Theo báo chí Việt Nam, ngày 28 tháng 9, Tổng cục Môi trường đã triệu hồi ông Nguyễn Xuân Quang về Hà Nội để giải trình (1).
Đúng là "họa vô đơn chí" !
Một buổi sinh hoạt chuyên đề cấp cơ sở về "suốt đời vì dân, vì nước, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân" (2012) - Ảnh minh họa
Chẳng riêng dân chúng, báo giới mà bây giờ, dường như cả lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng thiếu đồng cảm với ông Quang, người vừa mất 385 triệu đồng !
Ông Quang, Cục phó Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường là một trong những viên chức được chỉ định làm lãnh đạo mười đoàn thanh tra, chia nhau kiểm tra tất cả các doanh nghiệp mà hoạt động có thể nguy hại cho môi trường trên khắp Việt Nam.
Ông Quang đến Long An hôm 20 tháng 9, dự tính sẽ ở đó 45 ngày để kiểm tra hoạt động của 30 doanh nghiệp. Mới kiểm tra được bảy doanh nghiệp thì ngày 26 tháng 9, phòng của ông Quang tại một khách sạn ở thị xã Tân An bị trộm viếng. Gần 400 triệu của ông Quang không cánh mà bay. Đã vậy Công an Long An còn tiết lộ thêm với báo chí, rằng may mà ông Quang vừa đem đến ngân hàng, gửi vào tài khoản riêng của ông một khoản tiền lớn (không rõ số lượng), nếu không, hậu quả của vụ trộm còn trầm trọng hơn.
Đáng nói là chỉ một mình ông Quang đau xót. Còn công an, báo giới, dân chúng đều cùng làm ngơ trước nỗi đau ấy. Dù ông Quang đã giải thích là khoản tiền khổng lồ so với thu nhập bình thường của một viên chức đó là tiền Nguyễn phu nhân giao cho ông mang vào Sài Gòn giải quyết việc riêng của gia đình, nhưng thiên hạ chẳng những không tin lại còn gièm pha.
Hẳn ông Quang rất buồn vì chẳng "thằng nào, con nào" thấy sự tận tụy của ông. Hoạt động của những doanh nghiệp mà ông Quang phải kiểm tra trong đợt công tác này đều thuộc loại phức tạp. Đâu dễ để xác định việc xả - xử lý nước thải từ sản xuất giấy, dệt, nhuộm, bao bì, hóa chất,… có gây nguy hại cho môi trường hay không, vậy mà trong sáu ngày, ông đã kiểm tra xong tới 7/30 doanh nghiệp thuộc loại này. Dưới gầm trời đầy dẫy chuyện ô trọc, vàng thau lẫn lộn, "đố cha thằng nào con nào" tìm được những người có năng lực tuyệt vời tới vậy.
Thiên hạ rõ ràng là… bạc !
***
Chẳng phải bây giờ mà nhiều năm gần đây, dân chúng Việt Nam thường xuyên tỏ ra bạc bẽo như thế đối với các "công bộc" của họ.
Năm 2011, ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bị kẻ gian đột nhập vào phòng làm việc, cuỗm mất 245 triệu đồng và 2.000 Mỹ kim...
Trong năm 2011, kẻ gian đột nhập tư gia của ông Trương Công Chiến, Đội trưởng Đội Thuế Trước bạ của Chi cục Thuế quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, cuỗm sổ tiết kiệm, Mỹ kim, vàng, nữ trang, trị giá hơn sáu tỉ đồng...
Năm 2012, kẻ gian đột nhập tư gia của ông Đồng Xuân Thọ, Phó Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng của tỉnh Đồng Nai, trộm một chiếc xe hơi trị giá 800 triệu đồng...
Năm 2013, kẻ gian đột nhập vào tư gia ông Đặng Xuân Thọ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, cuỗm mất 65 lượng vàng, vào thời điểm đó trị giá khoảng 2,8 tỉ đồng...
Cũng trong năm 2013, kẻ giam đột nhập tư gia của một cặp vợ chồng mà vợ là cán bộ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, chồng là cảnh sát giao thông tỉnh Nghệ An, cuỗm cả tiền lẫn vàng, trị giá khoảng hai tỉ đồng...
Năm 2014, kẻ gian đột nhập phòng làm việc của ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cuỗm 1,6 tỉ đồng…
Thế nhưng không riêng dân chúng mà ngay cả báo chí cách mạng cũng tỏ ra thiếu đồng cảm trong việc… chia sẻ hoạn nạn với các… nạn nhân. Yếu tố nổi lên hàng đầu sau những vụ trộm vừa kể luôn luôn là chuỗi thắc mắc, bình phẩm tại sao các "công bộc" nhiều tiền, lắm vàng như vậy ? Luồng dư luận có tính chủ đạo ấy khiến phòng làm việc và tư gia của các "công bộc" trở thành nơi nhiều kẻ gian thích thăm viếng. Các "công bộc" vốn đã đau vì mất của, lại phải ngậm đắng nuốt cay, khai báo có khác gì chường mặt cho "chúng" dè bỉu.
Năm 2014, khi điều tra hoạt động của một băng trộm tại Bắc Kạn, công an Bắc Kạn phát giác, hóa ra băng trộm này từng đột nhập tư gia của ông Lăng Văn Hòa (Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn) và bà Dương Thị Hạnh (cán bộ Tỉnh ủy Bắc Kạn) trộm cả tiền, Mỹ kim, vàng, nữ trang, trị giá 1,2 tỉ. Tương tự, sau khi công an Việt Nam bắt được Nguyễn Tuấn Vũ, công chúng Việt Nam mới biết, phòng làm việc của nhiều "công bộc" tại các tỉnh : Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng,… đều đã từng bị Vũ "viếng".
Năm 2015, sau khi ông Võ Kim Cự, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, bắt quả tang Nguyễn Tiến Quân đang cạy cửa phòng làm việc của mình, người ta mới biết phòng làm việc của ông Cự thời ông làm Chủ tịch tỉnh này từng bị Quân viếng mà ông Cự không kể nên người ta không rõ Quân nẫng của ông bao nhiêu. Thiên hạ chỉ biết Phó Chủ tịch huyện Can Lộc từng bị Quân đột nhập vào phòng làm việc trộm 233 triệu đồng !
Nói theo kiểu ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam khóa 13, thì rõ ràng là "văn hóa ứng xử tại Việt Nam đang có vấn đề". Tiếc là ông Kiên đã thôi đăng đàn nên không thể nhờ ông phân tích "vấn đề" về "văn hóa ứng xử" đến từ phía nào và tại sao lại thế !
***
Bây giờ thì nhiều người đang tỏ ra hồ hởi trước sự kiện ông Quang – nạn nhân vụ trộm 385 triệu đồng – bị triệu hồi về Hà Nội để giải trình. Thế là không "ôn cố", làm sao có thể "tri tân" ?
Hồi thượng tuần tháng 4 năm 2006, tiếp viên trên một phi cơ của Vietnam Airlines giao lại cho An ninh hàng không của phi trường Nội Bài một cái cặp hiệu Echolac, ở quai có gắn thẻ VIP mà hành khách để quên. Mở cặp để thực hiện các thủ tục liên quan đến hành lý vô chủ, An ninh hàng tìm thấy 11 phong bì, trong đó 2 phong bì có ghi nơi gửi là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên, 2 phong bì ghi nơi gửi là các doanh nghiệp nhà nước (Ban Quản lý Dự án thủy điện Sê San 3A thuộc Tổng Công ty Sông Đà và Công ty Tư vấn - Xây dựng đường thủy thuộc Tổng Công ty Tư vấn - Thiết kế giao thông vận tải). 7/11 phong bì còn lại không ghi nơi gửi. Tổng số tiền chứa trong 11 phong bì này lên tới 20 triệu đồng và 10.300 Mỹ kim…
Sau đó, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã làm việc với An ninh Hàng không để thu lại cặp đựng phong bì đó vì nó là của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - chức vụ tương đương Thứ trưởng. Một trong những cá nhân mà chỉ Ban Bí thư của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới có quyền định đoạt số phận.
Do tác động của dư luận, Đảng ủy Văn phòng Chính phủ đã tổ chức kiểm điểm ông Lâm vì lỗi "quên cặp sau chuyến công tác dài ngày ở miền Trung". Nơi này thông báo, nhờ trong cặp không có tài liệu mật nên lỗi của ông Lâm không đáng kể.
Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nói thêm, họ không kiểm điểm chuyện ông Lâm đã nhận phong bì do một số nơi gửi tặng bởi đó là "quà cho cả đoàn". Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận giải thích của ông Lâm về 7/11 phong bì không ghi nơi gửi : Đó là tiền do "anh em trong Nam gửi mua ‘sừng tê’ và một số thứ khác.
Để dân chúng thôi dị nghị, Văn phòng Chính phủ loan báo sẽ chuyển ông Lâm từ chỗ đặc trách chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại sang đặc trách nghiên cứu, xây dựng pháp luật. Ông Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lúc đó, loan báo, tuy Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không có ý kiến về khoản tiền ông Lâm đã nhận của một số nơi nhưng ông Lâm vẫn chứng tỏ thiện tâm bằng cách gửi số tiền ấy vào Quỹ Công đoàn của Văn phòng Chính phủ nhằm… giúp người nghèo và khuyến học.
Việc tiếp nhận – xử lý vụ ông Nguyễn Văn Lâm của Đảng, Chính phủ đã nghiêm túc, khách quan đến vậy mà dân chúng vẫn cứ bàn ra, tán vào. Tháng 7 năm 2006, ông Lâm xin từ chức. Thật là… đau lòng !
***
Việt Nam có hàng chục ngàn người nhờ nghiên cứu những đề tài kiểu như "Tắm, giặt của chiến sĩ miền núi" mà trở thành tiến sĩ nhưng lại chưa có ai nghiên cứu vấn đề đang càng ngày càng nóng : Tại sao ác cảm của dân chúng Việt Nam đối với "công bộc" càng ngày càng tăng ?
Bao giờ các nghiên cứu sinh tiến sĩ của hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chú ý tới đề tài này nhỉ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 30/09/2017
--------------------
(1) Quan chức Việt Nam đi thanh tra 'mất gần 400 triệu đồng’ (BBC, 27/09/2017)
Phó cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường bị mất 385 triệu đồng tại khách sạn trong lúc đi thanh tra tỉnh Long An.
Mất tiền - Hình minh họa
Theo truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Quang, quan chức của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên Môi trường, thông báo với chủ khách sạn là bị mất trộm.
Số tiền lớn đang gây ồn ào trong dư luận ở Việt Nam.
Một lãnh đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với báo Dân Trí rằng đã yêu cầu ông Quang báo cáo sự việc.
Trong khi đó, ông Quang nói với báo chí tại Việt Nam rằng đây chỉ là tiền ông đem theo để làm việc riêng cho gia đình chứ không phải như thông tin trên mạng là của doanh nghiệp.
Vào năm 2006, truyền thông Việt Nam từng đưa tin Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm bỏ quên tại sân bay Nội Bài một chiếc cặp số màu đen, trong đó chứa nhiều phong bì đựng tiền USD.
Trong số các phong bì có cái ghi tên một số UBND tỉnh, ban quản lý dự án.
Đến tháng Bảy năm đó, ông Nguyễn Văn Lâm từ chức và nhận "khuyết điểm" vì nhận phong bì của nhiều cơ quan.
Chưa rõ liệu giới chức sẽ điều tra nguồn gốc số tiền của ông Nguyễn Xuân Quang hay không.
Cuối cùng, Nguyễn Thị Tuyết Nhung - 21 tuổi và Ngô Thị Kiều - 16 tuổi cũng được Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phóng thích.
Công an tịch thu bong bóng nhân quyền mang đi. Hình minh họa. (Ảnh : Danlambao)
Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào tại Việt Nam cũng có các trung tâm hỗ trơ xã hội, tại một số nơi, người ta không dùng hai chữ "hỗ trợ" mà gọi là "bảo trợ". Dù "hỗ trợ" hay "bảo trợ" thì về tính chất những trung tâm này chẳng khác gì nhau - là chỗ giam giữ những người vô gia cư hoặc các cá nhân bị coi là "tệ nạn xã hội" như nghiện ma túy, mại dâm… Giá phải trả cho chỗ ở, miếng ăn mà các trung tâm "hỗ trợ" hay "bảo trợ" xã hội cung cấp là tự do tạm thời bị tước bỏ trong thời gian được "hỗ trợ" hay "bảo trợ".
