Thanh tra của chính phủ vừa giới thiệu thêm về diện mạo của một nghị định mà cơ quan này đang ráo riết soạn thảo nhằm gia tăng khả năng "kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị". Theo Thanh tra của chính phủ, sau khi thu thập góp ý, họ sẽ chỉnh lý để trình Thủ tướng ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện Luật Phòng – chống tham nhũng mới (1).
Khu biệt phủ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý - nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, tỉnh Yên Bái - Ảnh : NAM TRẦN
Đến giờ, Luật Phòng – chống tham nhũng mới đã hết… mới. Tuy được Quốc hội bỏ phiếu thông qua từ tháng 11 năm 2018 nhưng nay vẫn còn để đó vì thiếu nghị định… hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên xét cho đến cùng, phòng – chống tham những mà các đạo luật mới, nghị định mới vẫn bảo vệ những viên chức giàu có "nứt đố, đổ vách" thì soạn thảo - quảng bá các biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập chẳng khác gì… tấu hài ?
***
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ gợi ý và giúp đỡ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" theo tinh thần Công ước Chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention against Corruption – UNCAC) để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất minh : Những viên chức có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản đều bị xem là phạm tội "làm giàu bất chính", sẽ bị điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự (2).
Tuy nhiên Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới năm 2015, rồi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015 vào năm 2017. Đó cũng là lý do những viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, kể cả những viên chức là lãnh đạo các cơ quan đảm trách vai trò tiên phong trong công cuộc phòng – chống tham nhũng như ông Ngô Văn Khánh (Phó Tổng Thanh tra của chính phủ) vẫn vô sự nếu… "kê khai trung thực" !
Năm 2014, sau khi tờ khai tài sản của ông Khánh bị "kẻ xấu" tiết lộ (sở hữu hai biệt thự tại Hà Nội, 1.800 mét vuông đất ở dự án Mê Linh, 104.000 cổ phần của Ngân hàng Quân đội, 27.900 cổ phần của Ngân hàng Nam Á, 18.500 cổ phần của Ngân hàng Đông Á, 200.000 cổ phần của Ngân hàng Liên Việt, 100.000 cổ phần của Xi măng Công Thanh, 50.000 cổ phần của Công ty Thiết bị Bưu điện, chưa kể sở hữu lượng trái phiếu trị giá 425 triệu đồng và là chủ một tài khoản có 7,18 tỉ đồng tại VIB) (3), các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ truy tìm… "kẻ xấu". Vì giàu có bất minh không phải là chuyện cần xem xét, ông Khánh tiếp tục lãnh đạo lực lượng chống tham nhũng cho đến lúc nghỉ hưu (2018).
Sau khi sửa Luật Hình sự, Việt Nam tiếp tục sửa Luật Phòng – chống tham nhũng. Bộ phận soạn thảo Luật Phòng – chống tham nhũng mới, tiếp tục đưa ra một số giải pháp để giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (hoặc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, hoặc giao cho Tòa án quyết định, hoặc tịch thu sung công, hoặc định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị,…) nhưng không có giải pháp nào được chấp nhận.
Tháng 9 năm 2018, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam - một trong những nhân vật chịu trách nhiệm giám sát việc soạn thảo Luật Phòng – Chống tham nhũng mới, than rằng, bộ phận soạn thảo luật mới đã đề ra sáu giải pháp để xử lý những tài sản, thu nhập mà các viên chức giàu có bất minh không thể giải trình về nguồn gốc. Tuy bốn đã bị gạt bỏ chỉ còn hai nhưng cả hai vẫn "không đáp ứng yêu cầu không gây xáo trộn, không tác động tới ai mà vẫn bảo đảm chống được tham nhũng" (4) !
Ngày 20 tháng 11 năm 2018, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Dự luật sửa Luật Phòng – Chống tham nhũng. Luật Phòng – Chống tham nhũng mới vẽ vời đủ thứ nhưng không có bất kỳ qui định nào về xử lý tài sản, thu nhập mà các viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (5). Trong ba năm được Quốc hội nâng lên đặt xuống rồi xin ý kiến Bộ Chính trị, cả sáu giải pháp mà nhóm soạn thảo đề nghị để xử lý những viên chức giàu có bất minh lần lượt được vứt hết vào sọt rác !
