Người Việt đang tận mắt mục kích chuyện “dối Trời, lừa dân, đủ muôn ngàn kế…” mà Nguyễn Trãi từng khái quát trong Bình Ngô Đại cáo cách nay 589 năm, đang diễn ra hàng ngày trên xứ sở của mình.
Một cảnh sát cúi lạy dân làng Đồng Tâm khi được thả ra ngày 22 tháng Tư.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, công nhiên dối lừa trở thành một kiểu... tấu hài đỏ khiến thiên hạ ngao ngán nhưng không thể làm gì khác nên đành cười trừ !
***
Cuối cùng thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Cuộc thanh tra được thực hiện nhằm đáp ứng đòi hỏi của công chúng : Xác định trách nhiệm của những cá nhân đã đẩy dân chúng xã Đồng Tâm đến chỗ nổi loạn hồi trung tuần tháng 4 vừa qua (bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương, rào làng tử thủ suốt một tuần bởi hệ thống công quyền không những làm ngơ trước các khiếu nại về sự bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất mà còn dùng vũ lực để trấn áp họ).
Theo những gì cụ Lê Đình Kính - người được xem như thủ lĩnh của dân chúng xã Đồng Tâm - từng kể trong một video clip được đưa lên You Tube thì dân chúng xã Đồng Tâm chịu rất nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường.
Thập niên 1960, chính quyền Việt Nam thu hồi 300 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để xây dựng trường bắn Miếu Môn. Đến thập niên 1980, chính quyền Việt Nam quyết định thu hồi thêm 54 héc ta đất nữa để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Sau đó, phi trường quân sự Miếu Môn chỉ xuất hiện trên giấy.
Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó cho đến năm 2007 thì giao lại cho chính quyền địa phương 6,78 héc ta trong số 54 héc ta đã trưng dụng, chỉ giữ lại 47,3 héc ta.
Bởi thửa đất 6,78 héc ta mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho một số cá nhân vốn chỉ bị trưng dụng vài trăm mét vuông nhưng được nhận lại tới… vài chục ngàn mét vuông và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và “thu hồi” 6,78 héc ta thêm một lần nữa với lý do đó là “đất quốc phòng”. Lần này, 6,78 héc ta “đất quốc phòng” được giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện “công trình quốc phòng”.
Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc như : Tại sao lại xác định 6,78 héc ta đã hoàn trả là “đất quốc phòng” ? Nếu 6,78 héc ta đất này là “đất quốc phòng”, tại sao Bộ Quốc phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “thu hồi” ?... thì chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế”. Hồi trung tuần tháng 10 năm 2016, khoảng 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội phải thối lui, bỏ dở kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất.
Đến trung tuần tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và bốn người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bắt cả năm. Thay vì tiếp tục khiếu nại xin cứu xét, dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn.
Không thể dùng “bạo lực cách mạng” bởi vụ nổi loạn ở Đồng Tâm được “cả nước trông vào”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết : Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.
***
Hai tháng sau khi vụ nổi loạn ở Đồng Tâm kết thúc, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4.
Quyết định khởi tố hai vụ án khiến dân chúng Việt Nam chưng hửng ! Một số viên chức hữu trách bắt đầu giải thích , Chủ tịch thành phố Hà Nội (đại diện cho hành pháp), không có quyền giải trừ trách nhiệm hình sự cho những cá nhân vi phạm pháp luật vốn thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp.
Về lý, điều đó không sai nhưng với bối cảnh và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, không ai tin rằng ông Chung tự tiện tìm tới thương lượng và đưa ra ba cam kết như đã kể với dân chúng xã Đồng Tâm. Thương lượng và cam kết dứt khoát phải là chủ trương của giới lãnh đạo Đảng mà giới này thì có đủ thẩm quyền quyết định mọi thứ, kể cả có cần tuân theo pháp luật hay không ! Nhiều người, trong đó có cả những viên chức cao cấp đã nghỉ hưu nhận định, quyết định khởi tố hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4 là ngu xuẩn.
Cho đến nay, công an thành phố Hà Nội chưa xác định hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4 có bao nhiêu bị can. Chỉ có thể đoan chắc, nếu công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng tuyên bố “sẽ điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” số dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý sẽ lên tới hàng trăm chứ không chỉ là năm như hồi trung tuần tháng 4 !
Song song với quyết định khởi tố hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố sẽ đưa 14 viên chức địa phương (bốn viên chức huyện Mỹ Đức và 10 viên chức xã Đồng Tâm) ra xử vào giữa tháng này vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa việc lấn chiếm đất cho một số cá nhân, gia đình tại xã Đồng Tâm).
Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Tuy đây chỉ là “dự thảo” nhưng qua việc công bố rộng rãi dự thảo này, 99% dự thảo sẽ trở thành kết luận chính thức.
Theo dự thảo thì diện tích thực tế của phi trường quân sự Miếu Môn là 236,9 héc ta. Trong 236,9 héc ta được xem là “đất quốc phòng” có 64,11 héc ta thuộc xã Đồng Tâm. Nếu so với quyết định đã được phê duyệt năm 1980 thì hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm. Chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi được xem là... thiếu sót.
Cũng theo dự thảo thì sở dĩ có “một số gia đình ăn ở trên đất quốc phòng từ năm 1980 đến nay” là vì các đơn vị quân đội “buông lỏng quản lý đất quốc phòng”. Việc một số người dân ở xã Đồng Tâm tự ý tổ chức đo đạc, phân lô, xây dựng trên phần đất mà Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) muốn thực hiện “dự án quốc phòng” được xác định là hành vi chiếm “đất quốc phòng”, coi thường luật pháp.
Nói cách khác, theo dự thảo, kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.
Giờ thì đã có thể xác định, chuỗi hành động liên quan tới việc giải quyết hậu quả vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là một kịch bản với nhiều lớp.
Lớp đầu làm tê liệt ý chí phản kháng của dân chúng xã Đồng Tâm. Quyết định khởi tố hai “vụ án” đang chờ để biến bất kỳ ai muốn chống đối dự thảo kết luận thanh tra sẽ công bố sau đó trở thành bị can ngay lập tức.
Lớp thứ hai, loan báo việc truy tố 14 viên chức địa phương nhằm minh họa cho sự “công tâm”. Việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn đúng như Chủ tịch thành phố Hà Nội từng cam kết là sẽ đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật” !
Lớp thứ ba, công bố Dự thảo Kết luận thanh tra để hạ màn : Khẳng định cưỡng chế - thu hồi đất ở Đồng Tâm là đúng vì đó là “đất quốc phòng”. Dân chúng xã Đồng Tâm đã “tố láo, cáo điêu”, đòi thứ không phải của mình. Cũng do vậy, nổi loạn trở thành không thể chấp nhận vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu chính quyền có xử lý thì đó là cần phải giữ sự nghiêm minh, còn chính quyền bỏ qua, miễn trừ trách nhiệm hình sự thì đó là “khoan hồng, nhân đạo” với những công dân “thiếu hiểu biết về pháp luật”, bị “kẻ xấu lợi dụng, kích động”. Với những yếu tố như vậy, cam kết điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình của Chủ tịch thành phố Hà Nội đương nhiên là không cần thực hiện nữa.
***
Phát biểu sau khi Thanh tra thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Chủ tịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh, phải “thượng tôn pháp luật”.
Tuy nhiên chính Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức lại cho thấy luật pháp hiện hành tại Việt Nam cũng chỉ có giá trị như... ba cam kết của chính ông Chung hồi trung tuần tháng 4 với dân chúng xã Đồng Tâm.
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao không làm rõ và truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã thu hồi lố, giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 30 héc ta đất ở xã Đồng Tâm ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại nghiễm nhiên chấp nhận 30 héc ta nằm ngoài quyết định thu hồi được ban hành ầu thập niên 1980 là “đất quốc phòng” ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại chấp nhận chuyện Bộ Quốc phòng bỏ hoang 236,9 héc ta, không truy cứu trách nhiệm việc lập dự án để chiếm dụng 236,9 héc ta đó suốt 36 năm ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao không kiểm tra, đối chiếu và công bố ai là người phải chịu trách nhiệm trong việc đề ra chủ trương và thực hiện “phát canh, thu tô” trên “đất quốc phòng”, số tiền đó đã dùng vào việc gì ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại chấp nhận việc giao “đất quốc phòng” cho Viettel. Dẫu thuộc quân đội nhưng xét về bản chất, Viettel vẫn là một doanh nghiệp, pháp luật hiện hành có bất kỳ qui định nào cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân dành riêng cho quốc phòng làm phương tiện kiếm tiền ?
Ông Chung có thấy những điểm phi lý đó không ? Chắc là có. Thậm chí vì thấy rất rõ nên chính ông chủ động chặn đầu thiên hạ : “Trên thế giới tất cả đất thuộc về an ninh quốc phòng”. Ông Chung còn khẳng định bằng câu hỏi : “Tại sao nước Mỹ để trống cả một bang cho quốc phòng ?”. Cũng theo lời của ông Chung, không ai có quyền thắc mắc quân đội dùng “đất quốc phòng” vào chuyện gì. Tất cả các thắc mắc loại đó đều bị ông Chung xếp vào loại “cùn” !
Dường như để hỗ trợ ông Chung, ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lập tức đến thăm Viettel và tuyên bố, phải phấn đấu để có nhiều Viettel nữa bởi “điều đó chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn”. Vài ngày sau, ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, khẳng định thêm rằng : “Muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ”.
Cách nay hai tuần, trước sự chỉ trích kịch liệt về chuyện quân đội cương quyết giữ 157 héc ta “đất quốc phòng” ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, ông Lê Chiêm, một Thứ trưởng khác của Bộ Quốc phòng, từng khẳng định : “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa để tập trung toàn lực xây dựng quân đội vững mạnh”. Tuyên bố của ông Chiêm khiến cả triệu người đang phẫn nộ vung tay hoan hô.
Giờ, sau khi các chỉ trích đã xẹp xuống, tới lượt ông Lịch, ông Vịnh bước ra sân khấu “nói lại cho rõ”.
***
Nếu bạn tưởng ông Chung là nhân vật chính quyết định mọi vấn đề liên quan tới sự kiện Đồng Tâm rồi khen hay chê ông ta thì dường như bạn thuộc loại “cùn”. Nếu bạn tưởng các ông tướng quân đội sẽ từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi để dành toàn bộ công sức, thời gian cho chuyện “bảo quốc, an dân”, có lẽ bạn còn… “cùn” hơn.
Cần nhớ thế này, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh mới “bén”, tất cả chúng ta đều “cùn”. Tôi cũng “cùn” nhưng tôi không buồn. Trừ các đồng chí đang tham gia lãnh đạo “Đảng ta” một cách “tài tình, sáng suốt”, đố… cha “thằng” nào trong số 7 tỉ “thằng” đang sống trên thế giới này tìm ra một thế giới khác trên trái đất này mà “toàn bộ đất đai đều thuộc an ninh, quốc phòng”. Tương tự, đố cha “thằng” nào trong số hơn 300 triệu “thằng” đang là công dân Mỹ, kể cả tổng thống Mỹ tìm ra bang nào ở Mỹ mà “toàn bang bỏ trống để dành cho quốc phòng”.
Thành thật xin lỗi bạn. Ăn nói như vừa kể rõ ràng là quá bỗ bã, không “nhã” nhưng đôi khi phải nói năng một cách… “bình dân” thì mới có thể diễn tả gần đúng cảm xúc sau khi phải xem... tấu hài đỏ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 11/07/2017