Khẩu trang lột trần thân phận thảm thương
Trân Văn, VOA, 04/03/2020
Khẩu trang vốn là vật được dùng để che chắn mũi, miệng, ngăn ngừa những yếu tố ngoại lai xâm nhập gây nguy hại cho cơ thể. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID–19 gây ra, bùng phát đe dọa cộng đồng, một số scandal liên quan đến khẩu trang lại lột trần thân phận con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…
Từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID–19 gây ra, bùng phát đe dọa cộng đồng, một số scandal liên quan đến khẩu trang lại lột trần thân phận con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa…
***
Ông N.H.T – giáo viên tiếng Anh của trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân tọa lạc tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau - vừa phải "cúi đầu nhận tội" vì "vi phạm chủ trương, chính sách về khẩu trang" : "Bán khẩu trang không đúng giá qui định" ! Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì ngày 2 tháng 2, ông T. đưa con từ Đầm Dơi đến thành phố Cà Mau học. Trên đường về, ông được một người bán hàng rong mời mua khẩu trang. Bởi khẩu trang là mặt hàng càng ngày càng khan hiếm, ông T bỏ ra 260.000 mua hai hộp khẩu trang...
Đến trường, khi nghe học trò than rằng không thể tìm được khẩu trang, ông T. quyết định chia lại một ít khẩu trang đã mua cho những đứa trẻ cần chúng với giá 3.000 đồng/cái. Con gái ông T cũng chia lại cho hai người hai cái khẩu trang mà cha cô đã mua với giá 4.000 đồng/cái.
Thế rồi chính quyền huyện Đầm Dơi ra lệnh cho Phòng Giáo dục và đào tạo phối hợp với Quản lý thị trườn… điều tra việc ông T… "bán khẩu trang không đúng giá qui định". Sau khi Quản lý thị trường huyện lập biên bản, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi đã ra lệnh cho trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân thành lập Hội đồng Kỷ luật để kiểm điểm ông T !
Đem 130.000 (giá một hộp khẩu trang mà ông T đã mua) chia cho 50 (số lượng khẩu trang/hộp) thì giá mỗi khẩu trang là 2.600 đồng. Chia lại cho học sinh với giá 3.000 đồng/cái, ông T. lời… 400 đồng/cái. Tuy Việt Nam chưa thu hồi giấy bạc mệnh giá 200 đồng nhưng đó là của hiếm vì không ai dùng. Nếu lấy đúng giá vốn (2.600 đồng/cái), ông T. sẽ không có tiền thối và có lẽ chẳng đứa học trò nào được ông chia lại khẩu trang, mặn mà với hai tờ giấy bạc loại 200 đồng mà ông ráng tìm để đưa lại cho chúng.
Tương tự, tại Việt Nam, cho dù giấy bạc mệnh giá 500 đồng vẫn còn giá trị sử dụng nhưng lạm phát cũng khiến loại giấy bạc này thành của hiếm. Đó cũng là lý do khi chia lại hai khẩu trang cho người khác, con gái ông T tính với giá 4.000 đồng/cái. Theo… điều tra của "các cơ quan chức năng liên ngành" (Phòng Giáo dục và đào tạo và Quản lý thị trường) tại huyện Đầm Dơi thì cha con ông T đã "thu lợi bất chính" số tiền là… 8.000 đồng từ hành vi… "bán khẩu trang không đúng giá qui định".
Cần phải lưu ý, khoảng cách từ Đầm Dơi đến Cà Mau khoảng 60 cây số, cả đi lẫn về khoảng 120 cây số. Giá xăng tại Cà Mau là 19.220 đồng/lít. Tính cho tới khi bị điều tra, lập biên bản vì "bán khẩu trang không đúng giá qui định", khoản lợi… "bất chính" mà cha con ông T. đã… "hưởng" vẫn còn thiếu 1.610 đồng mới đủ để mua… nửa (1/2) lít xăng !
***
Tháng trước, từng có một scandal khác cũng liên quan đến quan hệ giữa giáo viên, học sinh và… khẩu trang. Ngày 6 tháng 2, bà L.T.P – Thủ thư trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phà Đánh tọa lạc tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đưa lên facebook những tấm ảnh chụp học sinh trường Phà Đánh phải dùng giấy để che mũi, miệng thay cho khẩu trang ! Những tấm ảnh không chỉ gây xúc động vì phơi bày sự thiếu thốn của trẻ con miền núi mà còn làm thiên hạ ái ngại về nỗ lực, khả năng phòng ngừa COVID – 19 tại Việt Nam.