Theo báo chí Việt Nam thì Nhung và Kiều bị công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ trưa 18 tháng 9 vì… không có giấy tờ tùy thân. Đến chiều cả hai bị tống vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Bất kể chủ quán cà phê xin bảo lãnh vì hai cô là người quen của họ, bất kể thân nhân của họ đã nộp cả bản gốc giấy tờ tùy thân lẫn xác nhận của chính quyền địa phương rằng họ có… hộ khẩu thường trú, cả hai vẫn phải chờ các bên liên quan "họp" xem có "thống nhất" về chuyện trả tự do hay không.
Câu chuyện hai thiếu nữ đi uống cà phê, không mang theo giấy tờ tùy thân nên bị tước đoạt tự do trong chín ngày làm dư luận dậy sóng. Công chúng gọi đó là "lạm quyền", "lộng hành", "man rợ" và giống như facebooker Đoàn Bảo Châu, nhiều người tâm sự rằng sự kiện vừa kể làm họ cảm thấy "điên hết cả người".
Không ít người như Phạm Quang Khải nhận ra nguy cơ chính họ cũng có thể bị tạm giữ rồi bị tước đoạt tự do như Nhung và Kiều : Đi du lịch một mình, khách sạn tạm giữ chứng minh nhân dân, chỗ cho mướn xe thì tạm giữ, công an mà hỏi giấy tờ tùy thân thì…
Cũng có facebooker như Ngoc Pham, hoang mang : Hình như xứ sở này đang bị ma ám nên mới xảy ra những chuyện chẳng bao giờ, chẳng có ai tin là thật !
Nguyễn Thu Trang kể trên facebook của cô rằng, hôm còn làm báo, cô từng cải trang, giả làm "gái hư" và thường xuyên bị công an bám theo, ép vào những chỗ tối tăm nhất để "kiểm tra giấy tờ" mà thực chất là buộc chi tiền. Bị dọa dẫm, sàm sỡ là chuyện xảy ra thường xuyên. Trong thời gian cải trang ấy, cô còn được một sĩ quan công an gạ gẫm – mời tham gia một tổ chức chuyên cung cấp gái mại dâm do chính sĩ quan này bảo kê. Các trung tâm hỗ trợ (bảo trợ) xã hội cũng chẳng tử tế gì hơn. Quanh đó luôn có rất nhiều người làm trung gian giữa thân nhân người đang bị cầm giữ với những cá nhân đang làm việc trong trung tâm. Ngoài chuyện phải trả tiền, nếu dễ coi, thân nhân còn phải hối lộ bằng chính thân xác của họ để người nhà được hưởng tự do.
***
Trước giờ, trụ sở nào của công an Việt Nam cũng trưng bày "Năm lời thề danh dự của công an nhân dân", "Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân", "Mười điều kỷ luật của công an nhân dân".
Lời thề thứ ba trong "Năm lời thề danh dự của công an nhân dân" là "Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân".
Điều thứ ba trong "Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân" là : "Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép".
Điều thứ năm trong "Mười điều kỷ luật của công an nhân dân" là : "Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người ; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân".
Trong câu chuyện liên quan đến Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều, có một chi tiết mà cả báo giới lẫn nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam không lưu tâm đúng mức là Nhung và Kiều bị tống vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh không đơn thuần do không có giấy tờ tùy thân. Nguyên nhân chính khiến họ bị tước đoạt tự do suốt chín ngày là vì "không hợp tác với công an".
Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch phường Tam Bình đã khẳng định cả trên văn bản lẫn khi trả lời phỏng vấn rằng, cả hai không chịu cung cấp thông tin về chỗ ở, số điện thoại liên lạc với thân nhân thành ra tống cả hai vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là "đúng qui định" và "đúng qui trình".
Không rõ khi bị đưa vào trụ sở Công an phường Tam Bình, Nhung và Kiều có đọc qua, có tin công an phường Tam Bình sẽ thực thi "Năm lời thề danh dự của công an nhân dân", "Sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân", "Mười điều kỷ luật của công an nhân dân" hay không nhưng rõ ràng hai cô không nhớ "kinh nghiệm" cần được rút ra và "bài học" cần phải thuộc lòng từ thực tế của xã hội Việt Nam, vốn ngược lại với những thứ mà công an nhân dân Việt Nam vẫn trưng bày ở khắp nơi ấy, đó là : "Đối với công an, nhân dân phải kính trọng, lễ phép".
Luật pháp hiện hành tại Việt Nam không có qui định nào buộc công dân phải "hợp tác với công an" nhưng "không hợp tác với công an" sẽ tạo ra đủ thứ rắc rối.
Tại Việt Nam, những câu chuyện có tính chất như Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Ngô Thị Kiều đâu có hiếm. Chuyện gần nhất, ít người để ý, bận tâm còn tệ hơn nhiều.
Cách nay khoảng nửa năm, tối 10 tháng 3, sau khi lao vào dập ngọn lửa vừa bùng lên, có thể sẽ thiêu rụi một vựa ve chai ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Lê Ngọc Phượng, 30 tuổi, quay về nhà thay bộ quần áo đã sũng nước. Trên đường về, Phượng lỡ miệng, nặng lời với một sĩ quan công an phường khi viên sĩ quan này hỏi : Mày đốt nhà người ta à ?...
Thay quần áo xong, Phượng quay lại hiện trường, dùng điện thoại chụp cảnh lực lượng cứu hỏa đang chữa cháy thì công an phường đột ngột xông tới, đánh Phượng gục xuống, còng tay, chở về trụ sở công an phường Ea Tam để… điều tra.
Trưa hôm sau, công an phường Ea Tam đưa biên bản về việc tạm giữ Phượng cho anh ký. Vì biên bản ghi rằng Phượng "không bị đánh đập" nên anh không ký. Công an phường Ea Tam bảo Phượng muốn được thả thì phải ký biên bản, nếu không đồng ý về chuyện "không bị đánh đập" thì có thể ghi ý kiến của anh ở cuối biên bản. Ký xong, Phượng chưa kịp viết ý kiến của mình vào cuối biên bản thì công an giựt biên bản lại.
Trung tâm Bảo trợ xã hội - Ảnh minh họa
Thay vì trả tự do cho Phượng, công an phường Ea Tam đã gọi xe chở Phượng tới… Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk. Tại đó, Phượng bị nhốt vào khu dành cho những người bị bệnh tâm thần !
Phượng bị nhốt ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk hai ngày thì gặp một nhóm từ thiện đến thăm và tặng quà cho những người đang bị cầm giữ. Anh đưa họ số điện thoại, địa chỉ nhờ họ thông báo cho gia đình. Khi gia đình Phượng liên lạc với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk, họ chưng hửng bởi hồ sơ mà Công an phường Ea Tam lập để gửi Phượng vào đó, ghi rằng Phượng "không cha, không mẹ, không nơi cư trú, sống lang thang" !
Mẹ Phượng kể thêm với tờ Pháp Luật Việt Nam là trước khi được một cặp vợ chồng tốt bụng tìm tới tận nhà báo tin Phượng đang bị cầm giữ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đắk Lắk, Công an phường Ea Tam có đến nhà, đưa cho bà một thông báo, cho biết công an bắt quả tang Phượng dùng ma túy nên cần chữ ký của bà để hoàn tất hồ sơ đưa Phượng đi cai nghiện...
Chủ vựa ve chai bị cháy tối hôm 10 tháng 3 khẳng định với tờ Pháp Luật Việt Nam là nếu không có Phượng báo cháy, giúp dập lửa, tiệm ve chai của ông đã cháy rụi. Ông đã hai lần tìm đến nhà Phượng để cảm ơn và hậu tạ nhưng Phượng không nhận. Chuyện Phượng với công an thì ông không rõ.
Theo kết quả giám định của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, Phượng bị đáng thủng màng nhĩ tai trái. Đến giờ, Phượng và gia đình vẫn đang khiếu nại.
Giống như Nhung và Kiều, Phượng gặp họa cũng chỉ vì thiếu kính trọng và lễ phép đối với công an. Đâu có ít công dân Việt Nam, khi công an nhân dân Việt Nam gọi mà không chịu "dạ", bảo mà không thèm "vâng" đã rơi vào vào tình trạng "lúc đi vào, không ai đưa tiễn, lúc trở ra có sáu người khiêng" !
Tuần trước, Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim, tương đương hơn hai triệu tỉ đồng, trong đó vay mượn ngoại quốc là 39,6 tỉ Mỹ kim, vay mượn dân chúng trong nước là hơn 54 tỉ Mỹ kim.
Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn 94 tỉ USD. Bộ Tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Tình trạng nợ nần của Việt Nam càng lúc càng trầm trọng và để có "gấu" vá "vai", hệ thống công quyền tại Việt Nam tiếp tục tìm đủ mọi cách để tăng nguồn thu từ thuế, phí song song với cắt giảm chi tiêu cho phúc lợi công cộng. Mỗi gia đình, bất kể khu vực cư trú, từng cá nhân, dẫu giàu hay nghèo giờ đều có thể cảm nhận sức nặng của nợ nần khi vật giá gia tăng, kiếm sống khó hơn, chi tiêu phải dè sẻn hơn,…
Đã có rất nhiều phân tích về nguyên nhân nợ nần gia tăng, Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành không ít nghị quyết, chỉ đạo hàng loạt giải pháp nhằm giảm bội chi, kềm giữ nợ nần nhưng thực tế cho thấy, bội chi và nợ nần của Việt Nam vẫn là một nan đề.
Liệu còn lời giải nào cho nan đề nợ nần và bội chi của Việt Nam ?
Dường như là có nhưng câu trả lời lại thuộc loại nằm ngoài "định hướng"…
***
Đầu tháng này, trong hội thảo về "Việt Nam và trật tự thế giới mới", diễn ra ở Budapest (Hungary), ông Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc, trình bày tham luận "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam".
Chuyên gia - về phân tích tương quan giữa các dữ liệu đã được thống kê với tác động của chúng tới kinh tế của một quốc gia - này đã đưa ra hàng loạt các nhận định đáng chú ý : Nợ chính phủ Việt Nam vay trực tiếp xấp xỉ 65% GDP. Nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ nần của Việt Nam trong năm 2016 khoảng 431 tỉ Mỹ kim hoặc hơn, con số đó tương đương 210% GDP (205,2 tỉ Mỹ kim). Ông Việt lưu ý thêm là nếu cộng cả nợ của khối tư nhân thì tổng nợ của kinh tế Việt Nam có thể xấp xỉ 250% GDP.
Nói cách khác, tính theo GDP, nợ nần của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới !
Nợ cao, áp lực trả nợ tất nhiên sẽ tăng. Khi không còn có thể vay mượn để chi tiêu và trả nợ, kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Theo ước tính của ông Việt, với mức độ nợ nần trên 200% GDP và lãi suất từ 9% đến 10%/năm như hiện nay, cộng với lạm phát khoảng 4% năm, GDP của Việt Nam phải tăng ít nhất 10% mới đủ để… trả lãi. Đáng nói là trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam chẳng có cách nào để đạt được mức tăng trưởng như thế.
Nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì thu liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng. Dựa trên những số liệu thống kê thu thập được từ một số nguồn khác nhau, ông Việt đã lập hàng loạt biểu, bảng để chứng minh, chi tiêu của hệ thống công quyền gia tăng không phải do gia tăng đầu tư hay trả nợ mà chỉ vì không kềm giữ được chi thường xuyên.
Năm 2009, chi thường xuyên tương đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới 65,5% tổng chi ngân sách. Ông Việt ước tính, chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tới 34% GDP. Vượt xa các quốc gia trong khu vực (Indonesia 21,7%, Singapore 14,9%…).
Bởi nguồn thu giảm trong khi chi tiêu không ngừng tăng, phải vay mượn để chi nên Việt Nam liên tục bội chi, tỉ lệ bội chi khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (3%).
Một trong những lý do khiến Việt Nam liên tục bội chi là vì phải nuôi đội ngũ công chức và viên chức càng ngày càng đông (so với năm 2013, năm 2014, số lượng công chức tăng 4,1%, số lượng viên chức tăng 9,8%). Tuy lương căn bản của công chức và viên chức tăng liên tục (giữa năm 2016 đã tăng 5,2%, đến giữa năm 2017 lại tiếp tục tăng thêm 7,4%), đồng nghĩa với việc phải tăng vay mượn để nuôi công chức và viên chức nhưng nhiều người vẫn cho rằng lương công chức và viên chức Việt Nam còn quá thấp.
