Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam vừa chính thức bày tỏ mong muốn gạt chuyện xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối sang một bên. Các đề nghị giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, thậm chí hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính) cũng đã được gom hết lại cho gọn để chuẩn bị bỏ vào… thùng rác thêm một lần nữa (1).
Nói cách khác, sau khi thảo luận sôi nổi – tuyên truyền rộng rãi suốt ba năm, đến nay, dự luật sửa Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành vẫn bảo đảm, duy trì sự an toàn cho những viên chức giàu có tới mức "nứt khố, đổ vách" và ai cũng biết là tại sao, từ đâu.
Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đang cố gắng chứng minh quyết tâm phòng – chống tham nhũng thông qua việc áp dụng hàng loạt biện pháp hành chính, kể cả xử lý bằng biện pháp hình sự một số viên chức cao cấp thuộc đủ mọi ngành.
***
Cho dù Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về tham nhũng, bất kể tham nhũng đã được xác định là "quốc nạn" nhưng công cuộc phòng – chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ mới đạt được những thành tựu trên… môi, miệng các viên chức lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.
Kết quả các cuộc khảo sát thường niên về quan điểm và trải nghiệm của dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) thực hiện tại Việt Nam từ đầu thập niên 2010 đến nay, luôn luôn cho thấy, đa số dân chúng tin rằng, tham nhũng tại Việt Nam chỉ tăng chứ không giảm.
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua "Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam", một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đã đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường : Nếu phát giác viên chức nào đó có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và viên chức ấy không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản thì nên xem viên chức ấy phạm tội "làm giàu bất chính" để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên đề nghị vừa kể chỉ dẫn tới những tranh cãi mà báo chí Việt Nam lúc đó tường thuật là "nảy lửa".
Dẫu phía đề nghị đưa tội "làm giàu bất chính" vào Luật Hình sự Việt Nam viện dẫn cả Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (Điều 20 - Hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính), lẫn cách thức xử lý hành vi "làm giàu bất chính" của một số quốc gia, đệ đạt chọn một trong ba cách nhằm gia tăng tính hiệu của công cuộc phòng chống tham nhũng :
1. Đưa tội "làm giàu bất chính" vào Luật Hình sự Việt Nam theo đó, "bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, của vợ/chồng hoặc con chưa thành niên của họ thì có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu họ không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất chính và bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ". Hình phạt có thể tăng nặng theo giá trị tài sản tăng thêm, hoặc phát giác được nguồn gốc phần tài sản tăng thêm có liên quan đến hành vi phạm tội khác.
2. Đưa tội "làm giàu bất chính" vào Luật Hình sự Việt Nam và xác định tội "làm giàu bất chính" qua việc vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. Việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
3. Nếu không đưa tội "làm giàu bất chính" vào Luật Hình sự Việt Nam mà chỉ xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu chọn cách này thì khi sửa Luật Phòng - Chống tham nhũng phải đưa thêm vào luật này một số quy định. Chẳng hạn, nếu người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của tòa án… (2).
Còn phía phản đối chỉ bác bỏ với những luận cứ hết sức chung chung (Việt Nam chưa hội đủ những tiền đề cần thiết để ứng dụng kinh nghiệm xử lý hành vi "làm giàu bất chính". Hiến pháp qui định phải tôn trọng nguyên tắc "suy đoán vô tội" nên không thể tùy tiện áp dụng "suy đoán có tội"…) nhưng cuối cùng, phía phản đối vẫn thắng thế.
Năm 2015, khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa hai năm trước đó, Quốc hội Việt Nam vẫn không… ưng xem hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm.
***
Khi hành vi "làm giàu bất chính" không chen được vào Luật Hình sự Việt Nam thì "xử lý tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc" có nguy cơ rớt khỏi Dự luật Phòng – Chống tham nhũng chẳng có gì là lạ.
Giống như phía phản đối "hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính", mới đây, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam cũng viện dẫn Hiến pháp (quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân), đặc điểm – điều kiện xã hội cho nên "không thể mặc nhiên coi tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu theo hướng suy đoán có tội" và "cũng không thể tiến hành xác lập quyền sở hữu nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vì không phù hợp với quy định của Luật Dân sự".
Nếu dân chúng Việt Nam đã ngán, không còn có thể bật cười khi nghe các "công bộc" của mình giải trình, khối tài sản khổng lồ mà họ đang thủ đắc là nhờ "thừa kế", "làm vườn đến thối móng tay", "chạy xe ôm", "bện chổi đót",… thì cứ thoải mái nhún vai, lắc đầu, thậm chí có thể chửi vung thiên địa rồi… thôi vì giống như trước nay, hệ thống công quyền sẽ không thể giải quyết hiện tượng viên chức giàu có bất thường do… còn thiếu các qui định phù hợp.
***
Giới lãnh đạo hệ thống công quyền tại Việt Nam đang cố gắng chứng minh quyết tâm phòng – chống tham nhũng thông qua việc áp dụng hàng loạt biện pháp hành chính (khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ những chức vụ đã từng mang, cách chức), kể cả xử lý bằng biện pháp hình sự một số viên chức cao cấp thuộc đủ mọi ngành.
"Lò" đã nhóm, rõ ràng cả củi nhỏ lẫn củi to đang cháy rừng rực, vậy thì tại sao xử lý "làm giàu bất chính", xử lý tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc lại nan giải đến như vậy ?
Nếu "làm giàu bất chính" được xác định là tội phạm thì chỉ cần nhìn vào tư gia của các "đồng chí" Phan Văn Vĩnh – Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, "đồng chí" Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao, hẳn những người vận hành "lò" đã có thể xác định các "đồng chí" này là "bị can" từ lâu chứ không cần phải đợi đến khi Công an tỉnh Phú Thọ phát giác vụ án "chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền".
Thế nhưng phải nhớ, nếu "làm giàu bất chính" được xác định là tội phạm thì "lò" nào đốt cho xuể củi to, củi nhỏ vương vãi khắp nơi trên toàn quốc ?
Biện giải thế nào khi "đồng chí" Đinh La Thăng đã thành tro nhưng "đồng chí" Phạm Sỹ Quý – chủ khối tài sản khổng lồ làm "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" sửng sốt thì chỉ thôi làm Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái, chuyển công tác sang Hội đồng nhân dân của tỉnh này ? Vấn đề dường như nằm ở chỗ nhóm vận hành "lò" quyết định chọn "đồng chí" nào làm củi. Thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/04/2018
Chú thích :
(2) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Không phải tự nhiên mà quyết định cải tổ Bộ công an của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam trở thành sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần này.
Trên bình diện xã hội, quyết định cải tổ Bộ công an của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam khiến nhiều người phấn khích, thậm chí hả hê.
Theo quyết định vừa kể thì Bộ công an sẽ giải thể sáu tổng cục (An ninh, Cảnh sát, Tình báo, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, Thi hành án hình sự - Hỗ trợ tư pháp) và giảm tầm vóc của các bộ tư lệnh cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ từ tương đương tổng cục xuống mức thấp hơn.
Báo chí Việt Nam tường thuật, khi soạn thảo Đề án 106 (đề án cải tổ ngành công an), Đảng ủy Công an Trung ương dự tính chỉ giải thể bốn tổng cục (Tình báo, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, Thi hành án hình sự - Hỗ trợ tư pháp), giữ lại hai Tổng cục là An ninh và Cảnh sát nhưng Bộ chính trị không đồng ý. Đó là lý do dẫn tới chuyện Bộ công an sẽ không còn Tổng cục nào. Sau khi sắp xếp lại, con số Cục được dự báo sẽ giảm từ 126 xuống 60. Những đơn vị công lập của ngành công an (đào tạo, y tế, báo chí) và Sở Công an các tỉnh, thành phố cũng sẽ được sắp xếp lại cho… "gọn hơn".
***
Trong khi hệ thống truyền thông chính thức ca ngợi quyết định cải tổ Bộ công an của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam là "một bước đột phá", là "cải cách sâu rộng, có tính lịch sử của ngành công an" (1) thì một số người am tường tình hình chính trị Việt Nam nhận định, đó là một "nước cờ" của "tư duy chính trị khéo léo", vận dụng yêu cầu tinh giản nhân sự của bộ máy công quyền thành áp lực để cắt giảm quyền lực của ngành công an (2).
Trên bình diện xã hội, quyết định cải tổ Bộ công an của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam khiến nhiều người phấn khích, thậm chí hả hê. Quyết định ấy chẳng khác gì mở một cái van, xả bớt sự bất bình về một ngành mà hiệu quả công vụ luôn luôn tỉ lệ nghịch với sự càn rỡ vốn đã vượt quá giới hạn chịu đựng của công chúng từ lâu nhưng chưa bao giờ và cũng chưa có ai rờ tới…
Có một điểm đáng bận tâm nhưng ít người để ý rằng, tại sao quyết định cải tổ Bộ công an của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam không đề cập đến chuyện truy cứu trách nhiệm tất cả những cá nhân tham gia bơm, thổi vai trò, bộ máy của ngành công an hoặc lặng thinh khiến nó phình ra càng ngày càng lớn, góp phần rất đáng kể vào việc làm quốc gia khánh kiệt như hiện nay ?
***
Tháng 9 năm ngoái, Bộ tài chính Việt Nam loan báo, tính đến hết năm 2015, nợ nần của Việt Nam là hơn 94 tỉ Mỹ kim, khoảng hơn hai triệu tỉ đồng Việt Nam, trong đó vay mượn ngoại quốc là 39,6 tỉ Mỹ kim, vay mượn dân chúng trong nước là hơn 54 tỉ Mỹ kim (3).
Cũng tháng 9 năm ngoái, tại Hội thảo mùa Hè 2017 – sinh hoạt thường niên do những trí thức người Việt tổ chức để mỗi năm thảo luận về một chủ đề cụ thể có liên quan đến hiện trạng và tương lai Việt Nam - qua tham luận "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam" (4), ông Vũ Quang Việt, cựu Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc, nhận định, nợ nần của Việt Nam tăng không ngừng là vì nguồn thu cho ngân sách liên tục giảm trong khi chi tiêu của hệ thống công quyền không ngừng tăng.
Dựa trên những số liệu thống kê thu thập được từ các nguồn khác nhau, ông Việt đã lập hàng loạt biểu, bảng để chứng minh, chi tiêu của hệ thống công quyền gia tăng không phải do gia tăng đầu tư hay trả nợ mà chỉ vì không kềm giữ được chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của bộ máy công quyền). Năm 2009, chi thường xuyên tương đương 54,4% tổng chi ngân sách, sáu năm sau (2014), chi thường xuyên vọt lên tới 65,5% tổng chi ngân sách. Ông Việt ước tính, chi thường xuyên của Việt Nam chiếm tới 34% GDP. Vượt xa các quốc gia trong khu vực (Indonesia 21,7%, Singapore 14,9%,…).
Bởi nguồn thu giảm trong khi chi tiêu không ngừng tăng, phải vay mượn để chi nên Việt Nam liên tục bội chi, tỉ lệ bội chi khoảng 6% GDP, gấp đôi mức an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế (3%).
Một trong những lý do khiến Việt Nam liên tục bội chi là vì phải nuôi đội ngũ công chức và viên chức càng ngày càng đông (so với năm 2013, năm 2014, số lượng công chức tăng 4,1%, số lượng viên chức tăng 9,8%).
Đáng chú ý là ông Việt - chuyên gia về phân tích tương quan giữa các dữ liệu đã được thống kê với tác động của chúng tới kinh tế của một quốc gia - đã trình bày rất cặn kẽ cách thu lượm dữ liệu, phương thức tính toán để chứng minh, năm 2014, Việt Nam đã chi cho ngành công an khoảng 6,4 tỉ Mỹ kim, chi cho quân đội khoảng 4,5 tỉ Mỹ kim (bao gồm cả mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng - khoảng 1,9 triệu Mỹ kim). Nếu tính theo tổng chi ngân sách, chi cho công an chiếm 12%, chi cho quân đội chiếm 9%. Tỉ lệ chi của Việt Nam cho quân đội tính trên tổng chi ngân sách ngang với Hoa Kỳ nhưng tỉ lệ chi của Việt Nam cho công an gấp sáu lần Hoa Kỳ (chi cho cảnh sát của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2% tổng chi ngân sách).