Sau đó ông Nguyễn Quế Trường, Hiệu trưởng trường Phá Đánh, tiết lộ thêm, rất ít học sinh của trường Phà Đánh có khẩu trang y tế, hoặc khẩu trang vải để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19. Trường Phá Đánh từng cử người đi tìm mua khẩu trang cho học sinh nhưng các cửa hàng ở xã và trung tâm huyện không có, thành ra đa số học sinh đành phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang...
Câu chuyện vừa kể khiến Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An nổi giận. Lãnh đạo sở này đã… nhắc nhở Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn. Cũng vì vậy, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn đã triệu tập một hội đồng để xem xét – lựa chọn hình thức kỷ luật bà L.T.P và ông Trường. Cả hai bị phê bình trên phạm vi toàn huyện vì dù "có sao, nói vậy" nhưng "làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương và ngành, trái ngược với những gì huyện Kỳ Sơn cũng như ngành giáo dục đặc biệt quan tâm và chỉ đạo" (1).
Bị công chúng chỉ trích, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An – nơi từng "nhắc nhở" Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn phải có biện pháp đối với cô L.T.P và ông Trường – vội vàng phân bua rằng, việc Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn gửi thông báo kỷ luật cả hai đến các trường trong toàn huyện là sai. Tổ chức kiểm điểm để "phê bình" khác với phát hành thông báo kỷ luật nên Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn phải thu hồi thông báo vừa kể (2).
Tương tự, sau khi công chúng thi nhau nêu thắc mắc, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau nhấn mạnh : Đã yêu cầu Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi nhắc nhở thầy T. rút kinh nghiệm để tránh bị hiểu lẩm là giáo viên đầu cơ khẩu trang, kiếm lợi trong thời gian có dịch, chứ không kiểm điểm hay kỷ luật. Song Chủ tịch huyện Đầm Dơi không đồng tình, ông Chủ tịch huyện – người chỉ đạo… điều tra và xem xét kỷ luật ông T - vẫn khăng khăng : Việc nhỏ nhưng không ai cho phép bán khẩu trang (3) !
Giống như lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kỳ Sơn, lãnh đạo trường Phà Đánh, đứng giữa các làn đạn, lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi, lãnh đạo trường Nguyễn Huân chọn đi… hai hàng, không thừa nhận việc tổ chức kiểm điểm, xem xét kỷ luật ông T. là sai. Tuy nhiên vì ông T. "thành thật và cam kết không tái phạm" nên chỉ yêu cầu ông "rút kinh nghiệm". Việc kiểm điểm ông T. được cho là cần thiết vì cần xử lý để làm gương do chính phủ đã cấm bán khẩu trang quá giá quy định đã là thầy giáo phải chấp hành nghiêm những quy định pháp luật (4).
***
Ông N.H.T – người có 20 năm làm giáo viên – cũng như cô L.T.P và ông Nguyễn Quế Trường ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, không dám kêu oan ! Ông chỉ tâm sự là ông không ngủ được vì buồn. Sau khi báo chí loan tin, có người chửi, có người thương. Ai thương thì cảm ơn và ông không oán trách ai cả vì mình sai – không biết qui định, không biết giá qui định đối với khẩu trang, chia lại cho học sinh theo đề nghị của chúng - thì mình chịu thôi !
Khẩu trang khan hiếm, cả phụ huynh lẫn trường học không thể tìm được khẩu trang đúng quy cách, lũ trẻ phải tự phòng vệ bằng cách dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang là sự thật nhưng tường trình thì… "phản cảm". Dẫu cũng xác định khẩu trang là hàng hóa đặc biệt cần kiểm soát về giá nhưng Nam Hàn cấp phát miễn phí khẩu trang cho trẻ con và những người thu nhập thấp (5) còn Việt Nam thì không. Thậm chí chia lại cho những người có nhu cầu như ông N.H.T chia lại cho học trò của ông cũng có thể chuốc vạ !