Theo ông Việt, nếu dựa vào mặt bằng chung của nền kinh tế, nghĩa là tính theo GDP bình quân/người thì lương công chức và viên chức ở Việt Nam cao hơn GDP bình quân/người gần 40%, tương đương với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sự bất hợp lý trong chính sách lương bổng của công chức, viên chức nằm ở chỗ lương được tăng đại trà thành ra lương công chức cấp dưới vẫn rất thấp. Ông Việt cũng đã chỉ ra một yếu tố khác mà ông nhấn mạnh là "kỳ lạ" : Việt Nam không hề kiểm soát lương của giới lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước thành ra lương của giới này cao hơn lương của giới bổ nhiệm và kiểm soát họ. Cũng vì vậy "không thể không dẫn đến lỗi hệ thống".
Tuy nhiên đáng chú ý nhất trong phân tích "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam" là chi tiêu cho quốc phòng và an ninh.
Trong tham luận vừa kể, ông Việt đã trình bày rất cặn kẽ cách thu lượm dữ liệu, phương thức tính toán, theo đó, năm 2014, hệ thống công quyền Việt Nam đã chi cho ngành công an khoảng 6,4 tỉ Mỹ kim, chi cho quân đội khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim (bao gồm cả mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng - khoảng 1,9 triệu Mỹ kim). Nếu tính theo tổng chi ngân sách, chi cho công an chiếm 12%, chi cho quân đội chiếm 9%. Tỉ lệ chi của Việt Nam cho quân đội tính trên tổng chi ngân sách ngang với Hoa Kỳ nhưng tỉ lệ chi của Việt Nam cho công an gấp sáu lần Hoa Kỳ (chi cho cảnh sát của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách).
Ông Việt nhận định chi tiêu cho quân đội và công an nếu quá lớn "sẽ tạo ra áp lực mạnh vào các khoản chi tiêu khác cho xã hội". Theo ông Việt, sở dĩ Việt Nam phải chi một khoản khổng lồ cho công an vì ngoài hoạt động bảo vệ, gìn giữ trật tự xã hội, công an Việt Nam đang thực hiện những công việc mà các quốc gia khác xem là hoạt động dân sự (Đăng ký hộ khẩu, Chứng nhận hạnh kiểm, Cấp hộ chiếu phổ thông, Đăng ký xe máy...). Ông Việt đưa ra nhận xét tuy có thể làm vài chục triệu người vui nhưng khiến hàng triệu người buồn là lực lượng công an quá đông sẽ không chỉ làm ngân sách mất cân đối, gia tăng vay mượn để nuôi mà còn tạo tiền đề cho lạm dụng quyền lực, tham nhũng, bất mãn gia tăng, gây bất ổn cho xã hội.
***
Nếu bỏ vài giờ xem "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam", có thể thấy ông Việt đã soạn tham luận này một cách hết sức cẩn trọng, nghiêm túc, kèm nhiều dẫn chứng, nhận định xác đáng, gợi ra nhiều vấn đề, giải pháp cần ngẫm nghĩ, tất nhiên không loại trừ khả năng cần tranh luận.
Tuy nhiên như mọi tham luận cùng loại, "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam" sẽ không đến nơi cần đến. Nó nằm ngoài "định hướng" của các tiến sĩ chuyên ngành "xây dựng Đảng", "tư tưởng Hồ Chí Minh",… Nó dưới "tầm" hàng trăm tiến sĩ tốt nghiệp những đại học kiểu như Southern California University for Professional Studies.
Mỗi năm, vào mùa Hè, một số trí thức người Việt sống tản mác ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam lại tụ họp với nhau ở đâu đó để thảo luận về một chủ đề cụ thể có liên quan đến hiện trạng và tương lai Việt Nam. "Việt Nam và trật tự thế giới mới" diễn ra hồi đầu tháng này ở Budapest (Hungary) là một trong khoảng 20 cuộc hội thảo như vậy trong 20 năm vừa qua. Những "Hội thảo mùa Hè", rộng hơn là những nghiên cứu, khảo sát, khuyến nghị của nhiều chuyên gia người Việt, mang đủ thứ quốc tịch khác nhau, chỉ giống nhau ở chỗ cùng trăn trở về vận mệnh Việt Nam dù công phu, đầy tâm huyết chỉ mới đạt được một kết quả chung : Minh họa rằng chủ trương "chiêu hiền, đãi sĩ", những lời mời gọi "hiến kế, góp sức xây dựng, phát triển" chỉ mới là chiêu bài.
Đọc "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam" đi, bạn sẽ thấy… buồn !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 25/09/2017
Chuyện đường cong trong giao thông chưa hạ nhiệt.
Thiếu tá Đào Văn Út, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Phú Lâm của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa khẳng định với tờ Thanh Niên là thuộc cấp của ông chỉchặn các phương tiện giao thông qua lại ở đoạn đường cong dưới dạ cầu vượt quốc lộ 1 – hương lộ 2, tọa lạc ở quận Bình Tân để… nhắc nhở chứ chẳng phạt ai (1) !
Trang Facebook có tên gọi "Tránh chốt cảnh sát giao thông Hải Phòng".
Trung tá Vương Văn Nhựt, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cũng mới đưa ra khẳng định tương tự. Cảnh sát giao thông của đội này chặn các phương tiện giao thông qua lại ở đoạn đường cong dưới dạ cầu vượt Trạm 2, tọa lạc ở quận 9 cũng chỉ nhằm… nhắc nhở chứ chưa lập biên bản vi phạm nào (2) !
Tờ Người Lao Động vừa "nói thẳng" là Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang dùng thủ tục (đòi công văn, bằng chứng) nhằm "câu giờ", "né tránh trách nhiệm" trong chuyện để mãi lộ hoành hành. Tờ Người Lao Động nhấn mạnh đã nhiều lần gửi công văn đề nghị trả lời những chuyện cụ thể liên quan tới mãi lộnhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh (3).
***
Hồi thượng tuần tháng này, một thanh niên cư ngụ tại quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh đưa lên Internet video clip ghi lại cảnh một nhóm Cảnh sát giao thông chặn các phương tiện giao thông đang di chuyển trên khúc đường cong ở khu vực cầu vượt Trạm 2 không mở đèn báo rẽ để phạt. Đó là lỗi mà người vi phạm có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng nếu điều khiển xe hai bánh gắn máy và có thể bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng nếu điều khiển xe từ bốn bánh trở lên.
Video clip bắt đầu bằng giải thích của người thực hiện nó về lý do anh muốn ghi lại những hình ảnh anh phải chứng kiến mỗi ngày và công bố để mọi người góp ý. Theo đó, việc Cảnh sát giao thông chặn xe – xử phạt lỗi không mở đèn báo rẽ khi đang di chuyển trên khúc đường cong mà bản chất là độc đạo vừa phi lý, vừa nguy hiểm. Chưa kể bên cạnh nhóm Cảnh sát giao thông thi hành công vụ luôn có những người mặc thường phục để "can thiệp" khi có ai đó phản kháng…
Video clip kết thúc bằng cuộc rượt đuổi giữa một trong những người mặc thường phục (mà trước đó người xem thấy anh ta đứng bên cạnh Cảnh sát giao thông) với người ghi hình. Người xem nghe thấy người rượt đuổi tuyên bố rất dõng dạc : "Đ.M ! Mày rảnh quá ha ? Xóa clip đi cho tao !"...
Sau khi được đưa lên Internet, video clip đã được hàng chục ngàn người chuyền cho nhau xem. Nhiều tờ báo tường thuật lại sự kiện này và chuyển các thắc mắc của người thực hiện video clip – giờ là thắc mắc chung của công chúng - cho Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông trung tá chỉ trả lời được một thắc mắc : Nếu di chuyển trên những con đường vốn dĩ là cong thì người điều khiển phương tiện giao thông không cần phải mở đèn báo rẽ. Những thắc mắc còn lại (Cảnh sát giao thông có quyền lập chốt, chặn xe ở những nơi nguy hiểm cho người và các phương tiện giao thông như trên đường cong, cuối một con dốc… hay không ? Việc phạt người điều khiển phương tiện giao thông di chuyển tại những khúc đường cong mà công chúng và báo giới đã nêu ra vì không mở đèn báo rẽ là đúng hay sai ?) thì đến giờ, cả Trung tá Phong lẫn Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt của Công an Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa trả lời.
Không phải tự nhiên mà hàng chục ngàn người đòi câu trả lời rõ ràng. Tuy nhiên tuần trước, theo tờ Thanh Niên thì Trung tá Phong bảo đơn vị của ông chỉ có thể cung cấp câu trả lời sau khi phối hợp với Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ độ cong, độ dốc, hệ thống biển báo của từng đoạn đường cong (4).
***
Một vấn đề khác liên quan đến video clip vừa kể và công chúng đòi báo chí điều tra là tại sao luôn có một số người mặc thường phục tháp tùng những Cảnh sát giao thông thi hành công vụ để ngăn cản, thậm chí trừng trị bất kỳ ai nêu thắc mắc hay phản đối Cảnh sát giao thông chặn – phạt vô lý ?
Sau khi hình ảnh bị trưng ra trên Internet và nhiều tờ báo, người đàn ông rượt đuổi người thực hiện video clip đã liên lạc với nhiều tờ báo để phân bua. Ông ta tự giới thiệu mình là Nguyễn Văn Hào, 37 tuổi, ngụ tại quận 9, kiếm sống bằng việc chạy xe ôm. Theo ông Hào, hôm đó, ông bị một thanh niên "quẹt" trúng và ngã ra đường nên tìm Cảnh sát giao thông để trình báo, đó là lý do người ta thấy ông bên cạnh Cảnh sát giao thông. Sở dĩ ông Hào rượt theo người quay video clip vì nhận ra anh chính là kẻ "quẹt" ông "ngã"…
Tờ Người Lao Động từng cho biết, sau khi ông Hào kêu oan, một số độc giả của họ khẳng định, khi thực hiện các video clip ghi lại việc bị Cảnh sát giao thông sách nhiễu, họ cũng từng bị một số kẻ lạ mặt vu cáo va quẹt, gây áp lực buộc phải xóa video clip đã quay. Có một độc giả ngụ tại Tân Bình còn khẳng định, hồi tháng 4 vừa qua, ông Hào chính là người ép ông vào lề cho Cảnh sát giao thông phạt. Sau đó ông Hào còn đòi ông bồi thường 300.000 đồng vì va chạm, gây hư hỏng xe... (5)
Trước cơn bão chỉ trích, dè bỉu, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, bảo với báo giới rằng, gần đây, những chuyện liên quan đến Cảnh sát giao thông làm ông ta "đau lòng".
Cách nay ba năm, khi xảy ra chuyện Phạm Sỹ Hoài Như, nhiều sĩ quan cao cấp của lực lượng công an nhân dân cũng từng bảo rằng họ cảm thấy "đau lòng".
Cuối tháng 6 năm 2014, Như – Thượng úy, Tổ trưởng một tổ tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông thuộc Công an quận Tân Bình đã gọi điện thoại cho một nhóm du đãng đến ngã tư Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh, đánh ông Nguyễn Văn Chín, ngụ ở Gò Vấp, vì ông Chín phản đối việc Như và thuộc cấp tạm giữ xe của ông.
Vụ hành hung khiến ông Chín "vỡ ruột non - suy hô hấp do sặc thức ăn trong dạ dày" rồi chết. Cái chết của ông Chín được xem như hậu quả tất nhiên của thực trạng Cảnh sát giao thông dùng du đãng để trị những người "cứng đầu, cứng cổ" với mình mà công chúng và báo giới đã đề cập từ lâu nhưng lãnh đạo ngành công an nói chung và lãnh đạo công an Thành phố Hồ Chí Minh không làm gì cả.
Tuy khẳng định Phạm Sỹ Hoài Như là một "bài học đau xót cho cả ngành" nhưng năm tháng sau khi ông Chín qua đời, Như mới bị khởi tố và tạm giam. Ba tháng sau khi bị tạm giam, Như được cho tại ngọai hầu tra. 18 tháng sau khi ông Chín qua đời, Tòa mới đưa những thủ phạm làm ông mất mạng ra xử sơ thẩm với cáo buộc "cố ý gây thương tích". Như bị phạt 12 năm tù nhưng đến nay – tháng 7 năm 2017 - vẫn chưa phải thi hành án vì Tòa liên tục hoãn xử phúc thẩm…
Sau "bài học đau xót cho cả ngành" ấy, đến tận bây giờ, những người mặc thường phục như ông Hào vẫn tiếp tục "sát cánh" với Cảnh sát giao thông, "hỗ trợ" Cảnh sát giao thông "thi hành công vụ" !