Cựu Vụ trưởng Vụ tài khoản quốc gia của Liên Hiệp Quốc nhận định, nếu chi tiêu cho quân đội và công an quá lớn thì "sẽ tạo ra áp lực mạnh lên các khoản chi tiêu khác cho xã hội". Sở dĩ Việt Nam phải chi một khoản khổng lồ cho công an vì ngoài hoạt động bảo vệ, gìn giữ trật tự xã hội, công an Việt Nam đang thực hiện những công việc mà các quốc gia khác xem là hoạt động dân sự (Đăng ký hộ khẩu, Chứng nhận hạnh kiểm, Cấp hộ chiếu phổ thông, Đăng ký các loại phương tiện giao thông,...). Cũng theo ông Việt, lực lượng công an quá đông sẽ không chỉ làm ngân sách mất cân đối, gia tăng vay mượn để nuôi mà còn tạo tiền đề cho lạm dụng quyền lực, tham nhũng, bất mãn gia tăng, gây bất ổn cho xã hội…
Giữa hoan nghênh, hào hứng theo dõi tiến trình cải tổ Bộ công an theo chỉ đạo của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam với đòi truy cứu tận gốc trách nhiệm những người ban hành chủ trương, tham gia soạn thảo - bỏ phiếu thông qua Luật Công an nhân dân, phê duyệt các Nghị định, Thông tư, tạo điều kiện cho ngành công an "lớn, mạnh" như thời gian vừa qua thì nên chọn thái độ nào mới đúng với bản chất ?
***
Việt Nam đã bốn lần thực hiện cải tổ bộ máy hành chính, "tinh giản biên chế" nhưng sau mỗi lần cải tổ, bộ máy hành chính lại phình ra, to hơn trước khi cải tổ.
Năm 2016, hệ thống công quyền tại Việt Nam thú nhận, chưa kể nhân sự của "lực lượng vũ trang" (công an, quân đội), số công chức, viên chức đang nhận lương hoặc trợ cấp như lương từ ngân sách đã xấp xỉ 6,5 triệu người.
Ngoài 6,5 triệu công chức, viên chức đang làm việc cho hệ thống công quyền, dân chúng Việt Nam còn phải "thắt lưng, buộc bụng" đóng góp để nuôi thêm khoảng 5 triệu cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội như Đảng cộng sản Việt Nam và đủ loại hội, đoàn. Trong mười năm từ 2006 đến 2016, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam tăng hơn ba lần.
Năm 2016, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, bảo rằng, nếu cộng cả những người đang nhận lương, trợ cấp từ ngân sách như các công chức, viên chức, cán bộ trong hệ thống chính trị (Đảng và các đoàn thể), với những cá nhân đã nghỉ hưu thì con số mà dân chúng Việt Nam phải dồn sức để nuôi lên tới 11 triệu (5). Trung bình, mỗi công chức, viên chức, cán bộ có chín người Việt, bất kể "nam, phụ, lão, ấu" xúm vào… cõng. Cộng cả các thành viên của lực lượng vũ trang (công an, quân đội) – số liệu vốn thuộc loại "bí mật quốc gia", chắc chắn gánh mà "nam, phụ, lão, ấu" người Việt đang mang sẽ gây xúc động mạnh.
Chẳng riêng bà Lan, nhiều chuyên gia khác từng cảnh báo, không quốc gia nào có thể nuôi nổi lượng công chức, viên chức, cán bộ đông như vậy, thành ra Việt Nam đã cũng như và sẽ mạt vì đội ngũ này.
Cũng năm 2016, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố kết quả một cuộc khảo sát về chi phí nuôi các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam. Kết quả cuộc khảo sát không cho biết Đảng cộng sản Việt Nam ngốn hết bao nhiêu tiền thuế/năm nhưng VEPR cho biết, mỗi năm, tổng chi phí nuôi các tổ chức chính trị - xã hội tại Việt Nam vào khoảng 14.000 tỉ đồng – gấp đôi ngân sách dành cho giáo dục, y tế(6).
VEPR nhấn mạnh, 11.000 tỉ đồng đó mới chỉ là lương. Nếu tính đúng, tính đủ (tính cả chi phí về sử dụng đất đai, nhà cửa, xe cộ và các loại tài sản khác) thì mỗi năm, dân chúng Việt Nam mất từ 45.600 đến 68.100 tỉ đồng cho chuyện phải nuôi các tổ chức chính trị - xã hội.
***
Trong tham luận "Tại sao bội chi ngân sách quá lớn và kéo dài quá nhiều năm ở Việt Nam", ông Vũ Quang Việt cho rằng, nếu tính cả nợ mà các doanh nghiệp nhà nước đã vay thì tổng số nợ nần của Việt Nam trong năm 2016 khoảng 431 tỉ Mỹ kim hoặc hơn, con số đó tương đương 210% GDP (205,2 tỉ Mỹ kim). Ông Việt lưu ý thêm là nếu cộng cả nợ của khối tư nhân thì tổng nợ của kinh tế Việt Nam có thể xấp xỉ 250% GDP. Nói cách khác, tính theo GDP, nợ nần của Việt Nam thuộc loại cao nhất thế giới !
Nợ cao, áp lực trả nợ tất nhiên sẽ tăng. Khi không còn có thể vay mượn để chi tiêu và trả nợ, kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Theo ước tính của ông Việt, với mức độ nợ nần trên 200% GDP và lãi suất từ 9% đến 10%/năm như hiện nay, cộng với lạm phát khoảng 4% năm, GDP của Việt Nam phải tăng ít nhất 10% mới đủ để… trả lãi. Đáng nói là trong bối cảnh như hiện nay, Việt Nam chẳng có cách nào để đạt được mức tăng trưởng như thế.
Khi các nguồn thu cho ngân sách sụt giảm, chi thường xuyên tiếp tục tăng từ 70% lên 80% tổng chi ngân sách, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ còn một cách là liên tục cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, y tế, đầu tư để phát triển và tìm đủ cách nâng các loại thuế, phí… thì việc chỉ mới có ngành Công an mất tới hai năm để soạn thảo kế hoạch cải tổ là đáng mừng hay ngược lại ?
Ngoài ra còn phải ngẫm nghĩ về một khía cạnh khác mà ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập Sài Gòn Tiếp thị nêu ra : Liệu cải tổ có thể đến nơi, đến chốn không khi lãnh đạo không đủ… nhiệm kỳ ?
Đến giờ, giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn được xem như những người cầm lái vĩ đại. Những người cầm lái vĩ đại đã đưa cỗ xe Việt Nam rẽ từ đại lộ vào những con hẻm quanh co, gập ghềnh. Có đáng để xem mỗi lần những người cầm lái vĩ đại cho xe đổi hướng là "bước ngoặt lịch sử", là "tài tình, sáng suốt" hay không, khi cỗ xe Việt Nam vẫn lún sâu giữa sình lầy, chưa biết tới lúc nào mới có thể trở lại đại lộ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/04/2018
Chú thích :
(1) http://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-se-khong-con-cap-tong-cuc-762905.html
(2) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/1416219528484310
(3)http://tuoitre.vn/no-cong-la-hon-2-trieu-ti-dong-2017092114301636.htm
(4) http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_VuQuangViet.pdf
http://vietnamfinance.vn/tinh-gian-bien-che-buoc-dot-pha-tu-bo-cong-an-20180402095521199.htm
(6)http://vepr.org.vn/ngan-sach-va-cac-to-chuc-hoi-doan-the-nha-nuoc.html
Theo Thông tấn xã Việt Nam thì Thủ tướng Việt Nam vừa lên tiếng hoan nghênh bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế trong nội các của ông Phúc – vì chủ động xin rút lại hồ sơ đã nộp cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (1).
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế Việt Nam
Tuy bà Tiến giải thích bà làm như thế là để dành thời gian cho công tác quản lý, điều hành ngành y tế nước nhà và ông Phúc nhấn mạnh, ông rất… cảm kích về… nghĩa cử đó nhưng qua những thông tin do Bộ Giáo dục – Đào tạo mới loan báo thì chuyện tưởng vậy song… không phải vậy.
Nếu bà Tiến không xin rút lại hồ sơ đã nộp cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thì bà cũng không được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng học hàm "Giáo sư". Những bằng chứng mà bà đã nộp cho hội đồng nhằm chứng tỏ bà có tham gia giảng dạy – một trong những tiêu chí để xem xét, phong tặng học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư - đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và đào tạo kết luận là… "chưa chuẩn xác" (2).
Thế nhưng trong cái rủi luôn có cái… may ! Bà Tiến không… lẻ loi !
Thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo xác định, trong số 1.226 tân giáo sư và tân phó giáo sư của năm 2017, từng được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận hồi cuối năm ngoái có 95 trường hợp bị cho là đáng ngờ. Hiện đã đủ cơ sở để xác định 41/95 trường hợp bị cho là đáng ngờ không hội đủ tiêu chuẩn về giảng dạy như bà Tiến và có tới 30/41 là viên chức như bà Tiến.
***
Tiếc một điều là đến lúc này, ngoài bà Tiến, Thanh tra Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ hài tên, chỉ mặt thêm một viên chức đã dùng hồ sơ "chưa chuẩn xác" để gạt Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước : Ông Trương Xuân Cừ - Phó Ban Chỉ đạo khu vực Tây Bắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (3).
Thêm một điều nữa cũng rất đáng để lấy làm tiếc là sau khi Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tạo ra trận bão "Giáo sư, Phó Giáo sư", khiến Thủ tướng Việt Nam phải chỉ đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo thanh tra, Thanh tra của Bộ Giáo dục – Đào tạo không nhìn ngó gì đến tâm bão : Dư luận về hồ sơ xin công nhận học hàm Giáo sư của ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, kiêm Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, bất kể ông Nguyễn Tiến Dũng, Giáo sư của Đại học Toulouse – Pháp, liên tục công bố kết quả nhiều cuộc khảo sát với vô số chi tiết cho thấy, giống như bà Tiến, dường như ông Nhạ cũng đã nộp cho Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước những bằng chứng "chưa chuẩn xác", nhằm chứng tỏ ông có tham gia nghiên cứu và vì các nghiên cứu ấy được học giới nước ngoài quan tâm nên đã được một số tạp chí khoa học xuất bản bên ngoài lãnh thổ Việt Nam chọn - giới thiệu.
***
Tại Việt Nam, "Giáo sư", "Phó Giáo sư" là một thứ… thế giá tầm vóc quốc gia vì chúng là học hàm do hệ thống công quyền trao tặng cho những người vừa được xem như tiên phong về học vấn, trụ cột trong lĩnh vực khoa học nào đó, vừa đã có những đóng góp đáng kể cho giáo dục – đào tạo tại Việt Nam.
Cũng tại Việt Nam, "Giáo sư", "Phó Giáo sư" là một trong những thứ khiến thiên hạ dè bỉu vì đủ thứ bất cập. Sự dè bỉu ấy dài, mạnh tới mức cuối cùng, nhà nước phải cam kết… chấn chỉnh để "nâng cao chất lượng của đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư". Trước khi các biện pháp chấn chỉnh có hiệu lực thực thi, cuối năm 2017, số lượng cá nhân được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đủ tiêu chuẩn để phong tặng học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư đột nhiên vượt qua mức hàng… ngàn !
Thế nhưng đời có những chuyện khó ngờ. Cả những cá nhân xin phong tặng học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư lẫn Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đều không dè mức độ phản ứng của công chúng lại dữ dội tới như vậy, thành ra, dẫu khẳng định đã thẩm xét cẩn thận, kỹ lưỡng, "đúng qui trình" nhưng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đành ngậm ngùi "xét lại" hàng trăm cá nhân mà chính họ vừa công nhận là hoàn toàn xứng đáng. Đây chính là lý do khiến tờ Tuổi Trẻ nhận định, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước không thể vô can (4).
Lối đặt vấn đề của tờ Tuổi Trẻ tưởng như sòng phẳng nhưng xét cho đến cùng lại có nhiều điểm không… thỏa đáng !
Ví dụ, nếu truy cứu trách nhiệm các thành viên của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thì có thể bỏ qua trách nhiệm hình sự của 41 cá nhân vừa bị hội đồng này xóa tên trong danh sách 1.226 tân Giáo sư và tân Phó Giáo sư vì đã nộp cho hội đồng những hồ sơ "chưa chuẩn xác" và có thể bỏ qua trách nhiệm hình sự của những trường đại học, những viện nghiên cứu đã tham gia trong việc tạo ra những hồ sơ "chưa chuẩn xác" ấy, trong khi Luật Hình sự của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn xem hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" là tội phạm hay không ?
Ví dụ, nếu đã xác định Giáo sư phải hội đủ các tiêu chuẩn đã được đặt định (chẳng hạn đã giảng dạy bao nhiêu giờ ở bậc đại học trở lên, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ và có khả năng giao tiếp về chuyên môn bằng tiếng Anh, phải có ít nhất hai bài được các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI, Scopus chọn đăng, phải có công trình khoa học) và đã quyết định xóa tên bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế, ông Trương Xuân Cừ - Phó Ban Chỉ đạo khu vực Tây Bắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, khỏi danh sách tân Giáo sư thì có thu hồi học hàm Giáo sư của những viên chức cao cấp khác như ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, ông Trần Đại Quang – Chủ tịch Nhà nước hay không ?