Ngay cả những viên chức hữu trách ở vị trí thừa hành như lãnh đạo các Phòng Giáo dục ở huyện Kỳ Sơn, trường Phà Đánh, huyện Đàm Dơi, trường Nguyễn Huân cũng không biết đường đâu mà lần giữa đúng và sai. Phẩm giá của những đứa trẻ, của những người giữ vai trò chuyển – trao tri thức ở Kỳ Sơn (Nghệ An), ở Đầm Dơi (Cà Mau)... rõ ràng là rẻ nhưng so với nhận thức – cách hành xử của cấp trên, phẩm giá của những viên chức thừa hành cũng chẳng cao hơn là bao !
Nếu "phản cảm" chỉ đơn thuần là gây khó chịu, làm tổn thương cảm xúc của người khác, xét ở khía cạnh… "phản cảm", chuyện những đứa trẻ phải dùng giấy che mũi miệng thay khẩu trang, hay xin thầy chia lại khẩu trang, hoặc chuyện những giáo viên phải cúi đầu nhận tội, chuyện những viên chức trong ngành giáo dục bị phê bình vì để những người chuyển – trao tri thức chia sẻ những chuyện "mắt thấy, tai nghe"... có lẽ mức độ "phản cảm" thua xa những tuyên bố kiểu như : Với tất cả sự khiêm tốn của người cách mạng, có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như ngày nay (6)… Ai, nơi nào sẽ tổ chức kiểm điểm, nhắc nhở, phê bình ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/03/2020
Chú thích
(5) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&id=Po&Seq_Code=44688
*******************
Vụ thầy giáo bán khẩu trang cho học sinh ở Cà Mau : Cay đắng và chua chát
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 04/03/2020
Vụ xử lý thầy giáo bán khẩu trang cho học sinh ở Cà Mau đang vấp phải sự phản đối trong công luận. Nó không chỉ là việc thu "lợi" chưa đến 10 nghìn đồng mà động cơ mục đích của "thương vụ" cũng không rõ ràng.
Học sinh đeo khẩu trang lớp học trong mùa dịch Covi-19 - Ảnh minh họa
Tôi không tin thầy Nguyễn Văn Thanh mua khẩu trang để bán kiếm lời, "bóc lột" học sinh. Vì "vốn" thầy bỏ ra có 260 nghìn đồng và nếu bán hết thì thu "lời" cũng chỉ được 40 nghìn bạc (1,7 USD). Tuy nhiên, thầy mới bán được 20 cái "lời" chưa đến 10 nghìn đồng thì đã bị cả hệ thống chính trị ngành giáo dục huyện Đầm Dơi vào cuộc.
Yếu tố đấu tố và nâng quan điểm
Theo dõi vụ này thấy có mùi của đấu tố và nâng quan điểm.
Ai cũng biết đến đợt đấu tố địa chủ kinh hoàng thời cải cách ruộng đất. Sau đó, việc đấu tố vẫn tiếp tục diễn ra trong các cơ quan đơn vị tổ dân phố mỗi khi có ai đó được cho là mắc khuyết điểm. Những vụ đấu tố này dưới danh nghĩa tập thể góp ý cho cá nhân để tiến bộ. Trong mỗi buổi góp ý, "đối tượng" đều bị qui chụp, nâng quan điểm. Tôi cũng từng tham gia nhiều cuộc họp như vậy và cũng từng là nạn nhân của nó.
Một chiến sĩ đến bạn chơi ngày chủ nhật, ăn cơm ở đơn vị bạn bị nâng quan điểm là ăn vào xương máu của đồng đội. Một chiến sĩ đánh vỡ cái bát mượn của dân bị nâng quan điểm "ảnh hưởng đến hòa bình thế giới". Một học viên cưới vợ trong thời gian đi học nhưng vợ lại mang thai trước khi cưới cũng làm ảnh hưởng đến sức mạnh quân đội, "chưa cống hiến đã đòi hưởng thụ", v.v…
Thầy Nguyễn Văn Thanh có lẽ không gặp may khi bán khẩu trang vào giữa mùa dịch. Cuộc họp kiểm điểm thầy kết luận "Ông T. có vi phạm như trên là do nhận thức chưa đầy đủ việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của các cơ quan chức năng trong thời gian phòng chống dịch corona".
Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân điều tra có lẽ không kém ngành an ninh. Họ biết tường tận thầy Thanh mua về 2 hộp khẩu trang mỗi hộp 50 cái giá 130 nghìn đồng/hộp và đã kịp bán 20 cái. Họ còn phát hiện trong đó có 1 cái bán giá 4 nghìn đồng (do không có tiền lẻ trả lại). Bắt thầy Thanh khai ra được tỉ mỉ như thế, kể cũng giỏi.
Cuộc họp cũng kết luận : "Ông T. đã thành thật nhận vi phạm của mình và cam kết không tái phạm". Không nhận sao được khi đứng trước cả một hệ thống chính trị của nhà trường với đầy đủ thành phần : Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Giáo viên kiêm nhiệm Văn thư ?
Chuyện xem ra rất khôi hài.
Được biết lãnh đạo huyện Đầm Dơi cũng đã chỉ đạo phòng Giáo dục và đào tạo huyện kiểm điểm, xử lý vụ việc trên.
Thầy Thanh có trục lợi không ?
Nếu có hỏi, chưa chắc thầy Thanh đã dám nói thật mục đích mua khẩu trang của mình vì trong cuộc họp, thầy Thanh đã thành khẩn nhận khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Tuy nhiên rất khó có thể kết luận thầy mua khẩu trang về với mục đích bán kiếm lời bởi mấy lý do sau :
Thứ nhất là 40 nghìn tiền lãi (chưa tới 2 USD) không đủ hấp dẫn để thầy phải mua hàng tận Cà Mau, cách nơi ở 50 km. Cho dù là kết hợp chở con đi nữa, thì thầy mua về chỉ là để phục vụ các em học sinh mà thôi.
Thứ hai là về giá bán : Mỗi chiếc khẩu trang mua giá 2.600 đồng. Nếu thầy bán giá 2.600 đồng thì có ai có tiền lẻ để trả đúng 2.600 đồng không ? Rõ ràng điều này là không thể vì trong lưu thông người ta không dùng đến tiền mệnh giá dưới 1.000 đồng nữa.
Nếu thầy có bán giá 2.600 đồng thì chắc rằng người ta sẽ đưa cho thầy cả 3.000 đồng vì cả thầy lẫn người mua lấy đâu ra tiền lẻ mà trả lại. Vì vậy, thầy có lấy 3.000 đồng theo nguyên tắc làm tròn số "4 bỏ, 5 thêm" cũng là phải.
Trên thị trường hiện nay khó có thể mua khẩu trang với giá 3.000 đ/chiếc, cho dù là loại rẻ nhất. Đầu mùa dịch, nhà tôi đã phải mua với giá 5.000 đ/1 khẩu trang y tế. Sau đó còn phải mua đắt hơn hoặc không có mà mua.
Còn câu hỏi này tôi xin gửi đến ngành giáo dục huyện Đầm Dơi : Vậy khẩu trang thầy Thanh mua phải bán giá bao nhiêu thì đúng qui định ? Tôi dám chắc, không một nhà quản lý nào trả lời được vì khẩu trang không phải là mặt hàng nhà nước quản lý giá như xăng, điện mà giá do người bán qui định. Không có một biểu giá nào qui định cho mỗi loại khẩu trang trong mùa dịch này.
Còn nếu mua giá nào, bán giá đó thì đất nước này đã không có ngành thương nghiệp.
*
Một vụ việc con con, lại không có cơ sở để xử lý mà ầm ỹ ra cả nước, tôi thấy thật là cay đắng cho tình người, tình đồng nghiệp của ngành giáo dục huyện Đầm Dơi. Họ quá tàn nhẫn với đồng nghiệp. Có lẽ cũng do bệnh thành tích mà ra. Phải chăng họ muốn chứng tỏ rằng, mùa dịch này chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt ; rằng chúng tôi đã kịp thời chặn đứng một vụ gian thương lợi dụng dịch covid-19 để bóc lột học sinh, còn "đối tượng" đã thành khẩn nhận khuyết điểm và cam kết không tái phạm.