***
Sự quan tâm của công chúng về cách Cảnh sát giao thông "thi hành công vụ" tại những khúc đường cong dường như không đơn thuần là độ cong của con đường mà vì mức cong của những người thực thi luật pháp. Báo giới nhấn mạnh rằng, sở dĩ công chúng bất bình vì khi bị Cảnh sát giao thông chặn lại với lỗi không mở đèn báo rẽ lúc đang di chuyển trên các khúc đường cong, nạn nhân nào cũng phải dúi tiền cho Cảnh sát giao thông để khỏi bị lập biên bản vi phạm luật giao thông. Họ không thể phản kháng vì bên cạnh Cảnh sát giao thông luôn có những người như ông Hào.
Chỉ bảo rằng "đau lòng", thừa nhận là "bài học đau xót" rồi… thôi thì có lẽ Cảnh sát giao thông vẫn thế - vẫn mang tiếng là quan tâm đến mãi lộ hơn bảo vệ, duy trì trật tự giao thông.
Khi lãnh đạo hệ thống công quyền đã nhiều lần khẳng định, sẽ xử lý những cá nhân đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực thì lần này, nhân chuyện chưa phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ độ cong, độ dốc, hệ thống biển báo, mà Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt của Công an Thành phố Hồ Chí Minh vẫn để thuộc cấp thường xuyên "chặn xe – nhắc nhở" trên những khúc đường cong, bất kể an toàn giao thông, bất chấp nhân tâm, sao không cách chức Trung tá Phong ?
Hiệu ứng của tuyên bố "đau lòng" đối với việc xây dựng "hình ảnh công an nhân dân" hết sức tự trọng, có ý thức cao về trách nhiệm trong mắt công chúng rõ ràng sẽ thua xa việc Trung tướng Phong tuyên bố "từ chức" vì "con dại, cái mang" và dù muốn hay không ông ta cũng vẫn liên đới về trách nhiệm.
Có uốn mạnh như thế may ra mới đỡ cong.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 23/09/2017
(1) http://thanhnien.vn/doi-song/csgt-phu-lam-dung-phuong-tien-nhung-chua-lap-bien-ban-duong-cong-duoi-da-cau-ql1-877728.html
(2) http://thanhnien.vn/doi-song/csgt-rach-chiec-chua-tung-lap-bien-ban-khong-xi-nhan-duong-cong-cau-vuot-tram-2-877538.html
(3) http://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-canh-sat-giao-thong-cau-gio-hay-bat-luc-20170918163725726.htm
(4) http://thanhnien.vn/doi-song/chay-xe-vao-duong-cong-khong-bat-xi-nhan-truong-phong-csgt-tphcm-noi-gi-874042.html
(5) http://nld.com.vn/ban-doc/ban-doc-muon-doi-chat-voi-nguoi-doi-danh-thanh-nien-quay-clip-csgt-20170909105339272.htm
Khả năng ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân của thành phố này tiếp tục "lập ngôn" gần như không còn.
Bí Thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Gần như công chúng Việt Nam sẽ mất cơ hội được trưởng nam của ông Nguyễn Văn Chi (cựu Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, cựu Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam) massage lỗ nhĩ qua những tuyên bố kiểu như :
- "Không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý bằng pháp luật".
- "Phòng chống tham nhũng ở Đà Nẵng tuyệt đối không có vùng cấm".
- "Trong công tác cán bộ, tư tưởng chủ đạo là phải đấu tranh không khoan nhượng với nạn ‘chạy chức, chạy quyền’, kiên quyết chống ‘thị trường ngầm và thương mại hóa công tác tổ chức cán bộ’, phải tập trung xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc".
- "Đã đến lúc xây dựng văn hóa từ chức… Cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ"...
Rất ít viên chức nằm trong nhóm mà chỉ Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam mới có quyền quyết định về sự nghiệp vừa cam kết "chịu trách nhiệm", vừa liên tục dọa… từ chức như ông Nguyễn Xuân Anh. Hồi cuối năm 2015, trước tin đồn gia đình ông Nguyễn Xuân Anh thâu tóm nhiều lô đất ven biển Đà Nẵng, ông Anh khẳng định, ông chỉ có một căn nhà ở số 43, đường Nguyễn Thái Học, thành phố Đà Nẵng. Nếu ai đó chứng minh được ông sở hữu thêm nhà, đất nào khác, ông sẽ "chịu trách nhiệm, thậm chí từ chức".
Cuối năm 2016, Thành ủy Đà Nẵng công bố một… nghị quyết được soạn riêng cho kế hoạch xây dựng đường hầm băng ngang sông Hàn - nối quận Hải Châu với quận Sơn Trà, dự trù khởi công vào năm 2018, hoàn tất vào năm 2021 và sẽ ngốn 4.700 tỉ đồng. Sở dĩ Thành ủy Đà Nẵng phải làm như thế vì có nhiều người, nhiều giới khuyến cáo không nên thực hiện kế hoạch này.
Theo nhiều chuyên gia, mật độ công trình vượt sông Hàn vốn đã rất dày. Trong phạm vi 12 cây số đã có tới 11 cầu và bên kia sông Hàn chỉ có 150.000 gia đình. Mặt khác, Đà Nẵng chỉ có 1,1 triệu dân với 60.000 xe hơi, chưa tới 800.000 xe hai bánh gắn máy, xây thêm một công trình nữa để vượt sông Hàn là quá thừa. Những chuyên gia này gợi ý, nếu chính quyền thành phố Đà Nẵng khăng khăng phải có thêm công trình vượt sông Hàn thì nên làm cầu, chi phí sẽ chỉ gần một nửa chi phí làm đường hầm… Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Anh tuyên bố, vì ông là lãnh đạo, phải để ông tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, dứt khoát không chạy theo dư luận.
***
Theo kết luận mà Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố rộng rãi hồi đầu tuần này, sau khi kiểm tra nội tình Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng thì ông Nguyễn Xuân Anh có nhiều sai phạm nghiêm trọng. Chẳng hạn "thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe hơi do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng hai căn nhà của doanh nghiệp".
Vào thời điểm Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công bố kết luận vừa kể, tờ Tuổi Trẻ công bố một bài điều tra cho biết, ngoài căn nhà ở số 43, đường Nguyễn Thái Học, thành phố Đà Nẵng, gia đình ông Anh đang sử dụng hai căn nhà khác nằm hai bên bất động sản mà ông Anh khẳng định là "duy nhất". Cả hai căn nhà từng là công sản rồi được hai doanh nghiệp xin mua lại. Căn mang số 45 do Công ty I.V.C đứng tên, căn mang số 47 do Công ty Minh Hưng Phát đứng tên.
Giám đốc Công ty I.V.C là ông Phan Văn Anh Vũ – nhân vật được xem như một "bố già" chi phối tất cả các dự án thu hồi đất, phát triển nhà và hệ thống hạ tầng ở Đà Nẵng. Năm 2013, Thanh tra Chính phủ Việt Nam từng xác định, nhờ sự tùy tiện trong định giá, giao đất, thu tiền sử dụng đất của chính quyền thành phố Đà Nẵng, với vai trò trung gian, chỉ qua một phi vụ, ông Vũ hưởng chênh lệch khoảng 500 tỉ đồng. Tất cả những sai phạm này đều xảy ra dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy, ngân sách thiệt hại khoảng 3.400 tỉ đồng nhưng ông Thanh vô sự, ông Vũ cũng vô sự. Tháng 5 năm 2017, người sử dụng Internet tại Việt Nam được xem hàng loạt hình ảnh, văn bản được dùng để minh họa cho tố giác, ông Phan Văn Anh Vũ, sử dụng danh nghĩa "thượng tá, sĩ quan tình báo của Bộ Công an Việt Nam" và sự hỗ trợ của Bộ Công an Việt Nam để thâu tóm hàng loạt bất động sản đắc địa ở cả Sài Gòn với giá rẻ mạt. Tuy hệ thống công quyền Việt Nam chưa xác nhận hay bác bỏ những tố giác đó nhưng trang web mang tên Trần Đại Quang – trước nay vẫn được xem như công cụ giao tiếp của Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet, giới thiệu bài viết của một cộng tác viên nhận định, những tố cáo liên quan tới ông Phan Văn Anh Vũ dẫu chỉ nhằm gạt bỏ "Vũ nhôm" (biệt danh của ông Vũ) đã "phá hủy luôn những kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia mà Bộ Công an đang thực hiện".
Còn Giám đốc Công ty Minh Hưng Phát được tờ Tuổi Trẻ xác định là "một phụ nữ tên Bùi Thị Diễm – trùng tên với vợ ông Nguyễn Xuân Anh".
Hồi tháng 3 năm nay, sau khi công chúng bàn tán về sự kiện ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng xe hơi mà giá trị vượt mức cho phép, ông Anh khẳng định, hệ thống công quyền không phải xuất tiền mua chiếc xe này vì đó là quà của một doanh nghiệp. Cả ông Anh lẫn chính quyền thành phố Đà Nẵng đều từ chối tiết lộ tên doanh nghiệp. Theo tờ Lao Động thì đó là Công ty Minh Hưng Phát và có nhiều dấu hiệu bất thường quanh món quà ấy : Tuy không phải công xa dùng cho hoạt động bảo vệ trật tự, an ninh nhưng xe lại được Bộ Công an cấp chứng nhận kiểm định. Trong năm năm, Công ty Minh Hưng Phát – chuyên mua bán nhà và làm dịch vụ chuyển quyền sử dụng đất - chỉ dùng ba hóa đơn mà một trong ba là tặng xe cho chính quyền thành phố Đà Nẵng. Trên thị trường, giá chiếc xe được tặng không dưới hai tỉ đồng nhưng Công ty Minh Hưng Phát định giá (kèm VAT) chỉ tròm trèm 1,3 tỉ đồng – ngang mức mà một cá nhân ở vị trí như ông Anh có quyền sử dụng.
***
Sai phạm cuối cùng được Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam xác định là nghiêm trọng : ông Nguyễn Xuân Anh khai – dùng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực.
Trong lý lịch cá nhân, ông Nguyễn Xuân Anh khai rằng từ tháng 3 năm 2001 đến tháng 9 năm 2002, ông học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại trường Southern California University for Professional Studies. Sau đó, từ tháng 3 năm 2005 đến tháng 12 năm 2006, ông tiếp tục theo học và đã lấy văn bằng tiến sĩ hệ chính quy, ngành quản trị kinh doanh tại trường này.
Tại Hoa Kỳ, văn bằng chỉ có giá trị sử dụng nếu chúng do các trường đã được kiểm định về chất lượng đào tạo (accredited) cấp phát. Bộ Giáo dục Hoa Kỳ có một trang web hỗ trợ công chúng kiểm tra xem các trường cao đẳng, đại học mà họ quan tâm có thuộc loại này hay không. Nếu vào trang web này để kiểm tra về Southern California University for Professional Studies (SCUPS), ai cũng có thể thấy rằng không có bất kỳ dữ liệu nào về SCUPS.
Sai phạm cuối cùng ấy hiện đang là một trong những chủ đề nóng nhất cả trên mạng xã hội lẫn các cơ quan truyền thông chính thống. Nóng tới mức, Nguyen Son than trên facebook : Dân mình lạ lắm ! Sự quan tâm đến chính trị cũng chẳng khác gì sự quan tâm dành cho showbiz kiểu như lộ hàng, bồ bịch và những thứ râu ria bên lề. Nguyen Son đề nghị đừng chúi mũi vào chuyện bằng Tiến sĩ. Theo facebooker này, vấn đề là ông Nguyễn Xuân Anh thăng tiến nhờ ai, có phải là nhờ bố và vây cánh ? Tại sao chuyện bổ nhiệm các "thái tử đỏ" diễn ra từ lâu mà bây giờ mới nói, mới lôi ra ? Tại sao chỉ có vài địa phương bị bêu trong khi rất nhiều chuyện tương tự chưa thấy đả động gì ? Nguyen Son bảo, các bạn cứ việc xôn xao, riêng anh thấy "chả khác gì, bố con nhà này này xuống thì bố con nhà khác lên,... còn dân lành như mình thì vẫn è cổ ra gánh đủ thứ thuế phí, vẫn sống trong môi trường đầy ô nhiễm, bất an".
Giữa biển thông tin trên hệ thống truyền thông chính thống và bình luận trên mạng xã hội về ông Nguyễn Xuân Anh, một số facebooker cùng chia sẻ một đoạn trong Chí Phèo của Nam Cao, mô tả cảnh làng Vũ Đại sau khi Chí Phèo đâm Bá Kiến chết rồi tự sát, trên các trang facebook của họ : …Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi : "Trời có mắt đấy, anh em ạ !". Người khác thì nói toạc ra : "Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc ! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu". Mừng nhất là bọn hào lý ở trong làng. Họ tuôn đến hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn Lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người : "Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn". Ai chả hiểu "người ta" đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ : "Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng". Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói : "Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu.."..