Trong trường hợp không… tiện thu hồi thì vì có sự tồn tại của hai loại Giáo sư, Phó Giáo sư được nhà nước phong tặng học hàm theo hai bộ tiêu chuẩn khác nhau, có nên đặt thêm qui định rằng, trên danh thiếp, trong giới thiệu, dứt khoát phải chú thích "Giáo sư sau chấn chỉnh", "Phó Giáo sư sau chấn chỉnh" để giúp "đồng đội, đồng chí, đồng bào" dễ phân biệt với những "Giáo sư trước chấn chỉnh" và "Phó Giáo sư trước chấn chỉnh" hay không ? Thắc mắc này thoạt nghe thì có vẻ tầm phào nhưng đừng quên rằng, trên thực tế, trước nay, một số cá nhân có học vị Tiến sĩ luôn luôn nhấn mạnh họ là "Tiến sĩ Khoa học – TSKH" vì không muốn bị đồng hóa với những cá nhân vốn là Phó Tiến sĩ, theo qui định, sau một đêm trở thành Tiến sĩ !
***
Nhiều thế hệ người Việt vẫn nhắc đến "Đi thi tự vịnh" của Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858). Hành trạng của vị quan gắn liền với khai hoang, lập ấp ở Thái Bình, Ninh Bình, giúp Gia Long, Minh Mạng rồi Thiệu Trị, Tự Đức trị an, chống ngoại xâm, khiến suy tư "đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" của ông tạo cảm hứng cho hết lớp hậu sinh này đến lớp hậu sinh khác nối chí tiền nhân dùi mài kinh sử, cứu nước, giúp đời.
Tiếc là vật đổi, sao dời, nảy nòi một lớp hậu sinh dẫu cũng tâm niệm "đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" nhưng chỉ chuyên chú giương danh bằng học… tắt.
Bao giờ học hàm, học vị ở Việt Nam thôi làm người ta bĩu môi, cười cợt rồi chảy nước mắt ?
Không biết, song chắc là còn lâu, bất kể thực tế đã chứng minh học tắt để giương danh chỉ lưu lại tiếng nhơ muôn thưở !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/04/2018
Chú thích :
(4) https://tuoitre.vn/41-ung-vien-gs-pgs-bi-loai-cac-hoi-dong-co-vo-can-20180403092206119.htm
Lẽ ra trong quý này, Bộ Giao thông - vận tải phải tổ chức vận hành thử tuyến metro Cát Linh - Hà Đông nhưng bộ mới đề nghị chính phủ cho dời thời điểm thử vận hành tuyến metro đầu tiên của Việt Nam đến cuối năm.
Dự án metro Cát Linh - Hà Đông
Nếu Thủ tướng đồng ý với đề nghị vừa kể (gần như chắc chắn Thủ tướng không thể… lắc đầu) thì ba năm nữa (2021), Việt Nam mới có thể chính thức khai thác toàn bộ tuyến metro Cát Linh - Hà Đông (1) !
Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông từng được quảng bá như một… "điển hình" cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về vốn, nhà thầu, công nghệ… tuy nhiên đến nay, "điển hình" ấy vẫn chỉ là bằng chứng cho quan hệ mà Việt Nam luôn là phía phải "ngậm đắng, nuốt cay" !
***
Trên giấy tờ, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông phải hoàn tất hồi 2013. Sau nhiều lần thất hứa, năm 2014, nhà thầu Trung Quốc thề sẽ hoàn tất công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông vào tháng 6 năm 2015. Đến tháng 6 năm 2015, thời điểm khánh thành được dời lại tới cuối năm 2015. Cuối năm 2015, báo giới Việt Nam cho biết phải đến hết quí 1 năm 2016, công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông mới hoàn tất và có thể chạy thử.
Sang năm 2016, sự kiện đáng chú ý nhất liên quan tới… "điển hình" cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc về vốn, nhà thầu, công nghệ… không phải là Việt Nam bắt đầu vận hành công trình đường sắt nội đô đầu tiên mà là chính phủ Việt Nam bị đẩy vào thế phải đề nghị vay thêm tiền của Trung Quốc để hoàn tất tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Nếu không đưa thêm tiền thì dự án không… xong.
Tuy các chuyên gia và dân chúng tỏ ra hết sức phẫn nộ trước sự tráo trở của nhà thầu Trung Quốc (lúc đầu, thông báo chi phí cho việc thực hiện dự án metro Cát Linh - Hà Đông chỉ có 553 triệu Mỹ kim song nửa chừng, đòi đưa thêm 339 triệu Mỹ kim) nhưng vì không còn đường giãy (không vay thêm, dự án metro Cát Linh - Hà Đông sẽ dở dang mà Việt Nam vẫn phải hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho Trung Quốc), chính quyền Việt Nam đành xin vay thêm của Trung Quốc 250 triệu Mỹ kim để hoàn tất dự án metro Cát Linh - Hà Đông.
Tháng 5 năm 2016, thời điểm ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang Trung Quốc ký hiệp định vay thêm vốn cho dự án metro Cát Linh - Hà Đông, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam từng "thành kính phân bua" rằng, sở dĩ Việt Nam liên tục bị động trong việc thực hiện dự án metro Cát Linh - Hà Đông vì phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Đó cũng là lý do dù nhà thầu Trung Quốc khiến "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" cùng nghi ngại về chất lượng hạ tầng của dự án metro Cát Linh - Hà Đông (tai nạn chết người, trục trặc kỹ thuật xảy ra liên tục : cầu đổ, cáp đứt, dầm thép rơi, cọc thép rớt, giàn giáo đột nhiên sập xuống khi đang đổ bê tông…) nhưng bởi đã trót phóng ngọn lao "hợp tác toàn diện" về vốn, nhà thầu, công nghệ,… Việt Nam buộc phải dùng tiền vay từ Trung Quốc để mua toàn bộ những thứ còn lại liên quan đến hoạt động của tuyến metro Cát Linh - Hà Đông (đường ray, 13 đoàn tàu, hệ thống thông tin tín hiệu,…) do… Trung Quốc sản xuất.
Có thêm 250 triệu Mỹ kim do hệ thống công quyền Việt Nam vay từ Trung Quốc để giao cho mình, nhà thầu Trung Quốc cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công dự án metro Cát Linh - Hà Đông để "chạy thử liên động toàn hệ thống" vào tháng 10 năm 2017 nhưng tới tháng 10 năm ngoái, nhà thầu Trung Quốc chỉ có thể cho "tàu công trình chạy trên một số đoạn" của tuyến metro này (2).
Cam kết "chạy thử liên động toàn hệ thống" được dời tới quý 1 năm nay và bây giờ - quý 2 năm 2018 - chuyện "chạy thử liên động toàn hệ thống" được Bộ Giao thông - Vận tải chủ động đề nghị chính phủ cho dời hẳn tới... cuối năm !
***
Tháng 10 năm ngoái, khi xảy ra sự kiện nhà thầu Trung Quốc không thể tổ chức "chạy thử liên động toàn hệ thống" ở công trình xây dựng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông như đã cam kết, ông Trương Quang Nghĩa, lúc đó là Bộ trưởng Giao thông - Vận tải, giải thích là do Trung Quốc chậm giải ngân (chậm chuyển tiền theo hiệp định vay tiền mà Việt Nam đã ký) nên nhà thầu Trung Quốc tiếp tục "án binh bất động" dù "hạng mục nào cũng dở dang". Ông Nghĩa trấn an "toàn Đảng, toàn quân, toàn dân" rằng, việc Trung Quốc "chậm giải ngân" chỉ gây thiệt thòi cho nhà thầu Trung Quốc, "không ảnh hưởng tới Việt Nam" (3).
Theo một văn bản do Bộ Tài chính Việt Nam gửi cho Bộ Giao thông - Vận tải và Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi đầu năm nay thì chỉ tính riêng 250 triệu Mỹ kim mà Việt Nam hỏi vay thêm Trung Quốc hồi giữa năm 2016 để hoàn tất dự án metro Cát Linh - Hà Đông, từ 2018 trở đi, mỗi năm, Việt Nam phải trả cho Trung Quốc 650 tỉ đồng gồm cả vốn lẫn lãi (4).
Bộ Tài chính Việt Nam không cho biết, hàng năm, Việt Nam phải trả thêm bao nhiêu tiền cho vốn và lãi của khoản 553 triệu Mỹ kim mà trước đó Việt Nam đã vay Trung Quốc cũng để thực hiện dự án metro Cát Linh - Hà Đông. Cứ cho là mức độ… "ưu đãi" mà Trung Quốc dành cho cả hai khối nợ (553 triệu Mỹ kim và 250 triệu Mỹ kim) giống nhau, mỗi năm, Việt Nam sẽ phải trả cho Trung Quốc chừng… 2.000 tỉ đồng.
***
Có sự "tài tình, sáng suốt" nào hơn chuyện vừa tận thu tối đa các loại thuế, phí, kêu gọi dân chúng "đồng cam, cộng khổ", vừa thản nhiên trả những khoản vốn cộng lãi cỡ 2.000 tỉ/năm cho những dự án chẳng biết đến bao giờ mới hoàn tất kiểu như dự án Cát Linh - Hà Đông ?
Giữ gìn tình yêu, phát triển niềm tin nơi Đảng, bảo vệ sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam ở Việt Nam rõ ràng là càng ngày càng… khó !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/04/2018
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-lui-tien-do-chay-thu-den-quy/04/20180330092137248.htm
(2) http://vov.vn/tin-24h/duong-sat-cat-linh-ha-dong-pha-san-ke-hoach-chay-thu-vao-thang-10-676749.vov
Giống như nhiều xóm khác, xóm ấy có nhiều nhà. Giống như nhiều xóm khác, xóm ấy có một căn to hơn, đông người hơn và có vẻ khá giả hơn những nhà khác.
Bên cạnh căn dường như to nhất, giàu nhất xóm ấy là một căn nhà nhỏ. Dân trong xóm chú ý tới cả hai không phải vì sự khác biệt về mức độ bề thế, phát đạt giữa hai căn nhà - những khác biệt vốn xóm nào cũng có - yếu tố khiến thiên hạ bận tâm là quan hệ, cách ứng xử kỳ quái của hai chủ nhà, đặc biệt là chủ căn nhà nhỏ.
Sống bên cạnh một người hàng xóm lâu đời mà thế hệ nào cũng muốn chi phối cả xóm, thậm chí làm chủ cả làng, thế hệ nào cũng muốn mở rộng mảnh đất của họ và trong quá khứ, gia tộc của chủ căn nhà lớn từng dùng đủ thứ thủ đoạn để nuốt chửng hàng xóm, thay vì phải hết sức cẩn thận, khôn khéo, "tề gia" để tự bảo vệ nơi cư trú cho gia tộc của mình, chủ căn nhà nhỏ hiện thời từng dựa hẳn vào chủ căn nhà lớn để đánh, đuổi anh em của mình ra khỏi nhà.
Khi giành được quyền kiểm soát căn nhà, chủ căn nhà nhỏ vừa liên tục bày tỏ sự biết ơn chủ căn nhà lớn đã giúp sức cho mình "đá gà cùng một mẹ", vừa cấm con, cháu đề cập đến những xung đột giữa tổ tiên, ông bà hai bên vì mâu thuẫn nhà, đất trong quá khứ...
Tuy nhiên sự phi lý chưa ngừng ở đó. Dẫu không từ dịp nào để chứng minh mình là "láng giềng tốt", rằng mình luôn tâm niệm "vận mệnh tương thông, lý tưởng tương đồng" với chủ căn nhà lớn nhưng thỉnh thoảng, chủ căn nhà nhỏ vẫn bị chủ căn nhà lớn "bạt tai, đá đít". Lạ là chủ căn nhà nhỏ không thay đổi… lập trường và cách hành xử.
Sống trong cảnh hôm qua bị chủ căn nhà lớn chiếm mất góc vườn này, hôm nay bị chủ căn nhà lớn sai con, cháu mang rác sang đổ giữa nhà mình,… một số đứa trong đám con, cháu của chủ căn nhà nhỏ thắc mắc, phản đối. Đám đó bị chủ căn nhà nhỏ gom hết, xếp hết vào loại "nghịch tử", bị "giáo dục" bằng những biện pháp nghiêm khắc vốn chỉ dành cho kẻ thù. Muốn được yên thân, con cháu của chủ căn nhà nhỏ chỉ có một cách : Nhắm mắt, bịt tai, tự gạt chính mình rằng nhà cửa, đất đai, quan hệ giữa chủ căn nhà nhỏ và chủ căn nhà lớn là chuyện của… người lớn.