***
Tham nhũng không phải là vấn nạn mới và không chỉ là vấn nạn của riêng Việt Nam. Cũng vì vậy, ngăn ngừa – tiêu diệt tham nhũng là một trong những nỗ lực có tính chất toàn cầu nên mới có UNCAC. Nhìn một cách tổng quát, UNCAC giống như đại lộ để thiên hạ hợp lực ngăn ngừa – diệt trừ tham nhũng nhưng "đảng ta" không ưng chuyện đồng hành với thiên hạ trên đại lộ này. "Đảng ta" thích dùng lối riêng và dẫn dắt công cuộc phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam đi theo lối riêng vốn rất… nhỏ ấy !
Cuối năm 2017, Quốc hội Việt Nam từng công bố một ước đoán, trong mười năm, từ 2006 đến 2016, tham nhũng gây ra thiệt hại khoảng 60.000 tỉ nhưng chỉ thu hồi được khoảng 4.500 tỉ (6). Do vậy, sau khi Việt Nam từ chối hình sự hóa "làm giàu bất chính", người ta hy vọng khi sửa Luật Phòng – chống tham nhũng, Việt Nam sẽ đặt định giải pháp để xử lý những viên chức giàu có bất minh nhưng cuối cùng, Quốc hội rồi Bộ Chính trị dứt khoát lắc đầu.
Đã cam kết không đặt ra "vùng cấm", không chấp nhận "ngoại lệ" trong phòng - chống tham nhũng thì tại sao lại từ chối công bố tờ khai tài sản của những viên chức nằm trong diện phải kê khai tài sản giống như trước nay thiên hạ vẫn làm ? Ngay cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước vốn vẫn được ca ngợi như tướng tiên phong phòng – chống tham nhũng cũng liên tục biện bác việc công bố các tờ khai tài sản này là "khó" vì "nhạy cảm" (6) thì làm sao "đảng ta" có thể… "tự chỉnh đốn" ?
Đã không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào cả về hình sự lẫn dân sự để xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, khăng khăng đòi xử lý những tài sản, thu nhập có nguồn gốc bất minh của các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải "không gây xáo trộn, không tác động tới ai" thì sửa luật, soạn nghị định làm gì cho tốn tiền, mất thời gian ?
***
Năm 2016, Bản Kê khai tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch thành phố Đà Nẵng bị tiết lộ, dư luận rúng động khi biết ông là chủ một biệt thự 300 mét vuông, bốn thửa đất có diện tích từ 150 mét vuông đến 1.021 mét vuông ở trung tâm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, chưa kể ông còn sở hữu một trại nuôi tôm diện tích 1,5 héc ta, đồng sở hữu một cánh rừng, bốn cơ sở sản xuất kinh doanh và một khối lượng lớn cổ phiếu của Công ty Dana – Ý...
Ông Thơ không thèm giải thích vì sao ông giàu mà chỉ khăng khăng đòi truy tìm "kẻ xấu" đã hãm hại ông. Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng cũng vậy, không ai bận tâm tại sao ông Thơ giàu có bất thường mà chỉ yêu cầu điều tra vì sao Bản Kê khai tài sản của ông Thơ "bị lọt ra ngoài" (7). Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng tư duy – hành xử hệt như thế, thành ra đến giờ, ông Thơ vẫn là Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
Nếu không ưa đại lộ, chủ động đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT trong tuyển dụng - bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát, hợp tác đa quốc gia để cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu (8),... chỉ quyết tâm theo… lối nhỏ, khuyến khích "công bộc" giúp vui cho công chúng bằng những giải thích kiểu như, khối tài sản khổng lồ mà họ thủ đắc là nhờ "thừa kế", nhờ "làm vườn đến thối móng tay", nhờ "chạy xe ôm", nhờ "bện chổi đót",… thì nên thôi soạn – giới thiệu các dự luật, nghị định nhằm biểu diễn quyết tâm phòng – chống tham nhũng.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.nguoiduatin.vn/sap-toi-cong-chuc-nao-phai-ke-khai-tai-san-thu-nhap-hang-nam-a465387.html
(2) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm