy điện bị loại ra khỏi quy hoạch. Quảng Nam muốn "bổ sung 14 dự án thủy điện". Theo quy hoạch, Đắk Lắk chỉ còn 9 dự án thủy điện nhưng đã thành công trong việc vận động Bộ Công Thương trình chính phủ Việt Nam bổ sung vào quy hoạch thủy điện của tỉnh này sáu dự án thủy điện khác…
***
Thống kê được công bố tại hội thảo về lũ quét và sạt lở diễn ra hôm 14 tháng 10 cho biết, trong mười lăm năm, từ 2000 đến 2015, tại Việt Nam xảy ra 250 vụ lũ quét và sạt lở khiến 646 người chết và mất tích, 351 người bị thương, tổng thiệt hại tài sản khoảng 3.300 tỉ.
Chưa rõ tại sao thống kê chỉ được thực hiện đến năm 2015. Nếu thống kê bao gồm những số liệu của năm 2016 và từ đầu 2017 đến nay, số vụ lũ quét lẫn sạt lở cũng như tổng thiệt hại nhân mạng, tài sản ắt sẽ kinh khủng hơn nhiều (hồi đầu năm nay, Tổng cục Thống kê của Việt Nam từng cho biết, riêng năm 2016, ngoài việc làm 246 người chết và mất tích do lũ quét, sạt lở, lụt, thiên tai nói chung - bao gồm cả các đợt rét đậm, rét hại ở miền Bắc, khô hạn ở Tây Nguyên và nước mặn xâm nhập sâu vào đồng bằng sông Cửu Long - đã làm Việt Nam mất 40.000 tỉ đồng, tương đương 1,8 tỉ Mỹ kim).
Giống như nhiều viên chức điều hành các công trình thủy điện khác, ông Đặng Trần Công, Chánh Văn phòng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, mới khẳng định với báo giới rằng việc mở tám cửa xả của hồ chứa nước cho nhà máy này trong hai ngày 10 và 11 tháng 10 là "đúng qui trình". Việc mở đồng loạt tám cửa xả có thể khiến lũ lụt ở khu vực hạ du thêm trầm trọng, thậm chí gây thêm tổn thất nhân mạng và tài sản nhưng không thể trách ông Công, cũng chẳng thể trách Công ty Thủy điện Hòa Bình.
Khi phê duyệt, ban hành "qui trình", Thủ tướng buộc phải quan tâm đến "bảo đảm an toàn công trình", đập chắn nước của một công trình thủy điện vỡ, hậu quả sẽ thảm khốc hơn nhiều. Biết thế nhưng chẳng ai có thể lắc đầu với thủy điện vì đó là chủ trương!
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/10/2017
Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Sóc Trăng vừa công bố quyết định "cảnh cáo" đảng viên Thái Văn Đợi, đại tá, Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan Điều tra của công an tỉnh này vì "có nhiều sai phạm trong công tác".
Trong một cuộc biểu tình đòi thả người trước đồn công an. Hình minh họa.
Hiện chưa rõ đại tá Đợi có bị ngành công an kỷ luật hay không vì Bộ Công an chưa lên tiếng. Ba năm vừa qua, Bộ Công an chưa đụng tới đại tá Đợi.
Dẫu đại tá Đợi đã được xác định là một trong những nhân vật chính gây ra ít nhất ba oan án, khiến hàng chục công dân bị tống giam, bị tra tấn tàn bạo tới mức không làm gì cũng vẫn "cúi đầu thừa nhận" đã "giết người" nhưng chuyện Tỉnh ủy Sóc Trăng mất tới ba năm "nâng lên, đặt xuống" trường hợp của Đại tá Đợi là… bình thường. Kỷ luật những đảng viên như ông Đợi lúc nào cũng phải… "thận trọng, khách quan".
***
Tháng 4 năm 2014, Viện Kiểm sát tỉnh Sóc Trăng trả tự do cho : Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc và Nguyễn Thị Bé Diễm.
Hol, Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc bị bắt vì nghi ngờ giết ông Lý Văn Dũng - một người chạy xe ôm, ngụ tại xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng hồi tháng 7 năm 2013. Sau đó cả sáu cùng… thú nhận đã tổ chức giết ông Dũng vì giữa Hol và ông Dũng có hiềm khích cá nhân. Trong quá trình điều tra vụ ông Dũng bị giết, Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng còn bắt Nguyễn Thị Bé Diễm – bạn gái của Đỡ vì "không tố giác tội phạm".