Cay đắng và chua chát làm sao.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 04/03/2020
*******************
Cái giá của 400 đồng bạc
Cánh Cò, RFA, 03/03/2020
Trong thế giới do cộng sản lãnh đạo hầu như không có việc gì lại không thể xảy ra. Tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của những người đầu óc không được lành lặn thì những câu chuyện đi ngược lại lương tâm nhân loại lại càng nhiều hơn những nước cộng sản anh em khác. Quá nhiều chuyện vừa khôi hài vừa đáng căm phẫn đã xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra chừng như thách thức sức chịu đựng của người dân.
Thầy Thanh đã bán 20 cái với giá 3.000 đồng một cái. So với giá vốn mỗi khẩu trang là 2.600 đồng một cái, thầy Thanh lời được 400 đồng một cái, tổng cộng là 8.000 đồng (0,35 cents USD).
Câu chuyện mới nhất tại Đầm Dơi, Cà Mau khiến người nghe không thể giữ im lặng. Nếu đứng trước mặt những nhân vật trong câu chuyện này người dân chắc không thể nào kiềm chế để chỉ tay vào mặt những kẻ lộng quyền và ngu dốt cho họ biết thế nào là con người và thế nào là thú vật.
Bởi tất cả bọn họ là con người nhưng cách hành xử không khác gì thú vật.
Đầu tháng 2/2020, giáo viên Nguyễn Văn Thanh dạy tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) đưa con lên Thành phố Cà Mau để nhập học. Trên đường về lại Đầm Dơi, thầy Thanh có ghé dọc đường mua hai hộp khẩu trang giá 130 nghìn đồng/hộp/50 cái. Khi về đến nhà một số học sinh ngỏ ý muốn thầy Thanh chia lại số khẩu trang này và thầy Thanh đã bán 20 cái với giá 3.000 đồng một cái. So với giá vốn mỗi khẩu trang là 2.600 đồng một cái, thầy Thanh lời được 400 đồng một cái tổng cộng là 8.000 đồng.
Tuy nhiên theo sự bày tỏ của thầy Thanh thì thầy không hề tính tới việc kiếm lời. Số tiển 400 đồng đáng lẽ phải thối lại thì lại không có tiến lẻ để thối và vì thấy số tiến 400 đồng quá nhỏ bé nên thầy giữ lại. Tuy nhiên số tiền đáng được gọi là nhỏ lẻ ấy lại làm cho thầy Nguyễn Văn Thanh thất điên bát đảo trong mấy ngày qua.
Trước tiên thầy bị quản lý thị trường áp tải về văn phòng ở đó hạnh họe rằng thầy không phải là pháp nhân có quyền mua bán khẩu trang y tế vì hiện đang xảy ra dịch Covid-19. Việc buôn bán khảu trang là sai nguyên tắc và thầy Thanh có biểu hiện đầu cơ, gian dối kinh doanh trái phép.
Tiếp theo đó là màn đấu tố thầy Thanh tại cơ quan làm việc. Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau dưới dự chủ trì của hiệu trưởng đã họp thống nhất kiểm điểm thầy Thanh đã bán khẩu trang y tế không đúng giá quy định. Kết quả, các thành viên dự họp nhận định thầy Thanh có vi phạm như trên, lý do nhận thức chưa đầy đủ về việc bán khẩu trang giá cao cho học sinh là sai quy định của cơ quan chức năng trong thời gian phòng, chống dịch cúm corona.
Ông Võ Lợi – Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đầm Dơi cho biết việc kiểm điểm thầy Thanh là đúng quy định.
Một bản quyết định kiểm điểm được gừi cho báo chí hy vọng các tờ báo lề phải sẽ tiếp tay đấu tố "nhà giáo đầu cơ" Nguyễn Văn Thanh nhưng hầu như không báo nào tiếp sức cho hành vi mất nhân tính này, ngược lại bản tin mang đến cộng đồng người đọc một luồng không khí nóng bức giữa cơn đại dịch.
