Tuy tuần này tại Việt Nam có nhiều tin mới và… tốt liên quan đến việc phòng, chống Covid-19 nhưng vì nhiều lý do, niềm tin vào khả năng ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp mới của công chúng Việt Nam tiếp tục lung lay…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Photo QDND
***
Một trong những tin mới thuộc loại… tốt nhưng khiến công chúng chưng hửng là sự kiện ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông, ban hành một chỉ thị kêu gọi "toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam đoàn kết, chung tay, thể hiện trách nhiệm, năng lực và sứ mệnh dùng công nghệ để giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh" (1).
Nguyễn Tấn Thành lý giải, chỉ thị vừa kể chứng minh rõ ràng là "anh Hùng ‘nổ’ hơn anh Quảng". Cho dù chưa thể dự đoán, các doanh nghiệp công nghệ sẽ dùng lối nào để… "vào cuộc" như yêu cầu của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nhưng theo Nguyễn Tấn Thành : Dịch này là… cơ hội trăm năm có một, lẽ nào các doanh nghiệp công nghệ lại chịu ngồi im, không vẽ ra dự án để lấy tiền (2) !
Một tin mới khác cũng thuộc loại… tốt nhưng cũng làm công chúng hoang mang là tuyên bố của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý Khám - chữa bệnh của Bộ Y tế), rằng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ "chính thức vận hành, kết nối, hỗ trợ các đội phản ứng nhanh với tinh thần ‘đem chất xám xuống các tuyến huyện’ phân tuyến điều trị hợp lý, tránh tình trạng lây lan khi vận chuyển bệnh nhân" (3).
Kiểu ví von để đẩy mọi thứ thăng thiên như‘đem chất xám xuống các tuyến huyện’ khiến nhiều người như Phung Chi Kien buột miệng than dài : Ở xứ có Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, mọi thứ đều có thể thành trò cười (4)…
***
Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát, những tin mới như đã kể tuy… tốt, vẫn không… tốt bằng tin Việt Nam đã nghiên cứu thành công bộ thử nghiệm (test kit) Covid - 19 và sẽ sản xuất hàng loạt (5).
Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Mỹ đang đau đầu vì thiếu test kit để thử nghiệm, xác định nhanh, chính xác xem cá nhân nào đó có nhiễm Covid-19 hay không thì rõ ràng đây là tin… tốt nhất… thế giới !
Đó cũng là lý do Dương Quốc Chính cho rằng, đã đến lúc Việt Nam có thể… ngạo nghễ ! Facebooker này đã dùng những thông tin do chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam cung cấp để chứng minh : Thông thường, thiên hạ phải mất bốn năm để nghiên cứu về một loại test kit, Việt Nam chỉ mất… một tháng ! Các loại test kit để thử nghiệm Covid-19 khác (kể cả những loại do WHO cung cấp hoặc Mỹ sản xuất) phải chờ sáu tiếng mới có kết quả nhưng test kit do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất chỉ phải chờ hai tiếng. Mức độ chính xác của những loại test kit khác chỉ đạt từ 50% đến 70%, còn của Việt Nam là 100% ! Chưa kể vì có thể sản xuất đến 10.000 bộ/ngày nên Việt Nam có thể xuất cảng và chắc sắp giàu to...
Dương Quốc Chính dự đoán vì test kit dùng vào việc thử nghiệm Covid-19 luôn cho kết quả… 100% âm tính nên sẽ rất thuận lợi trong việc… dập dịch. Việt Nam sẽ nhanh chóng giải tán các khu cách ly vì các trường hợp… nghi nhiễm đều… âm tính !
Nhiều thân hữu của Dương Quốc Chính như Nguyen Dung… khen : Kết quả của test kit để thử nghiệm Covid-19 của Việt Nam còn mỹ mãn hơn cả… kết quả bầu cử ở Việt Nam, vốn chỉ hơn 90% và vì vậy chắc chắn sẽ… dập được dịch do… mạnh quá ! Sơn Lê cũng… hoan hỉ bày tỏ sự tự hào về đảng, chính phủ : Ơn đảng, ơn chính phủ ! Thế là Việt Nam chúng ta có thể giải cứu cả thế giới rồi (6) !
Bởi số người nhiễm Covid-19 và số người chết vì Covid-19 trên thế giới mỗi ngày một cao nhưng tại Việt Nam, những con số này vẫn là 0 (Việt Nam cho biết chỉ có 16 người nhiễm Covid-19 và cả 16 đều đã xuất viện) nên rất nhiều facebooker như Kim Van Chinh buộc phải… cho rằng : Covid-19 đến Việt Nam là lặn mất tăm. Nếu có bệnh hay chết cũng sẽ âm tính như chuyện vừa xảy ra với du khách Nhật (7).