Giờ, phần lớn mặt tiền của căn nhà nhỏ đã thuộc quyền kiểm soát của chủ căn nhà lớn. Thực tế đó khiến số thành viên của căn nhà nhỏ bất bình với cả chủ nhà của mình lẫn chủ căn nhà lớn tăng đáng kể. Gần đây, để duy trì quyền kiểm soát căn nhà, thỉnh thoảng, chủ căn nhà nhỏ lên tiếng phản đối chủ căn nhà lớn song xét về tổng thể, chuỗi hành động phản kháng ấy chỉ là chiếu lệ, chủ yếu nhằm trấn an, xoa dịu con cháu trong nhà. Song song với chuỗi hành động phản kháng, chủ căn nhà nhỏ vừa khuyến cáo, vừa tạo điều kiện để chủ căn nhà lớn tham gia khuyến cáo con cháu trong nhà mình rằng, hàng xóm vừa giàu, vừa mạnh thành ra đối đầu không chỉ dẫn tới thảm cảnh toàn gia mất chốn dung thân mà còn có nhiều kẻ trong gia đình mất mạng…
Dưới gầm trời này sẽ có rất nhiều người bĩu môi, lắc đầu sau khi nghe câu chuyện vừa kể. Ắt có không ít người nhận định câu chuyện vừa kể là… nhảm nhí. Làm gì có gia đình nào, gia tộc nào bạc phúc tới mức có loại gia trưởng suy nghĩ, hành xử khó tin như chủ căn nhà nhỏ ! Nếu bạn - người vừa đọc câu chuyện này - nhận ra, câu chuyện dù không thể tin được ấy có thật, xin… chia buồn với bạn, bởi còn cư trú trong căn nhà nhỏ ấy hay không thì bạn vẫn là một thành viên của gia đình, gia tộc bạc phúc đó.
***
Scandal "Điệp vụ Biển Đỏ" (Operation Red Sea do Bona Film Group - Trung Quốc sản xuất) đã được hóa giải bằng "Thông cáo báo chí" mà Bộ Văn hóa - Thông tin" phát hành ngày 26 tháng 3.
"Điệp vụ Biển Đỏ" do Trung Quốc sản xuất dựa trên một sự kiện xảy ra hồi 2005 : Nội chiến bùng phát tại Yemen (một quốc gia thuộc khu vực Tây Nam Châu Á, nằm bên bờ Biển Đỏ) và chính phủ Trung Quốc đã điều động quân đội di tản 600 công nhân Trung Quốc khỏi Yemen.
"Điệp vụ Biển Đỏ" là một thông điệp được soạn thảo hết sức công phu, có chủ đích rất rõ ràng : Quảng bá sự thiện chiến, sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là của Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với những người lính dũng cảm, mưu trí và phương tiện chiến tranh hiện đại như đã trình bày trong "Điệp vụ Biển Đỏ", khán giả ắt phải nhận ra quân đội Trung Quốc là đội quân "bất khả chiến bại", dư khả năng đè bẹp mọi kẻ thù, bất kể ở chiến trường, tình huống nào.
Sau khi "Điệp vụ Biển Đỏ" được phép công chiếu tại Việt Nam, khán giả phát giác, trong 36 giây cuối, bộ phim "kể thêm" một sự kiện nữa : Trên đường đưa đồng bào của mình từ Yemen trở về Trung Quốc, Hải quân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã băng qua biển Đông và vì phát giác có một số con tàu đang hiện diện tại vùng biển này, Hải quân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã cảnh cáo qua loa : "Đây là Hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, hãy rời khỏi đây ngay lập tức" !
36 giây "kể thêm" ấy khiến nhiều người Việt phẫn nộ. Với họ, trong bối cảnh như hiện nay, cho phép công chiếu "Điệp vụ Biển Đỏ" là phản quốc vì gián tiếp thừa nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông. Bộ Văn hóa - Thông tin bác bỏ những nhận định kiểu đó vì vô căn cứ. 36 giây "kể thêm" chỉ thể hiện chuyện khi băng ngang "lãnh hải của Trung Quốc ở biển Đông", vì nhìn thấy một vài chiếc tàu từ xa nên chiến hạm của Trung Quốc phát cảnh báo. Bởi "hình dáng những chiếc tàu này không rõ nét" nên "không thể kết luận ‘Điệp vụ Biển Đỏ’ liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo". Bộ Văn hóa - Thông tin khẳng định, Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia, bao gồm đại diện của Ban Tuyên giáo thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin của chính phủ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam và các chuyên gia có uy tín đã thực hiện "đúng quy trình hiện hành". Thậm chí, một thành viên trong Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia, bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh còn cho rằng, ngoài dân chúng, báo giới cũng "suy diễn, chủ quan, gây ra nhiều thông tin sai lệch trong dư luận, đồng thời tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội" (1).
***
Nhân những tranh cãi phát sinh từ "Điệp vụ Biển Đỏ", có lẽ nên nhắc lại một chuyện cũng liên quan tới phim : Oshin - bộ phim truyền hình 297 tập, mỗi tập 15 phút, kể về cuộc đời của bà Shin Tanokura, người Nhật. Sở dĩ chọn Oshin vì nhiều người đã xem và rất dễ tự đối chiếu…
Người Việt được xem Oshin năm 1994. Thời đó, mỗi khi Đài Truyền hình Việt Nam phát Oshin, hàng chục triệu người Việt tạm rũ bỏ tất cả các công việc thường nhật để theo dõi những diễn biến trong cuộc đời của Shin từ lúc 6 tuổi cho đến khi đã 84 tuổi.
Có một điểm chung, đáng chú ý là xem xong Oshin, người ta không chỉ thương cảm, ngưỡng mộ lòng nhân ái, nghị lực phi thường, sự thông minh, sắc sảo của Shin mà còn đồng cảm với người Nhật. Đặc biệt là với thế hệ người Nhật dính líu đến Thế chiến thứ hai, từng gieo rắc đau thương, tang tóc khắp Châu Á, kể cả Việt Nam (hai triệu người chết đói).
Oshin là câu chuyện sống động, đủ sức thuyết phục mọi người rằng, người Nhật cũng đói khát, gánh chịu đủ thứ đau khổ, mất mát như mọi dân tộc khác trong và sau Thế chiến thứ hai. Người Nhật, nước Nhật cũng chỉ là nạn nhân của chính quyền phát xít Nhật...
Đến giờ, tác động mạnh mẽ của Oshin lên người Việt vẫn còn sâu đậm. Oshin giờ là một danh từ có tính đại chúng, nhiều người Việt vẫn dùng để chỉ những người giúp việc nhà.
Chẳng riêng tại Việt Nam, Oshin đã tạo ra hiệu ứng tương tự trên khắp thế giới, kể cả khu vực Trung Đông. Chính phủ Nhật đã dùng Oshin như một món quà để trao tặng nhiều quốc gia. Qua Oshin, thiên hạ tự điều chỉnh nhận thức của họ về người Nhật, nước Nhật. Với nhiều cá nhân, người Nhật, nước Nhật trở thành một thứ mẫu mực. Ở Iran, sau khi một phụ nữ trả lời trên đài phát thanh quốc gia rằng với cô, Oshin là biểu tượng của phụ nữ Hồi giáo, Giáo chủ Ayatollah Khomeini - lãnh tụ tối cao của quốc gia Hồi giáo này - đã ra lệnh tống giam bốn người của đài truyền hình quốc gia với cáo buộc phải chịu trách nhiệm do đã tiếp nhận và quảng bá Oshin trên toàn quốc (2).
Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật luôn luôn tạo ra những tác động nhất định đến nhận thức. Những tác động đó tích cực hay tiêu cực, đậm hoặc nhạt phụ thuộc vào chủ trương, cách thức, mức độ. Không phải tự nhiên mà quốc gia này trao tặng học bổng cho những sinh viên ưu tú của quốc gia khác hay tài trợ cho những chương trình giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình ở quốc gia nào đó. Không phải tự nhiên mà quốc gia nào đó tổ chức triển lãm, giới thiệu rộng rãi các thành tựu hơn người của mình. Cũng không phải tự nhiên mà các kế hoạch hỗ trợ phát triển, chương trình viện trợ ra đời… Tất cả chỉ có một mục đích, tạo sự đồng cảm, phát triển thiện cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ. Đồng cảm, thiện cảm, niềm tin, sự ngưỡng mộ vốn trừu tượng không đo, đếm được nhưng lợi ích thu về từ sự chuyển hóa ấn tượng thành thị hiếu tiêu dùng, khuynh hướng mua sắm sản phẩm, dịch vụ lại rất cụ thể.
***
Trong vài thập niên gần đây, theo chân nhiều cường quốc, Trung Quốc cũng bắt đầu thực hiện các dự án đầu tư bên ngoài lãnh thổ, triển khai các kế hoạch hỗ trợ phát triển, chương trình viện trợ trên toàn thế giới. Dù đó là một nỗ lực không ngưng nghỉ nhưng nếu chịu khó theo dõi thời sự thế giới ắt sẽ thấy tại sao Trung Quốc không thành công, ắt sẽ hiểu tại sao Trung Quốc không tạo được những tác động tích cực như Trung Quốc mong muốn trên toàn cầu. Đến giờ, tác động lớn nhất, dễ thấy nhất là sự lo ngại về một Trung Quốc đang cố gắng phát triển theo kiểu Trung Quốc.
Vậy một Trung Quốc đang cố gắng phát triển theo kiểu Trung Quốc có gây lo ngại tại Việt Nam không ? Câu trả lời là có. Giống như dân chúng nhiều quốc gia khác, mức độ lo ngại về Trung Quốc nơi người Việt càng lúc càng tăng. Tuy nhiên khác với chính phủ nhiều quốc gia khác, dường như hệ thống công quyền Việt Nam muốn chuyển hóa sự lo ngại ấy thành sợ hãi. Không phải tự nhiên mà nhiều viên chức hữu trách liên tục bóng gió, xa gần về hậu quả thảm khốc nếu hành động cứng rắn đối với một Trung Quốc đã vượt xa Việt Nam cả về khả năng quân sự lẫn kinh tế. Không phải tự nhiên mà mạng xã hội càng ngày càng nhiều thách thức, chỉ trích những cá nhân bày tỏ sự lo ngại về chuyện Trung Quốc càng ngày càng hung hãn, càn rỡ ở biển Đông.
Nếu không muốn chuyển hóa sự lo ngại của dân chúng Việt Nam về Trung Quốc thành sự sợ hãi đến mức toàn dân nên nhất trí nhún nhường thì tại sao hồi tháng 2 năm nay, dù website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng khẳng định, 36 giây "kể thêm" trong "Điệp vụ Biển Đỏ" chính là thông điệp gửi cho các loại tàu xâm phạm lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, giữa tháng 3 này, Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia vẫn gật đầu cho bộ phim quảng bá sự thiện chiến, sức mạnh của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là của Hải quân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên toàn Việt Nam (3) ?
Nếu không muốn chuyển hóa sự lo ngại của dân chúng Việt Nam về Trung Quốc thành sự sợ hãi đến mức toàn dân nên "nhất trí nhún nhường" thì tại sao Công ty Phim Thiên Ngân (Galaxy ME) - một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim - có thể nhận ra ngay lập tức rằng, 36 giây "kể thêm" trong "Điệp vụ Biển Đỏ" không ổn, thành ra cương quyết lắc đầu với đề nghị của Bona Film Group (hỗ trợ một triệu Mỹ kim để Thiên Ngân đứng ra lo thủ tục phát hành "Điệp vụ Biển Đỏ" tại Việt Nam) mà Hội đồng Thẩm định và Phân loại phim truyện Quốc gia vẫn "gật", Bộ Văn hóa - Thông tin vẫn mạnh miệng khẳng định "gật" là "đúng qui trình", vẫn phê phán sự phẫn nộ vì cho phép Trung Quốc quảng bá rộng rãi yêu sách chủ quyền ở biển Đông qua "Điệp vụ Biển Đỏ" là "vô căn cứ" (4).
Tình tiết Bona Film Group thà bỏ ra thêm một triệu Mỹ kim nữa chứ không chấp nhận đề nghị của Galaxy ME (cắt bỏ một số cảnh không ổn trong "Điệp vụ Biển Đỏ"), nâng mức "hỗ trợ" từ một triệu Mỹ kim lên hai triệu Mỹ kim, giao "Điệp vụ Biển Đỏ" cho CGV (một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim tại Việt Nam) đứng ra làm thủ tục và tổ chức chiếu phim này trên toàn Việt Nam - như bà Đinh Thanh Hương, Tổng Giám đốc Galaxy ME, kể với báo chí có đáng xem là căn cứ để phải làm gì đó không ?
***
Thái độ, cách ứng xử kỳ quái của hệ thống công quyền Việt Nam - chủ căn nhà nhỏ trong quan hệ với Trung Quốc - chủ căn nhà lớn là lý do khiến càng ngày càng nhiều người Việt tự an ủi, những thua thiệt mà dân tộc, xứ sở của mình đã cũng như đang gánh chịu là do… định mệnh an bài, trở thành láng giềng của một gã hàng xóm xấu tính.
Nhỏ có đồng nghĩa với thua thiệt và phải sống hèn, chịu nhục không ?
Thực tế chứng minh là không !
Nếu có thời gian, xin hãy tìm đọc lịch sử Luxembourg - quốc gia mà diện tích chỉ khoảng 2.500 cây số vuông. Tuy diện tích của Luxembourg xấp xỉ các tỉnh như : Bạc Liêu, Tiền Giang, Bình Dương,… của Việt Nam nhưng dân số của Luxembourg chỉ cỡ 1/4 các tỉnh vừa kể.
Nhỏ xíu lại bị vây bọc bởi nhiều cường quốc (Pháp, Đức, Bỉ), giữa một Châu Âu từng liên tục hợp - tan do vô số kế hoạch thôn tính, triệt hạ lẫn nhau, Luxembourg từng bị quốc gia này đá qua, liên minh kia đá lại trong nhiều thế kỷ. Thế nhưng Luxembourg không bị xóa sổ. Xét về bản lĩnh, Luxembourg hơn xa Prussian (Phổ - cường quốc thống trị, làm mưa, làm gió ở Châu Âu suốt hai thế kỷ 18 và 19 nhưng đến thập niên 1930 thì mất tên trên bản đồ thế giới).
Nhỏ xíu nhưng Luxembourg là một trong những thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc, đồng thời là một trong những thành viên sáng lập NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Nhỏ xíu nhưng Luxembourg còn là một trong những thành viên sáng lập BeNeLux (Belgique, Nederland, Luxembourg-Bỉ, Hà Lan, Lục Xâm Bảo), kế đó là một trong những thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Nhỏ xíu song Luxembourg luôn là quốc gia dẫn đầu về GDP/nhân khẩu trên thế giới.
Nếu đọc lịch sử Luxembourg ắt sẽ thấy, sở dĩ Luxembourg như ngày nay vì may mắn không có tập thể nào "tài tình, sáng suốt" đến mức tự nguyện biến đồng bào của mình thành "xung kích cho lực lượng vô sản toàn thế giới", tự biến quê hương của mình thành "tiền đồn của khối xã hội chủ nghĩa", không cậy nhờ hàng xóm để "đá những con gà cùng mẹ" và để có thể duy trì vai trò gia trưởng, luôn luôn nhẫn nại, không ngừng bày tỏ "lòng biết ơn", ý chí cầu an với những kẻ hôm nay bạt tai, ngày mai đá đít mình.
Nghĩ ra, xiển dương "vận mệnh tương thông, lý tưởng tương đồng", Trung Quốc quả là… tài !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 31/03/2018
Chú thích :
Đợt công du "cấp nhà nước" của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ở Pháp, Cuba vừa kết thúc và dư âm của đợt công du này vẫn đang làm dư luận Việt Nam rúng động.
Trang 11 của báo Le Monde là trang quảng cáo. Cả chân dung ông Trọng lẫn bài viết của ông về "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp" thuộc dạng "cậy đăng" và tự nguyện trả phí.
Diễn Đàn – website do những người Việt cư trú tại Pháp sáng lập và điều hành – kể rằng, chẳng có cơ quan truyền thông nào của Pháp đề cập đến sự kiện ông Trọng sang thăm Pháp "theo lời mời của tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron" như hệ thống truyền thông Việt Nam đã quảng bá.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến Pháp vào chiều 25 tháng 3, chiều 26 tháng 3, nhật báo Le Monde dành trọn trang 11 đăng chân dung ông Trọng, kèm bài viết với chú thích "Một diễn đàn của Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, nhân chuyến thăm Pháp".
Vì không rành, người Việt sống ở bên ngoài nước Pháp thấy thế thì biết thế nhưng xui cho ông Trọng là những người Việt cư trú tại Pháp như các vị điều hành website Diễn Đàn thì biết rất rõ : Trang 11 là trang quảng cáo. Cả chân dung ông Trọng lẫn bài viết của ông về "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp" thuộc dạng "cậy đăng" và tự nguyện trả phí. Chi phí cho việc quảng bá tên tuổi của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được Diễn Đàn ước tính khoảng 4 tỉ đồng Việt Nam !
Một độc giả của Diễn Đàn có nick name là D.M không đồng tình với cách ước tính của Diễn Đàn vì Diễn Đàn mới chỉ tính giá bán quảng cáo trang 11 của Le Monde (147.900 Euros), trong khi trên thực tế, phía đăng quảng cáo không thể trốn 20% thuế VAT (29.580 Euros) đối với quảng cáo này. Thành ra nếu tính đúng, tính đủ, chi phí mà ngân sách Việt Nam phải chi cho việc quảng bá tên tuổi của ông Trọng lên tới 177.480 Euros. Quy đổi theo hối suất hiện hành thì khoản này chừng 5 tỉ đồng Việt Nam (1).
Phát hiện của Diễn Đàn khiến hàng chục triệu dân đen xuýt xoa, tiếc rẻ. Họ đem 5 tỉ đồng chi cho chuyện quảng cáo tên tuổi của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam so với chi phí xây trường, bắc cầu, dựng nhà để tính xem chúng tương đương với bao nhiêu ngôi trường, cây cầu ở vùng sâu, vùng xa và những căn nhà tình thương mà vô số người nghèo đang chờ được hỗ trợ.
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam – nhân vật đang được ca ngợi như một lãnh tụ anh minh - từng tuyên bố rất dõng dạc từ lâu, ở nhiều nơi, với nhiều người rằng "chỉnh đốn Đảng" không đơn thuần chỉ là chống tham nhũng mà phải chống cả lãng phí, lẫn "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Ai cũng hiểu tham nhũng, lãng phí là gì song ngữ nghĩa của "tự diễn biến, tự chuyển hóa" theo cách mà Tổng Bí thư và giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lên án thì hết sức phức tạp, dài dòng. Nói một cách tổng quát, "tự diễn biến, tự chuyển hóa" là thay vì phải "đỏ" thì cán bộ, đảng viên "tự đổi màu" vì "tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống,… do suy thoái từ bên trong". Tổng Bí thư và giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã từng xác định những dấu hiệu của "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Trong số những dấu hiệu này có "vị kỷ", "đề cao tư lợi", "tự mãn", "nói nhiều, làm ít".
Sáu năm trước, hồi tháng 10 năm 2012, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh sự "xót xa" khi lãng phí tràn lan trong bối cảnh quốc gia, dân chúng đối diện với đủ thứ khó khăn (2). Đúng năm năm sau, hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định, "lò" chống tham nhũng, lãng phí đã "nóng" và tất cả phải "vào cuộc", rằng giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sẽ mạnh tay hơn chứ không chỉ "đánh từ vai trở xuống" (3).
Nếu Tổng Bí thư thật sự anh minh, thật sự "xót xa", xem lãng phí nguy hại như tham nhũng, cương quyết chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa", không tha thói "vị kỷ", "tư lợi", "tự mãn" và "nói sao, làm vậy" chứ không "nói nhiều, làm ít" thì dứt khoát ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thành… tro vì làm công quỹ thâm hụt 5 tỉ và làm uy tín của Đảng sút giảm nghiêm trọng.
Nếu Tổng Bí thư tận tâm, tận lực "chỉnh đốn Đảng" để khôi phục lại niềm tin của toàn dân đối với Đảng cộng sản Việt Nam cho nên sẽ đánh cả phía trên… vai thì chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị chẻ làm nhiều mảnh để thảy vào "lò" thêm nhiều lần nữa. Năm 2011, khi phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 4 của BCH TƯ Đảng khóa 11, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam từng nhấn mạnh "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị" là một trong ba "vấn đề cấp bách, cần làm ngay" (4) song từ đó đến nay, chưa bao giờ ông Nguyễn Phú Trọng – nhân vật đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam suốt bảy năm vừa qua – bị truy cứu trách nhiệm khi để những thành viên cao cấp của tổ chức chính trị do ông đứng đầu gây ra đối với chính trị, kinh tế, xã hội. Tha ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư – người đốt lò – có xứng với hai chữ… "vĩ đại" ?
Nếu Tổng Bí thư "trượng nghĩa" như một "hào kiệt", ông Nguyễn Phú Trọng ắt sẽ bị thảy vào lò vì vi hiến, lăng mạ thể chế "Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa".
Dẫu xác định Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối thể chế chính trị tại Việt Nam, song Hiến pháp Việt Nam minh định, đây là sự lãnh đạo về chủ trương, đường lối, Đảng cộng sản Việt Nam không giẫm đạp lên nhà nước, chính phủ. Những chuyến công du "cấp nhà nước" càng ngày càng nhiều của ông Trọng sổ toẹt Hiến pháp. Chúng không chỉ gây tốn kém mà còn góp phần chứng minh, luật pháp ở Việt Nam là một mớ giấy lộn. Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ là bù nhìn. Đảng cộng sản Việt Nam vừa đào mồ chôn thể chế quân chủ, vừa dựng dậy một dạng quân chủ chuyên chế khác. Không tế cáo trời đất để xưng vương nhưng người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam chính là một loại… vua. Chỉ là người đứng đầu một tổ chức chính trị, không do dân cử nhưng vua vẫn điềm nhiên nhân danh quốc gia, dẫn quần thần chu du khắp thiên hạ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 29/03/2018
Chú thích :
(1) https://www.diendan.org/giot-muc-giot-doi/phu-trong-quen-thoi-boc-roi
(2) http://vov.vn/chinh-tri/dang-nha-nuoc-quyet-tam-chong-tham-nhung-lang-phi-228717.vov
(4) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/vai-tro-bi-thu-trong-cong-tac-can-bo-55220.html
Ngạn ngữ "Tất cả các con đường đều dẫn tới La Mã" (All roads lead to Rome) – biểu thị cho sự tự hào của đế chế La Mã (khởi đầu từ năm 27 trước Công nguyên và kéo dài cho đến thế kỷ thứ 16) về sự hùng mạnh của đế chế ấy, giờ có thể dùng để truy nguyên hiện tình chính trị, kinh tế, xã hội của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo hướng… ngược lại.
Cựu phó Thống đống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình.
***
Những kiểm sát viên thay mặt hệ thống bảo vệ pháp luật của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực thi vai trò công tố trong vụ án "cố ý làm trái", xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), vừa đề nghị Hội đồng xét xử, phạt ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN vào giai đoạn xảy ra vụ án mà Tòa đang xử) từ 18 đến 19 năm tù.
Cách nay hai tháng, ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, từng phải hầu Tòa và đã bị phạt 13 năm tù cũng vì "cố ý làm trái" khiến công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình bị thất thoát 119 tỉ đồng.
Lần này ông Thăng hầu Tòa vì bị xem là thủ phạm chính trong vụ đem 800 tỉ của PVN góp cho Ocean Bank rồi mất trắng.
So với phiên xử lần trước, trong phiên xử lần này – khi không còn hy vọng được làm "ma tự do" nữa – ông Thăng khai báo rõ ràng hơn. Theo ông Thăng, chuyện đem 800 tỉ giao cho Ocean Bank không phải là sự tùy tiện, vụ góp vốn này đã tham khảo ý kiến chính phủ và được Thủ tướng lúc ấy là ông Nguyễn Tấn Dũng cho phép. Bốn năm sau (2012), PVN đã tính đến chuyện rút lại 800 tỉ đã góp vào Ocean Bank. Lúc đầu, chính phủ đồng ý với đề nghị của PVN - được rút lại 800 tỉ đã góp cho Ocean Bank trong ba năm từ 2013 đến 2015. Đã có hai doanh nghiệp, một của Singapore, một của Việt Nam đồng ý mua lại 20% cổ phần của PVN trong Ocean Bank (tương đương 800 tỉ đồng) nhưng giờ chót vì Ngân hàng Nhà nước ngăn cản, một Phó Thủ tướng đã ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần. PVN mất trắng 800 tỉ là vì sau đó, Ocean Bank bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Ông Thăng nhấn mạnh : Ai ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần của PVN trong Ocean Bank để thu hồi lại 800 tỉ mà PVN đã góp vào Ocean Bank, người đó phải chịu trách nhiệm (1).