Sau khi đọc đoạn trích ấy trên facebook của Đỗ Thu Hà, Phạm Thị Thanh Hương nhận định : Thật ! Chúng mình chẳng lợi tý gì đâu ! Lê Đức Dục thì khen Nam Cao là "tiên tri số dách", cần gì Vanga với Nostradamus bên Tây.
1.415 người mến mộ ông Nguyễn Xuân Anh đã lập "Hội những người ủng hộ Bí thư Đà Nẵng" trên facebook. Không rõ đó có phải là tác động của việc hệ thống truyền thông chính thống thi nhau gom - rải những lời vàng, ý ngọc của ông Nguyễn Xuân Anh hay không ? Nhóm thực hiện "Góc nhìn Báo chí – Công dân" trên facebook vừa gửi thăm dò : Hiện có một loạt tờ báo đang "dìm hàng" Nguyễn Xuân Anh và Đinh La Thăng dù trước đó chính những tờ báo này "nâng niu" từng lời nói, hành động của cả hai "tư lệnh". Vậy thì (A) Báo chí thể hiện sự cơ hội, gió chiều nào theo chiều đó hay (B) Báo chí thể hiện sự sòng phẳng, công - tội rạch ròi. Trừ một số thành viên như Hai Trân Hoang thắc mắc : Hai thằng này có công gì ? Đa số chọn A. Tuy nhiên cuộc thăm dò vẫn chưa kết thúc.
"Người nghèo" lại được các viên chức hữu trách nhắc tới như đối tượng hàng đầu trong hoạch định và thực thi chính sách, song sự quan tâm cũng vẫn chỉ dừng lại trên chót lưỡi và đầu môi.
Những người nông dân đang lên thành phố bán sức lao động tại Hà Nội (Hình : Nguyễn Đình Hà)
***
Hồi trung tuần tháng 8, sau khi giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) dự trù sẽ thực hiện từ đầu năm 2019 (nâng tỉ lệ của các sản phẩm, dịch vụ đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT là 10%), ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thuộc Bộ Tài chính, nhấn mạnh rằng, dự tính tăng thuế VAT sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo vì 60% chi phí của nhóm này dành cho các sản phẩm, dịch vụ (thực phẩm, giáo dục, y tế) thuộc loại không bị tính VAT.
VAT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của sản phẩm, dịch vụ suốt quá trình từ sản xuất, phân phối đến sử dụng và người cuối cùng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đối tượng gánh khoản thuế này. Tăng tỉ lệ VAT đồng nghĩa với việc buộc tất cả mọi người phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm phải mua, dịch vụ phải dùng thành ra dự tính tăng tỉ lệ VAT trên đa số hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bị công chúng phản đối kịch liệt.
Có thể vì vậy nên hai tuần sau, vào hạ tuần tháng 8, bà Vũ Thị Mai, một Thứ trưởng của Bộ Tài Chính, thỏ thẻ với công chúng, xin điều chỉnh lại chút xíu rằng, kế hoạch tăng VAT có ảnh hưởng đến người nghèo nhưng mức độ không nhiều ! Dẫu bà Mai đã nói lại cho rõ nhưng công chúng vẫn không ưng và đã có rất nhiều người giải thích tại sao họ bất bình. Trong số này có ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông Anh vừa đem lý thuyết cơ bản của kinh tế học ra nhắc các viên chức Bộ Tài chính (tỉ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng của người nghèo luôn cao hơn người giàu, thành ra gánh nặng VAT mà họ phải mang sẽ có tỉ lệ cao hơn so với thu nhập của họ, tăng VAT chắc chắn sẽ làm giới có thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn) vừa dẫn một tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để chứng minh các viên chức Bộ Tài chính đã "nói lấy được". WB từng tính toán và kết luận rằng, năm 2014, mức đóng VAT của 20% gia đình thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam cao hơn mức đóng VAT của 20% gia đình thuộc nhóm nghèo nhất Việt Nam 4,5 lần. Theo ông Anh, nếu tính toán vừa kể của WB đúng thì so với 20% gia đình thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam, gánh nặng VAT/thu nhập của nhóm 20% gia đình nghèo nhất sẽ gấp hai lần.
***
Để bảo vệ dự tính tăng VAT, Bộ Tài chính dẫn các quốc gia trong cộng đồng châu Âu (EU) như bằng chứng, dù nâng tỉ lệ VAT ở Việt Nam thêm từ 1% đến 2% thì vẫn chưa thấm vào đâu so với EU, tại EU người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ phải trả VAT tới 20%.
Ông Sebastian Eckhardt, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế chi nhánh Việt Nam của WB, tán thêm là đề nghị cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính Việt Nam vừa quan trọng, vừa kịp thời để bảo đảm tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Vũ Thành Tự Anh lập tức đáp trả, các chuyên gia kinh tế quốc tế vẫn ví người nghèo như những con chim ở vị trí cuối cùng của một đàn chim, tốc độ di chuyển của một đàn chim không phụ thuộc vào những con chim khỏe nhất, dẫn đầu mà phụ thuộc vào những con chim yếu nhất ở cuối đàn. Ông Anh chứng minh nếu muốn giảm nợ nần và cân đối được ngân sách thì phải giảm những khoản chi vô bổ chứ không phải là tăng thu.
Qua báo chí Việt Nam, ông Anh hỏi ông Eckhardt rằng, đại diện của WB tại Việt Nam tập tô hồng bức tranh kinh tế Việt Nam từ lúc nào, bất kể điều đó ngược hướng với lợi ích của người nghèo - đối tượng mà WB luôn muốn hỗ trợ ? Chưa thấy ông Eckhardt phản hồi.
Nhìn một cách tổng quát, trấn an của ông Phạm Đình Thi, giải thích của bà Vũ Thị Mai, ý kiến của ông Sebastian Eckhardt, nhận định của ông Vũ Thành Tự Anh đều phát xuất từ góc độ vĩ mô và học thuật, còn đời thường thì sao ?
Hà Hùng, một công dân Đức gốc Việt, sống ở thành phố Mainz, bang Rheinland-Pfalz đã cười sằng sặc khi nghe người viết bài này đề nghị nhận định về so sánh của Bộ Tài chính Việt Nam về thuế suất VAT ở châu Âu với Việt Nam.
Hùng – người mà công việc đòi hỏi phải liên lạc thường xuyên với hệ thống công quyền của Đức bảo rằng, giống như Việt Nam, VAT ở Đức được chia thành hai mức, một mức là 7% đối với tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho cả đời sống vật chất lẫn tinh thần (như sách). Những sản phẩm, dịch vụ còn lại phải trả VAT là 19%.
Tuy nhiên khác với Việt Nam, sau khi nộp thuế, bao gồm cả VAT, dân Đức được hưởng chế độ giáo dục miễn phí hoàn toàn từ mẫu giáo cho đến hết đại học. Mọi người đều có bảo hiểm y tế. Đãi ngộ trong khám bệnh – chữa bệnh giữa người tự trả tiền bảo hiểm y tế cho mình với người nhận trợ cấp của chính phủ là giống hệt nhau.
Hùng nói thêm rằng, không giống Việt Nam, các viên chức trong hệ thống công quyền Đức rất ít đề cập đến người nghèo, công bằng xã hội,…
Tại Đức, nếu nghèo, người ta đương nhiên được hưởng trợ cấp gia cư. Luật buộc hệ thống công quyền phải bảo đảm chỗ ở của đối tượng nhận trợ cấp gia cư phải đủ diện tích qui định/người, cùng với các tiện nghi tối thiểu như bếp, TV, tủ lạnh. Những người nhận trợ cấp gia cư còn được nhận trợ cấp thực phẩm và luật buộc hệ thống công quyền phải bảo đảm họ luôn đủ ăn. Rồi trợ cấp quần áo riêng cho mùa Hè và mùa Đông để bảo đảm họ đủ mặc, đủ ấm. Nghèo chỉ là trạng thái nên hệ thống công quyền phải thỏa mãn những nhu cầu chính đáng khác của một công dân như nghỉ hè thành ra người nghèo có cả trợ cấp nghỉ hè (10 ngày/năm).
Rất khác với Việt Nam, ở Đức thu – chi nguồn tiền có được từ thuế bị buộc phải công khai. Ngoài việc được một cơ quan độc lập giám sát chặt chẽ, chuyện thu – chi nguồn tiền có được từ thuế còn bị các tổ chức dân sự theo dõi, chất vấn.
Sau cuộc trò chuyện với Hùng, người viết bài này đã thử liên lạc với một số thân hữu đang sống tại vài quốc gia khác ở châu Âu để hỏi thêm về VAT cũng như chi dụng ngân sách tại những quốc gia đó nhưng không thành công, thành ra chỉ dám suy đoán, cùng là thành viên cộng đồng châu Âu, cùng chia sẻ và vun bồi các giá trị chung, có lẽ thu thuế – chi ngân sách tại những quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu không khác Đức nhiều lắm.
So với Việt Nam, VAT ở Đức rõ ràng là gần gấp đôi. Bộ Tài Chính Việt Nam thích yếu tố đó và chỉ muốn đề cập đến yếu tố đó mà thôi. Việt Nam còn lâu mới như Đức và nhiều quốc gia khác vì tại Việt Nam, quản trị - điều hành quốc gia vẫn thế, vẫn chỉ đề cao nghĩa vụ của công dân, còn bổn phận của nhà nước đối với công dân thì không phải miễn bàn mà là không được bàn.
Đâu phải tự nhiên mà Việt Nam vẫn khăng khăng giữ cả "tuyên truyền chống nhà nước" lẫn "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân" khi ban hành bộ luật Hình sự mới.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/09/2017
Phiên xử sơ thẩm lần hai vụ Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", khiến Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng đã bước sang ngày thứ 11.
Bị cáo Hà Văn Thắm được đưa đến phiên tòa - Ảnh : TÂM LỤA
Khác với phiên xử sơ thẩm lần đầu (diễn ra từ 27 tháng 2 đến 8 tháng 3, sau đó Tòa án quyết định hoãn xử, trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều vấn đề còn tù mù), diễn biến phiên xử sơ thẩm lần hai sôi động hơn hẳn vì có rất nhiều thông tin trước nay vẫn được xem như tin đồn, giờ được thừa nhận là chính xác…
Đúng là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – "anh cả" của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng đem hàng trăm ngàn tỉ đồng gửi vào Ocean Bank để lấy lãi, có lúc, số tiền mà PVN gửi cho Ocean Bank lên tới 25.000 tỉ đồng. Ngoài việc trả lãi theo thỏa thuận trên giấy trắng, mực đen, Ocean Bank còn trả thêm cho PVN và 400 doanh nghiệp, cơ quan chủ yếu thuộc nhà nước một khoản nữa gọi là "lãi ngoài" mà mức độ chênh lệch giữa thực định với thực trả lên tới 1.500 tỉ đồng.
Khoản tiền khổng lồ ấy chưa xác định được đã vào túi của những ai còn ông Hà Văn Thắm và các thuộc cấp – vốn là những nhân viên cao cấp của Ocean Bank đang hầu tòa.
Hôm 31 tháng 8, trước Tòa, các nhân viên của Ocean Bank đồng loạt kêu oan. Bà Nguyễn Thị Nga, người từng là Kế toán trưởng của Ocean Bank, nghẹn ngào nói thay cho các cựu giám đốc khối, cựu giám đốc chi nhánh của Ocean Bank rằng họ chỉ là người thừa hành, thực hiện lệnh của thượng cấp, không tư lợi, không biết bí đạo của "lãi ngoài" nên không hề giấu diếm, che đậy và do đó, sổ sách rất rõ ràng,… thành ra các cơ quan tiến hành tố tụng buộc tội rất dễ dàng.
Bà Lê Thị Thu Thủy, cựu Phó Tổng Giám đốc Ocean Bank rồi bà Nguyễn Hoài Nam, cựu Giám đốc Khối nguồn vốn của Ocean Bank, cùng nhấn mạnh một sự thật là dẫu Ocean Bank được Ngân hàng Nhà nước và thanh tra nhiều ngành giám sát chặt chẽ nhưng suốt từ năm 2009 đến 2013, không cơ quan hay viên chức nào cảnh báo hoặc ngăn chặn. Họ ai oán, chính cung cách quản lý bất nhất của các cơ quan nhà nước đẩy họ vào tù !
Mới đây, lần đầu tiên, một cơ quan truyền thông ở Việt Nam chính thức chỉ ra những điểm bất thường trong tương quan PVN – Ocean Bank. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, lẽ ra Ocean Bank đã chết nếu không được hà hơi, tiếp sức bằng nguồn tiền khổng lồ từ PVN. Vấn đề chưa được làm rõ là tại sao cả PVN lẫn các doanh nghiệp thành viên của PVN, các liên doanh với PVN, các đơn vị trực thuộc (Viện Dầu khí, Đại học Dầu khí,…) đều cùng chọn Ocean Bank để gửi tiền ? Nếu không có chủ trương, không có chỉ đạo từ thượng tầng thì các doanh nghiệp, thành viên, các liên doanh với PVN, các đơn vị trực thuộc PVN có đồng loạt chọn Ocean Bank để gửi tiền hay không ?
Nếu lời khai của ông Hà Văn Thắm và ông Nguyễn Xuân Sơn - cựu Tổng Giám đốc Ocean Bank vào thời điểm ngân hàng này chi hàng ngàn tỉ đồng cho "lãi ngoài" – là thật thì khoản tiền khổng lồ đó đã thành "lộc" của nhiều cá nhân. Tuy nhiên do chi "lãi ngoài" là giao nhận trực tiếp giữa lãnh đạo Ocean Bank với lãnh đạo các đơn vị là "khách hàng" của Ocean Bank, không có chứng từ, không có cá nhân nào nhìn nhận thành ra chẳng phải chỉ có ông Thắm, ông Sơn mà các nhân viên cao cấp của Ocean Bank cũng lãnh đủ.
***
Kết quả kiểm toán PVN năm 2011 xác định, tổng số tiền mặt của PVN là 96.014 tỉ đồng, song tổng số nợ mà PVN vay mượn các nơi vào thời điểm đó lên tới 90.728 tỉ đồng – những khoản nợ ấy dẫu được Bộ Tài chính bảo lãnh nhưng đều phải trả lãi.
Dù ghi nhận PVN đem 800 tỉ góp cho Ocean Bank và mất trắng 800 tỉ này vì Ocean Bank phá sản (Ngân hàng Nhà nước phải tiếp quản theo phương thức "mua lại với giá 0 đồng") là "sai phạm nghiêm trọng" nhưng cả Kết luận Điều tra của Bộ Công an lẫn Cáo trạng của Viện Kiểm sát Tối cao chỉ chú trọng chuyện ông Hà Văn Thắm và ông Nguyễn Xuân Sơn "tham ô", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt" 246 tỉ đồng, rồi cùng với các nhân viên cao cấp của Ocean Bank "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", gây thiệt hại 1.500 tỉ đồng, chứ hoàn toàn không bận tâm đến chuyện ai đã nhận "lãi ngoài".
Tương tự, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không hề ngó ngàng xem việc PVN góp 800 tỉ và dòng tiền chuyển dịch giữa PVN với Ocean Bank trong giai đoạn cuối thập niên 2000, đầu thập niên 2010, được ước đoán là hàng trăm ngàn tỉ liên quan thế nào đến chuyện ông Hà Văn Thắm từ thương nhân bình thường, chuyên kinh doanh vỏ xe hơi, rồi dầu ăn trở thành một trong mười người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam suốt từ 2011 đến 2013 ? Ngoài ông Thắm ai hoặc những ai phải chịu trách nhiệm về hậu quả mà Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) tạo ra không chỉ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng mà còn tác động tới nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại ?...
Một câu hỏi khác : Bí đạo của "lãi ngoài" có phải là lý do khiến ông Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển từ vị trí Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) thuộc PVN sang Ocean Bank làm Tổng Giám đốc năm 2008, sau khi hoàn tất nhiệm vụ nhận và chuyển "lãi ngoài" cho những nhân vật bí ẩn, ông Sơn rời khỏi Ocean Bank, quay về PVN làm Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên như một phần thưởng ? Công chúng suy đoán đó là do sự sắp đặt của ông Đinh La Thăng, suy đoán ấy có thể đúng song chưa đủ vì ông Thăng không phải Thủ tướng. Chỉ Thủ tướng mới có thẩm quyền bổ nhiệm – miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN. Người bổ nhiệm ông Sơn làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN tháng 7 năm 2014 và cho ông Sơn thoái nhiệm vào tháng 7 năm 2015, hai ngày trước khi công an khởi tố ông Sơn là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Nhiều cơ quan hữu trách của cả Đảng lẫn chính quyền Việt Nam từng thi nhau nhập cuộc để xác định trách nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sau khi ông Thanh khiến Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) thua lỗ 3.200 tỉ nhưng chưa cơ quan hữu trách nào xác định trách nhiệm quy hoạch, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sơn sau những hậu quả ông Sơn gây ra cho Ocean Bank và PVN. Chẳng lẽ việc qui hoạch, bổ nhiệm ông Sơn không đáng để bận tâm ?
***
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt "tái cơ cấu" hệ thống ngân hàng. Đợt "tái cơ cấu" nào cũng có chuyện đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau.
Mỗi đợt tái cơ cấu lại tạo ra những đại gia mới và theo sau đó là hàng loạt đại án ngân hàng : Nguyễn Đức Kiên – Ngân hàng Á châu (ACB), Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Trầm Bê – Ngân hàng Phương Nam (PNB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Những đại gia này kéo theo nhiều thuộc cấp vốn chỉ thực hiện mệnh lệnh của ông chủ vào tù và chỉ có thế mà thôi. Theo thời gian, thiệt hại mà các đại án ngân hàng gây ra cho kinh tế - xã hội càng ngày càng lớn và càng ngày, các đại án càng có quan hệ mật thiết với nhau.
Sau khi mua đa số cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng chỉ vì "thấy thích, chứ chưa có kế hoạch gì" vào năm 2003, ông Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng này vào năm 2004. Nhờ chủ trương "tái cơ cấu" ngân hàng, năm 2006, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng được chuyển từ ngân hàng khu vực nông thôn thành ngân hàng khu vực đô thị rồi xin đổi tên. Ocean Bank ra đời. Năm 2007, vốn điều lệ của Ocean Bank chỉ có 1,2 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 tăng lên thành 11.424 tỉ đồng, gấp… 7.000 lần !
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng thì năm 2012, ông Thắm dọa bà Hứa Thị Phấn – người nắm giữ 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín - là sẽ bạch hóa những sai phạm của bà Phấn trong điều hành Ngân hàng Đại Tín để ép bà Phấn bán lại toàn bộ cổ phần với giá 4,5 tỉ. Có một điều mà ông Thắm không dè là nợ xấu của Ngân hàng Đại Tín quá lớn. Khi thấy bị hố, ông Thắm gạ bán Ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh và đòi khoản hoa hồng cho việc môi giới là 800 tỉ. Để ông Danh có thể làm chủ Ngân hàng Đại Tín, ông Thắm dùng tiền của Ocean Bank cho một công ty của ông Danh vay 500 tỉ. Mua được Ngân hàng Đại Tín, ông Danh xin đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). VNCB vỡ nợ gây ra khoản thiệt hại 9.500 tỉ, trong đó Ocean Bank mất 500 tỉ mà ông Thắm đã cho ông Danh vay để mua Ngân hàng Đại Tín. Xử ông Danh không thể bỏ qua ông Thắm và chẳng còn cách nào khác hơn là phải bắt ông Trầm Bê vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định…
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Thế nhưng đến tháng 6 năm nay - một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và vì các đại biểu Quốc hội được nhắc nhở rằng đó là tiền của dân nên họ lập tức thông qua "Nghị quyết về xử lý nợ xấu" (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa ai tính xem nợ xấu làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ, nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân. Bởi tạo ra nợ xấu, gây ra thiệt hại, các "đại gia" đã và sẽ phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, góp phần biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành "đại gia" tung hoành ngang dọc một thời thì sao ?
Tiếp tục xí xóa như đã từng thì không chỉ không đòi lại được những khoản bị cưỡng đoạt mà trong tương lai sẽ tiếp tục mất thêm nhiều ngàn tỉ khác.
Tuần trước, Kaiserslautern America – tờ tuần báo phục vụ cộng đồng quân nhân, nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ và gia đình của họ tại Tây Bắc nước Đức - vừa có một phóng sự ngắn về sự kiện Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không lực Mỹ đến thăm Ramstein Air Base (căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở hải ngoại).
Tướng Goldfein đề nghị được làm lại công việc ông đã từng làm cách nay hơn 40 năm - gom thực phẩm mà một người lính vừa mua, bỏ vào bọc với hy vọng sẽ được thưởng tiền tip (Hình : TSgt Sharida Jackson/US Airforce)
Theo đó, trên đường từ Trung Đông trở về Mỹ, ngoài chuyện làm việc với giới chỉ huy Ramstein Air Base, tướng Goldfein còn ghé commissary (chợ thực phẩm và tạp phẩm trong các căn cứ quân sự của Mỹ) ở Ramstein Air Base để thăm lại nơi ông từng làm bagger cách nay gần năm thập niên.
Bagger là lối dân Mỹ gọi người chuyên gom hàng hóa mà khách đã mua để cho vào bọc trước khi khách rời khỏi quầy tính tiền. Không giống như những ngôi chợ khác, bagger ở các commissary không phải nhân viên mà chỉ là những người tình nguyện trợ giúp khách hàng, thành ra họ không được trả lương, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào tiền thưởng (tip) từ khách. Đó là lý do commissary nào cũng có hàng chữ lưu ý khách : "Baggers work for tips only" (các bagger chỉ có tiền thưởng).
"Baggers work for tips only" (các bagger chỉ có tiền thưởng).
Kaiserslautern America không kể gì về cha của ông tướng bốn sao hiện là Tham mưu trưởng Không lực Mỹ mà chỉ cho biết ông ta cũng là quân nhân, từng được điều động từ Mỹ đến Kaiserslautern, phục vụ tại Ramstein Air Base hồi thập niên 1970. Trong thời gian sống cùng gia đình tại Kaiserslautern, cậu bé David L. Goldfein vừa đi học, vừa làm bagger tại Commissary của Ramstein Air Base để kiếm thêm tiền...
Tướng Goldfein tâm tình, bagger là công việc đầu tiên trong cuộc đời của ông và trong chuyến thăm lại nơi làm việc đầu tiên của mình, tướng Goldfein tỏ ra rất sung sướng khi gặp lại Charlie Searchwell – người điều hành nhóm bagger tại Commissary ở Ramstein Air Base, vốn đã từng là xếp của David L. Goldfein gần 50 năm trước.
Ông Searchwell – giờ râu tóc đã bạc trắng vẫn còn nhớ bagger David L. Goldfein. Ông Searchwell nói thêm rằng, tướng Goldfein không phải là trường hợp cá biệt, nhiều chuyên viên cao cấp, cũng như sĩ quan cấp tá khác của quân đội Mỹđã đến Commissary của Ramstein Air Base, thăm lại nơi họ từng là bagger.
***
Cũng tuần trước, Thanh Niên – một nhật báo tại Việt Nam - đăng "Cử nhân chạy xe ôm". "Cử nhân chạy xe ôm" vốn là đề tài cũ nhưng vẫn được dành cho một khoảnh trên tờ Thanh Niên có thể chỉ vì nó giới thiệu thêm nhiều bi kịch cá nhân mới.
Cử nhân chạy xe ôm - Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, con số tốt nghiệp cao đẳng, đại học, thậm chí cao học nhưng thất nghiệp càng ngày càng nhiều. Hồi hạ tuần tháng ba vừa qua, Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam công bố thống kê về tình trạng thất nghiệp trong quý 4 năm 2016. Theo đó, vấn nạn thất nghiệp của nhóm có học vấn cao càng ngày càng trầm trọng. So với quý 3 năm 2016, trong quý 4 năm 2016, có thêm hàng chục ngàn người trong nhóm học vấn cao thất nghiệp, tỉ lệ thấp nghiệp của của nhóm có học vấn cao chiếm tới 42,5% tổng số người thất nghiệp (1,11 triệu người). Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 218.800 người có học vấn cao thất nghiệp song đó chưa phải là con số cuối cùng. Người ta dự đoán, năm nay, sẽ có thêm chừng 200.000 người thuộc nhóm học vấn cao thất nghiệp.
Vài năm gần đây, tình trạng có học vấn cao nhưng thất nghiệp được các "chuyên gia" và hệ thống truyền thông Việt Nam giải thích là do… cha mẹ đương sự và chính đương sự lệch lạc về mặt nhận thức, sính bằng cấp, chỉ thích làm "thầy" chứ không không muốn làm "thợ" và do… hệ thống, chương trình đào tạo lạc hậu, không bắt kịp chuyển động của thị trường lao động. Một số "chuyên gia" và cơ quan truyền thông còn lên án những cá nhân thuộc nhóm có học vấn cao đang thất nghiệp là thiếu cố gắng tự đào tạo, tự thích nghi…
Trong bối cảnh học vấn càng cao, càng dễ thất nghiệp, trên hệ thống truyền thông Việt Nam, những tấm gương hiếu học, những câu chuyện về sự hy sinh cho con cái có thể đeo đuổi con đường học vấn càng ngày càng ít. Điều này tuy bất thường nhưng dễ hiểu. Khi nỗ lực học hành không còn là lối thoát để thay đổi số phận, chẳng phải hàng trăm ngàn cá nhân mà còn có thêm hàng trăm ngàn gia đình tuyệt vọng.
***
Tháng 4 năm 2013, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ngụ tại xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau treo cổ, tự kết liễu sinh mạng của mình. Lý do khiến người phụ nữ này hành động như vậy là vì bà bị bệnh nan y, còn Đinh Công Bằng - đứa con trai lớn đang theo học Cao đẳng Dầu khí tại thành phố Vũng Tàu có thể phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Trong thư tuyệt mệnh, bà Nhân bày tỏ hi vọng sau cái chết của bà, tổng thu nhập/tháng của cả gia đình sẽ giảm, nhờ vậy sẽ hội đủ tiêu chuẩn của một "gia đình nghèo", ba đứa con của bà sẽ được giảm hoặc miễn học phí. Bà Nhân xin các con đừng trách mẹ mà phải gắng học, vươn lên…
Ông Đinh Hoài Bảo thắp nhang trước bàn thờ vợ, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 48 tuổi - Ảnh : Tấn Đức
Tháng 8 năm 2013, nhiều tờ báo ở Việt Nam cùng kể về ông Nguyễn Hữu Định – một nông dân nghèo, bỏ quê tìm về Hà Nội để bốc vác, khi kiệt sức thì chuyển qua sửa xe để có tiền nuôi bốn đứa con ăn học. Mười năm mưu sinh tại Hà Nội là mười năm ông Định trú trong một ống cống bằng bê tông, đường kính 1,2 mét. Trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học năm 2013 tại Việt Nam, hai đứa con trai song sinh của ông Định trở thành thủ khoa, một của Đại học Y Hà Nội, một của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đó, cô con gái lớn của ông Định đã giành được một chỗ trong Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn Hà Nội, cô con gái thứ hai thì giành được một chỗ trong Cao đẳng Giao thông vận tải…
Sự học của ba đứa con bà Ngân, bốn đứa con ông Định đâu chỉ có mồ hôi, nước mắt mà còn nhuốm cả máu của những bậc sinh thành. Hàng chục triệu người Việt thuộc nhiều thế hệ đã đi hết con đường học vấn trải bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu như vậy. Cha mẹ càng nghèo, việc học hành của con cái càng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt.
Thời nào và ở đâu người ta cũng tin học vấn và cố gắng vươn lên không ngưng nghỉ là con đường tốt nhất giúp cá nhân thoát khỏi đói nghèo, thành đạt. Đó cũng là lý do giúp David L. Goldfein, vào đời ở vị trị một bagger, sau gần 50 năm trở thành Tham mưu trưởng Không lực Mỹ. Ông tướng bốn sao này chỉ là một trong vô số ví dụ để chứng minh cho chuyện nỗ lực càng cao thành quả gặt hái được càng lớn, bất kể bạn là ai, cha mẹ bạn ra sao.
***
Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, sinh lực, hy vọng của bao nhiêu gia đình đã bị phung phí khi hàng trăm ngàn cá nhân có học vấn cao thất nghiệp ? Chẳng có ai thèm thống kê nhưng con số đó chắc chắn rất lớn.
Thất nghiệp là hệ quả có tính tất nhiên của suy thoái, sản xuất - kinh doanh lụn bại. Suy thoái là con đẻ của chính sách, phương thức điều hành – quản lý kinh tế, xã hội.
Làm sao Việt Nam có thể thoát khỏi suy thoái khi hệ thống không có chỗ cho nhân tài, việc lựa chọn viên chức các cấp phụ thuộc vào "quy hoạch", "qui trình" mà xét về bản chất chỉ nhằm hỗ trợ cha con, dâu rể, vợ chồng, anh em, thân bằng quyến thuộc chia nhau các vị trí lãnh đạo một xã, một huyện, một tỉnh, một ngành, thậm chí cất nhắc hàng loạt thuộc hạ vốn là tài xế, bổ nhiệm làm Phó Văn phòng như đã từng xảy ra ở các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa năm 2014 ?
Hồi tháng 5 vừa qua, trong một báo cáo gửi Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam thừa nhận có 58 trường hợp bổ nhiệm thân nhân làm lãnh đạo tại chín tỉnh, thành phố là : Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ. Báo cáo có hai điểm đáng lưu ý, một là 58 trường hợp đó đều do dân chúng tố giác rồi được báo giới nêu lên như một vấn nạn chứ không phải do hệ thống công quyền phát giác. Hai là dù thừa nhận thực trạng vừa kể làm "dư luận bức xúc" nhưng chính phủ Việt Nam không giải quyết được bất kỳ trường hợp nào. Vào thời điểm đó, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực của chính phủ Việt Nam chỉ hứa "sẽ hoàn thiện" và "thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu".
***
Chuyện các chuyên gia và hệ thống truyền thông Việt Nam thi nhau chỉ trích cả những cá nhân có học vấn cao bị thất nghiệp lẫn cha mẹ của họ là cùng bị lệch lạc về mặt nhận thức rõ ràng bất cận nhân tình. Thế nhưng ngẫm kỹ thì lối ngụy biện thiển cận và tàn nhẫn ấy dường như hữu lý. Khi hết thế hệ này đến thế hệ khác chỉ biết "cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó", xem "qui hoạch", "qui trình" tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức như một thứ "mặc định" thì làm sao mà khác được.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/09/2017
Trẻ con đã quay lại trường, một niên khóa mới vừa bắt đầu. Một facebooker tên là Ngọc Vinh vừa kể trên trang facebook của mình rằng đứa con trai – học sinh một trường cấp hai thuộc loại nổi tiếng tại Sài Gòn - không được dự lễ khai giảng. Facebooker này phỏng đoán, có thể vì sân trường quá nhỏ, chứa không nổi 3.000 đứa học trò cùng với đủ loại khách phải mời, thành ra Ban Giám hiệu buộc phải ra lệnh, chỉ có cán bộ các lớp mới được dự lễ khai giảng.
Vụ sàn tầng một của trường cấp hai và ba Đống Đa, tọa lạc tại phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chiều 26 tháng 8 coi như đã được giải quyết xong (?). Các em học sinh đã được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng (danviet.vn)
Vinh tâm sự, ông thấy thương cho thằng con mình và bạn bè của nó khi chúng không được hưởng không khí náo nức mà thế hệ của ông từng được hưởng trong ngày khai trường vì đó là ngày đầu tiên gặp lại bạn bè, thầy cô sau ba tháng hè.
Theo lời Vinh thì dù không được dự lễ khai giảng nhưng con của ông và bạn bè của nó chẳng buồn chút nào bởi thật ra, chúng đã phải đến trường, đã gặp lại nhau từ 11 tháng 8, trước lễ khai giảng hơn ba tuần. Cũng vì vậy, Vinh băn khoăn, không hiểu những lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt trên toàn quốc vào ngày 5 tháng 9 hàng năm để làm gì và dành cho ai ?
Không ít người cám ơn Vinh vì facebooker này đã nói thay điều họ nghĩ, một số người khác cung cấp thêm tên của những ngôi trường ở Sài Gòn mà trẻ con không được dự lễ khai giảng vì lý do tương tự…
***
Cũng nhân mùa khai trường, Michael Le – một facebooker sống tại Mỹ ôn lại chuyện cách nay mười năm, lúc cha con ông mới tới Mỹ định cư. Theo lời Michael thì lúc đó vì còn "chân ướt, chân ráo", lạ lẫm với đủ thứ trên "đất khách, quê người" nên cha con ông thường xuyên vừa cuốc bộ, vừa dùng xe bus và đi lạc. Mỗi khi phải cùng đứa con gái chín tuổi băng qua những xóm vắng, xóm nghèo, mà chỉ nhìn vẻ bề ngoài đã đủ thấy ngại, Michael lại nhủ với lòng là nếu có ai đụng tới con gái mình, ông sẽ "thí mạng cùi" để bảo vệ bé.
Sống thêm một thời gian nữa ở Mỹ Michael mới ngộ ra, chẳng những không cần thủ thế - sẵn sàng liều chết để bảo vệ con mình mà kiếm một đứa trẻ, đồng hành với nó là cách tốt nhất, giúp mình tránh được cả phiền toái lẫn nguy hiểm khi cần phải băng qua các khu vực phức tạp. Dẫu "coi Trời bằng vung" nhưng du đãng ở Mỹ không bao giờ, chính xác là không dám đụng tới trẻ con. Cảnh sát Mỹ không bao giờ chậm trễ và sẽ làm tới nơi, tới chốn nếu có một đứa trẻ gặp nguy hiểm hay bị quấy nhiễu.
***
Vụ sàn tầng một của trường cấp hai và ba Đống Đa, tọa lạc tại phường 7, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chiều 26 tháng 8 coi như đã được giải quyết xong. Mười đứa trẻ lớp 6 rơi từ tầng một xuống tầng trệt, ba trong số này bị trọng thương là chuyện nhỏ. Chuyện bảy năm qua, Ban Giám hiệu trường cấp hai và ba Đống Đa cảnh báo, vật nài xin sửa chữa ngôi trường đã 60 tuổi nhưng không có bất kỳ viên chức hữu trách nào thèm đoái hoài, cuối cùng dẫn tới tai nạn như đã kể cũng là chuyện nhỏ.
Trách nhiệm cá nhân đối với những chuyện nhỏ như thế đã được ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng phủi sạch. Báo chí Việt Nam đồng loạt loan báo, ngay sau khi tai nạn xảy ra, ông Việt đã đến bệnh viện thăm lũ trẻ đang được cấp cứu tại đó, chỉ đạo hỗ trợ cho gia đình mỗi đứa trẻ năm triệu đồng, "chỉ đạo bệnh viện huy động y, bác sĩ tập trung cứu chữa".
Cũng theo báo chí Việt Nam, ngay sau khi mười đứa trẻ thọ nạn, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng đã lập tức "đến hiện trường để ghi nhận thực tế", "cử cán bộ đến bệnh viện để động viên, thăm hỏi gia đình và các em gặp nạn", hứa "sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra lại tất cả các phòng học tại trường Đống Đa, sau đó sẽ tiến hành sửa chữa các phòng học xuống cấp", hứa sẽ phối hợp với các cơ quan hữu trách "kiểm tra lại một số trường lâu năm trên địa bàn tỉnh để có hướng chỉ đạo, xử lý".
Tương tự, chính quyền thành phố Đà Lạt đã yêu cầu các trường trong thành phố này "khẩn trương kiểm tra tình trạng cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, giảng dạy và hoạt động hành chính tại trường, nếu có dấu hiệu xuống cấp, không bảo đảm an toàn thì tuyệt đối không được bố trí giảng dạy hoặc phục vụ bán trú".
Thế là xong !
Thực tế cho thấy, nếu chẳng may cả mười học sinh lớp sáu của trường cấp hai và ba Đống Đa cùng thiệt mạng vào chiều 26 tháng 8 thì ngoài chuyện hỗ trợ nhiều hơn để mai táng, hệ thống công quyền cũng chỉ chuyển động đến mức đó rồi thôi !