Trường hợp du khách Nhật mà Kim Van Chinh đề cập đúng là hết sức lạ lùng. Du khách này đi từ Campuchia về Nhật bằng phi cơ của Vietnam Airlines. Khi quá cảnh ở Tân Sơn Nhất, Việt Nam đã kiểm tra và thấy ổn nhưng lúc ông ta đến Nagoya, Nhật thử nghiệm lại thì xác định ông ta đã nhiễm Covid-19. Sau khi nhận thông báo từ Nhật, Việt Nam mới cách ly phi hành đoàn và những người đã đồng hành với du khách đó (8).
Trong vài tuần gần đây, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam liên tục phủ nhận tin đồn Covid-19 là nguyên nhân làm một số người tử vong. Chẳng hạn ngày 5 tháng 3, chính quyền Cần Thơ khẳng định, người đàn ông bị ngất khi phi cơ chở ông từ Nam Hàn về Việt Nam vừa đáp xuống phi trường Trà Nóc hôm 4 tháng 3 tuy đã chết nhưng xét nghiệm cho kết quả âm tính với Covid-19 (9).
Rất nhiều người như Trung Tran đã đối chiếu sự kiện vừa nêu với những sự kiện khác để thắc mắc : Mới đây có một trường hợp tử vong ở Huế và chính quyền khẳng định, muốn biết có nhiễm Covid-19 hay không thì phải chờ ba ngày. Giờ, với trường hợp tử vong ở Cần Thơ, vừa được đưa vào bệnh viện buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau loan báo đã chết và xác định luôn là âm tính. Sao kỳ vậy (10) ?..
***
Những tin mới và… tốt không chỉ có chừng đó. Một tin mới khác là Việt Nam vừa tổ chức cho toàn bộ quân đội Diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Theo chính quyền đây là cuộc diễn tập quân sự đầu tiên và lớn nhất nhắm vào phòng, chống dịch bệnh (11).
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Việt Nam đang kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Y tế, nhận định, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò nòng cốt của quân đội, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Theo sau tin mới này là một tin mới khác : Dù cả hệ thống chính trị Việt Nam đã "vào cuộc" một cách "đồng bộ" và như lời ông Đam thì rõ ràng Việt Nam hơn xa Nam Hàn vì đã "chiến thắng chiến dịch mở màn" nhưng Nam Hàn lại không biết thân, biết phận, vẫn cử một Đội phản ứng nhanh đến Việt Nam để hỗ trợ cho các công dân Nam Hàn đang bị cách ly tại nhiều bệnh viện, trung tâm y tế, căn cứ quân sự ở Việt Nam.
Bởi Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết : Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp và giải quyết các yêu cầu của Hàn Quốc (12) - nên những người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam mới có những thắc mắc kiểu như Hong Nhung : Ủa, theo lý, để phòng - chống dịch, phải cách ly luôn đội này chứ. Đã vậy thì làm sao có thể đi qua, đi lại, đi tới, đi lui từ Nam tới Bắc để mà hỗ trợ này nọ (13) ?
Tin vừa kể dường như là một tin mới chưa… tốt và cũng vừa có thêm một vài tin mới không… tốt lắm, chẳng hạn toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộnhưng không hiểu tại sao bốn công dân Trung Quốc tuy không có hộ chiếu vẫn vào được Việt Nam để lánh dịch và có thể di chuyển tới tận Huế (14) ? Tuy đáng lo nhưng thôi thì đừng lo bởi những tin mới chưa… tốt sẽ sớm được chuyển hóa thành tin… tốt !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/03/2020
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3791454527533200&set=a.3750723071606346&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10158500049324095&set=a.10151371781404095&type=3&theater
(4) http://mnews.chinhphu.vn/Story.aspx ?did=388988
(5) http://dangcongsan.vn/khoa-giao/cong-bo-bo-kit-phat-hien-sars-cov-2-do-viet-nam-san-xuat-549719.html
(6) https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/1660091920810431
(7) https://www.facebook.com/kim.vanchinh/posts/2295908573845611
(10) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2411373908964301&id=100002751456427
(13) https://www.facebook.com/bocapiudui/posts/10158759960629381
******************
Doanh nghiệp Việt Nam cần ‘rút ra bài học’ từ dịch Covid-19
VOA tiếng Việt, 06/03/2020
Không bỏ tất cả trứng vào một rổ để trở nên quá phụ thuộc vào nhà cung cấp Trung Quốc là bài học quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải rút ra nếu họ có thể trụ lại được sau khi dịch Covid-19 đi qua, một nhà kinh tế từ trong nước nói với VOA.
Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc
Trong khi đó, một khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân của Việt Nam cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài đến 6 tháng thì ‘74% số doanh nghiệp trong nước sẽ phá sản’.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra hoành hoành ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay và hiện đang lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam lâm vào nguy ngập trên khắp các lĩnh vực từ buôn bán, sản xuất, xuất nhập khẩu cho đến du lịch.
‘Sắp cạn nguyên vật liệu’
Trao đổi với VOA, ông Lê Đăng Doanh, cựu thành viên Tổ tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ, cho biết hiện các doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn nguyên vật liệu để duy trì sản xuất ‘cho đến hết tháng 3’.
Phần lớn phụ tùng, phụ kiện phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam nhập từ Trung Quốc, ông Doanh cho biết. Chỉ riêng ngành dệt may, Trung Quốc chiếm đến ‘50-60% lượng nguyên vật liệu nhập vào Việt Nam’.
Sở dĩ có tình trạng phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam chọn các nhà cung cấp Trung Quốc là vì ‘họ hết sức linh hoạt, sẵn sang đáp ứng hết các nhu cầu thay đổi của ngành dệt may Việt Nam mà không tăng giá cũng như không đòi hỏi thêm điều kiện gì’.
"Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm nguồn nguyên phụ liệu từ các nước khác như Ấn Độ, Đài Loan, Bangladesh, Hàn Quốc," ông Doanh nói và thừa nhận rằng việc này ‘sẽ làm tăng chi phí lên nhiều cho các doanh nghiệp’.
"Nếu không có giải pháp kịp thời thì một số doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng cửa vào cuối tháng 3 khi mà nguồn nguyên vật liệu dự trữ đã cạn kiệt," ông nói.
"Các doanh nghiệp Việt Nam có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhà cung cấp Trung Quốc là điều dễ hiểu," ông nói thêm. "Nhưng do chỉ phụ thuộc vào một đối tác nên họ phải trả giá".
Do đó các doanh nghiệp ‘phải rút kinh nghiệm’ là ‘không bỏ trứng vào một rổ’ để khi có sự cố xảy ra thì sẽ không bị tác động quá mạnh, ông Doanh đề xuất.
Ông nói nếu dịch bệnh ở Trung Quốc có dấu hiệu thuyên giảm và các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại thì ‘sẽ là điều thuận lợi’ cho các doanh nghiệp Việt Nam vào lúc này. "Thiệt hại chỉ thật sự xuất hiện sau tháng Ba nếu nguồn cung ứng không được phục hồi. Các doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng sản xuất".
Về việc hạn chế nhập cảnh người dân đến từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Doanh nói : "Điều không may là 3 nền kinh tế có hợp tác chặt chẽ và có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
"Cho nên không thể có biện pháp cấm nhập cảnh đối với công dân các nước này vì họ đã đầu tư vào Việt Nam. Họ cần gửi công nhân, chuyên gia hay nhà quản lý đến làm việc ở Việt Nam," ông giải thích.
Ông Doanh chỉ ra việc sau Tết Nguyên đán có 10.000 công nhân Trung Quốc đã trở lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết đã được ‘Chính phủ Việt Nam có các biện pháp kiểm tra y tế và có biện pháp cách ly’.
"Biện pháp như vậy là hợp lý," ông nói.
‘Không lơi lỏng cảnh giác’
Khi được hỏi dịch Covid-19 sẽ có tác động như thế nào đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay, ông Doanh nói ‘sẽ không đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng từ 6,9 đến 7%’.
"Tăng trưởng có thể giảm 0,9 hoặc 1,5% tùy thuộc vào nỗ lực của Chính phủ và của các doanh nghiệp".
Trước câu hỏi có nên nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt vốn gây hại cho nền kinh tế hay không, ông Doanh trả lời : "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói rất rõ trong cuộc họp của Chính phủ là Chính phủ thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp và sẵn sàng chấp nhận những hy sinh về kinh tế để đảm bảo an toàn cho người dân".
Cho nên, theo ông thì tình hình lúc này vẫn chưa đủ khả quan để Việt Nam nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để cứu nền kinh tế. "Bài học là Hàn Quốc đã để dịch bệnh lây lan và giờ đây phải trả cái giá rất lớn," ông chỉ ra. "Tôi mong Việt Nam không đi theo vết xe đổ của Hàn Quốc".
Ông đề xuất là lúc này Việt Nam ‘vẫn phải tiếp tục theo dõi sát tình hình’ và cần có sự điều chỉnh nếu tình hình tiến triển tốt nhưng ‘tránh có những biện pháp đề phòng không đầy đủ để bảo vệ người dân’.
Theo khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân được báo mạng VnExpress dẫn lại thì ngoài 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, gần 30% doanh nghiệp mất từ 20 đến 50% doanh thu trong khi 60% doanh nghiệp mất hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng nhất, theo kết quả khảo sát, là du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
"Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, giáo dục không thể ứng phó kịp khi đồng loạt không có khách hàng, hay các cơ sở giáo dục ngoài công lập không có học sinh đến trường," báo cáo khảo sát được VnExpress dẫn lại cho biết.
Nếu các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc cho lao động nghỉ việc thì sẽ ‘gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành kinh tế’, theo khảo sát, vì hàng trăm nghìn người sẽ mất việc làm.