Sau khi nhóm điều tra vụ án Trần Hol và đồng phạm "giết người" hoàn tất "Kết luận điều tra", họ được lãnh đạo Công an tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen và trong khi cả nhóm đang chờ nhận hiện kim là tiền thưởng "thành tích phá án" thì vụ án bị lộn ngược…
Tháng 12 năm 2013, cô Lê Thị Mỹ Duyên, ngụ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Sài Gòn, đầu thú vì đã tham gia giết ông Dũng. Theo lời cô Duyên, cô đã cùng cô Nguyễn Kim Xuyến, ngụ tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, giết ông Dũng để cướp tài sản nhưng vụ cướp bất thành, cả hai rời Sóc Trăng lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác. Cô Duyên ra đầu thú với hy vọng cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong… tù.
Trước tình tiết bất ngờ này, hệ thống tư pháp Việt Nam buộc phải xem lại toàn bộ vụ án mạng mà ông Dũng là nạn nhân. Cuối cùng, hệ thống tư pháp Việt Nam thừa nhận, cô Xuyến và cô Duyên đúng là thủ phạm. Cả Hol, Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc, lẫn Diễm… bị bắt oan. Đến lúc đó, công chúng mới thắc mắc : Tại sao không "giết người" mà cả bảy lại "cúi đầu nhận tội" ? Sau khi được trả tự do, chỉ có ba trong bảy nạn nhân dám kể với báo giới, rằng lúc đầu họ một mực kêu oan nhưng vì các điều tra viên dùng còng treo họ lên cửa sổ, rồi dùng tay, dùi cui, đánh họ, thậm chí còn dùng khăn bàn, bọc nước đá vào hạ bộ các nạn nhân,… không chịu nổi đau đớn và sợ sớm uổng mạng, họ đành… khai theo hướng dẫn của các điều tra viên !
Cũng theo báo chí Việt Nam, cả bảy nạn nhân không chỉ bị mất tự do trong sáu tháng. Nhiều người trong số họ còn phải ôm những nỗi đau khác cho đến hết đời. Một trong các nạn nhân - Thạch Sô Phách kể rằng, chỉ ít ngày trước khi anh được trả tự do, vợ anh đã bỏ con lại cho mẹ anh nuôi và đi theo người khác – "giết người" với hàng loạt tình tiết tăng nặng "có tổ chức", "động cơ đê hèn" không tử hình, chung thân thì cũng bị phạt hàng chục năm tù, vợ Phách không đủ nhẫn nại nuôi con chờ chồng. Trần Văn Đỡ thì ngậm ngùi cho mối tình giữa anh với Nguyễn Thị Bé Diễm – cô không tha thứ khi anh nghe lời các điều tra viên, khai rằng cô biết "kế hoạch giết người" mà không tố cáo, khiến cô vướng vòng lao lý một cách oan uổng…
Có thể vì không hiểu rằng, tìm được một người "không tố giác tội phạm" sẽ khiến cáo buộc "giết người" trở thành vững như bàn thạch nên Bé Diễm không thông cảm cho Đỡ. Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng hơn hẳn Bé Diễm, vụ "giết người" nào mà họ điều tra cũng có người bị đề nghị truy tố vì "không tố giác tội phạm" !
Hồi tháng 8 năm 2012, ông Lâm Tài Mấu ngụ tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị chết do có người đánh vào đầu. Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng bắt ông Phạm Văn Lé, xác định ông là thủ phạm vụ án mạng này. Ngoài ông Lé, Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng còn bắt vợ ông Lé là bà Thạch Thị Xem và em ông Lé là ông Phạm Văn Lến (một người bị bệnh tâm thần) vì "không tố giác tội phạm". Không may cho Cơ quan Điều tra của Công an tỉnh Sóc Trăng là khi Tòa đưa cả ba ra xử, các "nhân chứng" cùng khẳng định, họ bị các điều tra viên dọa sẽ khởi tố vì "không tố giác tội phạm" nên họ buộc phải làm chứng gian chứ họ không hề chứng kiến sự việc. Ông Lé thì liên tục kêu oan, giải thích sở dĩ ông nhận tội là do bị tra tấn. Các luật sư bào chữa cho ông Lé và bảo vệ quyền lợi cho ông Mấu (người bị đánh chết) đều cùng cho rằng, Kết luận điều tra của Công an Sóc Trăng, Cáo trạng của Viện Kiểm sát Sóc Trăng có nhiều điểm phi lý, mâu thuẫn.
Tòa án tỉnh Sóc Trăng đã đưa vụ ông Lé "giết người" ra xử ba lần nhưng cả ba lần đều hoãn xử nửa chừng vì những điểm phi lý và mâu thuẫn đó. Năm 2013, Công an Sóc Trăng và Viện Kiểm sát Sóc Trăng lần lượt ban hành các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam rồi "tạm tha" ông Lé, ông Lến...
***
Trước sự phẫn nộ của công chúng đối với vụ bảy thanh niên không giết người vẫn cúi đầu nhận tội, hồi tháng 6 năm 2014, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng đã quyết định cách chức, giáng cấp năm sĩ quan cấp tá, ba sĩ quan cấp úy. Đại tá Đợi phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, dù ở Sóc Trăng không chỉ có hai oan án như vừa kể. Chừng đó dẫu đã đủ chứng tỏ sự nghiêm minh của hệ thống bảo vệ pháp luật nhưng lại có nhiều người không ưng. Thư tố cáo đại tá Đợi như bươm bướm bay lượn nhiều nơi. Cực chẳng đã, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Sóc Trăng phải nhập cuộc. Ngoài việc xác định đảng viên Thái Văn Đợi liên đới trách nhiệm về các oan án mà thuộc cấp của ông đã gây ra, trong quyết định "cảnh cáo" đảng viên Thái Văn Đợi, Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Sóc Trăng giải thích thêm rằng, họ quyết định như thế còn vì ông Đợi đã "mượn đất" của Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam.
Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam - một trong những doanh nghiệp từng dẫn đầu lĩnh vực xuất cảng thủy sản ở Việt Nam đột nhiên vỡ nợ năm 2013. Tuy nhiên khoản nợ 1.600 tỉ của công ty này đã có năm ngân hàng chia nhau gánh vác, bởi gia đình ông Lâm Ngọc Khuân – chủ Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam - đột nhiên mất tích. Năm 2015, hai thuộc cấp của ông Khuân và 25 viên chức ngân hàng dắt nhau vào tù, thay ông Khuân gánh hậu quả của vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Sóc Trăng không cho biết đại tá Đợi "mượn đất" của Công ty Chế biến thực phẩm Phương Nam vào thời điểm nào ? Chuyện "mượn đất" của một Phó Giám đốc kiêm Thủ trưởng Cơ quan Điều tra Công an một tỉnh đó có ảnh hưởng gì đến việc phát giác - ngăn chặn một trong mười vụ mà Ban Chỉ đạo Phòng – CHống tham nhũng của Việt Nam xác định là "đại án tham nhũng" hay không ? Thế nhưng nâng hình thức kỷ luật từ "kiểm điểm, rút kinh nghiệm" thành "cảnh cáo" rõ ràng là… nghiêm minh hơn rồi.
Cũng vì vậy, theo Ủy ban Kiểm tra của Tỉnh ủy Sóc Trăng, đại tá Đợi cho biết sẽ khiếu nại vì "cảnh cáo" là… quá nặng !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 18/10/2017
Tuần này, dư luận Việt Nam nghiêng ngả trước sự kiện Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam.
Hiroaki Honjo, Tổng Giám Đốc IQ8, cây xăng vốn ngoại 100% đầu tiên tại Việt Nam.
IQ8 là một liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật. Do góp vốn đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, IQ8 trở thành doanh nghiệp ngoại quốc đầu tiên được phép tổ chức bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam như một phương thức nhằm hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo IQ8 thì sau cây xăng đầu tiên tọa lạc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long ở Hà Nội, IQ8 sẽ phát triển hệ thống trạm bán lẻ xăng dầu của liên doanh này trên toàn Việt Nam.
Thông tin IQ8 cam kết bơm đủ xăng (sai biệt 0,01 lít), cấp hóa đơn cho người mua, nhận thanh toán bằng thẻ ATM, huấn luyện nhân viên để bảo đảm hoạt động bán lẻ xăng dầu đúng tiêu chuẩn của Nhật về dịch vụ, kèm hình ảnh ông Hiroaki Honjo – Tổng Giám đốc IQ8 – cầm dù, đứng dưới trời mưa, cúi gập người chào khách… không chỉ tạo ra sự phấn khích nơi công chúng mà còn chủ đề để hệ thống truyền thông tham gia luận bàn.
***
Ngoài việc chia sẻ những thông tin vừa kể, hàng chục ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam bày tỏ hy vọng giống như Minh Tran, mong sớm thấy cây xăng của IQ8 ở nơi họ cư trú. Minh gọi IQ8 là "bạn", anh nhấn mạnh không hy vọng giá xăng dầu của "bạn" rẻ hơn vì "bạn" có muốn cũng… không được, song "sự tử tế và trung thực trong kinh doanh" của "bạn" sẽ làm cho những doanh nghiệp đang bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam "phải tự nhìn lại mình".
Tomado Le thì khẳng định, chừng nào cây xăng của IQ8 hiện diện ở Sài Gòn anh sẽ đổ xăng tại đó dù có phải sắp hàng chờ cả tiếng để "các quan nhà ta bớt than lỗ". Tuy giá xăng ở Việt Nam đã cao ngất nhưng năm nào dân chúng cũng phải nghe các quan than "lỗ" rồi phải móc thêm tiền trả cho xăng. Tomado Le mong mau tới ngày doanh nghiệp ngoại quốc được cung cấp cả điện lẫn nước cho "dân nhờ".