Câu chuyện thầy giáo Thanh làm nhiều người nhớ lại thời gian sau giải phóng, lúc quản lý thị trường làm bá chủ khắp mọi miền đất nước. Đi bất cứ nơi đâu cũng thấy những kẻ mang chiếc băng vải màu đỏ trên tay kẻ bốn chữ Quản lý thị trường. Những khuôn mặt đầu trộm đuôi cướp từ hẻm hóc tăm tối trồi ra đường phố, vênh váo bắt giữ tất cả những ai mang trên mình bất cứ loại lương thực thực phẩm nào. Từ những ký thịt heo ở chợ đến từng ký gạo trắng từ miển Tây mang về Sài Gòn. Những hạt cà phê giấu trong người bị Quản lý thị trường xé tung vung vãi trên đường mặc cho người dân kêu la thảm khốc. Có người đã tự tử vì mất trắng số vốn nhỏ nhoi nuôi sống gia đình. Có người điên khùng lê lết tại những bến xe miệng lẩm bẩm nhắc tới món hàng bị Quản lý thị trường tịch thu. Những cơn ác mộng có tên Quản lý thị trường có lẽ nói không thể hết.
Hôm nay chúng lại xuất hiện trờ lại với khuôn mặt mới, có vẻ có "giáo dục" hơn, có "văn hóa" hơn vì những chiếc khẩu trang của thầy giáo Thanh không bị tịch thu, tuy nhiên bản chất vẫn y như cũ tức là cách đây hơn 40 năm : Thầy Thanh không bị tịch thu món hàng "quốc cấm" là những chiêc khẩu trang nhưng công ăn việc làm của thầy bị tịch thu. Hai chữ "tịch thu" không bao giờ được quên bởi những người vẫn mang chiếc băng vải màu đỏ kẻ 4 chữ Quản lý thị trường.
Nhưng Quản lý thị trường trong câu chuyện thầy giáo Thanh không phải là nhân vật chính. Nhân vật chủ yếu được nhắc nhở là tập thể giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Huân những người đưa tay bỏ phiếu "có tội" cho thầy giáo Thanh.
Họ là những người được học hành tử tế và nghề nghiệp của họ là hướng dẫn cho học sinh điều hay lẽ phải trước khi bước vào đời. Họ có thể bị áp lực từ Hiệu trưởng mới cam tâm cắt đứt nồi cơm của đồng nghiệp một cách lạnh lùng. Những giáo viên ấy hôm nay có lẽ đã nhận đủ gạch đá từ dư luận. Gia đình, con cái và thân nhân của họ có lẽ đã thấm thía thế nào là sự nhẫn tâm bắt đầu từ lá phiếu khiến một người đang an lành trờ nên cùng quẫn. Trong thâm tâm mỗi người trong bữa họp kiểm điểm thầy Thanh đều biết rằng thầy Thanh không đi buôn kiếm lời và số tiến 8.000 đồng nhỏ nhoi ấy không thể nuôi sống cho thầy dù chỉ một ngày ngắn ngủi.
Vậy mà cái đám đông có tên gọi là giáo viên ấy lạnh lùng cho rằng thầy Thanh đã vi phạm, tuy không xác định vi phạm điều gì một cách cụ thể nhưng cái đám đông hùa mị ấy đồng thanh luận tội một đồng nghiệp đáng thương chỉ để khoe rằng ta cũng có quyết định rất quan trọng cho một con người, cũng có nghĩa rằng ta cũng có quyền lực như ai.
Quyết định ấy không những chỉ giết chết con đường kiếm sống của thầy Thanh nó còn gián tiếp giết chết cái trường mang tên Nguyễn Huân tại Đầm Dơi cũng như những ngôi trường khác trên mảnh đất đầy phèn của xứ sở Cà Mau.
400 đồng bạc Việt Nam chỉ trong một đêm trở thành nổi tiếng với hệ thống tiển tệ thế giới. Tuy tại Việt Nam nó không mua được bất cứ món hàng gì nhưng nó lại mua được sinh mệnh của một nhà giáo, bất kể ông ấy có đi buôn khẩu trang hay không.
Rất nhiều người tiếc cho ông nhà giáo đã không dám lên tiếng phản bác những lời buộc tội đối với ông. Thế nhưng những người này quên rằng tuy bề mặt chỉ có quản lý thị trường và giáo viên trường Nguyễn Huân có công trong việc bôi bẩn thầy giáo Thanh nhưng bên dưới câu chuyện ấy là cả một giai đoạn lịch sử kéo dài từ khi cộng sản chiếm chính quyền cho tới nhà lao. Cướp chính quyền để có sức mạnh đàn áp, cướp nhà lao để có chỗ giam cầm người lên tiếng
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 03/03/2020 (canhco's blog)