Trong số hàng chục ngàn cơ quan truyền thông, bao gồm đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử tại Việt Nam dường như chỉ có tờ Lao Động thắc mắc về trách nhiệm cá nhân của các viên chức hữu trách ở Lâm Đồng. Chỉ có tờ Lao Động so sánh chuyện bảy năm qua, chính quyền tỉnh Lâm Đồng không chi đồng nào để sửa chữa trường cấp hai và ba Đống Đa nhưng sẵn sàng bỏ ra 1.014 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng. Theo tờ báo này thì lúc đầu, chi phí dự trù cho việc xây dựng Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng chỉ có… 504 tỉ nhưng vì qui mô của nó quá lớn nên cả chính quyền tỉnh Lâm Đồng lẫn chính phủ Việt Nam đã đồng ý điều chỉnh chi phí đầu tư thành 1.014 tỉ đồng
Theo tờ Lao Động thì nhân dân và phụ huynh không thể giải thích được, tại sao bên cạnh những trung tâm hành chính ngàn tỷ lại là những ngôi trường chờ đổ hoặc xiêu vẹo, rách nát ? Đã đành xây dựng phải theo kế hoạch song chẳng lẽ kế hoạch cho trung tâm hành chính cả ngàn tỷ thì có còn một ngôi trường sắp đổ thì không ?... Dẫu chính đáng nhưng tại Việt Nam, với một hệ thống công quyền và các viên chức như vẫn thấy, những thắc mắc ấy rõ ràng là… "lạc điệu" nên chính tờ báo này tự dự đoán : "Sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm. Dứt khoát là vậy !".
Chẳng riêng Lâm Đồng, tỉnh và thành phố nào ở Việt Nam cũng vậy.
Hồi trung tuần tháng 7, báo chí Việt Nam đồng loạt loan tin, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã bỏ phiếu thông qua Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Đồng Hới do chính quyền tỉnh Quảng Bình đệ trình. Theo đó, chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ giao cho một công ty có tên là Sơn Hải 36 héc ta đất ở thành phố Đồng Hới và công ty này sẽ bỏ ra 128 tỉ đồng để thực hiện Dự án xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh.
Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư tỉnh Quảng Bình, khẳng định, quần thể tượng đài Hồ Chí Minh là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong toàn tỉnh.
Tuy không có bằng chứng nào cho thấy quần thể tượng đài Hồ Chí Minh thật sự là nguyện vọng của hơn 800.000 dân Quảng Bình nhưng giả dụ họ thật sự mong đợi một công trình như vậy thì lẽ nào Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình không biết cân phân thiệt – hơn giữa quần thể tượng đài với chuyện khoảng 6.000 đứa trẻ chưa có chỗ học hành tử tế, phải học lớp ghép (ghép hai, thậm chí ba lớp ở các bậc khác nhau vào một phòng học), học nhờ, học tạm trong những nơi không thể gọi là trường ?
Lẽ nào Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Bình không biết lượng định tác động thực – hư giữa quần thể tượng đài với 3.000 giáo viên đang cần nơi trú ngụ đểcó thể yên tâm trong việc dạy dỗ đám trẻ con vùng sâu, vùng xa ?
Từ lúc nào bày tỏ lòng biết ơn lãnh tụ trở thành đương nhiên được miễn trừ liêm sỉ - không có tiền, đem đất đổi "quần thể tượng đài Hồ Chí Minh" rồi ngửa tay xin thiên hạ đủ thứtừ trường mẫu giáo, tiểu học tới xe cấp cứu, các thiết bị y tế phổ dụng khác ?
***
Phàm đã từng sống tại Việt Nam thì ai cũng đã từng nghe, từng thấy khẩu hiệu "Tất cả vì tương lai con em chúng ta". Thế nhưng đang có nhầm lẫn lớn về đại từ "chúng ta". "Chúng ta" không phải là tất cả mọi người. "Chúng ta" chỉ là thiểu số rất nhỏ trong khối hàng trăm triệu người đang sống tại Việt Nam.
Con em "chúng ta" sẽ không bao giờ phải đu dây qua suối, không phải lội sông đến trường, không phải gửi thân học ở những chỗ không đáng gọi là học đường. Nếu chưa thể đi du học, chỗ của con em "chúng ta" sẽ là những ngôi trường đầy đủ tiện nghi hiện đại, giáo viên giỏi nhất. Con em "chúng ta" cũng đã được qui hoạch để đảm nhận những vị trí giúp chúng có thể tiếp tục duy trì các đặc quyền, đặc lợi của gia tộc "chúng ta".
Không hội đủ những định đề đó thì đừng huyễn hoặc, tự xếp mình vào nhóm "chúng ta". Phải ý thức đó chỉ là "chúng mày". "Tất cả vì tương lai con em chúng ta" rõ ràng là rất thật. Nếu không thuộc nhóm "chúng ta" thì mặc xác chúng mày và tất nhiên, mặc xác con em chúng mày.
Trân Văn
Nguồn : Thiên Hạ Luận, VOA, 07/06/2017
Trạm Thu phí Cai Lậy chưa hoạt động trở lại, báo chí Việt Nam đang tiếp tục lôi ra ánh sáng một số công trình giao thông đang vận hành theo phương thức BOT có nhiều dấu hiệu đáng ngờ nhưng chẳng có gì bảo đảm việc phát triển hạ tầng giao thông bằng phương thức BOT sẽ kết thúc có hậu…
Trạm thu phí Cai Lậy trên báo trong nước.
***
Cuối tuần vừa qua, tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đem dự án BOT quốc lộ 91B ra mổ.
Theo Wikipedia thì quốc lộ 91B dài khoảng 17 cây số, nối cảng Cái Cui, tọa lạc ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ với quốc lộ 91, đoạn chạy ngang quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.
Tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh kể rằng, dự án quốc lộ 91B được duyệt từ 1995 nhưng đến năm 2010 mới hoàn tất. Chi phí xây dựng quốc lộ 91B là 455 tỉ, kiếm được từ việc bán trái phiếu chính phủ.
Đúng… một tuần sau khi thông xe thì quốc lộ 91B bắt đầu… hư (mặt đường xuất hiện nhiều vết nứt dài, tróc nhựa, hình thành các ổ gà rồi các ổ gà trở thành ổ voi) ! Tất nhiên chủ đầu tư lúc đó là Ban Quản lý Dự án Đầu tư - Xây dựng thành phố Cần Thơ phải bắt đầu… sửa.
Chuyện này kéo dài cho tới năm 2014 thì Bộ Giao thông vận tải quyết định giao quốc lộ 91B cho Công ty Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, doanh nghiệp đã đầu tư và đang khai thác quốc lộ 91 (dài 142 cây số, từ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ tới cửa khẩu Tịnh Biên, thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Công ty Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đã gia cố lại nền, trải nhựa, thay khe co giãn của một số cây cầu trên quốc lộ 91B rồi thu phí.
Cần lưu ý là chi phí thực hiện quốc lộ 91B chỉ có 455 tỉ nhưng chi phí sửa chữa quốc lộ 91B ở mức như đã kể được khai và được duyệt tới 614 tỉ (?). Nhìn một cách tổng quát thì 455 tỉ vay của dân thông qua phát hành trái phiếu trở thành giấy lộn, quốc lộ 91B từ công lộ trở thành tài sản do Công ty Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đầu tư và đang khai thác hợp pháp !
***
Chẳng riêng dân chúng mà các cơ quan hữu trách nhưKiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đều đã chính thức xác nhận, các dự án BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông có nhiều điểm bất ổn. Về lý thuyết, BOT được xem như giải pháp tốt nhất trong bối cảnh công quỹ eo hẹp nên phải khai thác các nguồn lực khác để phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Song trên thực tế, các dự án BOT trở thành phương thức mãi lộ hợp pháp. Thay vì phải tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư hội đủ các yêu cầu cả về năng lực tài chính, lẫn năng lực kỹ thuật thì hệ thống công qỦyền Việt Nam lại chỉ định một số doanh nghiệp thiếu cả tiền lẫn kinh nghiệm, khả năng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông làm chủ đầu tư. Thay vì phải tạo ra thêm những công trình giao thông mới, chủ đầu tư của phần lớn dự án BOT chỉ sửa chữa, cải tạo các công lộ rồi bắt dân chúng trả tiền. Thay vì phải thẩm định kỹ chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện giao thông để xác định chính xác mức phí, thời gian được phép thu phí, thời điểm phải chuyển giao thì hệ thống công quyền Việt Nam để cho nhà đầu tư tự tính và tính thế nào cũng được chấp thuận.
Giữa cơn bão dư luận về các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông, ông Đặng Huy Đông, một trong các Thứ trưởng của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thú nhận, "các dự án BOT chẳng theo theo quy định nào" và "luôn chứa đựng rủi ro rất lớn về tham nhũng".
Ông Đông chỉ nói tới đó, các facebooker và báo giới chứng minh thêm rằng, tham nhũng trong các dự án BOT thuộc lĩnh vực giao thông là tham nhũng từ thượng tầng.
Trong Kết luận thanh tra về bảy dự án BOT liên quan tới hạ tầng giao thông mà Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố hồi trung tuần tháng 8, cơ quan này dẫn dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ như ví dụ minh họa cho bản chất hàng trăm dự án BOT thuộc lĩnh vực giao thông ở Việt Nam.
Pháp Vân – Cầu Giẽ vốn là công lộ, chỉ phải "trải lại nhựa, kẻ vạch phân tuyến, làm lại hàng rào, đặt biển báo" nhưng nhà đầu tư cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn được phép thu phí ngang với đọan cao tốc được làm mới. Nhờ vậy, mỗi ngày, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được khoảng hai tỉ đồng.
Tại sao lại vô lý như vậy ? Trương Huy San giải thích trên trang facebook của ông : Đó là để cứu bà Đỗ Thị Huyền Tâm, vợ sau của ông Nông Đức Mạnh, cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 2012, bà Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Tâm, gật đầu làm vợ ông Nông Đức Mạnh khi đã "cảm thấy hơi lạnh của còng" vì dùng các thủ đoạn gian dối để vay và không có khả năng thanh toán hàng ngàn tỉ đồng. Nhờ hai dự án BOT (cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hạ Long – Vân Đồn), bà Tâm rũ bùn đứng dậy sáng lòa ! Trương Huy San nhận định, nguồn tiền giúp bà Tâm đứng dậy sáng lòa là "tiền của dân, tiền của chúng ta".
Nhân dịp Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố Kết luận thanh tra về bảy dự án BOT liên quan tới hạ tầng giao thông, tờ Thanh Niên mới kể ra rằng, một doanh nhân từng tâm sự với phóng viên của tờ báo này là từ năm 2013, ông ta hết hứng thú với các dự án BOT trong lĩnh vực cầu đường vì bị "vỗ vai", buộc phải nhường dự án đã hoàn thành tất cả các thủ tục cho một doanh nghiệp "sắp chết" chỉ vì chủ doanh nghiệp đó là người nhà của một cựu lãnh đạo cao cấp.
Cũng nhân dịp Thanh tra Chính phủ Việt Nam công bố kết luận vừa kể, tờ Lao Động huỵch toẹt, chủ dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát. Người nắm giữ đa số cổ phần của Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát là ông Đỗ Ngọc Minh (anh ruột bà Đỗ Thị Huyền Tâm). Lao Động dẫn hàng loạt dấu hiệu cho thấy Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát được thành lập chỉ nhằm tiếp nhận dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Tiền thực hiện dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ chủ yếu là tiền vay ngân hàng và Công ty Đầu tư và Phát triển Xây dựng Minh Phát đã đem quyền thu phí từ dự án BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ làm vật thế chấp.
***
Trong mười năm vừa qua, trạm thu phí của các dự án BOT trong lĩnh vực cầu đường mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam, rất nhiều người không nhận ra rằng, phí vận tải tăng làm vật giá tăng vọt và dù không lái xe, không kinh doanh vận tải, họ vẫn là nạn nhân. Tuy nhiên tác hại từ sự lũng đoạn của các nhóm khai thác hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông để trục lợi không chỉ ngừng ở mức đó.
Theo một báo cáo mà chính phủ Việt Nam vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tính đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đang nợ hệ thống ngân hàng khoảng 84.000 tỉ đồng. Đáng chú ý là hệ thống ngân hàng đã dùng những khoản tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn của dân chúng để cho chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vay dài hạn. Cũng vì vậy, nếu chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông gặp khó khăn trong việc thu phí, hệ thống ngân hàng sẽ nghiêng ngả. Dù muốn hay không, chẳng riêng dân đen mà hệ thống ngân hàng và rộng hơn là chính phủ Việt Nam đều trở thành con tin của các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông !
Suốt hai thập niên 1990 và 2000, dân chúng Việt Nam còng lưng gánh các khoản nợ do vô số dự án đầu tư hạ tầng vừa lãng phí, vừa kém chất lượng vì nhà thầu phải chung chi từ 30% đến 40% giá trị dự án. Sang thập niên 2010, hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông được xem như cứu cánh, vừa có thể hạn chế tham nhũng, vừa giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách. Thực tế cho thấy, hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông chỉ là một chiêu thức khác mà mục tiêu vẫn là hầu bao và bao tử của hàng trăm triệu người.
Trân Văn
Nguồn : Thiên Hạ Luận, VOA, 29/08/2017