Giống như hàng trăm video clip cùng loại, video clip mà Trần Nhật Quang ghi lại cảnh nhân viên cây xăng thuộc IQ8 lau chùi sạch sẽ các tấm kính chắn gió, kính chiếu hậu của một chiếc xe hơi trước khi bơm xăng kèm nhận định : Mô hình cây xăng này sẽ phát triển nhanh chóng và được mọi người ủng hộ. Nếu không thay đổi thái độ phục vụ, không bơm đúng – bơm đủ thì Petrolimex, Mipec, PVO,… chuẩn bị đặt in decal để dán khắp nơi kêu cứu nhé ! – có hàng ngàn "like".
Có facebooker thực hiện ngay một thử nghiệm nhỏ làm nhiều người thích thú : Đem chai đến hai cây xăng, một của Petrolimex, một của IQ8 mua xăng. Tuy giá bán xăng ở hai nơi bằng nhau và khoản tiền trả cho mỗi nơi như nhau (25.000 đồng) nhưng lượng xăng mua từ cây xăng của Petrolimex ít hơn hẳn so với lượng xăng mua từ cây xăng của IQ8. Sáu tấm ảnh mà facebooker có nickname gọn lỏn là Tuyền – thành viên của nhóm Otofun - đưa lên facebook minh họa cho thử nghiệm này đã được một số tờ báo khai thác lại ngay lập tức.
Một sự trùng hợp thú vị mà cả người sử dụng Internet lẫn hệ thống truyền thông tại Việt Nam cùng lưu ý là vào thời điểm IQ8 khai trương cây xăng đầu tiên, hệ thống cây xăng của Petrolimex đồng loạt căng banner nhắc nhở ""Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Sự trùng hợp ấy dẫn tới thắc mắc, phải chăng Petrolimex cũng muốn "bóp" IQ8 như các hãng taxi đã tìm đủ cách "bóp" Grab và Uber – những dịch vụ vận chuyển công cộng có giá rẻ hơn, phục vụ chu đáo hơn đang làm các hãng taxi điêu đứng. Tuy ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định, việc treo banner nhắc nhở "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chỉ nhằm hưởng ứng một chương trình do Bộ Công Thương Việt Nam phát động, không liên quan tới chuyện IQ8 chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh nhưng ít ai tin lời ông Năm.
Đối với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Ngo Luc cho rằng nếu vì Việt Nam, "các ông" đã không tăng lên, hạ xuống tùy thích như vậy. Theo Ngo Luc thì "độc quyền" của "tụi tư bổn" là tạo ra "cái tốt độc nhất vô nhị" và đó là lý do "người ta theo chúng". Còn các ông thì "độc quyền" ép buộc, thao túng thị trường, vô trách nhiệm, không sòng phẳng. Càng độc quyền càng giàu, càng trở nên ghê gớm, ngồi trên pháp luật. Ngo Luc đòi : Hãy cho chúng tôi lý do để chúng tôi ủng hộ…
Tương tự, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu bình luận "Người Nhật đã vào bán xăng, đừng cạnh tranh bằng khẩu hiệu !". Bài bình luận nhắc lại điều mà ai cũng biết và ai cũng cảm thấy phiền, đó là dù tại Việt Nam có tới 29 doanh nghiệp đầu mối nhập cảng, kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cây xăng nhưng trên thị trường, giá xăng gần như đồng nhất, không có sự cạnh tranh về giá và về chất lượng dịch vụ. Tuổi Trẻ cho rằng, sự quan tâm và thiện cảm mà công chúng dành cho IQ8 không chỉ là giá mà còn nằm ở nhiều tiêu chí khác : Phục vụ ân cần, cam kết rõ ràng về đong đo - điều mà xưa nay khách hàng tìm kiếm ở các cây xăng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa thấy. Tuổi Trẻ cảnh báo, sẽ không còn kiểu hưởng ứng phong trào vì Việt Nam mà "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" như ngày xưa. Giờ, người tiêu dùng cần "sự tử tế trong kinh doanh chứ không phải là khẩu hiệu".
Một số doanh nhân đang điều hành những doanh nghiệp nhập cảng – kinh doanh xăng dầu phân trần, sở dĩ cả giá lẫn dịch vụ trong lĩnh vực xăng dầu "có cạnh tranh mà như không" vì "nhà nước can thiệp quá sâu" (giá bán lẻ xăng dầu chỉ được phép dao động trong khung, lợi nhuận cũng phải theo định mức – 300 đồng/lít và nhà nước dựa vào đó thu phí cho "Quỹ bình ổn giá xăng dầu". Họ hi vọng nhà nước – vài năm vừa qua đang ráo riết vận động cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền "kinh tế thị trường" hoàn chỉnh - để thị trường xăng dầu tự định đoạt giá cả, loại bỏ khung giá, loại bỏ định mức về lợi nhuận và tất nhiên loại bỏ cả cái gọi là "Quỹ bình ổn giá xăng dầu"…
Tuy nhiên những đề nghị như vừa kể sẽ rất khó được chấp nhận, một phần vì nguồn thu và lợi nhuận từ "Quỹ bình ổn giá xăng dầu" quá lớn (theo thông báo của Bộ Tài chính Việt Nam, tính đến hết năm ngoái, gộp cả số dư lẫn lợi nhuận, "Quỹ bình ổn giá xăng dầu" góp cho ngân sách tới 2390 tỉ đồng, phần khác vì vẫn còn những doanh nhân như ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cảnh báo, "xăng dầu là mặt hàng chiến lược, động chạm đến tất cả mọi người, vì thế nhà nước phải giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật, không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu" vì "nếu để các doanh nghiệp ngoại quốc nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu, trong tương lai sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường".
***
Hành xử tử tế, kinh doanh trung thực, tôn trọng lợi ích chung vì trong đó có cả lợi ích của mình, giữ gìn tinh thần dân tộc vốn đâu có xa lạ với tâm thức của người Việt, vậy thì vì lẽ gì mà chuyện IQ8 khai khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam khiến dư luận nghiêng ngả tới mức có facebooker như Nguyen Son nhận định là sự chú ý của công chúng dành cho sự kiện này vượt cả kết quả Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 lẫn thiên tai ?
Vì lẽ gì mà Trần Chí Hiếu buột miệng chửi thề trên facebook kèm thắc mắc, tại sao bây giờ, trong xã hội này, chỉ cần "nghiêm chỉnh" là "đã được tôn vinh và coi như anh hùng, chẳng hạn không nhận tiền hối lộ là cảnh sát giao thông sẽ được tôn vinh, bán xăng đúng chuẩn sẽ trở thành hiện tượng ? Hiếu nói thêm, lúc này, chỉ cần "nghiêm chỉnh" là sống được nhưng khẳng định "Khó lắm ! Tôi đố !".
Tại sao xã hội Việt Nam lại trở thành kỳ quái như vậy ? Bạn có thể trả lời không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/10/2017
Tuần vừa qua, ba nhân vật chính của ba scandal từng làm dư luận tại Việt Nam rúng động cùng được xác định là… không đạt yêu cầu về "trình độ lý luận chính trị".
Hình minh họa các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật. Ảnh chụp màn hình trang web vov.vn
Ngày 5 tháng 10, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - cơ quan thay mặt Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam giám sát và chỉ đạo toàn bộ các vấn đề có liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long – loan báo đã hủy ba quyết định bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng. Theo đó, ông Hoàng, 27 tuổi không những không còn đảm trách vai trò Vụ phó Vụ kinh tế của cơ quan này mà còn bịloại khỏi hệ thống công quyền, không được xem là công chức nữa.
Năm ngoái, ông Hoàng là nhân vật chính của scandal liên quan đến qui trình tuyển dụng – bổ nhiệm mà báo giới Việt Nam gọi là "thần tốc", xảy ra tại Ban chỉ đạo Tây Nam bộ.
Tháng 6 năm 2014, Ban tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đồng ý cho Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tuyển dụng ông Hoàng, lúc đó 24 tuổi và đang du học tại Bỉ vào làm "chuyên viên" tại Phòng Nghiên cứu tổng hợp của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ. Dù cư trú ở ngoại quốc nhưng tháng 1 năm 2016, ông Hoàng vẫn được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ kinh tế rồi Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cho phép ông Hoàng đến Nhật học tiến sĩ. Một tháng sau, Chủ tịch thành phố Cần Thơ có văn bản gửi Ban chỉ đạo Tây Nam bộ "xin" đích danh ông Hoàng về làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - Hội chợ triển lãm của Cần Thơ. Ông Hoàng ghé qua Cần Thơ nhận quyết định bổ nhiệm và… qua Nhật học tiếp !
Khi việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng "bục" ra, trở thành scandal, lúc đầu, ông Nguyễn Quốc Việt, một trong các phó ban của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định bằng văn bản, việc tuyển dụng - bổ nhiệm ông Hoàng là "đúng qui trình". Sau đó, một phó ban khác của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, phát hành thông báo thu hồi văn bản mà đồng liêu đã ký vì việc ký – công bố văn bản, khẳng định việc tuyển dụng - bổ nhiệm ông Hoàng "đúng qui trình" là… "không đúng quy trình". Kế đó chuyện tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng được xác định có nhiều "sai sót nghiêm trọng". Trong những "sai sót" khiến việc tuyển dụng – bổ nhiệm ông Hoàng được xác định là "nghiêm trọng" có yếu tố ông Hoàng không hội đủ yêu cầu về… "trình độ lý luận chính trị".
Lý do chính khiến ông Ngô Văn Tuấn, cựu Giám đốc Sở xây dựng, hiện là Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị "khiển trách" hồi cuối tháng vừa qua cũng liên quan tới tuyển dụng – bổ nhiệm nhân vật chính của một scandal khác (bà Trần Vũ Quỳnh Anh, 31 tuổi), khi đương sự không hội đủ yêu cầu về… "trình độ lý luận chính trị".
Năm 2010, bà Anh, lúc đó 24 tuổi được tuyển vào vào làm tạp vụ cho Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa. Năm sau bà Anh đột nhiên được Sở xây dựng tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng làm công chức mà không cần thi tuyển. Từ 2011 đến 2015, chỉ trong vòng bốn năm, bà Anh liên tục được cất nhắc rồi trở thành Trưởng phòng Quản lý nhà - thị trường bất động sản của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa kiêm Đảng ủy viên của cơ quan này. Cũng trong năm 2015, bà Anh được quy hoạch để làm Phó giám đốc Sở xây dựng tỉnh Thanh Hóa… Dù lương chỉ có 6 triệu đồng/tháng nhưng bà Anh là chủ hàng chục biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng và sử dụng một chiếc Cadillac Escalade trị giá khoảng sáu tỉ.
Tháng 9 năm 2016, mạng xã hội rồi báo giới Việt Nam bắt đầu nêu nghi vấn, phải chăng bà Anh thăng tiến và giàu có bất thường vì bà có "quan hệ" với ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư tỉnh Thanh Hóa (?). Bà Anh bỏ việc, mất tích, hồ sơ công chức của bà "không cánh mà bay". Điều duy nhất mà hệ thống công quyền Việt Nam có thể làm đối với bà Anh là đành để bà "tự ý bỏ việc", tuyên bố khai trừ bà ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Cục phó Cục kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, người bị kẻ gian cuỗm mất 385 triệu đồng khi đang thanh tra 30 doanh nghiệp mà hoạt động có thể nguy hại cho môi trường ở Long An, hôm 26 tháng 9, cũng vừa bị đặt vấn đề về việc không hội đủ điều kiện về… "trình độ lý luận chính trị".
Theo báo giới Việt Nam thì việc bổ nhiệm ông Quang trở thành đáng ngờ vì ông chưa có chứng chỉ "cao cấp lý luận chính trị". Giống như Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Tỉnh ủy Thanh Hóa, từng phân bua về trường hợp ông Hoàng, trường hợp bà Quỳnh Anh, đại diện Vụ tổ chức của Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường cũng biện bạch, ông Quang là "trường hợp đặc biệt", Tổng cục Môi trường đã gửi ông Quang đi học "cao cấp lý luận chính trị" nhưng vì "chỉ tiêu hàng năm rất ít nên ông Quang phải chờ".
Đối với ba scandal vừa kể, "trình độ lý luận chính trị" rõ ràng là tuyệt chiêu dùng để kết liễu "sinh mạng chính trị" (triển vọng thăng tiến) những cá nhân "đặc biệt".
***
Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam trở thành tổ chức chính trị lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam, "trình độ lý luận chính trị" đã trở thành yếu tố "để xem xét, đánh giá, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch cán bộ, công chức theo quy định của Đảng và Nhà nước".
Theo thời gian, "trình độ lý luận chính trị" được chia thành ba bậc : Sơ cấp, Trung cấp và Cao cấp với nhiều qui định hết sức rối rắm, từng bị xem là cản trở cải tổ hệ thống công quyền (chẳng hạn không thể bổ nhiệm những cá nhân được xem là có năng lực, triển vọng đóng góp cao vì không hội đủ tiêu chuẩn về "trình độ lý luận chính trị").
Trừ những cá nhân tốt nghiệp các ngành : Triết học Mác Lênin, Kinh tế - chính trị Mác Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Tư tưởng - Văn hoá… ở bậc đại học trở lên, những cá nhân còn lại bất kể học vị đều bị xem là chưa đủ "trình độ lý luận chính trị" mức cao cấp. Điều đó đồng nghĩa với việc không đủ tiêu chuẩn để đảm nhận những vai trò như bí thư, trưởng công an cấp quận huyện, giám đốc các sở trở lên.