Phó Thủ tướng nào đã ra lệnh cho PVN ngưng chuyển nhượng cổ phần trong Ocean Bank ? Không thấy ông Thăng kể tên ! Cũng có thể ông Thăng đã hài tên nhưng báo chí cách mạng không tường thuật. Báo chí cách mạng bám rất sát diễn biến phiên xử Đinh La Thăng và các đồng phạm "cố ý làm trái", tuyệt nhiên không làm gì thêm, dẫu ông Thăng đã tặng họ một tình tíết đặc biệt hấp dẫn : Dường như một trong năm Phó Thủ tướng của chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016 mới là thủ phạm vụ công quỹ mất 800 tỉ. Đồng chí ấy là ai ? Tại sao lại làm như vậy ?
Chẳng riêng báo chí cách mạng, hệ thống bảo vệ pháp luật – thực thi công lý ở Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng… chủ động bỏ qua tình tiết vừa kể khi tính sổ Ocean Bank và PVN. Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát không thèm chú ý đã đành, các Hội đồng xét xử những vụ án đã xảy ra ở Ocean Bank và PVN cũng "chủ động" lờ luôn.
Lúc 15 giờ 50 phút ngày 1 tháng 9 năm 2017, khi thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xử sơ thẩm lần thứ hai ông Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", khiến Ocean Bank thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng, lúc ông Thắm trình bày những tình tiết liên quan đến việc PVN xin chuyển nhượng cổ phẩn của tập đoàn này trong Ocean Bank cho hai đối tác khác… Hội đồng Xét xử đã ra lệnh cho bị cáo Thắm ngưng, không kể lể nữa… (2).
***
Cho đến giờ này, dấu hỏi về quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi 2015 : Mua lại ba ngân hàng thương mại (Ngân hàng Xây Dựng - VNCB, Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) với giá… 0 đồng, càng lúc càng lớn.
Tuy Ngân hàng Nhà nước giải thích, quyết định mua lại ba ngân hàng thương mại vừa kể với giá… 0 đồng là nhằm tiếp tục "tái cơ cấu hệ thống ngân hàng", bảo vệ an ninh kinh tế - tài chính quốc gia nhưng tháng 10 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cho biết, sau hai năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá… 0 đồng – thực chất là quốc hữu hóa, dùng công quỹ để duy trì hoạt động của ba ngân hàng này - thực trạng tài chính của cả ba ngân hàng vẫn thế, vẫn tiếp tục thua lỗ lớn, chủ sở hữu tiếp tục phải rót thêm vốn và nếu không có biện pháp hữu hiệu thì sẽ tiếp tục lỗ thêm nhiều ngàn tỉ đồng (3).
Cũng tháng 10 năm ngoái, sau khi hoàn tất vụ ông Hà Văn Thắm và 47 cá nhân bị cáo buộc "tham ô tài sản", "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", Tòa án thành phố Hà Nội đề nghị chính phủ xem xét lại chuyện mua các ngân hàng thương mại với giá 0 đồng vì "không bảo đảm quyền lợi của các cổ đông" (4).
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt "tái cơ cấu" hệ thống ngân hàng. Đợt "tái cơ cấu" nào cũng có chuyện đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau.
Mỗi đợt tái cơ cấu lại tạo ra những đại gia mới và theo sau đó là hàng loạt đại án ngân hàng : Nguyễn Đức Kiên – Ngân hàng Á Châu (ACB), Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Trầm Bê – Ngân hàng Phương Nam (PNB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Những đại gia này kéo theo nhiều thuộc cấp vốn chỉ thực hiện mệnh lệnh của ông chủ vào tù và chỉ có thế mà thôi. Theo thời gian, thiệt hại mà các đại án ngân hàng gây ra cho kinh tế - xã hội càng ngày càng lớn và càng ngày, các đại án càng có quan hệ mật thiết với nhau.
Sau khi mua đa số cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng chỉ vì "thấy thích, chứ chưa có kế hoạch gì" vào năm 2003, ông Hà Văn Thắm trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này vào năm 2004. Nhờ chủ trương "tái cơ cấu" ngân hàng, năm 2006, Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng được chuyển từ ngân hàng khu vực nông thôn thành ngân hàng khu vực đô thị rồi xin đổi tên. Ocean Bank ra đời. Năm 2007, vốn điều lệ của Ocean Bank chỉ có 1,2 tỉ đồng nhưng đến cuối năm 2013 tăng lên thành 11.424 tỉ đồng, gấp… 7.000 lần !
Theo các cơ quan tiến hành tố tụng thì năm 2012, ông Thắm dọa bà Hứa Thị Phấn – người nắm giữ 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín - là sẽ bạch hóa những sai phạm của bà Phấn trong điều hành Ngân hàng Đại Tín để ép bà Phấn bán lại toàn bộ cổ phần với giá 4,5 tỉ. Có một điều mà ông Thắm không dè là nợ xấu của Ngân hàng Đại Tín quá lớn. Khi thấy bị hố, ông Thắm gạ bán Ngân hàng Đại Tín cho ông Phạm Công Danh và đòi khoản hoa hồng cho việc môi giới là 800 tỉ. Để ông Danh có thể làm chủ Ngân hàng Đại Tín, ông Thắm dùng tiền của Ocean Bank cho một công ty của ông Danh vay 500 tỉ. Mua được Ngân hàng Đại Tín, ông Danh xin đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). VNCB vỡ nợ gây ra khoản thiệt hại 9.500 tỉ, trong đó Ocean Bank mất 500 tỉ mà ông Thắm đã cho ông Danh vay để mua Ngân hàng Đại Tín. Xử ông Danh không thể bỏ qua ông Thắm và chẳng còn cách nào khác hơn là phải bắt ông Trầm Bê vì ông Bê phải chịu trách nhiệm về việc cho ông Danh vay 1.800 tỉ sai qui định…
***
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam loan báo, tỉ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 2,46% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Thế nhưng đến tháng 6 năm ngoái - một năm sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng thôi làm Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Bình thôi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chính phủ Việt Nam thú thật, tỉ lệ nợ xấu hiện là… 17,21% tính trên tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đã cho vay. Tổng nợ xấu chừng… 600.000 tỉ đồng và vì các đại biểu Quốc hội được nhắc nhở rằng đó là tiền của dân nên họ lập tức thông qua "Nghị quyết về xử lý nợ xấu" (ấn định các giải pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng, kể cả sử dụng công quỹ để bù đắp những khoản từng cho vay, giờ gần như không thể thu hồi).
Chưa ai tính xem nợ xấu làm bao nhiêu công trình phúc lợi liên quan tới dân sinh bị đình trệ, nợ xấu tương ứng thế nào với tình trạng tận thu thuế và phí vắt kiệt sức dân. Bởi tạo ra nợ xấu, gây ra thiệt hại, các "đại gia" đã và sẽ phải trả giá bằng tự do, thậm chí bằng sinh mạng của họ, song còn trách nhiệm của những cá nhân ban hành các chủ trương, phê duyệt các quyết định, góp phần biến những cá nhân vốn hết sức bình thường thành "đại gia" tung hoành ngang dọc một thời thì sao ?
***
Tin mới nhất cho biết, Viện kiểm sát tối cao vừa quyết định truy tố ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Hồi tháng 7 năm ngoái, ông Bình bị khởi tố bị can vì được xác định là liên đới về trách nhiệm trong vụ mua bán Ngân hàng Đại Tín, tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh đẩy VNCB đến chỗ thất thoát 9.000 tỉ đồng.
Ngoài ông Bình, Viện kiếm sát tối cao còn truy tố bốn viên chức khác của Ngân hàng Nhà nước vốn nằm trong nhóm giám sát hoạt động của VNCB với cùng tội danh.
Ngân hàng Nhà nước còn một ông Bình nữa – giữ vai trò Thống đốc – nhạc trưởng của các đợt "tái cơ cấu" hệ thống ngân hàng, tác giả của khối nợ xấu trị giá chừng 600.000 tỉ đồng vẫn bình an vô sự. Cựu Thống đốc Nguyễn Văn Bình giờ là Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban kinh tế của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên xét cho đến cùng, những Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình, Đặng Thanh Bình dường như chỉ là đồng phạm. Sẽ không có các đại án nếu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không được xác định là "trụ cột" của "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", được tạo điều kiện tối đa để hút kiệt toàn bộ nguồn lực quốc gia và phung phá. Sẽ không có các đại án nếu hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung được điều hành theo đúng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Khi kinh tế kế hoạch – nền tảng của chủ nghĩa xã hội hết hạn sử dụng trên toàn cầu, "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" được đem ra dùng như một phát kiến để vừa có thể gá nghĩa với kinh tế thị trường, vừa duy trì được thể chế chính trị theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Đó mới là chính phạm. Đó mới là… "La Mã" của các bi kịch.
Vở bi kịch mới nhất đang công diễn mang tên "Đốt lò" !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/03/2018
Chú thích :
(3) http://plo.vn/thoi-su/sau-khi-duoc-mua-lai-0-dong-ca-3-ngan-hang-van-lo-nang-735619.html
(4) https://nld.com.vn/kinh-te/mua-ngan-hang-0-dong-phai-xem-xet-lai-20171009204114707.htm
Giờ dường như tới lượt anh - Trương Minh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Ban tuyên giáo của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - được… tạo điều kiện để ngẫm nghĩ về thế thái, nhân tình.
Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn và bà Ann Lavin, Giám đốc Chính sách công và quan hệ chính phủ, Google khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong một cuộc gặp tại Hà Nội hôm 17/1/2018. (Ảnh : VietnamNet)
***
Anh Tuấn,
Không phải tự nhiên mà công chúng bàn luận rôm rả về chuyện tên anh đã có trong… "danh sách" và anh sắp… lên đường.
Nhìn lại những diễn tiến mới nhất liên quan đến vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG thì dường như Kết luận thanh tra mà Thanh tra chính phủ công bố tuần trước giống như một đợt bắn dọn đường cho cuộc tấn công vào cứ điểm do Bộ Thông tin và truyền thông trấn giữ.
Về nguyên tắc, anh – người chỉ huy cứ điểm – có quyền ra lệnh phản kích (giải trình, khiếu nại, thậm chí tố cáo, đòi bồi thường nếu có đủ bằng chứng cho thấy Thanh tra thiếu khách quan, lạm quyền, vi phạm pháp luật, theo Điều 57 của Luật Thanh tra). Cũng về nguyên tắc, khi anh đã ra lệnh, các đơn vị phải xông lên…
Thế nhưng cuộc phản kích bằng Thông cáo báo chí dày 30 trang mà anh tổ chức chỉ có rất ít đơn vị hưởng ứng, đa số cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức – vốn được đặt dưới quyền kiểm soát của anh vẫn ém kỹ. Tệ hơn nữa là những đơn vị đã xung phong theo lệnh của anh đột nhiên tháo lui, vừa nhanh, vừa sâu, bỏ anh và Bộ chỉ huy bơ vơ giữa… trận tiền. Điều chẳng ai ngờ cũng đã xảy ra, những đơn vị thiện chiến nhất giờ công khai "nối giáo cho… giặc", không chỉ quay súng bắn vào cứ điểm mà còn xác định anh chính là… bia.
Anh Tuấn,
Cổ nhân bảo "thời thế luận… anh hùng". Xứ mình vốn thiếu anh hùng theo đúng nghĩa của hai từ này nên lâu nay, thiên hạ nhìn thời thế để luận về những kẻ… sắp hoặc sẽ khốn cùng. Thiên hạ tin anh đã thất thế và hết thời.
***
Ai thất thế và hết thời mà lại không buồn, nhưng buồn nhiều và buồn lâu cũng chẳng đến đâu anh Tuấn ạ ! Cứ ngẫm cho kỹ thì đời một người như anh cũng chẳng đến nỗi nào. Học lực không khá, không thể cùng bạn bè vào các đại học nên 18 tuổi đăng lính, làm lính trơn mà chỉ hai năm sau đã tìm được một chỗ trong Trường Sĩ quan Chính trị, rõ ràng là anh hết sức tháo "vác". Từ Trường Sĩ quan Chính trị giành được một chân Giảng viên Triết học Mác Lênin trong Trường Sĩ quan Kỹ thuật Vũ khí – Đạn, rõ ràng là khả năng xoay sở của anh không tồi. Có mấy ai khéo dùng quân đội như anh - chỉ một năm sau khi giảng dạy Triết học Mác Lênin cho các sĩ quan tương lai đã có thể rũ bỏ áo lính, chuyển ngành về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên làm chuyên viên, một năm sau bỏ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên về làm Trưởng phòng Tuyên truyền và báo chí của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, năm sau nữa ra Hà Nội làm việc cho Ban Văn hóa tư tưởng của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam...
Thiên hạ chăm chăm dè bỉu đám Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Hoài Bảo… vươn lên nhờ cha mà quên anh – người đi theo hướng ngược lại. Sau vài thập niên "lao tâm, khổ tứ", vừa bò, vừa đi trên quan trường, lúc đã ngất ngưởng trên đầu thiên hạ, dù anh chưa giải mật về việc đã làm thế nào mà khiến đủ mọi giới, từ nghiên cứu học thuật, văn nghệ sĩ tới truyền thông xúm vào ca ngợi thân phụ của anh, song chừng đó đủ thấy, rõ ràng anh có nhiều chỗ hơn người.
Không có anh, làm sao con dân xứ này có thể biết ông Trương Minh Phương - thân phụ anh là ai. Không có anh thì hồi cuối tháng 12 năm 2016, làm gì có sự kiện Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Nhà xuất bản Văn học cùng phối hợp để tổ chức… "hội thảo khoa học" về thân phụ của anh.
Không có anh, làm sao "Hội thảo khoa học" đó được tất cả các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam tường thuật một cách trang trọng với mục tiêu duy nhất : "Khai tâm" cho hàng trăm triệu người Việt ngưỡng mộ và tự hào vì có một Trương Minh Phương từng viết nhạc, viết văn, viết kịch, làm thơ, nghiên cứu văn nghệ dân gian…
Không có anh, làm gì có những "Giáo sư", "Phó Giáo sư", "Tiến sĩ" như Hoàng Chương, Lê Ngọc Canh, Trần Trí Trắc, Đỗ Hoàng Quân… xưng tụng ông Trương Minh Phương là "thiên tài", người đã để lại "di sản nghệ thuật to lớn phong phú và đa dạng" với những "triết lý" được xem là "để đời" như : "Con voi xích được nhưng con người thì khó xích" ! "Không sợ mất gỗ, chỉ sợ mất bản chất tốt đẹp mà mình đã vun đắp bao năm" !...
Không có anh, làm gì có chuyện một người "đa tài" như cha anh, lúc còn sinh tiền chẳng ma nào biết và ngưỡng mộ, giờ được đủ mọi giới ở xứ này vinh danh, truy tặng giải "Đào Tấn" vì "những đóng góp xuất sắc cho nền âm nhạc, nền kịch nghệ Việt Nam", thậm chí còn đề nghị "Đảng và Nhà nước truy tặng Giải thưởng quốc gia về Văn học nghệ thuật" !
***
Anh Tuấn,
Đám đông nhiễu sự dự đoán số phận của anh rồi sẽ chẳng khác gì số phận của anh Đinh La Thăng, nhưng dường như nhận định đó chưa chính xác.
Lúc còn ngất ngưởng trên lưng voi, anh Thăng xử sự với giới truyền thông rất khéo chứ không khắc nghiệt và trịch thượng như anh. Tất nhiên "giậu đổ thì bìm leo" nhưng trong trường hợp của anh, sự nhập cuộc của dư luận và truyền thông chắc chắc không đơn thuần chỉ là thói đời, đó còn là thanh toán ân oán.
Là người có cơ hội gần gũi bác Trọng, ắt anh hiểu bác Trọng mơ gì và soi vào đâu để tìm đường biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Xét cả về bối cảnh, lẫn tính chất, "lò" bác Trọng "nhóm" năm ngoái có khác gì chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi" mà đồng chí Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc phát động cách nay sáu năm ?
Sau khi phát động chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi", đồng chí Tập Cận Bình đã từ vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, tiến tới kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ở xứ mình, "nhóm" xong "lò", các đồng chí trong Đảng đang xúm vào xiển dương "nhất thể hóa".
Từ 2012 tới giờ, Đảng cộng sản Trung Quốc đã đốn - chặt hàng chục ngàn đồng chí ở đủ mọi cấp, thuộc đủ mọi ngành, kể cả quân đội lẫn công an, chẳng may bị xác định là "tham quan, ô lại" hơn những đồng chí khác. Giờ mới rõ, chuyện đốn - chặt ấy không chỉ nhằm an dân. Rõ ràng đốn – chặt đã gieo rắc kinh hoàng và đẩy các đồng chí còn lại tới chỗ quy phục, thành ra mới rồi, có tới 2.964 đại biểu của Quốc hội Trung Quốc nhất trí "hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nhà nước", tạo điều kiện để đồng chí Tập Cận Bình – lẽ ra phải rời vị trí Chủ tịch nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2022 - có thể ở lại làm Chủ tịch nhà nước cho tới hết đời.
Tuy bác Trọng đã thảy vào "lò" những thanh củi rõ to, nhưng rõ ràng những "án tù có thời hạn" chưa làm dân chúng hả dạ, đồng chí, đồng đội chỉ mới hoảng, chứ chưa… "kinh". Tham chiếu con đường đồng chí Tập Cận Bình đã đi, cách thức Đảng cộng sản Trung Quốc đã thực hiện trong chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi", có lẽ người vận hành "lò" sẽ phải… "quyết liệt" hơn.
Anh Tuấn,
Thành kính phân ưu cùng anh !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/03/2018
"Giang hồ hung hiểm" là thành ngữ phổ biến trong giới du đãng vốn "vô pháp, vô thiên", thường xuyên gạt bỏ cả trật tự lẫn đạo lý theo lẽ thường, tôn sùng - thực thi triết lý "mạnh được, yếu thua" và "thắng làm vua, thua làm giặc".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73.
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, chẳng riêng "giang hồ" mà "quan trường" – nơi trật tự, đạo lý lẽ ra luôn phải bên trên, ở trước nhưng cuối cùng cũng… "hung hiểm" chẳng khác gì giang hồ !
***
Tội lỗi của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm công nghệ cao (C50) đang được báo giới phơi bày…
Bốn năm trước, VTC Online hợp tác với Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) để tổ chức đánh bạc trên Internet : Phía VTC Online cung cấp cổng vào một khu vực "giải trí" trên Internet và phần mềm vận hành khu vực này cho CNC. CNC dùng cổng và các phần mềm mà VTC Online chuyển giao để phát triển cờ bạc trực tuyến.
Ông Phan Sào Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị VTC Online đã ký với ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị CNC một hợp đồng, xác định sẽ phân chia lợi nhuận thu về từ chuyện tổ chức, điều hành hoạt động đánh bạc trên Internet theo tỉ lệ : VTC Online hưởng 60%, CNC hưởng 40%.
Sau đó, ông Dương ký riêng một hợp đồng với tướng Hóa, cam kết chia cho ông tướng đứng đầu lực lượng chống tội phạm công nghệ cao 20% số tiền mà CNC kiếm được từ sự "hợp tác" với VTC Online. Còn ông Nam thú nhận đã cho Cục trưởng C50 "mượn" một khoản tiền (hiện vẫn chưa rõ ông Nam cho mượn từ lúc nào, tổng số là bao nhiêu) và không có ý định… đòi lại. Theo logic, sự hào phóng của ông Nam tất nhiên cũng vì ông là một bên trong liên doanh tổ chức, điều hành mạng lưới cờ bạc trên Internet.
Tính tới khi mạng lưới đánh bạc trên Internet do VTC Online và CNC tổ chức và điều hành bị "lộ", "liên doanh" vừa kể đã thiết lập được 25 đại lý ở 13 tỉnh, thành phố của Việt Nam với hàng chục triệu tài khoản. Theo ước tính do "lực lượng bảo vệ pháp luật" của Việt Nam công bố, giá trị giao dịch của hoạt động cờ bạc mà VTC Online và CNC tổ chức, điều hành tối thiểu là 2.700 tỉ đồng (đây là mức mà "lực lượng bảo vệ pháp luật" của Việt Nam chứng minh được). Trong 2.700 tỉ đó "liên doanh" đã đổi và chuyển ra ngoại quốc tối thiểu 3,6 triệu Mỹ kim.
Cũng theo báo giới Việt Nam, "liên doanh" VTC Online và CNC tổ chức đánh bạc trên Internet từ 2014, đến 2016, Bộ Thông tin và truyền thông đã thu thập được một số chứng cứ và đề nghị Bộ Công an điều tra. Kết quả duy nhất từ đề nghị vừa kể là "liên doanh" bỏ cổng đang dùng vào lúc đó (Rikvip) để mở một… cổng mới (Tip.club) cho tới ngày hoạt động của "liên doanh" bị Công an tỉnh Phú Thọ phanh phui (1).
***
Chuyện liên doanh VTC Online và CNC được công an bảo kê để tổ chức, điều hành mạng lưới cờ bạc đã rộ lên trong dư luận và trên mạng xã hội từ cuối năm ngoái, sau khi Trung tướng Phan Văn Vĩnh – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng C50 cùng nghỉ hưu.
Tại một cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức hồi trung tuần tháng giêng năm nay, ba ông tướng từ một sao tới ba sao cùng xuất hiện để tăng thêm sức nặng cho việc bác bỏ tin đồn Trung tướng Vĩnh và Thiếu tướng Hóa có liên quan đến hoạt động của "liên doanh" VTC Online – CNC vì "vô căn cứ, thiếu cơ sở" (2).
Vào thời điểm ấy, trên hệ thống truyền thông chính thức còn xuất hiện những bài viết như : "Nửa ngày rau dưa với Trung tướng Phan Văn Vĩnh" (3), "Trung tướng Phan Văn Vĩnh : Chuyện của một người Anh hùng" (4),… nhằm "giải độc dư luận". Ngoài việc khắc họa tướng Vĩnh, tướng Hóa như hai nhân vật phi thường đang gặp nạn, những bài viết như thế trên Giáo Dục, An Ninh Thủ Đô,… còn miệt thị thiên hạ, gọi chung là "chúng nó" bởi bịa đặt, loan truyền những thông tin đầy ác ý.
Chưa tròn hai tháng tính từ ngày Bộ Công an tổ chức cuộc họp báo vừa kể thì Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo "điều tra mở rộng vụ án đánh bạc, lừa đảo, rửa tiền mà Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố" để "làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật" (5).
Ngay sau đó tướng Hóa bị khởi tố, bị tạm giam.
Tới lúc này, hệ thống truyền thông chính thức mới bu vào để bày ra, mổ xẻ tội lỗi của tướng Hóa, từ bảo kê cho liên doanh VTC Online – CNC tổ chức đánh bạc, tới xây dựng trái phép. Giữa lúc thân nhân ông tướng mới bị tống vào tù và chủ thầu đang vội vàng đập bỏ phần xây thêm ngoài phạm vi giấy phép, đại diện chính quyền phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, tuyên bố, biệt thự của ông tướng hết thời còn "vi phạm quy hoạch cùng một số sai phạm khác" nên "sau khi rà soát", các cơ quan hữu trách ở quận Nam Từ Liêm sẽ "xử lý dứt điểm toàn bộ vi phạm" (6). Có tờ báo còn cử phóng viên "điều tra" và nêu ra… nghi vấn, hồi còn cư trú ở Khu Tập thể Quận ủy Đống Đa, thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, ông tướng mới ngã ngựa từng… bị tố lấn chiếm vỉa hè (7).
***
Dẫu đã được dư luận xác định là "đồng hội, đồng thuyền" với tướng Hóa nhưng cho đến giờ, hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam chưa chĩa mũi dùi vào tướng Vĩnh. Có thể vì họ đang chờ… đèn xanh !
Khác với thiên hạ, ngoài hệ thống đèn điều khiển hoạt động giao thông, ở Việt Nam còn có hệ thống đèn điều khiển "sinh mạng chính trị" của quan chức. Hệ thống tư pháp tại Việt Nam không có cả thẩm quyền lẫn chức năng vận hành hệ thống đèn điều khiển "sinh mạng chính trị" của quan chức. Chúng nằm trong tay Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Với một số cá nhân như ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thì hệ thống đèn điều khiển "sinh mạng chính trị" luôn xanh...
Một số trường hợp thì đèn chuyển từ xanh sang vàng rồi… thôi, như đã từng xảy ra đối với ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư thành phố Đà Nẵng, ông Phạm Văn Vọng – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Lê Phước Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, hoặc ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Công Thương.
Cũng đã có vài trường hợp, hệ thống đèn điều khiển "sinh mạng chính trị" của quan chức chuyển từ xanh sang vàng, sau đó trở thành đỏ như đã từng xảy ra với ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc mới xảy ra với tướng Nguyễn Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, có cả những trường trường hợp đèn chuyển từ xanh sang vàng rồi đột nhiên… xanh trở lại, chẳng hạn như ông Phạm Sỹ Quý, sau hàng loạt sai phạm nghiêm trọng và dù không thể thuyết minh rành mạch về phương thức thủ đắc khối tài sản khổng lồ mai ai cũng có thể đoán từ đâu mà ra, vẫn chỉ phải thôi làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái để chuyển qua làm… Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh này !