Cho đến nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vẫn là nơi độc quyền đào tạo "trình độ lý luận chính trị" mức cao cấp. Tuy Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ công bố cả chi phí duy trì hoạt động lẫn chi phí đài thọ chuyện đi lại, ăn ở cho các cá nhận được gửi đến học viện này để theo học các khóa "cao cấp lý luận chính trị" (giảng dạy về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam, các vấn đề về chính trị và lãnh đạo… kéo dài trong 18 tháng) nhưng chắc chắn hệ thống cồng kềnh (sáu phân viên, 17 viện, trung tâm nghiên cứu) ấy ngốn không ít tiền.
Năm ngoái, do những rối rắm và tốn kém mà yêu cầu về "trình độ lý luận chính trị" tạo ra, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từng đề nghị Ban tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức các khóa "cao cấp lý luận chính trị" ngay tại Sài Gòn nhưng đại diện Ban tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam từ chối vì qui định về học chính trị "rất ngặt nghèo", phải dựa vào chức vụ để quyết định ai được học trung cấp, ai được học cao cấp để hội đủ tiêu chuẩn về "trình độ lý luận chính trị".
***
Trước khi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 họp hội nghị lần thứ sáu (từ 4 tháng 10 đến 11 tháng 10), ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Ban tổ chức của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, bảo rằng, kỳ vọng lớn nhất mà ông Hương đặt vào hội nghị này là "một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ" vì tham nhũng đã quá nghiêm trọng và dân chúng đã bất bình đến cực độ.
Ông Hương kể tên hàng loạt viên chức cao cấp do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quản lý : Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Huy Hoàng (cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Bộ trưởng Công Thương), Nguyễn Xuân Anh (cựu Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), Trịnh Xuân Thanh (cựu Đại biểu Quốc hội, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang),… nhân vật chính trong hàng loạt scandal và nêu thắc mắc, tại sao Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có hàng loạt ban (Tổ chức, Nội chính, Kiểm tra,…) mà không phát giác ? Tại sao không có viên chức nào xin lỗi dân chúng, từ chức.
Ông Hương nhấn mạnh, ông chưa thấy quốc gia nào, bộ máy tổ chức - hành chính nào mà không có ai đứng ra nhận trách nhiệm trước những vụ tham nhũng, lãng phí gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng.
Những Thăng, Hoàng, Xuân Anh, Thanh,… và các viên chức lãnh đạo cao cấp của cả Đảng cộng sản Việt Nam lẫn nhà nước, quốc hội, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có "trình độ lý luận chính trị" ở mức cao cấp. Đối với những trường hợp dạng này, "trình độ lý luận chính trị" là công cụ thăng tiến. Mức độ cao, thấp của "trình độ lý luận chính trị" tương ứng với hậu quả. "Trình độ lý luận chính trị" càng cao thì tổn thất mà xã hội phải gánh chịu càng lớn. Bất kể thế nào thì "trình độ lý luận chính trị" vẫn là tiêu chí có tính bắt buộc trong sắp đặt, bổ nhiệm nhân sự tại Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là một trong hai người vừa được các ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bầu vào Ban Bí thư.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/10/2017
Kế hoạch liên quan tới dự án metro Cát Linh – Hà Đông (một trong chín tuyến metro ở Hà Nội) lại vỡ. Nhà thầu Trung Quốc lại thất hứa. Cam kết "chạy thử liên động toàn hệ thống" vào tháng 10 năm 2017 tiếp tục là "nguồn", bổ sung cho một "tổng kho" chuyên chứa những thề thốt !
Dự án metro Cát Linh - Hà Đông.
Tuần trước, ông Đường Hồng, Giám đốc Điều hành dự án Metro Cát Linh – Hà Đông, thông báo với báo giới Việt Nam rằng, nhà thầu đã cho "tàu công trình chạy trên một số đoạn" của tuyến metro này.
Ngay sau đó, đại diện Bộ Giao thông vận tải Việt Nam lên tiếng "đính chính", hoạt động trên tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hôm 28 tháng 9 chỉ là "chạy nháp" của "tàu công trình" (một đầu máy kéo theo một toa) để kiểm tra đường ray, chuẩn bị cho việc "chạy thử kỹ thuật tàu khách" với tốc độ 5 km/h, sau đó sẽ nâng lên 20 km/h nhằm kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Chuyện sẽ tiến hành "chạy thử liên động toàn hệ thống" vào tháng 10 năm 2017 và tiếp tục thử nghiệm như thế từ ba tới sáu tháng để đến quý 2/2018 chính thức vận hành tuyến metro Cát Linh – Hà Đông hổng… có !
Hồi trung tuần tháng 9, sau khi thị sát công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông, ông Nguyễn Ngọc Đông, một trong các thứ trưởng của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, xác nhận, ý định "chạy thử liên động toàn hệ thống" vào tháng 10 năm 2017 khó thực hiện vì nhiều hạng mục vẫn còn dở dang. Vào lúc này, nhà thầu Trung Quốc mới chỉ lắp đặt được chừng 40% thiết bị.
Chưa rõ nhà thầu Trung Quốc hay Bộ Giao thông vận tải Việt Nam hoặc cả hai vừa đặt ra "mốc" mới : Sẽ tổ chức "chạy thử liên động toàn hệ thống" vào… tháng 4 năm 2018 ! Tuy nhiên chẳng ai dám chắc "mốc" mới đó đã là "mốc" cuối cùng cho công đoạn "chạy thử liên động toàn hệ thống" hay chưa…
***
Tuyến metro Cát Linh – Hà Đông là dự án metro đầu tiên tại Việt Nam. Lẽ ra dự án này phải hoàn tất hồi 2013 nhưng đến nay – 2017 - vẫn chưa thể "chạy thử liên động toàn hệ thống".
Đó cũng là lý do dự án metro Cát Linh – Hà Đông được xem là điển hình cho hợp tác Việt – Trung về vốn, nhà thầu, công nghệ nhằm… phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam luôn là phía phải "ngậm đắng, nuốt cay".
Sau nhiều lần thất hứa, năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông vào tháng 6 năm 2015 tuy nhiên đến tháng 6 năm 2015 thì thời điểm khánh thành được dời lại tới cuối năm 2015. Cuối năm 2015, báo giới Việt Nam cho biết phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử…
Năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới dự án metro Cát Linh – Hà Đông không phải là Việt Nam bắt đầu vận hành công trình đường sắt nội đô đầu tiên mà là chính phủ Việt Nam sẽ phải ký một thỏa thuận, đề nghị vay thêm tiền từ Trung Quốc để hoàn tất tuyến metro Cát Linh – Hà Đông bởi nhà thầu Trung Quốc bảo rằng, không đưa thêm tiền thì công trình không xong.
Tuy các chuyên gia và dân chúng tỏ ra hết sức phẫn nộ vì lúc đầu, nhà thầu Trung Quốc bảo rằng, chi phí cho việc thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông chỉ có 553 triệu Mỹ kim nhưng lúc thực hiện gói thầu, vừa liên tục gây tai nạn chết người (cẩu đổ xong thì chuyển qua… đứt cáp, lúc thì làm rơi dầm thép, lúc thì làm rớt cọc thép, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông), vừa đòi thêm 339 triệu Mỹ kim nhưng chính quyền Việt Nam vẫn phải hỏi Trung Quốc xin vay thêm tiền vì trót phóng lao !
Trung tuần tháng 5 năm 2016, Việt Nam chính thức ký hiệp định vay thêm của Trung Quốc 250,62 triệu Mỹ kim. Đây là một trong năm "văn kiện hợp tác" giữa Việt Nam và Trung Quốc trong dịp ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm Trung Quốc hồi giữa năm ngoái.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải Việt Nam từng phân bua với dân chúng Việt Nam rằng, trong việc thực hiện dự án metro Cát Linh – Hà Đông, sở dĩ Việt Nam liên tục bị động, mọi thứ từ chuyện vay mượn đến thời gian thực hiện liên tục thay đổi vì phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Bởi vay tiền của Trung Quốc để thực hiện tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ngoài việc phải giao dự án cho nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam còn phải mua những thứ còn lại của Trung Quốc. Chi phí cho việc mua hệ thống đường ray, hệ thống thông tin – tín hiệu và 13 đoàn tàu vào khoảng 200 triệu Mỹ kim.
***
Việc nhà thầu Trung Quốc không thể tổ chức "chạy thử liên động toàn hệ thống" ở công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông trong tháng này được giải thích là do thiếu tiền. Giống như trước đây, tại công trường xây dựng tuyến metro Cát Linh – Hà Đông dù "hạng mục nào cũng dở dang" nhưng nhà thầu Trung Quốc "không thi công".
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông của Bộ Giao thông vận tải Việt Nam tiết lộ, dù hiệp định vay bổ sung 250,62 triệu Mỹ kim đã được ký hồi trung tuần tháng 5 năm ngoái nhưng việc giải ngân đang gặp trục trặc. Giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và China Exim Bank (nơi cho vay) đang có bất đồng.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam thì trấn an rằng chuyện chậm giải ngân "chỉ gây thiệt thòi cho nhà thầu Trung Quốc" còn Việt Nam không bị ảnh hưởng.
Bao nhiêu người tin vào điều ông Nghĩa khẳng định ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/10/2017