Không cần soát xét kỹ lưỡng cũng có thể thấy, tại Việt Nam, việc xử lý những quan chức phạm pháp dường như không theo logic đã được xác lập tại hệ thống pháp luật hiện hành mà phụ thuộc vào tâm ý của người hoặc nhóm đang nắm giữ hệ thống đèn điều khiển "sinh mạng chính trị" của quan chức. Bảo việc cảnh cáo "ông" này, cách chức "ông" kia, tống "ông" nọ vào khám là nghiêm minh dường như hơi… quá !
"Lò" mà Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã "nhóm" và đang vận hành rõ ràng sẽ khiến nhiều quan chức run, sợ. Đó cũng là lý do tại sao "quan trường hung hiểm" chẳng khác… giang hồ.
***
Sáu năm trước, hàng trăm triệu người Trung Quốc công khai bày tỏ sự hoan hỉ của họ khi ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc thực hiện chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi" và thề "chống tham nhũng không màng sống chết cá nhân". Hơn một triệu viên chức thuộc đủ mọi cấp của hệ thống công quyền Trung Quốc đã bị xử lý theo nhiều hình thức khác nhau.
Từ vị trí Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Bình được giao kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Cuối tuần vừa qua, Quốc hội Trung Quốc biểu quyết về giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Thay vì phải thôi làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 2022 bởi đã ngồi tại đó đủ hai nhiệm kỳ thì có tới 2.964 đại biểu của Quốc hội Trung Quốc, nhất trí "hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước", tạo điều kiện để ông Bình - nhân vật đề ra cam kết "tứ toàn" (Xây dựng kinh tế xã hội thịnh vượng toàn diện. Cải tổ xã hội sâu sắc toàn diện. Thực hiện Nhà nước pháp quyền toàn diện. Thực thi kỷ cương Đảng toàn diện) có thể làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho tới hết đời. Chỉ có hai đại biểu phản đối "hủy giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch Nhà nước" và ba đại biểu bỏ phiếu trắng !
Chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi" và thề "chống tham nhũng không màng sống chết cá nhân" ở Trung Quốc đã tạo ra một "hào kiệt". "Hào kiệt" ấy giờ có thể "trường trị" như Mao Trạch Đông, hoặc Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật của Bắc Hàn
Đừng coi thường người và nhóm vận hành hệ thống đèn điều khiển "sinh mạng chính trị" của quan chức.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/03/2018
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/he-lo-hop-dong-bao-ke-danh-bac-ngan-ti-cua-tuong-cong-an-20180313081622222.htm
(2) http://plo.vn/thoi-su/bo-cong-an-noi-ve-tin-don-bat-trung-tuong-phan-van-vinh-750841.html
(3) http://thoibao.today/paper/nua-ngay-rau-dua-voi-trung-tuong-phan-van-vinh-2743588
(7) http://www.nguoiduatin.vn/nha-ong-nguyen-thanh-hoa-o-tung-bi-to-lan-chiem-via-he-a362110.html
Liệu có quá đáng không khi nhận định, không phải Đảng, cũng chẳng phải Quốc hội, Nhà nước, chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang điều hành quốc gia mà chính là âm binh ?
Mobifone mua 95% cổ phần của AVG
Cách nay hai năm, câu chuyện Mobifone (doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Thông tin và truyền thông) mua 95% cổ phần của AVG (An Viên Group – tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông) từng bị mổ xẻ qua hàng loạt bài viết được đăng trên nhiều trang web, diễn đàn điện tử vẫn được hệ thống công quyền Việt Nam xếp vào loại "thù địch, phản động".
Theo những bài viết ấy thì cô Nguyễn Thanh Phượng (ái nữ của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam từ 2006 đến 2016) và các thân hữu đã tìm nhiều cách để rút ruột Mobifone…
Lúc đầu (2012), cô Phượng và các thân hữu dự trù mua Gtel (một tập đoàn viễn thông đã đầu tư 450 triệu Mỹ kim vào hạ tầng mạng viễn thông nhưng đang thua lỗ) với giá 50 triệu Mỹ kim rồi nâng giá trị của Gtel lên 500 triệu Mỹ kim. Sau đó, Mobifone sẽ hỏi mua Gtel và qua vụ sát nhập này, nhóm chủ Gtel đương nhiên sẽ sở hữu 20% cổ phần của Mobifone (tổng giá trị tài sản khoảng hai tỉ Mỹ kim). Bước tiếp theo, nhóm Gtel sẽ góp thêm vốn vào Mobifone để phát triển mạng 4G – nâng tỉ lệ cổ phần lên 30%. Bởi Mobifone đã có kế hoạch sẽ phát hành rộng rãi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, theo tác giả của những bài viết vừa kể, do giá trị IPO (Initial Public Offering – lần phát hành đầu tiên) của Mobifone được ước đoán khoảng 10 tỉ Mỹ kim, nhóm cô Phượng và thân hữu sẽ bán sạch số cổ phiếu Mobifone mà họ nắm giữ cho giới đầu tư ngoại quốc và thu về chừng… ba tỉ Mỹ kim.
Tuy nhiên kế hoạch vừa kể bất thành vì ông Lê Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng thành viên của Mobifone thời điểm đó – kháng cự quyết liệt. Trong tình huống chẳng còn gì để sợ, ông Minh – người bị ung thư giai đoạn cuối – đã gửi hồ sơ cho nhiều nơi, nhiều người, tố cáo những điểm bất minh của dự tính sát nhập Gtel vào Mobifone.
Giờ chót, kế hoạch đem Gtel sát nhập với Mobifone bị hủy.
Các tác giả của những bài viết mổ xẻ thương vụ Mobifone mua AVG cách nay hai năm bảo rằng, thất bại trong việc đem Gtel gắn vào Mobifone không làm cô Phượng và các thân hữu nản lòng. Họ đã tìm được một con đường khác. Con đường mới với sự hợp tác toàn diện của ông Lê Nam Trà – người được Bộ Thông tin Truyền thông bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Mobifone – là chuyển qua mua AVG nhằm "phát triển lĩnh vực truyền hình" (1)…
Có một điểm cần lưu ý là hai năm trước, không ai có thể kiểm chứng về tính chính xác, mức độ trung thực của những bài viết mổ xẻ thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG mà nhiều trang web, diễn đàn điện tử từng đăng tải. Chỉ có thể xếp những bài viết ấy vào dạng tham khảo, chờ thêm thông tin, dữ liệu để đối chiếu.
***
Tuy vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG trở thành scandal, râm ran trong dư luận từ đầu năm 2016 nhưng đến bây giờ, Thanh tra chính phủ Việt Nam mới công khai xác nhận thương vụ này có "nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng" và đề nghị công an Việt Nam "khởi tố để điều tra".
Đáng lưu ý, diễn tiến, những tình tiết liên quan tới các "sai phạm" mà Thanh tra chính phủ Việt Nam mới xác định là "đặc biệt nghiêm trọng" và nhận định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG không hề… mới. Chúng đã được nhiều trang web, diễn đàn điện tử bị xếp vào loại "thù địch, phản động" nêu ra từ… hai năm trước ! Khác biệt duy nhất giữa kiến nghị mà Thanh tra chính phủ Việt Nam mới công bố với nội dung những bài viết mổ xẻ thương vụ Mobifone mua AVG hồi 2016 chỉ nằm ở chỗ kiến nghị không đề cập đến cô Phượng và một số cá nhân mà tác giả các bài viết mổ xẻ thương vụ ấy cáo buộc là thân hữu của cô…
Tính một cách rộng rãi (chưa định giá lại những khoản mà AVG đã đầu tư ngoài lĩnh vực viễn thông, truyền thông) thì vào cuối tháng 3 năm 2015, tổng giá trị tài sản của AVG chỉ chừng 1.983 tỉ đồng, dẫu tình hình tài chính của AVG "rất xấu" nhưng Mobifone đã đồng ý trả tới 8.890 tỉ đồng để sở hữu 95% cổ phần của AVG và sở hữu cả… trách nhiệm thanh toán khoản 1.134 tỉ đồng mà AVG đang nợ thiên hạ. Thanh tra chính phủ Việt Nam ước đoán, thiệt hại tối thiểu mà thương vụ này gây ra cho công quỹ khoảng 7.000 tỉ đồng.
Ngoài việc xác định Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính - Kế toán của Mobifone phải thu hồi 1,5 tỉ đồng đã chi cho hai công ty AMAX và VCBS để… tư vấn thực hiện thương vụ này, Thanh tra chính phủ Việt Nam nhận định thêm là việc "lựa chọn tư vấn để xác định giá trị của AVG, tư vấn mua bán, sát nhập doanh nghiệp" rồi "nghiệm thu, lập dự án, trình – phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình" có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "cố ý làm trái".
Cũng theo Thanh tra chính phủ Việt Nam thì có tới bốn… bộ tham gia trợ giúp để thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG thành công.
Bộ Thông tin và truyền thông chấp nhận "báo cáo" của AVG : Dự tính bán cho "nhà đầu tư ngoại quốc" với giá 700 triệu Mỹ kim, không hề thẩm tra về mức độ chính xác của "báo cáo" mà AVG đệ trình đã tạo điều kiện cho Mobifone dễ dàng mua hớ. Bộ này còn khẳng định Dự án đầu tư của Mobifone vào lĩnh vực truyền hình (mua 95% cổ phần của AVG) "đảm bảo hiệu quả kinh tế". Cho dù Thủ tướng chưa phê duyệt "chủ trương đầu tư" nhưng Bộ Thông tin và truyền thông vẫn ban hành "Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone", trong đó cho phép Mobifone mua cả hai dự án đầu tư ngoài lĩnh vực viễn thông, truyền thông của AVG (giá nhận chuyển nhượng dự án Công ty Giống tằm Mai Lĩnh cao gấp 17 lần mệnh giá cổ phần, giá nhận chuyển nhượng dự án Công ty An Viên B.P – khai thác bauxite – cao gấp 12 lần mệnh giá cổ phần).
Để ngăn chặn "kẻ xấu" dòm ngó, kích động, Bộ Thông tin và truyền thông đã đề nghị Bộ Công an cho nhiều ý kiến về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Dù ngoài phạm vi trách nhiệm nhưng Bộ Công an vẫn tỏ ra hết sức nhiệt tình, xếp thương vụ này vào loại "Mật", sau đó liên tục "cho ý kiến" khi Bộ Thông tin và truyền thông thỉnh thị về… chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục đầu tư, giá mua cổ phần, hiệu quả đầu tư – những nội dung chưa bao giờ thuộc thẩm quyền của ngành công an !
Khi lược thuật kiến nghị của Thanh tra chính phủ Việt Nam, tờ Tuổi Trẻ trích dẫn một chi tiết hết sức đáng giá, trong quá trình thanh tra.
Mobifone, cơ quan thanh tra đã soạn văn bản đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông xem xét giải mật thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG theo thẩm quyền mà pháp luật đã quy định nhưng bộ này không đáp ứng mà chỉ… "đề nghị Thanh tra chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng" (2) !
Tương tự, Bộ Kế hoạch và đầu tư (cơ quan đảm nhận vai trò thẩm định các chủ trương đầu tư tầm vóc quốc gia) không những làm ngơ để Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Công an làm thay phần việc của mình mà còn hợp thức hóa chuỗi hoạt động phi pháp ấy bằng đề nghị Thủ tướng "chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển truyền hình của Mobifone". Khi thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG đã được ký kết, thương vụ này bắt đầu bị mổ xẻ trên mạng xã hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư mới "đề nghị dừng thực hiện dự án" vì có nhiều rủi ro (ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cổ phần hóa, giảm giá trị cổ phiếu Mobifone, giảm nguồn thu của Nhà nước…).
Bộ Tài chính (cơ quan đảm nhận vai trò quản lý trong lĩnh vực tài chính, kiểm soát cổ phần hóa) cũng hành xử giống y như vậy. Tuy công khai bày tỏ lo ngại về hiệu quả nhưng vẫn "thống nhất với đề xuất của Bộ Thông tin và truyền thông về chủ trương đầu tư dự án phát triển truyền hình của Mobifone".
***
Liệu có quá đáng không khi nhận định, không phải Đảng, cũng chẳng phải Quốc hội, Nhà nước, chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang điều hành quốc gia mà chính là âm binh – những thế lực đen tối – đang giựt dây cho nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chuyển động theo ý của chúng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 16/03/2018
Chú thích :
(1) https://danlambaovn.blogspot.com/2016/02/le-nam-tra-va-ai-tham-nhung-o-mobifone.html
(2) https://tuoitre.vn/thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-khoi-to-vu-mobifone-mua-avg-20180314180939763.ht